Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm
Chương 3: Bạn Cũng Chẳng Đặc Biệt Lắm Đâu
Tôi từng quen một anh chàng; chúng ta cứ gọi anh ta là Jimmy cho tiện.
Jimmy luôn có rất nhiều các dự án đầu tư được thực hiện. Vào bất kỳ một ngày nào, nếu bạn hỏi anh ta rằng anh ta đang làm gì, anh ta sẽ bô lô ba la về những doanh nghiệp mà anh ta đang được mời làm cố vấn, hoặc anh ta sẽ diễn giải về một ứng dụng y tế đầy tiềm năng mà anh ta đang tìm kiếm nhà đầu tư tốt bụng, hoặc anh ta sẽ kể lể về một sự kiện từ thiện nào đó mà anh ta làm khách mời quan trọng, hay là anh ta đang có ý tưởng về một loại bơm xăng cải tiến nào đó sẽ mang lại cho anh ta hàng tỷ đô. Anh chàng luôn di chuyển, luôn bận bịu, và nếu như bạn dành cho anh ta vài phút thường đàm trong ngày, anh ta sẽ đè bẹp bạn về việc công việc của anh ta có tầm ảnh hưởng lớn tới thế giới như thế nào, những ý tưởng mới của anh ta xuất sắc ra sao, và bạn có cảm tưởng như thể mình đang nói chuyện với một phóng viên đưa tin vậy.
Jimmy lúc nào cũng lạc quan hết. Luôn thúc mình hướng về phía trước, luôn luôn làm việc theo một góc độ – một kẻ dám nghĩ dám làm thực thụ, điều này có nghĩa là cái quái gì đây?
Vấn đề là Jimmy cũng còn là một gã vô công rồi nghề nữa – chỉ có nói mà không có làm. Lãng phí thời gian và tiêu hầu hết tiền bạc vào các quán bar và những nhà hàng sang trọng và khoe khoang về những “ý tưởng kinh doanh”, Jimmy là một cái cây tầm gửi chuyên nghiệp, anh ta bòn rút những đồng tiền mồ hôi nước mắt của gia đình bằng cách quay tròn họ cũng như mọi người trong thành phố với những ý tưởng sai lầm về tương lai sáng lạn của ngành công nghệ. Vầng, đôi khi anh ta cũng có biểu hiện cố gắng, hay cầm điện thoại lên mà lạnh lùng điểm danh một vài nhân vật quan trọng hay một cái tên ngẫu nhiên cho tới khi không còn cái tên nào để gọi nữa, nhưng không có gì thực sự diễn ra cả. Không có “kế hoạch đầu tư” nào trong số đó lại đơm hoa kết thành bất kỳ một loại trái nào hết.
Vâng, anh chàng vẫn tiếp tục như vậy trong nhiều năm, sống nhờ vào bạn gái và ngày càng nhiều những người bà con xa trong những năm hai mươi tuổi. Và điều khó chịu nhất chính là Jimmy cảm thấy hài lòng về điều đó. Anh ta có một mức độ ảo tưởng nhất định về sự tự tin. Những ai chê cười hay dập điện thoại trước mặt anh ta, trong tư tưởng của anh ta, là những kẻ “bỏ lỡ cơ hội đời mình.” Những ai thách thức anh ta về những ý tưởng kinh doanh huyễn hoặc của mình đều là những kẻ “quá dốt nát và non nớt” nên mới không hiểu được các ý tưởng của anh ta. Những người chỉ trích lối sống lười biếng của anh ta là những kẻ GATO; những kẻ “căm ghét” ghen tị với thành công của anh ta.
Jimmy quả thật có kiếm được chút tiền, mặc dầu thường không theo nghĩa thô sơ nhất, bằng việc bán các ý tưởng kinh doanh của người khác dưới cái mác của mình, hay lừa bịp một khoản vay từ ai đó, hoặc còn tệ hơn, thuyết phục người khác cho anh ta làm cổ đông trong một dự án khởi nghiệp. Anh ta còn thỉnh thoảng thuyết phục được người ta trả tiền để anh ta phát biểu trong các buổi diễn thuyết. (Về chủ đề gì, thì tôi cũng chịu thôi.)
Phần tệ hại nhất là Jimmy tin vào chuyện nhảm nhí của anh ta. Ảo tưởng của anh ta có khả năng chống can nhiễu từ bên ngoài, thành thật mà nói thì không thể tức giận với anh ta được, bởi vì mọi cái về anh ta thực sự quá hấp dẫn.
Vào khoảng những năm 1960, việc phát huy “lòng tự tôn” – có suy nghĩ và cảm nhận tích cực về bản thân – trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người mà đánh giá cao về bản thân mình thường có biểu hiện tốt hơn và ít gặp phải các vấn đề hơn. Rất nhiều nhà nghiên cứu và cả những người làm chính sách vào thời đó đã tin rằng việc nuôi dưỡng lòng tự tôn của dân chúng sẽ mang tới những lợi ích vô giá cho xã hội: tỉ lệ phạm tội thấp hơn, cải thiện kết quả học tập, nâng cao chất lượng lao động, giảm thiểu sự thâm hụt ngân sách. Kết quả là, kể từ thập kỷ tiếp theo, những năm 1970, việc tập luyện để nâng cao lòng tự tôn bắt đầu được truyền đạt cho các bậc phụ huynh, được nhấn mạnh bởi các chuyên gia tư vấn, các nhà chính trị, và các giáo viên, và được đưa vào các chương trình giáo dục. Ví dụ như, tình trạng nâng điểm, được thiết lập để giúp những đứa trẻ có thành tích kém cảm thấy dễ chịu hơn về sự kém cỏi của mình. Các giải thưởng dành cho người tham dự và những kỷ niệm chương được tạo ra cho bất cứ hoạt động thông thường nào. Trẻ con được giao các loại bài tập ngớ ngẩn, kiểu như hãy liệt kê tất cả các lý do vì sao chúng cho rằng chúng là đặc biệt, hãy miêu tả năm điều mà chúng thích nhất về bản thân. Mục sư và cha xứ nói với giáo dân của mình rằng mỗi người trong số họ đều là một cá nhân đặc biệt trong con mắt của Chúa, và được định sẵn để trở nên xuất sắc, chứ không phải là những kẻ tầm thường. Các buổi hội thảo về kinh doanh và động cơ thúc đẩy cũng xoáy sâu vào câu thần chú ngược đời ấy: mỗi người trong số chúng ta đều có thể trở nên đặc biệt và thành công rực rỡ.
