Chờ Đến Mẫu Giáo Thì Đã Muộn
Chương 2: Hãy Tạo Ra Môi Trường Để Trẻ Phát Huy Hết Khả Năng Của Mình
2.1. Năng lực của trẻ được quyết định bởi môi trường và giáo dục hơn là di truyền
Ở chương trước tôi đã đề cập đến những khả năng tuyệt vời tiềm ẩn bên trong trẻ thơ. Những mầm non này có phát triển thành những cây tốt, nở ra những bông hoa đẹp hay không phụ thuộc chính vào cách giáo dục và môi trường sống mà bạn tạo nên cho trẻ. Ở chương này tôi sẽ đưa ra những câu chuyện cụ thể, thực tế về giáo dục trẻ thơ, mà đầu tiên sẽ là những minh chứng tại sao môi trường và cách giáo dục lại quan trọng hơn di truyền.
Chúng ta đã từng nghe nói về Kibbutz, một mô hình kinh tế nông thôn độc đáo và kì lạ của Israel. Tại đây, Bloom, một học giả của Đại học Chicago đã điều tra và so sánh chỉ số thông minh của những đứa trẻ Do Thái sinh ra và lớn lên ở Kibbutz với những đứa trẻ gốc Phi di cư sang Israel. Kết quả là có một sự khác biệt lớn, trong khi chỉ số thông minh trung bình của những đứa trẻ Do Thái là 115, thì của những đứa trẻ gốc Phi là 85. Bloom đã giải thích rằng căn nguyên của sự chênh lệch này là do sự khác nhau về chủng người và huyết thống. Nghĩa là năng lực của trẻ được quyết định từ khi ra đời không phụ thuộc vào môi trường sống hay giáo dục.
Mặt khác, một học giả khác tên là Ford đã tiến hành các thí nghiệm trong một thời gian dài. Ông đã chọn ra những đứa trẻ sơ sinh con của các cặp vợ chồng người châu Phi để cho vào học cùng một nhà trẻ với những đứa trẻ người Do Thái. Những đứa trẻ này khi lên 4 tuổi, chỉ số thông minh của chúng là 115, bằng với những đứa trẻ Do Thái.
Bằng điều này, Ford đã chứng minh rằng, năng lực của trẻ không hề phụ thuộc vào chủng tộc người. Hay nói cách khác, tài năng của con người không phải là bẩm sinh, cũng không khác nhau với mọi chủng tộc hay huyết thống, mà nó được quyết định bởi môi trường và cách giáo dục đứa trẻ sau khi ra đời.
Tại Nhật Bản, người ta đã tiến hành nhiều thí nghiệm để xem sự khác nhau giữa hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng nhưng được nuôi dạy ở hai môi trường hoàn toàn khác biệt. Kết quả cho thấy rằng hai đứa trẻ lẽ đương nhiên thừa hưởng những đặc tính di truyền giống nhau từ cha mẹ, nhưng được nuôi dưỡng bởi những người khác nhau, ở hai môi trường khác nhau, sẽ mang những tính cách hoàn toàn khác nhau khi trưởng thành, không chỉ vậy năng lực và tài năng cũng khác nhau.
Vấn đề ở đây là nuôi dạy thế nào để tài năng của trẻ được đơm hoa kết trái? Vấn đề này nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm kiểm chứng và đưa ra được những thành tựu vô cùng to lớn. Thêm vào đó, cũng có không ít những bậc cha mẹ không hài lòng với chương trình giáo dục của nhà trường nên đã thử nghiệm những phương pháp mới trực tiếp với con cái mình. Ngoài ra, với những thí nghiệm không thể áp dụng trực tiếp lên trẻ thơ, người ta đã tiến hành đối với khỉ và chó và phát hiện ra những sự thật bất ngờ. Chúng tôi sẽ giới thiệu lần lượt về những thành quả kiểm chứng này.
2.2. Không hẳn con của giáo sư thì cũng là giáo sư
Không ít bà mẹ đã từng thốt lên rằng: “Thằng con tôi nó giống bố nó, chẳng có chút gì gọi là năng khiếu về hội họa hay âm nhạc cả”, hay là: “Chồng tôi là nhà văn, con tôi viết văn hay vì nó được thừa hưởng tài năng từ bố nó”. Phải thừa nhận rằng, có nhiều trường hợp con của nhạc sĩ lại trở thành nhạc sĩ, con của học giả sẽ trở thành học giả, và trong thành ngữ Nhật cũng có câu “Con của cóc thì lại là cóc”, “Dưa chuột thì không thể đẻ ra cà tím”.
Tuy nhiên, ở đây không hề tồn tại thứ gọi là “giống bố”, hay “tài năng di truyền từ bố”, đơn giản chỉ bởi đứa trẻ đó được sinh ra và lớn lên trong môi trường như thế nào mà thôi. Môi trường sống mà cha mẹ tạo nên chính là môi trường nuôi dạy con cái lớn khôn, tài năng của trẻ được vun đắp từng ngày ở môi trường đó, trẻ có những sở thích và niềm say mê bởi trẻ được tiếp xúc với chúng hàng ngày.
Giả sử đúng là tài năng của trẻ được tạo nên do huyết thống, di truyền thì thế giới này sẽ giống như chế độ phân chia đẳng cấp xã hội ngày xưa, cha truyền con nối, con tiếp quản công việc của cha.
Tuy nhiên, xã hội ngày nay tiến bộ hơn rất nhiều, không hiếm những trường hợp con của nhà khoa học lại trở thành nghệ sĩ violin, hay con của bác sĩ trở thành nhà văn. Nhạc sĩ violin nổi tiếng Koji Toyoda, người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Berlin, hay nhạc sĩ Kenji Kobayashi đều là những người xuất thân trong gia đình không liên quan đến nghệ thuật. Chính môi trường nghệ thuật từ khi mới lọt lòng đã tạo nên những người vĩ đại này. Hãy thử để ý những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận thấy rằng không phải con của những cha mẹ tài giỏi đều sẽ trở nên tài giỏi. Người ta mỉa mai gọi những đứa trẻ này là “Đứa con bất tài”, hay “Không được thừa hưởng gene trội từ cha mẹ”. Tuy nhiên, lỗi không phải do chúng mà chính môi trường giáo dục đã tạo ra những đứa trẻ “bất tài”.
Ngược lại, cũng không hiếm những trường hợp con của một người cha lười biếng, tối ngày rượu chè lại trở thành những kĩ sư xuất sắc hay những nghệ sĩ tài ba. Nói một cách thậm xưng là “Diều hâu đã sinh ra đại bàng”, tài năng của những con người này đương nhiên không phải thiên phú hay di truyền, mà tài năng của họ được phát triển nhờ chính môi trường nuôi dạy tốt. Nói một cách chính xác hơn, diều hâu không sinh ra đại bàng mà diều hâu đã tạo ra môi trường sống tốt để nuôi dưỡng nên đại bàng.
Con người khi sinh ra đều có tính cách và khả năng như nhau, giống như đứa trẻ mới lọt lòng, đứa nào cũng như đứa nào, đỏ hỏn, da mặt đầy nếp nhăn. Môi trường giáo dục sẽ tạo nên những đứa trẻ có tính cách và trí tuệ riêng biệt. Nghề nghiệp, trí tuệ của cha mẹ không liên quan trực tiếp đến tính cách và trí tuệ của trẻ. Con của một bác sĩ trở thành bác sĩ chẳng qua từ nhỏ anh ta lớn lên trong môi trường thuốc men, áo blouse trắng hay tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân mà thôi.
2.3. Đứa trẻ sơ sinh lớn lên trong bầy thú sẽ trở thành thú
Chó sinh ra chó, sói sinh ra sói, và con người sinh ra con người, đây là điều đương nhiên không thể chối cãi. Tuy nhiên tôi xin đưa ra một ví dụ để chứng tỏ rằng thực tế hoàn cảnh môi trường có thể biến những điều tưởng chừng đương nhiên kia thành hoài nghi, đó là câu chuyện về hai cô gái người sói tên là Amala và Kamala. Câu chuyện này tôi cũng đã đề cập sơ qua ở phần đầu cuốn sách. Tháng 10 năm 1920 tại một làng nhỏ phía tây Calcutta, Ấn Độ, dấy lên tin đồn xuất hiện hai động vật mang dáng dấp giống con người sống trong một hang động của sói. Chuyện này đến tai vợ chồng một mục sư tên là Singh đến để giảng đạo ở vùng này, vợ chồng mục sư quyết định tìm kiếm và bắt được hai động vật lạ này từ trong hang. Khi đó, họ mới ngã ngửa ra hai động vật lạ này chính là hai bé gái, đứa lớn 8 tuổi, đứa bé ước chừng 1,5 tuổi. Họ đặt tên hai bé gái này là Amala và Kamala, rồi gửi vào cô nhi viện Midnapore để nuôi dưỡng như những đứa trẻ khác.
Bằng tình yêu thương vô hạn và sự nhẫn nại của mình, vợ chồng mục sư đã cố gắng để hai bé gái này tìm lại được những bản chất, năng lực của con người. Tuy nhiên, do từ lúc lọt lòng được nuôi dạy bởi loài sói, nên hai bé này ban đầu không thể sửa được những hành động bản năng của một con sói. Lũ trẻ đi lại bằng bốn chân trong phòng, chồm lên khi thấy người đưa tay lại gần. Ban ngày hai bé gái chỉ thu mình trong bóng tối, lởn vởn đi lại rồi lại nằm thu mình vào góc tường, đêm tối hú lên những tiếng ghê rợn. Thức ăn của hai bé gái chủ yếu là thịt ôi thiu hay những con gà sống.
Cuối cùng, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của vợ chồng mục sư, cô em Amala đã bắt đầu nói được những âm đơn giản sau hai tháng. Tiếc thay, một năm sau đó, cô bé qua đời. Cô chị Kamala sau ba năm luyện tập cuối cùng cũng đi được bằng hai chân. Tuy vậy, với những động tác phản xạ mang tính bản năng thì cô bé vẫn sử dụng bốn chân một cách vô thức. Sau chín năm trở lại với thế giới của con người, trước khi qua đời ở tuổi mười bảy, tất cả những gì cô bé làm được là có trí tuệ của một đứa trẻ 3,5 tuổi, nói được vẻn vẹn 45 từ mà thôi.
Một bi kịch tương tự như câu chuyện trên cũng được người ta nhắc đến là câu chuyện xảy ra ở nước Cộng hòa Mozambique. Một đôi vợ chồng trẻ qua đời, đứa con trai vẫn còn đỏ hỏn của họ bị mất tích ngay sau đó. Vài tháng sau, người ta phát hiện một đứa trẻ đang được một con khỉ đầu chó cái cho bú giữa một bầy khỉ. Những nỗ lực tách đứa trẻ ra khỏi bầy khỉ đầu chó không thành, người ta đành bất lực để đứa trẻ sống với bầy khỉ. Mười chín năm trôi qua, cậu bé ngày nào nay đã trở nên cường tráng và mạnh mẽ, cậu đã trở thành “con đầu đàn” của bầy khỉ. Một ngày kia, khi “chú người khỉ” này nằm ngủ trên cây người ta đã bắt được chú. Người ta đã bắt đầu quá trình giáo dục để đưa người khỉ quay lại với cuộc sống loài người. Sau rất nhiều nỗ lực mới khiến chú người khỉ có thể cầm đồ vật bằng tay và đi lại bằng hai chân.
2.4. “Vẫn còn sớm với nó” chính là câu nói làm cản trở sự phát triển của trẻ
Những người mẹ, người bà tiếp xúc với trẻ hàng có thể không nhận ra sự thay đổi từng ngày từng của trẻ, nhưng sự thực trẻ lớn nhanh hơn những gì chúng ta tưởng. Nhà tâm lí học và triết học nổi tiếng thế người Thụy Sĩ, giáo sư Jean Piaget (1896-1980) đã sáng lập ra học thuyết giai đoạn trưởng thành bằng chính việc quan sát sự trưởng thành của ba người con của mình. Trong học thuyết của mình, ông đều đề cập đến tầm quan trọng trong việc tạo môi trường giáo dục thích hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ thơ.
Theo quan sát của giáo sư Piaget thì đứa trẻ mới được sinh ra sẽ bú bất cứ thứ gì để vào môi chúng, nhưng sau 20 ngày tuổi, chúng sẽ phân biệt được sữa, khi phát hiện thứ chúng vừa bú không phải sữa chúng sẽ ngừng lại ngay, và ọ ẹ bày tỏ nhu cầu bú sữa.
Khi trẻ được 3 tháng tuổi, chúng sẽ biết bày tỏ ý muốn của mình, chúng có thể đạp đạp hai bàn chân khi thích thú với những con búp bê đang đung đưa. Trẻ qua 1,5 tuổi sẽ có những ý tưởng “sáng tạo” như lấy chiếc que khều các đồ chơi ở xa lại gần. Trên 2 tuổi trẻ bắt đầu nhận thức về ngôn ngữ và tập lí giải những thứ mang tính trừu tượng hơn, thí dụ như đâu là cha, đâu là mẹ, trời mưa làm cho sân sạch sẽ,…
Khi trẻ lên 4 tuổi, chúng bắt đầu quan sát và tập lí luận về những sự vật tỉ mỉ hơn, ví dụ như trẻ ngây thơ tin rằng lượng nước ngọt đựng đầy trong chiếc cốc nhỏ sẽ nhiều hơn là số nước ngọt ấy được đựng trong chiếc cốc lớn, hay là bánh quy bị vỡ vụn thì sẽ nhiều hơn là miếng nguyên.
Cứ như vậy, trẻ phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ với một tốc độ chóng mặt. Chính vì thế, người mẹ thường xuyên tiếp xúc với trẻ phải cảm nhận được trẻ đang muốn thứ gì, trẻ thích thú với điều gì để đáp ứng kịp thời và tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ. Giống như việc chọn thời điểm thích hợp để bắt đầu học ngoại ngữ, việc dạy dỗ trẻ phù hợp với từng giai đoạn là việc làm cực kì quan trọng. Nếu chúng ta dạy cho trẻ mới chập chững bước đi trượt patin thì trẻ có thể trượt patin rất giỏi.
Để minh chứng cho điều này, nhà tâm lí học người Mỹ Phil McGraw9 đã theo dõi một cặp trẻ song sinh, một đứa cho học trượt patin từ khi tròn 11 tháng tuổi, đứa còn lại cho trượt khi đã bước sang hai 22 tháng tuổi. Kết quả cho thấy đứa trẻ học sớm thành thạo nhanh hơn nhiều so với đứa còn lại.
Từ trước tới nay, người lớn chúng ta đều lầm tưởng rằng có nhiều điều là quá sớm, quá tầm của trẻ nên không dám cho trẻ tiếp xúc. Nhưng không hẳn như vậy, chính việc rụt rè trong việc dạy dỗ trẻ sớm vô hình chung đã làm lãng phí khả năng phát triển của trẻ.
2.5. “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” thể hiện rõ rệt nhất trong giai đoạn ấu thơ
Đây là câu chuyện kể về một kĩ sư trẻ người Nhật, do tính chất công việc anh phải đi công tác sống ở nước ngoài một thời gian. Không thể mang gia đình theo, anh đành phải gửi đứa con gái mới sinh cùng người vợ hiền về sống với ông bà ngoại ở vùng Đông Bắc nước Nhật. Sau một năm hoàn thành công việc, anh trở về Tokyo và đón vợ con về đoàn tụ gia đình. Đương nhiên thời điểm đó, con gái nhỏ của anh chưa hề biết nói. Một thời gian sau, đứa trẻ bắt đầu bập bẹ những từ đơn giản, vợ chồng anh đã không thể tin nổi vào tai mình khi đứa con gái phát âm đậm chất ngôn ngữ địa phương vùng Đông Bắc, anh chị uốn nắn mãi nhưng không hiệu quả là bao. Cả hai vợ chồng anh đều nói giọng chuẩn Tokyo, vậy thì vì sao bé gái lại nói một giọng hoàn toàn khác?
Tìm hiểu ra mới biết trong lúc chồng công tác xa nhà, người vợ để con gái cho ông bà ngoại trông nom hàng ngày. Ông bà ngoại vốn cưng cháu nên ngày ngày đều nói chuyện tỉ tê với cháu, chị cứ nghĩ trẻ con còn bé thế thì không hiểu gì nên chẳng hề bận tâm. Vài năm sau, khi bé gái đến tuổi đến trường thì trong cách nói chuyện của cô bé vẫn còn đọng lại những ngữ điệu của tiếng địa phương.
Hiện tượng này được giải thích rằng từ trước khi đứa trẻ biết nói đã hình thành một “đường mòn” ngôn ngữ trong não, và “đường mòn” giọng Đông Bắc ấy khi đã hình thành rồi thì không dễ gì xóa đi được. Cũng có một giả thuyết nói rằng thời gian để tạo một “đường mòn” mới thay thế cái “đường mòn” cũ gấp bốn lần thời gian hình thành nên “đường mòn” ấy. Tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, thời kì ấu thơ trẻ bị chi phối rõ rệt nhất từ môi trường xung quanh. Do đó tạo môi trường tốt nhất cho con trẻ phát triển chính là sứ mệnh cao cả của những người làm cha, làm mẹ chúng ta.
2.6. Căn phòng yên tĩnh là môi trường có hại cho bé
Một căn phòng sạch sẽ, trần và tường nhà được sơn trắng bóng, cách âm tốt, không có những tiếng động bên ngoài làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Hẳn đây là một căn phòng lí tưởng mà nhiều bà mẹ mơ ước có được cho đứa con mới chào đời của mình. Nhưng sự thực là một căn phòng quá thanh bình, không có tác động bên ngoài như vậy sẽ mang lại cho trẻ tác hại nhiều hơn ích lợi.
Bằng những kết quả thực nghiệm của mình, giáo sư Bruner10 người Mỹ đã chỉ ra rằng, tác động từ ngoại cảnh ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí tuệ của trẻ thơ. Ông đã làm thí nghiệm kiểm chứng như sau: Ông chia những đứa trẻ mới sinh ra làm hai nhóm, một nhóm được nuôi trong phòng yên tĩnh cách âm như đã kể ở trên; nhóm còn lại cho vào căn phòng xung quanh là tường kính, ở trong phòng có thể nhìn thấy rõ các bác sĩ, y tá đang làm việc, trần nhà cũng như các dụng cụ, giường chiếu trong phòng được trang trí hoa văn rất màu sắc, thêm vào đó trong phòng được mở nhạc thường xuyên.
Hai nhóm trẻ được nuôi như vậy trong vòng vài tháng trời, sau đó lần lượt đo chỉ số trí tuệ của môi đứa trẻ. Người ta đưa lại gần mắt trẻ một vật phát sáng nhỏ, rồi quan sát xem khi nào trẻ có thể đưa ra phản xạ cầm lấy vật sáng, dựa vào điều này để đánh giá chỉ số phát triển trí tuệ của trẻ. Kết quả là đã có sự khác biệt giữa hai nhóm trẻ. Nhóm được nuôi trong căn phòng yên tĩnh không có tác động từ bên ngoài thì trí tuệ phát triển chậm hơn nhóm kia chừng ba tháng. Nên nhớ sự phát triển bộ não của trẻ giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi sánh ngang với sự phát triển bộ não của người giai đoạn từ 4 đến 17 tuổi, điều này cho thấy 3 tháng trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi của trẻ có vai trò quan trọng như thế nào.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, việc chậm trễ này có thể bù lại được bằng giáo dục, song chắc chắn sẽ tốn rất nhiều công sức của người dạy dỗ và sẽ tạo một gánh nặng to lớn cho chính bản thân trẻ thơ. Ngày nay, những thí nghiệm tương tự như của giáo sư Bruner đang được rất nhiều các nhà tâm lí học nghiên cứu, thử nghiệm để xem những tác động như thế nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của trẻ. Đây là một chủ đề đang được quan tâm. Những chiếc võng đung đưa, những quả bóng nhiều màu sắc, những quả cầu phát sáng hay những con giống được gấp bởi những mảnh giấy sặc sỡ đều đang trở thành những vật được lấy ra làm thử nghiệm của các nhà khoa học. Trong số đó, những chiếc hộp nhạc khi mở phát ra những giai điệu du dương và những tấm màn gió có hoa văn là những giáo cụ đã được chứng minh là những chất xúc tác thực sự cho sự phát triển trí tuệ ở trẻ thơ. Giáo sư tâm lí học White của trường đại học danh tiếng Harvard, Mỹ đã đưa ra kết luận: “Một môi trường phong phú mà trẻ ngay khi mới sinh được tiếp xúc, sẽ tạo ra những tác động kì diệu lên sự phát triển sớm ở trẻ, đây là một điều không phải bàn cãi”.
2.7. Trẻ thơ chịu tác động từ những thứ không ai ngờ
Carl Friedrich Gauss (1777-1855), nhà toán học tài năng người Đức nổi tiếng của thế kỉ XIX. Mới 8 tuổi, ông đã phát hiện ra công thức tính tổng của cấp số cộng.
Tôi muốn nhắc đến tên ông ở đây vì tình cờ đọc được câu chuyện thực sự thú vị về nhà toán học lỗi lạc này trong một cuốn sách. Gauss là con trai của một cặp vợ chồng thuộc tầng lớp thấp trong xã hội thời bây giờ. Cha của Gauss chỉ là một thợ nề, mỗi lần đi làm ông đều dẫn Gauss đi theo. Tại nơi làm việc của cha, Gauss ngồi cạnh đếm những viên gạch và đưa cho cha.
Cuốn sách đó kết luận tài năng toán học của Gauss được vun đắp từ thuở nhỏ nhờ những thói quen như thế. Tôi không cảm thấy bất ngờ bởi kết luận đó. Bởi tôi từng nghe một câu chuyện tương tự về Honda Soichiro, người sáng lập tập đoàn xe hơi, xe máy nổi tiếng Honda. Khi được hỏi “Tại sao ông lại thích xe mô tô đến vậy?”, Honda Soichiro đã trả lời như sau: “Ngày xưa, khi chưa có động cơ điện, người Nhật phải xát gạo bằng động cơ chạy dầu. Hồi bé, nhà tôi ngay gần một xưởng xát gạo. Không hiểu sao tôi thực sự thích tiếng kêu phành phạch, phành phạch của cái máy xát gạo ấy đến độ bắt ông nội cõng đi xem cho bằng được. Nếu không được dẫn đi xem, tôi khóc ầm ĩ hết cả xóm, nên ông nội không còn cách nào khác đành cõng tôi đi, ngày nào cũng như ngày nào. Cái âm thanh phành phạch của máy xát gạo giống như những bài hát ru tôi thuở ấu thơ, cái mùi dầu tỏa ra từ ống xả máy xát gạo đã trở thành một thứ mùi gần gũi thân thuộc với tôi từ lúc đó. Có lẽ tôi trở nên thích xe mô tô một phần cũng là nhờ vậy chăng?”. Tôi cảm thấy thực sự bị thuyết phục từ câu chuyện trên. Trẻ nhỏ giống như một chiếc máy bắt sóng vô cùng tinh nhạy. Chúng tiếp nhận tất cả những gì dù nhỏ nhất, tinh tế nhất, từ những thứ cha mẹ không thể ngờ đến hay tưởng chừng vô ích, tích tụ lại ngày qua ngày, rồi khuếch đại lên thành những tài năng và năng lực kì diệu. Hành động cõng cháu đi xem máy xát gạo tưởng chừng không có gì đặc biệt của ông nội, vô hình là cái nôi nuôi dưỡng nên ông hoàng xe mô tô thế giới.
2.8. Trẻ tưởng tượng về truyện cổ tích hay những trang truyện tranh khác hoàn toàn người lớn
Cảm nhận thế giới xung quanh của trẻ thơ khác với người lớn, điều này thể hiện rõ nhất khi ta cho chúng xem những trang truyện tranh hay kể cho chúng nghe những mẩu chuyện. Tôi xin đưa ra một ví dụ về phương pháp giáo dục Montessori của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870-1952). Một bé trai chừng 1,5 tuổi được mẹ mua cho một bộ hình vẽ các con vật. Bé chọn lần lượt từng tấm hình đưa cho bác sĩ Montessori xem để tìm ra tấm có hình ô tô. Tuy nhiên cả bộ không có một tấm nào như vậy. Bác sĩ tỏ vẻ nghi ngờ “Chẳng có cái ô tô nào cả cháu nhỉ?”, đứa bé chỉ vào một tấm hình và trả lời thật to: “Có trong đây này!”. Nhìn kĩ tấm hình vẽ cảnh một gia đình cùng một chú chó nhỏ, bác sĩ nhận thấy xa xa có một con đường trên đó có một chấm nhỏ. Đứa bé chỉ tay vào chấm nhỏ đó và quả quyết đó là một chiếc ô tô đang chạy. Lúc đó vị bác sĩ mới ngỡ ngàng, chấm nhỏ đó có nét giống một chiếc ô tô thật. Đứa trẻ đã thích thú bởi điểm vẽ độc đáo không ai nhận ra ấy. Thêm một câu chuyện khác mà nhà giáo dục Montessori đã đưa ra, đó cũng là câu chuyện về bé trai 1,5 tuổi được mẹ đọc cho nghe quyển truyện tranh về chú bé Sambo. “Chú bé da đen tên là Sambo, trong lễ sinh nhật của mình đã được nhận rất nhiều đồ chơi, tuy nhiên trên đường về chú bị lũ hổ chặn lại và cướp hết đồ chơi. Sambo khóc nức nở chạy về nhà, được mẹ dỗ dành chú vui vẻ cười nói trở lại và ngồi vào bàn ăn được trang trí rất đẹp mắt. Đó cũng là bức tranh vẽ ở trang cuối cùng của cuốn truyện”. Khi mẹ vừa kể xong bé trai đột nhiên thốt lên: “Không phải đâu, Sambo vẫn còn khóc”, nói đoạn bé chỉ vào trang bìa của cuốn truyện, nơi mà tác giả vẽ minh họa Sambo đang ngồi khóc bên bàn ăn.
Đến đây tôi nhớ đến một truyện ngắn của nhà văn Sono Ayako mà tôi từng đọc, truyện kể về một em bé theo cha mẹ đến sống ở Bắc Âu vì công việc của người cha. Ở xứ lạ, bé không có bạn để chơi, ngày ngày khi cha mẹ đi làm, bé ở một mình làm bạn với cuốn truyện tranh Kachi-kachi Yama. Ít lâu sau em bé này đột nhiên trở nên điên dại. Sau khi tìm đủ mọi nguyên nhân, người ta mới phát hiện ra rằng cuốn truyện tranh mà em bé đọc bị mất đi một trang cuối cùng. Truyện lẽ ra kết thúc bằng việc cái thiện chiến thắng cái ác, nhưng vì mất đi trang cuối khiến cái kết không đi về đâu ấy gây nên tâm lí không lối thoát cho em bé.
Những chuyện như thế này đối với người lớn chúng ta tưởng như nhỏ nhặt không bao giờ cần bận tâm, nhưng đối với tâm hồn trẻ, chúng tiếp nhận một cách ngây thơ trong sáng nhất, để rồi có những phản ứng độc đáo đến mức người lớn phải sững sờ.
2.9. Hãy thận trọng chú ý đến môi trường khi ta giao trẻ cho người khác chăm sóc
Có một câu chuyện thế này, hai vợ chồng nhà nọ đều là những người thật thà, tính tình vui vẻ và được mọi người xung quanh rất yêu mến. Nhưng cậu con trai lớn 5 tuổi của họ không hiểu sao lại rất lầm lì, dễ gắt gỏng. Trong khi đó đứa em trai 4 tuổi thì hoàn toàn trái ngược với người anh, cực kì hiếu động, không rụt rè, nhút nhát chút nào. Hai vợ chồng dằn vặt không hiểu sao đứa lớn lại có tính khí như vậy. Họ tìm đến bác sĩ để xin lời khuyên, nhưng đến bác sĩ cũng không đưa ra được nguyên nhân để giải thích việc lạ kì này. Nhưng, sau một hồi nói chuyện với hai vợ chồng, bác sĩ đã được biết rằng sau khi sinh đứa thứ hai, sức khỏe của người mẹ phục hồi không được tốt, nên đứa lớn khi đó mới 1 tuổi phải nhờ người khác chăm sóc trong nửa năm.
Vị bác sĩ đưa ra phán đoán rằng nguyên nhân nếu có chăng nữa, thì chắc chắn phải nằm trong nửa năm này. Nghĩ vậy ông bèn mời người con gái chăm sóc đứa con lớn đến để tìm hiểu. Người con gái ấy khi được hỏi, ban đầu tỏ ra hơi lúng túng và e ngại, nhưng rồi cũng thành thực kể lại chuyện. Chuyện là cô gái ấy bế đứa trẻ nói là dẫn đi dạo, nhưng thực tình giấu giếm đi gặp gỡ người yêu bên trong nhà kho đằng sau vườn. Hơn nữa chuyện này được lặp đi lặp lại hàng ngày. Thật đáng thương khi đứa trẻ mới được 1 tuổi bị đặt trong góc tối tăm của nhà kho mỗi ngày hơn 2 tiếng đồng hồ để cho đôi trẻ kia tình tứ bên nhau.
Chúng ta thử phân tích xem tại sao hành động của cô gái giữ trẻ kia lại ảnh hưởng đến tính cách của đứa bé. Thay vì hưởng ánh nắng hiền hòa của bầu trời, với bầu không khí trong lành thì đứa bé phải thu mình trong góc tối tăm, ẩm thấp, hít thứ không khí hôi hám của nhà kho. Chính điều này phần nhiều ảnh hưởng tới tính khí lầm lì trầm lặng của đứa trẻ. Một đứa trẻ mới được 1 tuổi thì đương nhiên không thể hiểu được những hành vi tình tứ của cô gái giữ trẻ kia và người tình. Nhưng thử tưởng tượng xem, trong góc tối những âm thanh lạ kia sẽ làm đứa trẻ sợ hãi, cảm thấy bất an đến nhường nào.
