7 AHA! Khơi sán tinh thần và giải tỏa Stress
Phần I: ẢO TƯỞNG VÀ QUAN NIỆM SAI LẦM
7 quan niệm sai lầm thường gặp về stress
Một căn bệnh của thế kỷ 20 được gọi là “stress” đã trở thành một bệnh dịch phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21 – và đó cũng là một căn bệnh có khả năng giết người!
Ngày càng có nhiều người quan tâm và bắt đầu là một điều gì đó trước vấn nạn này. Ngành kinh doanh và công nghiệp đang thức tỉnh một cách chậm chạp trước các số liệu cho thấy có đến hàng tỷ yên, đô-la, euro, và bảng Anh bị mất đi mỗi năm cho sự vắng mặt không lý do trong các công ty, vì làm việc không hiệu quả, vì mâu thuẫn trong mối quan hệ, và vì chất lượng công việc quá thấp… Dường như tất cả bắt nguồn từ tình trạng sử dụng quá nhiều, sử dụng sai cái được gọi là stress.
Trước tiên đó là vì những quan niệm sai lầm. Một số lầm tưởng thật nguy hại phát triển trong suốt ba thập kỷ qua đã làm sai lệch niềm tin của chúng ta và đang làm rối sự chú ý của chúng ta, khiến stress ngày càng phát triển và hiện diện khắp nơi trên thế giới. Sau đây là bảy quan niệm sai lầm thường gặp về stress.
Quan niệm sai lầm thứ nhất: “Stress là một điều tự nhiên và tích cực trong cuộc sống hiện tại.”
Hoàn toàn không phải như thế!
Chẳng có điều gì giống như là “stress tích cực” cả. Thuật ngữ này là một phép nghịch hợp – cách mà người ta dùng trong diễn thuyết! Về khái niệm, stress là một điều không bình thường và cũng chẳng lành mạnh chút nào, vì thế, nó luôn là một trạng thái tiêu cực. Sau đây là một khái niệm về stress có thể giúp chúng ta làm rõ được nhiều điều:
Stress là một hình thái của sự đau đớn, nó đến để mách bảo bạn rằng có điều gì đó mà bạn cần phải thay đổi. Cơn đau – bất kỳ cơn đau nào – là một thông điệp nói lên rằng có điều gì đó cần được tìm hiểu.
Tuy một số người còn phân biệt sự đau đớn về mặt thể chất và sự gánh chịu về mặt cảm xúc/ tinh thần, tôi sẽ sử dụng từ “cơn đau”/”đau đớn” cho cả hai trạng thái đó trong quyển sách này.
Nếu như bạn đưa tay mình vào trong lửa, bạn sẽ trải nghiệm được điều gì? Đau. Bạn học được điều gì đây? Không làm vậy nữa đâu! Thế là bạn đã lắng nghe “người đưa tin” này, bạn đã học, và bạn đã thay đổi. Chúng ta có thể trải nghiệm stress hay sự đau đớn qua 4 mức độ: tâm linh, tinh thần, cảm xúc và thể chất. Khi thông điệp này dừng lại ở mức độ tinh thần và cảm xúc, biểu hiện bằng những suy nghĩ đau đớn và những cảm xúc tiêu cực được tạo nên bởi chính chúng ta, thì chúng ta có nghe thấy được thông điệp đó không? Không, chúng ta không hề lắng nghe, hoặc là bỏ qua, hoặc là cứ giữ lấy thông điệp ấy. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta được dạy cho tin rằng một số loại stress là cần thiết và tốt. “Họ” bảo với chúng ta rằng đó là bình thường và chúng ta đã tin và “họ”. Vì vậy, chúng ta cứ để stress lớn lên bên trong mà không nhận ra được rằng chúng ta đang tạo ra cái chết cho chính mình. Bảo rằng chỉ một ít stress thôi cũng tốt, thì chính chúng ta tự châm vào một ngòi nổ cháy chậm để giết mình. Có bao giờ bạn nghĩ tại sao các dịch vụ y tế của một thế giới phát triển lại đang trong giai đoạn khó khăn? Đó là vì ngày càng có nhiều người coi thường sự khỏe mạnh về mặt tinh thần và cảm xúc của chính mình. Không ai bảo cho chúng ta biết rằng chỉ một suy nghĩ tiêu cực cũng có thể dẫn đến sự phá hủy cả một hệ thống miễn dịch.