Nhưng từ những thế hệ sau này và cả từ các số liệu thống kê mà ta thấy được rằng: tất cả chúng ta không phải đều đặc biệt cả. Nó cho thấy rằng chỉ cảm thấy tốt đẹp về bản thân thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả trừ khi bạn có được một lý do tốt để cảm nhận tốt đẹp về mình. Nó cho thấy rằng những tai họa và thất bại thực ra cũng có ích và thậm chí còn cần thiết để phát triển thành những người trưởng thành có ý chí và thành công. Nó cho thấy rằng việc giáo dục con người tin rằng họ đặc biệt và cảm thấy tốt đẹp về bản thân dù có thế nào đi nữa cũng không dẫn tới được một dân số đầy những Bill Gates[16] và Martin Luther Kings[17]. Mà nó dẫn tới một xã hội đầy những Jimmy.
Jimmy, thằng cha sáng lập dự án khởi nghiệp hoang tưởng. Jimmy, kẻ hút cần mỗi ngày và không có bất cứ một kỹ năng thị trường thật sự nào ngoài chém gió và tin vào điều đó. Jimmy, loại người sẽ gào vào mặt đối tác kinh doanh của mình là “măng non”, và sau đó thì quẹt thẻ hết số tiền của công ty vào Le Bernardin[18] nhằm cố gây ấn tượng với một em mẫu Nga nào đó. Jimmy, anh chàng sớm không còn ông chú hay bà dì nào đồng ý cho vay tiền nữa.
Vâng, cái anh chàng Jimmy đầy tự tin và tự tôn ấy đấy. Cái anh chàng Jimmy đã dành không biết bao nhiêu là thời gian để giãi bày về việc anh chàng hoành tráng ra sao mà quên mất, bạn biết đấy, cần thực sự làm gì đó.
Vấn đề đối với khuynh hướng tự tôn là nó đo lường sự tự tôn bằng việc một người cảm nhận tích cực như thế nào về bản thân mình. Nhưng thước đo đúng đắn và chính xác về giá trị của một con người là người đó cảm thấy như thế nào về những khía cạnh tiêu cực của bản thân họ. Nếu một người như Jimmy cảm thấy toẹt vời ông mặt trời trong khoảng 99,9% thời gian, mặc kệ cuộc đời anh ta đang be bét hết cả, thì làm sao mà nó lại là một thước đo chính xác về một cuộc sống thành công và hạnh phúc được?
Jimmy đã tự ban cho mình đặc quyền. Cho nên, anh ta cảm thấy anh ta xứng đáng với những điều tốt đẹp dù không thực sự làm ra chúng. Anh ta tin rằng anh ta có quyền được giàu có mà không cần phải thực sự làm gì cả. Anh ta tin rằng mình nên được yêu thích và thân cận dù chẳng thực sự giúp đỡ ai hết. Anh ta tin rằng anh ta nên có một lối sống thú vị mà không cần phải thực sự hi sinh điều gì.
Những người giống như Jimmy trở nên quá đỗi ám ảnh với việc cảm thấy tốt đẹp về bản thân nên họ cố gắng huyễn hoặc mình rằng họ đang đạt được những thành tựu vĩ đại cho dù thực tế không phải vậy. Họ tin rằng họ là người dẫn chương trình xuất chúng trên sân khấu trong khi thực ra họ đang tự biến mình thành một trò hề. Họ tin rằng họ là nhà khởi nghiệp thành công, nhưng thực ra, họ chưa từng có một dự án kinh doanh thành công nào cả. Họ tự gọi mình là huấn luyện viên cuộc sống và thu tiền khi hỗ trợ những người khác, dù họ mới chỉ có hai mươi nhăm tuổi và chưa thực sự đạt được điều gì thực chất trong đời.
Ở những người tự cho mình đặc quyền đều rỉ ra một mức độ ảo tưởng nhất định về sự tự tin. Sự tự tin này có thể đầy mê hoặc đối với những người khác, ít nhất là trong một thời gian. Trong một số trường hợp, mức độ ảo tưởng của người tự cho mình đặc quyền có thể có tính lan truyền và giúp những người xung quanh cũng cảm thấy tự tin về bản thân. Mặc cho tất cả những hành vi thái quá của Jimmy, tôi phải thừa nhận rằng đôi lúc khá là vui khi ở bên anh ta. Bạn sẽ cảm thấy mình bất bại khi ở bên anh ta.
Nhưng vấn đề đối với việc tự cho đặc quyền nằm ở chỗ nó khiến người ta cần phải cảm thấy tốt đẹp về bản thân vào mọi lúc, ngay cả khi phải trả giá bằng những người bên cạnh họ. Và bởi vì những người tự cho mình đặc quyền luôn cần phải cảm thấy tốt đẹp về bản thân, thành ra họ dành hầu hết thời gian của mình vào việc nghĩ về bản thân. Rốt cuộc, nó ngốn rất nhiều năng lượng và công sức để thuyết phục bản thân bạn rằng đống phân của bạn thật thơm, đặc biệt là khi bạn lại còn sống trong nhà vệ sinh nữa chứ.
Một khi người ta đã phát triển lối suy nghĩ để luôn nhìn nhận những gì diễn ra xung quanh mình như là một sự tự phóng đại, rất khó để kéo họ ra khỏi đó. Bất kỳ một nỗ lực nào nhằm lý giải cho họ hiểu đều bị xem đơn giản như là một “mối đe dọa” khác đối với sự ưu việt của họ đến từ một người mà “không thể chấp nhận” sự thông minh/tài năng/đẹp đẽ/thành công của họ.
Sự tự cho mình đặc quyền kết thúc theo một kiểu bong bóng tự yêu mình, bóp méo bất cứ thứ gì và mọi thứ theo một cách mà củng cố cho nó. Những người tự cho mình đặc quyền nhìn nhận mọi sự kiện trong cuộc đời họ như một sự khẳng định của, hoặc như một sự đe dọa tới, sự vĩ đại của bản thân. Nếu có chuyện tốt xảy đến với họ, đó là bởi vì sự tài ba của họ mà dành được. Nếu chuyện xấu xảy ra, thì đó là bởi có kẻ ghen tị và hãm hại họ. Sự tự cho mình đặc quyền là không thể thẩm thấu. Những người tự cho mình đặc quyền thuyết phục bản thân tin vào bất kỳ thứ gì nuôi dưỡng cái cảm giác ưu việt của họ. Họ giữ cho bề mặt tinh thần vững vàng bằng mọi giá, dù cho đôi khi nó đòi hỏi việc bạo hành về thể xác hoặc tinh thần những người xung quanh.