Hai vợ chồng khi nghe đến đây mới cảm thấy hối tiếc biết bao vì đã giao việc trông nom đứa con lớn của mình cho người khác. Chúng ta thông cảm cho người mẹ bởi không đủ sức khỏe chăm sóc hai đứa con cách nhau 1 tuổi cùng lúc được, nhưng giá khi đó người mẹ nhạy cảm nhận ra một chút thì mọi chuyện đã khác rồi. Ngày nay, vì những lí do khách quan khác nhau, nhiều người mẹ phải giao việc chăm sóc con nhỏ cho người khác. Tuy nhiên lúc này việc để ý, kiểm tra xem con mình đang được chăm sóc trong một môi trường như thế nào là một điều hết sức cần thiết.
2.10. Những trải nghiệm thời thơ ấu là nền tảng của hành động và cách tư duy của trẻ sau này
Khi được hỏi hãy kể lại những kỉ niệm thời thơ ấu của mình chắc hẳn ai trong chúng ta cũng chẳng thể nhớ hết ra được, chỉ trừ những kỉ niệm cực kì ấn tượng. Hơn nữa, ví thử chúng ta nhớ được những chuyện đã xảy ra khi ta 1, 2 tuổi thì đa phần chẳng phải chuyện đó in đậm trong tâm trí, mà là nhờ cha mẹ hay những người xung quanh kể mà chúng ta nhớ lại mà thôi.
Tuy nhiên, không nhớ không đồng nghĩa với việc chúng ta đã quên. Như tôi đã trình bày ở phần trước, tất cả những trải nghiệm của chúng ta từ khi mới lọt lòng đến khi 3 tuổi, ở một hình thức nào đó sẽ trở thành một bản đồ gồm những sợi dây liên kết trong não, tạo nền tảng cho sự trưởng thành của chúng ta. Người ta đã thử nghiệm rằng, khi ám chỉ một người bị thôi miên là người ấy chỉ là một đứa trẻ 1 tuổi, thì người đó sẽ có những hành động cũng như cách nói chuyện giống y hệt đứa trẻ 1 tuổi. Điều này chứng tỏ con người không thể nhớ những gì đã xảy ra lúc ta còn thơ ấu, nhưng những thứ đó đã trở thành những sợi dây liên kết trong não, tồn tại trong chúng ta vĩnh viễn.
Khi con người cận kề với cái chết, họ đột nhiên nhớ ra những chuyện hồi thơ bé. Cố thủ tướng Tanaka , Kakuei (1918-1993) của Nhật, một con người đã bao lần ở ranh giới giữa sự sống và cái chết trên chiến trường, khi nằm trên giường bệnh đã kể rằng ông đang nhìn thấy những kỉ niệm thời thơ bé lần lượt hiện về rất rõ ràng trước mắt.
Ông nhớ được mẹ dẫn đến một ngôi chùa, ở đó có một vị sư đứng đợi trước cổng, ông nhớ cả khuôn mặt, trang phục cũng như những lời nói của vị sư kia. Chuyện này sau đó được hỏi lại người mẹ của cố thủ tướng, bà xác nhận rằng đó chính xác là những gì mà ông trải nghiệm khi mới 2 tuổi.
Nguyên tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nikko (Nikko Research Center), ông Minato Moriatsu được sinh ra và trải qua thời ấu thơ ở Trung Quốc, sau đó ông về Nhật và không hề biết sử dụng tiếng Trung. Tuy nhiên vài chục năm sau, khi có dịp phải đi công tác Trung Quốc, trong buổi hội đàm có tình huống bắt buộc phải dùng tiếng Trung thì đột nhiên ông nói tiếng Trung một cách tự nhiên. Tất cả những người bản xứ đã thực sự bất ngờ về tiếng Trung phát âm rất chuẩn của ông, nên việc đàm phán vì thế trờ nên rất suôn sẻ.
Những câu chuyện kể trên chứng tỏ rằng những trải nghiệm và môi trường thời thơ ấu đã khắc sâu vào trong não bộ của mỗi con người chúng ta. Những gì chúng ta trải nghiệm từ lúc mới sinh ra cho đến khoảng 3 tuổi đã trở thành nền móng của hành động và cách tư duy của chúng ta trong hiện tại. Một nền móng không vững chắc thì không thể nào xây nên những tòa nhà cao tầng đồ sộ được. Hoặc chí ít, cho dù có xây nên một khối đồ sộ nhưng chỉ một trận cuồng phong hay một cơn động đất sẽ dễ dàng phá hủy tất cả.
Giáo dục trẻ thời ấu thơ cực kì quan trọng bởi nó sẽ tạo ra nền móng vững chắc. Bây giờ, nếu cha mẹ không tạo dựng cái nền móng cơ sở ấy, thì sau này mọi nỗ lực để xây đắp một nền móng khác sẽ chỉ là vô ích.
2.11. Giáo dục trẻ không tồn tại một khuôn mẫu cố định
Ở các phần trên, tôi đã phân tích từ nhiều góc độ khác nhau về tầm quan trọng của việc tạo môi trường giáo dục tốt cho trẻ. Đương nhiên vai trò quan trọng nhất trong nuôi dạy trẻ vẫn nằm ở người mẹ. Người mẹ được kì vọng phải luôn quan tâm sát sao đến sự trưởng thành hàng ngày của con, để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất. Ở phần này tôi sẽ trình bày các phương pháp cụ thể ấy, hi vọng nó sẽ trở thành những tham khảo hữu ích cho các bà mẹ. Khi tôi khuyên các bà mẹ hãy cho con mình nghe những bản nhạc hay, cho con mình xem những bức tranh đẹp thì lẽ đương nhiên các bà mẹ sẽ hỏi lại rằng, cụ thể là loại âm nhạc nào, những bức tranh của họa sĩ nào? Phần lớn các bà mẹ sẽ nghĩ đến nhạc của Beethoven hay của Mozart, tranh của Van Gogh11 hay của Picasso12. Bản thân chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia xem nhạc nào, bức họa nào là tốt để giới thiệu cho các bà mẹ. Tuy nhiên đây chỉ là những ví dụ để tham khảo chứ không phải là duy nhất. Con người rất dễ bị lôi cuốn vào một khuôn mẫu nhất định. Nếu không được khuyên cụ thể là hãy làm như thế này, hãy bắt chước đúng như thế kia, thì có vẻ họ sẽ không yên tâm. Nhưng sự thực là không hề có một khuôn mẫu nhất định trong việc giáo dục con trẻ. Chính vì thế, hãy đừng dập khuôn, đơn giản hãy dạy trẻ những gì các mẹ nghĩ là tốt cho con là được. Tôi nghĩ một trong những điểm yếu cố hữu trong giáo dục của người Nhật là chúng ta luôn làm theo một công thức đã định sẵn. Trẻ lên 4 thì cho đi mẫu giáo, tròn 6 tuổi thì đi học lớp một, đơn thuần dựa theo thước đo tuổi để quyết định môi trường học cho trẻ mà bỏ qua năng lực thực chất của trẻ.
Trẻ mẫu giáo được dạy vẽ tranh, được dạy đếm số, trẻ tiểu học năm nhất được dạy cách viết chữ mềm Hiragana, lên lớp hai được dạy thêm chữ Hán. Tất cả được tuân theo một khuôn mẫu máy móc. Giáo dục trẻ trước tuổi mẫu giáo cũng vậy, nếu không có một chuẩn mực, một công thức nhất định, chúng ta sẽ rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên chúng ta hãy tâm niệm rằng khuôn mẫu không phải cái để ta gò bó tuân theo, mà là cái để chúng ta phá vỡ vươn ra ngoài, như thế có lẽ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
2.12. Hãy tạo ra “tật xấu” bế trẻ nhiều hơn
Trẻ đang quấy mà được bế thì sẽ nín khóc, vui cười trở lại. Đây có lẽ là điều mọi bà mẹ đều biết, và lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong quá trình chăm sóc con trẻ. Nhưng người xưa quan niệm rằng, bế nhiều sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ. Chúng ta dỗ trẻ khóc bằng cách bế và nựng chứng, hành động mang tính thói quen này bị nhiều người cho rằng sẽ làm hư trẻ, trẻ sẽ nín khóc nếu được bế, và sẽ khóc mãi nếu không được bế. Vậy sự thật là thế nào, có phải bế sẽ làm hư trẻ hay không? Trong quá trình nuôi dạy trẻ, chắc hẳn cha mẹ nào cũng tâm niệm không nên nuông chiều trẻ quá mức, không thương trẻ một cách mù quáng. Nhưng tôi nghi ngờ khi người ta nói rằng bế trẻ là một cách nuông chiều trẻ quá mức. Một đứa trẻ chưa biết đến ngôn ngữ, chưa biết đưa ra những phản ứng bằng hành động cụ thể thì khóc chính là công cụ duy nhất để chúng thể hiện ý mình với người xung quanh. Khi đứa trẻ khóc, không ít thì nhiều chúng phát ra tín hiệu để bày tỏ một điều gì đó. Khi phát ra tín hiệu mà bị bỏ mặc, đồng nghĩa với việc trẻ không được đáp ứng nhu cầu của mình, nghĩa là trẻ muốn giao tiếp nhưng không được hồi đáp lại.
Một điều mà chúng ta đều hiểu là đối với một em bé mới sinh, sự vuốt ve âu yếm của người mẹ có vai trò quan trọng bậc nhất cho sự phát triển tâm lí ở trẻ. Tiến sĩ Harry Harlow trưởng Trung tâm Nghiên cứu Bộ linh trưởng, trường đại học danh tiếng Wisconsin, Hoa Kì đã làm thí nghiệm tách một con khỉ mới sinh ra khỏi khỉ mẹ, cho nuôi dưỡng bằng khỉ mẹ nhân tạo để theo dõi phản ứng tìm kiếm mẹ của con khỉ này. Khỉ mẹ nhân tạo là hai hình nộm một làm bằng vải, một bằng kim loại. Các hình nộm này được cài đặt thiết bị tỏa nhiệt bằng thân nhiệt của khỉ, có thể đung đưa nhẹ nhàng, có gắn bình sữa. Kết quả là khỉ con không chỉ thích sữa, hơi ấm mà còn thích những cảm giác êm ái, những động tác đung đưa như ru ngủ. Tiến sĩ Harlow khẳng định rằng con người cũng vậy, khi mới sinh ra đều tìm kiếm hơi ấm, bầu sữa, cảm giác êm ái bình yên, và cả những cái đong đưa nhẹ nhàng của người mẹ. Hành động ôm, bế trẻ vào lòng đung đưa giúp ích rất nhiều trong việc nuôi dưỡng trẻ có một trái tim khỏe mạnh.
“Hãy tạo ra tật xấu bế trẻ nhiều hơn” là một cách nói pha chút cường điệu hóa, nhưng tôi chỉ mong muốn các bà mẹ dùng cách này để “giao tiếp” với trẻ nhiều hơn. Cậu bé người rừng nổi tiếng tên là Victor of Aveyron (1788-1828) bị bỏ rơi trong rừng từ khi mới sinh ra, đã từng nói rằng cậu cảm thấy an toàn nhất là khi được ai đó nắm tay, chứng tỏ rằng hành động này sẽ nuôi dưỡng trẻ thành người có tình cảm phong phú.
2.13. Ngủ chung là cách giao tiếp không thể tuyệt vời hơn với trẻ
Như tôi đã nói ở phần trên, từ xưa chúng ta hay quan niệm “bế” trẻ là một tật xấu”, tương tự như vậy, cho trẻ ngủ chung cũng là một tật xấu. Đương nhiên sẽ là khó khăn cho các bà mẹ nếu như trẻ không chịu ngủ mà không được ngủ chung. Tuy nhiên tôi chưa từng nghe bà mẹ nào than phiền về điều này. Hơn nữa, xét về mặt làm sao để giáo dục tính cách và tư duy cho trẻ một cách tốt nhất, thì tôi có thể đưa ra những ý nghĩa mới về lợi ích của việc cho trẻ ngủ chung.
Lí do đầu tiên là với một người mẹ ban ngày bận công việc thì đây là khoảng thời gian quý báu để chuyện trò cùng trẻ. Khoảng thời gian ấy có thể rất ngắn ngủi, là khoảng thời gian trước khi trẻ đi vào giấc ngủ. Lí do thứ hai khoảng thời gian trẻ chuẩn bị chìm vào giấc ngủ chính là lúc hệ thần kinh của trẻ yên bình nhất, dễ tiếp nhận thông tin nhất. Những khoảnh khắc này chỉ trừ trường hợp người mẹ ngủ thiếp đi trước, nếu ta hát ru cho trẻ nghe, kể chuyện cho trẻ, đọc sách cho trẻ thì sẽ có hiệu quả hơn bất cứ khi nào. Với những người cha ban ngày bận việc ngoài xã hội, thì khoảnh khắc ôm con ngủ lúc này chính là cơ hội tuyệt vời nhất để trò chuyện cùng con.
Cố hiệu trưởng trường Đại học Tokyo, giáo sư Kaya Seiji kể rằng mỗi buổi tối trước khi đi ngủ ông đều ôm cháu vào lòng và đọc sách cho cháu nghe. Có những khi nửa tỉnh nửa mơ đọc sách cho cháu nghe, tưởng cháu ngủ rồi ông dừng đọc, nhưng mới nhận ra cháu vẫn thức và chăm chú lắng nghe. Ông thổ lộ rằng đọc sách cho cháu nghe là một việc cực kì có ích. Ở Liên Xô cũ có hẳn một bộ môn nghiên cứu về phương pháp ngủ. Các nhà nghiên cứu đã chúng minh được rằng khi con người mới chợp mắt, trong trạng thái ngủ chưa sâu, nếu ta cho nghe những thông tin, con người sẽ ghi nhớ đậm sâu một cách vô thức. Áp dụng lí luận này vào khoảnh khắc lúc trẻ chuẩn bị chìm vào giấc ngủ chắc hẳn sẽ mang lại những hiệu quả bất ngờ.
2.14. Đứa trẻ được nuôi dạy bởi người mẹ mù âm nhạc đương nhiên sẽ mù tịt về âm nhạc
Tôi từng được nghe nhiều bà mẹ ca thán: “Con trai tôi chẳng có khiếu âm nhạc hay hội họa gì cả, cha nó cũng vậy, đúng là do di truyền mà nên”. Thực tế cho thấy cha mẹ không có khiếu thì đa phần con cái họ cũng không có khiếu. Nhưng tôi dám khẳng định một điều rằng năng khiếu không phải do di truyền.
Thử giả sử bạn là người mẹ không có khiếu về âm nhạc, hay nói cách khác bạn mù tịt về âm điệu. Bạn hát cho con bạn nghe nhưng bị sai nhạc điệu, hay bạn mở cho con bạn nghe những bản nhạc lệch âm điệu, thử hỏi đầu óc con bạn sẽ trở nên thế nào? Đương nhiên những bài nhạc lệch điệu ấy sẽ ăn sâu vào trong tiềm thức của trẻ theo dạng nhận thức nguyên mảng. Khi trẻ hát, những âm điệu đã được nguyên mảng hóa ấy sẽ được tái hiện y nguyên, trẻ sẽ cất lên tiếng hát bị lệch vẻ âm điệu. Khi đó, các mẹ lại nhầm tưởng rằng con mình khống có khiếu âm nhạc, và lí do để đổ thừa lại là di truyền.
Ngay cả Beethoven hay Mozart nếu được chăm sóc bởi một người mẹ mù âm nhạc thì chắc chắn tên của hai ông không thể được nhắc tới đến tận ngày hôm nay. Tôi có quan điểm rằng, chính những đứa trẻ bị coi là mù âm nhạc mới có đôi tai cực tốt. Vì sao ư? Đơn giản bởi chúng có thể bắt chước nguyên si những âm điệu lệch lạc mà mẹ đã cho nghe.
Thêm một ví dụ nữa về việc “mù âm nhạc” ở trẻ có thể chữa khỏi, để chứng tỏ rằng “mù âm nhạc” không phải do di truyền. Thầy giáo dạy violin hàng đầu của Nhật, ông Suzuki Shinichi đã từng tiếp nhận một chú bé 6 tuổi bị coi là “mù âm nhạc” để chữa trị. Thật bất ngờ là chú bé đã khắc phục xuất sắc điểm yếu cố hữu của mình. Cũng không phải là một ngoại lệ, mẹ của chú là một người hoàn toàn kém về âm nhạc. Được nuôi dạy bởi người mẹ kém về nhạc nên con mới bị kém như thế này, nghĩ vậy nhạc sĩ Suzuki bèn tập cho chú bé nghe lại tất cả những bản nhạc mà mẹ đã cho nghe nhưng được chỉnh sửa đúng âm điệu. Chú được cho nghe lại những bản nhạc đúng âm điệu cả trăm nghìn lần. Nhờ vậy những mảng âm nhạc sai lệch đã ăn sâu trong bộ nhớ của chú bé dần dần bị phai nhạt, thay vào đó là những bản nhạc đã được sửa đúng âm sắc. Và sự “mù âm nhạc” của chú bé đã được chữa lành theo cách đó.
Không dừng lại ở mức độ đó, chú bé kia đã có thể chơi những bản concerto của Johannes Brahms13, hay của Beethoven một cách hoàn hảo. Ít lâu sau chú bé đã được tham dự đại hội hòa tấu âm nhạc tổ chức ở Canada. Qua những chuyện này, chẳng phải quá lời khi khẳng định rằng, khả năng cảm thụ âm nhạc của trẻ, suy rộng ra mức độ phát triển của trí não, tính cách của trẻ được quyết định bởi không gì khác, chính là những hành động thường ngày của người mẹ. Những điệu bộ cử chỉ, những tâm tư tình cảm tưởng chừng rất đôi bình thường của người mẹ lại là những tác nhân gây ra những ảnh hưởng không lường trước được cho bản thân con trẻ.
2.15. Khi trẻ ê a thì hãy trò chuyện
Trong cuốn sách từng bán chạy nhất tại Mỹ với tựa đề “Cách mạng giáo dục trẻ thơ” đã đề cập đến phương pháp dạy trẻ tuổi ấu thơ như sau. Nhóm nghiên cứu chương trình thử nghiệm cho những giáo viên mầm non đã qua lớp huấn luyện đặc biệt về kĩ năng nuôi dạy trẻ nhỏ đến thăm những nhà trẻ hoặc các gia đình và tiến hành dạy các em nhỏ.
Ở thủ đô Washington, họ cũng đã làm thử nghiệm như vậy. Họ cho các giáo viên mầm non này đến nhà của 30 trẻ nhỏ trong độ tuổi 15 tháng tuổi ở khu phố ổ chuột của người da đen. Ngoại trừ ngày chủ nhật ra thì mỗi ngày những giáo viên mầm non này đều dành khoảng 1 giờ để chơi đùa và nói chuyện với từng em nhỏ. Tiến sĩ tâm lí học R. Shaffer đã giải thích đây là phương pháp kích thích sự tăng trưởng trí não của trẻ bằng việc tập trung vào việc phát huy năng lực ngôn ngữ cho trẻ.
Sau đó vị giáo sư này còn làm một thí nghiệm khác, như sau: Ông gửi 9 phụ nữ trẻ đến thăm những gia đình có con nhỏ ở độ tuổi 14 tháng tuổi và cũng thực hiện những bài học giống như những giáo viên mầm non kia. Khi các em được 27 tháng tuổi, kết quả kiểm tra đã cho thấy chỉ số IQ của các bé này cao hơn những trẻ bình thường khác từ 10 đến 15 điểm, và ở tất cả các hạng mục liên quan đến ngôn ngữ các em đều có kết quả xuất sắc.
Câu chuyện về thí nghiệm thực tế ở trên đã mở ra những giải pháp cải thiện nuôi dạy con dành cho những gia đình nghèo, khi người mẹ phải đi làm mà không có điều kiện ở nhà chăm con. Đó là việc giao tiếp, trò chuyện với con dù chỉ một chút thời gian cũng là những kích thích tuyệt vời giúp trẻ phát triển trí tuệ. Thậm chí, thí nghiệm trên còn chỉ ra một điều rằng chỉ với một người xa lạ đến chơi với trẻ mà đã đem lại hiệu quả rõ rệt, huống hồ với các bậc cha mẹ vốn dạt dào tình yêu thương chỉ cần bỏ chút công phu thì hiệu quả sẽ còn cao hơn gấp bội.
Khi trẻ được 2 đến 3 tháng tuổi là bắt đầu biết nhoẻn miệng cười, biết ê a khi nhìn ngắm những sự vật, đồ vật xung quanh mình, đây chính là thời điểm trẻ đang ghi nhớ những sự vật, những hình ảnh đó vào não. Tự lúc nào không biết, bất kì lời nào mẹ nói, hành động nào mẹ làm trẻ đã nhập tâm vào trong đầu trẻ. Chính vì thế, ở thời kì này việc mẹ có trở thành người bạn trò chuyện mỗi khi trẻ ê a muốn nói chuyện hay không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Trên báo có kể lại một câu chuyện thực tế như thế này. Có một đôi vợ chồng trẻ lúc sinh cậu con trai đầu lòng thì vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ chỉ vẻn vẹn có 10 mét vuông. Chính vì phòng nhỏ nên cả mẹ và bé đều quan sát được nhau, để tránh nhàm chán thì người mẹ rất hay nói chuyện với con kể cả khi đang làm việc, và đương nhiên mọi lời nói của mẹ đều vẳng đến tai cậu bé. Sau đó gia đình ấy chuyển sang một ngôi nhà khác lớn hơn và phòng cũng nhiều hơn, rồi cô em gái ra đời. Thế nhưng với đứa bé gái thì mẹ lại để bé ở trong phòng rất xa khu bếp nên hầu như những lúc ấy hai mẹ con không thể trò chuyện với nhau được. Chính vì sự khác biệt về môi trường giao tiếp với mẹ như vậy mà người anh khi được 7, 8 tháng tuổi đã có thể phát âm những từ có nghĩa, trong khi cô em gái dù đã qua 10 tháng nhưng lại chỉ bi bô toàn những từ không có ý nghĩa. Hơn thế nữa, trái ngược với người anh hiếu động do được nuôi dạy trong tình yêu thương thông qua những giao tiếp với mẹ từ khi mới sinh ra, thì người em gái lại rất ít nói.
Câu chuyện này đã chứng tỏ cho các bậc cha mẹ thấy sự khác biệt rất lớn về trí tuệ lẫn tâm hồn giữa những trẻ mà cha mẹ như là “người bạn trò chuyện” và những trẻ bị bỏ rơi ở giai đoạn này.
2.16. Không cần dùng ngôn ngữ trẻ con với trẻ
Một lần tình cờ ngồi ăn trong nhà hàng tôi bắt gặp một câu chuyện thế này. Bàn bên cạnh bàn tôi có một bà mẹ trẻ cùng cậu con trai 2 tuổi. Khi người phục vụ đem đồ ăn đến, cậu bé đã nói lại với người phục vụ câu nói giống như trên chương trình quảng cáo. Tôi lấy làm lạ bèn quay sang hỏi thì mẹ cậu bé giải thích rằng, vì cậu bé đã nhớ những lời quảng cáo trên tivi của món ăn này, nên cứ hễ gặp món này là cậu ta lại bắt chước nói theo.
Người lớn chúng ta thường sẽ quên ngay lời quảng cáo trên tivi hay radio, nhưng trẻ con lại có thể nhớ một cách rất chính xác những câu quảng cáo dài của chương trình đó.
Trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi còn chưa nói sõi nên chúng ta thường hay có thói quen dùng ngôn ngữ trẻ con ví dụ như “con cún” thay vì nói “con chó”, “xơm mẹ một cái nào” thay vì dùng từ “thơm”. Thế nhưng bạn thấy đấy tivi hay đài phát thanh đâu có dùng ngôn ngữ trẻ con để nói đâu nào, nhưng trẻ nhỏ tầm 2 tuổi vẫn có thể nhớ chính xác những nội dung không quá phức tạp.
Đương nhiên là khi trẻ bắt đầu bập bõm biết nói sẽ chỉ phát âm được những từ còn ngọng như “pà” thay vì nói là ” bà”, bởi vì giai đoạn này cơ quan phát âm của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, nên dù trẻ muốn nói từ đó chính xác nhưng miệng chưa thể phát âm chuẩn được. Chính vì khi thấy trẻ nói ngọng chưa thành tiếng rõ ràng như thế, mà nhiều người lớn chúng ta lại vô tình định kiến rằng mình cũng cần phải nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ trẻ con thì trẻ mới hiểu. Mọi người không biết rằng khi làm như thế ở giai đoạn trẻ từ 0 đến 3 tuổi này là vô tình ta đã làm mất đi chức năng hình thành khả năng nói tiếng chuẩn ở trong não bộ của trẻ, để sau này lớn lên trẻ sẽ rất khó sửa tật nói ngọng của mình.
Việc hình thành bản đồ ngôn ngữ ở trong não trẻ thời kì từ 0 đến 3 tuổi này không chỉ phụ thuộc vào việc cha mẹ nói chuyện với trẻ, mà còn thông qua việc trẻ được nghe cha mẹ nói chuyện với nhau, hay những người xung quanh nói chuyện. Bạn thấy đấy dù không cần dùng ngôn ngữ trẻ con để nói chuyện với trẻ, thì trẻ được vài tháng có khả năng hấp thu tốt vẫn có thể hiểu được lời nói của cha mẹ. Nếu cha mẹ không làm như thế thì đến khi trẻ đi mẫu giáo sẽ bị mọi người xung quanh bắt phải sửa lại ngôn ngữ chuẩn, như vậy trẻ sẽ phải vất vả nhớ thêm một lần nữa.
Một người mẹ Pháp khi con gái sắp đi lấy chồng đã nói với chàng rể tương lai thế này: “Con gái tôi dù không có của hồi môn, nhưng có thể nói tiếng Pháp chuẩn mực”, đủ để chúng ta thấy việc nói tiếng mẹ đẻ chuẩn mực quan trọng đến nhường nào. Vì thế ở giai đoạn ấu thơ, việc mẹ và con trò chuyện bằng ngôn ngữ chuẩn là điều vô cùng cần thiết.
2.17. Có những việc làm của cha mẹ sẽ vô tình gây ra nỗi sợ hãi trong kí ức của con trẻ
Trong mắt người lớn chúng ta thì thời kì ấu thơ chính là giai đoạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời vì chưa phải nếm trải những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Nhưng thực tế khi nhìn lại tuổi ấu thơ của mình, ai cũng đều cảm nhận rằng không phải lúc nào chúng ta cũng sống trong hạnh phúc. Người già 60 tuổi có nỗi lo của tuổi 60, và trẻ nhỏ cũng có những nỗi lo lắng, sợ hãi của chính mình, ví dụ trẻ được 1 tuổi khi sắp lên 2 tuổi cũng sẽ có cảm giác gì đó bất an.
Nếu đi tìm hiểu tại sao ở trẻ lại xuất hiện những tâm trạng và cảm xúc lo sợ hay bất an đó, thì nguyên nhân ở đây xuất phát từ rất nhiều điều ẩn sau những chuyện nhỏ nhặt tưởng như là không quan trọng mà cha mẹ không để ý đến.
Trong tạp chí của “Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” phát hành có ghi lại trải nghiệm về thời thơ ấu của giáo sư Miyamoto Shotaro, người từng là hội trưởng của đài thiên văn Kwasan nổi tiếng của Đại học Kyoto có viết:
“Cha tôi là một người rất thích kịch Nô (một loại kịch truyền thống của Nhật). Thi thoảng ông vẫn hay tụ tập bạn bè tại nhà và tập diễn kịch. Còn mẹ tôi thì sẽ bận rộn để bưng trà và chuẩn bị đồ ăn để đãi khách. Khi ấy tôi ngủ một mình trong phòng và mỗi lần nghe những đoạn nhạc cao trào giống như đang có xung đột xảy ra ấy là tôi đều khóc vì cảm thấy sợ hãi. Mẹ tôi chạy ra xem khách có chú ý không rồi lại chạy vào để tôi nằm xuống ngủ tiếp. Cho đến tận bây giờ kí ức về nỗi sợ hãi ấy vẫn còn ám ảnh sâu đậm trong tôi”. (trích “Tạp chí giáo dục tuổi ấu thơ”, kì phát hành tháng 4 năm 1971).
Cha mẹ của giáo sư Miyamoto dù là trong tưởng tượng cũng sẽ không bao giờ có thể nghĩ được rằng, chính sở thích của mình lại là nguyên nhân sinh ra nỗi sợ hãi cho con thời thơ ấu, đến khi con lớn lên rồi kí ức đó cũng không thể xóa nhòa. Thế nhưng ngược lại, giáo sư Miyamoto vẫn nhớ như in những câu chuyện cổ tích bà ông kể cho ông nghe, hay là những bản nhạc làm ông thích thú như bản Carmen, bản giao hưởng “Ánh trăng” mà cha ông cho ông nghe.
Trong thời kì ấu thơ đó có rất nhiều kí ức, tại sao giáo sư Miyamoto lại vẫn bị ám ảnh bởi những sợ hãi mà những bài hát kịch Nô đem lại? Trải nghiệm này của giáo sư Miyamoto chính là một ví dụ vô cùng sâu sắc đối với nghiên cứu giáo dục trẻ tuổi ấu thơ.
