Ái tình miếu
Chương 2
Phúc đạp xe máy vô tới cửa mới chịu nhảy xuống, dựng xe dưới thềm, rồi thủng thẳng bước lên.
Trường đứng trên thềm, đợi Phúc lên tới mới bắt tay mà nói: ”Toa[1] đã trở nên một chú nông phu đến 100 phần 100!”
Phúc ngó ngay bạn mà hỏi:
– Toa đến nhà một tên nông phu toa hổ thẹn hay sao?
– Nếu hổ thẹn thì mỏa đến làm chi?
– Toa lên trên nầy có việc chi?
– Đi thăm toa, chớ không có việc chi hết.
– Cám ơn… toa đi với ai?
– Đi một mình.
– Sao không dắt Madame[2] Trường đi với?
– Mỏa[3] đi hồi khuya, mỏa có rủ ma femme[4]. Nó nói bữa nay nó mắc việc gì đó không biết, nó đi không được. Mỏa bỏ nó ở nhà, mỏa đi một mình.
– Toa có con hay chưa?
– Chưa.
– Dở quá!
– Mỏa muốn thấy tài giỏi của toa.
Phúc rùn vai rồi nắm tay dắt bạn vô nhà, không thèm đáp câu khiêu khích ấy.
Trường nói: ”Trời còn mát, mỏa muốn đi xem vườn của toa chơi”.
Mấy lời ấy làm cho sắc ưu sầu trên mặt Phúc tiêu liền và thay vào nét mặt hân hoan rực rỡ. Phúc gặc đầu và đáp:
– Ðược lắm, được lắm. Mà toa phải ở lại ăn cơm với mỏa, nghe hôn. Vô nhà quê ăn cơm với rau chơi.
– Ðược, mỏa ở chơi với toa đến chiều cũng được.
– Ồ! tốt quá! Mỏa mừng lắm, mỏa mừng lắm. Mà toa đã có lót lòng hay chưa? Ðể mỏa biểu làm cà phê toa uống.
– Thôi, thôi.
– Ê! Có một trái sầu riêng chín cây, mỏa mới hái hồi chiều hôm qua, ngon lắm. Ăn sầu riêng uống cà phê thì chẳng có chi bằng.
– Cám ơn, hồi nãy mỏa ghé chợ Thủ[5] mỏa lót lòng rồi. Ðành để trái sầu riêng đó trưa rồi mình sẽ ăn.
– Cũng được.
Phúc kêu thằng Biện mà dặn lo mua đồ thêm đặng trưa đãi khách một bữa, khuyên Trường cởi áo máng trong nhà, mặc sơ-mi đi chơi cho mát, rồi dắt nhau xuống thềm mà bước ra sân.
Trường thấy mấy cái mương đào ngay bót, thấy nước dưới mương trong veo, thấy đầu nầy có mấy con vịt lội trong mương mà tắm coi rất thong thả, thấy đầu kia có người xách nước tưới đám cải sa-lách lá non nhớt, thấy mấy cây sầu riêng trái sai oằn, thì trong lòng vui vẻ khỏe khoắn vô cùng.
Phúc dắt Trường đi xem giáp phía trước rồi mới đi ra phía sau. Sở vườn phía sau lớn bằng 5 sở vườn phía trước, Trường thấy mấy hàng cau trồng ngay thẳng rang, thấy đám trầu phơi lá vàng khè, thấy rẫy thơm đơm trái lố xố, thấy vườn trà lúp xúp xanh um, thì càng khỏe mắt vui lòng hơn nữa.
Đi dọc theo rẫy thơm, Phúc thấy có hai trái thơm chín tươi, bèn móc con dao nhỏ trong túi quần ra mà cắt rồi xách đi.
Hai người đi giáp hết sở vườn gần tới đường ranh rừng cấm, Trường thấy có một cái mội nước[6] phun lên trong khe rồi rọ rẹ chảy xuống cái mương chứa. Khít một bên đó lại có một cái nhà bát giác nhỏ, cao cẳng, không vách, chung quanh đóng lan can[7], nóc lợp bằng tranh, đứng sừng sựng dưới tàn một cây xoài lớn gốc ôm hai tay không giáp. Trong nhà có giăng một cái võng bố và có để một cái bàn nhỏ với hai cái ghế.
