Ba Người Thầy Vĩ Đại
Chương 3. Khám Phá Cách Thế Giới Thật Sự Vận Hành
“Những người sống cao thượng, thậm chí nếu suốt đời họ sống ẩn dật, họ cũng sẽ không sống vô ích. Luôn có gì đó tỏa ra từ cuộc đời họ, một thứ ánh sáng soi tỏ con đường đến với bạn bè, láng giềng của họ và có lẽ tới những kỷ nguyên tương lai xa xôi.”
– Bertrand Russell
“Hãy nhớ người là ai, nàng nói. Người là một bậc thầy.”
– Aniesa Thames
***
Thời tiết đã bắt đầu sang mùa xuân, còn tôi thì đang ở Roma. Đó là một giai đoạn tuyệt vời. Tôi đã bình phục hoàn toàn sau vụ tai nạn và chưa bao giờ cảm thấy khỏe khoắn hơn thế. Tôi có ba tháng nghỉ phép và đã để căn hộ của mình cho một người bạn cũ thời đại học thuê lại và cô ấy không thể sung sướng hơn với vận may đó của mình được nữa. Tôi đã kết thúc mối quan hệ với bạn gái cũ của mình và tôi hạnh phúc nói rằng chúng tôi chia tay như những người bạn. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi cảm thấy rất ổn thỏa với cuộc sống của mình. Và tôi đã sẵn sàng cho một chuyến phiêu lưu.
Trải nghiệm của tôi với Cal chưa bao giờ rời khỏi tâm trí tôi. Kể từ cuộc gặp kỳ lạ của chúng tôi, chưa có ngày nào tôi không nghĩ về ông và sự uyên thâm của ông ít nhất vài lần. Kiến thức của ông ấy ăn sâu bén rễ trong tôi, và kể từ ngày ông ra đi, mỗi ngày qua tôi lại có thêm những am hiểu rất mới mẻ về thế giới quan độc đáo của ông. Tôi phát hiện ra rằng ông hoàn toàn xứng đáng với niềm tin của tôi: Tấm vé hạng nhất đi Roma hoàn toàn hợp pháp, và đúng như ông ấy đã hứa, mọi thứ cho chuyến đi đều đã được thu xếp vô cùng chu đáo. Cal rõ ràng đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc thay đổi con người tôi và đã rất chú ý lo cho mọi chi tiết của chuyến đi có một không hai này. Giờ đây tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương của ông dành cho tôi.
Mình không thể tin nổi – mình đang ở Roma, với thời gian dư dả, và không cần lo lắng chuyện gì hết ngoài một cái ba lô cùng vài bộ quần áo bên trong, tôi nghĩ trong khi thong thả bước dọc những đường phố hẹp trải sỏi ở khu phố cổ của thành phố. Trong không khí có mùi thơm rất dễ chịu khiến tôi mỉm cười và thư giãn trong môi trường mới mẻ này. Tôi cảm thấy như thể mình sinh ra là để có mặt ở cái nơi lạ thường này, nơi hành trình tự khám phá của tôi đang bắt đầu. Gần như thể số phận đã cuốn Cal vào cuộc đời tôi, và số phận đã dẫn tôi tới cái nơi mà tôi đang đứng lúc này. Tất cả những gì tôi có thể làm là thật sự sẵn sàng vào thời khắc này và mở rộng lòng mình trước bất cứ việc gì sắp xảy ra với tôi. Đây là một cách thức hoàn toàn khác với tôi, hoàn toàn xa lạ với lối sống cứng nhắc và luôn có kế hoạch sẵn vốn là đặc trưng của tôi trong quãng thời gian trước khi xảy ra vụ tai nạn xe hơi.
Thế nhưng, một phần trong tôi biết rằng cách thức mới mẻ này mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước đây. Cuộc sống của tôi giờ đây dường như đang dẫn dắt tôi, và tôi sẵn sàng nhận lấy những món quà và tận hưởng những điều ngạc nhiên. Cụ thể hơn nữa, mọi việc gần như thể có những bàn tay vô hình hoặc một thế lực vô hình đang hướng dẫn tôi đi vào cuộc sống cao nhất và đích thực nhất của mình. Thật sự rất khó giải thích điều này cảm nhận như thế nào vào thời khắc này của cuộc đời tôi. Nhưng tôi dám nói rằng tôi cảm thấy hoàn toàn thanh thản và cực kỳ bình yên.
Tôi đi đến chỗ hiểu rằng thế lực này, cái sức mạnh vô hình này, chính là sức mạnh của tự nhiên. Đó chính là thứ sức mạnh đã tạo ra các vì sao và những buổi hoàng hôn. Nó vận chuyển trong mọi thực thể sống và hiện diện với bất kỳ ai nhận thức được việc khám phá nó để rồi gắn mình với chính nó.
Tất cả bắt đầu với một lời cam kết gạt bỏ mọi tấm rèm mà hầu hết chúng ta đã dựng lên trước thế giới quan của mình và tìm ra chân lý. Và chân lý càng rõ rệt hơn với tôi khi tôi tiến sâu vào chính mình. Tôi tin đó chính là vai trò lãnh đạo thật sự với tư cách một con người. Nó không là gì khác hơn một cuộc tìm kiếm chân lý của cá nhân mỗi người – chân lý về những gì chúng ta trải qua trong quá khứ và những gì chúng ta có thể trở thành trong tương lai; chân lý về lý do tại sao chúng ta lại ở đây và làm thế nào chúng ta tới được nơi chúng ta đang có mặt. Khám phá chân lý và sau đó dẫn dắt cuộc sống của chúng ta theo chân lý ấy chính là những gì giúp chúng ta tự do.
Qua những trải nhiệm và bài học của riêng mình trên đường đời, tôi đã hiểu rằng lãnh đạo cuộc sống của mình cũng chính là nới lỏng việc bấu víu lấy thực tại. Tất cả chúng ta đều cần từ bỏ thói quen đã thành nghiện này để có thể biết trước được rằng cuộc sống của mình sẽ tiến triển như thế nào. Mấu chốt của vấn đề là chúng ta phát triển thành cái bản ngã mạnh mẽ nhất của mình (hoặc ít nhất cũng bắt đầu quá trình này) đúng vào thời điểm chúng ta dám từ bỏ toàn bộ sự kiểm soát mà chúng ta cứ bám rịt lấy một cách sợ sệt, và mở lòng trước mọi khả năng mà vũ trụ tuyệt vời của chúng ta đem lại. Đây là một hành động nhún nhường cao cả bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ niềm tin rằng chúng ta biết điều gì là tốt nhất cho mình. Nó đòi hỏi chúng ta nhận ra rằng những gì chúng ta nghĩ là cần thiết trong cuộc đời để làm cho chúng ta hạnh phúc có khi lại không phải là những gì chúng ta thật sự cần. Và tôi nói rằng việc nới lỏng kiểm soát này là một hành động nhún nhường cao cả bởi vì ta phải để cho cuộc sống chạy theo đúng quy luật của nó. Tôi biết ban đầu đó là một cảm giác đáng sợ, nhưng tôi nhận thấy rằng ở mặt kia của những cảm giác sợ hãi lớn nhất trong ta lại chính là vận hội tuyệt vời nhất của chúng ta.
Tôi đoán vấn đề chỉ là cần có niềm tin rằng ngay cả khi cuộc sống của chúng ta không diễn ra đúng như những kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất của chúng ta thì cuộc sống ấy cũng sẽ vẫn diễn ra suôn sẻ. Và vấn đề là hãy tin vào một thành công cao hơn, vượt xa cả phạm vi chúng ta có thể nhìn thấy hiện nay. Arthur Shopenhauer[5] gần như đã làm được điều đó khi ông nhận xét: “Mọi con người đều coi giới hạn tầm nhìn của chính mình là giới hạn của thế giới.” Nhưng có một số người không như vậy. Hãy tham gia cùng những người đó.
