Minh Triết Trong Đời Sống

55. Tiêu chuẩn tâm linh



Beverly là quản thủ thư viện tại một thành phố lớn. Bà đã gia nhập nhiều phong trào tâm linh, tham dự nhiều buổi hội thảo về Yoga, thiền định, dưỡng sinh, và theo học với nhiều đạo sư khác nhau nhưng vẫn không tìm được điều bà muốn. Bà nói:

– Hiện nay tôi rất bối rối vì sự “thương mại hóa” các vấn đề tâm linh. Tôi muốn tìm một con đường tu chân chính chứ không muốn mắc mưu các thầy tu thương mại. Tôi không muốn thành “cừu con” để họ dẫn dụ. Làm sao một người như tôi có thể phân biệt được một người giáo huấn chân chính với một thầy tu giả tạo? Tôi cần một tiêu chuẩn rõ ràng chứ không phải lý thuyết suông.

– Theo bà thì con đường tu chân chính phải như thế nào?

– Tôi muốn tìm một con đường có thể đưa tôi đến sự thật, đến sự hợp nhất với Thượng Đế, chứ không phải các lời hứa hẹn hão huyền, các trò lừa bịp để moi tiền tín đồ. Tôi cần có một tiêu chuẩn thật rõ rệt để phân biệt điều này.

– Ngày trước tôi học lái máy bay, mỗi khi muốn đáp xuống đường băng tôi phải điều khiển máy bay vào đúng một vị trí nhất định gọi là “ba điểm” (Three – Point Landing) thì mới đáp an toàn được. Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng vào những việc khác. Một đạo sư Ấn Độ nói rằng muốn hợp nhất với Thượng Đế thì chúng ta phải trở nên giống như Ngài, vì thế chúng ta cần có một quan niệm thật rõ ràng về Thượng Đế. Dĩ nhiên Thượng Đế là hiện thân của tất cả những đức tính cao quý mà người ta có thể hình dung: Bác ái, Minh triết, Mỹ lệ, Thanh khiết, Hoàn hảo. Bây giờ chúng ta hãy tự hỏi xem ngài có phân biệt màu da, giai cấp, chủng tộc, tín ngưỡng, hay muốn người ta gọi ngài bằng một danh xưng nhất định nào đó hay không? Đó là tiêu chuẩn thứ nhất mà bà cần đặt ra. Nếu một sự giáo huấn nào còn phân biệt các điều kể trên, bắt tín đồ sử dụng một danh hiệu nhất định thì hẳn bà đã biết phải xử sự ra sao rồi.

– Có rất nhiều nhóm tự nhận rằng họ đề cao tình huynh đệ và không hề phân biệt các danh xưng.

– Dĩ nhiên, muốn biết họ có nói đúng hay không thì chúng ta cần quan sát lời nói cũng như việc làm của họ một cách cẩn thận. Một người giáo huấn chân chính không bao giờ tự nhận rằng mình là người duy nhất. Sự giáo huấn chân chính chỉ rõ cho chúng ta thấy mục đích và những con đường đưa đến mục đích đó nhưng không đòi hỏi chúng ta phải theo một con đường nhất định nào. Đó là tiêu chuẩn thứ hai.

– Nhưng làm sao tôi có thể tìm được con đường đó?

– Khi lòng bà ao ước tìm một con đường tâm linh thì nội tâm của bà sẽ hướng dẫn cho bà, sẽ vạch rõ cho bà một hướng đi. Trong cuốn Grist for the mill, đạo sư Baba Ram Dass đã nói: “Đi vào con đường tâm linh chính là sự nhập lưu, hay bước vào một dòng nước mà trong đó vị thầy sẽ đưa anh đi qua bờ bên kia, chứ không phải giữ anh mãi trong dòng nước đó”. Một sự giáo huấn chân chính sẽ không làm ai vướng mắc mà giúp họ đi trọn vẹn con đường một cách ung dung tự tại; và đó là tiêu chuẩn thứ ba.

– Làm sao tôi có thể biết mình không bị vướng mắc?

– Khi đọc sách, bà bắt đầu bằng việc theo dõi những dòng chữ, cố gắng hiểu ý từng chữ, từng câu và từng đoạn; nhưng khi đã hiểu rồi thì bà phải biết bỏ những dòng chữ đó đi để nắm bắt lấy cái ý chính toàn bài. Nếu cứ khư khư bám chặt vào từng chữ, từng dòng, từng đoạn văn thì làm sao có thể hiểu được toàn bộ cuốn sách? Cũng như thế, khi qua sông cần có thuyền, nhưng đã đến bờ rồi thì phải biết bỏ nó đi để tiếp tục cuộc hành trình, cứ ôm chặt lấy con thuyền thì làm sao đi tiếp nữa được. Trên đường tâm linh, muốn biết bà còn vướng mắc hay không thì hãy quan sát xem giữa bà và người khác có sự khác biệt hay không? Khi tâm thức của bà được nâng cao lên, được tự do, được mở rộng, bà sẽ không còn thấy có sự khác biệt giữa mình và người khác, không chê bai, lên án, khinh miệt ai hết mà biết rằng giữa mình và người khác vốn không hề có sự sai biệt, tất cả đều là những phần tử của một Đại Thể sáng chói, đầy tình thương.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.