Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy
Nâng Cao Hiệu Suất Làm Việc
Trong quá trình làm việc, bạn và nhóm của mình sẽ không tránh khỏi những lúc bị vướng phải những rào cản cá nhân. May mắn thay, có rất nhiều biện pháp và kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng để giúp bản thân và người khác trong những tình huống khó khăn như vậy. Điểm nổi trội của tất cả những bí quyết liên quan tới việc nâng cao hiệu suất làm việc trong chương này là chúng rất đơn giản và dễ học, thế nhưng lại đem lại những kết quả cực kỳ hữu hiệu và lâu dài.
5.1 Tin vào chính mình và người khác
Niềm tin của bạn vào mọi người, vào khả năng của bản thân và vào công việc làm ăn nói chung sẽ quyết định kết quả mà bạn sẽ đạt được trong công việc. Nếu bạn tin rằng mình có thể làm gì đó, bạn rồi cũng sẽ tìm ra cách để làm nó. Nếu bạn tin rằng kiểu người như bạn không thể thành công, khả năng lớn là bạn sẽ không thể. Hãy thay đổi niềm tin của mình, và rồi thay đổi thành công.
Sau đây là một niềm tin hữu ích mà rất nhiều người đã thành công đã tin vào:
- Mọi việc con người (trong đó có bạn) làm đều hoàn hảo.
Việc những người hoàn hảo (trong đó có bạn) làm sai việc gì đó, không có nghĩa là bản thân họ có vấn đề gì cả mà bởi vì phương pháp của họ không hiệu quả. Nghĩ về mọi người và công việc theo cách này sẽ khiến chúng ta ngừng việc nghĩ xấu về người khác hoặc tự đánh giá quá thấp bản thân. Điều này có nghĩa là bạn tách biệt giữa việc mọi người đã làm hay không làm gì và việc họ là ai.
Hãy thử nhìn theo hướng ngược lại. Những người không có niềm tin này sẽ theo dõi một đồng nghiệp làm điều gì đó theo một cách khác và nghĩ những điều đại loại như, đúng là cái cách mà cậu ta hay làm rồi hay là làm như vậy chứng tỏ rằng họ… Lối suy nghĩ này rất kém hiệu quả trong việc tạo dựng các mối quan hệ tốt. Nếu bạn là một nhà quản lý và bạn nghĩ về nhân viên của mình theo cách này, điều gì sẽ xảy ra? Bạn có muốn người khác nghĩ về bạn như thế không?
Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn nghĩ rằng bạn và đồng nghiệp của bạn luôn luôn làm tốt nhất có thể và đơn giản là cần thay đổi cách làm việc để có thể đạt được một kết quả khác.
- Cách hữu hiệu để thay đổi cách cư xử chính là thay đổi suy nghĩ của bạn: bạn sẽ tạo nên những kết quả khác biệt.
Hãy tưởng tượng rằng tiềm thức của bạn đang chờ để được nhận những thông tin và mệnh lệnh mới. Tưởng tượng rằng nó đã chạy một số chương trình nhất định, cũng giống như một chiếc máy tính, trong nhiều năm liền. Hãy chịu khó tải phần mềm mới và bạn sẽ nhận được những kết quả khác. Chương trình mà bạn chạy lúc trước cũng đã từng hiệu quả, thế nhưng giờ chúng đã quá đát và không còn thân thiện với người sử dụng như những chương trình mới nữa.
- Nào, giờ thì hãy chọn ra một vài niềm tin mới hữu ích.
“Hãy tin và hành động như thể bạn không thể thất bại” Charles F. Kettering, nhà phát minh người Mỹ
Điều bạn tin rất có thể thành sự thật, vì vậy hãy tin vào những thứ có ích.
5.2 Thay đổi góc nhìn
Hãy đối mặt với sự thật – chúng ta không thể hợp với tất cả mọi người. Khi một cuộc nói chuyện không diễn ra theo dự định, hoặc có vướng mắc không thể giải quyết, hãy bắt tay thử nhìn nhận sự việc theo góc độ của người khác. Kỹ thuật này vô cùng đơn giản mà lại rất có sức mạnh.
