Ba Người Thầy Vĩ Đại
Chương 4. Sống Đúng Với Bản Ngã Đích Thực Của Mình
“Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối. Bi kịch thật sự của cuộc đời là khi một người lớn sợ ánh sáng. ”
– Plato
“Đằng sau tất cả những điều nhìn thấy được đều ẩn chứa gì đó lớn lao hơn; mọi thứ chỉ là một con đường; một cánh cổng, hoặc một ô của sổ mở ra một điều gì đó khác.”
– Antoine de Saint-Exupéry
***
Tôi ngủ say hơn bất kỳ giấc ngủ nào tôi đã có trong cả một thời gian dài và mơ một giấc mơ tuyệt vời – rằng tôi lại là một đứa trẻ, đầy vui sướng, ham mê, và ngây thơ. Tôi đang nhảy chân trần trên một bãi cỏ ở một vùng núi nhỏ, xung quanh là những đỉnh núi phủ tuyết và những thung lũng toàn hoa. Tôi có thể nghe thấy tiếng những đứa trẻ khác cười đùa trong khi tôi nhảy, say sưa trong sự kỳ thú của khoảnh khắc ấy. Lòng tôi thấy hạnh phúc, tâm trí tôi tĩnh lặng, và tôi hoàn toàn bình an.
Tôi choàng tỉnh do một bàn tay dịu dàng đang lay gọi tôi. Cha Mike đang đánh thức tôi dậy. Ông đang mỉm cười, và đôi mắt ông long lanh khi ông bày tỏ lòng biết ơn vì một buổi sáng tuyệt vời ở ngoài kia.
“Thêm một ngày tuyệt vời nữa, Jack ạ,” ông nói. “Chúng ta đừng bỏ lỡ dù chỉ một khắc. Ta có rất nhiều điều muốn chia sẻ với con. Tại sao con lại không sẵn sàng và gặp ta dưới nhà chứ? Chúng ta có thể ăn điểm tâm thật nhanh và ngồi trò chuyện ở bậc tam cấp đằng trước.”
“Tuyệt vời,” tôi đáp. “Sau cuộc nói chuyện với Cha ngày hôm qua, con có vài câu hỏi rất muốn hỏi Cha.”
“Rất tốt,” Cha Mike đáp.
Thật sự là một buổi sáng tuyệt đẹp, và bậc tam cấp giáo đường là một nơi tuyệt vời để ngồi trò chuyện. Mùi hương hoa hồng phảng phất quanh chúng tôi, và việc nhìn ngắm tất cả mọi người đi lại trên phố càng làm tăng thêm mối liên hệ của tôi với thành phố Rome cổ kính, nơi rất nhiều tri thức của thế giới được sáng tạo ra.
“Ngày hôm qua Cha nói với con rằng cuộc sống là một trường học trưởng thành, thưa Cha Mike. Mọi người và mọi trải nghiệm đến với chúng ta để dạy chúng ta bài học chúng ta cần học nhất ở thời điểm cụ thể đó của cuộc đời. Chúng ta có thể nhận thức được hành động này của tự nhiên, hoặc chúng ta có thể nhắm chặt mắt lại, và làm như vậy, chúng ta tiếp tục lặp lại những sai lầm của quá khứ cho tới khi nỗi đau lớn đến mức chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài thay đổi.”
“Đúc kết hay lắm,” Cha Mike nói trong khi nhẩn nha ăn một miếng bánh mỳ mới ra lò có phết pho mát Gorgonzola. “Sớm muộn cậu học trò cũng trở thành thầy giáo thôi,” ông ấy nói thêm đầy khích lệ.
“Chà, con đang thắc mắc, liệu có phải tất cả mọi người đều phải theo đúng giáo trình mà cha đã nói đến không? Ý con là, mỗi người trong chúng ta đều phải học những bài học như nhau và tiếp nhận các môn học như nhau trong ngôi trường trưởng thành này phải không ạ?”
“Câu hỏi rất hay, Jack. Ở đây với ta, con sẽ rất tiến bộ – chắc chắn là như thế,” Cha Mike nói trong khi chúng tôi thư giãn trong nắng. Đó là một trong những ngày mà, cho dù mặt trời chói chang, thì người ta vẫn có thể nhìn thấy mặt trăng trên bầu trời trong xanh.
“Để trả lời cho câu hỏi của con, tất cả mọi người và từng người trên hành tinh này đều có một giáo trình khác nhau dành cho họ – đó là quá trình học tập riêng biệt cho từng người. Những bài học ta cần học trong đời mình, có thể rất khác với những bài học mà số phận định sẵn cho con. Giáo trình của ta có thể được vạch ra để dạy ta biết giảm bớt công kích và biết chấp nhận hơn. Và những bài học cuộc đời của ta có thể dạy ta biết cho đi nhiều hơn, quên đi cảm giác thiếu thốn, vứt bỏ nhu cầu kiểm soát, và chấp nhận dòng chảy của cuộc đời.”
“Mặt khác,” Cha Mike tiếp tục, “giáo trình của con có thể được thiết kế để dạy con biết thoát khỏi lý trí của mình và sống theo trái tim nhiều hơn – sống đúng lúc và cảm nhận chứ không phải chỉ suy ngẫm. Nó có thể là việc phải vứt bỏ thái độ bản ngã trung tâm và những cân nhắc xung quanh sự cạnh tranh – hãy hết lòng quên mình giúp đỡ người khác. Con đường học tập của con có thể là nhìn ra cái tốt trong mọi người chứ không phải chỉ tập trung vào những điểm yếu của họ. Nó thậm chí có thể là nhận biết giá trị của chính con và đừng để bất kỳ ai khiến con cảm thấy thấp kém.”
Thật sâu sắc, tôi nghĩ. Cứ như thể người đàn ông này biết rõ những vấn đề sâu kín nhất và những đấu tranh nội tâm riêng tư nhất của tôi. Cách ông ấy trình bày thật rõ ràng và dễ hiểu. Mẹ tôi cũng có khả năng tương tự – rất nhiều việc bà làm xuất phát từ trực giác của bà. Bà biết rõ mình cần phải làm gì trong bất kỳ tình huống nào và hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Nếu tôi luôn đưa ra lựa chọn của mình dựa trên lí trí và lôgic, thì tôi cảm thấy rằng mẹ tôi luôn dựa trên những dự cảm sâu sắc và khôn ngoan hơn.