***
Tôi đi theo những chỉ dẫn của Cal khoảng một tiếng thì tôi đến gần một nơi được đánh dấu trên bản đồ bằng một dấu “x”. Mảnh giấy viết tay nguệch ngoạc của ông nói một cách đầy bí hiểm: “Tìm ô cửa sổ kính màu và con sẽ thấy thế giới qua những lăng kính mới.” Lúc tôi tiếp tục đi trên đường, tìm kiếm tòa nhà được đánh dấu trên bản đồ và tôi nhìn thấy thứ khiến tôi ngộp thở.
Trước mặt tôi là một giáo đường lộng lẫy, với những cánh cửa mở rộng và những khóm hồng dọc các bậc cấp. Tiếng nhạc Baroque[6] vang ra từ lối cửa chính, và những âm thanh tuyệt vời tràn ra đường phố. Các trụ cột ở phía trước giáo đường đều được ốp đá và chắc chắn rồi, đứng sừng sững kiêu hãnh ở khu trung tâm chính là ô cửa sổ kính màu đẹp nhất mà tôi từng nhìn thấy.
Tôi đứng đờ ra như kẻ mất hồn, lắng nghe tiếng nhạc và đắm chìm trong thời khắc tuyệt vời ấy. Mắt tôi bắt đầu rưng rưng lệ, tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn, và hai bàn tay tôi bắt đầu rịn mồ hôi. Cuộc sống của chúng ta, tôi nhận ra như vậy, không là gì khác hơn một chuỗi những thời khắc – nếu bạn bỏ lỡ thời khắc ấy, bạn sẽ bỏ lỡ cả đời mình. May thay, tôi đã có đủ khôn ngoan để tận hưởng cái thời khắc đặc biệt ấy, cái thời khắc mà bằng cách nào đó đã gắn kết tôi với một thứ còn lớn hơn cả bản thân mình. Cái cảm giác mà tôi có nhắc tôi nhớ rằng tôi không hề đơn độc, và rằng tôi chưa hề đi qua hết đời mình. Nó nhắc tôi về câu chuyện Dấu chân nổi tiếng của Margaret Fishback Powers[7], trong đó kể về một người đàn ông có giấc mơ rằng ông ấy nhìn thấy mình đang đi trên một bãi biển cùng với Chúa. Trên bầu trời lóe lên những khung cảnh trong chính cuộc đời của người đàn ông này, và với từng cảnh, người ấy lại nhìn thấy hai cặp dấu chân trên cát. Một cặp là của chính ông ấy còn cặp kia là của Chúa.
Đột nhiên người đàn ông nhận ra một điều rất đáng chú ý trong lúc ông ấy đang xem lại tất cả những khung cảnh đời mình: Vào thời điểm khó khăn và đau khổ nhất cuộc đời ông, ông chỉ thấy duy nhất dấu chân của mình trên cát. Người đàn ông hỏi Chúa về quan sát này, bày tỏ thái độ thất vọng của mình rằng ông ấy cảm thấy cô độc khi ông ấy cần có sự giúp đỡ nhất. Chúa trìu mến giải thích rằng trong những thời khắc đau khổ, Người dẫn đường cho người đàn ông.
Tôi đang mải nghĩ về giấc mơ rất đặc biệt đã làm thay đổi cách nhìn nhận thế giới của người đàn ông thì một giọng nói khỏe khoắn vang lên từ bên trong giáo đường: “Jack, con đã làm được rồi! Rất vui được gặp con ở đây!”
Một tu sĩ chạy vội ra đón tôi. Ông ấy mặc trang phục tôn giáo truyền thống, với một chuỗi hạt trên tay còn tay kia cầm một cuốn sách có gắn một chiếc nơ đỏ tươi. Ông thong thả bước xuống bậc cấp và dừng lại ngay trước mặt tôi, tươi cười.
“Thứ này dành cho con, Jack,” ông ấy nói trong khi trao cho tôi một cuốn sách. “Cal bảo ta rằng con sẽ đến. Tất cả chúng ta đều sẵn sàng chào đón con ở lại. Ta hy vọng con thích món quà này – nó sẽ là cuốn nhật ký để con ghi chép những hiểu biết của mình. Ghi nhật ký là một thói quen rất tốt để tự thay đổi, và ta biết rằng con sẽ có nhiều quan sát để ghi chép lại trong suốt thời gian con ở lại đây.”
“Con ở lại đây ư?”
“Đúng, anh bạn trẻ của ta. Con sẽ ở đây với ta tại giáo đường trong vòng bốn tuần tới. Ta sẽ là huấn luyện viên cuộc đời con, giúp con tiếp cận được với bản ngã cao nhất và tốt nhất của con. Ta sẽ dạy con về những điều như số phận, tính xác thực và liêm chính. Ta sẽ cho con thấy làm cách nào tiếp cận được sức mạnh đích thực của con và ta sẽ đưa con đến với tinh thần của chính mình. Chúng ta sẽ có một quãng thời gian tuyệt vời cùng nhau!” Ông ấy nói đầy nhiệt thành.
“Cảm ơn cha – nhưng nói thật, con chưa thật sự là một người theo đạo,” tôi nói rất thành thực.
“Những gì ta phải dạy con chẳng liên quan gì đến tôn giáo. Là một con người tâm linh thật ra chính là làm một con người đích thực. Đó chính là sống theo những giá trị riêng cao quý nhất của con, sống thật theo cách con sống, và nhìn nhận thế giới theo một cách thức giác ngộ và tiến hóa hơn.”
“Vâng, con hoàn toàn sẵn sàng,” tôi đáp, đặt hành lý xuống đất và uống một ngụm nước trong chai nước của mình. “Con sẵn sàng cho những thay đổi của cuộc đời mình hơn lúc nào hết.”
“Tuyệt vời. Cal đã đề nghị ta thu xếp mọi thứ cho con, và ta rất vui được làm điều đó. Ta sẽ dạy con về ý nghĩa của cuộc sống. Ta sẽ giải thích chính xác cách đánh thức những tài năng cao nhất của con, cách tiếp cận tri thức sâu thẳm nhất của con, và cách để lại một di sản. Về cơ bản, ta sẽ cho con thấy cách sống với tri thức là như thế nào – cách sống một cuộc sống khôn ngoan.”
“Đây là câu đầu tiên trong những Câu hỏi Cuối cùng,” tôi nhận xét, và nhớ lại ba câu hỏi quan trọng của cuộc đời mà Cal đã giải thích với tôi trong buổi tối đáng nhớ của chúng tôi ở bệnh viện.
“Đúng vậy. Ta sẽ cố gắng để khi đến lúc con tự hỏi mình ‘Ta đã sống một cách khôn ngoan chưa?’ thì câu trả lời của con sẽ phải là ‘Chắc chắn là như vậy!’ Ta muốn con sống khôn ngoan đến mức con sẽ ra đi thật hạnh phúc. Chào mừng con tới Roma!” Ông ấy nói với tất cả tình cảm và sự nhiệt thành của một ngôi sao opera Italia. “Thứ lỗi cho ta chưa giới thiệu bản thân – ta là Đức cha Michael Antonio Di Franco. Bạn bè gọi ta là Cha Mike,” ông nói kèm theo một cái nháy mắt.
“Con rất vui được gặp Cha, thưa Cha Mike. Con rất biết ơn về sự đón tiếp nồng hậu của Cha,” tôi nói một cách chân thành, cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi được làm quen với người đàn ông nhỏ bé có gương mặt tròn trĩnh và mái tóc chải mượt về phía sau này. “Cha cũng biết ông Cal ư?”
“Ồ, phải rồi. Cha của con là một người đàn ông tuyệt vời, Jack ạ. Một con người rất đặc biệt ở nhiều khía cạnh. Ông ấy kể cho ta nghe mọi chuyện về con. Cho dù lúc này con đã thành một người đàn ông trưởng thành, con trông vẫn y như lúc còn là một cậu bé trong bức ảnh ông ấy thường mang theo bên mình. Đó là lý do tại sao ta dễ dàng nhận ra con ngày hôm nay.”
