Ba ơi, mình đi đâu?

Chương 1



Mathieu yêu quý,

Thomas yêu quý,

Khi các con còn nhỏ, thỉnh thoảng vào dịp Noël, ba lại có ý định tặng các con một cuốn sách, một cuốn Tintin chẳng hạn. Rồi sau đó, hẳn chúng ta sẽ có thể trò chuyện cùng nhau. Ba biết rất rõ Tintin, ba đã đọc nhiều lần tất cả các tập.

Nhưng ba không bao giờ thực hiện ý định đó cả, chẳng mất công làm gì, các con không biết đọc. Các con sẽ chẳng bao giờ biết đọc. Đến giây phút cuối cùng, quà Noël cho các con lại sẽ là những khối hộp hoặc những chiếc ô tô nhỏ…

Giờ thì Mathieu đã ra đi kiếm tìm quả bóng của mình ở một nơi mà người ta không thể giúp thằng bé lấy lại nó được nữa, giờ thì Thomas, dù vẫn luôn hiện diện trên Trái đất, nhưng tâm hồn đã ngày càng phiêu du giữa những đám mây, tuy vậy, ba vẫn sẽ tặng các con một cuốn sách. Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền. Để viết ra những điều ba chưa bao giờ tiết lộ. Có lẽ là những nỗi niềm ăn năn. Ba không phải một người cha tốt cho lắm. Thường thì ba không chịu đựng nổi các con, thật khó để có thể thương yêu các con. Với các con, cần phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần.

Để nói với các con rằng ba rất tiếc vì chúng ta đã không thể cùng nhau hạnh phúc, và có lẽ, cũng là để xin các con tha lỗi vì ba đã làm hỏng các con.

Các con và ba mẹ, chúng ta đều không có cơ hội. Trời đã định như vậy, điều đó được gọi là họa vô đơn chí.

Ba không than phiền nữa.

Khi nói về những đứa trẻ tật nguyền, người ta thường tỏ vẻ nghiêm trọng như khi nói về một thảm họa. Nhưng lần này, ba muốn thử nói về các con một cách vui vẻ. Các con từng khiến ba cười, và không phải lúc nào cũng là miễn cưỡng.

Nhờ các con, ba mới có được nhiều lợi thế hơn so với các bậc phụ huynh có con cái bình thường. Ba không phải bận tâm gì về chuyện học hành hay định hướng nghề nghiệp cho các con. Ba mẹ không phải phân vân xem nên chọn chuyên ngành khoa học hay chuyên ngành văn học. Ba mẹ không phải lo lắng xem các con sẽ làm nghề gì sau này, bởi chúng ta nhanh chóng biết được điều đó: không gì cả.

Và đặc biệt, suốt nhiều năm trời, ba được hưởng miễn phí giấy chứng nhận đã đóng thuế ô tô[1]. Nhờ các con, ba đã có thể phóng trên những chiếc ô tô cỡ lớn của Mỹ.

[1] Các bậc phụ huynh có con bị tật nguyền được cấp thẻ chứng nhận tật nguyền vĩnh viễn được hưởng giấy chứng nhận đã đóng thuế ô tô. Năm 1991, năm loại thuế này mất hiệu lực, người ta không được hưởng quyền lợi gì khi có con bị tật nguyền nữa (chú thích của tác giả).

~ * * * ~

Từ lúc bước lên chiếc Camaro, Thomas, 10 tuổi, không ngừng hỏi, như thằng bé vẫn thường làm: “Ba ơi, mình đi đâu?”

Thoạt tiên, tôi trả lời: “Mình về nhà.”

Một phút sau, cũng với vẻ ngây thơ như vậy, nó lại đặt ra cùng câu hỏi ấy, nó không hiểu gì cả. Đến lần hỏi thứ mười “Ba ơi, mình đi đâu?” thì tôi không trả lời nữa…

Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à.

Chúng ta đi loanh quanh. Chúng ta đâm thẳng vào tường.

Một đứa con tật nguyền, rồi hai đứa. Tại sao không là ba…

Tôi không mong chờ điều đó.

Ba ơi, mình đi đâu?

Mình đi ngược chiều trên xa lộ.

Mình đi đến Alaska. Mình đi vuốt ve lũ gấu. Mình sẽ bị chúng xé xác.

Mình đi hái nấm. Mình đi hái loại nấm tử thần và mình sẽ làm món ốp lết ngon lành.

