Ai làm được
Chương hai
Chí Ðại hễ tới giờ hầu thì qua dinh quan Phủ mà làm việc, mãn giờ rồi thì về nhà Khiếu Nhàn mà nghỉ, đã có nơi nương tựa nên lòng thương nhớ cha mẹ với ông Nhiêu Lang tuy không nguôi nhưng mà việc ấm no chẳng còn lo lắng nữa.
Chí Ðại với Khiếu Nhàn gần gũi nhau lâu chừng nào càng mến nhau chừng nấy. Khiếu Nhàn coi Chí Ðại cũng như con cháu ruột trong nhà. Chí Ðại kính mến Khiếu Nhàn chẳng khác gì sư phụ.
Có đêm hai người bàn luận việc đời với nhau, ông già đã lịch lãm nhơn tình nên mỗi lời đều dè dặt, người trẻ còn tự cường tự đắc, nên mỗi lời đều cứng cỏi, nhưng mà hai người chẳng khi nào chỏi với nhau, trẻ có tánh nóng nảy thì già chỉ lẽ tránh mà khuyên lơn, già có chán đời thì trẻ dùng lời êm mà an ủi.
Còn việc làm bên phủ thì Chí Ðại đã có sẵn tính thông minh mẫn cán mà còn thêm biết đọc, biết nói tiếng Lang sa, công việc làm chẳng hề để trể nải, hễ có quan Lang sa đến thì anh ta thông ngôn, hễ có giấy tờ chi bằng chữ Lang sa thì anh ta cắt nghĩa, bởi vậy quan Phủ càng ngày càng trọng dụng, các việc cho Chí Ðại coi sóc hết thảy.
Chí Ðại làm vừa được một năm thì quan Phủ xin tăng lương thêm mỗi tháng mười lăm đồng, lại cậy Chí Ðại mỗi chúa nhựt qua dinh dạy dùm con trai nhỏ của ông học chữ quốc ngữ.
Bạch Khiếu Nhàn tổ quán ở Thừa Thiên. Từ khi con gái ông bất hạnh rồi thì ông buồn rầu, nên ông không ra Trung Kỳ mà thăm mồ mả ông bà được. Năm ấy ông tính đi ra Huế mà thăm tổ quán chơi một tháng. Ông cậy Chí Ðại ở nhà coi chừng nhà cửa giùm cho ông.
Quan Phủ hay tin ấy thì qua nhà thăm Khiếu Nhàn và nói rằng:
– Cha có buồn thì đi chơi ít tháng đặng giải khuây. Nhà cửa để đó cho sắp gia đinh nó coi, ai dám phá khuấy chi mà lo. Chớ cha đi mà cha bắt thầy ký ở giữ nhà cho cha, thầy ở một mình buồn xo, chịu sao cho nổi. Ðể thầy qua bên Phủ thầy ở làm việc cho tiện và dạy thằng nhỏ nó học luôn thể. Chừng nào cha về rồi thầy sẽ trở về bên nây thầy ở.
Khiếu Nhàn suy nghĩ một hồi rồi gật đầu nói rằng:
– Tính như vậy cũng được.
Quan Phủ Lê Xuân Thới tuổi mới vừa bốn mươi bốn mà vì ông nầy có bịnh hút nên hình vóc gầy mòn, nước da huỳnh đản, bộ coi như người già năm mươi lăm tuổi. Vợ trước ông là con gái Bạch Khiếu Nhàn, chết để lại một đứa con gái tên là Lê Bạch Tuyết, năm nay đã được mười bảy tuổi rồi. Còn bà vợ sau tên là Nguyễn Thị Phường, vốn con của một ông Hương Thân ở Ðầm Dơi, mới hai mươi bảy tuổi, dung nhan đẹp đẽ, văn nói khôn lanh, có sanh một đứa con trai đặt tên là Lê Xuân Sắc, năm ấy mới mười tuổi.
Quan Phủ ngồi quận Cà Mau đã hơn tám năm rồi, khi trước làm Cai Tổng, rồi mới bổ lên Tri Huyện, sau lần lần Thăng chức Tri Phủ. Ông tuy tánh dãi đãi, song lòng hiền từ chẳng hề bó buộc nhơn dân, mà cũng ít khi làm hại làng, tổng, bởi vậy ai cũng kính mến ông.
Nếu có phiền ông là phiền về sự ông tối tăm, không thấy việc quấy trong chốn gia đình, để cho bà Phủ cầm trọn quyền, bà muốn khiến ông thế nào cũng được.
Nói cho phải, bà Phủ thiệt chẳng phải như người thường, bà khôn ngoan lanh lợi, tuy bà được yêu và được quyền, nhưng mà chẳng hề khi nào bà dùng yêu hoặc dùng quyền ấy mà yếm chế hay là cưỡng bức chồng bao giờ; nếu ý bà muốn việc chi thì bà dùng lời nhỏ nhoi khiêm nhượng mà phân với chồng luôn luôn, mà hễ bà phân thì ông nghe, chưa thấy ông trái ý lần nào, nên lời dịu ngọt của bà nghĩ thật là độc ác hơn lời sỗ sàng của các đàn bà khác.
