Dù bạn là một nhà buôn, một thư ký, một chính khách, một phóng viên cho một tờ báo hay là một thanh niên đương kiếm vợ, thì càng giao thiệp với nhiều người, bạn lại càng phải đắc nhân tâm mới thành công được.
Nhưng nếu bạn là một nghệ sĩ cặm cụi trong phòng làm việc hoặc một vị bác học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, suốt ngày không tiếp xúc với ai, bạn cũng phải được lòng nhiều người thì nghệ phẩm của bạn mới bán chạy, danh của bạn mới vang lừng và thuyết của bạn mới được nhiều người chú ý tới.
Mà muốn được lòng người, bạn phải hiểu rõ bản tính của loài người, nghĩa là của chính bạn và của người khác.
THẲNG THẮN TỰ CHỈ TRÍCH MÌNH
Trước hết, chúng ta hãy xét bản tính của chúng ta đã. Nếu ta có ít bạn, chính là vì ta có những tật sau này:
1. Tánh tình khó chịu. Quạu quọ, dễ hờn dỗi. Ta phải luyện những đức vui vẻ và có ý nhị đã bàn ở chương II và nhớ rằng người nào có thể mỉm cười khi gặp toàn những nghịch cảnh, người đó mới thật có giá trị.
2. Hay bới lông tìm vết. Không có gì dễ bằng bới lông tìm vết. Công việc đó đã chẳng có lợi mà còn có hại cho ta, ta sẽ làm mất lòng người và tư cách của ta cũng sẽ kém đi. Một bà bạn của tôi, gặp ai cũng chỉ trích. Người ta mời bà dùng bánh, thì bà chê bánh thế này, thế nọ, ngọt quá, nhạt quá, bột không chịu nổi, nướng không tới. Cho nên mỗi lần gặp bà ở xa tôi phải lẩn vì biết rằng nói chuyện gì với bà thì rồi cũng phải nghe bà chê bai, chỉ trích.
Kẻ bới lông tìm vết không bao giờ thấy cái hay của người mà chỉ thấy cái dở thôi, không bao giờ thấy bông hồng hết mà chỉ thấy những gai. Không sao làm việc với họ được vì thái độ của họ làm mất lòng tin cậy, mà thiếu lòng này thì không tổ chức nào đứng vững được.
3. Nhiều chuyện. Không có gì diệt tình bằng hữu và những hảo ý bằng thói nhiều chuyện. Không cần nói nhiều mà cần nói nghĩa lý và có duyên.
Kẻ nhiều chuyện phá hoại danh dự của kẻ khác, gây những cảm tưởng sai lầm, làm cho người ta nghi kị nhau, oán ghét nhau, vì vậy đi tới đâu, ai cũng trốn tránh như trốn bệnh dịch vậy.
Nhiều chuyện là một thói trời sinh cũng có, nhưng lắm khi do lòng tự ti mặc cảm. Ai cũng muốn được người biết mình, để ý tới mình, và khi không có tài năng gì khác người thì phải kiếm cách nói xấu bạn bè, vu oan, thêm bớt cho người nghe chú ý tới mình để mình thành trung tâm điểm trong đám đông.
Muốn trừ tật ấy thì trước khi nói điều gì về ai bạn tự hỏi:
1. Lời đó đúng không?
2. Nếu trúng, ta nhắc lại có ích lợi gì không?
3. Ta có cần phải nhắc lại lời ấy không?
Trong sự kinh doanh, người nhiều chuyện thường làm hỏng việc, và mười người bị đuổi khỏi hãng thì có chín người vì có tật nhiều chuyện.
4. Nói tới mình nhiều quá. Người ta nhận thấy rằng trong những câu chuyện điện thoại, tiếng được dùng nhiều nhất là tiếng “Tôi”. Điều đó chứng minh rằng ai cũng thích mình, nghĩ tới mình nhiều hơn hết. Vậy muốn đắc nhân tâm, phải tránh tiếng “Tôi” mà dùng tiếng “Ông” hay “Bà”.
Người nào chỉ nghĩ tới mình thì không được ai giúp hết mà cũng chẳng giúp ai bao giờ.