Phúc chỉ cái nhà ấy mà nói: ”Ðó là chỗ của mỏa đọc sách và ngủ trưa!”
Trường gục gặc đầu mà khen: ”Thanh nhàn quá! Thú vị biết bao nhiêu!”
Phúc chúm chím cười, mời Trường bước lên nhà và chỉ cái võng mà biểu nằm. Trường đương cảm hứng nên làm theo liền. Phúc nói: ”Ðể mỏa gọt thơm đặng ăn giải khát”.
Trường nằm trên võng đưa cọt kẹt. Phúc để hai trái thơm trên bàn mà gọt.
Bầy ve ve ở trong rừng cấm phát lên kêu ve ve rùm tai. Chim cúc đậu trên ngọn cây chẫm rải kêu cúc cúc. Phúc cười và nói: ”Mu-sich[8] của mỏa đó đa! Nằm nghe mu-sich đó mà ngủ trưa thì có thú vị hơn là nghe giọng đờn oán, đờn nam, của thị thành nhiều lắm”.
Trường cảm xúc nhiều quá nên không trả lời, cứ lóng tai nghe tiếng cúc nhịp, tiếng ve đờn, cứ chong mắt ngó ruộng rẫy dưới bưng chớn chở.
Phúc gọt rồi trái thơm bèn đưa cho Trường mà biểu ăn thử. Thơm tàng ong chín cây nó ngon ngọt khác thường.
Trường nằm và ăn và ngó[9] Phúc mà hỏi:
– Toa nhứt định sống với cảnh đời ẩn dật, ăn trái chín cây, uống nước dưới suối, nhìn thảo mộc trước mắt, nghe ve đờn bên tai như vầy cho tới già, hay là toa còn tính thay đổi mà sống với cảnh đời nào khác?
– Cảnh đời nầy đã có đủ thú vị cho mỏa hưởng rồi, còn phải tìm cảnh đời khác làm chi?
– Xã hội phải tấn hóa, loài người phải sanh sản, ấy là luật tự nhiên của trời đất, toa quên rồi hay sao?
– Xã hội! Loài người! … Mặc kệ, mỏa không muốn biết tới nữa. Sanh ở giữa trần tục, mà mỏa khỏi nhiễm hồng trần, há không phải mỏa cao hơn thiên hạ hay sao?
– Vị kỷ! Tự trọng!
– Vậy chớ ai vị mình, mà mình phải vị họ? Nếu mình không biết trọng mình, thì làm sao mà mong người khác trọng được? Mỏa theo phận mỏa, thiên hạ theo phận họ. Ai khen mỏa không cần, mà ai chê mỏa cũng không lo!
– Ở trong đời, toa chẳng nên chán đời. Nếu toa chán đời thì sự sống của toa không có ý nghĩa gì hết.
– Ðời không đáng chán hay sao?
– Dầu đáng chán đi nữa, mình cũng phải cứng trí vững lòng, đừng thèm chán, mới cao chứ.
Phúc liếc cặp mắt kiêu ngạo mà ngó Trường, rồi đưa trái thơm vào miệng mà cạp, không thèm cãi lẽ nữa.
Trường ăn hết trái thơm rồi, khen thơm ngon và bước ra cái mội bụm nước mà rửa mặt rửa tay. Trường đứng dưới gốc xoài, mắt ngó vòng trong vườn, ngọn gió chướng thổi hiu hiu đưa mùi lá cây tươi thơm ngát, làm cho trong mình rất khỏe khoắn.
Trường thấy Phúc ăn hết thơm rồi, mà vẫn còn ngồi trong nhà mát, tay chống lên bàn, cặp mắt ngó mông, thì trở vô kéo một cái ghế ngồi ngang với Phúc và nói: ”Hồi nãy mỏa hầu chuyện với bác, mỏa có hỏi thăm toa. Bác nói lúc nầy toa không vui. Thiệt quả sắc mặt của toa có vẻ buồn bực mà hình dạng của toa coi cũng ốm hơn trước hồi. Toa có học triết lý, mà sao toa còn buồn việc đời? Ở đời có kẻ phải mà cũng có người quấy, có kẻ cao mà cũng có người thấp, thì tự nhiên việc đời phải có cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, cái khôn cái dại. Mình thấy cái dở, cái xấu, cái dại, thì mình rùng vai rồi ngó lãng chỗ khác, để ý đến làm chi mà phải buồn”.
