Bên Rặng Tuyết Sơn
Chương 4
Kalighat là một khu phố nhỏ nằm ở phía Nam thành phố Calcutta; đó cũng là nơi ở của Mataji – sư mẫu của Bhairavi.
Căn nhà nhỏ của Mataji có một mảnh sân hẹp trồng rất nhiều hoa. Mặc dù trời nắng chói chang nhưng không khí quanh nhà mát dịu một cách lạ thường.
Ba người bước qua mảnh sân hẹp để vào căn phòng chính, trong phòng chỉ có một người đàn bà đang tĩnh tọa. Đó là Mataji.
Satyakam vội quỳ mọp xuống trước mặt bà. Mataji im lặng chờ anh làm đủ các nghi thức diện kiến rồi mới đưa tay ban phước lành:
– Con ngồi xuống đây để ta nói chuyện với Bhairavi và cậu bé kia trước đã.
Bà ra hiệu cho Bhairavi và Puram đến ngồi cạnh mình rồi âu yếm hỏi cậu bé:
– Con tên gì?
Puram cung kính thưa:
– Thưa con tên là Puram.
– Hay lắm! Cha mẹ thật khéo đặt tên con. Ta mong con sẽ hoàn tất sứ mạng của mình và trở thành một người toàn thiện như tên gọi của con vậy.
Puram quỳ xuống cảm ơn. Bhairavi nhìn con hãnh diện:
– Thưa sư mẫu, Puram đã được điểm đạo vào dòng tu.
Mataji mỉm cười, trong ánh mắt bà long lanh một niềm vui khó tả:
– Thế ư? Puram, con thấy thế nào? Puram chắp tay thong thả nói:
– Thưa sư tổ mẫu, con rất hãnh diện đã được cha con điểm đạo và mở cửa cho con bước vào con đường sáng. Tuy nhiên, sự hiểu biết của con vẫn còn khiếm khuyết rất nhiều, xin sư tổ chỉ dạy thêm.
Mataji mỉm cười hài lòng. Bà lên tiếng:
– Này Puram, con đường của chúng ta là con đường phụng sự nhân loại. Kẻ nào muốn đi trên con đường này phải biết từ bỏ con đường riêng của họ và bước qua con đường của chúng ta. Điều này nghĩa là con phải từ bỏ hoàn toàn thái độ cũng như tư tưởng của thế gian để áp dụng thái độ của một người đi trên đường đạo. Con hiểu điều ta muốn nói chứ?
Puram cúi rạp mình xuống:
– Con chỉ hiểu đôi chút, xin sư tổ giải thích thêm. Bhairavi và Satyakam gật đầu tỏ ý hài lòng vì thái độ khiêm tốn của Puram.
Mataji mỉm cười nói tiếp:
– Này Puram, người thế gian nhìn những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày xem liệu chúng sẽ ảnh hưởng thế nào đến bản thân và quyền lợi cá nhân họ. Trái lại, người đi trên đường đạo nhìn những sự kiện đó xem chúng sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tiến bộ và ích lợi chung của nhân loại. Bất cứ việc gì giúp ích cho sự tiến bộ, tăng trưởng của nhân loại đều là việc cần làm và đáng khuyến khích, còn những việc gì làm cản trở ích lợi chung, bằng cách này hay cách khác, đều phải loại trừ. Đây là một tiêu chuẩn khác hẳn với những tiêu chuẩn của thế gian, để giúp cho những người đi trên đường đạo có thể quyết định mau chóng những gì phải làm và những gì cần loại bỏ. Con chỉ là người hữu dụng trên con đường đạo khi nào con biết áp dụng quy luật trên dù bằng những cách nhỏ bé nhất, khiêm tốn nhất. Này Puram, Thượng đế tạo ra thế giới này với những mục đích hết sức vĩ đại mà ít ai biết rõ. Chỉ những kẻ nào mong muốn hiểu biết thêm và tiến đến gần ngài thì đường đạo mới mở ra cho họ. Ta chỉ có thể tiến đến gần Thượng đế bằng cách phát triển tình thương, vì Thượng đế là một biển tình thương bao la vô tận. Ta không thể hòa vào biển tình thương đó bằng kiến thức nhỏ bé hay lòng tự hào của người đời được, do đó những kẻ đi tìm Thượng đế qua kiến thức hay các hình thức bên ngoài không bao giờ có thể gặp được ngài. Này Puram, con cần phải phát triển lòng vị tha bằng cách quên mình và tự hiến mình trọn vẹn cho công việc phụng sự nhân loại. Sự tiến hóa của cá nhân tuy chậm chạp nhưng vẫn diễn ra một cách thường xuyên và số người hòa vào biển tình thương của Thượng đế vẫn gia tăng không ngừng.
Puram im lặng một lúc rồi hỏi:
– Thưa Mataji, như vậy con phải làm gì?
– Con hãy làm bất cứ việc gì mà con có thể làm để giúp ích cho nhân loại. Con hãy làm những việc mà con có thể làm ngay bây giờ. Có thể đó là một việc nhỏ nhặt, tầm thường nhưng đối với Thượng đế, trong thế gian này chẳng có việc gì gọi là nhỏ nhặt, tầm thường cả. Đừng chờ đợi một trách nhiệm lớn lao hay một điều to tát, vĩ đại, vì như thế con sẽ bỏ lỡ cơ hội phụng sự nhân loại. Khi con đã có đủ các đức tính và khả năng cần thiết, việc lớn sẽ đến với con. Nhưng hiện nay hãy làm việc và làm việc không ngừng để giúp đỡ nhân loại. Đừng chờ đợi một ai yêu cầu con làm một việc gì đó, mà hãy tự bắt tay vào việc. Trên thế gian không thiếu những công việc vị tha, phụng sự nhân loại, nhưng thói thường người ta chỉ muốn chờ những việc to tát, vĩ đại mà thôi, thế nên họ không bao giờ được giao phó việc gì cả.
Puram gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu:
– Thưa sư tổ, phải chăng vì thế mà không mấy người đi trọn con đường đạo?