Hãy nghĩ về hai người: chính bạn và một người có quan điểm khác bạn trong một chủ đề nào đó. Đầu tiên hãy thử luyện tập trong tình huống với những bất hòa hay khác biệt nhỏ. Cùng với việc rèn luyện, bạn sẽ thấy việc thay đổi góc nhìn này ngày một dễ dàng hơn và rồi bạn sẽ quen dần với việc xem xét các sự kiện từ ba góc nhìn: của bạn, của người kia và của một người nào đó hoàn toàn khách quan đứng ngoài sự việc.
- Tưởng tượng rằng bạn đang ngồi trên một chiếc ghế và nhìn về những người kia đang ngồi trên chiếc ghế khác. Hãy tự hỏi mình: “Mình đang nhìn thấy gì, nghe, cảm nhận, và nghĩ gì khi ngồi ở vị trí này?”
- Sau đó tưởng tượng bạn đang đứng ở vị trí của họ và nhìn về bản thân mình từ góc nhìn của họ. Hãy tự hỏi: “Mình đang nhìn, nghe, cảm nhận và nghĩ gì khi ngồi ở vị trí này?”
- Nào, giờ thì hãy tưởng tượng bạn đang đứng ở một khoảng cách xa giữa hai cái ghế, đơn giản chỉ là một người quan sát ngoài cuộc. Bạn nhận thấy điều gì khi trở thành một người đứng ngoài mối quan hệ và sự tương tác của bạn và người kia?
Mỗi một vị trí sẽ đem lại một sự hiểu biết mới mẻ. Hãy làm một lượt qua ba vị trí, sau đó lại quay lại về từng vị trí một để xem xem liệu bạn có nhận ra thêm được điều gì mới mẻ không. Khi đã hiểu thêm rồi, hãy nghĩ xem bạn muốn học lấy điều gì trong số đó để áp dụng trong tương lai.
Nếu luyện tập bài tập này thường xuyên, bạn sẽ thấy rằng nó thực sự giúp bạn vượt qua các rào cản với đồng nghiệp và mở mang lối tư duy của bạn. Những ích lợi này sẽ có liên hệ trực tiếp tới hiệu quả công việc và thành công của bạn.
“Nếu trên đời chỉ có một bí quyết thành công, thì đó là khả năng nhìn thấu quan điểm của người khác và xem xét sự việc từ góc độ của người khác cũng như là góc độ của mình.” Henry Ford, nhà tư bản Mỹ
Hãy luyện tập nhìn cuộc đời theo cách của người khác để tránh gây mâu thuẫn.
5.3 Thay đổi những suy nghĩ tiêu cực
Bạn có khuyến khích và thúc đẩy bản thân như một nhà huấn luyện lãnh đạo thực thụ? Hay là bạn lại tự ép buộc, tự trừng phạt, tự trách cứ chính mình? Điều gì xảy ra khi bạn gặp phải một thử thách trong công việc? Bạn là người tiêu cực hay là tích cực?
Con người tiêu cực sẽ đưa ra một mục tiêu và sau đó nghĩ thế này: “Mình không đủ giỏi để hoàn thành nó” hay: “Rồi việc này cũng sẽ thất bại thôi.” Sau đây là một công cụ tuyệt vời để thay đổi những suy nghĩ thiếu tính xây dựng như vậy:
Hãy hình dung suy nghĩ tiêu cực của bạn giống như một hình ảnh.
- Hình ảnh đó sáng hay tối, có khung hay không có khung, nhỏ hay lớn, chuyển động hay đứng yên, có màu hay đen trắng? Bạn có ở trong bức tranh đó không?
- Hãy thay đổi bức tranh tiêu cực ấy. Làm cho hình ảnh nhỏ hơn và tối đi, rồi đẩy nó ra xa khỏi bạn, nếu nó có khung hãy vứt khung đi hay ngược lại. Hãy thử nghiệm nhiều cách.