Nhưng sự tự cho mình đặc quyền là một chiến lược sai lầm. Đó không phải là hạnh phúc.
Thước đo thực sự của giá trị bản thân không phải là việc một người cảm thấy như thế nào về những trải nghiệm tích cực của mình, mà là về những trải nghiệm tiêu cực. Một người như Jimmy lẩn tránh những vấn đề của anh ta bằng cách tưởng tượng ra hình ảnh thành công của chính mình ở mọi góc độ. Và bởi vì anh ta không thể đối mặt với những vấn đề của chính mình, dù anh ta có cảm thấy bản thân mình tốt đẹp ra sao đi nữa, thì anh ta vẫn là kẻ yếu ớt.
Một người mà có lòng tự trọng cao là người có thể nhìn nhận một cách thẳng thắn vào những phần tiêu cực trong tính cách của mình – “Ừ, đôi khi tôi thật thiếu trách nhiệm với tiền bạc,” “Vâng, đôi khi tôi có phóng đại thành công của mình,” “Vâng, tôi phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của người khác và đáng lý ra nên tự lập hơn” – và sau đó bắt tay vào cải thiện chúng. Nhưng còn ở những người tự cho mình đặc quyền, bởi vì họ không có khả năng nhận biết các vấn đề của chính mình một cách cởi mở và thành thật, nên họ cũng không có khả năng cải thiện cuộc đời mình theo một cách bền vững và có ý nghĩa. Họ chỉ biết đuổi theo hết sự hưng phấn này đến sự hưng phấn khác và tích tụ ngày càng nhiều sự chối bỏ.
Nhưng rồi một lúc nào đấy thực tại cũng sẽ ập đến, và các vấn đề ẩn giấu sẽ hiện ra rõ ràng. Chỉ còn là câu hỏi cho khi nào, và nó sẽ đau đớn nhường nào.
Mọi việc trở nên tồi tệ
Tôi đang ngồi trong lớp học môn sinh vật lúc 9:00 sáng, tay chống đầu khi tôi nhìn vào cái đồng hồ, mỗi một tích tắc đồng điệu với tiếng giảng bài đều như tụng kinh của ông thầy về nhiễm sắc thể với chả sự phân bào có lông. Giống mọi đứa nhóc mười ba tuổi chết dí trong cái lớp học ngột ngạt, sáng ánh đèn huỳnh quang khác, tôi thấy chán ốm.
Có tiếng gõ cửa. Thầy Price, thầy hiệu phó, thò đầu vào. “Xin lỗi vì đã quấy rầy. Mark, trò ra ngoài này với thầy một lát được không? À, trò mang đồ của mình theo nhé.”
Quái lạ, tôi thầm nghĩ. Bọn học trò đi gặp giáo viên thì đúng rồi, nhưng hiếm khi nào giáo viên đến tận nơi gặp chúng nó. Tôi thu thập đồ đạc và ra khỏi phòng học.
Hành lang trống trơn. Hàng trăm cái ngăn tủ cá nhân kéo dài bất tận. “Mark, trò dẫn thầy ra chỗ tủ cá nhân của trò nhé?”
“Vâng ạ,” tôi trả lời, và bò dọc hành lang, quần jean túi hộp và đầu tóc bù xù và cái áo phông in hình ban nhạc Pantera[19] rộng thùng thình.
Chúng tôi tới chỗ ngăn tủ cá nhân của tôi. “Làm ơn mở nó ra,” thầy Price bảo; và tôi làm theo. Thầy bước lên trước mặt tôi và thu thập áo khoác, túi thể thao, ba lô của tôi – mọi thứ ở trong ngăn tủ, ngoại trừ vài quyển sách và mấy cái bút chì. Thầy bắt đầu bước đi. “Hãy đi theo thầy,” thầy nói, mà không thèm nhìn lại. Tôi bắt đầu cảm thấy không ổn.
Tôi theo thầy vào văn phòng, nơi thầy bảo tôi ngồi xuống. Thầy đóng cửa và khóa lại. Thầy đi tới bên cửa sổ và buông rèm xuống. Lòng bàn tay tôi bắt đầu đổ mồ hôi. Đây không phải một buổi gọi lên văn phòng bình thường rồi.
Thầy Price ngồi xuống và lẳng lặng xem xét đồ đạc của tôi, kiểm tra các ngăn túi, kéo mở khóa, giũ tung đống quần áo thể dục của tôi và vứt chúng xuống nền nhà.
Không thèm nhìn tôi, thầy Price hỏi, “Trò có biết thầy đang tìm cái gì không hả Mark?”
“Dạ, không.”
“Ma túy.”
Lời thầy làm tôi phát hoảng.
“M-ma túy ấy ạ?” tôi lắp bắp. “Loại nào cơ ạ?”
Thầy nhìn tôi nghiêm khắc. “Thầy không biết; thế trò có loại nào?” Thầy mở một trong những túi đựng tài liệu và kiểm tra những cái ngăn nhỏ dùng đựng bút.
Mồ hôi tôi lan ra theo tốc độ của loài nấm. Nó lan từ lòng bàn tay tôi đến cánh tay và giờ là cái cổ. Thái dương tôi giật giật khi máu dồn lên não và mặt tôi. Giống mọi đứa nhóc mười ba tuổi mới vừa bị buộc tội tàng trữ ma túy và mang chúng tới trường học, tôi chỉ muốn bỏ chạy và trốn đi đâu đó.
“Em không hiểu thầy nói gì cả,” tôi chống chế, giọng tôi nghe có vẻ nhu mì hơn so với mong muốn. Tôi cảm thấy lúc này mình nên thể hiện sự tự tin trong giọng nói thì tốt hơn. Hoặc cũng có thể không. Có lẽ tôi nên tỏ ra sợ hãi. Thường thì người ta sẽ sợ hãi hay là tự tin khi nói dối nhỉ? Bởi vì dù giọng nói của tôi có ra sao đi nữa, tôi cũng muốn nó có hiệu quả ngược lại. Tuy nhiên, tôi thiếu mất yếu tố tự tin, tôi không tự tin về giọng nói thiếu tự tin của tôi khiến tôi càng thiếu tự tin hơn. Cái Vòng Lặp Địa Ngục khốn nạn.