Mataji mỉm cười gật đầu:
– Đúng thế! Đa số người bước chân vào đường đạo đều sốt sắng và nhiệt tâm, nhưng vì không có khả năng tu tập nội quán để biết rõ mình, để sửa đổi tâm tánh nên họ thường vi phạm những lỗi lầm nhỏ nhặt và dần dần xa rời con đường mình theo đuổi. Đường đạo không bằng phẳng dễ đi, mà đầy chông gai và thử thách, nên chỉ một số rất ít người đủ can đảm, nghị lực và cương quyết mới có thể đi trọn mà thôi. Trong thế giới đầy xáo trộn hiện nay, con người thường nóng nảy, căng thẳng. Họ muốn thứ gì thì muốn có ngay lập tức. Không mấy ai tập được tính kiên nhẫn và bền chí nên chỉ gặp vài trở ngại thông thường họ đã nản lòng, bỏ cuộc. Nhiều người còn có thói quen tọc mạch, tò mò muốn biết việc riêng của người khác, nhất là muốn biết đạo căn hay sự phát triển tâm linh của những người khác ra sao. Con đường đạo chẳng phải là một cuộc thi đua để xem ai hơn ai, ai đi trước ai, nên những kẻ tò mò không mấy khi đi xa được. Nhiều người còn có tính hay hờn giận nên khó có thể làm việc chung với ai. Họ chỉ muốn được giao phó một trách nhiệm mà họ có thể độc quyền hành xử nên họ không mấy khi thành công. Này Puram, con nên biết rằng trên đường đạo không thể có biện pháp lưng chừng: hoặc là con đi trọn con đường, hoặc là con không đi đến nơi, chứ không thể có việc đi được một nửa. Đây là điều quan trọng, con cần ghi nhớ kỹ.
Puram quỳ xuống cảm ơn lời chỉ dẫn của Mataji. Satyakam và Bhairavi cũng quỳ xuống đa tạ sự chỉ dẫn quý báu của bà.
Chiều hôm đó, một số đệ tử của Mataji được tin Bhairavi trở về cùng chồng và con đã vội vã kéo đến thăm và tham dự buổi lễ cầu nguyện kéo dài đến khuya. Trong lúc mọi ngươi đang tấp nập sửa soạn các nghi thức cúng lễ thì Satyakam lặng lẽ rời nhà. Anh đi dọc theo con đường nhỏ đến một trạm xe buýt để đáp chuyến xe đi lên miền Bắc. Chiếc xe thả anh xuống một bến đò vắng cách thành phố khoảng vài dặm. Anh thong thả bước đến bờ sông ngắm bóng mình soi trên dòng sông Hằng. Đã lâu lắm rồi anh không đến tắm gội trong dòng sông linh thiêng này. Dòng nước soi rõ khuôn mặt của một người trung niên với những nếp nhăn và mái tóc bắt đầu lốm đốm bạc. Thời gian! Sao thời gian trôi nhanh quá! Mới ngày nào anh còn là một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng mà giờ đây anh đã bước vào tuổi trung niên và chẳng bao lâu nữa sẽ già.
Satyakam quỳ xuống bên bờ sông, thong thả vốc một vốc nước vỗ nhẹ lên mặt mình rồi thì thầm: “Hỡi mẹ Hằng hà linh thiêng, xin mẹ hãy giúp con trở nên thánh thiện, trong sạch như mẹ. Hãy giúp con hoàn tất số phận đã định như mẹ đã giúp biết bao nhiêu người khác ý thức được sự linh thiêng, hoàn hảo vô cùng của mẹ…”.
Anh quỳ mọp bên dòng sông không biết trong bao lâu cho đến khi nghe thấy tiếng chân bước nhẹ sau lưng. Anh quay đầu lại nhưng không thấy ai cả, chỉ có tiếng gió xào xạc qua mấy hàng cây. Satyakam ngắm dòng nước lững lờ trôi. Mặt trời từ từ lặn. Anh ngồi xếp bằng theo tư thế liên hoa và bắt đầu nhập thiền. Hơn mười hai năm nay anh mới ngồi một mình như vậy. Một cảm giác bình an kỳ lạ chợt dâng lên. Anh nghĩ đến thời gian tu tập trong đãy Tuyết sơn với vị đạo sư già. Chưa bao giờ anh nhớ sư phụ đến vậy. Hình ảnh vị ân sư hiện lên rõ mồn một trong tâm khảm, anh buột miệng kêu:
– Sư phụ ơi!
Bất chợt, một giọng nói hiền từ vang lên:
– Ta ở đây.
Satyakam giật mình mở mắt ra. Anh trông thấy vị đạo sư già đang chống gậy đứng ngay trước mặt anh. Anh vui mừng kêu lớn:
– Sư phụ, người đã đến! Phải chăng sư phụ đã đến đây từ lúc nãy? Vậy tại sao con không thấy gì mặc dù con nghe tiếng chân người?
– Có lẽ con đã mất đi phần nào khả năng lắng nghe rồi nên chẳng biết ta đã đến từ lâu. Phải chăng con mải lo nghĩ đến những chuyện khác nên không thể nhìn thấy ta? Ta phải đợi con nhập thiền để tâm tư lắng xuống, khi đó con mới có thể nhìn thấy ta được.
Satyakam bối rốì, anh muốn nói nhưng không thốt nên lời. Cuối cùng, anh thu hết can đảm:
– Xin sư phụ chỉ dẫn cho con.
Vị đạo sư mỉm cười nhìn học trò một lúc rồi thong thả:
– Con hãy đón chuyến xe lửa đi lên miền Đông của đãy Tuyết Sơn, đến một nơi gọi là Siliguri. Ta sẽ chờ con ở đó.
Đoạn, ông thong thả chống gậy bước đi. Satyakam định bước theo nhưng hồ như có một sức mạnh giữ anh ngồi yên ở đó. Anh nhìn dòng nước sông Hằng trước mặt. Chắc chắn nó sẽ chảy qua Kalighat, nơi Bhairavi và Puram đang sống.
Satyakam ngồi yên hồi tưởng về kinh nghiệm tu tập của mình cũng như cuộc sống vừa trải qua tại Kadambini. Tất cả đều thoáng qua như một giấc mộng, nhanh chóng và phù du một cách lạ thường. Mặc dù đã trải nghiệm những điều anh muốn, học hỏi được những điều anh cần, sở hữu những kiến thức không mấy ai chạm tới, nhưng anh thấy mình vẫn chưa đến gần mục đích bao nhiêu.
