Bí Ẩn Tuổi Thơ

Chương 2 PHÔI THAI TINH THẦN



Khúc dạo đầu sinh học

Khi K.F, Wolff công bố những khám phá về sự phân chia của nguyên bào, ông cho thấy quá trình tạo ra các sinh vật sống, đồng thời qua sự quan sát trực tiếp, đã giúp kiểm chứng sự hiện hữu của những năng lực nội tại hoạt động theo đúng một cái mẫu có sẵn. Chính ông đã đánh đổ một số tư tưởng triết học như của Leibnitz và Spallanzani, cho rằng trong cái mầm sống đã giả định có chứa cái hình thể hoàn chỉnh của sinh vật tương lai ở dạng nhỏ bé. Họ giả định rằng trong tế bào trứng, có nghĩa là từ lúc khởi đầu, đã hình thành cái sinh thể sẽ phát triển nếu được đưa vào một môi trường thích hợp, mặc dù sinh thể này chưa hoàn thiện và ở kích cỡ cực nhỏ. Ý tưởng này xuất phát từ sự quan sát hạt giống cây trồng có chứa, bên trong giữa hai lá mầm, một cái cây bé xíu mà ta thấy rõ cả lá và rễ, và nếu gieo xuống đất, hạt giống này sẽ phát triển thành một cây mới. Người ta ngờ rằng một quá trình tương tự cũng xảy ra ở động vật và con người. Tuy nhiên sau phát minh ra kính hiển vi, khi Wolff có thể quan sát cách một sinh thể thật sự hình thành ra sao (ông bắt đầu bằng quan sát phôi của chim), ông đã phát hiện ra rằng giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ một đơn bào mầm, và kính hiển vi với khả năng hiển thị những cái không thể nhìn thấy bằng mắt thường, đã cho thấy là không hề có sẵn một hình thái tiền định nào. Tế bào mầm, kết quả từ sự phối hợp của hai tế bào đực và cái, chỉ đơn thuần bao gồm chất nguyên sinh và màng bên ngoài với hạt nhân, như bất cứ tế bào nào khác; thật vậy, nó chỉ là một đơn bào, ở dạng sơ khai nhất, không có sự phân hóa rõ rệt nào. Mỗi sinh vật sống, dù là thực vật hay động vật, đều xuất phát từ một đơn bào gốc chưa phân hóa. Cái cây bé tí nằm trong hạt giống là cái phôi đã phát triển từ một nguyên bào mầm, đã hoàn tất các giai đoạn phát triển trước đó trong quả chứa hạt giống đã chín muồi rồi rơi xuống đất.

Tuy nhiên tế bào mầm có một tính chất đặc biệt hơn cả là nó trải qua quá trình phân chia nhanh chóng và phân chia theo một hình mẫu đã được định trước. Nhưng người ta lại không thấy chút dấu vết nhỏ nhất của hình mẫu này trong tế bào sơ khởi. Nếu theo dõi sự phát triển ngay từ đầu của phôi động vật, ta sẽ thấy tế bào đầu tiên phân thành hai, sau đó đến lượt các tế bào này phân thành bốn, và sẽ tiếp tục cho đến khi chúng có dạng một khối cầu rỗng gọi là “morula”, khối cầu này, sau đó, gập vào bên trong thành hai lớp, chừa ra một lỗ hổng do đó tạo thành một cái hốc rỗng có vách đôi, gọi là “gastrula”. Thế là, bằng quá trình phân chia tế bào liên tục và lũy tiến, gấp vào trong và chuyên hóa, nó trở thành một tổng thể phức tạp gồm các cơ quan và mô. Do đó, cái tế bào mầm đơn giản, trong suốt, và không có bất kì phác thảo cụ thể nào, nó hoạt động và xây dựng, hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh vô hình mang trong bản thân, như người đầy tớ trung thành khắc ghi trong lòng sứ mệnh được giao phó và hoàn tất dù tự thân không mang bất cứ tư liệu nào có thể tiết lộ mệnh lệnh bí mật đó. Bản thiết kế chỉ có thể nhận thấy qua hoạt động không mệt mỏi của những tế bào và chúng ta chỉ có thể thấy công việc đã hoàn tất. Bên trên tác phẩm đã hoàn tất, không có cái gì cả.

