Những điều trường Harvard không dạy bạn

14. Dành riêng cho doanh nhân



Một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong 30 năm qua là việc định nghĩa “Giấc mơ Mỹ”. Việc đi làm vì mục đích tiền bạc và danh vọng đã không còn là mục đích chính nữa. Ngày nay, sự đam mê trong công việc đã trở thành yếu tố hàng đầu, cao hơn cả những phần thưởng hữu hình.

Rất nhiều người luôn cho rằng họ thể cảm thấy hài lòng tuyệt đối về công việc nếu đó là do người khác làm. Nếu được lựa chọn trở thành chủ tịch công ty họ đang làm hay ông chủ doanh nghiệp nhỏ của chính họ, chắc chắn họ sẽ chọn điều sau. Gây dựng một doanh nghiệp đã trở thành giấc mơ lớn của người Mỹ.

Với tư cách là một người đã bắt đầu một doanh nghiệp riêng, tôi có thể xác nhận nó đúng như những gì người ta gán cho nó. Tuy nhiên, John Mack Carter ‒ ông chủ tạp chí Good Housekeeping (Nội trợ giỏi), đã có lần nói với tôi: “99% số người trên thế giới phải làm thuê cho người khác”. Tôi đồng ý với ý kiến này, chính vì vậy mà tôi đặt chương sách này ở phần cuối thay vì phần đầu của cuốn sách.

Việc đầu tiên bạn phải làm là xem xét động lực của mình, bởi vì làm như vậy, bạn sẽ xác định được mình nằm trong nhóm người nào.

Nếu mục đích kinh doanh riêng chỉ vì “ngán ngẩm với cảnh bị sai bảo”, vì muốn được “tự do” hơn, hay vì bị coi thường hoặc đánh giá thấp, thì bạn hãy quên chuyện việc kinh doanh riêng đi. Đó không phải là những lý do để gây dựng một doanh nghiệp riêng, mà chỉ là những lý do để bạn chạy trốn khỏi việc làm hiện tại. Nếu bạn muốn kiếm “thật nhiều tiền” thì cũng không phải là một lý do tốt. Đó là một mục đích tốt và đáng giá, nhưng nếu nó là động cơ chính, thì nó sẽ không đủ giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn.

Trước khi bắt đầu công ty của chúng tôi, tôi là một luật sư của một Văn phòng Pháp chế uy tín ở Cleveland, nhưng tôi biết rằng mình không thể tiếp tục hàng nghề luật. Tôi thích việc đàm phán các hợp đồng, không thích soạn thảo chúng, và một mức lương ổn định không đủ sức giữ chân tôi ở lại văn phòng luật. Tôi cảm thấy bức xúc bởi ý nghĩ mình đang phí phạm thời gian và nghị lực để gây dựng một sự nghiệp không phù hợp. 

Tôi tin rằng ý nghĩ “nếu mình không thử, mình sẽ phải hối tiếc” cũng là một trong những động cơ thúc đẩy hầu hết những người đã gây dựng thành công một doanh nghiệp mới. Khởi sự một doanh nghiệp là phải có sự bảo đảm về tài chính và chuyên môn. Nhưng hơn thế nữa, đó là phải có sự nhiệt huyết từ con tim.

Cách đây năm năm, một người bạn của tôi đã tiến hành gây dựng một doanh nghiệp mới, và đến nay nó đã trở thành một công ty sản xuất quần áo rất thành công. Gần đây, anh ta nói với tôi nếu lúc khởi nghiệp mà anh ta biết trước hai năm đầu như thế nào, anh ta sẽ không bao giờ tiến hành cả.

Chúng tôi không gặp phải những khó khăn như vậy, nhưng tôi có thể hiểu được những gì anh ta nói. Trong quá trình gây dựng một doanh nghiệp, những khó khăn dường như chất chồng và không thể vượt qua nổi. Và những lúc như vậy, chỉ có sự nhiệt huyết từ con tim mới có thể thôi thúc bạn tiến bước.

ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI KHÓ

Gây dựng một doanh nghiệp mới không phải là thời điểm để tự huyễn hoặc bản thân. Tuy nhiên, bạn rất dễ bị cuốn vào mê hồn trận của chính những ghi chú của mình, kế hoạch kinh doanh và quảng cáo công ty bạn, sự mơ mộng của chính những lời nói và con số của mình.

