Bản sonata Kreutzer

Chương 02



ÔNG GIÀ VỪA ĐI KHỎI, cả mấy giọng cùng cất lên:

– Ông già cổ hủ quá. – Anh chàng quản lý bảo.

– Đúng là một Domostroy(2) sống! – quý bà nói – thật là một quan niệm mọi rợ về phụ nữ và hôn nhân!

2. Domostroy – tác phẩm ra đời vào thế kỷ 16, là tập hợp những quy định và những lời răn dạy về cách sống theo những nguyên tắc gia trưởng phụ hệ, nảy sinh trong giới quý tộc lãnh chúa và giới thương nhân (ND).

– Vâng, chúng ta còn quá xa lạ với quan điểm về hôn nhân ở Âu châu. – Ông luật sư phát biểu.

– Điều quan trọng là cái mà những con người như ông ta không thể nào hiểu nổi, – bà kia nói, – đó là hôn nhân mà không có tình yêu thì không phải là hôn nhân, chỉ có tình yêu mới soi sáng cho hôn nhân và hôn nhân đích thực chỉ là những cuộc hôn nhân được soi sáng bởi tình yêu.

Anh chàng quản lý lắng nghe và mỉm cười, cố gắng ghi nhớ được nhiều hơn những từ ngữ thông thái để sau còn vận dụng.

Giữa lúc quý bà đang thao thao thì phía sau tôi vang lên một âm thanh giống như tiếng cười hay tiếng nấc bị đứt đoạn. Chúng tôi quay lại, thấy người hành khách ngồi bên cạnh tôi, anh chàng tóc bạc cô độc có đôi mắt sáng, trong lúc diễn ra câu chuyện mà hẳn đã rất cuốn hút anh ta, từ lúc nào đã tiến sát đến bên chúng tôi. Anh ta đứng tựa tay lên thành ghế, rõ ràng đang hết sức xúc động: khuôn mặt anh ta ửng đỏ và thớ thịt trên má giật giật.

– Cái tình… tình… tình yêu nào mà lại soi sáng hôn nhân? – Anh ta nói ngắc ngứ.

Nhìn thấy tình trạng xúc động của người hỏi quý bà bèn cố gắng trả lời sao cho nhẹ nhàng và cụ thể hơn.

– Tình yêu đích thực… Đó là tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà có thể đưa đến hôn nhân. – Bà ta nói.

– Vâng, nhưng tình yêu đích thực là như thế nào? – Anh chàng mắt sáng cười ngượng nghịu, bối rối hỏi.

– Mọi người đều biết tình yêu đích thực là gì. – Quý bà kia đáp, rõ ràng muốn chấm dứt câu chuyện với anh ta.

– Nhưng tôi thì lại không biết. – Người đàn ông nói. – Cần phải định nghĩa cái mà bà gọi là…

– Sao cơ? Rất là đơn giản, – quý bà nói, song lại ngẫm nghĩ. – tình yêu là một sự say mê một người đàn ông hay một người đàn bà nào đó hơn tất cả những người còn lại.

– Say mê trong thời gian bao lâu? Một tháng? Hai ngày, hay nửa giờ? – Anh chàng tóc bạc thốt lên và cười.

– Không, xin phép ngài, ngài hẳn là không nói về chuyện tình yêu.

– Không, tôi nói về chính nó đấy.

– Bà ấy nói, – ông luật sư tham gia, chỉ tay sang quý bà, – rằng hôn nhân phải xuất phát trước hết từ sự quyến luyến lẫn nhau, từ tình yêu, nếu như ngài muốn gọi vậy và nếu như có cái đó thật, và chỉ như thế thì hôn nhân mới là một cái gì đó thánh thiện. Còn ngoài ra, bất cứ cuộc hôn nhân nào không dựa trên cơ sở những quyến luyến tự nhiên, hay tình yêu nếu ngài muốn gọi vậy, cũng đều không có ý nghĩa đạo đức nào cả. Tôi hiểu như vậy có đúng không ạ? – Ông ta quay sang bà kia.

Bằng cử động của mái đầu, bà ta biểu hiện sự tán thành cách ông luật sư giải thích ý tưởng

– Hơn nữa… – Ông luật sư tiếp tục diễn thuyết, song anh chàng bẳn gắt với đôi mắt đã nảy lửa, rõ ràng đang cố kiềm chế mình một cách khó khăn, không để cho ông luật sư nói hết:

– Không, tôi nói về chính cái đó đấy, về sự say mê một người đàn ông hay một người đàn bà hơn những người khác trong thời gian vài năm, nhưng hiếm khi được lâu như vậy lắm, thường thì trong vài tháng, hoặc vài tuần, vài ngày, vài giờ, – anh ta nói, rõ ràng biết là mình đang làm mọi người ngạc nhiên và lấy làm hài lòng vì điều đó.