Muốn trừ tật ấy bạn phải:
1. Một tuần bỏ một, hai, hoặc ba giờ nói chuyện với người khác mà không bao giờ dùng tiếng “Tôi”.
2. Đem một vấn đề chưa giải quyết, hỏi một bạn thân, nhờ bạn chỉ bảo, giúp đỡ, mà trong khi bàn cãi đừng dùng tiếng “Tôi”. Đừng nói: “Tôi không đồng ý với anh” hoặc: “Tôi không tin rằng sẽ như vậy, như vậy…” mà nói: “Có người bàn nên làm thế này hơn…” hoặc “Một người hôm nọ bàn về vấn đề này, không đồng ý với anh về điểm đó”.
HƯỚNG NỘI VÀ HƯỚNG NGOẠI
Các tâm lý gia bây giờ đều chia loài người ra làm hai hạng: hướng nội và hướng ngoại. Hạng hướng nội thì tư tưởng và tình cảm hướng vào trong. Hạng hướng ngoại thì trái lại.
Những người trong hạng thứ nhất có những đặc điểm sau đây:
1. Thích cái gì về tinh thần.
2. Viết hay hơn làm, nói.
3. Giao thiệp vụng về.
4. Đa cảm và dễ hờn dỗi.
5. Dễ lúng túng.
6. Hay mắc cỡ và ít cười lớn trừ khi với bạn thân.
7. Đúng giờ, sạch sẽ và chú trọng tới những tiểu tiết.
8. Do dự và hay thay đổi.
9. Thích ở một mình. Thích làm những công việc ít phải đụng chạm với người khác.
10. Hăng hái tranh luận.
Gặp những người như vậy, bạn đừng vội thân quá, đừng mời người ta lại những hội hè. Nếu trong đám đông, bạn che chở người đó cho khỏi lúng túng, lý luận với họ chứ đừng ra lệnh, rồi lại khéo léo khen thì bạn được lòng họ ngay.
Những người hướng ngoại có đặc điểm sau này:
1. Thích hoạt động, thể thao ngoài trời.
2. Nói trôi chảy mà có duyên.
3. Thích có nhiều bạn.
4. Không bao giờ hờn dỗi và có ai chỉ trích gì cũng mặc, chẳng thèm để ý tới.
5. Không bao giờ lúng túng, luôn luôn tự nhiên.
6. Không mắc cỡ mà hoạt bát trước đám đông và thích cười.
7. Nhanh nhẹn, vui vẻ. Xét đoán và quyết định rất mau. Không thích những tiểu tiết và thường khi không đúng giờ.
8. Mạnh bao, quả quyết.
9. Thích có bạn bè và làm việc nơi nào nhiều người.
10. Không thích tranh luận, trả giá.
Đối với những người đó, ta có thể tự nhiên, vui vẻ, cười giỡn được.
Nhưng nhiều người có đặc tính của cả hai hạng, họ là những người lưỡng hướng. Nhưng dù lưỡng hướng nữa thì họ cũng hướng nội nhiều hơn hướng ngoại hoặc hướng ngoại nhiều hơn hướng nội. Khi thấy một người có vài đặc điểm ở một loại thì ta có thể đoán – mà ít khi trật – rằng người đó cũng có thêm vài đặc điểm của loại đó nữa. Ví dụ người ấy hay mắc cỡ, ít cười lớn thì ta có thể đoán được rằng người ấy đa cảm, dễ hờn.
Cách phân loại người làm hai loại đó hướng dẫn ta trong phép xử thế. Nhưng chưa được hoàn toàn mà cũng không có cách nào hoàn toàn được. Muốn áp dụng nó, ta phải nhận xét một cách thông minh.
Biết xét tính tình của một người rồi, lại biết rằng thị hiếu quan trọng nhất trong năm thị hiếu căn bản của loài người là thị hiếu huyễn ngã (được thấy mình quan trọng) ta có thể tìm được cách cư xử ra sao cho được lòng người ấy.
Ta nên bắt chước các nhà quảng cáo. Bạn có thấy một hãng xà bông nọ quảng cáo rằng giặt xà bông của hãng thì quần áo của bạn trắng hơn quần áo bên hàng xóm không? Còn các nhà chế tạo giấy thì khuyên các hãng nên viết thơ bằng giấy tốt để thêm uy tín cho hãng.
Có khi nhờ một người giúp mình tức là làm cho người ấy vui. Vì như vậy là ta nhận họ hơn ta, do đó uy tín họ tăng lên. Cho nên hãng Coller’s bán áo may sẵn, viết một bức thư cho một khách hàng, có câu sau này:
“Xin Ngài làm ơn giúp chúng tôi một việc (kể việc đó ra). Vì Ngài là thân chủ của chúng tôi, nên chúng tôi lấy làm hân hạnh được biết ý kiến của Ngài…”.
