Ái tình miếu

Chương 5



Ở Ðà Lạt đã được 10 ngày rồi.

Vợ chồng Trường có bàn tính với cô Lý, nên bữa nào cũng vậy, sớm mơi thì đi chơi xa, buổi chiều thì đi bộ trong châu thành, mà đi đâu cũng rủ Phúc đi chung, chớ không chịu để Phúc đi chơi một mình.

Có bữa đi xe vô suối Cam-Ly, rồi dắt nhau đi bộ băng ngang Ái tình lâm (bois des Amours), trở ra ngã Couvent des Oiseaux, biểu sớp-phơ đem xe qua nhà dù Robinson mà chờ. Có bữa đi vòng đường săn bắn (Tour de chasse) xem nai ăn cỏ non, rồi ngừng nơi hồ Than Thở (Lac des soupirs) mà ngắm phong cảnh im lìm thanh tịnh. Có bữa lên Dankia mà xem sở nuôi bò. Có bữa xuống Bosquet mà coi những sở trồng hoa, trồng rau cải. Có bữa lên Point de Vue, là trung tim cái nỗng[1]  Lâm Viên, ngồi ngó núi non tứ phía cho phỉ lòng háo cảnh, rồi đi thẳng vô chơn núi Lâm Viên tìm đường lên đảnh coi bao cao. Đi chơi xa như vậy thì Phúc hăng hái, nhưng mà chẳng khi nào ngả ngớn vui cười, dường như vít thương tâm cứ ngầm ngầm châm chích ruột gan, dầu nếm thú nên thơ, dầu xem cảnh tuấn tú, cũng không hết đau đớn.

Buổi chiều đi trong châu thành, thì vợ chồng Trường a ý với nhau nên thường lụt thụt đi sau xa xa, để cho Phúc đi trước với cô Lý. Cô Lý vui vẻ, cứ kiếm chuyện mà nói với Phúc, song cô nói thì Phúc nghe, chớ Phúc không muốn đối đáp, dường như tai nghe nói chuyện ở đây, mà trí tư tưởng ngoài chơn mây, hoặc trên mặt biển.

Một buổi sớm mơi, vợ chồng Trường không muốn đi chơi, tính nằm nhà xem sách. Phúc đứng trước sân xem hoa, thấy sắp nhỏ cho mướn ngựa, dắt bốn năm con ngựa đi ngang. Phúc thấy có con ngựa ô cao lớn mập mạp, muốn cỡi con ngựa ấy đi chơi một vòng, nên kêu mà mướn.

Cô Lý thích cỡi ngựa lắm, ngặt vì hôm mới lên đây liền bị cô Mỹ kích bác sự đó. Nay cô thấy Phúc mướn ngựa đi chơi thì cô không thể dằng cái sở thích của cô được nữa, nên cô hỏi:

–          Anh Phúc mướn ngựa đi chơi hả? Xin anh cho phép em đi với.

–          Tôi đi bậy một vòng mà thôi.

–          Em cũng đi một vòng như anh.

–          Ðờn bà con gái cỡi ngựa hiểm nghèo lắm.

–          Em cỡi hoài, có sao đâu. Em cỡi giỏi lắm, xin anh đừng lo. Anh đợi em thay đồ rồi em đi với.

Cô Lý biểu mấy đứa nhỏ cho mướn ngựa chờ cô, rồi cô chạy vô phòng thay đổi y phục. Cách chẳng bao lâu cô trở ra sân, trên mặc một cái áo nỉ vằn màu nâu, dưới mặc một cái quần tây cũng bằng nỉ màu trứng gà, đầu choàn một cái khăn rằn ri, bộ coi gọn gàng lắm. Cô lựa một con ngựa nhỏ êm ái đằm thắm hơn hết mà mướn rồi so cương leo lên lưng lẹ làng như đờn ông con trai. Cô ngó Phúc mà nói: ”Anh thấy hôn? Em biết cỡi ngựa mà. Anh lên lưng ngựa đi.”

Phúc leo lên ngựa, để cho cô Lý đi trước. Phúc theo sau.

