Ba Người Thầy Vĩ Đại
Chương 12. Tình Yêu Là Một Công Cụ Kinh Doanh
“Giữ lấy vàng bạc, nhưng hãy cho chúng tôi trí tuệ.”
– Ngạn ngữ Ả-rập
***
“Jack, một người chỉ có thể ở một trong hai trạng thái tại bất kỳ thời khắc nào: Sợ hãi hoặc yêu thương,” Tess nói với tôi khi cô ấy trở lại sau cuộc điện đàm công việc của mình.
“Anh Moe đã dạy tôi điều đó ở Hawaii,” tôi đáp.
“Tôi đoán anh ấy sẽ làm vậy. Moe là một người cực kỳ thông thái. Hãy tin những gì anh ấy dạy anh.”
Tôi ngạc nhiên. “Chị biết Moe ư?”
Tess gật đầu. “Anh ấy là một người bạn tuyệt vời của tôi. Nhân tiện, đúng là, trong bất kỳ thời khắc nào, anh cũng hoặc sống trong sợ hãi hoặc sống trong yêu thương. Và tôi không chọn sống cuộc đời mình trong sợ hãi vì nó hạn chế tôi và cuộc sống mà tôi chuyên tâm tạo ra. Mọi thời khắc của mọi ngày, lựa chọn có ý thức của tôi đều là yêu thương. Và đó là một trong những bí mật sâu kín nhất cho thành công của tôi.
“Tình yêu như là một chiến lược kinh doanh. Một công cụ tuyệt vời, Tess ạ, một công cụ tuyệt vời.”
“Anh biết đấy, Jack, anh có thể có mọi thứ mình muốn từ cuộc sống khi anh chú tâm giúp đỡ những người quanh mình có được mọi thứ họ muốn từ cuộc sống.”
“Tôi thích điều đó.”
“Cuộc sống của tôi thay đổi khi tôi có một quyết định đơn giản và đặt ra một chuẩn mực mới cho bản thân: Trở thành người chu đáo nhất mà tôi biết. Hãy cố gắng đặt ra chuẩn mực đầy cảm hứng đó cho chính anh và xem xem điều gì xảy ra. Đó là điều duy nhất trong cuộc sống của tôi mà tôi gắn cho ‘chính sách không ngoại lệ’. Cho dù chuyện gì can thiệp vào thì tôi sẽ luôn đặt giá trị đó lên trên hết thảy. Tôi rất chú tâm trở thành người chu đáo nhất mà tôi biết – gần như thể tôi đã viết điều đó lên trái tim mình.”
Tess hít một hơi thật sâu và tiếp tục. “Công ty này tạo ra hơn một tỉ đô la doanh thu vào năm ngoái. Nhưng điều làm tôi hạnh phúc hơn nữa là nhìn thấy thành công của những người đàn ông và phụ nữ tạo nên công ty này. Khi họ trưởng thành thông qua công việc họ làm, tôi cũng trưởng thành thành một con người. Việc nhìn thấy nhân viên của mình trở thành những thủ lĩnh và những con người hạnh phúc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bất cứ thứ gì khác. Những gì thật sự truyền cảm hứng cho tôi là thấy văn hóa của công ty chúng tôi phát triển thành nơi mọi người thực sự là số một, nơi làm việc an toàn để mọi người đều được làm người. Tôi càng thấy mãn nguyện với chất lượng các mối quan hệ của tôi với nhân viên, khách hàng, và đối tác cung ứng hơn là số tiền mặt trong tài khoản ngân hàng của tôi.”
“Tuyệt! Chị hoạt động theo một bộ tiêu chuẩn kinh doanh rất khác,” tôi nhận xét với thái độ trân trọng thật sự.
“Tôi biết,” Tess trả lời.
Sau đó cô ấy lấy từ trong túi áo vest của mình ra một chiếc hộp vàng và mở ra.
“Đây,” cô ấy nói khi đưa cho tôi một tấm thiệp: “hãy đọc câu này. Danh vị của tôi cho mọi người biết tôi đại diện cho cái gì.”