“Để xem,” thầy nói, chuyển sự chú ý sang cái ba lô của tôi, nó dường như có tới hàng trăm cái ngăn vậy. Mỗi một ngăn đều chứa những ước nguyện ngớ ngẩn của tuổi xì tin – bút màu, mấy lá thư cũ rích được truyền tay trong lớp học, những chiếc CD đầu thập niên 90 bị vỡ vỏ, bút dấu dòng, một quyển vở vẽ cũ với rất nhiều trang bị xé ra, bụi bẩn và vải xô và hàng đống thứ rác rưởi chất đầy trong suốt thời cấp hai điên rồ.
Mồ hôi của tôi tuôn ra với tốc độ ánh sáng, bởi vì thời gian tự nó kéo dài và nở ra theo cách chỉ có vài giây kể từ lúc 9:00 sáng. Chiếc đồng hồ sinh học tính theo đơn vị giây giờ đây như thể đi vào thời kỳ đồ đá, và tôi đang lớn lên và chết đi trong từng phút. Chỉ có tôi và thầy Price và cái ba lô không đáy của mình.
Vào một thời điểm nào đấy trong Kỷ đồ đá, thầy Price hoàn tất việc lục lọi ba lô của tôi. Chẳng tìm thấy được gì, thầy có vẻ bối rối. Thầy dốc ngược ba lô lại và làm cho tất cả đồ của tôi rơi xuống nền nhà. Thầy lúc này cũng đổ mồ hôi như tắm giống tôi, ngoại trừ thay cho sự hoảng loạn của tôi, là cơn giận dữ của thầy.
“Hôm nay không có ma túy à?” Thầy cố gắng nói thật bình thường.
“Không ạ.” Tôi cũng vậy.
Thầy trải đống đồ của tôi ra, tách rời từng thứ và chất chúng thành từng đống nhỏ bên cạnh đồ tập thể dục của tôi. Cái áo khoác và ba lô của tôi giờ trống trơn và chết lặng trên đùi thầy. Thầy thở dài và nhìn chăm chăm vào tường. Giống như mọi thằng nhóc mười ba tuổi khác bị nhốt trong văn phòng cùng với một người đàn ông đang giận dữ và ném toàn bộ đồ đạc của nó xuống nền nhà, tôi chỉ muốn khóc.
Thầy Price kiểm tra lại các thứ đồ đã được phân loại trên sàn nhà. Chẳng có gì là trái phép hay bất hợp pháp, không chất kích thích, mà còn chẳng có gì đi ngược lại với nội quy trường học nữa cơ. Thầy thở dài và rồi cũng ném luôn cả cái áo khoác và ba lô xuống sàn nhà. Thầy cúi xuống và chống hai khuỷu tay lên đầu gối, cái mặt thầy ngang bằng với mặt tôi.
“Mark, tôi sẽ cho trò cơ hội thành thật cuối cùng với tôi. Nếu trò nói thật, thì chuyện này sẽ nhẹ nhàng với trò hơn rất nhiều. Nếu như mà trò nói dối, thì mọi thứ sẽ tệ lắm đấy.”
Như thể được gợi ý, tôi nuốt khan.
“Nào, hãy nói thật cho tôi biết,” thầy Price yêu cầu. “Hôm nay trò có mang ma túy đến trường không hả?”
Cố kìm nước mắt, và tiếng thét nơi cổ họng, tôi nhìn vào mặt người hành hạ tôi, bằng giọng nài xin, chỉ mong sao được thoát khỏi cơn ác mộng tuổi niên thiếu này, tôi trả lời, “Không ạ, em không có ma túy nào hết cả. Em không hiểu thầy đang nói cái gì cả.”
“Được rồi,” thầy nói, cho thấy sự nhượng bộ. “Tôi nghĩ là trò có thể thu thập đồ đạc của mình và đi được rồi.”
Thầy nhìn lần cuối vào cái ba lô xẹp lép đang nằm trên sàn nhà của tôi, nằm đó như một lời hứa bị phá vỡ trên nền nhà trong văn phòng thầy. Thầy tự nhiên đặt một chân lên cái ba lô, giẫm nhẹ, một nỗ lực cuối cùng. Tôi lo lắng chờ thầy đứng lên và rời đi để tôi có thể tiếp tục sống đời mình và lãng quên cơn ác mộng này.
Nhưng bàn chân thầy dừng lại trên thứ gì đó. “Cái gì đây?” thầy hỏi, giậm giậm chân.
“Cái gì là cái gì ạ?” tôi nói.
“Vẫn còn có gì đó ở đây.” Thầy ấy nhặt cái ba lô lên và bắt đầu sờ nắn xung quanh phần đáy. Với tôi căn phòng trở nên mờ nhạt; mọi thứ trở nên lung lay.
Khi mà tôi còn nhỏ, tôi là một đứa thông minh. Tôi thân thiện với chúng bạn. Nhưng tôi cũng là một thằng đần. Tôi miêu tả điều này theo một cách dễ chịu nhất có thể. Tôi là một thằng nhóc nổi loạn, đần độn dối trá. Cau có và đầy oán giận. Khi tôi mới mười hai tuổi, tôi phá hoại hệ thống an ninh nhà mình với cái nam châm tủ lạnh để có thể chuồn ra khỏi nhà vào giữa đêm mà không bị phát hiện. Bạn tôi và tôi sẽ cài cái xe ô tô của mẹ nó về số mo và đẩy nó ra ngoài đường để chúng tôi có thể lái xe loanh quanh mà không bị mẹ nó bắt quả tang. Tôi sẽ viết bài luận về việc nạo phá thai bởi tôi biết giáo viên môn tiếng Anh của mình là một con chiên ngoan đạo. Một thằng bạn khác và tôi từng ăn trộm thuốc lá của mẹ nó và bán lại cho bọn bạn ở phía sau trường học.
Và tôi cũng cắt ra một ngăn ở đáy cái ba lô để giấu đống cỏ của tôi
Đó chính là cái ngăn kín mà thầy Price tìm thấy sau khi giẫm chân lên đống cần sa tôi đã giấu. Tôi đã nói dối. Và như đã hứa, thầy Price không để cho chuyện này được trôi qua dễ dàng. Vài giờ sau đó, như bất kỳ một đứa nhóc mười ba tuổi nào khác bị còng tay trên băng ghế sau của chiếc xe cảnh sát, tôi nghĩ rằng đời mình thế là hết.
