Cú Hích - Cuốn Sách Tạo Nên Sự Khác Biệt

Chương 11: Tăng Quyền Lựa Chọn Giáo Dục



PHẦN IV: QUYỀN TỰ DO

Những người theo chủ nghĩa gia trưởng tự do luôn quan tâm đến tự do. Họ nhận thức rất rõ ràng trước những hành động ngăn cản con người thực hiện quyền tự do theo cách riêng của họ. Có một vài cú hích không tốt, hoặc không được đón nhận, nhưng tất cả chúng ta sẽ được hưởng lợi nếu một vài người được phép thử qua. Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta thực sự muốn tạo ra quyền tự do lựa chọn.

Chúng ta đã khám phá một ví dụ đáng chú ý về vấn đề bảo vệ môi trường. Chính phủ nhiều nước đã và đang nỗ lực bảo vệ môi trường bằng những luật lệ cứng rắn trên cơ sở mệnh lệnh và kiểm soát. Các biện pháp như cho phép mua bán hạn ngạch xả thải, quyền xả thải hay tạo ra các thị trường mới được xem là mang tính tự do hơn nhiều. Trong lĩnh vực này, việc tăng quyền tự do sẽ mang lại kết quả lớn. Bỏ qua yếu tố chính trị, các giới chức có thẩm quyền và cả người dân đang ủng hộ chính sách mua bán quyền xả thải như một hành động thiết thực trước hiểm họa biến đổi khí hậu.

Tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển sang ba vấn đề đang gây tranh cãi mạnh hơn nữa. Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng quyền tự do lựa chọn trong giáo dục, trên cơ sở lý luận rằng thi đua là động lực tốt cho bọn trẻ. Chúng tôi cũng muốn gia tăng quyền tự do cho bệnh nhân và bác sĩ. Cụ thể là chúng tôi muốn tăng khả năng họ giao kết với nhau.

Chương 11: TĂNG QUYỀN LỰA CHỌN GIÁO DỤC

Năm 1944, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đưa “quyền được hưởng một nền giáo dục tốt” vào đạo luật được ông gọi là “Đạo luật thứ hai về Quyền Con người” để thúc đẩy an sinh xã hội và phù hợp với nền dân chủ hiện đại. Đa số dân Mỹ tin rằng con em họ có quyền thừa hưởng một nền giáo dục tốt, theo một cuộc tổng điều tra toàn quốc tại thời điểm đó. Nhưng rồi cuộc điều tra không mang lại kết quả nào vì người ta nhận ra họ cần phải làm gì mới có được quyền đó.

Lựa chọn giáo dục trở thành một vấn đề gây phân cực mạnh mẽ trong chính trường Mỹ. Theo nhà kinh tế học tự do Milton Friedman, cách tốt nhất để cải thiện giáo dục là thông qua cạnh tranh. Nếu các trường học cạnh tranh với nhau, bọn trẻ sẽ là người hưởng lợi và những người kém may mắn nhất cũng có cơ hội. Các gia đình khá giả đã có lựa chọn giáo dục cho con em họ tại các trường tư. Nếu chúng ta trao cho cha mẹ những tấm phiếu tự chọn trường thì những đứa trẻ xuất thân từ các gia đình nghèo khó gần như sẽ có cơ hội ngang bằng với những đứa trẻ con nhà trung lưu hoặc quý tộc. Vậy bọn trẻ nghèo có nên được trao quyền lựa chọn học hành ngang bằng với bọn trẻ có đủ điều kiện tài chính hay không?

Những người phê phán nói rằng một chính sách như thế sẽ tấn công vào hệ thống trường công vốn làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại. Họ e rằng các trường công lập, vốn phục vụ đa dạng người học và cho họ có cơ hội học tập ngang nhau, sẽ mất cả người học lẫn tiền bạc. Đó là chưa kể chế độ phiếu tự chọn trường rốt cuộc lại là một khoản trợ cấp dành cho những gia đình có đủ khả năng gửi con em mình theo học ở những trường tư tốt nhất. Và điều tệ nhất là các trường công chỉ nhận được những học sinh bị các trường tư từ chối.

