An Lạc Từ Tâm
CHƯƠNG 2: KHỔ ĐAU LÀ GÌ ?
ĐAU KHỔ SINH KHỞI VÀ TIÊU MẤT
Khi nhắc đến giáo lý của đạo Phật, điều đầu tiên người ta nói tới là “khổ”. Phật dạy: “Tất thảy chúng sinh đều khổ”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vì đã cảm ngộ sâu sắc sự đau khổ từ sinh, lão, bệnh, tử của con người mà hi vọng rằng có thể nhờ vào công đức tu tập để được giải thoát. Đức Phật sau khi giác ngộ, trước tiên thuyết giảng về “Tứ diệu đế” – chân lý cơ bản của Phật pháp: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ là một trong những điều cơ bản đó, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta đều có thể cảm nhận được, phát hiện ra.
Vậy do đâu mà Khổ? Khổ từ đâu mà có? Nguyên nhân Khổ không phải là sự thiếu thốn về vật chất cơm, áo, gạo, tiền. Khổ là mấu chốt của sự mâu thuẫn, giằng co trong nội tâm mà không có cách gì giải thoát được, hay nói khác đi là sự đau khổ nội tâm. Thực tế, sở dĩ chúng ta có thể cảm nhận được hết thảy mọi sự đau khổ là bởi những điều đó chính do chúng ta gây nên và chính chúng ta phải chịu đựng nó. Trong cuộc sống, chính từ sự ngu muội, không thấu hiểu đạo lý nhân-quả mà con người có những hành vi sai lệch về tất cả các phương diện: thể xác, ngôn ngữ, tâm lý (thân, khẩu, ý). Những hành vi ấy chính là nguyên nhân gây ra đau khổ.
Sở dĩ nói “Bồ-tát sợ nhân, chúng nhân sợ quả” là vì, Bồ-tát lấy việc không tạo ra các nguyên nhân gây ra đau khổ làm phương pháp giải thoát cơ bản. Trong khi đó, kẻ phàm phu (chúng sinh) chỉ biết trốn tránh hậu quả của sự đau khổ, khi gặp chuyện đau khổ chỉ mong sớm thoát ra, nhưng trong quá trình trốn chạy bạt mạng ấy, vô hình chung lại đang tạo ra nguyên nhân cho cái khổ khác khởi phát.
Thật ra, hậu quả của nỗi khổ, cũng như là cái bóng của chính mình, như câu “như bóng với hình” mà ta thường nói: có khác gì giữa trời nắng, muốn đẩy cái bóng của mình ra vậy. Cho nên, càng ra sức tháo chạy, chạy đến khi sức cùng lực kiệt mà cái bóng ấy vẫn theo sát bên mình. Trừ khi thân này không còn nữa, cái bóng mới mất đi.
Vì vậy, nếu chúng ta vẫn tiếp tục gây ra nguyên nhân của sự đau khổ thì hậu quả của nó sẽ mãi mãi đeo bám chúng ta. Cũng như sau khi ăn cơm xong, cơm thừa canh cặn còn vương vãi trên mặt bàn, chúng ta phải tự thu dọn sạch sẽ, kể cả khi bỏ tiền ra thuê người khác dọn dẹp thì số tiền đó cũng là do chính mình kiếm ra. Cho nên, tất cả mọi sự đau khổ đều là kết quả của luân hồi nhân-quả chúng ta tự làm tự chịu, chạy trốn sự đau khổ chẳng có ích gì! Chỉ có dũng cảm đối diện, đón nhận sự đau khổ mới có thể tiếp tục chịu đựng nó! Song, hiệu quả nhất vẫn là không tiếp tục gây ra nguyên nhân tạo nên sự đau khổ nữa.
Từ đó có thể thấy, muốn thoát khổ được vui cần phải hạn chế nguyên nhân gây khổ, tu tập (thực hành “đạo”) là phương pháp hữu hiệu nhất. Trong quá trình tu tập (thực hành “đạo”), trí tuệ (huệ) của chúng ta ngày càng phát triển, và có thể vận dụng trí tuệ đó để cân bằng nội tâm của mình, nhận thức được những khổ đau mình đang gánh chịu đều do chính bản thân tự gây ra, từ đó có đủ ý chí để đối mặt với nó. Cứ như vậy, dần dần sẽ không đau khổ nữa, cũng không còn (chỉ biết) than thân trách phận, chạy trốn thực tại mà dũng cảm đối diện, đón nhận và biết cách khắc phục nó, không gây phiền não cho mình và người khác, đồng thời hạn chế tối đa nguyên nhân gây nên sự đau khổ, phiền muộn. Hạn chế nguyên nhân khởi phát đau khổ thì tự khắc sẽ giảm nhẹ được hậu quả, đó chính là tu tập vậy.
KHÔNG KHỔ CHÚT NÀO
Diệt khổ theo tinh thần Phật giáo có hai tầng ý nghĩa: thứ nhất là sau khi chúng ta diệt hết khổ thì không còn tái sinh vào cõi đời này để chịu luân hồi, khổ báo nữa; thứ hai là sau khi diệt khổ, không những không lìa cõi đời đau khổ này mà ngược lại còn tiếp tục đầu thai vào cõi ta bà2 để cứu khổ cứu nạn cho những người còn lại, đây chính là tinh thần của người thực hành hạnh nguyện của một vị Bồ- tát. Thực ra chỉ cần chúng ta biết thay đổi quan niệm, thái độ nhìn nhận và cảm thụ thì sẽ không còn khổ nữa. Tuy nhiên, vì còn tấm thân tứ đại này nên dù về quan niệm, về tinh thần đã hiểu rất rõ thế nào là khổ, nhưng trong trường hợp nào đó sẽ mang lại những cảm giác về khổ. Chính vì nguyên nhân này mà một số vị tu hành tuy đã lìa khổ nhưng không có cách nào bảo đảm rằng bản thân mãi mãi không còn đau khổ nữa, nên cứ mong ước rằng mình sẽ không trở lại cõi đời này nữa.