Tấm danh thiếp của Tess được dập nổi chữ bạc bên trên, chỉ nhìn nó tôi cũng biết rằng nó rất tốn kém. Tên của cô ấy xuất hiện trên cùng, và bên dưới là chức danh của cô ấy. Nó được viết như thế này: “C.L.O.”
“C.L.O. nghĩa là sao, chị Tess? Tôi cứ tưởng là C.E.O.” Tôi thắc mắc.
“C.L.O là viết tắt của “Chief Love Officer” (Giám đốc Tình yêu).” cô ấy nói và cười vang. “Dĩ nhiên tôi chỉ dùng loại thiệp này trong những tình huống đặc biệt – tôi có cả danh thiếp thông thường trong văn phòng. Nhưng thực tế là, ở đây tại công ty này, tôi xem vai trò của mình như Giám đốc Tình yêu. Tôi ở đây để cho nhóm của mình thấy tôi quan tâm và yêu thương họ.”
“Rất độc đáo,” tôi chỉ biết nói vậy.
“Tôi biết vậy – có lẽ đó là lý do tại sao tôi là người hạnh phúc nhất mà mình từng biết ở một khu vốn chỉ thấy hầu hết đội ngũ quản lý cấp cao nhất không vui vẻ, không mãn nguyện, và rỗng không. Anh có biết rằng một trong những bài thuốc hiệu nghiệm nhất mà các bác sĩ tâm lý kê đơn cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tìm đến họ trong trạng thái stress chính là liều thuốc tình bạn mỗi ngày không?”
“Nghiêm túc chứ?”
“Phải. Anh biết đây, Jack, hầu hết những nhà lãnh đạo này sống cuộc sống của mình trong tháp ngà – họ dành thời gian để sống một mình. Và kết quả là cái nhu cầu rất con người là tất cả chúng ta đều có cho một mối quan hệ với một cộng đồng không hề được thỏa mãn.” “Do đó các bác sĩ tâm lý bảo họ ra ngoài và kết bạn phải không?”
“Gần như vậy. Họ bảo những nhà lãnh đạo ra ngoài và làm bạn với người khác, quan tâm đến phúc lợi của người khác, cười đùa và kể những câu chuyện với những người họ cùng làm việc và cùng sống, và mở rộng lòng mình cho người khác. Và thế là có tác dụng. Tất cả đã được viết ra trong một bài báo rất thú vị có nhan đề “Khoảnh khắc con người trong công việc” xuất hiện trên tờ Tạp chí kinh doanh Harvard (Harvard Business Review).”
“Tuyệt quá, Tess. Và cách thực hiện quá ư đơn giản.”
“Đúng như vậy. Cho nên, để tốt cho sự nghiệp của anh, trước hết anh hãy đối xử thật lòng với mọi người. Hãy quan tâm nhiều hơn đến việc làm sâu sắc các mối quan hệ hơn là lo bán hàng… và doanh số sẽ tự động đến. Thành công lớn trong kinh doanh thật sự liên quan đến những mối liên hệ con người.”
“Chính xác thì các mối liên hệ con người là gì?”
“Đó là những mối quan hệ gắn kết chúng ta, con người với con người. Các mối liên hệ con người xuất hiện khi chúng ta thật sự cố gắng phục vụ người khác và tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ – khi chúng ta học cách giao tiếp từ trái tim, nói ra chân lý của mình, và chân thành làm người lắng nghe biết đồng cảm, hiểu rõ những người chúng ta đang lắng nghe với nỗ lực để hiểu họ. Nếu muốn phát triển sự nghiệp cũng như trở thành một người lãnh đạo thì giao tiếp là một việc rất quan trọng.”
“Rất thú vị, Tess ạ. Một trong những mục tiêu mói tôi đặt ra cho mình là trở thành một người giao tiếp giỏi. Tôi thật sự muốn thực hiện một nỗ lực đặc biệt để cho mọi người thấy rằng tôi yêu mến và hiểu họ. Tôi biết điều này sẽ giúp tôi trong sự nghiệp của mình.”
