Anne tóc đỏ làng Avonlea

1. Người Hàng Xóm Nóng Nảy



Một cô gái cao, thanh mảnh, mười sáu tuổi “rưỡi”, đôi mắt xám nghiêm nghị, mái tóc có màu được bạn bè gọi là “nâu đỏ” đang ngồi trên bậc thềm sa thạch đỏ rộng rãi của một nông trại trên đảo Hoàng Tử Edward vào một buổi chiều muộn tháng Tám, quyết tâm dịch được càng nhiều dòng thơ của Virgil[1] càng tốt.

Nhưng một buổi chiều tháng Tám, với sương mù xanh nhạt bảng lảng trên những triền đồi mùa gặt, làn gió thì thào tinh nghịch giữa những hàng dương, anh túc đỏ rực rỡ nhảy múa như những ngọn lửa nổi bật trên bãi đất tối trồng cây linh sam non ở góc vườn anh đào, buổi chiều ấy phù hợp với những giấc mơ lãng mạn hơn là thứ ngôn ngữ chết. Quyển Virgil sớm chuồi khỏi tay rơi xuống đất không biết tự lúc nào, và Anne chống cằm lên hai tay đan chéo, dõi mắt theo những cụm mây bồng bềnh mỹ lệ đang vun lại thành một ngọn núi khổng lồ màu trắng phía trên ngôi nhà của ông J. A. Harrison, tâm tưởng của cô đã bay xa đến một thế giới tuyệt vời, nơi một cô giáo đang làm những công việc vĩ đại, định hình vận mệnh của những chính khách tương lai, gieo trồng những ước vọng đáng quý và cao thượng trong tâm hồn và trái tim trẻ thơ.

Đương nhiên, nếu đi thẳng vào thực tế trần trụi… tuy phải thú thật là Anne ít khi nghĩ tới trừ khi bị bắt buộc… không có mấy mầm mống danh nhân xuất hiện ở ngôi trường Avonlea; nhưng nếu một giáo viên chịu dùng hết sức mình, ai biết ngày sau sẽ ra sao chứ. Anne có một vài lý tưởng màu hồng về những thành tựu mà một giáo viên có thể đạt tới, chỉ cần cô đi đúng hướng; và cô đang mơ tới một giấc mơ tuyệt vời: 40 năm sau, một nhân vật nổi tiếng… nổi tiếng về cái gì thì tạm thời tính sau, nhưng Anne nghĩ cũng khá hay nếu ông ta là hiệu trưởng trường đại học hay thủ tướng Canada… cúi xuống hôn bàn tay nhăn nheo của cô và khẳng định rằng cô là người đầu tiên nhen nhóm lên ngọn lửa hoài bão của ông, rằng mọi thành công trong cuộc đời ông đều nhờ vào những bài học cô đã từng truyền đạt nhiều năm về trước ở trường Avonlea. Viễn cảnh dễ thương đó đã bị một sự can thiệp hết sức không dễ thương làm vỡ tan tành.

Một ả bò cái giống Jersey chạy cun cút xuôi con đường mòn, và năm giây sau đó, ông Harrison bước vào… chỉ có điều “bước vào” là một động từ quá yếu ớt, không đủ sức miêu tả cách thức ông ta hùng hục xông vào sân.

Ông ta nhảy ngay qua rào mà không thèm chờ mở cổng, giận dữ đương đầu với cô nàng Anne đang hết sức ngạc nhiên đứng phắt dậy và hoang mang nhìn ông ta. Ông Harrison là người láng giềng mới bên phải bọn họ; cô chưa nói chuyện với ông ta lần nào dù có thấy qua một hai lần.