Ngựa chạy lúp xúp, cô Lý day lại hỏi:

–          Anh muốn đi đâu anh Phúc?

–          Đi đâu cũng được.

–          Đi trong châu thành hay gặp xe hơi bất tiện. Hai anh em mình đi vòng Tour de chasse chơi nghe hôn?

–          Tự ý cô.

Cô Lý cho ngựa chạy qua đường trước dinh quan Quản Đạo rồi quanh vô đường đi Tour de chasse. Phúc cứ chạy theo cô.

Hễ ngựa chạy một khoảng xa xa coi bộ mệt, thì cô Lý gò cương lại để đi thủng thẳng mà nghỉ. Phúc cũng làm như cô, mà cũng cứ đi sau chớ không chịu tới trước.

Vô tới khoảng đồng, khỏi ngả ba tẻ đường đi Point-de-Vue một chút, cô Lý thấy một bầy nai, có hai con mang chà-gạt[2] bùm sùm trên đầu, đương đứng chung quanh một cây thông già trơ trọi giữa nổng, nhánh vin lên, nhánh cong xuống. Phía trong xa xa nắng chói cỏ non trên nổng làm cho chỗ vàng vàng, chỗ xanh lặc lìa, xem như lụa phơi gấm trải trên mặt đất. Xa vô trong nữa là dãy núi Lâm Viên xanh xanh.

Sẵn có tâm hồn lãng mạn, cô Lý thấy cảnh xinh đẹp như vậy thì xao xuyến trong lòng, liền chỉ tay và la lớn: ”Anh Phúc, anh Phúc, bức tranh tùng lộc rõ ràng đó, thấy hôn? Ðẹp quá, không bao giờ họa sĩ vẽ cho được như vậy! Em vui quá! Anh vui hôn?”

Phúc dừng ngựa một bên cô Lý mà ngó. Bầy nai vẫn đứng tự nhiên, con thì cúi đầu ăn cỏ, con thì vin mặt ngó mông, không sợ, không lo gì hết. Phúc nói: ”Cảnh đẹp thiệt”. Cô Lý cười ngả ngớn mà nói: ”Giữa cái cảnh đẹp đẽ như vầy, ví như em được ở mà xem tối ngày, em cũng chịu nữa”.

Phúc không trả lời, thúc ngựa đi, con ngựa của cô Lý cũng đi theo. Cô Lý hỏi:

–          Anh đói bụng hay không, anh Phúc? Hồi nãy em có lấy bỏ túi đem theo một hộp pâté[3] với hai ổ bánh mì nhỏ đây. Nếu anh đói bụng thì ngừng lại đây mà ăn.

–          Tôi không đói.

–          Em đói rồi. Mà thôi, để đi qua hồ Than Thở, rồi mình sẽ nghỉ mà ăn.

Cặp ngựa lúc chạy lúp xúp, lúc đi thủng thẳng, nên 10 giờ rưỡi mới qua tới hồ Than Thở. Cô Lý rủ Phúc xuống ngựa mà nghỉ một chút, đặng ăn bánh mì dằn bụng rồi sẽ đi nữa. Phúc chịu. Hai người xuống ngựa, buộc cương vào cây thông bên đường rồi đi lại cái cầu ở mé hồ mà ngồi.

Mùi nhựa thông bay thơm ngát như xông trầm, nước dưới cầu chảy ro re như than thở. Chung quanh hồ rừng thông lố xố, chung quanh mình quang cảnh u nhàn. Cảnh đẹp mà có vẻ buồn, làm cho Phúc châu mày tư lự.

Cô Lý móc trong túi áo lấy ra hai ổ bánh mì nhỏ với một hộp pâté. Cô đưa hộp pâté mà cậy Phúc khui giùm, nhờ có việc làm Phúc mới tạm quên cái cảnh buồn trước mặt. Pâté mở ra được rồi, cô Lý đưa cho Phúc một ổ bánh mì mà mời Phúc ăn, Phúc vị bụng nên phải lấy ăn với cô, chớ thiệt không muốn ăn chút nào hết.