Mình đi đến bể bơi, mình đi lao xuống một cái bể cạn từ một cái ván nhún.

Mình đi ra biển. Mình đi đến làng Mont-Saint-Michel. Mình sẽ đi dạo trong cát lún. Mình đi trong sa lầy. Mình sẽ đi xuống địa ngục.

Không nản chí, Thomas tiếp tục: “Ba ơi, mình đi đâu?” Có lẽ thằng bé biết sẽ cải thiện được kỷ lục của chính mình. Sau lần hỏi thứ một trăm thì mọi chuyện khiến người ta không nhịn cười nổi nữa. Với nó, người ta không bao giờ thấy nhàm chán. Thomas quả là vua của thể loại running gag[2].

[2] Hài kịch lặp đi lặp lại, dưới cùng một hình thức hoặc dưới các hình thức khác nhau đôi chút, trong cùng một vở kịch ngắn hay trong nhiều kỳ liên tiếp (các chú thích nếu không có lưu ý gì thêm đều là của người dịch).

~ * * * ~

Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay.

Chẳng có ai giơ tay cả.

Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó, như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế, thứ gì đó chỉ xảy ra một lần.

Tôi có tới hai ngày tận thế.

~ * * * ~

Khi ngắm nhìn một em bé sơ sinh, người ta thường bày tỏ thái độ ngưỡng mộ. Vì chuyện đó thật tuyệt. Người ta ngắm nghía đôi bàn tay em bé, người ta đếm những ngón tay nhỏ xíu của em bé, người ta nhận thấy em bé có năm ngón trên mỗi bàn tay, năm ngón trên mỗi bàn chân, người ta sững sờ, không phải bốn ngón, không phải sáu ngón, đúng thế, chỉ năm ngón thôi. Mỗi lần như vậy là một điều kỳ diệu. Ấy là tôi không bàn đến cấu tạo bên trong vốn còn phức tạp hơn.

Sinh ra một đứa trẻ, là đối mặt với nguy cơ… Không phải bao giờ người ta cũng thành công. Thế nhưng, người ta vẫn tiếp tục sinh đẻ.

Mỗi giây trên Trái đất lại có một phụ nữ cho ra đời một đứa trẻ… Nhất thiết phải tìm gặp người phụ nữ đó yêu cầu cô ta ngừng lại, một kẻ thích đùa đã chua thêm như vậy.

~ * * * ~

Hôm qua, chúng tôi đến tu viện Abbeville để giới thiệu Mathieu với dì Madeleine, nữ tu dòng Carmel.

Chúng tôi được đón tiếp trong phòng khách tu viện, một căn phòng nhỏ quét vôi trắng toát. Trên bức tường cuối phòng, có một lỗ cửa bị tấm ri đô dày che kín. Tấm ri đô màu đen, chứ không phải màu đỏ như ở Nhà hát Múa rối. Từ sau tấm ri đô, chúng tôi nghe thấy cất lên một giọng nói: “Xin chào các con.”

Đó là dì Madeleine. Dì phải ở trong nhà tu kín, dì không được phép thấy chúng tôi. Chúng tôi thảo luận một lúc với dì, rồi dì muốn gặp Mathieu. Dì yêu cầu chúng tôi đặt chiếc nôi của thằng bé trước lỗ cửa rồi quay mặt vào tường. Các nữ tu kín chỉ được phép thấy trẻ con chứ không được phép thấy người lớn. Vì vậy, dì đã gọi các nữ tu khác đến để trầm trồ khen ngợi thằng cháu họ gọi dì bằng bà. Chúng tôi nghe thấy tiếng áo váy sột soạt, tiếng cười đùa rúc rích rồi tiếng ri đô bị kéo ra. Tiếp đến là một màn hòa tấu những lời tán dương, những tiếng cù léc vui vẻ dành cho đứa trẻ tuyệt vời. “Nó mới dễ thương làm sao! Mẹ Bề trên, Mẹ hãy nhìn xem nó cười với chúng ta này, chẳng khác nào một thiên thần bé nhỏ, một Đức Chúa hài đồng…!” Điều này sẽ hoàn toàn đúng nếu họ không nhận xét rằng thằng bé có vẻ khôn trước tuổi.

Đối với các nữ tu, trẻ con trước hết đều là tạo vật của Đức Chúa lòng lành, vì thế mà chúng thật hoàn hảo. Tất cả những gì Chúa tạo ra đều hoàn hảo. Họ không muốn thấy những khiếm khuyết. Hơn nữa, đây lại là cháu họ của Mẹ Bề trên. Đã có lúc tôi muốn ngoảnh lại nói với họ rằng chẳng cần phải cường điệu làm gì.

