Tâm Lý Đạo Đức
NIỀM TIN
1. TIN LÀ CHẤP NHẬN ĐIỀU GÌ ĐÓ ĐÚNG SỰ THẬT
Con người sống trên đời này không thể không có một niềm tin. Niềm tin là chấp nhận có cái gì cao đẹp để ta vươn tới. Có thể niềm tin đó đã được kiểm chứng chắc chắn, và cũng có thể chưa, chỉ là tin suông. Hoặc là ta tin rằng có thần linh theo dõi hành vi thiện ác của con người để thưởng phạt công minh; hoặc ta tin rằng sống trên đời phải biết hy sinh cho đất nước. Trong thái độ ứng xử cũng như trong việc chọn lựa con đường đi cho cuộc đời mình, niềm tin là điều rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là tin điều gì, tin ai và tin như thế nào?
Cuộc sống vốn rất phức tạp. Xung quanh chúng ta hằng ngày xảy ra bao nhiêu chuyện vui buồn, bao nhiêu điều đúng sai, có những điều đáng tin và những điều không đáng tin. Đôi khi vì cả tin, chúng ta mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Cũng có lúc vì quá hoài nghi, vì mất niềm tin, chúng ta lại bỏ qua những cơ hội tốt cho cuộc đời mình, thậm chí còn phụ mất bao tấm lòng trong thiên hạ. Bởi vậy, thái độ đối với niềm tin của mỗi người rất quan trọng. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, chúng ta phải có trí tuệ và bản lĩnh để chọn cho mình một cách xử lý thông tin đúng đắn nhất, có hiệu quả nhất.
Tin là chấp nhận một điều gì đó là đúng sự thật. Chúng ta có thể tin vào một câu chuyện kể, tin nhân cách của một con người, tin một lý thuyết hoặc một giáo điều…Nhưng chúng ta chỉ tin khi nào? Trước một câu chuyện kể, chúng ta phải cân nhắc. Nếu nghe người ta kể lại một câu chuyện, chúng ta không suy xét mà tin ngay, đó là lối tin sai lầm. Vì ngay cả những chuyện xảy ra trong lịch sử đã được ghi vào sử sách cũng có lúc sai. Chuyện kể về Công Chúa Ngọc Hân, Hoàng hậu vua Quang Trung là một ví dụ. Chuyện kể rằng, khi Tây Sơn bị quân Nguyễn Ánh đánh bại, bà Ngọc Hân vẫn ở lại kinh đô Phú Xuân- Huế. Sau đó, Nguyễn Ánh thấy bà đẹp quá nên giữ lại và bà tiếp tục làm vợ của Nguyễn Ánh. Câu chuyện được người đời thêm “gia vị” vào càng trở nên hấp dẫn. Nhưng đến bây giờ, qua nghiên cứu, tìm hiểu, những nhà sử học đã phát hiện ra đó là chuyện bịa đặt, sai lầm. Như vậy, một thời gian dài, ai cũng tin chuyện đó là có thật. Thực ra, khi có biến cố xảy ra, bà cùng hai người con chạy trốn khỏi kinh thành. Sau đó, ba mẹ con bà bị quân Nguyễn Ánh bắt và giết chết. Trên thực tế, không có một Ngọc Hân nào ở lại làm vợ vua Nguyễn Ánh cả.
Hoặc một câu chuyện khác trong đạo Phật, chuyện về tiền thân của Đức Phật. Thái Tử Tu Đại Noa tu hạnh bố thí, bố thí Ba la mật, ai xin gì Ngài cũng cho. Chính vì điều đó nên vua cha giận và đày đi nơi khác mang theo cả vợ con. Trên đường đi, người ta xin vợ con, Ngài cũng cho nốt. Vì đây là câu chuyện được kể lại trong kinh Phật nên được rất nhiều người tin. Theo tư duy của con người lúc bấy giờ, người ta cho rằng câu chuyện đó có thật. Vì đối với người đàn ông, vợ con là sở hữu của họ. Một khi đã là sở hữu, họ muốn cho ai cũng được. Đối với người có tâm bố thí rộng lớn, cái sở hữu lớn nhất, quý nhất là vợ con ruột thịt, họ cũng sẵn sàng cho đi. Như vậy, người ấy đúng là người có hạnh bố thí viên mãn. Đó là lý luận của người xưa. Nhưng nếu đặt ngược lại vấn đề, chúng ta sẽ thấy quan điểm ấy hòan tòan trái với đạo Phật. Bởi vì, khi sẵn sàng cho cả vợ con, Thái Tử tỏ ra tốt với người khác nhưng không tốt đối với vợ con mình. Ngài có biết khi vợ con mình về ở với người kia, họ có được đối xử đàng hoàng hay không? Nếu cứ nhắm mắt cho liều, không băn khoăn, day dứt, dù là cái mình yêu quý nhất, để được gọi là tu hạnh bố thí Balamật thì đó là điều rất vô lý, không thể chấp nhận được. Xét trên góc độ nhân bản, người này không có trí tuệ, không biết cân nhắc, đối xử vợ con như vậy là không tôn trọng, không hợp với đạo lý.
Một câu chuyện bộc lộ nhiều điểm vô lý, sai lầm như vậy mà cả thời gian dài chúng ta đã tin là thật. Phải thừa nhận rằng, không phải mọi câu chuyện trong Đạo được kể lại đều là sự thật, đều chính xác. Tính xác thực của những câu chuyện cổ trong đạo Phật rất thấp. Bởi vậy, trong quá trình thuyết giảng cho đệ tử, chúng ta chỉ kể những câu chuyện mình tin chắc là có thực. Sống trong thời đại khoa học, văn minh, con người thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tin một vấn đề. Chúng ta phải cẩn thận, nếu không sẽ làm mất niềm tin trong lòng họ, có khi lại trở thành trò cười cho thiên hạ.
Trong đạo Phật có chuyện Lòng hiếu của chim Oanh Vũ. Chuyện kể về tiền thân Đức Phật lúc đó là con chim Oanh Vũ. Vì ba mẹ bị mù, chim Oanh Vũ đi gắp lúa về nuôi ba mẹ. Lúc bấy giờ, ngài Xá Lợi Phất là một điền chủ trồng lúa. Khi bị mắc bẫy, chú chim cất lên tiếng nói, tiếng nói của con người. Những câu chuyện như thế này chỉ mang tính chất ngụ ngôn chứ không có thật. Bởi vậy, khi sử dụng những câu chuyện ấy để chứng minh cho bài giảng của mình, chúng ta không được khẳng định đây là chuyện có thật trong đạo Phật mà phải nói rõ chuyện được xem như là một chuyện ngụ ngôn để răn dạy người đời.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng nghe được những câu chuyện lạ. Những chuyện ấy rất hấp dẫn nhưng vì không kiểm nghiệm được nên thật khó tin. Chẳng hạn, chúng ta từng nghe chuyện lạ về một người thợ săn. Vào thời Pháp thuộc, khi rừng Sác còn dày đặc, còn nhiều những cây cao bóng cả, với muông thú rất nhiều. Có một người thợ săn hằng ngày mang súng vào rừng săn bắn. Một ngày nọ, ông vào rừng săn như thường lệ. Nhưng một điều rất lạ là đã vào sâu trong khu rừng mà ông vẫn không nghe một tiếng chim, không nhìn thấy một con thú nào. Bốn bề vắng lặng, tịnh không một bóng chim, một con thú nào. Thế rồi ông đi mãi, đi mãi tới một khu rừng lạ mà trước đây ông chưa hề đặt chân tới. Khi qua khu rừng vắng, đến một cánh đồng cỏ, ông nhìn thấy xa xa có một bà già đội nón lá lụp sụp đang đi về phía ông. Trong rừng vắng, gặp được con người, ông lấy làm ngạc nhiên lắm. Nhưng do kinh nghiệm hoặc nghe phong thanh điều gì đó, ông bèn ngồi xuống nhìn cho kỹ. Lúc bấy giờ ông mới phát hiện ra chân của bà già đi không chạm đất. Ông nghĩ rằng hôm nay mình đã gặp quỷ và giương súng lên, hướng mũi súng về phía bà già. Với cái nón lá lụp sụp, bà ta cũng đang đi về phía ông. Hai người đi dần dần về phía nhau. Lúc bà già đến vừa tầm ngắm, ông bắn liền một phát. Tiếng súng nổ, bà già phóng đến chỗ ông đang đứng. Với kinh nghiệm của một người thợ săn, khi bắn xong, ông lăn ngay sang một bên. Khi bà già nhảy xuống đúng chỗ ông đứng, ông bắn thêm một phát nữa, bà ta ngã lăn ra chết và hiện nguyên hình là một con cọp bạch. Sau đó, ông về làng kêu mọi người vào rừng kéo xác con cọp về. Biết là cọp bạch, lại là cọp thành tinh, họ rất sợ nênï lập miếu thờ. Từ đó, người thợ săn giải nghệ luôn, không dám đi săn nữa. Ông cho rằng quỷ đã dụ ông vào rừng săn, có nghĩa là thời của ông đã hết. Nếu ông vẫn cứ lì lợm, vẫn tiếp tục đi săn sẽ động đến “chúa sơn lâm”.
Câu chuyện cũng hấp dẫn, người kể cũng có lý luận, nghe hay hay nhưng không biết thật giả ra sao. Những câu chuyện nghe có vẻ hấp dẫn như vậy chúng ta đừng vội tin. Nếu tin nghĩa là chúng ta đã chấp nhận điều đó là đúng sự thật. Nhưng để xác nhận một điều có thật, chúng ta phải rất cẩn thận, cảnh giác. Chúng ta chỉ tin vào những điều mình đã kiểm nghiệm, không được nghe điều gì tin ngay điều đó. Đó mới thật sự là thái độ sống đúng đắn.
Đối với nhân cách của một con người cũng vậy, trong cuộc sống, qua việc gặp gỡ, tiếp xúc, chúng ta sẽ có sự đánh giá đúng đắn về mọi người hơn. Tùy mức độ tin cậy, chúng ta sẽ có mối quan hệ giao tiếp đúng mực.
