Bản sonata Kreutzer

Chương 01



ĐÓ LÀ VÀO ĐẦU mùa xuân. Chúng tôi đi đã được hai ngày đường. Những hành khách đi các chặng ngắn lên lên xuống xuống tàu, nhưng có ba người cũng giống như tôi, đi từ ga đầu tiên. Đó là một quý bà không đẹp lắm và cũng không còn trẻ, hút thuốc liên tục, mang một vẻ mặt đau khổ và mặc chiếc áo khoác kiểu đàn ông, đầu trùm mũ. Bạn của bà ta là một người lắm lời, khoảng bốn mươi tuổi, mặc đồ mới cứng rất tề chỉnh. Ngoài ra còn có một người đàn ông luôn giữ vẻ cô độc, dáng người tầm thước, tác phong dứt khoát, còn trẻ nhưng đã có những khóm tóc bạc sớm, đôi mắt sáng luôn đảo từ chỗ này sang chỗ khác. Anh ta mặc chiếc áo khoác cũ may bằng loại vải đắt tiền có cổ bằng lông cừu và trùm cái mũ cao cũng bằng lông cừu. Mỗi khi anh ta cởi nút, dưới lớp áo khoác lộ ra tấm áo lót và chiếc sơ mi thêu kiểu Nga. Cái đặc biệt của người đàn ông này là thỉnh thoảng anh ta lại phát ra những âm thanh kỳ lạ giống như tiếng ho hay tiếng bật cười rời rạc.

Người đàn ông đó suốt dọc hành trình cố tránh trò chuyện và làm quen với các hành khách khác. Khi những người ngồi bên hỏi chuyện, anh ta trả lời nhát gừng, gắt gỏng, rồi hoặc đọc sách, hoặc vừa nhìn ra cửa sổ vừa hút thuốc, hoặc lôi đồ ăn từ cái túi cũ kỹ ra, uống trà hay ăn nhấm nháp.

Tôi có cảm giác rằng anh ta khốn khổ vì sự cô độc của mình, và tôi đã vài lần thử bắt chuyện với anh ta, nhưng lần nào cũng vậy, khi mắt chúng tôi gặp nhau, mà chuyện này xảy ra luôn luôn vì chúng tôi ngồi xiên chéo với nhau, thì anh ta lại quay mặt đi, cầm cuốn sách đọc hay nhìn ra cửa sổ.

Vào buổi chiều thứ hai của cuộc hành trình, khi tàu đỗ lại ở một ga nhỏ, anh chàng bẳn gắt kia đi kiếm nước sôi về pha trà cho mình. Ông mặc đồ mới cứng chỉnh tề, một luật sư như sau này tôi được biết, cùng quý bà hay hút thuốc mặc áo khoác kiểu đàn ông cũng xuống ga đi kiếm trà uống.

Trong lúc các vị kia vắng mặt, vài hành khách mới lên tàu, trong đó có một ông già cao lớn, mặt hằn những nếp nhăn, râu tóc cạo nhẵn nhụi, chắc hẳn là một thương gia. Ông ta mặc chiếc áo lông và đội chiếc mũ cát két bằng nỉ có lưỡi trai rất lớn. Ông thương gia ngồi vào chỗ đối diện với chỗ của quý bà cùng ông luật sư, và lập tức bắt chuyện ngay với một người trẻ tuổi có vẻ là một viên quản lý việc buôn bán. Anh ta cũng lên tàu ở ga này.