Bạn sẽ thấy mình có những cảm xúc khác nhau về cùng một suy nghĩ tiêu cực khi bạn thay đổi cách nó được lưu trữ trong bộ nhớ tiềm thức. Việc làm một hình ảnh tiêu cực nhỏ đi, tối hơn và đẩy nó ra xa là một cách khá hiệu quả với nhiều người, giúp giảm sức ảnh hưởng của suy nghĩ đó.
Hãy làm điều ngược lại với những suy nghĩ tích cực. Hãy tạo ra trong tâm trí mình một hình ảnh cho suy nghĩ: “Tôi luôn làm được những gì mình muốn. Tôi có thể làm được.” Làm cho bức tranh trở nên lớn hơn, sáng sủa hơn và kéo nó lại gần phía bạn, bỏ khung hoặc thêm khung, thay đổi sắc màu, làm cho nó trở nên ấm áp và thân thiện hơn. Điều đó có hiệu quả không? Bạn đang cảm thấy thế nào?
“Với những ai biết tin, chẳng cần có bất kì chứng cớ nào. Với những người không chịu tin, chẳng có nổi bất kì chứng cớ nào”. Stuart Chase, nhà kinh tế học
Giảm tới mức tối thiểu những hình ảnh tiêu cực trong đầu bạn.
Tình huống: Eleanor cho hay: “Tôi luôn có một giọng nói ở trong đầu mình mỗi khi phải đứng lên và phát biểu trong cuộc họp của công ty. Trước kia tôi rất dễ hồi hộp. Rồi tôi nhận ra rằng sự ‘tự nói với mình’ thực sự là rất tàn nhẫn. Tôi nói với bản thân mình những điều kiểu như: “Mày chẳng hề giỏi trong việc này và mọi người thì đang cười vào mũi mày đấy.” Tôi tìm cách thay đổi điều này bằng cách trước hết là vặn nhỏ âm thanh xuống. Sau đó tôi thay đổi giọng nói ấy nữa, sao cho nó nghe hơi ngu xuẩn một chút, giống như một nhân vật hoạt hình đang nói vậy. Tôi tăng tốc độ của nó lên cho đến lúc không thể cảm thấy nghiêm túc nổi nữa, và dần dần biến giọng nói ấy trở nên thân thiện hơn. Giọng nói ấy trước kia nghe như thể nó vọng từ phía não bên trái, vậy nên tôi chuyển thành nó vang lên từ ngón chân cái của mình. Giờ thì tôi chỉ cười mỗi khi nó định cất lời với tôi!”
5.4 Thay khung
Một niềm tin chủ đạo trong NLP là tất cả các ý nghĩa đều ‘phụ thuộc vào hoàn cảnh’. Đây chỉ là một cách nói khác cho việc quan điểm của bạn sẽ thay đổi nếu bạn nhìn sự việc dưới một góc độ khác, nếu như góc nhìn của bạn được thay khung.
Đây là một ví dụ. Bạn dậy muộn vào một buổi sáng và lỡ chuyến tàu đi làm. Điều này có nghĩa là gì? Nó còn phụ thuộc vào việc ai đang xem xét sự tình. Nếu có một buổi họp quan trọng, có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng: “Điều này thật là tệ hại. Việc của mình hôm nay thế là hỏng cả.” Thế nhưng nếu như chuyến tàu lỡ có nghĩa là bạn tránh được một phải vụ tai nạn? Bạn sẽ nghĩ rằng: “Trời, thật là may mắn. Mình đúng là được ban phước.”
- Thay khung. Điều này cũng giống như việc thay khung cho một bức tranh. Khi bạn nhìn bức tranh qua một cái khung nhỏ, hay một cái khung lớn hơn hoặc là với một chiếc khung nhiều màu, bạn sẽ thấy bức tranh cũng khác đi. Chiếc khung mà bạn dùng với mọi việc sẽ thay đổi ý nghĩa của những sự việc đó bởi nó thay đổi khía cạnh mà bạn đang tập trung vào. Tự bản thân mọi thứ không có ý nghĩa. Chúng ta là người đem ý nghĩa tới cho chúng.
