Điều Ý Nghĩa Nhất Trong Từng Khoảnh Khắc Cuộc Đời

PHẦN III. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG KINH NGẠC KHAI PHÁ CÁC KHẢ NĂNG TIỀM ẨN CỦA BẠN



NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG KINH NGẠC

Một nhịp điệu tự nhiên trong cuộc sống của chúng ta có tiềm năng trở thành một công thức đơn giản trong quá trình thực thi điều quan trọng nhất và đạt được những kết quả đáng kinh ngạc: mục đích, ưu tiên và hiệu suất. Khi được kết hợp, cả 3 yếu tố này kết nối mãi mãi và liên tục xác nhận sự tồn tại của nhau trong cuộc sống của chúng ta. Liên kết giữa chúng dẫn đến hai lĩnh vực, nơi bạn áp dụng điều quan trọng nhất – một điều lớn và một điều nhỏ.

Điều quan trọng lớn nhất là mục đích và điều nhỏ là ưu tiên hành động để đạt được điều quan trọng lớn. Những người thành công nhất xuất phát với hành trang là mục đích và sử dụng nó như la bàn định hướng. Họ để mục đích là kim chỉ nam giúp xác định ưu tiên thúc đẩy hành động của họ. Đây là con đường dẫn thẳng đến thành công.

Hãy coi mục đích, ưu tiên, và năng suất là 3 phần của một tảng băng trôi.

Thường chỉ có 1/9 tảng băng lộ trên mặt nước, đó là bề nổi của mọi vấn đề. Đây chính xác là liên kết giữa năng suất, ưu tiên và mục đích. Những gì bạn quan sát thấy được xác định bởi những gì bạn không nhìn thấy.

Những người càng thành đạt, mục đích, ưu tiên càng thúc đẩy và dẫn dắt họ. Với kết quả gia tăng kèm lợi nhuận, hoạt động kinh doanh cũng vậy. Những gì được công khai – hiệu suất và lợi nhuận – luôn được thúc đẩy bởi nền tảng của công ty gồm mục đích và ưu tiên. Tất cả doanh nhân đều muốn có được hiệu suất và lợi nhuận, nhưng quá nhiều người không nhận ra con đường tốt nhất để đạt được chúng là thông qua ưu tiên được định hướng bởi mục đích.

Hiệu suất cá nhân là nền tảng của mọi lợi nhuận trong tổ chức. Cả hai yếu tố này đều không thể tách rời. Một doanh nghiệp với những nhân viên có năng suất lao động kém sẽ không thể sinh lợi cao. Các doanh nghiệp lớn được tạo dựng từ những nguồn lực hiệu quả. Và không ngạc nhiên, khi những người có năng suất lao động cao nhất nhận được phần thưởng lớn nhất từ các doanh nghiệp.

Kết nối mục đích, ưu tiên và hiệu suất xác định vị trí của các cá nhân thành công và các doanh nghiệp sinh lợi. Hiểu được điều này là cốt lõi của việc tạo ra thành công.

13. SỐNG VỚI MỤC ĐÍCH

Chúng ta phải sử dụng mục đích ra sao để tạo ra một cuộc sống khác biệt? Ebenezer Scrooge sẽ chỉ cho chúng ta cách.

Lạnh lùng, keo kiệt và tham lam, một người xem thường dịp Giáng sinh và mọi thứ khiến người khác hạnh phúc, ông ta điển hình cho sự hà tiện và hèn hạ − Ebenezer Scrooge hiếm có khả năng trở thành tấm gương về cách sống cho chúng ta. Tuy nhiên, trong tác phẩm kinh điển năm 1843 của Charles Dickens, A Christmas Carol, thì ngược lại.

Câu chuyện cứu vãn tình thế kể về sự thay đổi của Scrooge từ một gã keo kiệt, nhẫn tâm và không được yêu quý trở thành một người biết quan tâm, chăm sóc và yêu thương là một trong những ví dụ điển hình đầy hấp dẫn về khả năng các quyết định của chính chúng ta chi phối đích đến của chúng ta như thế nào, cuộc sống của chúng ta được định hình bởi sự lựa chọn của chúng ta ra sao. Một lần nữa, câu chuyện hư cấu đã mang đến một công thức mà tất cả chúng ta có thể vận dụng để tạo dựng một cuộc sống khác biệt bằng những kết quả đáng kinh ngạc. Câu chuyện kể:

Vào một đêm Giáng sinh nọ, Ebenezer Scrooge được Jacob Marley quá cố, một đối tác cũ của mình, “ghé thăm”. Chúng tôi không biết liệu đây là mơ hay thực. Marley than vãn, “Tôi ở đây tối nay để cảnh báo với anh rằng anh vẫn còn cơ hội và hy vọng để không dẫm lên vết xe đổ của tôi. Nếu không anh sẽ bị ám ảnh bởi ba linh hồn, từ quá khứ, hiện tại và tương lai. “Hãy nhớ những gì đã xảy ra giữa chúng ta!”

Dickens mô tả Scrooge là một người đàn ông có tính cách cổ lỗ sĩ, luôn lạnh lùng đến khắc nghiệt. Với bàn tay siết chặt, cái đầu chúc xuống và cánh tay buông thõng, Scrooge luôn mặc cả đến từng xu và kiếm lời lớn nhất có thể. Ông ta luôn bí ẩn và đơn độc. Không ai muốn chào hỏi ông ta trên đường. Không ai quan tâm đến ông ta, bởi ông ta cũng chẳng quan tâm đến ai. Scrooge là một người cay nghiệt, bủn xỉn, một kẻ tham lam vô độ.

Sau đêm đó, ba linh hồn đến từ quá khứ, hiện tại và tương lai của ông ta ghé thăm. Nhờ chuyến ghé thăm này, ông ta được thấy mình sẽ trở thành người như thế nào, cuộc sống của ông ta sẽ đi theo hướng nào, những gì sẽ xảy ra với ông ta và những người xung quanh. Một trải nghiệm đáng sợ khiến ông ta phải suy ngẫm khi tỉnh dậy. Scrooge nhận ra vẫn còn cơ hội và thời gian để thay đổi số phận của mình. Từ tờ mờ sáng, ông ta đã lao ra đường và nhờ cậu bé đầu tiên ông gặp trên đường mua một con gà tây lớn nhất tại chợ và gửi nặc danh đến nhà nhân viên duy nhất của mình, Bob Cratchit. Khi bắt gặp người đàn ông có lần đã bị ông từ chối làm từ thiện, Scrooge xin tha thứ và hứa sẽ đóng góp ủng hộ người nghèo. Ông còn đến nhà của cháu trai mình, cầu xin sự tha thứ vì ngu muội quá lâu và đồng ý ở lại ăn tối vào dịp nghỉ lễ. Scrooge đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để làm mọi thứ có thể cho người khác.

Qua câu chuyện đơn giản này, Charles Dickens đã cho chúng ta thấy một công thức đơn giản giúp tạo ra một cuộc sống khác biệt: Sống có mục đích. Sống bằng ưu tiên. Sống vì hiệu suất.

Khi suy nghĩ về câu chuyện này, tôi tin rằng Dickens đã cho thấy rằng mục đích là sự kết hợp giữa đích đến và điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Ông cho rằng ưu tiên là những gì chúng ta đặt mọi nhiệt huyết vào đó và kết quả đến từ hành động của chúng ta. Ông coi cuộc sống là một chuỗi các lựa chọn được kết nối, nơi mục đích của chúng ta đặt ra các ưu tiên và ưu tiên của chúng ta quyết định hiệu suất mà hoạt động của chúng ta tạo ra.

Đối với Dickens, mục đích xác định chúng ta là ai.

Ban đầu, mục đích của Scrooge là tiền bạc. Ông ta lấy công việc là mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Ông coi tiền quan trọng hơn con người và cho rằng tiền là mục đích phải đạt được bằng mọi giá. Với mục đích đó, ưu tiên của ông ta đơn giản là: kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Hiệu suất của ông ta được đo bằng số tiền kiếm được. Khi không làm việc kiếm tiền, ông ta coi việc đếm tiền là niềm vui. Dựa trên các tiêu chuẩn của Scrooge, ông ta đã hoàn thành tốt mục đích của mình. Tuy nhiên, mục đích của ông ta đã thay đổi kể từ khi được cảnh tỉnh, kéo theo sự thay đổi về ưu tiên điều quan trọng nhất, cũng như sự thay đổi vị trí hiệu suất tập trung. Sau cùng, Scrooge đã có được sức mạnh chuyển đổi của một mục đích hoàn toàn mới. Giờ đây ông ta quan tâm đến mọi người, đến hoàn cảnh tài chính và tình trạng thể chất của họ. Ông hỗ trợ mọi người, coi trọng việc đó hơn việc tích trữ tiền và tin rằng đồng tiền của ông đã được sử dụng đúng đắn vào những mục đích tốt đẹp.

Nếu trước đây ông tiết kiệm tiền và sử dụng nguồn lực con người để làm lợi cho mình, thì giờ đây, ông dùng tiền để cứu người. Ưu tiên hàng đầu của ông là kiếm nhiều tiền để giúp đỡ nhiều người nhất có thể. Nhờ đó, cuộc sống của ông trở nên có ý nghĩa.

Sự thay đổi này rất đáng chú ý với thông điệp rõ ràng. Chúng ta là ai và chúng ta muốn đi đâu quyết định những gì chúng ta làm và những gì chúng ta theo đuổi.

Sống có mục đích là cuộc sống có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và khiến con người hạnh phúc nhất.

MỤC ĐÍCH MANG LẠI HẠNH PHÚC

Dù hỏi ai về điều họ muốn có được trong cuộc sống bạn sẽ thấy đa phần câu trả lời là hạnh phúc. Dù động cơ là gì, dù làm gì đi chăng nữa, chúng ta cũng đều phấn đấu để có được hạnh phúc. Nhưng chúng ta thường hay biết ít hoặc hiểu sai về nó. Hạnh phúc không xuất hiện như những gì chúng ta nghĩ.

Để giải thích điều này, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện cổ tích.

CHIẾC BÁT ĂN XIN

Vào buổi sáng vi hành nọ, vị Hoàng đế đã gặp một người ăn mày, ngài hỏi: “Nhà ngươi muốn gì?” Người ăn mày cười nói: “Ngài hỏi như thể ngài có thể đáp ứng được mọi mong muốn của tôi vậy!” Cảm thấy bị xúc phạm, vị Hoàng đế nọ trả lời: “Tất nhiên là ta có thể. Mong muốn của ngươi là gì?” Người ăn xin cảnh báo, “Ngài nên nghĩ kỹ trước khi hứa hẹn bất cứ điều gì.”

Người ăn xin đó thực chất là người thầy quá cố của vị vua nọ, người đã thề rằng, “Ta sẽ trở lại để thức tỉnh ngươi ở kiếp sau. Ngươi đã bỏ lỡ cuộc sống này, nhưng ta sẽ trở lại để giúp ngươi.”

Nhà vua, không nhận ra người thầy cũ của mình, bèn khẳng định: “Ta sẽ đáp ứng bất cứ điều gì nhà ngươi muốn, bởi ta là nhà vua.” Người ăn mày liền đáp lại, “Mong muốn của tiện nhân rất đơn giản. Ngài có thể làm đầy chiếc bát ăn xin này không?” “Tất nhiên rồi!” nhà vua vui vẻ đáp lại, và sai quan tể tướng đổ tiền vào chiếc bát ăn xin. Vị tể tướng bèn làm theo, nhưng đổ tiền đến đâu, chúng biến mất đến đó.

Một đám đông tụ tập đến vì hiếu kỳ. Danh tín và quyền lực của nhà vua đang bị đe doạ, vì vậy ông nói với vị tể tướng, “Nếu buộc phải mất vương quốc, ta sẵn sàng, nhưng ta không thể bị đánh bại bởi kẻ ăn mày này.” Đức vua tiếp tục đổ vào chiếc bát. Nào kim cương, ngọc trai, ngọc lục bảo, v.v… Ngân khố của đức vua cạn dần.

Cuối cùng, nhà vua sụp xuống chân người ăn mày và thừa nhận thất bại. “Ngươi đã thắng, nhưng trước khi đi, xin giải đáp sự tò mò của ta. Bí mật của chiếc bát này là gì?”

Người ăn xin khiêm tốn trả lời, “Thưa đức vua, không có bí mật nào cả. Nó chỉ đơn giản được tạo ra từ mong muốn của con người.”

Một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta đó là không được phép biến mục đích cuộc sống của mình thành chiếc bát của người ăn xin, không ngừng tìm kiếm điều tiếp theo có thể khiến chúng ta hạnh phúc. Đó chắc chắn là một kế hoạch thất bại.

Mưu cầu tiền bạc và mong muốn đạt được mọi thứ tùy thuộc vào sự hài lòng mà chúng ta kỳ vọng chúng sẽ mang lại. Một mặt, điều này thực sự có tác dụng. Sự đảm bảo về tiền bạc hoặc mong muốn của chúng ta có thể mang lại hạnh phúc trong chốc lát. Nhưng cảm giác đó sẽ sớm biến mất.

Hoàn cảnh ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào phụ thuộc vào quan niệm của chúng ta trong mối tương quan với cuộc sống của chính mình. Nếu không có tầm nhìn đại cục, chúng ta có thể dễ rơi vào hành trình tìm kiếm thành công không hồi kết. Bởi một khi đã có được những gì chúng ta muốn, hạnh phúc của chúng ta sớm muộn cũng sẽ dần mất đi nhường chỗ cho những mưu cầu hạnh phúc mới. Điều này xảy ra với mọi người bởi chúng ta thường nảy sinh cảm giác buồn chán với những gì quen thuộc trong đó có cả hạnh phúc. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị cuốn vào hành trình tìm cách đạt được những gì mình mong muốn mà không bao giờ có thời gian trọn vẹn để tận hưởng thành quả mình đạt được. Đó là lý do chúng ta vẫn mãi là kẻ ăn mày thời gian, và ngày chúng ta nhận ra điều này là ngày cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi mãi mãi. Vậy, chúng ta tìm kiếm được hạnh phúc dài lâu bằng cách nào?

Hạnh phúc xuất hiện trên hành trình đi tìm sự viên mãn.

Tiến sĩ Martin Seligman, cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, tin rằng có 5 yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc: cảm xúc và niềm vui tích cực, thành tích, các mối quan hệ, sự gắn bó và ý nghĩa. Trong đó, ông tin sự gắn bó và ý nghĩa giữ vai trò quan trọng nhất. Gắn bó với những gì chúng ta làm bằng việc tìm cách để khiến cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn là cách chắc chắn nhất để có được hạnh phúc lâu dài. Khi các hành động hàng ngày của chúng ta đáp ứng được một mục đích lớn hơn, hạnh phúc mạnh mẽ và lâu dài nhất sẽ xuất hiện.

Tiền là một ví dụ hoàn hảo. Bởi tiền bạc là thành quả của việc hoàn thành một việc gì đó và có tiềm năng đạt được nhiều hơn nữa. Nhiều người không chỉ hiểu nhầm cách kiếm tiền mà còn cả cách nó khiến chúng ta hạnh phúc. Tôi đã hướng dẫn cách tạo dựng sự giàu có cho mọi người từ những doanh nhân dày dạn đến các học sinh trung học, và bất cứ khi nào tôi hỏi, “mọi người muốn kiếm được bao nhiêu tiền?” tôi nhận được đủ loại câu trả lời, nhưng thường thì con số này khá cao. Khi hỏi, “sao các anh chị lại đưa ra được con số đó?” tôi thường xuyên nhận được câu trả lời quen thuộc: “Chúng tôi không biết”, sau đó tôi lại tiếp tục hỏi, “Theo các anh chị, một người giàu có về tiền bạc là người như thế nào?” Và tôi luôn nhận được các con số từ một triệu đô-la trở lên. Khi tôi hỏi sao họ lại có thể đưa ra con số đó, họ thường nói, “Chúng có vẻ nhiều”. Tôi đáp lại, “Quan điểm của các anh chị có phần đúng mà lại không đúng”. Tất cả phụ thuộc vào việc anh chị sẽ làm gì với số tiền đó.”

Tôi tin rằng những người giàu có về tiền bạc là những người có đủ tiền mà không cần phải làm việc để làm thỏa mãn mục đích sống của họ. Giờ đây, hãy coi định nghĩa này là một thách thức đối với bất cứ ai chấp nhận nó. Để được giàu có về tiền bạc, bạn phải có một mục đích cho cuộc sống. Nói cách khác, không có mục đích, bạn sẽ không bao giờ biết khi nào bạn có đủ tiền, và bạn sẽ không bao giờ có thể giàu có về mặt tiền bạc.

Điều đó không có nghĩa là có nhiều tiền sẽ không mang lại hạnh phúc cho bạn. Nhưng, hạnh phúc nó mang đến sẽ đạt đến tới hạn. Bởi việc có thêm nhiều tiền để thúc đẩy bạn phụ thuộc vào mục đích muốn kiếm nhiều tiền hơn nữa. Muốn có được nhiều tiền hơn chỉ vì bạn muốn thế sẽ không mang lại hạnh phúc như mong muốn. Hạnh phúc chỉ xuất hiện khi mục đích của bạn vượt ra khỏi sự viên mãn tầm thường, đó là lý do chúng ta nói hạnh phúc có được trên dọc hành trình đi tìm sự viên mãn.

SỨC MẠNH CỦA MỤC ĐÍCH

Mục đích là con đường dẫn thẳng đến quyền lực và nguồn lực sức mạnh cá nhân tiềm năng – sức mạnh của niềm tin và sức mạnh để kiên trì. Để có được những kết quả đáng kinh ngạc cần nắm rõ những gì quan trọng với bạn và hành động hàng ngày tương xứng với các mục tiêu quan trọng đó. Khi đã xác định được mục đích sống, mục tiêu rõ ràng sẽ nhanh chóng xuất hiện, hướng đi trở nên thuyết phục hơn và do đó các quyết định cũng nhanh chóng được đưa ra. Khi đó, bạn sẽ có được những lựa chọn tốt nhất dẫn đến những cơ hội tốt nhất. Điều này giúp bạn nắm rõ đích đến của mình, từ đó dẫn đến những kết quả khả quan nhất và trải nghiệm cuộc sống tốt nhất có thể.

