Hòn Đảo Ba Mươi Chiếc Quan Tài

CHƯƠNG 18: TẢNG ĐÁ DIỆU KỲ



Tàu ngầm “Cái Nút Pha Lê” lướt nhanh trên mặt biển. Bá tước Luy đang nói chuyện với những người ngồi xung quanh là giáo sư Xtêpan, đại úy Patơrixơ và cả con chó Vạn Sự Tốt Lành nữa. Ông nói:
– Không có tên vô lại nào lại như cái tên Voócki này! Tôi đã biết rất nhiều loại ác quỉ nhưng chưa thấy tên nào như hắn.
– Vậy thì trường hợp này… – Patơrixơ Benvan tỏ ý không tán thành.
– Trường hợp thế nào hả ông? – Bá tước Luy nhắc lại.
– Ta vẫn còn nhớ những điều ông vừa nói. Ông bắt được một con ác quỷ rồi ông lại thả nó ra! Tôi chưa nói như thế là không hợp đạo lý… Chỉ yêu cầu ông nghĩ đến những tội ác mà rồi đây con ác quỷ có thể lại gây ra. Điều đó tôi cho là khó tránh, rõ ràng là một gánh nặng mà trách nhiệm ông phải gánh!
– Ông có nghĩ như thế không, ông Xtêpan? – Bá tước hỏi.
– Tôi chưa biết mình phải nghĩ thế nào cho đúng – Xtêpan trả lời – Vì rằng để giải cứu cho Phơrăngxoa, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận những điều nhượng bộ. Nhưng không sao…
– Không sao? Ông muốn nói đến một giải pháp khác ư?
– Tôi thừa nhận. Vì chừng nào con người đó còn sống và được tự do thì bà Vêrôních Đecgơmông cùng con trai của bà còn phải lo âu vì hắn.
– Nhưng theo các ông thì nên giải quyết thế nào? Riêng tôi để giải thoát cho Phơrăngxoa càng nhanh càng tốt, tôi đã hứa sẽ để cho hắn tự do. Hay là các ông muốn tôi chỉ hứa cho hắn được sống rồi sau đó sẽ đưa hắn ra tòa?
– Đúng, ông có thể làm như vậy – Đại úy Benvan nói.
– Được. Theo cách giải quyết đó, cơ quan luật pháp sẽ tiến hành việc thẩm cứu, sẽ điều tra căn cước của các đương sự, và như thế có nghĩa là làm sống lại người chồng của Vêrôních Đecgơmông và người bố của Phơrăngxoa. Các ông có muốn thế không?
– Không, không – Xtêpan vội vàng phản đôi.
– Thực vậy – Patơrixơ Benvan thừa nhận, vẻ hơi bối rối – Giải pháp đó chưa phải là tốt nhất. Nhưng điều làm tôi băn khoăn chính là ông, bá tước Luy đã không tìm được giải pháp tốt nhất để có thể thỏa mãn được tất cả chúng ta.
– Muốn thỏa mãn được tất cả mọi người thì chỉ có một giải pháp mà thôi – bá tước Luy tuyên bố – Dứt khoát chỉ có một.
– Giải pháp gì?
– Cái chết.
Mọi người im lặng.
Bá tước Luy lại nói:
– Thưa các bạn, việc chúng ta định đưa nhau ra tòa cũng không phải là đơn giản. Cũng không phải là những cuộc tranh luận của chúng ta chấm dứt mà vai trò phân xử của chúng ta đã hết. Vai trò ấy vẫn tiếp tục và tòa án không phải mở phiên xét xử. Tôi xin hỏi và đề nghị các ông thẳng thắn cho biết ý kiến: Các ông có cho là Voócki đáng tội chết không?
– Có – Patơrixơ Benvan khẳng định.
Xtêpan cũng hưởng ứng:
– Có chứ, không chút nghi ngờ!
– Các bạn của tôi ạ – bá tước Luy nói – câu trả lời của các bạn chưa được nghiêm chỉnh cho lắm. Các bạn hãy diễn dạt nó theo đúng thể thức và bằng tất cả thực tâm của mình như các bạn đang đứng trước mặt kẻ tội phạm… Tôi nhắc lại câu hỏi: Voócki xứng đáng với hình phạt nào?
Cả hai người đều giơ tay và nói:
‘Tội chết!
Bá tước Luy huýt một tiếng còi. Một người Marôc chạy đến.
– Mang cho tôi hai chiếc ống nhòm, anh Hagi! Người nhân viên Marốc mang hai chiếc ống nhòm
đến. Bá tước Luy tặng cho Xtêpan và Patơrixơ mỗi người một chiếc.
– Tàu của chúng ta mới đi khỏi đảo được độ một hải lý. Bây giờ các ông hãy dùng ống nhòm nhìn về phía mũi đảo xem chiếc thuyền của chúng đã lên đường chưa?
– Vâng. Chiếc thuyền đã lên đường – Patơrixơ trả lời sau một lát im lặng.
– Ông có nhìn thấy không, ông Xtêpan?
– Có nhìn thấy… Tuy nhiên…
– Tuy nhiên sao?
– Tôi chỉ nhìn thấy một người trên thuyền.
– Quả thật chỉ có một người – Patơrixơ tuyên bố. Hai người lại đưa ống nhòm lên quan sát và một người nói:
– Chỉ có một tên trốn khỏi đảo… Chắc hẳn đó là tên Voócki… Nhất định hắn đã giết tên đồng bọn của hắn… tên Ôttô.
Bá tước Luy cười khẩy:
– Trừ phi Ôttô không giết nổi hắn!
– Như vậy là thế nào?
– Thế đấy. Ông còn nhớ câu thơ tiền định viết cho Voócki khi hắn còn ít tuổi không? “Vợ mi sẽ chết trên cây thánh giá và mi sẽ chết bởi bàn tay của bạn mi”.
– Tôi không cho một câu thơ tiền định là tất cả.
– Còn những bằng chứng khác nữa chứ.
– Bằng chứng nào nữa?
– Các bạn thân mến của tôi ạ, đây là một phần nhưng là phần cuối của bài toán mà chúng ta phải cùng nhau làm cho sáng tỏ. Chẳng hạn ông Xtêpan, ông nghĩ gì về giải pháp của tôi đánh tráo Enphơrít Voócki vào chỗ của bà Vêrôních Đecgơmông?
Xtêpan lắc đầu.
– Tôi thú nhận là không hiểu.
– Vậy mà rất đơn giản! Chẳng hạn trong phòng khách của ông có một ông khách khó hiểu nào đó làm ông cứ phải né tránh hay phải mệt óc phán đoán những ý nghĩ trong đầu ông ta thì ông sẽ tự nhủ, phải không? Rằng ông khách này hẳn phải có một vài mưu mô gì đây và tự nhiên ông thấy mình cần đến sự giúp đỡ của một kẻ tay trong. Tôi cũng đã nghĩ như thế và rất may là tôi không phải tìm kiếm ở đâu xa.
– Hả, thế ra ông có kẻ thông đồng ư?
– Vâng, xin thú thật như vậy.
