Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

Chương IV: TRÍ TÒ MÒ GIỐNG NHƯ MỘT SỨC MẠNH SIÊU NHIÊN



“Trí tò mò sẽ chế ngự nỗi sợ thậm chí còn hơn cả ý chí dũng cảm.” −JAMES STEPHENS 45
Tôi đang ngồi trong một quán rượu ở Ritz-Carlton, thành phố New York, đối diện Công viên Trung tâm, với một người đàn ông có phần tóc mai kiểu sườn cừu từ thời Buren46. Tôi đang ngồi uống với Isaac Asimov, vị tác giả đã giúp mang khoa học và tiểu thuyết khoa học đến với cả một thế hệ người Mỹ.

Đó là năm 1986, bộ phim Splash được công chiếu và mang lại doanh thu khủng, còn tôi đã sử dụng thành công đó để khiến các cuộc trò chuyện tò mò trở nên tham vọng nhất có thể.

Đương nhiên, Isaac Asimov là một huyền thoại. Vào thời điểm chúng tôi gặp nhau, ông đã viết hơn 300 cuốn sách. Đến khi ông mất, vào năm 1992, con số đó đã lên đến 477 cuốn. Các tác phẩm của Asimov quá rõ ràng và dễ tiếp cận – lột tả mọi loại chủ đề phức tạp một cách dễ hiểu – đến mức sự thông minh của ông rất dễ coi nhẹ. Mặc dù không ai từng gọi ông là “Tiến sĩ Asimov”, thế nhưng ông là người có bằng tiến sĩ Hóa học do Đại học Columbia cấp, và trước khi ông có thể kiếm sống nhờ viết lách, ông là một giáo sư Sinh hóa tại trường Y, trực thuộc Đại học Boston.

Phần lớn mọi người biết Asimov là một người kể chuyện và tưởng tượng hão huyền, một người đàn ông có thể quan sát cách mà khoa học và con người tương tác với nhau để rồi tưởng tượng ra tương lai, tác giả của I, Robot và The foundation Trilogy. Nhưng Asimov thực sự viết nhiều cuốn phi tiểu thuyết nhiều hơn là tiểu thuyết. Ông viết 7 cuốn sách về Toán học, 68 cuốn sách về Thiên văn học, một cuốn sách Giáo khoa về Sinh hóa, ông viết các cuốn sách có tựa đề Photosynthesis và The Neutrino: Ghost Particle of the Atom. Ông viết các hướng dẫn văn chương cho Kinh Thánh (2 tập), Shakespeare và Paradise Lost. Ông có một tình yêu đầy tinh quái như một đứa trẻ dành cho những câu chuyện đùa và viết 8 cuốn sách hoặc tuyển tập truyện hài hước, gồm có Lecherous limericks, More Lecherous Limericks vàStill more Lecherous Limericks. Trong mười năm cuối đời, Asimov viết khoảng trên 15 cuốn sách mỗi năm. Ông viết sách nhanh hơn hầu hết mọi người có thể đọc chúng – bao gồm cả tôi.47

Asimov là một nhà thông thái, một người tự học và là một thiên tài. Ông cũng là một người kể chuyện theo bản năng. Ai lại không muốn ngồi với ông trong vòng một giờ chứ?

Isaac Asimov gặp tôi ở Ritz-Carlton với người vợ thứ hai của mình, Janet Jeppon Asimov, một nhà Tâm thần học với các tấm bằng từ Đại học Stanford và New York. Tôi thấy bà đáng sợ hơn ông – Isaac thoải mái còn vợ ông dè chừng. Bà rõ ràng là “sếp” hoặc ít nhất cũng là người bảo vệ của ông.

Cả Isaac và Janet đều gọi bia gừng.

Chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Rõ ràng, cuộc trò chuyện không diễn ra suôn sẻ lắm, mặc dù tôi không nhận ra nó tẻ nhạt đến mức nào. Sau chỉ 10 phút – vợ chồng Asimov thậm chí còn chưa uống hết cốc bia gừng – Janet Asimov đã thất lễ ngắt lời.

“Cậu rõ ràng không biết công việc của chồng tôi đủ rõ để có cuộc nói chuyện này,” bà vừa nói vừa đứng lên khỏi bàn. “Thật phí thời gian của ông ấy. Chúng tôi sẽ đi. Thôi nào, Isaac.”

Và thế là họ đứng dậy và để tôi ngồi một mình ở bàn, vẫn há hốc miệng vì kinh ngạc.

Tôi đã sắp xếp một cuộc hẹn với một trong những người kể chuyện thú vị nhất, sáng tạo nhất và nhiều nhất trong thời đại của chúng tôi nhưng tôi đã khiến ông ấy phát chán (hoặc ít nhất là khiến bà vợ cảnh giác của ông ấy phát chán) vì thế chỉ trong 10 phút, họ không thể chịu được và phải đứng phắt dậy để rời đi.48

Tôi không nghĩ tôi đã từng cảm thấy như thể bị vỗ vào mặt như thế – dù không phải như thế – trong đời.

Vấn đề là thế này: Janet Asimov đã đúng.

Tôi đã mất vài tháng để tiếp cận được họ. Nhưng bà ấy đã bắt thóp tôi. Tôi đã không chuẩn bị đủ để nói chuyện với Isaac Asimov. Ông đã đồng ý dành một giờ để ngồi nói chuyện với tôi – đối với ông ấy, đó là sự hy sinh cả một chương sách – nhưng đổi lại tôi đã không tôn trọng ông. Tôi không dành đủ thời gian để tìm hiểu về ông, hoặc đọc, giả như, I, Robot, từ đầu chí cuối.

Đến buổi gặp đó, tôi rất sợ Isaac Asimov. Tôi đã lo lắng chính xác về việc cuối cùng đã xảy ra: Tôi sợ không biết đủ để có được một cuộc trò chuyện thú vị với Asimov. Nhưng tôi đã không đủ thông minh để đưa nỗi sợ vào trí tò mò.
Tôi không bao giờ mắc những sai lầm đó nữa.

Tôi phải học cách dựa vào trí tò mò theo hai cách thực sự quan trọng: Đầu tiên, tôi sử dụng trí tò mò để đánh bại nỗi sợ.

Tôi có cả đống nỗi sợ khá tầm thường.

Tôi sợ phải nói chuyện trước đám đông.

Tôi không thực sự thích những địa điểm xã hội, nơi mà tôi có thể phải chịu cảnh như bị mắc kẹt ở đó, hoặc là nơi mà tôi có thể cảm thấy không thoải mái như ai đó nghĩ tôi nên thế.

Giờ hãy dành một phút để xem xét danh sách này. Dựa trên nỗi sợ của tôi, tôi chắc đã chọn sai ngành. Nửa cuộc đời – nửa đời làm việc – đã buộc tôi phải đi đâu đó, nói chuyện, tham gia vào các cuộc gặp gỡ xã giao lớn với những người quan trọng mà tôi chỉ biết sơ qua chứ không quen thân.

Do đó tôi có chút sợ những người quyền lực và bị dọa dẫm bởi những người tài trí – chính xác là kiểu người mà tôi muốn có các cuộc trò chuyện tò mò – và có vẻ như là tôi đã tạo ra một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo để khiến tôi hồi hộp ngay từ giây phút tỉnh giấc mỗi sáng.

