Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

Giới thiệu: MỘT TÂM TRÍ TÒ MÒ VÀ MỘT CUỐN SÁCH GÂY TÒ MÒ



“Tôi chẳng có tài trí gì đặc biệt.

Tôi chỉ cực kỳ tò mò mà thôi.”

− ALBERT EINSTEIN (1)

Quả là ý tưởng không tồi khi bắt đầu cuốn sách về trí tò mò bằng cách đặt một câu hỏi hiển nhiên rằng:

Có ai giống tôi lại đi viết một cuốn sách về trí tò mò không?

Tôi là nhà sản xuất truyền hình kiêm nhà làm phim. Tôi sống giữa trung tâm giải trí đông đúc nhất thế giới: Hollywood.

Chẳng biết bạn hình dung ra sao về cuộc sống của một nhà làm phim Hollywood, nhưng rất có thể cuộc sống của tôi đúng như những gì bạn tưởng tượng. Chúng tôi làm cùng lúc hơn một chục bộ phim và các chương trình truyền hình, vì thế công việc của tôi là gặp gỡ các diễn viên, nhà biên kịch, đạo diễn và nhạc sĩ. Những cuộc điện thoại – với các đại diện, nhà sản xuất, giám đốc xưởng phim, các ngôi sao – diễn ra trước cả khi tôi đến văn phòng và thường kéo dài cho đến khi tôi lên xe về nhà. Tôi đến các phim trường bằng máy bay, tôi nghiên cứu các đoạn quảng cáo phim mới và tham dự các buổi ra mắt phim.

Tôi luôn bận bịu mỗi ngày, công việc luôn quá tải và đôi lúc gây nản lòng. Tuy nhiên, chúng thường khá vui vẻ. Và không bao giờ gây nhàm chán.

Nhưng tôi không phải là một nhà báo hay giáo sư. Tôi cũng không phải là một nhà khoa học.

Tôi không về nhà mỗi tối và nghiên cứu tâm lý như một sở thích bí mật.

Tôi là một nhà sản xuất Hollywood.

Vậy tôi đang làm gì khi viết một cuốn sách về trí tò mò thế này?

Nếu thiếu đi trí tò mò, sẽ chẳng điều gì có thể xảy ra.

Còn hơn cả trí thông minh, sự kiên trì hay các mối quan hệ, trí tò mò đã giúp tôi sống một cuộc đời như tôi muốn.

Trí tò mò là thứ đưa nguồn năng lượng và sự sáng suốt vào mọi việc tôi làm. Tôi thích công việc làm phim, tôi thích kể những câu chuyện. Nhưng tôi đã thích tò mò rất lâu trước khi thích làm phim.

Đối với tôi, trí tò mò mang lại khả năng cho mọi thứ. Thật vậy, trí tò mò là chìa khóa cho thành công cũng như hạnh phúc của tôi.

Thế nhưng, dù trí tò mò đã mang những giá trị ấy vào cuộc sống và công việc của tôi, nhưng khi nhìn quanh, tôi không thấy mọi người nói về nó, viết về nó, khuyến khích nó và sử dụng nó trong nhiều lĩnh vực nhất có thể.

Trí tò mò đã trở thành phẩm chất có giá trị nhất, nguồn lực quan trọng nhất và động lực trung tâm trong cuộc sống của tôi. Theo tôi, trí tò mò nên trở thành một phần trong văn hóa, hệ thống giáo dục, công sở, giống như các khái niệm “sáng tạo” và “đổi mới”.
Vì lẽ đó, tôi quyết định viết một cuốn sách về trí tò mò. Nó đã (và hiện vẫn) khiến cuộc sống của tôi trở nên tốt đẹp hơn. Nó cũng có thể khiến cuộc sống của các bạn trở nên tốt đẹp hơn như thế.

* * *

Mọi người gọi tôi là nhà sản xuất phim – tôi thậm chí cũng tự gọi mình như thế – nhưng thực tế tôi lại là một người kể chuyện. Vài năm trước, tôi bắt đầu coi trí tò mò là một giá trị mà tôi muốn chia sẻ, một phẩm chất mà tôi muốn khơi gợi ở người khác. Điều tôi thực sự muốn làm là ngồi xuống và kể vài câu chuyện về những gì trí tò mò đã làm được cho bản thân.

Tôi muốn kể những câu chuyện về việc trí tò mò đã giúp tôi làm phim như thế nào. Tôi cũng muốn kể những câu chuyện về việc trí tò mò đã giúp tôi trở thành một vị sếp tốt hơn, một người bạn tốt hơn, một doanh nhân tốt hơn và một vị khách tốt hơn ra sao.
Tôi muốn kể những câu chuyện về niềm vui khôn xiết mà việc khám phá ra trí tò mò không giới hạn đó mang lại. Đó là kiểu niềm vui chúng ta có giống như con trẻ khi học được những điều mới mẻ chỉ bởi vì tò mò. Ta có thể tiếp tục làm việc ấy khi trưởng thành và niềm vui vẫn vẹn nguyên như thế.