Cô Lý thấy Phúc buồn bực chừng nào thì cô càng vui vẻ thêm chừng nấy, tính làm vui cho Phúc hết buồn, chẳng dè cô càng vui thì Phúc càng buồn thêm, sự vui của cô đã không ích mà lại còn hại.

Một lúc Phúc ngồi ngó sửng trên mặt nước, tay cầm ổ bánh mì mà không ăn. Cô Lý thấy vậy cô lấy làm tức về sự dụng tâm của cô không được kết quả theo ý muốn, bởi vậy cô tính đổi cách nên nghiêm nét mặt mà hỏi: ”Bộ anh sao buồn hoài, dầu thấy cảnh đẹp cho mấy đi nữa anh cũng không biết vui. Tại sao vậy anh Phúc?”

Phúc lặng thinh một chút rồi thở dài mà đáp:

–          Tại sự vui không thế vào trong lòng tôi được.

–          Tại sao mà sự vui không thế vào trong lòng anh?

–          Tại tôi có tâm sự riêng nó ngăn đón không cho sự vui vào được.

–          Tâm sự gì mà ác quá vậy? Em có thể được biết hay không?

Phúc ngó cô Lý, thấy cô đương chúm chím cười mặt ửng lòa hạnh phước, miệng khiêu khích tình duyên, thì lắc đầu mà đáp:

–          Cô muốn biết tâm sự của tôi làm chi? Cô không nên biết.

–          Tại sao vậy?

–          Người vui vẻ không nên biết sự buồn rầu người phấn chí không nên nghe chuyện thất chí.

–          Anh cho em là người vui vẻ phấn chí hả?

–          Phải.

–          Nếu anh tưởng như vậy thì anh tưởng lầm. Nhiều khi người ta buồn rầu lung lắm, nên người ta phải làm vui bề ngoài đặng khỏa lấp nỗi buồn ở trong. Nhiều khi người ta chán ngán não nề lung lắm, nên người ta phải rán hăng hái hoạt động đặng trừ sự chán ngán não nề đó.

–          Cô làm sao mà đến nỗi buồn rầu chán ngán?

–          Đèn nhà ai nấy sáng, tâm sự của ai nấy biết.

Phúc thấy cô Lý bây giờ buồn hiu, hết vui vẻ như hồi nãy, thì ăn năn nói:

–          Tôi phá cái vui của cô, tôi quấy nhiều lắm. Xin cô tha lỗi. Hễ mình mang chứng bịnh buồn thì mình không nên gần ai hết, gần rồi lây bịnh cho người ta. Sự ấy nay thí nghiệm đã rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa.

Cô Lý suy nghĩ một chút rồi cô đáp:

–          Nếu lây bịnh buồn cho người ta rồi bịnh của mình giảm được, thì có lợi chớ không phải hại mà sợ.

–          So đo lợi hại như vậy sao được. Mà dầu lây bịnh cho người ta rồi bịnh của mình giảm được đi nữa, mình cũng không nên làm. Người có nhơn nỡ lòng nào mà làm như vậy cho được.

–          Anh thiệt là quân tử. Em kính phục anh lắm… mà em tưởng nếu mình có bịnh buồn, mình kiếm người cũng có bịnh buồn như mình mà gần gũi, hai bịnh buồn chọi nhau rồi có lẽ sự buồn tiêu hết mà hóa ra sự vui không biết chừng.

–          Sợ hai cái buồn nhập lại rồi nó lớn bằng hai mới khổ cho chớ.

(thiếu)

–          Lập gia đình là có vợ con, có nhà cửa, nối nghiệp cho cha mẹ, nối dòng cho tổ tiên, làm đầm ấm cho xã hội, làm an ổn cho quốc gia. Con người phải làm cái nghĩa vụ ấy mới trọng đạo làm người, trí mới thơ thới, sự sống mới có ý nghĩa.

–          Sao anh để ý đến gia đình mà anh lại khổ tâm?

–          Vì tôi phải nhượng cái nghĩa vụ ấy cho người khác, tôi không thể làm được.

