Hãy Tò Mò Như Một Đứa Trẻ

Phụ lục: CÁCH THỨC ĐỂ CÓ MỘT CUỘC TRÒ CHUYỆN TÒ MÒ



Trong suốt cuốn sách Hãy tò mò như một đứa trẻ, chúng tôi đã nói về cách sử dụng các câu hỏi, cách sử dụng trí tò mò, để khiến cuộc sống hằng ngày của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng có thể bạn cũng muốn thử những gì tôi đã làm: Có thể bạn muốn có vài cuộc trò chuyện tò mò, ngồi với vài người thú vị, những người cố gắng hiểu cách họ nhìn nhận thế giới khác biệt hơn so với bạn.

Các cuộc trò chuyện tò mò có thể giúp bạn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng có thể mang lại cho bạn những giá trị như chúng đã mang lại cho tôi – chúng có thể giúp bạn bước ra khỏi thế giới của mình, chúng có thể mở rộng tầm nhìn của bạn, chúng có thể giúp bạn có được những trải nghiệm mà bạn chưa từng có.
Các cuộc nói chuyện dành cho người mới bắt đầu
Mỗi người đều có phong cách riêng, nhưng tôi khuyên bạn nên bắt đầu với những gì gần gũi. Thực sự đó là những gì tôi đã làm. Hãy nghĩ về vòng tròn hiện tại của bạn gồm người thân, bạn bè, người quen, các đồng nghiệp có liên quan trực tiếp trong công việc. Có thể có vài người với những công việc hấp dẫn hoặc trải nghiệm khác biệt – về giáo dục, về nền tảng gia đình, văn hóa, hoặc những người làm việc trong lĩnh vực của bạn nhưng có những sở trường khác.

Đó là một điểm khởi đầu tuyệt vời, một nơi tuyệt vời để biết một cuộc trò chuyện tò mò diễn ra như thế nào. Hãy chọn ai đó, hỏi xem liệu họ có thể sắp xếp một cuộc hẹn để nói chuyện với bạn trong 20 phút hoặc hơn không – và nói rõ những gì bạn muốn nói.

“Tôi luôn tò mò về công việc của anh, tôi đang cố hiểu thêm về lĩnh vực đó, tôi băn khoăn liệu anh có sẵn lòng dành 20 phút để nói chuyện với tôi về những gì anh làm, những thử thách và sự hài lòng của anh về nó không.”
Hoặc…

“Tôi luôn tò mò về công việc của anh như là… và tôi băn khoăn liệu anh có thể dành 20 phút để nói chuyện với tôi về mối duyên của anh với nghề – những bước ngoặt chính trong sự nghiệp mà anh đã trải qua không.”

Dưới đây là vài mẹo cần dùng khi ai đó đồng ý nói chuyện với bạn – cho dù họ là thành viên gia đình, một người quen hay một người bạn của bạn mình:

– Nói rõ rằng bạn muốn nghe câu chuyện của họ. Bạn không tìm kiếm một công việc, không tìm kiếm lời khuyên cho hoàn cảnh của mình hoặc bất cứ thử thách nào bạn đang phải đối mặt. Bạn tò mò về họ.
– Thậm chí nếu bạn biết rõ người nói chuyện với mình, hãy tỏ ra tôn trọng họ – hãy coi đây là một dịp trang trọng, bởi bạn muốn nói về những thứ mà bạn không thường biết; mặc đẹp; đến đúng giờ; tôn trọng thời gian của họ thậm chí ngay khi bạn ngồi xuống để bắt đầu.

Suy nghĩ trước về những gì bạn hy vọng có được từ cuộc trò chuyện, và nghĩ về hàng loạt các câu hỏi mở dành cho người đó liên quan đến những gì bạn hứng thú nhất: “Thành công đầu tiên trong công việc của anh là gì?” “Tại sao anh quyết định làm… (dù công việc của họ là gì)?” “Hãy kể tôi nghe vài thử thách lớn mà anh phải vượt qua.” “Ngạc nhiên lớn nhất anh từng gặp phải là gì?” “Bằng cách nào mà anh lại sống… (trong thành phố đó?)” “Phần nào trong công việc của anh mà những người ngoài không coi trọng?”