Phúc châu mày suy nghĩ một lúc rồi mới đáp:
– Thói đê tiện của thiên hạ, nếu nó không can hệ đến mình, thì có lẽ mình làm lơ rồi khỏi buồn được, ngặt vì thói đê tiện ấy nó làm cho mình phải thương tâm rủn chí, thì có thế nào mình làm lơ mà vui được. Toa nghĩ thử coi, mình biết sự chết là luật tự nhiên của trời định, không có một người nào tránh khỏi, thế mà trong thân tộc mình rủi có một người nào chết, mình cũng phải buồn rầu thương nhớ, không thể nguôi được… Mỏa buồn là vì mỏa có một vít thương-tâm đau đớn khó chịu hết sức. Mỏa chắc cái vít ấy nó sẽ hành mỏa trọn đời, chớ nó không lành được đâu.
– Mỏa biết chứng bịnh của toa rồi. Nếu toa chịu nghe lời mỏa thì mỏa trị được.
– Làm sao mà toa biết chứng bịnh của mỏa được?
– Hồi nãy ở nhà bác đã có nói sơ tâm sự của toa cho mỏa nghe rồi.
– A!… Má mỏa nói sao đó?
– Thì nói người ta đã hứa hôn với toa, rồi người ta mê danh vọng nên bội ước chớ sao.
– Thiệt má mỏa có thuật sự ấy cho toa nghe hay sao?
– Có. Tuy bác nói sơ, mà cũng đủ cho mỏa hiểu hết.
Nãy giờ Phúc nói chuyện giọng nghe buồn, nhưng mà êm ái. Bây giờ nghe Trường nói đã hiểu rõ tâm sự của mình thì Phúc nổi giận, trợn cặp mắt đỏ au mà ngó Trường, rồi co tay đập trên bàn mà nói lớn: ”Ạ! Toa hiểu tâm sự của mỏa rồi! Toa đã hiểu sao toa còn khuyên mỏa đừng thèm buồn?… Không buồn sao được?… Con gái An Nam bây giờ ham vui sướng mà thôi, chớ không có tình nghĩa gì hết, toa thấy chưa?… Nó có thể giết mình được, chớ không phải chơi đâu! Chúng ta phải giữ mình… Cô Hạnh hứa hôn với mỏa, cổ viết mấy cái thơ mà tỏ tình với mỏa hồi mỏa còn học bên Tây. Mỏa tin bụng cổ nên mỏa cũng thương cổ. Bây giờ cổ phủi mỏa mà ưng làm vợ người khác. Cổ làm như vậy, không phải là cổ muốn giết mỏa hay sao?… May mỏa có trí cứng cỏi, lại nhờ mỏa thương má mỏa lắm nên mỏa mới còn sống đây… Ạ, nhắc tới cô Hạnh, mỏa giận, mỏa oán lung lắm. Mỏa oán cô Hạnh, mà mỏa cũng oán hết thảy đờn bà con gái An-nam; họ giả dối, họ độc ác, họ vô tình vô nghĩa… Phải lánh xa họ, phải trốn tránh họ chẳng nên gần họ, chẳng nên tin họ!”
Trường cứ ngồi nghe, miệng chúm chím cười mà thôi, chớ không can, mà cũng không cãi, để Phúc nói cho đã nư giận. Chừng thấy Phúc nói dứt, dựa lưng vào ghế mà thở, thì Trường mới chẫm rãi nói: “Mỏa hiểu tâm hồn của toa rồi. Vì tình của toa sâu quá, nên bây giờ oán mới nhiều như vầy; còn đối với toa, tình của cô Hạnh thể nào? Cô viết thơ cho toa, cô nói cô thương toa. Ấy là những câu cô ăn cắp trong mấy bộ tiểu thuyết tình rồi chép lại cho toa đọc chơi, chớ cô có tình gì đâu. Nếu thiệt cô có tình nặng với toa cũng như toa có tình với cô vậy, thì làm sao cô bỏ toa mà lấy chồng khác cho được. Nầy Phúc, ví như hồi toa ở bên Tây mới về, và cô Hạnh chưa bội ước với toa, bác biểu toa phải bỏ cô Hạnh mà cưới vợ khác, toa chịu hay không? Toa thương cô Hạnh quá, có bao giờ toa chịu vưng lời bác đâu. Cô Hạnh đành phụ toa mà ưng làm vợ người khác, thì cô có thương toa đâu, sự ấy rõ ràng dễ thấy quá. Người ta không thương toa, mà toa còn lưu tâm làm chi nữa?”