– Ai thế?
– Ôttô.
– Ôttô! Nhưng ông có rời chúng tôi ra lúc nào đâu! Ông tiếp xúc vđi hắn từ bao giờ?
– Làm sao tôi có thể thành công nếu không có sự tiếp tay của hắn. Sự thật trong việc này tôi có đến hai kẻ thông đồng! Đó là Enphơrít và Ôttô. Cả hai người này đều phản bội Voócki vì động cơ trả thù, vì sợ hắn hoặc vì hám của. Lúc ông Xtêpan dùng kế điệu hổ ly sơn để dụ Voócki ra khỏi Bàn Đá Các Tiên là lúc tôi tiếp xúc với Ôttô. Hai bên đã nhanh chóng thỏa thuận. Cuộc dàn xếp chỉ mất vài tờ giấy bạc và một lời hứa để cho Ôttô ra khỏi vụ này một cách nguyên vẹn. Hơn nữa tôi còn tiết lộ cho hắn biết số tiền năm mươi ngàn frăng Voócki lột của các bà xơ Ácchinha.
– Làm sao ông biết được sự việc đó? – Xtêpan hỏi.
– Do người thông đồng số một của tôi là Enphơrít cung cấp. Tôi đã hỏi nhỏ mụ ta trong lúc ông đứng canh chừng tên Voócki đang tiến lại. Mụ ta còn cho tôi biết bằng mấy câu nói rất nhanh một vài chuyện dĩ vãng của Voócki.
– Chung quy ông chỉ gặp Ôttô có một lần?
– Hai giờ sau khi Enphơrít chết và sau vụ đốt pháo hoa ở chỗ gốc cây sên rỗng, tôi lại gặp hắn lần thứ hai dưới gầm Bàn Đá Các Tiên. Lúc đó Voócki ngủ say vì uống nhiều rượu. Ôttô đứng gác cho hắn ngủ. Ông hiểu rằng tôi phải nắm cơ hội để có thêm tư liệu bổ sung những hiểu biết của tôi về Voócki. Tôi được biết thêm rằng, đã từ hai năm nay dưới hầm tối Ôttô phải thường xuyên đeo đẳng một ông chủ mà hắn không ưa. Chính hắn đã thay đạn ở súng của Voócki và của Cônrát, nói cho đúng hơn là hắn lấy đầu đạn đi chỉ để lại phần vỏ và thuốc súng. Rồi cũng chính hắn đã trao cho tôi chiếc đồng hồ và quyển sổ tay của Voócki, cả chiếc khung nhỏ cùng với tâm ảnh mẹ Voócki mà hắn lấy cắp được từ mấy tháng trước. Tất cả những tài liệu đó đều được đưa ra phục vụ cho cái trò phù thủy của tôi ngày hôm sau để đối phó với Voócki lúc nó chạm trán với tôi trong hầm mộ. Đó, Ôttô đã cộng tác với tôi như thế.
– Hay quá – Patơrixơ thốt lên. Nhưng sao ông không đặt vấn đề cho Ôttô giết Voócki đi.
– Chắc chắn tôi không làm thế.
– Vậy thì ông làm sao chứng minh được.
– Các ông có cho rằng đến phút cuối cùng Voócki vẫn không đoán ra sự liên hệ ngầm giữa Ôttô với chúng ta và đó là một nguyên nhân hiển nhiên đưa hắn đến thất bại? Và các ông có cho rằng ngài Ôttô không đủ thông minh để dự kiến trước những tình huống sẽ xảy đến với mình? Về những vấn đề trên đây xin các ông cứ tin rằng nó sẽ diễn ra như thế này, không một chút nghi ngờ: Ôttô biết một khi được cỏi trói, Voócki sẽ thủ tiêu anh ta để trả thù và chủ yếu là để lấy lại sồ tiền năm mươi ngàn frăng của các bà xơ Ácchinha mà anh ta đã nẫng tay trên của hắn. Vì thế Ôttô đã nhanh chân đi trước. Voócki đang bị trói chặt, im lìm, bất lực, dễ dàng làm mồi cho Ôttô. Đập chết ư? Ôttô vốn nhút nhát không dám đập. Chỉ còn một cách đơn giản là bỏ mặc Voócki trên thân cây. Một hình thức trừng phạt thật hoàn hảo! Bây giờ thì chắc các ông vừa lòng rồi chứ? Sự cần thiết bảo vệ công lý của các ông chắc đã được đáp ứng? Phải không các ông bạn của tôi?
Patơrixơ Benvan và Xtêpan không đáp. Hai người rất kinh ngạc về những nhận định ghê gớm của bá tước Luy.
– Bây giờ – bá tước Luy nói – tôi sẽ có lý nếu không bắt buộc các bạn phải làm một bản tuyên án đúng thể thức, rồi chúng ta cùng ra gốc cây sên đọc trước mặt người đàn ông còn sống! Tôi đã hình dung cái phút ấy và nhìn thấy hai ông quan tòa của tôi xẹp đi một tí như quả bóng non hơi! Cả vị quan tòa thứ ba này nữa, phải không. Vạn Sự Tốt Lành? Mày vốn nhạy cảm và mau nước mắt lắm. Và cả tôi nữa có lẽ cũng thế thôi các bạn ạ! Chúng ta không phải là những người chỉ biết kết tội và trừng phạt người khác! Nhưng không sao, các bạn thử nghĩ xem Voócki là người như thế nào với ba mươi tội ác và những âm mưu xảo trá của hắn. Các bạn nên ngợi khen tôi đã biết chọn cái số phận mù quáng làm vị quan tòa nắm thẩm quyền tối hậu, và chọn tên Ôttô bỉ ổi làm tên đao phủ có tinh thần trách nhiệm! Thế là ý chí của các vị thần linh đã được thực hiện!
Ven bờ đảo Xarếch mỏng dần ở phía chân trời. Nó chìm vào trong sương mù và tan biến cùng với mặt nước trời mây.
Ba người cùng im lặng. Ai nấy đều nghĩ đến hòn đảo chết bị tàn phá bởi một con người điên khùng, hòn đảo mà rồi đây một vài người khách du lịch chỉ còn nhìn thấy những dấu vết mơ hồ khó hiểu của tấn thảm kịch, những lối vào của các hầm ngầm, nhừng xà lim ngầm dưới đất với những “buồng chết” của nó, phòng để Tảng Đá Diệu Kỳ, những hầm mộ, xác của tên Cônrát, của Enphơrít, những bộ xương của các bà xơ Ácchinha, ở mãi đầu hòn đảo gần Bàn Đá Các Tiên nơi ghi những câu thơ tiền định về ba mươi chiếc quan tài và bốn cây thánh giá, cái xác to lớn của Voócki cô đơn ai oán bị quạ rỉa và các loài chim ăn đêm mổ xơ xác.
 
Một ngôi biệt thự gần Áccachông thuộc làng Mulô rất đẹp, có những rừng thông chạy thoai thoải xuống tận bờ vịnh.
