Tâm Lý Đạo Đức
GIẢI THOÁT ĐỂ LÀM GÌ?
1. GIẢI THOÁT LÀ MỤC TIÊU CỦA ĐẠO PHẬT
Khi đến với đạo Phật, tất cả chúng ta đều xác định mục tiêu là tìm đến sự giác ngộ, sự giải thoát. Đó là lời khẳng định đúng đắn con đường đi của đạo Phật. Nhưng trong đạo Phật, ý niệm đem lợi ích cho chúng sinh cũng là một mục tiêu quan trọng không kém.
Như vậy, vừa tìm đến sự giải thoát, vừa đem lại lợi ích cho cuộc sống của con người luôn luôn là đôi cánh của con chim mà người tu theo Phật phải nhận thức chắc chắn không lầm lẫn. Đó cũng là sự minh chứng hùng hồn rằng Đạo Phật hoàn toàn không phải là đạo tiêu cực.
Nhưng để thiết tha đi tìm sự giải thoát, trước hết chúng ta phải hiểu sâu sắc thế gian này là ràng buộc, là đau khổ. Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của sự giải thoát. Nếu không ý thức được cuộc sống hiện nay là đau khổ thì lý tưởng giải thoát sẽ trở nên vô nghĩa.
Bao giờ cũng vậy, khi rơi vào hoàn cảnh bức xúc, ngặt nghèo, lý tưởng tìm đến giải thoát sẽ mạnh mẽ hơn. Trong hòan cảnh sung sướng no đủ, người ta dễ mãn nguyện và không thiết tha tìm cầu điều gì vượt thóat hơn. Đạo Phật được gọi là đạo của trí tuệ chính vì ngay trong bất cứ hòan cảnh nào, dù khổ đau hay sung sướng, người ta cũng được soi sáng một chân trời cao siêu hơn, tòan thiện hơn. Người ta sẽ luôn luôn được cảnh báo rằng cái sung sướng mà họ đang hưởng thực chất cũng chỉ là cạn cợt, tầm thường, mong manh và nguy hiểm.Đây là trí tuệ then chốt của người học Phật.
Nếu không hiểu sâu sắc sự đau khổ của cuộc sống, chúng ta sẽ không có khát vọng hướng đến sự giải thoát. Một lúc nào đó, có người không tin tôn giáo, thắc mắc rằng tại sao Đức Phật nói cuộc đời là khổ trong khi con người, ai cũng có lúc khổ, có lúc sướng, chúng ta sẽ lúng túng không trả lời được. Hỏi như vậy, có nghĩa là người ta cảm thấy sự khẳng định của Đức Phật là cực đoan và cách nhìn thế gian của đạo Phật quá bi quan.
Về sự khổ, chúng ta đã học một phần trong kinh: Bát Đại Nhân Giác. Trong Tứ Diệu đế, khổ được chia ra làm tám loại: Sanh, lão, bệnh, tử, cầu bất đắc, oán tán hội , ái biệt ly và ngũ ấm xí thạnh. Chúng ta chưa bàn đến Sanh, lão, bệnh, tử vì đó là những vấn đề lớn. Cầu bất đắc là cầu không được. Ái biệt ly là thương yêu mà phải chia cách. Oán tắng hội là ghét mà cứ gặp hoài. Ngũ ấm xí thạnh là thân tâm là một khối khổ.
Xét từng trường hợp, chúng ta thấy rằng, có người cầu mong điều gì đều được như ý. Người ấy không có gì phải đau khổ. Như vậy, làm sao khẳng định rằng cuộc đời này toàn là đau khổ? Hoặc nói ái biệt ly là đau khổ. Nhưng nếu người mình thương yêu luôn ở bên cạnh, không hề xa cách, thì làm gì có sự đau khổ. Như vậy, khẳng định cuộc đời này toàn là đau khổ, phải chăng đó là điều không đúng? Hoặc nói oán tắng hội là ghét mà gặp mặt hoài là khổ. Nhưng có những người mình ghét mà chẳng ở chung với họ thì không có gì gọi là khổ v.v… Nhiều người cứ lý luận như vậy, nếu chúng ta không hiểu rõ được nỗi đau khổ của cuộc đời thì sẽ không trả lời được. Cho nên, dù làm Giảng sư hay không, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho mình những lý luận cơ bản để có thể giải thích vấn đề một cách hợp lý. Trứơc hết, chúng ta phải hiểu rõ nỗi đau khổ của cuộc đời để thiết tha tu hành. Nhưng làm sao chúng ta nhận ra cuộc đời mình đang sống là đau khổ, là ràng buộc?
Để trả lời điều đó, chúng ta phải biết so sánh. Chẳng hạn, nếu nhìn một con chó hoang ghẻ lác, lông rụng hết, mùa đông đến, phải sống trong giá lạnh, lại bị con người xua đuổi, phải sống lang thang ngoài đường phố, chúng ta sẽ thấy thân phận nó khổ biết chừng nào. So sánh với thân phận con người, chúng ta sẽ nghĩ nếu thoát được thân chó và làm người, chắc chắn nó sẽ sung sướng hơn. Hoặc nhìn thấy những con kiến bé nhỏ đang ì ạch tha mồi mang về hang, về tổ, chúng ta sẽ xót thương thân phận chúng vô cùng, vì chúng quá cực khổ. Thân phận con kiến đã quá bé nhỏ lại phải cần mẫn tha từng miếng mồi to hơn mấy lần thân nó một cách vất vả. Với con người chúng ta, miếng mồi ấy có đáng gì, có thể đó chỉ là mảnh vụn rơi ra từ cái bánh ta vừa ăn. Nhưng đối với họ nhà kiến, miếng mồi ấy quí giá vô cùng. Như vậy, thử so sánh thân phận con kiến với con người, chúng ta sẽ thấy nó quá khổ còn mình thật sung sướng, hạnh phúc. Dẫu sao, chúng ta cũng có cái ăn, có cái dự trữ, chúng ta còn được đi đó đi đây, xa hơn và tự do hơn. Trong khi đó, con kiến bị ràng buộc trong một phạm vi nhỏ hẹp.
Bao giờ cũng vậy, nhìn xuống dưới, chúng ta luôn thấy mình sướng hơn nhiều người, nhưng nếu so sánh với Chư Thiên, chúng ta sẽ chợt thấy đời mình đầy ắp những nỗi khổ đau. Chư Thiên sống một cuộc sống thong dong an vui, tự do, tự tại và muốn gì được nấy. Nếu muốn đi đâu, chỉ cần khởi ý niệm bên này, chư Thiên sẽ biến mất và hiện ngay lập tức ở bên kia. Hoặc muốn liên lạc với ai, chỉ bằng ý niệm của mình, Chư Thiên sẽ làm cho người kia nhận ngay được ý tưởng. Các vị sống trong một thế giới mà mọi điều đều tốt đẹp. Rõ ràng, so sánh như vậy, chúng ta sẽ thấy con người sống khổ hơn rất nhiều so với chư Thiên.
Trong cuộc sống, cũng có những lúc chúng ta thấy mình được vui, được hạnh phúc, nhưng cái vui của thế gian này nếu so sánh với Niết Bàn tuyệt đối của Phật chẳng có ý nghĩa gì. Như vậy, sở dĩ Đức Phật tuyên bố cuộc đời này đau khổ là vì Ngài dựa vào Niết Bàn tuyệt đối mà Ngài đã chứng được. Khi đã chứng được Niết Bàn tuyệt đối, Ngài mới hiểu rằng, mọi cái gọi là niềm vui hay hạnh phúc của thế gian thực chất chỉ là đau khổ vì nó quá tầm thường. Chúng ta chưa chứng được điều đó, chỉ nghe Phật nói nên thường hiểu không sâu sắc.
