Điều Ý Nghĩa Nhất Trong Từng Khoảnh Khắc Cuộc Đời
Tạo ra cú hích cho quân domino chủ chốt
Trong thời đại ngày nay, cuộc sống diễn ra với tốc độ chóng mặt và luôn đòi hỏi bạn phải cùng lúc đảm trách nhiều vai trò, công việc và nhiệm vụ. Khi đi làm, bạn phải là một nhân viên tốt, hoàn thành xuất sắc công việc, đồng thời khi tan sở về nhà, bạn phải trở thành người chồng/vợ, người cha/mẹ, người con tốt, hoàn thành nghĩa vụ với gia đình mình. Mỗi người đều được sở hữu một lượng thời gian trong ngày như nhau, tuy nhiên, có những người tận dụng nó để hoàn thành được khối lượng công việc đồ sộ mà vẫn đủ thời gian dành cho gia đình, bạn bè và cho bản thân. Trong khi đó, nhiều người lại bị nhấn chìm trong đống công việc ngổn ngang và thậm chí không còn một giây phút nào cho chính mình cũng như cho người thân. Vậy sự khác nhau giữa hai dạng người này là gì? Cuộc sống như một cơn lốc, nếu biết khéo léo lèo lái, nó sẽ đưa chúng ta đi xa hơn, nhưng ngược lại, nếu lúng túng, do dự thì bạn sẽ nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy và mãi không tài nào thoát ra được.
Đừng để mình bị choáng ngợp bởi hàng núi công việc hàng ngày, thậm chí là của hàng tháng hay hàng năm. Hãy bình tĩnh, suy xét và tìm ra điều quan trọng hơn tất thảy mọi điều khác, phân chia thời gian ưu tiên dành cho nó, làm tốt nó và bạn sẽ thấy mọi điều còn lại sẽ được hoàn thành một cách trôi chảy, nhanh chóng. Điều này sẽ tương tự như bạn dàn dựng một hiệu ứng domino mà mấu chốt quan trọng nhất chính là quân domino đầu tiên. Hãy tìm ra điều quan trọng nhất cần phải thực hiện, đặt nó vào quân domino dẫn đầu và công việc đơn giản mà bạn cần phải làm chỉ là tạo một cú hích cho nó và tận hưởng thành quả từ hiệu ứng domino.
Cuốn sách này dành cho những ai muốn có ít sự sao nhãng, giảm bớt việc lựa chọn nhưng muốn tăng năng suất công việc của mình và tăng thu nhập. Những người muốn sống thoải mái hơn, thỏa mãn hơn, muốn có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. The One Thing giúp bạn học được cách nhìn xuyên qua được sự hỗn độn nhiễu loạn để đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn, tạo ra đòn bẩy đưa bạn đến mục tiêu, giảm và chế ngự sự ức chế tâm lý, đem lại nguồn năng lượng cho bản thân, tiếp tục đi đúng hướng và làm chủ những điều thực sự quan trọng với bạn. Cuộc sống là của bạn chứ không phải bạn sống cho cuộc sống. Nó nằm trong tầm tay bạn, hãy chủ động điều khiển nó và làm chủ nó một cách khéo léo, thông qua việc cân bằng cuộc sống, sống có mục đích, có ưu tiên và nhiều bí quyết khác nữa sẽ được trình bày trong cuốn sách này.
Alpha Books trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách này!
Tháng 11 năm 2013
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA
1. ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Vào ngày 7 tháng 6 năm 1991, trái đất dường như chao đảo trong 112 phút. Thực tế, đây chỉ là một hình ảnh mang tính ẩn dụ.
Tôi đang xem bộ phim hài khá nổi, City Slickers (tạm dịch: Dân thành thị), cả khán phòng vỡ òa trong tiếng vỗ tay và những tràng cười không ngớt. Được biết đến như một trong những bộ phim hài hay nhất mọi thời đại, City Slickers đã mang đến cho khán giả những giây phút sảng khoái đầy sâu cay và ý nghĩa. Trong một cảnh đáng nhớ, Curly, chàng cao bồi gan góc, vai diễn cuối cùng của Jack Palance quá cố, và Mitch, “chàng cao bồi” thành thị, do Billy Crystal thủ vai, đã tách nhóm để đi tìm đàn gia súc bị lạc. Dù luôn bất đồng trong suốt bộ phim, nhưng cuối cùng khi cưỡi ngựa song hành bên nhau, họ đã cùng tâm sự câu chuyện về cuộc đời. Đột nhiên, Curly ghìm cương ngựa rồi quay sang Mitch:
Curly: Cậu có biết bí mật của cuộc sống này là gì không?
