Họ ghé thuyền vào bãi nhỏ. Cát lấp lánh dưới mặt trời như những vảy mica. Vách đá bên phải và bên trái khép sát vào nhau tạo thành một góc nhọn, phần dưới của nó hõm sâu xuống thành một cái hốc nhỏ, được che bằng phần đá chìa ra của một cái mái đá đen.
Dưới mái ấy có một chiếc bàn con, trải khăn, trên mặt bàn là những chiếc đĩa đựng thức ăn bằng sữa và trái cây.
Trên một chiếc đĩa có một danh thiếp mang các dòng chữ sau đây:
“Hầu tước Talencay bạn ông d’Asteux của cô chào cô Aurélie! Chiều nay tôi mới có mặt được. Tôi xin lỗi là chỉ có thể bày tỏ được sự vui mừng của tôi đối với cô trong ngày hôm nay thôi”.
Aurélie nói:
– Thế là ông ấy đang chờ tôi.
– Đúng – Raoul nói. Cách đây bốn hôm tôi đã nói chuyện lâu với ông ấy. Trưa nay tôi sẽ dẫn cô đến.
Cô nhìn xung quanh. Một giá vẽ tựa vào vách đá dưới một tấm ván rộng chất đầy những tấm giấy vẽ, những bột màu và những hộp mực vẽ. Trên tấm ván có cả quần áo cũ. Trong góc còn có một chiếc võng. Trong cùng, hai phiến đá lớn ghép thành lò bếp, chắc người ta đốt lửa ở đấy vì vách đá đã đen xỉn và có một ống dẫn vào trong kẽ đá như một ống thoát khỏi.
– Có phải ông ấy ở đây không? Aurélie hỏi.
– Thường thế, nhất là về mùa này. Thời gian còn lại là ở làng Juvains nơi tôi đã tìm ra ông ấy. Nhưng bây giờ, ngày nào ông cũng đến đây. Ông là một ông già bản địa như ông ngoại quá cố của cô, có học vấn, rất nghệ sĩ, mặc dù ông vẽ không đẹp lắm. Ông sống độc thân, hơi giống một nhà ở ẩn. Ông săn bắn, đốn gỗ và xẻ gỗ, trông nom những người chăn gia súc và nuôi dưỡng tất cả những người nghèo khổ của vùng này trong phạm vi hai dặm, thuộc quyền sở hữu của ông.Thế là ông ấy đã chờ cô mười lăm năm ở đây, Aurélie ạ.
– Hay ít ra là ông đã chờ tôi đến tuổi trưởng thành.
– Đúng, do một sự thỏa thuận mà ông đã hứa với người bạn của ông là cụ Auleux. Tôi đã hỏi ông về chuyện ấy. Nhưng ông chỉ muốn hé lời với một mình cô thôi. Tôi đã phải kể cho ông toàn bộ cuộc sống của cô, tất cả những câu chuyện xảy ra trong thời gian gần đây và vì tôi đã hứa với ông sẽ dẫn cô đến nên ông đã giao cho tôi mượn chìa khóa của lãnh địa ông. Gặp cô, ông ấy vui lắm đấy.
– Thế tại sao ông lại không có ở đây?
Sự vắng mặt của hầu tước Talencay làm cho Raoul mỗi lúc một ngạc nhiên mặc dù không một lý do nào làm cho anh nghi ngờ về tầm quan trọng của nó. Dù sao thì anh cũng không muốn làm cho cô gái phải lo lắng. Anh đã vận dụng toàn bộ tài hùng biện, tính hồn nhiên của tâm trí để cho cô yên lòng suốt cả bữa ăn đầu tiên mà hai người cùng ngồi với nhau trong hoàn cảnh thấy lạ lùng và trong khung cảnh cũng rất đặc biệt.
Vẫn ân cần mà không để làm mếch lòng cô gái về những cử chỉ quá âu yếm, anh cảm thấy cô giữ một khoảng cách an toàn khi cô ở gần anh. Có lẽ cô đã nhận thấy anh không còn là kẻ đối địch khiến cô phải trốn chạy như buổi ban đầu nữa nhưng là bạn thì chưa phải. Anh chỉ muốn làm điều thiện đối với cô. Đã biết bao lần anh đã cứu cô! Đã bao lần cô đã phải ngạc nhiên chỉ trông chờ vào anh, chỉ thấy chính cuộc sống cùa cô phụ thuộc vào con người không quen biết này và hạnh pluíc của cô được vun đắp theo ý muốn của con người này.
Cô thì thầm:
– Tôi muốn cám ơn anh nhưng tôi không biết làm thế nào. Tôi mắc nợ anh nhiều quá, biết khi nào trả được.
Anh nói với cô:
– Cô hãy mỉm cười lên, cô gái mắt màu lục ạ và cô hãy nhìn vào tôi.
Cô mỉm cười nhìn anh. Anh nói:
– Cô chẳng còn nợ nần gì đâu.