Ngoài việc sử dụng trí tò mò để loại bỏ nỗi sợ hãi, tôi sử dụng trí tò mò để truyền sự tự tin – vào các ý tưởng, quyết định, tầm nhìn và chính bản thân. Hollywood, như tôi đề cập, là mảnh đất của những câu nói “Không”. Thay vì đánh vần to từ H- O-L-L-Y-W- O-O- D trên tấm biển nổi tiếng ở Hollywood Hills, họ có thể đánh vần to từ: N-O-N-O-N-O-N-O!
Gần đây, một nhà làm phim nhiệt huyết đã đến văn phòng tôi và đã nói rằng: “Ôi cậu thật thú vị. Không ai từng nói không với cậu.”

Thật ngớ ngẩn. Mọi người đều nói “Không” với tôi. Mọi người vẫn nói “Không” với tôi. Nó chỉ trái với vẻ ngoài mà thôi.

Chắc chắn mọi người thích tôi. Mọi người nói “Đồng ý” gặp tôi.

Mọi người nói: “Mời cậu đến ăn tối.” Thi thoảng họ nói: “Hãy tham gia chuyến đi thú vị này với tôi” – và đó là lời tâng bốc.

Nhưng nếu tôi muốn làm gì đó sáng tạo, nếu tôi muốn làm gì đó gây sốc – ví dụ, một loạt chương trình truyền hình về một đao phủ thời trung cổ mà tôi đã hỗ trợ tiến hành vào năm 2014, hoặc một bộ phim về ảnh hưởng của James Brown đến lĩnh vực âm nhạc tại Mỹ, được ra mắt vào mùa hè năm 2014 đã bị mọi người nói “Không”. Những lúc như thế, họ chỉ mỉm cười và vòng tay qua vai tôi khi làm vậy.

Bạn phải học cách đánh bại câu nói “Không”.

Ai ở Hollywood cũng phải đánh bại câu nói “Không” – và nếu bạn là lập trình viên ở thung lũng Silicon, hoặc nếu bạn là nhà thiết kế xe ô tô ở Detroit, hay nếu bạn tìm cách gây quỹ ở Lower Manhattan, bạn cũng phải học đánh bại câu nói “Không”.

Một vài người ở đây dùng cách quyến rũ để đánh bại câu nói “Không”.

Một vài người ở đây dùng cách phỉnh phờ, một số người dùng cách cãi lý, một số người than van.

Nếu cần sự hỗ trợ trong một dự án, tôi không muốn than van, quyến rũ hay lôi kéo bất cứ ai vào. Tôi muốn họ có chung sự cảm thông và cam kết mà tôi cảm nhận được. Tôi không muốn lôi kéo ai đó, đi ngược lại đánh giá của họ. Tôi muốn họ nhìn thấy ý tưởng, xem bộ phim và các nhân vật với sự hứng khởi, đưa họ vượt qua những giai đoạn khó khăn của bất cứ dự án nào.

Tôi sử dụng trí tò mò để đánh bại câu nói “Không”, tôi sử dụng trí tò mò để tìm ra cách có được câu trả lời “Có”. Nhưng không phải như tưởng tượng của bạn.

* * *

Tôi không trở thành một nhà sản xuất chính thức với bộ phim đầu tiên mà Ron Howard và tôi thực hiện – Night Shift. Bộ phim rất hay, gợi tình và dễ giải thích. Bạn có thể ngay lập tức thấy các điểm hài hước. Thực tế, Night Shift dựa trên một câu chuyện có thật mà tôi đọc ở bìa sau của tờ New York Times vào mùa hè năm 1976.49

Bộ phim thứ hai mà tôi và Ron làm cùng nhau, Splash, đã dạy cho tôi biết một nhà sản xuất thực sự làm gì ở Hollywood. Công việc của họ là đưa ra ý tưởng về câu chuyện và tìm kiếm nguồn tiền, cũng như chọn lọc diễn viên để làm bộ phim và bảo vệ chất lượng của bộ phim khi nó được công chiếu. Nhưng đầu tiên và quan trọng nhất, công việc của một nhà sản xuất là làm được bộ phim.
Bộ phận nòng cốt của Spash, thứ mà tôi gọi là “điểm bốc cháy” của câu chuyện, rất đơn giản:

Chuyện gì xảy ra khi một nàng tiên cá rời đại dương để lên mặt đất?

Ấn tượng của nàng là gì, cuộc sống của nàng sẽ ra sao? Chuyện gì xảy ra nếu tôi tình cờ gặp nàng tiên cá đó? Cần gì để chiếm được tình cảm của nàng – nàng sẽ phải từ bỏ điều gì? Người con trai yêu nàng phải từ bỏ điều gì?
Tôi tự viết kịch bản đầu tiên cho Splash (ban đầu tôi gọi nó là Wet).

Ý tưởng về nàng tiên cá xuất hiện trước cả ý tưởng Night Shift, khi tôi đang là một nhà sản xuất phim truyền hình và loạt chương trình truyền hình nhỏ (giống như Zuma Beach và loạt chương trình truyền hình Ten Commandments). Tôi đã làm theo lời khuyên của Lew Wasserman, nghĩ ra các ý tưởng, thứ mà tôi có thể sở hữu, dùng cây bút chì để viết vào cuốn sổ tay. Tôi cũng giống như bất kỳ chàng trai 28 tuổi nào trong lĩnh vực điện ảnh ở LA thập niên 1970: Tôi bị những phụ nữ California mê hoặc. Tôi luôn cố gắng để hiểu họ. Không có sự khác biệt gì nhiều giữa những cô nàng diện những mảnh bikini với một nàng tiên cá trên bãi biển.

Ngoại trừ điều này: Không ai muốn làm một bộ phim về một nàng tiên cá.

Không hãng nào có hứng thú. Không đạo diễn nào có hứng thú.

Mọi người đều nói không.

Ngay cả Ron Howard cũng không muốn làm đạo diễn cho một bộ phim về nàng tiên cá. Anh ấy đã từ chối hơn một lần.

Hollywood về cơ bản là một nơi không thích rủi ro – tất cả chúng tôi đều tìm kiếm điều chắc chắn. Đó là lý do tại sao chúng tôi có những bộ phim với bốn hoặc thậm chí là sáu phần.

Có vẻ không ai hiểu một bộ phim về một nàng tiên cá. Bộ phim về nàng tiên cá thành công trước đó ở đâu?

Cuối cùng có hai điều xảy ra.

Đầu tiên tôi nghe được câu trả lời “Không”. Có thông tin chống lại mà tôi phải tò mò.

Tôi sẽ nói: “Đó là bộ phim về một nàng tiên cá lên cạn. Nàng gặp một chàng trai. Đó là một kiểu tưởng tượng, anh chị biết mà?” Họ sẽ không mua nó.

Tôi cần biết mọi người từ chối cái gì. Họ nói “Không” với một vở hài kịch? Họ nói “Không” với một bộ phim tưởng tượng về một nàng tiên cá? Họ nói “Không” với tôi – với Brian Grazer?

Hóa ra lần đầu tiên tôi viết và giới thiệu Splash quá nhiều xét từ quan điểm về nàng tiên cá. Tôi nghĩ các nàng tiên cá thực sự hấp dẫn, thực sự quyến rũ (và tôi đang ở một công ty tốt – hãy xem, ví dụ như The Little Mermaid (Nàng tiên cá) huyền thoại của Hans Christian Andersen). Các giám đốc điều hành của các hãng ở Hollywood có vẻ bối rối. Họ đang nói “Không” với một nàng tiên cá.

Vì thế tôi nghĩ, thôi được rồi, đây không phải là một bộ phim về nàng tiên cá – đó là một câu chuyện tình yêu. Đó là một vở hài kịch lãng mạn với nàng tiên cá giống như một cô gái. Tôi tái ngữ cảnh hóa bộ phim. Bình cũ, rượu mới. Tôi bắt đầu giới thiệu một bộ phim với câu chuyện tình yêu giữa một chàng trai và một nàng tiên cá, pha chút hài hước trong đó.