Lý do thứ hai mà chúng ta không lắng nghe “người đưa tin” ấy để học hỏi và thay đổi là do bạn thích thú với một “phát bắn” của sự sợ hãi, và một “cú đấm nhanh” của sự giận dữ. Tại sao vậy? Bởi vì những cảm xúc này kích thích việc sản xuất ra những hợp chất gây nghiện có thành phần chính là adrenaline trong cơ thể chúng ta. Nhiều người không thể chịu được khi suốt cả ngày không có thứ hợp chất tai hại ấy. Vì thế, chúng ta đi tìm những tình huống tệ hại, những con người đối đầu, chỉ vì muốn trở nên giận dữ để thỏa mãn “cơn nghiện” của mình.
Khi cho rằng stress là bình thường, rằng chỉ một ít stress thôi thì cũng tốt, nghĩa là chúng ta đang né tránh trách nhiệm đối với bản thân và đó cũng là dấu hiệu của việc suy nghĩ lười nhác. Tuy nhiên ngày nay, một điều chắc chắn là ngày càng có nhiều người tỉnh ngộ trước sự thật rằng stress không nên tồn tại trong một cuộc sống sung túc. Chúng ta đang cố gắng cải thiện stress thông qua ý thức của bản thân, bắt đầu từ cấp độ đầu tiên là suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.
Những cuộc “thi đua” trong quán cà phê
Bạn đã bao giờ chứng kiến những cuộc trò truyện tương tự như tình huống tôi sắp kể sau đây chưa? Người đầu tiên bắt đầu bằng một điều gì đó đại loại như là “Anh biết không, tôi có quá nhiều việc phải làm, và thời hạn chót (deadline) sắp đến rồi. Bàn làm việc của tôi thì chất đầy hồ sơ, tài liệu và mọi người đều muốn tôi giải quyết xong từ ngày hôm trước kìa, tôi căng thẳng đến chết đi được!”. Chỉ một lúc sau, một người khác thêm vào “Chắc chắn anh bị stress rồi! Mà anh nên chứng kiến những gì tôi phải làm kìa!”. Thế là sau đó, mỗi người cứ tranh nhau chứng minh rằng họ bị stress nặng hơn so với người khác.
Chúng ta đang làm gì vậy? Chúng ta đã tạo ra cái thế giới nào đây, khi mà cứ tranh giành nhau như những người điên về mức độ bị tổn thương để rồi còn bị căng thẳng thêm nữa? Ở đâu mà người ta đo lường sự thành công bằng những cấp độ stress đây?
Tôi hy vọng bạn chẳng bao giờ làm như thế!
Quan niệm sai lầm thứ hai: “Bạn phải trở thành bác sĩ để chẩn đoán và chữa trị stress”.
Không cần thiết phải như vậy!
Bác sĩ thì chỉ chữa trị cho những triệu chứng liên quan đến thể chất. Về tinh thần, chỉ có bạn mới hiểu biết được những suy nghĩ và cảm xúc khơi nguồn cho sự căng thẳng của mình, và chỉ có bạn mới đủ khả năng thay đổi những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác đó. Không ai khác tạo nên những suy nghĩ và cảm xúc của bạn (mặc dù đôi khi chúng ta có cảm giác như vậy, nhưng không hẳn là thế). Khi bạn biết được cách xác định chất lượng cho những suy nghĩ và cảm xúc của mình bạn có thể bắt đầu lựa chọn những gì mà bạn cho là tích cực.
Bạn đang nghĩ gì? Bạn cảm thấy như thế nào? Và chất lượng mỗi suy nghĩ và cảm xúc của bạn ra sao? Bao lâu thì bạn tự hỏi mình 3 câu hỏi này? Có thể là rât ít khi, mà thười thì chẳng bao giờ. Nếu chúng ta không tự hỏi những câu hỏi đại loại như là “Tôi đang có cảm giác gì đây? Tại sao tôi lại đang cảm thấy và suy nghĩ như thế này?”, có lẽ chúng ta không bao giờ biết được về chính mình, chẳng bao giờ nhận biết thật sự về bản thân, và cũng sẽ không bao giờ biết được rằng là m thế nào để lựa chọn một cách có ý thức những suy nghĩ hay cảm xúc của riêng mình.
Một số người bảo rằng những loại câu hỏi theo kiểu tự kiểm tra nội tâm này chỉ là một việc làm để giết thời gian hoặc là một biểu hiện của chứng tự yêu mình, xem mình là “cái rốn của vũ trụ”! Nhưng không phải như thế. Với việc dành vài phút mỗi ngày để khám phá nội tâm một cách nhẹ nhàng, bạn có thể học được cách “bắt mạch” cảm xúc của mình, nhanh chóng biết rõ bạn cần làm gì đẻ giữ mình điềm tĩnh và tập trung năng lượng một cách hiệu quả nhất.