Hồi đầu tháng Tư, trước khi Anne rời trường Queen về nhà, ông Robert Bell, chủ nông trại giáp ranh với nhà Cuthbert về phía Đông đã bán đất và chuyển tới Charlottetown. Nông trại của ông được một ông J. A. Harrison nào đó mua lại, mọi người chỉ biết tên và một chi tiết khác là ông ta xuất thân từ New Brunswick. Chỉ mới một tháng ở Avonlea, ông ta đã kịp khoác lên mình danh hiệu một kẻ kỳ dị. “Gã lập dị”, bà Rachel Lynde tuyên bố. Bà Rachel là một quý bà trực tính, ai từng có hân hạnh gặp qua bà cũng nhớ rõ điều này. Ông Harrison rõ ràng là khác hẳn với những người khác… và đó là đặc trưng của một gã lập dị, như mọi người đều biết.

Đầu tiên, ông ta sống một thân một mình và tuyên bố thẳng thừng là không muốn bất cứ ả đàn bà ngu ngốc nào lảng vảng chung quanh chỗ ở của mình. Đám phụ nữ Avonlea trả thù bằng những lời đồn khủng khiếp về chuyện bếp núc và nội trợ của ông ta. Ông ta đã thuê cậu bé John Henry Carter ở White Sands và John Henry là nguồn phát tán những lời đồn này. Nào là ở nhà ông Harrison không có giờ giấc ăn uống cố định gì cả. Ông Harrison khi nào đói thì “nếm tí chút” và nếu lúc đó có John Henry lảng vảng quanh đấy thì cậu được chia phần, nhưng nếu cậu không có may mắn đó thì phải đợi đến khi ông Harrison đói lại. John Henry đau đớn quả quyết rằng hẳn là cậu đã chết đói nếu không được về nhà ăn no căng bụng mỗi Chủ nhật và mẹ cậu luôn gói ghém một giỏ đồ ăn để cậu đem theo mỗi sáng thứ Hai.

Hơn nữa, ông Harrison chẳng bao giờ để tâm đến việc rửa chén, trừ phi là vào một ngày Chủ nhật trời mưa. Khi đó, ông ta ra tay rửa bát đĩa hết một lượt trong máng lợn chứa nước mưa rồi để mặc cho chúng tự khô.

Ngoài ra, ông Harrison khá là “keo”. Khi được đề nghị đóng góp trả lương cho mục sư Allan, ông ta nói là phải đợi xem những bài giảng của mục sư đáng giá bao nhiêu đô la trước đã… rằng ông ta không tin vào chuyện bịt mắt mua dê. Rồi khi bà Lynde đến xin đóng góp cho việc truyền giáo… và tình cờ nhìn thấy tình trạng bên trong căn nhà… ông ta đã nói với bà rằng số kẻ ngoại đạo trong đám bà tám ở Avonlea nhiều hơn hẳn bất cứ nơi nào khác ông ta biết, và ông ta sẵn sàng góp tiền để giúp bọn họ “cải tà quy chính” nếu bà Lynde chịu lãnh trách nhiệm đó. Bà Rachel bỏ đi một nước và tuyên bố thật may bà Robert Bell đã xuống mồ, nếu không bà ấy sẽ vỡ tim nếu thấy tình cảnh ngôi nhà mà mình từng hết sức tự hào.

“Chứ còn gì nữa, chị ấy cọ rửa sàn bếp hai ngày một lần,” bà Lynde căm phẫn nói với bà Marilla Cuthbert, “và giá như cô có thể nhìn thấy nó bây giờ! Tôi phải vén váy lên mới dám bước qua đấy.”

Cuối cùng, ông Harrison nuôi một con vẹt tên là Gừng. Chưa có ai ở Avonlea từng nuôi vẹt, chính vì vậy chuyện nuôi vẹt được coi là không đứng đắn chút nào. Lại còn con vẹt đấy nữa! Nếu tin vào lời cậu trai John Henry Carter nói thì chưa bao giờ có con chim nào xấu xa đến thế. Nó chửi thề trời thần đất quỷ. Bà Carter mà biết chắc tìm được chỗ làm khác cho cậu là bà sẽ dắt John Henry đi ngay. Bên cạnh đó, Gừng đã mổ mất một mẩu thịt sau gáy của John Henry khi cậu chàng cúi rạp xuống quá gần cái lồng. Bà Carter cho mọi người xem vết sẹo khi cậu John Henry xui xẻo về nhà vào Chủ nhật.