Vêrôních ngồi nghỉ trong vườn. Tám ngày nghỉ ngơi vui thú đã trả lại cho nàng cái tươi mát trên khuôn mặt xinh đẹp và giúp nàng quên dần những kỷ niệm đau buồn. Nàng tươi cười nhìn con trai đứng xa hơn một chút, đang tíu tít hỏi và nghe bá tước Luy Pêrêna trả lời. Nàng lại nhìn Xtêpan. Hai khóe mắt gặp nhau dịu dàng âu yếm. Họ cùng chung một tình cảm trìu mến đối với đứa trẻ. Cả hai người đều cảm thấy giữa họ một sợi dây gắn bó chặt chẽ. Sợi dây đó là nguồn tiếp thêm sức mạnh cho những ý nghĩ thầm kín, những tình cảm hỗn độn mơ hồ trong trái tim họ. Xtêpan không một lần nào nhắc đến những lời thú nhận của anh với Vêrôních, khi chỉ có hai người với nhau trong xà lim dưới cánh đồng hoang màu đen. Nhưng nàng không quên những lời anh nói. Lòng biết ơn sâu sắc của nàng dành cho người đã dạy dỗ con trai mình hòa cùng với mối xúc cảm đặc biệt và một tâm trạng bối rối mà lúc này đang tận hưởng vẻ đẹp say mê của nó mà nàng không biết.
Tối hôm ấy tàu ngầm “Nút Pha Lê” đưa mọi người đến biệt thự Mulô. Bá tước Luy vội vã đáp tàu hỏa đi Pari. Hôm nay ông bất ngờ trở lại lúc mọi người vừa ăn sáng, có đại úy Patơrixơ Benvan cùng đi.
Đã một tiếng đồng hồ mọi người ngồi với nhau trong vườn, mỗi người trên một chiếc ghế xích đu. Thằng bé mặt lúc nào cũng hồng hào sôi nổi. Nó đang tíu tít đặt ra những câu hỏi cho người cứu tinh của nó giải đáp.
– Thế bác làm thế nào?… Tại sao bác lại biết?… Việc đó ai bày vẽ cho bác?…
– Kìa, con yêu quý của mẹ – Vêrôních dịu dàng nói với con trai – sao con cứ làm phiền bác bá tước thế?…
– Không – bá tước Luy chống chế cho đứa bé – Ông đứng dậy bước đến gần nàng nói để Phơrăngxoa khỏi nghe thấy – Không, cháu Phơrăngxoa không làm phiền tôi đâu bà ạ. Chính tôi phải giải đáp những thắc mắc của cháu. Nhưng cũng phải thú thực là nó có làm tôi bận bịu thêm đôi chút. Về phần mình, tôi chỉ sợ giải thích cho cháu không được thấu đáo. Thế cháu đã biết gì về tấm thảm kịch này?
– Cháu biết những gì tôi đã nói với nó, dĩ nhiên trừ tên của Voócki.
– Về vai trò của Voócki, cháu có biêt không?
– Có, song có cắt xén bớt. Đại loại cháu được giải thích: Voócki là một tên vượt ngục đã nắm được những chuyện hoang đường của đảo Xarêch. Hắn muốn chiếm đoạt Tảng Đá Diệu Kỳ nên đã thực hiện những việc ghi trong các câu thơ tiên đoán – Tôi đã giấu không cho cháu biết một vài câu trong số những câu thơ tiên đoán đó.
– Thế còn vai trò của Enphơrít? Thái độ căm thù của mụ? Những lời đe dọa của mụ đôi với bà?
– Cháu hiểu đó chỉ là “Những lời lẽ điên rồ mà chính mẹ cháu cũng không hiểu nổi” – tôi đã nói với cháu như thế.
Bá tước cười vui vẻ.
– Cách giải thích hơi sơ lược – ông nói – Tôi nghĩ Phơrăngxoa đã hiểu khá rõ về một vài giai đoạn của tấn thảm kịch mà bà cho rằng cần được giữ kín đối với nó. Cái chính là không nên để cháu biết Voócki là bố mình, có phải thế không thưa bà?
– Cháu sẽ không biết, mãi mãi không biết.
– Thế đây, chính đó là điều tôi muốn nói với bà. À cháu sẽ mang tên gì nhỉ?
– Ông muổn nói rằng…
– Vâng. Rồi cháu sẽ phải tự hỏi: mình là ai chứ? Bởi chính bà và tôi, chúng ta đều biết cái gọi là tính thực tế hợp pháp. Phơrăngxoa cùng với ông ngoại đã chết trong một vụ đắm thuyền từ mười bốn năm nay. Voócki cũng bị bạn bắn chết cách đây một năm. Việc những người đó không còn nữa là một thực tế hợp pháp, và thế là…
Vêrôních cười gật đầu.
– Và thế là thưa ông, tôi không biết mình phải làm gì. Tình thế của tôi lúc này quả thực khó gỡ. Nhưng mọi việc rồi cũng sẽ ổn cả.
– Làm sao mà ổn?
– Bởi vì có ông ở đây.
Đến lượt bá tước cười.
– Tôi không được hưởng chút quyền lợi lộc nào về những hoạt động hữu ích của mình và những biện pháp khôn khéo mình đã áp dụng có kết quả. Nếu mọi việc đều sẽ ổn cả thì tội gì phải gắng sức cho thêm mệt!
– Tôi đã nói với ông điều gì không đúng chăng?
– Vâng, bá tước đáp nghiêm trang. Tuy nhiên một người đàn bà đã chịu nhiều đau khổ sẽ không phải gánh thêm chút phiền muộn nào nữa và từ nay trở đi sẽ không có cái gì gây tác hại cho người đó nữa. Tôi xin thề với bà như vậy, còn đây là điều tôi muốn nói với bà. Trước kia bà đã lấy chồng trái với ý muốn của ông thân sinh bà. Chồng bà là một trong những người anh họ xa. Người đó đã chết và để lại một đứa con trai tên là Phơrăngxoa. Đứa con trai đó bị ông ngoại bắt có mang đến Xarếch để trả đũa Voócki. Bố bà đã chết, cái tên Đecgơmông của ông cũng chết theo và chẳng còn gì gợi lại những sự kiện của cuộc hôn nhân giữa bà với Voócki nữa.
– Nhưng vẫn còn cái tên của tôi? Theo luật pháp nó vẫn nằm trong sổ sách của cơ quan chính quyền và tôi vẫn phải mang cái tên Vêrôních Đecgơmông.
– Tên thời con gái của bà sẽ được thay bằng tên một người vợ.
– Thay bằng tên của Voócki ư?
– Không, vì rằng bà không lấy ngài Voócki. Bà chỉ lấy người anh họ tên là…
– Giăng Maru. Đây, bản sao giấy chứng nhận hợp pháp cuộc hôn nhân giữa bà với Giăng Maru đăng ký tại cơ quan chính quyền.
Vêrôních kinh ngạc nhìn bá tước Luy.