Nhưng tôi không làm thế, tôi đã quyết định đúng.

Cũng phải có một lần Mathieu tội nghiệp được nghe những lời tán dương chứ

~ * * * ~

Tôi sẽ không bao giờ quên người bác sĩ đầu tiên đã dũng cảm thông báo cho chúng tôi tin Mathieu vĩnh viễn không phát triển bình thường. Ông là giáo sư Fontaine, ở Lille. Ông khuyên chúng tôi không nên nuôi ảo tưởng. Mathieu chậm phát triển, thằng bé sẽ mãi mãi chậm phát triển, dù thế nào đi nữa thì cũng chẳng thể làm gì, nó tật nguyền, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ không yên giấc. Tôi nhớ mình đã gặp ác mộng.

Cho tới lúc ấy, mọi chẩn đoán đều rất mập mờ. Mathieu chậm phát triển, người ta đã nói với chúng tôi rằng thằng bé chỉ chậm phát triển về thể chất, không có vấn đề gì về tinh thần.

Nhiều bậc phụ huynh, nhiều bạn bè tìm cách trấn an chúng tôi, thường là rất vụng về. Mỗi lần gặp thằng bé, họ lại tỏ ra ngạc nhiên trước những tiến bộ nó đạt được. Tôi nhớ có lần đã nói với họ rằng tôi thì tôi thấy ngạc nhiên trước những tiến bộ nó không đạt được. Tôi ngắm nhìn con cái của những người khác.

Người Mathieu mềm oặt. Thằng bé không thể giữ cho đầu mình thẳng được, như thể cổ nó cấu tạo bằng cao su vậy. Trong khi con cái của những người khác vươn người lên, vẻ kiêu hãnh, để đòi ăn, thì Mathieu cứ nằm thượt ra. Nó chẳng bao giờ đói, phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần mới cho nó ăn được, và thường thì nó ọe luôn lên người thiên thần.

~ * * * ~

Nếu một đứa trẻ ra đời là một điều kỳ diệu, thì một đứa trẻ tật nguyền ra đời lại là một điều kỳ diệu ngược lại.

Mắt của Mathieu tội nghiệp nhìn không rõ, xương lại yếu, chân thì khoèo và nó nhanh chóng bị gù, tóc tai nó bờm xờm, nó không xinh xắn gì và đặc biệt, nom nó thật u buồn. Thật khó để chọc cho nó cười, lúc nào nó cũng lặp đi lặp lại: “A, đây, đây, Mathieu… A, đây, đây, Mathieu…” như một khúc ca đơn điệu. Đôi khi nó gào khóc xé gan xé ruột, như thể nó đang đau đớn ghê gớm vì không nói được gì với chúng tôi. Chúng tôi luôn có cảm giác nó hiểu tình trạng của nó. Hẳn nó nghĩ: “Nếu biết, con sẽ chẳng ra đời.”

Chúng tôi rất muốn che chở cho nó khỏi cái số phận đã bám riết lấy nó. Điều khủng khiếp nhất, là chúng tôi không làm được gì. Thậm chí, chúng tôi không thể an ủi nó, không thể nói với nó rằng chúng tôi yêu nó như những gì nó có, bởi người ta bảo chúng tôi rằng nó bị điếc.

Khi nghĩ rằng mình chính là tác giả những tháng ngày của nó, những tháng ngày kinh khủng mà nó phải trải qua trên Trái đất, rằng mình chính là kẻ khiến nó xuất hiện, tôi lại muốn xin nó tha thứ.

~ * * * ~

Người ta thường dựa vào đâu để nhận ra một đứa trẻ bất thường?

Nó giống như một đứa trẻ ngu ngơ, dị dạng.

Như thể người ta nhìn nó qua một tấm kính mờ đục.

Chẳng có tấm kính mờ đục nào cả.

Đứa trẻ đó sẽ không bao giờ sáng sủa.

~ * * * ~

Cuộc sống của một đứa trẻ bất thường chẳng có gì vui vẻ. Ngay lúc đầu, mọi chuyện đã diễn ra tệ hại.

Lần đầu tiên mở mắt, nó thấy hai gương mặt nghiêng xuống chiếc nôi của nó, ngắm nhìn nó với vẻ rụng rời. Ba nó và mẹ nó. Họ đang nghĩ: “Chính chúng ta đã tạo ra thứ này ư?” Họ có vẻ không mấy tự hào.