Trong phôi của động vật có vú, tức cũng như của con người, cơ quan đầu tiên xuất hiện là trái tim, hay đúng hơn, cái sẽ trở thành trái tim, một cái túi bắt đầu đập ngay với nhịp đều đặn, nhanh gấp hai lần nhịp đập của mẹ. Và nó sẽ tiếp tục đập không mệt mỏi vì nó là động cơ thiết yếu bơm chất dinh dưỡng cần thiết đến tất cả các mô sống giúp chúng hình thành và cần đến trong cả cuộc đời.

Toàn bộ công cuộc lao động này diễn ra một cách bí mật và kì diệu chính vì nó được thực hiện một cách đơn độc. Đây là phép lạ sáng tạo hầu như bắt đầu từ cái hư vô. Những tế bào sống tí hon khôn ngoan này không bao giờ phạm sai lầm và tìm ra trong tự thân cái năng lực biến hóa lớn lao, một số trở thành tế bào sụn, số khác thành tế bào thần kinh,, số khác thành tế bào da, và mỗi mô tìm ra được vị tri chính xác của nó. Sự sáng tạo kì diệu này là một trong những bí mật của vũ trụ được nghiêm ngặt giấu kín; thiên nhiên bao phủ nó trong những bức màn che và lớp vỏ không gt xâm nhập nổi, vả chỉ mình nó mới có thể tự tách bỏ, khi cuối cùng, một sinh vật mới, hoàn chỉnh và đầy đủ, được sinh ra trong thế giới.

Nhưng tạo vật được sinh ra không chỉ đơn thuần là cơ thể vật chất. Đen lượt nó, giống như tế bào mầm, nó sở hữu những chức năng tinh thần tiềm ẩn đã định sẵn. Cơ thể mới không chỉ đơn thuần hoạt vận động qua các cơ quan của nó. Nó có những chức năng khác – những thôi thúc không thể đặt trong một tế bào mà trong một cơ thể sống, trong một sinh vật đã được sinh ra. Giống như mỗi tế bào mầm chứa trong mình hình mẫu của cả cái cơ thể sẽ hình thành đầy đủ, dù không có một dấu hiệu nào nhìn thấy được bằng mắt, tương tự, mỗi cơ thể sơ sinh, dù thuộc bất cứ giống loài nào, đều có trong chính mình một hình mẫu về các bản năng tâm thần, về các chức năng sẽ đặt nó vào trong mối quan hệ với môi trường của nó, để nó hoàn tất một sứ mệnh có tính hoàn vũ. Và điều này đúng với bất kì sinh vật sống nào, ngay cả ở một con côn trùng. Những bản năng kì diệu của loài ong, khiến chúng có một cơ cấu xã hội rất mực phức tạp, chỉ bắt đầu hoạt động ở con ong chứ không hoạt động ở trứng hay ấu trùng. Con chim có bản năng bay được, nhưng chỉ sau khi nở ra. Và v.v. Giai đoạn thứ hai này liên quan đến đời sống tinh thần trong mối quan hệ với môi trường bên ngoài, vốn đã có trong giai đoạn đầu, trong sự sống của phôi thai mà thiên nhiên đã cách li và giấu kín. Thật vậy, khi một sinh vật mới được thành hình, nó giống như một cái trứng của tâm linh, mang trong lòng một sự hướng dẫn huyền bí mà kết quả là những hành vi, những đặc tính, những lao động, nói ngắn gọn là những chức năng tác động lên môi trường bên ngoài của nó.

Môi trường bên ngoài này phải cung cấp không chỉ những phương tiện cho sự tồn tại về mặt sinh lí mà còn cung cấp những kích thích cho sứ mệnh huyền bí được khắc sâu trong mỗi sinh vật đã sinh ra, tất cả chúng được triệu tập bởi môi trường của chúng không những cho sự sống mà còn để thực thi một nhiệm vụ cần thiết hầu bảo tồn thế giới và sự hài hòa của thế giới đó. Điều đó xảy ra với mỗi sinh thể, tùy theo giống loài của nó. Chính xác là mỗi cơ thể có hình dạng thích nghi với cái siêu chức năng về tinh thần này, và phải xảy ra vì lợi ích của vũ trụ. Những chức năng cao cả như thế vốn đã cố hữu trong các sinh vật ngay từ khi vừa sinh ra, chẳng hạn như ở loài động vật. Chúng ta biết một động vật có vú sẽ tỏ ra hiền hòa vì nó là cừu, loài khác sẽ tỏ ra hung tợn vì nó là sư tử, một loài côn trùng sẽ lao động theo một nhịp kỉ luật không thay đổi vì nó là kiến, và loài khác nữa thì sẽ không làm gì ngoài việc kêu trong cô độc vì nó là dế mèn.

