Bản sonata Kreutzer
Chương 16
– NGÀI VỪA NHẮC ĐẾN CON CÁI. Cũng có cả một sự lừa dối đáng sợ về con cái. Con cái là phước lành Chúa ban cho, là niềm hạnh phúc ư – toàn là những lời nói dối hết. Con cái – đó là sự khổ đau và ngoài ra chẳng có gì hơn. Đa phần các bà mẹ vẫn thường cảm thấy điều đó và đôi khi cũng đã buột ra mồm điều đó. Thử hỏi phần lớn các bà mẹ của giới thượng lưu chúng ta, những người luôn sống trong no đủ, mà xem, họ sẽ nói do lo sợ ốm đau hay chết mà họ không muốn có con, hoặc không muốn nuôi nếu đã lỡ sinh ra chúng, để khỏi bị ràng buộc và đau khổ. Niềm vui sướng mà đứa con mang lại – đôi tay, đôi chân xinh xắn, thân mình mũm mĩm và tất cả những cái đáng yêu của nó – ít hơn rất nhiều so với những khổ đau mà họ phải chịu đựng: chưa nói đến chuyện con bệnh tật hay bị chết, mà chỉ nỗi lo sợ những điều đó xảy ra thôi cũng đã rất nhiều rồi. Khi đem cân đo giữa cái lợi và không lợi của việc có con thì hóa ra cái không lợi nhiều hơn, và vì vậy họ không muốn có con. Họ mạnh dạn nói thẳng ra như vậy, nghĩ rằng những cảm xúc đó trong họ là xuất phát từ tình yêu đối với những đứa con, rằng đó là những cảm xúc đáng ngợi khen và khiến họ tự hào. Họ không nhận ra rằng chính với cách suy nghĩ đó họ đã phủ nhận tình yêu, và chỉ khẳng định lòng ích kỷ nơi họ mà thôi. Đối với họ niềm vui từ vẻ xinh đẹp của đứa con ít ỏi hơn nhiều so với nỗi đau khổ vì lo sợ cho nó, bởi vậy mà không nên có đứa con mà họ sẽ rất yêu thương đó. Họ hy sinh không phải bản thân mình cho sinh thể đáng được yêu thương, mà hy sinh cái sinh thể đáng được yêu thương còn chưa kịp ra đời đó cho bản thân mình.
Rõ ràng đó không phải tình yêu, mà là lòng ích kỷ. Nhưng không ai muốn trách cứ lòng ích kỷ của họ, những bà mẹ của những gia đình no đủ đó cả, nếu nhớ đến những nỗi đau khổ vì con cái, cũng lại nhờ có các bác sĩ yêu quý của ta mà họ mới phải chịu đựng. Bây giờ cứ nhớ lại tình cảnh của vợ tôi thời kỳ đầu, khi chúng tôi có ba, bốn đứa con và nàng bị rút toàn bộ sức lực vào chúng như thế nào, tôi lại thấy kinh khiếp. Cuộc sống của chúng tôi lúc đó thật tệ hại. Cứ liên tiếp bị đe dọa bởi các mối nguy hiểm, vừa cố gắng thoát khỏi cái này thì cái khác lại đến – lúc nào cũng trong trạng thái của kẻ ngồi trên con tàu đang sắp đắm. Đôi khi tôi có cảm giác rằng đó là nàng cố ý làm ra vậy, giả vờ lo lắng vì lũ trẻ để chống lại tôi, và mọi vấn đề giữa chúng tôi sẽ được giải quyết một các êm thấm có lợi cho nàng. Tôi có cảm giác, rằng tất cả những gì nàng làm và nói trong những trường hợp như vậy đều là cố ý. Nhưng không, chính nàng thường xuyên khổ sở vô cùng vì lũ trẻ, vì sức khỏe và bệnh tật của chúng. Nỗi khổ sở đó của nàng, tôi cũng từng phải trải qua. Và nàng không thể không khổ sở được. Mê mải với lũ con, nhu cầu được nuôi nấng, âu yếm, che chở cho chúng là bản năng tự nhiên của phần lớn các phụ nữ cũng như của các loài cầm thú. Chỉ có điều cầm thú không có óc tưởng tượng và lý trí như con người. Con gà mẹ không biết sợ những điều có thể