Trong một bức thư khác có câu:
“Thưa Ngài, bức thư này là một bức thư riêng chứ không phải là một bức thư thương mại. Chúng tôi được biết rằng Ngài không bao giờ ngại một hành động lịch sử để giúp đỡ người khác, cho nên chúng tôi mới dám…”.
Những lời nói nhún nhường, khéo léo như vậy làm cho người đọc thấy mình quan trọng, trách chi mà chẳng có nhiều kết quả.
Vậy bạn cũng nên bắt chước hãng ấy mà dùng những câu sau này: “Tôi muốn ông chỉ bảo về điều này…” hoặc “Ý kiến của ông ra sao, xin ông cho chúng tôi được biết”; bạn sẽ được người ta giúp đỡ ngay và khi người ta đã giúp bạn một lần thì người ta sẵn sàng, vui vẻ giúp bạn một lần thứ nhì nữa.
Bạn nên chú ý tới dục vọng, sở thích của người khác. Xin bạn đọc hai câu chuyện thú vị dưới này thì rõ hiệu quả của phương pháp ấy.
Trong một khách sạn, một người khách buồn rầu ngó dĩa xúp mà người dọn bàn mới bưng lên và nói:
– Tôi không ăn món đó được.
Người dọn bàn nói:
– Thưa ông, món đó ngon lắm.
– Nhưng tôi không ăn được.
Người dọn bàn kêu người đầu bếp lại. Người này bực mình, la lên rằng từ trước tới giờ chưa có ông khách nào không vừa ý về các món ăn của nhà hàng hết.
Ông khách vẫn nói:
– Tôi không ăn món đó được.
Sau cùng, người chủ hãng tới, lễ phép hỏi:
– Thưa Ngài, tại sao Ngài không ăn được?
– Tôi thiếu muỗng (thìa).
Người dọn bàn và người đầu bếp chỉ nghĩ tới danh tiếng của khách sạn, duy có người chủ là nghĩ tới ý muốn của khách hàng thôi. Người đó làm chủ cũng đáng thật.
Một người bán sách gõ cửa một nhà, Bà chủ nhà ra.
– Kính chào Bà, tôi muốn đưa Bà coi chồng sách này, nó có thể…
– Cám ơn thầy, tôi không thích sách.
Rồi cửa đóng sập lại.
Hôm sau, một người bán sách khác lại nói:
– Tôi biết Bà có hai em, cậu Bobby và cô Betty ở trường Blank.
– Phải.
– Hôm nọ tôi có lại trường, được biết cô cậu đều học khá hết.
– Tôi cũng được nhà trường cho hay như vậy.
– Và tôi đoán Bà cũng như các bà mẹ khác, phải mất nhiều công chỉ bảo thêm bài vở cho các em ấy ở nhà.
– Có, thỉnh thoảng tôi có dạy thêm mấy cháu.
– Thời buổi này trẻ em học nhiều môn quá, chỉ bảo thật mất công. Cho nên có lẽ Bà muốn biết một phương pháp trông nom sự học của trẻ sao cho đỡ tốn công mà có kết quả nhiều? Bà cho phép tôi hầu chuyện Bà một chút được không?
Thì cũng là những cuốn sách đó mà người sau này bán được, người trước thì gần như bị đuổi đi. Tại sao, chắc các bạn đã đoán được rồi.
Ở chương II, tôi đã nói: bề ngoài, vẻ mặt của ta có ảnh hưởng lớn đến cảm tưởng của người khác về ta. Vẻ quạu quọ làm cho người ta muốn tránh mình bao nhiêu thì nét tươi cười hấp dẫn người bấy nhiêu.
Sao bạn không mỉm cười đi? Chắc bạn nhớ câu: “Giọng nói với nụ cười giúp ta thắng được nhiều”. Nét mặt và nụ cười còn giúp ta thắng được nhiều hơn nữa.
Một nụ cười chẳng những biểu lộ một tính tình vui vẻ mà còn làm cho ta vui vẻ nữa. Khoa học đã nhận vậy. Bạn thử xem. Tập thói quen sáng dậy thì mỉm cười và khi buồn cũng mỉm cười. Bạn không thể đồng thời vừa mỉm cười vừa buồn được, và nếu mỉm cười lâu một chút thì nỗi buồn sẽ tiêu tan.
