Sức Mạnh Của Ngôn Ngữ Không Lời
Chương 6: Tư Thế Đôi Chân Nói Lên Điều Gì?
TRONG HÀNG TRIỆU NĂM, đôi chân không chỉ giữ chức năng di chuyển mà còn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược sinh tồn như “chiến đấu, trốn chạy hoặc đứng im” của loài người. Nhóm tế bào thần kinh cảm xúc nằm ngay trung tâm hệ thống thần kinh phản ứng xúc cảm của chúng ta. Chức năng chính của nó là đưa ra những phản ứng tức thời trước tác động của môi trường bên ngoài. Những phản ứng cảm xúc này xảy ra trước cả ý nghĩ. Trước khi chúng ta ý thức được hành động của mình thì bộ não đã tác động vào đôi chân, và tùy vào tình huống mà ta bỏ chạy, tung cú đá đánh trả hoặc đứng im.
Động tác phản ứng trước nguy hiểm vốn được lập trình sẵn trong mỗi người. Bất cứ khi nào phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí chỉ là bực bội, đôi chân của ta vẫn phản ứng theo cách đứng im, sau đó cố gắng giữ khoảng cách, hoặc tung cú đá lại.
Joe Navarro làm công tác phân tích hành vi cho FBI được 15 năm. Hiện nay, ông phụ trách mảng hướng dẫn kỹ năng ngôn ngữ hình thể cho các tay chơi bài chuyên nghiệp. Khi được hỏi về kinh nghiệm, ông đáp:“Hãy quan sát bàn chân, bàn tay và khuôn mặt của đối phương. Đó chính là những bộ phận bộc lộ chính xác nhất về họ”.
Chương này rất ngắn gọn nhưng lại chứa đựng nhiều thông tin thú vị và hữu ích giúp bạn hiểu rõ người khác hơn. Bạn sẽ khám phá ra cách nhận biết tâm trạng lo lắng hay vui mừng, phòng thủ hay lơ đãng, quyết tâm hay tháo lui của một người chỉ bằng cách đọc các dấu hiệu qua tư thế chân của người đó.
Khi một người cố gắng kiểm soát ngôn ngữ hình thể của bản thân, họ chủ yếu tập trung kiểm soát nét mặt và cử chỉ tay. Hãy lấy các chính trị gia làm ví dụ.
Các đảng phái chính trị lớn thường huấn luyện cho các ứng cử viên cách đưa ra hình ảnh đẹp về bản thân và đảng phái của mình trước công chúng. Giao tiếp không lời giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và duy trì hình ảnh. Chẳng hạn, họ sẽ được chỉ dẫn về cách cười, cách giao tiếp bằng mắt và cử chỉ, rồi cách bắt tay sao cho thật nồng nhiệt và đĩnh đạc. Khi ngồi, họ phải nghiêng người về phía trước nhằm tỏ thiện ý bàn luận và hợp tác với đối tác.
Tuy nhiên, hiếm khi các chính trị gia, nhân viên làm việc trong ngành giải trí hoặc quản lý được đào tạo về ngôn ngữ hình thể từ phần eo trở xuống. Cũng vì thế, tư thế chân thường là nơi tiết lộ sự thật nhiều nhất.
Đôi chân tiết lộ sự thật
Khi nói dối, hầu hết mọi người thường cử động chân nhiều hơn. Bước chân bồn chồn, đi lại loanh quanh, hai chân ngoắc vào nhau hoặc vấp vào đồ đạc. Người ta còn duỗi hoặc gập chân để giải tỏa căng thẳng, thậm chí ngọ nguậy hoặc đá chân như hành động cố tháo chạy.
Các nghiên cứu đã được tiến hành trên một số đối tượng. Bất kể đối tượng có nhận thức được việc “đọc dấu hiệu đôi chân” của đối phương hay không thì khi thấy được toàn thân đối phương, hầu như họ đều nhận biết được thái độ lừa dối của người đó. Chẳng có gì lạ khi nhiều thương nhân cảm thấy thoải mái hơn lúc ngồi nói chuyện với đối tác bởi lúc này đôi chân của họ được chiếc bàn che giấu.