Mục đích cũng hỗ trợ bạn khi mọi thứ không được như ý muốn. Đôi khi cuộc sống đầy rẫy khó khăn và không lối thoát, nhưng chúng ta đều phải trải qua điều này. Mục đích cung cấp chất keo kết dính giúp bạn gắn chặt vào con đường đã chọn. Cuộc sống có mục đích sẽ vô cùng thoải mái và ý nghĩa.

Khi tự hỏi, “điều quan trọng nhất tôi có thể làm trong cuộc sống, nhờ đó việc thực hiện những điều khác sẽ trở nên dễ dàng hơn hoặc không cần thiết nữa là gì?”, bạn đang sử dụng tiềm lực của điều quan trọng nhất để mang lại mục đích cho cuộc sống của bạn.

Ý TƯỞNG LỚN

1. Hạnh phúc sẽ xuất hiện trên hành trình đi tìm sự viên mãn. Chúng ta đều muốn được hạnh phúc, nhưng tìm kiếm không phải là cách tốt nhất để có được nó. Con đường chắc chắn nhất để đạt được hạnh phúc lâu dài là khi bạn hướng cuộc sống của mình đến một điều lớn lao hơn, khi bạn mang ý nghĩa và mục đích vào mọi hành động hàng ngày.

2. Khám phá câu hỏi lớn Tại sao. Khám phá mục đích sống của bạn bằng cách tự hỏi điều gì thúc đẩy bạn. Điều gì khiến bạn thức dậy mỗi sáng và giúp bạn luôn kiên trì đến cùng khi mệt mỏi? Đôi khi tôi coi đây là một câu hỏi lớn. Đó là lý do bạn háo hức với cuộc sống và làm những gì bạn đang làm.

3. Thiếu một câu trả lời, chọn một hướng đi. “Mục đích” nghe có vẻ nặng nề, nhưng không phải vậy. Hãy coi nó đơn giản là điều quan trọng nhất bạn muốn hướng đến hơn bất kỳ điều gì khác. Hãy thử viết ra thứ gì đó mà bạn muốn thực hiện và sau đó mô tả cách thực hiện nó.

Đối với tôi, “Mục đích của tôi là giúp mọi người sống cuộc sống ý nghĩa nhất có thể thông qua sự giảng dạy, huấn luyện và các tác phẩm của tôi.”

Vì vậy, dạy học là điều quan trọng nhất đối với tôi và tôi đã gắn bó với nó trong gần 30 năm. Những gì tôi dạy là những gì tôi áp dụng sau đó để huấn luyện và cũng là những gì được hỗ trợ bởi kiến thức tôi viết ra.

Chọn một hướng đi, dấn bước rồi bạn sẽ thấy mình thích nó đến nhường nào. Thời gian sẽ làm rõ mọi thứ, và nếu bạn thấy mình không thích hướng đi đó, bạn luôn có thể thay đổi. Đó là cuộc sống của bạn.

14. SỐNG THEO ƯU TIÊN

“Ông có thể vui lòng cho tôi biết tôi phải đi theo hướng nào để đến đó không ạ?”

“Điều đó phụ thuộc vào việc cô muốn đến đâu,” Cat trả lời.

“Tôi không quan tâm đến đích đến,” Alice nói.

“Thế thì đường đi có gì quan trọng,” Cat nói.

Cuộc gặp gỡ giữa Alice với Cheshire Cat trong Alice ở xứ sở thần tiên của Lewis Carroll đã tiết lộ mối liên hệ chặt chẽ giữa mục đích và ưu tiên. Sống có mục đích giúp bạn định hình đích đến. Sống theo ưu tiên giúp bạn biết được phải làm gì để đến đó.

Khi bắt đầu một ngày mới, mỗi chúng ta đều có một lựa chọn. Chúng ta có thể hỏi, “Tôi phải làm gì?” hoặc “Tôi nên làm gì?” Nếu không có đường hướng, không mục đích, bất cứ điều gì bạn “sẽ làm” luôn đưa bạn đến một nơi nào đó. Nhưng khi có chủ đích, bạn “nên làm” làm điều để đến được nơi bạn phải đi. Khi có mục đích sống, việc sống theo ưu tiên là một lựa chọn ưu việt.

ĐẶT RA MỤC TIÊU CHO HIỆN TẠI

Như Ebenezer Scrooge đã khám phá ra, cuộc sống của chúng ta được thúc đẩy bởi mục đích sống của mỗi người. Tuy nhiên, ông cũng vẫn phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Mục đích có khả năng định hình cuộc sống của chúng ta tỷ lệ thuận với sức mạnh của những ưu tiên mà chúng ta trao cho nó. Mục đích sẽ vô ích nếu không có ưu tiên.

Chính xác, từ ưu tiên (priority) – thay vì các ưu tiên (priorities) – có nguồn gốc từ thế kỷ XIV, xuất phát từ prior trong tiếng Latin có nghĩa là “đầu tiên”. Nếu điều gì ở mức quan trọng nhất thì đó là một “ưu tiên hàng đầu”. Thật kỳ lạ, ưu tiên vẫn không được số hóa cho đến khoảng thế kỷ XX, khi thế giới hạ thấp nghĩa chung của nó xuống thành “điều quan trọng” và từ các ưu tiên bắt đầu xuất hiện. Do mất nghĩa ban đầu, nên nhiều câu nói như “vấn đề cấp bách nhất”, “mối quan tâm chính”, và “vấn đề quan trọng” đều có ý ám chỉ nghĩa gốc. Ngày nay, chúng ta đưa ý nghĩa ban đầu trở lại bằng cách thêm các từ như “nhất”, “hàng đầu”, “đầu tiên”, “chính” và “quan trọng nhất” vào sau nó. Có vẻ như ưu tiên đã trải qua một cuộc hành trình thú vị.

Vì vậy, hãy cân nhắc ngôn từ của bạn. Có nhiều cách để nói về ưu tiên, nhưng dù bạn chọn từ nào đi chăng nữa, để đạt được kết quả đáng kinh ngạc, ý nghĩa của từ được dùng đều phải có chung nghĩa – điều quan trọng nhất.

Bất cứ khi nào dạy về cách thiết lập mục tiêu, tôi luôn đưa nó lên vị trí ưu tiên hàng đầu để chứng tỏ một điều rằng mục tiêu và ưu tiên có liên hệ tương quan. Tôi làm vậy bằng cách hỏi, “Tại sao chúng ta lại đặt ra mục tiêu và lập các kế hoạch?” Dù nhận được câu trả lời chuẩn xác ra sao, thì sự thật vẫn là chúng ta có những mục tiêu và kế hoạch chỉ vì một lý do – chúng phù hợp trong những khoảnh khắc cuộc sống mà chúng ta thấy quan trọng nhất. Dù có thể hồi tưởng quá khứ và dự báo tương lai, cuộc sống duy nhất của chúng ta vẫn là những giây phút hiện tại. Ngay bây giờ là tất cả những gì chúng ta cần. Thời khắc qua đi là quá khứ trong khi giây phút sắp tới là tương lai. Để làm rõ hơn luận điểm này, tôi bắt đầu đề cập đến cách tạo ra ưu tiên như “Đặt ra mục tiêu cho hiện tại” để nhấn mạnh lý do chúng ta phải tạo ra ưu tiên ngay từ đầu.

Thành công thực chất là khả năng chúng ta đạt được những chuỗi kết quả đáng kinh ngạc trong tương lai. Việc làm của bạn trong bất kỳ thời điểm nào xác định những gì bạn sẽ trải nghiệm trong thời gian kế tiếp. Không thể phủ nhận, hiện tại và tương lai được quyết định bởi các ưu tiên của bạn trong thời điểm hiện tại. Yếu tố quyết định cách bạn thiết lập ưu tiên là người chiến thắng trong trận chiến giữa bản thân bạn ở hiện tại và bạn trong tương lai.

Nếu được đưa ra một đề nghị 100 đô-la ngay hôm nay hoặc 200 đô-la trong năm tới, bạn sẽ lựa chọn thế nào? 200 đô-la? Bạn sẽ làm vậy nếu mục tiêu của bạn là kiếm được nhiều tiền nhất có thể từ cơ hội này. Nhưng kỳ lạ thay, hầu hết mọi người không đưa ra lựa chọn đó.

Các nhà kinh tế từ lâu đã biết rằng dù thích những phần thưởng lớn, nhưng mọi người lại muốn được thưởng ngay thay vì đợi đến ngày mai – dù phần thưởng của ngày mai lớn hơn rất nhiều. Đó là một điều hết sức bình thường, được gọi là hội chứng suy giảm hypebol – phần thưởng càng được trao xa thời điểm hiện tại, nó càng tạo ra ít động lực tức thời khiến người nhận mong muốn đạt được nó. Có lẽ do các mục tiêu càng ở xa có kích thước càng nhỏ, nên mọi người nhầm lẫn khi cho rằng thực tế, chúng nhỏ như vậy dẫn đến việc giảm giá giá trị của chúng. Đó là lý do rất nhiều người sẽ chọn 100 đô-la hôm nay thay vì số tiền gấp đôi sau 1 năm. Thực tế “thiên vị hiện tại” sẽ lấn át mọi logic, và bỏ qua bức tranh toàn cảnh lớn kèm theo các kết quả đáng kinh ngạc. Giờ đây hãy tưởng tượng những ảnh hưởng tiêu cực mỗi ngày của thực tế cuộc sống này đến tương lai của bạn. Chúng ta cần một cách tư duy đơn giản hóa để tự thoát khỏi chính mình, thiết lập quyền ưu tiên và tiến gần hơn đến việc hoàn thành mục đích cuối cùng của chính chúng ta.

Đặt ra mục tiêu cho hiện tại sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến đích.

Bằng cách tư duy thông qua bộ lọc “Đặt ra mục tiêu cho hiện tại”, bạn cũng đang đặt ra mục tiêu cho tương lai và sau đó đào sâu một cách có phương pháp vào những gì bạn cần phải làm ngay bây giờ. Điều này có nét tương đồng với con búp bê Matryoshka của Nga trong đó điều quan trọng nhất “ngay bây giờ” được lồng trong điều quan trọng nhất ngày hôm nay, và điều quan trọng nhất ngày hôm nay được lồng trong điều quan trọng nhất tuần này, và điều quan trọng nhất tuần này được lồng trong điều quan trọng nhất tháng này… Đó là cách mà một điều nhỏ bé có thể thực sự trở thành một điều lớn lao.

Hãy học cách nghĩ lớn nhưng đi từng bước nhỏ.

Bỏ qua các bước bằng cách tự hỏi, “Điều quan trọng nhất tôi có thể làm ngay bây giờ để đi đúng hướng giúp tôi đạt được mục tiêu một ngày nào đó của tôi là gì?” sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả. Thời điểm này quá xa tương lai để bạn thấy rõ được ưu tiên hàng đầu của mình. Thực tế, bạn có thể tiếp tục bổ sung các mốc thời gian như trong ngày hôm nay, tuần này, v.v…, nhưng bạn sẽ không thể thấy được các ưu tiên mạnh mẽ mà bạn tìm kiếm cho đến khi thêm các mốc thời gian vào mọi bước. Đó là lý do hầu hết mọi người không bao giờ có thể tiến gần đến mục tiêu của họ. Họ đã không kết nối hôm nay với mọi mục tiêu ngày mai để đạt được thành công như ý muốn.

Kết nối ngày hôm nay với mọi mục tiêu ngày mai. Đó là điều quan trọng nhất.

Nghiên cứu đã hỗ trợ nhận định này. Trong ba nghiên cứu riêng biệt, các nhà tâm lý học đã quan sát 262 sinh viên để khảo sát tác động của khả năng hình dung đến các kết quả. Các sinh viên này được yêu cầu hình dung theo một trong hai cách: Những người trong nhóm 1 được yêu cầu hình dung ra kết quả (như nhận được điểm “A” trong một kỳ thi) và những người còn lại được yêu cầu hình dung ra quá trình cần thiết để đạt được một kết quả như mong muốn (như các buổi học cần thiết để đạt được điểm “A” trong kỳ thi). Cuối cùng, các học sinh hình dung ra quá trình có được kết quả tốt hơn – họ nghiên cứu sớm hơn và thường xuyên hơn đồng thời đạt điểm cao hơn so với những người chỉ đơn giản hình dung ra kết quả.

Con người có xu hướng quá lạc quan về những gì họ có thể làm, và do đó hầu hết đều không nghĩ kết quả có được thông qua các cách thực hiện. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “ảo tưởng hoạch định”. Hình dung ra quá trình – chia mục tiêu lớn thành các bước nhỏ cần thiết để đạt được nó – giúp bạn tham gia vào quá trình tư duy chiến lược cần thiết để lập kế hoạch và đạt được các kết quả đáng kinh ngạc. Đây là lý do việc thiết lập mục tiêu cho hôm nay mang lại hiệu quả.

Tôi nói chuyện này với mọi người mỗi ngày. Nó rất hiệu quả khi họ hỏi tôi họ nên làm gì. Tôi nhìn quanh và nói, ”Trước khi trả lời câu hỏi của anh/chị, hãy để tôi hỏi anh/chị một điều: Anh đang đi đâu và anh muốn đến đâu vào một ngày nào đó?” Sau đó, khi tôi đưa họ đến với quy trình thiết lập mục tiêu cho hiện tại, họ nắm bắt vấn đề một cách nhanh chóng và đưa ra câu trả lời riêng của mình, cho tôi biết điều quan trọng nhất họ cần phải làm ngay bây giờ.

Bước cuối cùng là hãy viết ra câu trả lời của bạn. Rất nhiều người đã viết về việc liệt kê ra các mục tiêu và thực tế, nó mang lại hiệu quả rất cao.

Năm 2008, Tiến sĩ Gail Matthews của Đại học Dominican, California, đã tuyển 267 người tham gia từ rất nhiều ngành nghề khác nhau (luật sư, kế toán, nhân viên phi lợi nhuận, các nhà tiếp thị, v.v…) tại nhiều nước khác nhau tham gia vào một nghiên cứu. Những người viết ra mục tiêu của họ có tiềm năng thực hiện chúng hơn những người không viết ra là 39,5%.

Viết ra mục tiêu và ưu tiên quan trọng nhất của bạn là bước cuối cùng để sống theo ưu tiên.

Ý TƯỞNG LỚN

1. Chỉ có một điều quan trọng nhất. Ưu tiên quan trọng nhất của bạn là điều quan trọng nhất bạn có thể làm ngay bây giờ và sẽ giúp bạn đạt được những gì quan trọng nhất với bạn. Bạn có thể có nhiều “ưu tiên”, nhưng hãy đào sâu hơn nữa và bạn sẽ khám phá ra rằng luôn có một điều quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu của bạn.

2. Đặt ra mục tiêu cho hiện tại. Nắm rõ mục tiêu tương lai là cách bạn bắt đầu. Xác định các bước cần phải thực hiện trong suốt hành trình sẽ giúp bạn có tư duy rõ ràng đồng thời khám phá ra các ưu tiên đúng đắn cần thực hiện ngay.

3. Viết ra các mục tiêu. (và luôn để mắt đến chúng.)

Mang theo mục tiêu của bạn suốt hành trình đến ưu tiên duy nhất được xây dựng bởi việc đặt ra mục tiêu cho hiện tại và điều quan trọng nhất bạn có thể làm nhờ đó việc thực hiện mọi điều khác sẽ trở nên dễ dàng hơn hoặc không cần thiết nữa sẽ cho bạn biết cách để đạt được các kết quả đáng kinh ngạc.

Và một khi bạn biết phải làm gì, điều duy nhất còn lại chính là biến ý tưởng đó thành hành động.

15. SỐNG VÌ HIỆU QUẢ

Câu chuyện của Ebenezer Scrooge cho chúng ta thấy một điều – ông ta đã hành động. Đam mê mục đích mới mẻ và được khuyến khích bởi ưu tiên hoàn thành nó đã giúp, ông ta đã đứng dậy và hành động.

Hành động hiệu quả làm thay đổi cuộc sống.

“Hãy luôn hành động thật hiệu quả!” không phải là lựa chọn đầu tiên mà một huấn luyện viên hoặc quản lý nói chung dùng như một lời kêu gọi phổ biến để khơi gợi cảm xúc và truyền cảm hứng cho các học viên. Nó cũng không phải là những gì bạn tự nhủ khi đối mặt với thách thức hay cạnh tranh. Và Dickens đã không bao giờ để Scrooge thốt ra những lời này khi ông làm chủ cuộc sống sau khi đã thay đổi. Tuy nhiên, hiệu quả chính xác những gì Scrooge đã làm được, và không có từ nào chuẩn xác hơn từ hiệu quả khi mô tả thành quả bạn muốn đạt được, khi kết quả là yếu tố quan trọng nhất.

Khi việc chúng ta làm giữ vai trò quan trọng, chúng định hình cuộc sống của chúng ta hơn bất kỳ điều gì khác. Cuối cùng, để có một cuộc sống được gây dựng nên từ các kết quả đáng kinh ngạc thường đơn giản chỉ là nỗ lực đạt được thành quả tối đa từ những gì bạn làm, khi những điều đó giữ vai trò quan trọng.

Sống vì hiệu quả tạo ra những kết quả đáng kinh ngạc.