Là những người theo chủ nghĩa tự do, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ khái niệm lựa chọn trường học, vì tự do là một ý tưởng tốt và cạnh tranh sẽ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục. Nhưng nhiều lựa chọn hơn có tốt hơn không? Từ những năm 70, nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ đã thí điểm những chương trình lựa chọn khác nhau, và kết quả cho thấy các chương trình giáo dục tự do lựa chọn không phải là loại thuốc trị bách bệnh, mà chúng chỉ nâng cao kết quả học tập của học sinh. Carolyn Hoxby, một nhà kinh tế hàng đầu, từng phân tích các chương trình giáo dục truyền thống và tự chọn phát hiện ra rằng khi cạnh tranh, các trường công lập đạt nhiều thành quả hơn trên mỗi đô-la chi tiêu, chưa kể học sinh “lớp dưới”, tức là con em các gia đình thu nhập thấp và học sinh các cộng đồng thiểu số, luôn đạt kết quả học tập cao nhất.

Mặc dù kết quả cho thấy việc chọn trường có tác dụng tốt, chúng tôi tin rằng chúng ta có thể gặt hái nhiều thành công lớn hơn bằng cách hỗ trợ phụ huynh chọn trường giúp con em mình. Bởi vì, rất nhiều cha mẹ chỉ đơn giản chọn trường theo mặc định (dù không phải luôn luôn, nhưng thường thì họ chọn các trường gần nhà) mà không cân nhắc đến các yếu tố khác. Vì tán thành việc chọn trường nên chúng tôi muốn nhấn mạnh vào phần quan trọng nhất của vấn đề này. Đó là làm thế nào để giúp cha mẹ đưa ra những quyết định đúng đắn thay cho con em mình.

Những lựa chọn phức tạp và tư duy “đường tắt”

Hãy xem trường hợp của thành phố Worcester, Massachusetts. Năm 2001, Tổng thống Bush ký Đạo luật Liên bang có tên gọi “Cơ hội học tập cho mọi trẻ em” với mục đích tăng cường độ tin cậy của hệ thống trường công lập bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn thi cử bắt buộc. (Chúng tôi xin không bàn đến rất nhiều câu hỏi gây tranh cãi xung quanh đạo luật này).

Năm 2003, có 12 trong số 50 trường công tại Worcester được xác định là “cần cải tiến” trong hai năm liên tiếp, và 5 trường – trong ba năm liên tiếp. Mùa hè năm ấy, có 4.700 học sinh, tức là khoảng 1/5 tổng số học sinh của toàn Worcester, nằm trong diện chuyển đổi và 1.800 học sinh có quyền nhận tiền tài trợ của chính phủ liên bang qua các chương trình giáo dục bổ sung. Nhưng trong sáu tháng sau đó, chỉ có một học sinh chuyển trường và hai học sinh nhận tiền trợ cấp của chính phủ!

Các quan chức Worcester là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về kết quả này. Sự thật là các trường công đã thông báo đến cha mẹ học sinh tại các trường “dưới trung bình” về quyền lựa chọn của họ theo đạo luật trên, nhưng họ cũng dính vào cái mà nhà khoa học chính trị William Howell gọi là “làm nản lòng một cách thân thiện”, nghĩa là làm cho các bậc phụ huynh ngần ngại trong việc thực hiện quyền lựa chọn của họ. Các giới chức học đường (trường công) đã quá nhấn mạnh vào từ “dưới trung bình” và những hạn chế của các tiêu chuẩn đánh giá học sinh, rằng “khoảng cách biệt” trong kiến thức của học sinh có thể làm trường khác không nhận con em họ, và họ vẫn đang cố gắng cải thiện mọi thứ ở trường mình.

