Hùng Biện Kiểu Ted
Chương 8: Thể Hiện Cảm Xúc
Phần II: TRUYỀN TẢI
CHƯƠNG 8 THỂ HIỆN CẢM XÚC
BÍ QUYẾT 52: Đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất có thể
Những diễn giả được nhớ đến nhiều nhất luôn đưa khán giả của họ qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất có thể. Tuy nhiên, rất ít diễn giả non kinh nghiệm thử dành thời gian xác định xem cung bậc cảm xúc đó thực ra là gì. Nếu bạn cứ mơ hồ cố gắng kết nối trên một cung bậc cảm xúc nào đó, thì chẳng khác nào bạn đang nhắm hú họa vào mục tiêu.
Phân loại cảm xúc không phải là chuyện nhỏ nhặt. Hai nhà nghiên cứu lừng danh Paul Ekman và Robert Plutchik đều ủng hộ những giả thuyết tuy trùng lặp nhưng không hoàn toàn giống nhau về điều này. Thông qua nghiên cứu những biểu hiện cực nhỏ từ nhiều nền văn hóa, Ekman đã xác định được sáu kiểu cảm xúc cơ bản, đó là: giận dữ, căm ghét, sợ hãi, hạnh phúc, buồn bã và ngạc nhiên. Trong thuyết Vòng tròn cảm xúc dễ nhớ và trực quan của ông, Plutchik cũng phân cảm xúc thành bốn cặp: vui-buồn, tin tưởng-chán ghét, sợ hãi-giận dữ và ngạc nhiên-đề phòng.
Tuy một trong hai phương thức trên sẽ hợp với bạn, nhưng tôi vẫn thấy rằng một hệ thống kết hợp cả hai là cách hiệu quả nhất để phát triển kỹ năng diễn thuyết. Bộ “sáu kiểu cảm xúc diễn thuyết” của tôi gồm có giận dữ, căm ghét, sợ hãi, hạnh phúc, yêu mến và đau buồn. Tôi loại bỏ “ngạc nhiên” vì nó rất phù phiếm và dễ biến đổi thành một trong các cảm xúc còn lại khi người nghe nhận ra tác động của điều làm mình ngạc nhiên – và “đề phòng” cũng vậy. Cuối cùng, tôi chuyển “tin tưởng” thành “yêu mến” vì yêu mến là cảm xúc mạnh mẽ hơn và thường được khơi dậy hơn trong nghệ thuật nói trước công chúng. (Vòng tròn cảm xúc xem “yêu mến” là sự kết hợp của “niềm vui” và “tin tưởng”, nhưng tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng “yêu mến” tồn tại mà không cần đến một trong hai thành tố trên.)
Hãy xem nghệ sĩ nhạc punk Amanda Palmer chạm đến từng cung bậc cảm xúc trên qua bài diễn thuyết của chị trên TED như thế nào (Bảng 8.1 là dàn ý của bài diễn thuyết này). Ý tưởng đáng lan tỏa là “hãy thoải mái cho đi và nhờ giúp đỡ để nghệ thuật được khôi phục trong cơ cấu cộng đồng chúng ta”.
Bảng 8.1. Dàn ý bài diễn thuyết The Art of Asking (tạm dịch: Nghệ thuật nhờ cậy) của Amanda Palmer trên TED
Giận dữ: “Và đôi khi tôi bị quấy nhiễu. Người ta hét vào mặt tôi khi phóng xe ngang qua: ‘Lo mà kiếm việc đàng hoàng đi!’”
Căm ghét: “Tôi thích nói với mọi người rằng tôi làm việc này [là nghệ sĩ đường phố chuyên giả làm tượng sống] như một công việc thực sự, vì mọi người luôn tò mò những kẻ quái dị này là ai ngoài đời thực?”
Sợ hãi: “Tôi nhắn tin trên Twitter để tìm một chỗ nghỉ chân lúc nửa đêm; và khi bấm chuông một ngôi nhà ở khu hạ Đông, tôi chợt nhận ra mình chưa bao giờ làm việc này một mình. Tôi luôn ở cùng ban nhạc hoặc nhóm của mình. Đây có phải là điều lũ ngốc vẫn làm không? Đây có phải là cách lũ ngốc thường chết?”
Hạnh phúc: “Và khi đó, ban nhạc của tôi ngày càng lớn mạnh. Chúng tôi đã ký hợp đồng với một hãng đĩa lớn.”
Yêu mến: “Tôi vẫn cho rằng chuyện ngủ nhờ và ngã vào đám đông về cơ bản là giống nhau. Bạn đều ngã về phía khán giả và hai bên đều tin tưởng lẫn nhau.”
