Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười
Chương V VÀNG VÀ MÁU
Kinh Cát Bích và kinh 28.
Tìm vàng.
Đổ máu.
Hai giai cấp.
Một cảnh thương tâm.
Tài nữ công của thiếu nữ Nam Việt.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, cho tàu xuôi kinhCát Bích và kinh 28.
Hai con kinh này rất quan trọng, như hai cái cống lớn tháo nước trong đồng rồi đổ ra Tiền Giang. Hồi mới đào, kinh rộng chừng 12 thước; vì nước chảy mạnh, nhất là lúc nước rút, tức tháng 10, 11, nên mỗi năm bờ mỗi lở, lòng kinh mỗi rộng, mỗi sâu.
Hai bên bờ, nhà tuy bằng lá nhưng đông đúc và có vườn trái cây. Chung quanh chợ Cậu Mười Hai, ghe xuồng tấp nập suốt ngày, rõ ra cảnh một miền đương bắt đầu phát triển.
Tàu cứ chạy được một cây số lại ngừng cho tôi lên thăm những trụ đá của sở. Tới ngã tư kinh Tháp Mười thì đã trưa, chúng tôi cho bỏ neo, nghỉ.
Một người quen hay tin tôi tới từ hôm trước, xuống tàu đón chúng tôi lên nhà dùng cơm.
*
* *
Người ấy quê quán ở Rạch Giá, làm hương hào một thời gian rồi đến miền này khai phá đất đai được vài ba năm, bắt đầu tấn phát. Nhà sàn vách ván, cất ngay trên bờ kinh, ba mặt trồng toàn chuối, mát mẻ và sạch sẽ.
Cơm có món cháo vịt, món ca ri gà và ba bốn món khác. Thấy có vịt mà thiếu món tiết canh, anh Bình bảo chủ nhân:
– Ông nên tập ăn món tiết canh vịt, ngon vô cùng. Để tôi chỉ cách ông làm, dễ lắm. Như thế này…
Chủ nhân cũng là một tay sành ăn, chăm chú nghe và bảo sẽ làm thử.
Trong bữa ăn, tôi hỏi ông về công việc ruộng nương. Chuyện nọ kéo chuyện khác và chúng tôi được biết ít nhiều về các vụ tìm vàng và đổ máu trong Đồng Tháp.
Chủ nhân nói:
– Quả có như lời người giữ chùa Tháp. Năm, sáu năm trước, không hiểu từ đâu có tin đồn miền Tháp có vàng. Thiên hạ đổ xô cả về đây: xuồng đậu chật kinh, chợ Tháp đông nghẹt người. Hầu hết là những dân nghèo, gia tài chỉ có cái xuồng và cái nóp. Người nào cũng mới sắm được một cái len và một cái cuốc, họ hì hụt đào chung quanh Tháp trong một tháng trời. Vui lắm, hai ông ạ, sáng sớm họ đi từng đoàn từ chợ Gãy lên Tháp rồi chiều tối lại về chợ, vừa đi vừa hỏi nhau: “Được gì không?” Có kẻ cất cái chòi ngay trên giồng và đào tới tối mịt mới nghỉ tay.
Sau họ chán, bỏ đi lần lần, không người nào tìm được một mãnh vàng. Họ đã nghèo lại nghèo thêm và chỉ lợi cho mấy tiệm tạp hóa ở chợ Gãy: rượu, thuốc hút (thuốc lá), nước mắn, muối, dầu lửa, quẹt (diêm) bán tăng lên gắp đôi.
Tuy vậy, vẫn có kẻ chưa thất vọng. Hồi ấy tôi có một tên tá điền người Thổ ( 1 ) . Trong một tuần lễ, nó đi kiếm khắp nơi, mua được một con chó mực nhỏ, độ hai ba tháng, đuôi cụp, lưỡi đen, đem về nuôi.
Phải nói thờ mới đúng. Nó cưng con chó vô cùng, cấm vợ con đáng đập. Nó xích con vật lại suốt ngày đêm, đích thân cho ăn toàn một thứ thịt bò. Nó nghèo lắm, không có một manh áo lành để bận mà dám bỏ ra mỗi ngày hai ba cắc mua thức ăn cho chó.