Ví dụ, khi biết một người là xấu, chúng ta chỉ quan hệ giao thiệp với họ trong một chừng mực nào đó, không để họ đi sâu vào cuộc đời mình, cũng như chúng ta không cần đi sâu vào cuộc đời của họ. Chúng ta nên biết rằng, đó không phải là người tốt, nếu gặp nhau ngoài đường, chỉ cần chào xã giao hay mời nhau ly nước và sau đó không cần mời họ đến nhà và mình cũng chẳng đến nhà họ.
Trong quan hệ giao tiếp, một khi đã tin nhân cách của người khác, chúng ta có thể hợp tác dễ dàng hơn. Trong cuộc sống, nhu cầu hợp tác với nhau rất quan trọng bởi không ai muốn mình sống cô đơn, cô độc giữa cuộc đời này. Chúng ta luôn cần có người để hợp tác, quan hệ. Khi có niềm vui, nỗi buồn, chúng ta cũng cần có người để sẻ chia, tâm sự. Nhu cầu được kết bạn là nhu cầu lớn của con người. Nhưng chúng ta phải biết “chọn mặt gửi vàng”, không phải gặp ai cũng đem chuyện đời mình ra tâm sự. Đôi khi những lỗi lầm trong quá khứ chúng ta đã vượt qua rồi, nhưng khi kể cho người khác nghe, họ lại đồn ầm lên và thêm chút “gia vị” vào, vậy là lỗi lầm trở nên mới như chúng ta vừa phạm phải. Điều ấy không tốt chút nào và bao nhiêu phiền phức từ đó lại nảy sinh.
Khi hợp tác với người khác cũng vậy. Trong quá trình đi làm Phật sự, có khi chúng ta mời huynh đệ nào đó về chùa ở chung với mình, cùng hợp tác lo việc Đạo với mình. Nhưng lúc ấy, chúng ta phải biết rõ người đó như thế nào, phải tin được nhân cách của họ mới có thể hợp tác được. Trong trường hợp làm Trụ trì, muốn nhận đệ tử, chúng ta cũng phải tin tưởng phần nào vào nhân cách của người học trò mình. Còn tin như thế nào, tin ở mức độ nào, điều đó phụ thuộc vào sự đánh giá của mỗi người, vào bản lĩnh của mỗi người. Nếu là người có bản lĩnh, chúng ta sẽ nhìn sâu sắc hơn, hoặc do tiếp xúc lâu ngày, chúng ta sẽ đánh giá chính xác đối tượng và có niềm tin. Có khi nghe người ta nói, chúng ta tin, hoặc cũng có khi tin do trực giác.
Ví dụ, có người đến với chúng ta và hay tự kể chuyện tốt về họ, nào là cúng dường chùa này, chùa khác; nào là giúp đỡ người nọ, người kia…Nghe kể, chúng ta tin họ là người tốt thật. Đây là điều chúng ta hay mắc phải. Nếu chỉ tin nhân cách của một người qua lời nói của họ mà chưa một lần chứng kiến, kiểm nghiệm, là chúng ta đã sai lầm.
Trường hợp tin người do sống gần với nhau lâu ngày là niềm tin có cơ sở nhất. Bởi sống với nhau lâu ngày, không ai giấu người khác được điều gì. Ông bà ta rất thâm thúy khi đưa ra kinh nghiệm trong việc đánh giá một con người:
“Thức đêm mới biết đêm dài.
Ở lâu mới biết lòng người cạn sâu”.
Quả thật, nhìn nhận, đánh giá con người để có một niềm tin qua thời gian gần gũi tiếp xúc là cách chắc chắn nhất.
Có khi chúng ta dùng trực giác để tin. Nghĩa là gặp một người nào đó, bằng trực giác, chúng ta cảm nhận ngay ban đầu là người này tốt hay xấu. Điều này thường thấy ở người phụ nữ. So với nam giới, người phụ nữ có linh cảm, có trực giác mạnh hơn. Nhưng sở dĩ họ vẫn sai lầm trong quan hệ, đánh giá là do họ rất dễ xiêu lòng. Ban đầu, chỉ cần thoáng nhìn qua, họ biết ngay đó là người không tốt, nhưng nghe người ta khen mình hay quá, người ta ngọt ngào quá lại tin ngay. Người nam không có trực giác mạnh như phụ nữ nhưng bù lại, họ rất cứng rắn.
Ngoài việc tin vào nhân cách của một người, chúng ta còn có những niềm tin khác, tin vào một lý thuyết. Đó có thể là lý thuyết về kinh tế, chính trị hay vật lý… Đây là niềm tin về những vấn đề trừu tượng cao cấp hơn.
Một thời gian dài ở Âu Châu người ta tin rằng, cứ để cho con người làm ăn tự do thì xã hội sẽ giàu mạnh, phát triển. Nhưng đến một lúc nào đó, vì tự do quá, xã hội sẽ xuất hiện tình trạng người bóc lột người. Người có nhiều tiền, làm chủ một xưởng sản xuất, khi người công nhân đến làm việc phải chịu sự quản lý, đối xử của người chủ. Vì có quyền hành trong tay, ông chủ muốn trả lương cho người lao động bao nhiêu mặc kệ, hoặc muốn bắt họ làm bao nhiêu giờ trong ngày mặc kệ. Nếu ai không đồng ý, không chấp hành sẽ bị chủ đuổi việc. Như vậy, vì sự sống còn, người làm công phải lệ thuộc hoàn toàn vào chủ. Và những tay chủ thấy mình có quyền cứ ra sức bóc lột công nhân, bắt họ làm việc nhiều, điều kiện làm việc thiếu thốn, trả lương ít để được lợi nhuận cao. Xã hội đã có sự bất công.
Có thời gian, người ta lại thay đổi quan điểm. Họ nghĩ rằng, không nên để con người tự do như vậy, Nhà nước phải quản lý, điều khiển mọi hoạt động kinh tế. Sau một thời gian làm việc, tình trạng làm việc cầm chừng xuất hiện. Vì người ta cho rằng mọi cái đều là của Nhà nước và không ai chịu làm việc. Nhà nước đã có chế độ bao cấp, làm nhiều hay làm ít họ cũng đều được nhận một mức lương ổn định trong một tháng. Không ai chịu nỗ lực làm việc, công chức thì cứ “sáng vác ô đi, tối vác về” nên kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng.
Hiện nay, ở một số nước phương Tây, người ta vẫn tin rằng cứ để con người tự do thì xã hội sẽ phát triển. Nhưng gần đây, (khoảng hai năm nay) ở vùng Đông Nam Á xuất hiện tình trạng khủng hoảng kinh tế, bắt đầu từ Thái Lan, qua Inđônêxia, vòng lên đến Nhật Bản, Đại Hàn… Lúc bấy giờ, các nước Đông Nam Á bắt đầu xét lại cái gọi là thị trường tự do để thấy được những hạn chế của nó. Vì tin tưởng một cách tuyệt đối và áp dụng triệt để những lý thuyết kinh tế ấy nên nhiều nước đã thất bại. Bởi vậy, chúng ta không nên tin một cách tuyệt đối, cần phải cẩn thận để tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc.
Có khi đó là niềm tin vào một lý thuyết về vật lý, về sinh vật, là các lý thuyết về khoa học …Chẳng hạn, thuyết tiến hóa của Darwin cho rằng mọi sinh vật trên trái đất tiến hóa từ các loài đơn giản đến phực tạp, phức tạp nhất là loài người. Và trước con người là loài Khỉ. Hay nói cách khác, theo học thuyết ấy thì tổ tiên của loài người là loài khỉ. Xét cho cùng, chúng ta thấy rằng thuyết tiến hóa của Darwin dù được rất nhiều người tin nhưng mới chỉ là một thuyết, chưa được chứng minh một cách khoa học. Trong khi đó, chúng ta chưa tin vào điều gì khác để tạo nên một sự ứng xử mới.
Thử tưởng tượng nếu tin rằng con người có nguồn gốc từ loài khỉ thì trong chúng ta sẽ có người nhìn thấy trước mặt mình bao nhiêu con người với những gương mặt đáng yêu, đáng mến cũng như nhìn thấy những con khỉ. Họ sẽ ứng xử ra sao với mọi người? Có thể đó là một sự coi thường, vì họ nghĩ rằng xét cho cùng con người cũng chỉ là con vật mà thôi. Đây là điều chúng ta nên cẩn thận.
Trong đạo Phật của chúng ta có một lý thuyết: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Phật tánh là cái gì tuyệt đối, cao cả nằm trong thâm sâu tâm hồn mình. Nếu chúng ta tin vào điều đó, tin là nơi mình có Phật tánh và nơi người cũng có Phật tánh thì trước mắt chúng ta những gương mặt đều trở nên đẹp đẽ, đáng yêu. Bởi nhìn thấy những gương mặt này, chúng ta không phải nhìn thấy những con người nữa mà thấy trong họ hình ảnh của Phật. Nếu nhìn thấy tất cả hiền lành, từ bi như Phật, chúng ta sẽ tôn trọng và thương yêu. Như vậy, chúng ta có thể rút ra một kết luận, niềm tin trong lý thuyết nào đó sẽ tạo nên thái độ ứng xử cho con người. Nếu niềm tin đó đúng sẽ tạo ra một lối ứng xử tốt cho cuộc đời mình, cho quan hệ giữa người và người trong xã hội. Ngược lại, nếu tin một cách mù quáng, tin vào những điều không có căn cứ, chúng ta sẽ có những cách ứng xử sai lầm.