Và theo nghĩa nào đó, tôi đã đúng. Bố mẹ cấm túc tôi ở trong nhà. Tôi không được chơi với bạn bè gì hết. Tôi bị đuổi học, tôi phải tự học ở nhà cho đến hết năm đó. Mẹ tôi bắt tôi cắt tóc và ném hết mấy cái áo phông in hình Marilyn Manson[20] và Metallica[21] vào sọt rác (mà, vào thời điểm năm 1998 đối với một đứa trẻ vị thành niên mà nói, thì chẳng khác gì là bị xử tử cả). Bố tôi lôi tôi tới văn phòng của ông vào các buổi sáng và bắt tôi sắp xếp giấy tờ cho ông suốt cả thời gian ấy. Khi thời gian tự học kết thúc, tôi bị đưa vào học trong một ngôi trường Đạo tư thục nhỏ, nơi mà – và có thể điều này không làm bạn ngạc nhiên – tôi không tài nào hòa hợp được.
Và khi mà cuối cùng rồi tôi cũng xóa sạch được vết nhơ của mình và chấp nhận các nhiệm vụ và học được giá trị tốt đẹp của trách nhiệm làm thư ký, thì bố mẹ tôi ly dị.
Tôi kể cho bạn nghe tất cả những điều này chỉ để chỉ ra rằng cuộc sống của tôi khi còn là vị thành niên thật tệ hại. Tôi mất hết toàn bộ bạn bè, cộng đồng, những quyền hợp pháp, và cả gia đình mình chỉ trong vòng chín tháng. Chuyên gia tư vấn tâm lý của tôi trong những năm tôi hai mươi tuổi sau này gọi đó là “một ca chấn thương thật c*t,” và tôi đã dành cả hơn mười năm trời để cố gắng tháo gỡ nó và trở nên ít ám ảnh về bản thân hơn, bớt châm chọc bản thân hơn.
Vấn đề đối với cuộc sống gia đình tôi khi đó không hẳn toàn là những điều tệ hại được nói và làm; thay vì vậy, nó liên quan tới những điều tệ hại đáng lý ra nên được nói và làm mà lại không được thực hiện. Gia đình tôi đã ngăn chặn chúng theo kiểu mà Warren Buffett[22] làm ra tiền hay giống như Jenna Jameson làm tình vậy: chúng tôi là những nhà vô địch về việc ấy. Ngôi nhà có thể đã bốc cháy nhưng chúng tôi vẫn cứ khăng không, “Ô không, mọi thứ vẫn ổn cả. Có thể là ở đây hơi ấm một tí thôi – nhưng mà thực ra, mọi thứ vẫn ổn.”
Khi cha mẹ tôi ly dị, không có chuyện bát rơi đĩa vỡ, không đóng sầm cửa lại, không có chửi bới thét gào về việc ai ngủ với ai hết. Khi họ thông báo với anh trai và tôi rằng đấy không phải là lỗi của chúng tôi, gia đình tôi đã có một buổi Hỏi và Đáp với nhau – vâng, bạn đọc đúng rồi đấy – về những việc cần chuẩn bị cho sự sắp xếp một cuộc sống mới. Không có giọt nước mắt nào rơi hết. Không một lời qua tiếng lại. Điểm gần nhất mà anh em tôi tiếp cận được tới sự giãi bày của ba mẹ là câu nói, “Không có ai lừa dối ai hết.” Ồ, cũng tốt thôi. Có thể trong phòng hơi có chút nóng thật, nhưng mọi thứ đều ổn cả.
Cha mẹ tôi đều là người tốt. Tôi không hề oán trách họ vì điều này (ít ra là hiện nay tôi không còn nữa). Và tôi rất yêu thương họ. Họ có những câu chuyện và những cuộc hành trình và những vấn đề của riêng mình, cũng giống như các bậc cha mẹ khác. Và cũng giống như cha mẹ họ, và cha mẹ của cha mẹ họ nữa. Và giống như tất cả các cặp cha mẹ khác, cha mẹ tôi, với những mục đích tốt đẹp nhất, truyền đạt lại một phần các vấn đề của họ lại cho tôi, cũng giống như điều tôi sẽ làm với con cái mình.
Khi mà một “nỗi đau thật c*t” như vậy ập đến trong cuộc đời chúng ta, chúng ta bắt đầu cảm thấy một cách vô thức rằng chúng ta không có khả năng để giải quyết chúng. Và sự thừa nhận về sự bất lực trong việc giải quyết các vấn đề khiến chúng ta cảm thấy đau khổ và vô dụng.
Nhưng nó cũng gây ra cả những việc khác nữa. Nếu như ta có những vấn đề không được giải quyết, tiềm thức của chúng ta sẽ cho rằng chúng ta đặc biệt tài giỏi hoặc đặc biệt bất tài theo một cách nào đó. Rằng chúng ta có gì đó khác với những người khác và các quy luật sẽ phải khác biệt đối với chúng ta.
Hay nói một cách đơn giản là: chúng ta trở nên tự cho mình đặc quyền.
Tổn thương từ thời niên thiếu đã dẫn tôi tới con đường gắn liền với rất nhiều việc diễn ra trong thời thanh niên của tôi. Nếu như Jimmy cho mình cái đặc quyền được chơi bời trong thế giới kinh doanh, nơi mà anh ta giả vờ là một kẻ thành công vĩ đại, thì tôi lại cho mình đặc quyền trong các mối quan hệ, đặc biệt là với phụ nữ. Bi kịch của tôi xoay quanh sự gần gũi và chấp thuận ở mọi thời điểm. Và kết quả là, tôi bắt đầu theo đuổi đám đàn bà con gái theo đúng như cái cách mà một kẻ nghiện việc nặn ra thằng người tuyết từ cocaine: tôi kiến tạo một tình yêu ngọt ngào, và rồi đâm ra ngạt thở trong chính cái thứ tình cảm ấy.
Tôi đâm ra thành một tay chơi – một tay chơi non nớt, ích kỷ, mặc dù đôi khi cũng đầy hấp dẫn. Và tôi lao vào hàng loạt những mối quan hệ hời hợt và thiếu lành mạnh trong gần chục năm liền.
Cũng không phải là tôi thèm khát tình dục gì cho lắm, dù chuyện ấy thì đúng là cũng tuyệt thật. Mà vấn đề nằm ở chỗ sự công nhận. Tôi được mong đợi; tôi được yêu; lần đầu tiên mà tôi còn nhớ được, tôi được thừa nhận. Niềm khao khát được thừa nhận trong tôi nhanh chóng trở thành một thói quen về mặt tâm lý của sự tự đề cao và nuông chiều. Tôi thấy mình được quyền nói hay làm bất cứ điều gì mình muốn, được lạm dụng niềm tin của người khác, được bỏ qua cảm nhận của người khác, và sau đó thì sửa chữa với những lời xin lỗi rác rưởi, vờ vịt.