Tôi ngồi chéo với họ, và bởi vì tàu đang đỗ, nên tôi có thể nghe loáng thoáng câu chuyện của họ những lúc không có ai qua lại. Đầu tiên ông thương gia nói ông đi về điền trang của mình cách đây chỉ có một ga; sau đó thì như cánh dân buôn vẫn thường làm, họ trao đổi về giá cả, về công việc, về chuyện ở Moskva hiện đang buôn bán ra sao, sau đó lại chuyển sang chuyện về phiên chợ ở Nizhegorod. Viên quản lý bắt đầu kể về cuộc ăn chơi trác táng trong phiên chợ của một tay thương gia giàu có nào đó mà cả hai đều quen biết, nhưng ông già không để cho anh ta nói hết, và tự mình kể về những cuộc ăn chơi trác táng thời trước ở Kunavin mà chính ông ta từng tham gia. Rõ ràng là ông ta tự hào về những chuyện đó của mình. Với vẻ đầy vui sướng, ông ta kể lại rằng mình cùng với chính cái ông người quen của cả hai kia trong khi say xỉn đã gây ra ở Kunavin một chuyện, mà kể về nó thì phải nói thầm, và làm cho anh chàng quản lý cười rống lên khắp toa tàu, còn ông già cũng cười nhe ra hai chiếc răng vàng chóe. Không trông chờ có thể nghe thêm được chuyện gì hay ho, tôi đứng dậy định xuống đi dạo dưới sân ga. Ra đến cửa tôi đụng phải vị luật sư cùng quý bà đang vừa đi vừa trò chuyện rất sôi nổi.

– không kịp đâu, – ông luật sư xởi lởi bảo tôi, – sắp có hồi chuông thứ hai bây giờ đấy.

Quả nhiên, tôi chưa kịp đi đến cuối các toa tàu thì chuông báo hiệu vang lên. Khi tôi quay về toa, giữa quý bà và ông luật sư vẫn đang tiếp tục câu chuyện sôi nổi. Ông thương gia già ngồi im lặng trước mặt họ, mắt nghiêm khắc nhìn ra phía trước, thỉnh thoảng lại nhai nhai hai hàm răng một cách không hài lòng.

– Sau đó cô ta tuyên bố thẳng với đức ông chồng, – ông luật sư vừa cười vừa nói lúc tôi đi ngang qua ông ta, – rằng cô ta không thể và cũng không muốn sống với chồng nữa, bởi vì…

Ông ta kể tiếp cái gì đó mà tôi không nghe được. Đằng sau tôi còn có các hành khách khác đi qua, người soát vé đi qua, lại một anh nhân viên đi vào, thành ra khá ồn ào, chẳng thể nghe mọi người nói gì. Khi tất cả lắng xuống, tôi lại thấy tiếng của ông luật sư, câu chuyện hẳn là đã chuyển từ những chuyện riêng tư sang những ý kiến khái quát.

Ông luật sư nói về việc vấn đề ly hôn đang gây chú ý trong công luận châu Âu, và rằng ở nước Nga thì những chuyện như vậy ngày càng xảy ra nhiều hơn. Nhận thấy chỉ có mỗi một mình mình nói, ông luật sư bèn ngừng bài diễn thuyết của mình, quay sang ông già thương gia.

– Ngày xưa chắc là không có những chuyện đó phải không ạ? – Ông nói và nhoẻn cười một cách rất khoái chí.

Ông già định đáp lại, song đúng lúc đó tàu chuyển bánh, nên ông ta liền bỏ mũ, bắt đầu làm dấu và lâm râm cầu nguyện. Ông luật sư quay đi chỗ khác, lịch sự chờ đợi. Kết thúc bài cầu nguyện của mình và làm dấu thêm ba lần, ông già chụp sâu cái mũ lên đầu, ngồi lại ngay ngắn và lên tiếng.

– Hồi xưa cũng có đấy, thưa ngài, nhưng ít hơn. – Ông ta nói. – Ngày nay thì không thiếu những chuyện đó. Người ta bây giờ có học thức hơn mà.

Con tàu chạy càng lúc càng nhanh thêm, kêu rầm rầm và tôi rất khó nghe được câu chuyện,i nó lại rất thú vị, nên tôi chuyển sang ngồi gần hơn. Người hành khách cạnh tôi, người đàn ông bẳn gắt có đôi mắt sáng, cũng có vẻ quan tâm, tuy vẫn yên vị trên chỗ của mình nhưng anh ta rất chăm chú lắng nghe.