Đến hai giờ bốn lăm phút, tiếng chuông lại bắt đầu rung lên và tiếng rì rầm ở nhà thờ lại âm vang vọng đến, dội vào góc của vách đá. Raoul giải thích:
– Điều ấy hoàn toàn lôgic và đấy là hiện tượng phổ biến trong toàn vùng. Khi gió từ đông bắc thổi xuống, thì có nghĩa là sự truyền âm từ Clermont – Ferrand lan ra và luồng gió đẩy những tiếng ầm ì ấy qua một con đường ngoằn ngoèo uốn khúc giữa những vách đá và đổ vào bề mặt của hồ nước. Đấy là tất nhiên và chính xác. Những tiếng chuông của tất cả các nhà thờ ở Clermont – Ferrand và tiếng rì rầm của giáo đường không thể khác là vang âm đến đây như lúc này chúng đang ca hát.
Cô gái lắc đầu:
– Không, không phải thế. Sự giải thích của anh không làm cho tôi hài lòng.
– Cô có cách giải thích khác không?
– Sự giải thích đúng cơ.
– Dựa vào đâu?
– Tôi tin chắc rằng anh dẫn tôi đến đây để tiếng chuông làm cho tôi hồi tưởng lại những ấn tượng trong thời thơ ấu của tôi.
– Vậy tôi có thể nói tất cả chứ?
– Anh có thể nói tất cả.
– Và tôi hoàn toàn thấy như thế – Raoul nói đùa – Ngay ở chỗ này cách đây mười lăm năm cũng giờ này cô đang ngủ.
– Nghĩa là thế nào?
– Mong cho mắt của cô lại nặng trĩu, vì cuộc sống của cô cách đây mười lăm năm lại bắt đầu tái hiện lại.
Aurélie không hề tránh né ý muốn của mình, đã nằm dài trên võng.
Raoul chăm chú theo dõi một lát ngoài cửa hang. Nhưng khi nhìn đồng hồ, anh sốt ruột. Ba giờ mười lăm rồi mà hầu tước Talencay vẫn chưa đến. Anh cáu kỉnh, tự nhủ:
– Rồi sau đấy sẽ ra sao? Sau đấy sẽ ra sao? Điều ấy chẳng có gì quan trọng.
– Có chứ. Nó quan trọng lắm. Anh biết như vậy. Có những trường hợp mà mọi điều đều quan trọng.
Anh trở vào hang, quan sát cô gái ngủ dưới sự che chở của anh. Anh muốn nói vài lời cảm ơn cô đã tin cậy anh, nhưng anh không thể. Sự lo lắng tăng lên trong tâm trí anh.
Anh vượt qua bãi cát hẹp và nhận thấy con thuyền mà anh đã kéo mũi ghếch lên trên cát, bây giờ đang lềnh bềnh cách bờ đến hai ba mét. Anh dùng một cái sào kéo nó vào và lúc này anh lại nhận thấy con thuyền khi đến đây chỉ có vài centimet nước ở trong, nay đã trên bờ, rồi nghĩ:
– Mẹ kiếp, chúng mình không chìm thì đúng là có phép lạ!
Không phải chỉ là chuyên rò rỉ thông thường thì dễ bịt lại, nhưng từ một tấm ván đáy thuyền hoàn toàn mục nát, người ta vừa mới áp vào đấy một mảnh ván và đóng giữ bằng bốn chiếc đinh sơ sài.
– Ai vừa làm việc này? Trước hết, Raoul nghĩ đến hầu tước Talencay. Nhưng với ý định như thế nào mà ông già lại làm như thế? Với lý do gì mà dám nghĩ là bạn của ông d’Asteux muốn gây nên tai họa ngay trong lúc cô gái được dẫn đến để gặp ông?
Nhưng một câu hỏi nữa lại đặt ra: Ông Talencay từ đâu đến, bằng cách nào khi ông không có thuyền? Chỉ có một con đường đất khởi đầu từ chính bãi cát này giáp giới với chỗ nhô ra của hai vách đá?
Raoul tìm kiếm. Không hề có một lối nào khả dĩ ở bên trái, chỗ nước tia ra từ hai nguồn nước. Thêm vào đấy là vật cản của đá hoa cương. Nhưng bên phải, ngay trước khi vách đá đâm vào trong hồ và thu hẹp bãi cát thì có hai chục bậc lên xuống khoét vào trong đá và từ đấy, ở sườn của bờ thành, một con đường nhỏ vươn lên, đúng hơn là một chỗ tự nhiên nhô ra một gờ hẹp đến nỗi phải bám vào chỗ gồ ghề của đá mà đu lên.
Raoul tiếp tục đi lên ở phía ấy nơi thỉnh thoảng, người ta đã phải dùng một móc sắt để móc vào mà leo lên khỏi rơi xuống. Và như vậy dù không được dễ dàng, anh cũng có thể lên được chỗ bằng trên cùng; và chắc rằng lối đi đã vòng qua được hồ nước và đi đến tận hẻm vực. Một cảnh đầy cây cối xanh tươi, lổn nhổn đá trải ra xung quanh. Hai người chăn cừu đi xa ra, đuổi đàn gia súc đến bức tường cao bao quanh dải đất rộng. Không thấy bóng dáng cao cao của hầu tước Talencay hiện ra ở đâu cả!
Raoul trở lại sau một giờ khảo sát tỉ mỉ. Nhưng suốt một giờ đồng hồ ấy, khi trở lại dưới chân vách đá, anh rất khó chịu nhận thấy nước đã dâng lên ngập những bậc tam cấp dưới cùng. Anh phải nhảy qua.