Chắc chắn rằng cảm giác lo sợ trong trái tim trẻ thơ của ông không chỉ từ những lời thoại giống như là đang đánh nhau của những bài kịch Nô đó, mà còn vì cảm giác cô đơn và buồn tủi vì bị mẹ bỏ rơi phải ngủ một mình trong phòng tối.
Chỉ một ví dụ này tôi không thể đưa ra một kết luận vội vàng cần phải làm gì, mà điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là có những chuyện người lớn chúng ta không hề nghĩ đến, cứ tưởng như không quan trọng nhưng đối với trẻ thơ, nó có thể trở thành những kí ức rất sâu làm tổn thương trái tim và tâm hồn con trẻ.
2.18. Trẻ sơ sinh có thể hiểu cha mẹ đang cãi nhau
Khi ngắm nhìn khuôn mặt một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cặp vợ chồng không hòa thuận bạn sẽ nhận ra ngay, thần sắc khuôn mặt trẻ có nét gì đó buồn và không hề tươi tắn như những trẻ khác. Chúng ta vẫn lầm tưởng rằng những gì xảy ra giữa hai vợ chồng thì trẻ sơ sinh làm sao biết được. Nhưng trẻ lại có một bộ não nhạy bén để có thể cảm nhận những kích thích rất mẫn cảm từ môi trường xung quanh. Nếu như trẻ sơ sinh sống trong một môi trường mà hằng ngày phải chứng kiến cha mẹ cãi nhau kịch liệt thì trẻ sẽ trưởng thành như thế nào?
Tất nhiên trẻ sẽ không thể nào hiểu một cách tường tận từng lời nói, nhưng trẻ thu được chính xác những cảm xúc như ghét, giận dữ của cha mẹ. Và những cảm xúc ấy dần hình thành trong não trẻ, rồi thời gian trôi qua bạn sẽ nhìn thấy khuôn mặt trẻ rất buồn, thiếu vui tươi hoạt bát như những đứa trẻ khác. Mắt to, mũi thẳng, miệng xinh có thể là ảnh hưởng từ di truyền của cha mẹ, nhưng biểu hiện tâm trạng trên khuôn mặt trẻ chính là tấm gương chân thực nhất phản ánh cuộc sống của hai vợ chồng. Tôi đã nghe câu chuyện một người bạn làm tư vấn tâm lí kể lại rằng một phụ nữ trẻ với khuôn mặt rất buồn và đau khổ đến trung tâm để xin tư vấn, và nhìn biểu hiện khuôn mặt của đứa trẻ cô đang bế trên tay cũng buồn và thiếu sinh khí giống hệt như khuôn mặt người mẹ đã khiến ông vô cùng kinh ngạc.
Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường chỉ toàn là sự căm ghét, cãi vã của cha mẹ thì khi chúng lớn lên và đến trường chúng sẽ trở thành một đứa trẻ như thế nào thì chắc các bạn cũng có thể hình dung được phải không?
Khi điều tra lại hồ sơ của những tội phạm tuổi vị thành niên, chúng ta nhận ra một sự thật rằng hầu hết tuổi thơ của các em đó đều trải qua trong một gia đình bất hạnh. Mỗi hành động hay ứng xử của chúng ta đều dựa trên sự thấu hiểu những tiêu chuẩn đạo đức hay sự hiểu biết nhân tình, thế thái trong cuộc sống này, và điều này lại được hình thành thông qua những trải nghiệm gần như là vô thức chúng ta nhận được ở thời kì ấu thơ.
Thầy Suzuki đã từng nói với các bậc cha mẹ trong một buổi diễn thuyết như thế này: “Hôm nay các bạn hãy về nhà và thử nhìn vào mắt con mình, các bạn có thể đọc được toàn bộ những kí ức về cuộc sống của hai vợ chồng trên khuôn mặt trẻ thơ đó”. Câu nói ấy thực sự đã gây cảm xúc mạnh mẽ khiến tôi không bao giờ có thể quên được.
Môi trường để nuôi dạy trẻ tuổi ấu thơ không cần thiết phải là một môi trường đặc biệt. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, cha mẹ yêu thương, quan tâm đến nhau, đó thực sự là một môi trường giáo dục trẻ tuổi ấu thơ tuyệt vời hơn bất cứ môi trường nào.
2.19. Tính cách của mẹ sẽ dễ ảnh hưởng đến con nhất
Chính vì mẹ là người thân thiết, gần gũi với con nhất trong những năm tháng đầu đời, nên đã có rất nhiều bà mẹ đổ lỗi rằng những tật xấu như lầm lì, ít nói, tính cách hấp tấp nóng này mà mình không có, chắc là đều bị ảnh hưởng từ cha chúng. Nhưng những bà mẹ đã đọc đến đây đều có thể hiểu rằng tính cách tốt hay xấu của trẻ đều chính là kết quả của sự giáo dục của người mẹ từ khi trẻ mới sinh ra cho đến bấy giờ.
Có rất nhiều người đã hiểu lầm rằng giáo dục trẻ sớm chính là phương pháp để phát triển khả năng trí tuệ của trẻ ở những con số có thể đo được như chỉ số thông minh, khả năng nhớ chữ Hán.. Nhưng xin các bậc cha mẹ đừng bỏ qua một ý nghĩa còn quan trọng hơn cả các chỉ số trên, đó là không phải những gì ta cố “giáo dục” trẻ, mà chính những hành động, những tình cảm và cảm xúc hàng ngày của cha mẹ sẽ trở thành những bài học giáo dục có ảnh hưởng nhiều nhất đối với con trẻ.
Người mẹ không giỏi về mặt nào đó thì đứa con cũng có khuynh hướng sẽ kém về mặt đó. Suy rộng ra thì một người mẹ có tính cách lầm lì cũng sẽ nuôi dưỡng một đứa con có tính cách lầm lì như vậy, một người mẹ hấp tấp vội vàng thì cũng sẽ nuôi dạy một đứa con có tính hấp tấp, vội vàng. Chính vì thế mà nếu tự bản thân người mẹ nhận ra rằng mình kém về mặt nào thì hãy tìm cách khắc phục nhược điểm đó cho trẻ, ví dụ như mẹ không biết hát thì có thể mua nhiều băng nhạc về cho trẻ nghe. Tuy nhiên, những vấn đề khó hơn liên quan đến tính cách, cảm xúc, cảm giác thì chúng ta ít để ý đến và việc sửa những khiếm khuyết ấy không hề dễ dàng nên đời hỏi người mẹ phải nỗ lực và tận tâm hơn rất nhiều.
Khi người mẹ bị cảm thì thường sẽ lây bệnh sang cho con. Và để không lây bệnh cho con thì hầu như người mẹ nào cũng sẽ rất cẩn thận trong cách chăm con ở thời gian đó như là đeo khẩu trang, tránh những tiếp xúc có nguy cơ lây bệnh. Thế nhưng, lại có rất ít người mẹ để tâm đến việc làm sao tránh cho con bị lây nhiễm những tật xấu hay điểm yếu của mình. Vì thế tôi muốn nhấn mạnh, nếu bản thân mẹ là một người hay lo lắng, thì tính cách đó cũng sẽ nhiễm sang con thậm chí còn nhanh và mạnh hơn cả việc nhiễm bệnh cảm.
2.20. Cha thờ ơ với việc giáo dục con thì tính cách con sẽ dễ trở nên méo mó
Trẻ con khi đã trở thành người lớn đều nhớ rất sâu sắc những kí ức tuổi thơ được chơi cùng cha cho dù nó chỉ là những khoảng thời gian rất ít ỏi. Chính bản thân tôi cũng không ngờ những kí ức khi con trai tôi còn bé được đi lướt ván ngoài biển cùng tôi, được tôi mua kem sau mỗi lần đi dạo. Mặc dù với tôi đó chỉ là những chuyện rất bình thường nhưng lại là những kỉ niệm rất vui và hạnh phúc, đã để lại ấn tượng sâu đậm cho con tôi tới tận mấy chục năm sau.
Ở nhiều gia đình Nhật, người cha phải đi làm rất bận rộn, thời gian dành cho con rất ít, việc nuôi dạy con cái đều do người mẹ đảm nhiệm, vì thế người cha được hình dung là người hay quát mắng và là người đối đầu trong những cuộc tranh luận với con cái. Thi thoảng mới giáp mặt nhau nhưng hầu như lần nào cũng bị cha cằn nhằn, la mắng sẽ khiến đứa trẻ coi cha mình như kẻ địch, và từ đó nảy sinh thái độ phản kháng. Nếu một đứa trẻ có trạng thái cảm xúc không ổn định thì sẽ có khuynh hướng hầu như không có ấn tượng gì với cha mình.
Có lẽ nhiều người nghĩ rằng thay vì một người mẹ nghiêm khắc, thì một ông bố nghiêm khắc sẽ có thể nuôi dưỡng con cái trở thành thần đồng hay thiên tài. Nhưng đáng tiếc là nếu đọc lại tiểu sử của những thần đồng thì ta mới nhận ra có rất nhiều người tính cách đã bị tổn thương và khiếm khuyết từ thuở còn ấu thơ.
Ngược lại cũng có không ít những người cha chỉ suốt ngày say xỉn, lười biếng, không để ý gì đến việc giáo dục con cái, suốt ngày đánh đập vợ con, khiến vợ con ra đường không dám ngẩng mặt lên. Có không ít trường hợp những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi người cha như thế thì tính cách sẽ méo mó, khi lớn lên dễ sa vào con đường phạm tội.
Tôi quan niệm rằng người mẹ có vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn ấu thơ, nhưng không có nghĩa là tôi ủng hộ suy nghĩ phó thác việc nuôi dạy con cho vợ mình của những người cha. Người cha phải là một người trợ lí tốt cho người mẹ ở giai đoạn ấu thơ này, đó chính là vai trò của người cha trong gia đình. Một mình người mẹ sẽ không thể tạo ra được một không khí gia đình đầm ấm và hạnh phúc được.
Vài hôm trước, tình cờ ở trên xe điện, tôi đã được chứng kiến cuộc trò chuyện của gia đình ba người gồm cha mẹ và cô con gái nhỏ đang chuẩn bị đi leo núi. Cô con gái nhỏ tầm 3 tuổi cứ tíu tít trò chuyện với cha suốt quãng đường. Tôi không có ý định nghe lén câu chuyện của hai cha con họ nhưng nó tự nhiên lọt vào tai tôi. Khi cô con gái đố người cha: “10 lần của gam là bao nhiêu?”, người cha đã giả vờ đùa lại con bằng cách phát âm trong tiếng Nhật: “10 lần của gam là đảo Guam, ước gì mình đến được đảo đó chơi con nhỉ?”.
Người mẹ ngồi bên cạnh giả vờ như không nghe thấy gì và chăm chú đọc tạp chí. Nhìn khung cảnh đó, tôi có thể ngầm hiểu ý của người mẹ không xen vào giữa câu chuyện là muốn để hai cha con có cơ hội trò chuyện riêng với nhau. Hình ảnh gia đình ấy đã cho tôi cảm nhận bằng trực quan của mình rằng sau này cô bé sẽ được nuôi dạy thành một người tuyệt vời.
Với người lớn chúng ta có những câu chuyện chỉ là chuyện phiếm, nhưng với trẻ con thì đó lại là những khung cảnh để chúng thả hồn tưởng tượng vào trong đó. Chỉ khi được nuôi dưỡng ở môi trường gia đình mà mẹ có vai trò như là người lãnh đạo, cha là người bao bọc che chở cho cả nhà, thì đứa trẻ mới được nuôi dạy tốt. Chính vì thế sẽ vô cùng cần thiết để người cha dành thời gian trò chuyện và quan tâm đến con cái trước khi bị cuốn vào công việc bận rộn và những mệt mỏi.
2.21. Gia đình có đông anh chị em sẽ rất tốt
Ngày nay, đa số phụ nữ trẻ đều có khuynh hướng muốn đi theo hình mẫu gia đình lí tưởng, đó là gia đình riêng không có nhiều thế hệ sống chung một nhà và đẻ ít con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ví dụ như do vấn đề kinh tế và nhà ở, những thay đổi trong quan niệm sống. Nhưng nhìn từ quan điểm giáo dục trẻ tuổi ấu thơ thì khuynh hướng này lại là điều không được mong đợi.
Ở vào thời của mình bản thân tôi là trường hợp rất hiếm hoi khi là con một. Chính vì thế tôi đã rất ghen tị với những bạn có anh chị em. Tôi thường xuyên đến chơi nhà của các bạn để được trải qua cảm giác gia đình đông anh chị em, mọi người có bạn để chơi đùa, để cãi nhau, bữa ăn thật đông vui. Và một điều thú vị tôi phát hiện ra là ở bất kì gia đình nào cũng thế, người anh cả hầu như đều như một thủ lĩnh, tính cách rất người lớn, tốt bụng, không có tính hiếu thắng.
Đối với cảm nhận này tôi xin đưa ví dụ, trong những người bạn của tôi có một người gia đình có ba anh em, cậu ta là con thứ hai, tính cách lanh lợi, mạnh mẽ, dù có bị anh bắt nạt cũng không bao giờ khóc. Kể cả khi bị anh và em cùng hiệp lực lại gây sức ép đi nữa thì cậu ta cũng nhất định không chịu đầu hàng. Có lẽ những trường hợp giống như vậy không chỉ có tôi mà rất nhiều người trong các bạn cũng đã từng gặp rồi phải không?
Cùng là một mẹ sinh ra, cùng được nuôi dạy dưới một mái nhà vậy mà tại sao lại có sự khác nhau rất lớn về tính cách và năng lực giữa anh em với nhau đến vậy? Chúng ta vẫn thường cho rằng, khi sinh đứa thứ hai, thứ ba cha mẹ sẽ không còn nâng niu, chiều chuộng như là khi sinh đứa đầu lòng, do đó tự bản thân trẻ sẽ trở nên tự lập nhanh hơn anh chị chúng. Nhưng những nghiên cứu gần đây nhất về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ đã chỉ ra rằng không chỉ có một lí do như trên.
Đối với đứa con đầu lòng thì dẫu cha mẹ có tạo ra môi trường nuôi dạy như thế nào đi nữa, trẻ vẫn chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chính cha mẹ. Ngược lại, đối với trẻ sinh thứ hai, thứ ba thì sẽ nhận được nhiều kích thích từ bên ngoài mà bắt đầu từ chính anh hay chị mình, như bị bóp mũi, gõ đầu chẳng hạn. Chính vì vậy, so với anh, chị thì đứa em thứ hai có khuynh hướng có tính cách hoạt bát và mạnh mẽ hơn. Chính vì thế nếu là đứa em thứ ba, hay thứ tư thì khuynh hướng phát triển tính cách như thế lại càng mạnh mẽ hơn, thể lực cũng được rèn luyện tốt hơn.
Ở lớp học nhạc cũng chứng minh rằng gia đình nào có anh, chị được cho học đàn thì đứa em cũng sẽ học rất nhanh, bởi vì từ khi mới sinh ra trẻ đã được tiếp xúc với môi trường âm nhạc thông qua những bài hát, những bản nhạc do anh, chị mình luyện tập.
“Xuất thân từ gia đình nghèo đông con”, một cụm từ chúng ta thường hay nghe khi đọc tiểu sử của những danh nhân hay người nổi tiếng. Có thể nói với trẻ nhỏ thì việc càng có nhiều anh chị em sẽ là một môi trường tương tác và kích thích rất cao có thể giúp trẻ hình thành những khả năng phát triển vượt trội về năng lực lẫn tính cách.
2.22. Mối quan hệ với ông bà là “chất tương tác” tuyệt vời cho trẻ
Xã hội hiện đại ngày nay đang có xu hướng gia tăng số lượng “gia đình hạt nhân” vì những cặp vợ chồng trẻ không muốn sống cùng cha mẹ, việc ông bà mất đi cơ hội tiếp xúc với con cháu dần trở thành một điều tất yếu của xã hội hiện đại. Các bậc cha mẹ thường hay sợ rằng ông bà nuông chiều cháu, dẫn đến cháu trở nên ích kỉ, ương bướng không nghe lời. Chính vì thế tôi đã thấy nhiều cặp vợ chồng chuyển ra ngoài ở riêng trong ngôi nhà trọ chật chội, thiếu tiện nghi với lí do có ông bà bên cạnh thì không giáo dục con được.
Tuy nhiên, gia đình hạt nhân có thực sự cần thiết đến như vậy hay không? Những lí do khác liên quan đến việc nuôi dạy trẻ vẫn còn rất nhiều nghi vấn. Thực tế thì ngày nay vẫn còn tồn tại những quan niệm phong kiến kiểu như ấn tượng mẹ chồng, em chồng, hay trọng vọng con trưởng trong gia đình. Nhưng phải chăng chúng ta đang bỏ qua những mặt tốt của việc có nhiều thế hệ cùng sống trong một gia đình. Ông bà hầu hết là những người thấu hiểu những đạo lí hiếu thuận trong gia đình, đã từng được rèn giũa bởi những lễ nghi phép tắc. Dẫu có thể có những điều không còn được dùng đến trong xã hội hiện nay, nhưng những chuyện lễ nghi phép tắc kính trên, nhường dưới thì ở bất cứ thời đại nào, bất cứ mối quan hệ giữa con người với con người nào cũng đều cần thiết.
Lấy lí do ông bà nuông chiều cháu để cách li cháu với ông bà, phải chăng các bậc cha mẹ đang phung phí những kinh nghiệm sống và sức ảnh hướng vô cùng quý báu của ông bà. Muốn cho con không trở nên ích kỉ, ngang bướng thì cha mẹ cũng cần có thái độ thật phân minh rạch ròi. Và hơn hết cha mẹ cần phải khắc cốt ghi tâm những lời nói, những hành xử của ông bà mà mình chưa tích lũy được để dạy dỗ cho con trẻ.
Theo như lời của nguyên hiệu trưởng trường Đại học Tokyo danh tiếng, giáo sư vật lí nổi tiếng Kaya Seji kể lại, thời thơ ấu ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là từ ông bà. Ông của giáo sư Kaya khi đó đang giữ chức chủ tịch thôn Aikawa, thuộc tỉnh Kanagawa, là một người vô cùng nghiêm khắc, sự nghiêm khắc của ông được ví rằng ông chỉ cần đi qua và ho một tiếng thì đứa trẻ đang khóc cũng phải nín ngay. Thế nhưng sự nghiêm khắc của ông không phải là la mắng bằng cảm xúc mà từ chính cốt cách và phong thái mạnh mẽ. Chính vì vậy mà khi giáo sư Kaya ở thời kì phản kháng thì điều đó cũng không để lại tác động xấu nào, ngược lại sự nghiêm khắc đó nuôi dưỡng cho ông một cốt cách kiên cường, không dễ dàng chịu đầu hàng trước bất cứ thử thách gì. Còn bà của giáo sư Kaya là một người rất mực hiền từ, làm nghề dệt vải chăm chỉ quanh năm. Có lẽ chính vì được ảnh hưởng bởi những đức tính đó mà giáo sư Kaya đã trở thành một người vô cùng đáng khâm phục với tinh thần luôn say mê và chỉn chu, cẩn thận trong từng công việc. Giáo sư tâm lí học Tago Akira đã từng phân tích rằng chính bản lĩnh và khả năng tập trung này là yếu tố cơ bản để nuôi dưỡng giáo sư Kaya trở thành một nhà khoa học tầm cỡ thế giới sau này.
2.23. Chơi cùng nhau sẽ giúp trẻ xây dựng “tính cộng đồng” và thúc đẩy phát triển trí tuệ
Từ đầu cuốn sách đến giờ tôi đã dẫn chứng cụ thể nhiều ví dụ để các bạn thấy được việc người mẹ ôm ấp, chiều chuộng trẻ trong những năm tháng đầu đời là những kích thích tuyệt vời, không chỉ giúp trẻ phát triển về trí tuệ, mà còn có vai trò rất lớn trong việc hình thành cảm xúc, tình cảm của trẻ.
Thế nhưng chỉ có những kích thích đơn thuần giữa mẹ và bé thì sẽ không thể nào hiệu quả bằng những kích thích đa dạng như là kích thích giữa anh em với nhau, giữa trẻ cùng độ tuổi. Mẹ không nên chỉ để con ở nhà cả ngày với mình, hãy dẫn trẻ đi dạo bên ngoài thật nhiều, hãy cho trẻ chơi cùng với những trẻ khác. Việc làm này của người mẹ gửi gắm cho trẻ bài học đầu tiên về sinh hoạt bầy đàn, và trên cơ sở đó nó không chỉ nuôi dưỡng cho trẻ những phẩm chất quan trọng về tính cộng đồng, tính chỉ huy và tính hợp tác, mà còn thúc đẩy sự phát triển trí tuệ cho trẻ.
Tôi đọc trên một tờ báo có ghi lại một thí nghiệm “Cách li một chú khỉ con sau khi sinh ra thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của con khỉ?”. Đây là thí nghiệm của giáo sư Harry Harlow mà tôi đã giới thiệu ở phần trước. Giáo sư Harlow đã đưa ra một kết quả nghiên cứu vô cùng thú vị về tính cộng đồng cùng sự phát triển về trí tuệ và sự giao lưu giữa đồng loại với nhau của loài khỉ.
Ông đã nhốt những chú khỉ mới sinh ra trong những cái lồng, bên trong đặt bình sữa mà chỉ để thò ra mỗi núm sữa để cho khỉ con bú. Đầu tiên ông làm thí nghiệm sau khi chú khỉ bị nhốt riêng 3 tháng sẽ được cho vào một nơi có những chú khỉ được nuôi bình thường, để theo dõi xem chú khỉ này sẽ hành động như thế nào. Ban đầu chú khỉ con rất bối rối, nhưng sau đó chưa đến 1 tuần chú đã vui vẻ chơi đùa cùng những bạn khỉ khác.
Tiếp theo, ông lại làm thí nghiệm cho chú khỉ bị cách li 6 tháng vào một nơi có những chú khỉ được nuôi bình thường, ông quan sát thấy chú khỉ này hoàn toàn không chơi cùng những chú khỉ khác. Hơn thế nữa, chú ta cuộn tròn mình lại, nép sát mình vào góc lồng như thể sợ bị ai đó bắt nạt và không có ý muốn giao lưu cùng những chú khỉ khác.
Sau đó, ông lại cho những chú khỉ bị cách li 1 năm vào chung một lồng với những chú khỉ cũng bị cách li trong điều kiện giống như thế, thì kết quả là chúng không thể chơi đùa hay giao tiếp với nhau. Và những chú khỉ được nuôi bình thường khi cho vào cùng những chú khỉ bị nuôi cách li, thì những chú khỉ được nuôi bình thường này từ trạng thái có cảm giác cô độc sang trạng thái ồn ào, hoạt bát một cách thái quá. Ngoài ra, chỉ số thông minh của những chú khỉ bị cách li 6 tháng trở lên không bằng những chú khỉ được nuôi bình thường. Sau khi đọc bài báo cùng kết quả thí nghiệm này tôi đã nghĩ, trường hợp trẻ sơ sinh phải chăng cũng giống như thế này? Thí nghiệm này muốn nhấn mạnh một điều rằng trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng trong một môi trường thiếu sự tiếp xúc, kích thích từ những trẻ sơ sinh đồng lứa sẽ là một chướng ngại rất lớn ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách và trí tuệ của trẻ. Gần đây ở thành phố, chính vì sự tiếp xúc giữa hàng xóm với nhau trở nên ít đi, nên những người mẹ cùng có con nhỏ hãy nên tích cực giao lưu với nhau hơn nữa.
2.24. Gãi nhau sẽ giúp trẻ phát triển “tính cộng đồng” và tính cách tích cực
Từ xưa đến nay, con người là một động vật xã hội mang bản năng bầy đàn mà nếu xa rời xã hội chúng ta không thể sinh tồn được. Trong bộ não của con người có não trước, có khả năng đưa ra chính kiến, có thể tìm cách điều chỉnh giữa tập thể và cá nhân. Chính vì thế, nếu như ta không cân bằng được cá nhân và tập thể thì ta không thể thích ứng được với xã hội.
Có thể thấy được cân bằng này hay không tùy thuộc vào cách giáo dục trẻ ở thời kì ấu thơ. Phải chăng nhờ quá trình nuôi dạy ở thời kì ấu thơ nên con người có khả năng điều chỉnh suy nghĩ của bản thân như cái nào cần đưa ra chính kiến thì ta sẽ đưa ra chính kiến, cái nào cần hợp tác thì ta sẽ hợp tác. Tầm quan trọng của việc cho trẻ nhỏ chơi cùng nhau chính là mang ý nghĩa này.
Khi trẻ được 2 tuổi thay vì cho trẻ chơi một mình hãy cho trẻ chơi cùng bạn. Từ trước đến nay, trẻ được cha mẹ bao bọc, có chính kiến của mình, đến lúc này trẻ sẽ bắt đầu học được cách hợp tác cùng với mọi người trong một tập thể. Dĩ nhiên, có nhiều lúc chính kiến của mình không được các bạn chấp nhận, trẻ sẽ chạy về khóc với mẹ, hay cũng có khi cả hai cùng bất đồng ý kiến, trẻ làm cho bạn khóc, nhưng qua đó trẻ sẽ học được cách làm thế nào để sống trong một tập thể thông qua những hoạt động như cùng chơi, cãi nhau, hay gây lộn cùng bạn bè. Đặc biệt, cãi nhau gây lộn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp nuôi dưỡng tính cộng đồng và suy nghĩ, hành động tích cực ở trẻ.
Cãi nhau của trẻ con có ba kiểu, đó là: Từ bản thân mình sẽ chủ động đưa ra tranh luận, cãi nhau trực tiếp với bạn và đáp trả lại bạn theo kiểu ăn miếng trả miếng. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau thì cách cãi nhau cũng có khuynh hướng thay đổi, ví dụ như khi trẻ 2 tuổi thì cuộc cãi nhau sẽ mang tính thụ động là nhiều, ngược lại khi lên 3 tuổi trẻ sẽ chủ động một cách tích cực khi bắt đầu cãi nhau với bạn. Hành động này là một bằng chứng chứng tỏ trẻ muốn khẳng định chính kiến của mình và khẳng định sự tự lập của bản thân.
Có thể kể ra hàng trăm ngàn lí do để trẻ cãi nhau và gây lộn, ví dụ như tranh giành quyền sở hữu đồ chơi, tranh giành thứ tự để chơi, hay nói xấu nhau…, và không có cuộc cãi nhau nào mà không có nguyên nhân. Nếu như cha mẹ thấy trẻ cãi nhau mà không tìm hiểu kĩ nguyên nhân, cho rằng cãi nhau là xấu, hay không nên cãi nhau, thì điều đó sẽ không đem lại hiệu quả gì trong việc giúp trẻ phát huy tính hợp tác. Và đương nhiên nếu cha mẹ can thiệp vào việc trẻ con cãi nhau cũng là làm mất đi một cơ hội để nuôi dưỡng tính cộng đồng của trẻ.
Tự bản thân trẻ sẽ biết cách xây dựng cho chúng những nguyên tắc riêng, cùng nhau đưa ra những chính kiến của bản thân và cùng nhau hợp tác. Như vậy, cha mẹ không cần thiết phải can thiệp vào việc này. Còn nếu cha mẹ cố tình can thiệp vào cuộc cãi nhau của trẻ bằng sự phán đoán của người lớn, la mắng rằng trẻ cãi nhau là hư, cho rằng cãi nhau là xấu, thì sẽ chỉ làm cho trẻ trở nên nhút nhát, rụt rè, hoặc sẽ trở nên ngang bướng. Chính vì thế, cãi nhau chính là bài học đầu tiên cho trẻ khi bắt đầu bước vào cuộc sống xã hội.
2.25. Nhận biết người lạ là bằng chứng chứng tỏ khả năng “nhận thức nguyên mảng” của trẻ phát triển
Ở những phần trước tôi đã phân tích về khả năng nhận thức nguyên mảng tuyệt vời của trẻ sơ sinh ở rất nhiều góc độ khác nhau. Ở đây tôi xin được giải thích rõ hơn về hai chữ “nguyên mảng” để các bạn hiểu.
Nguyên mảng tiếng Anh là “pattern”, thường được dùng với ý nghĩa chỉ những mô hình, khuôn mẫu. Ở đây tôi gọi nó là nguyên mảng không phải chỉ mang ý nghĩa trên, mà nó hàm ý đến vấn đề về cách tư duy, suy nghĩ. Có nghĩa là nếu người lớn chúng ta thường khi nhìn, hay khi nghe bất kì một thứ gì cũng đều lĩnh hội nó dựa trên những lí luận phức tạp, thì ngược lại trẻ thơ sẽ lĩnh hội thứ đó dựa vào cảm giác của mình. Đương nhiên là những lí luận của người lớn thì không hề đơn giản để cho trẻ con áp dụng.
Điều khiến tôi trở nên quan tâm đến khả năng nhận thức nguyên mảng của trẻ chính là từ khả năng phân biệt khuôn mặt người lạ với khuôn mặt cha mẹ của trẻ. Một người bạn của tôi làm nghề kinh doanh có một con nhỏ, khi bé được 1 tuổi vài tháng đã có thể phân biệt được khuôn mặt của hơn 50 nhân viên trong cơ sở sản xuất. Mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm, hay có nhiều người đặt cho bé những nickname rất dễ thương như “cún con”, hay “công chúa nhỏ”. Cách nắm bắt những đặc trưng của mỗi người ấy ở trẻ quả là kì diệu.