Bạn phải có khả năng “gây dựng doanh nghiệp” rõ ràng và ngắn gọn. Đó là một ý tưởng “khó” hay dễ? Thời điểm ban đầu, sự nguy hiểm chính là mọi việc vẫn chỉ là ảo tưởng và chính những ảo tưởng đó có thể khóa chặt khả năng đặt ra những câu hỏi đúng và đưa ra những câu trả lời then chốt cần thiết.

Những mối quan hệ nào?

Ý tưởng của bạn có mối liên hệ như thế nào tới thị trường, thời gian và khách hàng sử dụng? Nó có lợi thế gì so với các sản phẩm cạnh tranh đã có sẵn.

Rất nhiều doanh nghiệp tư vấn đã bị thất bại vì không đưa ra được những ý tưởng hay. Điều làm tôi ngạc nhiên là người ta luôn cho rằng sẽ có người trả tiền họ vì khả năng chuyên môn của họ trong khi chuyên môn của họ không hề cần thiết và họ chưa từng thành công để có thể thuyết phục được khách hàng tương lai.

Nếu hôm nay tôi gây dựng tập đoàn Quản lý Quốc tế (IMG) cũng giống như cách tôi đã làm 20 năm trước, tôi cũng không dám chắc rằng nó sẽ thành công, và chắc chắn rằng sẽ không thể thành công như hiện nay.

Tại sao không thành công?

Khi gây dựng doanh nghiệp, bạn có thể gặp phải những vướng mắc nào? Bạn có thể vượt qua chúng được hay không, nếu không thì phải làm thế nào để giải quyết chúng?

Hiểu rõ khả năng của mình trong lĩnh vực định gây dựng

Các doanh nghiệp mới có nhiều khả năng thành công nhất là những doanh nghiệp có mối liên hệ với những gì người chủ đã làm trước đó. Trong trường hợp tôi, IMG không hẳn là một doanh nghiệp mới mà chỉ là sự mở rộng những gì tôi đã làm cho văn phòng luật pháp.

Giấc mơ mở một nhà hàng ăn là điều người ta thường nghĩ đến nhất khi tính gây dựng một doanh nghiệp mới nhưng cũng là một dự án có tỉ lệ thất bại cao nhất. 

Nhà hàng là một doanh nghiệp bấp bênh, đòi hỏi sự mua bán hết sức tính toán và phải có đầu óc giỏi tính toán. Ngoài ra, bạn còn phải là người ưa thích và giỏi giao tiếp, sẵn sàng làm việc nhiều giờ.

Vậy mà rất nhiều người nói tới việc mở một nhà hàng vì họ muốn “làm một việc gì khác” và khả năng duy nhất của họ chỉ là nấu nướng giỏi hoặc sành ăn.

Hệ số khả thi là gì?

Một lần chúng tôi nhận được đề nghị đại diện cho một cuộc đua hàng không thế giới trong cùng thời gian với thế vận hội 1984. Vốn đầu tư ban đầu là ba triệu đô-la, và đã được tài trợ một phần. Mọi vấn đề khá đầy đủ, chi tiết và được trình bày cặn kẽ. Điều còn lại duy nhất là muốn điều hành được cuộc đua, cần phải có sự hợp tác của nửa số hãng hàng không trên thế giới và các giấy phép cần thiết để sử dụng không gian.

Thực tế là khả năng thực hiện dự án này rất mù mịt. Một ý tưởng hay với chi phí hợp lý vẫn có thể không mang lại kết quả gì vì không thể thực hiện được. 

BẮT ĐẦU DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ DUY TRÌ SỰ ĐƠN GIẢN

Phần lớn các nhà kinh doanh mới bắt đầu gây dựng sự nghiệp đều quan tâm nhiều đến số tiền họ sẽ kiếm được hơn là làm thế nào để kiếm được tiền. Đặt những mục tiêu thực tế bằng cách sắp xếp các bước hành động thực tế ‒ những hành động kín đáo, mỗi bước hành động đều có mối liên hệ với bước kế tiếp trong một logic nào đó.

Khi chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo, bạn hãy xác định rõ xem mình phải làm gì kế tiếp. Nếu bạn không bước tới giai đoạn tiếp theo từ giai đoạn này chỉ trong vài bước hành động cụ thể.

Tôi luôn tin rằng một doanh nghiệp mới càng cần nhiều tiền để gây dựng bao nhiêu thì càng ít có cơ hội phát triển bấy nhiêu.