Dĩ nhiên, nếu bạn cảm thấy khó chịu nghiêm trọng về mặt thể chất, bạn cần phải đi gặp bác sĩ. Nhưng sự bất an về tinh thần sẽ vĩnh viễn không bao giờ biến mất nếu bạn không thay đổi cách suy nghĩ và cảm xúc của mình. Thuốc và bùa chú đều không thích hợp cho việc đưa sức mạnh tích cực vào những gì bạn suy nghĩ và cảm nhận. Vì thế, bạn hãy tự “bắt mạch” cho mình, cảm nhận những cảm xúc và chẩn đoán cho trạng thái của chính bạn. Sau một vài lần như thế, bạn sẽ tự nhiên thích thú với cách điều trị này – cách điều trị “nội tâm”, những phương pháp giúp bạn thoát khỏi cơn đau mà chúng ta gọi là stress. Nó sẽ giúp bạn trở lại với điều kiện sức khỏe tinh thần và cảm xúc tốt nhất.
Việc điều trị dành cho cái đầu và cho trái tim thì rất khác so với cơ thể. Khi bạn nhận thức một cách thật sự và sâu sắc rằng tất cả những căng thẳng của bạn bắt đầu từ suy nghĩ và cảm xúc của mình, và rằng bạn chính là người chịu trách nhiệm, thì việc suy ngẫm, mường tượng, và suy nghĩ tích cực sẽ bất ngờ đánh thức tính ham học hỏi, tìm tòi của bạn.
50.000 suy nghĩ một ngày!
Hầu hết chúng ta đều suy nghĩa quá nhiều – người ta ước tính rằng trung bình có khoảng 50.000 suy nghĩ một ngày! Tại sao lại quá nhiều đến thế chứ? Bởi vì hầu hết những suy nghĩ của chúng ta dựa trên nỗi bất an và lo lắng về tương lai không chắc chắn. Thật ra hầu hết những suy nghĩ lo lắng đều được ngụy trang dưới hình thức là sự thận trọng, và mối lo âu được che đậy bằng sự quan tâm. Việc suy nghĩ quá nhiều không cho ta sức mạnh mà chúng ta cần để sống một cuộc đời thanh thản hơn và toàn vẹn hơn. Nó rút cạn năng lượng của chúng ta và “làm mờ” khả năng xử lý khôn ngoan, sáng suốt trong ta. Suy nghĩ có thể là một âm thanh vang vọng của tiếng nói từ nội tâm. Khi chúng ta bảo rằng “Tôi cần phải suy nghĩ về điều đó”, thật sự ta ngụ ý rằng “Tôi không chắc lắm”, có nghĩa là có sự ngờ vực – mà nghi ngờ là một trong những cảm xúc thường chuyển sang trạng thái bâng khoăn và lo lắng. Tất cả những điều đó dần rút cạn năng lượng của chúng ta một cách tinh vi mà chúng ta không hề hay biết.
Quan niệm sai lầm thứ ba: “Stress là cần thiết để đạt được thành công”
Chắc chắn là không!
Thật ra có một niềm tin sai lầm khi cho rằng stress, hoặc việc gây ra áp lực cho mọi người là cần thiết để làm cho công việc nào đó được hoàn thành. Tại sao? Bởi vì khi đó, nỗi lo sợ đã được sử dụng như một động lực thúc đẩy và sẽ nhanh chóng rút cạn đi năng lượng của bạn, có khi còn kéo theo việc gây bệnh cho cơ thể. Suy nghĩ chất chứa stress là suy nghĩ sợ hãi và giận dữ, và nếu nó cứ được “nuôi dưỡng”, thì bệnh tật cho cơ thể, nhân viên nghỉ việc không có lý do, năng suất công việc thấp cũng như sự đổ vỡ trong các mối quan hệ là điều không thể nào tránh khỏi. Hơn nữa, ai cũng biết những tác động tai hại đến thần kinh của stress. Những suy nghĩ căng thẳng, bồn chồn gây ra cơn căng cơ và đau đầu, những suy nghĩ lo lắng làm rối loạn khả năng tiêu hóa và cuối cùng, có thể gây ra chứng viêm loét, ung bướu độc; còn những suy nghĩ sợ hãi thì làm cho tim đập nhanh và kết quả là suy tim; rồi còn cả việc sản sinh ra quá nhiều adrenaline khi tức giận được xem như là một trong những yếu tố góp phần vào bệnh ung thư.