Bất cứ khi nào dạy về hiệu quả, tôi luôn bắt đầu bằng câu hỏi, “bạn sử dụng loại hệ thống quản lý thời gian nào?” Các câu trả lời rất đa dạng: lịch giấy, lịch điện tử, lịch theo ngày, lập kế hoạch hàng tuần… Sau đó tôi hỏi, “Vậy, các anh/chị chọn nó bằng cách nào?” Lý do đưa ra cũng vô cùng phong phú. Nhưng họ luôn mô tả những định dạng thay vì chức năng – những gì họ đang có chứ không phải cách họ làm. Vì vậy, khi tôi nói, “Thật tuyệt vời, nhưng các anh chị sử dụng loại hệ thống nào?”, câu trả lời tôi nhận được luôn là: “Ý anh là gì?”

“Thật vậy, ai cũng có một lượng thời gian như nhau nhưng một số người lại kiếm được nhiều tiền hơn người khác,” tôi hỏi, “vậy có thể nói rằng cách chúng ta sử dụng thời gian quyết định số tiền chúng ta kiếm được không?” Mọi người đều đồng ý, vì vậy tôi tiếp tục: “Nếu điều này đúng, thời gian là tiền bạc, thì cách tốt nhất để mô tả một hệ thống quản lý thời gian là nhờ vào số tiền mà nó tạo ra. Vậy, bạn có nghĩ rằng mình đang sử dụng hệ thống 10.000 đô-la một năm? 20.000 đô-la một năm? 50.000 đô-la một năm? 100.000 đô-la một năm hay 500.000 đô-la một năm? Bạn có đang sử dụng hệ thống hơn 1 triệu đô-la một năm?”

Một người lên tiếng, “Chúng tôi biết điều đó bằng cách nào?”

Tôi trả lời, “Các anh/chị kiếm được bao nhiêu?”

Nếu tiền là một phép ẩn dụ cho việc tạo ra các kết quả, thì rõ ràng thành công của một hệ thống quản lý thời gian có thể được đánh giá bằng hiệu quả mà nó tạo ra.

Điều kỳ lạ là tôi chưa từng làm việc cho ai không phải là một triệu phú hoặc không trở thành một triệu phú. Và điều quan trọng nhất mà tôi học được từ những trải nghiệm này là những người thành công nhất là những người làm việc hiệu quả nhất.

Những người này quả làm được nhiều việc hơn, đạt được kết quả tốt hơn, và kiếm được nhiều hơn trong cùng khoảng thời gian so với những người khác. Họ làm vậy bởi họ tận dụng tối đa thời gian để thực hiện các ưu tiên hàng đầu của họ − điều quan trọng nhất. Họ dành một lượng thời gian cho điều quan trọng nhất và sau đó bảo vệ khối thời gian đó đến cùng. Họ đã kết nối các điểm giữa việc tận dụng những khối thời gian của mình một cách nhất quán và các kết quả đáng kinh ngạc mà họ tìm kiếm.

NGĂN Ô THỜI GIAN

Đôi lúc, tôi thấy mình giống một con rùa hơn con thỏ. Mặt khác, một số người làm việc với tôi thật may mắn với năng lượng mà họ có. Thật ngạc nhiên, họ có thể làm việc trong nhiều giờ kéo dài và không bao giờ mệt mỏi. Khi tôi cố gắng bắt chước họ, trong vòng chưa đầy một tuần, cơ thể tôi đã rã rời. Tôi phát hiện ra, dù cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể sử dụng nhiều thời gian như một phương tiện chính để làm được nhiều việc hơn. Vì vậy, tôi đã phải tìm cách khác để đạt được hiệu quả lớn nhất với lượng thời gian tôi bỏ ra.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ không bao giờ có đủ thời gian để thành công, nhưng điều đó hoàn toàn khả thi khi bạn ngăn ô thời gian. Chia thời gian là một cách thức định hướng kết quả để quan sát và sử dụng thời gian. Đó là một cách để đảm bảo một người đã hoàn thành những gì cần thực hiện. Alexander Graham Bell từng nói: “Tập trung mọi suy nghĩ của bạn vào việc đang làm.” Ngăn ô thời gian khai thác triệt để năng lượng của bạn và tập trung nó vào công việc quan trọng nhất của bạn. Đó là công cụ quyền lực lớn nhất của sự hiệu quả.

Vì vậy, hãy cầm lịch của bạn lên và ngăn ô lượng thời gian cần thiết để thực hiện điều quan trọng nhất. Nếu đó là điều quan trọng nhất một lần, hãy ngăn ô thời giờ phù hợp. Nếu đó là một việc thường xuyên, hãy ngăn ô thời gian hàng ngày để biến nó trở thành một thói quen. Những việc khác − các dự án khác, các thủ tục giấy tờ, e-mail, cuộc gọi, thư từ, các cuộc họp và tất cả những việc khác – phải xếp hàng chờ. Thật không may, nếu như hầu hết những người khác, một ngày điển hình của bạn có thể giống Hình 27, khi bạn thấy mình ngày càng có ít thời hơn nữa để tập trung vào những gì quan trọng nhất.

Một ngày của những người hiệu quả nhất rất khác biệt (Hình 28).

Nếu một hành động mang lại những kết quả không cân xứng, thì bạn cũng phải dành thời gian không cân xứng cho nó. Hãy đặt ra một câu hỏi tập trung về thời gian được ngăn ô của bạn hàng ngày. Thực hiện điều quan trọng, có tính đòn bẩy nhất ngày hôm nay để từng bước thực hiện được điều quan trọng nhất của cuộc đời bạn.

Đây là cách kết quả trở nên đáng kinh ngạc.

Những người làm được điều này, theo kinh nghiệm của tôi, là những người không chỉ trở nên hoàn hảo nhất, mà còn có cơ hội nghề nghiệp lớn nhất. Chậm nhưng chắc, họ trở nên nổi tiếng trong tổ chức vì điều quan trọng nhất của họ và trở nên “không thể thay thế”.

Một khi đã thực hiện được điều quan trọng nhất trong ngày, bạn có thể dành phần thời gian còn lại trong ngày cho những việc khác. Chỉ cần sử dụng câu hỏi tập trung để xác định ưu tiên tiếp theo và dành thời gian phù hợp để thực hiện việc đó. Lặp lại phương pháp này cho đến khi mọi việc trong ngày của bạn được thực hiện hết. Thực hiện “những việc khác” giúp bạn yên tâm hơn nhưng không giúp bạn thăng tiến.

Để đạt được những kết quả đáng kinh ngạc và trải nghiệm sự tuyệt vời, ngăn ô thời gian cho ba điều này theo thứ tự sau:

1. Thời gian nghỉ ngơi của bạn.

2. Thời gian cho điều quan trọng nhất.

3. Thời gian lập kế hoạch của bạn.

1. THỜI GIAN NGHỈ NGƠI CỦA BẠN

Những người thành công bắt đầu năm mới bằng cách dành thời gian để lập kế hoạch thời gian nghỉ ngơi cho mình. Tại sao? Họ biết sẽ cần đến nó và sẽ đầu tư thời gian và tiền bạc để thực thi điều đó. Thực tế, những người thành công nhất chỉ đơn giản là xem mình đang làm việc giữa các kỳ nghỉ. Những người khác lại không dành thời gian nghỉ ngơi, bởi họ không nghĩ mình xứng đáng được nghỉ ngơi hoặc có đủ khả năng làm điều đó. Bằng việc lập kế hoạch nghỉ ngơi trước, bạn có thể quản lý được thời gian làm việc. Việc này cũng để người khác biết trước kế hoạch của bạn để họ đưa ra kế hoạch phù hợp.

Hãy dành thời gian nghỉ ngơi để nạp năng lượng. Ngăn ô những ngày cuối tuần dài và kỳ nghỉ dài, sau đó dành thời gian để tận hưởng. Bạn sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, thoải mái hơn và làm việc hiệu quả hơn.

2. THỜI GIAN CHO ĐIỀU Ý NGHĨA NHẤT

Sau khi ngăn ô thời gian để nghỉ ngơi, hãy ngăn ô thời gian cho điều quan trọng nhất của bạn. Việc quan trọng nhất của bạn đứng thứ hai. Bởi bạn không thể duy trì thành công trong công việc nếu bỏ bê việc làm mới và nạp năng lượng cho bản thân.

Những người làm việc hiệu quả nhất thường thiết kế ngày của mình xoay quanh việc thực hiện điều quan trọng nhất. Cuộc hẹn hò quan trọng nhất của họ mỗi ngày là với chính mình, và họ không bao giờ bỏ lỡ nó. Nếu họ hoàn thành điều quan trọng nhất trước hạn định, họ không coi như đã hoàn thành xong ngày của mình. Họ sử dụng câu hỏi tập trung để tận dụng khoảng thời gian còn lại.

Tương tự như vậy, nếu có mục tiêu cụ thể cho điều quan trọng nhất, họ có thể kết thúc nó bất kể lúc nào. Trong cuốn Địa lý thời gian, Robert Levine đã chỉ ra phần lớn mọi người làm việc dựa trên thời gian “đồng hồ”. “Tôi sẽ gặp anh vào 5 giờ ngày mai”, trong khi những người khác làm việc theo thời gian “sự kiện” –Người nông dân nuôi bò sữa không nghỉ tay vào thời gian nhất định, ông ta về nhà khi bò đã được vắt sữa. Việc này giống như bất kỳ vị trí nào trong các nghề nghiệp coi trọng kết quả. Những người làm việc hiệu quả nhất thường làm việc dựa trên thời gian sự kiện. Họ không từ bỏ cho đến khi điều quan trọng nhất của họ được thực hiện.

Chìa khóa khiến việc này mang lại hiệu quả là ngăn ô thời gian sớm nhất có thể trong ngày. Hãy cho bản thân từ 30 phút đến một giờ để dành cho những ưu tiên trong buổi sáng, sau đó chuyển sang điều quan trọng nhất.

Tôi nghĩ nên ngăn thời gian trong ngày thành các khoảng, mỗi khoảng tối thiểu gồm 4 giờ. Trong cuốn On writting, Stephen King mô tả công việc của mình: “lịch trình của của tôi khá rõ ràng. Buổi sáng được dành cho những điều mới mẻ − thành phần hiện tại. Buổi chiều dành cho giấc ngủ trưa và các lá thư. Buổi tối để đọc, cho gia đình, cho chương trình Red Sox trên truyền hình, và cho bất kỳ sửa đổi cần thiết ngay nào. Về cơ bản, các buổi sáng là thời gian để viết của tôi.” Bất cứ khi nào tôi kể câu chuyện này, luôn có một người nói với tôi rằng, “Vâng, điều đó chắc chắn dễ dàng đối với ông bởi ông là Stephen King.” Tôi đơn giản đáp rằng: “Tôi nghĩ anh/chị nên tự hỏi mình rằng: Ông ấy có thành quả này bởi ông là Stephen King hay ông ấy làm được những điều này và tạo nên một Stephen King?”

Giống như nhiều nhà văn thành công khác, ngay từ đầu trong sự nghiệp của mình, King đã tìm cách phân chia thời gian – buổi sáng, buổi tối, thậm chí giờ nghỉ trưa – bởi công việc trong ngày của ông không chứa đựng tham vọng của ông về cuộc sống. Khi các kết quả đáng kinh ngạc bắt đầu xuất hiện và ông có thể kiếm sống từ điều quan trọng nhất, ông có thể chuyển các ô ngăn thời gian sang khoảng thời gian ổn định hơn.

Một trợ lý điều hành trong nhóm của chúng tôi gần đây chuyển sang ngăn các ô lớn thời gian cho một dự án. Tuy nhiên, e-mail, các đồng nghiệp ghé qua, các thành viên trong đội đề nghị được gặp riêng cô ấy không ngừng. Đó không phải phiền nhiễu mà là công việc của cô ấy. Cuối cùng, cô ấy đã phải trốn vào phòng họp để tránh những yêu cầu ngẫu nhiên và không khẩn cấp. Nhưng chỉ trong vòng một tuần, mọi người đã quen với việc không thể gặp được cô ấy thường xuyên. Họ đã điều chỉnh, cơ cấu lại tình hình rất nhanh chóng. Và cô ấy đã trải qua một bước nhảy lớn về hiệu quả.

Dù bạn là ai, những ô ngăn thời gian lớn đều mang lại hiệu quả.

Bài luận năm 2009 của Paul Graham “Lịch trình của Maker, lịch trình của nhà quản lý” nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc ngăn ô lớn về thời gian. Graham, một trong những nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm đổi mới Y Combinator, đã cho rằng văn hóa kinh doanh thông thường đi vào hành trình tìm kiếm sự hiệu quả theo cách mọi người lên lịch trình thời gian truyền thống (hoặc được phép làm như vậy).

Graham chia mọi công việc thành 2 nhóm: nhà sản xuất (làm hoặc tạo ra) và nhà quản lý (giám sát hoặc hướng dẫn). Thời gian “nhà sản xuất” đòi hỏi nhiều thời gian để viết mã hóa, phát triển ý tưởng, tuyển người, sản xuất sản phẩm, hoặc thực thi các dự án và kế hoạch. Ô thời gian này có xu hướng được chia theo nửa ngày. “Thời gian quản lý”, mặt khác, được chia theo giờ. Ô thời gian này thường chuyển từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, bởi những người giám sát hoặc chỉ đạo có xu hướng có quyền hạn hơn, nên “họ có thể khiến mọi người phải làm theo họ”. Điều này có thể tạo ra một cuộc xung đột lớn nếu thời gian của nhà sản xuất bị đẩy vào các cuộc họp thêm giờ, phá hủy các ô thời gian rất cần thiết để thúc đẩy bản thân họ và công ty. Graham sử dụng tầm nhìn này và tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tại Y Combinator hoạt động hoàn toàn dựa theo kế hoạch của nhà sản xuất. Tất cả các cuộc họp được thực hiện vào cuối ngày.

Để trải nghiệm các kết quả đáng kinh ngạc, hãy là một nhà sản xuất vào buổi sáng và một người quản lý vào buổi chiều. Mục tiêu của bạn là “điều quan trọng nhất và được thực hiện”. Nhưng nếu bạn không ngăn ô thời gian mỗi ngày để làm điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất của bạn sẽ không được thực hiện.

3. THỜI GIAN LẬP KẾ HOẠCH CỦA BẠN

Ưu tiên phân chia thời gian cuối cùng được dành cho việc lập kế hoạch. Đây là lúc bạn suy xét về vị trí hiện tại của mình và đích đến mong muốn. Đối với kế hoạch hàng năm, lập lịch trình thời gian này trong năm đủ muộn để bạn có cảm giác về hành trình, nhưng không quá muộn đến mức bạn bỏ lỡ xuất phát điểm cho hành trình sau đó. Hãy xem lịch trình một ngày nào đó và các mục tiêu 5 năm để đánh giá tiến độ bạn phải thực hiện trong năm tiếp theo. Bạn thậm chí có thể phải bổ sung các mục tiêu mới, hình dung lại những mục tiêu cũ, hoặc loại bỏ bất kỳ mục tiêu nào không còn phản ánh mục đích hoặc các ưu tiên của bạn.

Ngăn ô một giờ mỗi tuần để xem xét các mục tiêu hàng năm và hàng tháng của bạn. Đầu tiên, hãy hỏi cần làm gì trong tháng này để bạn luôn bám sát mục tiêu hàng năm. Sau đó hãy hỏi cần làm gì trong tuần này để đạt được mục tiêu tháng. “Dựa vào vị trí hiện tại, điều quan trọng nhất tôi cần phải làm trong tuần này để theo sát mục tiêu hàng tháng của tôi và để tiếp tục theo đuổi mục tiêu hàng năm của tôi là gì?” Bạn đang xếp các quân domino cho mình. Quyết định thời gian cần thiết để đạt được điều này, và bảo vệ lượng thời gian đó trên lịch trình.

Vào tháng 7 năm 2007, nhà phát triển phần mềm Brad Isaac đã chia sẻ một bí mật về sự hiệu quả mà ông học hỏi được từ diễn viên hài Jerry Seinfeld. Trước khi Seinfeld là một cái tên quen thuộc và vẫn thường xuyên đi lưu diễn, Isaac đã tình cờ gặp anh ta tại một câu lạc bộ hài kịch mở cửa miễn phí và xin anh ta tư vấn về cách trở thành một diễn viên hài kịch tốt hơn. Seinfeld nói với Isaac rằng vấn đề nằm ở khả năng viết truyện cười (gợi ý: điều quan trọng nhất của anh) mỗi ngày. Anh ta đã thực hiện điều đó bằng cách treo một lịch lớn hàng năm trên tường và đánh dấu X màu đỏ lớn vào mỗi ngày làm xong việc quan trọng nhất. “Sau một vài ngày, bạn sẽ có một chuỗi,” Seinfeld cho biết. “Hãy tiếp tục làm vậy, chuỗi này sẽ ngày càng dài hơn, đặc biệt sau vài tuần. Việc duy nhất của bạn là đừng phá vỡ chuỗi.”

Tôi thích phương pháp của Seinfeld bởi nó có thể được sử dụng trong mọi việc đúng đắn. Rất đơn giản, nó dựa trên hành động thực hiện điều quan trọng nhất, và tạo ra động lực của chính nó. Bạn có thể nhìn vào lịch và bị choáng ngợp: “Làm thế nào tôi có thể cam kết với việc này trong cả năm?” Tuy nhiên, hệ thống này được thiết kế để mang mục tiêu lớn nhất của bạn đến hiện tại và chỉ đơn giản tập trung vào việc đánh dấu X tiếp theo. Như Walter Elliot cho biết, “Sự kiên trì không phải là một cuộc đua dài; nó gồm rất nhiều cuộc đua ngắn.” Khi bạn hoàn thành những cuộc đua ngắn và có được một chuỗi các cuộc đua, việc đạt được cuộc đua dài sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tất cả những gì bạn phải làm là tránh phá vỡ chuỗi cho đến khi tạo ra một thói quen mới mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, thói quen ngăn ô thời gian.