Đôi khi, họ mạt sát nhau, đổ trách nhiệm cho nhau. Họ sẽ moi ra bằng được một bậc cụ kỵ hay một ông chú già nua nghiện rượu nào đó đậu vắt vẻo trên những cành cây phả hệ.

Đôi khi, họ bỏ nhau luôn.

~ * * * ~

Mathieu luôn phát ra những tiếng “brừm-brừm” từ miệng. Thằng bé nghĩ mình là một chiếc ô tô. Tệ nhất là những lần nó chơi trò Cuộc đua Hai mươi tư giờ thành Mans[3]. Suốt đêm nó “brừm-brừm” không ngừng nghỉ.

[3] 24 Heures du Mans: cuộc đua ô tô kéo dài hai mươi tư giờ đồng hồ ở thành phố Mans, phía Tây nước Pháp.

Đã nhiều lần tôi phải yêu cầu nó tắt ngay động cơ nhưng vô ích. Không tài nào thuyết phục nổi.

Tôi không thể ngủ, ngày hôm sau tôi phải dậy sớm. Đôi lúc, trong đầu tôi nảy sinh những ý nghĩ khủng khiếp, tôi muốn quăng nó qua cửa sổ, nhưng chúng tôi sống ở tầng trệt, nhưng việc đó sẽ chẳng có tác dụng gì, chúng tôi sẽ lại tiếp tục nghe thấy tiếng nó.

Tôi tự an ủi mình bằng suy nghĩ ngay cả những đứa trẻ bình thường cũng khiến cha mẹ chúng mất ngủ.

Thật đáng đời họ.

~ * * * ~

Mathieu không thể đứng thẳng người. Cơ nó thiếu sức trương, người nó mềm oặt như một con búp bê bằng vải. Nó sẽ phát triển thế nào đây? Nó sẽ ra sao khi nó lớn? Liệu chúng tôi có nên đặt cho nó một cái cọc đỡ[4]?

[4] Nguyên bản tiếng Pháp: tuteur, vừa có nghĩa là cái cọc đỡ vừa có nghĩa là người giám hộ.

Tôi từng nghĩ có thể nó trở thành thợ sửa ô tô. Nhưng là một người thợ nằm dài. Giống như những người sửa gầm ô tô trong các gara không có cầu nâng.

~ * * * ~

Mathieu không có nhiều thú vui giải trí. Thằng bé không xem ti vi, nó không cần đến ti vi rồi mới bị thiểu năng. Dĩ nhiên, nó không đọc. Thứ duy nhất có vẻ khiến nó được hạnh phúc đôi chút là âm nhạc. Khi nghe thấy tiếng nhạc, nó vỗ vào quả bóng của nó, như vỗ vào một cái trống, rất nhịp nhàng.

Quả bóng giữ vị trí quan trọng trong cuộc đời nó. Nó thường ném quả bóng vào một nơi nào đó mà nó biết là không thể tự mình lấy được. Thế là nó đến tìm chúng tôi, nó kéo tay chúng tôi tới chỗ nó đã ném quả bóng. Chúng tôi lấy lại quả bóng, chúng tôi đưa quả bóng cho nó. Năm phút sau, nó lại đến tìm chúng tôi, vì nó lại vừa ném quả bóng thêm lần nữa. Nó có thể lặp đi lặp lại cùng một hành động ấy hàng chục lần trong ngày.

Hẳn đó là cách duy nhất nó tìm được để tạo mối liên kết với chúng tôi, để chúng tôi nắm lấy tay nó.

Giờ thì Mathieu đã ra đi tự mình tìm bóng. Nó đã ném quả bóng đi quá xa. Đến một nơi mà chúng tôi không thể giúp nó lấy lại quả bóng được nữa…

~ * * * ~

Mùa hè sắp tới. Cây cối đơm hoa. Vợ tôi đang đợi sinh đứa bé thứ hai, cuộc sống thật tươi đẹp. Đứa bé sẽ chào đón đúng mùa hoa mơ nở. Chúng tôi nóng lòng mong mỏi và hơi lo lắng.

