Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà Và Ở Trường

Chương 4: Cùng Nhau Giải Quyết Vấn Đề



SÁU BƯỚC KHUYẾN KHÍCH TRẺ SÁNG TẠO VÀ TẬN TÂM

Vào ngày cuối cùng của năm học đầu tiên tôi đi dạy, Tasha – một học sinh vẫn thường nói chuyện lớn tiếng trong lớp – bảo với tôi rằng, “Cô quá dễ dãi với tụi em. Cô để cho tụi em muốn làm gì thì làm, thế mà chẳng đứa nào bị gì hết.”

Tôi bật cười bảo, “Sao bây giờ em mới nói?”

Nó trả lời, “Vì nếu nói sớm thì em đâu có được sướng đến vậy.”

Cả hai cùng mỉm cười khi Tasha tung tăng ra khỏi lớp, nhưng khi nó vừa đi khuất là nụ cười trên môi tôi vụt tắt. Chẳng lẽ Tasha nói đúng? Tôi đã để cho học sinh tự do quá trớn mà chẳng chấn chỉnh gì sao? Có lẽ thế. Tôi đã quyết chí không dùng đến những cách trừng phạt, để được học sinh yêu mến, Thậm chí còn bỏ qua những điều mà tôi cho là vặt vãnh – học sinh ngắt lời nhau, châm chọc nhau, hoặc nói dóng lên từ dãy bên này sang dãy bên kia. Tại sao phải phá hỏng một tiết học thú vị bằng cách thổi phồng đôi ba lỗi vi phạm vụn vặt như thế? Nhưng chẳng phải Tasha vừa cho tôi biết rằng nó đã lợi dụng niềm khao khát được “dễ mến” của tôi đấy sao? Và chắc chắn nó không phải là đứa duy nhất làm như thế.

Tôi quyết tâm năm sau sẽ nghiêm khắc hơn, sẽ áp đặt quy định ngay ngày đầu tiên vào lớp và khắt khe ép buộc học sinh phải tuân thủ. Nhưng chỉ sau vài tuần của tháng Chín, tôi thấy mình lại bắt đầu rơi vào tình trạng dễ dãi. Chẳng hạn, theo ý kiến của tôi, một tiết thảo luận tốt phải là một tiết học để cho học sinh được tự do hăng hái trao đổi, bày tỏ ý kiến riêng của mình. Nếu có em nào đấy ngang nhiên ngắt lời bạn khác thì cũng chẳng phải lỗi gì lớn lắm. Em nào không đồng tình với ý kiến mà nó vừa nghe được, và trong lúc hăng tiết đã cười khẩy, bảo đứa kia là “đồ ngu”, tôi cũng cho qua. Thế nhưng, khi tình trạng tranh nhau phát biểu và chê bai nhau tăng dần, giờ thảo luận của lớp tôi nhanh chóng biến thành một trận cãi vã kịch liệt.

Tuy nhiên, tôi vẫn không nỡ làm nguội nhiệt huyết của các em bằng những lời nhắc nhở nghiêm khắc, la rầy hay khiển trách. Có lẽ tôi quá ngây thơ nên mới mong mỏi rằng đến một lúc nào đó, học sinh sẽ tự nhận thấy chúng nên cư xử với nhau tốt hơn. Nhưng đột nhiên tôi ngộ ra rằng, chính tôi mới là người phải ý thức được điều đó. Học sinh sẽ không thay đổi, trừ phi giáo viên của chúng thay đổi. Chúng cần có người dạy cho chúng những kỹ năng giao tiếp xã hội cơ bản, và cương quyết bắt chúng phải dùng những kỹ năng ấy. Nhưng tôi làm điều đó bằng cách nào đây?

Tôi nghĩ đến chương “Giải quyết vấn đề” trong quyển How To Talk So Kids Will Listen and Listen So Kids Will Talk . Lý thuyết cho rằng, khi cha mẹ và trẻ cùng nhau xem xét và tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó, trẻ thường hăng hái, sốt sắng biến những giải pháp đã nêu thành hiện thực hơn là cha mẹ chúng.

Đây là một ý kiến rất thú vị. Tôi nghiên cứu từng bước của quy trình giải quyết vấn đề, rồi viết ra những ứng dụng riêng, để áp dụng vào lớp học của mình:

• Lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của học sinh.

• Tóm tắt những quan điểm của chúng.

• Bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của mình.

• Mời gọi cả lớp cùng suy nghĩ để tìm ra giải pháp.

• Viết tất cả các ý kiến ra – không đánh giá.

• Cùng nhau quyết định xem sẽ dùng ý kiến nào và sẽ lập kế hoạch thực hiện ý kiến ấy ra sao.

Khi rà soát lại sáu bước đó, bất giác tôi cảm thấy sửng sốt vô cùng. Liệu tôi có khả năng lèo lái lớp học qua được cái quy trình dài và phức tạp này không? Nhưng rồi tôi lại nghĩ, biết đâu nó chẳng khó như ta thoạt tưởng thì sao? Tôi thầm nhủ, “Về cơ bản, quan trọng là bọn trẻ chịu bày tỏ cảm xúc của chúng, còn mình sẽ bày tỏ cảm xúc của mình, sau đó tất cả cùng nhau bàn bạc để tìm ra giải pháp.” Chắc chắn việc này rất đáng cho ta thử. Và dưới đây là tranh minh họa những diễn biến chính đã xảy ra trong lần đầu tiên tôi thử áp dụng phương pháp cùng nghĩ cách giải quyết vấn đề với học sinh của mình.

 

 

 

 

Cái buổi cùng nhau giải quyết vấn đề ấy rốt cuộc đã dẫn đến những thay đổi quan trọng. Số lần các em ngắt lời nhau giảm xuống đáng kể. Em nào vẫn có thói quen ngắt lời bạn cũng sực nhớ ra và tự nói, “Í quên!” hoặc “Xin lỗi!” rồi lịch sự chờ đến lượt mình. Nhưng kết quả đáng khích lệ nhất đối với tôi là bọn trẻ đã bắt đầu tự canh chừng lẫn nhau, xem đứa nào ứng xử thiếu tôn trọng hơn. Hễ câu “Đồ ngu!” vừa vọt ra là lập tức bị chặn ngay lại bằng những tiếng rên nhắc nhở của cả lớp. Thường thì “thủ phạm” sẽ cười lỏn lẻn, nhìn lên bảng và tự động đọc, “Tớ không nghĩ như vậy!” Tất cả cùng cười ồ lên, dù đấy chỉ là lời học vẹt, nhưng những cụm từ mới cũng đã làm thay đổi bầu không khí thảo luận. Sung sướng biết bao khi tôi không còn phải lo đóng vai “nữ cảnh sát dẹp loạn” nữa. Lũ học trò nhỏ của tôi đã chịu trách nhiệm tự giám sát lẫn nhau.

Quá tự hào về sự nhiệt tình dâng cao, cùng với bầu không khí tự chủ mới mẻ của học sinh đến nỗi trong buổi “Họp phụ huynh”, tôi quyết định sẽ thông báo cho cha mẹ các em biết. Sau khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, tôi chào các phụ huynh và trình bày những dự kiến của mình trong học kỳ sắp tới. Tiếp theo, chỉ lên khung “Dùng lời tôn trọng” viết bằng phấn trên bảng, tôi nêu vấn đề mà cả lớp đã mắc phải và cô trò tôi đã dùng cách gì để giải quyết vấn đề ấy.