“Vâng. Và đó là việc đúng đắn để làm. Như anh đã biết, chúng ta không tồn tại lâu trên hành tinh này. Tại sao lại không làm cho thời gian của chúng ta ở đây trở nên đáng giá bằng cách làm cho những người xung quanh chúng ta vui? Hãy trò chuyện thật giỏi.”
“Ý chị nói thế là sao?”
“Một trong những bài học quan trọng nhất tôi học được trên đường đời của mình là một cuộc sống vĩ đại không gì khác hơn là một loạt hội thoại tuyệt vời. Thành công kinh doanh đến từ việc có những buổi đàm thoại sâu sắc với đồng nghiệp, khách hàng, và thậm chí khách hàng tương lai của chúng ta. Nếu chúng ta ngừng tham gia vào những cuộc đối thoại này, chúng ta sẽ thất bại trong kinh doanh. Thành công trong gia đình đến từ việc có những cuộc trò chuyện ý nghĩa với người bạn đời và con cái chúng ta. Đánh mất những cuộc đối thoại này, chúng ta sẽ đánh mất gia đình. Và thành công bên trong – thành công với tư cách một con người – liên quan đến một cuộc đối thoại liên tục với cái bản ngã cao nhất của chính chúng ta. Đánh mất cuộc đối thoại đó, anh sẽ đánh mất chính mình.”
“Quả là một sự hiểu biết tuyệt vời.”
“Cảm ơn anh, Jack. Quá nhiều người trên thế giới của chúng ta ngày nay li dị chính họ. Họ quá bận rộn theo đuổi danh vọng và sự tung hô đến mức bỏ cả việc đối thoại với chính mình ở cấp độ sâu thẳm bên trong. Anh biết đấy, một trong những điều quan trọng nhất mà bất kỳ thủ lĩnh nào cũng có thể làm là phải làm cho bản thân sâu sắc. Anh càng sâu sắc, anh sẽ càng nhận thức được hành trình cuộc đời là gì. Và anh càng hiểu biết thì anh sẽ càng nhận ra rằng thành công chính là tạo ra sự khác biệt trên thế giới. Ồ, điều đó mang lại một điểm quan trọng nữa,” Tess nói thêm. “Nếu anh mong muốn chứng tỏ sự giàu có trong cuộc sống và thành công trong sự nghiệp của mình, anh cần trở thành một người tạo dựng giá trị.”
“Thế là sao?”
“Những người thành đạt siêu hạng trong cuộc đời dành thời gian của họ tập trung vào việc tạo ra và xây dựng giá trị chứ không phải kiếm tiền. Họ tìm cách làm giàu cho người khác, và họ sống để cải thiện thật nhiều người có đặc quyền làm ăn với họ. Họ đưa chính họ thoát ra khỏi phương trình và tồn tại vì người khác, bằng nhiều cách. Nghịch lý là chính họ lại là những người thành công và giàu có nhất.”
“Thật sao?” Tôi hỏi.
“Đúng như vậy. Để có nhiều hơn trên thế giới này, anh phải cho người khác nhiều hơn. Đó chỉ là một trong những quy luật sống vĩnh hằng.”
“Tôi đã nghe nói rất nhiều về những quy luật đó.”
“Chà, quá tốt rồi,” Tess mỉm cười. “Hãy luôn hỏi chính mình những câu hỏi: ‘Làm thế nào mình làm tăng giá trị cho người này?’ và ‘Làm thế nào mình có thể phục vụ thế giới?’ Anh sẽ được tưởng thưởng bằng sự sung túc cực kỳ. Martin Luther King Jr[37] đã nói rõ điều đó khi ông nói: ‘Câu hỏi dai dẳng và gấp gáp nhất của cuộc sống là bạn đang làm gì cho người khác?’”
