An Lạc Từ Tâm

CHƯƠNG 6: TÌM ĐƯỢC HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC VÔ THƯỜNG CHÍNH LÀ SỰ VĨNH HẰNG BẤT BIẾN



Trong cuộc sống, cái mà con người thường theo đuổi đa số đều chấp thủ vào ba phương diện là vật chất, tinh thần và sự vĩnh hằng bất biến. Vật chất là điều kiện trước tiên mà con người luôn mong muốn trong cuộc sống, trong đó bao gồm cả bản thân mình và môi trường sống, điều cần thiết là phải vượt qua tất cả mọi thứ vật chất mới có thể đạt được cảm nhận hưởng thụ và sự hài lòng được. Trong xã hội hiện đại mà khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, điều kiện vật chất được phổ biến nâng cao, nên đời sống vật chất con người càng thoải mái dễ chịu hơn. Thế nhưng con người hiện đại không vì thế mà hạnh phúc hơn người xưa, người phiền não vẫn cảm thấy phiền não, thậm chí nó càng phiền não đau khổ hơn trước nữa.

Có lẽ vì lòng ham muốn của con người không có điểm dừng, nên đối với việc mong muốn tham đắm vào vật chất không bao giờ mang lại cho họ sự hài lòng và hạnh phúc đích thực cả, nó chỉ mang lại một vài điều kiện thuận lợi trước mắt mà thôi. Tuy nhiên cái gọi là thuận lợi kia cũng chẳng phải là thuận lợi tuyệt đối gì đâu, bởi vì khi ta thu nhận được sự thuận lợi nào đó thì đồng thời những điểm ưu thế khác cũng sẽ bị mất đi. Ví như, con người thời đại ngày nay luôn sống trong những căn nhà rộng rãi, tất cả những cửa sổ đều bị đóng kín đến nỗi gió không thể có khe luồng vào được, trong phòng có máy điều hòa, lại có đầy đủ các phương tiện thiết bị hiện đại tinh tế nhất, xem ra họ là những người rất an toàn thoải mái, thế nhưng, ai biết được những người  đây lại phải cách ly với không khí thiên nhiên bên ngoài, vì thế nên họ cũng sẽ mất đi mối liên kết giữa mình với thiên nhiên.

Thế mới biết đối với sự mong cầu ham muốn vật chất cũng không phải là cái để chúng ta nương tựa dựa dẫm vào.

Đối với sự ham muốn tìm cầu về mặt tinh thần quả thật vô cùng trừu tượng, vì đây là sự cảm nhận, sự trải nghiệm và thể hội bên trong của mỗi cá nhân con người. Con người sẽ khác đi khi tầng lớp cuộc sống tinh thần sai khác. Người có tầng lớp tinh thần thấp kém không thể nào hội nhập vào cuộc sống vật chất, nên họ nghĩ rằng cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng người có cuộc sống tinh thần thì khi đọc sách họ có thể lãnh hội được nhiều đạo lý trong đó, đối với họ đọc sách chính là một cảm giác được hưởng thụ.

Tục ngữ có câu: “trong sách vốn có kho vàng quý báu, trong sách vốn có viên ngọc như ý”, điều này không nên nói rằng đọc sách thì nhất định sẽ đem đến cho ta vật chất giàu có, mà khi đọc mỗi một cuốn sách nó có thể mang lại cho chúng ta cảm giác trưởng thành, sự nương tựa và cảm giác được an ủi về mặt tinh thần. Nghệ thuật và tôn giáo cũng như thế, đặc biệt là về mặt tín ngưỡng tôn giáo, nếu ta tin rằng có cõi trời, cõi Phật và cõi tịnh độ, hoặc tin rằng trong cõi tối tăm này chắc chắn có các vị Thần linh, chư Phật và Bồ-tát đến cứu giúp chúng ta, đó cũng là một chuỗi liên hoàn trong cuộc sống tinh thần.

Còn như sự vĩnh hằng bất biến, thật sự đó là cái mà chúng ta không bao giờ theo đuổi tìm thấy được, bởi lẽ trên thế giới chẳng có cái gì gọi là vĩnh hằng bất biến cả. Cho nên đức Phật thường giảng về “vô thường”, nghĩa là không có cái gì gọi là vĩnh hằng bất biến mà chỉ có cái gọi là “thường xuyên thay đổi”, nguyên tắc này chẳng bao giờ đổi thay, cho nên vô thường chính là cái vĩnh hằng bất biến. Nếu mọi người đều hiểu rõ, bất cứ sự vật nào trên thế gian này cũng đều thay đổi chứ không thể thường xuyên là vĩnh hằng mà không chấp thủ vào sự tổn tại của cõi vĩnh hằng đó, thì có thể đạt đến cảnh giới giải thoát rồi vậy.

Đứng trên quan điểm của Phật giáo để nói thì trong ba điều kiện vật chất, tinh thần và sự vĩnh hằng. Nói đến vật chất và tinh thần là cái cần được nâng cao, nhưng cõi vĩnh hằng là cái trống rỗng như hư không, cho nên chúng ta không cần phải nhọc công theo đuổi cỗi vĩnh hằng. Theo đuổi tìm cầu, chấp thủ vào lý tưởng huyễn hoặc không thật thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề phiền toái rắc rối hơn, chi bằng ta nên đối diện với thực tế một cách chắc chắn. Nếu như có thể sống đúng như thật, rõ ràng như trong đời sống này thì ta không còn cảm thấy phiền não hay đau khổ nữa, đây chính là cách sống cứu cánh nhất và tốt đẹp nhất.

Có lẽ có người sẽ nghi ngờ và hỏi rằng, nếu thành Phật là bậc cứu cánh nhất thì lẽ nào đức Phật chẳng phải là cõi vĩnh hằng bất biến sao? Thật ra, hạnh nguyện của đức Phật luôn ban rải, tồn tại khắp nơi không chỗ nào là không có, vì thế mà không có cái tồn tại khắp nơi, không có mặt nơi nào cả, Ngài không phải có mặt bất cứ nơi nào một cách cố định, nhưng cũng không phải tồn tại bất cứ một nơi nào. Mặc dù bình thường chúng ta không cảm nhận được sự tồn tại của đức Phật, nhưng mỗi khi chúng ta cần gặp ngài thì tinh thần, hạnh nguyện của ngài tự nhiên cùng tồn tại với chúng ta.