Đêm nào nó cũng thức rất rất khuya, cắm cây nhang bên cạnh chó rồi thì thầm khấn khứa. Khoảng 3 giờ sáng nó đã dậy, hứng giọt sương trên mỗi tàu lá chuối, được độ một chén đem về cho chó uống. Hành động ấy nó giấu lắm: một lần nó đánh vợ tàn nhẫn chỉ vì con mụ tọc mạch đăm đăm ngắm nó khấn vái ở bên con chó. Nhưng riết rồi tin cũng đồn đến tai tôi. Tôi nghĩ nó làm bùa, làm ngãi gì đó, muốn đuổi, mà còn do dự vì sợ nó trả thù.
Hỏi nó, nó chỉ đáp:
– Tôi làm tá điền cho ông chủ, tôi nhờ cậy ông chủ, tôi không dám hại ông chủ đâu, ông chủ đừng nghi tôi, tội nghiệp.
Nó nhất định không cho biết ý định của nó; dọa dẫm thì nó van lạy: “Ông chủ đừng nghi tôi, tội nghiệp”.
Thấy giọng nó thành thực mà từ trước tới nay nó vẫn trung tín, tôi cũng bỏ qua.
Sau tôi mới hay nó nuôi con chó ấy cách đúng 99 ngày; cái đêm thứ 99, nhằm một đêm rằm, sau 3 ngày ăn chay, nó khấn váy một hồi lâu bên cạnh con chó, rồi đúng 12 giờ khuya nó vác cuốc dắt chó đi. Tới Tháp, nó thả cho chó chạy tự do và chạy dõi từng bước một. Nó đánh dấu những chỗ con vật ngừng lại hít hít và quào đất; hì hụt đào những chỗ ấy, hi vọng tìm được vàng, nhưng suốt đêm ấy và bốn năm đêm sau, chẳng được gì, nó đành bỏ.
Một buổi sáng, nó ôm con chó lại nhà tôi, nói:
– Ông chủ, tưởng tìm được vàng hóa ra tốn thêm tiền, tốn mấy chục đồng về con vật này. Tôi cho ông chủ đấy.
Con chó mập làm sao, hai ông. Chó mực ăn bổ âm bực nhất. Tôi làm thịt ngay hôm ấy, nhậu một bữa, đã! Hai ông ăn được thịt chó không?
Tôi hỏi:
– Cuộc tìm vàng ấy có đưa đến vụ đổ máu nào không?
– Có ai tìm được vàng đâu mà đổ máu? Nhưng còn vụ tranh chấp đất thì đổ khá nhiều máu.
*
* *
– Tám chín năm trước, hai bên bờ kinh Cát Bích này còn vắng hoe, mới có người ở từ năm sáu năm nay. Hồi đó đất chung quanh đều hoang, chưa có chủ. Một vài dân nghèo tới đây khai phá thử những khoảng nho nhỏ, vài chục công một. Đất tốt ít phèn, lại gặp những năm nước không lớn quá, mặc dù chuột còn phá mà hết mùa, mỗi gia đình còn dư được ba bốn trăm giạ. Năm sau, họ khai phá nhiều gắp đôi và những người phương khác cũng dần dần tụ lại. Chỉ trong bốn năm thành đất thuộc. Nhà nào cũng thịnh vượng: người đóng ghe, kẻ tậu trâu, người mua đồng cho vợ đeo, người xây lẫm để cất lúa.
Rồi bỗng một hôm, có chiếc ca nô chạy xình xịch tới đậu trước nhà họ. Một ông chủ điền, mặt phương phi, hồng hào, tai dài, mũi lớn, chít khăn đóng, bận quần hàng, và một tên vác súng theo sau, bước lên bờ, đi coi khắp mặt tiền (2) , mặt hậu khu đất, như tìm chỗ để bắn chim.
Nông dân ở đây ngạc nhiên, song thấy khách lạ cũng tử tế, niềm nở hỏi han về mùa màng, nên không nghi ngờ gì, mời khách vào nhà nghỉ chân, bảo vợ con ra chào, và khi khách xuống ca nô thì cả nhà đưa ra bến, xá dài rồi mới trở vào nhà.