Dĩ nhiên vợ tôi rất lo lắng. Để không làm tôi căng thẳng, cô ấy không dám nói ra điều đó. Tôi thì tôi dám. Tôi không có khả năng giữ những mối ưu tư trong lòng, tôi cần được chia sẻ. Tôi đã không thể kìm nén mình. Tôi nhớ mình từng nói với cô ấy bằng giọng điệu tế nhị quen thuộc: “Em cứ tưởng tượng đứa bé này cũng sẽ không bình thường đi.” Tôi không chỉ muốn tạo lập bầu không khí vui vẻ, mà còn muốn trấn an bản thân và giải trừ số mệnh.

Tôi nghĩ rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy đến lần thứ hai. Tôi biết người ta thường nói thương cho roi cho vọt, nhưng tôi không nghĩ Chúa thương tôi đến vậy; tôi là người ích kỷ, nhưng không tới mức ấy.

Với Mathieu, hẳn đó là một tai nạn, mà tai nạn thì chỉ xảy ra một lần; theo nguyên tắc, nó không lặp lại.

Dường như bất hạnh chỉ đến với những ai không mong đợi nó, không nghĩ đến nó. Vì vậy, chúng tôi nghĩ đến nó để nó không xảy ra…

Thomas vừa chào đời, thằng bé thật tuyệt vời, tóc vàng, mắt đen, ánh mắt linh hoạt, miệng luôn mỉm cười. Tôi sẽ không bao giờ quên niềm vui đó.

Nó đã chào đời thật thành công, như một thứ tạo vật quý giá và mong manh. Mái tóc vàng khiến nó nom như một thiên thần bé nhỏ trong tranh của Botticelli. Tôi bế nó trên tay, vuốt ve nó, đùa chơi với nó, làm nó bật cười mãi không thấy chán.

Tôi nhớ mình từng tâm sự với bạn bè rằng lần này tôi đã hiểu có một đứa con bình thường là như thế nào.

~ * * * ~

Nhưng tôi lạc quan hơi vội vàng. Thomas rất yếu, thằng bé thường xuyên đau ốm, đã nhiều lần chúng tôi buộc phải đưa nó tới bệnh viện.

Rồi một ngày kia, bác sĩ điều trị dũng cảm cho chúng tôi hay sự thật. Thomas cũng vậy, cũng tật nguyền, như anh trai nó.

Thomas sinh sau Mathieu hai năm.

Mọi thứ lại trở về trật tự cũ. Thomas ngày càng giống Mathieu. Đó là ngày tận thế thứ hai của đời tôi.

Tạo hóa đã quá nặng tay với tôi.

Ngay cả kênh TF1, để làm nhân vật chính gây xúc động và khiến đông đảo khán giả nhỏ lệ, hẳn cũng sẽ không dám đưa một tình huống tương tự tình huống của tôi vào một bộ phim truyền hình, bởi e rằng làm như thế là quá đáng, là thiếu chân thực và rốt cuộc thế nào cũng bị chê cười.

Tạo hóa đã giao cho tôi vai diễn người cha khả kính.

Tôi có ngoại hình hợp với vai diễn này lắm sao?

Tôi có thành người khả kính được không?

Tôi sẽ khiến người ta nhỏ lệ hay khiến người ta chê cười?

~ * * * ~

“Ba ơi, mình đi đâu?

– Mình đi đến Lourdes.”

Thomas bật cười, như thể nó hiểu.

Bà tôi, được một bà phước giúp đỡ, đã cố thuyết phục tôi đến Lourdes cùng hai đứa con trai. Bà muốn thanh toán chi phí chuyến đi. Bà hi vọng có được một điều kỳ diệu.

Đến Lourdes rất xa, phải mất mười hai tiếng chạy tàu cùng hai đứa trẻ khó lòng bảo ban.

Khi trở về, chúng sẽ khôn ngoan hơn, bà phước nói vậy. Bà không dám nói “sau điều kỳ diệu”.

Dù sao cũng sẽ chẳng có điều kỳ diệu nào cả. Nếu những đứa trẻ tật nguyền, như tôi từng nghe nói, là một hình phạt của Chúa trời, thì thật khó tưởng tượng nổi Đức Mẹ Đồng trinh lại muốn can thiệp vào đó bằng cách tạo ra một điều kỳ diệu. Dĩ nhiên bà ta sẽ không muốn nhúng tay vào quyết định của đấng bề trên.

Và rồi ngoài kia, giữa đám đông, giữa những đoàn rước lễ, trong đêm tối, tôi có nguy cơ lạc mất bọn trẻ và không bao giờ gặp lại chúng nữa.