Cho nên, cõi vĩnh hằng đích thực chính là không có cõi vĩnh hằng mà là vượt trên cả cõi vĩnh hằng vậy.

KHÔNG LÌA XA PHIỀN NÃO CŨNG KHÔNG KHỞI LÊN PHIỀN NÃO

Trong Kinh Pháp Hoa có dạy, đức Phật thường đem cõi ta bà này để ví dụ với “nhà lửa ba cõi”, cái gọi là ba cõi ấy chính là chỉ Dục giới, sắc giới và Vô sắc giới.

Chúng sinh trong cõi “Dục giới” luôn chạy theo tìm cầu để hưởng thụ năm thứ dục lạc nên gọi là ngũ dục. Ngũ dục, chính là năm thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc; cũng có người nói là tài, sắc, danh, thực, thụy; chung quy đều chỉ sự hưởng thụ tham đắm vào vật chất không muốn xa lìa. Mặc dù sự hưởng thụ của năm món dục lạc có thể mang lại cho con người trong thế giới này cảm giác thỏa mãn hài lòng, hạnh phúc rất ngắn ngủi, nhưng đối với sự đuổi theo tìm cầu năm món dục lạc thì cũng giống như người đuổi hình bắt gió chỉ tốn công vô ích, bởi vì gió và hình chỉ là những ảo ảnh, là cái không thật có, nếu ta cứ cố công đuổi theo nó thì chỉ mang lại sự đau khổ cho ta mà thôi. Cho nên, chúng sinh trong cõi ta bà này tuy hưởng thụ thú vui của năm món dục, nhưng thời gian đau khổ thật sự còn nhiều hơn cả thời gian mà họ hưởng thụ thú vui. Thế nhưng, chúng sinh ở cõi trời tuy có thể hưởng thụ cái vui của năm món dục vô tận, không có bất kỳ sự đau khổ nào, nhưng phước báo của cõi trời có thời hạn nhất định, sau khi hưởng thụ hết phước báo ở cõi trời, thì phải trở lại cõi nhân gian để chịu khổ tương tự, thậm chí là bị đọa đến nơi một nào đó còn bi thảm hơn cõi người.

Kế đến là cõi “Sắc giới”, cái mà chúng sinh trong cõi sắc giới theo đuổi tìm cầu là “định lạc”, tức là niềm vui do thực hành thiền định mà có được, tuy không giống với sự ham muốn hạnh phúc trong cõi dục lạc, hơn nữa cảnh giới này phải là bậc tu hành chơn chánh mới có thể cảm nhận được, nhưng niềm hạnh phúc trong thiền định cũng chỉ hưởng thọ cảm nhận được trong thời gian nhập định mà thôi, mỗi khi đã xuất định thì niềm hạnh phúc trong thiền định cũng sẽ biến mất.

Cõi “Vô sắc giới” tức là cảnh giới thiền định cao nhất trong ba cõi, bấy giờ không những không có sự hoạt động của thân tâm, thậm chí ngay cả hoạt động của ý thức cũng không tồn tại, ở đó chỉ còn lại ý thức rất vi tế. Tuy nhiên cảnh giới thiền định này cũng có thời gian kỳ hạn nhất định, sau khi xuất định thì sức tập trung trong thiền định trước kia cũng sẽ biến mất nên lại phải quay về chốn nhân gian, thậm chí phải bị đọa vào con đường địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh nữa. Do đó có thể thấy rằng, cho dù hạnh phúc trong thiền định hay là hạnh phúc trong cõi dục đi nữa thì bất cứ lúc nào cũng có thể mất đi sự cảm nhận của niềm hạnh phúc, vả lại tai nạn sẽ ập đến nhanh chóng khiến ta không thể nào ngờ được, cho nên nó cũng không phải là cảnh giới hạnh phúc an vui đích thực. Vì thế nên đức Phật thường ví ba cõi giống như nhà lửa là vậy, đó là ngọn lửa đang ngày đêm thiêu đốt mọi khổ não và sự bất an. Chúng ta đang sống trong cảnh giới phiền não khổ đau nhưng vẫn cho đó là hạnh phúc, mặc dù cảnh giới đó vô cùng nguy hiểm, thế nhưng chúng ta vẫn không nhận thức được nguy cơ đó mà cứ mãi chạy theo chấp thủ đắm trước vào những điều không đáng nương tựa vào, cho đó là hạnh phúc đích thực nhưng chẳng phải thật có. Tuy nhiên điều mà chúng ta thật sự muốn làm không phải là chạy ra khỏi nhà lửa. Mặc dù Phật giáo tiểu thừa cho rằng ba cõi không an giống như nhà lửa cần phải nhanh chóng rời xa nó; nhưng Phật giáo đại thừa lại cho rằng, chỉ cần trong lòng ta không bị các thứ phiền não như tham, sân, si quấy nhiễu, thì cho dù ở trong cảnh giới nào đi nữa cũng như đang sống trong cõi Phật vậy, thế nên không nhất định phải vượt ra khỏi phạm vi ba cõi mới được giải thoát an vui.

Vì thế, chư Phật và Bồ-tát mà giáo pháp đại thừa từng nói, nghĩa là các ngài không xa rời ba cõi, mặc dù cũng sống chung trong ba cõi với chúng sinh nhưng lại không chịu cái khổ của ba cõi lôi kéo. Môi trường sống của các ngài và chúng ta giống nhau, thế nhưng trong lòng các ngài không còn có cảm giác lo sợ, tham ái chấp thủ, oán giận, nghi ngờ hay bất an, không những các ngài cảm thấy sự khổ nạn một cách tự tại, mà còn nhảy vào dầu sôi lửa bỏng để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh , đây chính là tinh thần của Bồ-tát. Chư Phật và Bồ-tát đều là những con người ở trong phiền não ba cõi mà được giải thoát, đó là những hình ảnh mà chúng ta cần phải dựa vào để tu tập và noi theo.