Hoặc là có một lý thuyết là Big bang, một vụ nổ lớn đầu tiên của vũ trụ. Khi đưa kính thiên văn nhìn lên vũ trụ, các nhà khoa học học nhìn thấy các thiên hà đang càng ngày càng rời xa nhau. Chúng ta hình dung, một thiên hà có tỉ tỉ những ngôi sao như mặt trời tập hợp thành. Trong các ngôi sao đó có thể có nhiều hành tinh vây quanh như Thái dương hệ của của chúng ta vậy. Mặt trời cũng chỉ là một ngôi sao rất nhỏ, một thiên hà gồm hàng tỉ các mặt trời giống như mặt trời của chúng ta. Từ chỗ nhìn lên bầu trời hấy các thiên hà ngày càng rời xa nhau, các nhà khoa học suy luận rằng ngày xưa chắc chắn nó gần nhau. Họ cho rằng những suy luận ấy là hợp lý. Và vì trước kia các thiên hà tập trung một chỗ nên hấp lực rất cao. Các nhà khoa học tin rằng vũ trụ ngày xưa chỉ là một điểm duy nhất, sau đó bùng nổ thành một vụ nổ lớn. Trong quá trình bùng nổ của vũ trụ, sự sống hình thành, các hành tinh hình thành, con người, sinh vật thành hình…
Ngày nay, rất nhiều nhà khoa học lớn, những nhà bác học lớn đều tin vào thuyết Big bang, tin rằng vũ trụ bắt đầu bằng một vụ nổ. Tuy nhiên, chúng ta có thể không tin vì nhận ra có nhiều điểm rất vô lý. Thật khó tin rằng vũ trụ bắt đầu bằng vụ nổ. Các nhà bác học đang ra sức chứng minh thuyết này, chứng minh bằng tất cả phương tiện hiện đại của vệ tinh, bằng phương tiện của máy tính. Một trong những nhà bác học lớn của thế giới, rất nhiệt tình và cố gắng chứng minh thuyết ấy là ông Stephen Hawking. Ông vốn bị tật không nói được, không nhúc nhích được, chỉ có bàn tay là còn hoạt động, có thể bấm phím được. Vậy mà ông vẫn đi giảng ở các trường Đại học và ra sức chứng minh thuyết Bigbang. Nhưng nhiều người cho rằng không bao giờ các nhà bác học chứng minh thành công, họ không bao giờ tin vào thuyết đó. Như vậy, trong cuộc sống này có nhiều thuyết rất hấp dẫn nhưng không phải mọi cái đều có thể đem lại cho chúng ta niềm tin. Chúng ta chỉ tin những gì đã được chứng minh, đã được kiểm nghiệm. Và thuyết Big bang đúng hay sai, chúng ta phải chờ câu trả lời của khoa học và thời gian.
Ngoài những vấn đề trên, chúng ta còn những niềm tin khác nữa, tin vào một giáo điều (tín ngưỡng). Chẳng hạn, chúng ta là người Phật tử, tin theo lời Phật dạy, tin rằng trên đời này có Nhân quả, có luân hồi. Đó là điều may mắn cho chúng ta vì niềm tin ấy hòan tòan đúng đắn. Khi tin có Nhân quả, chúng ta sẽ biết cân nhắc cuộc sống của mình, cân nhắc mọi hành động của mình để trở thành người có Đạo đức. Nhưng cũng có nhiều người không có được cái may mắn ấy vì họ chưa có niềm tin hoặc tin vào những giáo lý khác. Hiện nay, ở Mỹ tồn tại hàng trăm ngàn đạo, có đạo chỉ một người, có đạo hai ba người, có đạo hàng trăm ngàn người. Như vậy, tín ngưỡng là vấn đề rất quan trọng đối với đời sống con người. Nếu tin vào một giáo lý đúng, cuộc đời chúng ta sẽ thăng hoa, tốt đẹp. Ngược lại, nếu tin vào những giáo lý sai lầm, chúng ta sẽ rơi vào tà kiến. Đó là điều rất nguy hiểm và cũng rất đáng thương. Tóm lại, trong cuộc sống có nhiều điều để chúng ta tin, nhưng có thể khái quát trong bốn điều: Tin vào câu chuyện kể, tin vào nhân cách một con người, tin vào một lý thuyết (về kinh tế, chính trị…) và tin vào một giáo điều nào đó.
Đây là những điều thường gặp trong cuộc sống và có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời mỗi con người. Nếu có niềm tin vào những điều đúng đắn thì cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp. Nếu tin vào những điều không đáng tin, cuộc đời chúng ta có thể đi xuống địa ngục.
2. NHỮNG CÁCH TIN
Trước một sự kiện, một vấn đề, có thể có nhiều cách tin. Điều này phụ thuộc vào tính chất của sự việc, vào bản thân người truyền thông tin và người nhận thông tin.
Trước hết là tin một cách dễ dàng không suy xét. Trường hợp này người ta gọi là cả tin. Người cả tin là người đứng trước một vấn đề, một câu chuyện nào đó không có sự suy xét mà tin một cách dễ dàng, thậm chí tin một cách rất ngây thơ. Những người như vậy thường là người không có bản lĩnh, không có trí tuệ. Đây cũng có thể xem là một căn bệnh. Vậy, người thường mắc căn bệnh này là ai? Đó là những người quá thật thà, nghĩ rằng ai cũng tốt như mình. Nhiều khi vì quá thật thà, những người ấy đã phải trả giá rất đắt cho cuộc đời mình vì họ đã bị người khác lợi dụng lòng tin mà không biết. Bởi vậy, ông cha ta thường nói :“Thật thà là cha đứa dại ”. Một đối tượng khác cũng được xếp vào loại người cả tin là những người đàn bà hay ngồi lê đôi mách. Họ rất dễ tin lời người khác. Khi qua nhà hàng xóm chơi, nghe kể chuyện gì họ cũng thấy hấp dẫn cả và tin ngay. Khi đã tin, trong lòng lại không yên muốn báo tin ngay cho người khác. Cứ thế, câu chuyện được truyền đi rất nhanh và có khi được thổi phồng lên so với sự thật ban đầu. Lafontaine, nhà thơ dược coi là bậc thầy về thơ ngụ ngôn của thế giới, đã có bài thơ “Bí mật với đàn bà” rất hay. Từ câu chuyện đức ông chồng qua một đêm ngủ dậy bỗng hô lên mình đẻ được một quả trứng vàng, người vợ đã tin là thật và đem câu chuyện lạ kỳ ấy qua kể cho bà hàng xóm nghe như một điều bí mật. Dù đã được dặn dò kỹ lưỡng là phải giữ bí mật vì tôi chỉ kể cho mình chị nghe, nhưng chờ cho người đàn bà ra khỏi nhà, người bạn quí hóa ấy đã vội chạy sang hàng xóm kể lại câu chuyện vừa nghe được. Cứ thế, câu chuyện qua đến người thứ 10 thì người đàn ông kia không phải đẻ được một nữa mà là mười quả trứng vàng. Mà sự thật, ông ta có đẻ được quả trứng nào đâu.
Câu chuyện hết sức vô lý ấy đã được các bà tin một cách dễ dàng và truyền đi rất nhanh. Thói quen thích có chuyện để làm quà, bất kể là chuyện gì từ chuyện trên trời đến chuyện dưới đất, miễn là cho vui miệng, đã trở thành thói quen xấu đối với một số phụ nữ. Vì cả tin, vì gặp nhau không có chuyện gì để nói, những câu chuyện của họ đôi lúc đem lại cho người khác những hậu quả khôn lường.
Trong Đạo, điều này càng phải cẩn thận hơn nữa. Khi nghe được những chuyện không đâu, những điều sai lầm, có người không chịu phán đoán, suy xét mà tin ngay. Đó là những người không có bản lĩnh. Những người ấy rất dễ tin và vì thế cũng dễ bị người khác lừa gạt. Trong cuộc đời, chúng ta gặp biết bao tình huống bất ngờ, nghe biết bao chuyện “động trời”. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết phán đoán, không phải nghe nói điều gì cũng tin ngay.
Ví dụ, một hôm, có người từ đâu chạy vào chùa hớt ha, hớt hải kêu lên: “Trời ơi! Ngoài đường có một vụ đánh lộn, đâm chém nhau thật kinh khủng”. Trước tin ấy, chúng ta có tin hay không? Tại sao? Chúng ta phải phán đoán, xem chuyện ấy có thật hay không. Nhưng dựa vào đâu để biết là có thật hay không? Nếu không phải là người cả tin, trước hết chúng ta cứ bình thản nghe người ta nói, sau đó là kiểm tra, thăm dò bằng cách dựa vào thái độ và nét mặt của những người khác. Nếu có thêm vài người cũng chạy vào hớt ha, hớt hải như thế, chúng ta tin chuyện người ấy nói là đúng. Nếu nhiều người cũng từ ngoài đường đi vào chùa, nhưng họ không tỏ ra hốt hoảng, cũng chẳng có thái độ gì khác, chúng ta biết ngay là không có chuyện gì xảy ra ngoài ấy. Vì nếu quả thật có chuyện đâm chém nhau động trời xảy ra như vậy làm sao họ có thể bình thản được. Như vậy, có thể người ta muốn dựng chuyện lừa chúng ta cho vui vậy thôi. Trong cuộc sống có nhiều chuyện đến với mình như thế, chúng ta phải phán đoán, đừng vội tin ngay.
Hoặc nhiều khi có những chuyện rất buồn cười nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến người khác nếu chúng ta tin một cách vội vã, không suy xét. Ví dụ, có một người nào đó đến chùa chơi và trong lúc huyên thuyên đủ điều, người ấy bỗng nhìn thấy một Thầy đi sau nhà Tăng và nói, Thầy đó trước kia ở gần nhà tôi, vì cha mẹ không đồng ý cho ông ta cưới người mình yêu nên đã hận đời bỏ đi tu. Nghe câu chuyện đó, chúng ta nên có thái độ như thế nào? Phải phán đoán xem chuyện đó có thật hay không. Vậy, chúng ta dựa vào đâu để biết sự thật và có thái độ tin hay không tin?