Đau buồn: “Vậy nên tôi đã có những cuộc gặp gỡ ý nghĩa nhất với mọi người, đặc biệt là những người cô đơn có vẻ như hàng tuần chưa nói chuyện với ai…”
BÍ QUYẾT 53: Mời gọi khán giả “tưởng tượng”
Một trong những cách truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất đến khán giả là gợi cho họ tự xét mình thật sâu sắc. Khán giả càng hình dung chính họ tham gia vào câu chuyện hay ý tưởng của bạn cụ thể bao nhiêu, họ càng có khả năng thực hiện hành động thay đổi thế giới bấy nhiêu. Và may thay, có một từ kỳ diệu sẽ kích hoạt được não bộ mường tượng bất kỳ điều gì ngay lập tức: tưởng tượng.
Trong bài diễn thuyết của mình tại diễn đàn TED Ấn Độ năm 2009, Jane Chen đã chia sẻ ý tưởng về một lồng ấp chi phí thấp có khả năng cứu sống hàng triệu trẻ em đẻ non ở các nước đang phát triển. Cô bắt đầu bài phát biểu của mình như sau:
Xin mời các bạn hãy nhắm mắt và mở bàn tay ra. Bây giờ, hãy tưởng tượng những thứ bạn có thể nắm giữ trong bàn tay mình: một quả táo, hay có thể là chiếc ví. Giờ bạn hãy mở mắt ra. Nếu đó là một sinh linh thì sao?
Khi hỏi, “Nếu đó là một sinh linh thì sao?”, Chen đã trình chiếu bức ảnh của Anne Geddes, chụp một hài nhi bé bỏng đang ngủ trong đôi bàn tay già nua. Trong ví dụ này, câu hỏi có đủ tính trừu tượng để hình ảnh bổ sung được nét đặc trưng và cường độ cảm xúc. Để mọi người tự do tưởng tượng đa phần là cách hay nhất. Trí tưởng tượng bay bổng cũng lý giải vì sao sách luôn hay hơn phim ảnh.
Jane Chen dùng từ tưởng tượng để làm bật lên hoạt động mà khán giả của cô thực hiện trong khán phòng. Tuy nhiên, vẫn còn một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn thế nữa, đó là dùng cụm từ kỳ diệu này để mời khán giả cùng chứng kiến câu chuyện của bạn. Chẳng hạn, bạn có thể bắt đầu bằng câu nói: “Hãy hình dung bạn đang đi cùng tôi trong lần đầu tiên tôi gặp vợ mình…”
Sau khi đề nghị khán giả tưởng tượng, bạn phải cho họ một khoảng lặng vừa đủ để họ xây dựng một hình ảnh sống động hoặc soát lại trong trí nhớ một ký ức phù hợp. Điều này đòi hỏi một khoảng lặng lâu hơn nhiều so với khoảng thời gian mà nhiều diễn giả vốn cảm thấy thoải mái – tức tối thiểu từ 3 đến 5 giây.
Nhiều diễn giả nghiệp dư chỉ tập trung vào những thứ nhìn thấy được. Nhưng khi các diễn giả chuyên nghiệp yêu cầu khán giả tưởng tượng, họ sẽ cố gắng kết hợp cả năm giác quan – thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác và thính giác. Chẳng hạn “Hãy tưởng tượng bạn đang đi cùng tôi trong lần đầu tôi đến thăm New York. Do đến từ một thị trấn nhỏ miền trung tây, tôi luôn đinh ninh rằng mọi ngóc ngách quanh mình chỉ toàn phường trộm cướp. Các bạn đã bao giờ cảm thấy nguy hiểm rình rập khắp mọi ngả chưa? Trong cái ngày tháng Tám ngột ngạt ấy, tôi đã phát sặc vì mùi khói xe taxi trộn lẫn với mùi mồ hôi của khách bộ hành chen chúc trên đường…”
Từ tưởng tượng ở phần kết cũng có uy lực không kém ở phần mở đầu. Trong phần kết luận của bạn, hãy đề nghị mọi người mường tượng ra cuộc sống của họ nếu họ áp dụng thông điệp truyền cảm hứng của bạn. “Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu ngày mai bạn thức dậy với tình thương dành cho bạn bè. Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ thế nào nếu ngày mai bạn thức dậy với tình thương mến dành cho gia đình. Và hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ thế nào nếu ngày mai bạn thức dậy với tình thương dành cho… chính mình.”