Có lẽ đó chính là điều kỳ diệu chăng?

~ * * * ~

Khi có con bị tật nguyền, người ta phải chịu đựng không ít những lời ngu ngốc.

Có người nghĩ rằng chúng tôi đáng bị như thế. Ai đó muốn điều tốt cho tôi đã kể tôi nghe câu chuyện về một anh chàng học viên dòng tu trẻ tuổi. Lúc sắp được phong giáo sĩ thì anh ta gặp một cô gái và đem lòng yêu cô ta say đắm. Anh ta bèn rời bỏ trường dòng rồi kết hôn với cô gái đó. Họ sinh được một đứa con, đứa bé bị tật nguyền. Thật đáng đời họ.

Có người nói rằng không phải ngẫu nhiên mà bạn lại sinh ra những đứa con tật nguyền. “Lỗi là do ba của anh…”

Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ, mơ màng, tôi gặp ba tôi trong một quán rượu. Tôi giới thiệu các con tôi với ông, ông chưa từng gặp chúng bao giờ, ông qua đời trước khi chúng được sinh ra.

“Ba ơi, nhìn này.

– Ai thế?

– Các cháu của ba, ba thấy chúng thế nào?

– Không đến nỗi xoàng lắm.

– Tại ba đấy.

– Con lảm nhảm gì vậy?

– Tại Byrrh. Ba biết đấy, khi các bậc phụ huynh uống rượu.”

Ông quay lưng lại với tôi và ông gọi một ly Byrrh khác.

~ * * * ~

Có người nói: “Nếu là tôi thì tôi sẽ bóp chết nó ngay lúc nó chào đời, như bóp chết một con mèo vậy.” Họ chẳng có óc tưởng tượng gì cả. Ta có thể thấy ngay họ chưa bao giờ bóp chết một con mèo.

Thoạt tiên, khi đứa trẻ chào đời, trừ phi nó dị dạng hình thể, người ta không biết chắc liệu nó có tật nguyền hay không. Các con tôi, lúc còn là những đứa trẻ sơ sinh, cũng chẳng khác gì những đứa trẻ sơ sinh khác. Nghĩa là chúng không biết tự ăn, nghĩa là chúng không biết nói, nghĩa là chúng không biết đi, đôi khi chúng mỉm cười, đặc biệt là Thomas. Mathieu thì cười ít hơn…

Khi con mình bị tật nguyền, không phải lúc nào người ta cũng phát hiện ra ngay. Chuyện đó giống như một điều bất ngờ.

Cũng có người nói: “Con cái tật nguyền là một món quà của Chúa trời.” Và họ nói thế không phải để đùa cợt. Đó hiếm khi là những người có con cái tật nguyền.

Lúc nhận món quà đó, người ta muốn thốt lên với Chúa trời: “Ôi! Không cần phải…”

~ * * * ~

Lúc chào đời, Thomas được tặng một món quà rất đẹp, một chiếc cốc, một cái đĩa và một cái thìa sâu lòng bằng bạc. Trên cán thìa và xung quanh đĩa có những họa tiết trang trí giống đường vân trên vỏ loại sò Saint-Jacques. Cha đỡ đầu của thằng bé đã tặng nó những món đồ này, anh ta là tổng giám đốm chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng, một trong số những người bạn thân thiết của gia đình tôi.

Khi Thomas lớn và nhanh chóng lộ ra mình bị thiểu năng, nó không bao giờ nhận được quà từ cha đỡ đầu của nó nữa.

Nếu nó phát triển bình thường, hẳn sau đó, nó sẽ được tặng một cây bút xinh xắn có ngòi bằng vàng, rồi một cây vợt tennis, một chiếc máy ảnh… Nhưng vì nó bất thường, nên nó chẳng được quyền nhận thêm gì hết. Cũng không thể oán trách cha đỡ đầu của nó, đó là chuyện thường tình. Anh ta từng tự nhủ: “Tạo hóa đã chẳng quà cáp gì cho nó, vậy có lý nào tôi lại phải quà cáp cho nó.” Vả chăng, có quà cáp thì thằng bé cũng không biết để làm gì.

Tôi vẫn giữ chiếc đĩa sâu lòng đó, tôi dùng nó làm gạt tàn. Thomas và Mathieu không hút thuốc, chúng sẽ không biết hút thuốc, mà chúng nghiện ngập.

Bởi mỗi ngày, chúng tôi phải cho chúng uống thuốc an thần để giữ chúng yên lặng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.