– Nhưng mà học thức có gì là sai trái nào? – Quý bà hơi mỉm cười nói. – Chả lẽ kết hôn như thời xưa, khi mà chú rể và cô dâu thậm chí còn chả biết mặt nhau, lại tốt hơn à? – Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, bà ta có thói quen trả lời những câu hỏi không phải của người đối thoại nói với mình, mà những câu do chính mình nghĩ là người đó sẽ nói. – Họ chẳng biết là có yêu hay không, hoặc có thể yêu được hay không, chỉ nhắm mắt lấy bất cứ người nào rơi vào họ, rồi cả đời chịu đau khổ; thế cái đó, theo các ngài, là tốt hơn à? – Bà ta nói, rõ ràng hướng những lời đó tới tôi và ông luật sư hơn là tới ông già mà bà ta đang hầu chuyện.

– Bây giờ người ta đã có học thức lắm rồi. – Ông thương gia nhắc lại, khinh miệt nhìn quý bà và không trả lời câu hỏi của bà ta.

– Tôi thật muốn biết ngài giải thích ra sao mối quan hệ giữa học thức và sự bất hòa trong quan hệ vợ chồng. – Ông luật sư hơi mỉm cười và nói.

Ông thương gia định nói cái gì đó, thì bà kia chặn lời ông ta:

– Không, cái thời đó đã qua rồi, – bà ta nói. Nhưng ông luật sư ngăn lại:

– Không, xin hãy để cho ngài đây nói ý kiến của mình.

– Học thức mang lại những chuyện ngu ngốc. – Ông già quả quyết.

– Buộc những người không hề yêu nhau lấy nhau, rồi sau đó lấy làm ngạc nhiên khi thấy họ sống không hòa thuận. – Quý bà kia vội vã nói, liếc sang ông luật sư và tôi, thậm chí liếc sang cả viên quản lý đang nhổm hẳn người lên khỏi chỗ của mình, chống tay lên lưng ghế, vừa mỉm cười vừa lắng nghe câu chuyện. – Chỉ có cầm thú mới có thể bị ghép đôi theo ý chủ nhân thôi, chứ còn con người có những ham muốn và tình cảm của mình. – Bà ta nói, rõ ràng có ý muốn châm chọc ông lão thương gia.

– Bà nói vậy vô ích thôi, thưa bà – ông già nói. – Cầm thú là loài súc sinh, còn con người có luật lệ của mình.

– Nhưng làm sao mà có thể sống với một người khi không có tình yêu? – Bà kia vẫn vội vàng phát biểu những quan niệm của mình mà chắc theo bà ta là rất mới mẻ.

– Những chuyện như vậy trước kia người ta chưa biết, – ông già nói bằng một giọng nghiêm khắc, – chỉ bây giờ mới bày vẽ ra. Các cô nàng bây giờ nói: “Tôi sẽ bỏ anh mà đi”. Cả cái lũ muzhik cũng bị nhiễm cái mốt đó. “Này, đi mà ôm lấy đống áo quần của anh, còn tôi đi với anh Vanka đây, anh ấy có mái tóc xoăn hơn anh”. Đấy cứ phân tích mà xem. Mà ở đàn bà đầu tiên phải có sự sợ hãi.

Anh chàng quản lý hết nhìn ông luật sư, nhìn quý bà rồi lại nhìn sang tôi, rõ ràng đang cố nén nụ cười, đợi xem lời nói của ông già thương gia được tiếp nhận ra sao để còn cười phá lên đồng tình.

– Sợ hãi gì cơ? – Bà kia hỏi.

– À tức là phải sợ chồ…ồ…ồng của mình! Sự sợ hãi là đó.

– Nhưng bố ơi thời đó đã qua rồi. – Bà kia nói, có phần cay cú.

– Không, thưa bà, thời đó không thể nào qua đi được đâu. Cũng như chuyện bà Eva được tạo ra từ cái xương sườn đàn ông cũng sẽ còn mãi đến ngày tận thế – Ông già nói, lúc lắc cái đầu một cách nghiêm trang và đắc ý, đến nỗi anh chàng quản lý quyết định là phần thắng đã thuộc về ông già thương gia và bật cười rất to.