Trong khi quãng thời gian ấy cũng có những lúc đầy vui vẻ và hứng khởi, và tôi thật sự đã gặp được vài người phụ nữ tuyệt vời, nhưng cuộc đời tôi chẳng khác gì một cái giẻ rách. Tôi thường không có công ăn việc làm, ngủ nhờ trong phòng khách của bạn bè hay nhà mẹ, uống bia rượu nhiều hơn mức cho phép, xa rời một số bạn bè – và khi mà tôi gặp được người con gái mà tôi thật sự thích, việc chỉ quan tâm tới bản thân đã nhanh chóng hủy hoại mọi thứ.
Càng đau đớn, thì chúng ta lại càng cảm thấy bất lực trước các vấn đề của chính mình, và chúng ta lại càng cho phép mình được làm cân bằng trước những vấn đề đó. Sự cho phép này được diễn ra theo hai cách:
1. Chỉ có tôi là tài giỏi còn mấy người thì toàn là đồ bỏ, tôi xứng đáng được đối xử đặc biệt.
2. Tôi là đổ bỏ và các vị đều xuất sắc cả, tôi xứng đáng được đối xử đặc biệt.
Dù hai tư tưởng này có vẻ như hoàn toàn đối lập, nhưng về bản chất chúng đều chứa đựng sự ích kỷ cả. Thực ra, bạn sẽ nhận thấy những người tự cho mình đặc quyền đã chạy qua chạy lại giữa hai thứ ấy. Họ có thể đứng trên cả thế giới hoặc cả thế giới đứng trên họ, tùy thuộc vào ngày nào trong tuần, hoặc công việc của họ đạt kết quả ra sao với thứ gây nghiện tại thời điểm đó.
Mọi người thường đánh giá chính xác một người như Jimmy là một thằng thộn tự yêu mình thái quá. Đó là bởi anh ta thường hay om sòm về sự tự đại đầy ảo tưởng của mình. Điều mà hầu hết mọi người không nhìn thấy ở sự tự cho mình đặc quyền là những người luôn luôn cảm thấy như thể họ thua kém hay vô giá trị trong thế giới này.
Bởi vì nhìn nhận mọi thứ trong đời sống như thể bạn luôn làm nạn nhân đòi hỏi cũng nhiều sự ích kỷ như điều ngược lại. Việc duy trì niềm tin rằng mình có những khó khăn không vượt qua được cũng ngốn nhiều năng lượng và ảo tưởng tự đề cao giống như ở người cho rằng họ không có bất kỳ một vấn đề nào cả.
Sự thật là chẳng có thứ gì được gọi là vấn đề cá nhân hết. Nếu như bạn gặp phải một vấn đề, thì có khả năng là hàng triệu người khác cũng gặp phải nó trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Rất có thể trong số đó có cả những người mà bạn quen biết. Điều này không làm giảm thiểu vấn đề hay có nghĩa là nó không gây đau đớn. Nó không có nghĩa là bạn không phải là nạn nhân hợp pháp trong một vài hoàn cảnh.
Điều đó chỉ có nghĩa là bạn cũng chẳng có gì là đặc biệt cho lắm.
Thường thì, chính là sự nhận thức – rằng bạn và các vấn đề của bạn thực ra không hề có đặc quyền trong sự ác liệt hay đau đớn của chúng – chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giải quyết những vấn đề này. Nhưng vì một vài lý do, có vẻ như ngày càng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ quên mất điều này. Nhiều giáo sư và nhà giáo dục đã ghi nhận sự thiếu linh hoạt về mặt cảm xúc và sự đòi hỏi ích kỷ vượt trội trong những người trẻ tuổi ngày nay. Không xa lạ gì khi sách vở bị loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy của một lớp học không vì lý do gì khác ngoài việc chúng khiến một ai đó cảm thấy khó chịu. Các nhà diễn giả và các giáo sư bị la ó hoặc bị cấm cửa trên giảng đường vì những việc đơn giản như một ý kiến cho rằng có thể một trang phục Halloween nào đó không thật sự phản cảm đến vậy. Các chuyên gia tư vấn tâm lý tại trường học cho biết tỷ lệ sinh viên có dấu hiệu căng thẳng thần kinh nghiêm trọng tăng cao chưa từng thấy vì những lý do cực kỳ bình thường như cãi nhau với bạn cùng phòng, hay nhận điểm số thấp ở trên lớp.
Thật là kỳ lạ khi ở vào một kỷ nguyên mà chúng ta được kết nối với nhau hơn bao giờ hết, sự tự cho đặc quyền có vẻ như là liều thuốc hưng phấn ở mọi thời điểm. Có điều gì đó về nền công nghệ hiện đại đã cho phép sự bất an của chúng ta quay cuồng hơn bao giờ hết. Chúng ta càng được tự do thể hiện mình bao nhiêu, chúng ta càng muốn thoát khỏi việc phải đối mặt với những ai bất đồng chính kiến hay làm ta bực bội bấy nhiêu. Chúng ta càng phơi bày trước những quan điểm trái ngược, chúng ta càng dễ bực bội hơn vì sự tồn tại của những quan điểm đó. Cuộc sống của chúng ta càng trở nên dễ chịu và hanh thông hơn, chúng ta càng cảm thấy cái đặc ân được hưởng thụ những điều tốt đẹp hơn.
Lợi ích của Internet và trang mạng xã hội không cần phải bàn cãi là vô cùng to lớn. Nhưng có lẽ những công nghệ này cũng có cả những tác dụng phụ mang tính xã hội không mong muốn nữa. Có thể những công nghệ này đã giải phóng và giáo dục chúng ta bằng cách cho phép cảm giác về đặc ân của con người lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Sự Chuyên Chế Của Chủ Nghĩa Ngoại Lệ
Tất cả chúng ta, trong hầu hết mọi khía cạnh, nhìn chung đều chỉ là những kẻ tầm thường.