Với vẻ lo lắng, anh nói thầm: “Lạ thật!” Chắc là Aurélie đã nghe được tiếng anh. Cô chạy ra đón, anh sửng sốt dừng lại. Raoul hỏi:
– Có chuyện gì thế?
– Nước… cô nói – Nước dâng cao ghê! Chiều nay nó còn rất thấp phải không?…
– Quả thế.
– Anh giải thích như thế nào?
– Hiện tượng rất tự nhiên, như những cái chuông thôi.
Rồi anh nói đùa:
– Cái hồ chịu tác động của qui luật thủy triều như cô biết đấy, nó lên rồi nó lại xuống, cứ luân phiên như vậy.
– Nhưng bao giờ thì nước ròng?
– Trong một hai giờ nữa.
– Có nghĩa là nước lên đầy nửa hang?
– Phải. Đôi khi chính cái hang bị ngập đến ngấn đen kia trên đá hoa cương, dĩ nhiên đấy là mực nước cao nhất.
Giọng nói của Raoul lạc đi, khản đặc. Phía trên mực nước đầu tiên này lại có một ngấn nước khác ngang với trần hang, nơi họ đang trú, tại sao lại như thế. Có thể cho rằng ở cái thời kỳ nào đấy nước có lúc lên đến trần. Nhưng sau những hiện tượng đặc biệt, thiên tai bất thường thì sao?
“Mà không, không phải thế” – anh nghĩ, đã cứng rắn hẳn lên – Cứ giả thuyết theo cách ấy là hoàn toàn vô lý! Một thiên tai ư? Đã có như vậy hàng nghìn năm? Sự dao động của nước triều lên và nước triều xuống ư? Ta không thể tin được những điều tưởng tượng ra như thế. Điều ấy chỉ là một sự tình cờ, một sự kiện nhất thời… “
“Được. Cứ cho sự việc ấy là nhất thời đi, vậy cái gì sinh ra sự kiện thoảng qua ấy?
Những lập luận không cố ý ấy cứ tiếp tục ám ảnh anh. Anh nghĩ đến sự vắng mặt rất khó hiểu của Talencay, nghĩ đến những mối liên quan có thể có giữa sự vắng mặt này với sự đe dọa ngầm của một mối nguy nào đấy mà anh vẫn chưa hiểu được. Anh lại nghĩ đến con thuyền bị phá hủy.
– Sao trông anh có vẻ lơ đãng thế. Có chuyện gì thế anh? – Aurélie hỏi.
Anh nói:
– Thực ra thì tôi đã bắt đầu tin rằng chúng ta đang mất thì giờ ở đây. Vì bạn của ông cô không đến, chúng ta sẽ đi đón ông ấy. Cuộc trao đổi sẽ tiến hành trong ngôi nhà cuối làng Juvains. Nhưng làm thế nào để đi được? Con thuyền có lẽ không dùng được nữa rồi. Còn mỗi con đường bên phải rất khó đi đối với phụ nữ, nhưng dù sao cũng đi dược. Chỉ có điều phải chấp nhận là cô cứ để tôi giúp cô và tôi sẽ cõng cô nếu cần.
– Tại sao tôi lại không tự đi được?
– Làm sao để cho cô phải ướt? – anh nói – Thà cứ để cho một mình tôi lội nước cũng chẳng sao.
Anh đề nghị như thế mà chẳng có ẩn ý gì. Nhưng anh nhận thấy cô hoàn toàn đỏ mặt. Với ý nghĩ để cho anh cõng như trên con đường ở Beaucourt thì không thể chấp nhận được.
Họ im lặng, cả hai đều lúng túng.
Cô gái đã đứng trên mép hồ, nhúng tay xuống nước rồi nói nhỏ:
– Không… không… tôi không thể nào chịu được thứ nước lạnh giá này, tôi không thể.
Cô trở lại, anh theo sau và mười lăm phút trôi qua có vẻ rất dài đối với Raoul. Anh nói:
– Tôi van cô. Chúng ta đi thôi. Tình hình trở nên nguy hiểm lắm rồi.
Aurélie nghe theo và hai người rời khỏi hang. Nhưng ngay lúc ấy cô bám vào cổ anh. Có vật gì rít lên gần họ và một mảnh đá văng xuống xa xa một tiếng nổ vang lên.
Ngay tức khắc, Raoul đẩy Aurélie nằm xuống. Một viên đạn thứ hai rít lên làm sượt đá. Raoul nhanh chóng, đẩy cô gái vào phía trong, rồi lao lên như thể xung phong.
– Raoul! Raoul! Tôi cấm anh… Chúng sẽ giết anh mất…
Anh lại ôm lấy cô rồi cố đặt cô vào chỗ khuất. Nhưng lần này cô không buông anh ra, mà bám chặt và giữ anh lại.
– Tôi xin anh, hãy ở lại…
– Không – Raoul phản đối – Cô nhầm rồi, cần phải hành động.
– Tôi không muốn… Tôi không muốn thế…
Cô giữ anh lại bằng đôi tay run rẩy, rất sợ anh lại mang cô đi ngay, nên cô lại ôm ghì anh chặt hơn.
– Đừng sợ gì cả? – anh dịu dàng nói.
Aurélie nói nhỏ:
– Tôi chẳng sợ gì cả, nhưng chúng ta phải cùng ở lại… Những mối nguy hiểm ấy vẫn còn. Chúng ta không được rời nhau.