– Đó là các ngài đàn ông suy luận như vậy, – quý bà chưa chịu thua và ngó sang chúng tôi, – bản thân mình thì được tự do, còn phụ nữ thì muốn đem giam vào nhà tù. Bản thân mình thì hẳn là mọi thứ đều được cho phép

– Cho phép thì chẳng ai cho phép, có điều ở trong nhà không có gì có thể làm hỏng người đàn ông được cả, còn đàn bà con gái chỉ là cái hũ mong manh dễ vỡ. – Ông thương gia tiếp tục.

Vẻ oai nghiêm trong giọng nói của ông thương gia rõ ràng thuyết phục được người nghe, quý bà kia cũng cảm thấy mình thất thế, song vẫn chưa chịu đầu hàng.

– Vâng, nhưng tôi nghĩ rằng ngài cũng sẽ đồng ý là đàn bà cũng là con người có tình cảm như đàn ông. Thế một người phụ nữ sẽ phải làm gì nếu như cô ta không yêu chồng của mình?

– Không yêu! – Ông già thương gia nhắc lại một cách dữ tợn, động đậy cặp lông mày và đôi môi. – Chắc chắn cô ta sẽ phải yêu.

Lập luận bất ngờ đó của ông thương gia đặc biệt làm anh chàng quản lý thích thú, và anh ta phát ra một âm thanh đồng tình.

– Không đâu, cô ta sẽ không yêu đâu, – bà kia cất lời, – mà nếu như không có tình yêu thì không thể ép buộc được.

– Thế còn khi người vợ phản bội lại chồng thì như thế nào? – Ông luật sư hỏi.

– Điều này thì không thể được, – ông già nói, – chuyện này thì phải coi chừng.

– Nhưng nếu nó xảy ra thì làm thế nào? Điều này vẫn có đấy.

– Ai có thì có chứ ở chỗ chúng tôi không có chuyện đó. – Ông già nói.

Tất cả im lặng. Anh chàng quản lý ngọ nguậy, nhích lên trước, rõ ràng không muốn thua kém những người khác, và nhoẻn cười cất lời:

– Vâng, một anh chàng chỗ chúng tôi cũng bị tai tiếng. Cũng rất khó có thể phân xử đúng sai thế nào. Anh ta lấy phải một mụ đàn bà đổ đốn. Quỷ sứ lôi mụ đi. Còn anh chàng kia cũng biết điều lắm. Đầu tiên mụ đi lại với một tay ký lục, anh chàng cũng khuyên nhủ điều hay lẽ phải, nhưng mụ không chịu thôi, gây ra đủ chuyện đê tiện và bắt đầu ăn cắp tiền của anh ta. Anh ta đánh mụ, thì sao nào, mụ lại càng tệ thêm. Nào với thằng cha chưa được rửa tội, nào với thằng Do Thái, nói vô phép chứ, mụ ăn nằm hết. Anh ta còn biết làm gì nào? Anh ta bỏ quách mụ. Rồi thế là sống cuộc sống của cái anh độc thân, còn mụ kia thì vẫn lang chạ khắp nơi.

– Đó là vì hắn là thằng ngu, – ông già nói, – nếu như lúc đầu hắn không thả lỏng mụ vợ, mà dạy dỗ mụ cho ra trò vào thì hẳn mụ ta đã sống rồi. Phải không được cho tự do ngay từ đầu. Ngựa ngoài đồng vợ trong nhà, chớ mà tin.

Vừa lúc đó người soát vé tới hỏi vé những người xuống ga tới. Ông già đưa vé của mình.

– Hừ, phải ngăn chặn cái giống đàn bà từ sớm, chứ nếu không thì hỏng bét cả.

– Thế nhưng, chính ngài chẳng vừa kể chuyện các vị đã có vợ ở phiên chợ Kunavin vui thú thế nào ư? – Tôi không kiềm lại được buột nói.

– Đó là trường hợp ngoại lệ. – Ông thương gia nói và chìm vào trong im lặng.

Khi tiếng còi vang lên, ông thương gia đứng dậy, lôi cái bao từ dưới ghế, cài lại áo, nhấc mũ và đi xuống ga.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.