Stress và sợ hãi, rồi sau đó là adrenaline, có thể làm cho việc gì đó hoàn thành xong một cách nhanh chóng, nhưng nó chỉ đem đến hiệu quả trong thời gian ngắn, còn trong một tổng thể dài hạn, điều đó sẽ dẫn đến hội chứng “cháy sạch”. Đây là lý do tại sao chảng có loại stress nào có thể gọi là stress tích cực cả. Những ai tin rằng stress là tự nhiên, những ai biện hộ rằng stress là cần thiết để đạt được thành công thì họ cũng đang biểu hiện lối suy nghĩ lười nhác, hoặc tránh né việc tự thay đổi bản thân. Và có lẽ đó là những người đã “nghiện” chất adrenaline. Còn đối với những ai tin rằng việc phản ứng tiêu cực, gàn dở với mọi người trước những tình huống trái ý là một phản ứng tự nhiên, có sẵn bên trong như là một bản năng được truyền lại từ xa xưa thì đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại!
Chẳng có điều gì là có sẵn trong thái độ của con người trước cuộc sống. Mọi thứ đều phải được học hỏi và đúc kết qua trải nghiệm. Vâng, khi bạn bị khiêu khích, bạn có thể đánh lại hoặc bỏ chạy, nhưng cũng có nhiều lựa chọn khác. Bạn có thể đứng yên, bạn có thể chỉ mỉm cười, có thể lặng lẽ quay đi, có thể hát, hay là nhảy múa! Một lý do giải thích cho việc đôi khi chúng ta không thể tìm ra được những lựa chọn khác khi phải đối mặt với các tình huống thử thách là bởi vì sự sợ hãi đã trở thành một thói quen ăn quá sâu vào chúng ta, điều khiển phản ứng của chúng ta. Chính nỗi sợ hãi đã hạn chế khả năng tạo ra sự lựa chọn; làm “tê liệt” khả năng đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mỗi lựa chọn, khiến chúng ta không thể tìm ra một giải pháp đúng đắn nhất.
Sự thật là nỗi sợ hãi đã làm tê liệt khả năng tạo nên những phản ứng tích cực và hiệu quả. Sợ sệt là thói quen do con người học được, và ngay khi có sự hiện diện của nó, chúng ta trở nên sợ hãi ngay cả đối với những đe dọa chẳng đáng gì. Trái ngược với niềm tin, nỗi lo sợ không giúp ích được gì cho hạnh phúc và sự lành mạnh của chúng ta. Thậm chí bạn không cần sợ hãi để có được một phản ứng khôn ngoan khi chạm trán với một con hổ. Bạn cần có sự nguội lạnh, điềm tĩnh, sự tập trung chú ý như các vận động viên thể dục và tính sáng tạo như các nghệ sĩ để phản ứng một cách có hiệu quả. Không phải con hổ đó đe dọa bạn, mà ngay từ trong tâm trí, những gì bạn cho rằng con hổ sẽ làm với mình mới sinh ra nỗi sợ hãi. Những con hổ đó là ai hoặc là cái gì trong cuộc sống của bạn? Bạn đang làm gì với chúng trong tâm trí mình?
Vì vậy, hãy xua tan ý nghĩ cho rằng stress là cần thiết. Hãy hiểu rằng stress giết chết, làm suy yếu, làm kiệt quệ, làm giảm sức mạnh tinh thần của mỗi chúng ta. Gạt bỏ đi thói quen sợ hãi và tận dụng những tình huống từ thực tế cuộc sống để thực hành việc lựa chọn. Hãy nhớ lại tình huống nào đó trong quá khứ đã khiến bạn sợ hãi và tự đưa ra nhiều cách phản ứng tích cực khác, sau đó, bạn hãy để cho tình huống ấy diễn lại một lần nữa trong đầu bạn, nhưng lần này, bạn đưa vào đó cách phản ứng tích cực mà bạn vừa nghĩ ra – như cảnh đối mặt với một thời hạn cuối cùng, với ông chủ, với các nhiệm vụ, với người khó tính nào đó trong cuộc sống của bạn, sự ngăn cản kịch liệt – tất cả những điều đã gây ra nỗi đau đớn cho bạn ngày hôm qua. Còn hôm nay, chúng là thầy của bạn. Đó là cơ hội để khẳng định sự điềm tĩnh và sáng tạo của bạn. Chúng đến để kiểm tra khả năng lựa chọn cách phản ứng đúng đắn và sức mạnh để thực hành cách phản ứng đó của bạn. Nếu bạn không bắt đầu sáng tạo hơn và lựa chọn những phản ứng cho mình, bạn sẽ phải chịu đựng chứng bệnh thông thường nhất được biết đến hiện nay – chứng “xem mình là nạn nhân”! Nhưng bạn không bao giờ đóng vai diễn là nạn nhân … phải không?