“Con vẫn thấy không thể tin được rằng ông Cal chính là cha đẻ của con. Cha có biết tại sao ông ấy lại rời bỏ mẹ con và con không? Tại sao ông ấy không hề tìm cách liên lạc với con? Nếu người đó là cha của con, Cha có nghĩ lẽ ra ông ấy nên đi tìm con không,” tôi nói với cơn giận dâng lên trong lòng. “Mọi người cha đều không bao giờ quên con cái của mình.”
“Ta không biết nhiều về lý do khiến cha mẹ con chia tay. Tất cả những gì ông ấy kể cho ta là ông ấy và mẹ con chia lìa đôi ngả sau khi công việc của ông ấy rơi vào giai đoạn khó khăn. Ta nghĩ rằng cha của con bắt đầu hướng nội sau khi ông ấy thất thế, và từ đó cách ông ấy trải nghiệm thế giới bắt đầu thay đổi. Ta nghĩ đến một lúc cả hai người bọn họ nhận ra rằng họ đang đi theo những hướng khác nhau như những người dưng. Cal kể với ta rằng ông ấy vẫn yêu mẹ con, nhưng ta đoán rằng họ đều biết mình không thể bước cùng trên một con đường nữa. Ta không thể hình dung nổi điều đó đau đớn với con đến mức nào, Jack ạ. Nhưng con cần biết rằng cha của con là một người đàn ông đáng kính. Ông ấy thật sự rất quan tâm đến mọi người – và ông ấy quan tâm nhiều nhất đến con.”
“Cảm ơn Cha đã nói với con điều đó,” tôi đáp khẽ. Khi còn nhỏ, tôi đã nhiều đêm mất ngủ tự hỏi về người cha của mình. Ông ấy không có mặt trong các buổi hòa nhạc Giáng Sinh của tôi, những buổi tôi trình diễn ở trường, và những trận đấu bóng của tôi… Tôi cảm thấy một chút an ủi khi biết rằng ông ấy thật sự yêu thương tôi.
“Cha của con đặt cho ta biệt danh ‘Vị thánh’ vì ta dành cả đời mình sống theo một cách thức cao quý, khôn ngoan và chân thực. Ông ấy biết ta từ rất nhiều năm trước khi học được những bài học mà con sẽ sớm biết. Cal là một triết gia theo đúng nghĩa đích thực nhất của từ này. Ông ấy ham học và rất chuyên tâm làm cho mình thêm uyên thâm. Và như ta đề cập, đó chính là điều tốt đẹp nhất mà một con người có thể làm. Con có biết rằng ông ấy đã thực hiện một hành trình mà lúc này con đang bắt đầu không? Hổ phụ sinh hổ tử,” ông ấy cười. “Nhân tiện, ta rất vui vì cuối cùng con đã ở đây.”
“Con cũng rất vui được đến đây, thưa Cha. Nhưng nói thật, con không chắc lắm về toàn bộ chuyện này. Thật lòng thì con phải thừa nhận rằng con cảm thấy lo lắng. Có quá nhiều việc diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.”
“Ta hiểu, Jack. Ta hoàn toàn hiểu con. Con sắp học những điều mới mẻ, cho nên những e ngại của con bắt đầu xuất hiện, dưới tâm lý lo lắng và không chắc chắn, đó cũng là điều tự nhiên. Nhưng con phải tin – rốt cuộc, tất cả những chuyện này không phải là tin tưởng ư? Hãy tin rằng Cal xuất hiện khi con cần gặp ông ấy nhất. Hãy tin rằng con và ta gắn kết với nhau vì một lý do đặc biệt. Hãy tin rằng không có nơi nào tốt cho con hơn là nơi con đang có mặt lúc này. Và hãy tin rằng sau bốn tuần ở đây với ta, con sẽ có một cách nghĩ và sống hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới chỉ trong khoảnh khắc. Một thay đổi duy nhất diễn ra trong một giây ngắn ngủi có khi chính là tất cả những gì cần để đánh thức một thực tại mới mẻ cho con.”
“Vậy Cha là một trong những người thầy vĩ đại mà cha con nói đến ư?” Tôi hỏi trong khi ông ấy vòng tay qua người tôi và dẫn tôi bước lên những bậc cấp của giáo đường.
“Phải, hoàn toàn đúng. Cha của con thật sự là một người tuyệt vời. Ta biết ông ấy đã phạm sai lầm trong đời, chẳng hạn như việc không tìm gặp con và cho con thấy tình yêu của ông ấy, nhưng ta chưa từng gặp một người nào hoàn hảo như vậy. Điều kiện của một con người là không hoàn hảo, nhưng ta đã hiểu rằng chúng ta thực sự hoàn hảo trong sự không hoàn hảo của mình. Nếu không có những điểm yếu thì chúng ta chẳng còn gì để cố gắng. Như những người theo thuyết thần bí từng nói: ‘Con đường chẳng còn giá trị khi ngươi đến đích.’ Đặc điểm kém-lý-tưởng của chúng ta thực tế chính là những kho báu quý giá giúp mở ra những cửa ngõ để trở thành những mẫu người cao hơn so với chúng ta hiện nay.”
Luận điểm cuối cùng này khiến tôi chú ý. Liệu Cha Mike có đúng không? Tôi nghĩ về hành trình cuộc đời mình – những thử thách tôi phải đối mặt thời niên thiếu và những va vấp tôi gặp trong suốt chặng đường; cả chuỗi những mối quan hệ bất thành của tôi; và sự thật là, cho dù tôi cố gắng đến đâu thì dường như tôi vẫn không tài nào tìm được công việc phù hợp với con người mình. Có lẽ toàn bộ tình trạng không hoàn hảo này trong cuộc đời tôi lại hoàn hảo – mọi thứ diễn ra chính xác như nó phải vậy, và có một kế hoạch lớn hơn nào đó mà tôi không hề biết. Và có lẽ tất cả những điểm không hoàn hảo của tôi với tư cách một con người lại chính là những cơ hội để tôi trưởng thành. Những ý nghĩ này làm tôi thư giãn và mang lại cho tôi cảm giác nhẹ nhõm ngay lập tức.
“Sự không hoàn hảo đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta,” Cha Mike tiếp tục. “Nó trao cho chúng ta một nhiệm vụ trung tâm: Thực hiện hành trình ngược trở lại cái bản ngã nguyên sơ và lý tưởng như khi chúng ta mới chào đời, và khai phá con người đích thực của chúng ta. Nếu không vì những nhược điểm rất con người của chúng ta thì sẽ chẳng có nhiệm vụ nội tâm để làm cho chính mình. Và chính nhiệm vụ nội tâm này nối kết chúng ta trở lại với tầm vóc lớn lao của riêng chúng ta. Con biết đấy, Jack, để có được nhiều hơn những gì con mong muốn trong cuộc đời mình, trước hết con phải vượt xa cái con người thật sự của mình. Để thành công, thật sự không chỉ là làm việc nhiều hơn nữa, mà là sống hơn nữa.”
“Con hoàn toàn đồng ý chuyện đó. Con thấy vô cùng mệt mỏi khi cảm thấy rằng, cho dù con có làm việc nhiều đến đâu và cho dù con có thu thập được bao nhiêu trò vui thì vẫn chẳng bao giờ là đủ.”
Cha Mike dường như không hề ngạc nhiên trước cảm xúc của tôi. “Con không hài lòng với cuộc sống trước đây của mình, phải vậy không?”
“Vâng, hoàn toàn không,” tôi đáp. “Thực tế, con còn thấy ghét nó. Dường như con chẳng bao giờ có được niềm vui. Mọi thứ đều hết sức nghiêm trọng và đơn điệu. Lạy Chúa, con chưa bao giờ nghĩ cuộc sống lại nhọc nhằn như vậy, xin thú thực với cha như vậy.”