HÃY THỬ
Lần tới, khi cần đánh giá hoặc muốn hiểu rõ hơn một ai đó, bạn hãy kéo họ ra khỏi bàn giấy hoặc bàn hội nghị. Hãy ngồi ở nơi mà bạn có thể thấy được toàn thân của họ. Thậm chí cho dù bạn không cố ý làm như thế thì việc quan sát các dấu hiệu không lời từ những chuyển động ở chân đối phương cũng sẽ giúp bạn ít nhiều hiểu hơn về người ấy.
Đôi chân vui vẻ
Không chỉ tiết lộ trạng thái căng thẳng, bất an, đôi chân còn hé lộ những cảm xúc tích cực ở con người. “Nhảy chân sáo”, “nhảy cẫng”, “bước lâng lâng” là những cụm từ thể hiện mối liên hệ giữa cảm xúc tích cực với đôi chân.
Những tay chơi bài chuyên nghiệp có thể biết khi nào đối phương nắm thế thượng phong chỉ thông qua điệu bộ rung chân, cho dù người ấy cố tạo ra “bộ mặt vô cảm” chăng nữa. Điều này là do điệu bộ rung chân, nhịp chân, ngọ nguậy chân được cho là “đôi chân vui vẻ”. Đó là dấu hiệu thể hiện sự tự tin cao độ,nó cho biết đối phương đang nắm giữ các con bài cao, vì vậy cần phải cảnh giác.
Bạn cũng sẽ bắt gặp một dấu hiệu tương tự trong các cuộc đàm phán kinh doanh. Nếu thấy ai đó rung chân hoặc thấy vai của họ lắc nhẹ do ảnh hưởng của chuyển động chân, thì bạn có thể chắc chắn rằng người đó đang cảm thấy tự tin về vị trí đàm phán của mình.
Trường hợp ngược lại, khi người đàm phán rung chân, rồi bỗng nhiên ngưng bặt sau khi đưa ra lời đề nghị, thì đó là dấu hiệu cho thấy sự hồi hộp chờ đợi, tương tự như hành vi nín thở vậy.
Giống như bất kỳ dấu hiệu không lời nào, điệu bộ rung chân cũng cần phải đặt trong tương quan với cử chỉ vốn trở thành thói quen của một người. Nếu người đó có thói quen rung chân một cách tự nhiên (phản ứng bình thường trước căng thẳng) thì rất khó tìm ra dấu hiệu đôi chân vui vẻ.
Tư thế chân thể hiện ý muốn rời đi
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi ở bàn ăn cùng đứa con ba tuổi đang muốn ra ngoài chơi. Trong lúc ngồi ăn, phần thân trên của cậu nhóc có thể vẫn đối diện với bàn ăn, nhưng bàn chân của nó lại tụt dần xuống sàn nhà, rồi xích dần về phía cửa.
Người lớn chúng ta cũng có những biểu hiện tương tự. Điều này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Chúng ta có thể biết kiềm chế hơn nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Chân chúng ta quay đi trước những thứ chúng ta muốn tránh xa và thường hướng về những nơi ta muốn đến.
HÃY THỬ
Mỗi khi nói chuyện với đồng nghiệp hoặc với khách hàng của mình, nếu bạn thấy họ tỏ vẻ quan tâm, phần trên cơ thể hướng về bạn, nhưng bàn chân lại hướng ra phía cửa, hãy quan sát kỹ hơn. Nếu người đó đang rung chân hoặc nhịp chân, đặc biệt hướng về phía cửa, đó là họ đang muốn bỏ đi.
Tư thế bắt chéo chân của một người cũng bộc lộ suy nghĩ bên trong của họ. Nếu mũi chân của bàn chân đang bắt chéo chỉ về phía bạn thì có vẻ người đó thích bạn. Còn nếu mũi chân hướng qua chỗ khác, nhất là hướng ra cửa, thì có lẽ người ấy đang muốn rời đi.