Nói là 50 người, nhưng việc nhớ những đặc điểm khác nhau trên khuôn mặt của từng người thì ngay cả với người lớn cũng còn khó khăn, về mặt lí thuyết thì việc nắm bắt được những đặc trưng phức tạp như vậy là điều không tưởng. Nếu không tin thì các bạn hãy thử viết ra giấy để miêu tả khuôn mặt của một vài người thân xem sao. Tôi chỉ muốn nói đùa với các bạn một chút thôi!
Năng lực nhận thức nguyên mảng tuyệt vời của trẻ biểu hiện rõ nhất chính là từ khi được 6 tháng tuổi. Nói cách khác, đây cũng chính là thời điểm trẻ bắt đầu biết phân biệt người lạ với cha mẹ. Và năng lực nhận thức nguyên mảng này ở trẻ xuất sắc hơn nhiều so với người lớn.
2.26. Dạy con từ thuở còn thơ
“Một vị vua ngu ngốc được bao quanh bởi những trung thần mù quáng”, đó là câu nói muốn ám chỉ mối quan hệ từ xưa đến nay giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là khi trẻ 0 tuổi. Vì sao người ta lại ví von như thế? Vì trẻ mới sinh ra chưa biết gì nên cũng giống như một vị vua ngốc nghếch, còn cha mẹ thì chiều chuộng ngay lập tức những đòi hỏi của trẻ cũng không khác gì những trung thần mù quáng vây quanh vua.
Khi trẻ còn ở giai đoạn chỉ ăn, ngủ thì không có gì phải bàn, nhưng khi được 2, 3 tuổi trẻ sẽ đưa ra những đòi hỏi ương bướng thoát ra khỏi tầm tay cha mẹ, khiến cha mẹ cáu gắt, la mắng, bắt phạt. Hầu hết cha mẹ lúc này mới bắt đầu nghĩ đến việc uốn nắn cho con mình, dẫn đến kết quả là những bà mẹ đã biến thành “mẹ Hổ” và những huấn luyện được cha mẹ áp dụng hầu như không đem lại hiệu quả.
Không biết các bậc cha mẹ có nhận ra nguyên nhân ở đây chính là vì khi trẻ ở giai đoạn 0 tuổi cha mẹ đã trót trở thành những “trung thần mù quáng” của trẻ hay không. Khi lên 2, 3 tuổi trẻ bước vào giai đoạn bắt đầu đưa ra chính kiến của bản thân, hay nói cách khác đây chính là thời kì phản kháng, trẻ sẽ không tuân theo những mong muốn hay suy nghĩ của cha mẹ. Thấy trẻ không nghe lời thì cha mẹ lại càng làm dữ hơn, càng nghiêm khắc hơn, nhưng nó lại tạo ra một vòng luẩn quẩn là càng la mắng, càng bắt phạt thì trẻ càng trở nên phản kháng mạnh mẽ hơn. Để không xảy ra tình trạng này thì cha mẹ chỉ có thể uốn nắn nghiêm khắc với trẻ ở giai đoạn 0 tuổi, thời kì mà trẻ chưa biết đưa ra chính kiến, chưa cỏ mầm mống phản kháng.
Ví dụ ở giai đoạn trẻ mới sinh ra các bậc cha mẹ hãy luyện cho con thói quen đi tiểu, ăn đúng giờ giấc định sẵn, tránh bỏ bữa, biếng ăn, để sau này khi vào tiểu học trẻ sẽ không mắc các bệnh như táo bón hay có thói quen đi tiểu không đúng giờ. Những suy nghĩ rằng trẻ ở giai đoạn 0 tuổi thì không cần vội vàng chính là có hại cho trẻ. Ở giai đoạn 0 tuổi, trẻ sẽ không cảm nhận được thế nào là cảm giác đang bị rèn với những uốn nắn nghiêm khắc của cha mẹ.
Ngược lại thì trẻ ở giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi sẽ cảm nhận rất rõ những uốn nắn nghiêm khắc đó. Chính vì thế mà quan niệm “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ở thời kì này sẽ chỉ làm nảy sinh trong tâm hồn trẻ những mầm mống của suy nghĩ phản kháng. Đó là lí do vì sao hãy “cho roi cho vọt” con ở thời kì con còn chưa biết thế nào là “roi vọt”.
2.27. Tức giận, ghen tị là biểu hiện trẻ đang không được thỏa mãn mong muốn của mình
Trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 3 tuổi thường vẫn chưa biết cách diễn đạt cảm xúc của mình bằng lời nói. Chính vì thế người mẹ sẽ đọc tâm trạng của trẻ thông qua những sắc thái cảm xúc biểu hiện trên khuôn mặt, để từ đó biết cách xử trí cho phù hợp. Nhưng cha mẹ không phải là bản thân trẻ nên dù cố gắng lí giải đến đâu đi nữa cũng không thể hiểu tất cả tâm tư của trẻ. Nhiều khi cha mẹ chưa nắm được nguyên nhân vì sao trẻ nổi giận, vì sao trẻ mè nheo, thì đã bị cuốn vào đủ thứ việc nhà, hay việc cơ quan, nên lúc ấy sẽ chỉ ứng phó tạm thời cho qua chuyện. Tôi chắc rằng ai đã làm cha mẹ cũng từng trải qua những chuyện giống như thế.
Giáo sư về tâm lí học trẻ thơ rất nổi tiếng là Yamashita Toshio đã chỉ ra 6 nguyên nhân vì sao trẻ nổi cáu hay hờn dỗi như sau:
1. Trẻ bị bệnh, hoặc tình trạng sức khỏe không tốt;
2. Trẻ bị mệt, bị đói, trạng thái cơ thể bị rối loạn;
3. Trẻ cảm thấy khó chịu, sợ hãi, bị kích động quá mức;
4. Trẻ không được vận động đầy đủ nên cơ thể ở tình trạng dư thừa năng lượng;
5. Trẻ giả vờ cáu kỉnh để muốn có được cái mình đòi hỏi;
6. Trẻ bắt chước nổi giận từ chính cha mẹ là những người hay nổi giận.
Nhìn vào những lí do được liệt kê ở trên chúng ta có thể thấy hầu hết nguyên nhân trẻ gắt gỏng, nổi giận đều xuất phát từ môi trường xung quanh, hoặc từ những thói quen uốn nắn của cha mẹ. Nếu như cha mẹ không cố gắng loại bỏ những nguyên nhân này mà chỉ biết quát mắng, hoặc cho rằng đó là do tính hay quấy nhiễu của trẻ mà bỏ qua, thì sẽ chỉ khiến trẻ càng phản kháng mạnh mẽ và ương bướng hơn.
Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng mình sẽ cố gắng hiểu tâm trạng của con, nhưng rất ít người biết cách đặt mình vào vị trí của con để hiểu vì sao con lại dễ bực bội và cáu giận. Những mong muốn hay đòi hỏi chính đáng của trẻ cần phải được công nhận, còn những mong muốn không chính đáng thì hãy dẹp qua một bên, nếu cha mẹ mà thiếu đi đức tính cần thiết để tạo được lập trường vững vàng thì sẽ làm cho tính cách của trẻ trở nên lệch lạc.
Ngược lại, tâm trạng ghen tị thường được biểu hiện khi trẻ được khoảng 1,5 tuổi. Từ trước đến nay lúc nào cũng được cha mẹ chiều chuộng nhất nhà, giờ khi có thêm em bé, trẻ sẽ trở nên ghen tị với em vì không còn là số một trong nhà. Thi thoảng, trẻ cũng có biểu hiện ghen tị khi thấy cha mẹ nói chuyện vui vẻ với nhau mà quên mất trẻ. Nếu thử tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến hành động của trẻ ta sẽ thấy có rất nhiều trường hợp những hành động ấy bắt nguồn từ tâm lí ghen tị.
Những hành động như nổi cáu hay ghen tị của trẻ tất yếu đều có nguyên nhân, mà hầu hết đều bắt nguồn từ tâm lí bất mãn vì mong muốn của mình không được đáp ứng. Điều mà cha mẹ cần phải làm lúc này không phải là chế ngự hay đè nén những cảm xúc của trẻ, mà là lấy đi những gì là nguyên nhân khiến tâm trạng trẻ trả nên bất mãn.
2.28. Cười khuyết điểm của trẻ trước mặt người khác sẽ khiến tổn thương ấy còn mãi
Tôi xin được đưa ra một ví dụ về một tật xấu từ hồi còn nhỏ của một biên tập viên ở nhà xuất bản mà tôi quen. Khi nói chuyện trước mặt người khác, anh thường xuyên đưa tay lên vuốt hai lỗ mũi. Nếu cuộc trò chuyện càng trở nên căng thẳng, tâm trạng hồi hộp, hoặc khi không giữ được dáng ngồi nghiêm chỉnh thì hành động này của anh lại càng nhiều hơn. Bản thân anh cũng nhận biết được hành động của mình, nên thi thoảng biết ý không đưa tay lên nữa, nhưng khi nào nói chuyện quá tập trung thì anh sẽ quên luôn cả việc sửa lại hành động đó của mình.
Theo như lời anh kể lại, khi anh còn nhỏ đã rất thắc mắc tại sao hai lỗ mũi trên khuôn mặt mình lại mất cân đối như thế. Khi anh được 2,3 tuổi thì trong khi chơi trò gì đó anh thường hay vô tư đưa tay lên ngoáy mũi. Mỗi khi như vậy cha anh lại quát con ngay cả trước mặt khách mà không hề e ngại con mình sẽ xấu hổ “Con không được làm thế, không là lỗ mũi sẽ to lên đấy”. Thường xuyên bị nói nhiều lần như thế, ngay lập tức anh lại đưa tay bóp mũi để cho hai lỗ mũi nhỏ lại. Tật xấu này vẫn không sửa được kể cả khi anh bắt đầu đi học, sau đó thường xuyên anh bị bạn bè bắt nạt, xa lánh. Chính vì thế lúc nào anh cũng cảm thấy tự ti, dần dần trở thành người thu mình lại và suy nghĩ thiếu tự tin.
Quả thực khi quan sát kĩ khuôn mặt anh thì tôi thấy mũi anh có hơi to nhưng không đến mức quá khổ. Nhưng dẫu cho lỗ mũi anh có to quá khổ đi nữa, thì trước mặt người khác cha anh cũng không nên phê phán công khai khuyết điểm của con mình như thế vì điều đó sẽ làm tổn thương tâm hồn non nớt của con trẻ. Nhưng anh đã thật may mắn vì có bà nội là người đã luôn che chở cho anh, rồi sau khi anh lớn lên bà đã kể lại cho anh nghe nguồn cơn tật xấu của mình. Anh vẫn nói đùa là có lẽ chính nhờ như vậy mà dù không sửa được tật xấu đó, nhưng anh vẫn có thể trưởng thành và giao tiếp ngoài xã hội như một người bình thường. Nhưng tôi tin rằng đây không phải là câu chuyện đùa. Và nếu có không là sự thật đi nữa thì tại sao chỉ vì một chuyện nhỏ như thế xảy ra từ hồi còn ấu thơ lại khiến anh trở thành một người thiếu tự tin và tính cách trầm lặng như vậy.
Không chỉ giới hạn ở câu chuyện này, tôi đã thấy có rất nhiều cha mẹ không cần để ý là con có biết hay không nhưng trước mặt người khác luôn đem khuyết điểm của con để chế giễu. Dẫu những khuyết điểm ấy chỉ rất nhỏ, nhưng vì ở thời kì ấu thơ, trẻ vô cũng mẫn cảm và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh, nên trẻ sẽ bị tổn thương tinh thần.
Có một câu chuyện thế này, nếu như trẻ nhỏ nào hồi bé hay bị người khác cười nhạo vì có mái tóc buồn cười thì khi lớn lên trẻ sẽ có khuynh hướng rất hay để quên mũ, mặc dù nếu không đội mũ thì sẽ bị bạn bè chế nhạo. Thật không ngờ chính cái suy nghĩ phải ghi nhớ nếu quên mũ sẽ bị bạn chê cười ấy lại đem đến một áp lực phức tạp trong tâm lí của trẻ. Nhà thần kinh và tâm lí học vĩ đại người Đức, Sigmund Freud (1856-1939) đã đưa ra không ít những ví dụ giống như trường hợp trên.
2.29. Khen ngợi trẻ sẽ tốt hơn là la mắng
Có lẽ nhiều người đã và đang nghĩ rằng trong việc nuôi dạy trẻ nếu so sánh giữa “khen ngợi” và “la mắng”, thì rõ ràng “la mắng” dường như có uy lực để làm trẻ sợ hơn nhiều. Nhưng xin các bạn chớ vội kết luận như vậy. Việc bị quát mắng sẽ khiến bản thân trẻ sinh ra những tài năng khác thường giống như một vỏ bọc quanh mình để đề kháng lại những lời la mắng đó. Đây chỉ là một cách nói ngược để bao biện bởi vì đối với việc nuôi dạy trẻ thì cả hai hành động “khen ngợi” và “la mắng” đều cần phải được suy xét một cách hết sức cẩn thận.
Tôi xin ví dụ trường hợp tôi gặp ở một nhà hàng gia đình. Ở chỗ lấy đồ uống, người mẹ lấy bình đựng nước trái cây rót vào cốc, bé trai khoảng 2 tuổi đứng bên cạnh nhìn thấy mẹ làm như thế cũng muốn giúp mẹ nên đã bắt chước để làm theo. Nhưng trẻ lại lỡ rót trào ra ngoài và tràn trên mặt bàn. Người mẹ nhìn thấy như thế liền quát mắng trẻ: “Trời ạ, đổ hết ra ngoài rồi. Mẹ đã nói con không được làm rồi mà”. Hành động la mắng trẻ và cấm đoán trẻ của người mẹ ấy là rất sai lầm. Trẻ sẽ cảm thấy rất mâu thuẫn vì mình thì bị mắng, nhưng anh chị mình hơn mình có 1,2 tuổi thì lại được mẹ nhờ “Con lấy giúp mẹ được không”. Đối với trẻ con, dẫu cho trẻ có thể làm sai, hay làm hỏng thì việc đầu tiên cha mẹ cần làm là thừa nhận và khen ngợi “Con mẹ giỏi quá”, sau đó thì giúp con đổ bớt lại và đem về chỗ của mình là đủ rồi.
Thầy Suzuki cũng từng kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị quanh tình huống khen ngợi và la mắng trẻ của các bậc cha mẹ. Ở lớp học violin có một cậu học trò bị mọi người chê đánh đàn rất vụng về. Hôm đó thầy Suzuki đã nói với cậu ấy: “Con thử kéo violin cho thầy nghe thử xem nào” và quả nhiên đúng như mọi người nói, cậu bé kéo vô cùng tệ. Nhưng khi ấy thay vì chê cậu bé, thầy Suzuki đã mỉm cười khen: “Con chơi khá lắm”. Rồi sau đó thầy chỉ dẫn cho cậu bé: “Ở đoạn này thầy chơi như thế này, không biết con có chơi được không nhỉ. Con kéo thử cho thầy nghe nào”. Khi ấy, thật bất ngờ là cậu bé đã mỉm cười nói với thầy: “Con sẽ làm được thầy ạ” và làm theo những gì thầy dạy. Đối với việc dạy trẻ nhỏ thì phương pháp giáo dục biết khen ngợi trẻ một cách khéo léo và đúng lúc thay cho la mắng sẽ đem lại hiệu quả rất lớn.
Dẫu vậy, vẫn có những trường hợp không thể không la mắng trẻ. Khi đó không phải chỉ biết phủ định những hành động hay suy nghĩ của trẻ mà cha mẹ cần phải giải thích nguyên nhân cho trẻ hiểu, hoặc đưa ra những lời đề nghị hay những phương án thay thế để trao đổi với trẻ. Ví dụ như khi nhìn thấy trẻ chuẩn bị xé tờ báo mà mình vẫn còn đang đọc dở, thì thay vì quát trẻ và giằng lấy tờ báo khỏi tay trẻ, hãy đưa cho trẻ một tờ báo cũ khác để thay thế rồi nhẹ nhàng lấy tờ báo mới khỏi tay trẻ. Bởi vì tờ báo đang là nơi để trẻ thể hiện sự hứng thú và khám phá thế giới thông qua hành động xé, nếu bị cha mẹ lấy đi mất mà không có vật thay thế thì sẽ gây cho trẻ ức chế về tâm lí. Trường hợp nếu không có phương án thay thế thì cha mẹ cần phải giải thích cho trẻ hiểu vì sao trẻ không được làm vậy. Trẻ chỉ cần bản thân mình thấy thuyết phục thông qua thái độ của cha mẹ, chứ không nhất thiết phải hiểu lí do một cách logic hay lí luận phức tạp.
2.30. Hứng thú là liều thuốc tốt nhất giúp trẻ ham muốn học tập
Thầy Suzuki có kể lại cho tôi nghe những câu chuyện ở lớp học của thầy. Có nhiều trẻ chỉ tầm 2,3 tuổi nhưng ngày nào cũng được mẹ dẫn đến lớp học đàn của thầy. Ban đầu, hầu hết các em đều không có hứng thú gì với việc học violin, mà chỉ thích chạy nhảy, nhìn bên nọ ngó bên kia hay nhòm dưới gầm bàn. Có nhiều cha mẹ đã ép con mình học violin ở giai đoạn 3 tuổi vì nghĩ rằng học sớm thì sẽ giúp con trẻ phát triển tài năng từ sớm, nhưng trường hợp trẻ đã khóc mỗi khi bị cha mẹ bắt học dẫn đến ghét chơi đàn violin không phải là hiếm.
Đối với những trẻ khóc hay là ghét học đàn như thế thì việc đầu tiên mà thầy Suzuki làm là tạo hứng thú với violin cho trẻ bằng cách đánh lạc hướng. Thầy sẽ không dạy trẻ ngay lập tức, mà giả vờ hướng dẫn cho mẹ của trẻ cách sử dụng đàn. Đồng thời lúc đó thầy sẽ để cho trẻ ngồi nghe và nhìn các bạn cùng trang lứa chơi đàn violin. Khoảng 2 đến 3 tháng sau trẻ đã nhớ được giai điệu của các bản nhạc, và rất hào hứng muốn tự mình đánh đàn. Nhưng lúc này thầy vẫn chưa cho trẻ đánh đàn ngay. Thầy quan sát xem trẻ nào thực sự muốn đánh đàn mà không thể kiên nhẫn nổi nữa thì lúc đó mới bắt đầu dạy. Đối với trẻ nào chậm nhất thì quá trình này phải mất 6 tháng.
“Hứng thú chính là chất xúc tác tốt nhất để trẻ ham muốn học tập” chính là phương châm giáo dục trong lớp học đàn violin của thầy Suzuki. Theo như lời thầy nói thì trẻ không hề thích mà vẫn cứ ép trẻ phải học, đó là phương pháp giáo dục tồi nhất. Những trẻ có hứng thú với việc học violin đã thể hiện những khả năng chơi nhạc xuất sắc khiến thầy Suzuki vô cùng kinh ngạc. Câu nói “Yêu thích cái gì thì sẽ giỏi cái đó” quả là đúng, đặc biệt là đối với giáo dục trẻ nhỏ thì không có phương pháp giáo dục nào hiệu quả hơn cách tạo hứng thú cho trẻ.
Ở giai đoạn ấu thơ này vai trò lớn nhất của cha mẹ là tìm, khơi gợi hứng thú cho trẻ. Thay vì dạy trẻ làm toán thì hãy làm cho trẻ có hứng thú với chữ số trước, thay vì dạy trẻ viết chữ, học vẽ thì hãy làm cho trẻ có hứng thú với việc viết, vẽ trước. Hay nói cách khác, vai trò của cha mẹ chính là tạo ra bước đệm chuẩn bị cho giai đoạn bắt đầu dạy trẻ.
Muốn trẻ vẽ tranh nhưng lại không đưa cho trẻ bút màu và giấy thì đương nhiên là trẻ không thể có hứng thú. Vì thế hãy để bút màu, giấy vẽ quanh trẻ để lôi kéo sự hứng thú của trẻ với những dụng cụ đó. Tôi vẫn ví von vui rằng việc không đưa cho trẻ cái gì mà bắt trẻ có hứng thú không khác gì việc bạn huấn luyện chú chó nhà bạn ngồi xuống mà không cho nó miếng mồi nào.
Nếu thử hỏi những người lớn ghét nghe nhạc, ghét hội họa thì sẽ thấy phần nhiều trong số họ hồi bé bị cha mẹ ép học những thứ đó hoặc là hầu như không có cơ hội tiếp xúc. Như vậy, chúng ta đã hiểu được tầm quan trọng của hứng thú đối với việc học là như thế nào.
2.31. Trẻ dễ dàng nhớ những gì có kết hợp vần điệu uyển chuyển
Ngày trước ở Mỹ có một sản phẩm băng thu âm dành cho trẻ nhỏ tên là “Fox in Stocks” rất được yêu thích, ứng với mỗi bức tranh minh họa là một cụm gồm hai từ có đuôi phát âm giống nhau để tạo nên vần điệu, được ghi âm lại trong băng để cha mẹ mở cho trẻ nghe. Ví dụ như “fox in stocks” hay là “knox in box” đều có đuôi “ks”, trong tiếng Anh có rất nhiều từ có thể ghép lại giống như vậy để tạo ra những nhịp điệu uyển chuyển, có vần điệu vui tươi sẽ làm trẻ thích thú và nhớ nhanh hơn.
Còn trong tiếng Việt cũng có thể tìm thấy rất nhiều từ ghép tạo thành nhịp thơ uyển chuyển như vậy mà ta rất dễ bắt gặp trong những từ tượng thanh, tượng hình hay là trong ca dao, tục ngữ, ví dụ như “suối chảy róc rách”, “rừng cây xào xạc” và “sao sáng lấp lánh” là những ngôn từ rất đẹp lại mang hình ảnh rất đỗi gần gũi với đời thường14.
Không chỉ với trẻ nhỏ mà bản thân người lớn chúng ta khi nghe những vần điệu này cũng thấy rất dễ nhớ. Những băng thu âm giống như trên không phải là để bắt trẻ nhớ một cách gượng ép những từ vựng, mà chính những vần điệu uyển chuyển của các từ ghép ấy đã lưu lại trong não trẻ một cách tự nhiên. Đó chính là lí do mà nó đã rất được các bậc cha mẹ ở Mỹ tin tưởng mua về cho con mình.
Cảm nhận của cá nhân tôi về phương pháp độc đáo này là không làm cho người nghe cảm thấy sự cưỡng ép phải nhớ, mà ngược lại nó giống ta vừa học từ vựng nhưng vừa như đang nghe nhạc thơ khi trầm bổng, lúc lại du dương. Phương pháp độc đáo này vừa giải quyết được việc làm thế nào để khơi gợi hứng thú cho trẻ trong học tập, vừa đem lại những thành quả rất to lớn cho nền giáo dục trẻ ở thời kì ấu thơ của Mỹ. Nước Nhật có lẽ rất cần học phương pháp tạo ra kích thích về khả năng cảm thụ giai điệu rất tuyệt vời của trẻ từ phương pháp này.
Nhắc đến học tập tất cả chúng ta thường có xu hướng từ chối một cách vô thức, bởi vì ngay từ khi còn nhỏ học tập đã được ta quan niệm giống như là sự thúc ép, trong khi bản chất của học tập chính là xuất phát từ sự hứng thú để có động lực học tập một cách vui vẻ.
Tôi có một người quen là sư trụ trì một ngôi chùa, cậu con trai mới 3 tuổi của vị sư đó đã thuộc lòng những bài kinh mà người cha thường hay đọc15. Tiếng đọc kinh Phật cùng với tiếng gõ mõ đã tạo ra nhịp điệu rất dễ đi vào lòng người, vì thế nó đã đi vào bộ não một cách tự nhiên khiến trẻ không phải khổ luyện mà vẫn nhớ được dễ dàng.
2.32. Trẻ sẽ suy nghĩ tiêu cực khi bị cha mẹ mắng
Khi con bạn làm vỡ bát hay vỡ cửa kính bạn có mắng con không? Người lớn chúng ta có thể phán đoán được đâu là việc tốt và xấu dựa vào những quan niệm đạo đức xã hội hay kinh nghiệm được tích lũy từ khi mới sinh ra đến nay, còn trẻ nhỏ mới chỉ có mặt trên đời này được 1,2 năm nên rõ ràng trẻ sẽ chưa thể hiểu được những chuyện như làm vỡ đồ là xấu hay tốt. Có thể việc bị cha mẹ mắng gay gắt sẽ khiến trẻ ghi nhớ để tự nhủ với mình lần sau không tái phạm nữa, nhưng đồng thời hành động đó của cha mẹ cũng đã làm hỏng tính sáng tạo của trẻ.
Nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư nghiên cứu về tâm lí trẻ thơ Aoki Seishiro để xem trẻ suy nghĩ như thế nào đối với việc tốt và việc xấu, đã đưa ra kết quả việc tốt là những việc trẻ cảm thấy “việc đó rất thú vị”, hay “việc đó vui nhộn”. Ví dụ như có nhiều tin đã đăng trên báo về việc trẻ em bị dụ dỗ hay bắt cóc, sau khi trẻ được bình yên trở về nhà, mọi người đều hỏi tại sao trẻ lại đi theo những người bắt cóc đó, thì hầu hết trẻ đều trả lời rằng: “Vì chú (ông) đó rất là vui tính và thú vị nên con đã đi theo. Họ không phải là người xấu”.
Ngược lại, những kẻ bắt cóc trẻ con đều là những người đã tìm hiểu rất kĩ tâm lí trẻ, nên đã biết cách dụ trẻ bằng những đồ chơi hay những câu chuyện thú vị để thu hút và gây lòng tin ở trẻ. Với trẻ, thích thú là điều tốt, nên những người đem đến cho trẻ sự thích thú đó cũng là những người tốt mà không hề nghi ngờ, dẫn đến việc trẻ dễ dàng đi theo những kẻ bắt cóc.
Chính vì thế, sự hòa trộn giữa hai khái niệm “vui vẻ” và “điều tốt” chính là giai đoạn đầu tiên, tiếp theo trải qua nhiều kinh nghiệm nữa trẻ sẽ bắt đầu hiểu được rằng khen cũng đồng nghĩa với điều tốt. Khi trẻ giúp mẹ việc vặt mà được mẹ khen thì trẻ hiểu rằng giúp mẹ việc vặt chính là một điều tốt. Ngược lại với điều đó, trẻ sẽ dễ quan niệm nhầm rằng những điều xấu là những điều liên quan đến tâm trạng không vui, ví dụ như “đáng tiếc”, “buồn tẻ” hay cảm giác “hối hận”. Do đó nếu bị cha mẹ mắng mỏ, hay đánh đập thì trẻ sẽ chuyển từ tâm trạng không vui sang nhận thức rằng mình đã làm việc xấu.
Ví dụ như khi trẻ chơi đàn rất dở, hay là không nhớ được mặt chữ mà cha mẹ la mắng hay gõ vào đầu trẻ, thì sẽ khiến trẻ cảm nhận ràng những thứ mà trẻ đang được dạy ấy là những thứ xấu xa đang gây ra tổn thương và nỗi buồn cho bản thân trẻ. Chính vì thế, việc chơi đàn cũng sẽ trở thành giống như hành động làm vỡ cốc, đều là những việc xấu đối với trẻ. Rất nhiều người trong chúng ta khi đã lớn lên rồi vẫn không thể bỏ quan niệm ghét tiếng Anh, ghét học đàn là bởi cảm giác “không vui vẻ gì” khi bị ép học như thế từ hồi bé để lại.
Vì vậy, thái độ cơ bản nhất của cha mẹ khi uốn nắn con cái không phải là áp đặt quan niệm tốt xấu của mình cho con mà hãy thể hiện cho trẻ biết sự hài lòng vui vẻ khi trẻ làm đúng, và sự không hài lòng khi trẻ làm sai. Tùy thuộc vào cách la mắng hay cách khen ngợi của cha mẹ mà trẻ sẽ phát huy được những khả năng của mình.
2.33. Hãy giúp trẻ duy trì lòng hiếu kì với những gì trẻ có hứng thú
Như tôi đã nói ở phần trên rằng hứng thú chính là chất xúc tác rất lớn để giúp trẻ có ham muốn và động lực học tập. Nhưng để duy trì sự hứng thú với những trẻ có tính hiếu kì mạnh mẽ quả là một việc vô cùng khó. Tôi có thể lấy một hình ảnh ẩn dụ để ví von như thế này, những thứ mà trẻ hứng thú và tò mò giống như một đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng hoặc đôi khi đến một cách dồn dập liên tiếp, cha mẹ muốn tóm lấy một con trong số đó để tập trung hứng thú vào con cá đó, nhưng kết quả ngược lại là trẻ sẽ la toáng lên không đồng ý và không muốn con cá đó. Hơn nữa, chính vì lòng hiếu kì và ham hiểu biết như vậy nên trẻ có thể tiếp nhận từ thế giới bên ngoài rất nhiều những kích thích và kinh nghiệm đa dạng, những điều rất cần thiết cho quá trình trưởng thành cả về mật thể chất và trí tuệ.
Chỉ có điều không phải lúc nào tinh thần tò mò và lòng hiếu kì đối với tất cả mọi sự việc cũng là điều tốt. Trẻ con có thể tự mình nhận ra cái nào mà bản thân mình thích trong rất nhiều sự vật đa dạng mà trẻ được tiếp xúc với thế giới, và cũng tự bản thân trẻ sẽ muốn duy trì sâu sắc sự hứng thú và đam mê với cái đó. Nhưng lúc này sẽ rất cần đến sự trợ giúp và định hướng từ cha mẹ. Ý nghĩa quan trọng nhất ở đây mà tôi muốn nhấn mạnh là khi để ý thấy trẻ có hứng thú và đam mê đặc biệt với một cái gì, cha mẹ hãy nhanh chóng có phản ứng kịp thời để giúp trẻ duy trì sự hứng thú và đam mê đó.