“Chà, vậy thì, để có một cuộc sống mới, trước hết con phải suy nghĩ, cảm nhận và hành động như một con người mới. Trong cuộc đời, rốt cuộc chúng ta không thật sự có được những gì mình muốn, chúng ta có được những gì dành cho ta. Có được những điều mới mẻ trong cuộc đời con, chẳng hạn một mối quan hệ mới, những mức độ thú vị mới, và những trải nghiệm mới, con phải bắt đầu làm những việc mới.”
“Chẳng hạn như?”
“Chẳng hạn như thật sự biết rõ những điểm yếu của mình. Đó là một điểm khởi đầu quan trọng; thực tế, đó chính là nơi ta bắt đầu. Khắc phục những điểm yếu của con là một trong những lý do cơ bản để chúng ta ở đây. Mục đích cuộc sống của chúng ta, bằng nhiều cách, chính là chấp nhận phần tăm tối của mình để chúng ta có thể sống bằng phần tươi sáng. Tất cả chúng ta đều có những điểm mù – chúng ta cần thừa nhận chúng và mang chúng ra ánh sáng nhận thức, nơi chúng sẽ được khắc phục. Và chúng ta cần định hình lại những niềm tin sai lệch của mình và vượt qua những cảm xúc bị hạn chế của mình. Nực cười là, trong quá trình tiến tới, về cơ bản chúng ta lại thụt lùi – lùi trở lại thành những sinh vật đẹp đẽ và hoàn hảo như lúc chúng ta sinh ra.”
Cha Mike nhìn quanh giáo đường và mỉm cười. “Ta từng là một kẻ rất tầm thường,” ông ấy thừa nhận. “Ta thật sự không quan tâm đến bất kỳ ai ngoài bản thân mình lúc ta còn trẻ. Trong mối quan hệ của ta với những người khác, tất cả những gì ta chú trọng là những gì ta nhận được từ họ. Rồi đến một ngày, khi ta đang học tập tại Pháp, ta nhận được một cú điện thoại thông báo rằng em trai của ta vừa bị giết trong một vụ nổ súng tại hộp đêm. Sự kiện đó đã tàn phá ta và làm thay đổi mọi thứ. Ta bắt đầu cầu xin được chỉ dẫn và có được lòng can đảm để vượt qua quãng đời đó. Đã có những lúc căng thẳng đến mức ta nghĩ đến chuyện tước bỏ mạng sống của mình. Nhưng ta càng cầu xin, ta càng nhận ra rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa và rằng ta rất cần cho thế giới này. Cuối cùng, ta bắt đầu nghiên cứu thần học và rồi có mặt ở đây với tư cách một tu sĩ. Và giờ đây, trong các mối quan hệ của mình, ta không nghĩ đến những gì ta sẽ được từ ai đó nữa. Thay vào đó, tất cả những gì ta quan tâm là những gì ta có thể cho đi. Và điều đó, anh bạn của ta ạ, làm cho ta trở thành một con người rất hạnh phúc.”
Ông ngừng lại và sau đó lại nói to: “Chào mừng con đến Roma!”
Tôi không thể không phá lên cười trước cách ứng xử có phần kỳ cục của ông.
“Jack, để ta nói với con một chuyện: Những gì con không thừa nhận về bản thân lại thừa nhận chính con đấy,” Cha Mike tiếp tục trong lúc chúng tôi bước vào sảnh chính của giáo đường.
“Con không hiểu.”
“Đúng như vậy. Nếu con không thừa nhận cái phần trong con vốn luôn cảm thấy rằng con sẽ chẳng bao giờ đủ tốt, lấy một ví dụ phổ biến khác, thì nó sẽ thừa nhận chính con. Nếu con không thừa nhận một phần trong mình vốn không tin tưởng vào những người khác, thì nó sẽ nắm bắt chính con và điều khiển – rồi sau đó hủy hoại – cuộc đời con bằng nhiều cách. Điều này phải cho đến khi ta nhận ra thói ích kỷ của mình lúc còn trẻ thì ta mới bắt đầu thay đổi.”
“Điều đó rất có ý nghĩa. Con đang băn khoăn tại sao từ trước đến nay con chẳng bao giờ hiểu được chuyện này. Con đoán mình quá bận rộn với những điều tầm thường của cuộc sống đến mức con bỏ lỡ mất bức tranh lớn hơn,” tôi nói với vẻ suy tư.
“Đó là điều rất thường tình. Nhiều người trên thế giới đang mê ngủ với chính cuộc đời họ và với cả điều kỳ diệu này, nhưng giờ con đã sẵn sàng đi bước tiếp theo. Trước đây con chưa sẵn sàng cho bước này, nên nó chẳng hề xuất hiện. Nhưng giờ đây, đã đến lúc tiếp cận cái vĩ đại của chính con và sẵn sàng cho cuộc sống tuyệt vời nhất của con. Cuộc đời của con sẽ không dẫn dắt con đến đây nếu như con chưa chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ điều gì.”
“Con đồng ý.”
“Tốt lắm. Nhân tiện, hầu hết mọi người đều phủ nhận và né tránh việc gắn kết với cái bản ngã tăm tối không được thừa nhận của mình. Những con người khôn ngoan biết rõ những phần này hơn cả những phần họ trưng ra với đời. Chỉ khi con hiểu được nguyên tắc then chốt này thì con mới có thể tìm thấy sự bình yên bên trong và lạc thú bên ngoài mà con xứng đáng được hưởng. Bởi vì chỉ khi con biết và sau đó chấp nhận tất cả cái bản ngã của mình thì con mới thực sự yêu chính mình. Và không biết yêu chính mình thì không thể có bình yên; và không có bình yên thì không có lạc thú. Nghịch lý thay, con càng khám phá phần trong sáng của mình với tư cách một con người và để nó tỏa sáng ra thế giới này thì những phần tầm thường mà con muốn che giấu khỏi chính mình lại càng bắt đầu bộc lộ ra.”
“Điều đó rất đúng,” tôi đáp. “Con đã thấy điều đó xảy ra trong các mối quan hệ thân thiết của mình. Chẳng hạn, con đã yêu và dành hết tình cảm của mình vào đó. Con biết quan tâm và sôi nổi hơn trước, nhưng sau đó thì những chuyện không đâu vào đâu cũng bắt đầu xuất hiện. Nói thật là chuyện này xảy ra trong mối quan hệ cuối cùng của con. Con cảm thấy yêu Jane hơn mức con từng nghĩ mình có thể như vậy. Một phần kỳ lạ trong con sống cùng cô ấy: Chúng con khiêu vũ hàng giờ trong bếp của cô ấy và cùng nhau hát dưới ánh trăng. Chúng con kể cho nhau nghe những bí mật sâu kín nhất của mình cho đến tận khuya, và chúng con ủng hộ những ước mơ của nhau theo một cách mà con chưa bao giờ nghĩ có thể như vậy. Nhưng mọi chuyện không tốt đẹp mãi, vì một lý do nào đó những đặc điểm tồi tệ nhất trong con lại xuất hiện, và mọi chuyện thành rối beng. Con đoán chính vì con cảm thấy quá an toàn với cô ấy. Và khi chúng ta cảm thấy an toàn, dường như cái bản ngã đích thực của chúng ta mới xuyên qua lớp áo giáp xã hội mà hầu hết chúng ta đã tạo dựng để trông sao cho ổn thỏa trước thế giới này.”
“Hoàn toàn đúng, Jack ạ. Những gì con vừa nhận ra rất sâu sắc và ta chỉ muốn nói thêm rằng: Nếu con tìm hiểu cách vận hành của tự nhiên, con sẽ biết cuộc sống vận hành như thế nào. Những quy luật điều khiển tự nhiên chính là những quy luật vận hành cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, con đã bao giờ nhận thấy rằng lúc mặt trời chiếu sáng nhất cũng chính là lúc bóng của chúng ta xuất hiện lớn nhất chưa?”
“Đúng như vậy,” tôi đáp.
“Chà, điều đó đúng với chúng ta với tư cách là những con người.”
“Ẩn dụ rất tuyệt vời, thưa Cha Mike,” tôi tán thưởng.