Tất cả những chuyện này thoáng hiện trong đầu Anne trong lúc ông Harrison đứng trước mặt cô, nghẹn lời vì quá tức tối. Khi ở trạng thái thân thiện nhất, ông Harrison cũng không thể được coi là đẹp trai; ông ta vừa lùn vừa béo lại vừa hói đầu; còn bây giờ, với khuôn mặt tròn vo tím bầm giận dữ cùng đôi mắt xanh lơ như lồi ra khỏi đầu, Anne cho rằng ông ta quả là người xấu xí nhất mà cô từng thấy.

Gần như ngay lập tức, ông Harrison phì ra.

“Tôi không thể chấp nhận được nữa,” ông ta lắp bắp, “không một ngày nào nữa, cô có nghe rõ không. Chúa rủ lòng thương cho linh hồn của tôi, đây là thứ ba, thưa cô… lần thứ ba! Nhẫn nại không còn là một đức hạnh nữa, thưa cô. Tôi đã cảnh cáo dì của cô lần trước rằng đừng để cho nó lặp lại… vậy mà bà ta vẫn cứ để cho nó lặp lại… bà ta đã làm như vậy… Bà ta muốn gì khi làm vậy, đó là điều tôi muốn biết. Đó là lý do tôi có mặt ở đây, thưa cô.”

“Ông có thể giải thích rõ hơn là có vấn đề gì được không?” Anne hỏi với vẻ trang nghiêm nhất của mình. Cô đã thực tập nhiều lần dạo gần đây để có thể có được vẻ trang nghiêm khi trở lại trường học, nhưng xem ra nó chẳng có tác dụng gì với ông J. A. Harrison đang phừng phừng lửa giận.

“Vấn đề hử? Chúa rủ lòng thương cho linh hồn tôi, tôi nghĩ đúng là có vấn đề thực đấy. Vấn đề là, thưa cô, tôi bắt quả tang con bò Jersey của dì cô trong đám ruộng yến mạch của tôi, chưa tới ba mươi phút trước đâu. Lần thứ ba, cô nhớ cho. Tôi phát hiện ra nó trong ruộng hôm thứ Ba tuần trước và ngày hôm qua. Tôi đã đến đây nói với dì cô là đừng để sự việc lặp lại nữa. Bà ta vẫn để nó lặp lại. Dì của cô đâu, thưa cô? Tôi chỉ muốn gặp bà ta đặng giảng cho bà ta một bài… bài giảng của J. A. Harrison, thưa cô.”

“Nếu ông muốn nói đến bác Marilla Cuthbert thì bác ấy không phải dì của tôi, với lại bác ấy đã đi đến Đông Grafton để thăm một người bà con xa bệnh rất nặng,” Anne đáp trả, nhấn giọng nghiêm trên từng từ. “Tôi rất lấy làm tiếc là con bò của tôi đã xông vào đám yến mạch của ông… nó là bò của tôi chứ không phải của bác Cuthbert… Bác Matthew tặng cho tôi ba năm trước khi nó còn bé xíu và bác ấy đã mua nó từ ông Bell.”

“Lấy làm tiếc ấy à, thưa cô! Tiếc với nuối chẳng giúp được quái gì. Tốt hơn cô hãy đi xem con súc vật ấy đã giở trò gì trong đám ruộng yến mạch của tôi… nó đạp dẹp lúa từ trong ra ngoài, thưa cô.”

“Tôi hết sức xin lỗi,” Anne lặp lại một cách dứt khoát, “nhưng có lẽ nếu ông giữ gìn hàng rào nhà mình đàng hoàng hơn thì Dolly đời nào mà xông vào được. Phần hàng rào ngăn giữa ruộng yến mạch nhà ông và đồng cỏ nhà chúng tôi là thuộc sở hữu của ông, bữa trước tôi thấy nó hình như không được chắc chắn mấy thì phải.”