xảy đến với lũ gà con, nó không biết những bệnh tật mà lũ con có thể mắc phải, không biết đến những phương cách mà loài người tưởng là có thể dùng để cứu con khỏi bệnh tật và cái chết. Và con cái đối với con gà không phải là nỗi khổ. Nó làm cho con những việc vốn thuộc bản tính của nó và nó vui sướng; con cái đối với nó là niềm vui. Còn khi gà con bị ốm, mối quan tâm của gà mẹ rất rõ ràng: nó sưởi ấm và cho con ăn. Nó làm những điều đó và biết đó là tất cả những gì cần phải làm. Con gà nhỏ tắt thở, gà mẹ không tự hỏi vì sao con nó chết và hồn con nó sẽ đi về đâu. Nó “cục cục” một hồi, rồi sau đó tiếp tục sống như cũ. Nhưng đối với những phụ nữ bất hạnh của chúng ta và đối với vợ tôi thì mọi chuyện không đơn giản như thế. Không chỉ về bệnh tật và cách chữa trị, mà bao thứ khác như làm thế nào để nuôi dạy, chăm sóc con cái, họ được bảo ban, răn dạy với vô số các công thức đủ loại đủ hình trạng và luôn luôn thay đổi. Phải cho ăn như thế này, với các thức này – không, không phải như thế, không phải các thức đó, mà phải thế này cơ; rồi mặc, rồi uống, rồi tắm, rồi ngủ, rồi đi chơi, rồi không khí – tất cả những thứ đó với chúng ta, nhất là các bà mẹ, mỗi tuần lại có thêm những cách thức mới. Còn không cho ăn như thế, không tắm như thế, không đúng lúc đó, nếu em bé ngã bệnh thì mọi lỗi lầm đều do bà mẹ vì đã không làm đúng như cần phải làm.
Đấy là lúc khỏe mạnh còn khổ như thế. Còn đến lúc con ốm thì hết chỗ nói. Lúc đó đúng là ở trong địa ngục. Giả sử bệnh có thể chữa được, nghĩa là có cái khoa học nào đó, có những người nào đó là các bác sĩ, họ biết cách chữa chạy. Không phải tất cả mọi người, mà chỉ những người giỏi nhất, mới biết cách chữa. Thế là khi đứa trẻ bị bệnh, phải tìm bằng được cái người giỏi nhất biết chữa bệnh ấy thì trẻ mới có thể được cứu sống; còn nếu không mời được ông bác sĩ đó, hoặc là anh không sống gần nơi ông bác sĩ ở, thì trẻ sẽ chết. Đó là điều mê tín không phải của riêng vợ tôi, mà là của tất cả phụ nữ trong giới của nàng. Bốn phương tứ phía nàng chỉ nghe thấy những lời kiểu như: hai đứa con bà Ekaterina Semenovna chết chỉ vì không kịp mời Ivan Zakharych, còn ở nhà bà Maria Ivanovna ngài Ivan Zakharych đã cứu sống bé gái đầu lòng; nhà Petrov nghe lời bác sĩ chuyển sang khách sạn ở và cách ly đúng lúc nên lũ trẻ còn sống, chứ nếu không chuyển đi thì lũ trẻ chết mất rồi; còn bà kia có con bệnh tật, theo lời khuyên của bác sĩ đi về miền Nam nên cũng đã cứu được đứa bé. Làm sao mà không lo lắng, khổ sở cả đời được, khi mà sự sống của những đứa con mà nàng gắn bó theo bản năng lại phụ thuộc vào việc nàng phải kịp thời biết được Ivan Zakharych bảo cần làm gì. Mà Ivan Zakharych bảo làm gì thì không ai biết, bản thân ông ta lại càng không biết hơn, vì ông ta thừa hiểu rằng ông ta chẳng biết làm gì và không thể giúp gì cho ai cả, chỉ biết ngoắt ngoéo trong mọi sự cố, cốt sao cho người ta đừng mất lòng tin rằng ông ta biết làm gì đó thôi. Nếu như vợ tôi hoàn toàn chỉ là con vật thôi thì nàng đã chẳng