Bà Phủ thấy con ghẻ là Bạch Tuyết, từ nhỏ chí lớn, tính nết dè dặt, ít nói ít cười mà còn là cháu ngoại Khiếu Nhàn, hễ Khiếu Nhàn qua đời rồi thì cô hưởng trọn gia tài rất lớn, nên thuở nay bà để ý gả Bạch Tuyết cho thằng cháu ruột của bà tên là thằng Ðồ, con xã trưởng làng Tân Thuận. Tuy bà tính thầm mưu kế làm giàu cho cháu như vậy, song thuở nay bà không nói ra, một là bà thấy Bạch Tuyết còn nhỏ, hai là sợ Khiếu Nhàn cản ngăn, nên bà không dám nói. Nhưng mà bà đã dọn đường trước, đặng chừng bà muốn đi bà khỏi đạp chông gai. Ở trong nhà bà tưng tiu, ngon ngọt với Bạch Tuyết luôn luôn, bà săn sóc miếng ăn, chỗ ngủ, mua sắm quần tốt áo lạ cho cô dầu cô không muốn, bà cũng làm.
Chẳng hiểu vì cớ nào bà yêu Bạch Tuyết như vậy, mà tánh cô thường lạt lẽo với bà hoài. Cô đương vui cười, mà hễ thấy mặt bà thì cô ké né buồn xo, không ai biết chắc cô sợ bà hay là cô ghét. Nội nhà, Bạch Tuyết chỉ ưa nói chuyện với ông Sen mà thôi, bởi vì ông Sen hồi trước ở với Khiếu Nhàn, chừng Khiếu Nhàn gả con cho quan Phủ thì ổng theo đặng đỡ tay chơn, đến khi mẹ Bạch Tuyết qua đời thì ông ẵm bồng, săn sóc Bạch Tuyết, nên Bạch Tuyết trìu mến.
Khiếu Nhàn đi Huế rồi, thì Chí Ðại đem rương qua dinh quan Phủ mà ở. Hễ làm việc rồi, rảnh thì anh ta dạy con trai quan Phủ học. Tuy ban đêm anh ta ngủ tại bộ ván lót tại cửa sổ phía trước, song ăn cơm thì quan Phủ cho ăn chung một mâm với vợ con, lại ông cho phép xông pha vô nhà trong nữa.
Chí Ðại thường thấy Bạch Tuyết hoài, nhưng mà thấy thì thấy, chớ anh ta không dám ngó, lại cũng không có dịp nào mà nói chuyện.
Bà Phủ thấy Khiếu Nhàn đi khỏi đến năm ba tháng mới về, nhắm dịp nầy là dịp tốt cho mình thi hành kế sách đã tính xưa nay, nên ban đêm vắng vẻ bà làm thuốc phiện cho ông, bà mới thỏ thẻ tỏ ý bà muốn gả Bạch Tuyết cho cháu bà. Ban đầu quan Phủ không chịu, ông nói rằng ông có chút con gái, ông coi nơi nào hay chữ ông gả chẳng luận giàu hay nghèo.
Bà không cãi liền với ông hồi đó, thủng thẳng lựa lời khôn khéo mà châm chích, nhứt là bà cắt nghĩa cho ông nghe rằng bà không có con gái, tuy bà không đẻ Bạch Tuyết song thuở nay bà dưỡng nuôi săn sóc nên yêu mến chẳng khác nào máu thịt của bà, nếu ông gả cho người học giỏi, hễ họ cưới rồi thì họ dắt đi xa, bà lìa Bạch Tuyết bà thương nhớ, chắc không khỏi sanh bịnh. Nếu ông gả cho cháu bà thì bắt nó ở đây luôn cũng được; tiếng gả con gái mà cũng như có thêm được một đứa con trai nữa, nghĩ coi tiện biết chừng nào.
Quan Phủ nghe bà thỏ thẻ mới vài ngày mà ông đã đổi ý, nên chịu gả con cho cháu. Bà Phủ muốn cho hai trẻ thành hôn cho mau, đặng chừng Khiếu Nhàn về, dầu ông không chịu thì việc đã lỡ rồi, ông không thể làm sao được.
Bà Phủ mới khuyên chồng tỏ riêng về việc hôn nhơn cho Bạch Tuyết hay rồi định ngày cho đi lễ hỏi, vì bà là mẹ ghẻ, mà lại gả cho cháu bà, nên bà không muốn nói với Bạch Tuyết chuyện đó.
Quan Phủ khen bà dè dặt, nên biểu bà vào phòng mà nghỉ để cho ông nói chuyện với con.
Trong nhà tôi tớ đều ngủ hết. Ông kêu Bạch Tuyết thức dậy ra đứng dựa bộ ván chỗ ông nằm hút, đèn đốt lu lu, ông lặng thinh ngồi vấn thuốc một hồi rồi tằng hắng một tiếng mà nói rằng:
– Nầy con, năm nay con đã lớn rồi nên cha tính gả con lấy chồng. Vậy con lo sửa soạn trong ít ngày nữa cha sẽ cho đi lễ hỏi.
Bạch Tuyết chưng hửng, đứng ngó cha sửng sốt, cách giây lâu mới đáp được rằng:
– Hôm trước cha có nói với ông ngoại con rồi, ông ngoại con biểu cha liệu chỗ nào phải thì gả, hễ cha đành đâu thì ông đành đó.
Bạch Tuyết đứng suy nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:
– Mà cha tính gả con cho ai ở đâu.
Quan Phủ ngó trong mâm hút mà đáp rằng:
– Cha tính gả con cho thằng Ðồ. Tuy nó nghèo hèn hơn mình, song cha muốn làm sui chỗ đó cho gần gũi, chớ gả con đi xa, chừng cha nhớ không biết làm sao mà đi thăm cho được.
Bạch Tuyết ngó cha trân trân, đỏ mặt châu mày, song không dám nói chi hết. Con gái hễ nghe ai nói đến chuyện lấy chồng thì hổ thẹn, quan Phủ day lại thấy con không mắc cỡ mà cũng không buồn, nhưng có sắc giận, không hiểu ý con như thế nào, nên hỏi rằng:
– Sao con lặng thinh, không nói chi hết?