Các phụ huynh rất chú ý. Liền sau đó là một làn sóng những lời bình luận và hỏi thăm:

“Tôi vừa dự một hội thảo huấn luyện về việc quản lý, cùng những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, những điều họ dạy rất giống với cách mà cô vừa nêu đấy.”

“Xem ra tôi có thể áp dụng điều này bọn trẻ ở nhà đây.”

“Chắc tôi chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn để đi hết những bước đó với đám con tôi quá.”

“Giả sử bọn trẻ chẳng thèm để tâm nghĩ đến việc tìm giải pháp thì sao?”

“Nếu chúng nó nghĩ ra một ý kiến ngớ ngẩn hoặc nguy hiểm, thì cô sẽ làm gì?”

“Điều gì sẽ xảy ra nếu cô tán đồng một kế hoạch, nhưng khi làm thì bọn trẻ lại không theo như thỏa thuận? Sau đó sẽ thế nào?”

Rõ ràng, tất cả các phụ huynh đều muốn tìm hiểu kỹ hơn về cách giải quyết vấn đề. Tôi giải thích rằng tôi không có kinh nghiệm ứng dụng phương pháp này với tư cách là một phụ huynh, nhưng nếu mọi người quan tâm thì tôi rất sẵn lòng chia sẻ những gì tôi đã khám phá được trong vai trò là một giáo viên. Họ rất quan tâm. Tôi bắt đầu giải thích rằng, càng thử nghiệm sáng kiến giải quyết vấn đề, tôi càng nhận ra mình cần phải đầu tư suy nghĩ sao cho đạt hiệu quả hơn. Dưới đây là những điểm nổi bật mà tôi đã đúc kết được thông qua việc “thử và sai”, nhằm để chia sẻ với các bậc phụ huynh:

Đừng bao giờ dùng phương pháp giải quyết vấn đề nếu quý vị cảm thấy mình đang nóng nảy hay rối trí . Để tháo gỡ thành công một vấn đề khó, ta cần phải có thời gian, một cái đầu tỉnh táo và một tâm trạng thoải mái.

Bước thứ nhất – lắng nghe bọn trẻ nói – là quan trọng nhất. Ban đầu tôi thường hay lướt qua bước đầu tiên để mau mau tiến tới “phần hay nhất” phần động não, nhằm nghĩ ra càng nhiều giải pháp càng tốt.

Học sinh: Thưa cô Lander, em bị điểm D bài kiểm tra môn xã hội!

Tôi: Ồ, thế em sẽ làm gì để không bị điểm D nữa? Các em khác có ý kiến gì không?

Để từ đó tôi nghiệm ra rằng, bọn trẻ chỉ sẵn lòng tìm giải pháp sau khi cảm xúc của chúng đã được ta thừa nhận:

Tôi: Cô biết em đang rất buồn về điểm kiểm tra. Chúng ta cùng xem lại các câu trả lời trong bài làm của em nào. Có lẽ em sẽ nói cho cô biết là em đang nghĩ thêm những gì.

Quý vị hãy bày tỏ cảm xúc của mình thật ngắn gọn. Bọn trẻ chỉ có thể chú ý lắng nghe một câu tường thuật ngắn gọn về việc tôi cảm thấy gì, thế nên chúng sẽ lơ là nếu tôi cứ kề cà nói những điều khiến tôi lo âu, thất vọng, hay tức giận.

Chống lại sự thôi thúc muốn đánh giá ngay những đề xuất của bọn trẻ. Tôi phải khó khăn lắm mới kìm nén được những lời bình luận khi bọn trẻ nêu ra những giải pháp “chẳng đâu vào đâu”. Cái lần tôi buột miệng, “Làm sao mà thực hiện được!” cũng chính là lần toàn bộ quy trình giải quyết vấn đề bị ngưng lại. Bởi vì sau đó, chẳng em nào chịu đưa ra một giải pháp nào nữa. Nếu muốn bánh xe sáng tạo quay đều thì quý vị phải đón chào mọi ý kiến – cho dù chúng có kỳ quặc tới đâu, “Được rồi, ai ngắt lời bạn sẽ bị dán băng keo miệng cả tuần luôn. Cô ghi lại đây nhé. Còn ý kiến nào nữa không?”

Bảo đảm lên kế hoạch thực hiện quyết định cuối cùng. Tôi phải học cách không cho phép mình ngủ quên trong ánh hào quang, nhằm giúp các em dễ dàng thực hiện một giải pháp tuyệt vời nào đó. Những dự định hay ho nhất cũng sẽ trôi tuột đi mất nếu như mọi người không cùng thống nhất một phương pháp, nhằm đưa phương pháp đó vào hành động, sau đó sẽ quyết định xem ai chịu trách nhiệm ở công đoạn nào.

Đừng nản chí nếu kế hoạch thất bại. Ta rất dễ sa vào việc quở trách một khi học sinh nào đấy không chịu theo đuổi đến cùng kế hoạch của lớp hay nhóm mà nó tham gia. Có lúc tôi đã làm thế, và không khí lớp học bỗng trở nên ảm đạm, còn học sinh chỉ chực chờ có dịp để chống đối. Cuối cùng, tôi mới vỡ lẽ ra rằng mình nên sắp xếp một cuộc họp khác, để tìm hiểu xem kế hoạch bị trục trặc ở khâu nào và tìm cách điều chỉnh nó. Nói cách khác, trong thời gian một tiết học để giải quyết vấn đề rất có thể không đủ. Và bằng cách làm lại từ đầu quy trình này, quý vị có thể tìm ra câu trả lời đã bị bỏ lỡ trong lần họp trước.

Tôi vừa kết thúc bài trao đổi kinh nghiệm dài lê thê của mình thì chuông reo hết giờ. Một số phụ huynh rời lớp để đi gặp giáo viên khác, nhưng một số khác vẫn nán lại và tập trung quanh bàn tôi để trao đổi thêm.

Một phụ huynh hỏi, “Em à, phương pháp mà em vừa nêu đó có thể giúp giải quyết vấn đề làm bài tập về nhà của bọn trẻ không?”

“Chị cũng rất quan tâm đến vấn đề này,” một bà mẹ tiếp lời, “bởi vì hễ Lara nhà chị đi học về là chị lại tối mắt tối mũi với đống bài tập về nhà của nó.”

Lời thổ lộ của phụ huynh khiến tôi bối rối. “ Chị bận rộn với đống bài tập về nhà của cháu ấy ạ?” tôi hỏi lại.

“Thì cũng có lúc này lúc khác, nhưng chẳng phải cha mẹ nên giúp con cái làm bài tập về nhà sao em?”

“Giúp như thế nào hả chị?” tôi hỏi.

“À… khi Lara đi học về, chị bắt nó cho chị xem bài cô giáo cho về nhà, rồi cùng làm với nó, giúp nó soạn bài. Mới hồi chiều này, chị đã đưa Lara tới thư viện và chọn vài quyển sách hay cho bài thu hoạch về Eleanor Roosevelt [1] ”.

Tôi choáng váng khi nghe điều ấy. Lara là một học sinh khá giỏi. Mục đích của việc giao bài tập về nhà là nhằm tạo cơ hội cho em, cũng như những học sinh khác, biết tự sắp xếp thời gian của mình để học cách làm việc độc lập và rèn luyện óc phán đoán. Cố khéo léo hết sức, tôi nói, “Theo ý kiến của em, chúng ta chỉ nên giúp bọn trẻ một cách gián tiếp thôi. Chẳng hạn, thu xếp một chỗ yên tĩnh, có ánh sáng tốt cho chúng học bài, thêm vào một quyển từ điển, một ít đồ ăn vặt nếu chúng đói, và chỉ ở bên cạnh khi chúng cần hỏi điều gì đó.”