“Trong bất kỳ trường hợp nào,” Cha Mike tiếp tục trong khi miệng vẫn đầy bánh mỳ, “thì tất cả những gì ta thật sự muốn truyền đạt ngày hôm qua là mỗi sự kiện và mỗi con người bước vào cuộc đời chúng ta đều có một lý do nào đó. Hãy nhớ, không hề có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thế giới là một cỗ máy rađa khổng lồ, chuyên phát hiện những nhu cầu trưởng thành của chúng ta và sau đó gửi cho chúng ta những con người và sự kiện tương ứng để thúc đẩy sự trưởng thành này. Điểm uyên thâm liên quan đến việc này là những người xuất hiện trong cuộc đời ta chính là những tấm gương, phản chiếu cả những phần sáng nhất và tối nhất của chính chúng ta.”
“Cha nói nghiêm túc chứ?” Tôi hỏi.
“Phải. Con sẽ không thể nhìn thấy phẩm chất tuyệt vời của người khác trừ phi con biết phẩm chất đó ở chính mình.”
“Có thể là như vậy ạ. Con sẽ không thể nhận ra điều gì đó là tốt ở ai đó nếu như con không hề biết đó là gì.”
“Chính xác. Nếu con chưa từng thấy trứng cá muối trông như thế nào thì con không thể nhận ra nó trên đĩa thức ăn của người khác tại một buổi dạ tiệc. Tương tự, nếu con không nhận ra tài năng hoặc nét tích cực nào đó trong chính mình thì con không thể nhìn thấy điều đó ở người khác. Nếu con không biết thực sự yêu thương người khác là thế nào, thì con sẽ không có cách nào biết được khi nào ai đó thể hiện tình yêu với con. Nếu con không có tài năng cá nhân – chẳng hạn trí thông minh – thì con sẽ không thể đánh giá được nó ở người khác. Nhìn thấy điều gì đó vĩ đại ở người khác chính là nhìn thấy sự vĩ đại ngay trong chính mình. Ta cần nói rằng nguyên tắc này cũng đúng với cả những tính cách tiêu cực mà con không thể chịu được ở người khác.”
“Ý Cha là sao ạ?”
“Chà,” Cha Mike đáp, “để con nhận thấy một người khác đang có thái độ giận dữ thì trước hết con phải biết giận dữ thật sự là như thế nào. Để con gọi ai đó là đang giận dữ thì trong chính con phải có sự giận dữ. Để con nhận ra ai đó là ích kỷ thì con phải có chút ích kỷ trong mình. Để con gọi ai đó là hấp dẫn, thì con cũng phải có mặt hấp dẫn. Mặt khác, sẽ không có cách nào để con có thể nhận ra những đặc tính này. Toàn bộ cuộc sống chẳng là gì hơn ngoài sự phản chiếu. Như một chiếc máy chiếu phim khổng lồ, chúng ta chiếu ra thế giới bên ngoài xung quanh chúng ta chính con người chúng ta ở thế giới bên trong. Chúng ta tập hợp những gì chúng ta phản chiếu.”
“Rất thú vị,” tôi đáp lại. “Cha có thể cho con một ví dụ nhanh không ạ?”
“Dĩ nhiên rồi. Giả sử con đang ở trong một cửa hàng băng đĩa. Con có mặt ở một trong những cửa hàng cho phép con nghe những đĩa nhạc mới nhất, và con đang thưởng thức những giai điệu con đang nghe. Đột nhiên, một nhân viên của cửa hàng đi tới chỗ con và yêu cầu con không được nghe quá nhiều như vậy. Ông ấy đề nghị rất lớn tiếng và khiếm nhã. Nếu con phản ứng bằng cách quát lại ông ta, thì với ta điều đó có nghĩa là trong con có gì đó cần phải xem xét và khắc phục.”
“Nhưng ông ta thô lỗ với con kia mà!” Tôi kêu lên. “Con có gây chuyện đâu.”
“Jack, con không thể có gì đó từ chỗ chẳng có gì cả. Tất cả những gì có thể nảy sinh từ con đều là những gì ở trong chính con – rốt cuộc, con không thể có sốt cà chua từ một quả chanh được. Thực tế người đàn ông này nhận được sự giận dữ từ con do điểm trúng huyệt của con có nghĩa là ngay bên trong con sự giận dữ đã tồn tại từ trước, phải không nào?”
“Con phải thừa nhận rằng cách giải thích đó rất thuyết phục.”
“Cho nên người đàn ông này chỉ khơi lên phần giận dữ của con. Nếu con không hiểu thực tế đó thì nó sẽ tiếp tục nắm bắt con. Tâm trạng giận dữ đó thực chất vẫn hiện diện từ trước khi ông ta bước vào cuộc đời con – đó chính là những gì ta gọi là điều kiện sẵn có. Con cần nhìn ra điều đó và chịu trách nhiệm với nó chứ không phải là trách cứ ông ta. Ông ta chỉ là một tác nhân. Nó giống như triết gia người Pháp Antoine de Saint-Exupéry[11] từng viết: ‘Không một sự kiện nào có thể đánh thức trong ta một kẻ xa lạ mà chúng ta hoàn toàn không biết. Sống chính là được sinh ra từ từ.’ Cho nên cách nhìn nhận sự việc trong cửa hàng âm nhạc một cách thông suốt chính là xem người nhân viên bán hàng khiếm nhã này là một món quà lớn. Có cả một cơ hội để trưởng thành và phát triển từ tình huống này nếu con khôn ngoan. Với cách hành xử khiếm nhã của mình, ông ta đã đưa con tới một phần của chính con vốn vẫn được giấu kín trước nhận thức của con.”
Cha Mike hít một hơi và tiếp tục. “Carl Jung[12] từng viết rằng: ‘Mọi thứ khiến chúng ta khó chịu với người khác đều có thể dẫn chúng ta tới việc hiểu về chính mình.’ Giờ đây, hãy có đủ can đảm và chín chắn để tiến hành công việc nội tại cần để giải phóng cơn giận sẵn có của con và chuyển tâm trí con sang một không gian yêu thương. Đó chính là mục đích mà tất cả chúng ta đều cần nhắm tới – không gì ngoài tình yêu thương thuần túy. Bởi vì một con người tràn ngập yêu thương sẽ nhìn thấy yêu thương từ những người xung quanh. Ta biết đây không phải là một quá trình có thể thực hiện một cách nhanh chóng – nó là một ý tưởng để phấn đấu, và thậm chí với nhiều người, có khi phải mất đến cả đời để thoát khỏi tâm lý giận dữ và sợ hãi để biết yêu thương và bao dung với những người xung quanh. Thực tế, đây chính là hành trình cuộc đời – tìm ra những khu vực yếu đuối của chúng ta và khắc phục chúng để cuối cùng chúng ta có thể tìm thấy cái bản ngã tốt nhất của mình. Đây là con đường duy nhất phải đi nếu mục đích của con là tìm thấy sự bình yên và tự do vĩnh hằng. Không có lựa chọn nào khác.”