Ở một số khía cạnh nào đó, đây là một cái nhìn mang tính cá nhân và có chút thành kiến của riêng tôi vì khi bắt đầu cơ nghiệp của mình, tôi chỉ có chưa đến 1000 đô-la. Trên thực tế là trong một ngành công nghiệp, các nhà tư bản rất thích việc bỏ tiền tài trợ cho các doanh nghiệp mới. Nhưng điều này đã tạo nên một loạt huyền thoại trong giới kinh doanh – đó là có rất nhiều người xếp hàng chờ cơ hội để tài trợ cho bạn và vấn đề là bạn chưa gặp được họ mà thôi.

Tuy nhiên khi gặp họ, có lẽ bạn sẽ thấy họ không nhiệt tình bỏ tiền ra tài trợ như bạn nghĩ, hoặc nếu họ nhiệt tình thì đó là do họ muốn nhận lấy phần lớn doanh thu của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp mới không bao giờ khởi sự được, không phải vì đó là những ý kiến tồi hay thiếu người tài mà là vì thất bại trong việc kêu gọi vốn. Tuy vậy, tôi tin là nhiều doanh nghiệp mới thật sự không cần nhiều vốn tới mức như những nhà gây dựng doanh nghiệp đó nghĩ. Nếu họ sẵn sàng khởi sự ở mức độ nhỏ, chuẩn bị kỹ lưỡng và lường trước mọi tình huống thì họ sẽ có cơ hội thành công hơn.

Tôi không muốn quá nhấn mạnh vào sự quan trọng của việc khởi đầu nhỏ và giữ nó đơn giản. Nhưng thực tế là khi bắt đầu sự nghiệp, tôi cũng vẫn luôn tin rằng mình sẽ không thể làm gì được với số vốn ít hơn một triệu đô-la. Làm sao tôi có thể đại diện cho ba ngôi sao hàng đầu trong ngành thể thao golf mà không có bảy đến tám nhân viên và có văn phòng đại diện ở Anh và Nhật? Thực ra, một triệu đô-la sẽ rất hữu ích cho quá trình khởi nghiệp nhưng cũng không nhất thiết là phải có nó.

Có rất nhiều câu chuyện thành công lớn ở Mỹ đều xuất phát từ sự khởi đầu nhỏ bé. Hãy xác định rõ xem bạn thật sự cần gì khi bắt đầu gây dựng doanh nghiệp.

HÃY LINH HOẠT

Việc nhận thức được mình có khả năng hoạt động trong ngành doanh nghiệp nào rất quan trọng.

Như tôi đã đề cập, các bộ phận mới của công ty chúng tôi được phát sinh nhờ sự linh động của chúng tôi – ví dụ rõ ràng nhất là bộ phận cố vấn tiếp thị của công ty chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng việc chúng tôi bán các dịch vụ của khách hàng cho các công ty khác thực chất là việc chúng tôi tư vấn cho họ các cách sử dụng những khách hàng đó.

CHIA SẺ THÀNH CÔNG CỦA BẠN

Hầu hết các doanh nghiệp mới nào cũng đều quan tâm đến việc có được doanh thu cao hơn chi phí, nhưng thực tế điều này rất khó khăn đối với một doanh nghiệp mới và nhỏ. Hãy cố gắng thuyết phục nhân viên của bạn nhận một mức lương thấp vì triển vọng phát triển của công ty, vì tương lai của chính họ, khi công ty phát triển họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn ở bất cứ nơi nào khác. Tôi nghĩ điều này không có gì là sai trái miễn là bạn phải giữ đúng lời hứa của mình.

Nếu một nhân viên có đóng góp đáng kể cho công ty, họ xứng đáng được hưởng nhiều hơn là sự hài lòng trước một công việc hoàn thành tốt. Trong kinh doanh, thu nhập của một người cũng như bảng thành tích. Dù cho thu nhập của họ đến dưới bất cứ hình thức nào: tăng lương, tiền thưởng hay bổng lộc phụ trội, điều quan trọng vẫn là người ta phải cảm thấy được mình tham gia trực tiếp và được trả thù lao tương xứng với đóng góp của mình cho công ty.

TÍNH GẤP ĐÔI CHI PHÍ BAN ĐẦU

Cách đây nhiều năm, tôi hỏi một người bạn đang gây dựng một doanh nghiệp mới rằng anh ta dự tính tổng chi phí cho năm đầu tiên là bao nhiều. Anh ta nói rằng vào khoảng 75.000 đô-la. Lúc đó, tôi khuyên anh ta nên tăng gấp đôi con số đó.

