Sức Mạnh Của Ngôn Ngữ Không Lời
Chương 3: Đôi Mắt Biết Nói
ĐÔI MẮT ĐƯỢC VÍ NHƯ CỬA SỔ TÂM HỒN. Chúng hé lộ cho ta nhiều điều và là thứ ngôn ngữ chính xác vì truyền tải được những diễn biến nội tâm con người. Nếu để ý bạn sẽ thấy đôi mắt làm nhiệm vụ truyền và nhận thông tin nhiều hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Phản đối, chấp nhận; giận dữ, yêu thương; cởi mở, e dè; nghi ngờ, bối rối, chán nản… tất cả đều có thể nhận thấy qua ánh mắt. Ở chương này, bạn sẽ được biết tại sao giao tiếp bằng mắt lại là một trong những kỹ năng quan trọng trong công việc. Tại sao kích thước đồng tử lại cho biết đối phương có thích bạn hay không? Rồi, làm sao nắm bắt được suy nghĩ của đối phương thông qua chuyển động mắt của họ? Làm thế nào để phân biệt cái nhìn mang tính chất công việc với cái nhìn mang tính giao tiếp xã hội, và tại sao mọi người thường nhắm mắt khi nghe tin xấu?
Daniel đáp ứng đủ các điều kiện tuyển dụng cho công việc mà anh nộp đơn (thậm chí còn vượt tiêu chuẩn đưa ra), thế nhưng anh lại bị loại. Điều đó khiến Daniel thực sự sốc. Khi gọi cho nhà tuyển dụng, anh nhận được câu trả lời rằng: “Về chuyên môn anh rất giỏi, nhưng anh thiếu một ‘ánh mắt biết nói’”.
Thường thì chúng ta sẽ liên kết các chuyển động mắt của một người với động cơ bên trong của người đó, dù đó là ánh mắt gian xảo hay ánh mắt ngây thơ, trong sáng. Đó là lý do khiến chúng ta hay nghe và dùng những câu như:
“Mắt hắn long lên sòng sọc”.
“Cô ấy nhìn anh ta như muốn ăn tươi nuốt sống”.
“Nếu ánh mắt có thể giết người…” “Tôi tròn mắt kinh ngạc khi bước vào…”
“Trong mắt anh ấy lóe lên tia hy vọng”.
“Bà ấy trừng mắt nhìn người phụ nữ kia”.
“Hắn nhìn chúng tôi vẻ coi thường”.
Sức mạnh của giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt có một sức mạnh to lớn bởi nó thuộc về phần bản năng và gắn liền với sự tồn tại của con người từ rất sớm. Thực tế cho thấy, đứa trẻ nào có khả năng thu hút và duy trì giao tiếp bằng mắt sẽ được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn. Người lớn chúng ta cũng đặt lòng tin vào những tín hiệu mà ta gửi đi và tiếp nhận từ ánh mắt người khác. Khi một người không dám nhìn thẳng vào mắt bạn, có lẽ là do họ sợ bạn đọc được ý nghĩ nào đó trong mắt họ.
Giao tiếp bằng mắt đạt hiệu quả cao nhất khi cả hai bên đều nhận ra những cảm xúc thực sự của nhau (điều này có thể có sự khác biệt giữa người hướng nội/hướng ngoại, phụ nữ/đàn ông, hoặc giữa các nền văn hóa với nhau). Khi giao tiếp bằng mắt đủ lâu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ bốn đến năm giây, người ta sẽ tạo được nhiều thiện cảm hơn ở đối phương. Thường thì khi ai đó nhìn bạn, bạn sẽ có cảm giác rằng người đó có thiện cảm với mình. Và nếu người đó bắt gặp ánh mắt bạn vài ba lần, bạn có thể đoán rằng người đó đang nghĩ bạn thật cuốn hút.
HÃY THỬ
Đây là một bài tập ngắn giúp tăng cường kỹ năng giao tiếp bằng mắt. Để thực hiện bài tập này, bạn hãy để ý màu mắt của những người mà bạn gặp trong ngày. Không nhất thiết phải nhớ màu mắt, chỉ cần bạn để ý là đủ. Với bài tập đơn giản này, bạn sẽ dần phát triển kỹ năng tạo mối quan hệ của mình.
Xao lãng
Xao lãng là một trạng thái có ở bất kỳ ai trong mỗi chúng ta. Chẳng hạn, trong buổi gặp mặt vì công việc, bạn và một người đang nói chuyện say sưa, bỗng nhiên cô ấy không nhìn bạn nữa và bắt đầu đảo mắt nhìn khắp phòng. Nếu rơi vào trường hợp này, có bao giờ bạn tự hỏi vì sao cô ấy làm ngơ bạn? Hay ngược lại, dù biết cách ứng xử của cô ấy không được lịch sự cho lắm nhưng bạn vẫn nhủ rằng không nhất thiết phải nhìn bạn thì mới nghe được những điều bạn nói, và “có ai nghe bằng mắt bao giờ?”.