– Cô nói đúng, tôi không rời cô ra đâu – Raoul hứa.
Anh chỉ thò đầu ra để quan sát phía chân trời.
Một viên đạn thứ ba xuyên thủng một mảng đá đen trên mái.
Như vậy là họ bị vây hãm, không thể nhúc nhích được. Hai tên bắn súng trường khống chế ý muốn ra khỏi hang của họ. Hai tên bắn súng ấy, cứ theo hai cụm khói xoay tròn, tụ lại ở xa thì Raoul có thể xác định được vị trí của chúng. Hai tên kia hơi xa, chúng ở bờ phải, phía trên hẻm vực có nghĩa là cách xa họ chừng hai trăm năm mươi mét. Ở đấy, chúng chốt đúng chính diện, bao quát hồ nước suốt dọc chiều dài, nã vào góc hẹp ở bãi cát và có thể kiểm soát hầu như toàn bộ phía trong hang. Quả thật, cái hang hoàn toàn phơi ra trước tầm nhìn của chúng, trừ một chỗ thụt vào ở bên phải, ở đấy người ta phải ngồi xổm thấp xuống và trừ chỗ sâu nhất phía trên liếp lò nơi có hai tảng đá và được che khuất bởi cái vòm nhô ra của mái che.
Raoul cố gắng cười to:
– Kỳ lạ thật!
Sự phá lên cười của anh có vẻ như bất thình lình, đến nỗi Aurélie phải tự kiềm chế và Raoul nói tiếp.
– Chúng ta bị bao vây rồi. Chỉ một cử động nhỏ là có thể một viên đạn, và đường đạn buộc chúng ta phải nấp vào trong một hang chuột. Cô phải thừa nhận là sự phối hợp hết sức khéo.
– Ai chứ?
– Tôi nghĩ ngay đến ông hầu tước già… Nhưng không, không phải ông ấy, không thể là ông ấy được…
– Ông ấy bây giờ như thế nào rồi nhỉ?
– Có thể là bị bắt giữ rồi. Ông ấy đã rơi vào một cái bẫy nào đấy của chính những tên bao vây chúng ta đã chăng ra cho ông.
– Có nghĩa là thế nào?
– Hai tên địch thủ đáng gờm mà chúng ta không thể chờ đợi sự thương hại của chúng. Đấy là Jodot và Guillaume Ancivel.
Về điểm này, Raoul làm ra vẻ hết sức thành thật để giảm bớt ý nghĩ về hiểm họa thực sự đang lởn vởn trong đầu óc của Aurélie. Những cái tên: Jodot, Guillaume, những phát súng, tất cả những cái ấy không có gì đáng kể đối với Raoul so với sự tràn ngập của nước mỗi lúc một dâng lên cao mà những tên cướp chắc đã bố trí, coi là đồng minh đáng sợ của chúng.
– Nhưng tại sao lại có sự mai phục này – Aurélie hỏi.
– Vì kho báu – Raoul khẳng định. Anh còn hơn Aurélie tự mình đem ra những lời giải thích thực tế hơn – Tôi đã từng làm cho Marescal phải nhiều phen bất lực nhưng tôi không ngờ rằng lại có ngày phải chạm trán như thế này với Jodot và Guillaume. Chúng nó ở thế chủ động – Theo ý kiến của tôi, tôi không biết vì những âm mưu gì mà chúng lại tấn công bạn của ông ngoại cô, giam cầm ông, cướp bóc những giấy tờ và tài liệu mà ông định giao lại cho cô. Sáng hôm nay, những kẻ đối địch của chúng ta đã sẵn sàng để làm những việc này.
Nếu chúng không tiếp đón chúng ta bằng những phát súng khi chúng ta đi qua hẻm vực thì chính những người chăn dê thường lảng vảng trên bãi bằng đã đón chúng ta. Vả lại tại sao chúng lại vội vàng đến thế? Dĩ nhiên là chúng ta phải chờ ông già Talencay của chúng ta tin vào danh thiếp có mấy dòng chữ mà đây lại là chữ của một trong những tên cướp đã viết. Chính như vậy mà ở đây, chúng đã chăng bẫy ra cho chúng ta. Chúng ta vừa vượt qua hẻm vực thì những tấm cửa nặng nề của cống ngăn nước đóng lại và mực nước trong hồ dâng lên do hai thác nước đổ vào sẽ dâng lên cao mà trước đây bốn năm giờ nó không thể cao như vạy. Nhưng khi ấy những người chăn dê trở về làng thì hồ nước trở nên vắng vẻ hơn và đẹp hơn những trường bắn. Con thuyền đã bị thủng và những viên đạn ngăn cản những người bị vây hãm không thể đi ra và chạy trốn được. Và thế thì làm sao mà Raoul de Limezy đã để cho bị đánh lừa như một anh Marescal tầm thường vậy.
Đây là một giọng nói bông lơn vô tình mà anh trêu đùa chơi khăm hắn.
Aurélie suýt bật cười về cử chỉ ấy.
Anh đã châm một điếu thuốc lá rồi giơ ra, cuối ngón tay của anh để cho que diêm bốc lửa.
Có hai tiếng nổ trên bãi đất bằng, rồi tiếp theo đấy là tiếng nổ thứ ba, rồi thứ tư. Nhưng những viên đạn không trúng đích.