Với một vị Bồ-tát đích thực, chẳng nơi nào là khổ cũng chẳng có nơi nào không khổ vì họ biết rất rõ các nguyên nhân dẫn đến đau khổ của chúng sinh. Một khi hiểu rõ nguyên nhân của khổ sẽ không cho như thế là khổ nữa. Ví dụ, tôi thường nói với người học thiền với tôi rằng việc mỏi chân khi ngồi thiền là lẽ tất nhiên. Đây là điều không thể tránh, không thể thiếu của một người học thiền, tham thiền, vì cực kì hiếm có người ngồi thiền mà không mỏi chân. Nếu khi ngồi thiền, hễ chân mỏi là xả thiền đứng dậy đi lại thì bạn mãi mãi không bao giờ cảm nhận được niềm vui sướng khi chân không bị mỏi! Vì thế, tôi thường khuyên các học trò rằng nếu còn có thể chịu đau thì hãy cố chịu, khi đó việc đau chân sẽ không còn là “đau thật” nữa, chỉ cần giữ thân và hai chân thật vững, thật yên, đợi lát sau khi cơn đau đi qua sẽ không còn thấy đau, ngược lại sẽ có một cảm giác khoan khoái, dễ chịu.
Nếu bạn muốn thử cảm giác đó, trước tiên bạn phải vượt qua cảm giác cực kì đau đớn của thân thể. Có nhiều người chịu khổ, chịu nhọc rất tốt, dù sống trong môi trường vô cùng khắc nghiệt họ vẫn thấy thư thái thoải mái. Ví như thầy Nhan Hồi, vị cao đệ của Khổng Tử, sống trong ngõ nhỏ quê nghèo, sống đời sống “lấy giỏ tre làm bát ăn, lấy vỏ trái bầu làm ca đựng nước uống”, chịu cái khổ mà người khác không thể chịu được nhưng niềm vui trong lòng thầy vẫn không thay đổi vì hoàn cảnh khó khăn kia. Sở dĩ niềm vui của thầy Nhan Hổi vẫn trọn vẹn vì lòng mình đã đủ hạnh phúc, dù hoàn cảnh có nghèo hơn cũng không thể nghèo được nữa. Thầy Nhan Hồi được người đời tôn xưng là người Hiền. Thầy có thể chịu được những điều mà người khác không kham nổi, nhưng trong khi chịu khổ, thầy không cho đó là khổ, vì thầy đã cam tâm tình nguyện, vui với cuộc sống thiếu thốn vật chất kia để lòng mình được sung túc.
Vào thập niên 40 của thế kỷ trước, tôi vào quân ngũ của quân đội Trung Quốc đến Đài Loan, lúc đó mỗi người lính chỉ có một bộ áo quần nên có muốn giặt giũ cũng không thể giặt, chỉ đợi khi nào có dip đi tắm sông mới giặt được. Mỗi khi mặc quần áo trở về quân ngũ đều cảm thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn.
Người thường ít phải chịu khổ như thế sẽ thấy rằng cuộc sống như thế quá ư cực khổ, nhưng lúc đó cả chúng tôi và người khác đều cảm nhận hoàn toàn khác, chẳng thấy khổ tí nào. Đây chính là ví dụ điển hình về việc đi sâu vào khổ sẽ không còn cảm thấy khổ nữa. Với những người đã sống với khổ, khi họ đã thoát khổ, nếu bảo họ vào trong đau khổ thì họ cũng không còn cảm thấy sợ khổ nữa, vì họ đã không còn xem khổ là điều không thể chịu được. Thế nên, một thế giới tiêu cực không thể mang lại cảm giác hạnh phúc mà chỉ có người hiểu khổ một cách tích cực, thể nghiệm khổ, trưởng thành trong khổ mới có khả năng lìa khổ được vui một cách thực thụ.
Khi dần dần thoát khỏi đau khổ, đến bờ hạnh phúc, chúng ta mới có thể hiểu được niềm vui trong đau khổ, đấy mới chính là sự “diệt khổ” đích thực.
BIẾT KHỔ, THỂ NGHIỆM KHỔ, KHÔNG CHO ĐẤY LÀ KHỔ
Phật giáo bàn rất nhiều về sự khổ. Theo Phật giáo, đời người là một quá trình chịu nhiều cái khổ như khổ của sinh, khổ của già, khổ của bệnh, khổ của chết. Ngoài ra, còn có các nỗi khổ khác như cầu không như ý, oán thù gặp gỡ, thân ngũ uẩn nung nấu, tất cả cộng lại thành tám nỗi khổ (Bát khổ). Lìa khổ, diệt khổ là mục đích cuối cùng của đạo Phật, nhưng trước khi lìa khổ, diệt khổ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết nhận diện đau khổ.
Phật giáo phân tích về các nỗi khổ nhằm giúp chúng ta hiểu được những nguyên nhân chính tạo nên đau khổ. Nhưng, nếu chúng ta chỉ hiểu khổ trên mặt chữ, hiểu khổ qua sự miêu tả của người khác thì dù chúng ta có thuộc lòng hết tất cả các nỗi khổ mà chưa thực sự trải qua, chúng ta vẫn chưa thể thể nghiệm hết đau khổ. Vì thế, kiến thức về khổ trong Phật giáo bất quá cũng chỉ là sự miêu tả về khổ. Điều đó chưa đủ tạo sức mạnh cho chúng ta đối diện khổ, vì khi gặp tình huống bất ngờ không như mong đợi, chúng ta vẫn tham, sân, si; khi gặp những điều yêu thích vẫn tham lam, muốn thu nhận tất cả cho mình. Dù thế nào đi nữa thì con người cũng chỉ chạy loanh quanh các tâm lí tạo khổ như tham lam, sân giận, ngu si, ngạo mạn, nghi ngờ mà thôi, còn về bản chất của khổ là thế nào vẫn không thể nào biết được, điều này sẽ ngăn ngại khả năng thoát khổ của chúng ta.
Mọi việc chúng ta cần phải tự thân trải qua mới để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng. Nhiều người tìm hiểu Phật pháp liền biết ngay cuộc đời là biển khổ và từ đó họ chuyên tâm tu Phật. Phần lớn những người còn lại cần phải tự thân trải qua đau khổ như gặp tai nạn, qua cơn bệnh nặng, qua sự biệt li đau đớn mới hiểu đời là biển khổ. Ví dụ người may mắn duy nhất sống sót sau một vụ tai nạn máy bay hoặc người lâm bệnh thập tử nhất sinh nhưng được cứu sống mới hiểu thế nào là khổ. Khi trải qua được những nỗi khổ đó, họ sẽ có thái độ sống hoàn toàn khác. Sở dĩ như thế là vì họ đã từng “chết hụt” nên sẽ vô cùng quý trọng sự sống này. Cho nên, dù cuộc sống có khổ hơn, họ vẫn chịu đựng được, họ sẽ không còn thấp thỏm lo âu về cuộc sống như những người bình thường khác.