Một hai tháng sau, họ quên hẳn chuyện đó rồi thì có giấy ở tỉnh gởi xuống buộc họ tội chiếm đất của ông X hay ông Y và bắt họ phải dời đi nơi khác liền.
Họ mới ngã ngửa.
Đầu óc chất phác của họ cứ hiểu rằng đất vô chủ thì ai tới phá cũng được và đã có công khai phá thì tất về mình.
Nhưng luật lệ thì không hiểu một cách ngây thơ như họ, chỉ biết người nào có xin phép chính phủ khai khẩn thì mới làm chủ đất…. (3)
Anh Bình nghe xong, bảo:
– Chủ điền trong này hà hiếp người ta quá nhỉ, tệ hơn ngoài Bắc nhiều.
Tôi nói:
– Đâu thì cũng vậy. Ngoài Bắc ít chủ điền lớn nên ta ít thấy hành vi tàn bạo của họ…. (4)
Chủ điền có cả một ấp riêng, một cái chợ riêng, hàng chục ngôi nhà nền đúc ( 5 ) , hàng chục lẫm lúa, hàng chục dẫy phố cho mướn, có máy điện, máy lạnh, xe hơi, tàu thủy; còn tá điền chỉ có mỗi cái chòi lá và chiếc xuồng. Tá điền thấy chủ điền từ đàng xa đã vội lột nón, chấp tay đứng nép ở bên đường, khi chủ điền đi qua thì xá dài gần sát đất, đầu không dám ngửng lên.
Thời Trung cổ ở Pháp, các lãnh chúa được quyền phá tân người vợ mới cưới của các tên nông nô của mình. Ở Trung Quốc, tới cuối thế kỉ trước bọn quí phái còn có quyền bán nô tì của họ như ta bán con trâu, con ngựa. Chủ điền ở đây tuy chưa có hai quyền ấy, song … (6) .
Tất nhiên cũng có một số chủ điền rất tốt nhưng hiếm lắm, và hạng chủ điền nhỏ có năm ba trăm công đất như chủ nhân đây thì đối với tá điền cũng thân mất như anh em trong nhà. Chỉ những ông có hàng ngàn mẫu mới thực là những vị chúa trong một vùng.
Anh Bình ngạc nhiên hỏi:
– Hàng ngàn mẫu Tây?
– Phải. Trong Đồng Tháp Mười này có vài chủ điền chiếm từ một tới hai ngàn mẫu ở Bắc Việt. Mỗi năm họ thu hàng vạn, hàng ức giạ lúa. Ngoài Bắc có một hai bồ lúa là có máu mặt, trong này ít nhất phải có vài cái lẫm mới được người ta nể. Một cái lẫm là một cái nhà rộng năm sáu thước, dài có khi hàng chục thước.
Họ mau giàu như vậy nhờ chiếm đất hoang và cho tá điền vay lúa giống, lúa ăn, mượn trâu cày… Cứ vay một giạ thì tới ngày mùa trả thành hai giạ.
– Thế là 100 phần trong sáu bảy tháng.
– Có khi chỉ trong hai ba tháng thôi chứ, vì nếu tháng mười vay, tháng chạp trả thì cũng vẫn một giạ thành hai. Thành thử, tá điền có khi làm lụng vất vả suốt năm không đủ trả nợ cho chủ, và gặt xong, đong lúa cho chủ rồi thì vừa hết, lại phải vay để ăn cho đến mùa sang năm. Món nợ liên miên như vậy mỗi năm một lớn; tương lai họ mờ ám vô cùng.
– Như vậy là làm công không cho chủ điền rồi còn gì nữa?
– Đúng thế. Làm công không suốt năm này qua năm khác. Sau mỗi mùa gặt, cảnh như sau này thường hiện ra lắm.
*
* *
Một lần tôi lại thăm một anh bạn ở Sóc Trăng nhằmlúc tá điền đến góp lúa.
Hai ba nông phu, kẻ năm chục kẻ sáu chục tuổi, ngồi bệt xuống gạch, chấp tay xá ông thân của anh bạn tôi, làm hương cả, để xin thiếu ít chục giạ lúa ruộng vì đất mới, còn phèn, lại bị cua, chuột phá… Ông hương cả lòng đã xiêu xiêu.