Tuy nhiên, nước tiếp tục dâng lên rất nhanh. Bãi cát đã trở thành một cái vũng. Nước đã tràn bờ và bây giờ trườn lên bằng những đợt sóng nhỏ trên bãi đất trống và đã ngập lối vào hang.
– Chúng ta sẽ được an toàn hơn nếu leo lên hai phiến đá của lò bếp.
Hai người nhảy nhanh lên đấy. Raoul đặt Aurélie lên võng rồi anh chạy vội đến bàn, tuồn tất cả những gì còn lại sau bữa cơm trưa vào một chiếc khăn ăn và đặt lên tấm ván trên giá vẽ. Những viên đạn lại tóe ra.
Anh nói:
– Quá muộn rồi, chúng ta không có gì phải sợ. Hãy kiên nhẫ một chút rồi chúng ta sẽ ra khỏi đây. Kế hoạch của tôi ư? Cứ nghỉ và ăn uống đã. Chờ tối đến. Rồi sau đấy tôi sẽ cõng cô đến tận con đường mòn ở vách đá. Cái mạnh của địch thủ là ban ngày. Nhờ có ban ngày chúng mới phong tỏa được chúng ta. Đêm tối là cứu tinh của chúng ta mà lị.
– Đúng, nhưng trong lúc này nước đang lên – Aurclie nói. – Ta chỉ cần một giờ đồng hồ trước khi trời tối là đủ.
– Rồi sau đấy thì sao? Để thoát được, tôi còn phải một phen lội nước nữa đến nửa người.
Điều ấy thật đơn giản. Nhưng Raoul biết quá rõ tất cả những thiếu sót trong kế hoạch của mình. Trước khi mặt trời lặn sau đỉnh núi thì vẫn còn một giờ rưỡi hoặc hai giờ nữa trời vẫn còn sáng. Vả lại, kẻ thù sẽ dần dần đến gần, đã phục sẵn trên con đường mòn và làm sao Raoul có thể đến sát đấy để mở được lối đi?
Aurélie ngần ngại tự hỏi mình phải tin như thế nào. Tuy không muốn, đôi mắt của cô cũng dán chặt vào những điểm mốc để theo dõi mực nước lên đến đâu và thỉnh thoảng cô lại run lên. Nhưng sự bình tĩnh của Raoul đã có tác dụng rất nhiều đến cô.
Cô thì thầm:
– Anh sẽ cứu được chúng ta. Tôi chắc chắn như thế.
Raoul vẫn giữ thái độ vui đùa:
– Đúng vậy, cô tin như thế à?
– Vâng, tôi tin. Một hôm, anh đã nói với tôi anh còn nhớ không… Khi xem những đường chỉ trên bàn tay của tôi, anh nói rằng tôi phải coi chừng sự nguy hiểm của nước. Điều đoán trước của anh đã đúng… Nhưng tôi lại chẳng sợ gì cả, vì anh có thể hoàn toàn… làm được những điều kỳ diệu.
– Những điều kỳ diệu? Raoul tìm tất cả mọi cơ hội để làm cho cô yên tâm bằng những lời nói vô tư của mình – Không, chẳng có gì là kỳ diệu. Tôi chỉ suy luận và hành động tùy theo hoàn cảnh. Vì rằng tôi đã không bao giờ hỏi cô về những kỷ niệm thời thơ ấu của cô, nhưng tôi đã dẫn cô đến đây, giữa những cảnh vật mà cô đã ngắm nhìn đấy, nên cô lại coi tôi như một loại phù thủy… Nhầm to! Tất cả những điều ấy là do tôi lập luận và suy xét và tôi có sẵn những chỉ dẫn chính xác hơn những người khác. Jodot và những tòng phạm của hắn cũng biết cái chai và cũng như tôi đã đọc được công thức thứ Nước Jouvence ghi trên đấy.
“Chúng ta đã rút ra được điều chỉ dẫn gì? Chẳng có điều gì cả. Tôi đã tìm hiểu và tôi đã thấy hầu như toàn bộ công thức trình bày rất chính xác, trừ có môt dòng, sự phân tích của nước ở Royat, một trong những trạm nước khoáng chủ yếu ở Auvergne. Tôi tham khảo các bản đồ Auvergne và trong bản đồ tôi thấy có làng và hồ nước Juvains Juvains dĩ nhiên là từ viết gọn lại của chữ La Tinh Juventia có nghĩa là Jouvence. Tôi biết rõ điều ấy. Trong một giờ đi dạo và chuyện trò ở Juvains tôi biết là ông già Talencay, hầu tước ở Carabas của tất cả vùng này, của vùng có thể là trung tâm của cuộc phiêu lưu; tôi đến gặp ông già với danh nghĩa là cô phái tôi đến. Khi ông tiết lộ cho tôi biết xưa kia cô đã đến đấy vào ngày chủ nhật và thứ hai của Lễ Quy Thiên, tức là ngày mười bốn và mười lăm tháng tám, nên tôi đã chuẩn bị cho cuộc thám hiểm của chúng ta vào ngày hôm nay. Đúng là gió thổi từ phương bắc xuống như ngày xưa kéo theo tiếng chuông ngân. Và đấy là một điều kỳ diệu, cô gái mắt màu lục ạ”.