Có người cho rằng, vì chưa tận mắt chứng kiến nên họ không tin chuyện đó. Nhưng thực tế, cũng có không ít những điều có thật mà chúng ta không được tận mắt nhìn thấy. Như vậy, chỉ dựa vào việc được “mục sở thị” hay không để phán đoán, có khi không chính xác. Chúng ta phải suy luận dựa trên những yếu tố khác. Trong trường hợp này, tốt nhất là chúng ta nên nhìn vào thái độ tu của Thầy ấy. Nếu đó là người tu hành nghiêm túc, hoan hỉ phấn khởi thì chúng ta không thể tin điều người ta nói là thật. Nếu cứ tin một cách vội vã và truyền những thông tin sai sự thật ấy đi, chúng ta sẽ mang tội với người khác.
Bên cạnh việc tin một cách dễ dàng, không suy xét còn một cách tin khác là tin vì thấy điều đó hợp lý. Sự hợp lý ấy lệ thuộc vào khả năng phán đoán sâu hay cạn của người nghe. Khi nghe bất cứ chuyện gì, chúng ta phải phán đoán xem có đúng hay không rồi hãy tin. Nếu phán đoán không cạn lẽ, điều chúng ta tin cũng không chắc chắn lắm. Nếu phán đoán một cách sâu sắc, điều chúng ta tin tạm coi là xác thực.
Ví dụ, có tin đồn rằng, năm 2000 là năm “tận thế”. Điều này có đáng tin hay không chủ yếu dựa vào khả năng phán đoán, kiểm tra của mỗi người. Trước hết, chúng ta phải hỏi người truyền thông tin dựa vào đâu mà nói năm 2000 tận thế. Nếu họ cho rằng dựa vào kinh, chúng ta phải tìm hiểu là kinh nào. Nếu là kinh của ông “đạo Dừa” thì chuyện ấy rõ ràng là bịa. Nếu họ khẳng định khoa học nói 2000 có một thiên thạch, hành tinh đụng vào Trái Đất, báo đã đăng tin, chúng ta cũng không được tin ngay, phải hỏi báo nào đã đăng tin đó và yêu cầu người ta cho xem trực tiếp bài báo. Nếu quả thật, có một tờ báo đã đăng kết quả nghiên cứu của một nhà khoa học với lý luận rất hợp lý, chúng ta có thể tin. Dựa vào đường đi của các thiên thạch, sự vận hành của quỹ đạo Trái Đất, họ cho rằng sẽ có một thiên thạch cắt ngang rất gần quỹ đạo của Trái Đất. Họ tính toán thời điểm cắt ngang này vào đúng năm 2000. Lúc ấy, sự va chạm lớn này sẽ gây ra một cuộc tận thế, có thể Trái Đất bị móp đi, nước biển bị sôi trào lên, sự sống bị tiêu diệt…
Tuy nhiên, điều đó cũng không chắc chắn. Vì từ thời điểm họ tuyên bố kết quả nghiên cứu của mình đến thời điểm xảy ra sự cố còn một khoảng cách khá lớn về thời gian và sự tính toán có thể bị sai số nửa giây. Trong nửa giây đó, đường đi của thiên thạch có ïthể chệch đi khoảng ba trăm cây số. Đối với kích thước của vũ trụ, khoảng cách ấy có thể chỉ là hạt cát, nhưng đối với Trái Đất , khoảng cách ấy quá lớn. Bởi vậy, theo tính toán, chúng ta có thể tạm thời tin nhưng điều ấy chưa chắc đã xảy ra. Trong hiện tại, chúng ta không có gì phải lo ngại, cứ tiếp tục sinh hoạt bình thường, cứ bình thản nghe giảng kinh và niệm Phật. Tóm lại, khi nghe điều gì chúng ta phải suy xét cho cạn lẽ, suy xét một cách hợp lý, không phải ai nói gì cũng tin.
Một cách tin nữa là vì dựa vào uy tín của người nói. Khi nghe người khác nói điều gì, chúng ta phải xem người đó có uy tín đến mức nào. Nếu đã từng sống và làm việc với họ nhiều năm qua, thấy họ nói điều gì cũng đúng, chưa hề mất uy tín với ai, chúng ta có thể tin điều họ nói là đúng. Tin như vậy gọi là dựa vào uy tín mà tin. Nếu họ chưa nói dối ai, nhưng cũng chưa có gì đặc biệt để có thể tin, trước một thông tin quan trọng mà họ nói ra, chúng ta cũng không nên tin vội.
Có một câu chuyện mà người ta kể cho nhau nghe để làm bài học kinh nghiệm, chúng ta cũng nên lưu ý. Đó là chuyện quan hệ giữa một người đàn ông người Tàu với người đàn ông Việt Nam. Người đàn ông gốc Tàu quen biết với người đàn ông Việt Nam rất giàu có. Một hôm, ông ta đến mượn bạn mình một ngàn đồng vì có việc cần đột xuất và hứa ba ngày sau sẽ trả. Đúng hẹn, ba ngày sau ông mang số tiền ấy đến trả, kèm theo một nải chuối và một ít trái cây. Khoảng một tháng sau, ông ta lại đến mượn năm ngàn đồng và hẹn hai ngày sau sẽ trả. Đúng hai ngày sau, ông mang số tiền đã mượn đến trả cùng với ít trái cây để hậu tạ. Cứ thế, ông ta đã gây được niềm tin cho người khác. Trong vòng ba năm mượn rồi trả rất đúng hẹn như thế, người bạn ông không tỏ chút nghi ngờ. Cuối cùng, khi số tiền mượn lên đến hàng triệu, một số tiền rất lớn, ông ta đã biến mất tăm. Đây là lối “kinh doanh uy tín”, nghĩa là tạo uy tín cho người ta tin mình, rồi lừa họ. Bản chất của những con người như vậy không thật. Tuy nhiên, trường hợp này rất khó nhận định. Còn thông thường, chúng ta tin người nào đó qua quá trình tiếp xúc với họ. Thường ngày họ vốn nói thật, bây giờ nói điều gì chúng ta có thể tin được.
Thứ tư là tin vì truyền thống. Nghĩa là ngày xưa, tổ tiên ông bà nói một điều gì đó, qua thời gian thấy điều đó là hợp lý, chúng ta có thể tin được. Chẳng hạn, người xưa cho rằng,
“Muốn sang thì bắt cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
Nghĩa là cha mẹ có kính trọng thầy cô giáo thì con cái mới có thể chăm học vì cũng vâng lời thầy cô. Y
Tuy nhiên, có những điều ông bà ta để lại không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Nếu tin như vậy, chúng ta sẽ có sự bất công trong việc đối xử. Chẳng hạn, trong thời đại phong kiến, người ta quan niệm rằng: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một người con trai cũng cho là có, mười người con gái cũng cho là không. Xã hội ấy coi trọng con trai hơn con gái. Vì họ cho rằng, con trai trai là người nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, còn con gái là con người ta, lớn lên sẽ theo chồng, gánh vác giang sơn nhà chồng. Quan niệm ấy ăn sâu vào đời sống của người dân Việt Nam từ bao đời nay và để lại không ít những bi kịch cho người phụ nữ. Thực ra, ngày nay không ít con trai lập gia thất rồi chỉ biết vợ con, bỏ bê cha gìa mẹ yếu. Ngược lại, không ít những người con gái hiếu thảo dù ở trong hoàn cảnh nào cũng lo lắng cho cha mẹ mình.
Chúng ta tin vào truyền thống của cha ông nhưng tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà vận dụng cho hợp lý. Nói đến truyền thống, chúng ta nhớ lại bài kinh Kalama:
Một lần, Đức Phật đến vùng Kalama, các trưởng lão ở đó đến gặp Ngài và nói:
– Thưa tôn giả Gotama, người ta đồn rằng tôn giả có bùa khiến các đệ tử của những đạo khác gặp tôn giả rồi bỏ đạo theo tôn giả. Chúng tôi không muốn xuyên tạc tôn giả, chúng tôi không muốn xuyên tạc sự thật. Xin tôn giả hãy xác nhận điều đó đúng hay không, tôn giả có bùa hay không?
Đức Phật trả lời :
– Đừng tin những gì do lời đồn đại, đừng tin những gì do truyền thống để lại, đừng tin những gì do một người có vẻ khả kính nói ra, đừng tin những gì do ý nghĩ chủ quan của mình cho là đúng. Hãy tin điều gì chúng ta đã thực hành, suy xét, cân nhắc và thấy rõ kết quả.
Đức Phật không trả lời câu hỏi của các trưởng giả mà có một lời khuyên. Câu trả lời của Ngài đã trở thành một tuyên ngôn độc đáo của đạo Phật mà bây giờ cả thế giới đều ca ngợi. Vì người ta cho rằng, không một giáo chủ nào khuyến khích sự hoài nghi, giáo chủ nào cũng kêu mọi người tin mình, chỉ có Đức Phật khuyên mọi người phải biết suy xét, phải biết hoài nghi. Nhà triết học nổi tiếng Descart cũng từng nói rằng: “Tôi hoài nghi là tôi tư duy. Tôi tư duy là tôi tồn tại”. Ở đây, Phật đã cho chúng ta một thái độ hoài nghi đúng đắn.
Cũng có trường hợp tin vì nghe nhiều người đồn đại. Quả thật, trước một sự việc, nghe nhiều người đồn chúng ta sẽ rất dễ tin.
Ngày xưa, có một ông vua trong thời gian trị vì nghe rất nhiều người tâu trình là vị quan kia không tốt, một đại thần không tốt. Vua bèn hỏi Án Tử. Án Tử tâu rằng:
– Thưa Bệ hạ, có một người nói với Bệ hạ ở chợ có cọp, Bệ hạ có tin không?
– Trẫm không tin, chợ làm sao có cọp – Vua trả lời.
– Nếu có người thứ hai cũng đến nói với Bệ hạ là ở chợ có cọp, Bệ hạ có tin không?
– Bây giờ Trẫm bắt đầu tin vì đã có hai người nói.
– Nếu có người thứ ba đến nói với Bệ hạ ở chợ có cọp, Bệ hạ có tin không?