Mẹ Lara nhướng mày nhìn tôi. Rõ ràng lời phát biểu ngắn gọn ấy chẳng thuyết phục chị ấy chút nào. Tôi cố nhớ lại xem cha mẹ đã làm gì với chị em tôi khi chúng tôi còn nhỏ. Làm bài tập về nhà được coi là việc quan trọng nhất trong gia đình tôi, một ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi duy trì nề nếp này: mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, hai chị em tự giác lau sạch bàn ăn, ngồi xuống đó, bày sách vở giấy bút ra và làm bài tập về nhà. Chúng tôi không có mảy may thắc mắc, rằng nên hay không nên làm bài tập về nhà. Vì đơn giản đó là “giờ làm bài tập về nhà”.

Thế rồi tôi liền hỏi to lên, “Chị cảm thấy thế nào nếu có thể tạo nề nếp học buổi tối cho Lara? Em thấy con bé có thể tự học một mình trong phòng riêng, hoặc ở đâu đó gần chỗ chị, rồi dần dần chị sẽ tách ra và để Lara tự lo bài tập của mình.”

“Nếu được như thế thì nói làm gì,” giọng mẹ Lara hơi cáu kỉnh. “Tôi mà không theo sát là nó chẳng chịu làm bài tập đâu. Nó…”

“Đừng cố viện lý do nữa chị ạ,” một phụ nữ khác ngắt lời, “tôi thì tôi nghĩ là chị đã không cương quyết với con đấy. Tôi từng bị ám ảnh về việc phải làm bài tập về nhà mỗi tối, vì mẹ tôi cứ lượn lờ bên cạnh để biết chắc rằng tôi đã làm hết và làm đúng cả đống bài tập. Thỉnh thoảng bà còn giằng lấy tập vở rồi làm luôn cho tôi. Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu có thói quen sẽ không làm bài tập về nhà nếu không có mẹ bên cạnh. Ở mức độ nào đó, tôi nghĩ rằng mẹ đã chịu trách nhiệm giùm cho tôi rồi, thế nên tôi chẳng cần phải lo nữa. Đó cũng chính là lý do khiến tôi có chủ trương ‘không can thiệp vào bài tập về nhà’ của con gái mình.”

Mẹ Lara lộ vẻ lúng túng, “Ý chị là không bao giờ giúp con làm bài tập về nhà á?”

“Đúng thế, nếu con bé gặp khó khăn gì, tôi sẽ lắng nghe xem nó mắc mứu ở chỗ nào và cố gỡ bí cho nó. Nhưng lần thứ hai mà nó vẫn còn tắc tị như thế nữa, tôi sẽ bỏ mặc nó luôn. Tôi muốn con mình hiểu rằng nó mới là người phải chịu trách nhiệm về bài tập về nhà của nó, và về cơ bản, nó có khả năng tự làm một mình.”

“Thế thì con chị giỏi quá,” mẹ Lara khăng khăng. “Nhưng nếu con bé không làm được thì sao?”

Không chần chừ, bà mẹ kia đáp luôn, “Thế thì nhờ đến sự giúp đỡ từ bên ngoài – gia sư, sinh viên – hay bảo nó gọi cho bạn học chung lớp. Bất cứ cách nào, miễn là tránh để cha mẹ tham gia rồi ‘sa lầy’ vào bài tập về nhà của con cái.”

Một phụ huynh lắng nghe nãy giờ gật gù tỏ ra đồng ý.

“Anh đang nghĩ gì thế ạ?” tôi hỏi ông.

“Tôi đang nghĩ tới cha tôi. Ông ấy đã từng rất đau khổ vì tôi học kém môn toán. Cuối cùng, ông quyết định sẽ là thầy dạy toán cho tôi. Hằng đêm, cha tôi bắt tôi ngồi bên cạnh, lắng nghe ông giảng giải dài dòng. Ông luôn bắt đầu một cách kiên nhẫn, nhưng khi tôi vẫn không nắm được bài thì ông nổi sùng lên và giảng lại từ đầu – to tiếng hơn. Có thể cha tôi đã giúp tôi khá môn toán lên một chút, nhưng chắc chắn điều ấy chẳng giúp cho tình cảm cha con tôi thắm thiết hơn. Chính vì vậy mà tôi rất rạch ròi với thằng Tim nhà tôi, rằng bài tập về nhà là việc của nó, nó phải tự lo liệu lấy như tôi phải lo liệu công ăn việc làm của tôi vậy.”

Một phụ huynh khác liền vặn lại, “Nhưng giả sử thằng Tim không nhìn nhận giống như anh thì sao?”

“Thật ra thì năm ngoái nó đã hành tôi một trận lao đao. Khi Tim gia nhập đội bóng, thì đá bóng trở thành việc quan trọng nhất đời nó, và tôi nhận được thư của giáo viên báo rằng nó không làm bài tập về nhà.”

“Rồi anh nói gì với Tim?” mẹ Lara hỏi.

“Quả thực tôi không nói gì với nó cả. Tôi hẹn gặp giáo viên của nó để trao đổi. Tôi cảm ơn cô giáo vì đã thông báo cho tôi biết sự việc, nhưng tôi có một đề nghị với cô ấy. Quá rõ tính Tim nên tôi biết nếu nó nhận được thư của cô giáo, thay vì bài giảng đạo đức khô khan của tôi, thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Sau đó, tôi đưa cho cô ấy năm tờ giấy đánh máy sẵn, với nội dung thế này:

Tim thân mến,

Em vẫn còn mắc nợ những bài tập sau đây:

Ngày tháng năm: ……………………………………………………..

Từ giờ cho đến sáng mai, em vui lòng cho cô biết khi nào thì cô nhận được bài làm của em nhé!

Thân mến

“Tôi cũng đưa cho cô ấy năm con tem, năm cái bì thư ghi sẵn địa chỉ, và tôi bảo rằng tôi rất biết ơn vì sự giúp đỡ của cô ấy.”

Tất cả chúng tôi đều chăm chú nhìn ông, nóng lòng muốn biết chuyện gì xảy ra sau đó.

“Lá thư đầu tiên khiến Tim ngạc nhiên, nhưng nó cố lờ bức thư đi. Rồi khi lá thư thứ hai được gửi đến thì Tim nhận ra rằng giáo viên của nó rất nghiêm túc, và nó bắt đầu làm bài tập về nhà. Rồi kể từ đó, nó luôn nhớ làm bài tập.”

“Hay quá,” mẹ Lara thán phục, “thế là anh đã giải quyết dứt điểm được vấn đề rồi.”

“Ôi không đâu, chỉ có lần đó thôi. Nhưng học kỳ này, tôi lại vướng phải một vấn đề khác. Dạo này Tim hay để bài tập về nhà đến phút chót mới làm, và thức khuya lơ khuya lắc đến mấy tiếng liền để cố làm cho xong hết. Tôi luôn nhắc nó phải làm từ sớm, nhưng nó cứ viện hết lý do này đến lý do khác. Nào là em gái quấy rầy, nào là nó phải làm mô hình máy bay, nào là phải xem chương trình truyền hình mà nó yêu thích.”

Mẹ Lara quay qua tôi, “Lander à, em vừa mới trình bày với chúng tôi về phương pháp giải quyết vấn đề. Vậy em thử coi phương pháp đó có hiệu quả với Tim không?”

“Có lẽ,” tôi nói, bất giác thầm ước gì có Jane ở đây để giúp mình.

Cha của Tim nhăn mặt, “Thế chính xác cô định làm gì với vấn đề này?”

Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía tôi. Tôi đề nghị cha của Tim mô tả lại những điều thường xuyên xảy ra khi anh nhắc con phải làm bài tập về nhà sớm hơn. Sau đó tất cả chúng tôi cùng thảo luận những tình huống giả định, rằng nếu Tim và cha cậu cùng ngồi xuống và giải quyết vấn đề thì kết quả sẽ thế nào. Dưới đây là hai tình huống mà chúng tôi tưởng tượng ra:

 

 

 

 

 

Vài ngày sau cuộc họp phụ huynh đó, tôi nhận được điện thoại của cha Tim.

Anh ấy muốn kể cho tôi nghe điều gì đã xảy ra khi anh nói chuyện với con trai mình. “Mọi việc diễn ra hầu như rất sát với những gì chúng ta đã tưởng tượng. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ cái thời gian biểu do Tim lập ra. Nó cho phép mình xem tivi những hai tiếng đồng hồ và đi ngủ lúc mười một giờ. Tôi bảo, như vậy là không được. Thế là hai ba con dò lại thời gian biểu và tôi giúp con điều chỉnh một chút. Cuối cùng cả hai thỏa thuận, Tim làm bài tập về nhà sớm hơn nửa tiếng, được xem tivi một tiếng và đi ngủ lúc chín rưỡi, mười giờ sẽ tắt đèn.

Nhiều tuần nữa trôi qua, tôi đã hiểu và đánh giá phương pháp giải quyết vấn đề sâu sắc hơn. Tôi bắt đầu nhận thấy quy trình này đem lại những lợi ích lâu dài còn lớn hơn cả sự khen thưởng trước mắt, vì nó giữ cho lớp học yên lặng hơn, và bởi nó đã giải quyết được một vấn đề dây dưa ở nhà. Khi mời bọn trẻ cùng nghĩ cách giải quyết vấn đề là chúng ta đã truyền tới chúng một thông điệp mạnh mẽ:

“Cô tin em.”

“Cô tin vào đầu óc thông minh và sáng tạo của em.”

“Cô đánh giá cao sự đóng góp của em.”

“Cô thấy mối quan hệ giữa chúng ta không phải là người lớn có quyền áp đặt trẻ con, mà là người lớn và trẻ con cùng bình đẳng về lòng tự trọng, chứ không phải về khả năng và kinh nghiệm.”

Nếu có điều gì đó nảy sinh từ con cái chúng ta, cả hiện giờ lẫn tương lai, thì đó chính là cái có tên gọi “vấn đề” – đôi khi, các vấn đề cứ xảy ra liên tiếp. Nhưng bằng cách dạy bọn trẻ phương pháp giải quyết, chỉ cho chúng cách chia ra thành những phần việc có thể quản lý được, rồi động viên khuyến khích chúng dùng tài năng của chính mình để giải quyết vấn đề, là ta đang tập cho trẻ những kỹ năng mà chúng có thể sử dụng suốt đời.

GHI NHỚ

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

ở nhà và ở trường

1. Hãy nghe cảm xúc và nhu cầu của trẻ.

Người lớn: Con buồn vì bị điểm kém môn tiếng Tây Ban Nha hả con?

Trẻ: Vâng! Con buồn đến phát khóc mẹ ơi! Con chỉ viết đúng có mười hai trên hai mươi từ, trong khi tối qua con đã học mất cả tiếng đồng hồ.

2. Tóm tắt quan điểm của trẻ.

Người lớn: Chán thật đấy! Đã cố học thế rồi mà vẫn quên mất mấy từ!

3. Hãy bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của bạn.

Người lớn: Mẹ lo lắm, nếu không nhớ được những từ cơ bản, thì càng ngày con sẽ càng bị tụt lại mất.

4. Khuyến khích trẻ cùng động não với mình để tìm ra giải pháp.

Người lớn: Mẹ nghĩ thế này, nếu mẹ con mình cùng suy nghĩ thì có thể sẽ tìm ra nhiều cách học mới hiệu quả hơn đấy. Con thấy sao?

5. Viết tất cả những ý kiến ra – không đánh giá.

Trẻ: Bỏ học tiếng Tây Ban Nha luôn.

Người lớn: (viết) Rồi! Còn gì nữa?

Trẻ: Có lẽ con sẽ…

6. Cùng nhau quyết định xem ai không thích ý kiến nào, có thể thực hiện ý kiến nào và lập kế hoạch thực hiện ra sao.

Người lớn: Làm một tờ phiếu có tranh vẽ và chỉ học bốn từ mỗi tối thôi, có được không?

Trẻ: Được ạ! Nhưng con thích đọc vào băng cassette rồi nghe đi nghe lại như vậy dễ thuộc hơn.

NHỮNG THẮC MẮC, CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH VÀ GIÁO VIÊN

Những thắc mắc của phụ huynh

1. Theo phương pháp giải quyết vấn đề, ta nên bắt đầu bằng cách lắng nghe quan điểm của trẻ. Nhưng nếu đảo lộn các bước, để người lớn bày tỏ trước những điều khiến họ bức xúc thì có gì sai không?

Cũng có thể được. Tuy nhiên, có những trẻ sẽ chuyển sang thái độ phòng thủ và càng ương bướng hơn khi người lớn bắt đầu bày tỏ cơn giận dữ. Trẻ sẽ dễ dàng hiểu và quan tâm đến quan điểm của người lớn một khi người lớn thể hiện sự quan tâm thật lòng và thừa nhận cảm xúc của chúng.

2. Tôi thường bắt đầu việc giải quyết vấn đề với các con bằng những ý định tốt đẹp nhất, tuy nhiên, khi đến bước bày tỏ cảm xúc của mình, tôi thấy thật khó để không đổ lỗi và buộc tội chúng. Tiến sĩ có ý kiến gì về điều này không?

Có một cách để tránh chuyện đổ lỗi cho trẻ là không dùng từ “con” hay “các con” làm chủ ngữ. Cố gắng đừng nói, “ Các con không bao giờ… Con luôn luôn… Con rắc rối ở chỗ…” mà hãy dùng từ “ba” hoặc “mẹ” thay cho từ “con”. Chẳng hạn, “ Ba cảm thấy thế này. Ba rất bực mình khi… Điều ba muốn thấy là…” Nếu không cảm thấy mình bị tấn công thì trẻ có thể lắng nghe cảm xúc của bạn, thay vì “xù lông nhím lên” mà cố thủ.

3. Tôi nhận thấy nhiều lần là cứ hễ bắt đầu tới bước cùng các con suy nghĩ thì y như rằng chúng quay sang buộc tội tôi. Chẳng hạn, khi tôi đề nghị, “Hay mình làm cái này và cái này đi,” thì chúng nhao nhao lên, “Thôi, thôi. Nhớ lần trước ba đã…,” và thế là mấy cha con lại sa vào một trận tranh luận, cãi cọ về điều gì đã từng xảy ra. Có cách nào để tránh chuyện này không?

Nếu thấy lũ trẻ bắt đầu kể tội bạn, bạn có thể hướng chúng quay lại vấn đề bằng những câu đại loại như, “Thôi, chúng ta đừng đổ lỗi cho nhau vì chuyện quá khứ nữa. Hiện giờ chúng ta chỉ cần có mỗi một thứ là giải pháp cho tương lai thôi.”