Nhưng những lời nói ấy chưa đủ để làm cho người bạn gái của anh chú ý. Sau một lát, Aurélie thì thầm:
– Nước lên… Nước lên… làm ngập hai phiến đá và làm ướt giầy của anh kìa.
Anh nhấc một phiến đá đặt chồng lên phiến kia cho cao, rồi tì hai khuỷu tay lên dây võng, vẫn với thái độ thư thái, anh lại nói chuyện, vì anh sợ sự im lặng của cô gái. Nhưng, trong thâm tâm của anh, khi nói lên những lời để trấn an, anh lại đề cập đến những lý lẽ khác và những nhận xét khác với thực tại khắt khe mà anh hốt hoảng nhận thấy sự đe dọa đang tăng dần lên.
Chuyện gì đã xảy ra? Làm thế nào để dự kiến được toàn bộ tình hình? Theo các thủ đoạn của Jodot và Guillaume thực hiện thì mực nước đang dâng lên. Đúng. Nhưng hai tên cướp chỉ lợi dụng một tình trạng đã có sẵn như vậy từ xa xưa. Song, người ta có thể giả thiết rằng hiện những kẻ có thể đã làm cho mực nước dâng lên với những lý do bí mật (dù những lý do ấy chưa hẳn phong tỏa được hoặc làm chết được những người đang ở trong hang) thì cũng có thể làm cho mực nước hạ xuống được không? Việc đóng các cửa cống ngăn bằng hệ thống máy móc không nhìn thấy chắc là để điều tiết lượng nước tràn qua một ống thoát để nước rút xuống và hồ cạn theo những tình tiết nhất định. Nhưng tìm ống nước tràn ở đâu? Tìm máy ở đâu và cách vận hành như thế nào?
Raoul không phải là hạng người bất lực, bó tay chờ chết. Nhất định anh phải lao vào kẻ thù mặc dù có nhiều chướng ngại, hoặc là anh phải bơi thẳng đến cống ngăn. Nhưng nếu một viên đạn bắn trúng anh và nếu sự giá lạnh của nước làm tê liệt mọi cố gắng của anh thì Aurélie sẽ như thế nào?
Hết sức chú ý, anh che giấu sự lo lắng trong ý nghĩ của mình trước đôi mắt của Aurélie. Cô gái không thể không biết điều ấy qua giọng nói lạc tiếng hay qua những lúc lặng thinh chất chứa một nỗi lo âu mà cô cảm thấy. Bỗng nhiên Aurélie nói với anh như chính cô cũng tràn đầy mối lo ấy, làm cho cô phải dằn vặt:
– Tôi yêu cầu anh, anh hãy trả lời đi, tôi yêu cầu anh: tôi muốn biết sự thật hơn, có phải chẳng còn hy vọng gì nữa phải không?
– Sao! Nhưng trời sắp tối rồi…
– Còn lâu lắm… Nhưng khi trời tối, chúng ta cũng chẳng đi được nữa đâu.
– Tại sao?
– Tôi không biết. Nhưng tôi có cảm giác là tất cả đã kết thúc, và anh biết rồi đấy.
Anh cương quyết nói:
– Không… Không… Hiểm họa rất lớn nhưng còn xa. Chúng ta sẽ thoát được nếu chúng ta không để mất bình tĩnh trong một giây nào. Tất cả là ở đấy cần phải suy nghĩ và hiểu thấu đáo. Khi tôi đã hiểu tất cả, tôi tin chắc là sẽ còn có thì giờ hành động. Nhưng…
– Nhưng.
– Cần phải giúp tôi. Để hoàn toàn hiểu được, tôi cần có những sự nhớ lại của cô, tất cả những hồi ức của cô.
Giọng nói của Raoul khẩn thiết. Anh nồng nhiệt nói tiếp.
– Vâng, tôi biết cô đã hứa với mẹ cô là cô chỉ tiết lộ với người cô yêu dấu. Nhưng cái chết là một lý do còn mạnh hơn tình yêu và nếu cô không yêu tôi thì tôi yêu cô như mẹ cô đã có thể mong ước. Cô hãy thứ lỗi cho tôi là tôi đã nói ra điều ấy mặc dù lời thề mà tôi đã nói với cô là… Nhưng có những giờ phút mà người ta không thể im lặng được nữa. Tôi yêu cô… Tôi yêu cô và tôi muốn cứu cô… tôi yêu cô… Tôi không chịu được sự im lặng của cô, nó sẽ là một tội ác chống lại cô. Cô hãy trả lời đi. Vài ba lời sẽ có thể đủ cho tôi được sáng tỏ.
Aurélie thì thào:
– Anh cứ hỏi đi.
Anh nói ngay:
– Chuyện gì xảy ra ngày xưa sau khi cô đến đây với mẹ cô? Cô đã trông thấy phong cảnh nào? Ông cô và bạn của ông cô đã đưa cô đến đâu?
– Không đâu cả – cô khẳng định – tôi chắc rằng tôi đã ngủ ở đây, đúng, trên một cái võng như hôm nay… Người ta nói chuyện xung quanh tôi. Hai người hút thuốc lá. Đấy là những kỷ niệm mà tôi đã quên và tôi đang thấy lại. Tôi nhớ lại mùi khói thuốc lá và tiếng mở nút chai. Thế rồi… Thế rồi… tôi không ngủ nữa… người ta đã cho tôi ăn… Bên ngoài, trời nắng…
– Nắng à?