Mặt trời từ từ ló dạng phía chân mây, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Satyakam rời chỗ ngồi, bước xuống dòng sông cho đến khi nước ngập đến gần cổ. Đã lâu lắm anh không thực hành nghi thức này. Anh đọc bài chú mà sư phụ đã truyền dạy khi xưa. Tâm anh dần dần bình an. Anh thong thả đọc từng chữ của bài chú. Vừa khi bài chú chấm dứt, anh bỗng cảm thấy toàn thân tràn ngập một cảm giác lâng lâng kỳ lạ. Hình như thân tâm anh vừa được gột tẩy, mọi phiền não đều tiêu tan. Anh thấy như mình vừa trở thành một con người mới. Satyakam ngẩng đầu lên, chắp hai tay vào nhau, cung kính: “Xin cám ơn mẹ Hằng hà linh thiêng đã giúp con”.
Anh bước lên bờ. Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng ấm tiếp tục nhảy múa trên dòng nước sông Hằng. Xa xa, một đàn cò trắng bay lượn trên những thửa ruộng xanh ngắt. Vài nông dân đang dắt trâu ra đồng. Một phiên chợ nhỏ bắt đầu nhóm họp ở gần đó. Tiếng cười nói vang lên khắp nơi.
Từ Calcutta đến Saliguri đường không xa lắm, nhưng xe lửa đi mất gần một ngày vì phải dừng lại nhiều trạm dọc đường. Xe lửa đến Saliguri khi trời đã xế chiều. Đây là một thị trấn nhỏ, dân cư thưa thớt nên chỉ có vài hành khách xuống ga. Vừa ra khỏi nhà ga, Satyakam đã chú ý ngay đến một người hành khất gầy gò, ốm yếu ngồi nép bên vệ đường. Hồ như có một động năng thúc giục, anh vội bước ngay đến trước mặt người này. Anh định lên tiếng thì người hành khất đã gật đầu như có vẻ hài lòng rồi nói ngay: “Khá lắm! Ta biết ngươi sẽ nhận ra ta. Ta vâng lệnh sư phụ đến đón ngươi”.
Sau khi ra hiệu cho Satyakam theo mình, người hành khất rảo bước đi ngay. Họ băng qua những khu phố nhỏ đường sá vắng tanh, chỉ có vài con chó sủa vu vơ. Người hành khất dường như quen đường nên đi khá nhanh. Ông ta len lỏi qua những đường hẻm ngoằn ngoèo nằm khuất dưới các hàng cây lớn. Satyakam phải cố gắng lắm mới bước theo kịp. Sau khi ra khỏi làng, họ băng qua những ngọn đồi khá cao trồng đầy những cây trà được cắt tỉa gọn ghẽ. Người hành khất cứ thế lầm lũi đi, không nói câu nào. Đêm đó, trăng rất sáng nên dù trời tối đã lâu mà Satyakam vẫn nhìn rõ lối đi trước mặt. Vượt qua một khúc quanh ở sườn đồi, người hành khất đứng lại chỉ tay về phía trước. Trước mặt họ là một rặng núi lớn, trên đỉnh phủ đầy tuyết trắng. Dưới ánh trăng, đỉnh núi tuyết phảng phất một vẻ hùng tráng pha lẫn huyền bí. Satyakam buột miệng kêu lớn:
– Tuyết Sơn!
– Phải. Đây là đỉnh Tuyết Lãnh nằm ở sườn Đông rặng Tuyết Sơn.
Satyakam lặng ngắm rặng núi thân yêu. Chưa bao giờ anh xúc động như thế. Phải rồi, đó chính là rặng núi quen thuộc mà nhiều năm nay anh chưa gặp lại. Cuộc sống chốn thị thành đã khiến anh quên hẳn nếp sống bình dị an lành trên Tuyết Sơn khi xưa. Anh thấy trong lòng dâng lên một cảm giác ấm áp, êm đềm như người đi xa vừa trở về.
Người hành khất quan sát Satyakam một lúc rồi nói:
– Ta thấy ngươi đã mệt mỏi lắm rồi. Thôi, chúng ta hãy tạm dừng chân tại đây, sáng mai sẽ lên đường tiếp.
Satyakam ngần ngại. Anh nóng lòng muốn gặp sư phụ nên gặng hỏi:
– Từ đây đến chỗ ở của sư phụ còn xa lắm không?
– Với ta thì không xa lắm, nhưng với ngươi thì… có lẽ ngươi đi không nổi đâu!
Rồi ông ta bật cười lớn:
– Ngươi nghĩ rằng ta không biết ngươi đã từng sống trên đãy Tuyết Sơn và đã từng leo đồi, vượt núi hay sao? Ha.. ha… Đó là chuyện ngày trước chứ ngày nay, ngươi hãy nhìn lại mình xem, mới đi có mấy dặm mà ngươi đã thở hổn hển. Thế thì làm sao vượt rừng leo núi cho được?
Satyakam sượng sùng nhìn lại thân thể mình. Quả thật, thời gian sống đủ đầy, thoải mái tại Kadambini đã biến anh thành một người trung niên to lớn đẫy đà, khác hẳn người thanh niên săn chắc, khỏe mạnh tại Sonar Linga khi xưa. Người hành khất ngồi xuống tảng đá bên đường, mở chiếc túi bên hông, lấy ra hai mẩu bánh mì khô đưa cho Satyakam:
– Đi đường mệt rồi, ngươi hãy ăn miếng bánh này cho đỡ đói.
Satyakam nhận mẩu bánh, cắn vài miếng rồi hỏi:
– Sư huynh đã tu học với sư phụ được bao lâu rồi? Người hành khất thong thả vừa ăn vừa trả lời:
– Ta không nhớ đã theo học với sư phụ từ lúc nào, nhưng khi ta đắc đạo xuống núi thì Kapalak mới bắt đầu đến làm lễ nhập môn.
Satyakam nhìn kỹ người hành khất. Trông ông còn trẻ hơn Kapalak nhiều lắm.