BẢO VỆ Ô THỜI GIAN CỦA BẠN

Để các ô thời gian thực sự có hiệu quả, chúng phải được bảo vệ. Mặc dù khả năng ngăn ô thời gian không khó, nhưng bảo vệ được các ô thời gian đó thì ngược lại. Thế giới không biết mục đích hay ưu tiên của bạn và không chịu trách nhiệm về chúng. Vậy, bạn là người bảo vệ ô thời gian của bạn khỏi tất cả những người không biết điều quan trọng nhất đối với bạn, và khỏi chính bạn khi bạn quên nó.

Cách tốt nhất để bảo vệ ô thời gian của bạn là chấp nhận suy nghĩ rằng chúng bất di bất dịch. Vì vậy, khi ai đó cố gắng chiếm phần lớn thời gian của bạn, chỉ cần nói, “Xin lỗi, tôi đã có một cuộc hẹn vào lúc đó rồi”, và đưa ra các lựa chọn khác. Nếu người đó thất vọng, bạn có thể xin lỗi nhưng đừng đổi ý. Những người coi trọng các kết quả khác biệt – những người có nhu cầu lớn nhất về thời gian của họ – thường làm điều này mỗi ngày. Họ không bao giờ thất hẹn trong cuộc hẹn quan trọng nhất với chính mình.

Phần khó khăn nhất là xử lý các yêu cầu cấp cao. Làm thế nào để từ chối những người quan trọng – sếp, khách hàng quan trọng hay mẹ của bạn – người muốn bạn làm điều gì đó gấp? Bạn có thể đồng ý và hỏi: “Nếu việc đó được thực hiện vào lúc [một thời gian cụ thể trong tương lai] có được không?” Thông thường, những yêu cầu này liên quan đến nhu cầu thực hiện một nhiệm vụ thay vì cần làm ngay, do đó họ chỉ quan tâm đến kết quả công việc. Tuy nhiên, đôi khi những việc đó cần thực hiện gấp, bạn sẽ phải dời lịch trình lại để làm chúng. Trong trường hợp này, bạn ngay lập tức phải sắp xếp lại các ô thời gian của mình.

Tiếp theo là chính bạn. Nếu bạn cảm thấy đang phải làm quá nhiều việc và quá sức, thì khó có thể bám sát được các ô thời gian. Khó có thể thực hiện được những việc khác nếu dành quá nhiều thời gian cho điều quan trọng nhất. Quan trọng là hiệu ứng domino đạt sức mạnh tối đa khi điều quan trọng nhất của bạn được thực hiện, và hãy nhớ mọi thứ khác bạn có thể làm hoặc phải làm sẽ trở nên dễ dàng hơn hoặc không cần thiết. Khi lần đầu ngăn ô thời gian, điều hiệu quả nhất mà tôi đã làm là viết một khẩu hiệu với nội dung, “Cho đến khi điều quan trọng nhất của tôi được thực hiện – mọi thứ khác đều là sự mất tập trung!” Hãy thử cách đó. Đặt nó vào nơi bạn và những người khác có thể nhìn thấy rõ nó. Sau đó biến nó thành câu thần chú của bạn và những người khác. Lúc đó, những người khác sẽ bắt đầu hiểu cách bạn làm và hỗ trợ bạn. Hãy quan sát kết quả nó mang lại.

Điều cuối cùng có thể khiến việc ngăn ô thời gian thất bại đó là khi bạn không thể giải phóng tâm trí của mình. Bạn làm những việc khác thay vì điều quan trọng nhất có thể là thách thức lớn nhất cần vượt qua. Cuộc sống không đơn giản hóa chính nó ngay khi bạn đơn giản hóa sự tập trung của bạn; luôn có những việc khác cần làm. Vì vậy, khi một việc nào đó nảy ra trong đầu bạn, hãy ghi nó vào danh sách công việc cần làm và quay trở lại những gì bạn đang phải làm. Sau đó để nó rời khỏi tâm trí đến khi bạn có thời gian dành cho nó.

Cuối cùng, việc ngăn ô thời gian có thể mang lại những tác dụng ngược theo nhiều cách. Dưới đây là 4 cách đã được kiểm chứng nhằm đánh bại các phiền nhiễu và giúp bạn tập trung vào điều quan trọng nhất.

1. Xây dựng “hầm trú ẩn”. Tìm một nơi làm việc có thể giúp bạn tránh gián đoạn và phiền nhiễu. Nếu bạn có văn phòng, hãy đặt biển “Không làm phiền”. Nếu phòng có vách kính, hãy buông rèm. Khi làm việc theo ô, chọn một nơi kín đáo khác. Ernest Hemingway đã giữ một lịch trình bằng văn bản nghiêm ngặt bắt đầu từ 7 giờ sáng trong phòng ngủ của mình. Dan Heath đã “mua một chiếc máy tính xách tay cũ, xóa mọi trình duyệt, gỡ bỏ điều khiển mạng không dây” và mang nó đến một quán cà phê yên tĩnh để tránh phiền nhiễu. Giữa hai thái cực, bạn chỉ có thể tìm được một khoảng trống và đơn giản nhất là hãy đóng cửa lại.

2. Quét sạch tất cả các nguồn gây phiền nhiễu. Tắt điện thoại, e-mail và thoát khỏi trình duyệt Internet. Công việc quan trọng nhất xứng đáng nhận được hoàn toàn sự tập trung của bạn.

3. Tranh thủ sự hỗ trợ. Nói với những người có khả năng sẽ tìm bạn về những gì bạn đang làm và khi nào bạn rảnh. Họ sẽ hiểu vấn đề và biết khi nào họ có thể gặp được bạn.

Ý TƯỞNG LỚN

1. Kết nối các điểm. Các kết quả đáng kinh ngạc trở nên khả thi khi nơi bạn muốn đi hoàn toàn phù hợp với những gì bạn làm hôm nay. Tận dụng mục đích của bạn và cho phép sự can thiệp rõ ràng vào các ưu tiên của bạn.

2. Ngăn thời gian cho điều quan trọng nhất. Cách tốt nhất để thực thi điều quan trọng nhất là thường xuyên hẹn hò với chính mình. Ngăn ô thời gian ngay từ đầu ngày, và ngăn thành những phần lớn, không ít hơn bốn tiếng một ô!

3. Bảo vệ các ô thời gian của bạn bằng mọi giá. Ngăn ô thời gian chỉ hiệu quả khi bạn luôn tâm niệm rằng “Không điều gì và không ai có quyền khiến tôi xao nhãng khỏi điều quan trọng nhất.” Thật không may, sự quyết tâm của bạn chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới, vì vậy hãy sáng tạo khi bạn có thể và kiên định khi cần thiết. Các ô thời gian của bạn là cuộc họp quan trọng nhất trong ngày của bạn, vì vậy hãy làm bất cứ điều gì để bảo vệ nó.

Những người đạt được các kết quả đáng kinh ngạc đạt được điều đó bằng cách làm việc hiệu quả hơn trong cùng một thời gian làm việc. Ngăn ô thời gian là một chuyện, ngăn ô thời gian hiệu quả là một chuyện khác.

16. BA CAM KẾT

Đạt được các kết quả phi thường thông qua việc ngăn ô thời gian cần 3 cam kết. Trước tiên, bạn phải chấp nhận suy nghĩ về một người nào đó đang tìm kiếm sự tinh thông. Sự tinh thông là một cam kết để trở thành người giỏi nhất, từ đó đạt được những kết quả ngoài sức tưởng tượng, bạn phải chấp nhận nỗ lực hết mình để đạt được chúng. Thứ hai, bạn phải liên tục tìm kiếm những cách thức tốt nhất để làm mọi việc. Không gì vô ích hơn việc kết quả không tương xứng với nỗ lực đã bỏ ra. Và cuối cùng, bạn phải sẵn sàng trở thành người có trách nhiệm để làm mọi thứ trong khả năng nhằm thực hiện điều quan trọng nhất. Sống với những cam kết này, bạn đã cho mình một cơ hội để có được những trải nghiệm khác biệt.

BA CAM KẾT VỚI ĐIỀU Ý NGHĨA NHẤT

1. Đi theo con đường của sự tinh thông

2. Di chuyển từ “E” đến “P”

3. Sống có trách nhiệm

1. Đi theo con đường của sự tinh thông

Sự tinh thông không phải là từ chúng ta thường xuyên nghe thấy, nhưng lại giữ vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các kết quả đáng kinh ngạc. Sự tinh thông giống như một con đường thay vì một điểm đến, và thoạt đầu nó có vẻ đáng sợ nhưng dần cũng trở nên dễ tiếp cận và có thể đạt được. Phần lớn mọi người cho rằng sự tinh thông là kết quả cuối cùng, nhưng xét về cốt lõi, sự tinh thông là một cách suy nghĩ, cách hành động và một cuộc hành trình mà bạn trải nghiệm. Khi những điều bạn chọn và thực hiện chúng thành thạo là đúng đắn, thì việc theo đuổi sự tinh thông sẽ khiến mọi việc khác cần thực hiện trở nên dễ dàng hơn hoặc không còn cần thiết. Đó là lý do những gì bạn lựa chọn để làm thành thạo lại quan trọng đến vậy.

Sự tinh thông đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi domino.

Tôi tin rằng quan điểm lành mạnh về sự tinh thông đồng nghĩa với việc tận dụng những điểm mạnh nhất của bạn để giúp bạn thực hiện được tốt nhất công việc quan trọng nhất của mình. Đây là con đường dành cho một người có cơ hội học hỏi và tái học hỏi những điều cơ bản trong hành trình không hồi kết để có được trải nghiệm và chuyên môn cao hơn. Cũng như, ở một điểm nào đó, các võ sinh đai trắng được đào tạo nâng bậc sẽ biết được các động tác cơ bản của cấp đai đen. Sự sáng tạo của một võ sỹ đai đen xuất phát từ sự tinh thông các nguyên tắc cơ bản ở cấp đai trắng. Nói cách khác, chúng ta trở thành bậc thầy của những gì chúng ta đã thông thạo và là người chập chững học hỏi những gì chưa thành thạo hoặc hoàn toàn mới. Đây là lý do sự tinh thông là một cuộc hành trình.

Năm 1993, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson công bố tác phẩm “Vai trò của thực hành có chủ ý trong việc tiếp thu hiệu suất chuyên gia” trên tạp chíPsychological Review. Khi so sánh để hiểu rõ hơn về sự tinh thông, bài viết này đã vạch trần ý tưởng rằng một người xuất sắc là do có năng khiếu, bẩm sinh. Ericsson về cơ bản đã cho chúng ta biết những kiến thức thực sự đầu tiên về sự tinh thông và đưa ra ý tưởng về “quy tắc 10.000 giờ”. Nghiên cứu của ông cho thấy một mô hình phổ biến về việc thực hành thường xuyên và có chủ ý thông qua khóa nghiên cứu trong nhiều năm về những người xuất sắc đã biến họ trở thành con người như hiện nay – thực sự xuất sắc. Trong một nghiên cứu, các nghệ sĩ violin ưu tú đã tách mình ra khỏi những người khác bằng việc tích lũy hơn 10.000 giờ luyện tập trước tuổi 20. Rất nhiều những nhân vật ưu tú đã hoàn thành cuộc hành trình của họ trong khoảng 10 năm, trong đó, nếu bạn làm một phép toán, trung bình khoảng 3 giờ luyện tập có chủ ý hàng ngày trong 365 ngày của năm. Bây giờ, nếu điều quan trọng nhất liên quan đến công việc và bạn phải làm việc 250 ngày một năm (5 ngày một tuần trong 50 tuần), để bắt kịp cuộc hành trình tinh thông, bạn sẽ phải dành trung bình 4 giờ mỗi ngày. Đó không phải là một con số ngẫu nhiên. Đó là số lượng thời gian cần thiết để phân chia thời gian mỗi ngày cho điều quan trọng nhất của bạn.

Sự thành thạo đi liền với thời gian được đầu tư hơn bất cứ điều gì khác. Michelangelo từng nói, “Nếu mọi người biết tôi đã vất vả ra sao để đạt được sự thông thạo của mình, họ sẽ thấy mọi chuyện chẳng có vẻ gì là tuyệt vời cả.” Quan điểm của ông rất rõ ràng. Sự thục luyện bao giờ cũng đánh bại tài năng.

Khi ngăn ô thời gian dành cho điều quan trọng nhất, hãy chắc chắn bạn tiếp cận nó bằng sự tinh thông. Điều này sẽ mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để làm việc hiệu quả nhất, cuối cùng, trở thành người giỏi nhất. Và thật thú vị khi: càng làm việc hiệu quả, bạn càng có nhiều khả năng nhận được những phần thưởng mà bạn có thể đã bỏ lỡ.

Trên con đường dẫn đến sự tinh thông, cả sự tự tin và năng lực thành công của bạn cũng sẽ phát triển. Bạn sẽ khám phá ra rằng: con đường dẫn đến sự tinh thông không quá khác so với việc theo đuổi con đường tiếp theo. Bạn có thể ngạc nhiên trước việc dành thời gian để thành thạo việc quan trọng nhất như bước đệm để thực hiện hoặc tăng tốc quá trình thực hiện những việc khác như thế nào. Hiểu biết đem lại hiểu biết và các kỹ năng tạo nên kỹ năng. Đó là những gì khiến các quân domino tương lai dễ dàng đổ hơn.

Sự tinh thông là đam mê xứng đáng được theo đuổi, bởi đó là hành trình không hồi kết. Trong cuốn sách Mastery (tạm dịch: Sự tinh thông), George Leonard kể câu chuyện về Jigoro Kano, người sáng tạo ra môn Judo. Theo truyền thuyết, khi Kano sắp qua đời, ông đã gọi các học trò lại và yêu cầu họ chôn cất ông cùng với chiếc đai trắng của mình. Võ sư của môn phái đã mang theo biểu tượng của người mới nhập môn trong suốt cuộc sống cho tới khi đã nhắm mắt xuôi tay, bởi đối với ông, hành trình học hỏi để thành công dường như dài vô tận.

2. ĐI TỪ E ĐẾN P

Khi huấn luyện cho các giám đốc điều hành cấp cao, tôi thường hỏi, “Các anh làm điều này chỉ đơn giản là làm hết khả năng, hay làm điều đó tốt nhất có thể?” Mặc dù đó không phải là một câu hỏi đánh đố, nhưng nó có thể khiến mọi người mắc bẫy. Nhiều người nhận ra rằng dù nỗ lực hết sức, nhưng họ cũng không thể làm tốt nhất có thể, bởi họ không sẵn sàng thay đổi những gì họ đang làm. Hành trình tinh thông một điều gì đó là sự kết hợp giữa nỗ lực lớn nhất của bạn với khả năng thực hiện việc đó tốt nhất có thể. Tiếp tục cải thiện cách bạn làm một việc gì đó giữ vai trò tối quan trọng giúp tận dụng tối đa việc ngăn ô thời gian.

Đó là hành trình đi từ “E” đến “P”.

Khi thức giấc vào buổi sáng và bắt đầu giải quyết mọi việc trong ngày, chúng ta thường làm theo một trong hai cách: Làm khoán (“E”− Enterpreneurial) hoặc Có mục đích (“P”− Proposeful). Làm khoán là cách tiếp cận tự nhiên của chúng ta. Nó cho thấy thứ chúng ta muốn làm hoặc cần phải làm và nỗ lực làm điều đó với sự nhiệt tình, năng lượng và khả năng thiên bẩm. Cho dù đó là việc gì, mọi khả năng thiên bẩm đều là giới hạn của thành tích, năng suất và thành công hạn định. Mặc dù điều này tùy thuộc vào từng người, từng nhiệm vụ, nhưng ai cũng có những giới hạn tự nhiên đối với mọi việc trong cuộc sống. Đưa cho vài người một chiếc búa, họ có thể sử dụng nó thành thạo. Đưa cho tôi một chiếc búa, tôi có thể đập vỡ mọi thứ. Nói theo cách khác, một số người có thiên hướng sử dụng chiếc búa rất tốt mà hầu như không cần hướng dẫn hoặc thực hành, nhưng có những người như tôi có những hạn chế về thành tích. Nếu kết quả từ những nỗ lực của bạn có thể được chấp nhận ở bất cứ mức độ thành tích nào bạn đạt đến, xin chúc mừng, bạn nên tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Nhưng khi tiến dần đến điều quan trọng nhất, bạn phải thách thức bất kỳ giới hạn thành tích nào, và điều này đòi hỏi một cách tiếp cận khác biệt – tiếp cận có mục đích.

Những người thành đạt không chấp nhận mọi giới hạn của phương pháp tiếp cận tự nhiên như quyết định cuối cùng về thành công của họ. Khi chạm tới giới hạn thành tích, họ tìm kiếm các mô hình và các hệ thống mới, các cách tốt hơn để làm mọi việc nhằm thúc đẩy họ nỗ lực hơn nữa. Họ dừng đủ lâu để kiểm chứng các lựa chọn của họ, họ chọn phương án tốt nhất, và sau đó họ nhanh chóng tiếp cận nó. Hãy đề nghị một người có tư tưởng làm khoán “E” đốn một ít củi, họ sẽ vác rìu đi thẳng vào rừng. Thế nhưng, những người có mục đích “P” sẽ hỏi, “Tôi có thể lấy một chiếc cưa máy ở đâu?” Với tư duy ”có mục đích”, bạn có thể đạt được những đột phá và thực hiện mọi việc vượt xa khả năng thiên bẩm của bạn. Chỉ cần bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể.

Bạn không có thể đặt ra các giới hạn về những gì bạn sẽ làm. Bạn phải cởi mở với các ý tưởng mới và thực hiện mọi việc theo cách mới mẻ nếu muốn có những bước đột phá trong cuộc sống. Khi đi trên con đường dẫn đến sự tinh thông, bạn sẽ thấy bản thân liên tục được thử thách làm những điều mới mẻ. Người có mục đích đi theo quy tắc đơn giản “một kết quả khác biệt cần một hành động khác biệt.” Biến điều này thành câu thần chú của bạn và chờ đón những bước tiến đột phá.