Bạch Tuyết vùng khóc và nói cụt lủn rằng:
– Thưa cha, con không chịu lấy chồng.
Quan Phủ chưng hửng mà hỏi rằng:
– Sao vậy?
– Thưa không có sao hết.
– Có cớ gì nên con mới nói như vậy chớ? Hay là con chê chỗ đó?
Bạch Tuyết ngập ngừng một hồi rồi mới đáp:
– Thưa phải, con chê chỗ đó.
Quan Phủ cười rồi bảo Bạch Tuyết đi ngủ. Quan Phủ thuật mấy lời của Bạch Tuyết lại cho vợ nghe thì bà Phủ nghi Bạch Tuyết có tình riêng với ai nên mới chê cháu bà. Ông cãi lẽ, nói rằng con còn khờ dại, nó thấy đàng kia nghèo nên nó chê chớ không phải tại cớ nào khác, vậy để thủng thẳng mà dỗ nó, chẳng nên vội lắm.
Ông nói nghe có lý, nhưng mà lòng nghi của bà cũng không giải hết được.
Chí Ðại ở bên dinh quan Phủ chưa được một tháng thì lại gặp tiết Trung Thu, quan Phủ đã mang bịnh hút, mà ông cũng ưa uống rượu nữa.
Mỗi năm hễ tới Trung Thu, ông cũng dọn ghe đi du hồ. Năm nay có Chí Ðại biết mùi thi chút đỉnh, ông càng hứng chí, nên mới tối ông biểu lính dọn ghe hầu, đem thịt rượu theo, mời Cai Tổng với ít người hương chức sở tại rồi đồng đi với Chí Ðại, bà Phủ và con trai nhỏ tính xuống trại đáy[1] ở vàm Rạch Mương Ðào mua tôm làm gỏi ăn, uống rượu mà thưởng nguyệt, để có một mình Bạch Tuyết với ông già Sen và ba tên lính ở lại giữ dinh mà thôi.
Trên trời bóng trăng vặc vặc, dưới sông nước dợn lòa lòa, lính chèo bỏ mái nhặt khoan, du khách chuyện trò hớn hở.
Thú vui cảnh lịch ai cũng tưởng thưởng trăng tới sáng cũng chưa muốn về, nào dè ghe đi vừa được mấy khúc sông, Chí Ðại phát đau bụng nhào lộn trong ghe, mặt mày tái xanh, mồ hôi ra như tắm. Quan Phủ lo sợ, mà không muốn bỏ cuộc vui, nên dạy ghé ghe vào xóm rồi biểu một tên lính mượn xuồng bơi mà đưa Chí Ðại về dinh, còn ghe hầu của ông thì đưa luôn xuống Mương Ðào.
Chí Ðại về đến dinh, lính đỡ lên ván mà nằm, mắt cháng[2] váng, ruột quắn[3] đau, cứ ôm bụng nhắm mắt mà ôm hoài. Gia đinh với lính tráng chộn rộn không biết thuốc chi mà cứu, đứa chạy ra, đứa chạy vào, đứa rót nước trà, đứa xoa dầu gió.
Lúc đương lính quýnh bỗng thấy Bạch Tuyết ở trong buồng bước ra, tay cầm một cái chén chung đưa cho ông Sen biểu đem cho Chí Ðại uống. Chí Ðại uống chén thuốc rồi, chừng một phút đồng hồ thì bụng hết đau, mặt hết xây xẩm, gượng ngồi dậy xin một chén nước trà. Bạch Tuyết còn đứng dựa cửa buồng, thấy Chí Ðại ngồi đậy, liền bước lại gần hỏi rằng:
– Thầy uống kỳ nam[4] đó có bớt đau bụng hay chăng?
– Thưa, bây giờ tôi bớt đau nhiều rồi. Té ra hồi nãy tôi uống đó là kỳ nam hay sao?
– Thưa phải ạ, kỳ nam đó hay lắm. Hồi tôi còn nhỏ, ông ngoại tôi đi ngoài Huế mua về cho má tôi. Xưa nay tôi cất để dành hoài. Hồi nãy tôi nghe nói thầy đau bụng; tôi lật đật mài một chút mà cho uống thử đó đa.
– Thiệt tôi cám ơn cô quá. Nếu tôi đau thét chắc phải chết.
Bạch Tuyết day mặt chỗ khác mà nói rằng:
– Bộ thầy còn mệt quá, thôi thầy đi nghỉ.
– Nói rồi xây lưng đi thẳng vô buồng.
– Gia đinh thấy Chí Ðại nằm êm mới đi đóng cửa rồi tản lạc đi kiếm chỗ mà ngủ, duy để có một mình ông già Sen ngủ trước nhà đặng coi chừng trà nước cho Chí Ðại mà thôi.
Bạch Tuyết trở vô buồng chong đèn ngồi têm trầu mà ăn, miệng nhai trầu mà mắt ngó ngọn đèn dầu trân trân, ngồi nơi đây mà trí ở đâu, có lẽ lúc ấy dầu ăn trộm vô nhà dọn hết đồ cô cũng không hay nữa.
Cô ngồi một hồi lâu, trong nhà từ trước đi sau vắng teo, cô đứng dậy đi lại cửa sổ ngó ra ngoài vườn. Bóng trăng bị cây án, nên thấy chỗ mờ chỗ tỏ, ngọn gió thổi lay tàu dừa nên thấy gục xuống cất lên. Chẳng hiểu lúc ấy cô nhớ đến việc gì mà giọt lụy tràn trề, vẻ mặt buồn bã.