Và như thế, một đứa trẻ sơ sinh không chỉ là một cơ thể sẵn sàng hoạt động đơn thuần như là một cơ thể, mà đó còn là cái phôi thai tâm linh với những khả năng tâm thần tiềm tàng. Sẽ vô lí khi nghĩ rằng chỉ có con người, có tính đặc thù và khác biệt tất cả các sinh vật khác bởi sự cao quý của đời sống tinh thần của nó, là loài duy nhất không có một khuôn mẫu phát triển về tinh thần.

Tinh thần có thể tiềm ẩn sâu kín đến nỗi sẽ không bộc lộ ra giống như bản năng ở con vật, có thể ngay lập tức lộ ra trong các hành động của chúng. Sự vắng mặt của các bản năng chỉ đạo cố định và tất định ở con vật, là chỉ dấu của một nguồn tự do hành động, đòi hỏi một sự triển khai đặc biệt, gần như thể nó phải được sáng tạo ra và phát triển bởi mỗi cá thể và do đó không thể tiên đoán. Vì thế mà có một sự bí ẩn không thể xâm nhập trong tâm hồn đứa trẻ trừ phi chính nó tự biểu lộ dần dần trong tiến trình hình thành bản thể của nó. Cũng giống như sự phân đoạn ở tế bào mầm, ở đó ta chẳng thấy gì ngoài một hình mẫu tiền định vô hình, không có cách nào nhận ra được và sẽ chỉ tự biểu lộ qua sự sáng tạo dần dần ra các chi tiết của sinh vật. Và chính vì thế chỉ có đứa trẻ mới có thể phơi mở cái khuôn thức tự nhiên của con người. Nhưng chính vì sự tinh tế của mọi sáng tạo từ cái hư không, nên đời sống tinh thần của đứa trẻ mới cần đến sự bảo vệ và cần đến một môi trường tương tự những lớp vò hay tấm màng mà tự nhiên đã bao phủ lên phôi thai vật chất.

Đứa trẻ sơ sinh

Một giọng nói run rẩy vang lên trên mặt đất, chưa từng nghe thấy. Đến từ một cổ họng chưa từng được kích thích.

“Họ kể tôi nghe về một con người đã sống trong tối tăm sâu thẳm nhất, mắt nó chưa hề thấy chút ánh sáng yếu ớt nhất, như thể nó ở tận đáy vực sâu.

“Họ kể tôi nghe về một con người đã sống trong cõi im lặng, tai chưa hề nghe một tiếng động nhẹ nhất…

“Tôi nghe kể về một con người đã thực sự sống, luôn luôn ở dưới nước, nước ấm lạ lùng, và bỗng bị nhúng vào một dòng nước lạnh giá như băng.

“Và nó mở ra buồng phổi chưa hề thở. Không khí lập tức mở toang buồng phổi của nó, lúc đầu vẫn còn được gấp lại, và con người ấy cất tiếng khóc…

“Một giọng nói run rẩy vang lên trên mặt đất, chưa từng nghe thấy, đến từ một cổ họng chưa từng được kích thích.

“Nó là con người đã sống trong trạng thái nghỉ ngơi.

“Ai có thể tưởng tượng được sự nghỉ ngơi hoàn toàn như thế?

“Sự nghỉ ngơi của kẻ chưa từng phải lo ăn vì có kẻ khác đã ăn cho nó. Tất cả mô của nó đều thư dãn, vì các mô khác đã tạo ra hơi ấm cần thiết cho sự sống của nó. Ngay cả những mô ở nơi sâu nhất của nó cũng không phải làm việc để bảo vệ nó khỏi chất độc và vi trùng, và dưỡng khí được cung cấp cho nó mà không qua hơi thở của nó – một đặc ân duy nhất trong các sinh vật sống.

“Lao động duy nhất của nó là lao động của trái tim, nhịp tim đập từ trước khi nó từng hiện hữu, đập nhanh gấp đôi nhịp tim của bất kì trái tim nào khác. Đó là trái tim của con người.

“Và bây giờ… Nó bước ra. Nó lãnh nhận tất cả công việc. Nó bị thương tổn vì ánh sáng và tiếng động xuyên thấu qua phẩm chất của bản thể nó, và nó vừa tiến tới, vừa kêu to lên:

“Chúa ơi, sao Ngài bỏ rơi con?

“Và như thế đó, lần đầu tiên, mỗi con người là ánh phản chiếu của Đấng Ki-Tô đã chết và Đấng Ki- Tô đã thăng thiên.”