Như lúc nãy tôi đã nói, dấu hiệu húng thú của trẻ chỉ nhú mầm trong giây lát và thậm chí sẽ thui chột đi rất nhanh, nên vai trò của cha mẹ khi phát hiện ra mầm non mới nhú là hãy làm sao để giúp mầm non đó trưởng thành. Cha mẹ không thể dành sự quan tâm như nhau đến tất cả mọi hứng thú của trẻ. Điều mà cha mẹ nên làm là hãy cho trẻ có nhiều cơ hội để tiếp xúc và thử sức với những gì trẻ có hứng thú, say mê.
Tôi xin được tóm tắt một đoạn trong lá thư của một người cha kể về kinh nghiệm của bản thân trong việc tạo ra và duy trì niềm say mê cho con trai mình. Người cha ấy làm công việc tư vấn cho một công ty ở thành phố Matsuyama. Khi cậu con trai được 1 tuổi 2 tháng, không biết từ bao giờ cậu bé đã có hứng thú đặc biệt với chữ “nô” (một chữ rất hay dùng trong tiếng Nhật để chỉ sở hữu), mỗi khi ngồi ăn trên bàn có đồ ăn nào có chữ “nô”, trên tivi ở bản tin thời tiết có chữ đó là cậu đều thích thú chỉ tay vào rồi nói: “Nô”. Khi cậu được 1 tuổi 4 tháng thì đã nhớ được chữ cái trong bảng chữ cái, thấy vậy cha cậu bé đã dạy những chữ cái còn lại và cậu bé đã nhớ rất nhanh.
Khi cậu bé được 1 tuổi 6 tháng, cha cậu bé thấy cậu rất có hứng thú với logo của các nhãn hiệu điện gia dụng, xe đạp… thế nên ông đã cùng chơi với cậu những trò đố vui như tìm logo hay biểu tượng đúng của tên các hãng nổi tiếng, và ngược lại. Nếu nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng những nỗ lực của cha cậu bé đúng là vô nghĩa, nhưng cách làm của người cha này có ý nghĩa rất sâu sắc giúp trẻ duy trì hứng thú và niềm say mê sau này.
2.34. Lặp đi lặp lại là phương pháp tối ưu tạo hứng thú cho trẻ
Người lớn chúng ta mà một ngày phải nghe lặp đi lặp lại cùng một câu chuyện tới 3, 4 lần thì không khác nào như bị tra tấn. Và một người nóng tính như tôi thì chỉ nghe lặp lại câu chuyện đến lần thứ hai thôi cũng đủ khiến tôi thấy khó chịu và mất kiên nhẫn rồi. Một người thiếu kiên nhẫn như tôi khi còn là một đứa trẻ đã chịu chăm chú nghe đi nghe lại cùng một truyện cổ tích không biết chán thì quả đúng là điều khó tin.
Sự lặp đi lặp lại ở thời kì ấu thơ có một ý nghĩa quan trọng vì nó có tác dụng giúp hình thành đường tiếp nhận thông tin chuẩn xác ở trong não giống như trong ổ cứng của chiếc máy tính. Không phải trẻ nghe nhiều lần cũng không chán, mà chính xác là ở thời kì này trẻ chưa biết thế nào là chán. Vì thế, việc lặp đi lặp lại sẽ giúp bộ não của trẻ hình thành đường kết nối thông tin một cách chính xác. Trẻ sau khi sinh 3 tháng đã có những khả năng đáng kinh ngạc, đó là một ngày cho trẻ nghe đi nghe lại nhiều lần kể cả những bản nhạc khó đến đâu trẻ cũng có thể nhớ được.
Sự lặp đi lặp lại ở thời kì này không chỉ giúp trẻ hình thành đường kết nối giữa các tế bào trong não mà còn giúp nuôi dưỡng hứng thú và đam mê của trẻ. Thông qua việc được cha mẹ cho nghe nhiều bản nhạc, nhiều loại nhạc, đọc cho nghe nhiều cuốn truyện thiếu nhi, trẻ sẽ đưa ra tín hiệu cho cha mẹ biết những bản nhạc hay câu chuyện nào mà mình thích. Không chỉ vậy, tự bản thân trẻ còn hình thành trong đầu mình rất nhiều câu hỏi “Vì sao lại thế?”. Do đó, nhờ phương pháp lặp đi lặp lại cho trẻ, ta sẽ giúp trẻ nhớ thuộc lòng những câu chuyện, bản nhạc trẻ được nghe, đồng thời ở trên phương diện khác nó còn giúp trẻ tăng thêm hứng thú và ham muốn học hỏi những điều liên quan đến những điều đó.
Lí do tại sao ở thời kì này việc đem lại hứng thú cho trẻ lại quan trọng đến vậy thì nhiều không kể xiết. Hứng thú là ngọn nguồn quan trọng nhất để sinh ra động lực thúc đẩy ham muốn học tập, lao động và thúc đẩy tiến bộ của con người. Khi chúng ta mong muốn làm một cái gì đó, nó không thể bắt đầu từ một tờ giấy trắng tinh. Đầu tiên hứng thú sẽ sinh ra động lực và mong muốn, sau đó mong muốn sẽ thúc đẩy con người ta tiến bộ hơn. Trẻ sơ sinh nếu được cha mẹ đọc cho nghe những câu chuyện cổ tích, thì khi được 1 đến 2 tuổi trẻ sẽ có hứng thú với sách truyện, và dần dần trẻ cảm thấy rất gần gũi thích thú với những câu chữ trong truyện, sau đó là trẻ muốn tự bản thân mình có thể đọc được.
Có một đôi vợ chồng trẻ cùng đi làm ở công ty nên phải gửi đứa con được 1 tuổi 2 tháng cho nhà trẻ gần nhà. Thật đáng tiếc sau một thời gian đi nhà trẻ, đứa bé bị nghi ngờ là trí tuệ chậm phát triển vì phản ứng rất chậm chạp. Nhưng điều kì lạ là khi đứa trẻ được 4, 5 tuổi thì lại nhớ âm nhạc rất tốt, rất ham muốn được học violin và piano.
Cha mẹ của bé rất ngạc nhiên nên đã thủ tìm hiểu nhà trẻ này thì phát hiện ra một sự thật, trẻ em ở đây đều không được dạy dỗ và cũng không được ở trong môi trường có yếu tố kích thích khả năng phát triển trí tuệ cho trẻ. Chỉ có điều khi đi ngủ hay trong khi vận động trẻ đều được nghe những bản nhạc giao hưởng dành cho thiếu nhi của Mozart và Schubert16, cùng với đó là bản nhạc nổi tiếng “The Skaters Waltz” của Émile Waldteufel17. Như vậy bé đã được nuôi dưỡng trong môi trường không có sự kích thích nên chậm phản ứng, nhưng lại có độ cảm thụ âm nhạc vô cùng cao. Câu chuyện về em bé này đã cho tôi một lời giáo huấn sâu sắc và một bài học quý giá đối với việc giáo dục trẻ tuổi ấu thơ.
2.35. Đừng dập tắt những ý tưởng của trẻ nếu muốn trẻ là người có năng lực sáng tạo
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn nuôi dạy con mình trở thành những đứa trẻ có óc sáng tạo. Và trong cuốn sách này cũng có một vài chỗ tôi đã nói về năng lực sáng tạo của trẻ.
Thật đáng tiếc là giáo dục ở trường học chỉ chú trọng đến việc nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh. Có rất nhiều trẻ được đào tạo thành những học sinh giỏi, chăm ngoan nhưng cuối cùng khi lớn lên chúng lại loay hoay không biết mình cần phải làm gì khi ra đời. Chính từ hiện thực đó, chủ trương trong giáo dục tuổi ấu thơ của tôi là cần phải nuôi dưỡng năng lực sáng tạo mang tính chủ động cho trẻ.
Sáng tạo là gì? Rất khó để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn hai chữ này. Trong sự hiểu biết của cá nhân, giai đoạn đầu tiên nó là sự tưởng tượng cùng khả năng trực quan được phát huy một cách tự do xuất phát từ trong niềm hứng thú, lòng hiếu kì và ham hiểu biết, sau đó khi nó lên một bước cao hơn thì đó là sự phát minh ra những sản phẩm hay tìm ra những thứ mà chưa ai phát hiện ra. Năng lực sáng tạo được phát huy cao độ nghĩa là có thể tìm ra những lí luận hay phương pháp mang tính khách quan, tư duy lí luận và xuất phát điểm cho năng lực đó chính là khả năng cảm thụ, cảm xúc mang tính chủ quan ở thời kì ấu thơ. Như vậy, xuất phát điểm cho năng lực sáng tạo và tưởng tượng của trẻ chính là trí tưởng tượng, và nhìn từ quan niệm của người lớn thì đó là những suy nghĩ không tưởng mang tính phi hiện thực.
Ví dụ như cho trẻ cầm chơi những con búp bê ngón tay ngộ nghĩnh hay là những con thú nhồi bông thì trẻ sẽ cảm nhận rằng mỗi con búp bê đó cũng như những người bạn, bản thân trẻ sẽ liên tưởng rằng mình như là những con thú trong vườn thú, dựa vào kinh nghiệm được đi chơi ở vườn thú mà tự bản thân trẻ sẽ sáng tạo ra những câu chuyện rất độc đáo. Hoặc là với cùng một bức tranh nhưng cảm nhận của trẻ sẽ linh hoạt hơn người lớn rất nhiều.
Nhà khoa học, họa sĩ vĩ đại tiêu biểu cho thời kì Phục hưng Leonardo da Vinei (1452-1519) đã từng kể lại rằng, khi còn rất nhỏ ông đã luôn cảm nhận rằng hình dạng của những vết nứt rạn ở trên tường nhà giống như những ma nữ đang chuẩn bị bay ra khỏi tường, hoặc giống như những con quái vật đang thì thầm hay đang thách đấu với nhau. Giả sử người lớn vẽ một chiếc bình hoa, nhưng có khi trẻ nhỏ sẽ lại tưởng tượng ra nó giống như hình ảnh một con cá rất to đang há miệng chuẩn bị đớp mồi. Cha mẹ thấy trẻ nói như vậy thì lại làm ra vẻ hiểu biết phủ định lại suy nghĩa của trẻ là: “Con đúng là chẳng biết gì, đây đâu phải là con cá mà là cái bình hoa”. Điều đó vô tình đã làm trẻ mất đi năng lực sáng tạo vừa mới nhú mầm.
Tiếp theo tôi xin được trích trong cuốn tạp chí “Giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” câu chuyện tưởng tượng thú vị nhưng rất sáng tạo của một bé 5 tuổi. Rất mong các bậc cha mẹ hãy thừa nhận những điều bé nói, từ đó biết coi trọng việc giáo dục trẻ nhỏ. “Zeniya lấy một cái hộp thì phát hiện ra trong hộp có rất nhiều đồng tiền vàng. Cậu bèn mang nó về nhà thì những đồng tiền vàng lại biến thành những chiếc lá. Sau đó ở dưới lại có chiếc hộp. Khi cậu thử mở ra xem thì có bao nhiêu hoa quả hiện ra. Sau đó Zeniya đã ăn những quả đó. Rồi cậu chạy ra thảo nguyên hái những bông hoa. Câu chuyện đến đây là hết”.
2.36. Hãy giúp trẻ phát huy giác quan thứ 6 thay vì dạy lí luận hay kĩ thuật
Con người được trang bị những giác quan có thể nhận biết rõ ràng đó là thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, và xúc giác. Thế nhưng, ngoài 5 giác quan đó còn có một giác quan nữa gọi là giác quan thứ 6. Tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng nữ giới có giác quan thứ 6 rất mạnh, mà ví dụ điển hình đó là nhận biết rất nhạy bén khi chồng ngoại tình. Có thể ví dụ này không phải là hoàn hảo lắm nhưng tôi muốn nói rằng giác quan thứ 6 là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định rất nhiều đến sự thành bại của con người trong rất nhiều trường hợp. Người nào có giác quan thứ 6 tốt thì chúng ta gọi họ là “người có trực giác tốt”. Rất nhiều nhà khoa học, nhà phát minh vĩ đại hay người nổi tiếng, dựa trên những kinh nghiệm được tích lũy trong một quá trình lâu dài đã giúp họ có một trực quan rất nhạy bén, giúp họ tạo dựng một sự nghiệp lẫy lừng.
Trực giác này có thể coi là quan trọng nhất trong tất cả các giác quan của con người. Nó như một trực quan mang tính động vật, hay đại khái nó chính là trực quan vượt qua cả năng lực của tư duy và phán đoán mang tính lí luận.
Như tôi đã từng nói trong những phần trước, trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi mang tính động vật nhiều hơn để ám chỉ rằng năng lực của trẻ ở giai đoạn này chưa mang tính tư duy suy luận nên hầu như nó được hình thành nhờ vào trực quan. Chính vì lí do đó mà điều quan trọng nhất đối với giáo dục trẻ ở giai đoạn 0 đến 3 tuổi không phải dạy trẻ hiểu lí lẽ, lí luận hay là những kĩ năng, kĩ thuật, mà chính là đừng làm mất đi khả năng trực quan trong trẻ.
Câu chuyện tôi sẽ kể tiếp theo đây là một ví dụ rất đặc biệt, được thầy giáo Suzuki ghi chép lại trong cuốn sách của mình kể về việc thầy Suzuki đã dạy cậu bé bị mù tên là Teichi chơi violin. Đây là một trong những câu chuyện nói về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng trực quan cho trẻ.
Việc dạy một cậu bé sống trong bóng tối chưa hề biết đến hình dáng của chiếc violin như thế nào, chơi một loại nhạc cụ đòi hỏi kĩ thuật cảm thụ và độ nhạy cảm cao như violin quả là điều vô cùng khó khăn. Dẫu vậy, thầy Suzuki cũng đã dạy cho Teichi bằng tất cả các phương pháp với tất cả sự nhẫn nại của mình. Đầu tiên, thầy dạy cho Teichi cách cầm cây vĩ và luyện tập chuyển động cây vĩ sang phải sang trái và lên xuống. liếp đến là cách để đầu cây vĩ đâm vào lòng bàn tay trái để cậu luyện cảm giác “nhìn thấy cây vĩ”.
Mới đầu, cậu hoàn toàn không làm được và không trúng lần nào, nhưng sau đó 1 tuần thì trong 5 lần cậu cũng đã đâm trúng được 2,3 lần, và tiếp theo thì không chỉ có lòng bàn tay mà đến các đầu ngón tay cậu cũng đã đâm trúng được. Kết quả của những nỗ lực phi thường đó là sau 1 năm học violin, cậu đã biểu diễn vô cùng điêu luyện một tác phẩm rất khó của nhà soạn nhạc người Đức Friedrich Seitz (1848-1918) ở nhà hát Hibiya. Thành quả này chính là nhờ vào nỗ lực luyện tập của Teichi để cảm nhận vị trí đầu cây vĩ bằng trái tim và bằng trực giác của mình.
Thông thường thì trực quan hay giác quan thứ 6 là sự tổng hợp cao độ của 5 giác quan còn lại, nhưng với một trực quan được luyện tập như trường hợp của cậu bé Teichi, thì chúng ta không thể phủ định rằng nó sẽ giúp mài giũa 5 giác quan còn lại của con người trở nên hoàn thiện hơn.
2.37. Giáo dục trẻ sơ sinh không phân biệt giới tính
Bất kì cha mẹ nào khi mới sinh con ra sẽ đều mang trong mình những mong ước vô tận rằng sau này con mình lớn lên sẽ là người mạnh mẽ, giỏi giang và sống biết suy nghĩ đến người khác. Quả thật là những mơ ước này của cha mẹ đều xuất phát từ trái tim chứ không hề có chút tính toán gì. Giấc mơ thì không có giới hạn nên cha mẹ có thể mơ ước bao nhiêu cũng được, chỉ có điều khi đứa trẻ vừa được sinh ra thì cha mẹ đã áp đặt ý thức phân biệt quá nhiều rằng nó là con trai, hay nó là con gái thì phải bắt buộc áp dụng phương pháp giáo dục như thế này, như thế kia.
Thực thế, cho đến khi trẻ 3 tuổi thì hầu như về mặt thể chất hay tinh thần đều không có sự phân biệt nhiều là con trai hay con gái. Người Nhật thường hay phân vân dùng cách xưng hô như thế nào đối với trẻ sơ sinh là trai hay gái ngay từ ban đầu chính là ví dụ để phản ánh suy nghĩ phân biệt giới tính của trẻ, nhưng đối với châu Âu thì họ đều dùng đại từ nhân xung trung tính để gọi mà không cần phân biệt đó là bé trai hay bé gái.
Biểu hiện bề ngoài của trẻ “trông đúng là con trai” hay “trông đúng là con gái” cũng phải sau vài năm mới biểu hiện rõ. Một nghiên cứu của giáo sư tâm lí trẻ thơ Wan Stein đã chứng minh rằng những biểu hiện rõ ràng nhất về tính cách hay hành động thể hiện giới tính của trẻ là khi trẻ bắt đầu qua 3 tuổi, sau đó đến tầm 4,5 tuổi thì là cách vui chơi, cách dùng những đồ chơi, có nghĩa là cho đến khi trẻ 3 tuổi thì hầu như không có sự phân biệt về giới tính, cùng lắm thì chỉ qua cách đi vệ sinh của trẻ mà thôi.
Mặc dù vậy, ngay từ khi trẻ mới sinh ra, tùy thuộc giới tính của trẻ mà cha mẹ đã tự quyết định sẽ giới hạn cho trẻ mặc gì, cái nào thì phù hợp với con trai, cái nào là dành cho con gái, cách chăm sóc, tiếp xúc với con ra sao. Còn bản thân trẻ thì khi mới sinh ra chưa biết được bản thân mình thích cái gì, ghét cái gì, nhưng cha mẹ đã luôn thay trẻ quyết định kiểu như “Con trai thì không mặc quần áo đỏ, vì trông lòe loẹt lắm” mà không biết rằng có thể điều đó lại gây cản trở sự phát triển của trẻ.
Nếu nói thẳng ra thì cho đến khi trẻ 3 tuổi bé trai mặc quần áo màu đỏ hay là cho bé gái chơi bóng đá hoặc chơi đồ chơi là xe ô tô, tàu lửa cũng không có vấn đề gì. Đừng bao giờ thấy bé trai nói thích chơi búp bê mà mắng bé là “đồ con gái”, hay đừng thấy bé gái nói thích chơi đấu vật mà ngăn cấm một cách thẳng thừng.
Nhà thơ nổi tiếng người Đức là Rainer Maria Rilke (1875-1926) cũng là một người mà khi còn nhỏ rất thích mặc quần áo của con gái, nhưng ông hoàn toàn không có tính cách giống như con gái. Điều tôi muốn nói ở đây chính là thay vì lo lắng rằng điều đó ảnh hưởng đến giới tính của trẻ thì các bậc cha mẹ nên suy nghĩ đến việc chính những quan niệm cố hữu của mình trong việc quy chụp phân biệt dành cho con trai, con gái khi trẻ chưa đến 3 tuổi đã vô tình làm giới hạn rất nhiều khả năng và tài năng phong phú mà trẻ có.
2.38. Hãy dạy trẻ về giáo dục giới tính thay vì nói dối
Vấn đề giáo dục giới tính trong trường học từng rất nhiều lần được báo chí đưa tin và khai thác. Nhưng tôi nghĩ rằng việc giáo dục giới tính cho trẻ sau khi trẻ vào tiểu học, hay sau khi vào trung học là việc làm vô ích. Bởi việc làm này giống như kiểu bản năng về giới tính của con người được ẩn đi cho đến thời kì nhất định nào đó, sau đó đến thời kì trưởng thành thì dạy một cách dồn dập. Thời kì trẻ 2, 3 tuổi, cha mẹ đều ngại nói với trẻ những câu chuyện về giới tính nên thay vì nói thật lại toàn nói dối trẻ, đến khi trẻ lớn lên thì mới bắt đầu dạy trẻ những điều đó khiến cho cả người dạy lẫn người được dạy đều cảm thấy xấu hổ, e ngại.
Mặc dù trẻ nhỏ vẫn còn ở trạng thái trung gian về nhận thức giới tính, nhưng khi được 2,3 tuổi trẻ bắt đầu có những tò mò và hiếu kì mạnh mẽ về sự khác biệt giới. Trẻ sẽ nhận thấy sự khác biệt lớn về những bộ phận trên cơ thể của cha mẹ, trẻ sẽ hỏi cha mẹ những câu hỏi rất hiển nhiên như: “Tại sao ngực mẹ to mà ngực bố lại không to như thế?”. Hoặc là nếu gia đình có thêm thành viên mới ra đời trẻ sẽ hỏi cha mẹ: “Trẻ con được sinh ra như thế nào?”.
Lúc này tôi mong các bậc cha mẹ hãy tiếp nhận những câu hỏi đó của trẻ và hãy trả lời trẻ thành thực ở một mức độ nhất định. Bởi vì nếu cha mẹ chỉ cười xòa cho qua chuyện, hay là nói dối thì trẻ sẽ không hài lòng hay chấp nhận câu trả lời đó. Thái độ ngại ngùng, đỏ mặt xấu hổ của cha mẹ vì quan niệm rằng trẻ không nên biết về vấn đề tình đục, vô tình sẽ gây ra cho trẻ những tò mò nghi vấn méo mó.
Ở những trường hợp như thế này trẻ 2, 3 tuổi rất nhạy cảm nên sẽ nhìn ra được những lời nói dối không có tính thuyết phục của cha mẹ. Cuối cùng, trẻ có thể giả vờ đã hiểu điều cha mẹ nói, nhưng bởi chính thái độ của cha mẹ khác với mọi khi lại dẫn đến tác dụng ngược là gia tăng những tò mò mang ý nghĩa tiêu cực ở trẻ.
Điều này cũng tương tự như việc vẫn còn những tranh luận rằng còn là trẻ con thì chưa thể hiểu được những vấn đề về giới tính. Việc dùng những từ ngữ lành mạnh, thông tin kiến thức chính xác để giải thích cho trẻ về giới tính và tình dục sẽ giúp trẻ cảm nhận giới tính hay tình dục như là một cái gì thuộc về bản thân mình một cách tự nhiên.
Không nói dối trẻ tức là đưa một vấn đề tế nhị khó giải thích như vấn đề giới tính hay tình dục từ bên trong bóng tối ra ngoài sáng. Có thể người lớn chúng ta chưa thể vứt bỏ quan niệm rằng tình dục là một điều gì đó nhơ nhớp, đáng xấu hổ cần được che giấu đi, nhưng phải chăng đó chính là hậu quả của việc chúng ta đã không được dạy dỗ đúng đắn về giới tính và tình dục ngay từ khi ta còn ở thời kì ấu thơ.
2.39. Quan niệm của trẻ về thời gian được hình thành từ thói quen sinh hoạt đúng quy tắc
Thời đại bây giờ là thời đại của ti vi, khác với thời đại khi chúng ta vừa mới sinh ra. Đối với trẻ con thì thế giới mà không có tivi là điều không thể tưởng tượng được. Cha mẹ mà không biết tên những nhân vật hay câu chuyện mà trẻ hay xem trên tivi thì nhiều khi những cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con trẻ sẽ không diễn ra vui vẻ.
Chính vì thế đối với những trẻ nhỏ chưa có quan niệm về thời gian thì tivi đóng vai trò như là chiếc đồng hồ vô cùng chính xác. Những chương trình trên tivi được phát lặp đi lặp lại có tính quy luật vào thời gian nhất định sẽ là nền tảng để tạo cho trẻ quan niệm chính xác về thời gian. Ví dụ như chương trình buổi sáng bắt đầu là cha mẹ sẽ đi làm, hay chương trình buổi tối bắt đầu là cha sắp đi làm về, hay cô dẫn chương trình kia xuất hiện là sắp đến giờ phải đi ngủ.
Bình thường, trẻ nhỏ chỉ có khái niệm về hiện tại chứ chưa có ý thức rõ ràng về quá khứ và tương lai. Những từ ngữ như “trước kia”, “sau này” hay là “hôm qua”, “ngày mai” chỉ được trẻ hiểu và có thể sử dụng khi bắt đầu được khoảng 2,5 tuổi. Có nghĩa là, khái niệm thời gian từ lúc trẻ có thể lí giải đến khi trẻ có thể sử dụng một cách thành thục giống như một sự thừa nhận chưa thực sự rõ ràng trong suy nghĩ của trẻ. Thế nhưng chỉ cần xem tivi 1 tuần với những chương trình được lặp đi lặp lại thì ở một mức độ nào đó trẻ có thể nắm bắt được những khái niệm phức tạp như quá khứ, hiện tại và tương lai.
Những chương trình trên tivi sẽ có thời gian chuẩn xác và tính quy luật hơn rất nhiều những quy luật về thời gian được hình thành từ thói quen của chúng ta, như là buổi sáng sau khi dậy thì ăn sáng, hay buổi tối cha đi làm về thì cả nhà sẽ ăn cơm tối. Chính quy luật chính xác này là một nhân tố vô cùng quan trọng ươm mầm cho trẻ khái niệm về thời gian.
Tính quy luật thời gian này cũng nên được cha mẹ áp dụng cho trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là việc đưa ra những quy luật đúng về thời gian để xây dựng cho trẻ quan niệm về thời gian, chứ không đơn thuần chỉ là tạo cho trẻ quy luật thời gian khi nào cho bú, khi nào cho ăn.
Có những bà mẹ đã dạy cho trẻ cách đọc thời gian trên đồng hồ dù trẻ chưa biết đọc chữ số, cũng chưa lí giải được ý nghĩa chữ số là gì, nhưng việc làm đó sẽ không giúp trẻ làm quen được với kim đồng hồ để nhớ được thời gian bởi vì trẻ chưa hề được tiếp xúc qua những gì liên quan đến nó. Đây là một trường hợp mà trẻ sẽ không hiểu vì sao khi mẹ vừa chỉ tay vào kim đồng hồ vừa nói với trẻ ”8 giờ rồi nên con phải đi ngủ thôi”. Thay vào đó, người mẹ có thể dùng cách nói khác đi cho trẻ dễ hiểu và chấp nhận như “Khi trời tối thì trẻ con phải đi ngủ”. Chính những thói quen sinh hoạt đúng quy luật và có quy tắc này sẽ là nền tảng giúp trẻ lí giải được khái niệm mang tính trừu tượng về giờ giấc. Đối với trẻ nhỏ thì thói quen sinh hoạt mỗi ngày chính là một chiếc đồng hồ sinh học. Vì thế, một thói quen sinh hoạt không có quy luật và quy tắc sẽ không thể sinh ra một chiếc đồng hồ sinh học chuẩn xác được.
2.40. Những bản tin thời sự sẽ giúp trẻ nói tiếng Nhật chuẩn
Tôi đã được nghe một người mẹ kể rằng khi con chị được 2 tuổi chị đều cho con nghe những chương trình thời sự phát trên tivi và trên sóng radio mỗi ngày, để rèn luyện cho con nói tiếng Nhật chuẩn.
Có lẽ sẽ có nhiều bậc cha mẹ nghi ngờ rằng trẻ còn nhỏ như thế làm sao lí giải được bản tin thời sự gồm toàn những từ khó. Nhưng mục đích của việc cho trẻ nghe bản tin thời sự chính là để trẻ hình thành được cách nói tiếng Nhật chuẩn thông qua việc được nghe cách phát âm tiếng Nhật chính xác, cách lên xuống, ngắt nhịp để có được giọng nói tự nhiên, chứ không phải để trẻ hiểu những nội dung trong bản tin thời sự.
Nếu suy nghĩ rộng hơn thì chúng ta sẽ nhận ra rằng, khi chúng ta học tiếng nước ngoài thì bản thân phải bỏ ra rất nhiều công sức, sự chuyên tâm nỗ lực, tìm tòi những phương pháp học hiệu quả nhất, còn đối với tiếng mẹ đẻ thì hầu như chẳng ai trong chúng ta bỏ chút suy nghĩ xem “Tiếng mẹ đẻ mà không thể nói chuẩn được thì sẽ thế nào?”. Tất cả chúng ta đều phát âm theo ngữ điệu của mình và nói theo phong cách riêng của mình.
Việc phát âm hay nói theo ngữ điệu riêng đôi khi không đúng của chúng ta đều được hình thành từ môi trường mà ta được nuôi dưỡng. Sau đó, việc dùng ngữ điệu hay phát âm này cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, đến khi chúng ta lớn lên thì không biết tự khi nào nó đã trở thành một thói quen của bản thân mà khi ta nhận ra và muốn sửa thì vô cùng khó khăn. Cứ như thế, những thói quen nói sai của cha mẹ ít nhiều dần dần sẽ lại lây nhiễm sang cho con, sau đó con cái họ cũng sẽ lại truyền sang cho con cháu của mình, cứ lặp đi lặp lại nối tiếp nhau như vậy, dẫn đến tiếng mẹ đẻ bị hỗn loạn và dần mất đi bản sắc gốc.
Khoa học đã chứng minh rằng một khi ngôn ngữ chuẩn đã được hình thành ở đường mòn nhận thức trong trí não của trẻ, thì dù trẻ có phải nghe những ngôn ngữ không chuẩn, hay thậm chí là bị bủa vây bởi những ngôn ngữ mới của giới trẻ hay tiếng lóng đi nữa trẻ cũng không bị chìm trong đó, mà sẽ tự biết cách phân biệt chính xác cách dùng những ngôn ngữ đó trong từng trường hợp một cách thích hợp.