– Nhưng tại sao… tại sao cái tên dó…
– Tại sao ư? Muốn con trai bà không mang tên Đecgơmông, cái tên gợi lên những sự kiện đau buồn, cũng không mang tên Voócki, cái tên nhắc nhở hình ảnh một con người hiểm độc, nên… Đây, bản sao giấy khai sinh của cháu Phơrăngxoa Maru đây!
Nàng nhắc lại cái tên vừa rồi, má ửng đỏ.
– Phơrăngxoa Maru! Sao mà ông tìm được cái tên chính xác đến thế!
– Vì tôi thấy nó hợp với Phơrăngxoa. Đó là tên ông Xtêpan, người mà Phơrăngxoa sẽ mãi mãi sống bên cạnh. Người ta có thể nói Xtêpan là người bà con của chồng bà và sự thân thiết giữa hai người cũng sẽ được giải thích theo cách đó. Kế hoạch của tôi là như vậy. Nó sẽ chẳng có kẽ hở nào hết. Khi người ta đứng trước một tình thế nan giải và đau lòng như tình thế của bà chẳng hạn thì người ta cần phải nghĩ ra những giải pháp đặc biệt, phải áp dụng những thủ đoạn rất triệt để… Cũng xin thú nhận là không được hợp pháp cho lắm. Đó là những gì tôi đã làm một cách hết sức yên tâm, không hề đắn đo, bởi vì tôi có cái may mắn là biết cách sắp đặt hợp lý các sự việc mà không ai có thể ngờ tới… Bà có đồng ý với ý kiến của tôi không?
Vêrôních nghiêng đầu.
– Vâng, vâng – nàng nói.
Bá tước đứng khom người.
– Vả lại – ông nói thêm – nếu còn điều gì bất tiện thì – nói theo cách của bà – tương lai sẽ làm nhiệm vụ trang trải nốt. Chỉ cần chẳng hạn, – câu này của tôi sẽ ám chỉ tình cảm của ông Xtêpan đối với mẹ cháu Phơrăngxoa, chẳng biết như thế có thóc mách không – chẳng hạn chỉ cần một ngày nào đó, ý chí và lòng biết ơn thúc đẩy mẹ cháu Phơrăngxoa vui lòng tiếp nhận tình cảm đẹp đẽ của ông Xtêpan thì lúc đó tất cả các điều kiện sẽ đơn giản vì Phơrăngxoa đã mang tên của Maru rồi. Còn cách nào xóa bỏ dĩ vãng triệt để và có lợi cho mọi người, cho Phơrăngxoa bằng cách ấy! Không có cái gì có thể len lỏi vào những bí mật của sự kiện đã bị xóa bỏ và cũng không còn gì để mà nhắc nhở… Tôi cho rằng những lý lẽ trên đây là những lý lẽ phần nào có trọng lượng. Tôi sẽ rất sung sướng được bà chia sẻ những quan điểm của tôi.
Bá tước Luy cúi chào Vêrôních và không nhấn mạnh thêm điều gì nữa. Ông hầu như không chú ý đến vẻ e thẹn của nàng, quay về phía Phơrăngxoa nói to:
– Bây giờ cháu Phơrăngxoa, bác sẽ là của cháu tất cả. Nếu cháu không muốn đầu óc mình cứ lẩn quẩn trong bóng tối thì bác cháu ta hãy trở lại với Tảng Đá Diệu Kỳ và tên cướp thèm muốn nó. Ồ! Phải rồi – bá tước Luy nhắc lại – bác cho rằng không lý gì chúng ta lại không nói một cách thẳng thắn đến Voócki, tên cướp đáng sợ nhất mà bác đã gặp bởi vì nó là một tên cướp rất tin vào sức mạnh của nó… Tóm lại đó là một con người bệnh hoạn, một kẻ loạn trí…
– Bác ạ – Phơrăngxoa thắc mắc – trước hết cháu không hiểu tại sao bác đã có công đợi suốt đêm để bắt tên cướp mà trong lúc nó và đồng bọn đều ngủ say dưới Bàn Đá Các Tiên, bác lại…
– Cháu của bác khá lắm – bá tước Luy cười reo lên – Cháu đã chỉ tay vào đúng một điểm yếu. Nếu lúc đó bác hành động thì chắc tấn thảm kịch đã kết thúc chỉ trong vòng mười hai hoặc mười lăm tiếng đồng hồ là cùng. Đằng này cháu thấy đấy, bác đã được giải thoát đâu? Tên cướp đã khai chỗ chúng giấu cháu đâu? Muốn chúng khai ra phải khôn khéo lắm mới được. Phải dùng mánh khóe làm chúng hoang mang lo sợ đến phát điên, phải lấy hàng ngàn sự việc thực tế chứng minh để nhồi nhét vào đầu chúng cái tư tưởng thất bại không gì cứu vãn nổi. Nếu không chúng sẽ ngậm miệng im lặng và bác không thể tìm được cháu. Hơn nữa lúc đầu kế hoạch của bác chưa rõ ràng. Bác chưa biết làm thế nào để giành thắng lợi. Mãi sau này mới dần dần nghĩ ra. Thực ra trừng trị tên cướp bằng những hình phạt nặng nề không khó, và bác cũng không có ý định làm như thế. Bác muốn bắt nó, trói vào gốc cây sên, nơi nó định cực hình mẹ cháu đến chết. Việc đó mà do dự lúng túng thì chỉ có nước bó tay chịu thua. Phải khôn khéo. Phải dùng đến cả những thủ đoạn hơi có vẻ đánh lừa trẻ con một tí. Thế là trước mặt tên cướp bác đã đóng vai khù khờ của một đạo sĩ già nua. Bác thừa nhận và ca ngợi ý đồ của tên cướp là thực hiện đến cùng những lời tiên đoán. Bác nói cho tên cướp rõ trọng trách của bác là trao cho nó Tảng Đá Diệu Kỳ. Tóm lại toàn là chuyện đùa giỡn cả cháu ạ. Cháu có cho rằng giải quyết một biến cố đen tối với đôi chút hài hước là cần thiết đối với bác không? Và bác đã được một dịp cười thỏa thích. Đấy, cái lỗi của bác đã không giết ngay Voócki đi là ở chỗ đó! Bác vừa tự buộc lỗi lại vừa tự tha lỗi cho mình.
Bá tước Luy nói xong lại cười.
Đứa trẻ cũng cười theo. Bá tước ôm nó và nhắc lại:
– Cháu có tha lỗi cho bác không?
– Có ạ. Nhưng nghe bác kể chuyện, cháu lại có thêm hai câu thắc mắc nữa. Câu thứ nhất cháu thấy hơi quan trọng…
– Cháu cứ nói.
– Vâng. Đó là chiếc nhẫn. Thoạt tiên bác đeo cho mẹ cháu rồi sau đó lại đeo vào tay bà Enphơrít. Chiếc nhẫn ấy ở đâu thế hở bác?
– Do bác làm lúc đêm, chỉ trong vài phút bằng một chiếc nhẫn cũ và mấy hạt đá có màu sắc.
– Thế mà tên cướp lại tưởng chiếc nhẫn của mẹ nó.
– Sở dĩ nó nhầm là vì chiếc khẫn bác làm rất giống với chiếc nhẫn thật.