– Ôi, sao ngài lại nghĩ vậy! Không đâu, xin lỗi ngài. – Cả ba chúng tôi cùng đồng thanh kêu lên. Thậm chí cả anh chàng quản lý cũng phát ra một âm thanh gì đó tỏ ý không đồng tình.

– Vâng vâng, tôi biết rồi, – anh chàng tóc bạc át lời chúng tôi, – các ông bà nói về cái mà các ông bà cho là có thể tồn tại, còn tôi thì nói về cái có thực. Người đàn ông nào cũng trải qua cái mà các ông bà gọi là tình yêu đối với bất cứ người đàn bà xinh đẹp nào anh ta gặp.

– Ôi điều ngài nói thật là kinh khủng; nhưng mà giữa người với người vẫn có thứ tình cảm được gọi là tình yêu, không phải chỉ trong vài tháng, vài năm mà là cả đời cơ mà?

– Không, không bao giờ. Cứ cho rằng có tay đàn ông yêu một người đàn bà nào đó cả đời đi chăng nữa, thì cái người đàn bà đó chắc chắn là sẽ yêu một người đàn ông khác, chuyện đó đã và đang vẫn luôn như vậy trên đời này. – anh ta móc hộp thuốc ra và bắt đầu hút thuốc.

– Nhưng vẫn có thể có sự yêu thương lẫn nhau chứ, – ông luật sư nói.

– Không đâu, không thể có đâu, – anh ta phản đối, – cũng như không thể có hai con ốc chui chung trong một cái vỏ(3). Đó không phải chỉ là điều không thể có được, đó còn là sự quá dư thừa. Yêu một người cả đời cũng chẳng khác nào như nói một ngọn nến có thể cháy sáng suốt một đời người.

3. Nguyên văn: không thể có hai hạt đậu nằm chung trong một ngăn của vỏ đậu.

– Nhưng đó là ngài toàn nói đến tình yêu thể xác. Chả lẽ ngài không cho là có tình yêu dựa trên sự thống nhất về tư tưởng, trên sự hòa hợp về tinh thần ư?- quý bà nói.

– Hòa hợp tinh thần! Thống nhất tư tưởng! anh ta nhại lại với âm thanh cố hữu của mình, – Nhưng trong trường hợp đó thì chẳng việc gì phải ngủ chung với nhau (xin thứ lỗi vì lời lẽ thô tục). Thế mà vì sự thống nhất tư tưởng mà người ta ngủ với nhau đấy, – anh ta nói và cười với vẻ bị kích động.

– Nhưng xin phép ngài, – ông luật sư tham gia – thực tế mâu thuẫn với điều ngài nói. Chúng ta đều thấy là quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại và cả nhân loại này, hay đa phần nhân loại sống cuộc sống vợ chồng và rất nhiều người đã sống được một cách lâu dài và tốt đẹp.

Anh chàng tóc bạc lại phá lên cười:

– Các ông bà nói rằng hôn nhân dựa trên tình yêu, trong khi tôi lại rất nghi ngờ về sự tồn tại của tình yêu ngoài ham muốn nhục dục, các ngài chứng minh sự tồn tại của tình yêu bằng sự tồn tại của hôn nhân. Dạ thưa, hôn nhân trong thời đại chúng ta chỉ là một sự dối lừa thôi ạ!

– Không, xin phép ngài, tôi chẳng vừa mới nói rằng, hôn nhân đã từng tồn tại và vẫn đang tồn tại cơ mà.