Hầu như tất cả chúng ta đều chỉ ở mức trung bình trong hầu hết những việc mình làm. Cho dù bạn có xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, thì bạn vẫn chỉ tàm tạm hay dưới cả mức tàm tạm ở những lĩnh vực khác. Đấy là tính tự nhiên của cuộc sống. Để trở nên thật sự vĩ đại ở một khía cạnh nào, bạn buộc phải dành ra hàng tấn phân thời gian và năng lượng cho nó. Và bởi vì tất cả chúng ta đều chịu sự hạn chế về mặt thời gian và năng lượng, chỉ một số rất ít trong số chúng ta mới thực sự xuất chúng trong hơn một lĩnh vực, chứ đừng nói là tất cả mọi thứ
Vì vậy chúng ta có thể nói rằng không có khả năng một cá nhân sẽ thể hiện xuất sắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, hay là trong nhiều lĩnh vực của cuộc đời họ. Những doanh nhân đại tài thường dở tệ trong việc xoay sở với cuộc sống cá nhân của họ. Các vận động viên đỉnh cao thường nông cạn và ngu ngốc như một cục đá được mổ não vậy[23]. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng có thể cũng mơ hồ về cuộc đời mình chẳng khác gì những người hâm mộ luôn theo đít họ khắp mọi nơi.
Tất cả chúng ta, trong hầu hết mọi khía cạnh, nhìn chung đều chỉ là những kẻ tầm thường. Nhưng đó lại là sự cực đoan thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Chúng ta theo một cách nào đó nhận thức được điều này, nhưng ta hiếm khi nghĩ và/hay nói về nó, và hiển nhiên ta chẳng bao giờ thảo luận xem tại sao điều này có thể lại là một vấn đề.
Việc tiếp cận Internet, Google, Facebook, YouTube, và sở hữu chiếc TV với hơn 500 kênh thật là tuyệt cú mèo. Nhưng khả năng chú ý của ta thì có hạn. Ta chẳng thể nào mà xử lý những con sóng thủy triều thông tin cứ luôn lao vào ta. Do đó, thứ duy nhất có thể thu hút sự chú ý của ta là những mẩu thông tin cực kỳ đặc biệt – chiếm phân vị 99,999.
Mọi ngày, mỗi ngày, chúng ta bị nhấn chìm trong những điều thật sự phi thường. Những thứ tốt nhất trong những điều tốt nhất. Những điều dở nhất trong số những thứ dở nhất. Kỳ tích khoa học vĩ đại nhất. Những câu truyện cười hài hước nhất. Những tin tức đáng quan ngại nhất. Những sự đe dọa đáng sợ nhất. Liên tu ti bất tận.
Cuộc sống ngày nay của chúng ta được lấp đầy với những thông tin từ những thái cực của đường cong chuông của kinh nghiệm loài người, bởi vì trong ngành kinh doanh truyền thông thì những thứ ấy mới thu hút sự chú ý, và sự chú ý mới mang tới tiền bạc. Đó mới là vấn đề. Và phần lớn những thứ khác trong cuộc đời đều nằm tẻ ngắt ở phần trung trung. Phần lớn mọi thứ trong đời sống đều không đặc biệt, và thực ra là khá tầm thường.
Cơn lũ thông tin cực đoan này đã tạo điều kiện cho ta tin rằng sự khác thường mới chính là sự bình thường mới. Và bởi vì tất cả chúng ta đều khá tầm thường trong hầu hết mọi thời điểm, sự tràn ngập những thông tin bất thường khiến ta cảm thấy khá là bất an và tuyệt vọng, bởi vì rõ ràng là chúng ta không đủ tốt đẹp theo một nghĩa nào đó. Vì thế mà ta càng cần phải cân bằng tâm lý thông qua việc tự cho mình đặc quyền và thói nghiện. Chúng ta đối phó theo cách duy nhất mà ta biết: thông qua sự tự đề cao mình hay thông qua việc đề cao những người khác.
Một vài người trong số chúng ta làm điều này bằng cách tưởng tượng ra kế hoạch làm giàu thần tốc. Những người khác thì xoay sở bằng cách đi đến đầu kia của thế giới để cứu giúp những em bé đói ăn ở châu Phi. Những người khác nữa thì cố gắng trở thành học sinh xuất sắc và chiến thắng mọi giải thưởng. Những kẻ khác thì thông qua việc xả súng vào trường học. Có những người thì lại cứ cố làm chuyện ấy với bất kỳ thứ gì có thể nói và thở được.
Điều này trói buộc ta vào nền văn hóa tự cho mình đặc quyền đang ngày một lớn mạnh mà tôi đã nhắc đến ở trên. Thế hệ Y[24] thường bị buộc tội vì sự chuyển dịch văn hóa này, nhưng dường như là bởi vì thế hệ Y là thế hệ am hiểu và có thể xác định rõ nhất. Thực tế, khuynh hướng tự cho mình đặc quyền xuất hiện trên toàn bộ xã hội. Và tôi tin rằng nó liên quan tới cái chủ nghĩa ngoại lệ được định hướng bởi nền truyền thông đa phương tiện kia.
Vấn đề nằm ở chỗ sự lan tỏa của công nghệ và marketing đa phương tiện làm rối loạn hết cả sự kỳ vọng của mọi người về bản thân mình. Sự ngập lụt của sự ngoại lệ khiến con người ta cảm thấy tồi tệ hơn cả về bản thân họ, khiến họ thấy rằng họ cần phải nghiêm khắc hơn, quyết liệt hơn, tự tôn hơn để được ghi nhận hoặc trở nên quan trọng.
Khi tôi còn là một thanh niên cứng, cảm giác bất an trong tôi xoay quanh sự gần gũi xác thịt bị làm trầm trọng thêm lên bởi lời dẫn dắt lố bịch về sự nam tính được lưu hành trong nền văn hóa đại chúng. Và những chuyện kể tương tự vẫn còn được lưu truyền: để là một anh chàng hay ho, bạn cần phải tiệc tùng như một thằng cha siêu sao nhạc rock; để được tôn trọng, bạn cần phải được đám đàn bà con gái hâm mộ; tình dục là thứ giá trị nhất mà một thằng đàn ông có thể đạt được, và nó đáng để hi sinh mọi thứ (kể cả nhân cách của bạn) để có được nó.
Luồng chuyển động bất tận của những cơn sốt ảo trong cộng đồng mạng đè bẹp những cảm xúc sẵn có của chúng ta với cảm giác thiếu an toàn, bằng cách phơi bày bản thân trước những chuẩn mực phi thực tế mà ta không thể sống theo. Chúng ta không chỉ cảm thấy khuất phục trước những vấn đề không thể giải quyết, mà ta còn cảm thấy mình như những kẻ thất bại bởi một động tác tìm kiếm đơn giản trên Google thôi cũng cho ta thấy có đến hàng ngàn người không gặp phải những vấn đề như thế.