–          Nếu mỗi người đều làm như anh, ai cũng trốn lánh không chịu lãnh cái nghĩa vụ lập gia đình, thì còn gì xã hội, còn gì quốc gia? Theo ý em tưởng con người trước hết phải lo làm cho tròn cái đạo làm người, không được viện lẽ gì mà thối thác nghĩa vụ ấy. Bữa nay nhờ có anh cắt nghĩa em mới thấu hiểu ý của ba em. Vậy thì em phải vâng theo ý ấy, em không dám cãi nữa.

–          Ở đời có nhiều nghĩa vụ phải làm, nhưng vì vận hội xui khiến mà mình không làm được thì phải chịu. Cô chịu lập gia thất, ấy là một điều hiệp nghĩa. Tôi khuyên cô phải làm. Còn phận tôi, thì tôi chắc tôi không thể làm được.

Hết lời cãi nữa, cô Lý lắc đầu mà đứng dậy. Phúc thấy đã trưa rồi nên khuyên cô Lý về, kẻo vợ chồng Trường nhọc lòng chờ ăn cơm. Phúc nắm ngựa giùm cho cô Lý leo lên lưng rồi hai người song song trở về nhà.

Tối bữa ấy cô Lý vô phòng mà thuật chuyện đi chơi với Phúc cho vợ chồng Trường nghe, nhứt là thuật rõ các câu chuyện của Phúc nói, không bỏ sót một ý nào hết. Trường nghe rồi thì lắc đầu nói: ”Bịnh của anh Phúc tôi tưởng không có thuốc gì mà cứu được. Ảnh thất tình đến nỗi thấy cảnh đẹp không biết vui, thấy gái đẹp không động lòng, thế thì mình phải chịu thua, đừng trông mong gỡ mối sầu cho ảnh nữa”.

Cô Mỹ nói: ”Anh Phúc đi chơi với mình hổm nay, em thấy tánh nết ảnh, em nghe ảnh nói chuyện thì thiệt quả ảnh là một người cao thượng đúng đắn, đáng kính trọng. Vậy mình phải rán làm sao mà gỡ mối sầu cho ảnh, chớ bỏ ảnh khổ não trọn đời thì tội nghiệp lắm”.

Trường hỏi: ”Biết làm sao bây giờ?”

Cô Lý suy nghĩ rồi nói: ”Em thấy có một thế khác nữa. Hổm nay mình muốn giải buồn cho anh Phúc mà mình cứ chăm lo làm cho ảnh cảm về tâm hồn mà thôi. Làm như vậy không cảm ảnh được. Thôi mình bỏ cách đó đi, lập thế làm cho ảnh cảm về hình thức thử coi có kết quả hay không. Chừng về Sai Gòn, anh Trường rán cầm anh Phúc ở lại chơi ít bữa, rồi mình dắt ảnh đi xem hát, đi khiêu vũ, mình cho ảnh nếm các cuộc vui về hình thức, làm như vậy thử coi ảnh có biết vui hay không”.

Trường lắc đầu đáp:

–          Anh Phúc có bịnh về tâm hồn. Cái đẹp, cái vui tự nhiên của trời đất mà còn không làm cho ảnh cảm xúc, thì cái đẹp cái vui lạm xạm của loài người làm sao mà đổi trí ảnh được.

–          Nếu mình cho ảnh nếm cuộc vui về hình thức mà ảnh không biết vui, thì em còn một phương thế khác nữa.

–          Phương thế gì? Cô nói cho tôi nghe thử coi.

–          Mình lập thế cho ảnh giáp mặt với cô Hạnh.

–          Uý! Hiểm nghèo lắm! Sợ sanh sự không tốt.

–          Anh Phúc cũng như người có mục ghẻ, đau đớn nhức nhối ngầm ngầm hoài. Mổ phứt mụt ghẻ ấy một lần cho rồi. Mổ thì chắc ảnh đau lắm, mà đau rồi lành bịnh thì không sợ gì.

Vợ chồng Trường đồng khen cô Lý tính hay và hứa chừng về Sài Gòn sẽ cầm Phúc ở lại chơi ít bữa.

Ở nghỉ trên Ðà Lạt đúng 15 ngày rồi bốn người mới lên xe trở về Sài gòn.

 


[1] đồi

[2] sừng nai có nhiều nhánh

[3]  dồi, chả


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.