Chính vì ý nghĩa như trên nên phương pháp hiệu quả là hãy cho trẻ nghe đi nghe lại hàng ngày giọng nói của những phát thanh viên hay người dẫn chương trình, những người đã được rèn luyện triệt để để nói ngôn ngữ chuẩn.
2.41. Hãy cho trẻ xem những hình ảnh quảng cáo trên tivi
Trong cuộc sống hiện đại tivi là một thứ không thể thiếu mặc dù tivi cũng có rất nhiều vấn đề gây tác hại. Tivi là thứ giúp mọi người giải trí, xả stress. Còn xét trên khía cạnh giáo dục thì ngoài những chương trình dành cho giáo dục, tin tức, sự kiện ra, những chương trình khác đều gây ra nhiều tác hại. Nhiều người sẽ cho rằng ở mỗi chương trình phát sóng việc phải dành ra bao nhiêu phút cho quảng cáo quả là thời gian vô bổ không có tác dụng gì với giáo dục.
Nhưng nhìn từ quan điểm giáo dục, tôi muốn đánh giá lại vai trò của những chương trình quảng cáo trên tivi. Chính vì tính cạnh tranh cao trên thị trường nên các sản phẩm quảng cáo đều đòi hỏi người sáng tạo phải đầu tư dàn dựng công phu và tỉ mỉ, để làm sao có nội dung hay nhất với những câu văn hoa mĩ, những hình ảnh đẹp nhất nhằm tạo ấn tượng với khán giả, đồng thời thông qua đó người xem có thể cảm nhận được hơi thở của thời đại, sự cạnh tranh của xã hội công nghiệp. Những ai có con nhỏ hãy thử nhìn nhận một cách công bằng một sự thật hiển nhiên là trẻ nhỏ rất thích thú và xem một cách say mê các chương trình quảng cáo trên ti vi.
Có hai lí do khiến chương hình quảng cáo thu hút được sự chú ý của trẻ. Đó chính là sự lặp đi lặp lại một cách kiên trì, và dùng phương pháp biểu hiện một cách trực tiếp những thông điệp đã loại bỏ đi những cái rườm rà, phức tạp. Hai đặc trưng rõ nét này không chỉ có ở các chương trình quảng cáo trên tivi, mà chúng ta có thể thấy nó ở trên đài, trên các trang quảng cáo trên báo và tạp chí. Nhưng trong số đó, tivi chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt bởi nó là sự kết hợp tuyệt vời của các giác quan thông qua hiệu quả của hình ảnh, âm thanh.
Chính tố chất đặc trưng này của chương trình quảng cáo trên tivi vừa có hiệu quả về âm thanh, hình ảnh, vừa có tác dụng lặp đi lặp lại, nó sẽ tác động trực tiếp giúp trẻ phát triển năng lực nhận thức nguyên mảng một cách hiệu quả.
Ở chương trước tôi đã từng đề cập đến một chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi rất được hâm mộ tại Mỹ có tên là “Sesame Street”, chương trình này và những sản phẩm học tập theo các chương trình quảng cáo đều được đánh giá cao về tính hiệu quả giúp trẻ phát huy trí tuệ. Quả thật mỗi chương hình quảng cáo sản phẩm chỉ kéo dài từ 50 giây đến 1 phút nên nó luôn được đòi hỏi phải làm sao truyền đạt thông điệp một cách súc tích và ấn tượng nhất. Và chính trong những biểu hiện súc tích và ấn tượng ấy không ngờ lại ẩn chứa những điều kì diệu đánh trúng tâm lí trẻ nhỏ. Đây chính là lí do tôi muốn đánh giá lại những hiệu quả tuyệt vời của các chương trình quảng cáo trên tivi. Giả sử trẻ có lỡ xem những chương trình quảng cáo mà người lớn xem thấy đỏ mặt vì xấu hổ đi nữa, thì nó cũng không đủ để gây tác hại đến bản thân trẻ.
2.42. Hãy dạy trẻ hòa âm trước để có cảm thụ âm nhạc tốt
Tôi đã từng thấy ở rất nhiều phim của nước ngoài cảnh những người thân trong gia đình hay là bạn bè cùng nhau vui vẻ hát những bài hát tập thể. Đặc biệt, những người chưa từng được học qua về âm nhạc như những người nông dân, cao bồi, hay du mục thường hát một cách ngẫu hứng, và những lời ca mang tính ngẫu hứng đó đã tự nhiên hòa nhịp tạo thành một dàn hợp xướng vô cùng hài hòa. Đương nhiên có thể trên phim ảnh nên nó đã được chuẩn bị trước, nhưng hãy thử nhìn người Nhật, hầu như ai cũng đã từng được học âm nhạc, chí ít là cách đọc các nốt nhạc nhưng hầu như chưa bao giờ chúng ta tạo ra được không khí hát tập thể kiểu ngẫu hứng giống như vậy.
Ở đây tôi không hề có ý so sánh xem âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống Nhật cái nào ưu việt hơn, môi trường âm nhạc của Nhật đã nuôi dưỡng chúng ta có một đặc trưng từ thời xa xưa đó là có rất ít những âm chồng xếp lên nhau tạo thành sự hòa âm. Nếu liên tưởng đến những thể loại nhạc dân tộc của Nhật như nhạc đồng dao, dân ca hay nhạc truyền thống mọi người sẽ nhận thấy ngay. Thêm vào đó là giáo dục âm nhạc của Nhật Bản cho đến giờ có thể nói là đã bỏ qua việc nhấn mạnh việc điều chỉnh nhịp tiết tấu của các âm mà chỉ chú trọng nhiều đến giai điệu. Người lớn thường hay quan niệm là hòa âm quá khó với trẻ nên bắt đầu phải dạy cho trẻ từ đơn âm.
Tuy nhiên, thay vì dạy cho trẻ từng âm độc lập hãy cho trẻ nghe hòa âm của đồ mi son và đồ pha la, để trẻ hiểu sự khác nhau đó thì sẽ nhanh hơn. Cái mà trẻ có thể tiếp thu vào trong đầu rất nhanh đó là những gì có cấu trúc cục bộ, nguyên mảng được lặp đi lặp lại mà chỉ cần mang một ý nghĩa nhất định nào đó thôi. Ví dụ đối với hình họa cũng thế, nó không chỉ đơn giản gồm các điểm và đường kẻ, mà những cái đó chỉ là những yếu tố để cấu thành nên nét đặc trưng rõ rệt nhất của một cấu trúc nguyên khối.
Âm cũng như vậy. Nếu có sự kết hợp giữa các đơn âm lại với nhau, thì trẻ sẽ dễ dàng thông qua mối liên hệ tương hô giữa các đơn âm đó để nắm bắt bằng cảm giác của mình, thông qua đó sẽ nhận thức được chính xác bản chất thực sự của mỗi đơn âm. Người lớn chúng ta chẳng phải đã lớn lên trong môi trường giáo dục như thế nên luôn có suy nghĩ bản thân không thể nào học được cảm âm một cách trọn vẹn.
2.43. Dạy âm nhạc là cách nuôi dưỡng khả năng tập trung cho trẻ
Có hơn 1.000 em nhỏ tham gia buổi biểu diễn violin tại hội chợ triển lãm quốc tế diễn ra tại Nhật. Mặc dù 11 giờ buổi biểu diễn mới bắt đầu, nhưng từ trước 8 giờ sáng những em nhỏ mới chỉ 3, 4 tuổi đã tập trung tại hội trường, tư thế đứng đợi rất nghiêm chỉnh, ngay ngắn dưới thời tiết rất lạnh. Ngay cả người lớn đứng 30 phút dưới trời lạnh như thế cũng đã mất kiên nhẫn rồi, vậy mà những em nhỏ như vậy lại có thể chịu đựng cái lạnh trong thời gian dài như vậy quả là đáng khâm phục.
Mặc dầu nói như vậy không phải tôi muốn khen ngợi những đứa trẻ từ nhỏ như thế mà đã biết bình tĩnh như người lớn, bởi trẻ nhỏ thì nên hoạt bát vui vẻ đúng với tuổi của mình. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở trường hợp này chính là chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng hai việc hoạt bát với việc không tập trung trong khi làm việc. Đối với con người thì tính sao nhãng khó tập trung chính là vẩn đề gây khó khăn nhất trong công việc, bởi nếu không thể tập trung khi làm một việc gì, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ, ta lại phải tốn thêm nhiều thời gian để hoàn thành nó, dẫn đến năng lực xử lí công việc của chúng ta cứ hẹp dần lại.
Ngược lại, nếu như trẻ nào có năng lực tập trung thì cũng có nghĩa trẻ sẽ phát huy thêm được rất nhiều khả năng tuyệt vời khác. Chúng ta thường nghe nhận xét rằng trẻ nào học nhạc từ sớm thì sẽ có tác phong và cách cư xử rất tốt. Nói đến cách cư xử tốt chúng ta sẽ liên tưởng đến hình ảnh trẻ được cha mẹ uốn nắn rất nghiêm khắc, dẫn đến trẻ như những ông cụ non hay bà cụ non. Thế nhưng tuyệt nhiên không phải như vậy. Không hề có chuyện trẻ sẽ nhìn thái độ của cha mẹ để học cách cư xử, mà chính là nhờ trẻ có thể tập trung vào mỗi một sự việc một cách tự nhiên. Nên đối với việc học tập cũng như thế, cùng một thời gian trẻ tập trung hơn thì kết quả học tập cũng tốt hơn. Chuyện đương nhiên xảy ra tiếp theo là trẻ có nhiều thời gian để chơi hơn, ngay cả khi chơi những trò thể thao trẻ cũng luôn tập trung để giành được kết quả cao nhất.
Kết quả một cuộc điều tra ngẫu nhiên ở lớp học violin của thầy Suzuki đã cho một kết quả rất bất ngờ, hầu hết tất cả những người mẹ khi được hỏi về việc học tập của con cái đều có cùng câu trả lời tương tự nhau “Con tôi hầu như không phải học hành vất vả gì trong những kì học thi mới lạ lùng chứ”, hay là “Về đến nhà là nó chạy đi chơi cùng bạn hàng xóm, thế nhưng thành tích học vẫn tốt”, khiến cho những ai phải đau đầu với bài tập về nhà hoặc đang ôn thi thầm ghen tị. Nghe đến đây có nhiều bậc cha mẹ sẽ tưởng tượng ra rằng những trẻ đó suốt ngày bị cha mẹ ép ngồi lì trong phòng để học, trông giống như những con mọt sách ốm yếu. Thực tế không phải như vậy, tất cả các trẻ đó đều là những trẻ vô cùng khỏe mạnh và có trí tuệ thông minh.
Câu nói “xoa dịu bằng âm nhạc” nghĩa là âm nhạc sẽ xoa dịu nỗi đau của con người, nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp, và hoàn thiện nhân cách cũng như vẻ đẹp tâm hồn chúng ta một cách tự nhiên. Đầu tiên là violin và những bài học âm nhạc sẽ nuôi dưỡng khả năng tập trung của chúng ta từ việc luyện tập đi luyện tập lại từng bài học. Có thể nói âm nhạc cũng giống như một công cụ đóng góp rất nhiều vào sự hình thành nhân cách của người học nó.
2.44. Học violin giúp nuôi dạy tinh thần chỉ huy ở trẻ
Ngoài tác dụng nuôi dưỡng khả năng tập trung cho trẻ như tôi đã đề cập ở chương trước, việc dạy violin cho trẻ còn có thêm một hiệu quả vô cùng tuyệt vời khác trong giáo dục trẻ thơ. Đó chính là nuôi dưỡng trẻ thành những con người có năng lực thu hút nhiều người khác, nghĩa là khả năng lãnh đạo. Có rất nhiều người đã ngộ nhận khi cho rằng khả năng lãnh đạo tập thể chỉ dành cho thế giới của người lớn, con người chỉ hình thành năng lực đó sau khi đã trở thành người lớn. Thực tế cho thấy thời kì hình thành năng lực lãnh đạo đến sớm ngoài sự tưởng tượng của chúng ta, ví dụ như nếu để hai đứa trẻ 2 tuổi chơi với nhau thì ắt hẳn sẽ có một đứa trẻ đóng vai trò lãnh đạo đứa trẻ còn lại.
Theo cuốn sách “Tâm lí trẻ thơ” của nhà tâm lí học, tiến sĩ Yamashlta Toshiro, tính cách lãnh đạo của trẻ được thể hiện ở giai đoạn đầu tiên, đó là dù chơi bên cạnh bạn đi nữa, thì những suy nghĩ hay cách chơi của trẻ không hề bị ảnh hưởng hay bị xáo trộn bởi bạn. Giai đoạn thứ hai đó là tự bản thân trẻ sẽ là người đưa ra những cách chơi mới và là người chơi đầu tiên trong mọi trò chơi hay thao tác cùng bạn. Đó chính là những phẩm chất đầu tiên của trẻ có khả năng lãnh đạo.
Năng lực này rõ ràng đều chung quy lại ở năng lực sáng tạo và khả năng tập trung được nuôi dưỡng nhờ vào việc học violin mà tôi đã nói ở chương trước. Những học trò ở lớp học violin của thầy Suzuki đều không phải là những con mọt sách xanh xao yếu ớt mà có một điểm đặc biệt, đó là đa phần các em đều vô cùng khỏe mạnh, hoạt bát, và như là những tướng quân nhỏ trên trận giả. Hơn thế nữa, sau này khi các em trưởng thành ra ngoài xã hội, các em sẽ phát huy được khả năng lãnh đạo đòi hỏi trong cuộc sống tập thể.
Một trong những ví dụ điển hình chính là trường hợp của nhà chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Berlin vô cùng nổi tiếng thế giới Toyoda Koji, một học trò cưng của thầy Suzuki. Chỉ huy trưởng của một dàn nhạc giao hưởng là vị trí đòi hỏi khả năng lãnh đạo tuyệt vời vì nó đại diện cho cả dàn nhạc.
Ngoài trường hợp của Toyoda Koji, thì còn rất nhiều học trò ở lớp học violin của thầy Suzuki cũng đã trở thành những người ở vị trí chỉ huy dàn nhạc. Dù nhiều người chỉ mới ở độ tuổi 30, nhưng họ đã là người chỉ huy những thành viên khác đến từ các quốc gia khác nhau có văn hóa, khí chất khác nhau như Đức, Mỹ ở những dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng trên thế giới.
2.45. Trẻ được học âm nhạc từ nhỏ sẽ có một khuôn mặt đẹp khi lớn lên
Dạy âm nhạc là một trong những phương pháp giáo dục trẻ thơ đem lại rất nhiều hiệu quả tuyệt vời. Một trong số đó là âm nhạc có thể làm thay đổi khuôn mặt trẻ thơ ngây từ khi mới sinh ra. Theo lẽ thông thường chúng ta vẫn cho rằng hình dáng khuôn mặt cũng giống như nhóm máu và màu mắt đều được quyết định bởi yếu tố di truyền. Đương nhiên đây là kết luận đã được chứng minh bởi khoa học và là sự thật khó thay đổi.
Chỉ có điều từ kinh nghiệm của bản thân, các bạn đều có thể nhận ra rằng khuôn mặt của con người sẽ thay đổi rất nhiều trong quá trình trưởng thành. Những ví dụ nhờ phẫu thuật thẩm mỹ như từ mắt bé chuyển thành mắt to, hay là mũi thấp nâng thành mũi cao thì không nói làm gì, nhưng những đường nét toàn diện như thần thái của khuôn mặt thì là thứ thay đổi khá nhiều.
Những trẻ nhỏ nào thời kì ấu thơ được học nhạc hay được cho nghe nhạc nhiều thì sự thay đổi như thế đã được biểu hiện ở thực tế. Ở một buổi tập trung những bà mẹ ứng tuyển làm nhân viên mới của “Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” đã có một cuộc tranh luận vô cùng thú vị. Đó là ban đầu những bà mẹ bế trẻ mới sinh đến trung tâm thì đứa trẻ nào cũng như nhau, chỉ là trẻ sơ sinh. Nhưng sau đó 4 tháng, những trẻ nào được cha mẹ cho nghe bản nhạc “Serenade Khúc nhạc chiều” của Mozart mỗi ngày theo như thí nghiệm, thì so với những trẻ khác đôi mắt của chúng sẽ sáng hơn, các động tác cũng hoạt bát lanh lẹ hơn, biểu hiện thì vô cùng sinh động và vui tươi.
Liên quan đến chuyện này, Maruo Kencho (1901- 1986), một nhà bình luận âm nhạc, đồng thời là một diễn viên, tác giả có sức hấp dẫn lớn đã gửi cho tôi một lá thư vô cùng thú vị như sau:
“Tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm về hiệu quả vĩ đại của âm nhạc. Có một số người mẹ tỉ mỉ và nhạy bén đã nhận ra rằng sau chiến tranh, dung mạo của những trẻ sơ sinh đã thay đổi rất nhiều, (giản lược). Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do:
1. Trình độ giáo dục của những người mẹ đã được nâng cao;
2. Là chế độ dinh dưỡng đã được cải thiện;
3. Là sự tiếp xúc thường xuyên và dồi dào với âm nhạc.
Trẻ sau khi sinh 1 tháng có thể sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi trình độ giáo dục của người mẹ. Mà trẻ sơ sinh nhận nhiều nhất chính là sự tiếp xúc với âm nhạc thông qua tiếng băng thu, radio, và tivi. Đây chính là bằng chứng để khẳng định trẻ sơ sinh có nghe nhạc”, (lược phần cuối)
Hơn thế nữa, ông Maruo còn kể lại chuyện ông đóng vai trò như một giám khảo trong một chương trình ca nhạc và ông đã để ý thấy sự thay đổi về biểu cảm trên gương mặt của những người nghe qua từng bài với những thể loại âm nhạc khác nhau. Có phải do âm nhạc làm thay đổi biểu cảm trên mặt người nghe, hay là do những người có khuôn mặt giống nhau thì thích cùng một loại nhạc, chưa thể khẳng định chắc chắn những kết luận đó được, nhưng rõ ràng ví dụ này đã đưa ra một lí thuyết vô cùng thú vị.
Ngoài ra đứng từ quan điểm âm nhạc có liên quan mật thiết đến việc tạo ra mỹ nhân, ông đã áp dụng một phương pháp làm người ta quyến rũ hơn gọi là “Làm đẹp bằng âm nhạc”, đây là một phương pháp giúp con người trở nên đẹp hơn bằng cách đặt cơ thể trong môi trường âm nhạc. Có thể nói đây cũng là một cách suy nghĩ khác của “Âm nhạc ảnh hưởng đến con người”.
2.46 Thơ haiku18 là giáo cụ tốt nhất dạy trẻ khả năng ghi nhớ
Yuki tokeru
Tokeruto hato no
Naku ki kana
Tuyết tan
Cho chim câu ca hát
trên cành cây
Neko no ko ga
Choito osaeru
Ki no ha kana
Chú mèo nhỏ
Đang nghịch đùa
Chiếc lá khô
Haewarae
Futatsu ni naruzo
Kesa kara wa
Chạy đi cười đi
Bé tròn hai tuổi đấy
Từ sáng nay.
Những bài thơ haiku ở trên là tác phẩm của nhà thơ nổi tiếng cuối thời Edo Kobayashi Issa (1763-1827). Ở những lớp học thực nghiệm hay trường mẫu giáo giúp trẻ thông minh đều sử dụng những bài thơ haiku giống như vậy để giúp trẻ phát triển khả năng ghi nhớ.
Lí do chọn haiku đầu tiên là vì nó là thơ ngắn có vần luật được quy định rõ ràng nên rất dễ nhớ. Ngoài ra, nó được chọn bởi vì một lí do nữa là trẻ cần học thuộc và ghi nhớ những thứ giúp nuôi dưỡng tâm hồn và trái tim của trẻ, có một cốt cách thanh tao cao quý có giá trị tồn tại mãi mãi khi ghi nhớ nó suốt cuộc đời, và phải gần gũi thân thiết với trẻ nhỏ.
Mỗi ngày trường đều cho các em đọc một câu thơ trong bài haiku giống như bài thơ tôi giới thiệu ở trên, sau đó là nói chuyện về mỗi sự vật phong cảnh ứng với từng câu thơ đó để vừa tạo hứng thú cho các em vừa để các em học thuộc. Ngày tiếp theo, các em sẽ vừa đọc lại câu thơ ngày hôm trước học, vừa nhớ câu thơ mới. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại như thế đã giúp các em nhớ được hết các bài haiku một cách thích thú và vui vẻ.
Trong khoảng thời gian này, có những em ban đầu mất tới 10 lần lặp đi lặp lại mà vẫn chưa nhớ được bài, tuy nhiên khi sang đến kì học thứ hai thì chỉ cần 3,4 lần là các em đã có thể nhớ được rồi, và đến kì thứ ba thì chỉ cần 1, 2 lần là các em đã nhớ được rất nhanh. Chỉ trong vòng 1 năm mà các em đã nhớ được 570 bài haiku của nhà thơ Kobayashi Issa.
Điều quan trọng nhất khi dạy các em học các bài thơ này là phải lặp đi lặp lại và ôn lại bài, 1 lần các em quên cũng không cần để ý đến, thầy cô lại để các em đọc lại thêm lần nữa. Chính nhờ cách luyện tập như vậy mà có những trẻ chỉ cần nghe 4,5 lần là đã có thể ghi nhớ những câu chuyện dài cả nghìn chữ.
Nói như vậy nhưng có lẽ vẫn có những bậc cha mẹ cảm thấy nghi ngờ và thắc mắc vì sao lại bắt trẻ học thuộc lòng những bài haiku của Kobayashi Issa. Ban đầu bản thân tôi cũng kịch liệt phê phán cách dạy chú trọng đến việc học thuộc lòng. Nhưng ở thời kì mẫu giáo việc cho trẻ học thuộc lòng thơ haiku không phải với mục đích để trẻ nhớ những bài thơ đó, nó chỉ là một giáo cụ huấn luyện với mục đích thông qua giáo cụ đó nuôi dưỡng năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, tư duy và khám phá của trẻ. Thơ haiku chỉ là một trong những giáo cụ của phương pháp giúp trẻ phát triển khả năng trí tuệ mà thôi.
Nếu trẻ có hứng thú với ca dao, bài hát đồng dao thì thay bằng haiku các bậc cha mẹ có thể áp dụng những bài đó để dạy trẻ. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là bộ não của trẻ có trang bị sẵn thiết bị có khả năng ghi nhớ tuyệt vời có thể học thuộc lòng mấy trăm bài thơ như trên. Thiết bị ghi nhớ này nếu không được sử dụng thì sẽ cùn đi, còn nếu được sử dụng càng nhiều thì nó sẽ càng làm việc năng suất, xoay chuyển nhanh và dung lượng càng lớn hơn.
Trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi trẻ vẫn còn hứng thú với việc lặp đi lặp lại, hãy sử dụng tất cả mọi phương pháp để nuôi dưỡng năng lực ghi nhớ này, nhưng ở giai đoạn kế tiếp thì tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy tránh xa việc coi dạy trẻ học thuộc lòng như là một phương pháp giáo dục.
2.47. Trẻ giỏi một môn thì sẽ có tự tin với tất cả các môn khác
Ở chương đầu tiên tôi có giải thích với mọi người rằng việc dạy trẻ học nhạc, học chữ, học tiếng Anh không phải nhằm mục đích tạo ra những thiên tài hay chuyên gia về những lĩnh vực đó, mà nó là những yếu tố kích thích gây ảnh hưởng rất tốt đến sự phát triển toàn diện cho não bộ của trẻ. Đương nhiên, với mỗi trẻ thì không chỉ được nhận một mà càng nhận được nhiều sự kích thích thì càng tốt.
Nhưng, nếu tập trung dạy cho trẻ một lĩnh vực nào một cách triệt để thì ở một ý nghĩa khác nó cũng đem lại hiệu quả vô cùng to lớn. “Giỏi một nghề thì đối với những nghề khác ta cũng có tự tin”, đây chính là hiệu quả của việc giỏi một môn nào đó.
Có rất nhiều ví dụ thực tế để kiểm chứng cho câu nói này. Ví dụ như ở lớp học nhạc của thầy Suzuki có một cậu bé mới tròn 3 tuổi rất hay khóc nhè. Ban đầu thầy nhận thấy cậu bé phát âm hay nói đều bị ngọng chứ không chuẩn như những bạn cùng tuổi, và lúc nào cũng nấp sau lưng mẹ, để cậu cầm violin thì cậu cũng không biết cách kéo để phát ra tiếng, động một chút là chỉ biết khóc nhè. Liệu có phải là vì những cậu bạn hàng xóm của cậu bé này toàn những trẻ nghịch ngợm thích trêu chọc bạn, thấy cậu bé phát âm ngọng như thế nên hay trêu chọc làm cho cậu khóc, và tách cậu ra khỏi nhóm không?
Sau đó là 1 tháng rồi 2 tháng trôi qua, nhờ sự chỉ dẫn khéo léo và tỉ mỉ của thầy Suzuki mà cậu bé đã biết chơi đàn, sau nửa năm cậu đã có thể chơi được những bản nhạc mà những bạn khác không thể chơi được.
Đặc biệt, cậu đã phát huy được một tài năng đáng kinh ngạc đó là có thể dùng ngón tay để búng dây đàn violin theo phong cách pizzicato (kĩ thuật gảy đàn), và điều này đã chứng tỏ rằng cậu có sự tự tin tuyệt đối với bản thân mình. Sau đó cùng với sự tự tin đó cậu đã luyện tập rất tiến bộ. Và từ một cậu bé nhút nhát trước kia, giờ cậu trở nên vui vẻ, hoạt bát trong cuộc sống đời thường. Cậu đã biết bắt chước cách chỉ huy để đứng trước những học sinh lớn tuổi hơn, về đến nhà cậu chủ động tập trung những cậu bạn hàng xóm trước kia vốn hay trêu chọc mình để hướng dẫn các bạn chơi trò chơi, cách nói chuyện cùng ngôn ngữ cũng tự tin và tốt hơn trước rất nhiều.
Không chỉ đối với trẻ thơ mà ví dụ giống như thế này tôi cũng đã gặp ở thời kì học sinh. Khi đó có một bạn nam trong lớp rất ghét các môn tự nhiên, mà chỉ thích học môn tiếng Anh. Ban đầu sự nhiệt huyết cho môn tiếng Anh cũng rất ít, nhưng rồi cứ học từng chút một thì cậu nhớ thêm được từ vựng tiếng Anh, dần dần cậu nhớ được nhiều hơn, rồi sau khi môn tiếng Anh đã trở thành thế mạnh cậu liền bắt đầu tập trung thử sức với các môn học khác, và kết quả là cậu đã thu được kết quả học tập rất tuyệt vời. Đặc biệt là ở những giờ học nói của môn tiếng Anh, khi đã có sẵn sự tự tin, dần dần cậu nói rất giỏi và tốc độ nói chuyện tiến bộ rất nhanh.
Vậy đấy, ngay cả với người lớn thì sự tự tin cũng có hiệu quả kì diệu như vậy. Vì thế mà với trẻ nhỏ tâm lí vẫn còn ít chuyện phải lo lắng thì nếu được nuôi dưỡng lòng tự tin, chỉ mất mươi phút là trẻ có thể chuẩn bị tâm lí sẵn sàng để phát huy hết khả năng của mình.
2.48. Trò chơi tập trung với bài Tây sẽ nuôi dưỡng năng lực tư duy cho trẻ
Có lẽ hầu như ai cũng biết đến trò chơi rút bài để luyện sự tập trung bằng quân bài Tây. Luật chơi rất đơn giản, đó là chỉ cần dàn 52 quân bài ra sàn, người chơi đầu sẽ lật 2 quân bài lên, nếu 2 quân bài trùng số thì sẽ được lấy 2 quân bài đó, còn nếu không trùng số thì phải lật úp lại để nhường phiên cho người kế tiếp, cứ thế đến khi hết 52 quân mà bên nào có nhiều quân bài hơn thì sẽ thắng. Có thể mới nhìn vào mọi người sẽ cho rằng đây là trò giải trí đơn giản nhưng thực tế thì khi chơi với trẻ con người lớn lại thấy khó và thường hay bị thua. Không tin bạn thử chơi với trẻ 2, 3 tuổi xem. Người lớn thường dương dương tự đắc nghĩ rằng trò chơi này chẳng cần gì đến kĩ thuật, chỉ đơn giản là vấn đề ghi nhớ mà thôi, thế nhưng khi bắt đầu chơi thì lại không hề thắng dễ dàng như mình nghĩ.
Ví dụ như ban đầu khi lật lên và úp lại ta sẽ chủ động nhớ là quân át nằm thứ 4 bên phải tính từ trên xuống, quân Q nằm thứ 2 bên trái tính từ trên xuống, thế nhưng chỉ sau 2,3 lần rút bài thì ta không biết quân bài lúc nãy nhớ giờ nằm ở đâu nữa. Cuối cùng là cứ lật đại biết đâu lại trúng với ánh mắt rất tự tin trước mặt trẻ. Ngược lại trẻ rất vô tư lần lượt rút được quân bài mà không cần phải nhọc công để nhớ vị trí như người lớn.