Tư thế chân hòa đồng hoặc loại trừ
Đây là một tình huống bạn rất dễ gặp phải trong môi trường làm việc: Hai đồng nghiệp của bạn đang nói chuyện ngoài hành lang. Bạn muốn tham gia cùng họ, nhưng lại không biết mình có được chào đón hay không. Bằng cách quan sát bàn chân của họ, bạn sẽ có được câu trả lời.
Khi bạn tiếp cận hai đồng nghiệp đó, họ sẽ đón nhận bạn bằng một trong hai cử chỉ sau: Nếu bàn chân của họ vẫn giữ nguyên và họ chỉ xoay phần thân trên của mình về phía bạn, thì họ thật sự không muốn sự có mặt của bạn. Nhưng nếu bàn chân họ mở rộng hướng về bạn, điều đó nghĩa là họ sẵn sàng chào đón bạn. Người ở gần bạn nhất sẽ hướng mũi chân về phía bạn theo thế hình tam giác.
HÃY THỬ
Khi thấy một nhóm người đang nói chuyện, bạn hãy quan sát bàn chân của họ để biết được người nào thực sự tham gia vào câu chuyện. Nếu tất cả bàn chân đều hướng vào vị trí giữa nhóm thì đó là cuộc nói chuyện có sự tham gia của mọi thành viên trong nhóm. Nếu không, bằng cách quan sát vị trí đôi bàn chân, bạn cũng có thể biết ai thực sự tham gia và ai bị loại trừ.
Tư thế ngoắc chân
Tôi phải phỏng vấn một số nhà lãnh đạo của các công ty khách hàng để tập hợp thông tin cho bài thuyết trình về việc thay đổi ban quản trị vào ngày hôm sau. Biết được sự thay đổi sắp tới ảnh hưởng rất lớn đến bộ phận dịch vụ khách hàng nên tôi đặc biệt quan tâm đến cuộc nói chuyện với người quản lý bộ phận này.
– Cô cảm thấy thế nào về những thay đổi sắp tới? – Tôi hỏi người quản lý.
– Tôi không sao. Mọi thứ đối với tôi đều ổn! – Cô ấy đáp, rồi ngoắc chặt hai mắt cá chân vào nhau.
– Cô chắc chứ? – Giọng tôi nghi ngại.
Sau ít phút im lặng, người phụ nữ ấy tách hai mắt cá chân khỏi nhau và lên tiếng:
– Thực ra tôi cảm thấy lo lắng vì bộ phận của tôi có thể bị cắt giảm nhân sự.
Tư thế bắt chéo chân hoặc ngoắc hai chân vào nhau là tư thế chân này vắt qua chân kia ở phần dưới bắp chân hoặc mắt cá chân.
Qua để ý tôi thấy rằng khi một người không thích đưa ra quan điểm của mình, họ sẽ ngoặt chân ra sau. Ngược lại, khi tự nguyện chia sẻ, họ sẽ không ngoặt chân lại nữa.
Nhiều hành khách vì căng thẳng trong lúc chờ máy bay cất cánh nên cũng có điệu bộ khóa chân này. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cho rằng trong lúc trả lời phỏng vấn, nhiều ứng viên cũng có cử chỉ ngoặt chân, điều này cho thấy đối phương đang che giấu cảm xúc hoặc thái độ của mình. Các nhà đàm phán tài ba cũng coi điệu bộ này như là dấu hiệu cho biết đối phương đang che giấu quyền lợi nào đó của bản thân.
Điệu bộ ngoặt chân cũng thường xảy ra khi người ta cảm thấy lo lắng hoặc bị đe dọa. Hầu hết mọi người đều ngoặt chân lại khi ngồi trong phòng nha sĩ. Một tư thế chân khác thể hiện sự bất an hoặc vị thế thấp mà bạn có thể bắt gặp quanh bàn hội nghị là mũi chân quặp vào trong. Người ta có thể ngồi với tư thế thoải mái mở ở phần thân trên nhưng đôi chân của họ lại nói lên sự thật.