KHÔNG NÊN ĐI TÌM NIỀM HẠNH PHÚC BÊN NGOÀI

Niềm vui thì có rất nhiều cấp bậc, nhưng niềm “ham muốn dục lạc” mà con người bình thường theo đuổi đó là thứ cảm nhận của sự kích động, phát tiết và quan năng. Ví như khi nhìn thấy cảnh đẹp thì mắt cảm thấy hài lòng, khi nghe nhạc hay thì tai cảm thấy thích thú hoặc khi ăn một bữa cơm ngon thì miệng cảm thấy khoái khẩu v.v…, những cảm giác này đều phải đi qua những cơ quan của thân thể mới nảy sinh niềm khoái lạc, khi cơ quan cảm giác bị kích thích, bấy giờ trong lòng xuất hiện cảm giác ngây ngất sung sướng vô cùng.

Nhưng thứ cảm giác khoái lạc này chỉ đê mê trong chốc lát chứ không buông thả hoàn toàn. Ta lấy ví dụ uống rượu để rõ hơn, khi uống rượu vào quả thật rất khoái khẩu, người cảm thấy lâng lâng, nhưng khi say rồi thì đau khổ không thể dùng lời để diễn tả được, đặc biệt cơn giày vò ngất ngưỡng say ngủ của ngày hôm sau lại càng khó chịu hơn. Cho nên sau khi các giác quan thân thể bị kích thích đạt đến khoái cảm thì bao giờ cũng để lại di chứng, vả lại mức độ kích động mạnh còn cao hơn những lần trước kia nên không bao giờ cảm thấy hài lòng thoải mái được.

Trong sự ham muốn khoái lạc, ngoại trừ bị kích thích bởi các cơ quan bản năng ra, còn có một thứ khoái lạc do cảm giác mang lại. Sống trong đời không chỉ để cảm nhận các quan năng đầy đủ, mà còn hưởng thụ cảm giác từ nội tâm, đó cũng là mục tiêu theo đuổi của chúng ta. Ví như trong quá trình sáng tác văn học nghệ thuật cũng vậy, niềm đam mê sáng tác luôn mang lại niềm vui trong lòng; hoặc khi đọc sách, bỗng nhiên tâm ta lãnh hội được điều hay trong đó, bấy giờ lòng ta cảm thấy vô cùng vui vẻ nên cũng muốn để cho mọi người có được cảm giác này; hoặc là trước kia ta không biết nghệ thuật biểu diễn, nhưng bỗng chốc học biết được, vả lại còn được mọi người thưởng thức, khen ngợi nhiều hơn, đều khiến cho người khác cảm thấy vui vì sự thành tựu của mình. Tuy nhiên, niềm vui nào cũng có giới hạn, niềm vui tạm thời sau đó cũng tiêu tan chỉ còn lại cảm giác không hài lòng, vả lại mỗi khi quá vui, quá đầy đủ khiến ta cảm thấy kiêu ngạo, thì cảm giác đau khổ luôn rình rập kéo đến sau đó.

Sở dĩ nói “bên ngoài con người còn có người khác, bên ngoài trời còn có cõi trời khác” là cảnh giới mà ta không bao giờ theo đuổi kịp, khi sự thành tựu của bản thân đạt đến một trình độ nào đó, và còn muốn tiếp tục vươn tới cảnh giới cao hơn, tuy nhiên cuộc sống con người luôn có điểm chung của nó, đến cuối cùng khi không thể phá nổi gốc rễ nữa thì bản thân đành phải đầu hàng dừng lại, bấy giờ một cảm giác lạc lỏng bơ vơ luôn đeo bám lấy mình. Vì cuộc đời mình sắp đến hồi kết thúc, nhưng lại không biết phải đi về đâu, nên mới không kìm nổi sự hoài nghi về bản thân mình, về con đường phía trước rốt cuộc là con đường nào? Bấy giờ nếu không có sự dẫn dắt của tín ngưỡng tôn giáo thì khó tránh khỏi mờ mịt hoang mang, nên cảm thán nói rằng: “Thật chẳng biết ai là người vất vả, ai là người bận rộn hơn đây!”

Thật ra, theo đuổi cảm giác đầy đủ và niềm vui vẻ hạnh phúc cũng không có gì sai cả, vì nó là quá trình thúc đẩy trong đời sống con người, động lực thúc đẩy con người luôn tiến lên phía trước đó mãi mãi không ngừng. Nếu người bình thường không có cảm nhận sự thành tựu của bản thân để làm động lực sống, thì sẽ cảm thấy cuộc sống thật vô vị chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng điều mâu thuẫn nhất là, khi ta vất vả khổ sở theo đuổi tìm cầu cảm giác thành tựu, nhưng lại phát hiện mục tiêu theo đuổi đó không phải là niềm hạnh phúc đích thực. Đây chính là vì lòng người nói chung luôn bị dao động xáo trộn, nếu không nói như vượn chuyền cây, như ngựa rong nơi đồng nội thì cũng nghĩ ngợi lung tung chẳng bao giờ dừng nghỉ, không có cách gì để điều phục bản thân mình. Trong tình huống này, ngay cả bản thân mình cũng không biết rốt cuộc là hạnh phúc hay khổ đau? Cảm giác không rõ ràng về hạnh phúc hay khổ đau này bản chất nó vốn là khổ. Vì thế, nói chung khi người ta cảm thấy buồn chán vô vị thì họ luôn muốn đi tìm một người nào đó để nói chuyện tâm sự, tán gẫu, hoặc là đọc sách, đọc báo hay nghe nhạc hoặc tìm một vài trò chơi giải trí nào đó làm thú tiêu khiển cho bản thân để giết thời gian, khiến cho sức tập trung của bản thân có nơi nương tựa gởi gắm, nếu không thì chẳng biết phải đặt tâm này vào đâu nữa?