– Bây giờ thì Trẫm tin vì đã ba người nói cùng một thông tin – Vua nói một cách dứt khoát.
Bấy giờ, Án Tử mới trả lời:
– Bệ hạ thấy không, chuyện ở chợ có cọp là chuyện không thể có, ngay từ đầu Bệ hạ đã không tin nổi. Nhưng tới người thứ ba nói điều ấy, Bệ hạ đã tin rồi. Như vậy, trên cuộc đời này cũng có những điều không có thật, không thể tin được, nhưng vì nhiều người lặp đi, lặp lại khiến chúng ta tin. Bệ hạ hãy cẩn thận.
Nghe xong, nhà vua mới vỡ lẽ. Từ đó ông không nghe những lời dèm pha nữa. Vì có những Đại Thần rất tốt nhưng bị ganh ghét, dèm pha nhiều lần nên nhà vua tin và truất phế.
Trong cuộc sống có không ít những chuyện tương tự như vậy nên chúng ta phải cẩn thận. Có chuyện vui về cách chữa bệnh của một bác sĩ nhưng ngẫm ra cũng rất thâm thúy. Một hôm, có một bệnh nhân bị tai nạn được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi xem xét và xử lý vết thương, bác sĩ điều trị nói với người nhà bệnh nhân rằng: “Vết thương không có gì nghiêm trọng, bệnh nhân chỉ cần ở lại một hôm là có thể ra viện”. Gia đình rất mừng, chuẩn bị làm thủ tục xuất viện. Nhưng sáng hôm sau gặp lại, vị bác sĩ ấy làm ra vẻ rất quan trọng và yêu cầu bệnh nhân phải nằm điều trị tại bệnh viện ít nhất một tháng. Gia đình thắc mắc và được bác sĩ trả lời :“Đúng là hôm qua tôi thấy không có gì nghiêm trọng nhưng khi về nhà, ai cũng cho rằng như thế là nghiêm trọng và tôi cũng thấy như thế nên phải quyết định để bệnh nhân lại tiếp tục điều trị”. Chuyện đúng là cười ra nước mắt.
Hoặc khi nghe một người nào đó nói rằng chính mắt họ nhìn thấy các Thầy trong chùa đi chợ mua thức ăn mặn, lúc đầu không ai tin. Nhưng hôm sau, một người khác lại nói tương tự như vậy, rồi đến người thứ ba, thứ tư… Nghe nhiều người đồn, người ta bắt đầu tin, mặc dù người trước đó họ không hề tin.
Những lời đồn vốn có sức mạnh rất lớn, có thể giết chết con người. Bởi vậy, chúng ta phải tỉnh táo thoát ra những lời đồn đại. Trước những lời đồn, chúng ta đừng vội tin, phải suy xét cho kỹ. Nếu sự thật điều ấy không bao giờ xảy ra nhưng do nghe đồn nhiều quá mà chúng ta tin là thật thì niềm tin ấy đem lại tội cho chúng ta. Hãy nhớ rằng, nghĩ sai cho một người tốt là chúng ta đã mang tội.
Một cách tin khác là tin vì dựa vào cảm nhận của trực giác. Nghĩa là khi có một người nào đó kể cho chúng ta nghe một câu chuyện ở đâu đó, chỉ nghe qua chúng ta đã đoán câu chuyện có thật và có một niềm tin. Hoặc có những câu chuyện kể không có thật, nghe qua chúng ta cũng đoán ra ngay. Điều này dựa vào trực giác của mỗi người. Người tu lâu thường có trực giác như vậy. Cách tin do trực giác không lý luận được, không lý giải được. Khi nào còn phước, trực giác sẽ còn, còn có tu, nếu không thì sẽ hết.
3. HAI CÁCH TIN SAI LẦM
a. Mê tín:
Mê là mê muội, không biết phán đoán. Mê tín là tin một cách vô lý về những điều thần bí, không dùng lý trí để phán đoán. Chính việc tin một cách mù quáng những điều sai lầm tà kiến đã dẫn dắt chúng ta đi vào lầm lỗi, phước bị suy tổn. Vậy, tin như thế nào, tin vào điều gì sẽ bị gọi là mê tín?.
Trước hết, đó là tin vào những giáo điều quá sai lầm, phần lớn những giáo điều này thuộc về tôn giáo.
Ví dụ, ngày xưa, vì không giải thích được mọi hiện tượng tự nhiên nên con người thường cho rằng, mỗi hiện tượng là do một vị thần tạo nên. Chẳng hạn, họ tin rằng, chính Thần Lửa đã tạo ra lửa cho muôn loài. Người xưa tìm lửa rất khó khăn, gian khổ. Họ phải lấy đá đánh vào nhau và đặt cây bùi nhùi ở giữa. Khi nóng, cây bùi nhùi sẽ bốc cháy và có lửa. Sau đó, người ta phải đốt củi để giữ lửa. Nếu lửa bị tắt, phải mồi lại rất khó. Từ chỗ kiếm được lửa khó khăn như vậy nên họ phải luôn cầu nguyện các vị Thần cho lửa. Họ nghĩ rằng, khi cọ lửa phải gọi tên một vị Thần nào đó, lửa mới nhanh xuất hiện. Và họ tin là có vị Thần Lửa. Vì tin như vậy nên họ coi Thần Lửa là vị thần rất thiêng liêng. Họ đốt lửa, nhảy múa xung quanh để cầu nguyện, rồi cúng bái, tôn thờ…Tín ngưỡng thờ cúng Thần Lửa tồn tại rất lâu trong đời sống người dân.
Như vậy, chỉ vì kỹ thuật làm ra lửa của người xưa rất sơ đẳng nên họ phải tin vào một điều hoàn toàn không có thật. Phần lớn thời gian quí báu họ dành cho việc đốt lửa lên và cứ thế qùy lạy ngọn lửa, vì tin trong đó có một vị Thần. Bây giờ sống trong thời đại văn minh, muốn có lửa, con người chỉ cần bật hộp quẹt ga một cách nhẹ nhàng.
Hoặc người ta tin rằng, trên đời này có Thượng Đế, là đấng tối cao đầy quyền uy. Mọi tội phước trên cuộc đời này không phải do con người mà do Thượng Đế quyết định. Nếu con người đã làm tổn hại đến chúng sinh, giết người, cướp của, chỉ cần quỳ xuống trước Thượng Đế cầu xin, sám hối, mọi tội lỗi sẽ không còn nữa. Đó là niềm tin rất mù quáng, sai lầm. Người ta có thể gây ra bao tội lỗi rồi mua lễ vật dâng lên Thần linh, Thượng Đế để xin tha tội và khi chết, cũng được lên Thiên Đường. Nếu có một niềm tin như thế, chúng ta sẽ trở thành loại người độc ác vô cùng. Vậy mà, trên thế giới niềm tin này vẫn đang tồn tại. Có những tôn giáo vẫn khuyến khích con người tin theo kiểu như thế. Và thậm chí, con người có thể giết hại, tàn sát lẫn nhau miễn điều đó làm đẹp lòng Thượng Đế của họ. Đó là những giáo điều hết sức sai lầm, nếu tin theo, con người sẽ đi vào con đường sai lầm, tà kiến. Hay gọi là mê tín, không phán đoán, suy xét.
Thứ hai là tin vào vận số mà không dựa vào luật nghiệp báo.
Điều này chúng ta thường gặp trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Ví dụ, người ta tin rằng hễ con người được sinh ra trong một gia đình giàu có, lớn lên chắc chắn sẽ sung sướng. Hoặc sinh ra trong gia đình dòng dõi quan lại thì con người sẽ giỏi giang. Ngược lại, người nào sinh ra trong một gia đình nghèo khó, sau này họ chỉ là người hạ tiện, tầm thường v..v…Niềm tin đó không có cơ sở, không có Nhân Quả. Đức Phật phủ nhận: “Không có giai cấp khi mà máu người cùng đỏ”. Giá trị của con người không nằm ở việc xuất thân từ dòng dõi giàu sang hay nghèo hèn mà ở nhân cách, trí tuệ và đức hạnh của họ. Không cần biết nguồn gốc và hoàn cảnh xuất thân, chỉ nhìn trong hiện tại, nếu một người có Đạo đức, có trí tuệ, họ đã xứng đáng để chúng ta tôn trọng. Bởi vậy, điều Đức Phật nói là dựa vào Nhân Quả thực; còn tin vào giai cấp, dòng dõi là một lối tin sai lầm, cũng có thể gọi là mê tín. Chính cách tin này khiến cho con người có những sai lầm trong việc đối xử cũng như trong việc tu dưỡng, rèn luyện. Người xuất thân từ gia đình dòng dõi, giàu có sẽ ỷ lại, không phấn đấu, rèn luyện. Người xuất thân nghèo hèn sẽ mặc cảm, tự ti và bi quan không muốn nỗ lực để thay đổi cuộc đời mình.
Trên thực tế, có một điều nữa hiện nay nhiều người vẫn còn tin nhưng không biết đúng sai như thế nào. Đó là tin vào ngày giờ “Hoàng đạo”. Người ta cho rằng, nếu đi ra đường vào ngày giờ tốt, công việc sẽ tốt đẹp; ngược lại gặp giờ xấu, công việc sẽ không thành công, hay gặp chuyện xui xẻo. Thực ra, việc coi ngày, coi giờ là việc rất khó hiểu, khó lý giải. Có trường hợp người ta nghiệm ra cũng đúng nhưng nếu dựa vào lý Nhân Quả lại sai.
Ví dụ rõ nhất là vấn đề tử vi của con người. Khi chấm ngày giờ sinh của một người nào đó, theo lá số tử vi người ta biết cuộc đời của họ sẽ ra sao. Nhiều lúc, trải qua những thăng trầm của cuộc sống, so lại với số tử vi, họ thấy những điều được luận giải trong ấy rất đúng. Như vậy, người ta tin thời gian, thời điểm con người được sinh ra đời báo hiệu cuộc đời của họ. Nhưng xét cho cùng, sinh vào ngày giờ nào là do Nghiệp, do Nhân Quả. Chỉ cần sinh nhích vào giờ đó, chúng ta sẽ có một cuộc sống sung sướng, nhưng Nhân Quả không cho, Nghiệp đã khiến như vậy, biết phải làm sao.
