Minh Triết Trong Đời Sống
27. Hãy đặt gánh nặng xuống
Marty đến tham dự buổi hội thảo về đề tài “Xả hết để theo Chúa”. Là một kỹ sư vi tính, anh đã bỏ công việc trong một công ty lớn để thành lập một công ty riêng. Công việc phát triển tốt đẹp, anh ký hợp đồng với chính phủ để cung cấp các dịch vụ về tin học nhưng cuộc đời của anh cũng bước vào một khúc rẽ mới. Anh nói:
– Thưa bà, trước đây tôi có nhiều thời gian cho mọi việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian cho vợ con, nhưng bây giờ thì không còn gì nữa. Tôi làm việc từ sáng đến tối, nhiều khi thâu đêm suốt sáng cho kịp kỳ hạn.
Tuần qua tôi phải ngủ luôn ở văn phòng để tiết kiệm giờ giấc. Huyết áp của tôi lên cao và bác sĩ bắt tôi phải xả bỏ tất cả nếu muốn tránh bệnh đau tim. Hôm nay tôi đến tham dự buổi hội thảo này để học phương pháp “Xả bỏ” chứ không phải “Theo Chúa” vì tôi không tin ở quyền năng này. Tôi có cảm giác như hiện nay mình đang theo đuổi một cái gì đó, nhưng nó chạy nhanh quá, bắt không kịp. Bà nghĩ sao?
– Để tôi kể cho anh nghe một câu chuyện như sau: Có một người đi xe lửa, vì là một hành trình rất dài nên anh mua vé ngồi chỗ thật tốt. Xe lửa được điều khiển bởi một nhân viên hỏa xa lành nghề nên chạy rất êm; nhưng thay vì đặt hành lý của mình xuống, người nọ lại cứ ôm khư khư trên người: đầu ông ta đội một chiếc vali lớn, trên đùi đặt một xách tay rất nặng, hai tay ôm hai túi hành lý khổng lồ. Anh nghĩ sao về hình ảnh đó?
– Thật đáng buồn cười chứ sao.
– Theo anh thì người đó phải làm gì?
– Dĩ nhiên ông ta phải đặt tất cả hành lý xuống chứ ai lại ôm mãi hành lý trong chuyến đi dài như vậy.
– Tại sao?
– Xe lửa chuyên chở tất cả, hành khách đâu cần ôm hành lý trên tay.
– Đúng thế. Trường hợp của anh cũng như vậy, nên anh cần xả bỏ hết đi.
– Tôi không hiểu bà muốn ám chỉ điều gì?
– Hãy trút tất cả hành lý của anh xuống, chuyến xe lửa cuộc đời đã chuyên chở nó rồi.
– Hành lý của tôi ư? Ý bà là gì?
– Anh hãy kể cho tôi nghe những điều đang làm anh bận tâm hiện nay, trí óc anh đang nghĩ gì?
– Tôi đang nghĩ đến bộ mặt của nhân viên chính phủ khi tôi cho họ biết chương trình điện toán chưa hoàn tất. Tôi đang lo lắng về những giao kèo trong thời gian sắp tới. Tôi cảm thấy khó chịu về nhân viên trong công ty của tôi, lúc làm, lúc nghỉ, có lúc chăm chỉ, khi lại lười biếng. Tôi đang lo tiền học phí cho con gái tôi ở đại học, tiền bảo hiểm xe hơi cho đứa con trai lớn và việc sửa chữa căn nhà chúng tôi mới mua.
– Đó chính là những hành lý mà anh phải đặt xuống.
– Thưa bà, xe lửa là một chuyện vì nó có người điều khiển và đi trên một lộ trình nhất định. Cuộc đời đâu giản dị như thế, ai sẽ chỉ huy công việc của tôi? Ai sẽ chịu trách nhiệm về công ty của tôi? Tôi chứ ai, tôi đang điều khiển chuyến xe công việc của tôi, tôi phải chịu trách nhiệm về công ty của tôi cũng như mọi thứ liên quan đến nó.
– Đúng thế, anh chỉ có thể kiểm soát được việc làm của mình chứ không kiểm soát được kết quả của nó.
– Bà nghĩ rằng có sự khác biệt hay sao? Theo ý tôi thì mọi kết quả đều do hành động mà ra.
– Vậy sao? Phải chăng kết quả công việc của anh đều tùy thuộc vào số lượng thời giờ mà anh ngồi trước cái máy vi tính? Hãy đi sâu hơn vào chi tiết: Phải chăng sản phẩm của công việc anh làm còn tùy thuộc vào những yếu tố khác nữa như mức độ ánh sáng nơi phòng làm việc. Không có ánh sáng, anh không thể nhìn thấy gì và dĩ nhiên không thể làm việc được. Phải chăng công việc chỉ có thể trôi chảy tốt đẹp nếu không có các trở ngại? Phải chăng anh càng thoải mái, xả giãn nhiều thì công việc của anh càng nhẹ nhàng đi? Tình trạng và thái độ của nhân viên làm việc với anh cũng quan trọng không kém. Phải chăng họ làm việc vì sự hối thúc để sản xuất một số lượng nào đó hay làm việc với một ý muốn là góp phần vào việc xây dựng công ty? Thái độ của nhân viên định giá phẩm chất của công việc, và phẩm chất của sản phẩm bảo đảm cho tương lai công ty. Tóm lại, có vô số điều kiện khác nhau chi phối mà anh không thể kiểm soát hết được, do đó anh chỉ có thể làm việc hết sức mình và chấp nhận mọi kết quả.