Câu trả lời vẫn là “Không”, nhưng có chút bớt dứt khoát hơn. Bạn có thể thấy rằng ít nhất các nhà điều hành cũng bị kích thích bởi ý tưởng về một câu chuyện tình yêu liên quan đến một nàng tiên cá.
Anthea Sylbert, người chuyên mua các bộ phim cho United Artists, là một trong những người được tôi giới thiệu Splash, nhiều hơn một lần.

“Tôi ném anh ra đằng cửa chính, anh lần vào lối cửa sổ,” một hôm đã tức giận nói với tôi như vậy. “Tôi ném anh ra đằng cửa sổ, anh lần vào bằng lối ống khói. Câu trả lời là Không. Tôi không muốn có bộ phim nàng tiên cá này!”

Tôi tự biến mình thành một loài gây hại. Nhưng như Anthea Sylbert nói với tôi gần đây: “Anh là loài gây hại nhưng không giống như loài muỗi. Giống một cậu bé 5 tuổi quá khích hơn. Một thằng bé tinh quái. Tôi muốn bảo anh đi vào xó kia và ngồi đó trong im lặng.”
Mặc dù nói “Không”, thế nhưng Anthea cũng bị hấp dẫn bởi nàng tiên cá. “Tôi luôn là người thiếu kinh nghiệm đối với lĩnh vực thần thoại, truyện ngụ ngôn hoặc các kiểu truyện cổ tích,” bà nói. Thực tế, không quá khó để biến một bộ phim về nàng tiên cá thành một bộ phim tình yêu giữa nàng tiên cá và con người, từ đó thành một câu chuyện cổ tích về tình yêu giữa người và tiên cá.

Anthea lấy của tôi ít tiền cho việc tinh sửa kịch bản, giúp thuê tiểu thuyết gia và nhà biên kịch Bruce Jay Friedman sửa lại kịch bản ban đầu của tôi.

Và tôi cũng có chút tò mò về Anthea. Bà ấy muốn có những quy tắc đối với nàng tiên cá.

Tôi không biết bà ấy đang nói về vấn đề gì. “Tại sao chúng ta lại cần các quy tắc,” tôi hỏi.

Bà muốn rõ ràng về việc nàng tiên cá ứng xử như thế nào dưới biển, và trên bờ (ví dụ, chuyện gì xảy ra với cái đuôi?) Bà muốn khán giả đi theo các quy tắc.

“Tại sao?” tôi hỏi lần nữa.

Bà nghĩ nó sẽ bổ sung thêm cả sự hài hước lẫn nhân tố cổ tích.

Sau đó, đột nhiên, một bộ phim nàng tiên cá thứ hai xuất hiện – bộ phim này được viết bởi nhà biên kịch huyền thoại Robert Towne (Chinatown, Shampoo), được đạo diễn bởi Herbert Ross (Goodbye, Mr. Chips; The Turning Point), và được các ngôi sao Warren Beatty và Jessica Lange thủ vai chính.

Một bộ phim về nàng tiên cá hoàn toàn không có vẻ hấp dẫn với Hollywood.

Hai bộ phim về tiên cá chẳng khác nào chỉ là một bộ phim lê thê về nàng tiên cá – và Hollywood sẽ đứng về phía bộ phim với nhà biên kịch đoạt giải Oscar và một đạo diễn được đề cử giải Oscar. Đặc biệt về cái bắt tay giữa Grazer và Howard – chúng tôi chính xác bổ sung thêm một bộ phim làm cùng nhau vào bộ sưu tập.

Tôi trông thư thái, tôi mặc thoải mái và tôi cố gắng hành động ung dung. Nhưng thực tế tôi không hề thư thái chút nào. Tôi là người đã nghe lén hai người khác nói chuyện về một công việc qua cửa sổ và 24 giờ sau tôi có được công việc đó. Tôi có thể đánh dấu vài người tôi làm việc cho trong vòng sáu tháng đến một năm để sắp xếp các cuộc trò chuyện tò mò: Lew Wasserman, Daryl Gates, Carl Sagan, Edward Teller, John Salk.

Vì thế những gì xảy ra trước tiên là hàng tá người nói với tôi rằng không ai hứng thú với các nàng tiên cá, không ai sản xuất một bộ phim về nàng tiên cá. Sau đó, mọi người nói: “Ôi, tôi xin lỗi, chúng tôi muốn làm bộ phim về nàng tiên cá nhưng đã có một bộ phim về nàng tiên cá rồi – họ đã để Jessica Lange vào vai nàng tiên cá! Tuyệt chứ! Chúng tôi không muốn đối đầu với bộ phim đó. Cảm ơn vì dừng ở đó.”

Xin lỗi, tôi đã không để Herbert Ross và Robert Towne làm bộ phim về nàng tiên cá của tôi.

Ron và tôi cuối cùng đã có được thỏa thuận với Disney để Splash trở thành bộ phim đầu tiên do bộ phận mới của họ, Touchstone, vốn được thành lập nhằm mục đích để Disney được tự do làm các bộ phim người lớn. Ron không chỉ ký kết, anh ấy còn nói với Touchstone rằng anh ấy sẽ làm một bộ phim với kinh phí eo hẹp và hứa sẽ đánh bại nàng tiên cá của Herbert Ross ở phòng vé.

Splash thành công rực rỡ. Nó đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé trong hai tuần đầu tiên công chiếu, nằm trong top 10 trong 11 tuần và là một phim tạo doanh thu nhanh nhất trong lịch sử làm phim của Disney thời bấy giờ. Splash cũng là bộ phim Disney đầu tiên không được phân loại mức G50. Chúng tôi đã mang đến cho Disney một kết quả phân loại PG51 – lần đầu tiên.

Chúng tôi không chỉ đánh bại bộ phim nàng tiên cá còn lại, nó không bao giờ được thực hiện. Và Splash không chỉ mang về doanh thu mà còn mang lại sự nghiệp cho Tom Hanks và Daryl Hannah. Mọi người ở Hollywood đi từ việc có phần hoài nghi về Ron Howard ở cương vị một đạo diễn đến việc từ chối những người khác để thuê anh ấy.

Và có lẽ trong khoảnh khắc ngọt ngào nhất, dựa trên số lần mà tôi nghe từ “Không” khi cố gắng làm bộ phim này, kịch bản Splash được đề cử một giải Academy cho hạng mục kịch bản phim hay nhất. Năm đó, Places in the Heart, bộ phim về cuộc Đại Suy thoái do Sally Field thủ vai chính đã giành được chiến thắng. Nhưng Ron và tôi đã đến lễ trao giải Academy lần đầu tiên.

Buổi tối công chiếu Splash, vào ngày 9 tháng 3 năm 1984, Ron Howard và tôi đã thuê một chiếc xe limousine và lái lòng vòng cùng các bà vợ, ngắm những hàng người ở các rạp chiếu phim tại LA. Đó là truyền thống mà chúng tôi đã bắt đầu với Night Shift, nhưng những dòng người này có chút đáng thất vọng. Splash lại là một câu chuyện khác.52

Ở Westwood, có một rạp chiếu phim có tên là Westwood Avco, ngay ở Wilshire Boulevard. Vào ngày khởi chiếu E.T của Spielberg vào năm 1983, chúng tôi đã nhìn thấy những dòng người xếp hàng vòng quanh tòa nhà. Khi chúng tôi lái xe đến đó vào đêm công chiếu Splash, dòng người cũng xếp hàng vòng quanh tòa nhà. Không dài như thời E.T thế nhưng cũng vẫn rất ấn tượng. Mọi người đang xếp hàng để xem bộ phim về nàng tiên cá của chúng tôi. Nó rất hấp dẫn. Chúng tôi nhảy ra khỏi xe và đi từ đầu hàng đến cuối hàng, nói chuyện với mọi người và ôm nhau.