4. Tôi gặp phải một tình huống mà chẳng thể nào dùng phương pháp giải quyết vấn đề để tháo gỡ được. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, ba đứa con nuôi của tôi cứ thay nhau mách với tôi là ở trường có đứa bắt nạt, hoặc chửi bới, hoặc giễu cợt chúng về chuyện giày dép, tóc tai, mắt kính. Tôi đã bảo chúng là đừng có để ý đến những chuyện vớ vẩn đó làm gì cho mệt. Tôi còn có thể làm gì khác không?

Bạn không nên làm ngơ trước nỗi đau của trẻ. Một đứa trẻ bị tổn thương cần biết rằng có người hiểu được tâm trạng của nó. Nó cần một người lớn chịu hiểu và thừa nhận nó đang sợ như thế nào hoặc đau đớn ra sao khi bị người khác tấn công – về thể xác hoặc tinh thần, về cảm xúc hoặc bất cứ điều gì.

Sau khi tỏ ra thông cảm với một đứa, bạn có thể tranh thủ sự ủng hộ của những đứa còn lại. Có thể mở cuộc họp gia đình để cả nhà bàn bạc vấn đề với nhau. Mọi người có thể bàn luận bất kỳ một hoặc tất cả những câu hỏi sau:

• Sự việc xảy ra với Chul Su có bao giờ xảy ra với các con không? Các con đã phản ứng thế nào?

• Các con có thể làm gì khi có kẻ trêu ghẹo mình? Giả bộ không nghe thấy? Đổi đề tài? Chịu đựng? Dùng óc hài hước để trả đũa địch thủ? (“Ờ, đó là kiểu tóc tàu sân bay đấy. Như vậy nó mới ngự trên đầu tao được chứ.”)

• Các con sẽ làm gì nếu bị đánh? Có kêu cứu không? Hoặc đánh lừa địch thủ bằng cách la lên, “Coi chừng đằng sau kìa!” rồi chạy càng nhanh càng tốt? Hoặc là dọa cái đứa hay bắt nạt kia rằng con đang mắc một căn bệnh cực nguy hiểm và dễ lây lan? Hoặc là đi học karate?

• Nghĩ xem ai có thể giúp các con chấm dứt những trò chọc ghẹo, bắt nạt đó? Giáo viên? Hiệu trưởng? Cha mẹ nuôi của các con? Hay cha mẹ của kẻ bắt nạt?

Sau khi viết ra tất cả những giải pháp nảy sinh từ cuộc thảo luận gia đình, bọn trẻ có thể lần lượt tập luyện bằng cách chơi trò đóng vai – một đứa làm kẻ bắt nạt và đứa khác giả làm đứa bị trêu ghẹo. Kết thúc cuộc thỏa luận, bọn trẻ có thể cảm thấy mình được truyền thêm sức mạnh – cả trong tư cách cá nhân lẫn trên cương vị gia đình.

Chuyện kể của phụ huynh

Chuyện đầu tiên của một bà mẹ đã dùng phương pháp giải quyết vấn đề để giải tỏa áp lực cho mình, đồng thời giúp con cái trở nên có trách nhiệm hơn.

Năm ngoái, ba cô con gái của tôi (đứa sáu tuổi, đứa tám tuổi, đứa mười hai tuổi) thi nhau đòi phải có giày “thích hợp”, quần áo “thích hợp” và đồ dùng “thích hợp” cho năm học mới. Chúng mè nheo quá sức, đến nỗi tôi xuôi lòng để mình bị cuốn vào việc mua sắm quá đà, vượt ngoài khả năng trang trải chi tiêu trong gia đình.

Năm nay, khi những mẩu quảng cáo trở-lại-trường vừa xuất hiện trên báo là tôi quyết định phải ngăn chặn bọn trẻ trước. Tôi mở một cuộc họp gia đình và yêu cầu chúng viết ra tất cả những thứ mà chúng cảm thấy là vô cùng cần thiết cho năm học mới. (Chúng tôi cũng thảo ra một danh sách “mong ước” những thứ chúng muốn mua, nếu gia đình trúng xổ số). Sau đó tôi bảo bọn trẻ, một cách thẳng thắn, về việc cần phải tập thói quen chi tiêu tiết kiệm trong hoàn cảnh tiền bạc eo hẹp, để cả nhà còn có cơ hội được hưởng những thứ không thể thiếu trong cuộc sống – như là có thức ăn và có mái nhà che mưa che nắng.

Mới đầu bọn trẻ phản đối, nhưng một hồi sau thì chúng lần lượt nêu ra những đề xuất – mọi thứ, từ việc dễ như “Chúng ta sẽ làm bánh quy và bán cho hàng xóm,” đến việc khó như “Chúng ta có thể tự may quần áo, nhưng mẹ phải mua một chiếc máy may.” Cuối cùng, giải pháp có vẻ hấp dẫn chúng nhất là ý kiến của Jessica, mười hai tuổi, “Mẹ cứ đưa tiền cho tụi con, và tụi con sẽ tự xoay xở lấy.” Con bé còn xung phong giúp các em tiêu xài “ngân quỹ” của chúng sao cho hợp lý.

Tôi đồng ý, tuy trong bụng vẫn còn hoài nghi. Tôi không chắc hai đứa nhỏ có hiểu ra được bản chất thực sự của các giải pháp mà chúng nêu hay không, nhưng việc đó đã thật sự có tác động lớn đến Jessica. Khi tôi giúp Jessica đi mua áo lạnh và chỉ cho nó xem một chiếc áo màu xanh da trời, cháu xem ngay bảng giá và nói, “Mẹ, thật không thể tin nổi! Nó mắc khủng khiếp!”

✳ ✳ ✳

Câu chuyện tiếp theo của một bà mẹ phải đối phó với nỗi lo lắng của đứa con gái ba tuổi.

Tất cả những bà mẹ khác đều thả con mình vào nhà trẻ với lời tạm biệt vui vẻ, nhưng con bé Alison của tôi lại cứ khóc thét lên khi tôi vừa bước ra khỏi cửa. Con bé chạy theo, bám chặt lấy cánh tay mẹ mà khóc ngằn ngặt. Tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Đã ba tuần rồi mà con bé vẫn chẳng có dấu hiệu gì là tỏ ra bớt níu mẹ đi.

Một buổi sáng nọ, tôi quyết định thử giải quyết vấn đề này xem sao. Ăn sáng xong, tôi đặt con bé vào lòng và nói, “Alison, con thích mẹ ở lại nhà trẻ với con lắm, đúng không, và (chú ý tôi nói và chứ không phải nhưng ) hôm nay mẹ phải đi làm. Bởi vậy, mẹ đang tự hỏi không biết mẹ con mình nên làm sao đây?”

Alison ngớ ra nhìn tôi. Tôi bảo, “Con thấy mang theo bạn gấu bông vào lớp thì có đỡ hơn không?” Con bé lắc đầu. “Vậy thì chiếc khăn xù nhé?” Con bé vẫn lắc đầu và vùi mặt vào vai tôi. “Mẹ ở lại cơ,” con bé phụng phịu. Một phút sau, Alison lại bảo, “Mẹ đi làm thì phải ôm con thật nhiều, thật nhiều cái vào.”

Bất giác tôi nảy ra một kế rất hay. Tôi liền cầm tay Alison lên, hôn vào lòng bàn tay nó rồi ập những ngón tay của nó lại. “Đấy, thấy chưa, thế là bây giờ con đã có cái hôn của mẹ rồi nhé. Nhanh lên, cất nó vào túi quần của con đi, để chừng nào nhớ mẹ, con cứ lấy nó ra và con sẽ được mẹ hôn ngay. Con thấy sao?”