Tôi khuyên bạn nên áp dụng phương pháp đắc nhân tâm đó ngay trong gia đình bạn đi, chẳng những làm cho người thân của bạn được vui vẻ hơn mà còn là một cách luyện nhân cách của bạn nữa. Trong thế giới này, không có sự luyện tập nào ích lợi bằng.
BỀ NGOÀI VÀ CỬ CHỈ
Một bề ngoài sạch sẽ và những cử chỉ nhã nhặn có ảnh hưởng rất lớn trong sự giao thiệp ở đời cũng như trong công việc làm ăn.
Y phục phải tuỳ trường hợp. Trong đám tiệc, ai cũng bận lễ phục mà ta tới với một bộ đồ làm việc thì ta sẽ lúng túng, trăm cặp mắt sẽ ngạc nhiên ngó ta.
Thấy người nào ăn mặc nhã nhặn, quần áo không lố lăng nhưng cắt khéo, sạch sẽ và có nếp, ta biết ngay là người có thể tin cậy người ấy được. Đàn ông thường chểnh mảng trong y phục, điều đó có hại. Giày phải đánh bóng. Nếu phải đeo đồ trang sức thì chỉ nên đeo một chiếc đồng hồ hoặc một chiếc nhẫn (cà rá) nhỏ. Tóc phải chải, đừng để trùm gáy và tai.
Đàn bà đừng nên bận đồ hở tay hở ngực, đừng dùng những thứ hàng mỏng quá. Không ai ưa những hạng ăn mặc lố lăng hết.
Khi giới thiệu ai thì phải đọc rõ ràng tên người ấy và đừng kể lể dài dòng. Nên nói:
– Ông X. Ông H.
– Cô B… chắc cô biết bác sĩ D?
– Thưa bà tôi xin giới thiệu ông P.
Theo phép, phải giới thiệu người dưới với người trên, vậy người nào nhiều tuổi hoặc có địa vị cao thì ta nên nói tên người đó trước.
Trong trường hợp người đàn bà và một người đàn ông thì ta kể tên người đàn bà trước nếu địa vị hai người ngang nhau. Nếu địa vị người đàn ông cao hơn nhiều thì ta kể tên người đó trước.
Giới thiệu bạn bè với cha mẹ mình thì nói:
– Thưa má, đây anh X, bạn của con.
Chồng giới thiệu vợ thì nói: “Nhà tôi”, chớ không nói: “Bà A”. Vợ với thiệu chồng cũng dùng tiếng: “Nhà tôi”.
Khi được giới thiệu với ai, ta tươi tỉnh, mỉm cười, sẽ cúi đầu (đừng cúi quá, lối đó cổ lắm) chào với một câu càng ngắn càng hay, như:
– Kính chào ông.
Rồi thì bắt tay. Đừng bắt chặt tay người ta mà lắc đi lắc lại năm, sáu lần, cũng đừng đưa một bàn tay mềm như bún ra. Nếu người kia là đàn bà thì người ta phải đợi người ta đưa tay ra trước rồi mới được bắt, nếu không thì ta phải cúi đầu chào.
Người lịch thiệp, sau khi giới thiệu, nói thêm một câu gì để giúp ta mở đầu câu chuyện, ví dụ như: “Ông X mới đi Pháp về” hoặc “Ông Y tháng sau đi du lịch Nhật Bổn”.
Khi từ biệt, ta đừng có vẻ vội vàng quá. Nếu người mới quen từ biệt ta thì ta cúi đầu chào. Nếu cùng là đàn ông hay đàn bà với nhau thì nói: “Tôi mong gặp ông hay bà lần nữa”.
Khi ta được giới thiệu với một đám đông thì ta cúi đầu chào. Trong khi giới thiệu, đàn ông phải đứng dậy, đàn bà có thể ngồi được, trừ phi người mới tới là một người già hoặc có danh vọng, thì đàn bà cũng phải đứng dậy. Bà chủ nhà giới thiệu ai thì luôn luôn phải đứng dậy, những người ngồi cùng với bà cũng vậy.
Đi ngoài đường đừng chen lấn, đừng nói bô bô, đừng đứng giữa đường chuyện trò, làm chật lối.
Những cử chỉ nhã nhặn chẳng những làm nhẹ gánh nặng trong đời ta mà còn giúp cho công việc ta được dễ dàng và có kết quả nhiều nữa. Giúp việc cho ai, dù người đó trả lương cho ta hơi thấp, thì cũng phải tận tâm, sau này ta sẽ không bị thiệt đâu. Đối với bạn đồng sự thì phải hiểu quyền lợi và bổn phận của người ta và giúp đỡ người ta. Đừng lại thăm ai trong giờ làm việc của người đó.