Mitch: Không, gì thế?
Curly: Đây! (Anh ta giơ ngón trỏ lên.)
Mitch: Ngón tay anh?
Curly: Không. Điều quan trọng nhất. Chỉ điều quan trọng nhất. Cậu dốc toàn lực vào nó và mọi thứ khác chẳng là cái quái gì hết.
Mitch: Thật tuyệt! Thế nhưng “điều quan trọng nhất” đó là gì mới được chứ?
Curly: Đó là điều cậu phải tự tìm ra, anh bạn của tôi ạ!
Câu nói của một nhân vật hư cấu đã chạm đến trái tim chúng tôi mang theo bí mật về thành công. Dù các tác giả biết rõ hay chỉ vô tình, nhưng những gì họ đã viết ra hoàn toàn đúng đắn. “Điều quan trọng nhất” là cách tiếp cận tốt nhất để có được những gì bạn muốn.
Tôi đã không hiểu được điều đó cho đến mãi sau này. Trước đó, tôi đã từng thành công, nhưng chỉ đến khi vấp phải khó khăn, tôi mới bắt đầu móc nối các kết quả với cách thức thực hiện. Tôi đã gây dựng một công ty thành công cả trong và ngoài nước trong chưa đến 10 năm, nhưng mọi việc đột ngột diễn ra không theo dự tính. Dù nỗ lực và cống hiến hết mình, nhưng cuộc sống của tôi vẫn hỗn loạn và tôi có cảm giác mọi thứ xung quanh đang dần sụp đổ.
Tôi trượt dài.
CHO ĐI
Đến bước đường cùng, tôi hoảng hốt tìm kiếm sự giúp đỡ và tìm thấy nó từ một vị huấn luyện viên. Tôi kể với ông sơ qua về tình hình của mình, về những thách thức mà tôi phải đối mặt cả trong công việc lẫn cuộc sống. Chúng tôi cùng nhau xem lại các mục tiêu, định hướng tương lai; và sau khi đã nắm rõ các vấn đề, ông bắt đầu đi tìm câu trả lời. Ông nghiên cứu rất kỹ lưỡng và khi gặp lại nhau, ông đã có trong tay bản sơ đồ tổ chức của công ty tôi – cho thấy cái nhìn rất tổng quan về công ty – và treo nó ngay ngắn trên tường.
Cuộc trao đổi giữa chúng tôi mở đầu bằng một câu hỏi rất đơn giản: “Anh biết mình cần những gì để xoay chuyển tình thế chứ?” Tôi mông lung không tìm ra được lời đáp.
Ông cho hay chỉ có duy nhất một điều tôi cần phải làm. Ông chỉ ra 14 vị trí cần những gương mặt mới, và tin rằng với việc chọn lựa đúng người vào các vị trí quan trọng, công ty, công việc và cuộc sống của tôi sẽ thay đổi triệt để theo hướng tích cực. Tôi vô cùng ngỡ ngàng và cho ông hay rằng tôi cứ nghĩ mình sẽ cần thay đổi nhiều hơn thế.
Ông nói, “Không, Jesus cần 12, nhưng anh sẽ cần tới 14”.
Đó là khoảnh khắc của sự thay đổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ một chút thay đổi đó lại có thể mang lại hiệu quả to lớn đến vậy. Rõ ràng, tôi nghĩ mình đã đủ tập trung, nhưng thực tế không phải vậy. Việc tìm kiếm 14 vị trí cần thay đổi thực chất là điều quan trọng nhất mà tôi có thể làm. Vì vậy, nhờ cuộc gặp gỡ này, tôi đã đưa ra một quyết định quan trọng. Tôi tự sa thải mình.
Tôi rời vị trí CEO và coi việc tìm kiếm 14 người này là nhiệm vụ của riêng tôi.
Lúc này, cục diện thực sự thay đổi. Trong 3 năm, chúng tôi bắt đầu thời kỳ tăng trưởng bền vững, với tỷ lệ trung bình 40% mỗi năm liên tiếp trong gần một thập kỷ. Từ một công ty khu vực, chúng tôi đã phát triển trở thành một đối thủ mang tầm quốc tế. Chúng tôi đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng và không bao giờ ngoái nhìn lại quá khứ.
Thành công nối tiếp thành công hẳn phải có nguyên do. Cũng từ đó, ngôn ngữ “điều quan trọng nhất” xuất hiện.