– Sao bác biết chiếc nhẫn ấy? Lại biết cả câu chuyện về chiếc nhẫn nữa?
– Bởi chính hắn đấy.
– Có thể như thế hả bác?
– Cháu ơi thật đấy, bác nghe tên cướp nằm mê nói lảm nhảm lúc hắn ngủ dưới Bàn Đá Các Tiên…
Nó say rượu bí tỉ nên đã phun ra những câu nhát gừng toàn bộ câu chuyện về mẹ nó. Enphơrít cũng cung cấp cho bác những mẩu chuyện rời rạc về mẹ Voócki. Cháu thấy có vẻ đơn giản lắm nhỉ! Đúng là bác đã gặp được rất nhiều dịp may, nhiều yếu tố ngẫu nhiên ưu dãi.
– Nhưng những câu tiên đoán về Tảng Đá Diệu Kỳ không đơn giản đâu bác nhỉ? – Phơrăngxoa nói to – Bác đã làm cho tất cả đều sáng tỏ. Suốt bao nhiêu thế kỷ người ta đi tìm tảng đá mà bác chỉ mất có vài tiếng đồng hồ.
– Không, chỉ vài phút thôi cháu ạ. Bác đã được đọc lá thư của ông ngoại cháu nói về vấn đề ấy, gửi cho đại úy Benvan. Sau đó bác gửi thư cho ông ngoại cháu nói rõ địa điểm và tính chất tuyệt vời của Tảng Đá Diệu Kỳ.
– Thưa bác bá tước Luy – giọng nói của đứa trẻ lanh lảnh – Cháu đã được nghe những lời giải thích của bác và cháu xin hỏi bác câu hỏi cuối cùng, cháu xin hứa với bác như vậy. Vì sao người ta lại tin vào quyền lực của Tảng Đá Diệu Kỳ? Người ta dựa vào đâu để khẳng định cái gọi là quyền lực đó?
Xtêpan và Patơrixơ kéo ghế ngồi gần vào. Vêrôních ngồi thẳng chăm chú lắng tai nghe. Cả ba người đều hiểu bá tước Luy có ý chờ họ ngồi quây quần lại để ông có dịp xé toang tấm màn bí mật đang giăng kín trước mắt họ.
Bá tước cười cởi mở:
– Không có chuyện gì giật gân đâu. Xin đừng hy vọng – ông nói – Điều huyền bí chỉ có giá trị khi bóng đêm còn bao trùm xung quanh nó và nếu chúng ta xua tan hết bóng tối, nó sẽ hiện nguyên hình trong cái thực tại trần truồng của nó. Tuy nhiên sự việc này cũng kỳ lạ và thực tế không phải không có đôi chút tầm cỡ quan trọng.
– Cần phải như vậy – Patơrixơ Benvan nói – vì rằng cái thực tại ấy đã để lại cho hòn đảo Xarêch, cho cả miền Brơtanhơ một truyền thuyết kỳ diệu biết bao.
– Thật ra – bá tước nói – đó là một truyền thuyết có sức bám khá dai dẳng, cho đến tận ngày nay nó vẫn còn tác động đến chúng ta, không một ai trong chúng ta không bị nó ám ảnh.
– Sao? – Đại úy Patơrixơ bác bỏ – xưa nay tôi có tin vào những điều kỳ diệu bao giờ đâu?
– Cả cháu nữa. Cháu cũng không tin – đứa trẻ quả quyết.
– Có đấy, có đấy, ông có tin đấy. Ông chấp nhận điều kỳ diệu như chấp nhận một khả năng. Nếu không thì ông đã nắm được toàn bộ chân lý từ lâu rồi.
– Thế nghĩa là thế nào?
Bá tước Luy hái một bông hồng trên cành hồng ngả về phía ông và hỏi Phơrăngxoa:
– Theo cháu, liệu bác có thể làm cho bông hồng vốn kích thước đã khá to và khá độc đáo này thành một bông hồng to gấp hai lần và làm cho cây hoa hồng to gầp đôi được không?
– Thưa bác, chắc chắn là không thể được – Phơrăngxoa tuyên bố.
– Vậy thì tại sao cháu Phơrăngxoa và tất cả các vị có mặt ở đây lại chấp nhận kết quả của việc Magơnôc đã làm, một việc chẳng có gì khác là tìm một mảnh đất nào đó trên hòn đảo và chọn đúng một thời điểm xác định để trồng hoa. Nhưng đó lại là điều kỳ diệu được các vị thừa nhận không chút đắn đo, thừa nhận một cách không, tự giác.
Xtêpan lập luận:
– Chúng tôi chỉ thừa nhận những việc có bằng chứng cụ thể.
– Thực ra các ông thừa nhận sự việc Magơnôc như thừa nhận một điều kỳ diệu, tức là như một hiện tượng Magơnôc tạo ra bằng những phương pháp đặc biệt với kết quả trên thực tế là siêu tự nhiên. Khi tôi đọc những chi tiết trong thư của ông Đecgơmông lập tức tôi – nói như thế nào nhỉ – tôi “nhăn mặt”… Tôi phải gắn ngay những bông hoa khổng lồ ấy với cái nơi đã sinh trưởng ra nó: Canve Nở Hoa. Và niềm tin của tôi lập tức được xác định: “Không! Magơnốc không phải là phù thủy, ông ta chỉ làm một việc đơn giản là dọn dẹp miếng đất bỏ hoang xung quanh cây thánh giá rồi để lên đó một lớp mùn, và những bông hồng không bình thường đã mọc lên từ đám đất mùn đó. Đồng thời ngay bên dưới khu đất trồng hoa là Tảng Đá Diệu Kỳ, tảng đá mà từ thời trung cổ cũng đã tạo ra những bông hoa khác thường như vậy, tảng đá trong thời các đạo sĩ đã chữa cho người ốm khỏi bệnh, cho trẻ con mau lớn”.
– Nếu thế – Patơrixơ nhận xét – thì có điều kỳ diệu thật.
– Là điều kỳ diệu một khi người ta chấp nhận những cách giải thích siêu tự nhiên. Là hiện tượng tự nhiên nếu người ta tìm hiểu và thấy rõ những nguyên nhân vật chất có khả năng tạo ra điều kỳ diệu.
– Nhưng các nguyên nhân vật chất không tồn tại.
– Chúng tồn tại và chính mắt ông đã nhìn thấy những bông hoa khổng lồ.
– Như vậy là, câu hỏi của Patơrixơ không phải không mỉa mai, có một thứ đá vốn dĩ có thể chữa khỏi bệnh và làm cho người ta khỏe ra? Và thứ đá đó là Tảng Đá Diệu Kỳ chứ gì?