“Thật là những lời mạnh mẽ,” tôi nhận xét.
Tess bắt đầu đi dọc hành lang dài. “Jack,” cô ấy nói, “mời theo tôi.”
Tess dẫn tôi vào một gian phòng lớn với sàn gỗ sáng bóng và cả loạt ghế tựa bọc da kê bên những chiếc bàn thủy tinh. Trên tường là những giá đầy sách. Tôi xem các tít sách: Nghệ thuật sống của Epictetus; Những suy ngẫm của Marcus Aurelius; Think and Grow Rick (13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu) của Napoleon Hill. Thậm chí có cả một cuốn sách nhỏ có tiêu đề rất lạ là Nhà sư bán xe Ferrari khiến tôi mỉm cười.
“Đây là phòng học của công ty chúng tôi,” Tess nói khi rót cho mình một tách trà thuốc. “Anh muốn dùng một chút không? Hương vị rất tuyệt với mật ong.”
“Vâng,” tôi đáp.
“Nhân tiện, phòng này là nơi tất cả chúng tôi đến để suy nghĩ. Những người thành đạt nhất trong kinh doanh dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm. Và một trong những điều họ nghĩ đến nhiều nhất là làm cách nào họ có thể làm tăng giá trị cho những người họ phục vụ. Anh biết đấy, hầu hết mọi người đều làm sai điều này,” Tess nhận xét.
“Thật vậy sao?” tôi hỏi.
“Vâng. Mục đích sống không phải là được hạnh phúc. Đó là một trong những cách sống vị kỷ nhất mà người ta có thể hình dung ra, và đó là nguồn gốc của nhiều vấn đề trên thế giới ngày nay. Cộng đồng toàn cầu này sẽ thay đổi nếu chúng ta ngừng suy nghĩ về hạnh phúc cá nhân của mình và bắt đầu nghĩ về sự phục vụ chung của chúng ta. Nói cách khác, thế giới sẽ thay đổi nếu chúng ta bắt đầu trở nên thái quá, không phải với việc hạnh phúc hơn, mà với việc có giá trị hơn. Để đạt tới cấp độ tiếp theo của cuộc đời, Jack ạ, câu hỏi không phải là: ‘Làm cách nào ta có nhiều hơn nữa?’ Câu hỏi thật sự nên là: ‘Làm cách nào ta thể hiện được nhiều hơn nữa?’ Hãy ngừng mong ước rằng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn và hãy mong ước rằng anh sẽ tốt hơn, chu đáo hơn, và tốt hơn. Hãy ngừng mong ước ít gặp các vấn đề hơn và hãy ước có được trí tuệ lớn hơn. Anh biết đấy, hạnh phúc là một sản phẩm phụ, và nó đến với những người không tìm kiếm nó.”
“Đó là một nghịch lý phải vậy không?” Tôi nhận xét.
“Vâng, đúng là như vậy, theo nhiều cách. Tôi thật sự nghĩ rằng chúng ta càng tìm kiếm hạnh phúc và thành đạt, nó sẽ càng chạy xa chúng ta. Hạnh phúc và thành đạt là những sản phẩm phụ không được dự tính trước nhưng tất yếu sẽ đến của một cuộc sống được dùng để tạo ra giá trị cho những người khác. Hãy làm điều đó, và mọi thứ khác sẽ đâu vào đấy đúng như nó phải vậy.”
“Như thế hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều sai. Mục tiêu không phải là kiếm tiền…”
“Mà là tạo ra ý nghĩa,” Tess ngắt lời. “Mục tiêu cơ bản của kinh doanh là để giúp những người anh phục vụ tìm ra ý nghĩa, niềm vui, và thành công lớn hơn trong cuộc sống của họ thông qua những sản phẩm và dịch vụ mà anh dành cho họ. Dĩ nhiên, kiếm tiền là rất quan trọng, nhưng nó không phải là động lực cơ bản nếu anh tìm kiếm thành công đích thực. Những công ty làm ăn được đều tập trung vào lợi nhuận; những công ty thành công thì tập trung vào mục tiêu cao hơn của mình – tạo ra những kết quả lớn lao cho khách hàng của mình và tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ.”