Quá nhiều người đạt đến cấp độ hiệu suất “đủ tốt” và sau đó không tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Mọi người trên con đường dẫn đến sự tinh thông đã tránh điều này bằng cách liên tục nâng cao mục tiêu của họ, thách thức bản thân phá vỡ các giới hạn hiện tại. Đó là những gì nhà văn kiêm bậc thầy ghi nhớ Joshua Foer gọi là “Trạng thái bình ổn.” Ông đã minh họa nó bằng việc đánh máy. Nếu thời gian thực hành là tất cả những gì quan trọng nhất, trong suốt quá trình học tập, với hàng triệu bản ghi nhớ và e-mail đánh máy, chúng ta sẽ từ một người mổ cò tiến bộ thành người đánh được 100 từ/phút. Nhưng điều đó không xảy ra. Chúng ta đạt đến kỹ năng chúng ta cho là có thể chấp nhận được và sau đó ngừng việc học hỏi. Chúng ta tiếp tục hành trình thí điểm tự động và chạm đến các giới hạn thành tích phổ biến nhất: trạng thái bình ổn.

Khi tìm kiếm các kết quả đáng kinh ngạc, việc chấp nhận một trạng thái bình ổn hoặc bất kỳ giới hạn thành tích nào khác không hề ổn khi áp dụng nó vào điều quan trọng nhất của bạn. Khi bạn muốn phá vỡ trạng thái bình ổn và các giới hạn, chỉ có một phương pháp – “sống có mục đích”.

Trong kinh doanh cũng như cuộc sống, chúng ta đều bắt đầu với tinh thần làm khoán. Chúng ta theo đuổi một điều gì đó với mức độ khả năng, năng lượng, kiến thức, và nỗ lực hiện tại – xét trong ngắn hạn, mọi thứ đều dễ dàng. Tuy vậy, nó cũng có rất nhiều hạn chế.

Khi “E” là phương pháp tiếp cận duy nhất, chúng ta tạo ra các giới hạn giả cho những gì có thể đạt được và người chúng ta có thể trở thành. Nếu giải quyết một việc bằng “E” và sau đó chạm đến giới hạn thành tích, chúng ta chỉ đơn giản chạm vào nó và nảy ngược lại hết lần này đến lần khác cho đến khi chúng ta tuyệt vọng, chán nản với thành tích tối đa duy nhất chúng ta có thể đạt được. Cuối cùng, chúng ta sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang mục tiêu khác. Khi nghĩ mình đã nỗ lực hết sức, chúng ta cho rằng “bắt đầu lại” là phương án tối ưu nhất để tiến lên phía trước. Vấn đề là điều này trở thành một chu kỳ luẩn quẩn khi chúng ta làm việc gì đó mới mẻ tiếp theo với sự nhiệt tình, năng lượng, khả năng tự nhiên và nỗ lực đã được đổi mới, rồi lại đạt đến các giới hạn, kèm theo sự thất vọng và chán nản tái lặp. Và sau đó, lại là những hướng đi mới tiếp theo.

Đưa “P” đến giới hạn tương tự và mọi thứ sẽ hoàn toàn khác biệt. Những người sở hữu phương pháp tiếp cận có mục đích cho rằng, “tôi vẫn đang cam kết để ngày càng phát triển hơn nữa, vậy các quyền chọn của tôi là gì?” Sau đó, bạn sử dụng câu hỏi tập trung để thu hẹp các lựa chọn khi chỉ còn điều tiếp theo nên làm. Bạn có thể làm theo một mô hình mới, có được một hệ thống mới, hoặc cả hai. Nhưng hãy sẵn sàng. Thực hiện những điều này có thể cần đến tư duy mới, những kỹ năng mới và thậm chí cả các mối quan hệ mới. Có lẽ không điều nào trong số những điều này mang thiên hướng bẩm sinh, nhưng khi cam kết đạt được các kết quả đáng kinh ngạc, bạn hãy làm bất cứ điều gì có thể.

Khi nỗ lực hết sức nhưng kết quả chắc chắn không phải tốt nhất, hãy chuyển từ “E” sang “P”. Hãy tìm kiếm những mô hình và hệ thống tốt hơn, hay các cách có thể đưa bạn tiến xa hơn. Sau đó chấp nhận phương pháp tư duy mới, những kỹ năng mới, và các mối quan hệ mới để giúp bạn hành động. Trở thành người có mục đích trong quá trình phân chia thời gian và mở khóa tiềm năng của bạn.

3. SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM

Một kết nối không thể phủ nhận giữa những gì bạn làm và những gì bạn nhận được. Hành động xác định các kết quả và kết quả thông tin cho hành động. Sống có trách nhiệm cùng với vòng phản hồi này sẽ giúp bạn khám phá ra những điều bạn phải làm để đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Đó là lý do cam kết cuối cùng của bạn là sống có trách nhiệm.

Để sở hữu toàn bộ kết quả, bạn phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về chúng để thúc đẩy thành công của bạn. Trách nhiệm giữ vai trò quan trọng nhất trong ba cam kết. Nếu không có nó, cuộc hành trình dẫn đến sự tinh thông sẽ gián đoạn khi bạn gặp phải thách thức. Nếu không có nó, bạn sẽ không tìm ra cách phá vỡ các giới hạn thành tích gặp phải. Những người có trách nhiệm thừa nhận thất bại và kiên trì nỗ lực. Họ coi trọng kết quả và không bao giờ biện hộ cho hành động, các kỹ năng, mô hình, hệ thống, hoặc các mối quan hệ không giúp hoàn thành công việc.

Bạn chỉ có hai lựa chọn – trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm. Điều này nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng đó là sự thật. Mỗi ngày tùy thuộc vào sự lựa chọn cách tiếp cận này hay cách khác, và hậu quả sẽ mãi theo sau chúng ta.

Để minh họa sự khác biệt, hãy nghe câu chuyện về hai nhà quản lý hai doanh nghiệp cạnh tranh cùng trải nghiệm sự thay đổi đột ngột trong thị trường. Một hàng dài khách hàng trước cửa hàng trong tháng này. Thế nhưng, tháng sau không có bóng dáng một ai. Phản ứng của mỗi quản lý tạo nên sự khác biệt rất lớn.

Nhà quản lý có trách nhiệm ngay lập tức lên tiếng: Có vấn đề gì đó? Cô điều tra chính xác những gì mình đang phải đương đầu. Nhà quản lý còn lại từ chối thừa nhận những gì đang xảy ra. Đó là một sự phiền nhiễu, một trục trặc, một sự bất thường. Anh nhún vai coi nó chỉ đơn giản là một “tháng làm ăn không tốt”. Trong khi đó, người quản lý có trách nhiệm đã phát hiện ra các đối thủ cạnh tranh đang dần chiếm thị phần của họ và nói, “đó là vấn đề”. Tâm thế sẵn sàng làm rõ vấn đề đã mang lại cho cô một lợi thế cạnh rất lớn. Nó khiến cô bắt đầu cân nhắc để tạo ra sự khác biệt.

Người quản lý còn lại liên tục phủ nhận thực tế. Anh ta đưa ra một cách nhìn khác biệt, đổ trách nhiệm cho người khác. Nếu mọi người trong công ty chịu làm tốt công việc của họ, chúng tôi sẽ không gặp vấn đề như thế!

Người quản lý có trách nhiệm tìm kiếm các giải pháp. Quan trọng hơn, cô tự thừa nhận là một phần của giải pháp: Tôi có thể làm gì? Khi tìm ra chiến thuật đúng đắn, cô bắt đầu hành động. Người quản lý còn lại, đổ lỗi cho những người khác, biện minh cho sai sót của bản thân. Đó không phải là việc của tôi, ông tuyên bố,và hy vọng mọi thứ sẽ tự tốt lên.

Cứ như vậy, sự khác biệt giữa họ rất rõ rệt. Một người tích cực cố gắng để làm chủ số phận của mình. Một người chỉ đơn giản phó mặc. Một người hành động có trách nhiệm, người kia tự biến mình thành nạn nhân. Một người mong muốn thay đổi kết quả còn một người thì không.

Tôi chỉ đang mô tả thái độ, chứ không phải con người. Tuy nhiên nếu có thái độ này trong một khoảng thời gian đủ lâu, “nạn nhân” sẽ chỉ cả thái độ lẫn con người. Không ai ngay từ khi sinh ra đã là một nạn nhân, đó chỉ đơn giản là một thái độ hoặc một cách tiếp cận. Nhưng nếu được phép tồn tại, điều này sẽ trở thành một thói quen. Ngược lại, bất cứ ai cũng có thể trở thành người có trách nhiệm – càng sống có trách nhiệm, bạn càng ứng phó được với mọi nghịch cảnh.

Người thành công hiểu rất rõ về vai trò của họ trong các mốc của cuộc đời. Họ biết đây là cách duy nhất để phát hiện ra những giải pháp mới, áp dụng chúng, và trải nghiệm một thực tế khác biệt, vì vậy họ sống có trách nhiệm và đồng hành cùng chúng. Họ coi các kết quả là thông tin có thể sử dụng để cơ cấu cho hành động tốt hơn nhằm có được kết quả tốt hơn. Đó là một chu kỳ đi từ hiểu biết đến sử dụng thực tế để đạt được các kết quả đáng kinh ngạc.

Một trong những cách nhanh nhất để đưa trách nhiệm vào cuộc sống của bạn là tìm một đối tác tin cậy. Trách nhiệm có thể đến từ một nhà cố vấn, bạn bè hoặc ở dạng thức cao nhất, một huấn luyện viên. Dù vậy, bạn vẫn phải có được một mối quan hệ có trách nhiệm và cho đối tác thấy được sự chân thành của bạn. Một đối tác có trách nhiệm không phải là thành viên đội cổ vũ, dù anh ta có thể là người động viên bạn. Anh ta sẽ đưa ra những phản hồi thẳng thắn, khách quan về hiệu suất làm việc của bạn, tạo ra kỳ vọng về sự tiến bộ liên tục, và đưa ra quan điểm, thậm chí hiểu biết cá nhân khi cần thiết. Đối với tôi, một huấn luyện viên hoặc một cố vấn là sự lựa chọn tốt nhất để trở thành một đối tác có trách nhiệm. Dù đồng nghiệp hoặc bạn bè hoàn toàn có thể giúp bạn thấy rõ những điều bạn không quan sát được, nhưng tinh thần trách nhiệm liên tục tốt nhất xuất phát từ một người mà bạn cảm nhận được tính trách nhiệm thực sự từ họ. Khi đó là bản chất của mối quan hệ, và từ đây các kết quả tốt nhất sẽ xuất hiện.

Trước đây, tôi đã thảo luận về kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Gail Matthews cho rằng các cá nhân sở hữu những mục tiêu được viết ra có 39,5% khả năng thành công hơn người khác. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Các cá nhân viết ra mục tiêu của mình và gửi báo cáo tiến độ đến bạn bè có 76,7% khả năng thành công. Cũng hiệu quả như việc viết ra các mục tiêu, hành động chia sẻ sự tiến bộ về việc hướng tới các mục tiêu của bạn tới ai đó thường xuyên, thậm chí chỉ cần là một người bạn, sẽ mang lại hiệu quả gấp đôi.

Nghiên cứu của Ericsson về hiệu suất chuyên gia xác nhận mối quan hệ tương tự giữa hiệu quả xuất sắc và huấn luyện. Ông quan sát thấy rằng “sự khác biệt quan trọng nhất duy nhất giữa những người nghiệp dư và ba nhóm người có hiệu quả làm việc ưu tú đó là các nghệ sĩ ưu tú tương lai tìm kiếm các giáo viên và huấn luyện viên đồng thời tham gia vào đào tạo giám sát, trong khi các tay nghiệp dư hiếm khi tham gia vào các hoạt động thực tế tương tự.”

Một đối tác có trách nhiệm sẽ ảnh hưởng tích cực đến năng suất của bạn. Họ sẽ giúp bạn luôn trung thực và đi đúng hướng. Chỉ cần biết họ đang chờ đợi báo cáo tiến bộ của bạn sẽ thúc đẩy bạn có được kết quả tốt hơn. Lý tưởng nhất, một huấn luyện viên có thể “huấn luyện” bạn cách tối đa hóa hiệu suất theo thời gian. Đây là cách tốt nhất để trở thành người giỏi nhất.

Huấn luyện sẽ giúp bạn bằng cả ba cam kết về điều quan trọng nhất. Trong thực tế, bạn khó có thể tìm thấy ai có khả năng xuất sắc mà không có sự hỗ trợ của một huấn luyện viên về mọi lĩnh vực.

Không bao giờ quá sớm hoặc quá muộn để có được một huấn luyện viên. Hãy cam kết đạt được các kết quả phi thường và bạn sẽ tìm thấy một huấn luyện viên có khả năng cung cấp cho bạn cơ hội tốt nhất.

Ý TƯỞNG LỚN

1. Cam kết nỗ lực hết mình. Những kết quả khác biệt chỉ xảy ra khi bạn nỗ lực hết mình để trở thành người giỏi nhất trong công việc quan trọng nhất của bạn. Về bản chất, đây là con đường dẫn đến sự tinh thông và do sự tinh thông cần có thời gian, nên chúng ta cũng cần phải cam kết mới đạt được nó.

2. Hướng tới điều quan trọng nhất một cách có mục đích. Đi từ “E” đến ”P”. Bán sát nhiệm vụ về các mô hình và các hệ thống có thể đưa bạn tiến xa nhất có thể. Đừng ngồi chờ những gì đến tự nhiên – hãy cởi mở với những tư duy mới, kỹ năng mới và mối quan hệ mới. Nếu con đường dẫn đến sự tinh thông là cam kết nỗ lực hết mình của bạn, thì sống có mục đích là cam kết áp dụng các phương pháp tiếp cận tốt nhất.

3. Giám sát các kết quả của bạn. Nếu kết quả đáng kinh ngạc là những gì bạn muốn, thì việc trở thành một nạn nhân sẽ không mang lại hiệu quả. Sự thay đổi chỉ diễn ra khi bạn có trách nhiệm. Vì vậy hãy rời khỏi ghế hành khách và cầm lái chiếc xe cuộc đời bạn.

4. Tìm một huấn luyện viên. Bạn khó có thể tìm thấy bất cứ ai đạt được những kết quả đáng kinh ngạc khi không có sự hỗ trợ của một huấn luyện viên.

Hãy nhớ rằng, chúng ta không nói về các kết quả tầm thường mà là sự khác biệt. Loại năng suất đó có vẻ khó đạt được nhất, nhưng không phải vậy. Khi bạn ngăn ô thời gian cho điều quan trọng nhất, hãy bảo vệ khối thời gian đó, và tận dụng nó hiệu quả nhất, bạn sẽ đạt được hiệu quả tối đa.

Giờ đây, bạn chỉ cần tránh không bị lạc lối.

17. BỐN KẺ TRỘM

Năm 1973, một nhóm sinh viên trường dòng tình cờ tham gia vào một nghiên cứu lớn được gọi là “Thử nghiệm người làm phúc”. Những sinh viên này được tuyển chọn để xem các nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng đến việc họ sẽ giúp đỡ một người lạ bị nạn hay không? Họ sẽ phải chuẩn bị cho một buổi nói chuyện về các công việc ở trường dòng. Một số người trong nhóm được cho biết họ sắp bị trễ và phải gấp rút đến chỗ hẹn, trong khi một số người được cho biết là họ có thể thoải mái vì còn rất nhiều thời gian. Các nhà nghiên cứu đã đưa người của họ vào hành trình – anh ta đi chậm chạp, ho nhiều và có vẻ vừa gặp nạn.

Cuối cùng, gần một nửa các sinh viên đã dừng lại để giúp đỡ. Nhưng yếu tố quyết định không phải là nhiệm vụ mà là thời gian. 90% các sinh viên được thúc giục đã không dừng lại và giúp đỡ người lạ. Một số thậm chí còn vội vàng bước qua anh ta để có thể đến đúng giờ.

Rõ ràng, những ý định tốt nhất của chúng ta có thể dễ dàng không được thực hiện. Sẽ có 4 kẻ trộm có thể phỉnh nịnh và đánh cắp hiệu suất của bạn. Và do chẳng ai ở đó để bảo vệ bạn, nên bạn là người duy nhất tự ngăn chặn những tên trộm này để tránh bị tấn công.

BỐN KẺ TRỘM HIỆU SUẤT

1. Không có khả năng nói “Không”

2. Sợ lộn xộn

3. Các thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe

4. Môi trường không hỗ trợ cho các mục tiêu của bạn

1. KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG NÓI ”KHÔNG”

Có người từng nói với tôi rằng một cái gật đầu phải được đánh đổi bằng 1.000 lần nói “không”. Khi mới khởi nghiệp, tôi không hiểu điều này. Giờ đây, tôi hiểu rằng đó là một cách nói giảm nói tránh. Để bảo vệ những gì bạn đồng ý và luôn đạt được hiệu quả, bạn phải nói không với bất cứ ai hay bất cứ điều gì có thể khiến bạn xao nhãng.

Các đồng nghiệp sẽ hỏi xin tư vấn từ bạn. Họ muốn bạn ở trong nhóm của họ. Bạn bè cần sự hỗ trợ của bạn. Những người lạ sẽ khiến bạn mất tập trung. Các lời mời và sự gián đoạn sẽ bủa vây bạn. Cách bạn xử lý tất cả những điều này quyết định thời gian bạn có thể dành cho điều quan trọng nhất và kết quả cuối cùng bạn tạo ra.