“Hàng rào của tôi không có vấn đê gì sất,” ông Harrison bật lại, đã nóng càng nóng hơn trước câu nói chối bỏ trách nhiệm của Anne. “Hàng rào trại giam cũng không đủ sức ngăn cản một con quỷ như con bò cái này. Và tôi cho cô biết, đồ nhãi tóc đỏ ạ, nếu con bò là của cô, như cô nói, tốt nhất cô hãy dành thời giờ mà trông coi không để nó phá phách trên ruộng nhà người khác, chứ đừng có ngồi thơ thẩn mà đọc đám tiểu thuyết sến bìa vàng kia,” ông ta căm tức liếc nhìn quyển Virgil màu nâu vàng vô tội nằm cạnh chân Anne.

Lúc này, có lẽ mái tóc Anne cũng không đỏ bằng ngọn lửa bốc lên rừng rực trong lòng… tóc đỏ, đó luôn là điểm yếu trí mạng của cô.

“Tôi thà có tóc đỏ còn hơn là hói sọi, chỉ có vài sợi lơ thơ quanh tai,” cô vụt thốt.

Mũi tên trúng đích, vì ông Harrison quả thật rất nhạy cảm về cái đầu hói của mình. Cơn giận làm ông ta nghẹn họng lần nữa và ông ta chỉ còn biết gườm gườm nhìn Anne không thốt nên lời. Anne lúc này đã bình tĩnh lại và thừa thắng xông lên.

“Tôi có thể thông cảm với ông, ông Harrison ạ, bởi vì tôi có óc tưởng tượng. Tôi có thể dễ dàng hình dung sẽ bực bội thế nào nếu tìm thấy một con bò đang phá phách trong ruộng nhà mình, tôi sẽ không giận ông vì những lời ông nói. Tôi hứa với ông là Dolly sẽ không bao giờ xông vào đám ruộng yến mạch của ông nữa. Tôi thề danh dự với ông như vậy.”

“Ờ, nhớ đừng để nó làm vậy nữa,” ông Harrison lầm bầm với giọng đã dịu đi đôi chút, nhưng ông ta vẫn hùng hổ dậm chân bỏ đi vẻ tức giận, và Anne nghe ông ta gắm gừ cho đến khi ông ta đi khỏi tầm nghe.

Bực bội hết cỡ, Anne băng qua sân và nhốt nàng Jersey hư đốn trong chuồng vắt sữa.

“Nó không thể nào thoát ra khỏi chuồng trừ phi đạp đổ hàng rào”, cô nghĩ bụng. “Nhìn nó có vẻ ngoan ngoãn đây. Mình dám cá nó đã ăn yến mạch đến phát bệnh, ước gì mình đã bán quách nó cho ông Shearer khi ông ấy đòi mua tuần trước, nhưng mình nghĩ nên đợi đến lúc bán đấu giá súc vật và tống hết chúng đi một lượt. Cái ông Harrison này đúng là người lập dị. Rõ ràng là ông ta chẳng đời nào có ai là tri âm tri kỷ cả.”

Anne luôn rất nhạy cảm với những tri âm tiềm năng.

Bà Marilla Cuthbert đánh xe ngựa vào trong sân khi Anne quay trở lại nhà, cô vội chạy đi chuẩn bị trà. Họ bàn bạc về chuyện vừa xảy ra trên bàn trà.