Tuy nhiên, khi tu tập thiền định có thể giúp tâm tư chúng ta tập trung vào một thể thống nhất, còn niềm vui trong thiền định được, mất là do bản thân tự gánh chịu trách nhiệm, có thể tránh được điều đáng tiếc sau này trừ phi thoát khỏi niềm khoái lạc do ngũ dục mang lại. Con người khi ở trong thiền định tâm tư không chấp thủ đắm trước vào bất cứ một cảnh giới nào cả, nếu nói có dựa dẫm gửi gắm vào thì cũng chỉ ở trong “một niệm” mà thôi. Bởi vì tâm dựa vào một niệm nên tâm có thể bình an, bấy giờ thế giới nội tâm vô cùng ổn định, nên không cần phải tìm cầu nương tựa bên ngoài, cũng không bị dao động ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài.

KHỔ ĐAU  HẠNH PHÚC CHỈ  CẢM NHẬN CHỦ QUAN

Người thực hành hạnh nguyện Bồ-tát thì trong tâm không còn bất cứ ý nghĩ chúng sinh nào được độ, cũng không tính xem bản thân mình có được báo đáp hay không, vì thế mà có được niềm an vui giải thoát. Tuy nhiên, trong mắt người đời như thế sẽ luôn khiến chúng sinh mãi bận rộn trong vất vả. Có thể thấy rằng, cảm nhận khổ đau hay hạnh phúc đều căn cứ vào đối tượng khác nhau mà áp dụng biện pháp khác nhau chứ không có bất cứ tiêu chuẩn tuyệt đối nào.

Thực ra, sự khác biệt giữa khổ đau và hạnh phúc chủ yếu là do cảm nhận chủ quan trong tâm chứ không phải do cảm nhận của bản thân hay sự việc nào từ bên ngoài quyết định. Ví như tôi sinh ra ở một nơi xa xôi hẻo lánh, nghèo nàn, lại gặp thời chiến tranh loạn lạc, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng vì môi trường sống là như thế nên tôi không cho đó là đau khổ, bây giờ nhớ lại mới nhận ra thời kỳ đó quả thật vất vả biết bao. Tuy nhiên, cho dù sống qua những ngày khổ hơn thế nữa tôi cũng có thể sống được, vì thế, chỉ cần có quan niệm chủ quan không so đo tính toán thì vất vả hay đau khổ nào có đáng kể gì.

Ta có thế lấy trạng thái tâm lý khi làm việc để ví dụ, nếu người làm việc có trách nhiệm và luôn xem đó là sứ mệnh bổn phận của mình, thì khi làm việc chắc chắn họ có thể chịu đựng được mọi khó khăn vất vả. Trái lại, nếu bạn luôn cho rằng mình bị giao công việc trái với điều mình mong muốn, cảm giác như bị đối đãi bất công thì kết quả ta như bị người đó dẫn dắt vào trong công việc nên cảm thấy bất mãn, không cam tâm tình nguyện, nhưng nếu không đối diện với nó cũng không được, thế nên ta cứ mãi sống trong nỗi lo sợ bất an và khổ đau triền miên.

Tuy nhiên nếu bạn suy nghĩ ngược lại thế này: “Nếu có thể làm được công việc này, tôi cũng muốn làm, đó là công việc tốt đấy chứ! Nói không chừng nhờ sự cố gắng thực sự của tôi mà có thể giúp mọi người được bình an, hạnh phúc, vất vả như vậy cũng đáng lắm chứ.” Nếu quả thật nghĩ được như thế thì khi bạn cố gắng làm việc, cho dù vất vả hơn bất cứ ai, công việc đó dù sớm đi tối về, vất vả chịu khổ, còn phải bị la mắng, bị trách móc đi nữa bạn cũng không cảm thấy mệt mỏi, không chán ghét. Bởi vì bạn có thể tha thứ được cho những người đã la mắng bạn, không muốn giúp bạn, có lẽ họ không biết được tầm quan trọng của công việc, nhưng bạn là người biết rõ hơn họ, cho nên bạn phải cho ra nhiều hơn và giúp đỡ họ nhiều hơn nữa. Với những người la mắng bạn, trách móc hay cám ơn bạn hay không cũng chẳng can hệ gì, chỉ cần họ cảm thấy hạnh phúc vui vẻ là được rồi.

Từ đó có thể thấy rằng, hạnh phúc hay đau khổ trong lòng, nó mãi mãi chẳng phải đến từ điều kiện vật chất đầy đủ hay từ một thân thể khổe mạnh. Có một số người mặc dù điều kiện vật chất rất khó khăn nghèo nàn, sức khổe không tốt lắm, thế nhưng họ lại sống rất hạnh phúc vui vẻ; trái lại có một số người cuộc sống rất giàu có, thân thể khổe mạnh, nhưng họ lại sống rất đau khổ.

Vì thế, trên thực tế đau khổ là một trạng thái và sự cảm nhận từ nội tâm, nếu trạng thái tâm lý của bạn là trạng thái tâm lý đau buồn khổ sở, thì cho dù sống trong hoàn cảnh nào chăng nữa bạn cũng cảm thấy đau khổ. Có một số người quan niệm rằng sau khi lên cõi trời thì con người sẽ không còn bất cứ nỗi khổ đau hay phiền muộn gì nữa. Thực ra, nếu nỗi phiền muộn trong lòng bạn quá nhiều, dù cho bạn ở thiên đường đi nữa cũng như đang sống trong địa ngục vậy; trái lại, nếu trong lòng bạn không có chút phiền muộn nào thì cho dù bạn đang ở địa ngục cũng như ở thiên đường mà thôi.

Nếu đau khổ và hạnh phúc đều là sự cảm nhận từ nội tâm, thế thì chúng ta cũng có thể thay đổi quan niệm từ trong sự cảm nhận đó. Ví như khi một người phụ nữ mang thai, cô ấy không biết khi sinh đứa bé này ra là trai hay gái? Tướng mạo của nó đẹp hay xấu? Thực ra, cảm nhận tốt hay xấu, trai hay gái về đứa con đều là thứ cảm nhận hết sức chủ quan, nếu cứ để cho sự suy đoán về đứa con làm chủ quả là chẳng công bằng tí nào. Thế nên ta có thể tự nhủ mình: “Dù sao thì trai hay gái, đẹp hay xấu cũng đều là con ta cả thôi.” Đợi đến khi con ra đời thì chẳng biết còn oán trách gì nữa đây.