Vấn đề là khi bạn nói có với một việc gì đó, bắt buộc bạn phải hiểu những gì bạn nói không. Nhà soạn kịch Sidney Howard, tác giả của tác phẩm kinh điển Cuốn theo chiều gió, khuyên bạn rằng, “Một nửa của việc biết những gì bạn muốn là biết những gì bạn phải từ bỏ trước khi bạn có được nó”. Cuối cùng, cách tốt nhất để thành công lớn là đi từng bước nhỏ. Và khi bạn đi từng bước nhỏ, bạn nói không nhiều lần hơn bạn tưởng.

Steve Jobs là người làm được điều đó tốt nhất. Trong hai năm sau khi trở lại vào năm 1997, ông đã giảm số lượng sản phẩm của công ty từ 350 sản phẩm xuống còn 10 sản phẩm. Ông đã nói không với 340 sản phẩm, không kể đến bất cứ lời đề xuất mới nào trong suốt thời gian đó. Tại Hội nghị các nhà phát triển MacWorld năm 1997, ông giải thích, “Khi nghĩ về sự tập trung, bạn nghĩ rằng, ‘Ồ, tập trung là nói có.’ Không! Tập trung là nói không.” Jobs theo đuổi các thành tựu đáng kinh ngạc và ông biết chỉ có một cách duy nhất để đạt được điều đó. Jobs là người dám nói “không”.

Nghệ thuật nói “có”, theo mặc định, là nghệ thuật nói không. Nói có với tất cả không khác nào việc không dám nói không với bất cứ điều gì. Mỗi nhiệm vụ bổ sung sẽ bào mòn sự hiệu quả trong mọi việc khác. Càng làm nhiều, bạn càng ít thành công. Bạn không thể làm hài lòng mọi người, do đó, đừng cố gắng làm vậy. Thực tế, khi cố gắng làm điều đó, người duy nhất bạn không làm hài lòng chính là bản thân bạn.

Hãy nhớ rằng, nói có với điều quan trọng nhất là ưu tiên hàng đầu của bạn. Miễn bạn coi đây là mục tiêu của mình, việc nói không với bất cứ điều gì gây xao nhãng cho bạn là điều có thể chấp nhận được.

Sau đó, vấn đề chỉ là cách thực hiện.

Tất cả chúng ta đấu tranh đến mức độ nào đó với việc nói không. Có rất nhiều lý do. Chúng ta muốn trở nên hữu ích, không muốn làm tổn thương ai, muốn được chăm sóc và quan tâm. Và chúng ta không muốn có vẻ nhẫn tâm, lạnh lùng. Tất cả những điều này hoàn toàn dễ hiểu. Được người khác cần đến và giúp đỡ người khác mang lại cảm giác vô cùng thoải mái. Tập trung vào các mục tiêu của mình đến mức bỏ bê những việc khác, đặc biệt là những hoạt động và những người chúng ta coi trọng nhất, có thể tạo cảm ích kỷ. Nhưng không phải vậy.

Bậc thầy marketing Seth Godin từng nói, “Bạn có thể từ chối bằng sự tôn trọng, bạn có thể nói không ngay lập tức và bạn có thể nói không kèm một lời chỉ dẫn đến những người có thể nói có. Nói có vì bạn không thể chịu đựng được sự khó chịu tạm thời của việc nói không sẽ không giúp bạn làm việc hiệu quả”. Bạn có thể giữ lại những lời nói có và nói không theo cách mang lại hiệu quả cho bạn và cho những người khác.

Tất nhiên, bất cứ khi nào bạn cũng có thể nói không khi cần. Trong thực tế, đây sẽ là sự lựa chọn đầu tiên của bạn ở mọi lúc. Nhưng nếu bạn cảm thấy có những lúc cần phải nói không một cách hữu ích, thì có rất nhiều cách để nói mà vẫn có thể hướng mọi người tiến về phía mục tiêu của mình.

Bạn có thể hỏi họ những câu hỏi khiến họ tìm đến sự giúp đỡ cần thiết ở bất cứ đâu. Bạn có thể đưa ra cách tiếp cận khác mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào. Bạn có thể không biết họ có khả năng làm gì khác nữa, vì vậy bạn có thể giúp họ bằng cách nhẹ nhàng khuyến khích họ tự đưa ra ý tưởng. Bạn có thể chuyển hướng yêu cầu của họ một cách lịch sự sang những người khác để người đó hỗ trợ họ tốt hơn.

Bây giờ, nếu bạn phải nói có, có rất nhiều cách sáng tạo để làm điều đó. Nói cách khác, bạn có thể tận dụng những lời nói có của bạn. Những bàn giúp đỡ, các trung tâm hỗ trợ và những nguồn thông tin không thể tồn tại nếu không có loại tư duy chiến lược này. Các kịch bản in sẵn, các trang câu hỏi hoặc tập dữ liệu thường được hỏi, những bản giải thích được viết ra, các hướng dẫn được lưu lại, các thông tin được đăng lên, các bản danh sách, danh mục, thư mục, và các lớp đào tạo được lên lịch trước đều có thể được sử dụng hiệu quả để nói có trong khi vẫn bảo vệ được ô thời gian của bạn. Tôi bắt đầu áp dụng điều này vào công việc đầu tiên của tôi ở vị trí quản lý bán hàng. Tôi thúc đẩy các khóa đào tạo để lọc ra các câu hỏi thường được đặt ra, và sau đó bằng cách in hoặc ghi lại chúng, tôi đã tạo ra một thư viện các câu trả lời mà đội của tôi có thể sử dụng bất cứ khi nào tôi không thể có mặt để giúp đỡ họ.

Bài học lớn nhất tôi học được đó là nó sẽ giúp tôi có được một triết lý và một cách tiếp cận để quản lý thời gian của tôi. Theo thời gian, tôi phát triển những gì tôi gọi là “quy tắc 1m”. Khi tôi sải cánh tay ra, từ cổ đến các ngón tay của tôi cách nhau khoảng 1m. Tôi đã biến nó trở thành sứ mệnh quản lý thời gian để hạn chế mọi người và những gì tôi có thể nhận được trong vòng 1m. Quy tắc rất đơn giản: Một yêu cầu phải được kết nối với điều quan trọng nhất để tôi xem xét. Nếu không, tôi hoặc nói không hoặc sẽ sử dụng bất kỳ một trong những cách tiếp cận mà tôi chia sẻ ở trên để chuyển hướng nó sang nơi khác.

Học cách nói không không phải là một cách để trỏ thành một người sống khép kín. Ngược lại, đó là cách để có được sự tự do lớn nhất và linh hoạt nhất. Tài năng và khả năng của bạn là nguồn lực hạn chế. Thời gian của bạn cố định. Nếu bạn không gắn cuộc sống của bạn với những gì bạn nói có, thì nó sẽ đi theo hướng những gì bạn định nói không.

Trong một bài báo năm 1977 trên tạp chí Ebony, diễn viên hài nổi tiếng Bill Cosby, khi gây dựng sự nghiệp của mình, đã đọc một số lời khuyên mà ông luôn khắc cốt ghi tâm: “Tôi không biết chìa khóa để thành công, nhưng chìa khóa để thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người”. Nếu không thể nói không, bạn sẽ không bao giờ thực sự đạt được điều quan trọng nhất của mình.

2. SỢ SỰ XÁO TRỘN

Sự xáo trộn là thực tế xảy ra trên suốt hành trình dẫn đến kết quả đáng kinh ngạc. Tình trạng bất ổn. xáo trộn. Rối loạn. Khi chúng ta làm việc không ngừng nghỉ để tận dụng khối thời gian của mình, sự xáo trộn sẽ tự động cư trú xung quanh chúng ta.

Xáo trộn là điều không thể tránh khỏi khi bạn chỉ tập trung vào điều quan trọng nhất. Khi bạn chuyên tâm vào việc quan trọng nhất, thế giới sẽ không chờ đợi bạn. Nó thay đổi nhanh chóng theo từng ngày và mọi thứ sẽ rối tung khi bạn tập trung vào số ít các ưu tiên. Bạn không thể khiến cuộc sống chậm hay ngừng lại. Một trong những tên trộm năng suất lớn nhất là việc không sẵn sàng để sự hỗn loạn hoặc thiếu sáng tạo xuất hiện trong quá trình xử lý tên trộm đó.

Tập trung vào điều quan trọng nhất đồng nghĩa với việc những thứ khác sẽ không được thực hiện. Sẽ luôn có những người và dự án không phải là một phần trong ưu tiên lớn nhất của bạn nhưng vẫn khá quan trọng. Bạn sẽ cảm thấy chúng cũng cần sự chú ý của bạn. Sẽ luôn có những công việc không được hoàn thành và chưa kết thúc luẩn quẩn đâu đó để lôi kéo sự tập trung của bạn. Khi điều này xảy ra, khi bạn tạo áp lực về bất kỳ sự hỗn loạn nào không được chú ý đến, đó là sự giải phóng hoàn toàn không mang lại hiệu suất.

Thực tế, đó là một thỏa thuận trọn gói. Khi bạn cố gắng để đạt đến điểm tốt nhất, sự hỗn loạn chắc chắn sẽ xuất hiện. Các lĩnh vực khác trong cuộc sống của bạn có thể gặp sự hỗn loạn tỷ lệ thuận với thời gian bạn đầu tư vào điều quan trọng nhất. Vấn đề là bạn chấp nhận điều này thay vì chiến đấu với nó. Francis Ford Coppola, đạo diễn từng đoạt giải Oscar, đã cảnh báo chúng ta rằng “bất cứ điều gì bạn xây dựng với quy mô lớn hoặc có niềm đam mê mãnh liệt sẽ gây ra sự hỗn loạn”. Nói cách khác, hãy làm quen với điều đó và hãy vượt qua nó.

Trong cuộc sống hoặc công việc của bất cứ ai, có những thứ không thể bỏ qua: gia đình, bạn bè, vật nuôi, các cam kết cá nhân, hoặc các dự án công việc quan trọng. Tại bất kỳ thời điểm nào, bạn có thể đưa một vài hoặc tất cả những điều này vào khối thời gian của bạn. Bạn không thể từ bỏ sức mạnh thời gian của bạn, đó là điều đương nhiên. Vậy, bạn sẽ làm gì?

Mọi người hỏi tôi rất nhiều về điều này: “Tôi sẽ phải làm gì nếu là một bà mẹ đơn thân?” “Chuyện gì xảy ra nếu tôi có cha mẹ già sống phụ thuộc vào mình?” “Tôi có nhiều việc phải tự làm, vậy tôi phải làm gì?” Đây rõ ràng là những câu hỏi rất ấn tượng. Tôi nói với họ như sau:

Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, khối thời gian của bạn ban đầu có vẻ khác biệt so với những người khác. Tình huống của mỗi người đều đa dạng. Tùy thuộc vào việc bạn đang ở địa vị, vị trí nào, thời gian riêng tư của bạn có thể khác ở tùy từng thời điểm trong ngày. Bạn có thể phải đánh đổi thời gian với những người khác để họ bảo vệ khối thời gian của bạn còn bạn bảo vệ thời gian của họ. Bạn thậm chí có thể nhờ con cái hoặc cha mẹ mình ngăn ô thời gian giúp bạn.

Nếu cần cầu xin, hãy cứ cầu xin. Nếu phải trao đổi, hãy cứ trao đổi. Nếu phải sáng tạo, đừng ngại sáng tạo. Chỉ cần bạn không tự biến mình thành nạn nhân của hoàn cảnh. Đừng hy sinh thời gian của bạn do suy nghĩ rằng “tôi không thể làm được việc đó”. Hãy làm rõ nó. Hãy tìm ra cách. Hãy biến nó thành hiện thực.

Khi bạn cam kết với điều quan trọng nhất mỗi ngày, các kết quả đáng kinh ngạc cuối cùng cũng sẽ xuất hiện. Lúc đó, điều này tạo ra cơ hội quản lý sự hỗn loạn. Vì vậy, đừng để tên trộm này móc túi hiệu suất của bạn. Vượt qua nỗi sợ hỗn loạn, học cách đối phó với nó và tin tưởng rằng điều quan trọng nhất sẽ mang lại thành công cho bạn.

3. CÁC THÓI QUEN CÓ HẠI CHO SỨC KHỎE

Mọi người từng hỏi tôi, “Nếu không biết cách chăm sóc bản thân, bạn sẽ sống ra sao?” Tôi đã chiến đấu với tác dụng phụ đau đớn của bệnh viêm bàng quang kẽ và phải đối mặt với chứng run chân liên tục, một tác dụng phụ gây suy nhược của việc đốt cháy statin cholesterol. Khả năng vận động của tôi bị tổn hại rất lớn, và để khắc phục được điều này sẽ rất khó khăn. Bác sĩ của tôi đã đưa ra một số lựa chọn và hỏi tôi muốn làm gì. Câu trả lời là thay đổi các thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của tôi. Đó cũng là lúc tôi phát hiện ra một trong những bài học lớn nhất về các kết quả đáng kinh ngạc.

Không quản lý được các thói quen có hại cho sức khỏe là một tên trộm năng suất thầm lặng.

Khi không biết cách bảo vệ năng lượng của mình, chúng ta có thể sẽ cạn kiệt năng lượng và dẫn đến quá tải. Bạn sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng này. Khi mọi người không hiểu được sức mạnh của điều quan trọng nhất, họ sẽ cố gắng ôm đồm nhiều việc và bởi điều này không bao giờ có hiệu quả dài hạn, nên họ sẽ thực hiện một vụ thương thảo bất lợi với chính mình. Họ hy sinh sức khỏe để đổi lấy thành công. Họ thức khuya, bỏ bữa hoặc ăn uống kém, và hoàn toàn bỏ qua việc tập thể dục. Năng lượng cá nhân sẽ trở thành suy nghĩ muộn màng, khiến sức khỏe và cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng và coi đó như một mặc định. Nỗ lực đạt được mục tiêu dẫn đến suy nghĩ rằng việc lừa dối chính mình là một lựa chọn tốt đẹp, nhưng họ không hề biết rằng họ đang nắm chắc phần thua trong canh bạc này. Thật nguy hiểm khi cho rằng sức khỏe và gia đình sẽ chờ bạn trở lại và tận hưởng bất cứ lúc nào.

Thành tích cao và những kết quả đáng kinh ngạc đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn. Hãy học cách có được nó và gìn giữ nó.

Vậy, bạn có thể làm gì? Hãy coi mình như một cỗ máy sinh học tuyệt vời và cân nhắc việc lập kế hoạch năng lượng hàng ngày để đạt được hiệu suất cao nhất. Hãy dùng bữa ăn quan trọng nhất trong ngày: một bữa sáng bổ dưỡng để cung cấp năng lượng cho cả ngày làm việc của bạn. Bạn không thể có một ngày làm việc với cái bụng rỗng. Hãy lên lịch cho thực đơn các bữa ăn hàng ngày của bạn một tuần một lần.

Tập thể dục để giảm căng thẳng và tăng cường sức dẻo dai của cơ thể. Tất cả những việc này mang lại cho bạn năng lực tối đa cần thiết để có được hiệu suất cao nhất. Vào cuối ngày, nếu bạn chưa đi được ít nhất 10.000 bước mỗi ngày, hãy biến nó thành bài tập thể dục ý nghĩa nhất để đạt được mục tiêu 10.000 bước trước khi đi ngủ. Thói quen này sẽ thay đổi cuộc sống của bạn.

Hãy gần gũi, chuyện trò và dành thời gian cho những người thân yêu của bạn thường xuyên. Điều đó sẽ thúc đẩy bạn đạt được hiệu quả cao nhất và hoàn thành công việc sớm nhất. Những người làm việc hiệu quả có năng lượng cảm xúc mạnh mẽ; họ luôn vui vẻ và tự tin.

Tiếp theo, hãy lên kế hoạch cho một ngày của bạn. Chắc chắn bạn biết những gì quan trọng nhất, và đảm bảo những điều đó sẽ được thực hiện. Quan sát những gì bạn phải làm, ước tính thời gian cần thiết để thực hiện chúng, và lập kế hoạch thời gian phù hợp. Điều này sẽ giúp bạn có được năng lượng tinh thần tuyệt vời nhất. Nhờ đó, tâm trí bạn sẽ được giải phóng khỏi lo lắng về việc không thực hiện được điều gì đó và truyền cảm hứng cho những việc bạn sẽ làm. Đó là khi bạn dành thời gian cho những kết quả đáng kinh ngạc mà chúng có cơ hội thể hiện.

Đến lúc thực hiện, hãy tập trung vào điều quan trọng nhất. Nếu có một số ưu tiên cho buổi sáng, bạn phải thực hiện chúng trước, dành thời gian quan trọng nhất để làm chúng. Đừng xao nhãng hoặc chậm chạp. Đến khoảng giữa trưa, hãy nghỉ ngơi, ăn trưa và chuyển sự chú ý của bạn sang những việc còn lại bạn có thể làm trước khi hết ngày.

Cuối cùng, vào buổi tối, dành đủ 8 tiếng để ngủ. Bạn cần nghỉ ngơi để hồi phục lại năng lượng chuẩn bị cho ngày mới. Hiếm có ai ngủ ít nhưng vẫn làm việc hiệu quả. Hãy bảo vệ giấc ngủ của bạn bằng cách xác định thời gian nghỉ ngơi. Nếu có thể dậy muộn vào sáng hôm sau, bạn có thể thức khuya nhưng đừng lặp lại việc đó thường xuyên.

KẾ HOẠCH NĂNG LƯỢNG HÀNG NGÀY CỦA MỘT NGƯỜI LÀM VIỆC HIỆU QUẢ CAO

1. Ăn uống đúng cách, tập thể dục và ngủ nghỉ hợp lý.

2. Dành thời gian trò chuyện, gần gũi với những người thân yêu để có cảm xúc dâng trào, tạo ra nguồn năng lượng mới.

4. Đưa ra mục tiêu, kế hoạch và lịch trình cho năng lượng tinh thần.