Cách một hồi cô nghe Chí Ðại ho ngoài trước, cô thò tay bưng đèn muốn bước ra nhà ngoài, mà cô vừa tới cửa buồng rồi cô ngừng lại đứng suy nghĩ giây lâu, rồi trở vô để đèn trên ghế leo lên giường mà nằm.
Cô nằm trăn trở hoài, lúc thì buồn giọt châu lã chã, lúc thì giận ruột gan phừng phừng, nằm đã thèm rồi ngồi dậy ăn trầu, làm như vậy cho đến gần sáng, vợ chồng quan Phủ đi du hồ về, mà cô cũng chưa ngủ.
Ở đời miệng thiên hạ hay luận việc của mình làm, bởi vậy làm phận con gái dè dặt cử chỉ cho lắm đi nữa, mà có khi cũng còn phải mang tiếng.
Cô Bạch Tuyết nghe Chí Ðại đau bụng lật đật mài kỳ nam đem cho uống, cử chỉ đó chẳng có chi quấy; còn cô đứng nói với Chí Ðại mấy câu thì trước mặt gia đinh bốn năm người, mà câu nào cũng chơn chánh chẳng có chi phạm đến danh tiết.
Chẳng hiểu vì cớ nào chuyện như vầy, mà người ở trong nhà lại xầm xì với nhau cho thấu đến tai bà Phủ.
Bà Phủ nghe Bạch Tuyết chê cháu bà, thì bà đã để lòng nghi cho cô có tư tình với ai rồi. Nay bà vừa nghe cô mài kỳ nam cho Chí Ðại uống rồi lại đứng nói chuyện với Chí Ðại nữa, thì lòng nghi ngờ của bà hoá ra lòng tin quyết, bà định chắc Bạch Tuyết với Chí Ðại đã có ý riêng với nhau rồi.
Bà nổi giận không thể dằn được nên tối lại bà nằm làm thuốc cho quan Phủ hút, bà thỏ thẻ nói rằng: „Hôm trước tôi nghe mình nói con Bạch Tuyết nó chê thằng Ðồ thì tôi đã nghi nó có ngoại tâm, mình không tin lời tôi; nay việc bể ra rồi, trẻ trong nhà đều nói rùm tai, mình còn cãi tôi nữa thôi?“.
Quan Phủ nghe nói biến sắc, lồm cồm ngồi dậy hỏi rằng: „Nó lấy ai ở đâu?“.
Bà Phủ cứ nằm, tay cầm ống, tay cầm tiêm hơ thuốc, mắt chăm chú ngó đèn, song miệng cười gằn mà đáp rằng: „Nó lấy thầy ký Ðại chớ lấy ai? Thầy đi chơi Trung thu với mình, thầy làm bộ đau bụng đặng trở về; con Bạch Tuyết mài kỳ nam đem cho thầy uống, rồi đêm đó“
Quan Phủ ngồi sửng sốt, lặng thinh một hồi rồi lắc đầu nói rằng:
– Thầy ký thầy mang ơn tôi nhiều lắm, có lý nào thầy phụ lòng tôi. Ðã vậy mà bộ thầy chính chắn trung hậu lắm, người như vậy không thể nào làm việc quấy được. Có lẽ bầy trẻ nọ thấy con BạchTuyết mài kỳ nam cho uống, nên chúng nó nghi rồi bày chuyện nói bậy, hơi nào mà tin.
Bà Phủ đáp rằng:
– Hứ! Con đã hư rồi mà còn kiếm lời bào chữa! Mình không tin, thôi mình kêu thằng lính Thố hỏi nó đặng nó nói cho mình nghe.
Quan Phủ tức giận, ngồi bấy gan, muốn kêu sắp gia dịch ra mà tra hỏi cho minh bạch, mà vì ông sợ nếu thiệt thì càng xấu hổ nhiều hơn nữa, nên ông nằm co… mà chịu không dám cãi với vợ. Bà Phủ thấy chồng đã chịu thua, bà liền đổi giọng dùng lời nhỏ nhoi mà an ủi rằng:
– Thôi việc đã lỡ rồi, bây giờ mình có buồn rầu đi nữa cũng không ích gì. Việc nầy mấy đứa trong nhà biết thôi, chớ người ngoài chưa hay, vậy để tôi hăm chúng nó đặng chúng nó đừng có đồn bậy ra ngoài. Mà..tôi xin mình phải đuổi thầy Chí Ðại đi cho mau, rồi ép gả phứt con Bạch Tuyết cho thằng Ðồ đi thì danh tiếng mới vẹn toàn được. Nếu mình dụ dự để diên trì, tôi sợ thầy Chí Ðại thầy dắt con Bạch Tuyết trốn, bằng không thì thiện hạ họ hay rồi xấu hổ mình, mà tôi tuy là mẹ ghẻ, song tôi cũng không khỏi mang tiếng xấu lây nữa.
Tuy quan Phủ gác tay ngang qua trán nằm lặng thinh, song sáng bữa sau ông kêu Chí Ðại mà nói rằng ông mới được lịnh quan Chánh Bố[5] dạy phải bớt một thầy ký lục vì công việc làm không còn gấp như hồi trước nữa, và ông khuyên Chí Ðại hãy đi xứ khác kiếm chỗ làm ăn.