TRONG CÂU CHUYỆN
Trong câu chuyện đừng rán làm ra vẻ khôn lanh, thông minh, dí dỏm. Nếu bạn muốn ăn đứt những người khác thì không ai thương bạn hết. Đừng quên hai qui tắc trọng yếu nhất sau này: để cho người khác thấy rằng họ quan trọng và chỉ nói tới cái gì họ thích.
Nếu bạn tranh lấy nói một mình thì bạn chỉ nói cho một mình bạn nghe thôi. Nghệ thuật nói chuyện là biết gợi vấn đề gì mà người khác thích, chăm chú nghe người ta nói rồi thỉnh thoảng chêm một vài câu có nghĩa lý, hợp lúc, hoặc hỏi thêm một vài điều, gật đầu, mỉm cười, tỏ rằng mình thành thật thích nghe lắm.
Phải khoan hồng, hiểu ý kiến của người. Nói chuyện không phải là tranh biện. Muốn khỏi tranh biện thì khi bàn về một vấn đề gì, đừng vội đưa ý kiến của ta ra, phải dò xét ý kiến của người ra sao đã rồi dựa theo đó mà nói. Và phải tránh hai vấn đề dễ gây dông tố nhất là: Tôn giáo và Chính trị.
Nhưng phải thành thật. Đừng làm bộ nghe mà lơ đảng, nhìn mây nhìn nước. Nếu người ta không kiếm được tiếng nói cho đúng thì bạn nên tìm giúp.
Có người phàn nàn: “Ngoài câu chuyện mưa nắng, còn biết nói gì bây giờ?”. Sao lại như vậy được? Có cả ngàn chuyện đáng nói mà. Vì dụ như nói về mưa nắng. Mưa làm cho lúa tốt. Thì ta thử nói chuyện về mùa màng, canh nông xem bạn ta có thích không. Nếu không thì nói về nghề bán lúa lúc này khó khăn ra sao? Nếu bạn ta không thích nữa thì nói về hàng hoá nhập cảng. Mưa thì nước lên, cá vào trong đồng, ta nói về câu cá đi. Mưa thì ít đi chơi đâu được, ở nhà đọc sách, gãy đàn, ta nói về sách, về đàn đi. Biết bao vấn đề! Sao bạn lại thiếu óc tưởng tượng như vậy được?
Sau cùng, bạn nên nhớ:
Dụng ngữ của bạn phải phong phú và thanh nhã. Đừng dùng những tiếng lóng, hoặc thô tục. Phải lựa cho đúng những tĩnh từ, đừng cái gì cũng nói “quá xá”. Đừng mỗi lúc la trời! Trong chương V ở sau, chúng ta sẽ trở lại vấn đề đó.
Trong khi xin việc hoặc nói chuyện về làm ăn, bạn cũng phải nhớ những nguyên tắc ấy. Đừng bắt người ta nghe bạn khen món hàng của bạn, đừng nói rằng bạn muốn xin việc vì người ta chỉ nghĩ tới công việc của người ta thôi, không không muốn nghe người ta kể lể về công việc của bạn đâu. Cho nên bạn phải làm sao cho ông chủ hãng hiểu rằng công việc làm ăn của ông ta sẽ tiến triển thêm, ông sẽ tiết kiệm được chi phí, sẽ kiếm được nhiều lời hơn, nếu để cho bạn hợp tác…
Nhiều nhà doanh nghiệp nói với tôi như vầy: Công việc tốn kém một cách phi lý nhất là công việc kiểm soát. Số người làm việc đứng đắn, đáng tin cậy rất ít. Cho nên có đức tự tín, trông cậy nơi mình và làm ăn đàng hoàng thì tới hãng nào, sở nào, cũng được người ta niềm nở tiếp đón. Đừng để cho người chủ hãng mỗi lần giao việc cho ta phải mất nửa giờ hoặc một giờ kiểm soát lại.
Tóm lại, nghệ thuật đắc nhân tâm không có chi khó: chỉ cần biết tự chế và nghĩ tới người. Có một qui tắc gọi là Hoàng kim qui tắc (Golden rule) mà hết thảy Đông, Tây, cổ, kim đều nhận là: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều ta không muốn, đừng làm cho người). Tiếc rằng bây giờ ít người theo nó.