Phúc ngồi nghe Trường nói thì lần lần hết giận, mà rồi lại buồn hiu. Chừng nghe Trường cắt nghĩa sự cô Hạnh không có tình với mình, thì Phúc rưng rưng nước mắt mà đáp:
– Toa nói phải. Người ta không thương mỏa, nên mới bỏ mỏa mà lấy chồng khác được. Mỏa ngu dại lắm, mỏa còn thương người ta nữa làm chi…
– Toa quên phứt việc ấy đi, đừng thèm nhớ tới nữa.
– Có nhiều đêm buồn quá, mỏa cũng nhứt định quên phứt cô Hạnh, đừng thèm nhớ tới cổ nữa. Tuy đã nhứt định như vậy, mà không hiểu tại sao hình dạng cô Hạnh cứ vẩn vơ trước mắt mỏa hoài, không thể quên cổ được.
– Tại toa cứ ở nhà hoài trí tù túng, tự nhiên toa nhớ cổ. Toa phải đi chơi mới được, đi chơi cho trí xao lãng, rồi lần lần toa sẽ quên cổ.
– Mỏa đi chơi không tiện. Em mỏa ở bên Tây, có một mình mỏa ở nhà với má mỏa. Nếu mỏa đi chơi thì má mỏa ở nhà có một mình chắc buồn lắm. Ðã vậy mà công việc vườn rẫy mê mê, mỏa đi chơi rồi ai coi làm.
– Đi chơi ít bữa mà hại gì. Mỏa tính mốt hoặc bữa kia mỏa lên Đà Lạt ở nghỉ vài tuần. Toa đi với mỏa đi đặng giải trí.
– Đi không tiện…
– Ðược mà. Ðể lát nữa vô nhà, mỏa xin phép với bác rồi mỏa bắt toa đi. Toa đương buồn, toa phải đi chơi đặng giải khuây. Nếu toa lục đục ở nhà hoài, sợ e toa phải điên, hoặc toa phải mang chứng bịnh khác thì khổ cho bác lắm.
Phúc đứng dậy bước ra chỗ cái mội mà uống nước, không từ chối nữa, mà cũng không hứa đi. Trường đi theo ra rửa mặt lại cho mát. Ve-ve cứ đờn, chim cúc cứ nhịp, gió cứ thổi hiu hiu, cây cứ khoe màu xanh lét.
Hai anh em lần bước đi vòng qua vườn trà, tính theo phía đó mà trở vô nhà.
Phúc và đi và nói:
– Vì mỏa nóng giận quá, nên hồi nãy nói chuyện với toa mỏa có dùng nhiều lời quá đáng, xin toa đừng chấp mỏa.
– Anh em mà chấp nỗi gì. Huống chi toa là người có bịnh, tự nhiên toa nói như vậy, mỏa không lấy đó làm lạ.
– Phải. Mỏa có bịnh, bịnh tâm hồn. Nhờ nói chuyện với toa mà bây giờ mỏa nghe trong óc mỏa có mòi khỏe khoắn nhiều lắm.
– Mỏa đoán giỏi hay không? Toa phải đi chơi đặng có dịp nói chuyện với người nầy người kia mới hết buồn được. Toa phải nghe lời mỏa, để mỏa trị bịnh cho toa. Mỏa dám hứa chắc với toa, nếu toa đi chơi chừng hai lần, thì toa hết buồn rầu, mà toa tại vui vẻ hăng hái hơn hồi trước nữa.
– Ông lương y nầy kỳ quá! Trị bịnh mà ổng không cho uống thuốc, ổng lại ép đi chơi chớ.
– Thầy thuốc phải tùy theo chứng bịnh mà trị chớ sao.
Thằng Biện ở trong nhà đi ra đón hai người và thưa cho Phúc hay rằng cơm đã dọn rồi nên bà giáo dạy mời khách về đặng dùng bữa trưa.