Sau khi tìm ra 14 vị trí, tôi bắt đầu trao đổi trực tiếp với từng thành viên đứng đầu để tạo dựng sự nghiệp và công việc kinh doanh của họ. Theo thói quen, tôi sẽ kết thúc buổi thảo luận huấn luyện bằng một bản tóm tắt những điều họ đồng ý thực hiện trước khi chuyển sang phần tiếp theo. Thật đáng tiếc, tuy mọi người đều hoàn thành được phần lớn cam kết, nhưng đó lại không phải là những gì quan trọng nhất. Kết quả thảm hại kéo theo sự thất vọng gia tăng. Vì vậy, để giúp họ thành công, tôi rút gọn lại danh sách của mình: Nếu các anh có thể hoàn thành chỉ 3 điều trong tuần này… Nếu các anh có thể làm được chỉ 2 điều trong tuần này… Tôi đi từng bước nhỏ nhất và tự hỏi: “Điều quan trọng nhất các anh có thể làm trong tuần này giúp việc thực hiện mọi hoạt động khác sẽ trở nên dễ dàng hơn hoặc thậm chí không cần thiết nữa là gì?” Và điều tuyệt vời nhất đã xảy ra.
Kết quả thật đáng kinh ngạc.
Sau những trải nghiệm này, tôi nhìn lại cả những thành công và thất bại của mình để rồi phát hiện ra một hình mẫu thú vị. Tôi đạt được thành công lớn ở đâu, tôi tập trung vào điều quan trọng nhất ở đó, và sự tập trung được dàn mỏng thì thành công của tôi cũng vậy.
ĐI TỪNG BƯỚC NHỎ
Mỗi ngày đều chỉ có 24 giờ, vậy tại sao có người lại làm được nhiều việc hơn những người khác? Họ làm nhiều hơn, thành công hơn, kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách nào? Nếu thời gian là thứ để mua thành công, tại sao một số người lại biết “chi tiêu” hơn những người khác? Đó là bởi họ đã biến việc tiếp cận được trọng tâm của mọi vấn đề trở thành cốt lõi của phương thức thực hiện. Họ đi từng bước nhỏ.
Khi muốn có cơ hội tốt nhất để thành công trong mọi việc bạn muốn, cách tiếp cận của bạn phải nhất quán – Đó là đi từng bước nhỏ.
“Đi từng bước nhỏ” đồng nghĩa với việc bỏ qua mọi thứ bạn có thể làm và làm những điều bạn nên làm. Bạn nên nhận ra không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau và hãy tìm ra những thứ giữ vai trò trọng yếu nhất. Đó là cách giúp kết nối hành động bền chặt với mong muốn của bạn. Điều đó cho thấy những kết quả bất thường luôn có liên quan mật thiết trực tiếp đến mức độ tập trung của bạn.
Để đạt được thành công viên mãn trong công việc và cuộc sống, chúng ta phải tiến từng bước càng nhỏ càng tốt. Hầu hết mọi người đều nghĩ ngược lại. Họ cho rằng thành công lớn tiêu tốn nhiều thời gian và vô cùng phức tạp. Vậy nên lịch trình và danh sách những việc cần làm của họ luôn quá tải. Thành công bắt đầu có cảm giác nằm ngoài tầm với, do đó họ thường đạt được ít thành quả hơn. Không nhận thức được rằng thành công lớn đến từ khả năng “làm ít, nhưng chất lượng”, họ lầm tưởng rằng “càng làm nhiều, càng tốt” và cuối cùng thành quả “chẳng ra sao”. Họ hạ thấp dần các kỳ vọng, từ bỏ ước mơ và bằng lòng với việc thu hẹp cuộc sống. Quả thật sai lầm.
Bạn chỉ có một lượng thời gian và năng lượng nhất định, vì vậy khi đảm đương quá nhiều công việc, bạn sẽ bị phân tán. Bạn nên làm ít nhưng “chất lượng” thay vì làm nhiều mà thiếu hiệu quả. Quan trọng là, khi ôm đồm quá nhiều việc, dù chúng có mang lại hiệu quả, chúng cũng kéo theo không ít rắc rối ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn: Chậm tiến độ, kết quả không được như mong muốn, áp lực lớn, thời gian kéo dài, mất ngủ, kém ăn, không có thời gian tập thể dục hay quây quần bên gia đình và bạn bè – tất cả đều vì chạy theo thứ dễ dàng đạt được hơn bạn tưởng.
“Bước từng bước nhỏ” là một phương pháp đơn giản giúp mang lại những thành quả khác biệt và rất hiệu quả. Nó có tác dụng mọi lúc, mọi nơi và đối với bất cứ điều gì. Bởi nó chỉ có một mục đích duy nhất – đưa bạn đến “điểm” cần đến.