“Khi chúng ta chưa thay đổi bên trong chính mình, ta rất dễ tin rằng mình tiến hóa rất cao và đang phát huy tối đa bản thân. Khi chuyện gì đó tiêu cực xảy ra, chúng ta nghĩ đó là lỗi của người khác. Nhưng thực ra đó là vì tất cả những niềm tin hạn hẹp, những giả định sai lầm và hành trang tình cảm vẫn giữ cho chúng ta thật tầm thường đều được giấu kín ở một nơi tăm tối sâu thẳm bên trong chúng ta. Chúng ta thậm chí không biết nó nằm ở đó, điều khiển cuộc sống của chúng ta và phá hỏng những ước mơ của chúng ta. Chúng ta bắt đầu tin rằng chúng ta rất lý tưởng về nhiều phương diện. Chúng ta tự huyễn hoặc bản thân để chúng ta không phải đối diện với những yếu kém của mình và nỗ lực tin vào điều đó. Rất cần có sức mạnh nội tại thật lớn để thâm nhập sâu vào cái phần tăm tối vẫn làm cho chúng ta tầm thường trong cuộc đời. Rất cần sức mạnh nội tại thật lớn để có cái nhìn nghiêm túc về cách chúng ta đang sống và thực hiện những chỉnh đốn giúp đưa chúng ta trở lại đúng quỹ đạo.”
“Bằng cách nào ạ?”
“Việc nhìn nhận những nhược điểm rất con người của chúng ta sẽ kích thích nhận thức rằng chúng ta phải thay đổi, và con người luôn có bản năng cưỡng lại sự thay đổi. Thực tế, trong não bộ chúng ta hằn sâu ý nghĩ muốn chúng ta duy trì những nề nếp của mình. Khoa học đã chứng minh rằng não chúng ta có một bộ phận rất cổ xưa được biết đến như là hạch hạnh nhân (amygdala) vốn luôn chuộng nề nếp và không thích bất kỳ thay đổi cá nhân nào. Nó chẳng tìm kiếm gì ngoài sự an toàn và kiểm soát bất biến. Xu hướng này có ích cho tổ tiên tối cổ của chúng ta và giúp họ tồn tại ở thời nguyên thủy, nhưng nó không còn giúp ích cho ta trong thế giới hiện nay nữa.”
“Vậy làm cách nào chúng ta khắc phục được xu hướng của phần não bộ này?” Tôi hỏi đầy tò mò.
“Ta gợi ý rằng, trên cơ sở mỗi ngày, con hãy đặt ra cho mình một ý định thực hiện những thay đổi một cách có chủ ý. Ta đã học được từ chính cuộc đời mình rằng những ý định của ta định hình thực tiễn của ta. Hãy dạy cho não của con rằng thay đổi là tốt và hãy kiên trì một con đường mà không ai khác đi theo, xét theo cách con thể hiện với tư cách một con người.”
Nói đến đây, Cha Mike làm một việc khiến tôi giật mình, và sau đó là thích thú. Ông bắt đầu chạy qua những dãy ghế trống trong đại sảnh nơi chúng tôi đang đứng và biến vào trong một gian phòng nhỏ ở mé bên. Chuyện tiếp theo mà tôi biết là ca khúc kinh điển My Way (Con đường của tôi) của Frank Sinatra[8] vang lên, và Cha Mike khiêu vũ đầy hạnh phúc với hai mắt nhắm lại. Tôi chỉ biết đứng nhìn người đàn ông này, không dám chắc chuyện gì thật sự đang diễn ra.
Khi bài hát kết thúc, Cha Mike mở mắt. “Ta từng rất ngại khiêu vũ,” ông nói. “Nhưng bây giờ ta mê nó! Nó giúp ta giữ cho trái tim mình rộng mở. Những gì ta vừa làm là chấp nhận một rủi ro, Jack ạ. Ta từng sợ khiêu vũ trước mặt người khác, còn giờ ta biến nó thành một cách để đương đầu với tâm lý sợ sệt của mình và xua đuổi những con quỷ trong ta.”
“Thật thú vị,” tôi chỉ có thể thốt ra như vậy.
“Ta liên tục tìm cách đặt ta vào những tình huống thách thức để buộc ta phải khắc phục những cảm giác sợ hãi lớn nhất của mình. Chiến lược này có tác dụng kỳ lạ. Nhân tiện, con nghĩ sao về các động tác khiêu vũ của ta?” ông hỏi với nụ cười rạng rỡ. “Liệu ta đã sẵn sàng cho chương trình MTV chưa?”
“Chưa hẳn,” tôi bật cười.
“Toàn bộ những gì ta gợi ý là con hãy toàn tâm toàn ý thực hiện việc tự khám phá liên tục và không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là cách duy nhất để khai phá trọn vẹn phần tốt trong con, ta có thể nói như vậy. Đúng như Erich Eromm[9] từng nói: ‘Nhiệm vụ chính của con người trong cuộc đời là sinh ra chính mình, trở thành thứ mà mình có tiềm năng như vậy.’ Và khi con làm điều đó, cách nhìn nhận thực tiễn tươi đẹp nhất mà con có thể có được bắt đầu mở ra cho con. Điều này là chắc chắn.”
“Nhân tiện, cha con thường nói đến con với tất cả tình yêu thương khi ông ấy ở đây. Cho nên ta biết rõ vài điều về con.”
“Chẳng hạn chuyện gì ạ?”
“Ta biết rằng con thích bơi lội khi còn bé. Ta biết rằng con có những giấc mơ lớn khi con còn trẻ. Và ta biết rằng con thích sô-cô-la,” ông nói trong khi móc từ trong túi ra một thanh kẹo. “Đây, cắn một miếng đi,” ông giục.
“Có vị ngọt đắng,” tôi nói khi chúng tôi đi qua giáo đường lộng lẫy.
“Phải, cũng như cuộc sống vậy. Con thấy đấy, Jack, cuộc sống có cao và thấp. Hầu hết chúng ta đều mắc kẹt trong tấn kịch của nó. Khi mọi chuyện suôn sẻ, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Khi mọi chuyện không đâu vào đâu, chúng ta cảm thấy buồn chán. Đó là một cách sống rất yếu đuối. Con sẽ chẳng khác gì một khúc củi trôi nổi theo sóng. Con thay đổi theo dòng nước: Lúc này con đang di chuyển theo một hướng, sau đó con lại di chuyển theo một hướng khác. Cách thực hiện cuộc chơi khôn ngoan hơn hẳn là gạt bỏ mọi đánh giá. Hãy ngừng quy định thế này thế khác cho những trải nghiệm cuộc đời mà hãy đơn giản là chấp nhận chúng mà không cần phản kháng. Bước tiếp theo là hiểu rằng cuộc sống không là gì khác hơn một trường học dạy ta trưởng thành, và mọi thứ xảy ra với con đều tuyệt vời.”
“Mọi thứ ư? Hơi khó chấp nhận được rằng cái chết của một người thân yêu hoặc mất đi một mối quan hệ mang đến hạnh phúc lớn lao lại là một chuyện tuyệt vời.”
“Chỉ có những suy nghĩ hạn hẹp của con người mới khiến cho một việc trở thành đúng hoặc sai,” Cha Mike đáp lại. “Một sự kiện trong cuộc đời chúng ta về bản chất không hề đúng hay sai – nó đơn giản là như vậy. Nhưng do con người chúng ta có xu hướng kiểm soát mọi thứ, nên chúng ta cứ đi quy định đúng sai cho nó.”
“Hoặc là tốt hoặc là xấu,” tôi nói xen vào.
“Phải. Nhưng thực sự không hề có những chuyện tốt, cũng chẳng hề có sự kiện nào xấu khi con thật sự hiểu sâu sắc về cách vận hành của thế giới. Mọi thứ xảy ra với con đơn giản là một cơ hội để trưởng thành và khắc phục cái phần trong con vốn rất cần khắc phục. Người khôn ngoan hiểu điều này và sau đó nắm bắt lấy những cơ hội ấy để trưởng thành, hơn nữa thành con người đích thực của họ. Và đó là lý do tại sao ta nói rằng cuộc sống là một trường học dạy trưởng thành.”