Sau đó, chúng tôi trở lại xe và bắt đầu một truyền thống khác: chúng tôi lái xe đến In-N -Out Burger, quầy ăn phục vụ khách trên ô tô nổi tiếng ở Nam California, và ăn bánh kẹp với một chai Bordeaux Pháp ngon tuyệt mà tôi đã vui vẻ nhét vào chiếc limo.

Chúng tôi mất bảy năm để có thể đưa Splash từ ý tưởng thai nghén đến phòng vé Westwood Avco. Tôi không chỉ cần một ý tưởng mà tôi cảm thấy có hứng thú – một ý tưởng hay. Tôi cần sự kiên trì. Sự quyết tâm.
Trí tò mò và việc kể chuyện củng cố lẫn nhau. Trí tò mò dẫn đến việc kể chuyện và việc kể chuyện kích thích trí tò mò. Trí tò mò và sự kiên trì cũng hoạt động tương tự như vậy.

Trí tò mò trao thưởng cho sự kiên trì. Nếu bạn cảm thấy chán nản khi không thể tìm được câu trả lời ngay lập tức cho một câu hỏi, nếu bạn từ bỏ ngay khi nhận được câu trả lời “Không” đầu tiên, thì trí tò mò của bạn đang không hiệu quả. Đối với tôi, đó là một trong những bài học khi làm việc với Anthea Sylbert – sự kiên trì đã giúp tôi tiếp tục nỗ lực, trí tò mò giúp tôi tìm ra cách thay đổi bộ phim nàng tiên cá từng chút một để những người khác hiểu và đánh giá cao nó. Không có gì vô tác dụng và kém hiệu quả hơn là trí tò mò không đâu. Sự kiên trì là thứ mang trí tò mò đến với một cách giải quyết có giá trị nào đó.

Tương tự như vậy, sự kiên trì mà không có trí tò mò có nghĩa là bạn theo đuổi một mục tiêu không đáng nỗ lực – hoặc bạn theo đuổi một mục tiêu mà không điều chỉnh khi bạn biết được thông tin mới. Cuối cùng bạn lạc lối. Sự kiên trì là động lực thúc đẩy bạn tiến lên phía trước. Trí tò mò cung cấp đường đi nước bước.

Trí tò mò có thể giúp khơi ra một ý tưởng tuyệt vời và giúp bạn tinh chỉnh nó.

Sự quyết tâm có thể giúp bạn đưa ý tưởng đó lên một tầm cao mới khi đối mặt với sự hoài nghi từ những người khác.

Khi sánh đôi cùng nhau, chúng có thể truyền cho bạn sự tự tin để tiến về thứ gì đó thông minh.

Và sự tự tin là nền tảng cho ước mơ của bạn.

Đặt câu hỏi là chìa khóa – để giúp chính bạn, tinh chỉnh ý tưởng của mình và thuyết phục người khác. Điều đó thậm chí đúng ngay cả khi bạn nghĩ bạn biết mình đang làm gì và đang hướng đến đâu.
Tôi có cơ hội chuyển thể một trong những cuốn sách của tiến sĩ Seuss thành phim. Tôi giành được bản quyền tác phẩm How the Grinch stole Christmas! từ vợ của tiến sĩ Seuss, Audrey Geisel, sau hai năm cạnh tranh với các nhà làm phim giỏi khác, những người cũng muốn có cơ hội đạt được bản quyền, gồm John Hughes (Ferris Bueller’s Day off, Home Alone), Tom Sadyac (đạo diễn bộ phim Liar Liar của chúng tôi) và anh em nhà Farrelly (There’s something about Mary).

Thực tế, How the Grinch stole Christmas! là cuốn sách đầu tiên của Seuss được Audrey cho phép chuyển thể thành một bộ phim chính thức. Audrey Geisel có chút giống với vợ của Isaac Asimov, thực tế: bà là một người bảo vệ mạnh mẽ di chúc của chồng mình, người qua đời năm 1991. Biển số xe California của bà khi mà chúng tôi làm việc cùng có một từ duy nhất: GRINCH (KẺ PHÁ ĐÁM). (Theodor Geisel cũng có biển số xe GRINCH trong suốt những năm cuối đời.)53

Tôi thuyết phục Jim Carrey đóng vai kẻ phá đám và thuyết phục Ron Howard làm đạo diễn.

Audrey Geisel đề nghị được gặp và nói chuyện với cả hai người họ trước.

Khi tôi đảm nhận một dự án như chuyển thể tác phẩm How the Grinch stole Christmas!thành phim, tôi cảm thấy có trách nhiệm thực sự. Cuốn sách lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1957 và nó đã trở thành một phần tuổi thơ của mọi trẻ em Mỹ sinh ra vào thời kỳ đó.
Tôi có cảm giác quen thuộc với câu chuyện, các nhân vật, nghệ thuật của Grinch như bất cứ người 50 tuổi nào khác trên đất Mỹ. Từ bé, tôi đã được người lớn đọc cho nghe và tôi cũng đọc nó cho chính các con của mình.

Nhưng khi chúng tôi bắt tay vào viết kịch bản, tạo ra Whoville và chuyển thể tinh thần của cuốn sách thành phim, tôi đã luôn đặt ra hàng loạt các câu hỏi trong đầu – các câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho chính mình, cho Ron và Jim cũng như các nhà biên kịch Jeff Price và Peter Seaman, hết lần này đến lần khác trong suốt quá trình làm phim.

Chúng tôi đã có được bản quyền; giờ các câu hỏi quan trọng nhất là: Chính xác thì câu chuyện này là gì? Kiểu câu chuyện này là gì?

Một một phim hài bằng lời?

Một bộ phim hài kịch hình thể?

Một bức tranh hành động?

Một giai thoại?

Câu trả lời cho mỗi câu hỏi này là “Đúng vậy”. Đó là những gì khiến nó trở thành một thử thách và một trách nhiệm. Khi tập trung vào hài kịch hình thể, bạn không thể quên rằng mình cũng là người neo giữ một giai thoại. Khi tập trung vào hành động, bạn không thể quên niềm vui và sự hài hước của câu chuyện đến từ ngôn ngữ gốc của tiến sĩ Seuss, cũng như từ bất cứ thứ gì mà ông vẽ ra hoặc chúng tôi thiết kế.

Đặt câu hỏi cho phép bạn hiểu những người khác đang nghĩ gì về ý tưởng của bạn. Nếu Ron Howard nghĩ Grinch là một bức tranh hành động và tôi nghĩ đó là một phim hài bằng lời, thì chúng tôi gặp phải một vấn đề. Cách tìm ra vấn đề đó là đặt câu hỏi. Thường thì các câu hỏi đơn giản nhất là hay nhất.

Grinch là loại phim gì?

Chúng ta đang kể câu chuyện gì?

Cảm giác mà chúng ta đang cố truyền tải là gì, nhất là khi khán giả sẽ đến rạp với những cảm xúc của riêng họ về bộ phim?

Tâm điểm của những gì mà các nhà sản xuất phim giỏi có thể làm cũng vậy.

Bạn luôn muốn tạo ra một bộ phim độc đáo, có đam mê. Với một bộ phim hình tượng nhưGrinch, bạn cũng cần phải luôn nhớ đến các kỳ vọng của khán giả. Mọi người vào rạp để xemHow the Grinch stole Christmas! đã có cảm xúc riêng đối với nội dung của câu chuyện.

