Minh Triết Trong Đời Sống
38. Một quan niệm về tình yêu
Mamie là một phụ nữ rất đẹp, ăn mặc lịch sự và có giọng nói thật hấp dẫn. Bà cho biết bà rất yêu thi ca, âm nhạc cổ điển và tiểu thuyết lãng mạn. Bà đã ly dị ba lần và đang chuẩn bị lập gia đình lần thứ tư. Bà nói:
– Thưa bà, tôi không biết cuộc hôn nhân sắp tới này có hơn gì những cuộc hôn nhân trước không?
– Tại sao chị nghĩ như thế?
– Khi sống một mình thì cuộc đời của tôi hết sức thoải mái, suôn sẻ, dễ chịu nhưng khi chung sống với một người khác thì luôn luôn có những chuyện rắc rối, bất hòa, thất vọng.
– Tại sao?
– Tại vì họ không đáp ứng được những mong ước bé nhỏ của tôi. Thí dụ như người chồng sau cùng là một gã chỉ say mê làm việc và luôn luôn quên những điều mà tôi cho là quan trọng: những kỷ niệm đẹp khi mới quen nhau, ngày sinh nhật của tôi, những câu nói tình tứ, các món quà dễ thương. Đó là bằng chứng rằng tôi không quan trọng đối với hắn…
– Này chị, nhiều năm trước tôi có quen một người đàn ông hào hoa phong nhã, hắn không bao giờ quên ngày sinh nhật hay ngày kỷ niệm chúng tôi gặp nhau lần đầu, hắn có thể nhớ bất cứ một câu nói tình tứ nào mà tôi đã nói với hắn và luôn luôn gửi quà tặng hay hoa hồng cho tôi…
– Tôi thích những người lịch sự, chân thành như vậy. Đó mới thật là đàn ông.
– Khoan đã, chị đừng nóng vội. Đó chỉ là dấu hiệu của một người có trí nhớ tốt mà thôi. Sự thật thì hắn ta không những nhớ ngày sinh nhật của tôi mà còn cả bốn cô gái khác mà hắn đang “bồ bịch” trong cùng một lúc. Sở dĩ tôi nói điều này ra để chị thấy rằng điều mà chúng ta mong đợi nơi người khác vốn không có căn bản thực tế. Chị cần phải biết kiểm soát những mong đợi hão huyền này và biết rằng mỗi người chúng ta đều hành động theo quan niệm riêng của mình, chúng ta không thể hành động, cảm xúc hay suy nghĩ như người khác muốn chúng ta như vậy. Chị không thể vạch ra một cách cho người khác xử sự được. Kinh Bhagavad Gita nói “Chúng ta có thể hành động nhưng không thể kiểm soát được kết quả”.
– Tôi vẫn không hiểu, xin bà giải thích rõ hơn.
– Để tôi lấy một thí dụ này: Nếu chị dành ra nửa ngày để nấu một bữa ăn thật thịnh soạn, bày bàn ăn thật đẹp, cắm vào đó mấy ngọn nến cho thật thơ mộng rồi chờ chồng đi làm về để cùng ăn. Khi chồng chị về nhà, ông chẳng ngó ngàng gì đến bàn ăn, chẳng tỏ thái độ muốn ăn thì chị phản ứng ra sao?
– Tôi sẽ nghĩ: “Biết đâu hắn ta đã đi ăn với một cô ả nào đó rồi?”. Ít ra thì hắn cũng phải khen ngợi sự cố gắng của tôi chứ…
– Nếu hiểu biết thì chị sẽ phản ứng khác. Chị sẽ chấp nhận cách xử sự của chồng mà không phán đoán gì hết, cũng chẳng cần phải kể công lao làm gì.
– Vậy thì tôi phải suy nghĩ thế nào?