Tôi băn khoăn về quan niệm này, vẫn chưa dám chắc với toàn bộ khái niệm ấy. Liệu có đúng cuộc sống của chúng ta trên thực tế được thiết kế vì mục đích này không?
Cha Mike tiếp tục. “Hằng ngày, khi con bước ra thế giới, con thật sự đến trường. Và cũng như trong một trường học truyền thống, có một chương trình giảng dạy với những môn học khác nhau cung cấp những bài học khác nhau. Một khi con vượt qua một môn bằng cách học lấy bài học của nó, con tiếp tục sang môn mới.”
“Và nếu con không tiếp thu được bài học?”
“À, khi đó con phải học lại – dĩ nhiên,” ông nói rất nghiêm túc. “Như thế gọi là phục hồi. Mọi trải nghiệm giao cắt với cuộc đời con đều xảy đến với con để dạy con bài học con cần nhất để học cách vươn tới nấc tiếp theo của cuộc đời mình. Khi trò sẵn sàng, thầy sẽ xuất hiện.”
“Ông Cal có nói với con như vậy,” tôi nói khẽ, cảm thấy một nỗi buồn dâng lên do mất đi người cha mà tôi chỉ vừa kịp biết.
“Chính ta là người đã nói với ông ấy điều đó,” Cha Mike đáp lại với một nụ cười. “Nếu con hiểu quá trình này và nhận ra cơ hội có được một bài học trong mọi tình huống, con có thể chuyển sang môn tiếp theo. Và khi con rời khỏi môn cũ, con cũng sẽ rời khỏi cuộc sống cũ của mình vì, thật thú vị, một khi con đã có được bài học mình cần, loại người hoặc tình huống mà bài học đó có liên quan đến sẽ chẳng bao giờ trở lại với con lần nữa. Chuyện này gần như thể chúng ta lột bỏ lớp da cũ mỗi lần chúng ta có được một bài học mới, vượt qua một môn học mới, và tiếp tục đi tới những phần tiếp theo cao hơn trên chặng đường đời của mình.”
“Thật là một sự bố trí tuyệt vời, cái cách mọi thứ vận hành ấy ạ,” tôi nhận xét.
“Chính thế. Nhưng nếu con không chấp nhận bài học mà trải nghiệm mang đến thì có thể nói đó là vì con đổ lỗi cho người khác có liên quan vì bất kỳ điều gì xảy ra, và đã không thấy được phần tri thức mà con có số được học, tình huống ấy sẽ tiếp tục lặp lại hoặc tái hiện trong cuộc đời con cho tới khi con hiểu được nó. Và con càng bỏ lỡ nhiều bài học được đặt ra thì mỗi sự kiện mang theo những bài học ấy càng trở nên đau đớn với con cho tới khi con chịu đau khổ đến mức lựa chọn duy nhất của con là tiếp nhận nó.”
“Tuyệt vời – cách vận hành của thế giới quả là phi thường hơn so với con từng hình dung,” tôi nói đầy phấn khích, cảm thấy thoải mái hơn với triết lý cuộc sống khác thường mà tôi đang được tiếp cận này.
“Phải, Jack, đúng như vậy. Những quy luật tự nhiên điều khiển mọi thứ này sẽ chẳng bao giờ làm chúng ta hết ngạc nhiên. Những gì ta đang nói đây là thế này: Thực tại hiện nay của con chẳng là gì khác hơn một sự phản chiếu hoàn toàn những bài học mà con cần học nhất.”
“Đúng là một nhận định rất mạnh mẽ, thưa Cha Mike. Mang tính cách mạng, thật sự là như vậy.”
“Phải. Và vì con học được thêm nhiều từ những gì không như ý hơn là từ những gì như ý trong cuộc đời nên toàn bộ những điều không như ý chính là một món quà. Milton Erickson[10] từng viết: ‘Cuộc sống sẽ chỉ mang tới cho bạn đau đớn. Trách nhiệm của bạn là tạo ra niềm vui.’ Vì con khám phá được nhiều về bản thân qua thất bại hơn là qua thành công nên hãy để thất bại là một người bạn mà con trân trọng và học hỏi. Hãy tạo ra niềm vui từ thất bại.”
“Cha nói ‘hãy để thất bại là một người bạn’ nghĩa là sao ạ?”
“Chậc, mọi điều con thấy ghét liên quan đến cuộc đời mình, mọi điều khiến con khó chịu, và mọi điều làm cho con căng thẳng đều là một người thầy rất quan trọng. Những điều ‘điểm trúng huyệt’ của con đều cho con những đầu mối tốt nhất về những gì cần để trưởng thành và tiến hóa ngay trong chính con. Những điều con không thích liên quan đến cuộc đời mình – những khó chịu và căng thẳng của con – đều không là gì khác hơn những phương tiện mang tới những bài học con cần học để vượt qua môn học con đang theo đuổi và tiếp tục môn mới.”
“Làm như vậy, con sẽ tiến sang phần tiếp theo của cuộc đời mình ư?”
“Chính xác.”
“Vậy tất cả những điều con không thích về cuộc đời mình thực tế lại là những người bạn tốt nhất và những người thầy vĩ đại nhất của con bởi vì chúng giúp con đi tới cái đích của mình – cuộc sống lý tưởng của con,” tôi tổng kết lại.
“Và cái bản ngã cao nhất của con. Ta sẽ nói thêm về toàn bộ chuyện này sau, nhưng bây giờ, con chỉ cần biết rằng cuộc sống là một trường học dạy trưởng thành rất phi thường và mọi thứ xảy đến với con đều rất thiêng liêng. Đó là một sự sắp xếp kỳ diệu, thật sự như vậy, cái cách vũ trụ thông minh này của chúng ta vận hành ấy,” Cha Mike nhận xét.
Ông ngừng lại và nhìn sâu vào mắt tôi. “Con có câu hỏi nào không?”
“Chà, con thích một vài ví dụ về quá trình tái hiện. Con nghĩ điều này sẽ giúp con nhận ra quá trình khi nó xảy đến trong cuộc đời con.”
“Chắc chắn rồi. Nếu bài học con cần học nhất ở một giai đoạn nhất định trong cuộc đời là sự chấp nhận, con có thể thấy rằng có vô số những người khiến con phát khùng xuất hiện trong đời con. Hoặc, nếu bài học của con là bớt kiểm soát, con có thể thấy rất nhiều kẻ thích kiểm soát xuất hiện hằng ngày. Điều này nhắc ta nhớ đến những gì Đức Phật nói từ nhiều năm trước: ‘Hãy hình dung rằng mọi con người trên thế giới này đều đã thức ngộ trừ ngươi. Họ đều là thầy của ngươi, mỗi người sẽ làm đúng những điều giúp ngươi học nhẫn, trí huệ và vị tha.”
“Quả là những lời siêu phàm – nhưng con ngạc nhiên là một giáo sĩ lại trích dẫn lời Đức Phật,” tôi nói.
“Chà, Jack, cuối cùng thì cuộc tìm kiếm của con cũng chỉ là tìm kiếm chân lý. Và tất cả mọi tôn giáo lớn của thế giới đều nói đến cùng một chân lý. Cho nên nếu Đức Phật đạt tới một tri thức giá trị để cho ta chia sẻ thì ta cảm thấy buộc phải chia sẻ điều đó với con thôi.”
“Cha trả lời thật hay,” tôi dí dỏm đáp, vỗ tay bắt chước một người dẫn chương trình trò chơi truyền hình.
“Trở lại với quy trình tái hiện,” Cha Mike nói trong lúc bắt đầu sắp xếp một bó hoa rực rỡ đã được đặt trên một chiếc bàn nhỏ ở phía trước gian phòng chúng tôi đang có mặt. “Nếu con không đủ nhận thức để biết rằng đây là những gì đang xảy ra và phủ nhận trách nhiệm cá nhân về vai trò của chính con trong các kịch bản con đang được tham dự trong cuộc đời mình thì khi đó những loại người như vậy – hoặc ta nên nói là những thầy giáo này – sẽ tiếp tục xuất hiện trong cuộc đời con. Họ sẽ tiếp tục tái hiện, và bằng những cách thức đau đớn hơn nhiều, cho tới khi con hiểu ra vai trò của mình và cơ hội của mình để tiến bộ lên trong mỗi tương tác.”