Khi tiến từng bước “chậm nhưng chắc”, bạn sẽ chú tâm vào điều quan trọng nhất. Đó chính là mấu chốt.
2. HIỆU ỨNG DOMINO
Tại Leeuwarden, Hà Lan vào ngày Domino, 13/11/2009, Weijers Domino Productions đã xác lập kỷ lục thế giới về hiệu ứng domino bằng cách sắp xếp hơn 4.491.863 quân domino thành một bức hình rực rỡ. Trong trường hợp này, chuỗi domino đổ tạo ra hiệu ứng domino đã giải phóng 94.000 Jun năng lượng tích tụ tương đương với năng lượng được giải phóng khi một người đàn ông vóc dáng trung bình hít đất 545 lần.
Mỗi domino chứa một lượng năng lượng nhỏ tiềm ẩn; bạn càng xếp được nhiều, năng lượng tiềm tàng tích lũy được càng lớn. Sau đó, chỉ với một cú chạm nhẹ, bạn đã tạo ra một phản ứng dây chuyền có sức mạnh đáng kinh ngạc. Và Weijers Domino Productions đã chứng minh điều đó. Khi “điều quan trọng nhất” được xếp đúng chỗ, chỉ cần tác dụng một lực nhỏ, nó có thể xô đổ rất nhiều thứ. Nhưng đó chưa phải tất cả.
Năm 1983, Lorne Whitehead đã viết trên tạp chí Vật lý Mỹ rằng ông đã phát hiện ra hiệu ứng domino không những có thể xô đổ nhiều thứ, mà còn có khả năng xô đổ những thứ lớn hơn. Ông đã mô tả khả năng một domino có thể đánh đổ một domino khác có kích thức lớn gấp rưỡi nó như thế nào.
Vào năm 2001, một nhà vật lý đến từ Exploratorium của San Francisco đã mô phỏng thí
nghiệm của Whitehead bằng cách tạo ra 8 domino làm từ gỗ dán, mỗi domino có kích thước lớn gấp rưỡi domino trước nó. Domino đầu tiên cao khoảng 5cm và domino cuối cùng cao khoảng 0,3m. Với một cú chạm nhẹ, hiệu ứng domino nhanh chóng kết thúc bằng một “tiếng rầm lớn”.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu chuỗi domino này được kéo dài hơn? Nếu hiệu ứng domino thông thường là một chuỗi tuyến tính, thì thí nghiệm của Whitehead được mô tả là một chuỗi dây chuyền cấp số nhân. Kết quả có được nằm ngoài sức tưởng tượng. Domino thứ 10 sẽ cao gần bằng thủ quân đội bóng nhà nghề Peyton Manning. Domino thứ 18 có thể có chiều cao tương đương với tháp nghiêng Pisa. Domino thứ 23 cao hơn tháp Eiffel và domino thứ 31 sẽ cao hơn đỉnh Everest gần 1.000m. Domino thứ 57 thực tế có thể “bắc cầu” Trái Đất với Mặt Trăng!
ĐẠT ĐƯỢC THÀNH QUẢ ĐÁNG KINH NGẠC
Vì vậy, khi nghĩ về thành công, hãy nhắm tới những điều không tưởng. Bạn hoàn toàn có thể đạt được chúng nếu bạn ưu tiên mọi thứ và dồn hết tâm sức của bản thân để hoàn thành điều quan trọng nhất. Đạt được những kết quả đáng kinh ngạc đồng nghĩa với việc tạo ra hiệu ứng domino trong cuộc sống của bạn.
Đánh đổ các domino không khó. Bạn xếp chúng đứng theo hàng và tác động một lực để đánh đổ domino đầu tiên. Tuy nhiên, hiệu ứng domino trong thực tế phức tạp hơn một chút. Bởi cuộc sống không sắp sẵn mọi thứ cho bạn và nói rằng, “Anh nên bắt đầu từ đây”. Những người gặt hái được thành công nắm rõ điều này. Vì vậy, họ sắp xếp lại các ưu tiên, tìm quân domino “chủ chốt”, và tác động đủ lực để đánh đổ nó.
Tại sao cách tiếp cận này lại hiệu quả đến vậy? Bởi những thành quả đáng kinh ngạc thường diễn ra theo tuần tự, nhưng không đồng thời. Những gì khởi đầu một cách tuyến tính sẽ dần trở thành dây chuyền cấp số nhân. Những việc làm đúng đắn sẽ được nối tiếp bởi những điều đúng đắn. Nó được tích tụ lớn dần theo thời gian, và tiềm năng thành công lũy tiến sẽ được giải phóng. Hiệu ứng domino được áp dụng cho bức tranh tổng thể như công việc hoặc doanh nghiệp của bạn; nó cũng được áp dụng cho những thời khắc ra quyết định nhỏ nhất trong ngày. Thành công nối tiếp thành công, và khi điều này được tái lặp theo thời gian, bạn sẽ đạt được tiềm lực thành công lớn nhất có thể.