Sức mạnh siêu sáng tạo
Vũ trụ được hình thành từ dạng năng lượng hầu như không nhìn thấy được. Năng lượng hữu hình vật chất là dạng năng lượng “yếu” nhất. Một quả bom nguyên tử có thể rất mạnh đấy, nhưng nó không có “sức mạnh siêu sáng tạo” ở bên trong. Còn bạn thì có. Bạn là một thực thể sáng tạo có ý thức, ẩn chứa nhiều tiềm năng, không chỉ ở một phạm vi mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới. Điều đó có ý nghĩa đến mức nào đó còn tùy thuộc vào chính bạn. Đang phải vật vã với stress có nghĩa là bạn không ảnh hưởng đến được bất kỳ điều gì, nhưng bạn lại đang cho phép cả thế giới ảnh hưởng lên bạn. Để tìm thấy được sức mạnh nội tâm, nuôi dưỡng sức mạnh cho bản thân bạn hãy thực hành giữ mình điều tĩnh. Khi hiểu được rằng một tâm trí bình an là một tâm trí sáng tạo, bạn sẽ nhận ra sự bình an trong nội tâm cũng là sức mạnh của riêng mình.
Quan niệm sai lầm thứ tư: “Stress chỉ đơn giản là một hiện tượng tự nhiên, liên quan đến cơ thể, chỉ cần nghỉ ngơi, thư giản một chút là sẽ hết.”
Thật là sai lầm!
Nguyên nhân gốc rễ của mọi loại stress có thể được tìm thấy trong suy nghĩ và cảm xúc – khía cạnh phi vật chất. Những cách thức điều trị về thể chất, liệu pháp và “chiến thuật” thư giãn có thể làm khuây khỏa bớt một vài triệu chứng, nhưng không thể thay đổi cách mà bạn suy nghĩ. Cách suy nghĩ của bạn mới chính là nguyên nhân. Và ẩn chứa đằng sau suy nghĩ đó, niềm tin của bạn lại là một nguyên nhân sâu xa hơn.
Một lý do khiến quan niệm sai lầm này có sức ảnh hưởng lớn mạnh là do chúng ta nghĩ rằng mình chỉ là những hình dáng vật chất, nếu cơ thể thư giản thì tâm trí sẽ được thư giản theo. Nhưng thật sự, điều đó diễn ra theo hướng ngược lại: bằng cách thư giản tâm trí, cơ thể sẽ được nghỉ ngơi. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần chăm lo cho cơ thể mình, mà ngược lại, chúng ta phải chăm sóc nó, vì cơ thể chính là ngôi nhà để tâm trí chúng ta trú ngụ và được bảo vệ. Vì thế, ngoài việc chăm sóc cơ thể, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến những suy nghĩ và cảm xúc của mình, học cách kiểm soát và quản lý tâm trí bằng sự bình an và điềm tĩnh.
Tiếp theo, hãy quan sát tính cách của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi bạn phục hồi lại được trạng thái tinh thần, sau đó cơ thể cũng khỏe mạnh trở lại. Mỗi người có thể nhận biết được điều này bằng trực giác của riêng mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ngây ngô khi nói những điều như là “Hãy làm như thế này, xài thử cái kia, hãy đi đến đó, và anh sẽ thoát khỏi stress”. Thật vô lý! Nếu như điều đó là đúng, thì stress sẽ phải giảm đi chứ sao lại cứ tăng lên? Hiện nay, chúng ta mua và tiêu thụ nhiều vật dụng hơn, du lịch đến nhiều nơi hơn, và tạo ra nhiều cách thức giải trí phong phú và tinh vi hơn, tất cả được đặt cho một cái tên là “thư giãn”. Tuy nhiên, trong các số liệu thống kê mới đây cho thấy mức độ stress, lo lắng và bất an, và áp lực nơi làm việc cứ ngày một gia tăng.
Tại sao lại như vậy? Bạn hãy tự tìm hiểu trong chính cuộc sống của mình khi trở về nhà tối nay. Theo thói quen, bạn bước vào phòng khách, cầm một lon nước ngọt hoặc một tách trà hay cà phê trên tay và đi thẳng đến chiếc ghế sofa, với tay lấy cái remote TV rồi nhìn vào màn hình với những hình ảnh chuyển động nhấp nháy. Bộ phim trên TV là Rambo III – 90 phút đầy stress, bạo lực và sợ hãi, giận dữ, thất vọng… Và chúng ta gọi đó là sự thư giãn!