Chí Ðại nghe nói chưng hửng, chẳng hiểu vì cớ nào mình không thấy giấy tờ chi hết, mà quan Phủ lại nói có lịnh quan Chánh Bố dạy đuổi mình. Anh ta nghẹn cổ không biết lời chi đối đáp, chỉ xá quan Phủ rồi thâu góp quần áo bỏ vào rương.
Anh ta ra đi, vợ chồng quan Phủ chẳng có một lời chi tỏ lòng thương tiếc, duy kẻ gia dịch cùng lính tráng cảm động, song chúng nó thấy quan Phủ lạt lẽo, nên không dám tỏ dấu trìu mến cho lắm.
Chí Ðại qua nhà Khiếu Nhàn nằm thở ra, suy nghĩ coi bây giờ mình phải ở đây kiếm chỗ dạy học hay là phải đi đến xứ nào. Anh ta nhớ hơn một năm nay, quan Phủ yêu thương trọng dụng mình, thường nói hễ ông còn làm quan thì ông còn dùng mình hoài, vì cớ nào quan trên phải đuổi mình, mà ông nói cụt lũn, không tỏ tình gì yêu mến, mà lại còn biểu mình đi đến xứ khác kiếm chỗ mà làm.
Chắc là mình làm việc chi không vừa ý ổng hoặc có ai nói vô nói ra chi đây, nên ổng đổi ý, mới kiếm chuyện mà đuổi. Vã quan Phủ cầm quyền bính chánh quận nầy, nếu ngài không thương mình rồi mà mình còn vẩn vơ ở đây ắc chẳng khỏi mang họa. Vậy mình phải tránh trước cho xong, chừng ông Khiếu Nhàn trở về, như mình có thể trở lại đây được, thì mình sẽ xuống mà bái tạ ơn ông.
Chí Ðại nghĩ như vậy nên viết một bức thơ giao cho gia đinh giữ, dặn chừng Khiếu Nhàn về thì giao lại cho ông, rồi xin quá giang ghe hàng mà lên Bạc Liêu. Kẻ gia dịch của ông Khiếu Nhàn cùng người quen biết hỏi thăm coi anh ta tính đi đâu, thì anh ta ú ớ không biết đi đâu mà nói, nên phải nói bướng rằng đi về Vũng Liêm.
Bà Phủ nghe tin Chí Ðại đi rồi, thì trong bụng mừng thầm; chẳng phải bà rẽ phân Chí Ðại với Bạch Tuyết được mà bà mừng, bởi vì bà biết rõ là vu oan cho người ta, chớ hai đàng chẳng có tư tình với nhau hồi nào. Bà mừng đây là cái kế của bà đã thành được phân nửa rồi, bởi vì Chí Ðại đi rồi, bây giờ bà muốn thêu dệt thế nào cũng được còn Chí Ðại đâu mà đối nại, mấy đứa ở trong nhà là người của bà, nếu bà muốn biểu thế nào thì chúng nó nghe thế nấy, có đứa nào dám trái ý.
Bà thừa cơ hội ấy mới xúi riết quan Phủ gả Bạch Tuyết cho cháu bà. Quan Phủ bổn tánh thành thiệt, không rõ mưu sâu kế xảo của vợ, duy sợ tiếng xấu mà thôi, nên nghe lời bà cho kêu Xã trưởng Tân Thuận lên nói chuyện cho làm sui, rồi định ngày cho đi lễ hỏi.
Bạch Tuyết nghe kẻ gia dịch nói có lịnh quan trên dạy đuổi Chí Ðại nên Chí Ðại đã đi rồi, thì cô động lòng bứt rứt, nhưng vì phận cô là gái, không lẽ tỏ ý thương tiếc, nên cô giả dạng làm lơ, không thèm nói tới việc đó.
Chừng cô hay việc quan Phủ cho đòi Xã trưởng Tân Thuận lên rồi định ngày làm lễ hỏi thì lòng ức uất quá không thể dằn được nên tối lại thừa lúc gia dịch ngủ hết, cô mới bước ra trước ván chỗ quan Phủ nằm hút, cô đứng khóc rống lên mà nói rằng:
– Hôm trước con thưa với cha con không đành lấy chồng, mà nhứt cha gả chỗ đó con không chịu, sao cha lại định ngày cho đi lễ hỏi? Con thưa thiệt, có lỗi với cha thì con chịu lỗi, chớ nếu cha gả bướng thì con tự vận con chết theo mẹ con.
Quan Phủ đương hút, bỗng nghe con nói như vậy liền buông ống hút ra, day lại ngó trân trân, còn bà Phủ lồm cồm ngồi dậy cười gằn mà nói với quan Phủ rằng:
– Mình thấy con mình hay chưa? Thời thế đã hết rồi mới khiến con hư như vậy. Mình tính thế nào được thì mình tính lấy, xấu là xấu mình, chớ thứ mẹ ghẻ nầy mà sá gì! Ðể coi mình biết trị con mình hay không?
Quan Phủ đã nổi giận, mà bà còn châm chích thêm, chẳng khác nào lửa cháy mà bà còn chế dầu, bởi vậy quan Phủ lấy roi biểu Bạch Tuyết nằm xuống đánh hơn một chục roi, cắn răng trợn mắt không cho Bạch Tuyết khóc. Ông vừa đánh vừa nói rằng:
– Mầy lấy thằng Chí Ðại làm nhục nhã tao, tội ấy tao chưa nói, bây giờ tao định gả mầy đặng cho mầy khỏi mang tiếng xấu, mầy lại làm hơi khôn lanh, muốn chống cự với tao nữa à.