Một người hiểu sâu biết rộng hẳn là đã trau dồi kiến thức theo thời gian. Một người thành thạo các kỹ năng chắc chắn đã thục luyện rất nhiều. Một người giàu có chắc chắn tích lũy trong nhiều năm.
Thời gian chính là chiếc chìa khóa quan trọng, là điểm mấu chốt của vấn đề. Thành công được xây dựng một cách tuần tự. Đó là “điều quan trọng nhất” tại từng thời điểm.
3. CÁC ĐẦU MỐI THÀNH CÔNG
Bằng chứng về “điều quan trọng nhất” xuất hiện ở khắp nơi. Hãy quan sát thật kỹ, bạn sẽ luôn tìm thấy nó.
MỘT SẢN PHẨM, MỘT DỊCH VỤ
Những công ty thành công vượt trội luôn sở hữu một sản phẩm hoặc dịch vụ giúp tạo dựng thương hiệu độc quyền hoặc giúp họ “hái ra tiền”. Colonel Sanders đã cho ra đời thương hiệu KFC chỉ với một công thức món gà bí mật duy nhất. Công ty Adolph Coors tăng trưởng với tốc độ 1.500% từ năm 1947 đến năm 1967 chỉ với một sản phẩm, được sản xuất tại một nhà máy bia duy nhất. Các bộ vi xử lý đã mang lại phần lớn doanh thu ròng cho Intel. Thế còn Starbucks? Tôi nghĩ hẳn các bạn cũng có thể đoán ra.
Danh sách các doanh nghiệp đã thành công vượt trội thông qua sức mạnh của triết lý “điều quan trọng nhất” kéo dài vô tận. Đôi khi những gì được tạo ra, hoặc được chuyển đi cũng là những gì được bán ra, nhưng đôi khi không phải vậy. Google là một ví dụ. “Điều quan trọng nhất” của họ là công cụ tìm kiếm giúp bán quảng cáo – được coi là nguồn doanh thu chủ yếu của công ty này.
Thế còn bộ phim Cuộc chiến giữa các vì sao (Star Wars)? “Điều quan trọng nhất” là bộ phim hay hàng hóa? Nếu đoán là hàng hóa, bạn có thể đúng hoặc sai. Doanh thu bán đồ chơi ăn theo bộ phim theo thống kê gần đây đạt trên 10 tỷ đô-la, trong khi tổng doanh thu bán vé trên toàn cầu của 6 tập phim chính chỉ vẻn vẹn 4,3 tỷ đô-la. Theo cá nhân tôi, “điều quan trọng nhất” là bộ phim bởi nó tạo ra đồ chơi và các sản phẩm có tiềm năng mang lại doanh thu.
Câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng điều đó không khiến quá trình tìm kiếm câu trả lời trở nên kém phần quan trọng. Các đổi mới về công nghệ, những cuộc chuyển giao văn hóa và các lực lượng cạnh tranh thường chỉ ra rằng “điều quan trọng nhất” của một doanh nghiệp hoặc là phát triển hoặc là chuyển đổi. Những công ty thành công nhất nắm rõ điều này và luôn tự hỏi: “Điều quan trọng nhất” của chúng ta là gì?”
Apple là một ví dụ tiêu biểu về khả năng hình thành nên một môi trường, nơi “điều quan trọng nhất” đầy khác biệt có thể tồn tại đồng thời chuyển đổi thành “điều quan trọng nhất” khác. Từ năm 1998 đến năm 2012, “điều quan trọng nhất” của Apple chuyển từ máy Mac sang iMac, đến iTunes rồi đến iPod, iPhone và đến iPad chiếm vị trí đầu bảng trong các dòng sản phẩm. Khi mỗi “sản phẩm vàng” mới ra đời, các sản phẩm khác không hề bị ngưng sản xuất hoặc “xuống hạng”. Những dòng sản phẩm mới này cộng với nhiều sản phẩm khác tiếp tục được chăm chút trong khi “điều quan trọng nhất” hiện tại tạo ra ấn tượng rất tốt, khiến người dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm của Apple.
Khi đã nắm bắt được “điều quan trọng nhất”, bạn sẽ nhìn nhận thương trường dưới góc độ rất khác biệt. Nếu giờ đây công ty bạn không biết “điều quan trọng nhất” là gì, thì “điều quan trọng nhất” bây giờ của công ty bạn chính là tìm ra điều đó.