***
Đột nhiên, Cha Mike đứng dậy và nói: “Gắng lên nào. Hôm nay là một ngày vui vẻ. Chỉ học mà không chơi không phải là cách hay. Ta vừa phát hiện thấy rằng tự khám phá và trưởng thành chỉ được thực hiện một cách tốt nhất trong tinh thần vui vẻ và phiêu lưu – cuộc sống quá ngắn ngủi để ta phải nghiêm túc thái quá. Hôm nay, chúng ta sẽ đóng vai du khách. Ta muốn đưa con tới Đại hý trường và một số danh thắng nổi tiếng khác của Rome. Và buổi trưa, chúng ta sẽ đi dã ngoại. Ta thậm chí còn mang theo cả một ít rượu vang Italia cho con,” ông ấy nói kèm theo một cái nháy mắt.
Nói xong, con người kỳ diệu thuộc giới tu hành này bước xuống những bậc tam cấp của giáo đường, ngửi những đóa hồng trong lúc đi xuống. Tôi nhanh chóng theo ông. Tôi biết rằng tất cả những điều ông dạy đều đang dẫn tôi về nhà.
Mỗi ngày qua đi, tôi càng lúc càng thấy kính trọng Cha Mike. Ông là một con người vĩ đại, ông cho tôi những hiểu biết sâu sắc về cuộc đời mà tôi chưa hề được nghe nói đến, và dạy tôi cách có thể nâng cuộc sống của mình lên cấp độ cao nhất. Nhưng điều quan trọng hơn, ông ấy tốt bụng. Ông hiểu bản chất con người và tôi cảm thấy ông hiểu tôi. Ông biết rằng khi chúng ta càng bước ra ánh sáng, những phần tăm tối của chúng ta thật sự xuất hiện và một phần trong chúng ta tìm cách cưỡng lại, muốn bám lấy những cách nghĩ, cảm nhận và hành động xưa cũ. Khi chúng ta tiến gần tới tình yêu thương nhất, thì những sự sợ hãi lớn nhất của chúng ta trỗi dậy. Cha Mike đã trìu mến hỗ trợ tôi khi tôi làm theo triết lý của ông và tiến về phía cuộc sống tươi đẹp nhất của tôi. Ông nhắc cho tôi nhớ đến sự vĩ đại của mình và sức mạnh mà mỗi người và tất cả mọi người trong chúng ta đều có để định hình số phận của mình ở mọi thời khắc của cuộc đời. Quãng thời gian tôi ở bên ông tôi thấy mình thật may mắn.
Một buổi sáng, khi chúng tôi ngồi ăn sáng ở một hành lang nằm bên cánh trái của giáo đường, Cha Mike nói một điều khiến tôi ngạc nhiên. Đó là tuần thứ hai tôi ở cùng ông, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc với tất cả những tiến bộ mà tôi đạt được nhờ những ý tưởng và công cụ ông chia sẻ với tôi. Một sự bình yên nội tâm sâu thẳm đã dần hình thành trong tôi, và tôi bắt đầu nhìn ra tất cả những đặc tính tầm thường của mình và chấp nhận chúng: Một khía cạnh tăm tối của tôi cần được khắc phục để cái phần tốt đẹp có thể tỏa sáng. Tôi cảm thấy hạnh phúc và sung túc hơn hẳn so với tôi trước đây và bắt đầu tin rằng thế giới này của chúng ta thật sự đang diễn ra theo một kế hoạch lớn hơn, một kế hoạch đã thu hút được sự quan tâm của tôi. Tôi đang trở thành một học trò vững vàng trong ngôi trường trưởng thành của cuộc sống và dần lột bỏ những cách thức xưa cũ của mình giống như một con sâu bướm lột bỏ cái kén của nó khi nó trở thành bướm.
“Cha biết không, Cha Mike,” tôi hân hoan nói khi cắn một chiếc bánh sừng bò nóng hổi: “việc tự khắc phục này thật sự có tác dụng. Con luôn nghĩ rằng việc này chỉ phí thời gian. Nhưng con phải thừa nhận rằng con thật sự cảm thấy những thay đổi kỳ diệu ngay trong chính mình.”
“Khái niệm tự khắc phục với ta thật ngớ ngẩn,” Cha Mike đáp trong khi đăm đăm nhìn thành phố vẫn còn say ngủ. “Nó hàm ý rằng con người bị hỏng hóc và cần được sửa chữa. Nhưng chẳng có gì vượt qua được chân lý. Chẳng có gì cả! Mỗi người trong chúng ta đều hoàn hảo xét ở cốt lõi của mình – chúng ta chỉ cần nỗ lực vượt qua các tầng lớp để quay lại với chính cái phần hoàn hảo của bản thân mình.”
“Con nghĩ rằng với tư cách một giáo sĩ và là huấn luyện viên cuộc đời của con, tất cả những gì Cha làm là khuyến khích con cải biến bản thân, sống cao thượng hơn, và tồn tại một cách khôn ngoan hơn – làm một con người tốt hơn, tử tế hơn và nhân ái hơn. Vậy có gì sai với khái niệm tự khắc phục chứ?” Tôi hỏi.
“Như thế là sai – đó chính là cái sai,” Cha Mike đáp lại với sự quả quyết lớn hơn, giọng ông đầy say sưa. “Hành trình cuộc đời không phải là khắc phục bản thân, Jack ạ. Thay vào đó – và điểm này cực kỳ quan trọng – nó là ghi nhớ bản thân. Những người trong chúng ta tìm ra được cuộc sống tốt đẹp nhất và bày tỏ những mong muốn trong lòng mình đều phải đi trên con đường khám phá bên trong, chứ không phải thay đổi bên ngoài. Mục đích thật sự trong đời là tự khám phá: bộc lộ cái bản ngã tốt nhất trước cái bản ngã hiện có và sau đó nhìn nhận thế giới qua một nhãn quan mới trong quá trình ấy.”
“Nhưng nếu không có ai cần cải biến, thì tại sao thế giới lại tệ như vậy? Tại sao vẫn còn những cái xấu trên đời này? Tại sao vẫn có chiến tranh, những người vô gia cư và những đứa trẻ chết đói? Tại sao vẫn có thù hận và quá ít yêu thương?”
“Từ từ nào, Jack. Tất cả những gì ta đang nói là không có ai cần cải biến dựa trên những gì đang là chính họ. Cái kiểu tư duy đó chỉ làm cho người ta cảm thấy có lỗi hơn so với những gì họ làm. Chẳng hạn, con, anh bạn trẻ của ta, vốn đã rất hoàn hảo.”
“Thật sao?”
“Phải.”