Ngoài ra, những người có người thân đột ngột qua đời sẽ nhận thấy sự mong manh của sự sống, từ đó họ trân trọng tình cảm với mọi người xung quanh. Để ghi nhận tình cảm của mình đối với người đã thiếu may mắn ra đi, họ sẽ có thái độ sống khác hoặc là làm từ thiện, cống hiến sức mình cho xã hội hoặc là hiến tài sản cho các nơi làm từ thiện. Nhờ tự thân trải nghiệm khổ, họ sẽ cảm nhận rất mạnh mẽ sự vô thường của cuộc sống; nhờ trải qua các nỗi khổ cùng tột đó, sau này họ sẽ không còn bị khổ “uy hiếp”, không còn thấy khổ nữa.
Từ những điểm trên, chúng ta thấy rằng các vị Bồ-tát chắc chắn tu tập từ trong những khổ đau của mình và chúng sinh vì các ngài là người dấn thân vào đời, chịu mọi đau khổ mà chúng sinh từng chịu nên khi dấn thân vào đó không còn thấy khổ mà chỉ thấy vui vì đã cứu giúp chúng sinh. Hơn nữa, các ngài vào trong đau khổ để cứu người khổ đau, như Bồ-tátĐịa Tạng từng nói: Nếu ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục để cứu khổ chúng sinh? Quả thực, những người biết dấn thân vào đời thật vĩ đại biết bao!
Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng nếu muốn biết khổ, thể nghiệm khổ thì hãy biết rằng bản thân của khổ chưa từng tổn tại trong đời, thấy khổ không còn là khổ nữa. Tuy nhiên, chỉ những vị Bồ-tát và những người trải đời mới hiểu hết điều này.
Là một người tu hành Phật pháp, muốn lìa khổ, diệt khổ phải không ngừng tu tập, vượt qua trùng trùng chướng ngại của thân tâm để từ đó vượt lên tất cả khổ nạn.
KHÔNG QUYẾN LUYẾN, KHÔNG TRỐN TRÁNH
Tuy giáo lí Phật đà bàn nhiều về các nỗi khổ của chúng sinh nhưng không có nghĩa là những người học phật nhất định phải trốn đời, trốn tránh hiện thực một cách tiêu cực để lánh khổ tìm vui.
Quan niệm về khổ theo Phật giáo không phải là vị đắng của vị giác mang lại, cũng chẳng phải cái không như ý của các giác quan mang lại, mà chủ yếu chỉ nỗi khổ trong tâm niệm, trong quan niệm của con người. Cái khổ thực sự mà Phật giáo muốn chỉ ra đó là sự khổ tâm trong lòng người: nếu một người có nhân sinh quan lệch lạc, không rõ ràng, chính xác, luôn luôn lấy cái tôi làm trung tâm của mọi vấn đề thì đấy mới là cái khổ thực sự. Điều này cũng giống như con tằm nhả kén, tự trói buộc mình, cho nên tục ngữ có câu “thiên hạ vốn vô sự, kẻ ngu tự đặt điều”: phần lớn con người tự tìm trái đắng ăn rồi kêu khổ, quả thực là hạng phàm phu!
Khổ mà Phật pháp muốn nói tới ở đây là những phản ứng tâm lí sinh ra từ ba độc căn tham, sân, si như đau buồn, sầu não, phiền muộn… Thế nên, khổ không phải là điều cố định, bất biến, cũng không phải cùng sinh ra với con người nên chỉ cần chúng ta thay đổi quan niệm sống, có nhân sinh quan đúng đắn thì đau khổ sẽ không còn nơi để tồn tại dù trên mặt hiện tượng tưởng như đó là đau khổ. Một người ở trong cái mà người khác quy là đau khổ nhưng bản thân họ không nghĩ là thế thì vẫn không khổ cũng không cảm thấy khổ nữa. Ví dụ, khi chúng ta hi sinh vì người khác, vì thân bằng quyến thuộc, vì tổ quốc thì sẽ không thấy cái chết là khổ, không thấy sự đau đớn là khổ, vì lúc đó chúng ta đã tìm thấy ý nghĩa của đời mình, thấy giá trị của sự sống đời mình, lòng không còn cảm thấy trống trải. Tuy cùng phải bỏ ra công sức nhọc nhằn nhưng trong lòng mình thỏa mãn, thích thú thì khổ không còn là khổ nữa.
Điều này cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của thái độ sống đúng đắn. Ví dụ, khi ta vận dụng câu “soi rọi quán chiếu năm uẩn là không nên vượt qua tất cả đau khổ” của Bát Nhã Tâm Kinh vào đời sống thực tế thì sẽ dễ dàng nhận thấy rằng tấm thân này có được nhờ các yếu tố giả hợp mà nên, mọi sự vật trong đời đều vận động vô thường, không ngừng thay đổi, nó chỉ tổn tại trong thoáng chốc như sương mai. khi hiểu được điểm này, con người sẽ không vật vã đấu tranh với bản thân, với con người và thế giới nữa. Một khi đối diện với khổ đau, họ không còn tâm lí sợ hãi, trốn tránh mà giờ họ có đủ dũng khí để đối diện và giải quyết với hết khả năng của mình, không còn bị nỗi khổ uy hiếp nữa. Thực ra, cái khổ đến với ta thì ít mà tâm lí sợ khổ làm khổ chúng ta nhiều hơn. Đấy chính là nỗi khổ tự chuốc không đáng có của con người.
Một người thực sự thấu hiểu giáo lí Phật giáo sẽ dễ dàng nhận thấy một cách rõ ràng rằng, trên thực tế, khổ chẳng qua chỉ tồn tại trong những quan niệm sai lầm, những quan niệm đó đều do con người làm chủ. Vì thế, không lí do gì mà chúng ta lại để điều chúng ta có thể làm chủ đi làm khổ mình cả! Thế giới hiện thực chẳng có gì đáng sợ, chẳng có gì mà chúng ta phải trốn tránh nó, thế thì chúng ta hà tất phải bi quan, tránh đời? Từ kinh điển và lịch sử cho thấy, sau khi giác ngộ, đức Thích Ca đã giải thoát mọi khổ đau của thế gian. Tuy nhiên, ngài đâu có từ bỏ cuộc đời này, ngược lại ngài còn đi sâu vào đời để giúp đời, giúp người thoát khổ. Vì thế, nếu ai bảo rằng hiện thực cuộc sống này đáng sợ, đáng trốn tránh là hoàn toàn sai lầm, đi ngược lại với những gì đức Phật đã làm, đã dạy, đồng thời đấy không phải là người tu hành đích thực.