THẦN TƯỢNG
“Điều quan trọng nhất” là chủ đề có ảnh hưởng rất lớn và xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Hãy nắm rõ khái niệm và áp dụng nó với mọi người, bạn sẽ thấy một người có thể tạo ra mọi sự khác biệt trong những khía cạnh nào. Khi còn là một sinh viên năm nhất, Walt Disney đã tham gia các khóa học buổi tối tại Học Viện Nghệ thuật Chicago và trở thành người vẽ tranh biếm họa cho tờ báo của trường. Sau khi tốt nghiệp, Disney muốn trở thành một họa sĩ truyện tranh nhưng không tìm được việc, vì vậy anh trai của Disney, Roy, một doanh nhân kiêm một chủ ngân hàng, đã xin cho cậu làm việc tại một studio nghệ thuật. Tại đây, cậu đã học về hoạt họa và bắt đầu dựng phim hoạt hình. Khi còn trẻ, thần tượng của Walt là Roy.
Còn thần tượng của Sam Walton, ngay từ đầu đã là L.S.Robson, bố dượng của anh, người đã cho Walton mượn 20.000 đô-la để khởi nghiệp công ty bán lẻ đầu tiên mang thương hiệu Ben Franklin. Sau đó, khi Sam mở cửa hàng Wal-Mart đầu tiên, Robson đã bí mật trả chủ nhà 20.000 đô-la để gia hạn hợp đồng thuê nhà.
Max Talmud là người thầy đầu tiên của Albert Einstein. Max chính là người đã chỉ dẫn cho cậu bé 10 tuổi Einstein những kiến thức cơ bản đầu tiên về toán học, khoa học và triết học. Max đến ăn tối một lần một tuần với gia đình Einstein trong suốt 6 năm để dạy Albert bé nhỏ học.
Không ai có thể tự mình thành đạt.
Oprah Winfrey luôn hàm ơn cha mình đã “cứu rỗi” cuộc đời bà và trân trọng khoảng thời gian sống cùng cha và mẹ kế. Khi trả lời phỏng vấn Jill Nelson của tạp chí Washington Post, bà chia sẻ, “nếu không sống cùng cha, cuộc đời tôi chắc đã rẽ sang một hướng khác.” Về chuyên môn, sự nghiệp của bà bắt đầu với Jeffrey D. Jacobs, “một luật sư, đại diện, quản lý và cố vấn tài chính”, người đã thuyết phục bà thành lập công ty thay vì làm thuê khi Oprah xin ông tư vấn về hợp đồng lao động. Và Harpo Productions, Inc. đã ra đời từ đó.
Cả thế giới hẳn đều quen thuộc với sức ảnh hưởng của John Lennon và Paul McCartney đến những sáng tác thành công của nhau, nhưng trong phòng thu còn có George Martin. Được coi là một trong những nhà sản xuất âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại, George từng được coi là “thành viên thứ năm của The Beatles” nhờ những đóng góp của ông trong các album chính của ban nhạc The Beatles. Tài năng âm nhạc của Martin đã giúp lấp đầy khoảng cách giữa tài năng chưa được gọt giũa của các thành viên Beatles và kỹ thuật hát mà họ muốn sở hữu. Hầu hết công việc hòa âm, phối khí và hậu kỳ các đĩa thu âm của The Beatles đều là sản phẩm của sự cộng tác của nhóm với Martin.
Mỗi người đều có một thần tượng hoặc là người đầu tiên có ảnh hưởng, hướng dẫn hoặc quản lý họ.
Không ai có thể tự thành công. Không một ai.
MỘT ĐAM MÊ, MỘT KỸ NĂNG
”Điều quan trọng nhất” luôn đứng sau mọi câu chuyện về thành công vượt trội. Nó xuất hiện trong hoạt động của mọi doanh nghiệp thành công và trong công việc của bất cứ người thành đạt nào. Nó cũng xuất hiện xung quanh các đam mê và kỹ năng cá nhân. Mỗi chúng ta đều có đam mê và kỹ năng riêng, nhưng những “kẻ xuất chúng” thường sở hữu cảm xúc mãnh liệt hoặc khả năng học hỏi phi thường, giúp khẳng định vị thế của họ hoặc thúc đẩy họ hơn bất cứ điều gì.