Không ai sâu sắc và cương quyết hơn Audrey Geisel. Bà là khán giả khó tính nhất. Chúng tôi mời bà xem bộ phim ở rạp Hitchcock thuộc trụ sở của hãng phim Universal. Chỉ có năm người trong phòng. Audrey ngồi gần hàng đầu. Tôi ngồi cách bà 30 hàng ghế, gần cuối vì quá hồi hộp về phản ứng của bà. Hai biên tập viên và các nhân viên âm thanh ngồi ở các hàng ghế giữa chúng tôi.

Khi bộ phim kết thúc, Audrey bắt đầu vỗ tay. Bà cười tươi rạng rỡ. Bà thích nó. Ngồi trong phòng chiếu lúc ấy, tôi quá vui mừng đến mức nước mắt trào ra vì đã khiến bà hài lòng.

Thậm chí một câu chuyện cổ, một câu chuyện hoàn toàn quen thuộc, cũng không thể thành công nếu thiếu đi trí tò mò cơ bản mà chúng tôi đưa vào Grinch, để mọi người có thể đồng cảm với câu chuyện bạn đang cố gắng kể và cách bạn kể nó.54

Điều đó có vẻ rõ ràng. Nhưng cứ bao lâu một lần bạn tham gia vào một dự án mà khi đi được nửa đường và nhận ra rằng những người liên quan có cách hiểu hơi khác về những gì bạn sắp làm – phải chăng sự khác biệt hóa ra khiến các bạn không thể làm việc hiệu quả với nhau bởi mọi người không thực sự thống nhất về mục đích?

Điều đó xảy ra mỗi ngày – trong phim ảnh, trong marketing, trong kiến trúc và quảng cáo, trong báo chí và chính trị, trong phần còn lại của thế giới. Nó thậm chí xảy ra cả trong thể thao. Không gì gây hiểu nhầm giống như một quả chuyền hỏng trong một trận NFL 55.
Thay vì làm lạc hướng hoặc xao lãng bạn, các câu hỏi có thể giữ bạn đi đúng hướng.

Việc quyết tâm đối đầu với các trở ngại là điều rất cần thiết. Theodor Geisel, Tiến sĩ Seuss, là một ví dụ điển hình cho điều đó. Nhiều trong số 44 cuốn sách của ông vẫn là những tác phẩm bán chạy nhất. Vào năm 2013, Green Eggs and Ham (Trứng xanh, Giăm bông xanh)56 bán được hơn 700.000 bản tại Mỹ (nhiều hơn cả Goodnight Moon); The Cat in the Hatbán được hơn 500.000 bản, Oh, the Places You’ll Go! và One fish two fish red fish blue fishcũng vậy. Thêm năm cuốn sách nữa của tiến sĩ Seuss, mỗi cuốn bán được hơn 250.000 bản. Tám cuốn sách với tổng số lượng bán ra hơn 3,5 triệu bản trong một năm (tám cuốn khác của ông bán được 100.000 bản hoặc hơn) . 11.000 bản sách của tiến sĩ Seuss được bán ra mỗi ngày trong năm, chỉ tính riêng tại Mỹ, 24 năm sau khi ông mất. 600 triệu bản sách của ông đã được bán ra trên toàn thế giới kể từ cuốn sách đầu tiên, And to think that I saw it on Mulberry Street, được xuất bản vào năm 1937. Mulberry Street cũng bị từ chối bởi 27 nhà xuất bản trước khi được

Vanguard Press chấp nhận. Chuyện gì xảy ra nếu như Geisel cho rằng 27 lần từ chối là quá đủ với mình? Hoặc 25 lần chẳng hạn?

Tưởng tượng xem tuổi thơ và thế giới văn hóa đọc sẽ ra sao nếu thiếu vắng tiến sĩ Seuss.57

Tôi có cảm giác như chúng ta bước ra thế giới, chào đời và vào lúc đó, câu trả lời là “Có/Đồng ý”. Và “Có/Đồng ý” xuất hiện ngay sau đó. Thế giới cởi mở với chúng ta. Nhưng ở một điểm nào đó, thế giới bắt đầu nói “Không/Từ chối” và bạn càng bắt đầu thực hành các cách để xử lý các câu trả lời “Không/Từ chối” càng sớm, càng tốt. Hiện giờ tôi nghĩ mình đã miễn nhiễm với những lời từ chối.

Chúng ta đã nói về việc sử dụng trí tò mò khi những người xung quanh nói “Không”. Nhưng thường thì câu trả lời “Không” có thể xuất phát từ trong đầu chúng ta và trí tò mò cũng vẫn có thể là liều thuốc trị được loại “Không” ấy.
Như tôi đã đề cập trong phần trước, khi sợ một thứ gì đó, tôi cố gắng tò mò về nó – tôi cố gắng gạt nỗi sợ sang một bên đủ để bắt đầu đặt câu hỏi. Các câu hỏi nắm giữ hai sứ mệnh: chúng kéo tôi ra khỏi cảm giác sợ hãi và tôi biết được điều gì đó về những lo lắng của mình. Một cách bản năng, tôi nghĩ, chúng ta đều biết điều đó. Nhưng thi thoảng bạn cần tự nhủ rằng cách tốt nhất để loại bỏ nỗi sợ là đối diện với nó, và phải tò mò.

Tôi là một người hay hồi hộp khi nói trước công chúng. Tôi nói hay nhưng không thích cảm giác chuẩn bị nói, tôi thậm chí không thích phát biểu – tôi chỉ thích cảm giác đã phát biểu xong. Phần thú vị là lúc tôi được nói chuyện với mọi người về bài phát biểu sau khi đã hoàn thành xong nó.

Đối với tôi, mỗi lần phát biểu giống như một phép thử. Dưới đây là cách tôi đã sử dụng để kiểm soát sự hồi hộp của mình:

Đầu tiên, tôi không bắt đầu khâu chuẩn bị quá lâu trước khi phát biểu, bởi đối với tôi, việc đó đồng nghĩa rằng tôi bắt đầu mở chiếc hộp lo lắng của mình ra. Nếu tôi bắt đầu viết nội dung bài phát biểu trước hai tuần, thì tôi sẽ lo lắng mỗi ngày trong suốt hai tuần sau đó.

Vì thế tôi chắc chắn rằng mình có đủ thời gian chuẩn bị và bắt đầu tập trung vào việc chuẩn bị bài nói chuyện trước thời gian phát biểu vài ngày.

Tôi làm điều tương tự với Grinch. Tôi đặt ra các câu hỏi:

Bài phát biểu được cho là có nội dung gì?

Phiên bản nội dung tốt nhất của bài phát biểu là gì?

Những người đến sự kiện này kỳ vọng được nghe điều gì?

Họ muốn nghe cái gì, nói chung?

Họ muốn nghe gì từ tôi, nói riêng?

Khán giả là những ai?

Câu trả lời cho mỗi câu hỏi trên giúp tôi tạo ra một bộ khung cho những gì tôi chuẩn bị nói. Và các câu trả lời ngay lập tức nhen nhóm lên các ý tưởng, các điểm chính và các điểm phụ mà tôi muốn viết – những thứ tôi phải luôn theo sát.

Tôi luôn tìm kiếm các câu chuyện để kể – những câu chuyện nắm giữ những điểm mà tôi muốn tạo ra. Xét về việc phát biểu, tôi tìm kiếm các câu chuyện vì hai lý do. Những người thích các câu chuyện – họ không muốn bị rao giảng, họ muốn được giải trí. Và tôi biết các câu chuyện mình đang kể – vì thế ngay cả khi tôi có lạc đề, thì đó cũng là câu chuyện của tôi. Tôi thực sự không thể quên những gì mình định nói. Tôi sẽ không bị chệch ra khỏi mạch câu chuyện.