Đã đến lúc chúng ta thức tỉnh khỏi cái ảo tưởng đang lan tràn khắp nơi này.
Lối sống mới hay lối sống cũ
Đừng bao giờ tin bất kỳ người nào nói rằng bạn không thể thay đổi, hoặc khuyên bạn không nên làm xáo trộn tính cách của mình. Sự thật, bạn đang thay đổi mỗi ngày. Và không bao giờ là quá trễ để suy ngẫm về một sự thay đổi tốt hơn trong tính cách, vì đơn giản đó chỉ là sự thay đổi cách bạn nhìn và phản ứng lại mọi người và thế giới xung quanh. Điều đó tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể sống cùng với nỗi đau được gọi tên là stress, hoặc bạn chấp nhận phiêu lưu trong cuộc hành trình khám phá bản thân để cảm nhận cuộc sống trong một cái nhìn mới tốt đẹp hơn. Mỗi khi thay đổi một thói quen cũ, nó có thể gây ra sự khó chịu cho bạn trong thời gian đầu. Nhưng đó chỉ là phản ứng đối với cuộc sống, giúp bạn bước tiếp đến sự trưởng thành và chín chắn. Nếu bạn muốn sống lâu và khỏe mạnh, bằng sự hiểu biết đúng đắn, hãy tiêu diệt stress trước khi nó giết chết bạn!
Quan niệm sai lầm thứ năm: “Thay đổi chế độ ăn uống, chạy bộ, và một kỳ nghỉ tốt sẽ xua đuổi được stress.”
Chẳng đúng đâu, bạn ạ!
Cùng một lý do như trong quan niệm sai lầm trước, chế độ ăn uống, chạy bộ, và những kỳ nghỉ có thể làm dịu đi một vài triệu chứng tạm thời, nhưng đó không phải là phương pháp chữa trị triệt để. Một chế độ ăn uống lành mạnh và thể dục là tốt, nhưng nó không đủ để giải thoát bạn khỏi stress. Trong những năm 80, một số quốc gia nổi lên phong trào đi bộ thể thao. Khi ấy, mỗi công viên trở thành một “xa lộ cao tốc” cho rất nhiều vận động viên nghiệp dư với những gương mặt nhăn nhó vì đau đớn, mồ hôi tuôn ra nhễ nhại từ những thân xác không ra hơi. Tất cả đều vì mục đích cân bằng và thư giãn. Nhưng thư giãn khó mà đạt được trong một cơ thể đang khổ sở vì hụt hơi. Thư giãn không phải là kiệt sức hay mệt mỏi, mà là khả năng thả lỏng tâm trí của mình ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Bởi bạn đã biết rằng, tâm trí thư giãn thì cơ thể sẽ được nghỉ ngơi theo.
Sang thế kỷ 21, việc đi nghỉ mát có thể vẫn còn là một chuyến đi chơi hữu ích, một cách để “đổi gió” – thay đổi phong cảnh, con người, thức ăn và khí hậu. Nhưng giờ đây, bạn biết được rằng bạn không cần đi đến bất kỳ đâu để nghỉ ngơi, thư giản trí óc và nuôi dưỡng tâm hồn mình. Bởi vì dù có đi đến đâu, bạn vẫn sẽ ở cùng với chính mình. Và cách bạn suy nghĩ, cảm thấy và phản ứng cũng có thể giống y như ở bất kỳ nơi nào mà bạn đang hiện diện.
Có bao giờ bạn đặt câu hỏi là vì sao sau rất nhiều liệu pháp chữa trị stress được nghĩ ra, được viết ra, được sản xuất, được tiếp thị và được tiêu thụ, thì lại có nhiều stress hơn là trước đó? Đơn giản vì đó chỉ là sự trốn tránh. Chúng ta trốn tránh làm công việc thuộc về nội tâm là chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Mọi điều trong cuộc sống của chúng ta, kể cả số phận nữa, đều bắt đầu từ trong đầu ta. Thật đáng tiếc khi nhắc lại điều này, nhưng đó là một vấn đề mà tôi phải mất một thời gian dài để thật sự “ngộ ra”. Tôi phải lắng nghe điều đó hàng trăm lần theo hàng trăm cách khác nhau.
Tu dưỡng tinh thần!