“Vậy thì tại sao con phải ở đây làm học trò của Cha?”
“Để tự khám phá – chứ không phải tự khắc phục,” ông nhấn mạnh. “Đó là lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây trên hành tinh này. Đó là một nét đặc biệt rất tinh tế, nhưng là một điều quan trọng. Ta sẽ không bảo con thay đổi hoặc cải biến hay bắt đầu hành động giống như ai khác. Ta chẳng bao giờ làm như thế với con. Toàn bộ trọng tâm của ta trong suốt thời gian chúng ta ở bên nhau là giúp con bộc lộ cái bản ngã thật sự của con, cho chính con lần đầu tiên biết về chính bản thân con mình. Con đường mà con đang đi này không phải là một hành trình tới một mảnh đất xa xôi nào đó. Thay vào đó, nó dẫn con trở lại một nơi con đã từng biết nhưng con quên mất, khi mà những người xung quanh con cuốn con rời xa cái bản chất của con. Thực tế, đây là một chuyến đi trở lại nhà, trở lại cái vĩ đại và hoàn hảo tự nhiên mà con đã có từ lúc con mới sinh ra. T.S. Eliot[13] nói rất rõ điểm này khi ông viết: ‘Chúng ta không được ngừng khám phá. Và kết quả quá trình khám phá của chúng ta sẽ là đi đến nơi chúng ta bắt đầu và đó cũng là lần đầu tiên ta biết rõ về nơi đó.’”
***
“Quả là những lời rất có ý nghĩa.”
“Và là những lời rất chính xác,” Cha Mike lưu ý. “Cuộc sống thật sự chẳng là gì ngoài một hành trình trở lại nhà. Con biết đấy, Jack, sự vĩ đại của một con người không là gì khác ngoài việc khám phá những tài năng họ đã đánh mất trong quá trình trưởng thành. Sống cuộc sống tốt đẹp nhất thật sự chính là nắm bắt lại những gì con đã từ bỏ.”
“Một cách nhìn nhận rất rõ ràng,” tôi nói.
“Đúng vậy. Khi còn bé, con nhận thức được tất cả những tài năng của mình. Con ngây thơ và thuần khiết. Con vô cùng sáng tạo và cực kỳ say mê. Trí tưởng tượng của con không hề biết đến mọi ranh giới và những giấc mơ của con không hề bị giới hạn. Con tin người khác và có niềm tin vào chính mình. Con không hề có nhu cầu mà người lớn chúng ta có: Phán đoán tất cả mọi thứ. Con bộc lộ cái bản chất đích thực nhất của mình mà không hề sợ bị trả thù, và con thoải mái để cho phần tốt đẹp của mình tỏa sáng. Con sống trọn vẹn và tận hưởng mọi món quà giản dị mà cuộc sống của mỗi chúng ta đều đặn mang lại cho chúng ta. Con thích những bông tuyết và nhện, ca hát và mơ mộng, một cái ôm thật chặt và một cốc sô-cô-la nóng bốc hơi nghi ngút. Thế giới thật phong phú, một nơi với những khả năng vô tận, và một đối tác luôn sẵn sàng cho sự thành công thật sự của con. Nhưng sau đó có chuyện xảy ra.”
“Chuyện gì ạ?” Tôi nhấn mạnh.
“Chà, nói trắng ra thì con phạm phải một tội. Thực tế là con phạm phải tội nghiêm trọng nhất mà bất kỳ con người nào cũng có thể phạm phải.”
Tôi cảm thấy không thoải mái. Cha Mike nhìn tôi với vẻ cực kỳ nghiêm túc, và nói: “Con bắt đầu phản bội sống đúng với bản ngã đích thực… chính mình. Con không thừa nhận cái bản ngã đích thực của mình để mua lấy những niềm tin của bộ lạc.”
“Bộ lạc của con?”
“Phải, Jack ạ. Xã hội chính là bộ lạc của con. Con thấy đấy, con bắt đầu chấp nhận niềm tin của người khác về cách thế giới này vận hành và bản chất vai trò của con trong đó. Con đóng sập mọi cảm xúc tươi đẹp của con và bắt đầu sống theo lý trí – dành cuộc đời mình lý giải, phán xét, và lo lắng chứ không phải bỏ qua, nhảy múa và chơi đùa. Con trở thành kẻ ba phải – suy nghĩ, hành động và điều khiển bản thân mình theo những cách thức không phải chính con lựa chọn mà là sự lựa chọn của những người xung quanh con, chẳng hạn bố mẹ con, các thầy cô giáo, và bạn bè. Và cứ thế quá trình xã hội hóa này thắng thế và cái vĩ đại của riêng con bắt đầu bị che lấp. Con làm những gì con được bảo, hành động như con được hướng dẫn, và nghĩ theo cách người khác dạy con nghĩ.”
“Và khi làm thế, con bắt đầu sống trong một cái hộp nhỏ,” tôi nói thêm.
“Chính xác. Sau khi con chết, sẽ có vô khối thời gian để nằm trong một cái hộp nhỏ… Vậy thì tại sao lại phải sống trong hộp khi con vẫn còn đang sống?”
“Hay quá,” tôi đáp lại, đã hiểu ra hình ảnh trực quan mà vị thầy rất uyên bác của tôi vừa vẽ ra. “Nhưng chắc chắn cha không hề nói rằng cha mẹ dạy con cái cách ứng xử và có trách nhiệm ở đời là sai. Hay cha thấy có vấn đề với những ông thầy ưa khuôn phép và những người lớn thích đặt ra những giới hạn?”
“Đúng và sai. Dĩ nhiên, cha mẹ là những thủ lĩnh và người chỉ dẫn khôn ngoan cho con cái của họ là điều rất quan trọng. Không có khuôn phép và những ranh giới lành mạnh, một đứa trẻ sẽ bị mất phương hướng. Nhưng cuộc sống thì luôn cân bằng – và đó là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất ta có thể dạy con. Chắc chắn, một đứa trẻ cần được dạy dỗ để biết thế nào là hành xử đúng, và đương nhiên một đứa trẻ cần được dạy về những giới hạn. Một số giới hạn đưa ra cho cách hành xử của một đứa trẻ là rất cần thiết, nhưng bất kỳ giới hạn nào áp đặt cho tinh thần của một đứa trẻ thì lại không như vậy.”
“Con hiểu ý Cha rồi.”
“Ta có thể mượn trải nghiệm thời thơ ấu của con một lúc được không?”
“Chắc chắn rồi, Cha Mike,” tôi nói và đứng dậy khỏi ghế.