Cuối cùng, tôi viết ra toàn bộ bài phát biểu trước thời gian thực hiện khoảng một hoặc hai ngày. Và tôi tập nói vài lần.

Việc viết bài phát biểu giúp tôi ghi nhớ nó.

Việc luyện tập cũng giúp tôi ghi nhớ nó – việc luyện tập cho tôi thấy những điểm còn trúc trắc, những điểm mà các luận điểm và câu chuyện không khớp với nhau hoặc những điểm mà tôi không chắc mình nói đùa có phù hợp không. Việc luyện tập cho tôi cơ hội chỉnh sửa – cũng giống như việc bạn dựng phim, biên tập câu chuyện trên tạp chí, bài thuyết trình kinh doanh hoặc một cuốn sách.

Tôi mang theo toàn bộ nội dung bài phát biểu bên mình, tôi đặt nó lên bục phát biểu và đứng cạnh đó để nói. Tôi không đọc nội dung bài phát biểu từ giấy. Tôi để nội dung đó phòng khi cần. Nhưng tôi không thường sử dụng đến nó.
Trí tò mò có cần luyện tập không?

Đương nhiên là có.

Thậm chí nếu bạn sinh ra đã tò mò – cho dù cụm từ này có ý là gì đi nữa đối với bạn – đặt câu hỏi, tiếp nhận các câu trả lời, tìm kiếm theo hướng câu trả lời chỉ cho bạn, tìm ra những câu hỏi khác mà bạn cần trả lời là gì, đều có hiệu quả.
Tôi thực sự nghĩ mình sinh ra đã tò mò, nhưng tôi cũng luyện tập trí tò mò của mình trong mọi tình huống, suốt cả ngày, trong 60 năm qua. Thi thoảng bạn phải nhớ sử dụng trí tò mò – bạn phải nhắc mình sử dụng nó. Nếu ai đó nói “Không” với bạn, việc đó có thể dễ khiến bạn nản lòng. Bạn có thể suy sụp khi bị từ chối, khi không đạt được thứ mà bạn nỗ lực muốn có được, đến mức quên đặt câu hỏi về những gì đang xảy ra. Tại sao mình lại bị từ chối?

Nếu sợ phát biểu trước đám đông, bạn có thể bị xao lãng hoặc chán nản đến mức né tránh thay vì gắn chặt vào nó. Việc này kéo dài sự hồi hộp và không tốt, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến bài phát biểu. Bài phát biểu không tự dưng mà có, và cách kiểm soát sự hồi hộp về bài phát biểu là tập trung vào nó.

Tôi nhận thấy rằng việc sử dụng trí tò mò để kiểm soát câu trả lời “Không” cho dù nó đến từ ai đó hoặc từ chính tâm trí bạn đã dạy tôi vài cách khác có giá trị về việc đương đầu với sự từ chối, về việc nỗ lực hoàn thành mọi thứ.

Tôi nhận được một lời khuyên chí lý từ người bạn vong niên của mình, Herbert A. Allen, một nhân viên ngân hàng đầu tư và là người tạo ra hội thảo công nghệ và truyền thông ấn tượng hằng năm ở Sun Valley, Idaho (gọi tắt là Hội thảo Allen & Co. Sun Valley).

Nhiều năm trước, cậu ấy đã nói với tôi rằng: Xử lý “tiếng gọi” khó khăn nhất trong ngày trước tiên.

“Tiếng gọi” khó khăn nhất trong ngày có thể là ai đó mà bạn sợ sẽ đến và mang theo tin xấu cho bạn. “Tiếng gọi” khó khăn nhất có thể là ai đó bạn phải mang tin xấu đến cho họ. “Tiếng gọi” khó khăn nhất có thể là ai đó mà bạn muốn gặp trực tiếp nhưng lại né tránh bạn.
Và Allen đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ. “Tiếng gọi khó khăn nhất” có thể là một e-mail bạn phải gửi đi, có thể là cuộc nói chuyện bạn cần thực hiện trực tiếp với ai đó trong văn phòng của mình.
Cho dù là gì đi nữa, thì lý do bạn coi đó là “tiếng gọi khó khăn nhất trong ngày” là bởi có gì đó đáng sợ liên quan đến nó. Việc đó có chút không thoải mái theo một cách nào đó – ở cả bản thân cuộc gặp mặt hoặc việc tiếp xúc lẫn kết quả mà nó mang lại. Nhưng Allen muốn nói rằng một nhiệm vụ như thế sẽ không bớt đáng sợ vào buổi trưa hay lúc 16 giờ 30 phút. Mà trái lại, sự hồi hộp ít giá trị ấy do “tiếng gọi khó khăn nhất trong ngày” mang lại sẽ trùm bóng lên cả ngày của bạn. Nó sẽ khiến bạn bị xao lãng, khiến bạn làm việc ít hiệu quả hơn. Nó chắc chắn sẽ khiến bạn ít cởi mở hơn.

“Xử lý tiếng gọi khó khăn nhất trước tiên”, không chỉ nói riêng về trí tò mò hay riêng sự quyết tâm – mà là cả hai. Nó là sự can đảm. Là ý chí. Hãy nắm lấy nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện – cho dù bạn không mong chờ nó đến thế nào đi chăng nữa – và giải quyết nó.
Việc đó làm “quang mây”. Nó khiến phần ngày còn lại của bạn tươi sáng. Thực tế, nó có thể làm mới lịch trình còn lại trong ngày của bạn. Nó trao cho bạn sự tự tin để giải quyết bất cứ việc gì đến tiếp theo – bởi bạn đã thực hiện xong việc khó khăn nhất. Và dù kết quả của “tiếng gọi khó khăn nhất” thường đúng theo ý bạn, nhưng có lúc nó cũng mang lại bất ngờ.

Xét ở khía cạnh bên ngoài, đặt câu hỏi luôn có vẻ như là đang trông chờ nhận được sự phớt lờ. Việc trông chờ nhận được sự phớt lờ làm sao có thể là con đường dẫn đến sự tự tin?

Đó là một trong nhiều tính hai mặt tuyệt vời của trí tò mò.

Trí tò mò giúp bạn xua tan đi sự phớt lờ và hỗn loạn, nó đánh bay sự mập mờ và không chắc chắn, đập tan sự bất đồng.

Trí tò mò mang lại cho bạn sự tự tin. Và sự tự tin trao cho bạn quyết tâm. Và rồi sự tự tin và quyết tâm mang đến cho bạn ước mơ. Đó là cách giúp bạn thoát ra khỏi những lời từ chối, cho dù nó đến từ những người khác hay từ chính bạn.

Nếu bạn trang bị trí tò mò cho những giấc mơ của mình, nó có thể giúp tiếp thêm sức mạnh cho chúng trong suốt hành trình trở thành sự thật.

* * *

Khoảng một thập kỷ trước đây, tạp chí phong cách New York, W, đã tóm tắt tiểu sử về tôi với dòng tít:

Nhân vật có thế lực

Brian Grazer, người sở hữu những bộ phim thu về 10,5 tỉ đô-la rõ ràng là nhà sản xuất thành công nhất tại Hollywood – và chắc chắn là nhà sản xuất dễ nhận diện nhất?

Có phải ở mái tóc không?58

Đương nhiên, ai ở Hollywood cũng biết đến mái tóc của tôi.

Phần còn lại của thế giới – những người thậm chí có thể không biết đến tên tôi nhưng biếtA Beautiful Mind, Arrested Development hoặc The da Vinci Code – cũng có một số người biết đến tóc tôi. “Gã có mái tóc dựng đứng” – đó là mô tả phổ biến về tôi.
Mái tóc là một phần hình ảnh của tôi, một phần con người tôi.