– Đừng trở thành nô lệ của những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị. Hãy đứng ở hướng ngược lại: Lắng nghe chăm chú và trở thành người biết nói chuyện. Coi trọng người bạn đang nói chuyện bằng cách nói và hỏi những câu hỏi mở rộng câu chuyện họ kể hoặc những điểm mà họ đưa ra.
• Đừng chia sẻ câu chuyện hoặc những quan sát của bản thân bạn. Lắng nghe. Đặt câu hỏi. Mục đích là để bạn biết được nhiều nhất có thể về người mà bạn đang nói chuyện trong khoảng thời gian bạn có. Nếu bạn nói liên tục, bạn sẽ không biết được gì về người còn lại.
• Hãy tôn trọng thời gian của người đó, mà không phải cắt bớt thời gian của cuộc nói chuyện. Nếu họ đồng ý cho bạn 20 phút, hãy theo dõi thời gian. Thậm chí nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, khi thời gian cho phép hết, hãy nói một câu đại loại như: “Tôi không muốn làm mất quá nhiều thời gian của anh chị, và đã hết 20 phút” hoặc “Đã hết 20 phút rồi, có lẽ tôi nên để anh chị đi”. Mọi người thường sẽ nói: “Tôi thích nói chuyện với anh, anh có thể nói thêm vài phút nữa.”

• Hãy tỏ ra lịch thiệp. Đừng chỉ nói cảm ơn, hãy dành lời khen ngợi cho cuộc nói chuyện chẳng hạn như: “Nói chuyện với anh chị thật tuyệt!” Và gửi một e-mail ngắn gọn để cảm ơn, có lẽ bạn nên nhắc lại một câu chuyện hoặc một điểm họ đưa ra rằng bạn rất thích đoạn đó hoặc điều đó đã giúp bạn được khai sáng thế nào. Trong e-mail đó của bạn đừng hỏi xin thêm bất cứ điều gì nữa – nó nên được viết sao cho người nhận thậm chí không cần phải phản hồi.
Các cuộc trò chuyện tò mò ngoài lĩnh vực

Các cuộc nói chuyện với những người ngoài vòng tròn thân thiết của bạn hoặc những người lạ sẽ khó hơn nhưng lại có thể hấp dẫn, thậm chí hồi hộp hơn.
Bạn nên tiếp cận ai? Hãy nghĩ về các sở thích của chính bạn – cho dù đó là chơi bóng đá ở trường đại học, vật lý học thiên thể hay nấu ăn thì cộng đồng xung quanh bạn gần như chắc chắn có các chuyên gia ở lĩnh vực đó. Khi bạn đọc báo hoặc xem tin tức, hãy chú ý đến những người gây ấn tượng với bạn. Tìm kiếm các chuyên gia ở trường đại học gần nhà bạn.

Sắp xếp các cuộc trò chuyện tò mò với những người ngoài vòng an toàn của bạn cần sự chuẩn bị và sự thận trọng:

• Đầu tiên, khi đã xác định được người mà bạn muốn nói chuyện trong khoảng 20 phút, hãy cân nhắc xem liệu bạn có thể biết ai đó biết người kia không. Liên hệ với người mà bạn biết, giải thích về người mà bạn muốn nói chuyện cùng và hỏi xem bạn có thể sử dụng tên của người bạn quen không. Một bức thư bắt đầu bằng: “Tôi viết lá thư này với sự gợi ý của… (tên của người bạn quen),” sẽ tạo dựng được sự tín nhiệm ngay lập tức.

• Nếu bạn đang cố gắng gặp ai đó hoàn toàn xa lạ, hãy sử dụng danh tiếng và ấn tượng mạnh mẽ của chính bạn trước. “Tôi là phó giám đốc ở bệnh viện khu vực và tôi rất quan tâm đến vũ trụ học. Tôi băn khoăn liệu anh có sẵn lòng dành 20 phút để nói chuyện với tôi về công việc của chính anh và tình hình của lĩnh vực này không. Tôi biết anh không biết tôi, nhưng tôi viết thư này với sự tò mò rất lớn – tôi không muốn điều gì ngoài cuộc trò chuyện với anh trong vòng 20 phút, tùy theo sự sắp xếp của anh.”

• Bạn có thể nhận được tin phản hồi từ một trợ lý nhằm hỏi thêm thông tin – và một số người có thể thấy yêu cầu của bạn có chút bất thường. Giải thích những gì bạn muốn có được. Làm rõ rằng bạn không đang tìm một công việc, một lời khuyên hay thay đổi sự nghiệp – bạn chỉ đơn giản là cố gắng hiểu thêm chút ít về người đó với những thành tựu thực sự trong một lĩnh vực mà bạn quan tâm mà thôi.