Tư thế chân mở và đóng
Nếu tư thế bắt chéo chân thể hiện thái độ bảo thủ, nghi ngại thì ngược lại, tư thế chân mở hoặc không bắt chéo biểu lộ thái độ cởi mở hoặc có ưu thế. Khi cảm thấy thoải mái, người ta có khuynh hướng dang rộng chân hơn. Tư thế ngồi dang rộng chân ở nơi công cộng thường là kiểu ngồi của đàn ông, biểu lộ mức độ thoải mái và tự tin cao. Tuy nhiên, ngay cả phụ nữ cũng ngồi ở tư thế này khi họ cảm thấy an toàn hoặc không bị để ý. Trong nhà hàng, cả hai giới đều thích ngồi ở tư thế này vì phần chân đã được tấm khăn trải bàn che phủ.
Bắt chéo chân
Có nhiều lý do khiến một người ngồi bắt chéo chân. Thông thường đây là tư thế ngồi thoải mái nhất. Ngồi bắt chéo chân, các ngón chân thả lỏng là tư thế ngồi ưa thích của cả hai giới, nhưng đàn ông thường ngồi ở tư thế này nhiều hơn phụ nữ. Tư thế này là dấu hiệu không lời biểu hiện sự thoải mái, dễ chịu.
Bắt chân chữ ngũ là tư thế ngồi ưa thích của đàn ông, chiếm khá nhiều không gian. Tư thế này toát lên vẻ tự tin và vị thế của chủ thể trong nhóm.
Tư thế ngồi bắt chéo chân (thường đi cùng với cử chỉ khoanh tay) được nhiều doanh nhân có tính tranh đua sử dụng. Đây cũng là tư thế phòng thủ mà nhiều người thể hiện khi phải nghe một việc hay một người mà họ không đồng tình nói, hoặc khi cảm thấy bị đe dọa.
Khuỵu đầu gối
“Tôi không thể đứng vững nữa” không chỉ là một lời nói quá mà đó còn là sự thực. Trong lúc đau đớn hoặc thất vọng cùng cực, đầu gối người ta sẽ khuỵu xuống, không đỡ nổi thân. Vì thế, khi một viên cảnh sát phải thông báo cho vợ nạn nhân rằng chồng cô ấy đã bị sát hại, điều đầu tiên người đó nói thường là: “Xin cô hãy ngồi xuống”. Đầu gối khuỵu xuống là dấu hiệu nói rằng: “Tôi không thể chịu đựng được nữa”.
Dáng đi
Dáng đi và bước chân của một người mang nhiều ý nghĩa, từ tự tin đến thiểu não. Khi một người cảm thấy chán nản, đầu họ sẽ rũ xuống, vai hơi rụt lại, mắt ít khi nào nhìn lên, dáng đi ủ dột. Ngược lại, nếu một người lạc quan và tự tin thì họ sẽ có bước đi nhanh, chắc chắn, dáng người thẳng, đầu hướng về trước, cánh tay thả lỏng ở hai bên người.
Ronald Reagan, cựu Tổng thống Mỹ không chỉ nổi tiếng với tài ngoại giao mà ông còn được biết đến với tài sử dụng ngôn ngữ hình thể. Phóng viên của một tờ báo nọ từng miêu tả rằng Reagan xuất hiện nổi bật từ phía sau cánh cổng Nhà Trắng với bước chân sải rộng trên tấm thảm đỏ rồi tiến thẳng lên bục. Dáng đi ấy cho thấy khí lực, sự quyền uy và tinh thần cởi mở ở ông.
Rất nhiều giám đốc cũng bước vào phòng họp với tác phong như thế. Họ muốn nói với mọi người trong phòng rằng “Tôi là người chịu trách nhiệm ở đây”. Thông điệp đó không chỉ được truyền tải từ lời nói, mà từ dáng đi tự tin, mạnh mẽ và phong thái đĩnh đạc của họ.