Cũng cần lưu ý rằng, tinh thần “nhập thế” ở đây không có nghĩa như “nhập thế” mà mọi người thường nghĩ. Trong Phật pháp, có ba từ để chỉ tinh thần, thái độ của một người tu hành như “xuất thế” (vượt ra ngoài thế gian), “nhập thế” (đi sâu vào đời), “luyến thế” (tham tiếc cuộc đời). Quan niệm về “nhập thế” như mọi người nghĩ thường bị nhầm lẫn với “luyến thế”: tham luyến cái phù phiếm, hư danh tình yêu nam nữ của trần tục và các thứ hưởng thụ vật chất khác. Một vị Bồ-tát thực sự thì tuy thân trong bụi trần nhưng lòng vẫn thanh cao, không bị vật chất tình cảm tầm thường nhấn chìm, khuấy nhiễu, làm phiền muộn. Đấy mới chính là tinh thần “nhập thế” đích thực và nhập thế như thế cũng là “xuất thế” vậy.
Từ giải thích về nhập thế ở trên, chúng ta thấy rằng nhập thế đúng nghĩa cũng chính là ý nghĩa của xuất thế, xuất thế nhưng không phải trốn đời, lánh người, xa rời nhân gian. Vào đời để cứu đời nhưng không vướng bận với tiền tài, danh lợi, nam nữ, ấy chính là chân ý nghĩa của nhập thế và xuất thế. Chừng nào chúng ta vào đời nhưng không tham luyến cuộc đời, không tham luyến cuộc đời đổng thời cũng không trốn tránh hiện thực thì đấy chính là lìa khổ được vui vậy.
TẬN DỤNG THÂN TỨ ĐẠI
Trong các phương pháp tu tập, có bốn phếp quán được gọi là “tứ niệm xứ”, gồm: quán thể là nhơ bẩn, quán cảm thụ là khổ, quán tâm lí là vô thường, quán các pháp vốn không có chủ thể cố định”. Trong những phếp quán căn bản đó đều có thể giúp chúng ta phá chấp, vượt qua giới hạn nhỏ bé của bản thân. Vì thế, đây là một trong những phếp tu căn bản theo Phật giáo.
Quán sát thân thể là thứ nhơ bẩn, nếu không đi sâu tìm hiểu sẽ thấy đây là điều vô cùng mầu nhiệm; nếu xét từ quan điểm thông thường thì quán thân bất tịnh nghĩa là quán tưởng thân thể của mình là thứ vật chất không sạch.
Ai cũng cho rằng thân thể mình là thứ đáng yêu nhất, sạch sẽ nhất, là vật quan trọng nhất của mình. Thế nhưng đức Phật dạy rằng tấm thân này là cái túi đựng những vật nhơ bần (xú bì nang), cho rằng thân thể là tổ hợp của những thứ nhơ bẳn tạo nên.
Thân thể nhơ bẩn xét theo các phương diện sau: Thứ nhất, xét từ cội nguồn, thân này sinh ra do sự kết hợp hai thứ bất tịnh của tinh cha huyết mẹ mà thụ thai. Theo quan điểm đạo Phật, tâm dâm dục là thứ không sạch nên thân thể được tạo ra từ dâm dục nhất định cũng sẽ không sạch. Thứ hai, khi mang thai, thai nhi trong bụng mẹ đã ở chung với những thứ bất tịnh. Thứ ba, sau khi sinh, thân thể của thai nhi không sạch nên cần phải tắm rửa. Thứ tư, trong quá trình trưởng thành, dù ăn những thứ đã được đun sôi nấu chín nhưng qua tiêu hóa rồi bài tiết ra ngoài toàn những thứ không sạch. Ngoài đại tiện, tiểu tiện ra, nếu vài hôm không tắm rửa không súc miệng, thì thân thể hôi thối, các chất thải sẽ chảy ra theo bảy lỗ như tai, mũi, mắt, miệng… Quả thực thân là thứ bất tịnh.
Sau khi quán sát kĩ tấm thân này như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng nó vốn không đáng yêu, không sạch sẽ như chúng ta nghĩ về nó. Từ đó, chúng ta thấy rằng mọi sự chấp chặt vào tấm thân, lấy mình làm trung tâm đều sai lầm và không cần thiết.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ dùng phương pháp quán thân bất tịnh mãi trong thời gian dài sẽ dẫn đến những tác dụng không như ý. Vì nếu cứ quán sát thân là vật bất tịnh, đáng sợ, đáng bỏ trong một thời gian dài thì dần dần hành giả sẽ tự chán ghét bản thân, thậm chí không còn muốn sống và cuối cùng dẫn đến tự sát. Đây là điều đã xảy ra khi đức Phật còn tại thế.
Phếp quán thân bất tịnh với mục đích giúp chúng ta không quá tham luyến tấm thân này, không nên quá sức vun vén cho nó. Chỉ cần hiểu rằng thân này do tứ đại giả hợp mà có, không sạch sẽ, nhưng chúng ta cần tận dụng nó để tu tập, tận dụng nó để hành thiện, nuôi dưỡng tâm từ bi và vun bồi tuệ nghiệp. Nếu không có thân này thì không có phương tiện nào tốt hơn để tu tập nữa.
Vì thế, thân thể tuy không sạch như chỉ cần chúng ta không quá tham đắm nó, không nên mất quá nhiều thời gian để chăm sóc nó là được. Ngoài ra, chúng ta cần bảo vệ, duy trì sự sống và sống khổe mạnh, như thế mới là người biết tận dụng thân này, giúp nó phát huy tốt nhất mầm từ bi trí tuệ.
Quán thân bất tịnh không phải là gieo vào lòng mình thái độ coi thường mạng sống của bản thân, ngược lại còn phải cảm ơn chúng đã cho mình điều kiện tốt nhất để tu tập, phát huy tối đa mặt tốt của nó.
TÂM VÔ THƯỜNG
Cơ thể của chúng ta không ngừng biến đổi. Suy nghĩ cũng như vậy: dòng suy nghĩ này nối tiếp dòng suy nghĩ kia, liên tục không ngừng, đổi thay bất định. Vì vậy, nói đến “Tâm vô thường” trong “Tứ niệm xứ” của Phật giáo chính là để chúng ta hiểu được suy nghĩ cũng là hư không, sinh khởi và tiêu trừ biến đổi trong chốc lát.