– Có gì ngạc nhiên chứ? Đáng lẽ ngươi phải biết hình dáng bên ngoài chỉ biểu hiện của trạng thái bên trong mà thôi. Một người thoải mái, bình an bên trong thì hình dáng bên ngoài sẽ tươi trẻ mãi, làm sao thời gian có thể ảnh hưởng cho được!
Satyakam gật đầu. Hiển nhiên đây không phải là một điều mới lạ đối với anh, nhưng không hiểu sao anh vẫn chưa hết ngạc nhiên trước người hành khất kia:
– Như vậy sư huynh hẳn đã theo hầu sư phụ từ lâu lắm rồi, nhưng sao em không nghe sư phụ nói gì về huynh cả?
– Ngươi phải biết sư phụ vốn là người thâm trầm ít nói. Nếu không cần thiết, chẳng bao giờ người nói gì cả. Ta biết trước khi thu nhận ta, sư phụ đã thu nhận nhiều đệ tử khác nữa, nhưng ông không khi nào nói về những người đó cả.
Satyakam rụt rè hỏi:
– Như vậy, sư huynh biết gì về sư phụ?
– Ta không biết nhiều hơn ngươi đâu. Ta chỉ biết sư phụ là người đã sở đắc nhiều kiến thức và quyền năng rất cao. Ông là hiện thân của những bậc thánh nhân, hiền triết của một nền văn minh cổ xưa mà nhân loại ngày nay ít ai biết đến. Ta nhớ có một lần, sau khi luyện thành công một phương pháp, ta đã kể với sư phụ rằng kiến thức mà ta mới thu tập được qua sự dạy dỗ của ông đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ta. Sư phụ thản nhiên nói: “Con hỡi, đó chỉ là một phần rất nhỏ, một mảnh vụn của kho tàng minh triết cổ xưa mà ta chỉ mới hé mở cho con thôi. Tùy theo sự tu tập và tiến bộ của con mà ta sẽ khai nhãn cho con thêm nữa”.
Satyakam gật đầu đồng ý:
– Thì ra thế. Em cũng đã từng nghĩ sư phụ là người như vậy.
Người hành khất lắc đầu nói ngay:
– Ngươi chớ nên vội kết luận. Chúng ta không thể biết được những người như sư phụ đâu. Có lẽ chúng ta không bao giờ có thể hiểu được người, trừ khi chúng ta phát triển được một khả năng tâm linh cao thượng như người.
Satyakam không đồng ý. Anh ngần ngại một lúc rồi lên tiếng:
– Nói như vậy thì dường như sư phụ không phải là một con người nữa.
Người hành khất bật cười lớn:
– Sư phụ là một con người bằng xương bằng thịt, hệt như chúng ta vậy thôi, nhưng khả năng tâm linh của người thì vượt xa chúng ta nhiều lắm. Mặc dù thu nhận rất nhiều đệ tử nhưng không khi nào người nói về họ cả. Ta nghĩ có thể người có những lý do riêng. Khi xưa, đã có lúc ta cũng tò mò muốn biết về những người đó, nhưng bây giờ ta thấy những điều đó không còn quan trọng nữa. Mỗi người có một con đường và trình độ tâm linh khác nhau, nếu không cần thiết thì để ý những điều đó làm chi? Chúng ta tuy cùng học một thầy, nhưng không tu tập cùng một pháp môn, sự lựa chọn và ý nguyện của mỗi người có lẽ cũng khác nhau. Sư phụ chỉ chọn lựa và dạy dỗ người nào mà thầy thấy có triển vọng. Người không thiên vị một ai hay đối xử đặc biệt với một người nào. Thầy chỉ quan tâm đến công việc mình phải làm để góp phần cho công cuộc tiến hóa chung của nhân loại mà thôi. Người lựa chọn học trò tùy theo khả năng của họ đối với công việc phụng sự nhân loại vĩ đại. Nếu chúng ta biết tu tập để có khả năng đóng góp vào công cuộc chung này thì chúng ta sẽ tiến bộ rất nhiều. Thôi, nói như thế đã nhiều rồi, ngươi hãy nghỉ đi vì sáng mai chúng ta phải lên đường sớm. Sư phụ hiện sống bên một dòng suối nhỏ cách đây không xa, nhưng đường đi trơn trượt, khó đi nên ít ai đến chỗ đó.
Quả đúng như lời người hành khất, đó là một sườn núi khá dốc, cây cối mọc chằng chịt và lối đi trơn vô cùng. Satyakam phải cố gắng lắm mới bước đi được.
Vượt qua một cánh rừng rậm rạp, cây cối phủ kín, họ đến một thung lũng nhỏ nằm lọt giữa hai khe núi. Người hành khất chỉ về phía trước:
– Sư phụ sống ở kia.
Đó là một cái hang nhỏ nằm cạnh dòng suối nước chảy xiết. Vị đạo sư già đang chống gậy đứng trước cửa hang. Đã nhiều năm qua mà trông ông vẫn không hề thay đổi: vẫn chòm râu bạc trắng, vẫn thân hình gầy gò như hồi còn ở Sonar Linga.
Satyakam và người hành khất vội quỳ trước sư phụ. Ông ra hiệu cho Satyakam đứng lên:
– Này Satyakam, bây giờ đã đến một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời tu hành của con. Liệu con có đủ sức đi nốt chặng đường còn lại không?
– Thưa sư phụ, con đã sẵn sàng.
– Tốt lắm! Bây giờ con hãy nhìn thật sâu vào tâm hồn mình xem con đã thực sự sẵn sàng chưa! Nếu con đã cương quyết, hãy ra suối tắm rửa rồi vào hang đá kia nghỉ ngơi. Sáng mai, chúng ta sẽ bắt đầu.