Cách tốt nhất để truyền tải những câu chuyện này – để minh họa cho sức mạnh và sự đa dạng của trí tò mò – đó là viết chúng ra.

Tóm lại, đó là tất cả những gì bạn đang nắm giữ trong tay. Tôi đã cộng tác với nhà báo, đồng tác giả của cuốn sách này, Charles Fishman. Trong khoảng hơn tám tháng, với hai đến ba lần trao đổi hằng tuần – chúng tôi đã có khoảng hơn 100 cuộc trò chuyện và lần nào cũng về trí tò mò.

Tôi biết rất rõ về việc trí tò mò giữ vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của mình. Như bạn sẽ thấy trong các chương kế tiếp, từ lâu tôi đã phát hiện ra làm sao để sử dụng trí tò mò một cách có hệ thống nhằm kể những câu chuyện, làm ra những bộ phim hấp dẫn và tìm hiểu về các vùng đất trên thế giới, những nơi cách xa Hollywood. Một trong những việc mà tôi đã làm trong suốt 35 năm qua đó là ngồi xuống và trò chuyện với những người không làm trong ngành giải trí – “những cuộc trò chuyện tò mò” với những người làm việc trong mọi lĩnh vực từ vật lý hạt đến nghi thức ngoại giao.

Nhưng tôi chưa bao giờ tò mò về bản thân trí tò mò. Vì vậy, tôi đã dành hai năm qua để suy nghĩ, đặt câu hỏi và cố gắng hiểu cơ chế hoạt động của nó.

Trong quá trình khám phá và khai mở, phác họa và phân tích kỹ lưỡng về nó, chúng tôi đã phát hiện ra vài điều vô cùng hấp dẫn và đáng kinh ngạc. Có cả một “phổ” trí tò mò giống như phổ màu sắc ánh sáng. Trí tò mò xuất hiện dưới nhiều sắc độ và cường độ khác nhau, cho những mục đích khác nhau.

Phương pháp vẫn tương tự – đặt câu hỏi – dù là chủ đề gì đi nữa, nhưng nhiệm vụ, động lực và nhịp độ khác nhau. Trí tò mò của một cảnh sát đang cố gắng giải quyết một vụ giết người rất khác so với trí tò mò của một kiến trúc sư đang cố gắng để đưa ra một bản thiết kế sàn phù hợp cho một căn hộ gia đình.

Phải thừa nhận rằng kết quả là một cuốn sách có chút bất thường. Chúng tôi kể nó trong vai người thứ nhất, dưới góc nhìn của Brian Grazer, bởi những câu chuyện trọng tâm xuất phát từ cuộc sống và công việc của tôi.
Vì thế, một phần cuốn sách là bức phác họa chân dung của tôi. Nhưng thực tế phần nhiều nó là bức tranh sống động về bản thân trí tò mò.

Trí tò mò đã dẫn lối tôi trên mọi hành trình của cuộc đời. Đặt câu hỏi về chính trí tò mò trong suốt hai năm qua là một việc làm thực sự hấp dẫn.

Và có một điều mà tôi biết về trí tò mò, đó là: Nó rất dân chủ.

Bất cứ ai, ở bất cứ đâu, ở bất kỳ độ tuổi hay nền giáo dục nào đều có thể sử dụng nó. Một điểm cần nhớ về sức mạnh thầm lặng của trí tò mò đó là có những quốc gia trên hành tinh này, nơi bạn có thể phải cẩn thận với bất cứ ai mà bạn hướng trí tò mò của mình đến. Tò mò ở Nga đã được chứng minh là có thể gây thiệt mạng, tò mò ở Trung Quốc có thể khiến bạn vào tù.

Nhưng dù bị cấm đoán, trí tò mò vẫn luôn tồn tại.

Nó luôn hiện hữu, và luôn chờ được bung nở.

Mục đích của cuốn sách này, Hãy tò mò như một đứa trẻ, rất đơn giản: Tôi muốn cho bạn thấy trí tò mò quý giá đến nhường nào, và nhắc bạn rằng nó mang lại sự vui vẻ ra sao. Tôi muốn cho bạn biết tôi đã sử dụng nó thế nào và bạn có thể tận dụng nó ra sao.

Cuộc sống không phải là đi tìm câu trả lời mà là đặt ra các câu hỏi.

– Brian Grazer


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.