– Không có thứ đá đặc biệt nào thuần nhất cả. Nhưng có nhiều loại đá, những tảng đá, những mỏm núi đá phún thạch, những quả đồi, những núi đá, trong đó chứa đựng những vỉa quặng hình thành từ các kim loại khác nhau: ôxýt uran, bạc, chì, đồng, níchken, côban, vân vân… Những quặng kim loại đó có loại phát ra tia bức xạ đặc biệt mang những đặc tính riêng mà người ta gọi là tính phóng xạ. Đó là những vỉa khoáng uraninít, loại khoáng người ta mới tìm thấy ở Châu Âu và ở phía bắc xứ Bôhêm. Nó đang được khai thác tại vùng giáp giới tỉnh Gioachimthan… Những chất phóng xạ đó gồm: Uraniom, Tôriom, Hêliom, và chủ yếu là cái thứ chúng ta đang quan tâm…
– Có phải chất Rađiom không ạ, thưa bác? – Phơrăngxoa nói xen vào.
– Đúng chất Rađiom cháu ạ! Hiện tượng phóng xạ xảy ra gần như ở khắp nơi và có thể nói trong khắp thiên nhiên. Hiện tượng đó được tạo ra bởi sự hoạt động rất lý thú của các nguồn nước nóng. Những chất phóng xạ rõ rệt như Rađiom lại mang những đặc tính xác định hơn. Không nghi ngờ gì nữa những tia bức xạ và những khí xạ của Rađiom có khả năng ảnh hưởng đến đời sống thực vật và cũng có khả năng tương tự khi cho nó phóng qua cơ thể. Cả hai trường hợp đều làm cho trạng thái hưng phấn của môi trường dinh dưỡng dễ đồng hóa hơn những nguyên tố cần thiết cho cây trồng, kích thích cây trồng phát triển. Không còn gì đáng nghi ngờ nữa, tính phóng xạ của chất Rađiom có khả năng ảnh hưởng đên hoạt động sinh lý của các mô động vật dưới dạng gây ra những sự thay đổi ít nhiều có chiều sâu, phá hủy một vài loại tế bào hay góp phần làm phát triển một vài loại tế bào khác, điều chỉnh sự tiến triển của chúng. Liệu pháp Rađiom đã tỏ rõ hiệu quả chữa khỏi bệnh và làm tiến, triển tốt trong rất nhiều ca bệnh như thấp khớp, rối loạn thần kinh, vết loét, éc dê ma, các khối u, những di chứng dai dẳng… Tóm lại chất Rađiom là một tác nhân điều trị có hiệu quả thiết thực.
– Như vậy – Xtêpan nói – ông coi Tảng Đá Diệu Kỳ như…
– Tôi coi Tảng Đá Diệu Kỳ như một tảng khoáng Uraninít, trong đó có chất Rađi xuất xứ từ những vỉa quặng Gioachimthan. Từ lâu tôi đã biết câu chuyện truyền thuyết về xứ Bôhêm về Tảng Đá Diệu Kỳ. Người ta nói rằng ngày xửa ngày xưa tảng đá được moi lên từ một sườn đồi. Trong dịp đi du lịch tôi cũng đã được xem chỗ vết trũng trên sườn đồi, nơi tảng đá bị lấy đi, hình dạng kích thước gần giống tảng đá mà chúng ta đã nhìn thấy.
– Nhưng – Xtêpan bác ý kiến của bá tước Luy – có điều là chất Rađiom chỉ nằm trong đá phún thạch dưới dạng các hạt cực nhỏ. Và muốn có một gam chất Rađiom cần phải phân tích, ngâm chiết, chế biến một khối quặng nặng chừng một ngàn bốn trăm tấn. Vậy mà ông đã gán cái quyền lực kỳ diệu ấy cho một Tảng Đá Diệu Kỳ chỉ nặng độ hai tấn là cùng!
– Tảng đá tuy nhỏ nhưng chắc chắn có hàm lượng Rađiom đáng khích lệ. Thiên nhiên không đến nỗi hà tiện để bất cứ ở đâu cũng làm loãng chất Rađiom. Nó đã tích tụ chất Rađiom vào Tảng Đá Diệu Kỳ và đó cũng là cái thú của thiên nhiên, tích tụ một cách khá hào phóng để Tảng Đá Diệu Kỳ có thể tạo ra những hiện tượng bề ngoài rất kỳ lạ như chúng ta đã được nghe và được chứng kiến…
Xtêpan hình như ngày càng bị thuyết phục bởi những lý lẽ của bá tước Luy. Tuy nhiên, anh vẫn nói:
– Còn một điểm cuối cùng là bên cạnh Tảng Đá Diệu Kỳ tôi thấy những mảnh vỡ nhỏ. Magơnôc đã lấy một mảnh vỡ đựng trong chiếc gậy vương trượng làm bằng chì. Bàn tay ông ta đã tiếp xúc quá lâu với mảnh vỡ đó nên bị bỏng. Theo ông, mảnh vỡ ấy có phải là hạt Rađiom không?
– Hiển nhiên là nó. Và chính chất Rađiom cùng với những uy lực ghê gớm của nó là vấn đề nổi lên rõ rệt nhất trong toàn bộ các biến cố ở đây. Nhà vật lý học vĩ đại Hăngri Bếchcơren đã để trong túi áo gilê của ông một ống chứa muối Rađiom. Sau vài ngày, trên da ông xuất hiện một vết loét mưng mủ. Ông Quyri làm lại thí nghiệm đó, kết quả cũng như vậy. Trường hợp Magơnôc hẳn phải là trường hợp quá nghiêm trọng vì ông ta đã cầm trực tiếp vào hạt Rađiom nguyên nhất nên bàn tay bị một vết loét dạng ung thư. Magơnốc rất lo sợ. Càng lo sợ hơn bởi những điều ông ta biết hoặc chính ông ta nói ra: “Tảng Đá Diệu Kỳ như ngọn lửa địa ngục thiêu đốt, nó cho ta sự sống và cái chết”. Vì thế ông ta đã tự chặt cụt bàn tay mình.
– Phải rồi – Xtêpan nói – Nhưng những hạt Rađiom np-uyên chất ấy ở đâu ra? Có thể là mảnh vỡ của Tảng Đá Diệu Kỳ được không? Tôi nghĩ rằng ở thể quặng dù hàm lượng cao bao nhiêu, chất Rađiom cũng không thể thành dạng hạt nguyên chất. Muốn có Rađiom nguyên chất người ta phải hòa tan nó dưới dạng dung môi, cô lại thông qua một loạt quy trình kỹ thuật để nó biến thành một sản phẩm rất giàu rồi đem kết tinh phân đoạn thành các hạt nguyên chất. Quá trình đó phải thực hiện rất nhiều thao tác kế tiếp nhau, phải có những thiết bị đồ sộ, những nhà máy, những phòng thí nghiệm, các nhà bác học… Tóm lại cả một nền văn minh khác xa với tình trạng man rợ mà tổ tiên chúng ta, những người Xentơ trước kia đã lặn ngụp trong đó. Ông có đồng ý như vậy không?