“Ta cá rằng, sau tuổi lên ba hoặc bốn, phần lớn cách con điều khiển bản thân được tiến hành rất đơn giản để làm cho mẹ hoặc cha con hoặc thầy giáo của con tự hào về con. Mọi đứa trẻ đều cần yêu thương và mong được tán thành, cho nên con bắt đầu phản bội chính mình và hành xử theo những cách giả tạo nhằm mục đích làm cho những người con yêu thương cảm thấy hạnh phúc. Con tin rằng cách tốt nhất để bảo đảm tình yêu thương của họ là hành xử như họ muốn con làm vậy. Thay vì hát đến rách phổi ngay trong siêu thị và để cho cái tôi đích thực của con được bộc lộ trước thế giới, con lại hát khe khẽ để cho mẹ của con không cảm thấy xấu hổ và khó chịu với con.”
“Và từ đó trở đi con luôn hát khe khẽ, nói năng ý tứ,” tôi đáp lại, cảm thấy cực kỳ biết ơn sự uyên thâm mà tôi đang được nghe.
“Phải. Thoreau[14] từng nói gì nhỉ? ‘Hầu hết mọi người ra đi với âm nhạc vẫn còn ở trong chính họ’”
***
“Ông ấy cũng nói: ‘Nếu một con người không theo đúng nhịp đi của các đồng đội của mình, có lẽ đó là vì người đó nghe một tay trống khác. Hãy để anh ta bước theo tiếng nhạc mà anh ta nghe thấy, dù lạc điệu đến đâu’” tôi tiếp lời, trong đầu nhớ đến những lời của triết gia người Mỹ vĩ đại mà tôi đã phải tìm hiểu cuộc đời ông khi còn đi học.
“Rất hay,” Cha Mike nói với đôi mắt khép lại, chìm đắm trong kiến thức truyền tải qua những lời thâm thúy mà tôi vừa chia sẻ. “Chúng ta cần cho phép tất cả những người xung quanh chúng ta được là cái bản ngã đích thực của họ. Chúng ta phải, như con gợi ý, để mọi người diễu hành theo nhịp của chính họ và để họ cảm thấy khi ở quanh chúng ta họ được an toàn là chính họ. Đó chính là tình yêu vô điều kiện – là một người khuyến khích niềm đam mê, tình yêu và giấc mơ của mọi người – thậm chí nếu con không đồng ý với họ. Và những lời nói mạnh mẽ mà con vừa chia sẻ khiến ta nghĩ đến một ngạn ngữ tiếng Phạn cổ thế này: ‘Xuân qua, hạ đi và xuân lại đến. Và bài hát tôi định hát vẫn chưa được cất lên.’ Hầu hết mọi người đều ra đi khi bài hát của cuộc đời họ không hề được hát lên. Họ không sống cuộc đời tuyệt vời mà họ muốn. Và điều này không chỉ là một tổn thất rất lớn với chúng ta – mà nó còn là một tổn thất rất lớn đối với thế giới.”
Cha Mike nhấp tách cappucino của mình, sau đó nói tiếp. “Khi chúng ta sống cuộc đời tốt nhất của mình, cuộc sống đích thực của chúng ta, cuộc sống thực sự của chúng ta, chúng ta đạt đến sự vĩ đại nhất của mình. Và khi chúng ta thể hiện theo cách này với thế giới, thế giới sẽ có lợi nhờ những điều chúng ta làm. Đúng như những gì Paolo Coelho, tác giả cuốn sách phi thường Nhà giả kim (The Alchemist) đã viết: ‘Thế giới sẽ tốt lên hoặc xấu đi tùy thuộc vào việc liệu chúng ta trở nên tốt hơn hay xấu đi’.”
“Lạy Chúa! Đó là một cách thật hay để nhìn nhận,” tôi đáp đầy nhiệt thành.
Cha Mike tiếp tục. “Tiếc thay, hầu hết mọi người chẳng bao giờ nhận ra điều này. Họ chẳng bao giờ nhận ra rằng cuộc sống của họ có ý nghĩa rất nhiều với thế giới – họ phải có can đảm trở thành con người đích thực của mình. Và vì thế, cuộc sống đã từng rất tuyệt vời của họ trở thành một trò chơi đố chữ. Có quá nhiều người trong chúng ta không sống theo cách đích thực với chính mình. Chúng ta sống cuộc sống của mẹ, của cha, hay thậm chí của linh mục, chứ không phải có can đảm sống cuộc sống có ý nghĩa duy nhất với chúng ta. Với ta, đó là một tội lỗi cực lớn.”
“Con đã hiểu ý Cha, thưa Cha,” tôi đáp đầy kính nể.
Ông tiếp tục bài giảng của mình. “Thay vì mơ ước trở thành một phi hành gia hay một nhà thơ hoặc một chính khách, ta sẵn sàng đánh cuộc rằng khi con lớn lên, con chấp nhận trở thành gì đó mà thầy giáo của con bảo con rằng như thế thực tế hơn. Thay vì được thực sự là mình và nói những gì con thật sự muốn nói trong bất kỳ tình huống nào, con bắt đầu đeo chiếc mặt nạ xã hội, rồi nghĩ, cảm nhận, và hành động theo những gì người khác bảo con là cách thích hợp để nghĩ, cảm nhận và hành động. Con bắt đầu phủ nhận chính mình. Con trở thành ‘Một kẻ giả vờ vĩ đại.’ Về cơ bản, con kìm nén thể hiện chính mình và đánh mất tiếng nói của mình.”
“Đúng như vậy,” tôi thừa nhận.
“Khi không thể hiện bản thân và chân lý của mình, con đánh mất tiếng nói giúp thể hiện cái tôi đích thực của con với thế giới. Và một con người không tự thể hiện là một con người không có tự do cá nhân. Một con người không thực sự thể hiện bản chất của mình trước thế giới cũng trở thành những hình ảnh tưởng tượng thuần túy, vô hình từ những cái tôi thực sự của họ.”
“Con đã phạm lỗi tự phản bội chính mình,” tôi đồng ý, thể hiện rằng tôi đã hiểu rõ.
Cha Mike gật đầu. “Và con càng đánh mất hình ảnh về sự vĩ đại tự nhiên của mình và con người thực sự của mình, thì con càng trở thành một kẻ không phải là con. Và con càng hành động như thế, còn càng đánh mất sự tôn trọng chính mình. Cái giá trị của riêng con bắt đầu phôi phai theo những cách thức rất sâu xa. Và từng ngày trôi qua, cái phần sâu thẳm nhất của con bắt đầu khép lại và cắt đứt liên hệ với con người đích thực của con. Chúng ta quên mất rằng một cuộc sống tuyệt vời là một cuộc sống đích thực. Như lời thi sĩ David Whyte[15] đã nói: ‘Tâm hồn thà thất bại với chính cuộc đời mình còn hơn là thành công vì cuộc đời kẻ khác.’ Và chúng ta quên mất chân lý này. Điều đó giết chết một con người, Jack ạ. Một phần của họ bắt đầu chết.”