Sự thật, những gì chúng ta gọi là hạnh phúc (được nhà cao cửa rộng, lắm của nhiều tiền…) so với trạng thái Niết Bàn tuyệt đối của Chư Phật, chỉ là điều vụn vặt không đáng kể. Nếu so sánh với con kiến, chúng ta thấy nó quá cực khổ, quá ràng buộc, còn mình quá tự tại thì Đức Phật nhìn cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Ngài thấy mình tự do, tự tại mà chúng sinh phải lặn hụp kiếm từng miếng ăn nho nhỏ chẳng khác gì con kiến.
Chúng ta thử hình dung chứng kiến cảnh hai con kiến đang giành nhau một mẩu bánh của con người làm rơi, chúng ta sẽ nghĩ gì? Có thể lúc ấy chúng ta cảm thấy buồn cười vì sự tranh giành lặt vặt, xâu xé lẫn nhau vì một vật không đáng gì của chúng. Điều đó chẳng khác gì cách nhìn và cách nghĩ của Chư Thiên hay Chư Phật đối với chúng ta. Đối với các vị Bồ Tát, Alahán, địa vị, danh lợi chỉ là những thứ tầm thường chẳng khác gì hạt bụi rơi ra từ chiếc bánh. Vậy mà, chúng ta lại cứ giành nhau, xâu xé lẫn nhau, cho đó là những gì quí nhất, quan trọng nhất. Khi hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời này thật sự là bể khổ. Những lúc cảm thấy sung sướng là do chúng ta chỉ so sánh lẩn quẩn trong phạm vi cuộc sống của con người. Nếu so sánh với hạnh phúc của Chư Thiên hoặc với sự an lạc của một vị Bồ Tát, một vị Alahán, một vị Phật…thì những cái gọi là sung sướng trong cuộc đời này thật quá tạm bợ, quá nhỏ bé tầm thường. Chừng nào hiểu sâu sắc ý nghĩa đau khổ của cuộc đời, hiểu được thân phận tầm thường, nhỏ nhoi của mình, chừng ấy chúng ta mới hiểu sâu sắc đạo Phật và thiết tha đi tìm sự giải thoát.
Vậy, nguyên nhân của đau khổ là gì?
Đó là do khuynh hướng vị kỷ. Chúng ta biết rằng, vị kỷ sinh ra nhiều hệ quả, trong đó có một hệ quả quan trọng là sự đau khổ. Hay nói cách khác, tất cả những đau khổ của con người đều bắt nguồn từ vị kỷ. Nói vị kỷ sinh ra đau khổ thường dựa trên hai ý nghĩa. Một là trên hệ quả của tâm lý hiện tại và một là trên hệ quả của luật Nhân Quả đưa đến vị lai.
Ví dụ, khi có người nào đó đem đến cho chúng ta một vật quí, chúng ta sợ phải chia lại cho người khác nên vội vàng tìm cách cất giấu và hưởng thụ riêng. Đó là tâm lý vị kỷ. Như vậy, điều đau khổ thứ nhất là chúng ta rơi vào trạng thái bất an. Hệ quả bất an là hệ quả về tâm lý. Đó cũng là đau khổ trong hiện tại. Về vị lai, qua một kiếp nào đó, theo luật Nhân Quả, chúng ta sẽ không được may mắn trong cuộc sống. Muốn làm điều gì, chúng ta cũng bị ràng buộc, khó khăn, chướng ngại, và cuối cùng không làm được việc gì có ý nghĩa. Còn gì đau khổ hơn khi sống mà chỉ có thất bại và hèn kém! Như vậy, vị kỷ là nguyên nhân của đau khổ.
Ngược lại, người sống vị tha, sống cho người khác sẽ được nhiều phước nên dần dần được tự do và làm điều gì cũng được như ý nguyện. Đây là công thức rất đúng, tuyệt đối đúng. Nhìn vào thực tế, chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ. Chẳng hạn, người thiếu phước muốn đi đâu, làm gì cũng khó khăn vì không đủ điều kiện. Trong khi đó, người có phước được giàu có về vật chất, muốn điều gì họ sẽ thực hiện được ngay, không bị ai ngăn cản. Như vậy, người không được tự do làm theo ý mình muốn là người thiếu phước. Hay nói cách khác, càng có phước chúng ta càng được tự do. Tiên đề này rất quan trọng. Tự do còn có nghĩa là giải thoát. Trong tiếng Anh, giải thoát và tự do đều được dùng một chữ là freedom, hoặc liberty, là sự tự do.
Nói càng có phước chúng ta càng được tự do nghĩa là càng được giải thoát. Cho nên, chúng ta phải sống vị tha để tạo thêm phước. Nếu sống vị tha nhiều, phước sẽ càng lớn và chúng ta càng tự do hơn.
Người tu đến độ vị tha hoàn toàn tuyệït đối là người cả cuộc đời chỉ sống cho mọi người, tuyệt đối không cầu cho mình điều gì dù chỉ trong ý nghĩ. Những người ấy sẽ có được Phước đến vô biên và Tự do không còn giới hạn. Đó thực sự là người được giải thoát. Như vậy, có hai con đường để chúng ta đi đến giải thoát. Một là tu tập trí tuệ Thiền định để phá chấp ngã, phá vô minh và đạt được giải thoát. Hai là chúng ta sống cuộc đời vị tha, tạo phước cho đến vô biên vô lượng, để đạt được sự Tự do tuyệt đối.
Thực ra, hai con đường này chỉ có chung một lối. Con đường tu tập Thiền định, trí tuệ để phá chấp ngã, phá vô minh gọi là con đường tu Huệ. Con đường thứ hai gọi là tu Phước. Phước Huệ song tu là điều Đức Phật đã nói từ ngàn xưa. Chúng ta đi tìm sự giải thoát phải đi trên cả hai con đường này, vừa tu Phước vừa tu Huệ. Gọi là tu Phước, tu Huệ nhưng sự thật chỉ có một lối duy nhất để đi đến giải thoát.
Có người hỏi Như Sanh rằng, đạo Phật là đạo tìm sự giải thoát vượt ra ngoài cả thiện và ác. Vậy khi tu hành giải thoát trong đạo Phật, chúng ta không làm tội cũng không tạo phước, điều đó có đúng không? Như Sanh đã trả lời không đúng. Ông lý giải rằng, càng có tội, người ta càng bị ràng buộc và càng làm phuớc, người ta càng được tự do. Người ta chỉ được tự do trong phước và bị ràng buộc trong tội. Câu trả lời ấy làm cho đạo Phật viên mãn. Vì khi đi tìm sự giải thoát, chúng ta sẽ sống một cuộc đời hết sức vị tha, làm lợi ích cho tất cả mọi nguời. Điều này hoàn toàn trái với quan niệm cho rằng, muốn tìm sự giải thoát phải buông bỏ tất cả, quên hết tất cả mọi người, chỉ lo đóng cửa tu tập, lo cho chính mình. Đó là quan niệm rất sai lầm.
Xét lại chuyện Tôn giả Losaka Tissa bị đói suốt đời, đến giờ phút cuối cùng nhờ thần lực và Đức của ngài Xá Lợi Phất mới được ăn một bữa no đủ trước khi nhập diệt, và sau đó được chứng Alahán, chúng ta có quyền hoài nghi. Vì một người thiếu phước như ngài Losaka Tissa làm sao có thể đạt được sự giải thoát như vậy. Chúng ta luôn nhớ một điều, sự Tự do, sự Giải thoát bao giờ cũng phải xuất phát từ Phước. Trong suốt truyện tích về ngài Losaka Tissa, chúng ta chỉ thấy từ nghiệp đố kỵ mà Ngài bị quả báo quá nặng nề. Trong khi đó, không có chi tiết nào kể về việc Ngài tạo phước lớn hơn để vượt qua sự quả báo ấy. Vậy mà, cuối cùng Ngài vẫn chứng được Alahán.