Ngày nghỉ xuất phát từ ý tưởng về một ngày thiêng liêng – được dành riêng cho việc nghỉ ngơi và phục hồi chứ không phải để sử dụng cho việc chè chén say sưa hay than vãn, cũng không phải để ngủ và lười biếng! Ngày nghỉ là những ngày được dành hết cho bản thân, để chúng ta có thể tìm thấy và “nạp” lại năng lượng cho tinh thần của mình từ trong ra ngoài, đồng thời nhắc nhở ta về mục đích sống thật sự. Bạn có quan tâm đến bình an nội tâm và bạn có biết mục đích sống thật sự của mình không? Rất ít người làm được như thế! Một lời khuyên rất bổ ích: hãy bỏ ra ít nhất là hai ngày nghỉ mỗi năm để tu dưỡng cho tinh thần. Đây không phải là tu theo ý nghĩa của tôn giáo, mà là một sự tu dưỡng cho tinh thần, giúp bạn thanh thản và thoải mái hơn.
Quan niệm sai lầm thứ sáu: “Bạn phải làm việc 14 giờ một ngày nên liên tục chịu đựng stress.”
Không phải vậy!
Một số người chỉ làm việc có vài tiếng đồng hồ một ngày – một điều kiện xem ra rất nhàn hạ, khó mà bị rơi vào tình cảnh phải đối mặt với thời hạn hoặc những áp lực khác – nhưng họ còn bị stress nặng nề hơn cả những người làm việc trong nhiều giờ để hoàn tất công việc theo thời gian đã định. Vấn đề là bạn cần nhận ra điều gì gây nên stress. Nó phụ thuộc vào cảm nhận của bạn.
Bạn đã bao giờ quan sát hai người cùng làm một công việc hay những việc tương tự như nhau, và có cùng một thời hạn cuối cùng chưa? Một người thì vò đầu bứt tóc với vẻ lo lắng hiện rõ. Còn người kia vẫn cứ vui vẻ. Tại sao lại có sự khác biệt đến như vậy. Đều do nhận thức mà ra cả. Đó là cách mà mỗi người cảm nhận họ làm gì, và kết quả như thế nào. Nhận thức được dựa trên niềm tin của chính mình. Nếu bạn tin rằng mình sẽ điên lên khi bị muộn thời hạn đã định, hoặc bạn sẽ bị người có quyền lực trừng phạt vì mình chưa hoàn thành công việc, thì stress sẽ là người bạn đồng hành cùng bạn ở bất cứ nơi nào mà bạn đến, với bất cứ điều gì mà bạn làm, trong suốt cả quãng đời còn lại. Nhưng nếu bạn tin vào chính mình, tin rằng bạn có thể kiểm soát được cảm xúc, tin rằng không ai có thể làm bạn tổn thương, tin rằng việc trễ mất thời hạn cuối cùng không phải là sự kết thúc của thế giới hay công việc của bạn, thì bạn sẽ luôn có thể thư giãn, dù cho bạn ở đâu, hay là cái hạn chót đó nó có gần kề đến thế nào đi nữa. Và khi ấy, kỳ lạ thay, bạn sẽ ít bị trễ thời hạn hơn là người cứ thường xuyên lo lắng.
Niềm tin không được xây dựng sẵn trong gen di truyền ADN của bạn. Tất cả mọi niềm tin đều do học hỏi, trải nghiệm mà có. Chúng ta học hỏi và đưa chúng vào tiềm thức của mình, rồi đến lúc chúng bất ngờ trỗi dậy, tuôn ra thông qua suy nghĩ, cảm xúc và lời nói của chúng ta.
Thời gian là cuộc sống
Cái đồng hồ ở trên tường không phải là thời gian, nó chỉ đơn giản là một dụng cụ thể hiện sự trôi qua của thời gian theo kinh nghiệm của con người. Nó không phải là chủ nhân của ta, nó chỉ là đồ vật do ta tạo ra. Bạn không thể tiết kiệm thời gian, đánh mất thời gian hay rút ngắn thời gian. Nhưng theo một cách nào đó, bạn có thể làm như thế được, bởi vì bạn LÀ thời gian, thời gian là cuộc sống và bạn là cuộc sống. Khi bạn phí thời gian, thì bạn lãng phí chính mình. Vì vậy, hãy cẩn thận với cách bạn “tiêu phí” bản thân. Đừng để cho bất kỳ ai tiêu phí cuộc đời của bạn. Hãy quan sát, tìm hiểu cách mà người khác làm phí đi cuộc đời của họ. Bạn không thể đánh mất thời gian nhưng bạn có thể lãng phí nó. Bạn không thể tiết kiệm thời gian nhưng bạn có thể tiết kiệm cuộc đời. Hãy bắt đầu từ chính mình. Đơn giản là bắt đầu từ sự nhận thức về bản thân. Sự thông tuệ sẽ xuất hiện theo một cách tự nhiên.