***
“Vậy tại sao chúng ta lại làm điều đó. Và tại sao chúng ta không khắc phục vấn đề?” Tôi hỏi.
“Vì sợ hãi. Trước hết chúng ta sợ sống khác đi. Chúng ta muốn phù hợp với bộ lạc của mình và là một phần của cộng đồng. Trong thế giới của chúng ta, có một giá trị rất lớn đặt vào việc làm những gì mình làm và nghĩ phải giống những người xung quanh đang nghĩ. Bạn bè ta sẽ nghĩ gì nếu ta đi con đường riêng của mình và không theo đúng đường của họ? Chúng ta tự hỏi như vậy. Hàng xóm sẽ nghĩ gì nếu nhóc Johnny muốn trở thành một thi sĩ thay vì một bác sĩ? Cha mẹ chúng ta sẽ tự hỏi như vậy. Và khi nghĩ như thế này, với tư cách là cha mẹ, chúng ta đóng vai Chúa trời trước cuộc sống của con cái mình, một điều rất đáng buồn với bất kỳ con người nào. Thay vì tin tưởng con trẻ và tạo ra một môi trường an toàn để cho phép cái bản ngã tốt nhất của chúng phát triển thì chúng ta lại bảo với con trẻ những gì chúng nên làm khi chúng lớn để chúng có thể gây ấn tượng với những người hàng xóm. Chân lý của vấn đề là các bậc cha mẹ làm thế vì tâm lý sợ hãi của chính họ. Cha mẹ bảo con cái mình rằng chúng phải làm bác sĩ hoặc luật sư hay kết hôn cho môn đăng hộ đối bởi vì bản thân họ sợ họ thất bại nếu như con cái mình không trở nên ‘thành đạt’ theo đúng định nghĩa về thành đạt trong xã hội của chúng ta.”
“Nhưng thế nào là thành đạt? Với ta, thành đạt chẳng là gì hơn sống cuộc sống của mình theo đúng cái chân lý và những nguyên tắc của riêng mình. Nó gắn chặt với những giá trị nói lên cái phần tốt đẹp nhất ngay trong con, bất kể áp lực bên ngoài của xã hội như thế nào. Thành đạt là sống cuộc sống của con theo quy trình sáng tạo và nhận ra những gì là quan trọng nhất với con – không phải là những gì quan trọng nhất với bất kỳ ai khác. Đó là cách sống của những nhân vật rất có ảnh hưởng về mặt tinh thần đã hiện diện trên Trái đất này trước con. Và đó là gợi ý của ta dành cho con. Hãy tin ta về điều này. Chỉ riêng điều uyên thâm này thôi, nếu được tích hợp vào mọi người và từng con người, sẽ khiến cho con được sống một cuộc sống phi thường.”
Cha Mike ngừng lời, nhìn lên trời một lúc như thể tìm kiếm sự chỉ dẫn từ thiên đường, và sau đó nói tiếp. “Lý do thứ hai chúng ta phản bội chính mình và vay mượn lối sống của người khác là vì chúng ta sợ cái phần tốt đẹp của mình.”
“Cha nói thế nghĩa là sao ạ?”
“Jack, từng con người trên hành tinh này đều có sức mạnh ngủ yên ngay trong chính mình lớn hơn hẳn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Nếu chúng ta biết được mình vĩ đại và hùng mạnh như thế nào thì chúng ta sẽ thật sự tôn thờ chính mình hằng ngày. Chúng ta sẽ tới bàn thờ cuộc đời mình và liên tục tôn vinh chính mình. Chúng ta sẽ hoàn toàn yêu kính bản thân và sẽ là những người hùng hoặc thần tượng của cuộc đời mình. Chúng ta sẽ không có những nỗi sợ hãi chúng ta có, và chúng ta không giới hạn bản thân theo cách chúng ta làm. Nhưng buồn thay, sức mạnh chúng ta có ngay trong chính mình cũng khiến chúng ta sợ. Tài năng vĩ đại cũng đi kèm với trách nhiệm thật lớn. Ở cấp độ rất sâu bên trong chính mình, chúng ta băn khoăn liệu chúng ta có thể điều khiển được tiềm năng lớn lao tồn tại trong mình hay không, và chúng ta sợ tội lỗi mà chúng ta sẽ cảm thấy nếu chúng ta không điều khiển được hay lãng phí sức mạnh tự nhiên của mình.”
“Cho nên chúng ta phủ nhận nó,” tôi nhận xét. “Và làm như thế, phán đoán của con sẽ là chúng ta cũng phủ nhận số phận của chính mình.”
“Rất cừ, anh bạn Jack. Rất cừ,” Cha Mike tỏ ra vô cùng ấn tượng với sự tham gia của tôi vào cuộc trò chuyện. “Chúng ta rơi vào những gì các nhà tâm lý học gọi là phủ nhận. Đây là một cơ chế ứng phó mà mọi con người đều vận dụng để tránh cảm thấy nỗi đau của chân lý. Những gì tất cả chúng ta làm là tạo ra một câu chuyện hoặc thậm chí sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn – chúng ta nói dối về chuyện gì đó và sau đó chúng ta đánh lừa tư duy có ý thức của mình và tin rằng đó là sự thật, cho dù tâm hồn của chúng ta biết đó là lời nói dối.”
“Ôi trời.”
“Phủ nhận hoạt động ở cấp độ ngay bên dưới tư duy có ý thức, cho nên chúng ta thậm chí không biết mình đang làm điều đó. Đúng, như con nói, chúng ta phủ nhận cái phần tốt đẹp của mình. Nhưng sự thật bi thảm là chúng ta cũng phủ nhận cái phần xấu xa của mình. Tất cả chúng ta đều có cái phần giấu kín này, cái bản ngã tối tăm mà ta đã ám chỉ trong mấy ngày qua – một phần của chúng ta mà ta không muốn thừa nhận, vì làm như vậy sẽ khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ. Đây là cái phần trong chúng ta vốn luôn cảm thấy ganh ghét khi người khác thành công; luôn tìm cách đầu cơ khi người khác có nhu cầu; luôn tỏ thái độ công kích khi lẽ ra chúng ta nên bày tỏ tình yêu thương; luôn hành xử theo cách kiểm soát khi lẽ ra chúng ta nên hành xử theo cách hỗ trợ; và luôn cảm thấy cạnh tranh khi lẽ ra chúng ta nên thấy rằng tất cả chúng ta đều gắn kết và khi một người trong chúng ta chiến thắng, tất cả chúng ta đều thắng. Mọi con người đơn lẻ trên hành tinh này đều có một phần mà chúng ta che giấu trước thế giới. Trong cuộc tìm kiếm vô định nhằm tỏ ra hoàn hảo, chúng ta gói ghém nó trong một cái hộp tối. Thực tế, chúng ta phủ nhận sự tồn tại của nó và làm như thế, chúng ta phủ nhận một phần của chính mình.”