Tâm chúng sinh là tâm phiền não, tâm vọng tưởng, thường xuyên thay đổi, nên hoàn toàn không chân thực và chỉ là sự tồn tại nhất thời không lâu bền mà thôi. Khi ở Mỹ, tôi gặp một số người phương Tây thường xuyên thay đổi quyết định. Nếu như hỏi anh ta: “Hôm qua anh đã nhận lời rồi, sau hôm nay lại thay đổi vậy?”. Anh ta sẽ trả lời: “I change my mind”, dịch ra có nghĩa là: “Tôi thay đổi quyết định rồi”. Thực chất, “mind” (suy nghĩ, tinh thần) chính là “tâm”, vì thế cũng có thể nói là: “Tôi thay đổi tâm mình”. Đó chính là tâm vô thường, vì tâm có thể thay đổi: ngày hôm qua suy nghĩ không giống ngày hôm nay, suy nghĩ vừa qua không giống với suy nghĩ hiện tại, suy nghĩ của mình có thể mâu thuẫn, đối nghịch nhau, nghĩ về hai hướng hoàn toàn khác nhau, điều đó càng chứng tỏ tâm của chúng ta là tâm vô thường.
Không chỉ có người phương Tây mới như vậy. Tâm của tất cả chúng sinh đều thay đổi không ngừng. Đức Phật cho chúng ta biết, tâm phiền não của chúng sinh biến đổi bất định. Trong một suy nghĩ có bốn hình thái “sinh, trụ, dị, diệt”: suy nghĩ trước-sau có thể tự đấu tranh, mâu thuẫn, các dòng suy nghĩ lớp lớp nối tiếp, sinh-diệt, biến hóa không ngừng. Hôm nay ta thấy một bông hoa đẹp, trong lòng thấy vô cùng thích thú, muốn thưởng thức hương thơm, muốn lại gần quan sát vẻ đẹp của nó. Hôm sau, ta có thể vì bị những chiếc gai của chính bông hoa đó làm bị thương mà suy nghĩ của ta về nó thay đổi, cảm thấy bông hoa này thật đáng ghét và không muốn hái mang về nữa. Đối với con người cũng vậy, hôm nay ta thấy người này vô cùng đáng ghét, sau một quá trình tiếp xúc, gần gũi, ngày càng hiểu biết lẫn nhau, sẽ nhận ra người đó rất tốt và ngày càng yêu thích, đúng như ta thường nói “đường xa mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết là người hiền-ngu” vậy. Từ đó có thể thấy, quan niệm và suy nghĩ của chúng ta thường xuyên thay đổi, đó chính là “tâm vô thường”.
“Tâm” chính là chủ nhân của chúng ta. Vì vậy, khi nói tâm vô thường, có vẻ như chúng ta đã mất đi người lãnh đạo. Thực ra, chính nhờ có tâm vô thường chúng ta mới có thể thấy được ở sau tâm vô thường ấy là một tâm vĩnh hằng bất biến, là “Tâm Phật”, “Tâm thanh tịnh”, là “Minh tâm kiến tính” được nhắc đến trong Thiền tông mà chúng ta cần đi tìm và thấu hiểu. Đó cũng là “Tâm trí tuệ”, “Tâm từ bi” vậy. ở đó không có cái tôi ích kỷ tự tư tự lợi, không có cái tôi cố chấp/chấp chước và cũng không có tư tưởng cho mình là trung tâm.
Tâm thanh tịnh chính là tâm bất biến. Nếu không, khi một người hôm nay đã giác ngộ thành Phật, nhưng thay đổi suy nghĩ và tuyên bố rằng: “I change my mind” (Tôi thay đổi quyết định rồi) thì ngày mai lập tức lại trở về là chúng sinh. Một người đã chứng ngộ giải thoát, sau khi đã đạt được tâm trí huệ thanh tịnh thì sẽ không bao giờ thay lòng đổi dạ. Vì vậy, Kinh Niết Bàn có nói: tâm vô ngã, tâm thường trụ bất biến chính là tâm Phật.
Tuy nhiên, có thể vì Phật pháp thường xuyên nhấn mạnh rằng thế giới này là hư vô nên dẫn đến rất nhiều các tác phẩm văn học Trung Quốc khi nói về Phật giáo đều mô tả “diện mạo” Phật giáo là tiêu cực lánh đời, rời xa thế sự. Dường như tất cả những gì Phật giáo nói đến đều không nằm ngoài sự hư ảo, bất lực, vô thường mà “Hồng Lâu Mộng” là một trong những ví dụ rõ nét nhất. Thực chất hoàn toàn không đúng như vậy, sự “vô thường” mà Phật giáo nói tới là vô cùng tích cực, chính vì là vô thường nên sẽ không cảm thấy thất vọng.
Có thể lúc này bạn đang vô cùng phiền muộn, cảm thấy rất thất vọng, đau khổ nhưng thời gian sẽ xoa dịu mọi nỗi đau, cộng với sự thay đổi của môi trường xung quanh, nhất định cuộc sống của bạn sẽ có những chuyển biến tích cực, tâm trạng của chúng ta cũng theo đó mà thay đổi, trở nên vui vẻ hơn, yêu đời hơn. Ví dụ, hiện tại bạn thấy rất bế tắc, chán nản, tương lai mù mịt, dường như không còn một tia hi vọng nào nữa, nhưng sau khi tìm đến với Phật pháp (được ánh sáng Phật pháp chiếu rọi), tâm tư thay đổi, bạn sẽ nhận ra một chân trời mới tươi vui, xán lạn đang rộng mở chờ đón bạn.
Vì vậy, trên thực tế, Tâm vô thường có thể mang tới cho chúng ta nguồn hi vọng vô tận. Chính vì suy nghĩ có thể thay đổi nên chỉ cần xác định lại tư tưởng thì cuộc sống cũng sẽ chuyển biến, kể cả khi điều kiện sống, môi trường quanh mình có thay đổi, hi vọng về tương lai tốt đẹp vẫn mãi mãi tồn tại và không ngừng phát triển trong ta.
CẢM GIÁC LÌA KHỔ
Trong quá trình tu tập, dần dần chúng ta sẽ có cảm giác mình đang lìa khổ, song song với cảm giác đó là cảm giác hạnh phúc, vui sướng. Có nhiều cách lìa khổ như thay đổi quan niệm sống của mình hoặc tu hành để thoát khổ, lìa khổ, diệt khổ.