Nghĩ về những tình huống khó nhằn mà bạn đã gặp phải gần đây. Người khác sẽ phản ứng như thế nào nếu gặp phải tình huống đó? Có điều gì mà họ đã rút ra được nhưng bạn lại bỏ qua không?
- Không có tình huống nào là hoàn toàn tiêu cực. Chính bạn đã biến tình huống ấy trở thành tiêu cực. Nếu lựa chọn cách nhìn khác đi, bạn có thể tạo cho nó một ý nghĩa tích cực hơn. Bản thân sự kiện không gây ra những cảm xúc tiêu cực. Bạn mới là người gây ra những cảm xúc đó. Bằng cách thay đổi chiếc khung, bạn có thể tạo nên những cảm xúc tích cực hơn và những lựa chọn mới.
Làm thế nào để thay đổi điểm nhìn của bạn? Hãy thay đổi địa điểm, thời gian, tình huống của sự việc. Hãy tự hỏi: ý nghĩa của sự việc ấy liệu có khác đi không?
“Nếu tôi tin rằng mình có thể làm được một điều gì, tôi chắc chắn sẽ học lấy được khả năng để làm được việc đó, thậm chí dù rằng lúc đầu tôi không có được năng lực ấy.”
Mahatma Gandhi, anh hùng dân tộc Ấn Độ
Một phút suy ngẫm: “Mình quá là…” hay “Cậu ta quá là…”, “Mình ước gì mình có thể làm thứ này … hơn” là những lời phàn nàn về một ai đó trong một hoàn cảnh cụ thể. Hãy thay đổi góc nhìn của bạn bằng cách nghĩ xem những hành xử như vậy sẽ có hiệu quả ở đâu. Ví dụ : “Cậu ta quá nhạy cảm để có thể trở thành một nhà quản lý.” Vậy thì sự nhạy cảm ấy sẽ là hữu ích trong công việc gì?
Ý nghĩa phụ thuộc vào tình huống cụ thể, vì vậy nếu bạn không thích ý nghĩa của một thứ gì, hãy ‘thay khung’ cho nó.
5.5 Neo lại những cảm xúc tích cực
Bạn thấy đèn đỏ và tự động dừng xe. Bạn ngửi thấy một mùi gợi nhớ lại một ký ức tuổi thơ. Giọng nói của một ai đó kích thích một cảm xúc. Đây là ví dụ cho những mỏ neo ký ức trong tiềm thức.
Neo ký ức là một cách kết nối một cảm giác mạnh mẽ với một chất xúc tác về hình ảnh, âm thanh, xúc giác, mùi hay hương vị. Những chiếc mỏ neo như vậy có thể tồn tại trong nhiều năm. Mặc dù rất nhiều trong số đó tự nhiên mà thành, bạn cũng có thể tự tạo những chiếc mỏ neo với mục đích riêng nhằm đem đến những cảm giác tích cực mỗi khi bạn cần tới chúng. Những chiếc mỏ neo này được sử dụng rất thành công để đạt mục tiêu trong những lĩnh vực như thể thao hay kinh doanh.
- Đầu tiên hãy nghĩ tới một tình huống mà bạn muốn mình có cảm giác tích cực hơn. Việc nêu tên đích xác cảm giác đó sẽ là hữu ích nhất với bạn, ví dụ, nhiều quyền lực, niềm vui, hào hứng.
- Hãy nghĩ về một thời điểm nhất định trong quá khứ mà bạn đã có cảm giác tích cực ấy. Hãy đắm mình trong ký ức để có thể trải nghiệm nó một lần nữa.
- Trong lúc bạn thấy cảm xúc đang dâng lên cực điểm, siết chặt nắm tay của bạn lại. Đây chính là chiếc neo của bạn. Hãy giữ nó trong vòng một vài giây rồi thả ra.