– Phải, nhưng chắc là ngày hôm sau.
– Ngày hôm sau? Cô chắc chứ? Tất cả là ở đấy trong chi tiết ấy đấy!
– Vâng, tôi chắc như thế. Ngày hôm sau, tôi thức dậy ở nơi này, bên ngoài trời nắng. Nhưng, thế là… tất cả đã thay đổi… Tôi thấy mình còn ở đây nhưng đấy là nơi khác. Tôi vừa thoáng thấy những tảng đá, nhưng chúng không còn nguyên ở chỗ cũ nữa.
– Sao? Chúng không còn ở chỗ cũ à?
– Không, nước không còn chảy tràn ra xung quanh chúng.
– Nước không còn chảy tràn xung quanh chúng nữa nhưng khi ấy cô đã ra khỏi hang này chứ?
– Tôi đã ra khỏi hang này. Vâng, ông ngoại tôi bước trước chúng tôi. Mẹ tôi dắt tay tôi. Có cái gì trơn tuột dưới chân chúng tôi. Xung quanh chúng tôi có những thứ như nhà cửa… như những tàn tích đổ nát… Thế rồi lại những tiếng chuông… chính những tiếng chuông ấy mà tôi vẫn nghe…
– Đúng đấy… Rất đúng… – Raoul nói nhỏ. Tất cả phù hợp với những điều mà tôi gỉả thiết. Không thể nghi ngờ gì nữa.
Một sự im lặng nặng nề bao trùm lên họ. Nước vỗ lạp rạp nghe thê thảm buồn tênh. Bàn, giá vẽ, sách vở và ghế nổi lềnh bềnh. Anh phải ngồi lên đầu mút võng, khom người để khỏi đụng phải trần đá hoa cương.
Bên ngoài, bóng tối hòa lẫn với ánh sáng yếu ớt. Nhưng bóng tối mà làm gì nếu nó dày đặc như vậy? Nó chẳng phục vụ được gì cho anh cả. Phải hành động ra sao?
Anh vẫn khư khư giữ ý định của mình một cách tuyệt vọng, cố tìm ra giải pháp. Aurélie hơi nhổm người dậy. Với đôi mắt dịu dàng, trìu mến ấy anh đã đoán được chúng muốn nói lên điều gì. Cô gái đã nắm lấy bàn tay anh, cúi xuống và hôn lên trên đấy.
– Trời! Trời – Raoul cuống cuồng nói – Cô làm gì thế?
Aurélie nói nhỏ:
– Em yêu anh.
Đôi mắt màu lục bừng sáng trong cái tranh tối tranh sáng ấy. Raoul nghe rõ từng nhịp đập của trái tim cô gái. Anh chưa bao giờ cảm thấy một niềm vui như thế.
Cô gái lại dịu dàng nói, hai cánh tay của cô ôm choàng lấy cổ Raoul.
– Em yêu anh. Anh thấy không, Raoul. Đấy là điều bí mật lớn nhất và duy nhất của em. Người khác không làm cho em quan tâm. Nhưng với anh, đấy là toàn bộ cuộc đời của em, là toàn bộ linh hồn của em? Em đã yêu anh ngay dù em không biết anh ngay cả trước khi gặp anh… em đã yêu anh trong đêm tối tăm ấy và chính vì cái ấy mà em đã từng ghét anh.
Vâng, em đã xấu hổ… Khi ấy đôi môi của anh đã hôn em, ở nơi ấy, trên con đường ở Beaucourt. Em đã cảm thấy có điều gì đấy mà em không biết và đã làm cho em khiếp sợ. Vui thú biết bao, hạnh phúc biết bao trong cái đêm tồi tệ ấy và do một người đàn ông xa lạ! Tận trong đáy lòng, em có cảm giác ngọt ngào và phẫn nộ khi em thuộc về anh… và khi anh chỉ muốn làm cho em là nô lệ của anh. Nếu ngay khi ấy em đã trốn chạy khỏi anh là chính vì vậy. Anh Raoul, không phải vì em căm ghét anh, nhưng vì em quá yêu anh và vì em rất sợ anh. Em rất ngượng ngùng về thái độ bối rối của em… em đã không muốn gặp anh nữa, bằng bất cứ giá nào, thế nhưng em chỉ nghĩ đến anh… Nếu như em có thể chịu đựng được sự ghê sợ của cái đêm hôm ấy và của tất cả những sự dằn vặt tồi tệ tiếp theo, đấy là vì anh, vì anh mà em trốn chạy và anh lại trở lại trong những giờ phút nguy hiểm clìẠp. Thâm tâm em, luôn luôn mong muốn anh trở lại và mỗi lần như vậy em lại yêu, tin ở anh hơn. Raoul anh hãy ôm em thật chặt di. Raoul, em yêu anh!