Chính vì những sự vô lý như vậy nên một số học giả phương Tây thường tỏ ra hoài nghi những Kinh điển cổ. Trong chuyện này họ cho rằng, người sau có thể thêm thắc vào để có một kết thúc như vậy. Vì một người đang trong tình trạng thiếu phước cực độ không thể có được sự giải thoát. Chúng ta khi bàn đến vấn đề này, cũng có quyền xét lại câu chuyện về tôn giả Losaka Tissa. Có thể ngài còn một cái Nhân lành rất đặc biệt khác nữa để trợ giúp cho sự chứng ngộ mà kinh điển không ghi ra hết.
2. MỤC ĐÍCH GIẢI THOÁT CHO MÌNH CHỈ LÀ SỰ VỊ KỶ TRÁ HÌNH
Khi biết chắc rằng cuộc đời này vô cùng đau khổ, chúng ta xác định phải đi đến sự giải thoát. Nhưng nếu chỉ đi tìm sự giải thoát cho chính mình, chúng ta sẽ rơi trở lại tâm vị kỷ. Mà vị kỷ chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên đời. Bởi vậy, không ít người muốn thoát khỏi đau khổ nhưng không ngờ lại gieo nhân đau khổ. Đây là cái vòng lẩn quẩn mà không phải ai cũng dễ dàng thoát ra được. Chúng ta phải cẩn thận điều này. Nếu phát tâm tinh tấn tu hành mà chỉ tu cho bản thân mình, vĩnh viễn không bao giờ chúng ta đạt được sự giải thoát. Thực tế đã chứng minh điều đó.
Chúng ta phải hiểu rằng, thực chất của việc đi tìm sự giải thoát, giác ngộ nằm ngay trong cuộc sống của chúng ta. Nếu tách khỏi đời sống, những danh từ ấy sẽ trở nên vô nghĩa. Muốn giải thoát, mỗi người phải xem lại mình có thương yêu mọi người hay không, có giữ được tâm khiêm hạ hay không. Nếu nói chuyện giải thoát giác ngộ thật xa vời để rồi trong đời sống, chúng ta không có tình yêu thương, chúng ta cứ hống hách kiêu mạn, cứ ganh ghét đố kỵ với mọi người thì sự giải thoát, giác ngộ chỉ là vô nghĩa.
Đức Phật xuất gia vì có một mục đích rõ ràng là đi tìm đường giải thoát cho chúng sinh. Mặc dù sống một cuộc đời sung sướng vương giả nhưng do lòng thương yêu của một vị Bồ Tát nên Ngài nhìn thấy thân phận con người là vô nghĩa. Lúc bấy giờ, ở Ấn Độ, người đã tin có luân hồi và Đức Phật cũng theo tín ngưỡng thời đó. Vì tin có luân hồi nên Ngài nhìn thấy sự đau khổ của con người. Người ta cứ sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết, rồi lại tái sinh. Cứ sống trong vòng lẩn quẩn như thế không biết bao giờ con người mới thoát ra được. Trong vòng lẩn quẩn đó, có khi con người cũng cảm thấy được sung sướng nhưng không phải là sự sung sướng đích thực. Tất cả rồi cũng trôi qua, con người rồi cũng vướng vào sự hơn thua, tranh giành, hận thù, tham lam, ích kỷ rồi cuối cùng cũng chấp nhận cái chết. Có thể bây giờ nghe câu chuyện này, chúng ta cảm thấy bình thường nhưng so sánh với những người khác, chúng ta sẽ thấy được sự vĩ đại trong cái nhìn của Đức Phật.
Hiện nay, trên thế giới cũng có nhiều nhà từ thiện, nhìn thấy những nỗi đau khổ nào đó của kiếp người. Họ cũng nỗ lực làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau cho con người. Chẳng hạn, có một nhóm người thấy rằng sử dụng mìn bẫy trong chiến tranh là điều rất vô nhân đạo. Không biết bao nhiêu người dân vô tội đã bị thương tật, đã bị bỏ mạng bởi vướng phải những quả mìn ấy. Nhìn thấy đó là một nỗi khổ lớn của nhân loại, họ đã đoàn kết kêu gọi các nước trên thế giới chấm dứt sản xuất mìn bẫy, chấm dứt sử dụng mìn bẫy trong chiến tranh để giết hại con người. Họ đấu tranh dữ dội khiến một số nước lớn đã phải ngồi vào bàn Hội nghị để thảo luận và thống nhất vĩnh viễn chấm dứt sản xuất mìn. Những việc họ làm thật vĩ đại. Những người ấy cũng nhìn thấy nỗi đau khổ của kiếp người và ra sức làm điều gì đó có lợi cho con người. Hoặc có người nhìn thấy nỗi đau khổ của những người bị bệnh phong cùi, tay chân bị mòn dần, thân hình lở lói khiến người ta sợ hãi, xa lánh mà động tâm. Họ tìm cách giúp đỡ những con người bất hạnh ấy. Những nhà khoa học thì miệt mài trong phòng thí nghiệm để tìm ra loại thuốc chữa bệnh cùi. Những người khác thì không ngần ngại vào những trại cùi để săn sóc, an ủi bệnh nhân cùi. Họ quả thật là những con người vĩ đại.
Trong cuộc sống, còn biết bao nhiêu tấm gương sống vị tha như thế. Họ đều là những người biết yêu thương con người, thấy được nỗi khổ của con người và cố gắng làm một cái gì đó có lợi cho chúng sinh. Họ đều là những con người vĩ đại. Nhưng tất cả những cái họ nhìn thấy chỉ là một góc nhỏ trong nỗi khổ của kiếp người. Còn nỗi khổ lớn, bao trùm vĩnh viễn lên kiếp người là Luân hồi thì họ không nhìn thấy được. Đây là chỗ khác biệt giữa họ và Đức Phật. Khi nhìn thấy bên kia làng có một số người nghèo khổ, vất vả không có miếng ăn, Ngài cảm thấy đó thật sự là nỗi khổ nhưng chưa phải là nỗi khổ cuối cùng. Hoặc thấy những người bị bệnh, lăn lóc đau đớn không có thuốc thang, không người chăm sóc, Ngài biết là khổ thật nhưng vẫn chưa phải là nỗi khổ cuối cùng. Nỗi khổ cuối cùng, lớn nhất theo Ngài, đó chính là
Luân hồi.
Chúng ta biết rằng, trong kiếp người này, dù người giàu hay người nghèo, dù người bệnh hay người khỏe, may mắn hay bất hạnh, tất cả đều phải bệnh, phải già, phải chết, phải tái sinh. Con người cứ lẩn quẩn một cách mệt mỏi như thế. Nếu chúng ta hiểu được rằng, không phải đây là lần duy nhất mình vào ra thế gian này mà mấy triệu kiếp rồi, và sẽ còn nhiều kiếp nữa phải tiếp tục lang thang, vào ra như thế, chúng ta sẽ thấy chán ngán và mệt mỏi.
Trong bài Khấn nguyện chúng ta vẫn tụng hằng đêm, có đoạn viết:
Cúi lạy mười phường Phật
Đau khổ đã nhiều rồi
Vô lương kiếp luân hồi
Đắng cay và mỏi mệt.
Như vậy, khi hiểu được mình đã lang thang vô lượng kiếp bây giờ còn phải lang thang nữa, chúng ta sẽ cảm thấy cay đắng và mệt mỏi. Đức Phật nhìn thấy ngay điều đó và thấy được nỗi khổ bất tận của chúng sinh nên quyết tâm tìm con đường giải thoát để cứu chúng sinh. Động cơ xuất gia của Đức Phật hoàn toàn vị tha. Và sau đó, Ngài sống những năm tháng lặn lội, khổ sở trong rừng để tu tập cũng vì chúng sinh.