Đương nhiên không phải vì bạn có trí nhớ tồi hơn những người khác, mà ngược lại là trí nhớ của trẻ con quá tuyệt vời nên trẻ mới dễ dàng thắng bạn. Vậy thì sự khác biệt về khả năng ghi nhớ này sinh ra từ đâu. Nếu quan sát kĩ chắc chắn bạn sẽ nhận thấy rằng trẻ con không nhớ đơn thuần vị trí của từng quân bài như người lớn. Không biết bằng cách nào trẻ coi toàn bộ quân bài như là một tấm thảm hoa, vị trí mỗi quân bài như là vị trí của một hoa văn trên tấm thảm. Nếu các bạn nhớ lại ở chương trước tôi đã từng nói đến thì sẽ hiểu rằng đây chính là một ví dụ điển hình của khả năng nhận thức nguyên mảng của trẻ nhỏ. Người lớn chúng ta thì dùng lí trí ghi nhớ vị trí mỗi quân bài theo cách rất phức tạp nó nằm ở vị trí thứ mấy từ trái qua, thứ mấy từ trên xuống, nên đó là lí do mà chúng ta không làm được như trẻ con.
Nhận thức nguyên mảng chính là một khả năng tuyệt vời của trẻ thơ mà người lớn có muốn bắt chước cũng không thể. Não bộ sẽ ghi nhận từng đặc trưng nguyên mảng vào trong tế bào não một cách tức thì, nắm bắt nó chính xác nên nếu suy rộng ra thì nó không có một phương pháp ghi nhớ có tính hợp lí nào có thể bắt chước được.
Ví dụ như trẻ chỉ cần nhớ một lần thì chỉ cần nhìn thoáng qua chiếc xe ô tô chạy trên đường cũng có thể nói đúng được tên nước sản xuất chiếc xe này, bởi vì nhờ khả năng ghi nhớ nguyên mảng mà trẻ có thể làm được điều này.
Chính vì như vậy, thông qua những trò chơi, thông qua âm nhạc trẻ có thể phát huy những tài năng và trí tuệ mà mình có. Còn cha mẹ chính là những trợ thủ ở bên giúp trẻ phát huy tài năng đó bằng cách cùng chơi với trẻ, cùng nghe trẻ hát, cùng vẽ tranh, dù rằng có thể những việc làm đó sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều với người lớn chúng ta, nhưng với trẻ nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.
2.49. Trẻ càng biết cầm bút chì và sáp màu sớm càng tốt
Khi trẻ sơ sinh được 8 tháng tuổi thì ngoài việc dùng được ngón tay cái, trẻ có thể dùng 4 ngón tay còn lại để cầm nắm đồ vật một cách tự do. Đối với người lớn chúng ta thì việc tự do cầm nắm đồ vật là hành động quá dễ dàng, nhưng thực tế đối với trẻ nhỏ hành động này ở giai đoạn 8 tháng tuổi là ám hiệu quan trọng chứng minh năng lực của trẻ đã được phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện. Đây là thời kì trẻ biết đưa tay ra cho mẹ nắm, xé giấy hay dùng tay chọc vào những vật mềm, đẩy thùng đựng đồ chơi để nó xoay, là những biểu hiện đầu tiên của thời kì trẻ muốn thể hiện ý muốn của bản thân.
Lúc này điều quan trọng nhất mà người mẹ cần làm là nuôi dưỡng suy nghĩ và ham muốn của trẻ thông qua những hành động như trên, từ đó nuôi dưỡng năng lực sáng tạo cho trẻ.
Cho trẻ cầm bút sáp màu và bút chì thì trẻ sẽ cầm bút mà vẽ khắp mọi nơi từ trên bàn đến trên tường, hoặc khi bạn đưa cho trẻ tờ giấy thì trẻ sẽ ngẫu nhiên vạch trên giấy những đường kẻ, hoặc có khi là cầm tờ giấy để xé chơi. Đối với người lớn chúng ta thì những đường gạch trên giấy đó chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng với trẻ nó lại là biểu hiện ý muốn của bản thân.
Thật đáng tiếc là nhiều bậc cha mẹ không hiểu điều đó đã vô tình ngăn cản ý muốn thể hiện suy nghĩ của bản thân này ở trẻ. Nhiều cha mẹ đã vô tình áp đặt những khái niệm và suy nghĩ được lập sẵn lên hành động của trẻ, ví dụ như chỉ cho trẻ hình tròn phải vẽ như thế này, quả táo phải màu đỏ, hay là bút sáp màu con phải cầm như thế này. Hoặc là nói với trẻ liên khúc “không được” như “Không được xé sách”, “Không được vẽ bút sáp ra bàn”, “Không được xé vụn giấy như thế”…
Tôi đã từng đến chơi nhiều nhà có trẻ con mà trong phòng được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp không hề có giấy vụn rơi lung tung. Quả thực từ sáng tới tối người mẹ vừa phải quay cuồng với con cái, vừa giữ gìn cho nhà cửa ngăn nắp thì đúng là rất đáng khâm phục. Có điều, những việc làm này của mẹ lại trở thành sự cản trở cho ham muốn sáng tạo của trẻ nhỏ, đây là điều rất nghiêm trọng.
Những hành động trẻ dùng ngón tay để thao tác như ném sách, xé giấy hay kéo đẩy thùng đựng đồ chơi sẽ kích thích trí tuệ của trẻ phát triển, làm phong phú thêm năng lực sáng tạo của trẻ. Vì thế để cho trẻ cầm bút chì, bút sáp càng sớm thì sẽ càng phát huy hiệu quả về phát triển khả năng trí tuệ cho con trẻ.
Chỉ có điều, nếu như cha mẹ cho trẻ cầm bút, sáp màu nhưng lại bắt trẻ phải làm như thế này, làm như thế kia theo ý mình, thì ngược lại sẽ chỉ tạo mầm mống khiến trẻ trở nên hấp tấp, nóng nảy mà thôi.
Việc dùng hình phạt nghiêm khắc, uốn nắn theo kỉ luật thép và bẻ gẫy những ham muốn sáng tạo của trẻ từ khi trẻ còn nhỏ cũng tương tự như những sai lầm trên.
2.50. Giấy cỡ nào thì người hao hao cỡ đó
Tôi đã từng có nhiều dịp trao đổi cùng họa sĩ vẽ tranh minh họa Manabe Hiroshi, người có nhiều tác phẩm đăng trên tạp chí “Nghiên cứu và phát triển trẻ thơ” và biết được ông thực sự là người có nhiều trăn trở về cách giáo dục trẻ thơ hiện nay của chúng ta. Tôi cũng từng đề cập đến việc ông đã đưa ra những phát biểu và những đề xuất quan trọng cho việc dạy dỗ con trẻ. Những đề xuất tâm huyết ấy thực sự rất sắc bén và trúng đích. Đặc biệt với tư cách một họa sĩ, ông đưa ra những giải pháp cho các bà mẹ khi con mình bắt đầu có hứng thú tập vẽ tranh. Họa sĩ bắt đầu từ chủ đề “Công việc đầu tiên của vẽ tranh là chọn cỡ giấy phù hợp”. Thế nhưng thực tế là các trường mẫu giáo hay nhà trẻ nói chung, các bà mẹ nói riêng khi dạy trẻ vẽ tranh sẽ chỉ đưa cho trẻ một khổ giấy nhất định. Ở trường các cô giáo sẽ phát cho các em những trang giấy đã được thống nhất khổ, đương nhiên các em ai cũng như ai không được quyền chọn khổ giấy theo ý tưởng của bản thân.
Như tôi đã đề cập ở các phần trước, cách làm như thế này của các mẹ, các cô giáo đồng nghĩa với việc áp đặt các em phải theo một quỹ đạo đã định sẵn, rất bài bản nhưng thật máy móc, giống như “Trẻ con thì nên hát đồng dao”, “Trẻ con đọc truyện thần thoại”. Cứ như vậy người lớn đã vô tình xây dựng cho trẻ một quan điểm cố hữu, không bao giờ dám vượt ra khỏi khuôn mẫu đã định. Từ đó trẻ sẽ nghĩ tranh vẽ thì nên dùng khổ giấy thế này, vẽ khổ này sẽ được mẹ khen, được cô cho điểm cao…
Khi trẻ cầm bút chì, bút màu trên tay, tờ giấy trắng trước mắt như mở ra trong đầu chúng một thế giới bao la, những hình ảnh hiện ra theo từng nét bút là những trải nghiệm lí thú mà người lớn chúng ta không thể hình dung ra hết được. Thế giới bao la mà trẻ tưởng tượng đương nhiên sẽ không gói gọn trong một khổ giấy hẹp. Nếu có thể tôi chỉ muốn khổ giấy đủ rộng để các em vừa ngồi hẳn trên đó vừa thỏa thuê tung hoành sự sáng tạo của mình. Không thể kì vọng những mầm non này có đủ sức sáng tạo, đủ sức mạnh để gánh vác tương lai ngày mai, nếu chúng ta gò bó và đóng khuôn chúng trong một khoảng không gian eo hẹp. Đơn giản vì giấy cỡ nào tạo người hao hao cỡ đó.
2.51. Quá nhiều đồ chơi sẽ làm trẻ có tính lơ đãng
Tôi để ý thấy có vẻ như các bà mẹ Nhật rất chiều con và cho chúng quá nhiều đồ chơi. Tại các của hàng bán đồ chơi, khi trẻ nhõng nhẽo đòi thứ này thứ kia ít bà mẹ đủ cứng rắn nói “không” với trẻ, và cuối cùng sự vòi vĩnh của trẻ cũng được mẹ đáp ứng cho dù là miễn cưỡng. Trong khi đó, tại châu Âu hay Mỹ, các bà mẹ Tây hiếm khi nhượng bộ, dù trẻ có khóc, gào thét. Tại các quốc gia này, ngoài những dịp như Giáng sinh hay sinh nhật, hiếm khi lũ trẻ được cha mẹ tặng quà, cũng hiếm khi người ta thấy cha mẹ dẫn các con đến các cửa hàng bán đồ chơi. Họ cho rằng đáp ứng tất cả những vòi vĩnh của trẻ không phải là thể hiện tình yêu thương với chúng, mà ngược lại sẽ gây tác động xấu lên chúng.
Bản thân tôi cũng nhiều lần bị con gái mình quở trách vì chiều cháu, mua nhiều đồ chơi cho cháu. Mua đồ chơi cho cháu để rồi bị mắng, chẳng khác nào tự mua dây buộc mình, nhưng nhìn vào cách làm của người Âu – Mỹ, tôi nhận thấy mình cũng phải suy nghĩ lại. Theo nhiều nhà tâm lí học, cho trẻ quá nhiều đồ chơi sẽ khiến chúng có tính lơ đãng. Trẻ khó tập trung vào một việc nhất định, chóng chán, dễ dàng từ bỏ thứ đang làm để chuyển sang thứ mới. Chỉ với một món đồ chơi, trẻ cũng có thể nghĩ ra vô số trò để chơi đùa, vì thế có khi một miếng gỗ, một chiếc nắp chai nhiều khi làm trẻ thích thú hơn hẳn những đồ chơi đắt tiền bán ngoài cửa hiệu là vì vậy.
Cha mẹ nào cũng muốn con có được đức tính kiên trì và sáng tạo, nếu vậy việc thỏa mãn tất cả mọi đòi hỏi của trẻ, cho trẻ sống trong một căn phòng tràn ngập đồ chơi ắt không phải là cách làm hay. Người Nhật có câu “Uống rượu chứ đừng để rượu uống mình”, ý nói phải làm chủ được mình khi uống rượu. Tôi liên tưởng rằng khi có quá nhiều đồ chơi thì chính xác là trẻ đang bị đồ chơi lợi dụng, hơn là đang chơi với chúng.
2.52. Một căn phòng quá ngăn nắp sẽ cản trở sự phát triển của trẻ
Dạo trước tôi đọc một bài viết của phu nhân nhà văn Sakaguchi Ango, tác giả của cuốn “Luận suy thoái” được nhiều người biết đến. Bà than phiền rằng phòng của chồng mình, nhà văn Ango bừa bãi và luộm thuộm đến nỗi không biết đặt chân vào chỗ nào trong phòng để không đụng vào đồ. Nếu bà tự ý dọn dẹp, sắp xếp lại không biết chừng sẽ bị ông đánh đến thâm tím mặt mày.
Sự thật là không chỉ riêng nhà văn Ango mà phần đông những nhà hoạt động theo thiên hướng nghệ thuật, sử dụng óc sáng tạo khác đều như vậy. Căn phòng của họ bừa bộn đồ đạc, giống như một cửa hàng tạp hóa thu nhỏ vậy. Phải chăng có một sự liên quan giữa sự sáng tạo và sự bừa bộn? Tôi cho rằng có. Chính những vật ở xung quanh lập tức đập vào mắt, lọt vào tai sẽ có khả năng trở thành những nguồn cảm hứng, hay làm lóe lên những sáng kiến độc đáo cho người nghệ sĩ.
Đề cập đến câu chuyện này bởi vì tôi nhận ra rằng, càng những bà mẹ quan tâm đến con cái càng là những người có khuynh hướng nhanh tay dọn dẹp đồ đạc mà con đã bày ra. Phải thừa nhận một điều khi trẻ đến tuổi tập bò, rồi tập đi thì những cử chỉ, điệu bộ của chúng khó lường trước được, đương nhiên sẽ khiến người lớn phải lo lắng. Trẻ có thể tiện tay đập vỡ cái bình hoa đắt tiền, đưa vào miệng nhai đoạn dây điện, lại không biết chừng ngã chỏng gọng trước bậc thềm. Vì thế, người lớn chúng ta bằng cách này cách khác cố gắng giảm tối đa những rủi ro có thể ập đến với trẻ. Đây hẳn cũng là điều hợp lí.
Tuy nhiên, nếu nói vì thế mà chúng ta biến căn phòng trẻ trống rỗng như một cái sân, hoặc chỉ để những dụng cụ thật an toàn, không góc cạnh nhọn, nếu chẳng may trẻ có làm rơi cũng không vỡ thì cần xem xét lại. Ở các phần trước tôi đã kể về nhà giáo dục, bác sĩ Montessori. Theo quan điểm của bà, hành động dùng tay chạm vào đồ vật cũng là một trải nghiệm về xúc giác quý báu đối với trẻ. Việc chúng ta thực sự nên làm là tạo điều kiện tối đa cho trẻ tiếp xúc với tất cả sự phong phú của sự vật, từ gồ ghề, to nhỏ cho đến nặng nhẹ. Để trẻ được khám phá không gian quanh mình, được tìm tòi, phát hiện, cầm nghịch đồ vật, đôi khi làm đổ, đôi khi xé vụn, thậm chí phá hỏng chúng, tất cả những sự tìm kiếm, trải nghiệm ấy giúp ích cho sự phát triển trí sáng tạo, óc khám phá ở trẻ.
Một căn phòng đầy ắp đến mức lộn xộn đồ đạc giúp các nghệ sĩ tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo. Những việc mà người lớn chúng ta nghĩ thật nhàm chán, thật nguy hiểm lại là những liều thuốc kích thích hữu hiệu cho việc phát triển trí tưởng tượng, đồng thời giúp ích trong phát hiển trí tuệ, óc sáng tạo của trẻ.
Đôi lúc trẻ bày biện đồ chơi khắp nhà, vô tình va vào chiếc bình hoa rồi khóc thét lên, nhưng xin khẳng định rằng chính đây mới thực sự là những trải nghiệm vô cùng quý báu cho trẻ để trưởng thành.
2.53. Trẻ không thích người khác thay đổi trật tự mà chúng đã sắp đặt
Như phần trước tôi đã trình bày, một căn phòng quá chỉn chu không hề tốt cho trẻ. Nhưng điều này không đồng nghĩa với khuyến khích các bậc cha mẹ nên để đồ đạc trong nhà lung tung, bừa bãi, làm xong không dọn dẹp. Tôi đã trình bày nhiều lần về khả năng “nhận thức nguyên mảng” cực tốt ở trẻ thơ, chúng có giác quan cảm thụ hình khối, vị trí, màu sắc đặc biệt thính nhạy. Khả năng nhận thức nguyên mảng được bồi đắp nhờ trẻ được tiếp xúc lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một sự vật.
Những điều này đã được kiểm chứng qua những thí nghiệm của bác sĩ Montessori, giáo sư Jean Piaget cũng như nhiều nhà tâm lí học khác. Ví dụ, dẫn một đứa trẻ 5 tháng tuổi đi dạo bằng xe nôi, qua khu vực có một bức tường màu vàng trên đó có lát những viên đá hoa cương trắng. Đứa trẻ khi trông thấy cảnh này tỏ thái độ rất khoái chí, cười rất tươi. Việc này được lặp đi lặp lại hàng ngày, cứ như thế mỗi lần nhìn thấy những viên đá hoa, người ta nhận thấy ánh mắt nó sáng lên vẻ vui sướng. Một thí dụ khác, trên chiếc bàn hàng ngày bỗng dưng bạn đặt thêm một chiếc ô màu lên trên, bạn sẽ thấy được phản ứng cau có khó chịu của trẻ. Mỗi lần tắm cho trẻ bạn bế bằng tay phải, nhưng một hôm bạn thử bế bằng tay trái, trẻ sẽ hờn dỗi và giãy giụa lạ thường. Hay chỉ việc cỏn con là thay đổi vị trí cái đệm của ghế ngồi thôi cũng làm trẻ hờn dỗi khóc thét lên. Tất cả những điều này chứng tỏ, trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường xung quanh.
Trẻ đột nhiên khóc òa khi vừa mới cười hớn hở, trẻ bỗng dưng biếng ăn, sáng còn khỏe mà chiều tự nhiên phát sốt… nguyên nhân chính là trẻ rất mẫn cảm đã cảm nhận được những thay đổi môi trường mà người lớn chúng ta thì không nhận ra. Vì thế việc nói trẻ khóc mà không có lí do chỉ là cảm nhận áp đặt của người lớn, còn với trẻ mọi thứ đều có nguyên cớ.
Sự thay đổi của môi trường nói một cách đơn giản là sự phá vỡ trật tự xung quanh vốn có mà trẻ đã nhận thức được. Cái trật tự vốn dĩ làm trẻ “hài lòng” nay biến thành trật tự “không hài lòng”, dĩ nhiên trẻ phải đưa ra phản ứng.
Qua những việc này chúng ta nhận ra một điều rằng ở trẻ tồn tại một giác quan trật tự, nhạy bén hơn hẳn người lớn. Trẻ không chỉ nhận thức từng sự vật một cách rời rạc, chúng có thể cảm nhận bằng trực quan sự liên quan giữa sự vật này với sự vật kia, khả năng logic này dần dần sẽ giúp ích cho sự phát triển tư duy ở trẻ. Cấu trúc não bộ của trẻ được vun đắp dần dần từ những tác động bên ngoài và từ hành động của người lớn. Vậy một điều cần thiết là chúng ta đừng vô tình giẫm đạp lên trật tự thế giới quan của trẻ.
2.54. Đừng mang cho trẻ xem, hãy đưa trẻ đến nơi để xem
Nhìn vào giường ngủ của đứa trẻ mới sinh, tôi chợt nghĩ tới một chuyện, đó là trẻ thường nhìn cái gì khi được đặt nằm trên giường. Trẻ mới sinh không có đủ khả năng cử động đầu thế nên đơn giản chúng chỉ có thể đưa mắt lên trần nhà, bóng điện hoặc cánh quạt trần. Đôi khi người lớn ngó mặt vào đùa giỡn với trẻ rồi lại đi ra. Tất cả chỉ giới hạn ở mức đó.
Một số bậc cha mẹ tâm lí hơn sẽ mua những con rối đung đưa, những chiếc chuông gió phát ra tiếng nhạc treo lơ lửng trên trần nhà, để làm tăng “độ sống động”. Đây là cách làm rất hay để tăng kích thích cho trẻ, nhưng nếu nghĩ như thế là quá đủ với trẻ thì tôi thực sự băn khoăn.
Sự băn khoăn này được giải đáp khi tôi đọc tài liệu về phương pháp nuôi dạy trẻ của nhà giáo dục hàng đầu, bác sĩ Montessori.
Theo bác sĩ đứa trẻ ở giai đoạn này đang thiếu ấn tượng của cảm giác, để trẻ trong trạng thái tẻ nhạt nhàm chán chắc chắn không thể làm thỏa mãn cơn thiếu thốn ấy. Để phá vỡ sự nhàm chán và cô độc cho trẻ, người lớn thỉnh thoảng sẽ thò mặt quan sát, tạo cảm giác yên tâm cho trẻ. Tuy nhiên những hành động kiểu như vậy không những không làm trẻ yên tâm, mà ngược lại khiến trẻ phải nỗ lực thích ứng với kích thích mạnh, không tự nhiên, có thể gây giật mình sợ hãi. Đặt địa vị vào một đứa trẻ mới sinh, đang khát khao tiếp thu những kích thích mới lạ từ môi trường xung quanh, đương nhiên chúng sẽ đảo mắt nhìn ngắm mọi thứ xuất hiện mà không hề phòng bị. Chúng ta hoàn toàn không nên tấn công vào “điểm yếu” này của trẻ.
Cách tốt nhất là bế trẻ nằm hơi nghiêng, như thế chúng có thể chủ động quan sát diễn biến của sự vật một cách tự nhiên nhất. Thay vì “ép” trẻ xem những đồ vật nhất định, hãy để trẻ chủ động hơn bằng cách đặt trẻ vào vị trí quan sát thuận lợi là bởi thế.
2.55. Đồ chơi hình thức đẹp không hữu ích bằng đồ chơi trẻ thấy thú vị khi sờ vào
Họa sĩ tranh minh họa Manabe Hiroshi, người mang đến những làn gió mới cho bộ môn tranh minh họa Nhật Bản bằng nét vẽ tỉ mỉ, đặc sắc cũng là người có nhiều ý kiến đóng góp rất độc đáo cho giáo dục trẻ tuổi ấu thơ, bản thân ông cũng thử nghiệm những phương pháp đặc biệt đó khi nuôi dạy con cái mình. Với ông con cái chính là của để dành quý giá cho tương lai. Tôi xin kể về quan điểm của ông khi nói đến đồ chơi cho trẻ.
“Tôi không bao giờ mua cho con những món đồ chơi đã được lắp ráp hoàn thiện bán ngoài cửa hiệu mà chỉ mua cho chúng những món đồ mà chúng buộc phải bỏ công sức tỉ mỉ để hoàn thiện. Nhiều lúc gặp những đồ chơi phức tạp, chúng vừa mếu máo vừa lắp ghép. Tuy vậy chúng cũng hiểu rằng chưa lắp ghép thành công là do bản thân chưa cố gắng hết sức nên chẳng mấy khi chúng tìm kiếm sự giúp đỡ của cha mẹ. Không lắp ghép hoàn thiện thì chẳng chơi được, nghĩ vậy chúng sống chết làm cho bằng được mới thôi. Theo tôi đây là một phương pháp giáo dục hết sức thông minh của ông. Cái mà nền giáo dục của chúng ta đang thiếu chính là chưa tạo ra được cho trẻ “niềm hân hoan khi đạt mục tiêu”, những thành quả đạt được sau khi bỏ mồ hôi công sức bao giờ cũng làm con người vui sướng, hân hoan hơn là làm một việc khi đã thấy trước kết quả.
Trên thị trường bày bán vô số những đồ chơi, muôn hình vạn trạng, màu sắc phong phú, có những thứ chỉ cần nhấn nút là có thể bay nhảy, phát ra tiếng nói. Những đồ chơi này đến chính người lớn chúng ta còn bị mê hoặc, huống hồ là trẻ nhỏ. Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua cho con trẻ, lúc đầu chúng sẽ nhảy cẫng lên sung sướng, nhưng sự thật phũ phàng là trẻ rất nhanh chán, sau một thời gian ngắn nhìn chúng chà đạp, hay vứt xó món đồ đắt tiền, cha mẹ nào chẳng xót ruột.
Sự thật “cay đắng” này chắc hẳn cha mẹ nào cũng đã một lần trải qua. Nhưng một thực tế ít người để ý là cho dù một đứa trẻ mới sinh hay một đứa trẻ tuổi mẫu giáo thì đối với chúng những món đồ chơi chỉ để ngắm, chỉ bấm nút cho chạy qua chạy lại chẳng có gì thú vị cả. Chúng không thỏa mãn với những món đồ đã hoàn thiện, chẳng liên quan đến mình. Bạn có thể mua cho chúng một chiếc tàu hỏa điều khiển tự động đắt tiền, nhưng cái mà chúng say mê lại là… tháo tung đường ray và lắp ghép lại theo ý mình.
Tôi đã đề cập đến phương pháp giáo dục Montessori, đã và đang rất được ưa chuộng tại châu Âu. Với quan điểm trẻ con cũng là một nhân tố của xã hội, nên đồ chơi cũng được thiết kế công phu gần gũi với sinh hoạt thường nhật của con người. Những chiếc chén bát đa dạng, trơn bóng có, sù sì thô ráp có, những chiếc bình nhiều kích cỡ tương ứng với nhiều loại nắp khác nhau cho trẻ tỉ mỉ phân loại. Có gia đình ở Bonn còn làm hẳn một bộ đồ chơi để trẻ tự đơm cúc, đơm khuy tạo nên những miếng ghép bằng vải ngộ nghĩnh.
Trong suy nghĩ của người lớn chúng ta tồn tại một định nghĩa cố hữu về đồ chơi cho trẻ rằng đồ chơi phải thế này, thế kia. Nhưng thực tế không phải như vậy, đối với trẻ, càng những đồ vật gần gũi với cuộc sống xung quanh, tạo được “niềm hân hoan khi đạt mục tiêu” càng khiến trẻ say mê, làm thỏa mãn được tính sáng tạo vốn có sẵn trong trẻ.
2.56 Với trẻ sách không hẳn là thứ dể đọc, bộ đồ xếp hình không hẳn là để xếp
Với người lớn, sách là thứ để đọc, để xem, bộ xếp hình bằng gỗ đương nhiên là để xếp nên những tòa nhà, những ngọn tháp. Tuy nhiên, với trẻ vai trò của những thứ này đơn thuần không dùng lại ở đó.
Không chỉ sách và bộ đồ xếp hình, mà tất cả những đồ chơi khác khi làm ra đã mang sẵn một mục đích, một cách chơi nhất định. Người lớn dạy trẻ cách chơi, nhưng nhiều khi trẻ lại chơi bằng cách không giống ai, những lúc này hầu hết các bậc cha mẹ sẽ uốn nắn trẻ chơi cho “đúng cách”. Tuy nhiên mọi người cần hiểu rằng việc trẻ chơi theo cách của riêng mình, miễn là trẻ thấy thích thú thì chơi cách này hay cách kia đều là chơi cả. Sự gò bó cứng nhắc của người lớn sẽ chỉ làm thui chột tính sáng tạo, thậm chí làm trẻ mất hứng chơi mà thôi.
Một quyển sách nhiều khi trở thành đường hầm cho xe ô tô qua lại, trở thành cuốn vở cho trẻ vẽ tranh, thậm chí trở thành đối tượng để trẻ xé gấp con vật. Nếu người lớn quy định cứng nhắc sách chỉ để đọc thì thà ngay từ đầu đừng đưa sách cho trẻ còn tốt hơn, bởi như thế chỉ đem lại hiệu quả tồi tệ cho trẻ mà thôi. Một lúc nào đó khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ nhận ra sách dùng để xem, để đọc là cách chơi thú vị nhất.
Món đồ chơi dù đắt tiền đến mấy nhưng không khơi gợi cho trẻ sự sáng tạo, sự tò mò, cũng chỉ là món đồ không có gì hấp dẫn với trẻ. Chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ khi sinh đứa con đầu lòng đã mua cả núi đồ chơi cho con, nhưng đến đứa thứ hai, số lượng đồ chơi giảm đi đáng kể. Bởi cha mẹ nhận ra rằng mua đồ chơi cho trẻ theo suy nghĩ của người lớn không hấp dẫn trẻ như họ tưởng tượng.
Trong tâm hồn trẻ thơ, những thứ nhìn thấy, những thứ chạm vào, tất cả đều là đồ chơi. Chẳng cần thiết phải cho trẻ chơi với những đồ đắt tiền được bán sẵn, hay phải chơi đúng với mục đích vốn dĩ của nó.
2.57 Đất nặn, gấp hình và cắt giấy, những trò chơi mộc mạc mà nuôi dưỡng tính sáng tạo cho trẻ
Tôi đã đề cập đến tiêu chí của đồ chơi cho trẻ là nên tránh những thứ đã hoàn thiện sẵn có trên thị trường, những đồ chơi không chỉ đẹp về hình thức, mà phải bao gồm những thứ kích thích xúc giác, sờ vào thấy thích thú. Để đáp ứng được tiêu chí này, những đồ chơi như thế nào là thích hợp hơn cả?
Tôi đã quan sát xung quanh và nhận ra rằng những đồ chơi mới nhất đang bày bán trên thị trường thua xa những đồ chơi đơn giản mộc mạc truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Một trong số đó chính là đất nặn, gấp hình (Origami) và cắt giấy (Kirigami). Các đồ chơi này mang một đặc điểm chung, nếu để nguyên như vậy đơn thuần chúng chẳng có hình thù đặc sắc gì, chỉ là một mớ nguyên liệu. Chính sự công phu và sáng tạo của trẻ sẽ tạo nên những hình thù độc đáo và ngộ nghĩnh. Vì thế, những trò chơi tưởng chừng mộc mạc này mới là công cụ kích thích sự phát triển tư duy tột bậc của trẻ, khi mà bộ não của chúng đang trong quá trình được hoàn thiện từng ngày.