Anh siết chặt cô bằng tình yêu tha thiết pha lẫn nỗi đau đớn. Tìr đáy lòng, anh không bao giờ nghi ngờ tình yêu ấy mà sự cháy bỏng của nụ hôn đầu tiên đã bộc lộ cho anh thấy và, cứ mỗi lần hai người gặp nhau nó lại được thể hiện rõ nét bởi sự sợ hãi mà anh có thể đoán được lý do sâu kín. Nhưng anh lại sợ hạnh phúc cả khi anh đã cảm nhận được nó. Những lời dịu dàng của cô gái, sự vuốt ve của hơi thở mát mẻ của cô đã làm cho anh đê mê đờ đẫn. Ý chí không thể khuất phục của cuộc đấu tranh trong con người anh đã làm cho anh kiệt sức.
Aurélie đã cảm giác được sự mệt mỏi, kín đáo của anh và cô đã kéo anh lại gần cô hơn.
– Raoul, chúng ta đành cam chịu. Chúng ta hãy chấp nhận điều không thể tránh khỏi. Em không sợ phải chết cùng anh. Nhưng em muốn cái chết đến bất thần với em khi em đang ở trong vòng tay của anh… miệng của em đang trên miệng của anh, Raoul ạ. Không bao giờ cuộc sống còn cho chúng ta hưởng hạnh phúc nữa rồi.
Hai tay của cô quàng chặt lấy cổ của anh như một cái vòng không thể tháo ra được. Dần dần đầu của cô ghé sát vào đầu của anh.
Nhưng anh đã cưỡng lại. Hôn lên đôi môi mời mọc ấy, như vậy là chấp nhận sự thất bại và như cô đã nói là cam chịu điều không thể tránh khỏi nên anh không muốn. Tất cả bản chất tự nhiên của anh trỗi dậy chống lại trước một điều hèn nhát như thế! Nhưng Aurélie cầu khẩn anh, ấp úng những lời nhỏ nhẻ:
– Em yêu anh… anh không nên từ chối điều ắt phải xảy ra… em yêu anh… em yêu anh ngàn lần.
Môi của họ gắn vào nhau. Anh tận hưởng sự ngọt ngào của một nụ hôn với niềm hăng say của cuộc sống và niềm khoái lạc kinh khủng của cái màn đêm trùm xuống hai người mỗi lúc một nhanh hơn, dường như khi họ rời nhau ra trong vị ngọt ngào của sự vuốt ve mơn trớn thì nước lại tiếp tục dâng lên.
Họ cảm thấy không thoát khỏi nguy biến, Raoul khổ tâm, đột ngột dứt ra với ý nghĩ là người con gái xinh đẹp ấy mà bao lần anh đã cưu mang, cứu thoát sắp phải chết đuối làm cho anh hết sức mủi lòng, nghẹt thở. ý nghĩ ấy đang bóp chết tâm can anh, giày vò anh đến kinh khủng.
– Không, không – anh kêu lên… Điều ấy sẽ không xảy ra… Cái chết sẽ đến với em ư?… Không… anh biết anh sẽ phải chặn đứng điều ô nhục ấy.
Aurélie định giữ anh lại. Anh cầm lấy cổ tay cô và bằng một giọng thảm thương, ai oán, cô đã năn nỉ anh:
– Em xin anh, em xin anh… anh định làm gì?
– Anh phải cứu em… cứu cả anh.
– Quá muộn rồi!
– Quá muộn ư? Nhưng đêm đã đổ xuống! Thế nào, anh không còn nhìn thấy đôi mắt thân thương của em… không còn nhìn thấy cặp môi tươi thắm của em… và anh sẽ không hành động!
– Nhưng bằng cách nào?
– Có phải anh không biết ư? Điều chủ yếu là phải hành động. Dù sao anh cũng đã già dặn hơn… Tất nhiên cần phải có những cách đã tĩnh trước để chủ động khi có kết quả của cống ngăn nước đã đóng lại. Chắc ở đấy phải có những cánh van, nước mới rút nhanh được, anh cần phải đi tìm cho bằng được…
Aurélie không nghe anh nói và rên rỉ:
– Em xin anh… anh sẽ để em lại một mình trong đêm tối dễ sợ này ư? Anh Raoul của em? Em rất sợ.
– Không, vì em không sợ chết, vì em cũng không sợ sống… sống hai giờ nữa. Nước không thể dâng lên đến chỗ em trước hai giờ nữa. Và anh sẽ có mặt ở đấy, anh thề với em, Aurélie ạ, anh sẽ có mặt ở đây, dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa… để nói với em rằng em sẽ được cứu thoát… hoặc để chết cùng em.
Dần dần anh đã tìm cách thoát được vòng tay của Aurélie. Anh cúi sát xuống gần cô, tha thiết nói với cô rằng:
– Em yêu dấu, em hãy tin ở anh. Em biết rằng anh không bao giờ không làm tròn nhiệm vụ. Ngay khi anh thành công, anh sẽ báo tín hiệu cho em… bằng hai tiếng còi… hay tiếng nổ… Nhưng ngay khi em có cảm thấy nước làm em tê buốt, em vẫn hãy tin tuyệt đối ở anh.
Cô gái rủ xuống kiệt sức:
– Nếu anh muốn thì anh cứ đi đi.
– Em không sợ chứ?
– Không, vì anh không muốn như thế.
Anh cởi áo khoác ngoài, áo gi lê và giầy, liếc nhìn vào mặt đồng hồ dạ quang, rồi nhảy xuống nước.
Bên ngoài, trời tối đen. Anh không có một thứ vũ khí nào, không có một chỉ dẫn nào cả.
Lúc ấy đã tám giờ tối.