“Ta sẽ rất vui khi buổi đấu giá xong xuôi,” Marilla nói. “Thật vất vả khi có quá nhiều súc vật mà lại chỉ có mình cái tên Martin không thể tin tưởng được kia chăm sóc. Đến giờ mà hắn ta vẫn chưa chịu về, dẫu đã hứa hươu hứa vượn rằng nhất định sẽ về vào tối hôm qua nếu ta chịu cho hắn nghỉ một ngày để đi dự lễ tang cô hắn. Ta chẳng biết hắn có bao nhiêu bà cô nữa. Ta bảo đảm đó là bà cô thứ tư qua đời kể từ ngày thuê hắn một năm trước. Ta sẽ hết sức biết ơn khi thu hoạch xong vụ mùa và ông Barry tiếp quản nông trại. Chúng ta phải nhốt kỹ Dolly trong chuồng cho đến khi Martin tới, bởi vì phải dẫn nó đi ra bãi cỏ đằng sau, mà hàng rào ở đó thì cần sửa chữa. Ta nói thật, thế giới này đúng là rắc rối, như Rachel vẫn hay nói. Mary Keith đáng thương đang hấp hối, và ta chẳng biết nổi chuyện gì sẽ xảy ra với hai đứa con cô ta. Cô ta có một người anh ở British Columbia và đã viết thư cho anh ta về bọn chúng, nhưng anh ta vẫn chưa trả lời.”

“Đám nhóc thế nào? Chúng bao nhiêu tuổi?”

“Hơn sáu tuổi rồi… sinh đôi.”

“Ồ, cháu lúc nào cũng đặc biệt quan tâm đến mấy cặp sinh đôi vì bà Hammond có khá nhiều,” Anne hào hứng. “Chúng có xinh đẹp không?”

“Trời ơi, chả biết được… vì chúng dơ dáy lắm. Davy đang ở bên ngoài làm bánh bùn, Dora bước ra kêu nó vào. Thế là Davy dúi đầu con bé vào cái bánh bùn lớn nhất, và sau đó, bởi vì con bé òa lên khóc, nó bèn bước vào dầm mình luôn trong đó để chứng tỏ cho con bé thấy là chả có gì đáng để khóc cả. Mary nói Dora là đứa rất ngoan nhưng Davy thì nghịch hết chỗ nói. Có thể nói nó chưa hề được dạy dỗ tí gì. Cha nó chết khi nó còn ẵm ngửa, còn Mary thì cứ bệnh lên bệnh xuống từ khi ấy.”

“Cháu luôn cảm thương cho đám trẻ con không được dạy dỗ,” Anne nghiêm nghị nói. “Bác biết đấy, chính cháu cũng chẳng được dạy dỗ gì cho đến khi bác nhận cháu về. Cháu mong cậu của chúng sẽ chăm sóc chúng. Cô Keith có họ hàng thế nào với bác ạ?”

“Mary hả? Chẳng có liên hệ gì. Là chồng cô ta kia… anh ta là anh em họ xa với bọn ta. Bà Lynde đi qua sân rồi kìa. Chắc bà ấy đến hóng chuyện về Mary.”

“Đừng kể cho bà ấy nghe chuyện ông Harrison và con bò cái,” Anne dặn dò.

Bà Marilla hứa với cô, nhưng lời hứa này hoàn toàn không cần thiết, vì bà Lynde vừa ngồi xuống đã nói ngay:

“Tôi thấy lão Harrison đuổi con bò Jersey của cô ra khỏi ruộng yến mạch khi tôi từ Carmody về nhà. Tôi thấy lão có vẻ rất điên tiết. Lão có làm ầm ĩ gì lắm không?”

Anne và bà Marilla lén cười thầm với nhau. Rất ít chuyện ở Avonlea lọt khỏi tầm mắt bà Lynde. Chỉ vừa sáng nay thôi, Anne có nói, “Nếu nửa đêm bác đi vào phòng mình, khóa cửa, kéo rèm và hắt xì hơi, ngay ngày hôm sau bà Lynde sẽ hỏi bác bị cảm ra sao!”

“Tôi nghĩ là có” bà Marilla thú nhận. “Tôi không có nhà. Ông ta đã cằn nhằn Anne một trận.”

“Cháu nghĩ ông ta là người hết sức khó ưa,” Anne nói, hất mái tóc hung đỏ vẻ bực tức.