Hoặc trường hợp dựa vào thời gian để bấm độn, tính toán sự thành hay bại của con người. Nhiều người rất tin vào điều này. Họ có quy luật bấm độn hẳn hoi. Nhưng điều này cũng có lúc đúng, có lúc sai, không tuyệt đối. Có người cũng thử bấm độn và cho rằng tỷ lệ đúng khoảng 50% đến 60%. Bởi vậy, chúng ta không nên tin việc này là đúng tuyệt đối để tránh bị lừa bịp, phải hiểu rằng, gốc của sự đúng tuyệt đối là ở Nhân Quả. Cứ tin rằng, trong cuộc sống nếu làm những điều lành, chúng ta sẽ gặt hái được những điều tốt. Tin vào Nhân Quả như vậy gọi là chánh tín. Đừng bao giờ tin rằng, không cần giúp đỡ ai, không cần cúng chùa, không cần bố thí, phóng sanh, không cần làm điều thiện gì, chỉ cần chọn được ngày tốt để khởi hành, để bắt đầu công việc là chúng ta sẽ thành công. Đó là mê tín, tin không cơ sở.
Thứ ba là tin vào những chân lý còn giới hạn (khoa học). Khoa học rất tiến bộ, khoa học vốn đúng nhưng không hoàn toàn tuyệt đối. Sự thật, khoa học vẫn còn nhiều giới hạn, vẫn còn nhiều điều phải bó tay. Vậy mà rất nhiều người, nhất là những người có học thức, thường tin tưởng một cách tuyệt đối vào khoa học. Họ cho rằng, cái gì khoa học nói đúng là đúng, cái gì khoa học nói sai là sai và hay viện khoa học để chứng minh cho ý kiến của mình trong những cuộc tranh luận. Đây cũng là một loại mê tín.
Ví dụ, hiện nay trong y học có nhiều bệnh tây y không chữa được nhưng uống thuốc nam và châm cứu nhiều lần có thể hết (bệnh thấp khớp). Hoặc bệnh viêm thận mãn, hai quả thận bị viêm sẽ dần dần bị teo lại ,không còn chức năng lọc máu, lọc nước nữa. Người mắc bệnh này nước bị giữ lại, huyết áp tăng lên, người phù ra và rất dễ chết. Tây y không chữa được. Thông thường, người ta chữa bằng cách cắt bỏ quả thận bị viêm và xin thận của người khác ghép vào hoặc chạy thận, mỗi tuần chạy vài ba lần rất đau đớn, khổ sở. Những người bị bệnh này, gần như không đi đâu xa bệnh viện, không rời xa máy lọc thận, sống rất khổ sở. Vậy mà, có những ngườiï gặp thuốc nam, thuốc bắc lại hết. Có nhiều bệnh nhân bị bệnh viện trả về vì bó tay nhưng nhờ theo đông y lại qua khỏi…
Có những điều khoa học phán đoán, kiểm nghiệm qua thực tiễn lại hoàn toàn không đúng. Hoặc có những điều khoa học chưa nhìn thấy được. Một thời gian dài vì khoa hocï không thấy thế giới siêu hình nên phủ nhận sự tồn tại của thế giới siêu hình, không tin có linh hồn. Nhưng thực tế cho thấy đó là điều có thật, thế giới tâm linh là điều có thật. Hiện nay, qua một số hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, nhiều người đã tin và tập hợp những thông tin trên khắp thế giới về thế giới siêu hình. Tuy nhiên, chưa ai tìm ra con đường để chứng minh điều đó.
Chẳng hạn, hiện tượng đĩa bay xuất hiện cách đây khoảng tám, chín năm ở nước Mỹ đã làm đau đầu biết bao nhà khoa học. Trên các xa lộ ở nước Mỹ, người ta thắp đèn điện sáng choang nên đĩa bay đã ghé xem. Một lần, đài Rađa của quân đội báo động là có một vật thể lạ bay trên bầu trời nước Mỹ. Nghe báo động, hai máy bay tức tốc tìm cách đuổi theo. Theo dõi trên màn hình Rađa, các chuyên gia nhận thấy một đĩa bay hiện ra rất rõ. Người phi công trưởng bấm nút thâu lại hình ảnh đó trong máy Cassette, trong băng Vidéo. Khi lao gần đến đĩa bay, bỗng nhiên họ thấy đĩa bay hạ độ cao rất đột ngột, từ trên cao vèo một cái, đĩa bay hạ xuống mặt đất rồi biến mất. Khi nghiên cứu, tính toán qua việc xem băng Vidéo, người ta mới nhận ra tốc độ gia tốc của đĩa bay quá nhanh. Gia tốc của trái đất khoảng 9,8 m/s2. Trong khi đó, gia tốc của đĩa bay, người ta tính toán được đến mấy ngàn. Chỉ trong một vài giây, nó có thể tăng tốc khủng khiếp và biến mất. Người ta không hiểu động cơ nào đĩa bay có thể tăng tốc nhanh như vậy, trái đất không thể làm được việc đó. Thậm chí, nó có thể tàng hình, không còn dấu vết như một bóng ma. Nền khoa học của họ tiến xa như vậy đó, chúng ta còn lâu mới có thể bắt kịp.
Thứ tư là chủ quan tin vào ý nghĩ của mình. Hễ nghĩ ra điều gì, chúng ta tuyệt đối tin điều đó là đúng. Đó cũng là một loại mê tín do kiêu mạn mà ra. Nếu chủ quan do kiêu mạn, lúc nào cũng tin ý nghĩ của mình là đúng, chúng ta sẽ rơi vào cách tin sai lầm, cũng là mê tín. Chính mê tín đưa đến tổn phước. Bởi vậy, mỗi lần suy nghĩ một điều gì, chúng ta nên suy xét trong một thời gian. Nếu thấy hợp lý, lúc ấy chúng ta hãy nghĩ rằng điều mình nghĩ là đúng. Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong cuộc sống để tránh khỏi những sai lầm.
b. Cuồng tín.
Cuồng tín là tin một điều gì quá cuồng nhiệt, dẫn đến hành vi thái quá.
Ví dụ, trước một ngôi chùa nọ có một cây mít sống lâu năm, rất to. Một hôm, bỗng dưng có một người từ đâu đến nhìn nó và bảo: Cây mít này linh lắm, che chở cho cả vùng này, mọi người không được chặt phá nó. Người nào muốn học giỏi, hằng ngày phải thắp nhang quỳ lạy cây mít. Lúc đầu, mọi người nửa tin, nửa ngờ. Sau đó, ai cũng tin một cách cuồng nhiệt và bắt đầu bảo vệ, làm hàng rào, thắp nhang lạy nó. Thậm chí, có người còn đứng đó canh chừng, ai đi qua đều bị bắt cúi đầu xá, không xá sẽ bị phạt…Tin như vậy gọi là cuồng tín. Vì tin một cách cuồng nhiệt, không có cơ sở dẫn đến hành vi thái quá.
Một số tôn giáo có những chủ trương cuồng nhiệt, bảo vệ tôn giáo bằng bạo lực, truyền bá Tín ngưỡng cũng bằng bạo lực. Chẳng hạn, những người theo đạo Hồi giáo nói chuyện với nhau toàn bằng súng đạn. Nếu ai xúc phạm họ, xúc phạm đến đạo của họ sẽ bị giết ngay. Họ tin rằng hành động đó được Thánh Ala khen ngợi. Điều này hoàn toàn trái với chủ trương của đạo Phật. Đức Phật khuyên chúng ta rằng, phải biết nhẫn nhục và cảm hóa những kẻ xúc phạm mình bằng lời nói, bằng lý lẽ, chứ không phải bằng vũ khí, bạo lực.
Hoặc có những tôn giáo tin rằng khi chết con người sẽ được lên Thiên đường nên họ đã tự thiêu (giáo phái Đền Mặt Trời ở Thụy Sĩ). Đó cũng là sự cuồng tín. Hoặc có trường hợp những tín đồ của tôn giáo Cổng Thiên Đường đã uống thuốc độc tự tử vì tin rằng sẽ được lên hành tinh khác sống sung sướng hơn. Tất cả những hành động ấy đều cực đoan, thái quá xuất phát từ sự cuồng tín của con người. Bởi vậy, chúng ta phải cẩn thận. Khi tin điều gì mà cảm thấy điều ấy gây cho mình một sự nóng nảy, nhiệt tình, chúng ta phải nhận ra ngay là mình đã bắt đầu sai, bắt đầu xa chân lý, vì chân lý chỉ đưa đến sự an lạc, điềm đạm. Hay nói cách khác, tin vào điều đúng con người chúng ta sẽ trở nên điềm đạm, còn tin một điều gì mà tỏ ra vội vàng, nóng nảy thái quá, lúc đó hãy cẩn thận, điều mình tin là sai.
Hiện nay trên thế giới có những trường hợp do cuồng tín đã dẫn đến những cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu. Chẳng hạn, ở Phi Châu có nhiều bộ tộc căm thù nhau, vì bộ tộc nào cũng tin rằng chỉ có họ mới đúng, còn những bộ tộc khác là kẻ thù. Vì vậy, họ tìm cách chém giết lẫn nhau rất dã man.
Ở Rwanđa, sắc tộc Hutou và Tussu rất căm ghét nhau, có khi tàn sát nhau khủng khiếp. Bộ tộc này nếu gặp trẻ con mới đẻ của bộ tộc kia sẽ nắm hai chân xé toạt ra. Họ đối xử với nhau thật độc ác. Chúng ta nhìn vào chỉ thấy người châu Phi ai nấy đều tóc quăn, da đen, răng trắng lóa, ai ai cũng giống nhau. Nhưng giữa họ có những khoảng cách, những sự khác nhau rất lớn. Họ tin rằng, mình mới là người đáng sống, còn người bên kia đáng để chết. Rõ ràng, tin như vậy, họ sẽ giết nhau một cách không thương tiếc. Đó cũng gọi là cuồng tín. Tất nhiên, điều này cũng do nghiệp quá khứ nào đó, nhưng không phủ nhận thái độ cuồng tín của họ đã dẫn đến hành vi thái quá.