Tương tự đối với công việc cũng vậy, mặc dù chúng ta đã cố gắng làm hết sức, nhưng kết quả thế nào đi nữa cũng không quan trọng. Nếu kết quả tốt thì tất nhiên điều đó tốt; nhưng nếu kết quả không tốt thì không nên buồn khổ hay khó chịu, vì bản thân mình đã cố gắng hết sức. Nếu như mãi mãi không thể nhìn thấy được ánh sáng của sự vật, dù xảy ra bất cứ việc gì, bạn cũng nên xem điều đó sẽ giúp ích cho bạn mà vui vẻ đón nhận nó mới có thể rời xa đau khổ và đạt được niềm hạnh phúc.

THEO ĐUỔI NIỀM HẠNH PHÚC  TẦNG LỚP CAO HƠN

Sở dĩ gọi “thú vui của ngũ dục” là vì do sự kích động của thế giới bên ngoài nên cảm nhận được niềm hạnh phúc trong chốc lát. Song, niềm ham muốn khoái lạc cũng có phân cấp bậc thứ lớp. Ví như, niềm ham muốn khoái lạc của cõi người và cõi trời không giống nhau; đồng thời niềm ham muốn khoái lạc của loài động vật và niềm ham muốn khoái lạc của loài người cũng hoàn toàn khác nhau. Cho dù cùng là cõi người đi nữa nhưng vì môi trường sống, trình độ văn hóa, kiến thức nông cạn và phạm vi rộng hẹp của ý chí hoài bão mà có niềm ham muốn khoái lạc với cấp bậc thứ lớp khác nhau chứ không thể nói một cách khái quát được.

Chúng ta thử lấy niềm ham muốn khoái lạc của cõi trời để ví dụ. Nam nữ ở cõi trời không cần phải xúc chạm thân thể, chỉ cần hai bên nói chuyện với nhau, nắm tay nhau hoặc nhìn nhau bằng ánh mắt, bấy giờ sự trao đổi tâm linh của hai bên nảy sinh điều vô cùng kỳ diệu. Sở dĩ có điều kỳ diệu đó là vì con người ở cõi trời tuy có thân thể nhưng không giống với nhục thể của loài người, mà đó là một thân thể mềm mại, uyển chuyển nhẹ nhàng. Ví như, khi con người bài tiết ra mồ hôi, nếu trong một thời gian không chịu tắm rửa sạch sẽ, thì da thịt thân thể cảm thấy ngứa ngáy vô cùng khó chịu; thế nhưng trái lại, thân thể của người cõi trời vô cùng thoải mái nhẹ nhàng, sạch sẽ không có vấn đề này. Cho nên sự hưởng thụ vật chất của cõi trời và hưởng thụ vật chất của loài người hoàn toàn khác nhau, cấp bậc hưởng thụ niềm ham muốn dục lạc cũng không giống nhau.

Tuy nhiên, niềm ham muốn dục lạc của loài người và loài động vật cũng khác biệt, đối với loài động vật thì ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu bản năng ra chẳng có niềm ham muốn khoái lạc nào khác; song, đối với loài người thì khác, ngoài sự ham muốn của bản năng ra, con người còn có niềm hạnh phúc vui vẻ do trình độ văn hóa mang lại.

Vì thế, cùng là niềm vui hạnh phúc, thế nhưng có một số người theo đuổi nó là do sự kích động, lại có một số người theo đuổi vì muốn thưởng thức nó. Thử lấy ví dụ việc cắm hoa, người cắm hoa nghệ thuật sau khi suy nghĩ họ đã tạo thành một bình hoa tuyệt đẹp như một bức tranh. Thực ra, loài hoa trong thiên nhiên nhìn đâu cũng thấy chứ chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì, thế nhưng khi đã qua tay người khéo léo, người có tâm hồn biết thưởng thức thì chúng trở nên xinh đẹp lạ thường. Nhưng nếu không hiểu nghệ thuật cắm hoa là gì hoặc đặt sai vị trí thì bình hoa đó sẽ trở nên kệch cỡm và khó coi.

Có thể thấy rằng, đối với việc thưởng thức, cảm nhận cái đẹp cũng có phân thứ lớp cấp bậc, nếu người thật sự biết thưởng thức cái đẹp thì họ không chỉ thẩm thấu bằng mắt thường, mà còn thẩm thấu bằng cả nội tâm mình. Thế nhưng nội tâm cần phải có trình độ nhận thức, nếu không có trình độ nhận thức thì không dễ gì lãnh hội được cái đẹp này. Tuy nhiên trình độ nhận thức này không nhất định phải có học vấn hay kiến thức gì cả, người không có học vấn, không có kiến thức cũng có thể thông qua nội tâm để nhìn thế giới này, chỉ cần dùng tâm để nhìn cẩn thận tỉ mỉ, nếu chúng ta nhìn thế giới này với tâm hồn lương thiện, tốt đẹp, vui vẻ thì thế giới này sẽ tốt đẹp và thánh thiện biết bao.

Thế nhưng, niềm vui của ngũ dục chỉ là niềm vui tạm thời kể cả khi chúng ta ngắm nhìn một bức tranh đẹp, thưởng thức một ca khúc hay đọc một cuốn sách hay cũng thế, tất cả những thứ đó đều thuộc về niềm ham muốn khoái lạc tạm thời, chỉ là khi niềm vui do thẩm thấu bằng sự thưởng thức thì cấp bậc ấy tương đối cao, nó có thể để lại trong đầu chúng ta ấn tượng sâu sắc hơn, lâu dài hơn.

Cổ nhân có câu: “Nhiễu lương tam nhật”, có nghĩa là khi chúng ta thưởng thức một ca khúc hay, âm luật trầm bổng du dương vẫn còn đọng lại trong đầu chúng ta, sau khi nghe qua vẫn có thể lưu lại mãi trong lòng không dứt; hoặc là khi ngắm nhìn phong cảnh đẹp, mặc dù trải qua thời gian dài suốt mấy tháng, thậm chí là suốt cả cuộc đời, thế nhưng trong đầu vẫn còn đọng mãi ấn tượng tốt đẹp. Cảm nhận hưởng thụ cấp bậc cao này có khi nó có thể vượt hẳn niềm ham muốn khoái lạc đơn thuần, nhưng lại gần gũi sâu sắc, thậm chí đạt đến thứ lớp cấp bậc tín ngưỡng tôn giáo. Cho nên, nếu chúng ta muốn theo đuổi niềm hạnh phúc cũng phải theo đuổi niềm hạnh phúc có tầng lớp cao và phẩm chất cao thượng. Nếu niềm vui đó có thể lên đến cấp bậc triết học hoặc tín ngưỡng tôn giáo thì càng tốt hơn.