- Làm lại bước 1-3 từ ba tới năm lần để trải nghiệm đi trải nghiệm lại cảm giác tích cực đó với một xúc cảm mạnh mẽ tương tự. Mỗi lần, hãy tăng cường độ của cảm giác đó lên.
- Tự phá vỡ sự tập trung và nghĩ về một điều gì đó khác trong giây lát.
- Giờ thì hãy thả chiếc neo ấy bằng nắm đấm hay bất kỳ chỗ nào mà bạn đã đặt chiếc neo.
- Bằng cách sử dụng những chiếc neo vật lý, bạn sẽ tự động có lại cảm giác mà bạn đã kết nối với nó. Giờ thì bạn đang cảm thấy thế nào?
Neo là một cách tạo cảm giác tích cực mỗi khi bạn cảm thấy cần có thêm năng lượng.
Tình huống: “Tôi sử dụng neo ký ức theo nhiều kiểu trong cùng một trường hợp huấn luyện,” Michelle nói. “Đầu tiên, cái cách mà tôi ăn mặc cũng giống như một loại neo vậy. Tôi sẽ mặc bộ đồ công sở đẹp nhất và đeo chiếc dây chuyền “hộ mệnh.” Tôi biết chúng thực ra chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng tôi có những cảm giác tốt đẹp nhờ chúng. Trong quá trình huấn luyện, tôi sử dụng các đồ vật, hình ảnh hay âm nhạc mà tôi biết chắc sẽ tạo cảm giác tích cực cho hầu hết mọi người. Nếu muốn họ cảm thấy thư giãn tôi sẽ bật nhạc cổ điển nhẹ nhàng. Sau đó nếu tôi cho rằng mọi người đang dần mất năng lượng, hứng thú, tôi sẽ chuyển sang loại nhạc nhanh, tiết tấu mạnh hơn. Ngay lập tức nó thay đổi trạng thái tinh thần của mọi người và khiến họ thêm tích cực. Nhưng có một thứ tôi không bao giờ để trong phòng là giấy ăn, bởi vì người ta thường tự động gắn liền giấy ăn với những cảm giác buồn đau khổ sở”.
5.6 Thay đổi ngôn ngữ
Cách bạn tự mô tả một tình huống trong đầu ảnh hưởng rất nhiều tới cảm giác của bạn về tình huống đó. Ngôn ngữ có sức mạnh rất lớn. Hãy nghĩ kỹ trước khi bạn nói. Bạn đang gửi cho bản thân thông điệp gì về chính bạn và thành công của bạn?
Tự nói với bản thân theo hướng tiêu cực sẽ có ảnh hưởng lớn lên cách bạn cảm nhận về bản thân. Hãy tưởng tượng bạn vừa đưa ra một lời chào hàng hiệu quả.
- Không tự tin. Bạn có thể sẽ tự nói với bản thân, “Mình chỉ may mắn thôi, điều này sẽ chẳng lặp lại được. Đây không phải là do mình. Chỉ là ăn may thôi. Hừm, đây sẽ là lần cuối cùng điều đó xảy ra.”
- Tự tin. Thay vào đó bạn sẽ nói, “Mình có thể lặp lại điều này và làm việc ngày một tốt hơn, tốt hơn nữa. Đây chính là con người mới của mình.”
Hoặc hãy tưởng tượng rằng bạn vừa mới nói chuyện với sếp của bạn và ông ta nói rằng bạn thực hiện một nhiệm vụ không được tốt như mong đợi.
- Không tự tin. “Mình lúc nào cũng tệ hại. Mình chẳng thế tiến bộ dù cho có làm bất kỳ điều gì. Đúng là mình mà.”
- Tự tin. “Điều này chỉ xảy ra một lần thôi. Lần tới mình sẽ làm tốt hơn. Đây không phải là mình thường ngày và lần tới mình sẽ thành công.”