– Nếu nói như vậy thì mọi vật đều như tình cờ hay sao?
– Không, không phải vậy. Trên đời này không có gì xảy ra một cách tình cờ hết. Có một trí thông minh đại đồng (Universal Intelligence) điều hành tất cả. Cái trí thông minh này không bao giờ ngủ và cũng không hề nghỉ hè, cái trí này xoay chuyển vũ trụ và xếp đặt guồng máy phức tạp của đời sống, trao đổi các sức mạnh linh động giữa các sinh vật và loài thảo mộc, sự xuất hiện cũng như tan biến của các hành tinh, mặt trời, mặt trăng, mùa hè cũng như mùa đông. Anh có thể gọi trí thông minh này là định luật vũ trụ hay Thượng Đế tùy theo quan niệm riêng.
– Xin lỗi bà, tôi là người cần được chứng minh cụ thể trước khi tin tưởng điều gì.
– Được rồi, anh có biết hiện nay các lá phổi, trái thận hay gan của anh đang hoạt động như thế nào không? Có lẽ là không, nhưng công việc đó vẫn tiếp diễn mà anh coi là điều tự nhiên. Anh không thể kiểm soát các diễn trình đang xảy ra bên trong cái mà anh gọi là thể xác của anh. Thân thể của anh là một cơ quan kỳ diệu đang hoạt động mà không cần sự đồng ý hay kiểm soát của anh, nhưng tất cả đều hoạt động cho một muc đích chung là duy trì sự sống cho anh. Cũng giống như hàng tỷ tế bào trong cơ thể của anh thì chúng ta cũng là một tế bào bé nhỏ trong một thể xác vĩ đại của vũ trụ. Chúng ta đều là một phần trong cái Toàn Thể mà chúng ta có thể gọi bằng danh từ gì cũng được. Do đó bộ óc của chúng ta, bàn tay của chúng ta không được tạo ra để làm gì riêng cho chúng ta mà để góp phần vào sự vận hành chung của tất cả. Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta là những cá nhân riêng rẽ thì chúng ta đã đi sai đường rồi. Này ông bạn, chúng ta không thể kiểm soát được khi chúng ta bước vào đời hay lúc chúng ta ra khỏi cuộc đời, thì tại sao chúng ta lại nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được phần ở giữa?
– Thưa bà, phải thú thật là câu nói của bà về cái khoảng giữa đó đã đập mạnh vào đầu óc của tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ đến điều đó, thưa bà năm nay tôi đã 45 tuổi rồi mà tôi chưa hề biết sợ hãi một cái gì cả.
– Anh may mắn đã nhận thức được điều này lúc 45 tuổi, biết bao người khác đã thấy gì đâu. Để xả giãn, tôi đề nghị anh nên ghi tên học một lớp Yoga, quanh vùng này có rất nhiều lớp dạy Yoga rất tốt.
– Điều đó có cần thiết không? Tôi vẫn thường tập thể dục mỗi khi có dịp.
– Điều anh cần là sự thoải mái, xả giãn và Yoga có thể giúp anh được. Anh không cần phải tin tôi mà hãy tự trải nghiệm điều này, ngay trong thời gian đầu anh sẽ học cách làm xả giãn cả thể xác lẫn thể trí. Hãy phân tích những việc anh làm trong công sở, bất cứ điều gì mà anh và các nhân viên có thể làm thật tốt trong giờ làm việc thì hãy cứ giữ như vậy, và bỏ hết đi những cái thừa thãi còn lại. Anh hãy tùy nghi mà sắp đặt các nhu cầu và ham muốn cho hợp lý. Đừng tham lam làm việc quá sức mình. Hãy soạn thời khóa biểu cho chính mình để có thời gian làm việc cũng như nghỉ ngơi và thời gian dành cho gia đình. Sau giờ làm việc, anh hãy thực hành Yoga một cách đều đặn rồi nên dành một khoảng thời gian lúc vừa thức dậy và trước khi đi ngủ để tham thiền. Chỉ cần làm khoảng vài phút mỗi ngày cũng đủ, nhưng phải thật đều đặn. Thầy dạy Yoga sẽ chỉ dẫn cho anh cách tọa thiền, khi trí anh đã định, tâm anh cởi mở, thể xác anh thoải mái thì những sức mạnh ở trên cao sẽ tuôn xuống cho anh. Kết quả là anh sẽ làm được nhiều việc tốt và chắc chắn huyết áp của anh sẽ thuyên giảm. Qua việc tập Hatha Yoga và thực hành thiền định hàng ngày, anh sẽ dần dần cởi bỏ cái tư tưởng rằng Marty là người đang điều hành màn kịch hàng ngày. Nếu cần, anh nên đọc thêm Thánh Kinh để có thể nắm vững được các động lực mạnh mẽ đằng sau câu châm ngôn: “Các con chỉ có thể kiểm soát được hành động nhưng không kiểm soát được kết quả”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.