Mặt Alison sáng rỡ lên. Con bé cất “nụ hôn” vào trong túi thật kỹ, và sáng hôm đó, lần đầu tiên kể từ ngày đầu đi nhà trẻ, con bé để cho tôi đi mà không khóc đòi theo.

✳ ✳ ✳

Tiếp theo là mẩu chuyện của cha một cậu bé mười bốn tuổi thường bị tụi bạn ép uống rượu.

Thằng Zack con tôi biết rõ tôi ác cảm kinh khủng với ma túy, chất kích thích và rượu bia. Tôi luôn nói thẳng cho nó biết điều đó, không bao giờ ngụ ý bóng gió hay dọa nạt gì. Gần đây tôi nghe tin, bọn trẻ sau khi đi học về thường tụ tập tới nhà một đứa và uống rượu, vì cha mẹ thằng nhóc ấy đi vắng. Khi lái xe chở Zack đi tập bóng rổ, tôi bảo nó rằng tôi đã nghe đồn như thế, vậy có đúng không. Nó nhìn tôi bối rối nhưng không trả lời.

“Con có bao giờ uống rượu chưa?” tôi hỏi.

“Có một lần con uống bia,” nó đáp.

Trước khi tôi nói gì, nó vội thanh minh, “Ba à, con buộc phải uống! Nếu không uống, con sẽ bị tụi nó chọc quê ngay.”

Tôi định nói, “Thế, nếu người ta chê cười vì con không dám nhảy xuống từ cầu Brooklyn thì con cũng nhắm mắt nhảy à?” nhưng rồi tôi lại bảo, “Thì ra là con bị bọn bạn ép uống.”

“Phải chịu thôi, ba!” nó nói. “Phải chi ba nghe thấy chúng gọi những đứa không uống là thứ gì gì thì ba mới hiểu.”

Tôi bảo Zack rằng tôi hiểu nó phải chịu sức ép như thế nào, nhưng tôi cũng nghiêm khắc nói, “Con thừa biết ba nghĩ thế nào về ma túy rồi đó, mà rượu cũng là một chất kích thích. Cho dù uống rượu ở tuổi con là hợp pháp thì ba vẫn phản đối. Con hay nói ‘không muốn ba kiểm soát con’. Nhưng ba để ý thấy dù là trẻ con hay người lớn uống rượu, đôi khi cũng sẽ bị rượu chế ngự đấy.”

“Vậy ba muốn con làm gì?” Zack uể oải nói. “Nói lải nhải với tụi nó rằng, ‘Tao không cần bia rượu, tao có ước vọng cao trong đời’ hay sao?”

Tôi bảo, “Hãy xem đấy là một vấn đề đi. Phải nói làm sao mà vẫn không bị coi là kẻ hèn nhát.”

Zack nhún vai, nhưng tôi biết mình đã gãi trúng chỗ ngứa của con. Bởi vì trên suốt quãng đường còn lại, hai cha con tôi cùng xem xét những gì Zack có thể nói với lũ bạn nó để khéo léo từ chối uống rượu. Câu nói mà Zack cho rằng ít “ngố” nhất là, “Cảm ơn, để lần sau đi!” Nếu vẫn bị ép nữa, thì đổ thừa tại cha mẹ nghiêm khắc. “Tụi bay không biết ba tao đâu. Ông ấy sẽ giết tao nếu ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở tao. Tao sẽ bị cấm không được ra khỏi nhà trong suốt quãng đời còn lại cho coi!”

Zack cười khì khi nói câu đó và ôm tôi thật chặt, “Cảm ơn ba!” Và tôi yên tâm thả nó xuống sân chơi bóng rổ.

? Những băn khoăn của giáo viên

1. Ta có nhất định phải đi qua tất cả các bước giải quyết vấn đề thì mới đạt hiệu quả không?

Không nhất thiết. Có một giáo viên kể lại rằng, cậu bé Spencer, chín tuổi, là một học sinh siêng năng, nghiêm túc, hay nổi giận mỗi khi có đứa trẻ khác trong tổ của cậu giỡn đùa hoặc lơ là chuyện học hành – dù chỉ trong vài phút. Một hôm, cậu tức đến độ quẳng luôn tập sách và giấy xuống sàn. Giáo viên quyết định, đến nước này thì phải vận dụng quy trình giải quyết vấn đề thôi. Cô ấy kêu Spencer lại và nói, “Cô thấy em rất tức giận khi các bạn trong tổ giỡn đùa. Và cô hiểu một khi đã bắt tay vào việc gì đó em không thích bị ai đấy cắt ngang.”

Thế là, Spencer lập tức hưởng ứng, “Dạ phải, bởi vì em thì muốn làm cho xong mà các bạn lại khiến em quên mất tiêu là mình đang làm gì.” Ngừng một chút, rồi cậu đứng lên nói, “Em có thể xuống bàn cuối để làm một mình trong khi các bạn giỡn được không cô?” Giáo viên cực kỳ sửng sốt. Cô ấy nói, “Em nghĩ như vậy sẽ tốt à?” Cậu bé gật đầu, “Như thế em sẽ không nổi điên mà quăng đồ đạc nữa.” Từ đó trở đi, đấy là cách Spencer đối phó với đám bạn mê chơi trong tổ của mình.

2. Một học sinh của tôi tên là Debby, không bao giờ nhớ mang sách đi học. Tôi cố vận dụng cách giải quyết vấn đề với con bé, nhưng chẳng đi tới đâu – nó chỉ cười, rồi lại quên. Tiến sĩ có lời khuyên nào không?

Nếu một đứa trẻ không chịu hợp tác với quá trình giải quyết vấn đề của bạn, thì giải pháp thay thế có hiệu quả là viết thư nhắn, với nội dung dựa trên những nguyên tắc tương tự. Chẳng hạn, bạn có thể viết thế này:

“Debby thân mến,

Em đã bảo với cô là em rất khó ghi nhớ chuyện mang sách đến trường và đôi khi em ‘quên mất tiêu’.

Cô muốn rằng tất cả học sinh của mình đều có sách hàng ngày để làm bài.

Em thử nghĩ xem có cách gì nhắc mình nhớ mang sách đi học vào mỗi buổi sáng không? Cô sẽ cùng nghĩ với em. Sau đó, chúng ta hãy trao đổi với nhau xem em muốn thực hiện ý kiến nào nhé.

Chào em,

Cô G.”

3. Khi giáo viên và học sinh cùng nhau giải quyết vấn đề, có cần thiết phải ghi những ý kiến đó ra không? Chỉ nói với nhau thôi không đủ sao?

Thỉnh thoảng chỉ nói thôi cũng được. Tuy nhiên, đừng đánh giá thấp niềm tự hào và nỗi sung sướng dấy lên trong lòng đứa trẻ khi nó thấy ý kiến của mình được giáo viên trang trọng ghi lại. Trông thấy những lời nói của mình được viết ra giấy, không chỉ giúp các em tận mắt chứng kiến quá trình suy nghĩ của mình được giáo viên công nhận, mà còn gợi cho chúng tiếp tục suy nghĩ một cách sáng tạo.

4. Tuần trước, tôi dùng phương pháp giải quyết vấn đề với một em nữ trong lớp vì em này cứ đi học trễ triền miên. Quy trình tiến triển suôn sẻ cho tới khi thầy trò bắt đầu cùng động não. Tôi đưa ngay ra hai đề nghị rất hợp tình hợp lý, nhưng em ấy lập tức im thin thít luôn. Tôi đã sai ở đâu?