Sáng hôm sau, khi Satyakam vừa bước ra khỏi hang thì đã thấy thầy ngồi thiền trên một tảng đá lớn. Ông ra hiệu cho anh bước đến gần rồi từ tốn nói:
– Này Satyakam, hôm nay ta dạy cho con những quy tắc chính của quãng đường còn lại mà con sẽ phải đi qua. Đây là quy tắc thứ nhất: Con phải diệt trừ tất cả mọi tham vọng. Con hãy suy ngẫm để hiểu điều này một cách thấu đáo và đừng bao giờ tự dối gạt mình. Hiện nay, trong khúc quanh quan trọng này, con cần phải nỗ lực để diệt trừ mọi tham vọng, kể cả những tham vọng vi tế nhất. Nếu không trừ được nó trong lúc này, để nó tiềm ẩn và tiếp tục mọc rễ trong tâm con, con sẽ còn phải trả những cái giá đau đớn và chỉ đến khi đó con mới có thể tiếp tục theo đuổi quãng đường cuối cùng này. Quy tắc này xét ra giản dị, nhưng thật ra đó là một điều rất khó làm vì lòng tham luôn luôn thay đổi, biến hóa dưới những hình thức mà ít ai ngờ. Nhiều người đi trên đường đạo tưởng mình đã được giải thoát, tưởng mình đã trong sạch, tưởng mình đã thánh thiện, tưởng mình đã diệt trừ được những tham vọng, nhưng thật ra họ vẫn bị lòng tham lừa gạt mà không hay biết. Tham luyến một cái gì đẹp đẽ, thánh thiện cũng là tham lam; mong muốn được trong sạch cũng là tham lam; ngay cả những việc tinh thần, tâm linh tốt đẹp nhất cũng thường bị lòng tham chi phối. Này Satyakam, lòng tham là năng lượng chi phối mọi hoạt động của những người sống mà không biết ý thức. Dù có ý thức, nhưng mấy ai có thể theo dõi tư tưởng của mình từng giây hay từng phút được, do đó mới có chuyện sai một li đi một dặm.
Khi trước, ta đã dạy cho con cách theo dõi hơi thở, cách theo dõi tư tưởng, bây giờ là lúc con phải quán xét nội tâm mình một cách thành thật để biết mình muốn gì và tại sao mình lại hành động như vậy. Con hãy vào trong hang đá kia để tu tập và quán sát tư tưởng của mình trong bốn mươi ngày liền. Con đừng ra khỏi hang đá trước ngày thứ bốn mươi, mọi việc ăn uống hay những thứ cần dùng đã có ta lo liệu. Con đã từng lắng nghe, từng quán sát những tư tưởng nảy sinh, từng tư tưởng nhen nhúm trong lòng con, xem nó từ đâu đến và đi về đâu. Lần này, con hãy cố gắng theo dõi xem tư tưởng tham lam của mình để xem nó phát xuất từ đâu và lần ngược lên tận cội nguồn của nó. Khi con tìm đến tận nguồn thì con sẽ hiểu rõ về nó, và khi con đã biết rõ về nó thì nó sẽ không còn chi phối được con nữa. Kẻ học đạo phải biết tu tập nội quán để biết rõ các yếu tố chi phối mình và tìm cách giải thoát khỏi các ràng buộc của nó.
Satyakam chắp tay quỳ rạp xuống đất để tỏ lòng cung kính rồi quay vào trong hang đá. Anh ngồi xếp bằng theo tư thế liên hoa và khởi sự việc theo dõi tư tưởng của mình. Công phu này anh đã tu luyện thuần thục nên chẳng mấy chốc anh đã cảm thấy các tư tưởng đến và đi qua tâm mình một cách rõ rệt. Anh bắt đầu theo dõi từng tư tưởng nảy sinh từ những chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn. Anh theo dõi nó, đi ngược vào các nguyên nhân, các động năng thầm kín nhất đã sai khiến những tư tưởng kia nảy sinh, và cứ thế, anh quán sát nó nảy sinh, lộ diện, đến và đi dưới muôn hình vạn trạng trong tâm thức.
Bốn mươi ngày trôi qua nhanh chóng. Khi Satyakam bước ra khỏi hang, anh đã thấy sư phụ đang ngồi trên tảng đá quen thuộc.
Ông lên tiếng:
– Hẳn con đã ý thức rõ được lòng tham bắt nguồn từ đâu rồi chứ?
– Thưa sư phụ, con đã ý thức rõ về nó.
– Thế thì con đã đạt đến kết quả nào chưa?
– Thưa sư phụ, con nghĩ mình đã có thể chinh phục được tham vọng. Con đã có thể tách rời ra khỏi những tư tưởng xấu xa, thấp hèn qua những kỷ luật tự giác, những công phu hành xác, kiểm soát nội tâm.
Đạo sư nheo mắt nhìn học trò rồi lắc đầu:
– Này Satyakam, con đã bị những tham vọng đó lừa rồi! Ta không thể tiêu diệt lòng tham bằng cách tách rời mình ra khỏi mọi sự như con đã quán xét đâu. Không phải thế! Ta biết khi trước ở Sonar Linga, con vẫn còn một chút tập khí tham lam tiềm ẩn mà con không thể vượt qua được và chính cái tập khí đó đã tạo ra những khó khăn khiến con phải rời núi. Do đó, lần này khi trở về đây, ta muốn con suy ngẫm thật kỹ về lòng tham.
Satyakam ngạc nhiên:
– Con vẫn còn một chút tập khí tham lam ư?
– Này Satyakam, công phu tu hành của con không phải tầm thường, nhưng con có nhớ khi con theo ta lên đỉnh Tuyết Sơn, khi con trải nghiệm khả năng thần thông của mình, khai mở được ký ức, nhớ được các kinh nghiệm về tiền kiếp, thì con đã thay đổi. Con tự cho mình quan trọng hơn người, và có ý muốn trở thành một bậc đạo sư và chính cái ý mong cầu đó đã thúc giục con xuống núi.
Satyakam giật mình. Câu nói của thầy như một tiếng sét khiến anh bàng hoàng. Vị đạo sư mỉm cười, tiếp:
– Con là người có tánh thiện, muốn giúp đỡ mọi người nên việc trở nên một bậc đạo sư hướng dẫn người khác cũng là điều tự nhiên thôi. Tuy nhiên, con chưa hoàn toàn giải thoát được mình, chưa ý thức rõ các động năng tế nhị vẫn chi phối tư tưởng và hành động của mình nên con đã để cho cái tập khí tham lam, mong cầu kia chi phối.