Nếu nói chuyện với bản thân bằng những ngôn ngữ tiêu cực và mang tính phê phán, bạn sẽ tự tạo thêm suy nghĩ thiếu xây dựng cho chính bạn. Sự lặp lại còn có xu hướng củng cố thêm niềm tin, vì thế nếu bạn nói một điều gì đó đủ nhiều, nó sẽ dần trở thành một thói quen. Những niềm tin tiêu cực sẽ nuôi dưỡng hành xử tiêu cực và thu hút những trải nghiệm bất hạnh. Chẳng bao lâu, bạn sẽ có tới cả một ngân hàng những ký ức tiêu cực được hình thành, chúng là nguyên nhân khiến bạn nghĩ rằng những niềm tin đó là sự thực.
Bằng cách thay đổi cách nói với chính mình, bạn có thể đảo ngược quá trình, gây dựng những trải nghiệm tích cực mới để neo lại những cảm giác tích cực cho tương lai.
Thay đổi ngôn ngữ bạn sử dụng cho và về bản thân, rồi bạn sẽ thấy rằng chúng ảnh hưởng ngay tới việc cải thiện công việc của bạn.
“Nếu nhận ra suy nghĩ của mình có sức mạnh tới mức nào, bạn sẽ không bao giờ nghĩ một suy nghĩ tiêu cực nào nữa” Peace Pilgrim, nhà hoạt động vì hòa bình người Mỹ
Một phút suy ngẫm: Đây là một cách rất nhanh chóng giúp bạn chuyển hướng khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Ngay khi bạn nhận thức được suy nghĩ tiêu cực, hãy phá vỡ nếp nghĩ đó. Hãy ngắt suy nghĩ tự động bằng cách vỗ tay, huýt sáo, hay là cấu vào đùi mình. Bạn sẽ đánh lạc hướng được bản thân và phá vỡ được nếp suy nghĩ ấy.
Sử dụng ngôn ngữ tích cực để nói với chính bạn và củng cố thành công.
5.7 Đáp lại những chỉ trích theo hướng tích cực
Khả năng tách mình ra khỏi một tình huống là rất hữu dụng nếu bạn có xu hướng dễ bị xúc động trong công việc. Rất nhiều người thành công có khả năng tách mình hay phân thân khỏi những tình huống khó khăn, bao gồm những khi bị chỉ trích, phê phán.
Phân tách là một cách đưa bạn tránh xa khỏi những cảm xúc tiêu cực. Có hơn 2/3 số người phản ứng lại với sự phê phán bằng cách cảm thấy bi quan ngay lập tức. Cảm xúc của họ thường là khó chịu tới mức không thể đón nhận bất kỳ một thông tin hữu ích nào ngay lúc đó. Nếu bạn muốn được nghe những lời nhận xét một cách dễ chịu, hãy dùng cách phân tách mình. Lần tới khi cảm thấy phải nghe những thứ bạn không muốn, hãy làm theo phương pháp sau đây:
- Tưởng tượng ra việc bạn bước ra ngoài thân thể của mình, như thể bạn đang nhìn về chính bạn từ bên ngoài, như trong phim vậy. Bạn thậm chí có thể tưởng tượng ra mình đặt một tấm thủy tinh trong suốt giữa bạn và người kia.
- Ngay khi làm được điều này, bạn sẽ cảm thấy bản thân được tách ra, bình tĩnh hơn và thư giãn hơn.
- Khi đối phương nói chuyện với bạn, hãy giữ vai trò là một người quan sát. Tưởng tượng rằng những lời nói hiện ra ở cách xa bạn một cánh tay hay là một khoảng cách tương tự. Có lẽ là vọng lại từ một tấm kính nào đó?
- Khi bạn tách mình ra khỏi hoàn cảnh, hãy tạo một hình ảnh về những lời nhận xét kia trong đầu bạn. Giờ thì hãy so sánh hình ảnh trong đầu của bạn với hình ảnh của bất kỳ góc nhìn nào khác mà bạn có về tình huống ấy.
- Giờ thì bạn có thể xem xét lời phê bình với góc nhìn khác kia và tìm hiểu xem phần nào đối phương nói có lý. Nếu lời phê bình thực sự đúng, hãy nói: “Cảm ơn vì đã chỉ cho tôi rõ điều này.”