“Đây là lần đầu tiên tôi được nghe những điều như vậy.”
“Hãy xem, tôi làm kinh doanh để kiếm tiền – xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không phải là một người lý tưởng hóa và không biết gì về cách thế giới thật sự vận hành. Tôi có bằng MBA từ Trường Kinh doanh Harvard và bằng Tiến sĩ từ Stanford. Tôi dành phần lớn cuộc sống trưởng thành của mình ở đây – tại Phố Wall, và tôi chơi trò chơi kinh doanh ở cấp độ cao nhất. Tiền mua được tự do ở mức độ nào đó, tôi biết như vậy. Điều tốt nhất anh có thể làm để giúp người nghèo trên thế giới này là bảo đảm rằng anh không phải là một trong số họ. Và nói thật, Jack ạ, cá nhân tôi kiếm ra cả núi tiền – hàng triệu triệu là chắc chắn. Anh đạt đến mức anh thật sự không biết mình có bao nhiêu tiền; khi đó chẳng còn là một vấn đề nữa. Tôi có thể có bất kỳ thứ gì tôi muốn, bất kỳ khi nào tôi thích. Nhưng với tôi, tiền chỉ là một phương tiện để nắm bắt, một tấm phiếu ghi điểm mà thôi.”
“Để nắm bắt cái gì chứ?”
“Lượng giá trị tôi tạo ra. Tôi thấy rằng tôi càng tạo ra nhiều giá trị trên thế giới này thì tiền bạc dường như càng chảy vào cuộc đời tôi. Tiền không còn giá trị thực chất nữa, phải không?”
“Tôi cho rằng chị nói đúng. Nó chỉ là giấy mà thôi.”
“Đúng vậy. Toàn bộ tiền chỉ là biểu tượng của một sự trao đổi giá trị. Với tôi, nó chỉ có giá trị khi tôi phân phối giá trị của mình. Với tôi, nó chỉ là một tiêu chuẩn so sánh, chẳng là gì hơn, cũng chẳng là gì kém. Cho nên ý tôi là thế này: Tiền rất quan trọng, nhưng hoàn toàn không phải là động lực chính của tôi. Tiền không phải là những gì lôi tôi ra khỏi giường lúc 5 giờ sáng, và không phải là những gì thúc ép tôi phải đổi mới và là người cừ nhất trên thế giới trong mọi việc tôi làm. Tôi thà được trả bằng phần thưởng tinh thần thay vì phần thưởng tiền bạc, vì chúng làm cho tôi cảm thấy ổn với bản thân mình hơn. Tôi biết ý nghĩa của mình không phải đến từ tiền mà đến từ sự phục vụ. Tôi sống để giúp người khác. Đó là những gì thực sự thúc đẩy tôi – một cảm nhận về nhiệm vụ và ý nghĩa, không phải tiền bạc và phần thưởng vật chất. Và đó là nơi rất nhiều công ty khác đi sai – họ tập trung nhiều vào việc tích cóp tài sản hơn là giúp đỡ người khác thực hiện giấc mơ của họ.”
Sau đó Tess dẫn tôi tới văn phòng của cô ấy. Đó là một căn phòng rất trang nhã, bài trí theo một phong cách tối giản hiện đại. Tầm nhìn trông ra toàn bộ thành phố. Những bức ảnh chồng và ba người con của cô ấy được treo ở khắp mọi nơi.
“Anh Jack, hãy thử sống theo những lời của Woodrow Wilson[38]: ‘Bạn không ở đây để kiếm sống. Bạn ở đây để làm cho thế giới đầy đủ hơn, với tầm nhìn rộng hơn. Bạn ở đây để làm giàu cho thế giới và bạn sẽ tự nghèo đi nếu bạn quên mất mục đích đó’.”
“Thật là những lời sâu sắc.”