Trong lúc trò chuyện, giao tiếp bằng mắt được tạo ra bởi một loạt ánh nhìn. Với người nói, nhìn để chắc rằng người nghe hiểu được những gì họ đang nói và đoán định được phản ứng của người nghe. Với người nghe, nhìn để thể hiện sự thích thú với người nói và quan tâm đến vấn đề đang được trình bày. Bên cạnh đó, có thể nói, giao tiếp bằng mắt còn được sử dụng như một tín hiệu đồng bộ. Cuối mỗi bài phát biểu, diễn giả thường hay ngước lên. Điều này như một dấu hiệu giúp người nghe biết rằng diễn giả của họ sắp ngưng nói. Giao tiếp bằng mắt giữa hai bên thường diễn ra khi ngắt lời, khi cười và khi trả lời những câu hỏi ngắn. Trong những buổi nói chuyện sâu sắc và thân mật, mọi người thường nhìn nhau một cách tự nhiên và lâu hơn.
Dấu hiệu chắc chắn cho biết cần kết thúc cuộc trò chuyện đó là khi một trong những người tham gia bắt đầu xoay qua nhìn người khác, nhìn đồng hồ, hoặc lơ đãng nhìn xung quanh.
Ánh mắt né tránh
Trong nhiều trường hợp, việc ít nhìn vào mắt đối phương bị xem là bất lịch sự, thiếu tôn trọng và thậm chí là không chân thành. Báo cáo từ một bệnh viện khi xem xét thư góp ý cho biết có đến 90% lời phàn nàn về việc bác sĩ ít giao tiếp bằng mắt với bệnh nhân. Và điều này, theo họ thì đó là sự thiếu quan tâm và nhiệt tình với người bệnh.
Khi nói dối, người ta thường tránh nhìn vào mắt nhau, trừ khi đó là những người quá tráo trở hoặc quá quen với những tình huống tương tự, cố tình nhìn vào mắt đối phương thật lâu để chứng tỏ rằng những điều mình nói là thật. Ngoài trường hợp đó ra thì khi nói dối người ta thường có khuynh hướng tránh nhìn trực tiếp vào mắt đối phương. Ngược lại, khi nói thật hoặc khi bị ai đó đổ oan, họ sẽ nhìn thẳng vào mắt đối phương để chứng tỏ con người thực của mình.
Ngoài ra, khi nói đến những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề không được đối phương chờ đợi lắm, người ta cũng hạn chế hoặc tránh nhìn vào mắt nhau. Chẳng hạn, các nhân viên phục vụ trong nhà hàng thường tránh nhìn vào mắt khách với thông điệp “Tôi rất bận và không thể phục vụ ngài ngay lúc này được”. Hay, khi bị đưa ra những câu hỏi khó trả lời, các nhân viên thường tránh nhìn cấp trên của mình. (Cách ứng xử thường thấy là họ nhìn xuống và lẩn tránh như thể đang tìm kiếm câu trả lời). Khi người đi bộ hoặc lái xe muốn đi trước, một mẹo nhỏ là tránh nhìn vào mắt nhau để khỏi phải nhường đường.
Ánh mắt thiếu thiện cảm: nhìn trừng trừng
Nhìn trừng trừng là cách nhìn thẳng, liên tục. Cách nhìn này gia tăng mức độ giao tiếp bằng mắt nhưng không gia tăng thiện cảm ở đối phương. Đây là kiểu nhìn bị cho là bất lịch sự, thậm chí có ý đe dọa. Khi người nào đó mang cái nhìn ấy, đồng nghĩa với việc họ tỏ ý thống trị, chiếm ưu thế, coi thường hoặc lăng mạ đối phương. Trong buổi nói chuyện, khi một người tỏ vẻ thách thức với những gì ta nói, họ sẽ nhìn ta lâu hơn, ánh mắt “đanh” lại và đồng tử thu nhỏ.
Ánh mắt đảo liên tục
Ánh mắt này đi liền với tính giả dối, lừa lọc của một con người. Điều này gần như trở thành một định kiến khó xóa bỏ.