Bạn có thể sử dụng từ tưởng tượng để đưa khán giả vào câu chuyện của mình, hoặc gợi cho họ hình dung lại quá khứ hay hướng đến tương lai. Khi đưa mọi người vào câu chuyện của mình, bạn cần thể hiện mức độ chi tiết sao cho thu hút được cả năm giác quan. Tuy nhiên, nếu bạn đang cố gắng khiến khán giả nghĩ về bản thân họ, thì đừng cung cấp chi tiết mà hãy để họ tự do khám phá suy nghĩ của mình.
Trong lần phát biểu sắp tới, hãy yêu cầu khán giả tưởng tượng ít nhất hai lần. Ở đầu bài nói chuyện, hãy làm điều đó bằng cách dẫn dắt từng cá nhân bước vào một câu chuyện sống động và khơi gợi nhiều giác quan. Ở phần kết, bí quyết chính là mời gọi khán thính giả tưởng tượng ra tương lai của họ nếu thực hành theo thông điệp của bạn. Hãy tưởng tượng bài diễn thuyết của bạn sẽ truyền cảm hứng nhiều như thế nào…
BÍ QUYẾT 54: Tổn thương và bộc lộ cảm xúc, nhưng đừng mất kiểm soát
Có một quy luật bất thành văn, đó là khi chúng ta trưởng thành và đi làm, chúng ta phải trở thành những người máy hoàn hảo, không bộc lộ cảm xúc ra ngoài. Tuy nhiên, khi ở bên người mình yêu thương, chúng ta sẽ cho phép dòng cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực tuôn chảy tự do. Sự cởi mở này là nền tảng cho mối liên kết sâu sắc ràng buộc chúng ta với nhau.
Những diễn giả để lại ấn tượng sâu sắc và lâu dài nhất là những người đối đãi với thính giả của họ như bạn bè thân thiết. Họ cho phép bản thân tiến sát giới hạn kiểm soát cảm xúc bằng cách hồi tưởng lại những khoảnh khắc vui sướng và yếu đuối nhất của mình trên sân khấu. Amanda Palmer đã làm xuất sắc điều này; tuy nhiên, bài phát biểu của Jill Bolte Taylor mới là ví dụ tốt hơn cả. Khi gửi gắm những lời cuối cùng, giọng chị bắt đầu vỡ ra và nước mắt tuôn rơi. Khi khán giả đồng loạt đứng dậy, nhà tổ chức Chris Anderson bước ra và ôm lấy Taylor động viên. Chị đã trao hết tất cả những gì mình có để chia sẻ ý tưởng đáng lan tỏa của mình.
Trên đây là hai ví dụ mà diễn giả nữ diễn thuyết trong giới hạn cảm xúc của mình – phải chăng đây là nguyên tắc không thể áp dụng với nam giới? Do chuẩn mực văn hóa, nam giới cần nỗ lực hơn nữa để bộc lộ những cảm xúc giúp kết nối họ với khán giả.
Ngày 15 tháng Một năm 2009, chuyến bay số hiệu 1549 của hãng US Airway chở hơn 155 người đã gặp phải một đàn ngỗng trời Canada và mất kiểm soát cả hai động cơ khi mới cất cánh từ phi trường La Guardia thuộc thành phố New York. Tuy câu chuyện kết thúc có hậu khi phi hành đoàn đã bình tĩnh đáp xuống bờ sông Hudson, nhưng tất cả mọi người trên chuyến bay đã trải qua sáu phút sợ hãi khủng khiếp. May mắn sống sót sau tai nạn máy bay đó, chỉ hai năm sau, Ric Elias đã có cơ hội chia sẻ câu chuyện trên TED (dàn ý cho bài diễn thuyết của anh được trình bày trong Bảng 8.2). Anh đã gợi lên nhiều cảm xúc khi nói về gia đình:
Và nỗi buồn đó thật sự đã đóng khung [mọi thứ] trong một suy nghĩ, rằng tôi chỉ mong ước một điều duy nhất. Tôi chỉ ước mình còn có thể chứng kiến các con trưởng thành.
Khi nói những lời này, giọng của anh dịu lại và bài phát biểu của anh cũng chậm hơn – đó là lúc anh ngưng lại để tập hợp cảm xúc và tiếp tục trình bày. Đó là những cảm xúc chân thực chứ không phải giả tạo, và chúng đã biến thành khoảnh khắc quyết định trong bài nói chuyện của anh. Đó là khi anh củng cố mối ràng buộc cho phép khán giả chấp nhận ý tưởng đáng lan tỏa của anh.
Chương tiếp theo sẽ bàn sâu hơn về việc sử dụng ngôn ngữ sáng tạo để truyền cảm hứng.
Bảng 8.2. Dàn ý bài diễn thuyết 3 things I learned while my plane crashed (tạm dịch: Ba điều tôi học được trên chiếc máy bay rơi) của Ric Elias
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.