Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười

Chương X CAO LÃNH – KINH THÁP MƯỜI – KINH TỔNG ĐỐC LỘC



Cảnh Hàng Châu ở Việt Nam.
Cao Lãnh.
Trăng và nước.
Kinh Tháp Mười và kinh Tổng đốc Lộc.
Nạn lục bình.
Kinh Chợ Gạo.

Tàu xuôi dòng Tiền Giang xuống Cao Lãnh. Cảnh hai bên bờ đúng như câu thơ của Huy Cận:

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Những ngôi nhà mới cất, ngói đỏ tường trắng, lấp ló trong vườn sao, sau bụi liễu. Một người bạn Huê kiều của tôi bảo cảnh đó không kém cảnh Hàng Châu ở Trung Quốc…

Anh Bình khen:

– Liễu thì ở Bắc tôi đã nhìn quen rồi, còn sao thì vào đây mới được thấy. Đẹp thật! Một vẻ đẹp hùng tráng, nghiêm trang.

– Sao là loại gỗ quý, rất lâu lớn, trồng hai ba chục năm mới dùng được. Không gỗ gì đóng ghe tốt bằng nó vì gặp nước hàng chục năm cũng không mục. Một gốc lớn có thể bán đ ư ợc bốn năm chục đồng. Anh thử tính một vườn sao hai, ba trăm gốc như vườn ở trước mặt chúng ta đáng bao nhiêu tiền? Cả vạn đồng. Mà không tốn công cũng không cần nhiều đất. Ương hột, trông nom trong vài ba năm đầu rồi bỏ đó, sau này hưởng. Vậy mà ít người chịu trồng. Một điền chủ nói với tôi câu này rất chí lý: “Người làm biếng chớ đất không làm biếng”. Nếu chịu khó và có được một miếng đất vài mẫu thì tất phải dư ăn.

*
* *

Bảy giờ tối, tàu ghé bến Cao Lãnh. Trên chợ, đèn sáng trưng, người đi lại tấp nập; rõ là một quận phồn thịnh.

Miền nầy nổi tiếng nhất ở Nam Việt. Đất cát phì nhiêu, cây trái đủ loai. Những cây mận trắng xoá hoặc đỏ ối xoà trên mặt nước; những vườn cam quít hàng trăm gốc chi chít quả vàng.

Văn học rất phát đạt. Giàu hay nghèo, nhà nào cũng trọng sự học. Xưa có nhiều ông đồ hay chữ thì nay hạng cử nhân, kĩ sư không phải là hiếm.

Con gái thì trắng trẻo, thanh tú, hầu hết điều biết chữ và giỏi nữ công, dù nghèo cũng biết thêu thùa và làm bánh.

Cao Lãnh lại là nơi có nhiều nhà ái quốc như chí sĩ Nguyễn Quang Diêu ( 1 ) , Nguyễn Tồn Nhơn, Đinh Hữu Thuật… Gần đây, phong trào cộng sản nổi lên, mãnh liệt nhất cũng là ở Cao Lãnh.

*

* *

Chúng tôi mướn một chiếc ghe tam bản, đi sâu vào trong rạch; tìm một kíp hoạ đồ đo đường ban đêm để kinh lí.

Trời trong vắt. Đâu đâu cũng là trăng cùng nước. Trăng trôi với nước, trăng tắm dưới nước, trăng nhảy múa trên ngọn dừa, trăng rung rinh trên ngọn cỏ, trăng chảy trên vai tròn trặn của thiếu nữ, trăng vờn chùm râu bạc phơ của ông già. Hương cau, hương sao trong vườn toả ra ngào ngạt; tiếng ca tiếng đờn trên bến vang lên, réo rắt. Tôi thấy rạo rực trong lòng: vì trăng, vì nước? tại hương hay tại nhạc? Tương truyền Lí Bạch nhảy xuống sông để ôm trăng. Ai đã say sưa dưới trăng như tôi đêm đó tất thấy lời ấy có thể là lời thực. Ánh trăng không luôn êm đềm. Có lúc nó như men rượu, làm máu ta chảy mạnh, ta muốn vùng vẫy nhảy múa, không sao ngồi yên được.

Tôi ngâm vang lên những câu thơ bất hủ của Trương Nhược Hư:

Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lí,

Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh?

Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,

Nguyệt chiếu hoa lâm giai như tiển . (2)

Anh Bình bảo tôi:

– Cảnh trăng này làm tôi nhớ những đêm Trung thu trên con sông Đơ (Hà Đông). Chỉ thiếu có giọng trống quân.

– Đêm nay không phải là Trung thu, mà là Trung xuân. Trăng miền Nam chỉ hồi này là đẹp nhất, nên một thi nhân đã có câu: “chính nghi thưởng nguyệt thị trung xuân”; còn Trung thu nhằn giữa mùa mưa, ít năm trăng tỏ. Tôi không hiểu tại sao người trong này không ăn tết Trung xuân mà cứ theo tục Trung Hoa thưởng trăng vào ngày rằm tháng tám cho chị Hằng thêm thẹn? Mùa này công việc đồng án được rảnh, nhà nào cũng đã bán lúa, tiền sẳn có, vui với trăng vài đêm là hợp lúc. Tổ chức những cuộc ngâm thơ, đờn ca ở dưới sông, những cuộc bày bánh, mức, hoa quả ở trong vườn, giăng đèn trên cây, tiệc bày bên nước, trai gái dập dìu, trẻ già hớn hở, còn gì thú hơn?