Sự rèn luyện, hoàn cảnh xuất thân cũng như công việc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến dáng đi của mỗi người. Một vũ công chuyên nghiệp và một binh sĩ sẽ có dáng đi hoàn toàn khác cho dù cả hai đều là phụ nữ. Tuy nhiên, dù nghề nghiệp và văn hóa khác biệt thế nào đi nữa, bạn vẫn có thể tìm được những nét chung qua dáng đi của họ. Dáng đi nhanh và sải chân dài khiến ta có cảm giác người đó rất vội vã, còn dáng đi “nhún nhảy” biểu lộ một tâm trạng vui vẻ.
Bạn cũng có thể nhận thấy sự khác biệt trong dáng đi giữa đàn ông và phụ nữ. Đàn ông bước đi chắc chắn, dứt khoát, trọng tâm phân bố đều, sau đó mới dồn về phía mũi chân.
Còn phụ nữ khi bước hay dồn trọng tâm về phía mũi chân, thậm chí có những người còn đi trên đầu ngón chân.
Các tư thế đứng
Có sáu tư thế đứng chủ yếu, mỗi tư thế sẽ cho bạn biết ít nhiều về thái độ của chủ thể.
Đứng nghiêm
Tư thế thể hiện sự tôn trọng, nghiêm chỉnh này thường thấy ở các binh sĩ cấp thấp khi đứng trước các sĩ quan cấp cao hoặc ở các nhân viên khi đang nói chuyện với cấp trên của mình.
Đứng dạng chân Kiểu đứng dạng hai chân, bàn chân phẳng, vững chắc là tư thế thường thấy ở nam giới (giống như tư thế của các tay găng-xtơ miền Viễn Tây Hoa Kỳ) biểu lộ sự thống trị hoặc kiên quyết. Tay chống nạnh hoặc khoanh tay khi đứng ở tư thế này không những là dấu hiệu chứng tỏ uy lực mà còn thể hiện sự lạnh lùng, khó tiếp cận.
Tư thế đứng cân bằng trọng lượng trên hai chân
Khi cảm thấy thoải mái người ta thường phân phối trọng lượng đều lên hai chân. Tư thế đứng này còn cho thấy thái độ “điềm tĩnh”, “vững chãi” và “tự chủ”.
Tư thế đứng liên tục thay đổi trọng tâm cơ thể
Khi không thoải mái, nhiều người cảm thấy bồn chồn và hay đứng dồn trọng tâm cơ thể lên hết chân này đến chân kia. Họ cũng hay bước một chân lên trước hay ra sau như một cách để trấn tĩnh bản thân trong lúc lo lắng.
Tư thế đứng bắt chéo chân
Đứng bắt chéo chân thường đi kèm với điệu bộ khoanh tay. Đây là tư thế đóng mang tính phòng thủ, thể hiện sự thiếu tự tin. Người ta thường đứng ở tư thế này khi ở cùng nhóm với những người mình không quen biết.
Tư thế đứng một chân trụ, một chân hướng về trước
Khi trọng lượng cơ thể dồn vào một bên hông, chân kia sẽ tự do hướng về phía người hoặc nơi nào người đó cảm thấy thoải mái.
HÃY THỬ
Lần tới, khi có dịp tham dự buổi họp mặt hoặc sự kiện xã hội nào đó, bạn hãy thử quan sát các thế đứng khác nhau của mọi người. Qua đó, có thể bạn sẽ biết được ai cảm thấy không thoải mái hoặc ai là người mới trong nhóm (hầu hết mọi người đều đứng ở tư thế chéo chân hoặc ở thế thay đổi trọng tâm cơ thể hết chân này đến chân kia).
Khi mọi người đứng thành nhóm với nhau, bạn hãy chú ý xem mũi chân họ hướng về đâu nhiều nhất. Chắc chắn, bạn sẽ biết được ai là người quan trọng hoặc được yêu thích nhất trong nhóm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.