Nhiều người sợ đi máy bay vì một khi máy bay từ trên cao rơi xuống, khả năng sống sót cực kì hiếm. Một người bạn từng kể với tôi, lần nọ hai vợ chồng anh ta đi máy bay, không may trời xấu, máy bay không thể đáp xuống như dự định mà cứ lượn vòng trên bầu trời. Vợ anh ta khuyên: “Rất hiếm khi máy bay gặp nạn, nếu gặp nạn thật thì chúng ta chết chắc nên ông có lo lắng cũng vô ích, cứ yên tâm đi”. Vợ anh ta nói thế nhưng vẫn không giấu được nỗi lo lắng, sợ hãi trong lòng.
Tôi nói đùa với anh ta rằng, lần sau nếu đi máy bay gặp trường hợp tương tự thì anh cứ nghĩ đấy là chiếc nôi đong đưa thôi! Anh thử nghĩ xem, lớn thế rồi mà vẫn được nằm nôi chẳng phải là cách đi ngược thời gian trở về với thời thơ ấu đang nằm trong nôi đó sao? Được nằm nôi quả thực là điều thích thú!
Đấy là những cách quán tưởng hay giúp chúng ta lìa khổ trong trường hợp như thế hoặc khi đó chúng ta cứ niệm Phật, niệm Bồ- tát để có nơi bám víu cho tinh thần. Những lúc như thế nếu là người bình thường thì tốt nhất nên cầu Phật, cầu Bồ-tát và La hán: Giao hết sự sống, niềm tin vào những vị Bồ-tát thì không những chúng ta có thể nhắm mắt niệm Phật mà còn tận hưởng giây phút chao đảo, lắc lư trên không. Đấy chính là sức mạnh của niềm tin vậy.
Vì thế, khi chúng ta lâm vào trường hợp khẩn cấp, khổ nạn trùng trùng, tốt nhất không nên hốt hoảng, lo sợ, nhất định phải vững tâm, lấy bất biến ứng vạn biến đồng thời phải khéo léo vận dụng các phương pháp tu tập, niềm tin tôn giáo để xử lí tình huống cấp bách trước mắt. Ví dụ khi gặp hỏa hoạn, nếu chúng ta trầm tĩnh niệm danh hiệu Phật, Bồ-tátthì không những giúp chúng ta giảm bớt lo âu, trấn tĩnh lòng mình mà còn giúp chúng ta đủ sáng suốt để tìm cách thoát thân nữa. Đấy chính là mình tự cứu nhưng nghĩ là Phật cứu! Rất nhiều trường hợp chết không do lửa thiêu mà chết do tâm lí hoảng loạn gây nên.
Ví dụ nêu trên cho chúng ta thấy người có niềm tin tôn giáo, biết áp dụng các phương pháp tu tập vào đời sống thực tế trong lúc khổ nạn nguy cấp tuy chưa thể giải thoát hoàn toàn đau khổ nhưng ít nhất cũng giảm bớt rất nhiều khổ đau, hơn nữa cũng nhờ thế mà giúp họ tăng thêm niềm tin vào Phật pháp.
ẢO GIÁC BUÔNG XẢ “CÁI TÔI”
Ai cũng cho rằng khi sống, sinh mạng mình chính là “tôi”; sau khi chết, thân thể hoại diệt nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, nên từ đó họ lại tiếp tục nghĩ rằng linh hổn kia chính là “tôi”. Nhưng như các bạn biết, chó có linh hồn của chó, mèo có linh hồn của mèo, người có linh hồn của người, thậm chí là linh hồn của người cũng phân biệt linh hồn của nam – nữ. Vì thế, trong các lần luân hồi sinh tử tử sinh, linh hồn cũng không phải là điều gì đó bất biến; chỉ cần linh hồn thay đổi thì tôi cũng thay đổi theo, nên có thể nói không có điều gì có thể gán cho nó là “tôi” cả.
Người lần đầu tìm hiểu “vô ngã” đều có cảm giác rất sợ. Thực ra, “vô ngã” mới là cách khẳng định “ngã” đúng đắn nhất. Chúng ta hãy nghĩ kĩ xem: “tôi” là gì, là tâm của chúng ta hay là thân? Hay là những sự vật mà thân và tâm sở hữu chúng? Tư tưởng, tài sản, danh dự, giá trị là “tôi” chăng? Hay chỉ là khái niệm “của tôi” đó chính là tôi? Ví dụ đơn giản, dễ hiểu là, tôi đây tên Thánh Nghiêm, nhưng ở Đài Loan có đến bốn vị xuất gia cùng tên là Thánh Nghiêm. Vì thế, nếu sau này có người nhắc đến Hòa thượng Thánh Nghiêm thì sẽ chỉ vị nào? Hơn nữa, có lần tôi đến Viện bảo tàng Anh quốc xem các kinh điển khai quật ở động Đôn Hoàng (Trung Quốc) cũng có vị hòa thượng tên Thánh Nghiêm. Vị này không những cùng pháp danh mà trùng cả họ ở đời của tôi là họ Trương nữa, cả tên tục của vị này cũng hoàn toàn giống tôi là Trương Thánh Nghiêm. Trong lịch sử, có rất nhiều người cùng họ cùng tên cùng nghề nghiệp, chứng tỏ rằng cái tên gọi tuyệt đối không phải là “tôi”.
Cũng theo lẽ đó, thân thể của tôi không phải là tôi, họ tên tôi không phải là tôi, tất cả mối quan hệ con người, vật chất đều không phải là tôi. Từ đó chúng ta thấy, cái mà mọi người cho là “tôi” kia đều hư giả, không thực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người rất sợ “vô ngã” (không có cái tôi thực sự) của đạo Phật. Vì hễ nói đến vô ngã, họ liền cảm thấy tất cả giá trị, lập trường, mục tiêu, phương hướng của mình đều tan tành mây khói. Tôi có một đệ tử người Mĩ từng học thiền giữa chừng rồi bỏ về nước với lí do là vị đó sau khi tham thiền và tìm hiểu giáo lí Phật giáo bỗng cảm thấy cuộc đời này càng ngày càng trống rỗng, hư vô.
Tôi hỏi tại sao không học nữa, anh nói:
– Thưa thầy, con càng ngồi thiền càng thấy cuộc đời trống vắng, không còn gì quan trọng nữa. Nhưng con cảm thấy như thế không ổn vì ở nhà con còn có vợ, con sợ rằng một khi khai ngộ, đạt đến “vô ngã” thì con không cần vợ con nữa. Con có thể không cần vợ nhưng con biết vợ rất cần con nên con muốn về nước ạ.