Khi bắt đầu một doanh nghiệp mới, người ta thường không tính đến các chi phí phát sinh. Điển hình như số chi phí cho bút mực và bút chì cho một văn phòng trong một tháng sẽ không đáng là bao nhưng cho một năm sẽ là một con số lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải có những công việc ở xa và cần chi phí cho các chuyến công tác, tiệc tùng, và việc này cũng cần khá nhiều tiền. Chi phí điện, nước cũng chính là thứ dễ vượt trội. Qua nhiều năm kinh nghiệm, tôi nhận ra rằng nếu bạn tăng gấp đôi số chi phí hoạt động so với con số bạn dự trù ban đầu, thì đó chính là con số chính xác bạn cần để gây dựng một doanh nghiệp.

Gần đây, tôi gặp lại người bạn đó. Anh ta bảo với tôi rằng lúc đó anh ta cảm thấy tôi ăn nói thật kiêu ngạo. Và anh ta thú thật: “Nhưng khi tôi kết toán sổ sách vào cuối năm đầu tiên, tổng số đầu tư ban đầu đúng là 149.000 đô-la”.

Tăng gấp đôi nhưng đừng gấp ba

Hầu hết những người muốn gây dựng một doanh nghiệp mới đều luôn tự nhủ rằng mình cần phải chờ cho đến khi để dành đủ tiền. Đối với những người này, 10 triệu đô-la vẫn chưa phải là con số họ cần.

Khi tính toán kế hoạch kinh doanh, nếu bạn tự vạch ra những con số tối đa cho các cột chi tiêu, thì kế hoạch của bạn có lẽ sẽ không bao giờ đi được đến hiện thực.

THU NHẬP TRƯỚC/ TỔ CHỨC SAU

Tổ chức tốt rất cần thiết cho thành công của doanh nghiệp. Nhưng một công ty hoàn toàn mới đưa ra một kế hoạch năm năm vĩ đại ngay cả trước khi kiếm được đồng đô-la đầu tiên thật hoang đường. Xác định hướng đi là một chuyện, nhưng hoạch định theo kiểu “đặt cái cày trước con trâu” lại là việc hoàn toàn khác.

Giấy quảng cáo kêu gọi tài trợ hoàn toàn trái với thực tế

Tôi sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc nếu tôi không bao giờ phải nhìn thấy một tờ quảng cáo kêu gọi tài trợ. Chỉ có những người viết ra chúng thì mới có thể tin chúng mà thôi.

Phần lớn những tờ quảng cáo kêu gọi tài trợ tôi được đọc hoặc được mời tài trợ đều lộ ra viễn cảnh thời gian sai lầm. Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người không xét đến sự quan trọng của lưu lượng tiền mặt khi hoạch định năm đầu tiên. Nếu thương vụ đầu tiên được thực hiện trong tuần lễ kinh doanh đầu, thu nhập của thương vụ thường chỉ được tính đến sau 90 ngày, và cứ như thế cho đến thương vụ thứ hai, thứ ba. Chình vì thế, số tiền cần thiết cho một doanh nghiệp thật sự gấp nhiều lần so với con số dự tính trên giấy tờ.

Tôi đã gặp rất nhiều ý tưởng kinh doanh mà tôi cho là có giá trị, nhưng lại làm tôi nản vì những con số thu nhập và chi phí dự phòng khiến tôi mất tin tưởng vào những người đã đưa ra đề nghị. Tôi nghi rằng chính những người này cũng không tin tưởng vào doanh nghiệp của mình mà chỉ tìm cách có được nguồn tài trợ cho các chi phí to lớn.

Tôi cũng đã thấy những tờ giới thiệu kêu gọi tài trợ mà trong đó người quản lý đã tự trả lương cho mình cao hơn những gì ông ta làm ra. Tôi nghĩ rằng đề nghị một người nào đó tài trợ hai triệu đô-la cho công ty thì người quản lý có thể tự tăng lương thêm 50.000 đô-la. Tôi biết chắc chắn tôi không phải là người sẽ trao số đó cho anh ta.

HOẠT ĐỘNG VÀ THÀNH QUẢ

Làm việc cho chính mình là cách tốt nhất để có được sự trả công xứng đáng với giá trị của mình. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là bạn phải biết cách sử dụng thời gian của chính mình.