Bá tước Luy vỗ vai người đàn ông trẻ tuổi, cười:
– Hay lắm ông Xtêpan. Tôi lấy làm vui sướng được nghe những lập luận thông minh và lôgích của người thầy, người bạn của cháu Phơrăngxoa. Những ý kiến của ông là tuyệt đối đứng đắn cho nên ngay lập tức chúng làm tôi phải kính nể. Tôi có thể trả lời vấn đề ông đặt ra bằng một loạt giả thuyết, hoàn toàn chính đáng, về một trong những biện pháp tự nhiên đã tách chất Rađiom như thế nào. Chủng ta có thể hình dung là trong một phay đá Gơranít dưới đáy một túi lớn chứa quặng Rađiom có mạch nước sông ngầm chảy qua. Nước chảy chậm trong đường phay mang theo những phần tử rất nhỏ của chất Rađiom. Nước ấy chứa chất Rađiom rả rích chảy trong các hành lang chật hẹp từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, chất lọc từng giọt nhỏ, bốc hơi nhanh, hợp lại, tích tụ và nhú dần lên dưới dạng nhũ đá rất giàu chất Rađiom mà một ngày nào đó có một vài chiến binh người Xentơ thuở xưa đi ngang qua đã bẻ gẫy mỏm của nó. Nhưng có cần phải đi tìm những lý lẽ xa xôi và dựa vào những giả thuyết hay không? Có nhất thiết cứ phải dựa vào sự định đoạt của một vị thần linh duy nhất là khả năng không bao giờ cạn của thiên nhiên hay không? Phải chăng đây là một sự cố gắng kỳ diệu của thiên nhiên bằng những phương tiện của chính bản thân nó đã đặt một hạt Rađiom nguyên nhất để làm chín một trái anh đào, hoặc làm cho bông hoa này hé nở… hoặc đem đến sự sống cho Vạn Sự Tốt Lành, con chó tuyệt vời của chúng ta? Cháu nghĩ gì về vấn đề này, cháu Phơrăngxoa? Chúng ta đồng ý với nhau như thế chứ?
– Vâng, bao giờ cháu cũng đồng ý với bác – đứa trẻ đáp.
– Và như vậy cháu không đến nỗi tiếc quá đối với Tảng Đá Diệu Kỳ chứ?
– Vâng ạ. Nhưng thưa bác, những điều kỳ diệu thì lúc nào cũng vẫn có!
– Cháu nói đúng. Bao giờ cũng vẫn có, và ngày càng đẹp, ngày càng chói lọi hơn gấp trăm lần. Khoa học không giết chết những điều kỳ diệu, nó làm cho những điều kỳ diệu trong sáng hơn, cao
thượng hơn. Phải chăng chút uy lực nhỏ bé xảo trá thất thường khó hiểu kia, được gắn vào đầu một chiếc gậy thần diệu đã tác động một cách bừa bãi theo trí tưởng tượng dốt nát của một thủ lĩnh tàn bạo hay một đạo sĩ! Phải chăng nhờ cái sức mạnh nhân từ trong sáng trung thực và cũng thần diệu nữa, mà ngày nay chiếc gậy thần diệu mới hiện nguyên hình dưới hình thức một hạt bụi chất Rađiom? Phải chăng…
Bá tước chợt dừng lại cười.
– Thôi được! Tôi vừa mới hăng tiết lên rồi đấy và vừa ngâm nga một bài thơ ca ngợi khoa học! Xin lỗi bà – ông vừa nói vừa đứng dậy bước lại gần Vêrôních – bà hãy nói cho tôi biết những lời giải thích của tôi vừa rồi có làm bà nhàm tai lắm không? Không ư? Hay là không nhiều? Nhưng dù sao tôi cũng đã nói hết rồi… hay ít ra cũng sắp hết. Chỉ còn một điểm nữa cần xác định, một quyết định cần ban bổ.
Ông ngồi xuống bên nàng, nói tiếp:
– Thế là chúng ta đã chinh phục được Tảng Đá Diệu Kỳ, tức là đã chiếm được một kho báu thực sự. Vậy chúng ta sẽ dùng nó để làm gì hả các bạn?
Vêrôních trả lời. Câu nói của nàng biểu lộ nhiệt tình tự đáy lòng:
– Ôi, việc đó lẽ ra ông không cần phải hỏi. Tôi không ham muốb bất cứ cái gì ở Xarêch cũng như ở thánh địa Phơriơrê. Chúng tôi sẽ làm việc, sẽ lao động để sống.
– Tuy nhiên Phơriơrê vẫn thuộc về quyền sở hữu của bà…
– Không, không, cái tên Vêrôních Đecgơmông không còn nữa và do đó thánh địa Phơriơrê cũng không thuộc quyền sở hữu của ai. Nó sẽ được đem bán đấu giá! Tôi không muốn giữ một thứ gì thuộc về cái quá khứ đáng nguyền rủa ấy.
– Vậy sau này bà sẽ sống như thế nào?
– Tôi sẽ sống như tôi đang sống, bằng lao động của chính tôi. Và tôi tin chắc cháu Phơrăngxoa cũng cùng một ý nghĩ như mẹ nó, có phải thế không con trai yêu quý của mẹ?
Trong một cử chỉ hầu như theo bản năng, nàng quay về phía Xtêpan nhìn anh, như chính anh cũng có chút quyền hạn nào đó bày tỏ quan điểm của mình:
– Cả anh nữa, có đồng ý như thế không, anh bạn của tôi?
– Tôi hoàn toàn đồng ý – Xtêpan đáp.
Nàng chợt nói thêm:
– Tôi không nghi ngờ những tình cảm yêu thương của cha tôi nhưng tôi không có thực tế chứng minh. Đó là điều băn khoăn cuối cùng của tôi.
– Có thể, có thể… Tôi có những bằng chứng cụ thể – bá tước Luy nói.
– Ông có bằng chứng cụ thể?
– Vâng. Khi trở lại Xarếch, Patơrixơ và tôi thấy ở dưới đáy một ngăn kéo bí mật của một cái tủ giấy trong phòng ngủ của Magơnốc có một chiếc phong bì đóng dấu nhưng không đề địa chỉ. Chúng tôi mở ra xem. Trong đó có một ngân phiếu hai mươi ngàn frăng và một mẩu giấy có viết chữ như sau: “Khi tôi chết, Magơnốc sẽ đưa ngân phiếu này cho Xtêpan Maru là người tôi gửi gắm cháu Phơrăngxoa. Đến năm Phơrăngxoa mười tám tuổi, ngân phiếu này sẽ thuộc về nó. Tôi tin rằng cháu sẽ tìm được mẹ và tôi muốn mẹ cháu sẽ cầu nguyện cho tôi. Tôi cầu phúc cho cả hai mẹ con.
Tấm ngân phiếu đây – bá tước Luy nói… và đây là mẩu thư đề tháng sáu năm ấy.