Lúc mới sinh ra đứa trẻ không bước vào một môi trường tự nhiên mà là vào một môi trường vãn minh dành cho đời sống của con người. Nó là môi trường “thiên nhiên-trên-thiên nhiên” được con người xây dựng bên trên thiên nhiên và bằng cái giá phải trả của thiên nhiên, thông qua động lực cung cấp sẵn mọi thứ sẽ hỗ trợ cuộc sống đến từng chi tiết của con người và khiến con người thích ứng dễ dàng hơn. Nhưng ông Trời nào đã chuẩn bị sẵn được một nền văn minh để hỗ trợ trẻ sơ sinh, kẻ phải hoàn tất nỗ lực thích ứng vĩ đại nhất khi, vào lúc ra đời, bé phải chuyển từ đời sống này sang một đời sống khác?

Giai đoạn chuyển tiếp kinh khủng khi ra đời đòi hỏi một sự chăm sóc khoa học cho đứa trẻ sơ sinh vì không cổ giai đoạn nào trong đời người, nó sẽ phải trải qua một tình huống đấu tranh và xung đột dữ dội và do đó đau đớn như vậy.

Ấy thế nhưng chẳng có sự chuẩn bị nào để làm cho cuộc chuyển tiếp khủng khiếp này được dễ chịu hơn. Trong lịch sử vãn minh loài người, một trang sách cần phải được dành ra, trước tất cả các trang khác, để kể ra những gì con người văn minh đã làm để giúp trẻ sơ sinh. Ấy thế mà ở đây trang giấy vẫn còn trống không.

Nhiều người sẽ nói rằng, đâu có chuyện ấy, thế giới văn minh vô cùng quan tâm đến trẻ sơ sinh.

Nó quan tâm thế nào đây?

Khi đứa trẻ ra đời, mọi người chỉ quan tâm đến người mẹ. Bà mẹ chịu quá nhiều đau đớn.

Nhưng trẻ không bị đau đớn sao?

Người mẹ cần sự chăm sóc đặc biệt.

Nhưng đứa bé không cần được chăm sóc đặc biệt như vậy sao?

Phòng người mẹ tối và yên lặng vì bà quá kiệt sức.

Nhưng chính đứa bé là người vừa đến từ nơi không chút ánh sáng và không chút tiếng động đến tai. Vậy thì phải chuẩn bị yên lặng và bóng tối cho bé.

Bé đến từ trạng thái hoàn toàn nghỉ ngơi mà bây giờ bỗng nhiên phải vận dụng tất cả chức năng của nó. Vì thế, chắc chắn là bé cũng rất mệt mỏi và kiệt sức.

Kiệt sức không chỉ do tương phản giữa hai môi trường trái nghịch, bé vừa tự mình vật lộn qua cuộc lao động sinh nở kiệt lực. Cơ thể của bé bị dồn ép lại, như trong một nhà máy xay siết nó đến mức xương cốt trật đi. Bé đến với cuộc đời kiệt sức do sự tương phản to lớn giữa trạng thái hoàn toàn nghỉ ngơi và cố gắng không tưởng tượng nổi để được sinh ra.

Bé đến với đời như một kẻ lữ hành từ một nơi xa xăm, người tả tơi với thương tích. Và chúng ta đã làm gì để tiếp đón và cứu giúp bé trước nhu cầu lớn lao như vậy?

Bác sĩ chỉ liếc qua đứa bé để xem nó sống hay không. Chắc hẳn ông nghĩ rằng: “Nó sống, thôi để bé qua một bên, bây giờ ta không thể bận tâm đến nó.”

Ngược lại, cha mẹ nhìn bé trìu mến và vui mừng, và họ tiếp đón bé với sự vị kỉ của kẻ vui mừng nhận được một món quà từ thiên nhiên: “Nó đẹp đấy chứ? Con trai chúng ta đấy à?”

Mọi người chờ đợi bé đều vội vã thưởng thức nó, chiêm ngưỡng nó, chạm tay vào nó. Người cha thì muốn nhìn màu mắt của bé, và sẽ cố vạch mí mắt của sinh vật mới kia, háo hức nhìn thật kĩ và vui mừng mỉm cười như thể ông thấy con ngươi kia rồi sẽ một ngày nhìn thấy ông và nhận ra ông.