“Cháu nói quá đúng,” bà Rachel nghiêm trang tuyên bố. “Ngay khi Robert Bell bán nhà cho một tên người New Brunswick là tôi biết ngay sẽ có chuyện mà, thế đấy. Tôi không biết Avonlea sẽ ra sao khi mà có quá xá người xa lạ ùn ùn kéo tới thế kia. Chắc đến nằm ngủ trên giường cũng chả thấy an toàn nữa.”

“Sao vậy, còn người mới nào nữa?” bà Marilla hỏi.

“Cô chưa biết à? ừ, có một gia đình đến từ Donnells. Họ đã thuê căn nhà cũ của Peter Sloane. Peter thuê ông ta quản lý cối xay. Họ từ miền Đông tới và chả ai biết gì về họ cả. Còn gia đình Timothy Cotton nghèo túng chuyển lên từ White Sands nữa, bọn họ sẽ là gánh nặng cho cộng đồng thôi, ông chồng thì bị ho lao… khi nào không đi trộm cắp… còn bà vợ thì chậm chạp chán đời chẳng làm gì ra hồn. Đến rửa chén mà bà ta còn phải ngồi nữa là. Bà George Pye thì vừa nhận nuôi Anthony Pye, cháu trai mồ côi của ông chồng bà ta. Nó sẽ học cháu đấy, Anne, cho nên cháu cứ chuẩn bị gặp rắc rối đi, thế đấy. Và cháu còn có thêm một học sinh lạ nữa. Paul Irving từ Mỹvề sống với bà nội. Cô còn nhớ cha cậu ta chứ, Marilla. Stephen Irving, cái tên phụ tình Lavendar Lewis ở Grafton đấy?”

“Tôi không nghĩ là anh ta phụ tình cô nàng đâu. Có cãi vã gì đó… tôi cho rằng đó là lỗi hai bên.”

“À, dù sao thì anh ta cũng chả lấy cô nàng, và cô nàng thì cứ quái quái gở gở kể từ đó, nghe đồn thế… sống một mình trong ngôi nhà đá tí ti mà cô nàng đặt tên là Nhà Vọng. Stephen đi sang Mỹ, làm ăn chung với ông chú và cưới một cô ả Yankee[2]. Từ đó đến giờ anh ta chưa về nhà lần nào, bà mẹ thì có đi thăm con một hai lần. Vợ anh ta mất hai năm trước nên anh ta gửi con về cho mẹ một thời gian. Nó mười tuổi rồi, và tôi chả biết nó có phải là học sinh gương mẫu hay không. Chẳng thể trông đợi gì nhiều vào bọn Yankee ấy được.”

Bà Lynde xem thường tất cả những ai không có may mắn được sinh ra hay lớn lên ở đảo Hoàng Tử Edward với vẻ cái khinh khỉnh có-gì-tốt-ở-ngoài-Nazareth[3]. Họ có thể là người tốt, đương nhiên, nhưng dù sao thì vẫn phải đề phòng trước đã. Bà có thành kiến đặc biệt với “Yankee”. Chồng bà có lần bị một ông chủ ở Boston lừa mất mười đô, và không một thiên sứ, ông hoàng hay thế lực nào có thể thuyết phục bà Rachel rằng cả nước Mỹ không đáng phải chịu trách nhiệm về chuyện đó.

“Có thêm chút đổi mới ở trường Avonlea thì cũng chẳng chết ai,” bà Marilla lạnh nhạt nói, “Với lại nếu cậu bé này giống cha thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Steve Irving là chàng trai dễ thương nhất ở đây, dù vài người cho rằng anh ta kiêu căng. Tôi nghĩ bà Irving sẽ rất vui khi có cháu nội đến ở chung. Từ khi chồng chết, bà ấy rất cô đơn.”

“Ồ, thằng bé ấy có thể tốt, nhưng dù sao thì nó cũng khác với trẻ em Avonlea,” bà Rachel nói dứt điểm. Ý kiến của bà về bất cứ ai, bất cứ nơi chốn hay vật gì vốn chẳng dễ dàng thay đổi. “Ta nghe nói cháu đang chuẩn bị thành lập Hội cải tạo Làng quê gì đấy, phải không Anne?”