“Và khi anh phục vụ người khác, hãy làm việc đó nhưng đừng mong được tưởng thưởng. Nếu anh giúp người khác trong công việc, cho dù đó là việc giúp một đồng nghiệp cố gắng học một quy trình máy tính mới hay phục vụ một khách hàng bằng việc làm người đó sửng sốt vì sự sẵn lòng của anh nhằm quả quyết sản phẩm của mình chính là những gì người đó cần, hãy làm việc đó với niềm vui thuần khiết là được cho đi. Cho đi với ý định nhận về không thật sự là cho đi, đó là mua bán – và người ta có thể cảm nhận được điều đó. Hãy cho để giúp đỡ thật sự, và hãy hành động như một thủ lĩnh đầy tớ. Đó là cách anh sẽ đạt đến sự vĩ đại.
“Một thủ lĩnh đầy tớ nghĩa là gì?”
“Những thủ lĩnh cừ nhất chính là những thủ lĩnh đầy tớ. Tất cả những gì họ quan tâm là phục vụ cử tri của họ. Cuộc đời của họ phản ánh cảm quan nhiệm vụ – đó là những gì thúc đẩy họ và tiếp nhiên liệu cho ngày tháng của họ.”
“Đó là một cách sống lý thú!” tôi nói đầy phấn khích. “Tìm kiếm một nhiệm vụ mà bạn có thể cống hiến hết mình, và sau đó dành trọn thời gian triển khai nhiệm vụ đó.”
“Chính xác,” Tess đáp. Hãy nghĩ về Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, và Mẹ Teresa, cũng như những thủ lĩnh tôn giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Tất cả đều là những thủ lĩnh đầy tớ, và tất cả đều tận tụy vì một sự nghiệp lớn hơn bản thân họ – một nhiệm vụ.”
“Và nhiệm vụ này cần để phục vụ người khác, phải không ạ?”
“Phải như vậy. Nhưng anh không phải quyết tâm biến cải thế giới thì mới là sống với cảm quan nhiệm vụ. Yêu cầu của anh có thể chỉ là phục vụ khách hàng của mình trong công việc với thái độ yêu thương, mực thước, và một cam kết mạnh mẽ nhằm tạo ra giá trị trong công việc của họ. Mục đích đó không kém phần cao quý so với thay đổi thế giới. Thậm chí nếu công việc của anh là quét đường phố hay nhặt rác thì anh vẫn có quyền lựa chọn làm việc với một cảm quan nhiệm vụ và quy tắc phục vụ, nhìn nhận nó như một cơ hội để làm cho cộng đồng trở thành nơi tốt đẹp hơn. Không hề có công việc nhỏ mọn, Jack ạ. Mahatma Gandhi từng nói rõ điều này khi nhận xét: ‘Việc bạn phải làm không mấy quan trọng chẳng là gì cả, hãy làm việc đó hết mức có thể, hãy dành cho nó sự quan tâm và chú ý của anh như anh dành cho điều anh coi là quan trọng nhất. Chính những điều nhỏ nhoi đó lại là cái để đánh giá bạn’.”
“Quan điểm rất tuyệt, Tess ạ.”
“Và chính Mẹ Teresa là người nói: ‘Đừng để ai tìm đến con mà không thấy hạnh phúc và tốt đẹp hơn’.”
“Những lời quá hay.”
“Tôi cũng thích lời của William Penn[39], người đã nói:
‘Tôi rất muốn đi hết cuộc đời nhưng chỉ một lần thôi. Do đó, nếu có bất kỳ hảo tâm nào mà tôi có thể thể hiện, hay điều gì đó tốt đẹp mà tôi có thể làm cho bất kỳ ai, hãy để tôi làm điều đó ngay lúc này, chứ đừng trì hoãn hoặc phớt lờ nó, và tôi sẽ không đi qua con đường này lần nữa.’ Một khi anh sống theo triết lý này, nó sẽ thay đổi rất nhiều để tốt hơn – tôi hứa với anh điều này,” Tess nói một cách nồng nhiệt.