“Con vẫn đang suy ngẫm về quan niệm này khá nhiều kể từ lúc con ở với Cha,” tôi nói.
“Tốt lắm, Jack. Nhưng còn hơn thế. Bởi vì chúng ta phủ nhận một phần của chính mình, chúng ta có thể không bao giờ sống trọn vẹn. Thể hiện vai trò lãnh đạo trong cuộc đời mình rất cần có sức mạnh nội tại để chấp nhận mọi phần của chính con, những phần làm con hài lòng và cả những phần không. Một khi con làm được, con sẽ đánh giá được bản thân giúp gắn kết con với cuộc sống tốt nhất của con một cách nhanh chóng. Con sẽ trở thành một chỉnh thể hoàn chỉnh lần nữa – và trở thành một chính thể hoàn chỉnh chính là trở nên khỏe khoắn. Nhưng rất ít người làm như vậy. Quá dễ khi phủ nhận những phần không hoàn hảo của chúng ta, để thể hiện bản thân trước thế giới một cách hoàn thiện và để đeo chiếc mặt nạ hoàn hảo. Và thậm chí cho dù sâu thẳm trong chúng ta biết đó là điều dối trá thì chúng ta vẫn cứ làm điều đó.”
“Vậy có nghĩa là quan niệm phủ nhận mà Cha vừa nói đến khiến cho chúng ta mắc kẹt trong sự dối trá?”
“Chính xác là như vậy. Đó chính là ý nghĩa của phủ nhận – nói dối chính con để né tránh sự đau đớn khi phải thừa nhận sự thật. Ở một mức độ thật sâu, con có thể mất đi sự chính trực. Chắc chắn, con biết cách nói như ai đó có sự chính trực cao, và con tự nhủ với mình rằng con là một người tốt có những chuẩn mực đạo đức cao. Nhưng nếu thật sự chân thật với bản thân, có thể con sẽ bắt đầu nhìn thấy sự phủ nhận của mình. Con có thể bắt đầu chú ý đến bất kỳ lúc nào con nói ra những lời dối trá nho nhỏ hoặc cắt bỏ những góc khuất đạo đức. Con thuyết phục bản thân rằng con tuyệt đối trung thực – nhưng có đúng vậy không? Và con nghĩ không ai nhận ra, nhưng sẽ có người nhìn thấy mọi ý nghĩ, hành động và cảm xúc. Và cái người đó chính là con.”
“Tất cả mọi người trong chúng ta đều có một tâm hồn trong mình biết rõ làm một con người cao thượng, tử tế và đáng yêu nghĩa là thế nào. Tất cả chúng ta đều có một nơi sâu thẳm trong mình biết như vậy. Khi con làm gì đó sai trái, con có thể tìm cách đánh lừa mình bằng việc biện bạch cho những gì con làm ở một cấp độ có ý thức. Con có thể tạo ra toàn bộ câu chuyện rằng thế giới không liêm chính và con là nạn nhân. Con có thể xây dựng một trường hợp rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho những gì họ làm với con và con hành động nghiệt ngã với họ để dạy cho họ một bài học. Nhưng trách nhiệm của con không phải là một cảnh sát của vũ trụ này. Công việc của con là thể hiện như một thủ lĩnh trong chính cuộc đời của con bằng cách tiếp nhận những bài học mà ngôi trường trưởng thành đang giảng cho con, và làm như vậy sẽ giúp phát triển cái tôi tốt nhất và chân thực nhất của con.”
“Vâng,” tôi nói, cố gắng tiếp thu tất cả điều này, “liệu có công bằng khi nói rằng cuộc chiến này là một trong những cuộc chiến về sự xác thực không? Hay chính xác hơn, đây là một trận chiến của sự liêm chính – vì khi chúng ta hành động theo những cách thức không đồng điệu với con người đích thực của chúng ta thì chúng ta không còn liêm chính nữa?”
“Chắc chắn như vậy, Jack. Có một quan niệm cực kỳ mạnh mẽ mà ta gọi là Lỗ hổng Liêm chính. Nói đơn giản, lỗ hổng giữa con người con ở bên trong, hay là cái bản ngã thật sự của con, với cách con thể hiện ra ngoài, hay cái bản ngã xã hội của con, càng lớn thì con sẽ càng cảm thấy không hạnh phúc trong cuộc đời. Như Ashley Montagu[16] từng nhận xét nhiều năm trước: ‘Thất bại cá nhân sâu thẳm nhất mà con người phải chịu cấu thành bởi sự khác biệt giữa những gì người ta có khả năng trở thành với những gì thực tế người ta trở thành.’ Con thấy đấy, lý do chính khiến hàng triệu người trong thế giới của chúng ta ngày nay có sự khó chịu tinh thần mà họ luôn phải mang theo mình chính là do Lỗ hổng Liêm chính. Họ đang phản bội chính mình và không để cho cái bản chất đích thực của họ thể hiện trước thế giới. Và những phần sâu thẳm nhất và tốt nhất của họ chắc chắn biết như vậy.”
***
“Mẹ con thường dạy con: ‘Jack, con người con nói to đến mức mẹ không thể nghe được những gì con đang nói’,” tôi nói.
“Mẹ con là một người phụ nữ khôn ngoan. Và bà ấy đúng – tất cả chúng ta phải để cho cuộc đời mình tự nói lên tiếng nói của mình. Con người con và cách con thể hiện trong cuộc sống nói lên tất cả. Và con cần trung thực với chính mình, nếu không nó sẽ khống chế con.” Cha Mike nói và sau đó cười.
“Sao cha lại cười?”