CỐNG HIÉN KHÔNG  MỤC ĐÍCH

Trên quan điểm lập trường của Phật giáo để bàn luận thì “niềm vui giải thoát” mới là niềm vui rốt ráo, thế nhưng con đường duy nhất để theo đuổi tìm cầu giải thoát chính là thực hành hạnh Bồ-tát. Song, nhiều người coi thực hành hạnh Bồ-tát như là việc vô cùng cao sâu không thể làm được, họ thường nghĩ bản thân mình là tầng lớp thấp kém vốn không đạt tiêu chuẩn để thực hành hạnh Bồ-tát. Vì thế, khi gặp tôi họ thường bảo: “Bạch sư phụ, bởi vì cảnh giới tu hành của Ngài cao rồi, cho nên Thầy mới có thể thực hành hạnh Bồ-tát được!”

Thực ra tôi cũng là người bình thường, theo kinh nghiệm bản thân tôi thì thực hành hạnh Bồ-tát chẳng phải là một việc khó làm, vả lại tôi cũng không cảm thấy bản thân mình đang nói ba hoa khoác lác hay chỉ nói trên trời dưới bể gì cả. Sự thật, chỉ cần mỗi người muốn thưởng thức thử nghiệm cũng có thể dễ dàng làm được, nếu làm được bao nhiêu thì có thể sẽ hạnh phúc bấy nhiêu.

Niềm vui giải thoát không nhất định phải đợi đến khi giải thoát triệt để mới thực hành được, chỉ cần bước trên con đường nầy thì mỗi một bước đi đều có niềm hạnh phúc giải thoát mà không có bất cứ sự miễn cưỡng nào cả. Ví như mỗi một người đều có địa vị của mình, hơn nữa mỗi người thường kiêm nhiều chức nên có nhiều địa vị, chỉ cần chúng ta có thể gánh vác nổi trách nhiệm của các chức vụ đó, làm hết trách nhiệm nghề nghiệp của mình thì có thể nếm được mùi vị của giải thoát.

Bởi vì khi chúng ta làm việc, nếu có thể giữ được thái độ cống hiến không phải vì mục đích, một lòng chỉ vì muốn làm tốt công việc, làm hết trách nhiệm chứ không mảy may nghĩ đến mục đích sau đó, bấy giờ ta có thể cho đi một cách vô tư và nhận được niềm hạnh phúc an lạc. Nếu chúng ta chỉ vì mục đích lợi lạc mới muốn cống hiến, cho đi thì sẽ rất dễ đi vào con đường trông mong, chờ đợi, trong lòng luôn suy nghĩ: “Tôi cho đi nhiều như thế, nhưng từ xưa đến này cấp trên không nghĩ sẽ thăng chức cho tôi chứ! Sao lại bất công như thế?” Vì mãi thắc mắc như thế nên lòng bất an, đau khổ không dứt.

Trái lại, nếu không suy nghĩ đến vấn đề này mà chỉ biết cố gắng cho đi, cống hiến, thực tiễn, làm hết trách nhiệm thì cũng như câu tục ngữ: “Chỉ hỏi chuyện cày ruộng và làm cỏ, không cần hỏi thu hoạch được những gì” kết quả lại đạt được điều mình không mong muốn, hơn nữa những thứ mình đạt được chẳng phí mảy may công sức. Đây chính là tinh thần của Bồ-tát và cũng là niềm vui giải thoát vậy.

Làm hết trách nhiệm chính là chỉ biết lặng lẽ cày ruộng làm cỏ, còn như thu hoạch được gì hay không đó là lẽ tự nhiên “ông trời có mắt”. Sở dĩ gọi là “ông trời” thực ra đây chính là “sự tuần hoàn của nhân quả”, nếu cái chúng ta cho đi nhiều nhưng lại nhận được quá ít thì chứng tỏ nhân duyên kia vẫn chưa chín muồi, thế nên chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa! Sở dĩ gọi “chỗ nước chảy đến thì tự nhiên tạo thành con kênh” ví như khi điều kiện được hoàn thiện thì sự việc tự nhiên thành công, đó là nơi nước sẽ chảy đến, nếu như nước vẫn chưa đến chứng tỏ rằng cơ hội trước mắt vẫn chưa đến, thế thì chúng ta lại phải lấy đất, đào kênh. Nếu suy nghĩ như thế thì khi kết quả đạt được bất ngờ cũng không cảm thấy có gì là giỏi. Nếu như không đạt được gì cũng nên biết là nhân duyên vẫn chưa chín muồi chứ không nên nản lòng nhụt chí. Từ góc độ đó có thể thấy, nếu chúng ta theo đuổi không vì có mục đích, chỉ vì cống hiến mà cống hiến, chính vì có tinh thần như thế, nên có thể mang lại cho bản thân mình niềm an vui giải thoát.

Trong lịch sử loài người có biết bao câu chuyện đáng để chúng ta ca ngợi và cảm động rơi lệ, phần lớn đều là tinh thần “vì cống hiến mà cống hiến” của các bậc vĩ nhân, vì có tinh thần như thế họ mới nhận được sự tán dương và ca tụng của người muôn đời sau.

Nhưng nếu họ cố gắng nỗ lực chỉ vì lợi ích riêng cho bản thân mình thì tôi tin rằng họ cũng sẽ không bao giờ được thành công.