phải khổ sở như thế; còn nếu như nàng hoàn toàn là con người, hẳn nàng đã có lòng tin vào Chúa và sẽ nói, sẽ nghĩ như những bà nông dân sùng đạo: “Chúa cho rồi Chúa lấy đi, Chúa gọi ai thì người đó phải thưa”. Nàng sẽ nghĩ rằng sự sống và cái chết của mọi người cũng như của các con nàng nằm ngoài ý con người, mà chỉ thuộc về quyền năng của Chúa, và như thế nàng sẽ không còn đau khổ vì đã không ngăn chặn được bệnh tật và cái chết của con, nàng không có lỗi trong chuyện đó. Thế mà tình trạng của nàng lại là: nàng sinh ra những sinh linh yếu ớt, mong manh nhất nhưng lại phải chịu nhiều tai họa nhất. Nàng cảm thấy sự gắn bó thiết tha với chúng bằng bản năng của cầm thú. Ngoài ra, những sinh linh đó lại được phó thác cho nàng, đồng thời những phương tiện bảo vệ chúng khỏi bị nguy hại trong khi đối với nàng là bí ẩn, thì những người hoàn toàn xa lạ lại rất tỏ tường, phải trả thật nhiều tiền mới nhận được sự phục vụ và lời khuyên của họ, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được.
Cuộc sống có lũ trẻ đối với vợ tôi không phải là niềm vui sướng mà là nỗi thống khổ, với tôi vì thế cũng chỉ thấy toàn nỗi khổ thay cho niềm vui. Làm sao mà không khổ sở được. Nàng buồn khổ, thường xuyên buồn khổ. Thường thì, cứ vừa bình tĩnh sau một cơn ghen tuông hay một trận cãi cọ, vừa tính chuyện sống cho tử tế hơn, vừa tính làm một chuyện gì đó, thì bỗng nhiên thằng Vasya lại nôn ói, hay con Masha ngã chảy máu, hay thằng Andryusha bị nổi ban thế là lại rối loạn cả lên. Phải chạy tới đâu đó, mời bác sĩ nào đây, đưa thằng bé hay con bé vào phòng nào để cách ly đây? Và lại bắt đầu nào tiêm, nào cặp nhiệt độ, nào thuốc nước, nào bác sĩ. Rồi họa này chưa hết thì họa khác lại đã kéo đến. Chẳng thể nào có được một cuộc sống tử tế, bình ổn. Như tôi đã nói đấy, lúc nào cũng là cuộc chiến đấu chống lại những hiểm họa cả có thực lẫn tưởng tượng ra. Trong phần lớn các gia đình đó đều có chuyện đó thôi, nhưng trong gia đình tôi thì chuyện đó càng đặc biệt căng thẳng. Vợ tôi vốn quá thương lũ con và lại rất cả tin.
Như vậy, sự có mặt của lũ trẻ không những không làm cuộc sống của chúng tôi tốt thêm lên, mà ngược lại còn đầu độc nó. Ngoài ra, lũ trẻ còn trở thành những nguyên cớ mới cho mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Không chỉ là đối tượng của cãi cọ, chúng còn là vũ khí để chúng tôi chống lại nhau; chúng tôi dùng lũ trẻ để gây sự với nhau. Mỗi chúng tôi có một đứa con cưng đem ra làm vũ khí. Tôi dùng Vasya, thằng con lớn, còn nàng thì có Lisa. Thêm vào đó, khi lũ trẻ lớn lên, tính cách chúng đã hình thành, thì chúng lại thành những đồng minh mà chúng tôi người nào cũng muốn lôi kéo về phía mình. Những đứa bé đáng thương đó đã phải chịu biết bao khổ đau vì chuyện đó, nhưng chúng tôi trong lúc giao chiến còn tâm trí nào mà nghĩ đến chúng nữa. Đứa con gái bé là đồng minh của tôi, còn thằng anh nó, rất giống nàng và là cục cưng của nàng, thì luôn thù ghét tôi
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.