Hầu hết các thương nhân đều phải làm việc 24 giờ một ngày để làm việc hoặc suy nghĩ về công việc. Nhưng cách thức họ sử dụng số thời gian trên mới chính là điều làm nên khác biệt giữa thành công và thất bại. Chính vì thế, “Hãy làm việc chăm chỉ. Làm việc nhiều giờ, và làm việc khôn ngoan”.

KHÔNG NÊN KINH DOANH CHUNG

Rất ít người xem xét kỹ lưỡng các động cơ khiến họ hùn vốn với người khác. Thông thường, ta sẽ cảm thấy thoải mái khi có người chia sẻ trách nhiệm với mình. Tuy nhiên, bất cứ sự làm ăn chung nào cũng mang lại nhiều vấn đề hơn mức chúng ta nghĩ.

Tất nhiên, có nhiều trường hợp, những nhà đầu tư này bổ sung các điểm yếu, mạnh cho nhau và giúp mang lại doanh lợi lớn cho doanh nghiệp. Nhưng khi xét trong khía cạnh linh hoạt của doanh nghiệp thì chính sự hợp tác này lại trở thành kẻ thù tồi tệ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới là của những nhà kinh doanh đơn độc.

KHÔNG NÊN GÓP VỐN

Sự góp vốn nhỏ trong một công ty tư nhân là không đáng kể. Đóng góp một phần vào cơ nghiệp mới của người khác chỉ là vấn đề cá nhân, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh chính là giá trị thật sự mà họ có được từ phần vốn đóng góp đó. Nếu bạn góp chung vốn với một công ty khác, bạn không thể mang số vốn góp này đến ngân hàng để thế chấp cho khoản tiền vay nhà. Bạn cũng không thể dễ dàng bán được phần vốn này vì điều này bị giới hạn bởi cổ đông chính của công ty. 

Chúng tôi đã lợi dụng sự sai lầm về khái niệm phần hùn để có được lợi nhuận cho thân chủ của chúng tôi. Khi thân chủ của chúng tôi được đề nghị hùn vốn vào một doanh nghiệp mới, tôi luôn yêu cầu các chi phí kèm với phần vốn này hoặc ít nhất một điều kiện bảo đảm chúng tôi có thể bán lại số vốn này ở bất cứ thời điểm mà thân chủ chúng tôi muốn.

SỢ THẤT BẠI

Việc sợ thất bại cũng phổ biến như ước muốn thành công. Thực ra, nếu biết cách khai thác, nó có thể trở thành động lực phát triển. Nhưng đối với nhiều người nó trở thành rào cản.

Hãy học cách sử dụng sợ hãi chứ đừng để nó sử dụng bạn. Tất nhiên đây là vấn đề của tất cả các doanh nhân trong kinh doanh. Chính vì thế, tôi chọn vấn đề này để kết thúc cuốn sách.

Mùa hè năm 1976, Gay Drut, vận động viên chạy vượt rào người Pháp, tự nhận thấy mình ở một vị trí không ai ham muốn. Anh là hy vọng duy nhất của Pháp trong việc đạt được một huy chương điền kinh, và chính gánh nặng phải mang lại niềm tự hào quốc gia đã ảnh hưởng đến anh ta. Sau đó Drut nói với tôi là trước thế vận hội anh đã nói chuyện rất nhiều lần với thân chủ của chúng tôi là Jean Claude Killy và anh thật sự cảm thấy mang ơn Killy về huy chương vàng mà anh đã đạt được. Anh giải thích: “Jean Claude nói rằng tôi là người duy nhất biết cách làm cho thân xác và tâm hồn đạt tới đỉnh cao tại các cuộc đua thế vận hội. Sau đó, anh ta nói với tôi là sau khi đã làm như vậy tôi phải tự nói với bản thân: ‘Mình đã làm tất cả để chuẩn bị cho cuộc đua. Nếu mình thắng, mọi việc sẽ tuyệt diệu, nhưng nếu mình thua thì ai là bạn của mình sẽ vẫn là bạn của mình, ai là kẻ thù sẽ vẫn là kẻ thù, và thế giới vẫn y như cũ.’ Tôi nhắc lại câu này trước vòng loại, trong lúc nghỉ giải lao, trước vòng bán kết và chung kết. Tôi cứ nhắc đi nhắc lại câu đó cho đến khi lên bục nhận huy chương vàng”.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.