“Bởi vì thế giới vận hành với trí thông minh tuyệt đỉnh và cách sắp xếp của vũ trụ hoàn hảo đến mức ta chỉ có thể cười cái cách chúng ta, những con người, nghĩ rằng mình kiểm soát được toàn bộ mọi thứ! Ý ta là, hãy quan sát cách toàn bộ thế giới này được bài trí. Hãy nghĩ về điều đó một phút,” ông nói, mắt ông nhìn xoáy vào tôi. “Con có đủ tiềm năng và nó đang ngủ sâu trong chính con. Con có những giá trị nhất định mà con yêu quý nhất. Con có những cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động nhất định vốn là một phần của những gì khiến con trở nên riêng biệt trên hành tinh này. Con có những đam mê và sở thích riêng làm cho con hạnh phúc. Và cả những giấc mơ cho cuộc đời con được giải mã sâu trong ADN của con. Tất cả những thứ này là các khía cạnh của cái tôi đích thực của con. Và khi con từ bỏ việc sống một cuộc đời phản ánh được những khía cạnh của cái tôi đích thực này – bằng việc không thể hiện với thế giới, không làm những gì mình thích, không sống theo những giá trị quan trọng nhất của mình, không cảm nhận những cảm xúc của mình, hay không nói sự thật của mình – con dần dần khép “cánh cửa” lại. Giá trị riêng của con mất đi, và tâm hồn con bắt đầu teo tóp. Con sẽ thường xuyên phải chịu đựng những nỗi bất hạnh. Con có ít năng lượng hơn, sức sáng tạo của con giảm sút, và con không còn đam mê.”
“Vậy sự khó chịu mà con cảm thấy chính là một món quà,” tôi nói, suy luận ra một ý nghĩa lớn.
“Con thật thông minh,” Cha Mike nói và vỗ tay đầy tự hào. “Chính là như vậy! Tất cả sự không hài lòng con cảm thấy thật sự không là gì khác hơn cuộc sống tốt nhất của con – số phận con gõ cánh cửa cuộc sống hiện tại của con. Nỗi đau con cảm nhận được ở sâu thẳm bên trong chính là tinh thần của con đang mách bảo con thức tỉnh và quay trở lại đúng đường đi – trở nên đồng dạng và xác thực và hãy làm con người đích thực của con. Như Hermann Hesse[17] đã viết trong cuốn Demian: ‘Mỗi con người chỉ có một thiên hướng đích thực duy nhất – tìm đường tới chính mình… Nhiệm vụ của họ là khám phá số phận của chính mình – không phải là một số phận võ đoán – và sống trọn vẹn cho nó và ngay trong chính bản thân. Mọi thứ khác chỉ là sự tồn tại có thể, một nỗ lực lảng tránh, một hình thức quay trở lại với những ý tưởng của đại chúng, tuân theo và sợ hãi cái phần thực chất của riêng mình.’ Điều đáng buồn là hầu hết mọi người đều không chú ý đến sự khó chịu, sự vô nghĩa, sự lệ thuộc bên trong đã tồn tại trong chính họ, sự nhắc nhở của vũ trụ nhằm đánh thức và khám phá những cái bản ngã tốt nhất của họ này. Họ tin rằng sự bất hạnh của họ là điều tự nhiên.”
“Vậy làm cách nào con điều hòa được thế giới bên ngoài với thế giới bên trong của mình?” Tôi thắc mắc.
“Con cần bắt đầu có ý thức thực hiện việc thu hẹp Lỗ hổng Liêm chính mỗi ngày, Jack ạ. Làm như vậy, con sẽ cải tạo được con người đích thực của mình. Và khi điều đó xảy ra, sự vĩ đại sẽ lan tỏa ra mọi hướng của cuộc đời con.”
“Con cần bắt đầu từ đâu?”
“Trước tiên, con cần đi sâu vào bên trong và bắt đầu quá trình tự tìm hiểu chính mình. Tự hiểu chính là xuất phát điểm của việc con khám phá ra giá trị của bản thân mình. Hãy khám phá những giá trị lớn nhất của con, xác định cách con thật sự muốn thực hiện cuộc đời mình, và nghĩ về những gì làm con hạnh phúc. Hãy làm rõ những tiêu chuẩn con cảm thấy mình cần để sống cuộc sống của mình, để đúng với chính mình, sau đó khớp nối với cách con xuất hiện trên thế giới này nếu như con đã thật sự suy nghĩ, hành động và cảm nhận theo những cách chân thực. Tất cả sẽ như thế nào? Con sẽ không còn phải chịu đựng những gì? Con sẽ không thực hiện những hành động gì? Và con sẽ có ý thức lựa chọn loại bỏ những con người nào ra khỏi cuộc đời mình?”
“Thật là những câu hỏi thú vị,” tôi nhận xét.
“Ta gợi ý rằng con cần viết ra những gì con phát hiện được trong hành trình mà ta nói với con trong ngày đầu tiên con ở đây để con có thể hình thành một cuộc đối thoại vẫn đang tiếp diễn với chính mình. Đối thoại với bản thân là việc làm rất quan trọng, bởi đó là cách để con hiểu được con thật sự là ai. Sau đó, bước tiếp theo là hành động mỗi ngày để bộc lộ cái tôi đích thực với thế giới – lấp đầy Lỗ hổng Liêm chính. Hãy bắt đầu sống cuộc đời của mình theo đúng những chuẩn mực của riêng con.”
“Lấp đầy Lỗ hổng Liêm chính,” tôi nhắc lại.
“Đúng – hãy chân thực, hãy sống thật, và là chính mình. Và lúc con làm như thế, lòng tự trọng của con sẽ phát triển mạnh, và con sẽ giải phóng được mức độ tự tin cực lớn. Con thậm chí sẽ không biết điều gì đang xảy ra, vì toàn bộ điều này sẽ diễn ra ở một cấp độ tiềm thức rất sâu. Nhưng con sẽ bắt đầu thấy những thay đổi lớn theo cách con đang thực hiện khi cái tôi xã hội của con trở thành hình ảnh phản chiếu trong gương cho cái tôi đích thực của con. Con sẽ có nhiều năng lượng vô kể và sẽ thấy rằng con sáng tạo hơn hẳn. Con sẽ thấy rằng con có lạc thú và bình yên sâu trong chính mình. Việc thành thật với chính mình nâng cuộc đời con lên một cấp độ hoàn toàn mới và đánh thức cái bản ngã tốt đẹp nhất của con. Từ quan điểm siêu hình, khi con hài hòa được thế giới bên ngoài với thế giới bên trong mình, vũ trụ sẽ thổi những làn gió dưới đôi cánh của con và đưa con tới những kho báu của nó.”
Cha Mike đứng lên. “Hãy gặp ta ở sảnh lớn vào sáng mai lúc 7 giờ. Ta cần cho con xem một thứ,” ông nói với vẻ đầy bí ẩn. “Hôm nay thế là đủ. Ta đã cho con rất nhiều điều để suy ngẫm, cho nên ta đoán rằng con nên về phòng và ghi chép một chút. Hãy ghi lại những gì con vừa học được từ ta và những gì con khám phá được về bản thân. Ta biết cách làm này sẽ có ích nhất cho con đấy.”
Nói xong, ông quay đi, để lại tôi với tâm trí ngập tràn những suy nghĩ và một cảm giác hy vọng mà tôi chưa từng biết suốt nhiều năm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.