Quan niệm sai lầm thứ bảy: “Những người khác, các sự kiện, tình huống trong cuộc sống phải chịu trách nhiệm về tình trạng stress của bạn.”
Vô lý!
Sự thật thì cách chúng ta phản ứng với người khác và những sự kiện trong cuộc sống mới là nguyên nhân gốc rễ gây ra stress. Việc kiểm soát stress đồng nghĩa với việc kiểm soát bản thân. Khi kết tội ai đó hay một việc gì đó khiến mình bị stress, bạn đã nuôi ảo tưởng rằng mình không chịu trách nhiệm cho những cảm nhận, suy nghĩ và hành động của mình. Nói cách khác, bạn đang cho rằng người khác có thể sống thay cho bạn!
Đây là quan niệm sai lầm, ảo tưởng thường gặp nhất, nó như một thứ “bệnh dịch” toàn cầu – chứng “xem mình là nạn nhân”. Thậm chí rất nhiều người ở vị trí lãnh đạo cũng đổ lỗi cho những người khác vì những gì họ cảm thấy, và việc làm ấy đã nói lên rằng họ tự làm suy yếu đi sức mạnh của chính mình khi tự biến mình thành nạn nhân. Hãy lắng nghe cuộc đối thoại của bạn với những người khác và để ý xem có bao nhiêu lần và bao nhiêu cách khác nhau mà bạn cảm thấy mình nói “Tôi là một nạn nhân”, hay là “Tôi cảm thấy như thế này là do … (ai đó).”
Sự kiểm soát stress thật sự hay là sự kiểm soát bản thân đặt trên nguyên tắc hoàn toàn tự chịu trách nhiệm cho bất kỳ cảm giác không thoải mát nào về mặt cảm xúc, tinh thần. Đây là sự chủ động lựa chọn cách phản ứng đối với bất cứ điều gì đang diễn ra bên ngoài chúng ta. Không phải chuyến tàu trễ hay chiếc xe bị trầy xước làm cho bạn đau khổ, mà do cách bạn phản ứng trước những tình huống như thế. Nếu cách phản ứng của bạn gây ra stress, đây là dấu hiệu cho thấy bạn phụ thuộc vào chiếc xe thay vì dựa trên giá trị của bản thân, hay là chấp thuận người khác thay vì đánh giá cao giá trị của chính mình. Những lỗi lầm cơ bản này có thể “nhốt” chúng ta mãi mãi trong sự đau đớn nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế. Đừng bao giờ để lòng tự trọng hay giá trị bản thân phụ thuộc vào bất cứ điều gì bên ngoài.
Việc chịu trách nhiệm cho khả năng phản ứng, chọn lựa cách duy trì sự điềm tĩnh, đảm bảo luôn luôn thể hiện được tính tích cực khi đối mặt với mọi tình huống – đó là những dấu hiệu của một tâm hồn được khai sáng. Nhưng để đạt đến trạng thái mà chúng ta có thể giữ cho mình sự điềm tĩnh trong khi mọi người quanh ta chọn lấy sự hốt hoảng và hỗn loạn, chúng ta cần phải học về con người bên trong mình, học cách kiểm soát suy nghĩ, học để thử thách niềm tin của mình và chọn lấy những hiểu biết sáng suốt khác. Một khi bạn thấy được chính bạn mới là thủ phạm gây căng thẳng cho mình, bạn đã đi được một nửa chặng đường. Nửa cuộc hành trình còn lại là để xóa đi ý nghĩ đổ lỗi cho người khác vốn đã trở thành một thói quen trong mỗi con người chúng ta.
Nhìn, lắng nghe và yêu thương
Bạn đừng quên rằng mọi người luôn hiện diện ở hai nơi cùng một lúc: ở “ngoài kia”, tức là ở môi trường sống bên ngoài, và ở “trong này”, tức là thế giới nội tâm của bạn. Nếu bạn trở nên giận dữ với người khác, bạn là người đầu tiên phải chịu đựng, rồi bạn sẽ trở nên giận dữ với chính mình. Điều đó giống như việc bạn cầm con dao và tự đâm vào mình. Do đó, đừng bao giờ trở nên giận dữ!
Hãy làm lành “vết thương giận dữ” bằng sự hiểu biết và tình yêu thương từ trái tim, vì chính mình. Đó là tất cả. Những gì bạn phải làm là dừng lại, nhìn vào “bên trong”, và lắng nghe. Hay hỏi những người đang thực hành điều này để được chỉ dẫn và giải thích về cách thức thực hiện. Tốt hơn là hãy học cách thiền định. Và đây chính là lý do để học thiền.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.