Những bài học cuộc sống
Chương 10
Sức mạnh của lời nói
“Trên đời này ít có điều gì có tác dụng mạnh mẽ hơn một sự khích lệ tích cực. Đó có thể là một nụ cười, một lời nói động viên chân tình lạc quan, hay một sự chia sẻ đúng lúc.”
– Richard M. DeVos
Câu chuyện về hai người bạn
Năm 25 tuổi, tôi bắt đầu công việc dạy học. Một người bạn đồng nghiệp hơn tôi khoảng 8 tuổi đã tận tình chỉ dẫn cho tôi lúc tôi còn rất ngỡ ngàng với nghề. Tôi cảm thấy thật vinh hạnh vì anh ấy là một nhà giáo xuất chúng, và tôi biết mình có thể học được nhiều điều từ anh ấy. Tôi luôn biết ơn những điều phê bình của anh khi anh chỉ cho tôi thấy tôi đã làm sai điều gì và giải thích lý do tại sao một số sinh viên không thích tôi. Khi đã là bạn bè, những lời khuyên của anh đã động viên rất nhiều cho cuộc sống của tôi. Tôi cảm thấy cần phải hoàn thiện mình hơn nữa, vừa về chuyên môn vừa về phong cách sống. Nhưng tôi vẫn thấy mình không tự tin lắm và không biết mình còn phải cố gắng thế nào nữa và đến bao giờ mới trở thành một người hoàn thiện thật sự.
Một người bạn khác chuyển đến khi tôi dạy đã được 6 năm. Anh ấy tên là Tim Hansel. Điểm nổi bật ở anh là anh luôn thu hút sự chú ý của các sinh viên trong những giờ học của mình. Tôi rất thắc mắc và muốn tìm hiểu xem sức lôi cuốn của anh nằm ở đâu mà anh đã làm được điều tuyệt với đó. Do chúng tôi dạy cùng một bộ môn và cùng một nhóm chuyên môn nên chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Tôi không mất nhiều thời gian để tìm ra lời giải đáp cho mình.
Qua trò chuyện, tôi nhận thấy anh có một tài năng đặc biệt khơi dậy những điều tốt đẹp ở người khác. Thay vì nói về lỗi lầm và khuyết điểm của các sinh viên, anh rất thường nhấn mạnh vào thành quả hoặc vào khả năng có thể phát triển được của họ. Đối với tôi cũng vậy, Tim nói rằng anh ngưỡng mộ về những tâm huyết của tôi đối với nghề, rằng những nỗ lực của tôi chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng. Anh thường tán dương việc sinh viên quý mến tôi như thế nào, rằng chúng được học biết bao điều hữu ích từ những giờ lên lớp của tôi ngoài những kiến thức trong sách giáo vở. Những lúc trò chuyện về các vấn đề trong cuộc sống, anh giúp tôi nhìn ra những điều mà tôi chưa từng chú ý đến: Tôi đã và đang làm tốt vai trò của một người thầy lẫn tư cách của một con người chân chính.
Vậy chúng ta có thể thấy điểm khác biệt nào trong hai người bạn trên? Với người bạn hay phê bình, một người mà tôi từng ngưỡng mộ sâu sắc, tôi đã học được rất nhiều từ anh, hầu hết những lời phê bình của anh dành cho tôi đều rất đúng và tôi cảm ơn anh về điều đó. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy buồn chính là tôi không tìm thấy lời khen ngợi nào để cân bằng với những lời phê bình của anh. Và tôi cảm thấy nản lòng từ đó.
Còn bên cạnh Tim, tôi cảm thấy tự tin hơn, mạnh mẽ hơn trong từng lời nói, trong từng hành động của mình. Anh vẫn luôn nhắc nhở tôi về những điều tốt lành trong cuộc sống và về con người tôi. Dù chúng tôi bây giờ đã già hơn rất nhiều, anh vẫn là một con người như thế: luôn giúp người khác nhìn thấy những điều tốt đẹp của mình và trên hết là giúp củng cố niềm tin trong họ
Bài học từ Lincoln và Franklin
Do theo chuyên ngành lịch sử, tôi có dịp đọc tiểu sử của nhiều nhân vật nổi tiếng và cũng chính việc đọc những sách đó đã đưa tôi đến việc nghiên cứu ngành tâm lý học. Không gì có thể làm cho chúng ta hiểu về thành công rõ hơn là đọc sách viết về những người thành công nhất trong lịch sử.
Hai trong số những người nổi tiếng đó là Abraham Lincoln và Benjamin Franklin. Một người được biết đến nhiều nhất trong cương vị một tổng thống đầu tiên đã xóa bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ; người kia là một học giả uyên bác, một nhà sáng chế, và là một chính khách nổi tiếng. Nhưng không phải những thành công về mặt sự nghiệp của họ khiến tôi chú ý, mà chính cách họ chinh phục người khác mới làm cho tôi quan tâm. Tính cách vĩ đại nhất ở họ là khả năng giao thiệp với tất cả các dạng người trong xã hội và và biết khơi gợi những điều tốt đẹp nhất ở người khác. Cả hai đều giống nhau ở tài năng xuất chúng và một cái tôi biết hòa hợp.