Sau khi yêu cầu trẻ cùng động não với bạn, sẽ hay hơn nếu bạn để cho trẻ nêu ý kiến của chúng trước. Sự im lặng của bạn là một lời mời, một dấu hiệu tôn trọng, một cách ngụ ý rằng cần phải có thời gian để hình thành và phát triển các ý tưởng. Khi người lớn vượt lên trước quá nhanh – dù là với ý kiến “hay” nhất – thì đứa trẻ sẽ cảm thấy rất khó mở lòng đưa ra ý kiến của mình.

5. Hiện tại, tôi đang rất lo lắng về tình trạng gia tăng bạo lực trong trường mà tôi theo dạy – đôi khi chỉ vì một lý do tầm phào kiểu như “thằng đó nhìn thấy ghét”. Đã biết kỹ năng giải quyết vấn đề rất hiệu quả đối với học sinh, vậy tại sao chúng ta không dạy cho chúng những kỹ năng này để chúng tự áp dụng với nhau?

Hẳn là bạn sẽ rất vui mừng khi biết rằng, trong chương trình giáo dục quốc gia, trẻ từ độ tuổi mẫu giáo cho đến bậc trung học đều đang được học những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn [2] . Rất nhiều nhà giáo dục tin rằng, mâu thuẫn giữa người với người là điều tất yếu không thể tránh khỏi, cho nên, việc học cách đối phó với sự bất đồng, và cách giải quyết xung đột một cách êm thấm là một môn học rất quan trọng cho học sinh – quan trọng không kém gì môn Toán, hay những môn xã hội khác. Ở những trường có đưa kỹ năng này vào chương trình học, các giáo viên đã ghi nhận: “Điều tôi thích thú ở chương trình này là nó giúp trẻ biết dập tắt ngọn lửa nóng giận trong chúng. Và nhờ vậy mà tôi được ‘rảnh tay’ dạy học.

Tôi thích ngắm những học sinh lớp Bốn, lớp Năm với bìa kẹp hồ sơ trên tay và mặc những chiếc áo thun màu cam ghi dòng chữ “quản lý xung đột”. Từ khi chúng tôi bắt đầu chương trình huấn luyện này, trong phòng ăn trưa, trong sân chơi, và trong cả lớp học, không khí đã trở nên bình yên hơn.

Điều làm tôi ngạc nhiên là sau khóa học kéo dài mười lăm tiết đó, những đứa trẻ hung hăng nhất trường lại trở thành những đứa hòa giải giỏi nhất. Tôi nghĩ, chính ra, để cho trẻ tự dàn xếp giải quyết mâu thuẫn với nhau sẽ hiệu quả hơn là người lớn chúng ta thực hiện điều đó với những đứa “ngỗ ngược”, bởi vì bọn chúng nói cùng một ngôn ngữ.

Tất cả các thầy cô đó dường như đều đồng ý rằng, học sinh nên được học những kỹ năng lắng nghe nhau một cách tôn trọng, xem xung đột như một vấn đề cần phải giải quyết hơn là một trận chiến để quyết thắng, đó sẽ là hy vọng tốt nhất để tạo nên một thế giới hòa bình.

• Chuyện kể của giáo viên

Chuyện đầu tiên này nhằm minh họa cho việc áp dụng phương pháp giải quyết vấn đề đã giúp giáo viên xử lí tình huống hiệu quả như thế nào.

Jenny, mười hai tuổi, là một học sinh rất dễ thương, trừ trong giờ toán. Khi ấy, nó bỗng biến thành một đứa khó chịu, hay than thở, không thể tự mình làm được gì, cứ luôn miệng nói về nỗi lo sợ môn toán!

Trong suốt năm học, tôi đã thử đủ kiểu chiến lược mà mình biết để tạo lòng tự tin cho Jenny. Thậm chí tôi đã nghĩ đến việc nhờ chuyên gia tư vấn để em được giúp đỡ thêm; thế nhưng với điểm số mà em đạt đựợc, chúng tôi lại không thể xếp em vào lớp phụ đạo [3] . Cuối cùng, tôi đành để mặc Jenny như vậy luôn. Và kết quả là em chẳng học hành gì được nữa. Trong tình thế khó khăn đó, tôi quyết định áp dụng quy trình giải quyết vấn đề. Sau đây là diễn biến cuộc nói chuyện của hai cô trò:

Tôi: Jenny, cô biết là em rất lo sợ mỗi khi phải làm toán.

Jenny: Vâng ạ, em lo lắm. Em ghét làm toán.

Tôi: Tại vì có nhiều bài khó quá phải không?

Jenny: Phải ạ… Em cứ làm sai hoài.

Tôi: Và điều đó khiến em lo lắng hả?

Jenny: Đúng ạ, em sợ cô sẽ nổi giận. Năm ngoái, thầy G. đã quát mắng em là đồ chậm hiểu, lúc nào cũng làm toán sai bét be.

Tôi choáng váng.

Tôi: Thì ra vì vậy mà em lo lắng. Em sợ cô cũng sẽ rầy la em đúng không?

Jenny: (Rơm rớm nước mắt) Thưa cô, em… em…

Tôi: (Cầm lấy hai tay Jenny) Jenny, cũng có lúc mình phải sai cái này cái nọ chứ. Tất cả các học sinh giỏi đều biết điều đó mà các em. Thất bại là mẹ thành công. Tuy khó chịu đấy, nhưng lại rất có ích.

Jenny: Có ích ạ?

Tôi: Đúng vậy. Bởi có thế em mới biết mình cần phải cố gắng học cái gì. Với lại, đôi khi lỗi sai lại đưa tới một phát minh cũng không chừng. Em cứ xem Columbus đã tìm thấy gì từ sai lầm của ông thì biết.

Jenny: (cười toét miệng) Châu Mỹ!… Vậy là cô sẽ không nổi giận nếu em trả lời sai chứ ạ?

Tôi: Không, Jenny. Giá như có một cách gì đó giúp em làm toán mà không phải lo lắng bắt buộc mình phải làm đúng thôi mới được.

Jenny: Có lẽ em sẽ cố tự tìm ra đáp số… nhưng nếu em không thể…?

Tôi: Cô sẽ giúp em. Nếu cô bận thì bạn Claudia sẽ giúp em.

Trong vài tuần sau đó, tôi thấy Jenny làm toán lâu hơn và chăm chú hơn. Em xin phép được ngồi gần Claudia, nhưng hai đứa không so đáp số với nhau cho tới khi Jenny làm xong bài của mình. Tôi nghĩ, điều làm Jenny thay đổi không phải là vì được ngồi gần bạn giỏi, mà vì em đã biết, nếu lỡ làm sai thì cũng chẳng phải một thảm họa gì.

✳ ✳ ✳

Câu chuyện cuối cùng do một giáo viên dạy tại một trường giáo dục đặc biệt ở nội thành kể lại [4] .

Cô kể, “Nhiều em trong số những học sinh của tôi là sản phẩm của nạn bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng đến trường trong tâm thế của những viên pháo sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào. Không một tiết học nào tôi dạy mà không bị ngắt quãng vì chuyện bọn trẻ đánh nhau. Không đứa này chửi đứa kia là ‘Đồ ngu,’ hoặc ‘Mẹ mày,’ thì cũng đứa khác cũng đá chân bạn dưới gầm bàn. Cứ thế, những câu khó nghe ấy sóng đôi với lời giảng của tôi.”