“Cháu chỉ mới bàn với vài ba người bạn khi họp Câu lạc bộ Tranh luận lần trước thôi,” Anne đỏ mặt. “Họ nghĩ ý đấy cũng hay… ông bà Allan cũng vậy. Hội đấy đã được lập ở nhiều làng khác rồi.”

“Hừm, cháu mà cứ tiếp tục là sẽ gặp vô khối khó khăn đấy. Tốt nhất là để cho làng chúng ta yên, Anne, thế đấy. Mọi người không thích bị cải tạo đâu.”

“Ồ, chúng cháu đâu có định cải tạo con người. Chỉ là cải tạo Avonlea thôi. Có nhiều thứ cần làm để nó đẹp đẽ hơn. Ví dụ như nếu chúng ta có thể khuyên ông Levi Boulter kéo sập căn nhà cổ gớm ghiếc ở phía trên nông trại của ông ta, đó có thể coi là một cải tiến tốt không?”

“Đương nhiên rồi,” bà Rachel phải công nhận. “Cái phế tích cũ kỹ đấy làm chướng mắt cả vùng nhiều năm nay rồi. Nhưng nếu đám cải tiến viên của bọn cháu có thể dụ dỗ Levi Boulter làm không công việc gì đó cho công chúng thì hãy để cho ta đến chứng kiến từ đâu chí cuối nhé, thế đấy. Ta không muốn ngăn cản gì cháu, Anne à, bởi vì ý tưởng của cháu cũng có điểm có giá trị đấy, dẫu ta biết là cháu lại bị mấy cuốn tạp chí Yankee rác rưởi tiêm nhiễm. Nhưng cháu sẽ tối mắt tối mũi với trường học, và với tư cách một người bạn ta khuyên cháu đừng tốn công với mấy thứ cải tiến ấy nữa, thế đấy. Nhưng này, ta biết cháu sẽ theo đến cùng một khi cháu đã quyết tâm. Chẳng biết sao nhưng cháu luôn là người đã nói là làm.”

Có gì đó ở những đường nét kiên định trên đôi môi của Anne cho biết ý kiến của bà Rachel không cách xa sự thật mấy. Anne dốc lòng thành lập Hội cải tạo Làng quê. Gilbert Blythe dạy học ở White Sands nhưng luôn về nhà từ tối thứ Sáu đến sáng thứ Hai và rất hào hứng với ý tưởng đó, và đa số đám thanh niên còn lại sẵn sàng tham gia vào bất cứ thứ gì miễn là thỉnh thoảng có tụ họp và đôi chút “Vui vẻ.” Còn “cải tạo” có nghĩa là gì thì chẳng ai hiểu rõ trừ Anne và Gilbert. Bọn họ đã bàn bạc và lập kế hoạch chi tiết vì một Avonlea lý tưởng, ít nhất là trong tâm trí bọn họ.

Bà Rachel vẫn còn một tin nóng hổi nữa.

“Họ đã giao trường ở Carmody cho một cô tên là Priscilla Grant. ở trường Queen cháu có quen cô nào tên như vậy không, Anne?”

“Ồ có. Priscilla dạy ở Carmody! Ôi thật là trên cả tuyệt vời!” Anne kêu lên, đôi mắt xám sáng rực tựa như ánh sao đêm, khiến bà Lynde tự hỏi lần nữa liệu mình có thể khẳng định Anne Shirley có thực sự là một cô gái xinh đẹp hay không.

Chú thích:

[1] . Publius Vergilius Maro (70 TCN – 19TCN): Nhà thơ lớn của La Mã cổ đại, người sáng tạo ra thể loại thơ sử thi, tác giả của Bucolics, Georgics, Aeneid – những thiên sử thi ca tụng nguồn gốc huyền thoại của dân tộc La Mã.

[2] . Người Mỹ

[3] . Thị trấn nơi Chúa ra đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.