Những gì vị ấy làm đều xuất phát từ tâm từ bi nên phải về nước giúp vợ, không muốn học thiền hay khai ngộ nữa. Biết thế, tôi liền bảo:
– Con thật chẳng hiểu biết chút gì về Phật pháp! Một khi giác ngộ tuy không còn lòng vị kỉ, tự tư tự lợi nhưng lại có tâm từ bi rộng lớn, có đại trí đại dũng, mở rộng cái tôi hữu hạn thành cái tôi vô hạn lượng, khi đó con không những giúp được nhiều điều lợi ích cho vợ mà còn phổ độ chúng sinh thoát khổ sinh tử đến bờ yên vui nữa.
Phật giáo cho rằng hết thảy muôn vật quanh ta từ hữu hình đến vô hình đều đang không ngừng thay đổi; sống trong môi trường như thế, chúng ta vô tình dệt nên mạng lưới sinh tử khổ đau vô tận. Hiếu rõ đạo lí vô ngã giúp chúng ta buông xả ảo giác về cái tôi, của tôi, tích cực tu tập hạnh nguyện Bồ-tát. Tuy chúng sinh thường xem Phật như một vị có cái “tôi” thực thụ, như trong kinh Kim Cương, đức Phật Thích Ca thường tự xưng là “ta”, còn trong các kinh iuận khác, Phật thường nói “ta là Phật”, “ta đang thuyết pháp”, “ta đang độ chúng sinh”… Tất cả các danh từ tự xưng kia chỉ là “cái tôi giả danh” với mục đích giúp chúng sinh hiểu được pháp mà đức Phật đang nói nên buộc phải nêu lên một đối tượng tạm thời như thế. Thực tế thì từ tự xưng của Phật là “ta” chính là sự vô ngã, bỏ cái tôi phàm phu và chỉ còn lại là đức Phật vô ngã. Đấy mới chính là cái tôi cứu cánh, mới phát huy chính pháp trong cõi đời này.
BUÔNG XẢ MỌI GÁNH NẶNG CUỘC ĐỜI
Nhìn cuộc đời bằng con mắt Phật tuệ sẽ thấy rằng mọi chúng sinh bao gồm hoàn cảnh, tâm sinh lí, tinh thần, vật chất, các hiện tượng tự nhiên đều do trùng trùng duyên khởi. Giữa duyên khởi và duyên diệt chưa từng có một cái tôi thực sự bất biến nào tổn tại vĩnh hằng nên tất cả đều là tính không, đấy chính là “duyên khởi tính không” mà Phật pháp nói đến.
Có sinh ắt có diệt, giữa sinh và diệt là một quá trình thay đổi không gián đoạn, trong đó không có một nhân tố nào giữ nguyên không thay đổi. Mọi sự vật chỉ tồn tại tạm thời trong chu kì sinh diệt vô tận, và, xét đến cuối cùng thì nó vốn là không. Trong thực tế, không đợi đến khi hoại diệt mà ngay trong quá trình thay đổi, biến hóa, chúng ta đã có thể nhìn thấy bản chất “không tính” của chúng. Ví dụ một hiện tượng, một sự vật nào đó tuy có biểu hiện rất đẹp mắt nhưng nó không bao giờ cố định: nó đang thay đổi từng giờ từng phút, từng sát na. Cái đẹp bên ngoài đó không ngừng biến mất dần đi: xét từ quá trình thay đổi kia, chúng ta sẽ thấy bản chất của cái đẹp ấy là không. Vì thế, “không” không có nghĩa rằng sự vật hiện tượng không tồn tại mà vì nó không mang định tính trong quá trình chuyển biến, đây là ý nghĩa đích thực của “sắc tức thị không” (sắc tức là không).
Ví dụ ở vùng phía đông nước Mĩ, một khi vào thu lá cây đều nhuộm một màu vàng úa, đẹp như tranh vẽ. Nhưng, khi một bức họa về phong cảnh đó được vẽ xong đại thể có thể bảo lưu được vài chục, vài trăm năm nhưng cảnh sắc thật của mùa thu chỉ kéo dài được một đôi tuần. Các loài hoa cũng thế, mỗi loài hoa mang một màu sắc đặc trưng hoặc đỏ hoặc vàng, nhưng nó luôn thay đổi trong từng giờ từng phút để cuối cùng trước khi lìa cuống, chúng không còn giữ nguyên màu sắc như khi còn tươi nữa mà có thể trở thành màu đen, màu tro… Điều đó chứng minh rằng các loài thực vật cũng không thể giữ được tính chất đặc trưng của mình mãi mãi với thời gian: mọi vật đang thay đổi trong từng giây tùy theo môi trường, tùy theo nhân duyên của chúng. Điều này cho thấy, mọi vật trong đời đều không thể làm chủ được tính chất đặc trưng của mình mà chúng sẽ luôn thay đổi tùy theo hoàn cảnh nhất định.
Con người cũng thế. Có người cho rằng ta sinh ra là đàn ông thì mãi mãi là đàn ông, tương tự nếu sinh ra là nữ thì mãi mãi là nữ.
Thực ra ngay cả những việc tưởng như đã được cố định kia cũng không phải là điều không thể thay đổi. Nếu mở rộng thêm thời gian để nhìn về kiếp trước, kiếp sau thì có thể vị nữ kia trước đây mang thân nam, kiếp này mang thân nữ và kiếp sau lại có thể là thân nam. Ví dụ như những đứa trẻ mới sinh, chúng ta gọi chúng là những đứa “trẻ”, nhưng “trẻ” cũng không phải là bản tính vốn có của chúng, chúng luôn lớn dần theo năm tháng và đến một độ tuổi nhất định nào đó, chúng không còn là trẻ con nữa. Từ đó, chúng ta thấy con người không có một tính chất cố định, bất biến nào cả. Thân thể và môi trường sống của chúng ta đều do ngũ uẩn gồm sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn giả hợp mà thành, trong đó ngay cả chủ thể của sinh mệnh chúng ta là “thức uẩn” cũng không có tự tính.