Chúng ta cũng vậy, phải xác định dù tu hay học cũng vì lợi ích cho chúng sinh, đừng bao giờ nghĩ đến lợi ích của chính mình. Trong từng giây phút tu hành, chúng ta phải tinh tế nhìn ra điều sai điều đúng, kiểm soát tâm mình để rút ra những kinh nghiệm quí báu. Khi đã có kinh nghiệm, nếu có duyên chúng ta sẽ đứng trên pháp đàn tuyên dương hoằng hóa đạo Phật, thay Phật thay Tổ đem chánh pháp đến cho mọi người. Nếu không có duyên, chúng ta vẫn có lời để khuyên lơn, an ủi những người đang đau khổ khi họ tìm đến với mình. Làm được điều đó nghĩa là chúng ta đã làm lợi ích cho chúng sinh. Nếu cứ vị kỷ, học hành tu tập để được bằng cấp, danh tiếng cho mình, chắc chắn sau này cái chờ đợi chúng ta là khổ đau chồng chất vì lúc ấy chúng ta bị ràng buộc đủ điều.
Để làm được những điều ấy, chúng ta phải nhìn kỹ tâm mìmh, xem mình có còn tâm đố kỵ, còn ganh tị với người khác hay không. Nếu tâm đố kỵ còn tồn tại, chúng ta phải sám hối cho thật kỹ. Nói gạn lọc tâm mình là như vậy. Chúng ta phải sống hết sức vị tha, vượt qua hết những phiền não. Nhiều khi, chúng ta cũng mắc phải những lỗi lầm. Điều quan trọng là mỗi người phải chân thành nhận đó là lỗi để sửa chữa, để tìm cách vượt qua. Nhờ những lầm lỗi và sự chân thành nhận lỗi mà chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm tu hành. Đó là những kinh nghiệm mà chúng ta tu tập để dạy cho người khác. Người có lỗi mà không cho đó là lỗi sẽ không bao giờ tiến bộ.
Như vậy, nhờ những lời dạy của Phật, những lời dạy của Thầy Tổ, kết hợp với sự chân thành nhìn lỗi của mình, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhiều nguyên tắc để truyền đạt lại cho người sau. Xét cho cùng, khi phạm sai lầm, chúng ta biết rút kinh nghiệm là đã nghĩ đến người khác. Nếu đã phạm sai lầm, chúng ta phải làm sao cho người khác đừng mắc phải sai lầm như mình. Đó là vị tha.
Ngược lại, được điều gì hay chúng ta đều muốn cho chúng sinh cùng được. Ví dụ, khi được hướng dẫn ngồi Thiền điều thân, biết được toàn thân và nhận ra đây là căn bản quan trọng của Thiền, chúng ta phải nhớ đến những người khác. Chúng ta mong sao mọi người trước khi vào ngồi Thiền đều biết được sự điều thân, vì điều này rất có lợi cho công phu của họ. Như vậy, được điều gì đúng, chúng ta luôn luôn mong cho mọi người cùng được. Và vấp điều gì dở, chúng ta lại muốn mọi người không bị vấp như mình. Đó là vị tha.
Chẳng hạn, khi tâm mình khởi lên điều ham thích nào đó, chúng ta biết ngay đó là điều dở. Từ chỗ nhận thức như vậy, chúng ta phải tìm cách vượt qua. Khi vượt qua được, chúng ta sẽ nghĩ đến bao nhiêu người khác còn đang vướng kẹt và mong mỏi giúp họ đều vượt qua như thế. Ví dụ vấn đề ái dục, nếu có con đường, có phương pháp đúng đắn để vượt qua được ái dục sẽ có lợi cho những người tu hành biết bao nhiêu. Từ đó, mỗi người một ý kiến để có thể tìm ra được con đường ấy, giúp cho đời sống tu hành của Tăng Ni được thanh tịnh hơn, trong sạch hơn.
Tóm lại, chúng ta không nên đặt ra mục đích giải thoát cho bản thân mình. Vì đó làsự vị kỷ. Là người tu hành, chúng ta phải luôn tìm đến mục đích giải thoát cho chúng sinh.
3. BIỂU HIỆN CỦA GIẢI THOÁT LÀ ĐẠO ĐỨC
Đạo đức là nền tảng ban đầu. Khi tu, chúng ta bắt đầu bằng Đạo đức, phải rèn luyện bằng Đạo đức. Nhờ có Đạo đức, chúng ta mới tạo được Phước. Nhờ Phước, chúng ta mới giữ được Giới. Người không có Phước, không thể giữ Giới được. Vì vậy, chúng ta phải tạo Phước, phải lạy Phật, sống một cuộc sống vị tha, phải khiêm hạ…để có bản lĩnh giữ được Giới cho trong sạch. Khi đã giữ được Giới, chúng ta mới vào Định được. Khi Định đã thành, chúng ta sẽ được Tuệ giải thoát. Và biểu hiện của giải thoát lại là Đạo đức.
Vì khi đã đạt được Tuêï giải thoát, Đạo đức còn sáng tỏ hơn bao giờ hết. Chúng ta bắt đầu bằng Đạo đức và kết thúc cũng bằng Đạo đức. Người được xem là tu tiến trong Phật pháp cũng biểu hiện bằng Đạo đức, không phải là điều gì xa xôi, khó hiểu. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, người được giải thoát là người có những lời nói bí hiểm kỳ lạ, có hành vi khó hiểu, có cuộc sống ung dung, nhàn hạ chỉ thích ngao du sơn thủy:
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa.
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua.
Hòan tòan không phải như thế. Người được giải thoát là người có Đạo đức, sống cuộc đời vị tha, lo cho người khác. Những người sống phong lưu, nhàn hạ vân du nơi này nơi khác mà chúng ta gặp chưa hẳn là người đã được giải thoát. Vậy, biểu hiện của Đạo đức là gì?
Trước hết, đó là tâm từ bi, từ bi rất mạnh. Khi chưa giải thoát, chúng ta phải tu tập lòng từ bi. Khi giải thoát rồi, lòng từ bi sẽ cực mạnh. Có người ngay từ nhỏ đã là người tốt, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Khi lớn lên, biết Đạo người ấy lại càng tốt hơn, rất giàu đức hy sinh. Nhất là khi hiểu Đạo một cách sâu sắc, thấy lòng từ bi là một thuộc tính quan trọng không thể thiếu của người tu, người ấy rất siêng năng tu tập từ bi. Khi trở thành Giảng sư, đi giảng khắp nơi, vị chân tu ấy cũng luôn kêu gọi mọi người phải tu tập từ bi, sống với nhau trong tình thương yêu. Vậy mà, có lúc vị này chợt nhận ra mình chưa biết thương ai. Đây là điều rất lạ. Dù đã sống rất tốt, hy sinh tất cả cho mọi người, không giữ lại gì cho riêng mình, cực khổ gian nan cũng không nề hà, nhưng vẫn có lúc thấy mình chưa đủ tình yêu thương với mọi người.
Sở dĩ nhận ra điều ấy là do vị chân tu vừa đạt được sự từ bi đích thực. Người chợt hiểu sự quan tâm đến người khác, hy sinh cho người khác của mình trước kia chưa phải từ bi. Đó là cái tốt của lý trí. Nghĩa làvì hiểu Đạo lý, hiểu Đạo dạy phải sống tốt, phải hy sinh, không được ích kỷ mà người ấy đã đối xử tốt với mọi người. Cái tốt đó không xuất phát từ lòng thương yêu thật sự của trái tim. Chỉ khi nào người tu hành cảm thấy trái tim mình thật sự có lòng thương yêu con người thì lúc ấy mới gọi là có từ bi. Và chính lúc ấy, chúng ta mới nhận ra trước kia mình chưa thực sự thương ai. Đây là điều rất khó. Khi đã có một chút từ bi, nhìn thấy ai chúng ta cũng có thể khởi lòng thương yêu. Ngay cả những người sống giang hồ, quậy phá, nói năng thiếu văn hóa, chúng ta cũng có thể khởi lòng thương yêu mà không hề ghét bỏ. Điều này chúng ta đã được học trong bài Tâm từ. Tuy nhiên, tình yêu thương con người của chúng ta như vậy vẫn chưa đủ, cường độ vẫn còn yếu. Chúng ta chưa thể có tình yêu phủ trùm pháp giới một cách mạnh mẽ như Chư Phật hay Chư Bồ Tát. Đó là lý do vì sao nói người đã được giải thoát, từ bi rất mạnh.