- Nếu lời phê bình khá mơ hồ, hãy yêu cầu thêm thông tin. Những ý kiến phản hồi hữu ích cần phải cụ thể.
- Hãy sử dụng thông tin trong lời phê bình để quyết định xem bạn sẽ hành xử khác ra sao trong tương lai.
Giờ thì bạn đã có khả năng trở nên khách quan trong bất kỳ tình huống nào. Đơn giản là tự tách mình ra khỏi cảm giác và bạn sẽ mạnh mẽ hơn nhiều khi biết học từ những lời phản hồi hay phê bình mà bạn chắc chắn sẽ gặp thường xuyên.
Một phút suy ngẫm: Đối ngược lại với phân tách là kết hợp. Để kết hợp, chỉ cần bạn đón nhận cảm xúc và làm như thể nó đang thực sự diễn ra với bạn. Dùng phương pháp này để có thể tưởng tượng ra những cách hành xử mới trong tương lai khi mà bạn áp dụng bất cứ thông tin hữu ích nào từ những ý kiến phản hồi mà bạn nhận được.
Tách biệt về mặt tinh thần ra khỏi những lời chỉ trích là một cách để sử dụng sự phê bình ấy như một phản hồi hữu dụng.
5.8 Trở thành huấn luyện viên thành công của chính bạn
Rất nhiều doanh nhân thành công đã nâng cao chất lượng làm việc và vươn tới những mục tiêu của họ bằng cách tự huấn luyện bản thân hướng tới thành công. Bất kỳ ai cũng có thể cải thiện công việc của họ bằng cách cải thiện chất lượng làm việc từng chút một đều đặn hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm.
Sự thành đạt trong lĩnh vực nào cũng có thể được chia nhỏ ra thành một chuỗi những bước tiến nhỏ trong một khoảng thời gian nhất định. Những nghiên cứu hiện thời cho biết, để trở thành một nhà lãnh đạo trong một lĩnh vực, thông thường cần tới hơn 10.000 giờ khổ luyện. Con số nghe lúc đầu tưởng chừng là rất nhiều, nhưng nếu chia nhỏ nó ra trong cả sự nghiệp, bạn sẽ thấy rằng nó chẳng thấm vào đâu để trở nên thành thạo trong ngành nghề của bạn.
Bạn có nhớ lúc mới bắt đầu học một cái gì đó không? Có thể là học lái xe ô tô chẳng hạn? Mới đầu thì có vẻ rất khó nhưng sau dần thì nó lại trở nên thật dễ dàng và in sâu vào tiềm thức tới nỗi giờ thì bạn chẳng hề nghĩ về nó như là một kỹ năng nữa. Hãy sử dụng cấu trúc đơn giản sau đây để quyết định xem bạn cần tập trung năng lượng vào việc gì:
- Mình có được những kết quả lâu dài và trước mắt cho sự nghiệp và công việc kinh doanh của mình không?
- Việc mà mình đang tập trung vào ngày hôm nay, tuần này, tháng này là gì?
- Điều gì mình có thể làm ngay bây giờ mà có ảnh hưởng to lớn nhất tới việc đạt được kết quả đó?
- Ngày hôm nay mình đã học được, hay có thể học được cái gì? Điều gì tạo nên khác biệt lớn nhất cho quá trình đạt được kết quả đó?
- Mình sẽ làm gì với những điều đã học được ngày hôm nay, tuần này, tháng này? Mình sẽ sử dụng một cách tích cực những điều vừa học được ở đâu và như thế nào?
- Mình có thể làm được những gì mới mẻ nữa? Điều gì sẽ có ảnh hưởng tích cực nhất tới kết quả mà mình mong muốn?
- Làm thế nào để mình đo đếm được tiến bộ của mình trên con đường đạt được kết quả?