Còn những người không nao núng lại nhận thấy thực hành quyền lựa chọn đó là một tiến trình tẻ nhạt gồm rất nhiều giai đoạn. Đầu tiên, cha mẹ phải đến gặp hiệu trưởng (chỉ vài người làm chuyện đó). Kế đến, họ phải dự một cuộc họp tại trung tâm thông tin của trường. Vị giám đốc trung tâm về sau xác nhận chỉ có hai phụ huynh tới dự. Tại cuộc gặp, các quan chức giáo dục thành phố lại nhấn mạnh lần nữa rằng không phải tất cả các trường hợp chuyển trường đều được chấp nhận và họ không chắc sẽ có xe đưa đón cho học sinh ở xa. Đó là “màn dạo đầu” trước khi phụ huynh điền vào đơn xin chuyển trường. Tệ hơn nữa, vì cơ quan giáo dục thành phố kiểm soát quyền tiếp cận thông tin học sinh, cho nên các dịch vụ giáo dục hay tổ chức khảo thí không thể tiếp xúc được với học sinh, nếu không có sự cho phép của cơ quan này.

Các bậc cha mẹ bình thường biết rất ít về trường học của con cái họ, nói gì đến các trường khác. Khả năng là họ làm theo định kiến hay tiềm thức của mình, hoặc đưa ra những quyết định kém. Vấn đề nằm ở chỗ thúc đẩy quyền tự do lựa chọn thực sự, chứ không phải trao cho họ quá nhiều lựa chọn, và đặt họ vào hoàn cảnh thuận lợi để chọn những gì tốt nhất cho con em mình.

Ở Charlotte, North Carolina, phụ huynh thường nhận được một cuốn sách nhỏ khoảng 100 trang giới thiệu về 190 trường học, được chính đại diện của các trường viết ra để nhấn mạnh những điểm mạnh của trường họ. Quyển sách này không có thông tin về địa điểm, điểm số hay điểm trung bình của học sinh, mức chuyên cần hay thành phần dân tộc – tất cả những thông tin này đều có sẵn trên trang web của chính quyền thành phố. Thay vào đó, nhân viên giáo dục tại các trung tâm đăng ký được chỉ thị phải giải thích trước những câu hỏi như “Trường nào tốt nhất?”, và họ phải trả lời: “Điều đó tùy thuộc vào từng học sinh”, đồng thời khuyến khích phụ huynh trước hết nên trao đổi với con em mình xem nhu cầu thực sự của chúng là gì rồi mới quyết định chọn trường nào.

Một thí nghiệm được tiến hành tại Charlotte cho thấy lựa chọn có thể được cải thiện nhờ thông tin tốt hơn và đơn giản hơn. Charlotte trao cho cha mẹ học sinh một danh sách nhiều trường khác nhau để lựa chọn bên cạnh một trường mặc định. Các bậc phụ huynh thu nhập thấp có khuynh hướng xem nhẹ chất lượng trường học hơn các phụ huynh khá giả, vì thế ít khi họ đăng ký cho con em mình vào các trường chất lượng cao. Nhưng khi được trao cho một danh sách tên viết tắt của các trường, trong đó ghi rõ điểm trung bình của học sinh, học sinh đăng ký được nhận theo điểm số từ cao xuống thấp… thì các phụ huynh có mức thu nhập thấp lại chọn những trường chất lượng cao hơn nhiều. Đó là những trường có điểm trung bình cao hơn 70% so với các trường gần nhà mà họ đã chọn trước đó. Thực tế là khi bọn trẻ được chuyển sang trường chất lượng hơn, học lực của chúng cũng được cải thiện rõ rệt.

Xung đột lợi ích và phù hợp lợi ích

Một kiến trúc lựa chọn tốt có thể giúp các bậc phụ huynh đạt được điều vốn thuộc về lợi ích của bản thân họ. Nhà kiến trúc cũng có thể làm giảm những xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa các bậc cha mẹ có điều kiện và không có điều kiện, giúp họ thuận lợi trong quá trình lựa chọn.