Vêrôních sững sờ. Nàng nhìn bá tước Luy. Ông đã làm nảy sinh trong đầu nàng một ý nghĩ rằng tất cả những chuyện xảy ra có lẽ đều do người đàn ông kỳ lạ này sắp đặt để giam hãm mẹ con nàng trong cảnh cùng quẫn. Ý nghĩ thoảng ra. Rốt cuộc ông Đecgơmông đã hành động hết sức tự nhiên do nhìn thấy trước những khó khăn con cháu ông đã vấp phải. Đúng là ông rất thương cháu ngoại. Nàng thì thầm:
– Ta không có quyền từ chối…
– Trong việc này bà chỉ có rất ít quyền hạn – bá tước Luy nói lớn – Nó diễn ra bên ngoài dự kiến của bà. Ông thân sinh của bà muốn trao thẳng nó cho Phơrăngxoa và Xtêpan. Còn việc Tảng Đá Diệu Kỳ, tôi xin nhắc lại câu hỏi: Chúng ta sẽ làm gì? Nó thuộc về ai?
– Thuộc về ông – Vêrôních tuyên bố dứt khoát.
– Thuộc về tôi ư?
– Vâng, thuộc về ông, người đã có công tìm ra nó, thuộc về ông – người đã làm cho nó có ý nghĩa trọn vẹn.
Bá tước Luy nhận xét:
– Tôi phải nhắc để bà nhớ cho rằng tảng đá có một giá trị không gì so sánh nổi. Nó vĩ đại ở chỗ nó được thiên nhiên hun đúc nên. Thiên nhiên đã tạo ra những điều kỳ diệu bằng sự ngẫu nhiên trùng hợp kỳ diệu của môi trường. Nó đã tích tụ biết bao vật chất quý vào trong một dung tích nhỏ bé như vậy. Cho nên đúng đó là những kho báu.
– Càng tốt – Vêrôních nói – Ông biết cách khai thác những kho báu ấy tốt hơn ai hết.
Suy nghĩ một lát, bá tước Luy cười và kết luận:
– Bà nói rất đúng. Thú thật với bà tôi đang chờ cái đoạn kết thúc này. Trước hết là vì quyền hạn của tôi đối với Tảng Đá Diệu Kỳ phải được xác lập bằng văn bản theo đúng các thủ tục hiện hành về việc chứng nhận quyền sở hữu. Sau là vì tôi đang cần thứ đá ấy. Vâng, cái thứ đá đậy nắp mộ các vị vua chúa xứ Bôhêm ấy chưa đến nỗi mất hết các quyền lực kỳ diệu của nó, vì quả thực hiện nay vẫn còn những bộ tộc bị các quyền lực đó chi phối như tổ tiên chúng ta, những người Gôloa từng bị chúng chi phối. Và như vậy hiển nhiên tôi sẽ theo đuổi một công cuộc kinh doanh thật khủng khiếp, trong đó bất cứ sự hỗ trợ nào đến với tôi đều rất quý hóa. Sau vài năm công trình của tôi sẽ hoàn thành. Tôi sẽ mang Tảng Đá Diệu Kỳ về nước Pháp và trang bị cho nó một viện thí nghiệm tầm cỡ quốc gia mà tôi có ý xây dựng từ lâu. Thế là khoa học sẽ rửa sạch những điều ác mà Tảng Đá Diệu Kỳ có thể gây ra, biến cố tồi tệ ở đảo Xarếch sẽ được đền bù. Bà có tán thành ý kiến của tôi không, thưa bà?
Nàng chìa tay cho bá tước nói:
– Với tất cả lòng chân thành của tôi.
Sau một hồi yên lặng khá lâu, bá tước Luy nói:
– Ô, vâng. Những biến cố tồi tệ và khủng khiếp đến nỗi không bút nào tả xiết. Nó đã cho tôi biết trên đời này cái gì là đáng sợ. Tôi cũng sống trong biến cố và nó lưu lại trong tôi một kỷ niệm kinh hoàng. Tuy nhiên điều này là điều quan trọng hơn cả, nó vượt xa tất cả những gì là có thể trong thực tại cũng như trong đời sống con người về phương diện thống khổ. Nó phi lý bởi vì nó là hành vi của một kẻ điên rồ… và bởi nó sinh ra trong kỷ nguyên của sự điên rồ và lầm lạc: Kỷ nguyên chiến tranh! Chính chiến tranh đã khuyến khích tội ác. Chiến chiến tranh đã cổ vũ việc áp dụng một cách thâm độc và vô tội vạ những thủ đoạn gây tội ác có dự kiến, có chuẩn bị, và được giao phó cho một vài con ác quỷ thực hiện. Trong thời bình, cái dúm những con ác quỷ này không có thì giờ để thực hiện đến cùng những giấc mộng ngốc nghếch của chúng. Ngày nay trên hòn đảo Xarếch hẻo lánh chúng lại thấy những điều kiện đặc biệt khác thường để…
– Thôi chúng ta đừng nói đến những chuyện ấy nữa. Như thế có được không, ông bá tước? – Vêrôních nói khẽ, giọng run rẩy.
Bá tước Luy cầm tay người thiếu phụ trẻ đưa lên môi hôn. Rồi ông bế Vạn Sự Tốt Lành giơ lên cao:
– Bà nói đúng. Thôi chúng ta không nói chuyện đó nữa. Nếu không nước mắt đã đọng trên khóe mắt bà kia rồi, Vạn Sự Tốt Lành sẽ buồn. Nào Vạn Sự Tốt Lành tuyệt diệu, chúng ta không nhắc đến những biến cố khủng khiếp nữa nhé. Nếu có nhắc chúng ta cũng chỉ nhắc một vài đoạn được coi là đẹp và ý nhị, phải không Vạn Sự Tốt Lành? Khu vườn tươi tắn với những bông hoa vĩ đại của Magơnôc? Câu chuyện truyền thuyết về Tảng Đá Diệu Kỳ? Sự tích anh hùng của bộ lạc người Xentơ nay đây mai đó với tảng đá đậy nắp mồ những ông vua của họ, tảng đá mang chất Rađiom ai nghe nói cũng phải rùng mình, tảng đá bắn ra không biết mệt mỏi những nguyên tử diệu kỳ đem lại sinh khí, có phải thế không, Vạn Sự Tốt Lành? Tuy nhiên nếu ta là nhà viết tiểu thuyết lãnh trách nhiệm tường thuật lại câu chuyện hòn đảo ba mươi chiếc quan tài thì ta sẽ không băn khoăn quá nhiều về những sự kiện thật kinh hoàng của nó. Ta sẽ dành cho mày một vai trò quan trọng hơn nhiều.
Ta sẽ gạt bỏ bài tham luận huyênh hoang và nhàm chán của cái ông gọi là bá tước Luy Pêrêna ấy đi, và chính mày mới là người cứu nguy thầm lặng và gan dạ, chính mày mới là người chiến đấu chống con ác quỉ ghê tởm và làm thất bại những mưu đồ của nó. Cuối cùng với bản năng duyên dáng tuyệt vời, mày đã trừng phạt thói hư tật xấu và làm cho đức hạnh chiến thắng. Còn điều này tuyệt hơn nữa, không ai có thể chỉ cho chúng ta thấy rõ hơn mày, Vạn Sự Tốt Lành tuyệt vời ạ, bằng hàng ngàn chứng cớ cái sau có sức thuyết phục hơn cái trước, rằng trên đời này mọi việc đều trở nên ổn thỏa và rằng Vạn Sự Tốt Lành…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.