Và mái tóc không phải là tình cờ bởi tôi phải vuốt keo nó thẳng đứng mỗi sáng.

Nhưng mái tóc không phải chỉ là kiểu phong cách. Nó thậm chí cũng không thực sự là vấn đề về gu thẩm mỹ cá nhân.

Sau khi Ron Howard và tôi thực hiện vài bộ phim, tôi dần tạo dựng được danh tiếng đáng kể ở Hollywood. Đương nhiên, nó không là gì so với danh tiếng của Ron – cậu ấy là một ngôi sao, một đạo diễn và là biểu tượng của thời đại. Tôi là một nhà sản xuất và cũng là người mới, đặc biệt là so với Ron.

Nhưng tôi muốn tạo ấn tượng. Hollywood cũng là mảnh đất của phong cách, một thế giới nơi mà diện mạo của bạn rất quan trọng. Nhiều người làm việc ở đây trông cực kỳ ưa nhìn, đó là phong cách của họ. Tôi không được như thế và tôi biết điều đó.

Khi Ron và tôi gây dựng Imagine và điều hành nó vào đầu những năm 1990, đó là thời kỳ mà các nhà sản xuất nam giới ở Hollywood đang tạo dựng hình tượng cá nhân riêng. Có một nhóm các nhà sản xuất trẻ, thành công làm những bộ phim ồn ào, công kích. Bản thân họ cũng ồn ào và hung hăng. Họ là những kẻ hét lác, những người thi thoảng kiểm soát đồng nghiệp của mình bằng cách ném đồ vật và la hét. Và nhiều người trong nhóm này để râu. Những người đàn ông có râu, hung hăng sản xuất ra những bộ phim công kích.

Đó không phải là tôi. Tôi không sản xuất những bộ phim ồn ào. Tôi trông không to lớn và không để râu. Tôi làm việc cho vài người hét lác khi mới chân ướt chân ráo đến Hollywood. Tôi không thích bị người khác hét vào mặt và bản thân tôi cũng không phải là một người hét lác.
Nhưng tôi không muốn mờ nhạt. Tôi thấy mình cần phải định hình bản thân theo một cách khiến tôi được nhớ đến.

Vì thế câu hỏi về phong cách cá nhân – cần mặc gì, trông ra sao – cứ lởn vởn trong tâm trí tôi.

Mọi việc êm xuôi vào một buổi chiều năm 1993, khi tôi đang bơi với con gái, Sage, lúc ấy khoảng 5 tuổi. Khi ngóc đầu lên khỏi mặt nước, tôi luồn những ngón tay vào mái tóc ướt nhẹp của mình, vuốt thẳng đứng chúng lên.

Sage nói: “Trông tuyệt quá bố ạ!”

Tôi nhìn mình trong gương với mái tóc dựng đứng và nghĩ: “Thật sự rất thú vị.”

Vì thế tôi vuốt keo để mái tóc dựng đứng mỗi ngày. Và bắt đầu từ hôm đó.

Mái tóc được mọi người chú ý đến. Nó ngay lập tức tạo ra phản ứng.

Theo tôi, có thể nói 25% số người nghĩ nó đẹp.

Thêm 50% khác tò mò về nó. Tại sao tóc anh lại như thế? Anh làm tóc như thế bằng cách nào?

Một số người đã biết tôi cũng tò mò. Họ nói, Brian, chuyện gì xảy ra với mái tóc của anh thế?

Anh đang nghĩ gì thế? Sao anh lại phải làm thế?

25% số người còn lại – là những người ghét mái tóc của tôi. Mái tóc khiến họ tức giận. Họ nhìn mái tóc của tôi và ngay lập tức cho rằng tôi là kẻ đào tẩu.

Tôi thích như thế. Tôi thực sự thích nhận được những phản ứng khác nhau từ mọi người. Mái tóc kích thích sự tò mò của mọi người về tôi. Ngay sau khi tôi bắt đầu vuốt dựng ngược mái tóc của mình lên, thi thoảng tôi có nghe mọi người nói về nó khi họ nghĩ tôi không thể nghe thấy điều đó.

“Này, Grazer bị sao thế nhỉ? Cậu ta làm quái gì với mái tóc của mình thế?”

Michael Ovitz, một đại diện lớn, một nhà buôn quyền lực của Hollywood, có thời gian phát triển trong ngành này cùng tôi. Anh ấy khuyên tôi. “Đừng để tóc như thế,” Michael nói. “Dân kinh doanh sẽ không coi trọng cậu đâu.”
Một vài người nghĩ tôi ngạo mạn do mái tóc.

Sự thật là đối với tôi, thế giới Hollywood được chia làm hai nhóm – dân kinh doanh và dân nghệ sĩ. Tôi nghĩ kiểu tóc này liệt tôi vào nhóm nghệ sĩ, nơi mà tôi cảm thấy thoải mái hơn.

Sau khi để kiểu tóc dựng ngược trong vài tháng, tôi nghĩ mình nên dừng lại. Có vẻ có quá nhiều người bàn tán về nó.

Nhưng sau đó tôi nhận ra một điều gì đó: Đúng là mái tóc đang kích thích sự tò mò về tôi, nhưng điều thực sự thú vị đó là phản ứng của mọi người với mái tóc cho thấy những gì mà mọi người nghĩ về tôi nhiều hơn là những điều họ khám phá ra ở tôi hay mái tóc của tôi.
Tôi đã coi mái tóc của mình như là một phép thử với thế giới. Tôi có cảm giác như mình đang gợi ra sự thật về việc mọi người cảm thấy thế nào về tôi nhanh hơn nhiều việc phải đợi nó tự “xuất đầu lộ diện”. Vì thế tôi để nguyên mái tóc dựng đứng.

Một mặt, mái tóc làm được điều gì đó cho tôi. Nó cho mọi người biết rằng gã này không giống như vẻ bề ngoài. Anh ta có chút khó đoán. Tôi không phải là gã đơn giản. Tôi có chút khác biệt.

Đó là lý do tại sao mái tóc của tôi lại quan trọng.

Hollywood và ngành điện ảnh thực sự chỉ là một thành phố nhỏ và cũng như trong bất cứ ngành nào, có một hệ thống các quy tắc, thủ tục và truyền thống định sẵn. Để làm được việc, bạn phải tuân theo các quy tắc.

Các bạn nhớ rằng, tất cả những gì tôi làm đó là vuốt keo mái tóc của mình dựng đứng lên, giống như một quân thí mở đường và một số người hoàn toàn phát điên vì nó. Không phải chỉ một vài người – mà cứ bốn người lại có một người như thế.

Mái tóc của tôi chẳng ảnh hưởng gì, dù là nhỏ nhất, đến bất cứ kịch bản, đạo diễn hay tài năng nào, nó không thay đổi hoạt động quảng bá của một bộ phim hay doanh thu tuần mở màn. Nhưng nó khiến nhiều người – trong đó có một vài người quan trọng – thực sự không thoải mái.

Giờ hãy tưởng tượng ra phản ứng khi bạn làm điều gì đó khác biệt trong một lĩnh vực thực sự quan trọng.

Nhưng tôi không muốn làm điều tương tự như mọi người vẫn làm. Tôi thậm chí không muốn làm điều tương tự mà tôi đã làm cách đây 10 hoặc chí ít năm năm.

Tôi muốn sự đa dạng. Tôi muốn kể những câu chuyện mới – hoặc những câu chuyện cũ theo những cách mới – hoặc cả hai bởi việc đó khiến cuộc sống của tôi thú vị và bởi nó khiến việc đến rạp chiếu phim hoặc bật ti vi lên thú vị.
Tôi muốn có cơ hội khác biệt.