Ranh giới giữa đam mê và kỹ năng thường không rõ ràng. Bởi chúng gần như luôn kết nối với nhau. Pat Matthews, một trong những họa sĩ lớn thuộc trường phái ấn tượng của Mỹ, đã biến đam mê hội họa trở thành kỹ năng, rồi thành nghề nghiệp, chỉ đơn giản bằng việc vẽ tranh hàng ngày. Angelo Amorico, hướng dẫn viên du lịch thành công nhất nước Ý cho hay ông đã phát triển các kỹ năng và cuối cùng là sự nghiệp kinh doanh từ tình yêu đất nước nhỏ bé này cũng như khát khao chia sẻ về nó với mọi người. Đây chỉ là một câu chuyện trong vô vàn những câu chuyện về thành công vượt trội. Đam mê đồng nghĩa với việc dành nhiều thời gian để luyện tập hoặc trau dồi nó. Thời gian được đầu tư đó cuối cùng biến thành các kỹ năng, và khi kỹ năng được cải thiện sẽ kéo theo kết quả được cải thiện. Kết quả tốt thường mang đến nhiều niềm vui và đam mê hơn, từ đó cần đầu tư thời gian nhiều hơn. Đó là một vòng xoắn tiến dẫn đến những kết quả đáng kinh ngạc.
Niềm đam mê của Gilbert Tuhabonye là chạy. Gilbert, vận động viên điền kinh cự ly dài người Mỹ được sinh ra tại Songa, Burundi, sớm đã có tình yêu với đường đua và đam mê đó đã giúp anh giành vị trí quán quân giải vô địch quốc gia Burundi ở cự li 400m và 800m khi mới là học sinh trung học. Niềm đam mê này đã “cứu rỗi” cuộc đời anh.
Ngày 21/10/1993, các thành viên của bộ tộc Hutu đã tấn công trường trung học nơi Gilbert đang theo học và bắt cóc các học sinh của bộ tộc Tutsi. Những người bị bắt không bị giết ngay mà bị đánh đập và thiêu sống tại một tòa nhà gần đó. Sau 9 giờ bị chôn vùi dưới những cơ thể bị đốt cháy, Gilbert đã tìm cách trốn thoát và chạy như bay, bỏ xa những kẻ bắt cóc mình đến một bệnh viện gần đó an toàn. Anh là người sống sót duy nhất.
Anh đến Texas, tiếp tục nỗ lực và rèn luyện các kỹ năng của mình. Ghi danh vào học tại Đại học Abilene Christian, Gilbert đã dành được 6 lần danh hiệu vận động viên nghiệp dư xuất sắc nhất toàn Mỹ trên toàn nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, anh chuyển đến Áo và trở thành huấn luyện viên điền kinh nổi tiếng nhất tại đây. Để khơi được nguồn nước ngầm tại Burundi, anh đã đồng sáng lập Quỹ Gazelle, với phương châm hoạt động “Chạy vì nước sạch” thông qua một cuộc thi chạy được tài trợ diễn ra trên các đường phố khắp nước Áo. Bạn có nhận thấy “chạy” là chủ đề xuyên suốt cuộc đời của anh ấy không?
Từ một con tin đến kẻ sống sót, từ trường học đến sự nghiệp, đến cả các hoạt động từ thiện, niềm đam mê chạy của Gilbert Tuhabonye từ một kỹ năng trở thành một nghề nghiệp. Nụ cười nở trên môi khi anh chào đón các vận động viên điền kinh trên những con đường nhỏ quanh hồ Lady Bird của Áo tượng trưng cho hành trình biến đam mê thành kỹ năng, cùng nhau đốt lên ngọn lửa đam mê và tạo nên một cuộc sống khác biệt.
“Điều quan trọng nhất” xuất hiện nhiều lần trong cuộc sống của những người thành công bởi đó là một sự thật cơ bản. Nó xuất hiện trước mắt tôi nhưng nếu bạn biết nắm bắt, thì đó là cơ hội của bạn. Áp dụng “điều quan trọng nhất” vào công việc và cuộc sống của bạn là điều đơn giản và thông minh nhất bạn có thể làm nhằm thúc đẩy chính mình tiến tới thành công như mong muốn.