• Nếu bạn nhận được lịch hẹn, hãy chắc chắn rằng bạn đọc những thông tin về người bạn sẽ gặp cũng như lĩnh vực họ đang làm càng nhiều càng tốt. Việc đó giúp bạn có được những câu hỏi hay về sự nghiệp cũng như những đóng góp của họ. Nhưng hãy nhớ rằng cần luôn tỏ ra tôn trọng sự riêng tư của đối phương.

• Hãy chú ý đến những gì người đó nói và cả cách họ nói. Thông thường, có nhiều thông tin có thể nhận được từ giọng điệu, cách kể một câu chuyện hoặc trả lời một câu hỏi, cũng như từ bản thân câu trả lời của họ.

• Những mẹo cho các cuộc nói chuyện dành cho người mới bắt đầu được áp dụng – cùng với chính kinh nghiệm của bạn trong việc thực hiện những cuộc trò chuyện khởi đầu này. Chuẩn bị các câu hỏi trước nhưng để cuộc trò chuyện diễn ra dựa trên những gì bạn biết, tận dụng các câu hỏi trong cuộc trò chuyện – chứ không phải suy nghĩ của chính bạn; tôn trọng thời gian; cảm ơn trực tiếp và bằng e-mail theo sau đó. Nếu một trợ lý giúp bạn sắp xếp một cuộc hẹn, hãy chắc chắn rằng bạn đã gửi lời cảm ơn cả người đó nữa.
Sự tò mò mang đi
Bạn sẽ khám phá ra rằng mọi người thích nói về chính mình – về công việc, thử thách và câu chuyện về cách họ đến được nơi đang ở.
Khó khăn nhất là phần bắt đầu.

Trong một cuộc trò chuyện tò mò chính thức, tôi sẽ khuyên bạn không nên ghi chép – mục đích là để có một cuộc trò chuyện vui vẻ. Việc ghi chép có thể khiến ai đó không thoải mái.

Nhưng khi bạn rời khỏi văn phòng của ai đó, hãy dành vài phút nhớ lại những gì khiến bạn ngạc nhiên nhất; giọng điệu của người đó và tính cách của người đó như thế nào, so với những gì mà bạn đã tưởng tượng; những lựa chọn họ đưa ra khác gì so với các quyết định của bạn trong những tình huống tương tự.

Và các cuộc trò chuyện tò mò không nhất thiết phải diễn ra trong những môi trường nghiêm túc. Bạn gặp mọi người mọi lúc. Người ngồi bên cạnh bạn trên chuyến bay hoặc trong một đám cưới có thể có một câu chuyện hấp dẫn và đến từ một thế giới khác thế giới của bạn – và tất cả những gì bạn làm trong hoàn cảnh đó là quay lại, mỉm cười và giới thiệu bản thân để bắt đầu một câu chuyện. “Xin chào, tôi là Brian, tôi làm việc trong lĩnh vực điện ảnh – anh làm gì thế?”
Hãy nhớ rằng nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu thứ gì đó, bạn nên đặt câu hỏi, lắng nghe các câu trả lời thay vì nói về chính mình.
Các cuộc trò chuyện tò mò 2.0: Các bữa tiệc tò mò

Bạn có thể sử dụng các nguyên tắc trên và mở rộng chúng thành một môi trường hội nhóm bằng cách tổ chức một cuộc gặp mặt. Hãy nghĩ đến hai hoặc ba người bạn hoặc người quen thú vị có công việc hoặc nền tảng học vấn khác nhau.

Mời những người này và đề nghị mỗi người họ mời đến hai đến ba người bạn hoặc người quen thú vị khác. Kết quả là bạn sẽ có một nhóm những người chọn lọc, có liên quan đến nhau (mong là vậy) nhưng lại rất khác nhau.

Bữa tiệc tối có thể diễn ra một cách trang trọng hoặc không như bạn muốn nhưng nó nên diễn ra ở một nơi gần gũi. Sử dụng những gợi ý ở trên để khuyến khích cuộc trò chuyện trong bữa tối và khích lệ mỗi người đi theo sự tò mò của chính mình, đặt câu hỏi, lắng nghe và tìm hiểu về nhau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.