Bạch Tuyết nghe mấy lời ấy thì chưng hửng, không biết lấy chi mà đối nại được, chỉ kêu oan rằng:
– Oan ức lòng con lắm cha ôi? Mẹ ôi! Mẹ ở dưới cửu tuyền xin mẹ chứng giùm con, kẻo tội nghiệp thân con lắm mẹ ôi!
Bà Phủ nói Bạch Tuyết muốn rủa xéo bà, nên càng châm chích vô cho quan Phủ đánh thêm nữa. Bạch Tuyết chịu đòn đau quá, nên hết dám kêu rêu.
Bà Phủ thấy Bạch Tuyết sợ, mới giựt roi không cho quan Phủ đánh nữa; bà đỡ Bạch Tuyết ngồi dậy, biểu lạy cha, rồi đắt đi vô buồng lau nước mắt cho Bạch Tuyết và hỏi nhỏ rằng:
– Con lỡ một lần dì xin giùm, sau đừng có dại nói bậy nói bạ như vậy nữa, dì không xin, dì để cha con đánh chết đa. Thôi còn nằm mà ngủ đi nghe hôn?
Bạch Tuyết thấy mẹ ghẻ ân cần, an ủi thì cô không khóc nữa, song cô gầm mặt không ngó bà Phủ, mà không nói chi hết.
Chừng bà Phủ đã ra khỏi phòng rồi thì cô nằm lăn trên giường, lấy mền đậy mặt mà khóc. Ban đầu cô tức tủi muốn mua dấm với á phiện mà uống, đặng chết xuống cửu tuyền tỏ việc oan ức nầy cho mẹ biết.
Cô khóc một hồi lâu rồi cô ngồi dậy, đầu bỏ tóc xả, mắt ngó ra ngoài vườn mà nghĩ rằng: hơn một năm nay lần nào mình qua thăm ngoại thì cũng nghe ông khen Chí Ðại là trai trung hậu, nghĩa khí, tuy ông chưa nói rõ ra, song nếu suy lời ông nói xa nói gần, thì hiểu ý ông muốn gả mình cho Chí Ðại; mà xưa rày Chí Ðại làm việc với cha mình, tánh nết ôn hòa mà cứng cỏi, thiệt đáng mặt làm trai, dầu ông ngoại mình gả mình cho anh ta, nghĩ cũng xứng đôi vừa lứa, chớ không kém gì.
Tuy ý mình nghĩ như yậy, nhưng mà hơn một năm nay, mình với Chí Ðại chẳng có tình ý gì, hôm nọ Chí Ðại đau bụng, mình có mài kỳ nam cho uống và có hỏi thăm mấy lời mà thôi.
Thiệt, đêm ấy vắng vẻ, mình có ý muốn tỏ việc riêng của mình cho Chí Ðại nghe kẻo lòng ức uất bấy nay không biết tỏ với ai, mà mình muốn tỏ rồi lại ái ngại, nên không nói chi hết sao nay lại có lời vu oan việc nhơ nhuốc cho mình như vậy.
Bạch Tuyết suy nghĩ tới đó rồi chống tay lên trán ủ mặt châu mày. Cách một hồi cô với tay têm trầu mà ăn và nói nhỏ nhỏ một mình rằng: “Ý hị! Thân sao mà khốn khổ quá như vầy? Khi không mà mang tiếng lấy trai! Mà thôi thà theo trai còn hơn làm vợ kẻ thù. Ở đây thì lụy thân, ra đi thì mang xấu… Thà mang xấu mà báo oán cho mẹ được, chớ lụy thân rồi chắc phải chết, mà hễ chết rồi, thì còn ai trả thù báo oán cho mẹ“.
Bạch Tuyết nhứt định rồi thì trong bụng hết buồn.
Sáng bữa sau cô giả vui vẻ như thường. Bà Phủ kiếm lời ngon ngọt dã lã, thì cô đối đáp cung kính, chẳng có hơi giận hờn chút nào.
Bà Phủ thấy Bạch Tuyết đã thuận tùng nên bà mừng; bà khuyên ông thủng thẳng để cho bà dỗ, đừng có rầy rà đánh đập nữa.
Qua ngày sau, ăn cơm sớm mai rồi Bạch Tuyết xin phép cha đi qua thăm nhà ông ngoại.
Bà Phủ nghĩ Khiếu Nhàn đi khỏi, còn Chí Ðại cũng đã đi rồi, Bạch Tuyết qua đó chẳng có ai dụ dỗ mà sợ, nên khuyên chồng để con đi chơi cho khuây lãng.
Bạch Tuyết qua nhà ông ngoại đốt nhang lạy hết mấy bàn thờ rồi vô buồng ngồi mà khóc. Trong bọn gia dịch có chú Phú, bổn tánh thiệt thà, trọn ngày cứ lui cui làm hoài, không đi chơi bời đâu hết, nghe cô khóc thút thít, mới lại đứng ngoài cửa buồng mà dòm.
Bạch Tuyết vừa ngó thấy liền hỏi rằng:
– Hổm nay ông ngoại tôi có gởi thơ nói chừng nào về hay không?
Chú Phú gãi đầu đáp rằng:
– Hổng có! Phải có thơ thì anh em tôi đem cho cô đọc chớ bên nầy có ai biết chữ đâu mà coi.
Hôm ông đi, ông có nói chừng ít tháng ông về, nay đã hơn một tháng rồi, có lẽ ông cũng đã về gần tới, vậy đợi thủng thẳng ông về, cô khóc lóc làm chi. Bạch Tuyết không cãi với chú, lại hỏi rằng:
– Thầy ký Ðại hổm nay có qua bên nầy hay không?