MỘT CUỘC ĐỜI
Nếu phải lựa chọn một tấm gương duy nhất về người đã khai thác triết lý “điều quan trọng nhất” để tạo dựng một cuộc sống khác biệt, tôi sẽ chọn Bill Gates. Khi còn học trung học, Bill đã đam mê máy tính, và cũng chính điều đó đã dẫn cậu tới việc phát triển kỹ năng lập trình. Cũng trong thời gian này, cậu đã gặp Paul Allen, người tạo công ăn việc làm đầu tiên cho Bill và trở thành đối tác của cậu trong quá trình thành lập Microsoft. Đây là kết quả từ một lá thư họ gửi cho Ed Roberts, người đã thay đổi cuộc đời họ bằng lời nhận xét sắc sảo về việc viết mã cho máy tính Altair 8800. Microsoft đã ra đời để hiện thực hóa “điều quan trọng nhất”, phát triển và bán bộ chuyển đổi BASIC cho Altair 8800, cuối cùng đã biến Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới trong 15 năm liên tiếp. Khi rời vị trí điều hành tại Microsoft, Bill đã chọn một người thay thế ông ở vị trí CEO – Steve Ballmer, người mà ông đã từng gặp thời đại học. Ngoài ra, Steve là nhân viên thứ 30 của Microsoft nhưng lại là CEO đầu tiên được Bill tuyển dụng.
Bill và Melinda Gates đã quyết định dùng tài sản riêng của mình để góp phần tạo nên sự khác biệt trên thế giới. Được dẫn lối bởi niềm tin rằng mọi người đều có giá trị như nhau, họ đã thành lập một quỹ tài trợ để thực hiện “điều quan trọng nhất”: Giải quyết “những vấn đề thực sự khó khăn” như y tế và giáo dục. Từ khi thành lập, phần lớn các khoản tài trợ của tổ chức này đều được đầu tư vào Chương trình Y tế toàn cầu của Bill và Melinda. Chương trình có mục tiêu đầy tham vọng là khai thác những tiến bộ trong khoa học và công nghệ để cứu sống người dân ở các quốc gia nghèo đói. Để thực hiện mong muốn này, họ đã tập trung vào “điều quan trọng nhất” – tiêu diệt căn bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân chính gây tử vong cho nhiều người. Tại một thời điểm nào đó trong cuộc hành trình, họ đã quyết định tập trung vào “điều quan trọng nhất” giúp họ thực hiện được mục tiêu của mình − đó là vắc-xin. Bill giải thích về quyết định của họ, “Chúng tôi phải lựa chọn những gì có ảnh hưởng lớn nhất để cho đi. Công cụ kỳ diệu nhất của sự can thiệp về y tế là vắc-xin, bởi chúng có chi phí sản xuất không quá cao”. Quyết định này của họ bắt nguồn từ câu hỏi của Melinda rằng: “Chúng ta có thể dùng tiền để mang đến sự thay đổi lớn nhất ở đâu?” Bill và Melinda Gates là bằng chứng sống về sức mạnh của “điều quan trọng nhất”.
ĐIỀU Ý NGHĨA NHẤT
Những cánh cửa hướng ra thế giới luôn mở rộng, và quang cảnh ngoài khung cửa vô cùng hùng vĩ. Nhờ công nghệ và đổi mới, cơ hội và tiềm năng dường như được kéo dài vô tận. Thực tế này vừa có khả năng khích lệ nhưng cũng không kém phần vượt ngoài tầm với. Hậu quả khôn lường của sự “dư giả” là chúng ta tiếp nhận thông tin và các lựa chọn trong một ngày bằng lượng thông tin tổ tiên ta nhận được cả đời. Tàn phá và vội vã, một cảm giác ám ảnh dai dẳng khi chúng ta nỗ lực quá nhiều nhưng thành quả đạt được chẳng đáng là bao.
Trực giác không mách bảo chúng ta về lựa chọn con đường tốt hơn mà là câu hỏi, “Ta nên bắt đầu từ đâu”? Với những gì cuộc sống ban tặng, chúng ta sẽ lựa chọn bằng cách nào? Chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn nhất có thể, trải nghiệm cuộc sống thật khác biệt và không bao giờ hối tiếc ra sao?
Hãy sống theo triết lý “điều quan trọng nhất”.
Những gì Curly biết, tất cả những ai thành công đều nắm rõ. Điều quan trọng nhất nằm ở cốt lõi của thành công và là điểm khởi đầu để đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, đó là một ý tưởng lớn về thành công được bọc trong lớp vỏ giản đơn đến không ngờ. Giải thích về nó không khó, nhưng để tin và áp dụng nó lại không hề đơn giản.
Vì vậy, trước khi chúng ta có thể trao đổi thẳng thắn và chân thành về hiệu quả của “điều quan trọng nhất”, tôi muốn công khai thảo luận về những suy diễn và thông tin sai lệch đã ngăn cản chúng ta chấp nhận nó. Đó là những ước lệ sai lầm về thành công.
Khi loại bỏ được những niềm tin sai lầm này, chúng ta có thể đón nhận “điều quan trọng nhất” với một tâm trí cởi mở và hành trình rộng mở hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.