Nếu chúng ta biết vận dụng quan điểm này để nhìn nhận cuộc đời thì thực sự chẳng có gì là điều không thể tìm cầu đồng thời cũng chắng có điều gì đáng được chúng ta ghét bỏ, phiền muộn và chấp chặt cả. Vì nhân duyên luôn luôn vận động thay đổi, tất cả đều chỉ là những hiện tượng mang tính tạm thời, khi nhân duyên tan rã, chúng cũng tan rã theo. Xét theo một khía cạnh khác, các hiện tượng tốt có thể duy trì và phát triển tốt hơn, hiện tượng xấu đến đâu chúng ta cũng có thể chuyển dần theo chiều hướng tốt.
Nhìn đời bằng cái nhìn “vô thường” sẽ giúp chúng ta thấy được bản tính của mọi sự vật hiện tượng là không, không có gì là vật bất biến. Vì thế, trong Bát Nhã Tâm Kinh, Phật dạy “ngũ uẩn đều không”. Thân năm uẩn là không, muôn sự muôn vật đều do nhân duyên hòa hợp sinh khởi nên cũng mang tính không, như vậy quả thực chẳng còn khái niệm được coi là “khổ” nữa.
Đủ trí tuệ hiểu “duyên khởi tính không”, chúng ta mới đủ khả năng đối diện khổ, xa lìa khổ, mà bản thân của việc lìa khổ là đã được vui, hạnh phúc. Đây là niềm hạnh phúc không phải có được nhờ ăn no uống đủ, không phải nhờ sự hưng phấn của các giác quan mang lại, cũng không phải nhờ dùng thuốc kích thích, chất gây nghiện mang lại, mà là hạnh phúc của sự buông xả hết gánh nặng trong lòng, đồng thời đây còn là niềm hạnh phúc nhờ vượt qua mọi sự cám dỗ của các giác quan mang lại. Chúng ta gọi hạnh phúc này là “tịch diệt lạc” (an lạc nhờ tâm tĩnh lặng và diệt trừ hết dục vọng).
“Tịch diệt lạc” là sự hoan lạc, hạnh phúc thực sự sau khi chúng ta đã diệt hết khổ đau. Một khi đã đạt đến cảnh giới này sẽ không còn cảm giác hạnh phúc – khổ đau mang tính đối đãi nữa mà đó là trạng thái đạt được của một người đã siêu vượt lên sướng – khổ. Đây là niềm hạnh phúc của tinh thần và trí tuệ cũng là trạng thái hạnh phúc hoàn toàn thanh cao, trong sạch.
THIỂU DỤC TRI TÚC LÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
Trong cuộc sống, chúng ta thường có nhiều cảm nhận về hạnh phúc. Ví dụ khi công thành danh toại, được người khác khen ngợi hoặc khi đời sống bình yên ổn định, thấy con cái trưởng thành, ngoan ngoãn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, rất mĩ mãn. Chúng ta có rất nhiều cảm nhận về hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, trong môi trường làm việc ngoài xã hội, trong sự nghiệp làm ăn, buôn bán, học hành. Tất cả những điều đó đều là những cảm giác về hạnh phúc mà chúng ta không thể phủ nhận được, nhưng nếu nghĩ kĩ thêm sẽ dễ dàng nhận thấy rằng đời sống con người là sự giao thoa thành chuỗi của các cảm giác hạnh phúc, khổ đau, trong đó thường là vui ít khổ nhiều.
Phần lớn thời gian của niềm vui mà chúng ta cảm nhận được thực ra chỉ là kết quả của việc nhẫn nhịn đau khổ, còn bản thân niềm vui cuối cùng cũng sẽ trở thành nguyên nhân của đau khổ. Vì thế, theo quan điểm Phật pháp, “vui” là điểm khởi đầu của “khổ” và thông thường vui cũng chính là kết quả của khổ. Ví dụ, trong một thời gian dài, chúng ta vất vả, gian khổ làm ăn, kiếm tiền; sau khi có tiền trong tay, chúng ta lại nghĩ cách tiêu tiền: thực ra là dùng tiền để phục vụ cho các cảm giác vui sướng của năm giác quan mắt, tai, mũi, miệng, thân. Tuy nhiên, thời gian cảm nhận niềm vui từ các giác quan qua đi rất nhanh chóng.
Hơn nữa, nếu hưởng thụ quá độ sẽ mang lại kết quả không tốt giống như mình hết tiền nên đi vay người khác để tiêu, một khi đã vay ắt phải trả, đó chính là sự đau khổ. Điều này cũng như việc phạm pháp hoặc làm chuyện có lỗi với người khác, ban đầu có vẻ tốt đẹp nhưng cuối cùng phải vướng lưới pháp luật, đến khi đó thì khỏi phải nói về đau khổ nữa.
Phật giáo cho rằng cuộc đời này vốn đã đầy rẫy khổ đau, khổ và vui là một; niềm vui trong đời chỉ thoáng chốc ngắn ngủi, chóng lụi tàn còn khổ thì đeo đẳng như hình với bóng. Vì thế, khi chúng ta cảm nhận được chút hạnh phúc trong đời thì đừng bao giờ cho rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi không bao giờ thay đổi.
Phật giáo tiếp tục nhận định thế gian này vốn đã đau khổ thì tại sao chúng ta không thể nhận khổ, dũng cảm đối diện và chấp nhận khổ, chỉ như thế khổ mới vơi đi; nếu cứ một mực muốn hưởng lạc, hưởng phúc thì một khi hết phúc sẽ chịu khổ nhiều hơn. Vì thế, trong Phật giáo có một phương pháp tu tập nữa đó là “hoan thọ thị khổ” (cảm thụ hoan lạc là khổ).
Trong đời sống thường nhật, nếu muốn được tự do tự tại tất phải thực hiện bằng được hai nguyên tắc “thiểu dục” (ít ham muốn) và “tri túc” (biết đủ). Chỉ có thiểu dục và tri túc chúng ta mới ngăn chặn được vô vàn tham muốn, dục vọng với đủ mọi hình thức và không điên cuồng tìm kiếm chúng như người đói khát.
Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của thiểu dục tri túc không có nghĩa khuyên chúng ta buông bỏ đời sống hiện thực. Muốn thực hiện thiểu dục tri túc, chúng ta cần phải trả một cái giá nhất định, đó là dâng hiến hết trí tuệ và sức lực của mình cho con người. Chúng ta dốc hết tâm lực, trí lực cho con người mới mong mình trưởng thành, mới tăng trưởng trí tuệ, phúc đức và tâm từ bi. Người giàu lòng nhân từ một lòng muốn giúp đỡ người khác sẽ không quá coi trọng đến sự thỏa mãn dục vọng cá nhân, mới mong thực hiện được thiểu dục tri túc để mưu cầu hạnh phúc đích thực.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.