Nhưng không có ai nhìn thấy trong đứa bé một con người đau khổ, hình ảnh đầu tiên của Đức Ki-Tô, tinh khiết và không được thấu hiểu. Người lớn tới gần kẻ đã đến từ hư không như thế nào, kẻ bỗng thấy mình ở giữa thế giới, với đôi mắt non nớt chưa từng thấy ánh sáng, với đôi tai từng chìm lắng trong thinh lặng? Sinh linh với tứ chi chưa từng chạm đến điều gì, nay bị hành hạ.

Cơ thể mong manh phải chịu đựng sự tiếp xúc thô bạo với vật cứng và bị cầm nắm bởi bàn tay vô tâm thô bạo của một người đàn ông đang quên mất đó là một cơ thể mong manh.

Vâng, đứa trẻ sơ sinh đã bị cầm nắm thô bạo, làn da mỏng manh bị cọ xát bởi những bàn tay nặng nề, và quần áo thô nhám.

Thật ra, những người trong gia đình không dám chạm vào đứa trẻ sơ sinh vì nó quá mỏng manh; bà con anh chị và mẹ nó có vẻ sợ sệt. Nên họ giao phó nó cho những bàn tay chuyên nghiệp để họ được an tâm, lương tâm được thanh thản. Thế là chẳng còn ai cảm thấy cần phải canh giữ và che chở cho cái cơ thể bé bỏng chưa từng bị sờ chạm đến. Thiên hạ sẽ hỏi: “Vậy chúng ta sẽ phải làm gì? Phải có ai đó chạm tay đến đứa bé.”

Đúng, nhưng những bàn tay chuyên nghiệp này bây giờ sờ đến đứa bé chưa từng học cách chạm đến một sinh linh mỏng manh như vậy. Đó là những bàn tay thô nhám có khả năng duy nhất là giữ bé chắc chắn, không để nó rơi. Người ta chỉ nghĩ rằng, đứa bé, sinh ra, còn sống, là đủ rồi; điều duy nhất họ muốn là đứa bé không bị mất cái nỗ lực tồn tại kia. Nhưng họ chưa hề tìm hiểu cách tiếp cận với sinh linh mong manh này.

Bác sĩ mạnh tay bế nó lên và khi đứa bé vừa cất tiếng khóc tuyệt vọng, mọi người đều cười mãn nguyện, đó là tiếng nói của bé. Khóc là ngôn ngữ của nó, và những điều như thế là cần thiết để lau sạch mắt và làm căng buồng phổi của nó.

Trẻ sơ sinh lập tức được mặc quần áo.

Bé bị quấn chặt trong vải tã thô cứng như thể bị bó bột, và tay chân của bé trước đây vốn xếp vào nhau, nay bị căng ra và giữ cố định một cách tàn bạo. Nhưng quần áo chưa cần thiết cho trẻ sơ sinh, ngay từ khi mới sinh ra hay trong suốt tháng đầu tiên của đời nó.

Nếu chúng ta muốn theo dõi câu chuyện về quần áo của trẻ sơ sinh, ta sẽ thấy có sự biến đổi dần từ sự thay thế tã vải thô cứng bằng những quần áo nhẹ và vải mềm; cùng với sự giảm dần về số lượng trang phục của bé. Thật vậy, ngày nay, quần áo của trẻ sơ sinh ở ngưỡng gần như là khỏa thân. Thêm một bước nữa thì bé sẽ được để trần truồng.

Thật ra, tốt hơn nên để trẻ sơ sinh trần truồng để bé được sưởi ấm bởi không khí xung quanh hơn là bởi quần áo. Tự nó không có đủ hơi ấm để đối phó với nhiệt độ bên ngoài, bởi vừa trước đấy nó vẫn còn sống ấm áp trong cơ thể của bà mẹ. Quần áo chỉ có thể giữ ấm cơ thể, ngăn hơi ấm cơ thể thoát ra ngoài. Nếu gian phòng đã ấm áp rồi, thì quần áo thành vật cản giữa sức ấm của không khí và cơ thể. Ta có thể quan sát các động vật, những con vật còn non tuy được bao phủ bằng lông măng hay lông tơ, song mẹ chúng vẫn ấp ủ, sưởi ấm chúng bằng cơ thể của mình.