Nếu không cố gắng tu tập, lòng từ bi sẽ bị chai lì đi, chúng ta sẽ không thương yêu được chúng sanh và dễ dàng rơi trở về tâm vị kỷ. Lúc ấy, đau khổ sẽ ngập tràn. Bởi vậy, chúng ta phải tu tập từ bi để hỗ trợ cho Đạo đức của sự giải thoát. Mỗi khi lễ Phật hay ngồi Thiền, chúng ta đều phải tác ý quán từ bi, thương yêu chúng sanh. Cứ thế đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ nhận thấy trong trái tim mình tràn ngập tình thương yêu đối với chúng sinh. Đó là lúc chúng ta bắt đầu có được lòng từ bi. Và điều đó chỉ bản thân chúng ta mới hiểu được.
Một biểu hiện khác của Đạo đức giải thoát làsự khiêm hạ, khiêm hạ rất sâu vì có trí tuệ Vô ngã. Khiêm hạ là khiêm tốn, không khoe khoang, không tranh hơn thua với bất cứ ai. Người nào hiểu, chúng ta giãi bày, dạy dỗ. Người nào không hiểu, chúng ta không trình bày, không khoe, không nói. Họ có coi thường cũng mặc, chúng ta không quan tâm.
Khi chưa được vô ngã, chúng ta giữ khiêm hạ bằng Đạo lý. Hàng ngày, hàng đêm, chúng ta luôn thấy mình như cỏ rác, cát bụi, mọi lời khen chê chỉ là bóng mây. Tự nhủ thường xuyên như vậy, tự nhắc nhở thường xuyên như vậy nhưng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, chúng ta vẫn chưa hẳn đạt được khiêm hạ thật sự. Chỉ trừ khi được giải thoát hòan tòan, chúng ta mới mong đạt được điều đó. Khi chưa thật sự giải thóat, Ngã chấp luôn tồn tại. Rồi chấp ngã luôn tạo nên khuynh hướng kiêu mạn. Những tâm niệm kiêu mạn ấy rất dễ khởi lên trong tâm của mỗi người để thấy mình hơn người khác. Điều đó luôn luôn có thể xảy ra nếu chúng ta không kiểm soát kỹ tâm mình.
Xuất phát từ chấp ngã, những tâm kiêu mạn có thể khởi ra từng giờ, từng phút, nếu chúng ta không biết tỉnh táo thường xuyên kiểm soát tâm mình. Nếu chúng ta không siêng năng lạy Phật, không siêng năng phát nguyện thì những tâm niệm kiêu mạn ấy sẽ tàn phá hết tâm hồn mình.
Trong bài Lời khấn nguyện, chúng ta vẫn thiết tha mỗi ngày:
Cho con biết khiêm hạ
Biết tôn trọng mọi người
Tự thấy mình nhỏ thôi
Việc tu còn kém cỏi.
Đó là những lời tâm niệm để giữ tâm hồn mình lại. Nếu không giữ được, kiêu mạn sẽ xuất hiện. Người giải thoát do đạt được trí tuệ Vô ngã nên không một hạt bụi nào có thể che mờ tâm các Ngài. Hay nói cách khác, tâm phiền não hay kiêu mạn dù nhỏ như một hạt bụi cũng không ngự trị trong tâm các Ngài. Bao giờ cũng vậy, các Ngài luôn kiểm soát tâm mình rất kỹ nên tâm kiêu mạn không khởi lên được. Những người như vậy rất khiêm hạ, rất kín đáo, nhẹ nhàng.
Cũng có những người được gọi là tu có tiến bộ, có tâm linh, có sở đắc, nhưng trong lời nói của họ vẫn còn cái ngông nghênh. Những người ấy rõ ràng chưa thật sự giải thoát, vẫn còn ngã chấp rất nặng. Đây là chỗ để chúng ta đánh giá mức độ tu tập của người khác và rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng, tâm linh tiến bộ là hết kiêu mạn. Có người tu vào được Định lại kiêu mạn hơn trước. Đây cũng là điều mà chúng ta phải cẩn thận.
Với người giải thoát, Đạo đức còn được biểu hiện ở sự tùy hỷ với ưu điểm và thành công của người khác. Nghĩa là khi nghe nói người khác có đức, có nhiều ưu điểm, có lòng từ bi, chúng ta phải mừng vui thực sự. Ví dụ, khi gặp một vị Thầy tinh tấn tu hành, gương mặt phúc hậu, tỏa ra vẻ đẹp tâm hồn chân chính, nghiêm túc, chúng ta phải vui mừng vì biết đây là một trong những cột trụ của Phật Pháp. Có thể bây giờ chưa có tiếng tăm gì, nhưng sau này chắc chắn người ấy sẽ làm lợi ích cho nhiều người. Nghĩa là sau này khi đến với họ, chúng sinh sẽ được an lạc, hoan hỷ. Chúng ta phải thực sự vui mừng khi nhìn thấy trong Đạo có những con người như thế. Trước ưu điểm và sự thành công của người khác, người đã giải thoát sẽ thấy lòng tự nhiên chan hòa, vui sướng. Như vậy gọi là tùy hỷ. Hạnh tùy hỷ ngược lại đố kỵ.
Một điều quan trọng nữa là người đã được giải thoát không bao giờ khinh miệt người kém hơn mình, không bao giờ khinh miệt người lầm lỗi. Họ luôn mong cho tất cả mọi người trở thành người tốt dù biết rất rõ ai cũng có khuyết điểm. Đây là điều rất quan trọng. Người đã giải thoát rồi dù không muốn, không suy nghĩ nhưng tính cách của họ, tâm của họ lúc nào cũng bao dung như người cha, người thầy, người bạn lành của chúng sinh. Khi chưa giải thoát, chúng ta ai cũng có khuyết điểm, nhưng giải thoát rồi khuyết điểm không còn nữa. Lúc ấy, nhìn thấy những người khác có khuyết điểm, chúng ta vẫn không khinh bỉ, chỉ mong cho họ tốt lên. Đó chính là lòng bao dung, lòng từ bi cao cả.
Người giải thoát thật sự có thể được xem là bóng cây râm mát, làm nơi che chở, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh. Ví dụ, khi biết rằng, tâm bao dung là biểu hiện của Đạo đức, người giải thoát có tâm bao dung như một người cha, một người thầy, chúng ta có thể yên tâm đem lỗi của mình giãi bày với họ. Những lỗi đó chúng ta bí mật giấu kín trong lòng không cho ai biết, nhưng khi đến với người đã giải thoát, chúng ta không ngaiï ngần nói ra tất cả. Nghĩa là chúng ta tin ở lòng thương yêu và bao dung của họ. Chúng ta biết rằng, khi nghe nói lỗi, người ấy sẽ không tỏ ra khinh bỉ mà vẫn bao dung, vẫn răn dạy mình, vẫn khuyên mình những điều sáng suốt để mình vượt qua được lỗi lầm. Đó là tấm lòng, là tính cách của người giải thóat. Ngược lại, khi có lỗi, chúng ta thường che giấu người khác vì biết họ không thương yêu mình, không đủ sức cảm thông với mình.