Sự phân biệt màu da dẫn đến bạo lực cũng là một biểu hiện của cuồng tín.
Ngay khi sống vào thế kỷ này mà ở nước Mỹ vẫn còn tình trạng phân biệt màu da, người da trắng được ưu đãi, người da đen lại bị hất hủi. Người da đen bị tước cả quyền được bầu cử của một công dân. Ở đó, có những nhà hàng chỉ dành cho những người da trắng; có những trường học, học sinh da đen không được vào; lên xe buýt, người da đen luôn ngồi ở phía sau. Chính vì có sự kỳ thị như vậy nên ở Mỹ liên tục xảy ra những cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người da den. Một mục sư nổi tiếng trong việc đấu tranh cho quyền bình đẳng ấy là Luther King Ông vốn là một nhà hùng biện nên nói chuyện rất hay. Năm 1968, ông bị ám sát bởi tay của những người da trắng cực đoan. Họ muốn giết ông để ngăn chặn làn sóng đấu tranh ấy. Lúc bấy giờ, nước Mỹù xuất hiện nhóm KKK là Klu Klux Klan. Mỗi khi hành động, nhóm này mặc toàn đồ trắng, trùm mặt nạ, xông vào đốt nhà, bắt giết những người da đen và phá nhà thờ của họ. Nhóm này bây giờ vẫn còn tồn tại, nhưng hoạt động lén lút. Có thời gian, FBI lùng bắt bọn chúng rất ráo riết.
Sở dĩ có sự phân biệt và dẫn đến bạo lực như vậy là do người da trắng tin rằng chỉ có họ mới là con người, là ngưòi thông minh nhất; còn người da đen không phải là con người, chỉ đáng sống để làm nô lệ mà thôi. Mục sư Luther King đã vận động nhân dân khắp nước Mỹ đấu tranh chống sự phân biệt này, đấu tranh một cách hòa bình. Những lời nói của ông làm mọi người cảm động. Ông nổi tiếng khắp nơi nhờ tài hùng biện, nhất là bài diễn thuyết: “Tôi có một giấc mơ”. Trong những lần diễn thuyết, ông thường nói :“Tôi có một giấc mơ” nhưng không nói rõ đó là giấc mơ gì. Một lần, khi diễn thuyết đề tài về sự đấu tranh sắc tộc, ông cũng nói :“Tôi có một giấc mơ”. Khi bài diễn thuyết vừa chấm dứt, chợt có một người la lên: “Xin ông hãy nói cho tôi nghe giấc mơ của ông”. Lúc ấy, ông ứng khẩu nói say sưa về giấc mơ của mình và bài diễn thuyết ấy đã trở thành tuyệt tác của nhân loại.
Ông nói rằng: Tôi có một giấc mơ, trong giấc mơ đó, con người trên thế giới sống với nhau, thương yêu nhau không phân biệt màu da hay chủng tộc. Tôi có một giấc mơ, trong giấc mơ đó có một ngôi trường mà những trẻ em da trắng và da màu nắm tay nhau vui đùa, thương yêu nhau.Tôi có một giấc mơ mà trong đó con người bỏ hết ý nghĩ về sự phân biệt màu da, chủng tộc chỉ còn biết thương yêu, biết xây dựng cuộc sống này tốt đẹp như một Thiên đường.Tôi có một giấc mơ …
Ông cứ nói say sưa như vậy khiến người nghe ai cũng xúc động và bật khóc. Đây là bài thuyết pháp nổi tiếng của ông. Khi ông qua đời, nỗi bức xúc dâng lên cao độ và chính quyền Liên bang phải ra những sắc lệnh nghiêm khắc về sự bình đẳng giữa người da đen va người da trắng. Xóa được điều này là xóa đựơc sự cuồng tín tồn tại bao nhiêu năm, gây ra bao nhiêu đau khổ cho người dân da đen sống trong lòng nước Mĩ.
Một biểu hiện nữa của cuồng tín là sự đấu tranh chính trị khủng khiếp. Nói về Đạo, chúng ta không muốn liên hệ đến chính trị. Nhưng phải hiểu rằng, chính trị đã đưa con người đến cuồng tín. Chẳng hạn, khi lên cầm quyền, Hitler đã tuyên bố rằng, chủng tộc Anglo thượng đẳng của người Đức là chủng tộc xứng đáng cai trị cả loài người này, còn mọi chủng tộc khác chỉ đáng làm nô lệ mà thôi. Lý thuyết ấy đã truyền niềm tin vào người dân Đức một cách mãnh liệt, cuồng tín. Vì thế, người Đức đã không ngần ngại xếp hàng cầm súng lên đường đi đánh chiếm hết nơi này đến nơi khác. Như vậy, tin vào một lý thuyết nào đó để có thể chém giết người khác được, đó cũng là một loại cuồng tín. Chủ thuyết chính trị có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh tàn bạo, khốc liệt. Bởi vậy, chúng ta phải cẩn thận tránh xa.
Là đệ tử Phật, chúng ta tin vào giáo lý từ bi của đạo Phật để sống, để xây dựng một cuộc sống thanh bình cho con người, tránh xa những lý thuyết làm tăng lòng sôi sục, căm phẫn để phải chém giết đồng loại của mình. Hãy nhớ rằng, cuồng tín đưa đến tạo tội rất nặng và mê tín sẽ đưa đến tổn phước. Dĩ nhiên, mê tín cũng có tội nhưng không nặng bằng cuồng tín. Cuồng tín gây nghiệp khủng khiếp nên chúng ta cần có sự tỉnh táo, không bao giờ để rơi vào cuồng tín.
4. NIỀM TIN ĐÚNG ĐEM LẠI NHIỀU PHƯỚC LÀNH VÀ LỢI ÍCH
Ngược lại với mê tín và cuồng tín là niềm tin đúng. Nó đem lại nhiều phước lành và lợi ích cho chúng ta. Vậy, tin những gi đựơc gọi là có niềm tin đúng?
Đó là tin Phật. Quả thật, tin Phật đem lại cho chúng ta nhiều phước lớn. Vì chúng ta đã đặt niềm tin đúng nơi một vị Thầy cao cả, siêu việt, viên mãn về đức hạnh. Khi tin Đức Phật, trong chúng ta sẽ xuất hiện lòng tôn kính. Ai cũng biết rằng, tôn kính một vị Thánh thì chính mình dần dần sẽ xuất hiện nhân cách của một vị Thánh. Đây chính là chìa khóa để chúng ta phát triển trí tuệ, nhân cách. Hiểu điều này, chúng ta sẽ thương yêu, tin tưởng, hy vọng nơi con người và không khinh miệt bất cứ ai. Thấy một người lầm lỗi, chúng ta không khinh miệt vì biết người đó chưa có lòng tôn kính Phật. Nếu một ngày nào đó có lòng tôn kính Phật, họ sẽ vượt ra khỏi lầm lỗi. Do có điểm Nhân Quả này mà chúng ta có niềm tin nơi con người, không ruồng bỏ bất cứ ai.
Ngay cả người xuất gia, nếu quên lễ Phật, tưởng là mình đã bằng Phật thì phước sẽ tiêu tan. Người ấy sẽ hoàn tục và trở thành con người xấu xa, có nhân cách tầm thường. Có lẽ chúng ta đã nghe không ít chuyện về những thầy tu hoàn tục, ra đời quậy phá hơn cả những người thường. Đó là chuyện có thật. Tại sao lại có chuyện hoàn tục? Vì do có một tà kiến nào đó, họ tin mình bằng Phật, không chịu lễ Phật thường xuyên, không tôn kính Phật, không thấy mình đối với Phật chỉ là hạt cát mà thôi. Từ đó, họ không còn phước và phải hoàn tục. Cũng con người đó, nếu biết tôn kính Phật trở lại thì nhân cách của họ sẽ nâng cao dần dần và sẽ có nhiều phước. Họ có thể xuất gia trở lại mà không gặp trở ngại gì.
Bởi vậy, chúng ta nói rằng, lòng kính Phật là chìa khóa để mở ra muôn công hạnh lành. Điều này đã được khẳng định trong bài: Hiểu và tôn kính Phật. Khi tin Phật và có sự tôn kính Phật, chúng ta sẽ có niềm tin vào Niết Bàn Tuyệt Đối. Đó là nơi mà tất cả chúng ta đều phải trở về, đều phải đạt đến trong vô số điều tuyệt đối khác : An lạc tuyệt đối, Đức hạnh, Trí tuệ tuyệt đối, Từ bi tuyệt đối…
Một niềm tin tốt nữa là tin Nhân Quả luân hồi. Chúng ta không tin rằng quả báo tốt là do ai đem đến mà chỉ tin rằng có luật Nhân Quả, làm điều lành, sẽ được hưởng Quả lành; làm điều xấu, sẽ chịu Quả xấu. Tin như vậy, chúng ta sẽ có sự cân nhắc kỹ trong hành vi, ý nghĩ và lời nói của mình. Hay nói cách khác, niềm tin đối với luân hồi Nhân Quả khiến cho con người tu sửa được Đạo đức. Cho nên, chúng ta phải làm sao truyền bá giáo lý Nhân Quả thật mạnh, thật rộng khắp. Làm được như vậy là chúng ta đã góp phần xây dựng xã hội này tốt đẹp hơn.