5. Ngăn ô thời gian cho điều quan trọng nhất để có năng lượng hợp lý.

Đây là bí mật về hiệu suất của kế hoạch: khi bạn dành những giờ đầu tiên trong ngày để tiếp thêm sinh lực cho mình, bạn sẽ có một ngày làm việc mà không cần nỗ lực quá nhiều. Đừng tập trung vào việc có một ngày hoàn hảo, thay vào đó, là có một khởi đầu tràn đầy sinh lực. Nếu có được nửa đầu ngày hiệu quả, phần còn lại của ngày sẽ trôi qua êm xuôi hơn. Năng lượng tích cực tạo đà cho năng lượng tích cực. Cơ cấu thời gian buổi sáng thích hợp hàng ngày là cách đơn giản nhất để có được kết quả đáng kinh ngạc.

4. MÔI TRƯỜNG KHÔNG HỖ TRỢ CÁC MỤC TIÊU CỦA BẠN

Một bà mẹ đơn thân của hai đứa con đang tuổi đến trường đã ngồi trước mặt tôi và khóc. Gia đình cô đã nói rằng họ sẽ ủng hộ công việc mới của cô miễn là cô phải thu xếp ổn thỏa việc ở nhà. Chuẩn bị các bữa ăn, đưa con đi học, hay bất cứ việc gì trong gia đình đều không được gián đoạn. Cô đã đồng ý nhưng khám phá ra rằng cô đã không thể thực hiện được cam kết của mình. Khi được nghe chia sẻ, tôi chợt nhận ra mình đang được nghe kể về một tên trộm hiệu suất mà gần như mọi người đều không nhận thấy.

Môi trường xung quanh phải hỗ trợ cho mục tiêu của bạn.

Môi trường của bạn chỉ đơn giản là những người bạn nhìn thấy và những gì bạn trải nghiệm mỗi ngày. Những người đã quen thuộc, những nơi thoải mái. Bạn tin tưởng các yếu tố của môi trường và thậm chí coi đó là điều đương nhiên. Nhưng hãy lưu ý. Bất cứ ai và bất cứ điều gì và bất cứ lúc nào đều có thể trở thành một tên trộm, chuyển hướng sự chú ý của bạn khỏi công việc quan trọng nhất của bạn và ăn cắp hiệu suất của bạn ngay trước mũi bạn. Để đạt được các kết quả đáng kinh ngạc, môi trường và những người xung quanh bạn phải hỗ trợ các mục tiêu của bạn.

Không ai sống và làm việc một cách độc lập. Mỗi ngày, bạn tiếp xúc với nhiều người và bị ảnh hưởng từ họ. Những cá nhân này ảnh hưởng đến thái độ của bạn, sức khỏe của bạn và cuối cùng là hiệu suất của bạn.

Những người xung quanh bạn giữ vai trò quan trọng hơn bạn nghĩ. Thực tế, bạn có thể học hỏi được thái độ của những người khác bằng cách làm việc, giao lưu với họ, hoặc đơn giản là ở quanh họ. Nếu đồng nghiệp, bạn bè, gia đình thường có thái độ bi quan hoặc trốn tránh việc gì đó, bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không ai đủ mạnh để tránh được những ảnh hưởng tiêu cực mãi mãi. Vì vậy, hãy khiến xung quanh mình chỉ có những người đúng đắn, những người trợ giúp sẽ khuyến khích hoặc hỗ trợ bạn. Cuối cùng, việc trở thành những người có tư duy thành công tạo ra “vòng xoáy thành công tích cực” theo định nghĩa của các nhà nghiên cứu, chúng có thể nâng bạn lên và đặt bạn vào con đường của riêng bạn.

Những người bạn thường xuyên tiếp xúc cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các thói quen sức khỏe của bạn. Tiến sĩ Nicholas A. Christakis của Đại học Harvard và Đại học California, phó giáo sư James H. Fowler của Đại học San Diego đã viết cuốn sách về ảnh hưởng từ mạng xã hội đến mức độ hạnh phúc của chúng ta như thế nào. Cuốn sách, Connected: The suprising power of our social networks and how they shape our life (tạm dịch: Kết nối: Sức mạnh bất ngờ của mạng xã hội và cách chúng định hình cuộc sống của chúng ta), đã kết nối các dấu chấm giữa những mối quan hệ của chúng ta và việc sử dụng ma túy, mất ngủ, hút thuốc lá, uống rượu, ăn uống, và thậm chí là cả hạnh phúc. Ví dụ, nghiên cứu năm 2007 của họ về bệnh béo phì cho thấy rằng nếu một trong những người bạn thân của bạn béo phì, sẽ có 57% khả năng bạn cũng mắc bệnh đó vậy. Tại sao? Những người chúng ta gặp mặt có thể thiết lập nên tiêu chuẩn của chúng ta về những gì được cho là thích hợp.

Lúc đó, bạn bắt đầu suy nghĩ, hành động và thậm chí có thiên hướng giống những người bạn tiếp xúc. Không chỉ thái độ và thói quen sức khỏe của họ ảnh hưởng đến bạn, thành công của họ cũng vậy. Nếu những người mà bạn tiếp xúc nhiều có thành tích cao, thành tích của họ sẽ ảnh hưởng đến bạn. Một nghiên cứu đặc trưng trong tạp chí tâm lý học Social Development cho thấy, trong số gần 500 người tham gia ở độ tuổi đi học với các mối quan hệ bạn thân nhất, “bọn trẻ kết bạn và duy trì mối quan hệ với các học sinh đạt thành tích cao có xu hướng đạt điểm cao hơn.” Chơi cùng với những người tìm kiếm thành công sẽ tăng cường động lực và thúc đẩy tích cực hiệu suất của bạn.

“Chọn bạn mà chơi”, bởi việc chọn sai bạn có thể ngăn cản và khiến bạn xao nhãng khỏi quá trình thực hiện những việc quan trọng nhất trong cuộc sống. Hãy chú ý đến những người xung quanh bạn. Tìm kiếm những người sẽ hỗ trợ mục tiêu của bạn, và cởi mở với những người không mang lại được sự trợ giúp nào. Tạo cơ hội cho họ và chắc chắn họ đang ảnh hưởng tích cực đến bạn và giúp bạn đi đúng hướng.

Nếu con người là ưu tiên hàng đầu trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ, thì nơi đó không được quá xa. Khi môi trường không tương thích với các mục tiêu của bạn, bạn có thể gặp khó khăn khi bắt đầu.

Tôi biết điều này nghe có vẻ hơi đơn giản, nhưng để thực hiện thành công điều quan trọng nhất, bạn phải xác định được điều đó, và môi trường xung quanh bạn đóng một vai trò quan trọng trong việc bạn có làm được điều đó hay không. Nếu môi trường của bạn có quá nhiều sự phiền nhiễu và thay đổi thì trước khi có thể giúp chính mình, bạn sẽ làm một việc gì đó không nên làm, không đến được nơi bạn cần phải đến. Hãy coi đó như việc bạn phải đi trên một lối đi đầy kẹo mỗi ngày trong khi đang cố gắng giảm cân. Một số người có thể xử lý điều này dễ dàng, nhưng hầu hết chúng ta đều nhón tay lấy một số kẹo trên đường.

Thế giới xung quanh bạn sẽ hướng bạn tới việc ngăn ô thời gian hoặc phân tán bạn. Việc này bắt đầu từ lúc bạn thức dậy và tiếp tục cho đến khi bạn có thể ngăn ô được thời gian của mình. Những gì bạn thấy và nghe từ khi chuông báo thức rung đến khi các ô thời gian được phân định rõ ràng quyết định khả năng bạn có đến được đó hay không, khi đến đó, liệu bạn có sẵn sàng mang lại hiệu quả khi làm việc đó không. Vì thế, hãy làm một cuộc thử nghiệm. Chọn con đường bạn đi mỗi ngày, và bỏ qua mọi tầm nhìn và âm thanh mà bạn thấy. Đối với tôi, những tên trộm ở nhà đơn giản là e-mail, những tờ báo sáng, tin tức truyền hình buổi sáng, những người hàng xóm dắt chó đi dạo. Tất cả những điều đó đều rất tuyệt vời, nhưng không hề tuyệt vời khi tôi có một cuộc hẹn với chính mình để thực hiện điều quan trọng nhất. Vì vậy, tôi bỏ báo e-mail, không bao giờ xem báo, tắt ti vi và chọn lái xe đi theo con đường quen thuộc. Ở nơi làm việc, tôi không uống cà phê hay đọc các bảng tin. Tôi có thể làm điều đó vào cuối ngày. Tôi học được rằng khi dọn đường thông thoáng để dẫn đến thành công là lúc bạn đến đó thường xuyên hơn.

Đừng để môi trường xung quanh khiến bạn lạc đường. Môi trường xung quanh rất quan trọng và những người xung quanh bạn cũng rất quan trọng. Một môi trường không hỗ trợ mục tiêu của bạn rất phổ biến, và thật không may, đó lại là một tên trộm hiệu suất thường xuyên. Như diễn viên hài Lily Tomlin từng nói, “Con đường dẫn đến thành công luôn ở tình trạng đang được xây dựng”. Vì vậy, đừng để bản thân được chệch hướng khỏi điều quan trọng nhất. Hãy mở đường cho mình bằng đúng người, đúng chỗ.

Ý TƯỞNG LỚN

1. Bắt đầu nói “không”. Hãy luôn nhớ rằng khi nói có với điều gì đó, bạn đang nói không với mọi thứ khác. Đó là bản chất của việc giữ cam kết. Bắt đầu từ chối mọi yêu cầu khác hoặc nói: “Không, vì hiện tại…” để không gì có thể khiến bạn xao nhãng khỏi ưu tiên hàng đầu. Học cách nói không là cách giúp bạn có được thời gian dành cho điều quan trọng nhất của mình.

2. Chấp nhận sự hỗn loạn. Nhận ra việc theo đuổi điều quan trọng nhất đồng nghĩa với việc dẹp bỏ những thứ khác sang một bên. Sao nhãng đích đến tạo ra những chiếc bẫy, mang lại nhiều rắc rối trên hành trình của bạn. Sự hỗn loạn này không thể tránh khỏi nên hãy học cách đối mặt với nó. Thành công khi hoàn thành điều quan trọng nhất sẽ chứng minh bạn đã có quyết định đúng đắn.

3. Quản lý năng lượng của bạn. Đừng hy sinh sức khỏe của bạn bằng cách cố gắng thực hiện quá nhiều việc. Cơ thể của bạn là một cỗ máy tuyệt vời, nhưng bạn không thể tháo rời từng bộ phận hoặc việc sửa chữa nó có thể rất tốn kém. Vì vậy, hãy quản lý năng lượng của bạn để đạt được những gì bạn muốn, và sống một cuộc sống như bạn mong muốn.

4. Làm chủ môi trường của bạn. Hãy chắc chắn môi trường và những người xung quanh bạn sẽ hỗ trợ mục tiêu của bạn. Những người phù hợp trong cuộc sống và môi trường xung quanh hàng ngày sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của bạn để giúp bạn sớm đạt được điều quan trọng nhất. Khi cả hai yếu tố này liên kết với điều quan trọng nhất, chúng sẽ mang lại sự lạc quan và tạo ra lực đẩy cần thiết để biến điều quan trọng nhất thành hiện thực.

Nhà soạn kịch Leo Rosten đã nói rằng, “Tôi không thể tin được rằng mục đích của cuộc sống là được hạnh phúc. Tôi nghĩ đó là sống có ích, có trách nhiệm và từ bi. Trên hết, đó là để quan tâm, ủng hộ cho một điều gì đó, để tạo ra sự khác biệt gắn bó với bạn cả đời.” Sống có mục đích, sống bằng ưu tiên và sống cho hiệu suất. Theo đuổi 3 mục đích này với cùng lý do giúp bạn thực hiện được ba cam kết và tránh được bốn tên trộm. Bạn muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa.

18. CUỘC HÀNH TRÌNH

“Từng bước” có thể là một hành động nhàm chán, nhưng vô cùng đúng đắn. Dù mục tiêu của bạn là gì, điểm đến ra sao, hành trình tiến đến bất cứ điều gì bạn muốn luôn bắt đầu với một bước duy nhất.

Bước đó được gọi là điều quan trọng nhất.

Tôi muốn bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng cuộc sống của bạn to lớn nhất có thể, so với mơ ước của bạn. Bây giờ, mở mắt và lắng nghe tôi. Dù thấy gì, bạn vẫn phải tiến lên phía trước. Và khi những gì bạn theo đuổi rộng lớn như hình dung của mình, bạn sẽ được sống cuộc sống lớn nhất như mong muốn.

Sống lớn đơn giản là vậy.

Tôi xin chia sẻ một cách giúp bạn làm điều đó. Viết ra thu nhập hiện tại của bạn. Sau đó nhân với: 2, 4, 10, 20 không quan trọng. Chỉ cần chọn một, nhân thu nhập của bạn bằng cách đó, và ghi lại số mới. Nhìn vào số thu nhập mới và vượt qua sợ hãi hoặc phấn khích để tự hỏi, “tôi sẽ làm gì để có được con số này trong 5 năm tới?” Nếu làm được, sau đó hãy tiếp tục tăng gấp đôi con số này cho đến mức tối đa. Nếu hành động phù hợp với câu trả lời, bạn sẽ có một cuộc sống ý nghĩa.

Bây giờ, tôi sẽ sử dụng thu nhập cá nhân như một ví dụ. Suy nghĩ này có thể áp dụng cho đời sống tinh thần của bạn, điều kiện thể chất, các mối quan hệ cá nhân, thành tích sự nghiệp, thành công trong kinh doanh, hoặc bất cứ điều gì khác mà bạn quan tâm. Khi nâng các giới hạn suy nghĩ của mình, bạn mở rộng giới hạn của cuộc sống. Chỉ khi có thể tưởng tượng ra một cuộc sống lớn hơn sức tưởng tượng của bạn, bạn mới có thể làm được điều đó.

Tuy nhiên, để có được một cuộc sống lớn nhất có thể đòi hỏi bạn không chỉ nghĩ lớn, mà còn phải hành động phù hợp để đạt được điều đó.

Các kết quả đáng kinh ngạc cần bạn phải đi từng bước nhỏ.

Tập trung vào những điều nhỏ nhất sẽ đơn giản hóa suy nghĩ của bạn và kết tinh những gì bạn phải làm. Dù bạn nghĩ lớn đến đâu, khi biết đích đến của mình và làm ngược lại những gì cần thiết để đạt được điều đó, bạn sẽ luôn khám phá ra nó bắt đầu bằng những bước nhỏ. Bạn không thể trưởng thành ngay lập tức. Khi chọn một cuộc sống lớn, theo mặc định, bạn sẽ phải đi từng bước nhỏ để đạt được điều đó. Bạn phải khảo sát các lựa chọn của mình, thu hẹp chúng, xếp hàng các ưu tiên và làm những gì quan trọng nhất. Bạn phải đi từng bước nhỏ, phải tìm điều quan trọng nhất của mình.

Không có điều chắc chắn nhất, nhưng luôn có điều quan trọng nhất. Tôi không nói rằng sẽ chỉ có một điều quan trọng nhất hoặc quan trọng nhất mãi mãi. Tôi nói rằng trong mỗi thời điểm, chỉ có một điều quan trọng nhất, đó là điều phù hợp nhất với mục đích của bạn và đứng đầu ưu tiên của bạn, nó sẽ là điều hiệu quả nhất bạn có thể làm để tạo ra thành quả tốt nhất.

Các hành động được xây dựng dựa trên hành động. Thói quen tạo nên thói quen. Thành công gây dựng thành công. Quân domino chuẩn xác mới có thể đánh đổ các quân domino khác và tạo ra hiệu ứng domino. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn muốn có được các kết quả khác biệt, hãy tìm kiếm các hành động thúc đẩy để khởi động hiệu ứng domino. Kiến thức và động lực được xây dựng khi bạn sống với điều quan trọng nhất mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm mới sẽ cung cấp cho bạn đủ năng lực để xây dựng một cuộc sống phi thường.

Nhưng điều này không tự nhiên xảy ra. Bạn phải là người khiến nó xảy ra.

Một buổi tối nọ, một người ông kể với cháu trai của mình về “Có trận chiến giữa hai con sói bên trong chúng ta. Một là sự sợ hãi. Nó là hiện thân của những lo lắng, sự bận tâm, sự không chắc chắn, do dự và không hành động. Một là đức tin. Nó mang lại sự bình tĩnh, niềm tin, sự tự tin, nhiệt tình, quyết đoán, sự phấn khích và hành động.” Người cháu trai suy nghĩ một và hỏi: “Vậy con sói nào thắng hả ông?” Người ông trả lời, “Đó là con sói mà cháu cho nó ăn.”

Cuộc hành trình của bạn về phía các kết quả khác biệt sẽ được xây dựng dựa trên đức tin. Đó là khi bạn có niềm tin vào mục đích và ưu tiên rằng bạn sẽ tìm kiếm điều quan trọng nhất. Và một khi chắc chắn biết điều đó, bạn sẽ có sức mạnh cần thiết thúc đẩy vượt qua mọi do dự để thực hiện điều đó. Đức tin sẽ dẫn đến hành động, và khi hành động, chúng ta sẽ tránh được những việc có thể làm giảm hoặc hạn chế nỗ lực của chúng ta – gây hối tiếc.

LỜI KHUYÊN TỪ BẠN BÈ

Nếu bạn có thể đi ngược thời gian và nói chuyện với bạn của 18 năm về trước hoặc bước đến tương lai và gặp bạn của năm 80 tuổi, bạn muốn nhận được lời khuyên như thế nào? Đó là một đề xuất thú vị. Đối với tôi, tôi muốn gặp tôi của những năm 80 tuổi. Bước đến tương lai sẽ mang lại hiểu biết có được từ những quan sát thấu đáo hơn.