Tóm lại, ta chỉ cần làm việc gì mà bản thân mình cảm thấy vui là được, vả lại nếu mọi người cho chúng ta có cơ hội để cống hiến, thì nhất định chúng ta sẽ đạt được niềm hạnh phúc trong đó. Vì thế chúng ta không nên quan niệm rằng niềm hạnh phúc giải thoát của Bồ-tát, nhất định sau khi giải thoát mới có thể hưởng thụ được, trước khi chưa giải thoát, nếu làm được bao nhiêu thì có thể hưởng thụ niềm an lạc giải thoát bấy nhiêu.

KHÔNG NÊN THAM ĐẤM CHẤP THỦ VÀO NIỀM VUI THIỀN ĐỊNH

Người tu tập thiền định, trong năm giác quan mắt, tai, mũi, v.v… của họ, thậm chí là ý thức cũng không tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, không bị tác động ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Trong thế giới nội tâm của họ cùng với những hồi ức, sự trải nghiệm, vạch ra kế hoạch cho tương lai, đồng thời hoàn toàn cách ly với môi trường xung quanh. Bấy giờ người đó sẽ độc lập hoàn toàn, vì không có bất cứ sự chấp thủ đắm trước nào nên không có bất cứ vật gì có thể quấy nhiễu người đó được. Từ đó có thể đạt đến cảnh giới an vui không bị ngoại cảnh chi phối, đó chính là cảnh giới “an lạc trong thiền định”.

Cảnh giới an vui trong thiền định cũng có sâu có cạn, cảnh giới thiền định cạn là không gánh vác trọng trách của thân thể, cảm giác ấy vô cùng nhẹ nhàng tự tại; còn cảnh giới thiền định sâu thì ngay cả gánh nặng tư tưởng của niệm trước niệm sau cũng không có, trong tâm không còn vướng mắc bất cứ một vật nào, chỉ có cảm giác “vô cùng an lạc”, có cảnh giới “hà xứ nhạ trần ai”, cho dù vật gì đi nữa cũng không quấy nhiễu được người đó.

Song, cho dù ở trong cảnh giới thiền định sâu hay thiền định cạn chăng nữa cũng còn có “tự ngã trung tâm”. Trong cảnh giới thiền định sâu, tuy không phân biệt có cái ta bản ngã chẳng phải của ta, nhưng cảm giác an vui trong thiền định vẫn còn tồn tại nên vẫn còn có cái ta bản ngã. Nếu thiền định càng sâu thì càng mất đi cảm giác có thời gian và không gian, sau khi đi vào thiền định, cảm giác chỉ trong thời gian rất ngắn, nhưng thực tế đã trải qua những mấy tiếng đồng hồ, thậm chí là qua mấy ngày nhưng vẫn không biết. Đã không có cảm giác về thời gian thì chứng tỏ không có bất cứ vọng niệm hay cảnh huyễn hóa xen kẽ vào trong đó, trong đầu không xuất hiện bất cứ cảnh giới nào cả, đây không phải là trạng thái mê ngủ cũng chẳng phải là trạng thái tử vong, mà là không khởi lên bất cứ tác dụng tâm niệm nào. Tuy không khởi tác dụng tâm niệm, nhưng “cái ta” vẫn còn tồn tại trong đó.

Người sau khi ngồi thiền xong xuất định sẽ cảm thấy thân thể thoải mái, nhẹ nhàng không gì có thể sánh được, điều này chính là vì khi nhập định, đầu óc được thư giãn, thân thể cũng được nghỉ ngơi hoàn toàn. Trong khoảng thời gian đó, các tế bào và những lỗ chân lông trong cơ thể đều được thông thoáng không bị ngăn ngại, không có cảm giác căng thẳng, bức bách khó chịu, đây mới là cảm giác nghỉ ngơi hoàn toàn triệt để, vả lại có thể so sánh với cảm giác nghỉ ngơi đạt được khi ngủ là đầy đủ. Bởi vì khi ngủ ý thức vẫn cứ hoạt động không ngừng, nên không thể so với cảm giác được nghỉ ngơi thật sự.

Niềm vui trong thiền định có thể nói là niềm hạnh phúc được giải phóng, nó như cảm giác sau khi sinh xong đứa con thì cảm giác đau đớn như trời đất quay cuồng trước kia không còn nữa, chỉ còn lại cảm giác vui vẻ không thể nói được. Cảm giác khi chúng ta nhập định cũng như vậy, vì thường ngày gánh nặng trong đầu óc chúng ta quá nặng, nên các dây thần kinh trong thân thể cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng khi đi vào cảnh giới thiền định thì những gánh nặng trong thân tâm hoàn toàn được giải thoát, tiêu diệt không còn thấy nữa, cảm giác an lạc hạnh phúc như thế ai lại chẳng thích ư?

Vả lại cho dù niềm an lạc hạnh phúc trong thiền định hay là niềm vui sau khi đã xuất định vẫn cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, không có gì so sánh được. Nếu người nào đã trải nghiệm qua cảm giác này thì sau khi xuất định cũng đều muốn nhập định lại, họ muốn tiếp tục ngồi thiền mãi, cho nên người hưởng thụ qua cảm giác an vui thiền định không tránh khỏi cảm giác nhàm chán thế gian, không muốn gặp bất cứ người nam hay nữ nào, cũng không tham đắm vào các món ngon vật lạ. Bởi vì bất cứ niềm vui nào trong thế gian cũng không so sánh được với niềm vui trong thiền định, trong đó bao gồm cả niềm vui bị kích thích bởi năng lực cơ quan cũng không so kịp được!

Thế nhưng, nếu người tham đắm chấp thủ vào niềm vui thiền định thì giống như loài rùa vậy, khi gặp phải kẻ thù và bị thú dữ tấn công thì nó lập tức thu tất cả bốn chân, đầu và đuôi vào trong vỏ để bảo vệ mình không bị tổn thương, bấy giờ cho dù kẻ thù có muốn ăn nó cũng không thể nào ăn được, mà chỉ biết cắn vào vỏ cứng của nó mà thôi. Vì thế, niềm vui trong thiền định thực sự không phải là niềm vui rốt ráo nhất, mục đích tu tập thiền định của chúng ta nhằm đi sâu vào lãnh vực trí tuệ, làm nền tảng thực tiễn để hành đạo Bồ-tát tự lợi và lợi tha. Nếu chúng ta tham đắm chấp thủ vào niềm vui vắng lặng trong thiền định, không muốn thoát ly ra khỏi thiền định, thế thì vĩnh viễn không thể đạt được mục đích học phật được.