Muốn mau có kết quả, mấy người tá điền bèn quay lại chắp tay, cúi đầu xá anh bạn tôi lúc ấy mới ngoài hai mươi tuổi:
– Chúng tôi lạy cậu Hai, cậu…
Tôi ngượng quá đứng dậy, lại nhìn mấy tấm hình treo trên trường. Anh bạn tôi cũng đứng dậy và ông thân của anh vội xua tay, bảo họ hãy xuống ngồi chơi ở nhà dưới.
Khi họ đã khuất, anh bạn tôi bảo:
– Tôi có tang chứng rằng họ đã chở đi một số lúa rồi, nghỉ giận mà cũng thương cho họ: họ nghèo quá mới phải làm vậy.
Kể ra tâm địa anh cũng kha khá.
Theo lệ thường, hễ vi phú thì bất nhân, mà bần cùng thì sinh đạo tặc, gian trá. Tá điền chỉ đáng thương mà chủ điền có khi cũng đáng trách. Lỗi không phải tại họ. Tại chế độ, một chế độ cho người bốc lột người. Chỉ khi nào chế độ thay đổi thì tình trạng ấy mới hết.
Chủ nhân, vốn có ít nhiều Nho học, lúc đó đã ngà say, nói chen vào:
– Đức Khổng tử nói thật chí lí:
“Vi quốc giả, bất hoạn bần, nhi hoạn bất quân” (7) mà Chu Bá Lư, trong bài “Trị gia cách ngôn” cũng khuyên em cháu:
Ngôi nhà lộng lẫy chớ hao công, Cánh ruộng phì nhiêu thêm mệt trí.
Tôi theo lời cổ nhân, chỉ rán kiếm vài chục mẫu trung bình, đủ ăn thì thôi, không cần gì nữa. Nếu có hàng ngàn mẫu đất thì khó tránh được tội tàn nhẫn, bất nhân mà con cháu quen thói kiêu căng, ngồi rồi, sinh ra hư hỏng mất. Phải vậy không, hai ông?
*
* *
Cô Hai, con gái chủ nhân, dọn mâm cơm rồi lấy bánh, trái cây.
Anh Bình châm chú nhìn đĩa bánh hỏi tôi:
– Bánh gì mà đủ màu, có từng lớp từng lớp vậy anh?
– Bánh da lợn.
– Ừ, giống da lợn thật. Mà sao con lợn gọi là con heo, còn bánh thì gọi là bánh da lợn?
– Chịu. Thử hỏi cô Hai là người làm bánh xem?…
– Da thưa em cũng không biết.
Anh Bình ăn một chiếc, khen ngon và béo, ăn thêm chiếc nữa.
Tôi bảo:
– Cô Hai làm bánh thì tất phải ngon. Con gái Rạch Giá mà. Anh phải nếm chiếc bánh Champagne này xem có kém gì những bánh bên Pháp gởi qua không?
– Bánh này mà cũng của cô Hai làm nữa?
Tôi cứ tưởng của hiệu Tây chứ! Thiếu nữ ở trong này giỏi nữ công thật! Ngoài Bắc chỉ có một số con gái nhà quí phái mới học làm ít thứ bánh lạ thôi.
– Chỉ tại ngoài đó nghèo. Những chiếc gối kia cũng của cô Hai thêu nữa, chắc không thua thợ thêu ở phố hàng Trống Hà Nội.
Ngồi đàm đạo với chủ nhân một lúc, chúng tôi từ biệt xuống tàu vì chiều còn phải làm nhiều việc.
Tới tàu thì người thợ máy cho hay người nhà ông hương hào xách xuống một buồng chuối già hương vừa chín. Tình của chủ nhân thực nồng hậu. Tôi phân phát cho anh em dưới tàu mỗi người một nải.
Chú thích
(1) Người Thổ tức người Cao Miên.
(2) Mặt tiền quay ra bờ kinh; mặt hậu trái lại.
(3) & (4) Kiểm duyệt năm 1954 bỏ ba hàng và hai hàng.
(5) Tức bê tông cốt sắt.
(6) Kiểm duyệt năm 1954 bỏ ba hàng.
(7) Người cầm quyền trong nước không sợ dân nghèo mà sợ sự nghèo giàu trong nước không đều.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.