Tôi đã đem ý đó bàn với bạn bè ai cũng nhận là hay nhưng chưa ai thực hành. Nhiều tục lệ cần sửa đổi mà thiếu người khởi xướng.

Kinh lí xong thì gần nửa đêm. Chúng tôi còn tiếc trăng dạo mát thêm một lúc nữa. Tiếng đờn ca đã thưa, song vẫn còn văng vẳng ở một vài nơi. Chị Hằng đêm ấy làm nhiều người thao thức.

*
* *

Sáng hôm sau chúng tôi đi ngược lên Phong Mĩ vào con kinh Tháp Mười. Miền này mới bắt đầu khai phá: thưa thớt vài túp nhà lá trong đám lau sậy.

Tới kinh Cát Bích, hai người phu mướn ở Gãy từ biệt chúng tôi lên bờ.

Trên kinh Tổng đốc Lộc, chúng tôi thường gặp những đoàn ghe hàng chục chiếc nối nhau gương buồm, rẽ nước tiến. Người trong ghe dưa tay vẫy chúng tôi, chúng tôi vẫy lại. Họ vui lắm vì gió thuận, nước xuôi.

Có đủ thứ ghe: ghe chài chở lúa, đen và tròn như bụng trâu, ghe hầu thon thon, nhẹ nhàng và đỏm đáng, ghe cui, ghe cà vom, ghe chở cá, ghe chở trái cây…

Bông ô môi ( ảnh sưu tầm )

Trái ô môi ( ảnh sưu tầm )

Nhiều gia đình leo lên mui ngồi ngắm cảnh trời nước như đi du lịch. Trên bờ, hai rặng ô môi (3) đầy bông đỏ phơn phớt. Có người khen ô môi đẹp hơn đào; lời đó quá đáng. Đào, sắc tươi hơn, cành nhã hơn, lá cũng thanh hơn, nhưng trong một tấm hình màu, ô môi chắc cũng không kém anh đào bên Nhựt Bổn là mấy.

Ô môi cũng nở về xuân và khi nở, lá cũng rụng hết như đào, nên thi sĩ Việt Châu đã vịnh hoa đó như sau:

…Xuân đã về đây hoa nở rồi!

Màu phơn phớt đỏ, nụ hoa môi

Của nhiều trinh nữ – sơn chưa thắm,

Trong bóng ngày xanh, mủm mỉm cười…

Lá đổ tàn rơi tự lúc nào:

Toàn thân hoa phủ đẹp làm sao!

Giục người cô lữ Thăng Long nhớ

Vườn cũ xuân quê rộn ánh đào…

Kinh nhỏ ở miền này thường bị nạn lục bình (bèo Nhựt Bản). Hình như hồi xưa ta không có loại bèo ấy. Có người bảo trận bão năm 1904 làm trôi lục bình ở Nhật qua nước ta. Có người lại nói trong một cuộc đấu xảo, người Nhật mang loại bèo đó sang đây, rồi từ đó sinh sôi nảy nở mãnh liệt, đầy cả sông rạch.

Lục bình có lợi mà cũng có hại. Lợi là làm phân rất tốt, hại là làm trở ngại giao thông trên kinh rạch. Hiện nay, chỗ nào nó mọc đầy kinh thì người ta đành lâu lâu vớt lên cho ghe xuồng qua lại, chớ chưa có cách nào trị nó cả. Vài người đã nghĩ nên đào kinh theo chiều gió để đưa lục bình ra sông lớn; phương pháp ấy chưa ai thí nghiệm, không chắc kết quả được như ý.

Chúng tôi ngừng lại tại nhiều nơi trên kinh Tổng đốc Lộc thăm những trụ đá của sở, rồi theo kinh Lacombe về Mĩ Tho.

*
* *

Tới Mĩ Tho khoảng tám giờ tối, kịp chuyến xe lửa cuối cùng về Sài Gòn; tàu, tôi cho về sau, do đường kinh Chợ Gạo, sông Vàm Cỏ, sông Soi Rạp và sông Sài Gòn.

Kinh Chợ Gạo tuy nhỏ, ngắn mà quan trọng bực nhất ở Nam Việt, ghe tàu đi lại suốt ngày đêm. Có thể nói tám, chín phần mười số ghe ở miền Trung và miền Tây Nam Việt qua con kinh ấy. Bốn chục năm trước mà đã có 23.786 chiếc ghe lớn và 12.887 chiếc ghe nhỏ đi ngang kinh ấy, chở hết thảy được non 2.500.000 tấn hàng (phần nhiều là lúa); tính ra mỗi ngày trung bình có non 80 chiếc qua lại. Hiện nay chắc số đó tăng lên tới gắp 10 là ít.

Chú thích:

(1) Coi cuốn Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu.
(2) Trăng theo muôn dặm nước trôi

Chỗ nào có nước mà trời không trăng?

Dòng sông lượn quanh rừng thơm ngát
Trăng soi hoa trắng toát một màu.
(Trần Trọng Kim dịch)
(3) Một loại cây cao, trái lớn dài bảy, tám tấc, ăn được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.