Chúng tôi không muốn bàn cãi quá lâu về vấn đề này. Chắc chắn là nếu hòi ý kiến của những bậc cha mẹ người Mỹ, họ sẽ kể về những chăm sóc dành cho trẻ sơ sinh ở nước họ, và người Đức và người Anh cũng sẽ ngạc nhiên hỏi tôi có biết gì hay không về tiến bộ đạt được trong chuyên môn này của khoa y và khoa điều dưỡng tại các nước họ. Đáng lẽ tôi phải trả lời rằng tôi biết tất cả điều này và bản thân tôi đã nghiên cứu tất cả những cải thiện mới nhất trong lĩnh vực chăm sóc trẻ tại một số các quốc gia đó. Song đồng thời tôi cũng phải tuyên bố rằng ở đâu cũng đều thiếu sự cao thượng của lương tâm cao quý được đòi hỏi cho sự tiếp đón xứng đáng đối với con người mới được sinh ra.

Đúng là rất nhiều điều đã được thực hiện, nhưng tiến bộ là gì nếu nó không là một ý thức về cái chúng ta từng biết và thêm vào cái gì có vẻ như là đã hoàn chỉnh và thậm chí cả cái có vẻ như không thể vượt được?

Không có nơi nào trên thế giới mà trẻ sơ sinh được hiểu rõ như ta cần phải hiểu.

Tôi muốn đề cập đến một điểm khác, đó là chuyện tuy chúng ta có thể yêu đứa trẻ sơ sinh một cách sâu sắc đấy, song chúng ta vẫn có cái bản năng phòng chống lại đứa bé, ngay từ thời điểm đầu tiên lúc nó vào đời. Đó không những là một bản năng tự vệ mà còn là một bản năng keo kiệt khiến chúng ta vội vàng bảo vệ mọi thứ sở hữu của mình khỏi tay đứa bé, ngay cả khi chúng không có giá trị. Ví dụ, để gìn giữ tấm nệm nhỏ tồi tệ khỏi bị bẩn, chúng ta trải một tấm che không thấm nước giữa nệm và cơ thể của bé và để cơ thể của nó phải gánh chịu các hậu quả.

Kể từ lúc bé vào đời ấy, tâm trí người lớn sẽ giữ nguyên nhịp điệu tiết tấu: coi chừng để em bé không làm bẩn đến tôi, không gây phiền toái cho tôi. Hãy đề phòng nó!

*****

Tôi tin rằng khi chúng ta dần dần hiểu về trẻ em đầy đủ hơn, chúng ta sẽ tìm ra những phương pháp hoàn thiện hơn để chăm sóc trẻ. Chỉ mới gần đây, ở Vienna (Áo – ND) người ta đã bắt đầu có những phương pháp để giảm thiểu những đau đớn của trẻ sơ sinh. Tấm nệm trải đón bé rơi vào khi ra đời được làm ấm và nệm được chế tạo bằng các vật liệu có tính thấm, có thể vứt đi khi bị bẩn. Những biện pháp này là khúc dạo đầu, một dấu hiệu đầu tiên của một sự kiện có tầm quan trọng lớn lao, rằng người lớn đã bắt đầu có ý thức về đứa bé.

Nhưng chăm sóc trẻ sơ sinh không chỉ nên giới hạn trong việc ngăn ngừa cái chết, trong việc tránh để bé bị nhiễm trùng, như người ta làm ngày nay trong các bệnh viện hiện đại, nơi các nữ điều dưỡng đến gần trẻ với khăn che mặt để vi trùng trong hơi thở của họ không truyền sang đứa bé. Có những vấn đề về “sự chăm sóc tinh thần của trẻ” từ ngay lúc mới sinh ra và những biện pháp để đứa bé thích nghi dễ dàng với thế giới, về mặt này, các thí nghiệm vẫn còn đang thực hiện ở bệnh viện và cần được tuyến truyền rộng rãi đến các gia đình nhằm thay đổi thái độ đối với trẻ sơ sinh.

Trong những gia đình giàu có, người ta vẫn còn nghĩ đến việc dùng những chiếc nôi lộng lẫy và quần áo nhiều rua ren đẹp đẽ cho con cái. Những thứ xa xỉ như thế cho thấy một sự hoàn toàn thiếu tôn trọng đối với bản thể nội tại của đứa bé. Của cải có thể dùng để cung cấp tiện nghỉ, chứ không phải để đem lại sự xa hoa cho những đứa bé được đặc quyền như thế.

Đối với trẻ sinh ra, tiện nghi là có một căn phòng che chắn khỏi tiếng ồn ào của thành phố, với đủ yên lặng, và một ánh sáng ôn hòa, có thể điều chỉnh, bằng các cửa sổ có kính màu như trong nhà thờ. Một nhiệt độ ấm, không thay đổi, như ở các nhà hát trong vài năm gần đây, khiến cho trẻ có thể ở trần. Một vấn đề khác là việc di chuyển và bế đứa bé trần truồng, làm thế nào để trẻ bị tay ta chạm vào càng ít càng tốt. Đứa bé phải được nâng dậy bằng một phương tiện nhẹ và mềm mại, như một cái võng nhồi bông mềm, nâng đỡ sao cho cả cơ thể co lại trong tư thế tương tự khi còn trong bụng mẹ.