Dù khoa học chưa chứng minh được, nhưng tin được giá trị Tâm linh chúng ta cũng đã có một niềm tin đúng. Chúng ta tin rằng, trong con người ngoài sức mạnh vật chất còn có sức mạnh Tâm linh. Nếu phát huy được, năng lực ấy sẽ trở nên vĩ đại. Hoặc chúng ta tin là có thế giới siêu hình tồn tại, trong đó cũng có nhiều chúng sinh đang sống. Có thể không nhìn thấy, nhưng một khi đã tin đó là điều có thật, chúng ta vẫn tôn trọng họ. Tin như vậy, chúng ta sẽ sống mà không quá lệ thuộc vào thế giới vật chất này, không lệ thuộc vào đồng tiền thế gian giả tạm này. Dù sống trong cảnh giàu sang, chúng ta vẫn không chấp vào nó. Vì chúng ta tin rằng thế giới tâm linh cao siêu hơn, còn cái hữu hình thường dễ hoại.
Hoặc tin được Đạo đức là nền tảng của mọi tiến bộ xã hội là chúng ta đã có một niềm tin đúng. Khi tin rằng, xã hội cần nhiều người tài giỏi, Kỹ sư, Bác sĩ, Luật sư…nhưng ngoài tài năng, những con nguời ấy phải có đạo đức, xã hội mới tốt được, chúng ta sẽ suốt đời phấn đấu không ngừng để rèn luyện Đạo đức cho mình và truyền bá Đạo đức cho mọi người. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một xã hội thực sự tiến bộ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của các nước trong khu vực Đông Nam Á phần lớn cũng bắt nguồn từ lối ứng xử thiếu Đạo đức của con người. Chẳng hạn, một quốc gia láng giềng của chúng ta được coi là một đất nước giàu có, nhưng sự thật đó là một nơi ăn chơi trác táng, tồn tại nhiều tệ nạn xã hội. Du khách đến Thái Lan không ít người chỉ nhằm mục đích thoả mãn những ham muốn tầm thường của mình. Do vậy, khủng hoảng tất yếu phải xảy ra. Ở mỗi sự khủng hoảng, nếu đi tìm nguyên nhân, chúng ta sẽ nhận thấy phần lớn đều do sự thiếu Đạo đức của con người. Như vậy, muốn xã hội thực sự tiến bộ, thực sự ổn định, con người phải lấy Đạo đức làm nền tảng. Chúng ta tin tưởng chắc chắn vào điều đó.
Một điều tin đúng nữa là tin được một vị chân sư. Quả thật, tìm được một vị chân sư để tin là một điều may mắn, là niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời mỗi chúng ta. Nếu tìm đúng vị chân sư để gửi gắm niềm tin, cuộc đời của chúng ta sẽ đi theo một hướng tốt lành. Nhưng điều này thực ra là do duyên may vì chúng ta khó đánh giá đúng, khó nhận ra ai thật sự là chân sư. Khi đã biết phân biệt vị nào đúng, vị nào sai, vị nào tài giỏi để nương tựa, chúng ta cũng đã giỏi, đã đạt đến một trình độ nhất định rồi. Bởi vậy, lúc này chúng ta chỉ biết thường xuyên cầu Tam Bảo gia hộ cho mình gặp được Thầy lành, bạn tốt.
5. ĐA NGHI VÀ CẢ TIN ĐỀU LÀ BỆNH
Trong cuộc sống, bên cạnh những người rất dễ tin, chúng ta còn gặp rất nhiều người hay đa nghi, ít chịu tin hoặc không tin vào bất cứ điều gì. Cả hai đều là bệnh. Vậy, tại sao chúng ta hay đa nghi, ít tin vào người khác?
Trước hết, ít chịu tin vì chính mình hay nói dối. Thật sự, người hay nói dối thường ít tin ai vì “suy bụng ta ra bụng người”. Như vậy, gặp những người hay đa nghi, chúng ta phải cẩn thận, không chừng người ấy là chuyên gia nói dối. Trong lịch sử Trung Quốc, có một nhân vật nổi tiếng đa nghi. Đó là Tào Tháo. Sở dĩ đa nghi đến nổi khi chết đi, phải xây 72 ngôi mộ giả rải rác khắp nơi để người đời không quật mộ trả thù được vì lúc sống, ông ta là một kẻ bị cho là nhiều thủ đọan tuyệt gian (bên cạnh Lưu Bị tuyệt nhân, Quan Công tuyệt nghĩa, Trương Phi tuyệt dũng, và Khổng Minh tuyệt trí).
Trường hợp khác, có người ít chịu tin vì có tính kiêu mạn. Đó là mẫu người ai nói gì cũng không chịu nghe, luôn cho rằng ý nghĩ của mình là hay hơn, là đúng hơn, người khác không thể bằng mình. Người như vậy rất khó thành công trong cuộc đời.
Trường hợp thứ ba, ít chịu tin vì không đủ trí tuệ phán đoán. Chúng ta gặp nhiều người vì không nhận ra điều người khác nói là đúng hay sai nên không dám tin chắc chắn. Nếu có đủ trí tuệ phán đoán, trước lời nói của người khác, chúng ta sẽ biết được điều đó đúng hay sai để có một niềm tin, một thái độ đúng đắn.
Ví dụ, có một người đến nói với chúng ta là cần tiền để cất chùa nên đi quyên góp. Nhìn vẻ ngoài, có thể không nhận biết họ nói thật hay không, chúng ta phải có cách kiểm tra. Chẳng hạn, hỏi Thầy tên gì? Chùa Thầy ở đâu? Chùa tên gì? Sau đó, chúng ta có thể điện thoại đến địa phương xem có chùa đó hay không, chùa đang xây dựng như vậy phải không vv…Chúng ta phải kiểm tra trước khi đặt niềm tin để tránh khỏi sai lầm. Trong trường hợp này, vội tin hay vội nghi đều sai nên cần phải kiểm tra cẩn thận.
Ngược lại, trong cuộc sống còn có nhiều người rất dễ tin, vì sao?
Trước hết, người dễ tin vì tính tình thật thà, hiền lành. Người thật thà, không bao giờ biết nói dối thường rất dễ tin người vì nghĩ ai cũng thật thà như mình. Đây cũng là một bệnh nguy hiểm. Vì cuộc đời không đơn giản như chúng ta nghĩ, có rất nhiều người dối trên lừa dưới, lừa thầy, phản bạn. Nếu quá tin người, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho cuộc đời mình.
Cũng có trường hợp dễ tin vì nghiệp đời trước hay dụ người khác. Ví dụ, có người trước kia thường hay dụ dỗ trẻ con để lấy đồ của, tiền bạc. Vì gieo nhân đó nên kiếp sau họ bị người khác lừa mà vẫn tin một cách mê muội, không nhận ra được. Đó là do nghiệp báo của quá khứ. Hiểu như vậy, sống ở đời, chúng ta đừng bao giờ lừa dối ai, dù là việc rất nhỏ.
Cũng có trường hợp dễ tin vì yếu lòng. Có người mắc “bệnh” yếu lòng nên ai nói gì cũng nghe, cũng tin. Đó là người không có lập trường vững chắc với lẽ phải, không có trí tuệ phán đoán.
Tóm lại, cả tin và đa nghi đều là bệnh, chúng ta cần phải tránh để đừng mắc phải. Nói về niềm tin, một nhà thơ Nga nổi tiếng đã khẳng định:
Trong chúng ta, ai là người đau khổ nhất? Đau khổ nhất là người chẳng ai tin. Trong chúng ta, ai là người đau khổ nhất? Đau khổ nhất là người chẳng tin ai.
6. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA THỜI ĐẠI
Trong niềm tin, chúng ta phải cẩn thận đối với các Tín ngưỡng mới. Đó là sự pha trộn của khoa học giả tưởng và các Tín ngưỡng cổ truyền. Quý Phật tử phải cẩn thận để không bị lạc lòng.
Ví dụ, tín ngưỡng cổ truyền nói rằng, có một Thượng đế tạo ra muôn loài. Còn khoa học giả tưởng cho rằng có những người ngoài hành tinh tới. Người ta trộn hai loại đó lại thành một Tín ngưỡng mới. Tín ngưỡng đó nói rằng, Đức Thượng đế Javê ở hành tinh khác sai Thiên sứ đi bằng đĩa bay xuống đây để tiếp xúc với con người. Nếu ai tin theo, sẽ được ông đưa lên đĩa bay, bay về gặp Thượng đế. Đó là cách trộn hợp giữa Tín ngưỡng cổ truyền và khoa học giả tưởng mới để đáp ứng được tâm tình của thời đại. Nhưng những điều ấy đều sai lầm.
Gần đây, chúng ta nghe tin đạo này, đạo kia xuất hiện trong đó có đạo Địa mẫu. Người theo đạo này tin rằng có một đạo mẫu là mẹ của Phật Thích Ca, đẻ ra mọi loài mẹ(Phật, Bồ Tát …). Đó là niềm tin vô lý, là sự mê tín. Vậy mà, không ít tín đồ nghe theo. Hoặc có trường hợp tin rằng Thượng đế nhập vào một người đàn bà để giảng pháp cho mọi người nghe, để phán xử con người vv… Đó là những lý luận hoàn toàn giả dối, lừa bịp của những kẻ thích nổi tiếng, thích được người khác tôn sùng.
Một vấn đề mang tính chất thời đại nữa là sự tuyên truyền, xuyên tạc, công kích giữa người này với người kia, giữa Đạo này với Đạo kia do tính xấu của một số người. Hiện tượng này rất thường xảy ra trong cuộc sống. Bởi vậy, trước những sự tuyên truyền, công kích, chúng ta không nên tin. Trong lòng chúng ta chỉ có một niềm mơ ước mọi người đều trở thành người tốt nên khi nghe những điều này, chúng ta cảm thấy đau lòng, không muốn nghe nữa, không muốn tin nữa. Nếu tin theo, chúng ta sẽ bị nghiệp lây.
Qua bài Niềm tin, chúng ta phải có thái độ đúng đối với những thông tin mình nghe được, không bao giờ vội vã chấp nhận ngay mà phải luôn luôn suy xét. Đặc biệt, chúng ta cần tránh hai bệnh đa nghi và cả tin…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.