Ta biết rõ như vậy nên mới chỉ dẫn cho con đến học hỏi thêm với Kapalak để phát triển về Kundalini Yoga, giúp con khai mở những kiến thức huyền môn, học hỏi thêm những điều mà từ trước đến nay con chưa trải nghiệm và trả các nghiệp quả giữa con và Bhairavi. Hiển nhiên, con đã trở thành một bậc hiền giả, chỉ dẫn và giúp đỡ được nhiều người, nhưng tập khí tham lam kia của con lại có cơ hội phát triển hơn nữa.
Satyakam nghẹn ngào:
– Thưa sư phụ, hiện nay con phải làm thế nào để diệt trừ hạt giống tham vọng kia?
– Này Satyakam, con hãy suy ngẫm thật kỹ về điều thứ hai mà ta chỉ dạy cho con đây. Con phải diệt trừ tất cả mọi ý thức về sự chia rẽ, phân biệt. Con đừng nghĩ rằng với công phu tu tập của mình con có thể vượt lên trên những người thấp kém, hèn hạ, trụy lạc hay các sự kiện xấu xa. Đây là một nhầm lẫn lớn của những kẻ đi trên đường đạo. Họ không ý thức rằng kẻ xấu xa, thấp kém kia cũng chính là họ. Một khi con nghĩ mình đã vượt lên cao, đã đắc những quả vị, đã sở hữu những khả năng thần thông và không còn liên quan đến những kẻ yếu đuối trụy lạc hay các sự kiện xấu xa, thì con đã tự tạo ra một nghiệp quả ràng buộc con với những điều đó, hoặc người đó. Con phải học bài học cần thiết rằng con không thể sống tách biệt với mọi sự vật trong thế gian này được.
Đạo sư chăm chú nhìn Satyakam rồi nói tiếp:
– Con phải suy ngẫm cẩn thận để biết rằng mọi sự xấu xa nhất, tội lỗi nhất, bẩn thỉu nhất của cuộc đời cũng chính là tội lỗi, bẩn thỉu của chính con, bởi con là một phần của thế gian này. Nghiệp quả của con liên đới chặt chẽ với nghiệp quả của mọi người. Trước khi con bước chân vào ngưỡng cửa các vị thánh, con cũng phải trải qua mọi hoàn cảnh, trong sạch cũng như xấu xa, tội lỗi cũng như thánh thiện, cao thượng cũng như thấp hèn. Con càng tránh né chúng bao nhiêu, chúng sẽ càng bám chặt lấy con bấy nhiêu. Kẻ nào tự hào về đức hạnh của mình tức là đang chuẩn bị một bãi bùn dơ để tự bước vào đó. Con đã học hỏi được nhiều. Con đã biết phân tích tất cả các kinh nghiệm để học hỏi và nhẫn nại chịu đựng các thử thách, nhưng con đừng bao giờ nghĩ mình đã tiến bộ hơn người khác. Con chớ lên án những người sa ngã, chớ coi thường những kẻ yếu đuối dễ nản lòng, mà con phải biết đưa tay dìu dắt họ như bạn đồng hành của mình. Con phải biết rằng khoảng cách giữa kẻ thánh thiện và kẻ tội lỗi tuy có xa, nhưng khoảng cách giữa kẻ thánh thiện và người đã giác ngộ còn dài gấp muôn lần. Do đó, con hãy cẩn thận trong mọi tư tưởng cũng như hành động. Ta muốn con trở vào hang đá tu tập thêm bốn mươi ngày nữa để quán xét thật kỹ về những điều ta vừa chỉ dạy. Con phải tu tập đúng thời gian mà ta quy định, chớ rời khỏi hang đá trước khi ta cho phép.
Một lần nữa, Satyakam quỳ mọp xuống đất cung kính vái chào sư phụ trước khi quay trở vào trong hang đá. Lần này, anh vận dụng mọi công phu tu tập và quán xét những mầm mống chia rẽ mà anh đã vô tình thêu dệt trong tâm mình. Hơn bao giờ hết, anh ý thức rõ năng lượng tham lam mà anh đã vô tình để nó chi phối tâm mình. Anh sử dụng khả năng theo dõi tư tưởng để đào sâu vào nội tâm, để chiêm nghiệm các sự kiện liên quan giữa mọi vật với nhau. Sau nhiều ngày suy ngẫm, anh bỗng nhận thức rằng trên thế gian này không thứ gì có thể tồn tại độc lập được. Mọi vật đều nương tựa vào nhau để hiện hữu, và đó là chân lý vô cùng quan trọng. Cũng ngay lúc khi đó, anh chợt ý thức rõ về nguyên nhân của tham vọng mà anh đã suy ngẫm mấy ngày trước. Tất cả đều bắt nguồn từ ý thức về bản ngã. Khi còn bản ngã, còn ý thức về sự hiện diện của một cá thể riêng biệt, tất cả mọi vấn đề như chia rẽ, tham lam đều nảy sinh. Khi không còn tự ngã, không còn thấy có mình, có người, có chủ thể hay đối tượng thì tất cả mọi sự đều trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Đây không phải là điều mới lạ vì anh đã học hỏi nó qua pháp môn Yoga, nhưng đây là lần đầu anh ý thức về nó. Anh chợt nhận ra rằng kiến thức và kinh nghiệm khác nhau rất xa. Ta có thể hiểu một cách lý thuyết rằng vạn vật đều là một, hay có một khái niệm rằng vạn vật đều bắt nguồn từ một nguồn gốc chung, nhưng quán triệt được nó và sự liên quan của vạn vật với nhau lại đòi hỏi một trải nghiệm đặc biệt.