Hai người vô tới nhà thiệt quả đồ ăn đã dọn sẵn một bàn, có cháo vịt, có thịt kho, có gà quay, có sà lách lại có một chai rượu chát với một dĩa bàn[10] lớn đựng đầy trái cây là sầu riêng, đu đủ, mít tố nữ, sa bô chê để tráng miệng.
Bà giáo vui vẻ nói: ”Con mời ông giáo sư dùng cơm đi con. Trưa rồi chắc ổng đói bụng”.
Trường bước lại bàn ăn và nói với bà giáo:
– Cháu làm rộn cho bác quá.
– Không, có rộn chi đâu, ông lên thăm, ông sẵn lòng ở ăn cơm tôi mừng lắm chớ.
– Cha chả! Ðồ ăn nhiều dữ.
– Gà vịt ở nhà, rau cải cũng ở nhà. Chợ nầy không có tôm cá, thịt bò cũng không có, bởi vậy có khách thiệt khó dọn cơm hết sức. Tôi xin ông giáo sư đạm bạc với tôi.
– Ðồ ăn như vầy thì ngon quá rồi. Cháu thích sà lách nầy lắm… xin bác ngồi trước, rồi anh em tôi mới dám ngồi.
– Tôi ăn rồi. Ông giáo sư ngồi vô đi. Tôi quen ăn cơm sớm nên hồi nãy đói bụng tôi ăn trước.
Phúc nói: ”Má ăn thêm, má”.
Bà giáo đáp: ”Con ăn với ông giáo sư đi. Má mới ăn hồi nãy đây, ăn nữa sao nổi. Ðể má ngồi đây nói chuyện chơi”.
Bà giáo nhắc một cái ghế để phía trong mà ngồi, chỗ dĩa trái cây. Trường với Phúc ngồi ngang nhau mà ăn uống; bây giờ Phúc vui vẻ, chớ không phải buồn bực như hồi sớm mơi nữa.
Bà giáo ngó dĩa trái cây rồi nói: ”Bầy trẻ bất nhơn quá, nó không thèm kiếm coi thơm chín nó hái ít trái cho ông giáo sư ăn tráng miệng chớ”.
Trường lật đật đáp:
– Thưa bác, hồi nãy cháu có ăn thơm rồi. Thơm tàng ong chín tươi thiệt là ngon.
– Ăn ở đâu?
– Hồi nãy cháu ăn ngoài vườn. Anh Phúc hái cho cháu ăn. Ðể chừng về cháu xin bác cho ít trái đem về Sài Gòn.
– Ðược. Ðể tôi biểu bầy trẻ lựa thơm lớn nó hái đặng ông giáo sư đem về cho bà ăn thử.
– Con cháu mà bác kêu bằng ông bằng bà, thiệt cháu ái ngại quá. Bác coi cháu như anh Phúc, bác kêu bằng thằng Trường vậy thôi.
– Có chức phận mà kêu chỉ danh như vậy nghe sao được. Chớ chi ông dắt bà giáo sư lên chơi, tôi mừng lắm.
– Ðể lần sau rồi cháu sẽ biểu ở nhà cháu[11] lên cho biết bác. Cháu xin phép bác cho anh Phúc theo cháu xuống Sài Gòn rồi đi Đà Lạt chơi với cháu ít ngày.
– Ðược. Nếu nó chịu đi chơi với ông thì tôi vừa lòng lắm. Muốn đi bao lâu cũng được hết.
Trường ngó Phúc mà nói: ”Bác sẵn lòng cho phép toa đi chơi đó. Vậy xế mát toa phải đi với mỏa”.
Phúc dục dặc đáp: ”Mỏa nghĩ đi không tiện. Ði chơi rồi bỏ vườn rẫy ai coi?”
Bà giáo chận nói: ”Có má đây chi. Con đi chơi với ông giáo sư đi. Lúc nầy không có công việc gì lắm, má coi chừng cho bầy trẻ nó làm, được mà”.
Trường nói: ”Bác cũng muốn toa đi chơi nữa, thấy hôn? Toa phải đi. Ðừng có dục dặc nữa”.
Phúc lặng thinh một hồi rồi nói với Trường:
– Mỏa không có áo quần mới, đi Sài Gòn hoặc lên Đà Lạt coi kỳ quá.