Khi thấy người nào đó có ánh mắt này, bạn không nên quy chụp cho họ, mà hãy nhìn nhận động cơ bên trong và những việc họ làm. Ánh mắt đảo liên tục là biểu hiện của sự dâng trào cảm xúc nhưng cảm xúc đó không hẳn có nghĩa là đối phương đang nói dối. Khi một người ở vào thế phòng thủ hoặc bất an, họ thường đảo mắt liên tục một cách vô thức như thể tìm kiếm một lối thoát.
Căng thẳng hoặc lo sợ cũng có thể khiến người ta có ánh mắt này. Rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến sự căng thẳng. Để hiểu được ý nghĩa của cử chỉ đó, bạn cần phải hiểu được nguyên nhân bên trong của sự việc.
Mắt mở to
Mắt mở to là dấu hiệu của sự đồng thuận và ngạc nhiên. Khi một ai đó thích thú, mắt họ mở to, lông mày hướng lên và miệng khẽ mở. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy người ấy đang được nghe hoặc đang nói về một điều mình thích thú.
Trường hợp ngược lại, khi ai đó kinh sợ hoặc bực tức, mắt họ cũng có thể mở to với “cái nhìn tóe lửa”.Điều này xuất phát từ sự thôi thúc của hệ thần kinh khi bị căng thẳng. Ánh mắt tóe lửa có thể là điềm báo cho một trận cãi vã hoặc vũ lực sắp xảy ra.
Kích thước đồng tử
Một thử nghiệm ở những tay chơi bài chuyên nghiệp cho thấy cơ hội chiến thắng của họ sẽ giảm đi khi đối thủ đeo kính râm. Bạn có biết tại sao như thế không? Đó là vì, như một phản xạ tự nhiên, người ta có thể nhận thấy sự giãn nở đồng tử trong mắt người khác. Khi đối thủ đeo kính râm, kênh liên lạc này sẽ bị cắt đứt.
Nhiều tác nhân tự nhiên có thể khiến đồng tử giãn nở, như: điều kiện ánh sáng, thuốc, và cơ thể khi hoạt động quá sức. Nhưng lý do thú vị nhất khiến đồng tử giãn nở
không phải là thể chất mà là cảm xúc. Các nghiên cứu chuyên sâu của Tiến sĩ Eckhard Hess – cựu Trưởng khoa Tâm lý của Đại học Chicago, đã chỉ ra rằng đồng tử giãn nở một cách vô thức khi mắt nhìn thấy điều gì đó thích thú, phấn khích hoặc kích động.Nếu một người nào đó đang vui thích cao độ hoặc dâng trào cảm xúc trước những gì họ thấy thì đồng tử của họ sẽ nở to, khiến họ nhìn rõ hơn. Khi những người chơi bài nhìn thấy sự giãn nở đồng tử đột ngột của đối thủ (như họ nắm trong tay bốn con bài át), họ sẽ có “linh cảm”không nên đặt cược vào ván đó. Không chỉ những tay chơi bài mới dựa vào kích thước đồng tử để lấy thông tin mà nhìn chung, chúng ta đều để ý đến sự giãn nở/thu nhỏ của đồng tử để từ đó nắm bắt trạng thái tâm lý của đối phương. Chẳng hạn, những người yêu nhau thường nhìn sâu vào mắt nhau để thấy sức hấp dẫn của nhau. Những người bán hàng chuyên nghiệp chỉ cần quan sát sự giãn nở của đồng tử là có thể biết được khách hàng có quan tâm và vừa ý với hàng hóa của mình hay không.
Về mặt di truyền, mỗi người chúng ta đều có thể bị kích thước đồng tử ở đối phương tác động lên mình. Đây là lợi thế để nhận biết ai nên tránh (kẻ thù) và những ai nên kết giao (bạn) của người xưa. Cho đến hôm nay, lợi thế ấy vẫn phát huy tác dụng. Thường thì chúng ta sẽ thích một người có đồng tử rộng hơn người có đồng tử thu hẹp.
Ánh mắt nào trông hấp dẫn hơn?
Các nghiên cứu cho thấy con người, nhất là phụ nữ, sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu đồng tử của họ mở rộng và giãn nỡ hơn bình thường. Để gia tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm sử dụng khuôn mặt làm hình ảnh quảng cáo, người ta chỉ cần thay đổi hình ảnh và làm cho đồng tử lớn hơn. Áp dụng kỹ thuật này của Barbara Pease và Alan Pease, tác giả cuốn The Definitive Book of Body Language (Tạm dịch: Cẩm Nang Ngôn Ngữ Hình Thể), đã giúp doanh số bán hàng của son môi Revlon tăng tới 45%!