Khi vừa ý thức được những sự kiện này, Satyakam thấy rõ các làn sóng tư tưởng đang nảy sinh trong tâm anh bỗng dưng chấm dứt. Đây là lần đầu anh thấy mình có thể chặn đứng được làn sóng của tư tưởng. Dĩ nhiên khi xưa, qua công phu tu tập, anh có thể làm cho các làn sóng tư tưởng phát sinh chậm lại hay tạm thời ngưng trễ, nhưng nay anh thấy tâm đã đổi khác. Khi mọi tư tưởng chấm dứt, anh có thể trải nghiệm sự sống một cách hoàn hảo, tốt đẹp hơn lên vì các luồng sóng tư tưởng vẫn dồn dập nảy sinh đã không còn. Anh như bước vào một trạng thái hoàn toàn an lạc, hạnh phúc chưa từng thấy. Satyakam mừng rỡ định bước ra khỏi hang để gặp vị đạo sư già, nhưng anh biết lúc đó chưa đến kỳ hạn bốn mươi ngày. Anh không hiểu tại sao sư phụ lại muốn mình ở trong hang lâu như vậy. Tuy nhiên, anh biết hẳn sư phụ có nguyên do nên tiếp tục tu tập thêm nữa.
Ngày hôm sau, Satyakam thấy khắp mình đau nhức, nhiều cảm giác bứt rứt kỳ lạ nổi lên khiến anh thấy như không thể chịu nổi. Đây là một điều lạ vì đã nhiều năm nay, sau khi luyện thành công luồng hỏa hầu Kundalini, Satyakam có thể sai khiến được mọi cơ quan trong thân thể như ý muốn. Việc đau ốm, nóng lạnh, bệnh tật không còn gây phiền phức cho anh nữa. Tại sao lần này anh lại có cảm giác kỳ lạ khác thường như vậy? Đến hôm sau, khắp mình anh trở nên nóng ran như một khối lửa. Anh có cảm tưởng toàn thân mình đang cháy đỏ lên trong hang sâu tối. Các bắp thịt dường như không tuân theo mệnh lệnh của anh. Luồng hỏa hầu vẫn thuần thục nay bỗng phát động một cách khác thường. Chiều hôm đó, anh cảm thấy đuối sức, không còn kiểm soát được thân thể nữa. Đã có lần anh định lên tiếng cầu cứu sư phụ, nhưng lại cố gắng kiềm chế ý tưởng này. Vốn là người can đảm, anh biết có thể đây là một thử thách nên tiếp tục nghiến răng chịu đựng. Cứ thế, anh như trôi nổi trong biển cả, dù thân thể bị các luồng sóng vùi đập mãnh liệt nhưng anh vẫn cố gắng giữ vững công phu.
Những ngày tiếp theo, Satyakam cũng trải qua những cơn đau nhức như vậy nên anh không còn ý thức về ngày hay đêm nữa. Cho đến một hôm, trong cơn mê sảng kỳ lạ, anh biết thời hạn bốn mươi ngày đã đến.
Satyakam bò ra cửa hang. Anh thấy vị đạo sư già đang chống gậy đứng chờ. Ông cúi xuống xoa nhẹ lên đầu anh, một luồng từ điện phát ra từ bàn tay đạo sĩ truyền đi khắp người khiến anh cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Anh thu hết tàn lực, lắp bắp:
– Xin… cảm ơn… sư phụ…
– Này Satyakam, ta biết con vừa có một trải nghiệm lớn. Hiển nhiên phải thế rồi vì đó là thử thách cuối cùng của con. Con nên biết những tàn lực của bản ngã con đang phản ứng và trước khi những năng lượng này được chuyển hóa, nó sẽ cố gắng phá rối công phu của con.
Đạo sư nâng Satyakam ngồi dậy và chỉ vào những bụi hoa đang nở quanh đó:
– Này Satyakam, con hãy nhìn những bông hoa đang nở khắp nơi kia. Sau những cơn mưa lớn, cây cối phát triển, nảy nở, đơm bông kết trái. Tương tự như thế, tâm thức của con không bao giờ thực sự phát triển trước khi bản ngã của con bị tận diệt và tiễu trừ. Tất cả mọi kinh nghiệm tu tập đều đưa đến thử thách cuối cùng này, và chỉ khi nào con chiến thắng được bản ngã, con mới thực sự bước chân vào ngưỡng cửa của sự minh triết lớn lao.
Này Satyakam, sau cơn mưa trời quang đãng, tâm thức của con cũng thế. Đây không phải là sự bình an mà trước kia con có được trong lúc thực hành những pháp môn thiền định cao siêu. Đây cũng không phải là sự bình an khi con trú vào những cảnh giới của các hành giả Yoga thượng thừa, mà đây là sự bình an vĩnh cửu khi ta bước vào ngưỡng cửa của ngôi đền minh triết. Con muốn gọi nó là gì cũng được, vì chỉ trong trạng thái này con mới nghe được những tiếng vô thanh; đó là tiếng nói vang lên ở nơi không có một người nào cả. Con có thể coi đó là tiếng nói của chư thiên, của các sứ giả của Thượng đế, của các thiên sứ hay là tiếng nói của một nội tâm vô nhiễm. Không một ngôn ngữ nào có thể diễn tả được điều này vì giờ phút huy hoàng ấy là kinh nghiệm vô cùng lớn lao, nó báo hiệu cho con biết rằng con đã đủ hiểu biết để tiếp tục con đường này một mình. Từ nay, con không cần có ta nữa. Bây giờ, con hãy trở vào trong hang và đắm mình trong tĩnh lặng. Đừng để một tư tưởng nào nảy sinh mà chỉ để sự bình an chi phối. Hãy để sự yên lặng tuyệt đối trở thành chỗ trú ẩn của tâm con. Ta chúc con bình an.
Vị đạo sư già đưa tay xoa nhẹ lên đầu Satyakam. Ánh mắt ông toát lên một niềm vui khó tả. Satyakam cũng cảm động không kém. Anh ôm lấy đôi chân thầy để tỏ lòng kính phục và biết ơn. Anh biết rõ đây là lần cuối anh gặp vị đạo sư và từ đây anh sẽ phải lên đường một mình.
Satyakam quay trở lại hang đá. Anh cảm thấy mỗi bước chân là một bước đi vững chãi, thong dong hơn bao giờ hết. Anh ngồi xuống chiếc thảm bằng cỏ, xếp hai chân theo tư thế liên hoa và thoải mái nhập thiền. Một cảm giác bình an tràn ngập khắp cơ thể anh, mọi mệt mỏi khi trước dường như tan biến.