Việc nâng bế như vậy cần được thực hiện với sự tinh tế và hết sức chú tâm bởi những bàn tay sạch, khéo léo nhờ đã thực tập kĩ lưỡng. Thay đổi tư thế của bé từ thẳng đứng sang nằm ngang cần đến kĩ năng đặc biệt. Từ lâu các điều dưỡng viên đã ý thức được rằng cần có một kĩ thuật đặc biệt để nâng một người bệnh lên và đưa họ đi trong thế nằm ngang một cách chậm rãi. Di chuyển một bệnh nhân là một trong những bài học sơ đẳng của ngành điều dưỡng. Không ai kéo mạnh một bệnh nhân đứng thẳng lên, bệnh nhân được dời đi bằng một vật nâng đỡ mềm mại, khéo léo đặt bên dưới cơ thể họ, và bằng phương pháp này, người ta có thể di chuyển bệnh nhân đi mà không cần thay đổi vị trí nằm ngang của họ.

Trẻ sơ sinh cũng giống như một bệnh nhân. Như mẹ của nó, bé đã trải qua cơn thập tử nhất sinh. Niềm vui và sự mãn nguyện khi thấy bé sống sốt cũng làm nhẹ gánh lo âu đối với nguy hiểm bé vừa trải qua. Đôi lúc bé gần như nghẹt thở và được hồi sinh bằng cách áp dụng nhanh hô hấp nhân tạo. Đầu bé thường bị móp méo bởi một khối máu tụ, do hiện tượng xuất huyết dưới da. Vậy phải xem bé là thực sự bị bệnh nặng. Nhưng đồng thời, không nên nhầm là trẻ sơ sinh cũng giống bệnh nhân người lớn. Nhu cầu của trẻ không giống như của người bệnh, nhưng là nhu cầu của kẻ đã có một cố gắng tái thích nghi quá sức tưởng tượng, kèm theo những ấn tượng tâm thần đầu tiên của kẻ đã đến từ hư không nhưng các giác quan đều hoạt động. Tôi đã thấy một trẻ sơ sinh được cứu sống khỏi tình trạng nguy hiểm vì bị ngạt do bị nhúng xuống cái bồn nước gần sát mặt đất: khi đang bị rơi nhanh xuống nước, đứa bé mở to đôi mắt, lao mình tới trong co giật, duỗi thẳng tay chân, như thể nó cảm thấy mình đang bị rơi. Đó là kinh nghiệm đầu tiên của bé về sợ hãi.

Tình cảm của chúng ta đối với trẻ sơ sinh không nên chỉ là sự đồng cảm đối với người bệnh hay kẻ yếu, mà nên là lòng tôn kính trước bí ẩn của sự hình thành tạo vật, sự bí ẩn về cái vô biên bị giam hãm trong một hình thể hữu hạn. Cách chúng ta chạm tay bế ẵm và di chuyển trẻ sơ sinh, và cảm xúc về sự tinh tế cần có trong cách đối xử ấy khiến chúng ta nghĩ đến vị linh mục công giáo khi cầm Bánh Thánh trên bàn thờ. Với đôi tay sạch sẽ, các động tác được luyện tập kĩ càng, vẻ khéo léo tinh tế và tập trung, ông di chuyển Bánh Thánh, lúc dọc, lúc ngang, đôi lúc đặt xuống như thể nó bị kiệt sức, như thể những động tác này đã quá mạnh bạo và cần tạm nghỉ. Và trong khi tay ông nâng Bánh Thánh lên, chân ông quỳ phục trong sự phụng thờ. Sự im lặng, ánh sáng chiếu nhẹ nhàng qua lớp kính màu; một cảm giác hi vọng, thăng hoa bao trùm khắp một môi trường như thế thật xứng đáng cho việc đón đứa bé mới ra đời.

Người ta nói đứa bé không có ý thức, và đã không có ý thức thì không có đau đớn hay vui thú, do đó có tinh tế tao nhã thì cũng chỉ phí phạm. Nhưng sao người ta lại chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân người lớn trong nguy cơ mất mạng và hôn mê bất tỉnh? Đó là nhu cầu được chăm sóc, chứ không phải là ý thức về nhu cầu đó, đối với bất cứ giai đoạn nào của đời người thì cũng đòi hỏi sự chú ý của khoa học và tình cảm.