Như vậy khi lớn hơn, khôn ngoan hơn bạn sẽ nói những gì? “Hãy sống cuộc sống của bạn. Sống toàn tâm toàn ý với nó, không sợ hãi. Sống với mục đích, cho đi tất cả, và không bao giờ bỏ cuộc.” Nỗ lực rất quan trọng, vì nếu không có nó, bạn sẽ không bao giờ thành công hơn nữa. Thành tựu rất quan trọng, bởi nếu thiếu nó, bạn sẽ không bao giờ trải nghiệm đầy đủ tiềm năng thực sự của bản thân. Theo đuổi mục đích rất quan trọng, bởi nếu không làm vậy, bạn sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc lâu dài. Hãy tiến bước với niềm tin rằng những điều này hoàn toàn đúng đắn. Sống một cuộc đời đáng sống, để rồi cuối cùng, bạn có thể nói, “Tôi rất vui vì tôi đã làm”, thay vì “Tôi ước gì mình đã làm”.

Nhiều năm trước, tôi đã bắt đầu cố gắng hiểu một cuộc sống đáng sống sẽ như thế nào. Tôi quyết định ra ngoài và khám phá điều này. Tôi đã đến thăm những người lớn tuổi hơn, khôn ngoan hơn, thành công hơn tôi. Tôi nghiên cứu, đọc, tìm kiếm lời khuyên. Từ tất cả các nguồn đáng tin cậy có thể tưởng tượng được, tôi tìm kiếm những đầu mối và dấu hiệu. Cuối cùng, tôi có được quan điểm rất đơn giản: Một cuộc đời đáng sống có thể được đo bằng nhiều cách, nhưng một trong những cách hiệu quả nhất đó là sống không hối tiếc.

Cuộc sống quá ngắn ngủi để chồng chéo những gì sẽ làm, có thể làm và nên làm.

Tôi đã thông tỏ được điều đó khi tự hỏi mình ai có thể là người hiểu rõ nhất về cuộc sống. Tôi xác định được rằng đó là những người đi đến gần cuối cuộc đời. Nếu bắt đầu cuộc hành trình với đích đến trong tâm, sẽ không khó tìm được những manh mối về cách sống. Tôi tự hỏi những người chẳng làm gì ngoài việc ngoái nhìn lại dạy cho tôi biết cách tiến lên phía trước. Hãy sống một cuộc sống để không hối tiếc về sau.

Chúng ta có thể hối tiếc vì những điều gì? Đối với tôi, rất ít cuốn sách có thể khiến tôi cảm động, càng hiếm những cuốn khiến tôi khóc, nhưng cuốn sách The Top Five Regrets of the Dying (tạm dịch: Năm điều hối tiếc nhất trước khi chết) của Bronie Ware năm 2012 đã làm được cả hai điều trên. Ware đã dành nhiều năm chăm sóc cho những người đang hấp hối. Khi cô hỏi họ về bất kỳ hối tiếc nào, Bronnie thấy rằng chủ đề quen thuộc xuất hiện nhiều lần. Theo thứ tự giảm dần, 5 hối tiếc phổ biến nhất gồm: Tôi ước rằng đã để bản thân mình được hạnh phúc hơn – họ nhận ra quá muộn rằng hạnh phúc là một sự lựa chọn; tôi ước mình đã giữ liên lạc với bạn bè của tôi hơn – họ đã không thường xuyên dành thời gian và nỗ lực xứng đáng; tôi ước gì mình có đủ can đảm để thể hiện cảm xúc của mình – họ thường xuyên im lặng và cảm thấy không đủ sức để xử lý vấn đề; tôi ước mình đã không làm việc quá nhiều – họ đã dành quá nhiều thời gian để kiếm sống hơn là xây dựng một cuộc sống khiến họ hối tiếc.

Một người có thể vấp phải mọi khó khăn trên. Điều hối tiếc phổ biến nhất đó là: Tôi ước gì mình đã can đảm để sống đúng với chính mình, thay vì theo mong muốn của người khác. Các giấc mơ nửa vời và những hy vọng chưa được đáp ứng: đây là điều hối tiếc lớn nhất được những người hấp hối bày tỏ. Như Ware chia sẻ: “Hầu hết mọi người đã không tôn trọng dù chỉ một chút giấc mơ của mình và cho đến lúc cuối đời, họ mới biết rằng đó là lựa chọn mà họ đã đưa ra, hoặc không đưa ra”.

Những quan sát của Bronnie Ware của không mang tính phiến diện. Khi kết thúc nghiên cứu toàn diện của họ, Gilovich và Medvec vào năm 1994 đã viết: “Khi mọi người nhìn lại, những điều hối tiếc khi họ không làm… Tôn trọng những hy vọng của chúng ta và theo đuổi một cuộc sống đầy đức tin với các mục đích và ưu tiên rõ ràng là thông điệp từ những người lớn tuổi. Họ đã đưa ra thông điệp sâu sắc đó từ kinh nghiệm dày dạn của bản thân.

Không hối tiếc.

Vì vậy, hãy chắc chắn mỗi ngày bạn đều làm những điều quan trọng nhất. Khi biết những gì quan trọng nhất, mọi thứ đều có ý nghĩa.

THÀNH CÔNG LÀ CÔNG VIỆC TỪ BÊN TRONG

Bạn có thể sống không hối tiếc bằng cách nào? Hãy bắt đầu theo cùng cách với hành trình tiến đến các kết quả đáng kinh ngạc. Với mục đích, ưu tiên, và năng suất, với sự hiểu biết rằng chúng ta có tránh được sự hối tiếc; cùng với điều quan trọng nhất trong tâm trí và đặt nó đứng đầu lịch trình của bạn; và thực hiện nó thông qua từng bước nhỏ.

Vào một buổi tối nọ, một cậu bé đã nhảy vào lòng cha mình và thì thầm: “Chúng ta chẳng có thời gian ở bên nhau”. Người cha đáp lại: “Con nói đúng, cha xin lỗi. Nhưng cha hứa sẽ bù đắp cho con. Mai là thứ Bảy, sao chúng ta không dành cả ngày cho nhau nhỉ?” Một kế hoạch tuyệt vời, và cậu bé đi ngủ, hình dung đến cuộc đi chơi ngày mai, háo hức về những chuyến hấp dẫn.

Sáng hôm sau, người cha dậy sớm hơn thường lệ. Ông muốn mình vẫn có thể thưởng thức một tách cà phê và đọc báo trước khi cậu con trai tỉnh dậy. Mải đắm chìm vào mục tin kinh doanh, ông bất ngờ khi con trai mình dậy rất sớm và đã sẵn sàng.

Mặc dù rất háo hức mong bắt đầu một ngày mới, nhưng ông vẫn nuối tiếc khi không có thời gian thưởng thức thói quen buổi sáng của mình. Ông đã nảy ra một ý tưởng. Ông ôm cậu con trai và nói rằng trò chơi đầu tiên của họ sẽ là giải câu đố cùng nhau, khi điều đó được hoàn thành, “chúng ta sẽ đi ra ngoài chơi cả ngày.”

Khi mới đọc báo, ông thấy một quảng cáo với một hình ảnh về trái đất. Ông nhanh chóng xé nó thành từng miếng nhỏ, và rải chúng trên bàn. Ông nói, “Cha muốn xem con có thể giải được câu đố này nhanh đến mức nào”. Cậu bé hăng hái thực hiện ngay, trong khi cha cậu tin rằng ông đã có thêm thời gian để đọc báo.

Vài phút sau, cậu bé kéo tờ báo của cha mình xuống và tự hào nói, “Con làm xong rồi!” Người cha vô cùng kinh ngạc, toàn bộ hình ảnh trái đất được xếp lại đầy đủ như trong tờ quảng cáo. Cậu bé cười rạng rỡ. “Thật dễ cha ạ! Ban đầu, con không thể làm được và bắt đầu bỏ cuộc, bởi nó khó quá. Nhưng sau đó con đánh rơi một mảnh trên nền nhà, và nhờ chiếc bàn kính, nên khi nhìn lên, con thấy hình ảnh của một người đàn ông ở mặt sau tờ báo. Điều đó đã giúp con nảy ra một ý tưởng! Con đã ghép hình người đàn ông này, và đương nhiên hình ảnh trái đất cũng được ghép lại.”

Câu chuyện này đã trở thành chủ đề quan trọng trong cuộc sống của tôi. Những gì cậu bé đã mang đến là một ý nghĩa sâu xa: một cách tiếp cận cuộc sống đơn giản và dễ hiểu hơn. Một điểm khởi đầu tyệt vời đối với bất kỳ thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Đó là điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta đều phải hiểu nếu muốn đạt được các kết quả đáng kinh ngạc ở mức cao nhất.

Thành công là công việc làm bên trong.

Hãy sắp đặt thế giới nội tâm của bạn, thế giới bên ngoài sẽ đâu vào đó. Khi bạn mang mục đích vào cuộc sống, biết các ưu tiên, và đạt được năng suất cao dựa trên các ưu tiên quan trọng nhất mỗi ngày, cuộc sống của bạn có ý nghĩa và sự đặc biệt sẽ xuất hiện.

Mọi thành công trong cuộc sống bắt đầu từ bên trong con người bạn. Bạn biết phải làm gì, biết cách để thực hiện điều đó. Bước tiếp theo của bạn rất đơn giản.

Bạn là quân domino đầu tiên.

BUỘC ĐIỀU Ý NGHĨA NHẤT PHẢI MANG LẠI HIỆU QUẢ

Bạn đã đọc cuốn sách và hiểu nó. Bạn đã sẵn sàng trải nghiệm các kết quả đáng kinh ngạc trong cuộc sống của bạn. Vậy, bạn sẽ làm gì? Bạn tác động vào điều quan trọng nhất bằng cách nào? Quay trở lại giữa cuốn sách và quan sát các cách bạn có thể tận dụng điều quan trọng nhất ngay bây giờ.

Vì lợi ích ngắn gọn, tôi sẽ rút ngắn câu hỏi tập trung, hãy chắc chắn bổ sung cụm từ “… nhờ đó mà việc thực hiện những việc khác dễ dàng hơn hoặc không cần thiết nữa là gì?” vào cuối mỗi câu hỏi!

CUỘC SỐNG CÁ NHÂN CỦA BẠN

Hãy để điều quan trọng nhất mang lại sự rõ ràng đến các lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Dưới đây là một số mẫu ngắn.

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm trong tuần này để phát hiện hoặc khẳng định mục đích của cuộc đời tôi là gì…?

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm trong 90 ngày để có được cơ thể như mong muốn là gì…?

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm ngày hôm nay để củng cố đức tin của tôi là gì…?

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm để có thời gian thực hành guitar 20 phút mỗi ngày là gì…? Chơi golf giỏi hơn trong 90 ngày…? Học vẽ trong 6 tháng…?

GIA ĐÌNH BẠN

Sử dụng điều quan trọng nhất với gia đình của bạn để trở nên vui vẻ và có được những trải nghiệm thú vị. Dưới đây là một số tùy chọn.

• Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm trong tuần này để cải thiện cuộc hôn nhân của chúng ta là gì…?

• Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm mỗi tuần để dành nhiều thời gian bên gia đình là gì…?

• Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm hướng dẫn các con học bài là gì…?

• Điều quan trọng nhất chúng ta có thể khiến kỳ nghỉ tiếp theo có ý nghĩa nhất là gì…? Giáng sinh tiếp theo ý nghĩa hơn bao giờ hết…?

Đây là những ví dụ đơn giản. Nếu chúng được áp dụng đối với cá nhân bạn, thì hiệu quả sẽ rất tuyệt vời. Nếu không, hãy sử dụng chúng để nhắc bạn khám phá ra những lĩnh vực bạn cảm thấy quan trọng đối với bạn.

Đừng quên ngăn ô thời gian. Ngăn ô thời gian với chính mình để chắc chắn những điều quan trọng nhất đã được thực hiện và các hoạt động quan trọng đã được làm sáng tỏ. Trong một số trường hợp, bạn sẽ muốn ngăn ô thời gian để tìm câu trả lời của bạn và, những lần khác bạn sẽ chỉ cần ngăn ô thời gian để thực hiện nó.

CÔNG VIỆC CỦA BẠN

Dùng điều quan trọng nhất để nâng công việc của bạn lên cấp độ mới. Dưới đây là một số cách để bắt đầu.

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm hôm nay để hoàn thành dự án hiện tại trước thời hạn là gì…?

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm trong tháng này hoàn thành công việc tốt hơn là gì…?

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm để trong lần đánh giá tiếp theo để được tăng lương là gì…?

• Điều quan trọng nhất tôi có thể làm hàng ngày để hoàn thành công việc của tôi và về nhà đúng giờ là gì…?

NHÓM LÀM VIỆC CỦA BẠN

Đưa điều quan trọng nhất vào công việc của bạn với những người khác. Cho dù bạn là một quản lý, nhà điều hành, hay thậm chí là một chủ doanh nghiệp, hãy mang tư duy điều duy nhất vào các tình huống trong công việc hàng ngày để đẩy mạnh năng suất. Dưới đây là một số cách thức cần xem xét.

• Trong bất kỳ cuộc họp nào, hãy hỏi, “Điều quan trọng nhất chúng ta có thể thực hiện trong cuộc họp này và kết thúc sớm là gì…?”

• Trong quá trình thành lập đội ngũ, “Điều quan trọng nhất tôi có thể làm trong vòng 6 tháng tới để tìm và phát triển các tài năng vượt trội là gì…?”

• Khi lập kế hoạch cho tháng tới, năm tiếp theo, hoặc 5 năm tới, hãy hỏi, “Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm ngay bây giờ để hoàn thành mục tiêu của chúng ta trước thời hạn và phù hợp với ngân sách là gì…?”

• Trong phòng của bạn hoặc ở cấp độ công ty cao nhất hãy hỏi, “Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm trong 90 ngày tiếp theo để tạo ra một nền văn hóa điều quan trọng nhất là gì…?”

Một lần nữa, đây chỉ đơn thuần là các ví dụ đơn giản để bạn suy nghĩ về các khả năng. Và, cũng như trong cuộc sống cá nhân, một khi bạn đã quyết định những gì quan trọng nhất, việc ngăn ô thời gian trong công việc trở thành cách bạn đảm bảo chúng được thực hiện. Tại nơi làm việc, điều này thường liên quan đến dự án ngắn hạn mà bạn phải hoàn thành hoặc một hoạt động dài hạn đang diễn ra mà bạn đang cam kết thực hiện nhiều lần. Cho dù là điều gì, một cuộc hẹn với chính mình là con đường chắc chắn nhất để bạn đạt được các kết quả đáng kinh ngạc.

Thảo luận mở thường xuyên hoặc các cuộc hội thảo nội bộ ngắn xung quanh khái niệm quan trọng trong cuốn sách thực sự có thể giúp mọi người tại nơi làm việc hiểu vấn đề hơn.

Nếu việc thực hiện điều quan trọng nhất trong một lĩnh vực đòi hỏi bạn phải cần đến những người khác, hãy tặng cho họ một bản của cuốn sách này. Chia sẻ những phát hiện của bạn là một khởi đầu tuyệt vời để mang lại những hiểu biết sâu sắc được người khác chia sẻ.

Biến điều quan trọng nhất thành một thói quen mới trong cuộc sống của bạn hoặc trong cuộc sống của những người xung quanh bạn. Hãy nhìn vào một vài lĩnh vực khác, nơi mà điều quan trọng nhất có thể tạo ra sự khác biệt thực sự.

CỘNG ĐỒNG CỦA BẠN

Một trong những điều chúng ta có thể làm để nâng cao ý thức của chúng ta về cộng đồng là gì…? Giúp người khuyết tật…? Tăng gấp đôi hoạt động tình nguyện của chúng ta…?

Điều quan trọng nhất buộc bạn phải nghĩ lớn, nỗ lực làm việc lớn thông qua việc tạo ra một danh sách, ưu tiên danh sách đó để sự tiến bộ cấp số nhân có thể xảy ra, và sau đó làm điều đầu tiên – điều quan trọng nhất để khởi động chuỗi domino của bạn.

Vì vậy, hãy chuẩn bị để sống một cuộc sống mới! Và hãy nhớ rằng bí quyết để có kết quả đáng kinh ngạc là đặt một câu hỏi rất lớn và cụ thể dẫn bạn đến một câu trả lời rất nhỏ và tập trung chặt chẽ.

Nếu cố gắng làm tất cả mọi thứ, bạn có thể trắng tay. Nếu cố gắng để làm điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất đúng đắn, bạn có thể có mọi thứ bạn muốn.

Do đó, đừng chậm trễ. Hãy tự hỏi rằng: “Điều quan trọng nhất tôi có thể làm ngay bây giờ để bắt đầu tận dụng điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi nhờ đó việc thực hiện những thứ khác sẽ trở nên dễ dàng hơn hoặc không cần thiết nữa là gì?

Hãy biến việc trả lời câu hỏi này là điều quan trọng nhất của bạn lúc này!

VỀ NGHIÊN CỨU

Mặc dù tôi đã áp dụng những bài học trong cuốn sách này trong một thời gian dài, nhưng chúng tôi chỉ mới bắt đầu nghiên cứu điều quan trọng nhất một cách nghiêm túc vào năm 2008. Kể từ đó, chúng tôi đã lưu trữ một bộ sưu tập của hơn 1.000 bài báo khoa học, nghiên cứu khoa học, các giấy tờ, hàng trăm tờ báo và tạp chí, và một thư viện lớn các cuốn sách được viết bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn vào những gì đã học được từ cuốn sách này, bạn có thể tìm thấy một danh sách đầy đủ các tài liệu tham khảo của chúng tôi theo chủ đề và chương tại The1Thing.com.

Trang web cung cấp liên kết đến các bài báo có sẵn trực tuyến. Chúng tôi cũng đã bổ sung vào các yếu tố thú vị, thậm chí cả video vui nhộn.

Hãy tận hưởng cuộc hành trình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.