Công nghệ đã giúp giải quyết những vấn đề của nền kinh tế cũ bằng cách mang lại cho ta những vấn đề mới về tâm thần. Internet không chỉ là một nguồn mở về thông tin; nó còn là một nguồn mở về sự bất an, nghi ngờ bản thân, và cảm giác tủi hổ.
N-n-n-nhưng, Nếu Tôi Không Trở Nên Đặc Biệt Hay Ngoại Lệ, Thì Có Ý Nghĩa Gì Đâu Cơ Chứ!
Việc tin rằng tất cả chúng ta đều được định sẵn để làm nên một điều gì đó thật đặc biệt đã trở thành một phần được chấp nhận trong nền văn hóa của chúng ta. Những người nổi tiếng nói vậy. Các ông trùm doanh nghiệp nói vậy. Các chính trị gia nói vậy. Mà ngay cả Oprah[25] cũng nói như thế (nên điều này phải đúng). Mỗi và mọi người trong số chúng ta đều có thể trở nên đặc biệt. Chúng ta xứng đáng với sự vĩ đại.
Sự thực là câu nói này vốn dĩ đã mâu thuẫn – xét cho cùng, nếu mọi người đều đặc biệt, thì theo định nghĩa không ai có thể được xem là đặc biệt hết cả – đều bị xem nhẹ bởi tất cả mọi người. Và thay vì đặt ra nghi vấn về việc ta xứng hay không xứng với cái gì, chúng ta ngấu nghiến cái thông điệp ấy và đòi hỏi nhiều hơn nữa.
Trở nên “trung bình” trở thành một chuẩn mực mới của sự thất bại. Điều tồi tệ hơn cả mà bạn có thể trở thành là nằm ở mức trung bình của đội ngũ, nằm ở lưng chừng của đường phân phối chuẩn[26]. Khi tiêu chuẩn của một nền văn hóa là “trở nên khác biệt,” thì việc nằm ở thái cực thấp nhất của đường cong chuông vẫn tốt hơn so với việc nằm ở giữa, bởi vì ít nhất thì bạn vẫn đặc biệt và xứng đáng nhận được sự chú ý. Nhiều người lựa chọn chiến lược này: chứng minh với mọi người rằng họ là kẻ bất hạnh nhất, hay bị đàn áp nhất, hoặc bị trù dập nhiều nhất.
Rất nhiều người sợ phải chấp nhận mình chỉ là người phàm bởi vì họ tin rằng nếu như chấp nhận điều đó, họ sẽ không bao giờ đạt được thứ gì cả, không bao giờ tiến bộ, và rằng cuộc đời họ chẳng có nghĩa lý gì.
Kiểu suy nghĩ này thật nguy hiểm. Một khi bạn chấp nhận tiên đề một cuộc đời chỉ đáng giá nếu như nó thật sự đáng kể và tuyệt vời, thì về cơ bản bạn đã chấp nhận thực tế rằng hầu hết mọi người (trong đó có bạn) đều tệ hại và vô dụng. Và quan niệm này có thể dễ dàng trở nên nguy hiểm, đối với chính bạn và với những người khác.
Số hiếm hoi những người trở nên thật sự xuất sắc trước một điều gì đó không bởi vì họ tin rằng họ đặc biệt. Ngược lại, họ trở nên tuyệt vời như vậy là bởi vì họ bị ám ảnh với việc phải tiến bộ hơn. Và sự ám ảnh ấy xuất phát từ một lòng tin không sai vào đâu được rằng bọn họ, thực ra, chẳng vĩ đại chút nào hết. Đó là sự phản-tự-cho-mình-đặc-quyền. Những người xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó trở nên xuất sắc là bởi vì họ hiểu rằng họ chưa thật tuyệt lắm đâu – rằng họ cũng là loại thường thôi, rằng họ chỉ ở mức trung bình – và rằng họ còn có thể tiến bộ nhiều hơn nữa.
Toàn bộ cái sự “mọi con người đều có thể trở nên đặc biệt và đạt được thành tựu vĩ đại” về cơ bản chỉ là việc thẩm du cái tôi của bạn mà thôi. Đó là một thông điệp ngon lành khi tiêu hóa, nhưng trên thực tế không có thứ gì thiếu dinh dưỡng lại khiến bạn béo ú và phì nộn hơn thế, nói cho hoa lá cành thì đó chiếc Big Mac[27] dành cho trái tim và trí não bạn.
Tấm vé để đến với sự khỏe mạnh về mặt tinh thần, cũng giống như đối với một thân thể khỏe mạnh, đến từ việc ăn món rau cải của bạn – đó là, chấp nhận sự thật nhạt nhẽo và thế tục của cuộc sống: những sự thật kiểu như “Hành động của bạn thực ra không có ý nghĩa nhiều đến thếtrong toàn thể mọi việc” và “Toàn bộ cuộc đời bạn sẽ cực nhàm chán và không đáng nhớ, và như thế cũng không sao hết.” Món rau này sẽ khó ăn lúc ban đầu. Rất tệ là khác. Bạn sẽ tránh né việc chấp nhận nó.
Nhưng một khi đã được tiêu hóa, cơ thể bạn sẽ bắt đầu cảm thấy có hiệu quả và có sức sống hơn. Rốt cục, áp lực liên miên vì phải trở nên xuất sắc, trở thành người tiếp bước vĩ đại, sẽ được trút khỏi lưng bạn. Sự căng thẳng và lo lắng của việc luôn cảm thấy không thích đáng và nhu cầu không ngừng nghỉ được chứng tỏ bản thân bạn sẽ tiêu tan. Và sự nhận biết và chấp nhận sự tồn tại tầm thường của bạn sẽ thực sự cho phép bạn đạt tới những điều mà bạn ao ước đạt được, mà không phải chịu những phán xét hay những kỳ vọng cao ngất.
Bạn sẽ ngày càng trân trọng những trải nghiệm căn bản của cuộc sống: niềm vui thích trước tình bạn giản dị, của việc tạo nên một thứ gì đó, giúp đỡ một ai đó, đọc được một quyển sách hay, vui cười với người mà bạn quan tâm.
Nghe có vẻ nhàm chán, nhỉ? Đó là bởi những điều này thật tầm thường. Nhưng có lẽ chúng là tầm thường vì một lý do: bởi vì chúng thật sự có ý nghĩa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.