– Hãy suy nghĩ như sau: “Tôi không cần sự vỗ về, khen ngợi và tôi cũng chẳng mong chờ gì cả. Mọi điều tôi làm vì tôi muốn làm, dù người khác thích hay không thích, không ngó ngàng hay đoái hoài đến thì cũng chẳng phải là lỗi của tôi. Đó là chuyện của họ”.
– Nhưng mấy ai đã nghĩ như vậy. Nếu chuyện đó xảy ra thì tôi sẽ dạy cho hắn một bài học tức thì…
– Tại sao chị làm vậy? Tại sao chị lại đồng hóa mình với cái suy nghĩ nông nổi, ấu trĩ đó? Mỗi khi trí óc của chị nghĩ: “Tại sao hắn không làm vừa ý tôi” thì chị phải lập tức từ chối không chấp nhận cái suy nghĩ ích kỷ, tiêu cực đó. Chị hãy nhìn ngắm chúng với tâm trạng của một người đứng bên ngoài quan sát, không đồng ý và không chịu đồng hóa với nó. Chị hãy tự nhủ: “Lại mày nữa, lần này tao nhất định sẽ không tuân theo cái luận điệu giận hờn cũ rích của mày nữa đâu”.
Khi các tư tưởng đầy ích kỷ đầy giận hờn đó không còn ảnh hưởng được chị nữa thì chị đã tiến được một bước xa rồi. Sự khó khăn của chúng ta đều là do trí óc chúng ta mà ra chứ không phải do nơi kẻ khác. Khi đã biết phương pháp dừng lại và nhìn ngắm “trò hề” của cái trí óc nông nổi đó thì mối quan hệ của chị với người khác sẽ được cải thiện rất nhiều. Để tôi kể cho chị một thí dụ dễ hiểu sau đây: Chị hãy hình dung hai cặp tình nhân đang đi dạo trong vườn hoa. Cặp thứ nhất là A và B, họ luôn luôn tay trong tay, mắt nhìn mắt thật đắm đuối nhưng khi B làm A thất vọng thì A giận dữ. Khi A giận dữ thì B bực mình vì cho rằng A quá đòi hỏi và khi đó, tay họ không còn tay trong tay nữa mà chỉ còn là những cử chỉ giận dữ, mắt họ không còn đắm đuối nữa mà chỉ còn là những tia giận hờn. Cặp thứ hai C và D cùng nắm tay nhau đi nhưng mắt họ chẳng nhìn nhau mà cùng nhắm mắt, hướng suy nghĩ vào một mục tiêu cao đẹp chung là “hạnh phúc”. Vậy thì dù cho có việc gì xảy ra thì thái độ của họ cũng không thay đổi, vì họ vẫn cùng nhau hướng về mục tiêu chung đó. Nếu như một người ngã thì người kia nâng, một người gặp rắc rối thì người kia an ủi và cứ như thế họ thanh thản đi trọn con đường.
Thi sĩ Kahlil Gibral có một bài thơ thật hay mà tôi mong chị hãy suy ngẫm kỹ vì nó có thể giúp cho chị nhiều:
Love one another but make not the bond of love
Let it rather be a moving sea between the shores of your soul
…
Give your hearts but not into each other’s keeping
For only the Hand of Life can contain your hearts
And stand together yet not too near together
For the Pillars of the temple stand apart
And the oak tree and cypress grow not in each other’s shadow.
Tạm dịch:
Hãy yêu nhau nhưng đừng biến tình yêu thành dây ràng buộc;
Mà tình yêu nên là đại dương chuyển động giữa đôi bờ của hai linh hồn.
Hãy cho nhau trái tim nhưng đừng giao nhau cất giữ.
Vì chỉ Bàn tay của Cuộc đời mới có thể chứa đựng trái tim các bạn.
Và hãy đứng cùng nhau nhưng đừng quá sát vào nhau:
Vì các cột đền thờ đều đứng một mình,
Và cây sồi với cây hạnh đào không lớn lên trong chiếc bóng của nhau.
(Bản dịch của Nguyễn Ước)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.