Khả năng giải mã sự giãn nở đồng tử cũng được lập trình trong não, và diễn ra tự động một cách vô thức. (Những tay chơi bài chuyên nghiệp nghĩ rằng họ chỉ làm theo trực giác). Người ta không kiểm soát được sự co giãn của đồng tử, chính điều đó khiến đồng tử luôn biểu lộ sự thật về sức hấp dẫn, sự quan tâm, cũng như thái độ cảm xúc của chủ thể. Một khi để ý, bạn sẽ thấy đồng tử tiết lộ cho bạn biết rất nhiều điều.
Suy nghĩ bộc lộ qua đôi mắt
Nhiều năm trước, khi đã là nhà trị liệu, tôi có tham gia chương trình Ngôn ngữ Thần kinh, tìm hiểu ý nghĩ thông qua chuyển động của mắt. Khi suy nghĩ, những vùng khác nhau trên não bộ của con người sẽ hoạt động tùy thuộc vào lượng thông tin tìm kiếm, và đôi mắt tiết lộ manh mối về quá trình đó.
Hầu hết những người thuận tay phải, khi nghĩ về những gì đã xảy ra, hoặc mô tả một điều gì đó, mắt họ thường ngước nhìn xa xăm về bên trái. (Đối với người thuận tay trái thì ngược lại). Tuy nhiên, khi được yêu cầu sáng tạo một hình ảnh nào đó (như tưởng tượng một “con bò màu tím”), mắt người ấy sẽ ngước nhìn về bên phải. Khi cố nhớ lại điều gì bản thân đã từng nghe (như giọng nói của mẹ, hoặc tiếng chuông trường), họ thường nhìn về bên trái và nghiêng đầu như thể đang cố lắng nghe. Khi nhớ lại một cảm giác nào đó (cảm giác cơ thể hay xúc cảm tinh thần), họ sẽ nhìn xuống bên phải. Khi trầm ngâm suy nghĩ, họ cũng nhìn xuống nhưng về phía bên trái.
HÃY THỬ
Kiểm tra điều này với vài người bạn đồng nghiệp. Hỏi họ một số câu hỏi và quan sát chuyển động mắt của họ khi họ trả lời. Nếu họ là người thuận tay phải, chuyển động mắt của họ sẽ như thế này:
Màu chiếc xe đầu tiên của bạn là gì? (mắt ngước nhìn về bên trái).
Cầu vồng trông sẽ như thế nào nếu các màu sắc của nó đảo ngược? (mắt ngước nhìn về bên phải).
Âm thanh nào khác biệt nhất khi còn nhỏ mà bạn có thể nhớ? (mắt nhìn ngang).
Cảm giác thư giãn trên bãi biển ấm đầy cát như thế nào? (mắt nhìn xuống về bên phải).
Bạn có thể đọc nhẩm lời bài hát yêu thích của mình hay không? (mắt nhìn xuống về bên trái).
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai thuận tay phải cũng đều có ánh mắt như thế. Đây chính là cái khó trong việc nhìn chuyển động mắt để đoán định suy nghĩ người khác.
Bên cạnh đó, ánh mắt còn hé lộ cho bạn biết được một người đang nhớ lại những chuyện đã qua (mắt ngước lên về bên trái) hay đang hình dung hoặc tưởng tượng một việc nào đó (mắt ngước lên về bên phải).
Ánh mắt công việc và ánh mắt xã hội
Một nữ trưởng phòng xinh đẹp gặp rắc rối khi trao đổi công việc với các nam đồng nghiệp cùng bộ phận. “Họ chẳng bao giờ nghiêm túc cả,”– cô than phiền. “Có vẻ họ cho rằng tôi đang tán tỉnh họ, trong khi tôi hoàn toàn không có ý đó!”.
Sau khi quan sát cách giao tiếp của cô ấy với các nhân viên, tôi phát hiện ra vấn đề của cô ấy nằm ở chỗ cô đã dùng ánh mắt giao tiếp với bạn bè, người khác giới trong khi đang bàn bạc công việc.
Hãy tưởng tượng hai mắt bạn nằm trên cạnh đáy của một hình tam giác và đỉnh tam giác đó nằm ở giữa trán, khi đó bạn sẽ tạo được “cái nhìn công việc”– tức ánh mắt trong công việc. Khi ánh mắt bạn tập trung vào khu vực tam giác đó, mọi người sẽ thấy sự nghiêm túc của bạn.
Khi bạn xoay hình tam giác lại và tập trung vào vùng từ mắt tới miệng, bạn đã chuyển cách nhìn ấy thành cách nhìn trong giao tiếp thông thường. Và ánh mắt này rất dễ bị ngộ nhận như một sự tán tỉnh – dù ở nơi công sở.