– Có, thầy qua ở một bữa rồi quá giang ghe hàng mà đi Bạc Liêu. Thầy đi có chở rương theo nữa. Vậy chớ thầy thôi làm việc ở bển rồi sao cô?
– Có lẽ thầy thôi làm rồi. Thầy qua bên nầy, thầy có nói chuyện chi hay không?
– Thầy qua ở bên nầy một bữa, cứ mằm lim dim mà thở ra hoài, không nghe nói chuyện chi hết. Chừng thầy đi, thầy có đưa một phong thơ dặn ông về trao lại cho ông.
– Thơ đâu, đưa coi.
– Tôi cất trên thủ quyển đây.
Chú Phú vội vã đi lấy thơ đưa cho Bạch Tuyết, rồi trở ra vườn mà nhổ cỏ. Bạch Tuyết lau nước mắt rồi mở ra coi, thì thấy thơ như vầy:
Cà Mau, ngày 30 tháng 9 năm 1895.
Thưa bác,
Hơn một năm trường, cháu no cơm ấm áo. Cháu có chỗ dung thân, ấy là nhờ ơn bác chiếu cố, nên cháu mới được như vậy.
Cháu nhớ lòng quảng đại của bác chừng nào, cháu càng lo sợ chừng nấy, lo là lo không biết ngày nào đền ơn đáp nghĩa cho bác được, mà sợ là sợ phận cháu khờ dại, e sơ sẩy làm những việc không xứng ý bác.
Nay trời khiến cháu rủi ro không được nhờ ơn đức của quan Phủ nữa, mà cháu coi thế cháu cũng khó ở yên xứ nầy, vậy cháu tính cháu trở về Vũng Liêm thăm phần mộ cha mẹ ít ngày rồi sẽ kiếm chỗ nương thân
Chừng nào cháu ở chắc chỗ rồi cháu sẽ viết thơ mà thưa cho bác hay.
Cháu ra về còn tiếc một điều là không gặp mặt bác mà bái tạ ơn tri ngộ và tỏ lời kính mến bác. Thôi phận cháu nghèo hèn, ví dầu kiếp nầy không thể đền ơn trọng, đáp nghĩa dày được, thì cháu cũng nguyền kết cỏ ngậm vành kiếp sau.
Ít lời thành thiệt, kính dưng cho bác bốn chữ: Phước, Thọ, Khương, Ninh
Phan Chí Ðại
cẩn bái
Bạch Tuyết đọc thơ rồi nằm suy nghĩ rồi lại đọc nữa. Ðến nửa chiều trời mát, cô kêu chú Phú trả lại bức thơ và dặn cất đợi chừng ông về sẽ trao lại cho ông. Cô rửa mặt gỡ đầu rồi đi cùng trong nhà, từ trước tới sau một hồi, lại tới bàn viết, cô thấy giấy mực để sẵn tại đó, cô ngồi lại lấy một tờ giấy, mới viết ba chữ „ông ngoại ôi!“ rồi bỏ viết đứng dậy đội khăn đi về, không viết nữa.
Về vừa tới dinh, Bạch Tuyết thấy lính đương quét dọn ghe bầu, cô hỏi thăm sửa soạn ghe làm chi, thì chúng nó nói nghe quan Phủ đi Ðầm Chim tra xét vụ ăn cướp nào đó, chúng nó nghe không rõ.
Cô lật dật bước riết vào dinh, quả thấy gia đinh đương dọn mâm hút và quan Phủ với bà Phủ đã sửa soạn quần áo hết rồi.
Bà Phủ vừa thấy Bạch Tuyết về thì nói rằng:
– Cha con với dì đi Ðầm Chim, chiều mai mới về. Vậy con ở nhà coi nhà, tối biểu bầy trẻ đóng cửa cho kỹ lưỡng nghe hôn con.
Bạch Tuyết vâng lời, mặt mày hớn hở, thấy thằng em cũng sửa soạn đi theo, bèn lại ôm nó mà hun hai ba cái rồi hỏi:
– Dì đem em theo nữa sao?
– Ừ, đem em theo chơi.
Lối chạng vạng tối, lính vào thưa với quan Phủ rằng nước ròng đã nửa sông rồi, quan Phủ dắt vợ con xuống ghe.
Bạch Tuyết đương ăn cơm nghe cha đi lật đật buông đũa, uống nước rồi đi ra ngoài cầu mát mà đưa cha.
Ghe mở dây lui ra, Bạch Tuyết ngó theo rưng rưng nước mắt, song trời đã tối rồi, nên gia dịch với ông già Sen đứng gần đó mà không ngó thấy.
Ghe trở mũi vào sông Gành Hào rồi, Bạch Tuyết ngồi chồm hổm trên cầu mát, tay chống càm, miệng hỏi ông già Sen rằng:
– Cha tôi đi chừng nào mới tới Ðầm Chim?
Ông Sen đáp rằng:
– Xuống Mương Ðào phải đợi nước lớn rồi mới vô rạch được. Chắc tảng sáng mai mới tới Ðầm Chim.