Tôi lấy tự tin từ đâu để khác biệt?

Rất nhiều trong đó đến từ trí tò mò. Tôi dành nhiều năm thời trai trẻ để cố gắng hiểu được ngành mà tôi đang làm việc. Tôi dành nhiều thập kỷ để luôn cập nhật xem phần còn lại của thế giới hoạt động ra sao.
Các cuộc nói chuyện tò mò đang mang đến cho tôi cả kho trải nghiệm và tầm nhìn vượt ra khỏi trải nghiệm ban đầu của chính mình.

Nhưng ban đầu các cuộc nói chuyện cũng cho tôi nhiều trải nghiệm trong quá trình phát hiện ra việc thiếu hiểu biết hay sự ngây thơ của chính mình. Tôi thực sự luyện tập là một người hiểu biết có hạn. Tôi sẵn sàng thừa nhận những gì tôi không biết bởi tôi biết đó là cách giúp bản thân trở nên thông minh hơn. Việc đặt ra các câu hỏi có vẻ phơi bày sự ngu dốt của tôi, nhưng thực tế thì ngược lại. Những người đặt câu hỏi, thực sự, hiếm khi bị coi là ngớ ngẩn.

Câu thơ trào phúng mở đầu chương này – “Trí tò mò sẽ chế ngự nỗi sợ thậm chí còn hơn cả ý chí dũng cảm” – được lược trích từ một cuốn sách của nhà thơ Ireland, James Stephens. Câu trích còn dài và đưa ra một điểm trọng tâm:
Trí tò mò sẽ chế ngự nỗi sợ hãi thậm chí còn hơn cả ý chí dũng cảm; thực sự, nó đã dẫn nhiều người đến với hiểm nguy mà sự dũng cảm thể chất đơn thuần rùng mình chào thua, bởi cơn đói, tình yêu và trí tò mò là các lực đẩy mạnh mẽ trong cuộc sống.
Đó là những gì mà trí tò mò đã làm cho tôi và là những gì tôi nghĩ nó có thể làm cho tất cả mọi người. Nó có thể trao cho bạn sự dũng cảm để trở nên phiêu lưu và biết ước mơ. Nó làm điều đó bằng cách khiến bạn thoải mái với sự không thoải mái. Khởi đầu của bất cứ chuyến đi nào luôn có chút khó chịu.

Tôi đã học được cách lướt ván như một người trưởng thành. Tôi đã học vẽ như một người trưởng thành. Tôi học lướt ván giỏi hơn sau khi làm bộ phim Blue Crush, một bộ phim trao quyền cho phụ nữ mà chúng tôi bấm máy ở bờ biển phía Bắc của Oahu. Một vài người trong đoàn phim cũng lướt ván ở đó – lướt trên những con sóng lớn nhất thế giới – và tôi trở nên thích thú với việc những con sóng hoạt động ra sao và chúng trông như thế nào để có thể cưỡi lên. Tôi thích lướt sóng – việc đó cần rất nhiều sự tập trung, nó xua tan hoàn toàn những mối bận tâm về hiện tại. Nó cũng mang lại cảm giác phiêu lưu chưa từng có.

Tôi thích vẽ, cũng nhiều như lướt sóng vậy. Tôi thấy việc vẽ mang lại cảm giác hoàn toàn thư thái. Tôi không phải là một họa sĩ. Tôi thậm chí cũng không phải là một người vẽ giỏi xét theo nghĩa chuyên môn. Nhưng tôi nhận ra rằng nhiều yếu tố quan trọng ở môn vẽ là những gì mà bạn đang cố gắng truyền tải bằng lời, cho dù bạn có nói chuẩn hay không. Tôi không cần phải có kỹ thuật vẽ tốt để có thể tìm được sự độc đáo thực sự ở nó và được nó tiếp năng lượng. Tôi học vẽ sau khi gặp Andy Warhol và Roy Lichtenstein.

Trong cả hai trường hợp, trí tò mò đã đánh bại nỗi sợ của tôi. Tôi được khích lệ làm cả hai việc bởi một vài trong số những người đã làm những việc đó tốt nhất thế giới. Tôi không cố gắng trở thành người lướt ván hoặc họa sĩ đẳng cấp thế giới. Tôi chỉ tò mò nếm trải niềm vui, những cơn rùng mình và sự thỏa mãn mà những người đó có được nhờ làm chủ thứ gì đó vừa khó khăn vừa được trao thưởng lớn mà thôi.

Trí tò mò trao cho bạn sức mạnh. Đó không phải là kiểu sức mạnh có được nhờ la hét hay hung hăng. Đó là kiểu sức mạnh thầm lặng. Đó là sức mạnh tổng hợp. Trí tò mò là loại sức mạnh dành cho những con người thực sự, là loại sức mạnh dành cho những người không có siêu sức mạnh.

Vì thế tôi bảo vệ phần đó trong con người mình – phần không sợ bị cho là ngu dốt. Không biết câu trả lời giúp bạn mở toang cánh cửa ra thế giới, miễn là bạn không cố che giấu những gì bạn không biết. Tôi cố gắng không bao giờ ngượng ngùng về việc không biết.
Và hóa ra, những người ghét mái tóc của tôi lúc đầu đã đúng. Nó có chút thách thức. Mái tóc trông giống như một vấn đề về phong cách cá nhân – nhưng đối với tôi, đó là một cách nhắc mình mỗi ngày rằng tôi đang cố gắng trở nên có chút khác biệt, rằng khác biệt chút cũng chẳng sao, rằng khác biệt cần sự dũng cảm, cũng giống như việc vuốt keo tóc thẳng đứng cần sự dũng cảm, nhưng bạn có thể khác biệt theo những cách khiến hầu hết mọi người mỉm cười.

Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên tôi làm là vuốt keo mái tóc của mình. Tôi mất khoảng 10 giây cho việc đó. Tôi không bao giờ bỏ qua bước vuốt keo. Và 20 năm sau lần đầu tiên làm việc đó, nó đã trở thành thương hiệu của tôi – và cách tôi tiếp cận công việc cũng phù hợp với mái tóc. Đó cũng vẫn là một cách tuyệt vời để bắt đầu một câu chuyện và khác biệt.

Vào tháng 2 năm 2001, tôi phải dành bốn ngày ở Cuba với một nhóm bảy người bạn, những người cũng là các giám đốc truyền thông. Nhóm gồm Graydon Carter, biên tập viên của tờ Vanity Fair; Tom Freston, lúc đó là CEO của MTV; Bill Roedy, tổng giám đốc của MTV; nhà sản xuất Brad Grey; Jim Wiatt, lúc đó là giám đốc của hãng tài năng William Morris và Les Moonves, tổng giám đốc của CBS.59

Trong lịch trình của chuyến đi, chúng tôi sẽ dùng bữa trưa với Fidel Castro. Castro mặc bộ quân phục kaki quen thuộc và ông nói chuyện với chúng tôi thông qua một phiên dịch viên trong vòng ba tiếng rưỡi. Đó là bài phát biểu quen thuộc của Castro, phần lớn về lý do tại sao Cuba thì đáng ngạc nhiên còn Mỹ lại bị kết tội.

Khi ngưng lời, ông nhìn tôi – tôi không phải là người nổi bật nhất trong nhóm – và thông qua phiên dịch viên, ông chỉ hỏi đúng một câu: “Tóc anh dựng ngược như thế bằng cách nào vậy?” Mọi người đều cười.
Thậm chí, cả Castro cũng thích mái tóc của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.