Người giải thoát có khả năng bao dung được các Pháp môn tu hành trong đạo Phật. Đạo Phật có nhiều Pháp môn, người giải thoát có thể đắc đạo nhờ một Pháp môn nào đó nhưng vẫn bao dung được các Pháp môn khác. Không bao giờ họ cho rằng, chỉ có Pháp môn mình tu mới đúng, còn những Pháp môn khác là sai. Đây là điểm để chúng ta nhận ra người đã giải thoát thật sự và người chưa thật sự giải thoát, cũng là điểm để kiểm tra chính mình đã đi gần đến sự giải thoát hay chưa. Ví dụ, một người niệm Phật có kết quả nên chê những Pháp môn khác, người đó chưa phải là người giải thoát. Hoặc người tu quán hơi thở, nhiếp được vào trong Định, gặp Pháp môn nào cũng chê cả. Cái định của họ chưa phải là giải thoát. Bởi vậy, tâm bao dung là một thuộc tính của Thánh. Một vị được gọi là chứng Thánh, được giải thoát phải có tâm bao dung, trước hết là trong đạo Phật và sau nữa là đối với các tôn giáo khác.
Hiện nay, ở nước ta có 6 tôn giáo được Nhà nước công nhận : Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo và Hồi giáo. Giữa các tôn giáo có nhiều điểm khác biệt. Người theo tôn giáo nào sẽ cho tôn giáo đó là đúng nhất. Chúng ta cũng vậy. Vì tin tưởng chắc chắn đạo Phật là chân lý đúng nhất nên chúng ta đã tu theo đạo Phật. Nhưng hãy nhớ rằng, không vì có niềm tin như vậy chúng ta chê bai, phỉ báng các tôn giáo khác. Một trong những biểu hiện Đạo đức của người giải thoát là luôn tìm những chỗ tương đồng giữa các tôn giáo..
Ví dụ, giữa đạo Thiên Chúa và đạo Phật có nhiều điểm rất khác nhau. Chúng ta không tin có Thượng đế và không tin chính Thượng đế tạo ra muôn lòai. Trong khi đó, những người theo đạo Thiên Chúa lại rất tin điều đó. Đây là điểm khác nhau rất căn bản giữa hai tôn giáo. Nhưng không để ý đến sự khác biệt đó, chúng ta nên tìm những điểm tương đồng như tình thương yêu, lòng bác ái, sự công bằng, thưởng phạt nghiêm minh của Thượng đế… Những điều ấy chúng ta vẫn có thể lý giải để thấy sự tương đồng với đạo Phật ở lòng từ bi, ở luật Nhân Quả….Từ đó, khi gặp người theo đạo Thiên Chúa, chúng ta vẫn có điểm để tôn trọng họ. Chúng ta tin rằng, khi thực hiện những giáo lý đó, họ cũng trở thành những người tốt. Chúng ta đừng nghĩ rằng, chỉ có đạo Phật là chánh, những đạo khác là tà.
Hoặc đối với đạo Hồi, một đạo thật khủng khiếp, tàn bạo, chỉ nói chuyện bằng bom đạn, chúng ta vẫn cố gắng tìm những điểm hay của họ. Ví dụ, trong cuộc sống, họ rất khắc khe với người phụ nữ. Phụ nữ đi ra đường phải trùm kín từ đầu đến chân, chỉ ló ra hai con mắt. Vì họ cho rằng, thân hình của người phụ nữ sẽ làm kích động dục vọng của người đàn ông, che kín như vậy để đàn ông không bị kích động dục vọng. Quả thật là quá bất công đối với người phụ nữ!
Thay vì qui định phụ nữ đừng ăn mặc quá hở hang khi ra đường, lẽ ra phải buộc đàn ông phải lo giữ tâm mình, đừng dễ dàng xao động, họ lại đổ tất cả trách nhiệm lên đầu người phụ nữ, buộc họ phải sống tù túng khổ sở suốt đời như vậy. Đó chính là sự bất công của đạo Hồi. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, những luật lệ nghiêm khắc của họ đã góp phần làm cho xã hội ổn định. Điều này chúng ta sẽ đề cập trong một bài khác.
Một biểu hiện Đạo đức nữa của người giải thoát là tùy duyên mà sống, làm lợi ích cho mọi người, dù lớn hay nhỏ. Nghĩa là dù làm một việc rất lớn là đăng đàn thuyết Pháp, hoằng hóa đạo Phật cho nhiều người hay chỉ một vài lời khuyên giúp người đau khổ, chúng ta cũng không từ nan. Việc lớn chúng ta cũng làm, việc nhỏ cũng không bỏ qua, miễn là những việc ấy đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
4. SỰ KHỦNG HOẢNG ĐẠO ĐỨC CỦA THẾ GIỚI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẠO PHẬT
Hiện nay, sống trong một thế giới mà văn minh vật chất và kỹ thuật hiện đại đang phát triển đến chóng mặt, con người dần dần đánh mất đi những giá trị đạo đức, những giá trị tinh thần đã từng ngự trị trong đời sống của họ từ bao đời nay. Vì thế, tội phạm lan tràn trên mọi lĩnh vực, ở khắp mọi nơi, mọi giới, mọi lứa tuổi. Ngành nghề nào cũng có người phạm tội, khó mà kiểm soát được.
Ông bà ta thường nói: Túng quá hóa liều hoặc Đói ra ma, no thành Phật. Có nghĩa là vì hoàn cảnh quá khó khăn, hoặc rơi vào bước đừơng cùng, con người thường làm liều để trở thành kẻ phạm tội. Ngày nay, kẻ phạm tội không hoàn toàn là những người nghèo túng, khó khăn hay ngu si không biết luật pháp. Họ còn là những trí thức, rất am hiểu luật pháp, là những người giàu có, những kẻ có chức quyền trong xã hội…Những con người này, một khi đã cố tình phạm tội, rất khó phát hiện bởi thủ đọan của chúng quá tinh vi, và hậu quả để lại vì thế thật khôn lường. Chẳng hạn, một bác sĩ, người được tôn vinh là luơng y như từ mẫu lại là con át chủ bài trong đường dây mua bán số đề. Người ấy dám bỏ ra một trăm năm mươi cây vàng để công ty xổ số phải ra đúng con số mà ông ta cần. Tất nhiên, ông bao tất cả con số đó khắp các tỉnh và trúng một quả rất đậm trong khi bao nhiêu người phải rơi nước mắt. Khi bị bắt, ông ta lại tha thiết kêu oan rằng bị người khác gài chứ mình không phạm tội. Đó là một ký giả có tài đi tống tiền người khác bằng cách tìm đến những công ty, xí nghiệp có sai phạm trong kinh doanh để hù dọa. Nếu không muốn công ty mình bị phá sản và bản thân mình bị pháp luật sờ gáy thì Giám đốc, bằng bất cứ giá nào cũng phải mua bằng được bài báo đó. Cứ thế, vị ký giả ấy tha hồ sắm xe hơi, tậu nhà lầu. Đó là một cán bộ chống buôn lậu có cỡ nhưng lại tiếp tay cho bọn buôn lậu. Nhờ thế, bao nhiêu vụ buôn lậu xuyên quốc gia cũng đều trót lọt, làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước.
Gần đây nhất, vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn được đưa ra trước pháp luật đã làm nức lòng nhân dân khắp nơi trong nước. Nhưng khi được đưa ra ánh sáng, vụ án ấy cũng để lại trong lòng người bao nỗi xót xa. Bởi người ta biết rằng, bao nhiêu năm tung hoành ngang dọc, gây ra biết bao đau khổ cho người dân lương thiện, bọn chúng vẫn không bị sa lưới pháp luật là nhờ sự “bảo hộ” của những cán bộ Nhà nước có uy tín. Những con người ấy, vì lợi ích cho bản thân mình đã phụ lòng tin yêu của hàng triệu triệu người dân.