Bất chấp sự chú ý của dư luận qua các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình lấy nguyên tắc thị trường làm trọng như phiếu chọn trường vẫn được đưa ra cho học sinh trên toàn nước Mỹ. Một phương án có thể thay thế khác là chính sách lựa chọn có kiểm soát, ra đời từ những phán quyết của tòa án trong những năm 70 về vấn đề cấm phân biệt chủng tộc khi sử dụng xe buýt. Mục đích là để tiếp tục mở rộng cơ hội cho mọi học sinh đều có được một chỗ học ở một trường gần nhà hay trường có anh chị em ruột đang theo học, đồng thời vẫn cho các em lựa chọn đăng ký vào một trường khác.

Các nhà quản trị giáo dục Boston đã nhờ đến một thuật toán máy tính để phân bổ tối đa học sinh vào các trường theo nguyện vọng thứ nhất của họ, trong khi vẫn bảo đảm quyền ưu tiên cho các học sinh có nhà gần trường. Thật khó nói có bao nhiêu trường sử dụng phương pháp của Boston, bởi vì các nhà quản trị không phải lúc nào cũng giải thích các chính sách lựa chọn có kiểm soát một cách chi tiết. Tuy nhiên, một vài thành phố lớn đã mượn thuật toán đó để giải quyết vấn đề của mình, như Denver, Tampa, Minneapolis, Louisville và Seattle. (Nếu hai học sinh cùng đăng ký vào một trường và họ chỉ còn một chỗ, Seattle và Louisville đã áp dụng quy tắc lựa chọn dựa vào yếu tố chủng tộc, một hành động bị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tuyên bố vi hiến vào năm 2007).

Làm phù hợp nguyện vọng thứ nhất với số lượng học sinh cao nhất xem ra có ý nghĩa, ngoại trừ một vấn đề. Việc chọn trường theo phương pháp Boston hóa ra lại là một trò chơi chiến lược rất phức tạp, trong đó người chiến thắng nhận được nhiều bổng lộc. Vậy làm thế nào để thắng? Họ nói dối, dù chỉ một chút thôi. Các nhà kinh tế học gọi đó là “sự biếu tặng sai về mặt chiến lược”.

Có một lý do toán học (và phức tạp) giải thích tại sao nói dối là một cách hiệu quả trong phương pháp Boston, nhưng để có một nhận thức thấu đáo, bạn hãy tưởng tượng rằng việc đăng ký vào trường cao đẳng và đại học bất ngờ được vận hành theo một chính sách lựa chọn có kiểm soát ở tầm quốc gia. Các trường tên tuổi như Harvard và Stanford sẽ tiếp nhận một lượng đơn đăng ký cực lớn và các sinh viên địa phương được đối xử ưu tiên. Có lẽ việc học của con cái bạn khi đó chỉ trông nhờ vào may mắn không hơn gì trò xổ số. (Đến đây, bạn còn nghĩ nhà cửa ở Cambridge và Palo Alto đắt đỏ nữa hay không? Nếu việc bạn mua một bất động sản bảo đảm cho con bạn một chỗ trong trường Harvard hoặc Stanford thì sao?). Các bậc phụ huynh khôn ngoan, những người không sống ở Cambridge nhưng luôn mơ ước cho con đi học Harvard từ thời chúng còn mặc tã mới thấy sự phù phiếm của việc đưa lựa chọn đó thành nguyện vọng một. Phương pháp Boston là tuyển được theo nguyện vọng một càng nhiều càng tốt, vì thế khi mỗi bậc phụ huynh thật thà nhất của nước Mỹ đều xem Harvard là nguyện vọng đầu tiên của con em mình, họa có cư dân Cambridge mới có thể ngủ ngon!