Bạch Tuyết ngó quanh quất thấy lính và gia dịch đều đi vào dinh hết, chỉ còn một mình ông Sen đứng đó mà thôi, cô mới biểu ông Sen ngồi một bên, rồi cô nói nhỏ rằng:
– Dì tôi đã thuốc mẹ tôi chết mà giựt chồng, rồi bây giờ tính ép tôi cho cháu mà đoạt của ông ngoại tôi nữa, ông có hay không? Từ ngày ông thuật cho tôi nghe cách dì tôi giết mẹ tôi thì trong lòng tôi bứt rứt xốn xang hoài, không biết phương chi mà trả thù báo oán cho được. Nay dì tôi xúi giục cha tôi gả tôi cho cháu đặng đoạt gia tài cho trọn, cha chả! Thù xưa chưa trả đặng, lòng nào nỡ đành kết nghĩa vợ chồng với kẻ thù! Ngặt tôi thương cha tôi quá, nên tôi không nỡ nói cho hết lời được, dì tôi lại vu oan tiếng hư cho tôi, nói tôi lấy thầy Chí Ðại, đặng làm cho tôi sợ mà phải ưng. Trời ôi! Oan ức cho tôi biết chừng nào! Hôm cha tôi đánh tôi đó, thiệt tôi muốn tự vận mà chết cho yên thân, ngặt vì thù tôi chưa trả xong, nên tôi phải sống; tôi tính lo mưu báo thù cho mẹ tôi. Từ hôm cho tới bây giờ tôi lo tính nát trí tôi nghĩ nếu ở đây thì cha tôi sẽ gả tôi cho thằng Ðồ còn gì. Vậy tôi tính tôi phải trốn cho toàn danh tiết. May đêm nay cha tôi với dì tôi đi khỏi hết, vậy lối nửa đêm xin ông bơi xuồng đưa giùm tôi vô kinh đặng tôi đón ghe xin quá giang mà lên Bạc Liêu.
Ông già Sen nghe nói đến đó thì ứa nước mắt, ngồi khoanh tay thở dài mà nói rằng:
– Cháu tính như vầy cũng phải. Cháu ở đây không được nữa. Ngặt vì thân cháu là con gái, đi ra một tấc đường không dễ gì. Cháu trốn rồi cháu đi đâu?
– Tôi quyết đi kiếm thầy Chí Ðại. Người ta nói tôi lấy thầy, tiếng đã mang lỡ rồi, bây giờ tôi chẳng nệ gì nữa. Ðã vậy ông ngoại tôi thường khen thầy Chí Ðại lắm, lại tôi coi tướng thiệt là người trung hậu, tôi có chồng như thầy nghĩ chẳng kém gì?
– Nếu cháu làm như vậy thì cháu mang tiếng theo trai.
– Thà mang tiếng xấu theo trai, chớ ăn ở với kẻ thù thì chịu sao đặng.
– Như cháu theo, rủi không tìm được thầy Chí Ðại, rồi cháu ở đâu?
– Như tìm thầy không được, thì cháu kiếm chỗ nương dựa, đợi ông ngoại cháu về rồi cháu sẽ trở về.
Ông Sen suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
– Từ khi bà Phủ mất rồi, cháu còn nhỏ ông bồng ẵm, cháu khôn lớn ông săn sóc, nay ông không đành để cháu đi một mình. Thôi cháu để ông đi theo với cháu.
– Không được. Hồi chiều tôi có tính như vậy, tôi muốn viết thơ để lại cho ông ngoại rồi tôi dắt ông theo, mà tôi sợ để thơ lại cha tôi đánh khảo gia đinh rồi lấy đi, ông ngoại tôi về không hiểu duyên cớ tưởng tôi hư, chắc buồn rầu phải chết. Vậy ông phải ở nhà, đặng chừng ông ngoại tôi về, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc lại cho ông ngoại tôi biết. Ông cũng làm ơn khuyên lơn ông ngoại tôi đừng buồn và khi nào ông ngoại tôi ươn yếu xin ông chăm sóc giùm.
Bạch Tuyết nói tới đó thì nước mắt tuôn dầm dề, ông Sen động lòng nên cũng khóc òa. Hai người than thở, căn dặn nhau một hồi nữa, rồi ông Sen đi lại bến thăm chiếc xuồng, còn Bạch Tuyết thủng thẳng trở vào dinh.
Bạch Tuyết vào phòng riêng đóng cửa lại rồi mở tủ lựa lấy năm đôi vàng, một cây kiềng và ba mớ áo, bốn cái quần lãnh, đồ ấy là đồ của Khiếu Nhàn sắm cho cô, còn đồ của quan Phủ mua thì cô bỏ lại hết.
Qua đến nửa canh ba, gia dịch ngủ im lìm, cô xách đồ ra ngoài đưa cho ông Sen, rồi lén đi xuống xuồng mà tỵ nạn. Bạch Tuyết ngồi trước day mặt ra phía sau, còn ông Sen ngồi sau bơi, hai người ngó nhau mà không nói chi hết, chỉ rơi lụy mà thôi.
Trăng lú mọc hướng đông ửng đỏ; xuồng vô tới Cái Ngang gặp một chiếc ghe của hai vợ chồng khách Triều Châu ở Bạc Liêu xuống Cà Mau đòi tiền rồi về. Bạch Tuyết xin quá giang, vợ chồng người khách chịu cho. Bạch Tuyết qua ghe kia rồi, ông Sen xô xuồng ra bơi trở về Cà Mau, bơi năm ba giầm thì lấy vạt áo lau nước mắt một cái.
[1] dụng cụ bằng lưới hình loa dùng bắt cá tôm ở các sông lớn Hậu giang
[2] choáng
[3] quặn
[4] Kỳ Nam và Trầm hương là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây Gió. Cậy Gió có tên khoa học Aquilaria Crasna Pierre. Trị sơn lam chướng khí, no hơi, đau bụng, ói mửa, suyển (theo Tôn Thất Sam). Chữ Crasna gốc tiếng Khmer.
[5] hay Bố chánh: tỉnh trưởng, chủ tịch tỉnh
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.