Thầy dạy môn sử của tôi rất yêu thích Abraham Lincoln và dường như biết mọi điều về ông. Tên của thầy là Ashbrook Lincoln, và dĩ nhiên, thầy kí tên mình là “A. Lincoln” để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với Abraham Lincoln. Tôi còn nhớ như in những bài giảng của thầy về tổng thống Lincoln. Tôi bị cuốn hút bởi sự mô tả tính cách khác nhau của những con người làm việc xung quanh tổng thống trong Nhà Trắng. Ai trong số họ cũng nghĩ rằng mình giỏi hơn Tổng thống. Nhưng thau vì tạo ra sự cách biệt đối với họ, Lincoln lại tôn vinh họ. Ông khen ngợi khả năng của họ, xin họ ý kiến, và khuyến khích họ đem tài trí và năng lực ra phục vụ đất nước.Vì thế ai cũng là người chiến thắng.
Franklin thường được mô tả như một nhà ngoại giao bẩm sinh luôn biết làm vừa lòng người khác. Nói như thế là hơi quá lời bởi theo thừa nhận của Franklin, ông cũng có những khuyết điểm về cá tính. Trong quyển tự truyện của mình, Franklin kể rằng ông đã rất khó khăn trong việc chiến thắng được khuynh hướng tự nhiên trong ông là hay xét nét và phê bình người khác.
Ông đã nỗ lực hết sức để tự hoàn thiện mình, luôn nhắc nhở mình là phải nhìn vào những khía cạnh tích cực của người khác và một mực nói về “những ưu điểm mà tôi biết về mọi người”. Điều này cuối cùng dẫn đến những thành công to lớn của ông trong công tác ngoại giao.
Lincoln và Franklin đều khám phá ra một trong những chìa khóa dẫn đến thành công, đó chính là khẳng định giá trị của người khác. Họ hiểu sức mạnh to lớn của nguyên tắc “chiến thắng kép” – rằng khi tỏ ra trân trọng người khác, thì ta cũng mặc nhiên tự nâng mình lên ngang tầm với họ
Khả năng tuyệt vời nhất trong mọi khả năng
Khi dạy những khóa học tâm lý, tôi thường đề ra những hoạt động đơn giản, tuy thế lại là một trong những kỹ năng giảng dạy hiệu quả nhất. Tôi xếp bàn ghế thành hình bán nguyệt và đặt một chiếc ghế đối diện hình vòng cung đó, đặt tên là “ghế chủ”, nơi mỗi sinh viên phải thay phiên ngồi vào. Đầu tiên, người sinh viên ngồi ở “ghế chủ” sẽ tự bộc bạch với mọi người rằng “tôi có điều gì tốt đẹp”. Rõ ràng là điều này không dễ dàng, nhưng nó lại là một phần rất quan trọng trong bài học về khẳng định giá trị của người khác. Tôi cũng muốn sinh viên của tôi học cách tự khẳng định mình để có khả năng nhìn ra những đặc tính và thói quen tích cực của mình. Thường thì họ phải mất khoảng 2 phút để thực hiện phần đầu tiên này. Họ cũng khó khăn lắm mới thực hành tốt kĩ năng nói cho người khác nghe điều mà họ thích ở chính mình.
Trong phần thứ hai, những sinh viên ngồi ở dãy bàn ghế hình bán nguyệt chỉ ra cho người ngồi ở “ghế chủ” thấy điều mà người ấy thiếu sót không đề cập đến. Quy tắc duy nhất là những lời nhận xét không nhắm đến vẻ đẹp bề ngoài và trang phục quần áo. Người ngồi ở “ghế chủ” lúc đó sẽ lắng nghe những lời khen ngợi của người khác về mình.
Sau buổi học hôm đó, vẻ mặt của các sinh viên vẫn còn nét rạng rỡ. Họ kể họ đã cảm thấy mình vĩ đại ra sao; họ không chỉ được nghe những điều hay, điều tốt về mình mà còn có thể học nhiều hơn nữa về những điều nên làm. Nhìn thấy được những điều tốt của bản thân đã khích lệ họ sống tốt hơn, củng cố và gia tăng sự tự tin cũng như lòng tự trọng. Các sinh viên nhận thấy rằng:
* Chúng ta cần tập thói quen tìm ra những điều hay, điều tốt ở người khác.
* Góp ý xây dựng có hiệu quả hơn là đánh đổ lòng tự tin của con người.
* Không gì hạnh phúc là được nghe người khác thật lòng khen mình.
* Tất cả chúng ta đều cần sự nhìn nhận và khích lệ của người khác.
* Tôi cảm thấy sung sướng khi làm người khác vui và hạnh phúc. “Chúng ta không hề mất gì khi sử dụng những ngôn từ tốt đẹp, mà ngược lại, còn nhận được rất nhiều điều đáng quý khác.” – Blaise Pascal
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.