Tình trạng chủ bóc lột công nhân đang xuất hiện phổ biến trên đất nước ta cũng là một hình thức phạm tội, vi phạm Bộ luật Lao động của Nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng ta biết rằng, từ thế kỷ XVIII- XIX, do bất mãn về việc người chủ có tiền mở xưởng sản xuất, thuê công nhân và bóc lột công nhân tàn tệ, Các Mác đã tìm ra con đường phát triển xã hội theo hướng Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Xã hội. Bước đầu, do sự thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các nước Tư bản phương Tây đã sửa lại Bộ luật lao động, buộc các giới chủ phải chú ý đến quyền lợi của công nhân. Vậy mà hiện nay, khi đất nuớc chúng ta mở cửa cho các nhà tư bản nước ngoài vào đầu tư, tình trạng bóc lột xuất hiện trở lại. Những công ty, xí nghiệp ấy đã bắt buộc công nhân phải làm thêm giờ, trả lương thấp, thậm chí còn giữ lại tiền lương của công nhân….
Chưa hết, báo chí thỉnh thoảng vẫn đăng những tội lỗi trời không dung, đất không tha khác như : cưỡng hiếp trẻ em, con giết cha mẹ vì tranh giành tài sản, vợ giết chồng rồi chặt thành từng khúc v..v…Biết bao cảnh đau lòng như thế đã xảy ra trong xã hội ngày nay. Nguyên nhân gây nên những tội lỗi ấy là do Đạo đức của con người xuống cấp nghiêm trọng. Một khi không có Đạo đức, không có lương tâm, con người sẽ không từ bất cứ việc gì. Vì thế, họ cứ gây ra đau khổ triền miên cho nhau.
Để chống lại những điều đó, Nhà nước phải làm gì?
Nhà nước đã sọan thảo nhiều Bộ luật như : Luật Hôn nhân gia đình, Luật Lao động, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Dân sự…Luật pháp có vẻ cụ thểù, nhưng luôn luôn đi sau tội lỗi và rốt cuộc vẫn lệ thuộc vào Đạo đức của người thi hành. Đó là lực lượng Công an, cán bộ Viện Kiểm sát, các quan tòa…
Ví dụ, luật pháp rất nghiêm, rất cụ thể, minh bạch. Người phạm tội gì, được quy định rõ ràng phải chịu mức án bao nhiêu năm. Nhưng khi có một người phạm tội, đưa đến Công an xử lý, gia đình họ mua chuộc cán bộ Công an, thế là kẻ phạm tội được xử một cách nhẹ nhàng hoặc thả trôi theo thời gian. Hoặc Công an làm việc nghiêm túc, xử lý điều tra rồi chuyển qua Viện Kiểm sát nhưng người ta lo lót cho ông Viện trưởng nên vụ án rồi cũng chìm xuồng. Trường hợp Công an, Kiểm sát thi hành đúng luật và đưa lên Tòa án để xét xử, nếu các quan tòa được mua chuộc sẽ tuyên bố trắng án, hoặc tuyên mức án rất nhẹ so với tội danh…. Như vậy, nếu người thi hành luật pháp không có Đạo đức, luật pháp sẽ không đem lại hiệu quả.
Trở lại vấn đề Đạo đức, khi nói đến các cán bộ tham nhũng, chúng ta thường gặp trên các báo, nhất là báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh cụm từ “cần cái tâm trong sáng của người cán bộ”. Nói đến cái tâm trong sáng của người cán bộ nghĩa là nói đến Đạo đức của họ. Nhưng chúng ta thấy, cái gọi là giáo dục Đạo đức ở nước ta cũng như trên thế giới chưa ổn, chưa có đường lối rõ ràng, dứt khoát. Bước chân đến trường, học sinh được học rất nhiều môn, thậm chí có những môn quá nặng nề so với độ tuổi của các em, nhưng Đạo đức lại được học rất ít và đó là môn được xem là không quan trọng. So với các môn khác như Toán , Văn, Ngoại ngữ…, môn Đạo đức chỉ là môn hệ số 1. Đó là lý do vì sao học sinh không tập trung học tập và rèn luyện Đạo đức. Bởi vậy, ở nhiều nước trên thế giới trong đó có nước ta, biết bao thế hệ con người lớn lên nhưng không được giáo dục Đạo đức một cách kỹ lưỡng. Một xã hội cứ tiếp tục sản sinh và lớn lên những con người không được dạy kỹ về Đạo đức, xã hội ấy sẽ hỗn loạn, Đạo đức ngày càng suy đồi và tội lỗi sẽ tràn lan.
Nếu mỗi người được dạy Đạo đức từ nhỏ thì xã hội sẽ tốt đẹp và lành mạnh biết bao nhiêu. Trước tình trạng Đạo đức suy đồi như hiện nay, chúng ta luôn mong ước mỗi đệ tử Phật phải trở thành một chiến sĩ trên mặt trận Đạo đức. Nghĩa là tự mình sống rất Đạo đức và truyền bá Đạo đức cho mọi người.
Trong khi chúng ta vẫn cho rằng, đạo lý đạo Phật là đúng đắn nhất, phong phú nhất và xuất hiện sớm nhất. Tạng kinh của đạo Phật thật mênh mông, đồ sộ. So với những Đạo khác, chúng ta thấy rằng, chỉ có đạo Phật mới có hệ thống Kinh điển rất lớn cho đến bây giờ vẫn chinh phục được tầng lớp trí thức. Nhiều nhà bác học khi đọc giáo lý của đạo Phật đều chấp nhận và ngợi ca. Nhưng theo con số thống kê sơ bộ, chúng ta thấy giữa đạo Phật và những đạo khác có sự tương quan rất lớn về số lượng tín đồ. Chẳng hạn, Hồi giáo xuất hiện sau đạo Phật một ngàn năm. Hiện nay, họ có khoảng một tỷ hai trăm năm mươi triệu tín đồ trên toàn thế giới. Đạo Thiên Chúa sau đạo Phật khoảng sáu trăm năm. Hiện nay, họ có khoảng một tỷ một trăm mười triệu tín đồ trên toàn thế giới. Trong khi đó, đạo Phật xuất hiện sớm hơn hai Đạo này nhưng hiện nay chỉ có không tỷ ba trăm năm mươi triệu tín đồ trên toàn thế giới.
Nguyên nhân chính là do đâu? Do những người tu hành như chúng ta không làm hết trách nhiệm, bổn phận của mình. Không ít người đến với đạo Phật chỉ lo tu cho bản thân mình, thờ ơ với mọi người, không thiết tha với sự nghiệp truyền bá Chánh pháp. Vì vậy, trước tình trạng này, chúng ta không được tu một cách thụ động như trước nữa, phải mạnh mẽ hơn. Mỗi người phải sống vị tha, siêng năng dạy dỗ truyền bá để cho ánh sáng Phật Pháp được lan tỏa khắp mọi nơi.
Những người chưa hiểu đạo Phật, đi theo đạo khác, không phải ai cũng tìm được chân lý của mình. Nếu được về với đạo Phật, họ sẽ trong sáng hơn, thanh thản hơn. Bởi vậy, nếu để thêm một người bước sang con đường khác là lỗi của chính chúng ta, nhất là khi họ được dẫn đi theo con đường của bạo lực, con đường của mê tín, mù quáng.