NGƯỜI AN LẠC HẠNH PHÚC NHẤT

Thiền định có thể khiến cho thân tâm chúng ta buông bỏ gánh nặng tạm thời để hưởng thụ tất cả cảm giác thoải mái nhẹ nhàng. Vì thế, khi con người theo đuổi niềm an vui trong thiền định thường thích thú với cảm giác trong thiền định nên không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, từ đó dẫn đến kết quả là nhàm chán trần thế, họ có thể ẩn cư một thời gian dài trên núi để ngồi thiền, sau đó họ qua đời luôn trong khi ngồi thiền tại đó. Song, qua đời khi thiền định cũng không thể đạt được giải thoát. Cho dù người đó có sức mạnh và năng lực thiền định thâm sâu thế nào thì có thể buông bỏ sự trói buộc sắc thân tạm bợ này, nhưng nếu chấp thủ tham đắm vào niềm vui trong thiền định, sau khi chết có thể lựa chọn cõi trời thiền định, tiếp tục nhập định ở đó. Sau khi trải qua một thời gian dài, khi sức mạnh thiền định không còn nữa thì người đó sẽ trở lại nhân gian, có lúc thậm chí ngay cả nhân gian cũng không được, mà phải bị đọa lạc vào con đường súc sinh hoặc những cảnh giới khác.

Sở dĩ bị đọa vào cảnh giới này là vì khi còn sống  đời, tư tưởng và quan niệm của người đó không rõ ràng, chưa hề làm những việc tốt hay kết những duyên lành, cũng chẳng tạo được phước báo gì cả, chỉ là công phu thiền định giỏi, cho nên đợi sau khi định lực mất hết lại phải nhận lấy quả báo trong đường sinh tử. Người đó có thể trở thành thần tiên, cũng có thể trở thành ma quỷ, nhưng cho dù thế nào đi nữa thì người đó cũng phải bị luân hồi, vẫn phải chịu quả khổ đau trong vòng sinh tử luân hồi.

Người có quan niệm tiêu cực luôn nhàm chán thế gian như vậy, những người này không hề có tâm niệm muốn cứu độ chúng sinh , họ chỉ biết trốn tránh sự thật. Đâu biết rằng phàm người nào trốn tránh sự thật cũng như đang trốn tránh hình bóng của mình vậy, cho dù trốn đến đâu thì hình bóng kia vẫn cứ đuổi theo ta mãi, vung vẫy thế nào đi nữa cũng không mất. Vì thiếu nợ người ta thì cần phải trả lại, chỉ cần sức lực khi thiền định không còn nữa thì phải trở lại trong cảnh giới khổ đau để nhận lấy quả báo đau khổ, cho nên thiền định cũng không thể giải thoát được.

Con đường chỉ dẫn của Phật pháp thì thiền định chỉ là một quá trình, một thứ công cụ để tu tập. Nếu tu hành mà không có nền tảng thiền định thì con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, bị kích động và mê hoặc hấp dẫn của nó, cộng thêm sự ham muốn của bản thân không cách gì ngừng lại được nên mới tạo ra vô số nghiệp xấu ác. Nếu con người có trải qua kinh nghiệm tu tập thiền định chắc chắn họ biết rằng niềm vui thú của ngũ dục không phải là cứu cánh, cùng lắm thì chỉ có thể bớt tạo nghiệp xấu ác, chứ không thể tâm lúc nào cũng theo ý mình, bất cứ khi nào cũng có thể làm chủ được bản thân, nắm rõ được hành động của mình, nên không chịu bất cứ ảnh hưởng nào từ bên ngoài chi phối.

Chúng ta cần phải lấy công phu tu tập thiền định làm nền tảng, nhưng do công phu tu tập thiền định này vẫn chưa đủ, cho nên cần phải tinh tấn hơn nữa để tìm cầu con đường giải thoát.

Sở dĩ gọi giải thoát chính là không còn lo buồn nghĩ lại những hồi ức đã qua, mà chỉ có quan niệm lấy niềm vui để làm điều cứu cánh, nên phát nguyện hành đạo Bồ-tát đi khắp nhân gian để cứu độ chúng sinh, lấy thân mình để hoằng dương chánh pháp, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau được nhiều niềm vui. Nếu có thể làm được như thế, tuy là bản thân mình ra đời sống chung với những người khác, cũng không bị ảnh hưởng môi trường xung quanh và mê hoặc hấp dẫn được, vì thế sẽ không tạo nghiệp, đồng thời có thể kết thiện duyên với mọi người, cứu giúp họ lìa khổ được vui.

Bản thân quan niệm được như thế mới mới giải thoát, nhưng tu hành ở đây cũng không phải để mong cầu sự bức phá của bản thân hay làm hài lòng cảm giác thành tựu của bản thân. Người thực hành hạnh Bồ-tát không bao giờ nghĩ đến bản thân mình, mà chỉ biết cố gắng cống hiến cho người khác không hề mệt mỏi, chúng sinh cần gì thì người đó đáp ứng đầy đủ cho họ những thứ đó, người đó không hề giành lấy bất cứ thứ gì cho bản thân, cũng không nghĩ phải dừng lại cảnh giới hạnh phúc vui vẻ nào để thưởng thức. Bản thân mình không những không bị ảnh hưởng bởi người khác mà cũng không bị người khác quấy nhiễu, có thể cùng sống bình thường với mọi người, cống hiến hết lòng vì mọi người, những người như thế mặc dù không giải thoát rốt ráo triệt để, nhưng họ đã đạt đến cảnh giới an vui giải thoát.

Người thực hành hạnh Bồ-tát vì còn làm những việc khổ nhọc trong cuộc đời, cho nên trong mắt người khác có lẽ cho rằng người đó sống vất vả khổ sở. Nhưng thực ra, người đó cống hiến cho cuộc đời không phải vì ham muốn mong cầu của bản thân, cho dù họ không nhận được gì cũng chẳng hề tính toán, đây mới thật là người hạnh phúc nhất!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.