Dù vẫn còn hoài nghi, nhưng cô đã quyết định áp dụng phương pháp giải quyết vấn đề để xem kết quả ra sao. Sau đây là đoạn trích trong bản báo cáo của cô:

Tôi nghĩ rằng, nếu bước đầu tiên của quy trình giải quyết vấn đề là tìm hiểu xem bọn trẻ cảm thấy thế nào về việc đánh nhau, thì tôi nên bắt đầu bằng cách hỏi chúng xem đánh nhau có gì tốt. Dưới đây là danh sách những ý kiến mà cô trò tôi đã ghi lại:

Những điều tốt của việc đánh nhau

. Trả đũa!! (Đây chắc chắn là điều phổ biến nhất)

. Làm cho đứa khác bị rắc rối chơi.

. Kiếm chuyện để người ta rượt đuổi mình.

. Táng nhau (chửi nhau) cũng vui vui.

. Để tụi nó không dám lộn xộn với mình lần nữa.

. Đánh nhau cũng là một sở thích.

. Đứa khác gây sự trước.

. Lớp học quá chán (Liên quan đến giáo viên).

. Quậy cho ai đó phát điên lên.

. Rất thú vị khi chơi trò thô bạo.

Bọn học trò tranh luận om sòm trong khi lập danh sách. Xong xuôi, khi tôi hỏi, “Vậy đánh nhau có gì không hay?” thì chúng lập tức trở nên nghiêm túc. Sau đây là những phát biểu của chúng:

Những điều xấu của việc đánh nhau

. Sau khi đánh nhau, ta cảm thấy buồn nếu đó là bạn mình.

. Ta có thể gặp rắc rối – với mẹ, với giáo viên, với hiệu trưởng.

. Làm cho giáo viên bực mình (Liên quan đến giáo viên).

. Ta có thể làm ai đó bị thương.

. Ta có thể bị đình chỉ học tập.

. Ta không hiểu được bài cô giảng (Liên quan đến giáo viên).

. Có thể dẫn đến đánh nhau to.

. Ta có thể bị thương – bị đánh tơi tả, bị cào, bị cắn, bị bầm đen con mắt.

Sau đó chúng tôi tiếp tục nghĩ về những giải pháp. Tôi định suy nghĩ kỹ càng để chọn ra vài ý kiến trong số những đề xuất của chúng, nhưng rồi tôi sực nhớ một điều quan trọng là không được bỏ sót bất kỳ ý kiến nào.

Những giải pháp có thể thay thế

việc đánh nhau

1. Xin phép ra ngoài hoặc ra một góc vắng vẻ để bình tĩnh lại.

2. Cứ đấm nó đã.

3. Bỏ đi chỗ khác.

4. Quăng ném đồ đạc xuống sàn.

5. Bóp chặt cái kìm.

6. Bẻ gẫy cái que hoặc cây bút chì.

7. Gọi điện cho mẹ.

8. Hẹn đánh nhau ở phòng thể dục, hoặc chỗ vắng vẻ.

9. Mách cô giáo.

10. Đổi chỗ ngồi.

11. Bảo đứa kia hãy để mình yên.

12. Cô hoặc thầy hãy lôi đứa đánh nhau đến phòng giám thị.

13. Bắt nó viết gì đó một trăm lần.

14. Bắt nó liếm sàn.

15. Mọi người xúm vào đập cho nó một trận.

16. Thưởng miếng dán trang trí cho người tuân thủ quy định.

17. Viết cái gì đó để bêu xấu nó trước lớp.

18. Đáp lại bằng lời nói thật dễ thương để nó quê độ.

Sau khi đã ghi mười tám ý kiến ấy ra, tôi nhận xét vài ý kiến trong số đó. Chẳng hạn, tôi không cho phép học sinh đánh nhau bên ngoài lớp học, bởi vì không muốn chúng bị thương. Hoặc, tôi thấy liếm sàn thật mất vệ sinh. Rồi tất cả đều ủng hộ mạnh mẽ những ý kiến còn lại, mỗi đứa thích một kiểu. Sau khi thảo luận và đưa ra thêm vài ý kiến nữa, chúng tôi nhất trí mỗi học sinh tự chép vào vở những giải pháp mà mình cho là có ý nghĩa nhất.

Cuối cùng, chúng tôi viết lên bảng những quy định được nhiều người đồng tình nhất:

1. Không chửi bới

2. Không nguyền rủa

3. Không mách ai khác, trừ trường hợp đối phương không để cho mình yên

4. Không đấm hay quăng đồ

5. Dùng giải pháp của chính mình!!!

Sau đây là kết quả của buổi giải quyết vấn đề hôm đó:

 Luis, đứa dễ nổi cáu nhất lớp, bước ra khỏi phòng nhiều lần trong tuần. Thằng nhóc vẫn đứng lấp ló ở ngưỡng cửa để không bỏ lỡ bài giảng. Đứng một lát thì nhóc ta vào lớp và ngồi ở bàn cuối, vài phút sau nữa thì hòa nhịp trở lại với lớp.

 Chốc chốc lại nghe một đứa vừa la “Carlos, đổi chỗ cho tao!” vừa chạy ngay sang chỗ Carlos (Carlos là cậu bé luôn sẵn sàng đổi chỗ cho bất cứ ai).

 Có một em hai lần đập đất sét xuống sàn.

 Một lần Darren hét lên, “Đưa đất sét cho nó đập!”

 Khi có một đứa chửi đứa khác là cả lớp hét ầm lên, “Quy định số một!” hoặc “Quy định số hai!” Xong chúng lại nhao nhao “Bắt nó đọc quy định đi!” và “kẻ vi phạm” sẽ ngoan ngoãn đọc lại.

 Bọn trẻ cũng quyết định sẽ không ăn nói thô lỗ thậm chí với cả cái thùng rác. (Vì có lần Darren buột miệng nói ‘Mẹ nó’ với thùng rác, Luis nghe thấy, tưởng Darren chửi mình liền xông vào đánh, cho nên cả lớp bổ sung thêm quy định cấm chửi rủa đồ vật).

Tôi ước gì có thể nói rằng, việc áp dụng toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề vào thực tế sao mà diễn ra tự nhiên với mình đến thế. Nhưng không phải vậy. Quá trình đó phải mất nhiều tâm sức và tiêu tốn nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu tôi viết báo cáo nhận xét đám trẻ này là “hết thuốc chữa”, là “tuyệt đường hi vọng” cho xong chuyện. Tuy nhiên, bằng cách đối xử với chúng như “những người biết cách giải quyết vấn đề”, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ thực sự biết các cách giải quyết vấn đề.

 


[1] . Vợ của tổng thống Franklin D. Roosevelt, Đệ nhất phu nhân Mỹ nhiệm kỳ 1933-1945, bà có những ảnh hưởng tích cực nhất định tới sự nghiệp của chồng và nước Mỹ thời bấy giờ – ND.

[2] . The Community Board Program in San Francisco; Project SMART (School Mediators’ Alternative Resolution Team) in New York City; Hawaii School Mediation Alliance in Kahili.

[3] . Lớp Phụ đạo (Resource Room) ở trường phổ thông là lớp dành riêng cho những học sinh học chậm hơn các bạn cùng lớp. Tùy từng trường hợp, học sinh có khi chỉ phải học thêm ít nhất 3 tiếng mỗi tuần, hoặc học luôn lớp đó. Giáo viên lớp kết hợp chặt chẽ với phụ huynh hoặc với những chuyên gia, nhà tâm lý áp dụng chương trình giảng dạy đặc biệt nhằm khơi gợi tối đa tiềm năng học tập của học sinh – ND.

[4] . Được phép in lại từ bài báo của Adele Faber và Elaine Mazlish đăng trên số Mùa Hè năm 1987 của tờ American Educator, tờ báo chuyên ngành hàng quý dành cho giáo viên toàn nước Mỹ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.