Thay vì cố nắm bắt những cơ hội ngoài tầm tay, các bậc phụ huynh ngoài Cambridge có thể chọn nguyện vọng thứ nhất ở các trường ít nổi tiếng hơn, như Dartmouth hay Cornell, nơi có ít học sinh được hưởng quyền ưu tiên hơn. Theo phương pháp Boston, những cha mẹ chọn trường theo nguyện vọng hai, nguyện vọng ba sẽ mất chỗ vào tay những người chọn đó làm nguyện vọng một – điều này làm cho việc chọn nguyện vọng một ở các trường có tỉ lệ chọi cao trở nên đầy rủi ro, nếu con em họ chỉ có quyền ưu tiên ở mức thấp, và hoàn toàn phí công vô ích, nếu họ chọn đó làm nguyện vọng hai hay ba, vì khả năng được nhận hầu như sẽ bằng 0.

Khi phương pháp Boston ra đời, có lẽ không ai để ý đến chiến lược này (thực ra, chỉ vài người là hiểu được thuật toán phân bổ học sinh theo thứ tự nguyện vọng).

Nhưng theo thời gian, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu nghiệm ra những cách khôn ngoan có thể giúp họ đạt mục đích. Cũng không mấy ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ có học thức và giàu có nắm trong tay những mối quan hệ xã hội rộng lớn (là những mạnh thường quân khác) là những người đầu tiên phát hiện ra những kỹ thuật này. Họ làm tốt hơn các bậc cha mẹ học sinh khác, những người chỉ biết chọn một trường có quá đông học sinh để đăng ký làm nguyện vọng hai cho con em họ (mà không biết rằng đó là một sai lầm tồi tệ hơn nữa). Ai biết được bao nhiêu trong số con em họ bị hất khỏi con đường chạy đua vào những ngôi trường hạng nhất vì lựa chọn đó?

Phương pháp Boston đến giờ vẫn còn được áp dụng đây đó tại Mỹ, nhưng không phải ở Boston! Năm 2003, một nhóm các nhà kinh tế học dẫn đầu là Al Roth của trường Harvard đã chỉ ra những vấn đề này cho các nhà quản trị giáo dục của Boston – những người ban đầu rất có ý thức về việc mình làm. Sau khi để các nhà kinh tế học mò mẫm phân tích chán chê hàng đống dữ liệu nội bộ, các nhà quản trị giáo dục mới bị thuyết phục bởi sự sai lầm trong phương pháp mà họ từng đưa ra.

Đáp lại, họ chấp nhận một cơ chế lựa chọn mới của các nhà kinh tế học, tức là lấy chiến lược làm trọng tâm. Cơ chế này không “trừng phạt” cha mẹ học sinh là những người không sắc sảo trong lựa chọn của mình, mà cho phép họ dành thời gian tham quan trường lớp và làm quen với giáo viên, hơn là ước tính tỉ lệ chọi của từng trường. Ngược lại, các nhà quản trị giáo dục cũng không phải đoán mò về các tiêu chí chọn trường thực sự của phụ huynh để sửa đổi chính sách cho phù hợp.

Tạo cú hích thúc đẩy học sinh trung học vào cao đẳng

Kiến trúc lựa chọn tốt không cần phải bắt nguồn từ một vị giáo sư uyên bác và một thuật toán máy tính mạnh mẽ, mà có thể là sản phẩm đầy trí tuệ của một hay hai giáo viên tỉnh lẻ. Ở San Marcos, Texas, có một giám thị học đường và một nhà quản trị từng tìm kiếm một phương pháp hiệu quả để thu hút thêm các học sinh gốc La-tinh ở San Marcos vào các trường cao đẳng. Và họ đã tìm được một cú hích đơn giản và hiệu quả đến mức nó phát tán nhanh hơn cả tốc độ lan truyền một clip hấp dẫn trên YouTube. (Vâng, hơi quá lời, nhưng đại loại gần như vậy). Cú hích thế này: Để tốt nghiệp trường Trung học San Marcos, học sinh phải hoàn thành đăng ký hồ sơ vào trường Cao đẳng Cộng đồng Austin lân cận. Vì thứ duy nhất cần có để vào cao đẳng hay đại học là tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và điểm số của một bài kiểm tra tiêu chuẩn, nên việc nộp hồ sơ đăng ký đúng quy định đồng nghĩa với việc được chấp nhận.