“Vậy phải cho tới khi con đảm nhận trách nhiệm thật sự nào đó trong mọi trường hợp của cuộc đời mình thì con mới có thể trưởng thành và cuộc sống của con mới có thể cải thiện. Có phải thông điệp thật sự là vậy không ạ?”
“Phải. Và khi đó – đây là phần rất thú vị – những loại người và tình huống ấy sẽ thôi không xuất hiện trong cuộc đời con nữa.”
“Tuyệt vời. Cực kỳ tuyệt vời.”
“Chà, ta phải thừa nhận rằng thực tế không trắng đen rõ ràng như thế. Một khi con tiếp thu bài học, một vài điều có thể xảy ra. Những loại người này có thể thôi xuất hiện với tần suất trước đây bởi vì họ đến với con như những thầy giáo và giờ công việc của họ đã hoàn thành.”
“Vâng. Khả năng nữa là gì ạ?”
“Cách hành xử của những người này có thể thay đổi mạnh, và rất bất ngờ, họ sẽ trở thành những con người tốt bụng nhất, đáng yêu nhất mà con từng gặp.”
“Làm thế nào họ có thể thay đổi ngay lập tức như vậy ạ?”
“Một cách giải thích là, khi thay đổi từ chỗ trách cứ họ, như đa số chúng ta có xu hướng làm vậy trong những tình huống như thế, sang hoàn thiện bản thân và dọn sạch những chướng ngại cần dọn dẹp bên trong con, con đã tạo ra một không gian cho họ trở thành những bản ngã tốt nhất của họ trong những tình huống trước kia khiến họ tỏ ra khó khăn. Con người căn bản đều tốt đẹp, con biết đấy. Và nếu con dành cho họ tình cảm nhân ái và hiểu biết vô điều kiện thay vì công kích và trách móc, họ không thể không đáp lại bằng những cách thức cao cả và giác ngộ hơn so với họ vẫn thường làm. Khi gặp tình yêu thương đích thực và sự quan tâm sâu sắc, không con người nào có thể dửng dưng. Bóng tối đều biến mất khi ra ánh sáng. Một cách giải thích khác là thế này: Chúng ta khiêu vũ với từng người và với tất cả những người quan trọng với chúng ta trong cuộc đời mình.”
“Ôi, lại khiêu vũ nữa rồi,” tôi nói và bật cười.
“Lần này khác. Đây là điệu nhảy của mối quan hệ và chúng ta đều phải thực hiện. Con có thể vẽ một biểu đồ của điệu nhảy mà con thực hiện với từng nhân vật quan trọng trong cuộc đời con nếu con muốn thật sự hiểu rõ nó. Lấy ví dụ rằng người phụ nữ con hẹn hò bảo con dọn sạch đĩa bát sau khi các con ăn tối. Điều này có thể khơi dậy điệu nhảy. Phản ứng của con có thể là cảm thấy bị cô ấy kiểm soát hoặc thấy khó chịu. Sau đó cô ấy nhận ra mình đã quá đà, cho nên bước nhảy của cô ấy có thể là cảm thấy có lỗi và xấu hổ vì đã làm tổn thương con, điều cô ấy xem như là sự giận dữ. Và cứ như vậy – hai con thực hiện một điệu nhảy rất tinh tế với lần lượt từng bước phản ứng tiếp liền nhau mà các con thậm chí không hề nhận ra. Mỗi người các con lại nhấn những cái nút của người kia, vốn không là gì hơn chính những tổn thương cũ từ quá khứ chưa hề được giải quyết và chữa lành. Thực tế, hầu hết những vết thương này đều từ thời niên thiếu và chẳng liên quan gì đến người đang ở bên con lúc này.”
“Trong nhiều mối quan hệ, điệu nhảy tương tự lặp lại trong nhiều thập kỷ. Và vì cả hai bên đều không nhận thức được nó, và không có cam kết thực hiện công việc hoàn thiện bên trong vốn cần để nhận ra tình trạng đang xảy ra, nên nó cứ tiếp tục. Giờ đây mới là luận điểm ta muốn nói: Con có thể thay đổi toàn bộ động lực của bất kỳ mối quan hệ nào đúng vào thời điểm con ngừng nhảy. Chừng nào con nhận ra rằng điệu nhảy đã bắt đầu, hãy ngừng ngay động tác con luôn thực hiện – chỉ cần đừng nhập cuộc mà hãy chọn một con đường cao hơn.”
“Con cần làm điều đó như thế nào?” Tôi hỏi.
“Chà, trong kịch bản ta vừa đưa ra cho con, chỉ cần trước khi con có phản ứng thông thường là tỏ ra khó chịu khi cảm thấy bị kiểm soát, hãy nắm bắt suy nghĩ của mình và chọn một phương án cao hơn. Mỗi lần con định thực hiện cách hành xử tự hại bản thân cũ rích của mình, hãy đưa ra lựa chọn khôn ngoan hơn. Khi con làm được điều này, nguồn năng lượng mà cách hành xử cũ đã khống chế con sẽ được chuyển hóa thành một sức mạnh cá nhân tích cực. Và mỗi lần con làm được điều này, thực tế con sẽ tạo ra những lộ trình mới trong bộ não của mình, từ đó mở đường cho những cách hành xử mới xuất hiện trong cuộc đời con. Đây là cách tốt nhất để trở nên mạnh mẽ hơn với tư cách một con người – chỉ cần lựa chọn lấy phản ứng khả dĩ cao nhất và đằm thắm nhất trong mọi tình huống. Sẽ đến lúc nó dễ dàng hơn, và kết quả sẽ rất đáng ngạc nhiên.
“Cho nên trong kịch bản mà chúng ta đang thảo luận, thay vì cảm thấy khó chịu với bạn gái của mình, con hãy tự kiểm điểm bản thân mình và nhận ra rằng cô ấy thật sự không định kiểm soát con tí nào cả. Con nhận ra rằng con chỉ đang tưởng nhầm rằng bạn gái của mình có cách ứng xử áp đặt giống như mẹ con vẫn thường làm với con. Nói cách khác, tâm trạng khó chịu mà con cảm nhận được không phải là với người bạn gái hiện tại của mình, mà chỉ là điều con chưa hề giải quyết được với mẹ của con. Bạn gái con đề nghị con dọn bát đĩa chỉ đơn giản là một sự kiện đưa con trở lại thời niên thiếu. Con nhận ra điều này, và bằng cách như vậy, con chấm dứt điệu nhảy. Và khi con chấm dứt nhảy cùng ai đó, họ sẽ phải làm gì nào?”
“Chậc, họ không thể nhảy một mình, phải vậy không ạ?” Tôi đoán.
“Chính xác. Cho nên bằng cách thay đổi ứng xử của con, họ nhất thiết phải thay đổi ứng xử của họ. Đó là lý do tại sao sẽ hay hơn nhiều nếu con tự thay đổi chính mình chứ không phải là lãng phí năng lượng vào việc cố tìm cách thay đổi người khác. Và đó là lý do tại sao nhìn ra cơ hội trưởng thành trong mọi tình huống của cuộc đời mình và sau đó thực hiện trách nhiệm cá nhân chứ không phải trách cứ người khác thực tế lại là cách tốt nhất để tác động làm cho người khác thay đổi.”
“Những gì Cha vừa chia sẻ với con sẽ thay đổi các mối quan hệ của con!” Tôi thốt lên.