“Đó là một trong những lý do tôi mê công việc,” cô ấy tiếp tục. “Tôi có thể hoàn thành một trong những nhu cầu sâu xa nhất của mọi con người thông qua cách tôi làm việc.”
“Đó là gì?”
“Nhu cầu tự siêu nghiệm. Tất cả chúng ta đều có một khát khao mạnh mẽ trong mình, ở một mức độ cơ bản, là tạo ra sự khác biệt trên thế giới. Tôi tin tất cả chúng ta đều được lập trình để đóng góp cho thế giới theo cách riêng của mình – điều đó nằm trong bản chất di truyền của chúng ta. Với một số người, việc đó là dẫn dắt đất nước tới tự do và tác động đến cuộc sống của hàng triệu người; với những người khác, đó lại là quét dọn đường phố hoặc làm việc tại quầy thanh toán của một cửa hàng tổng hợp tiện dụng địa phương. Như tôi nói, không có mục tiêu nào tốt hơn hoặc đáng cho chúng ta trân trọng hơn so với mục tiêu khác nếu như nó được thực hiện bằng tất cả tấm lòng và ý thức về nghĩa vụ của chúng ta. Đúng như nhà tư tưởng John Ruskin[40] đề cập: ‘Người yếu đuối nhất trong chúng ta cũng có tài năng, tuy có vẻ tầm thường, riêng biệt của người đó và khi được sử dụng thích đáng sẽ là một món quà cho chính nòi giống của người đó’.”
“Tôi cảm thấy những lời nói ngay trong tim mình,” tôi nói rất chân thành.
“Đó là vì những lời ấy nói với những gì tốt đẹp nhất trong anh, Jack ạ. Chân lý của những lời này vang tới vùng hiểu biết bên trong anh. Nhu cầu sâu nhất của trái tim con người, khi anh tiếp cận được nó, là nhu cầu được sống vì điều gì đó quan trọng hơn chính chúng ta. Anh có thể không nhận ra điều đó lúc này. Anh có thể cảm thấy không dễ nghe điều đó bởi vì giấc mơ của anh là kiếm được cả núi tiền và mua một căn nhà ở Caymans. Hoặc anh có thể bỏ qua luận điểm này trong một thế giới chỉ chú trọng vào việc ‘tìm ra Số một.’ Nhưng Jack ạ, tôi phải nói với anh rằng anh càng tiếp cận được chân lý của ý nghĩa cuộc sống, và anh càng thấm sâu vào trí tuệ tự nhiên của mình thì chân lý sẽ càng không thể né tránh được: Một cuộc sống hoàn hảo được tạo ra khi bạn phục vụ một cách hoàn hảo. Anh càng hoàn thiện bên trong với tư cách một con người thì anh sẽ càng thấy rõ thế giới theo một hướng rất khác. Anh sẽ không vướng vào nhu cầu kiếm thật nhiều tiền để những người khác phải tôn trọng anh. Anh sẽ tập trung vào nhiệm vụ cao cả hơn của mình đến mức lòng tự trọng của anh sẽ lấn át tất cả. Tất cả chúng ta đều là những thủ lĩnh trên trái đất này – đó chính là đặc quyền của chúng ta.”
Sau đó Tess chỉ vào một câu trích được một nghệ nhân có tay nghề khắc trực tiếp lên mặt bàn của cô ấy.
“Hãy đọc câu này,” cô ấy nói. “Nó giúp tôi tập trung vào mỗi buổi sáng. Có lúc tôi đọc những lời này, và sau đó nhắm mắt lại để cảm nhận chúng đang được hút vào tim tôi. Một cách chiêm nghiệm rất hay, và nó tạo ra một ấn tượng tuyệt vời về cách tôi sống.”
Những lời ấy như sau:
“Hạnh phúc đến với bạn trong đời tương xứng với mức độ bạn giúp ích cho thế giới.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.