Ở San Marcos, các trường hoạt động theo một ngân sách chặt chẽ và 2/3 học sinh của họ không bao giờ học lên cao hơn. Vị giám thị học đường nọ không tìm được khoản tài trợ nào từ bên ngoài để triển khai ý tưởng này, thế là bà đề nghị các thầy cô giáo và trường cao đẳng hỗ trợ. Học sinh được dồn vào hội trường sau giờ học để gặp gỡ các nhà tư vấn hướng nghiệp của trường cao đẳng. Thật khôn ngoan, các nhà tư vấn không hề cố gắng gieo vào đầu các em học sinh về sự cao cả và niềm tự hào của giáo dục. Thay vào đó, họ hớp hồn học sinh bằng biểu tượng khao khát chung của tuổi mới lớn: xe hơi. Họ nói về khoản chênh lệch trong thu nhập mà một sinh viên tốt nghiệp cao đẳng kiếm được so với một học sinh chỉ mới tốt nghiệp trung học. Rằng, điều đó cũng giống như sự khác nhau giữa một chiếc Mercedes và một chiếc KIA. Kế tiếp, họ cho học sinh thi thử đầu vào cao đẳng bằng một bài kiểm tra chuẩn. Rồi họ cung cấp thông tin về học phí, học bổng, đồng thời mời các nhà tư vấn về thuế đến nói chuyện với cha mẹ học sinh vào buổi gặp gỡ cuối tuần.

Cuối cùng, cú hích đã tạo ra những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Từ năm 2004 đến 2005, tỉ lệ học sinh trường Trung học San Marcos vào các trường cao đẳng của Texas đã tăng từ 11% lên 45%. Hiện nay, có hơn 45% trong tổng số các trường trung học tại bang Texas đang áp dụng phương pháp này và nhiều trường khác ở Florida và California cũng thiết lập những mô hình khuyến học tương tự. Tại Maine, một nhà lập pháp của bang này thậm chí còn muốn ban hành một đạo luật bắt buộc học sinh năm cuối các trường trung học phải nộp đơn vào ít nhất một trường cao đẳng mới được xét tốt nghiệp.

Chúng ta vừa đi qua rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong khuôn khổ có hạn của cuốn sách này. Milton Friedman đã đúng khi nói rằng ít nhất về mặt lý thuyết, chọn trường là một ý tưởng xuất sắc, bởi nó tăng quyền tự do và đưa ra một cam kết thực sự trong vấn đề cải cách giáo dục. Tất nhiên, công cuộc cải cách phải được đánh giá bằng thực tế, chứ không phải dựa trên lý thuyết. May mắn thay, những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy việc chọn trường đã mang lại rất nhiều hứa hẹn tốt đẹp.

Vấn đề chủ yếu và mối quan tâm lớn nhất của chúng ta ở đây là có phải điều gì đúng trong đầu tư cũng đúng trong giáo dục? Không lấy gì bảo đảm rằng tạo ra thật nhiều lựa chọn thì các bậc phụ huynh sẽ có những quyết định khôn ngoan. Các trường cần đặt cha mẹ học sinh vào vị thế phải suy nghĩ thấu đáo khi lựa chọn và thực hiện quyền tự do của họ, hơn là dựa vào các mặc định có sẵn. Cả phụ huynh lẫn con em họ cần có những lợi ích đúng đắn. Câu nói của cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt “Mọi công dân Hoa Kỳ đều có quyền được hưởng một nền giáo dục tốt” không phải là một phần của Hiến pháp Mỹ, nhưng đã trở thành một cam kết văn hóa mà chỉ một vài cú hích đơn giản cũng có thể tạo ra nhiều thuận lợi cho trẻ em, giúp các em được nhận đầy đủ quyền đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.