“Gây dựng thành công từ thất bại. Sự nản lòng và thất bại là hai trong số những bàn đạp vững chắc nhất dẫn đến thành công.” Dale Carnegie, bậc thầy phát triển cá nhân
Một phút suy ngẫm: Tạo một bức tranh trong đầu về mục tiêu bạn đang hướng tới, kèm với những âm thanh và cảm giác. Nếu bạn đã cảm thấy được trong đầu mục tiêu cụ thể sẽ như thế nào khi bạn đạt được nó, tức là bạn đã sẵn sàng theo đuổi nó. Còn nếu như mục tiêu ấy mới chỉ là vài dòng viết ra xuề xòa trên một tờ giấy, vậy thì bạn chưa sẵn sàng đâu.
Bạn có thể tự huấn luyện bản thân tiến đến thành công qua nhiều ngày, nhiều tuần, và nhiều năm.
5.9 Hình mẫu thành đạt
Khi còn nhỏ có bao giờ bạn nghĩ xem mọi thứ sẽ ra sao nếu được trở thành một người mà bạn ngưỡng mộ không? Bạn có tưởng tượng xem điều mà họ đang nghĩ là gì không? Cách họ nhìn nhận thế giới khác biệt ra sao? Nếu muốn đạt được những thứ mà người khác đã đạt được, chúng ta cần phải suy nghĩ giống như họ.
NLP ra đời khi Richard Bandler và John Grinder học tập các hình mẫu, suy nghĩ giống như những nhà trị liệu tâm lý tài giỏi, nhằm tìm ra những yếu tố chủ chốt giúp họ đạt được kết quả tuyệt vời.
Bạn có thể áp dụng chính nguyên tắc này vào công việc kinh doanh. Nếu không biết cách làm một điều gì đó, bạn có thể học bằng cách bắt chước theo cách mà người khác đã làm.
Điều quan trọng là bạn chọn được một người thực sự tài giỏi làm hình mẫu.
- Trước hết hãy nghĩ về người mà bạn muốn học tập theo. Người này không nhất thiết phải là người quen của bạn. Bạn có thể chọn một nhân vật nổi tiếng xuất chúng nào đó.
- Hãy đặt mình vào vị trí của họ và tự hỏi: “Nếu mình là họ, mình sẽ nghĩ gì và tin vào điều gì về bản thân và về thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu mình có suy nghĩ như họ?” (Nếu biết người này, bạn có thể trực tiếp hỏi họ.)
- Hãy nghiên cứu cách hành xử, niềm tin, hệ giá trị, những lực thúc đẩy và hệ thống biểu tượng yêu thích của họ.
- Một vài trong số những suy nghĩ của hình mẫu có thể liên quan hoặc không liên quan tới thành công của bạn. Điều bạn cần là khám phá ra lối tư duy chủ chốt của con người đó, thứ đã tạo nên điểm khác biệt giữa tầm thường và thành công.
- Hãy xem xét từng suy nghĩ của người ấy, “Nếu mình không có được suy nghĩ này, liệu mình có đạt được kết quả tương tự không?” Nếu câu trả lời là ‘có’, bạn sẽ không cần đến nó. Nếu ‘không’ thì đó là lúc bạn cần học hỏi.
Một khi đã tìm ra những yếu tố quan trọng, bạn có thể học được niềm tin cùng lối tư duy và cách hành xử của họ.
“Trách nhiệm đặt lên vai những người có thể gánh vác được chúng; quyền lực rơi vào tay những người biết cách điều khiển chúng.” Elbert Hubbard, nhà văn Mỹ
Một phút suy ngẫm: Đây là một kỹ thuật hữu ích mà bạn có thể dùng với chính bạn – tìm ra nguyên nhân tại sao bạn đã thành công trong việc nào đó, để sau đó bạn tiếp tục có được kết quả tương tự trong những lĩnh vực khác. Hãy nghĩ về việc mà bạn đã làm tốt. Hãy tự hỏi xem bạn đã nghĩ gì về lĩnh vực này. Nó khác với tư duy của bạn ở những lĩnh vực khác trong công việc hay trong đời sống như thế nào?
Học tập thái độ và niềm tin từ những người thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.