“Và dĩ nhiên sẽ có những tình huống trong đó đối tác của con đã làm điều sai lầm,” Cha Mike tiếp tục. “Trong những tình huống này, chỉ cần nhớ rằng cách giải trừ nỗi sợ hãi chính là tình yêu thương. Khi con lùi bước trước một người đang hành xử cay nghiệt, con sẽ thấy thực ra là họ đang cần con giúp đỡ bởi vì hoặc là họ thấy sợ hãi hoặc trong sâu thẳm họ thấy tổn thương, khi đó con có thể dễ dàng dành cho họ tình yêu thương. Đừng bao giờ quên rằng ngay trước khi bất kỳ ai phản ứng bằng thái độ giận dữ hoặc bằng một hình thức ít nhân ái hơn, họ đều đã từng bị tổn thương. Đó là một điểm quan trọng. Những người tỏ ra giận dữ đều làm vậy bởi vì họ bị tổn thương. Họ cần sự quan tâm của con – không phải sự lên án của con. Hãy nhớ, khi con dành cho họ tình nhân ái mà mọi con người đều cần đến, cái bản ngã tốt đẹp nhất của họ sẽ xuất hiện bởi vì con đã tạo ra một nơi an toàn cho cái bản ngã ấy tỏa sáng. Khi con thay đổi, những người khác sẽ tự động thay đổi bởi vì con dành cho họ chỗ để bộc lộ.”
***
Những gì Cha Mike nói với tôi cực kỳ thuyết phục. Và điều đó hoàn toàn có ý nghĩa. Càng suy ngẫm luận thuyết của ông về cách thế giới vận hành, tôi càng thấy quy trình tái hiện vẫn luôn diễn ra suốt cuộc đời tôi mà tôi không hề biết. Tôi đã trải qua những trải nghiệm và tiếp xúc với những con người như vậy hết lần này đến lần khác. Chẳng hạn, tôi cứ theo đuổi những khách hàng luôn hứa hẹn những hợp đồng lớn nhưng thực chất là chẳng bao giờ thực hiện được, khiến cho tôi vô cùng thất vọng và tiêu tốn của công ty cả đống tiền. Tôi dường như cũng đã gặp không ít những người tôi cảm thấy khiếm nhã với tôi – thường tất cả mọi người tôi tiếp xúc trong một ngày dường như đều sẵn sàng gây chuyện và có thái độ tiêu cực. Nếu những gì Cha Mike vừa nói là đúng thì đây không phải là những sự kiện ngẫu nhiên. Thay vào đó, chúng là một phần trong kịch bản được viết ra cho tôi, một phần của một ngôi trường dạy trưởng thành mà tôi đang theo học từ lúc chào đời. Và lý do duy nhất những người này tiếp tục xuất hiện và những sự kiện này tiếp tục lặp lại là vì tôi vẫn chưa tiếp thu bài học cuộc đời mà tôi cần phải học.
Tôi bắt đầu nghĩ kỹ hơn về những người đã từng xuất hiện trong cuộc đời tôi. Vì một lý do nào đó, tôi cứ theo đuổi những cô bạn gái, mong muốn một mối quan hệ sâu hơn mức tôi sẵn sàng. Khi họ càng quan tâm và thể hiện tình cảm với tôi, tôi càng trở nên xa lánh, vì sợ đánh mất tự do cá nhân mà tôi cho rằng một mối quan hệ thân mật thật sự sẽ gây ra. Có lẽ, chỉ là có lẽ, điều này cứ tiếp diễn vì một lý do – đó là có một bài học tôi cần học trong cái kịch bản cứ tái hiện suốt cuộc đời tôi.
Bài học ấy là gì? Có lẽ đã đến lúc tôi phải mở lòng và để cho những người khác bước vào. Đã đến lúc tôi phải trở thành một con người khác, tốt bụng hơn, nhân ái hơn. Phải chăng tôi đang thực hiện lại một mẫu thức mà tôi tiếp nhận một cách vô thức từ mối quan hệ của cha mẹ mình? Chà, có lẽ đã đến lúc tôi cần chấm dứt việc tỏ ra sợ hãi việc mình sẽ mất tự do và hiểu rằng niềm vui đích thực trong cuộc đời chỉ xuất hiện khi nó được chia sẻ với ai đó bạn yêu quý.
Tôi chưa bao giờ thực hiện việc tự phê này. Trong đời mình tôi chưa bao giờ dành thời gian đi sâu và xem xét những đặc điểm và cách ứng xử tiêu cực của mình. Điều này giống như thực hiện công tác điều tra, đem lại nhận thức cho những phần bị sao nhãng của chính tôi. Nhưng giờ đây, tôi có thể thấy rằng đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất mà một người có thể thực hiện. Một người vốn không thật sự biết về bản thân sẽ chẳng biết gì cả. Và có lẽ chính vì vụ tai nạn bi thảm mà tôi buộc phải hướng vào bên trong.
Khi cuộc sống suôn sẻ và ổn thỏa, tôi nhận ra rằng, chúng ta có xu hướng sống ở một cấp độ hời hợt. Khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt và chúng ta trải qua một cuộc khủng hoảng, chúng ta luôn đi tới chỗ xem xét nội tâm mình. Và như vậy tôi nghĩ rằng những nhà thần bí và các hiền nhân của quá khứ đã đúng khi họ nhận xét rằng những khó khăn lớn nhất của cuộc đời thực tế lại là những phúc lành lớn nhất, vì chúng giúp chúng ta thêm sâu sắc và đưa chúng ta đến với một trải nghiệm sống rộng hơn. Thất bại luôn dẫn tới đột phá.
Càng suy nghĩ, tôi càng thấy rõ những mô thức vẫn tái diễn trong cuộc đời mình. Dường như tôi đã lôi cuốn rất nhiều người vào cuộc đời mình, những người thể hiện mọi việc theo một cách thức thường làm tổn thương cảm xúc của tôi. Có lẽ mọi việc diễn ra như vậy bởi vì tôi cần học một bài học cuộc đời. Có lẽ, như tôi nhận xét, chân giá trị của tôi cần cải thiện và tôi phải đón nhận mọi thứ bớt vị kỷ hơn.
Đột nhiên, cái phần hoài nghi trong tôi lên tiếng, băn khoăn không rõ cuộc sống có thật sự vận hành như thế không. Có lẽ Cha Mike, vốn là người có ý tốt, hơi ảo tưởng, giỏi nêu ra những luận thuyết hấp dẫn nhưng xa rời thế giới thực tiễn. Thế rồi trong ý thức tôi lại bật lên hai chữ: Lòng tin. Trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi biết rằng ông ấy đã nói sự thật. Và đó là tất cả những gì tôi thật sự cần biết.
“Được rồi, anh bạn trẻ,” Cha Mike lên tiếng, đánh tan trạng thái mơ màng của tôi. Ông cầm lấy ba lô của tôi và dẫn tôi bước lên một cầu thang tròn. “Một ngày như thế là đủ rồi. Đe ta chỉ cho con phòng của con – ta biết con sẽ thích khung cảnh ở đó. Phòng nhìn thấy hết cả thành Rome. Ban đêm, con có thể ngắm những ngôi sao băng. Đây sẽ là nhà của con trong một tháng tới. Ồ, ta quên mất, để ta đưa cho con chìa khóa.”
Cha Mike trao cho tôi một chiếc chìa khóa vàng có gắn kèm một miếng kim loại và sau đó dẫn tôi vào phòng khách. Đó là một gian phòng nhỏ, đồ đạc sơ sài nhưng vô cùng sạch sẽ. Một bông cúc đồng tiền duy nhất – loài hoa của hạnh phúc – nằm trong chiếc bình bạc trên kệ đầu giường. Và đúng như Cha Mike đã hứa, khung cảnh thật ấn tượng. Khi tôi quay lại để cảm ơn Cha Mike vì sự hào phóng của ông, tôi nhận ra ông đã rời đi. Sau đó tôi nhìn mảnh kim loại gắn kèm chìa khóa. Có một câu trích khắc trên đó. Nội dung như thế này:
“Những con quỷ duy nhất trên thế giới chính là những gì đang chạy trong tim chúng ta. Đó là nơi cuộc chiến cần diễn ra.”
– Mahatma Gandhi
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.