Phật hóa gia đình là vấn đề rất quan trọng trong việc hoằng hóa Phật pháp. Hễ một người biết đạo Phật, người ấy phải làm cho cả gia đình theo đạo Phật. Chúng ta phải dạy điều đó cho các Phật tử, dứt khoát không để xảy ra tình trạng mình biết đạo Phật nhưng những người trong gia đình muốn đi đâu đi. Để họ rơi vào tà kiến, rơi vào tội lỗi, không tin Nhân Quả, không kính trọng Phật Pháp, không những là điều thiệt thòi cho họ mà còn là lỗi của chúng ta. Cho nên, một người trong nhà biết Đạo, phải làm cho tất cả mọi người đều biết Đạo. Nhất là những em bé, nếu từ nhỏ đã biết lễ Phật, đã quy y Tam Bảo, lớn lên chắc chắn sẽ có một cuộc đời tốt đẹp đồng thời sẽ là một người tốt cho xã hội. Chúng ta phải hiểu rằng, nếu để lại cho con cái một gia tài đồ sộ mà không để lại Trí tuệ hay Đạo đức, gia tài ấy rồi cũng sẽ bị phá cho tiêu tan. Nhưng nếu để lại phước, để lại Đạo đức cho con cái, thì kiếp này đến những kiếp sau, nó sẽ được sung sướng, an vui.
Vậy, sức mạnh nào khiến người Phật tử mạnh dạn đem hết cả gia đình mình vào đạo Phật? Tất nhiên, sức mạnh ấy không phải tự nhiên mà có. Chính những người tu hành chúng ta đã truyền sức mạnh đó cho họ. Khi có lý tưởng thiết tha tu hành và tích cực ra làm việc, giáo hóa, chúng ta sẽ truyền cho Phật tử sức mạnh, niềm tin giúp họ cảm hóa được mọi người trong gia đình. Như vậy, việc Phật pháp không được phục hưng, không được phát triển trước hết là do lỗi của người xuất gia. Đây là điều chúng ta phải nhìn thấy và phải lưu ý.
Khi thấy những kẻ tội phạm, trộm cướp, giết người…, chúng ta phải tự nghĩ ra cách nào đó để cải hóa tâm hồn họ, làm cho họ trở nên lương thiện.
Tuyệt đối chúng ta không ghét ai cả. Chẳng hạn, khi nghe có tên cướp khét tiếng, giết người cướp của không ghê tay bị đem ra xử tử, chúng ta không thấy thấy hả hê mà cảm thấy lòng mình xót xa. Vì họ cũng là người như bao con người khác nhưng chỉ vì trong tâm có chủng tử của tội lỗi mà trở thành một kẻ cướp của giết người. Nếu cũng với con người đó, vẫn mái tóc bồng bềnh đó, vẫn đôi mắt, đôi tay khỏe mạnh đó, nhưng tâm của họ được thay bằng những tư tưởng Đạo đức, chắc chắn họ sẽ trở thành con người tốt cho xã hội.
Như vậy, lỗi không phải ở tòan bộ con người họ mà là ở Tâm của họ, mà Tâm là cái có thể thay đổi được. Cho nên, chúng ta không bao giờ được ghét bỏ ai, kể cả người gây nhiều tội lỗi. Chúng ta phải suy nghĩ, phải băn khoăn tìm cách làm cho họ tốt hơn. Đây chính là trách nhiệm của người tu hành.
Ở Ấn Độ có trường hợp cho phép người ta vào dạy Thiền trong nhà tù. Trước kia, có nhiều vị Thầy đã vào nhà tù để giảng Đạo cho tù nhân. Ở nước ta, việc này chưa làm được, nhưng chúng ta phải nghĩ đến điều đó, nghĩ đến việc cải hóa Đạo đức cho phạm nhân. Chúng ta đừng nghĩ cứ trừng phạt cái thân của họ, giam giữ đày đọa cái thân của họ sẽ làm họ thay đổi. Một khi tâm chưa thay đổi thì những việc làm đó mới chỉ chỉ là nắm cái ngọn mà thôi.
Là người tu theo đạo Phật, chúng ta phải luôn mơ ước mọi người đều hiểu luật Nhân Quả. Muốn vậy, chúng ta phải vận động Nhà nước, nhà trường đưa Đạo đức – Nhân Quả vào trong học đường dạy cho học sinh để trẻ thấm nhuần Đạo đức từ bé. Nếu từ nhỏ được dạy Nhân Quả nghiệp báo, những đứa trẻ ấy lớn lên sẽ là người tốt, biết cân nhắc thiện ác, tội phước. Vì sở dĩ người ta sống tội lỗi là vì họ không tin Nhân Quả, tội phước.
Thực ra, hiện nay rất nhiều người, trong đó có những cán bộ, công an tin là có Nhân Quả. Nhiều giáo viên theo đạo Phật cũng tin Nhân Quả là có thật. Nhưng chưa ai dám chính thức, công khai nói mạnh điều ấy trong nhà trường vì sợ vi phạm. Chúng ta thấy Nhân Quả là điều có thật, là sự công bằng của cuộc đời. Điều quan trọng là làm sao đưa được môn học này vào trong nhà trường, dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Được như vậy, xã hội sẽ thay đổi, sẽ có rất nhiều người tốt xuất hiện trong cuộc đời này. Đây là ước mơ của tất cả chúng ta. Hy vọng rằng, mơ ước này sớm trở thành hiện thực.
Hiện nay, tình trạng Đạo đức của Tăng Ni có dấu hiệu xuống cấp. Bởi vậy, dạy môn Tâm lý Đạo đức là để phục hồi lại Đạo đức cho Tăng Ni. Mong rằng, sau khi ra trường, nhiều người sẽ tiếp tục dạy Tâm lý Đạo đức cho thế hệ Tăng Ni khác để cây Đạo đức mãi mãi nở hoa trong đạo Phật và trong lòng người.
5. ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA ĐỜI SỐNG VỊ THA CỦA NGƯỜI HƯỚNG VỀ GIẢI THOÁT VỚI NHỮNG NHÀ TỪ THIỆN LỚN CỦA CÁC TÔN GIÁO
Giữa đời sống vị tha của người hướng về Giải thoát trong đạo Phật với những nhà từ thiện lớn thuộc các tôn giáo khác đều có điểm giống nhau là có lòng tốt, lòng thương người (hy vọng là như vậy). Nhưng giữa hai đối tượng ấy cũng có những điểm khác. Trước hết, đạo Phật hướng về mục tiêu Vô Ngã tuyệt đối, còn những nhà từ thiện khác không có mục tiêu đó.
Thứ hai, khác nhau ở quan điểm, cách nhìn về thế giới (thế giới quan). Đạo Phật thấy thế giới này là tạm bợ. Trong khi đó, những nhà từ thiện kia lại thấy thế giới này là thật. Vì thấy là thật nên họ xây dựng thế giới này cho tốt đẹp. Chúng ta, tuy thấy thế giới này là giả, là tạm bợ nhưng vẫn thương yêu con người, vẫn xây dựng thế giới này tốt đẹp.
Một sự khác nhau nữa là khác ở sự thực hành Thiền Định. Chúng ta thực hành Thiền Định, kiểm soát những tâm niệm bí mật để thoát khỏi mọi ham muốn về danh tiếng, mọi ước mơ về quả báo.
6. LÀM GÌ ĐỂ GIẢI THOÁT VÀ GIẢI THOÁT ĐỂ LÀM GÌ?
Đây là câu hỏi cuối cùng chúng ta phải đặt ra khi nói về vấn đề Giải thoát. Chúng ta sống vị tha để được Giải thoát và Giải thoát cũng để sống vị tha. Nhưng nếu chỉ hướng về Giải thoát cho riêng mình, đó là sự vị kỷ. Nếu thiếu Đạo đức thì sự tu hành của chúng ta chỉ là công phu của ngoại đạo. Bởi vậy, chúng ta phải nhớ rằng, Đạo đức là vấn đề rất quan trọng.
Và điều quan trọng cuối cùng chúng ta phải luôn tâm niệm là cả cuộc đời mình, dù Giải thoát hay chưa Giải thoát, đều phải làm lợi ích cho chúng sinh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.