Thời gian tiếp tục trôi, ngày đi đêm đến, nhưng Satyakam vẫn yên lặng đắm chìm trong cơn thiền định. Đã bao lần thời tiết đổi mùa, hết Xuân rồi sang Đông, nhưng anh chẳng màng. Anh không cần phải ăn nữa, một chút nước mưa, một ít ánh sáng mặt trời cũng đủ nuôi sống anh rồi. Đối với anh, mọi ý niệm về thời gian dường như đã không còn. Tóc anh mọc dài xuống tận hai vai, râu ria kín hàm, phủ xuống cổ, thân thể anh gầy khô. Những điều đó không còn quan trọng với anh nữa, vì sẽ đến lúc anh có thể vứt bỏ nó như vứt một chiếc áo cũ.
Một ngày nọ, Satyakam biết thời gian tu tập đã chấm dứt. Anh thong thả bước ra khỏi hang đá và trèo lên đỉnh Tuyết Lãnh. Anh đi nhẹ nhàng, thảnh thơi, biết rõ cuộc đời mình ở cõi này đã chấm dứt. Dĩ nhiên, anh không hề luyến tiếc vì anh biết mình đã đạt đến mục đích cuối cùng.
Đó là một ngày dày đặc sương mù, trời rất lạnh. Chân anh dẫm lên tuyết phát ra những âm thanh nhẹ và khô, nhưng anh vẫn tiếp tục đi về phía trước như bị một động năng vô hình thúc đẩy. Lên đến đỉnh núi cao tuyết phủ kín vạn vật một màu trắng xóa, anh rùng mình. Một cảm giác kỳ lạ dội mạnh vào lồng ngực khiến anh lảo đảo. Anh biết giây phút cuối cùng đã đến. Anh gượng đứng yên, nhưng rồi ngã nhào xuống tuyết. Anh muốn ngẩng mặt lên, nhưng không sao ngẩng lên được nữa. Mặt anh ngập sâu trong tuyết. Khi xưa, anh vẫn có ý sẽ được bỏ thân trên đỉnh Tuyết Sơn, và nay, anh biết mình đã thỏa ước vọng. Anh kêu lớn: “Xin Thượng đế hãy giúp con được trở về với ngài!”.
Satyakam không biết mình đã nằm trong tuyết bao lâu, nhưng trong sự yên tĩnh tuyệt đối của rặng Tuyết Sơn, anh nghe rõ một tiếng nói vô thanh ở đâu vang lên: “Này Satyakam, bấy nhiêu đó chưa đủ đâu. Con đã gặt và bây giờ con phải gieo”. Âm thanh đó vang rền khiến Satyakam bừng tỉnh. Hai mắt anh hoa lên và đột nhiên, toàn thân anh như vừa nhận được một luồng xung điện khiến anh ngồi bật dậy. Mọi vật xung quanh vẫn không thay đổi. Màu trắng của tuyết đập mạnh vào mắt anh. Anh thấy rõ vết chân mình vẫn còn in trên tuyết. Anh đứng dậy nhìn những rặng núi phủ đầy tuyết trắng. Núi vẫn là núi, tuyết vẫn là tuyết, nhưng nay anh thấy mình và núi gần gũi vô tả. Anh sung sướng bật lên một tiếng kêu lớn, âm thanh vang động núi rừng.
Satyakam chắp tay quỳ mọp xuống đất cung kính thưa: “Xin Thượng đế hãy hướng dẫn cho con. Con xin tuân theo lệnh ngài”.
Tiếng nói vô thanh kia lại vang lên: “Này Satyakam, con đã đủ sức đứng vững một mình và phát triển được khả năng nhận thức. Giờ đây, con có thể giúp đỡ nhân loại hiệu quả hơn, vì con đã chiến thắng được bản ngã, đã vượt qua những thử thách tối hậu của kẻ đi trên đường đạo, đã nghe được tiếng nói của ta mà không bị ù tai, bối rối, sợ hãi nữa. Tiếng nói của ta chính là khúc ca của sự sống, là giai điệu âm thầm sâu thẳm nhưng trỗi lên khắp vũ trụ. Chỉ những kẻ có đức tin, biết hướng vào bên trong mới có thể nghe được mà thôi. Hiện nay, đa số nhân loại không có đầy đủ đức tin hay lòng can đảm để hướng vào nội tâm vì họ cho rằng sống theo bản năng và dục vọng thì dễ dàng hơn. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng sự sống là một năng lực mãnh liệt chi phối tất cả và tất cả đều là những phần tử của nó. Không ai có thể tách rời khỏi sự sống. Cũng như loài cá sống trong nước mà không hề ý thức được nước là gì, nhân loại đang chạy đuổi theo những dục vọng của ảo giác mà quên rằng họ đều là một phần của sự sống linh thiêng và duy nhất này. Ngay như những kẻ đang dò dẫm trên đường đạo cũng chỉ có thể nghe thấy một vài nốt nhạc rời rạc của khúc ca này cho đến khi họ biết quên mình, hoàn toàn diệt trừ được bản ngã. Chỉ khi đó họ mới có thể nghe được trọn vẹn hòa tấu khúc của sự sống. Này Satyakam, khi con đã biết quên mình để lắng nghe, con sẽ hiểu rằng khúc ca bất diệt này lúc nào cũng vang rền khắp vũ trụ và chính con cũng là một phần của bản hòa âm tuyệt diệu đó. Nhờ biết như thế mà con sẽ hiểu rõ hơn mọi định luật của vũ trụ. Nhờ biết lắng nghe từng nốt nhạc, từng âm thanh mà con sẽ không còn thấy có mình, có người, có chủ thể, có đối tượng hay có thù, có bạn, mà tất cả đều chỉ là những tiết tấu hòa diệu của vũ trụ. Nhờ đó, con biết trước được những biến chuyển của cuộc đời đang thay đổi như sóng thủy triều, như mây trôi, như gió thổi. Nhờ biết quán sát nhân tâm hay những nốt nhạc mà con có thể hiểu được cấu trúc của bản đại hòa tấu của sự sống. Khi con thực sự hiểu rõ mọi việc, con sẽ hiểu được chân lý, và khi con đã biết được chân lý, con có thể nói được sự thật. Khi đó, con sẽ hiểu rằng lời thật vốn vô ngôn”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.