Giả sử ta đưa cho một đứa trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 1 tuổi một ít đất nặn và giấy gấp hình, đương nhiên, trẻ không thể gấp hay nặn ra một hình thù có nghĩa nào cả, chỉ đơn thuần cầm nắm, cấu xé. Những cử chỉ không có bất kì một ý đồ nào này tưởng chừng vô ích, nhưng không phải như vậy. Bạn thử nghĩ mà xem cục đất nặn, mảnh giấy gấp sau một hồi bị trẻ nghịch ngợm, đương nhiên sẽ biến dạng. Hình thù hoàn toàn khác với trạng thái ban đầu này hiện ra trước mắt trẻ, đây hẳn là một sự khám phá mới mẻ, một trải nghiệm quý báu với trẻ.
Bằng thú chơi này, trẻ sẽ biết “nhớ” dần những cảm nhận xúc giác, niềm thích thú khi động chạm vào cục đất, mảnh giấy như thế nào, để rồi lặp đi lặp lại thao tác đó nhiều lần. Trẻ sẽ học được một cách trực quan mối quan hệ tương quan giữa việc dùng tay chạm vào vật và vật đó biến dạng.
Dần dần trẻ sẽ nhận thức ra rằng chỉ bóp qua bóp lại cục đất sét, vò nhàu hay xé vụn tờ giấy gấp không còn thú vị nữa, trẻ sẽ bắt đầu biết trải rộng cục đất ra, và “Đây là cái đĩa”, gấp hai mép tờ giấy lại “Đây là con thuyền”, cứ như thế trẻ sáng tạo thêm nhiều hình thù khó hơn. Chính những cách chơi này là những hạt giống giúp trẻ phát triển khả năng đa dạng của bản thân, đáp ứng với những nhu cầu ngày càng cao ứng với mỗi giai đoạn phát triển. Tất cả đều bắt đầu từ những việc tưởng chừng đơn giản nhất.
Một đứa trẻ được làm quen với đất nặn từ sớm và một đứa trẻ không như vậy, giữa hai đứa trẻ này khi lớn lên sẽ khác nhau hoàn toàn về khả năng tạo hình khối. Vấn đề không nằm ở chỗ quen hay không quen, thích hay không thích, mà chính trò chơi nặn đất và gấp hình đã hình thành sự khác nhau về cấu trúc trong não, về óc sáng tạo của hai đứa trẻ. Trò chơi này còn đi liền với rèn luyện độ khéo léo của đôi bàn tay cũng như năng lực mô phỏng sự vật của trẻ.
2.58. “Diễn kịch” thúc đẩy tính sáng tạo ở trẻ
Qua các phần trên tôi đã trình bày suy nghĩ của mình về cách cho trẻ chơi cũng như cách mua đồ chơi cho trẻ. Chơi đàn hay học tiếng Anh ngoài mục đích vốn dĩ là mong trẻ biết gảy đàn, biết nói ngoại ngữ thành thạo thì mục đích quan trọng hơn cả chính là thông qua những việc này giúp trẻ phát triển tối đa khả năng của bản thân. Với ý nghĩa đó thì chơi cũng giống như học, cũng giống như luyện tập đánh đàn.
Vợ chồng Illingworth, tác giả cuốn “Phát hiện tài năng – Thời thơ ấu của các nhân vật kiệt xuất”19 trong lời kết của cuốn sách đã viết: “Dù có trở thành vĩ đại hay không, một đứa trẻ sinh ra không kể giai cấp xã hội, huyết thống, màu da đều là những sinh linh giá trị, có quyền được yêu thương, khích lệ và giúp đỡ để phát huy tất cả những gì tốt đẹp nhất của bản thân”. Người lớn chúng ta có nghĩa vụ phải yêu thương, khích lệ và nâng đỡ những sinh linh ấy. Đồng thời đòi hỏi phải kiên nhẫn theo dõi, chờ đợi thành quả tương lai.
Nhà sáng tác truyện đồng thoại Maki Goro đã đề xướng rằng để trẻ phát huy tối đa sức sáng tạo của bản thân hãy cho trẻ “diễn kịch”. Ông nói thêm: “Kịch thấm sâu vào trẻ một cách từ từ, từng chút một nên người mẹ không dễ dàng nhận ra hiệu quả của nó trước mắt được. Nhưng thực tế có rất nhiều bà mẹ vội vàng không đủ kiên trì để cho con “chơi với kịch”.
Phải thừa nhận rằng kịch không mang lại thành quả tức thời. Những đứa trẻ chơi diễn kịch khi vào tiểu học, năm đầu và năm thứ hai không trội hơn, thậm trí kém hơn so với bạn cùng lứa, tuy nhiên đến năm thứ ba, tốc độ tư duy tăng đột biến, chúng sẽ bỏ xa bạn bè. Tôi xin được giới thiệu khái lược về “diễn kịch” để mọi người hiểu.
Nói đến chơi diễn kịch tôi phải nhấn mạnh rằng, diễn kịch không đơn thuần là “đóng giả” hay bắt chước thuần túy. Diễn kịch là một loại hình hoạt động sáng tạo, trẻ diễn tả những suy nghĩ, cảm nhận của mình không phải bằng một nhạc cụ, hay một cây bút chì màu, mà bằng chính củ chỉ điệu bộ của cơ thể. Nó cũng không phải đơn thuần chỉ là buổi biểu diễn đọc thuộc lòng một câu chuyện.
Một trong những hiệu quả thấy rõ của những đứa trẻ đã từng chơi đóng kịch là lớn lên thường rất tự tin khi đúng trước đám đông nói lên ý kiến hay hùng biện. Tuy nhiên hiệu quả của kịch không chỉ dừng lại ở đó, quan trọng hơn cả chính là sự khát khao và sáng tạo đang nảy mầm trong trẻ đã được thể hiện thành một hình dáng rõ nét, hơn nữa lại được kết hợp hài hòa cùng chúng bạn. Ý nghĩa nguyên gốc của việc chơi chính là tự do thể hiện bản thân, và chơi diễn kịch đã thỏa mãn được tiêu chí đó.
2.59. Những đứa trẻ cơ thể càng hay vận động thì trí tuệ phát triển càng nhanh
Khi từ nước ngoài trở về, tôi thấy hơi thất vọng vì cách đi bộ của người Nhật. Thầy Akuzu Kunio, giảng viên trường Đại học sư phạm Tokyo (nay là trường Đại học Tsukuba) đồng thời nghiên cứu tại “Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ tuổi ấu thơ, đã lí giải cách đi yếu ớt của đa số người Nhật là do họ không được dạy những động tác cơ bản như đi, đứng đúng cách, ở giai đoạn mà “vi mạch” hệ thần kinh được hình thành, chính là giai đoạn bú sữa mẹ.
Đứa trẻ sinh ra nhanh thì khoảng 8 tháng là bắt đầu chập chững tập đi. Ở giai đoạn này nếu không được dạy các thao tác đi, đứng cơ bản một cách chính xác, thì suốt đời đứa trẻ đó không thể sửa được. Bởi hoạt động “đi, đứng” cũng hoàn toàn giống như việc tiếp thu ngôn ngữ, âm nhạc.
Bắt đầu từ mục này và những mục tiếp theo, tôi muốn đề cập đến vấn đề phát triển thể chất cho trẻ. Tôi muốn nhấn mạnh để các bậc cha mẹ nhớ rằng, ở giai đoạn thơ ấu không dạy trẻ những động tác cơ bản nhất thì sau này sẽ là quá muộn. Đồng thời người đời có câu “Trí tuệ thông minh ẩn trên một cơ thể khỏe mạnh” để nhấn mạnh rằng hãy thông qua giáo dục thể chất cho con trẻ, để gây kích thích lên sự phát triển tư duy một cách hiệu quả nhất.
Giai đoạn bú sữa mẹ, trí tuệ của trẻ không phát triển độc lập với phát triển thể chất, mà liên quan mật thiết với nhấn mạnh trẻ tập bơi trong giai đoạn 0 tuổi không chỉ thúc đẩy phát triển cơ bắp, mà còn làm thần kinh phản xạ thính nhạy hơn. Thầy Akuzu cũng khẳng định vận động thể chất ở trẻ không chỉ nâng cao hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong cơ thể mà còn giúp cơ thể phản ứng tốt hơn với những tác động có hại từ môi trường.
Sự thật là chỉ cần sữa mẹ và sự trông nom tối thiểu thì một đứa trẻ cũng lớn lên được. Tuy nhiên nếu chỉ có thế trẻ không thể phát triển được những năng lực vô tận tiềm ẩn trong cơ thể. Vận động cơ thể không những phát triển xương, cơ bắp mà còn giúp phát triển trí não, các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Vậy nên người ta vẫn nói đứa trẻ thông minh thường sớm biết đi, phải chăng chính bởi vì cơ thể chúng được vận động nhiều nên dẫn đến trí não cũng phát triển hơn.
2.60. Hãy luyện cho trẻ cả tay phải lẫn tay trái
Hãy thử quan sát xem quanh bạn có bao nhiêu người thuận tay trái. Tôi đoán chắc cũng chỉ có một đến hai người. Những người thuận cả hai tay chắc chắn còn hiếm hơn nữa. Tôi không dám chác Adam và Eva, người nam và người nữ đầu tiên do chúa trời tạo ra ngày xưa có thuận tay phải hay không, nhưng không biết từ bao giờ trong nhận thức của nhân loại, thuận tay phải mới là phổ biến. Những dụng cụ thể thao hay đồ dùng hàng ngày phần lớn thiết kế để phục vụ người thuận tay phải. Vì thế, đương nhiên cha mẹ sẽ uốn nắn con sử dụng tay phải.
Người ta đã thống kê tỉ lệ người Mỹ thuận tay trái nhiều hơn hẳn người Nhật. Xét một cách toàn diện người thuận tay phải chiếm đa phần. Vậy có căn cứ nào chứng minh con người nên thuận tay phải? Cũng có giả thuyết cho rằng dùng tay trái tạo gánh nặng cho tim. Nhưng tôi chưa thấy thống kê khoa học nào nói người thuận tay trái dễ mắc các bệnh về tim mạch. Không những thế những người thuận tay trái thường luyện tập thêm tay phải, khi thuận cả hai tay họ gặp nhiều thuận tiện, chẳng hạn khi phải viết một tài liệu dài.
Tôi nhận thấy nhiều ích lợi nếu thuận cả hai tay, và bắt đầu luyện thử, nhưng đến lứa tuổi này chuyện đó là không thể. Viết tay trái chữ nguệch ngoạc như giun, ném quả bóng chày thì không bao giờ bay theo ý muốn.
Nghĩ cho cùng, tay trái hay tay phải đều là hai bộ phận trên cơ thể chúng ta, không có chuyện cái mọc trước cái mọc sau nên đương nhiên chúng trải qua những năm tháng giống hệt nhau, cấu tạo cũng giống nhau, vì vậy cái khác duy nhất có thể nghĩ đến là mức độ tập luyện khi chúng ta còn bé mà thôi. Những người thuận tay trái, cảm giác cũng như cử động tay phải của họ cũng gượng gạo giống như tay trái của chúng ta. Điều này chứng tỏ nếu không luyện tập thì đến cầm đũa cũng là một bài toán khó đối với tay phải của chúng ta.
Thầy Suzuki Shinichi nói vui rằng khỉ thuận cả hai tay. Bộ não của khỉ thua xa con người là điều không phải bàn cãi, nhưng đôi tay chúng có thể linh hoạt leo trèo hay cầm thức ăn. Hóa ra bàn tay trái của đa số nhân loại thua loài khỉ. Một số trường hợp cá biệt, người mẹ thường dùng tay phải để làm việc khác, bế con bằng tay trái cho bú, khi đó tay phải của đứa trẻ bị ép vào bụng mẹ, chỉ tay trái được tự do quờ quạng bầu sữa mẹ. Lớn lên chút nữa theo thói quen trẻ cầm bút viết bằng tay trái, cầm nắm đồ vật chủ yếu bằng tay trái, dần dần tay trái thuận hơn tay phải lúc nào mà người mẹ không hay.
Từ đó có thể khẳng định con người nếu được luyện ngay từ bé thì khả năng thuận cả hai tay là việc hết sức bình thường. Tôi đã từng nói luyện tập các ngón tay sẽ mang lại lợi ích to lớn cho phát triển trí tuệ. Từ ý nghĩa đó nếu suy rộng ra thì việc không sử dụng tay trái là một sự lãng phí lớn của con người chúng ta.
2.61. Càng cho trẻ đi bộ nhiều càng có lợi
Gần đây cũng một phần do tai nạn giao thông xảy ra nhiều nên ta ít thấy bóng dáng trẻ con chạy nhảy trên các khu phố. Họa hoằn ta thấy chúng trên đường thì cảm giác chúng đang được mẹ kéo đi hơn là đang tự đi. Trước khi bao biện do thời đại bận rộn khó có thời gian cho trẻ tập đi nhiều được, tôi muốn trình bày để mọi người hiểu việc “đi” với trẻ có ý nghĩa lớn lao như thế nào.
“Đi” là động tác vận động điển hình, sử dụng khoảng 400 trong tổng số 639 cơ bắp trong cơ thể. Đồng thời vận động này hoàn toàn khác với lao động”, nó không hề gò bó mà nhịp nhàng, thực hiện – nghỉ – thực hiện – nghỉ. Theo thầy giáo Akuzu, cách đi đúng chính là bên cơ này thực hiện, còn bên cơ kia nghỉ và ngược lại, cứ như thế vận động giữa các cơ được đồng điệu hóa, hợp lí về thời gian và không gian, chính điều này làm hoạt động của não trở nên nhịp nhàng uyển chuyển.
Chúng ta thường nghe nói một nhà văn khi làm việc mệt sẽ đi dạo một vòng, bỗng nhiên những ý tưởng sáng tác hiện lên trong đầu. Không còn nghi ngờ gì nữa động tác “đi” mang lại một hiệu quả to lớn.
“Đi” là một hoạt động đã trở thành lẽ dĩ nhiên, rất đỗi bình thường trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Tuy nhiên tôi muốn nhắc lại chuyện hai cô gái người sói Amala và Kamala đã kể ở chương đầu để thấy rằng “đi bằng hai chân” không phải đương nhiên sinh ra mà có, nói cách khác, nó không phải khả năng bẩm sinh của con người, mà phải trải qua một quá trình tập luyện. Giả sử mọi người xung quanh đều đi bằng bốn chân thì một đứa trẻ mãi mãi chỉ dừng lại ở mức biết bò mà thôi. Qua đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc dạy trẻ biết đi đúng cách là như thế nào.
Có một giả thuyết rằng những người đi mà có cảm giác như đang lê chân một cách nặng nề là những người ở giai đoạn tập đi, phải mang một đôi giày quá rộng so với bàn chân mình. Khi nào cũng phải ý thức để giày không tuột khỏi chân khiến bước đi không được uyển chuyển nhịp nhàng như mong muốn. Không biết giả thuyết này chính xác đến mức độ nào, nhưng với bản thân tôi đây là một giả thuyết có lí.
2.62. Thần kinh vận động phát triển phụ thuộc vào cách rèn luyện
Tôi muốn kể câu chuyện về Ikeda Keiko, nữ vận động viên thể dục dụng cụ đã giành được huy chương đồng Olympic Tokyo 1964, sau khi kết thúc sự nghiệp vận động viên bà trở thành huấn luyện viên dìu dắt những thế hệ trẻ. Có một bài phóng sự kể về bà được đăng trên tạp chí “Phát triển nhi đồng” như sau: Vốn đều là vận động viên thể dục dụng cụ nên sau khi sinh người con đầu lòng, hai vợ chồng bà đã cho con làm quen với những bài thể dục dành riêng cho trẻ mới sinh, và những bài tập nhào lộn từ lúc chưa đầy tuổi. Khi bước vào lớp một, đứa bé đã khiến thầy cô và các bạn đồng trang lứa kinh ngạc khi thực hiện những bài nhào lộn qua bàn ghế
Hai vợ chồng bà tâm đắc, tự hào về con đầu lòng và cho rằng tất cả là do gene di truyền. Ít lâu sau họ sinh người con thứ hai, lần này họ không có thời gian để cho con tập những bài thể dục hay luyện tập như người con đầu. Khi lớn lên, người con này không thể nhào lộn, trồng cây chuối hay bất cứ bài tập khó nào. Lúc này Ikeda mới vỡ lẽ, năng lực vận động của con không phải do di truyền như bà vốn lầm tưởng.
Phải thừa nhận vóc dáng cơ thể, những kĩ năng vận động đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay dễ chịu ảnh hưởng của gene di truyền hơn. Tuy nhiên sử dụng và phát triển những kĩ năng ấy như thế nào hoàn toàn do luyện tập mà thành. Một người thừa hưởng thân hình lí tưởng từ di truyền, thích hợp cho bơi lội hay chạy việt dã, nhưng nếu không có sự tập luyện thì tất cả những thế mạnh ấy chỉ giậm chân tại chỗ ở mức tiềm năng. Ngược lại một đứa trẻ không được thừa hưởng những yếu tố thể chất lí tưởng để trở thành vận động viên thể thao, nhưng nếu được tập luyện đúng cách ngay từ nhỏ, tôi dám chắc đứa trẻ ấy sẽ có năng lực hơn người.
Tôi nhắc lại câu chuyện về “Hai anh em thiên tài thông thạo 5 ngoại ngữ”, hai người có vóc dáng tương đối khiêm tốn, nhưng ngay từ nhỏ đã chăm chỉ tập chạy bộ và chống đẩy, khi lớn lên họ có thần kinh vận động hơn hẳn người bình thường. Đặc biệt người em gái đã được người cha huấn luyện đặc biệt từ khi mới 11 tháng tuổi, người anh trai thì muộn hơn, mãi đến khi 2,5 tuổi mới được cha cho tập luyện. Cũng vì điều này ở các cuộc thi chạy việt dã, người anh tuy nhanh nhưng không hẳn lúc nào cũng về đích đầu tiên, còn cô em gái vừa chạy vừa vẫy tay chào khán giả cũng dư sức đạt vị trí số một. Cùng là anh em nhưng có thể nói, năng lực vận động của họ được quyết định chính bởi thời điểm bắt đầu được huấn luyện.
Tôi xin được kết luận rằng khả năng vận động của một con người chịu ảnh hưởng rõ rệt từ môi trường và sự khổ luyện hơn là di truyền. Người ta vẫn nói anh này có thần kinh vận động siêu việt, anh kia thì không, nhưng nói một cách chính xác phải là anh này sống trong môi trường kích thích vận động, còn anh kia thì không.
2.63. Thể thao càng bắt đầu sớm càng tiến bộ nhanh
Tôi đã đề cập đến việc trẻ con mới vài tháng tuổi cũng có thể biết bơi, trẻ chập chững biết đi cũng có thể biết trượt patin nếu cho tập. Nhưng lạ thay những người trưởng thành nếu không biết bơi, hay không biết trượt patin thì dẫu có luyện tập chăm chỉ cũng chưa chắc thành công. Nhiều trường hợp luyện mãi không thấy tiến bộ, cuối cùng đành bỏ cuộc.
Lí do của hiện tượng này tôi đã trình bày ở các phần trước, thần kinh vận động dễ phát triển hơn khi não bộ vẫn còn nhiều “khoảng trống”. Bản thân tôi từng bắt đầu tập chơi golf khi đã ngoài 30 tuổi, bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức luyện tập nhưng không tiến bộ được bao nhiêu. Tôi cứ thấy tiếc, giá như mình bắt đầu chơi từ sớm hơn thì có lẽ không phải khổ công như thế này.
Tôi có một anh bạn người Mỹ tên là Steiner. Steiner đặc biệt thích chơi golf, anh còn dạy hai người con chơi ngay từ khi chúng còn nhỏ. Con trai lớn bắt đầu tập từ năm lên 9 còn con trai út thì từ năm lên 7. 8 năm sau điểm chấp (handicap) của cậu anh là 9, trong khi của cậu em là 7, điều này cho thấy cậu em chơi khá hơn cậu anh rất nhiều. Tôi xin nói thêm là không hẳn cậu em có thần kinh vận động tốt hơn. Ngược lại, cậu anh có vóc dáng thể thao hơn hẳn em, xét tổng thể về mặt thể thao, cậu anh còn có phần trội hơn.
Steiner lấy làm lạ tại sao riêng môn golf đứa con trai nhỏ lại trội hơn hẳn anh mình như vậy. Sterner quan sát theo dõi rất kĩ hai đứa con để tìm câu trả lời, nhưng không tìm ra. Điểm khác nhau duy nhất có lẽ chỉ là một đứa được luyện tập lúc 7 tuổi, còn một đứa 9 tuổi. Có thể rút ra kết luận rằng không chỉ riêng golf, mà mọi môn thể thao khác cũng vậy, càng bắt đầu sớm bao nhiêu thì khả năng tiến bộ sẽ nhanh bấy nhiêu.
2.64. Với trẻ không tồn tại ranh giới giữa “chơi” và “công việc”
Ở phần này tôi muốn nói “Đừng ngại sai trẻ làm thật nhiều công việc”, nhưng với một điều kiện cha mẹ không kì vọng vào thành quả hay mức độ hoàn thành của trẻ. Lí do rất đơn giản là với trẻ nhỏ chúng không phân biệt cái nào là “chơi”, cái nào là “công việc”. Hay nói một cách khác, với trẻ mọi việc đều là chơi, và ngược lại chơi cũng là một công việc.
Đối với trẻ nhỏ mọi việc đều không cần có mục đích rõ ràng, cứ làm là làm mà thôi. Đương nhiên người lớn chúng ta thì khác, làm bất cứ điều gì đều có mục đích rõ ràng, đòi hỏi đạt đến một kết quả nhất định. Vì thế nó trở thành điểm khác nhau khi người lớn sai trẻ làm một việc gì đó với khi cho trẻ chơi. Có nghĩa là khi giao cho trẻ công việc dù là nhỏ nhất, chúng ta cũng phải dạy trẻ thật tỉ mỉ các trình tự thao tác, cách đưa ngón tay, tư thế của cơ thể.
Đương nhiên ngay cả khi chơi cũng đòi hỏi phải có những kĩ năng như sự chú ý đến xung quanh hay năng lực tập trung. Làm thế những trải nghiệm đơn giản này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hình thành thần kinh vận động và phát triển tư duy ở trẻ mà tôi đã từng nói ở phần trước.
Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Tokyo danh tiếng, giáo sư Kaya Seiji, cũng kể rằng hồi nhỏ ông thường hay giúp cha mẹ nhổ cỏ ngoài vườn, và đây là những trải nghiệm vô cùng quý báu cho bản thân ông. Đành rằng những việc như chơi đàn violin, nói tiếng Anh không phải cha mẹ nào cũng đủ tường tận để chỉ dạy con trẻ, nhưng bên cạnh đó những việc rất gần gũi với cuộc sống thường nhật như nhổ cỏ, tưới cây thì nhiều vô kể, đó là những công cụ để cha mẹ dạy con cách vừa làm vừa học.
Để trẻ tự do vui chơi, chạy nhảy chẳng cần bỏ công hướng dẫn sẽ nhàn cho cha mẹ bao nhiêu. Có sai trẻ làm những việc vặt trong nhà thì cuối cùng chẳng ra đâu vào đâu, cũng phải mất thời gian làm lại. Với suy nghĩ như thế, nhiều bậc cha mẹ sẽ viện cớ “Nó còn nhỏ sai nó làm việc tội nghiệp lắm” để thoái thác giao việc cho trẻ. Nhưng với trẻ đó là một lãng phí lớn, với trẻ làm việc cũng là chơi, làm và chơi đều mang lại hiệu quả như dang học vậy.
2.65. Dạy trẻ sớm không phải với mục đích chuẩn bị cho trẻ vào lớp một
Một tờ tạp chí sau khi đăng tải bài viết của tôi về phương pháp nuôi dạy trẻ, đã nhận rất nhiều phản hồi từ độc giả. Phần đông từ các bà mẹ kể họ đã áp dụng thế này thế kia với con cái, hoặc muốn hỏi xem cách làm như thế này đúng hay sai, và cũng có những ý kiến nghi ngờ hay phản biện rất kịch liệt. Dù tán thành hay phản biện, tất cả cho thấy một điều các bậc cha mẹ rất chú trọng đến việc làm sao để nuôi dạy con mình tốt nhất. Nhưng có một điều tôi cảm thấy hơi đáng tiếc là hầu hết các bậc cha mẹ đều có suy nghĩ, giáo dục sớm ở trẻ là để biến con thành thiên tài, để con đạt được thành tích xuất sắc khi đến trường.
Có bà mẹ không tin trẻ nhỏ tiềm ẩn những năng lực vô hạn, mà cho rằng phương pháp giáo dục tối ưu nhất là làm sao giúp trẻ phát triển thể chất để có thể sống còn trong mọi tình huống xấu nhất. Người mẹ này còn đưa ra ý kiến: “Phương pháp giáo dục ở trường học hiện nay đang tồn đọng nhiều vấn đề, nhiều điều còn bất cập, những đứa trẻ được phát triển năng lực nhờ giáo dục sớm khi đến trường có tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực ấy hay không còn là một nghi vấn. Tốn công sức giáo dục trẻ sớm để rồi chứng bị gò bó bởi môi trường giáo dục nhà trường, cuối cùng cũng dừng lại ở mức độ học sinh ưu tú, điều này thật lãng phí, giáo dục sớm đương nhiên trở thành cách làm đầu voi đuôi chuột”.
Công bằng mà nói phương pháp giáo dục của nhà trường hiện nay còn nhiều điều chưa hoàn thiện. Bản thân tôi cũng là một trong những người không đồng tình với giáo dục hiện nay. Trẻ con tròn 6 tuổi thì vào tiểu học, cứ theo đà ấy lên trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi đại học. Lộ trình này là một thiệt thòi lớn cho những người có tài năng, đồng thời là gánh nặng cho những người có năng lực yếu hơn. Phương pháp giáo dục máy móc này liệu có đào tạo nên những thế hệ đủ năng lực gánh vác trọng trách xã hội to lớn trong thể kỉ XXI hay không? Tôi tin rằng không.
Tuy nhiên, tôi cho rằng chính vì nền giáo dục còn nhiều yếu kém như hiện nay, vai trò của giáo dục sớm ở trẻ thơ càng phải được coi trọng. Trẻ được áp dụng phương pháp giáo dục sớm chắc chắn sẽ đạt thành tích cao trong học tập. Trong môi trường giáo dục nhồi nhét, bệnh thành tích như hiện tại, tôi tin chúng cũng vẫn phát triển từng bước vững chắc. Một cái cây khi đã có một cái gốc vững chắc, khỏe mạnh thì đối mặt với mọi bão tố phong ba vẫn có thể đứng vững, không dễ dàng sụp đổ.
Mặt khác, chế độ giáo dục nhà trường hiện nay tôi đảm bảo không thể tiếp tục tồn tại trong năm hoặc mười năm tới. Chế độ giáo dục đào tạo nên những nhân tài điểm số phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Cách suy nghĩ của người mẹ về giáo dục sớm cho trẻ sẽ chi phối và quyết định vận mệnh của đất nước trong 20, 30 năm tới. Chính vĩ lẽ đó vai trò của người mẹ đối với tương lai của các con nói riêng và của đất nước nói chung là vô cùng to lớn.
2.66. Dẫu không có thời gian hay tiền bạc vẫn có thể giáo dục con trẻ
Trong các phần nhỏ tôi đã đưa ra các dẫn chứng như tiếng Anh, âm nhạc, toán học để chứng minh năng lực tiềm ẩn trong trẻ là không có giới hạn, nếu không giáo dục để phát triển những năng lực ấy thì e rằng sau này sẽ trở nên quá muộn.
Chắc hẳn sẽ có ý kiến phản hồi rằng: “Tôi rất hiểu những gì mà ông nói. Tuy nhiên với hoàn cảnh gia đình, tôi không có đủ thời gian cũng như tiền bạc để nuôi dạy con đúng cách này được. Kết cục giáo dục sớm cho trẻ chỉ thích hợp với số ít những gia đình khá giả mà thôi”. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng nuôi dạy con trẻ không giống như đi du lịch hay tham gia những trò giải trí. Nuôi dạy con trẻ không đơn giản đến mức chỉ cần có tiền bạc và thời gian thì ai cũng làm được.
Thực ra thì cũng có không ít người cha người mẹ cho con học đàn, học tiếng Anh từ nhỏ không hẳn vì tương lai con cái mà đơn thuần chỉ để khoe với thiên hạ nhà tôi có điều kiện. Nhưng đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội, hầu hết những cha mẹ tâm huyết với việc giáo dục con cái sẽ sẵn sàng tìm mọi cách kiếm tiền và thời gian dành cho con.
Mặt khác, những phương pháp tốn kém tiền bạc như cho con học đàn, học tiếng Anh không phải là cách duy nhất để giúp con phát triển hết khả năng. Học đàn, học tiếng Anh chỉ là một trong muôn vàn phương pháp dẫn đến cái đích cuối cùng vì sự phát triển của con trẻ mà thôi. Một người cha, một người mẹ nếu thật sự toàn tâm toàn ý vì con thì chắc chắn sẽ nghĩ ra những phương pháp còn hay hơn học đàn, học tiếng Anh rất nhiều. Đây cũng là tâm niệm mà tôi muốn gửi gắm đến độc giả.
Giả sử như tài năng của con trẻ được quyết định bởi thời gian và tiền bạc, vậy tại sao trên thế giới này vẫn có con nhà giàu học dốt, con nhà nghèo học giỏi? Giáo dục con trẻ không phải làm được vì có thời gian và tiền bạc, mà cần tình yêu thương và nỗ lực vô hạn của người cha, người mẹ. Ngoài hai thứ đó không cách nào làm nảy nở những mầm tài năng tiềm ẩn trong trẻ được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.