– Toa nói không có áo quần. Vậy chớ toa ở trần hay sao?
– Có, mà có mấy bộ hồi bên Tây đem về đó, chớ không có đồ mới. Từ hồi bên Tây về, mỏa không có xuống Sài Gòn một lần nào hết, bởi vậy mỏa không có đặt đồ. Áo quần của mỏa nếu bận đi ra đường thì coi kỳ cục lắm.
– Có gì thì bận nấy, có can chi mà ngại. Toa chê đồ cũ, thôi xuống Sài Gòn rồi toa đặt đồ khác. Thợ may Sài Gòn may khéo mà lại lẹ lắm.
Bà giáo nói tiếp: ”Ừ, phải đa. Sẵn dịp xuống Sài Gòn, con may ít bộ đồ mới để bận đi chơi nghe con”.
Phúc thấy ý mẹ cũng muốn cho mình đi chơi với Trường, thì không dám chối cãi nữa, phải chịu đi, song không được hăng hái.
Phúc biểu thằng Biện coi lượt sẵn hai ly cà phê đậm. Chừng ăn cơm rồi Phúc tách trái sầu riêng ra mời Trường ăn và uống cà phê. Sầu riêng tơ, múi nào múi nấy trưu trứu[12], lại nhờ chín cây, nên thơm tho ngọt béo khác thường, ăn một múi hớp vài hớp cà phê thì thú vị chẳng có chi bằng. Trường hứng thú nên nói: ”Ở vườn có nhiều cái thú vị khả ái, hèn chi anh Phúc không chịu ra chốn thành thị nghĩ cũng phải”.
Phúc cười mà đáp:
– Thú thanh nhàn của mỏa dầu ai đem cái địa vị cao sang cho mấy đi nữa đến xin đổi với mỏa, mỏa cũng không thèm.
– Phải. Mà thú thanh nhàn nầy nếu có được một người bạn tri kỷ chung hưởng với mình thì mới vui, chớ hưởng một mình thì không được vui cho lắm.
Phúc châu mày mà ngó chỗ khác, không muốn tiếp câu chuyện đó.
Bà giáo nói: ”Ăn cơm rồi phải nghỉ trưa một chút, đợi lối 3 giờ trời mát rồi hai anh em sẽ đi với nhau. Có xe hơi riêng cần gì phải lật đật”. Bà nói rồi liền đứng dậy đi vô trong. Trường với Phúc đi rửa tay rồi mỗi người nằm một cái ghế bố mà nghỉ lưng.
Hơi rượu chát ở trong nồng ra, gió chướng ở ngoài mát mẻ. Trường nằm nghỉ một chút rồi ngủ quên. Chừng Trường thức dậy, thì thấy Phúc đứng dựa cái bàn ăn mà sắp thơm tàng ong hơn một chục và sầu riêng bốn trái vô thùng, trái nào cũng bự cồ[13] tươi rói.
Trường hỏi:
– Toa không có ngủ hay sao?
– Mỏa ít ngủ trưa. Nãy giờ mỏa đi kiếm trái cây mà hái đặng toa đem về.
– Giỏi lắm.
Trường dòm đồng hồ rồi nói: ”Ê! Hai giờ rưỡi rồi. Thôi, sửa soạn đặng đi cho sớm một chút”.
Trường đi rửa mặt rồi bận áo vô. Bà giáo thôi thúc Phúc thay đồ. Phúc vô phòng một chút rồi trở ra, mặc một bộ đồ lỡ mùa[14] màu xám, tuy kiểu may khéo, song màu đã phai. Phúc lại xếp mà để vô va ly một bộ đồ nỉ đen thiệt dày, đồ bận mùa đông hồi ở bên tây, với ít cái áo sơ mi, ít bộ đồ mát, thầm tính xuống Sài Gòn rồi sẽ mua khăn mu-soa với vớ.
Sắp đặt xong rồi, bà giáo biểu thằng Biện vác va ly và thùng trái cây đem ra xe. Bà đưa Trường với Phúc ra tới lộ, bà vui cười luôn luôn. Trường từ giã lên xe, bộ cũng vui, duy có Phúc bịn rịn, dường như xa cách mẹ trong lòng không an, tạm lìa thú điền viên trong trí ái ngại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.