Điều thú vị nữa là, trong cùng một nhóm, người có tầm mắt cao nhất thường được người khác cho là lãnh đạo. Hãy quan sát một người mới gia nhập nhóm, bạn sẽ thấy người đó sẽ bắt chuyện với người có ánh mắt lãnh đạo.
HÃY THỬ
Khi trao đổi công việc, bạn hãy tập trung ánh mắt vào vùng tam giác công việc. Một cách khác, hãy hạ thấp tầm nhìn, tập trung vào vùng giao tiếp thông thường. Hãy để ý những phản ứng khác nhau của đối phương khi bạn thay đổi cách nhìn.
Ánh mắt bề trên, tự mãn
Am hiểu về ánh mắt trong công việc không có nghĩa là bạn sẽ không nhìn vào vùng tam giác xã hội của người khác. Trái lại, việc làm ấy có thể mang lại hiệu quả cao. Hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi bạn muốn nhấn mạnh điểm nào đó. Đối với phụ nữ, để được người khác đánh giá nghiêm túc, ánh mắt trong công việc sẽ có hiệu quả cao nhất.
Mức độ chớp mắt
Trong lúc đàm thoại, mức độ chớp mắt bình thường là từ sáu đến tám lần một phút, mí mắt khép khoảng một phần mười giây. Mức độ chớp mắt gia tăng khi người nói cảm thấy bị áp lực. Ví dụ, khi một người nào đó nói dối, số lần chớp mắt của họ sẽ tăng lên một cách đột ngột.
Cảnh sát điều tra và nhân viên hải quan thường để ý sự thay đổi mức độ chớp mắt của đối phương mà đoán định xem người ấy có che giấu điều gì hay không. Các chuyên gia tâm lý cũng nhận biết tầm quan trọng của nó khi bệnh nhân đang cố giấu giếm điều gì. Dĩ nhiên, khi đèn trong phòng quá chói hoặc một người đang tức giận thì họ cũng có thể chớp mắt. Đó cũng là cách biểu lộ khi một người nói sự thật nhưng lại cảm thấy bất an hoặc lo sợ người khác không tin mình.
Chớp mắt lâu
Trong lúc trò chuyện, nếu một người nào đó chớp mắt lâu, đó là dấu hiệu cho thấy họ đang muốn lờ bạn đi. Khi mí mắt người ấy khép hơn một giây, điều đó đồng nghĩa với việc họ đang cố gạt bạn khỏi tầm nhìn của mình. Và khi cử chỉ này kết hợp với cái nghiêng đầu về sau (hoặc nhìn xuống mũi) thì nó hàm ý rằng người đó đang thấy bạn tẻ nhạt, hoặc họ hoàn toàn không thích thú với chủ đề câu chuyện, cũng có thể họ tự cho mình là kẻ bề trên.
Tròn mắt Đây là ánh mắt thường gặp ở một thiếu niên khi lắng nghe lời khuyên bảo của cha mẹ. Ánh mắt tròn xoe cho thấy người ấy hoặc đang ngờ vực, không mấy tin tưởng, hoặc vô cùng ngạc nhiên về những gì vừa được nghe.
Liếc mắt
Tùy thuộc vào nét mặt đi kèm, liếc mắt có thể cho thấy sự thích thú hoặc thù địch. Khi kết hợp cách nhìn này với cái nhướn mày hoặc một nụ cười, bạn có thể giả dụ rằng đối phương đang gửi cho bạn một tín hiệu thích thú hoặc đang muốn tán tỉnh bạn. Tuy nhiên, mày sụp, môi trề xuống lại là dấu hiệu của nghi ngờ, căm ghét hoặc chỉ trích.
Cúi nhìn
Một dấu hiệu không lời thể hiện sự phục tùng là cúi nhìn. Cách nhìn này cùng với tư thế hơi cúi đầu (hoặc cúi chào như kiểu chào của người Nhật) biểu hiện sự kính trọng hoặc thái độ quy phục.
Hơi cúi đầu, ngước mắt Tư thế hơi cúi đầu, nghiêng về một phía, và ngước mắt là một cử chỉ nằm trong tổ hợp các hành vi không lời. Cử chỉ này thể hiện sự quy phục, thường thấy ở phụ nữ. Cách ngước mắt nhìn lên giống như một đứa trẻ dễ đánh thức bản năng làm cha mẹ ở cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Công nương Diana thường chụp hình ở tư thế này – một cử chỉ vô thức nhưng có sức mạnh kêu gọi sự đồng tình và ủng hộ của công chúng.
Nét mặt này của Công nương Diana làm bà được gọi là Shy Di (Diana E lệ)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.