– Thì nó vẫn tồn tại. Chỉ có điều là vì sao mà nó tồn tại? Hôn nhân đã và đang tồn tại ở những người nhìn thấy trong nó cái gì đó bí ẩn, cái bí ẩn ràng buộc họ trước Chúa. Nhưng chuyện đó là ở đâu đó, chứ ở ta không có đâu. Ở ta người ta lấy nhau, chẳng thấy trong hôn nhân điều gì ngoài việc giao cấu, bởi vậy từ đó chỉ ra toàn sự lừa dối, hoặc sự cưỡng bức, bạo lực. Nếu là sự lừa dối thì còn dễ chịu đựng hơn. Cả chồng lẫn vợ lừa dối mọi người rằng họ đang sống cuộc sống một vợ một chồng, nhưng thực tế lại sống đa thê đa phu. Điều đó thật đáng tởm, nhưng còn tạm chấp nhận được. Còn khi xảy ra cái này, mà đây lại là cái thường hay xảy ra hơn cả: chồng và vợ cùng nhận lãnh một trách nhiệm có tính hình thức là phải sống với nhau suốt đời, nhưng chỉ mới sống chung sang tháng thứ hai đã căm thù nhau, muốn bỏ nhau, thế mà vẫn cứ phải sống tiếp như thế, thì lúc đó đúng là một địa ngục khủng khiếp, vì nó mà người ta đâm nghiện ngập, bắn giết nhau, đầu độc bản thân mình và đầu độc lẫn nhau. – Anh ta nói càng lúc càng nhanh hơn, không để cho ai xen vào và càng lúc càng nóng nảy hơn. Mọi người đều im lặng, ai cũng cảm thấy lúng túng ngột ngạt.

– Vâng, đúng là cũng có những hồi bi thảm trong cuộc sống hôn nhân. – Ông luật sư lên tiếng, có ý muốn chấm dứt cuộc trò chuyện đã trở nên căng thẳng quá mức.

– Ngài có lẽ đã biết tôi là ai chăng? – Anh chàng tóc bạc chợt nói khẽ, dường như đã lấy lại được bình tĩnh.

– Không, tôi chưa có được hân hạnh đó.

– Chẳng có gì đáng hân hạnh đâu. Tôi là Pozdnyshev, người đã từng gặp cái hồi bi thảm mà ngài vừa ám chỉ tới, là cái người đã từng giết chết vợ của mình. – Anh ta nói và liếc nhìn mỗi người trong chúng tôi.

Chẳng người nào biết trả lời ra sao nên tất cả đành lặng thinh.

– Cũng thế thôi, – anh ta nói và lại phát ra cái âm thanh riêng của mình. – Tuy nhiên cũng xin lỗi quý vị! …Tôi sẽ không quấy rầy quý vị nữa.

– Không không, xin đại xá… – Ông luật sư nói, nhưng bản thân cũng không biết mình “xin đại xá” cái gì.

Nhưng Pozdnyshev không nghe ông ta, quay đi và bỏ về chỗ của mình. Ông luật sư chuyển sang thầm thì trò chuyện với quý bà. Tôi ngồi cạnh Pozdnyshev và im lặng, không biết nên nói năng gì. Đọc sách bây giờ thì trời đã tối rồi, bởi vậy tôi nhắm mắt lại giả vờ sắp ngủ. Cứ thế chúng tôi ngồi im lặng cho đến ga sau

Đến ga sau, ông luật sư và quý bà chuyển sang toa khác, như họ đã thương lượng trước đó với người soát vé. Anh chàng quản lý dọn chỗ nằm trên ghế và ngủ thiếp. Pozdnyshev vẫn ngồi hút thuốc và uống trà anh ta đã pha lúc ở ga trước.

Khi tôi mở mắt và liếc sang anh ta, anh ta đột nhiên quay sang nói với tôi, do dự nhưng với vẻ bị kích động.

– Ngài chắc là khó chịu khi biết tôi là ai và phải ngồi chung với tôi phải không ạ? Nếu vậy thì tôi sẽ đi chỗ khác.

– Ồ không, xin ngài cứ tự nhiên.

– Vậy thì, ngài có muốn dùng chút trà chăng? Mỗi tội hơi đặc. – Anh ta rót trà cho tôi.

– Họ nói… Và họ nói dối cả…- Anh ta nói.

– Ngài nói về chuyện gì ạ? – Tôi hỏi.

– Vẫn về những chuyện đó: về cái tình yêu đó của họ và về chuyện tình yêu là cái gì. Ngài không buồn ngủ chứ ạ?

– Không một tí nào.

– Thế thì ngài có muốn nghe tôi kể chuyện tôi vì cái tình yêu đó mà nên nông nỗi như thế này không?

– Vâng, nếu như điều đó không làm ngài cảm thấy nặng nề.

– Không, tôi cảm thấy nặng nề nếu như phải im lặng. Ngài dùng trà đi. Hay là đặc quá phải không?

Trà của anh ta đúng là đặc, đắng chẳng khác nào bia, nhưng tôi cũng uống hết một cốc. Lúc đó người soát vé đi ngang qua. Pozdnyshev nhìn theo với ánh mắt tức giận và chỉ bắt đầu câu chuyện khi ông ta đi khuất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.