Không thể có sự biện minh nào.

Chúng ta không có tình cảm thật đối với trẻ sơ sinh, vì đối với chúng ta nó không phải là người. Khi nó bước vào thế giới của chúng ta, chúng ta không biết làm cách nào để đón nhận nó, mặc dù thế giới chúng ta tạo ra là để cho nó, sao cho nó có thể tiếp nối và-tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới của chúng ta.

“Người đến với thế gian, và thế gian được làm ra cho Người nhưng thế gian không nhìn biết Người. Người đến với đồng loại nhưng họ không tiếp đón Người,”

Lời dạy của thiên nhiên

Các động vật cấp cào hơn, loài có vú, với sự khôn ngoan bất biến của bản năng, đã không xem thường giai đoạn thích nghi mong manh và khó khăn mà con non của chúng phải đối mặt. Con vật nhũn nhặn như mèo là một ví dụ; nó giấu lũ mèo con vừa mới đẻ ở nơi tối, khuất để chăm sóc chúng, và nó rất cảnh giác không để ai nhìn đến đám mèo con. Rồi sau một khoảng thời gian ngắn, những chú mèo con ra ngoài và công khai theo sau mèo mẹ.

Loài động vật có vú sống hoang dã cũng có những đặc điểm chứng minh rõ ràng hơn về sự chăm sóc con non. Hầu hết chúng sống theo bầy đàn; nhưng khi sắp đẻ, con cái rời đàn và tìm một nơi kín đáo đẻ con, giữ con trong yên tĩnh và tách biệt khoảng hai hay ba tuần cho đến một tháng hay lâu hơn nữa, tùy theo chủng loài. Con mẹ lập tức trở thành “vú nuôi” trợ giúp sinh vật mới. Con non không thể sống giữa bầy, phơi ra ánh sáng và tiếng ồn, do đó nó giữ con ở nơi yên tĩnh kín đáo. Mặc dù con non nói chung có thể đứng trên đôi chân và bước đi, con mẹ vẫn giữ chúng tách đàn cho đến khi chúng làm chủ được các chức năng thiết yếu cho sự sống của mình và có thể tự thích ứng với môi trường xung quanh. Chỉ khi đó nó mới dẫn con về với bầy, với quần thể đồng loại.

Câu chuyện về cách chăm sóc con non thật độc đáo, về cơ bản đều giống nhau, ngay cả ở các loài thật khác nhau như ngựa, bò rừng, heo rừng, sói hay hổ.

Bò rừng cái một mình giữ bê con cách xa đàn nhiều tuần, nó âu yếm chăm sóc con. Khi bê con lạnh, nó ủ con giữa đôi chân trước; khi bê con bẩn, nó liếm cho sạch; và khi bê con bú, nó đứng trên ba chân để con có thể bú dễ dàng hơn. Và sau khi dẫn con trở lại đàn, nó tiếp tục cho bê con bú với vẻ dửng dưng kiên nhẫn thường thấy ở những con cái thuộc động vật bốn chân.

Đôi khi con mẹ không chỉ tìm một nơi hẻo lánh để đẻ con mà còn chuẩn b[ một nơi thích hợp cho lũ con sắp sinh. Chẳng hạn, cáo mẹ tìm một nơi ẩn náu rậm rạp, xa xôi, yên tĩnh, kiểu như cái hang để ở. Nhưng nếu nó không thể tìm thấy nơi ẩn náu thích hợp, nó sẽ đào một cái lỗ hoặc chuẩn bị một lớp nệm trong thân cây rỗng hay đào một chỗ trũng giữa bụi rậm, rồi nó làm một cái ổ lót với chất liệu mềm, hầu như luôn luôn bằng lông rứt ra từ ngực, quanh núm vú của nó, như vậy thuận tiện cho đám cáo con bú dễ dàng hơn. Ở đó nó đẻ sáu hay bảy cáo con mắt nhắm và tai khép kín; nó giấu chúng ở đó và ít khi rời xa.

Trong suốt giai đoạn đầu này tất cả con cái đều thận trọng canh giữ con non và tấn công bất cứ ai muốn đến gần con của chúng. Đối với động vật đã thuần dưỡng, đôi lúc ta không thấy rõ những bản năng làm mẹ này hoặc là chúng đã bị mất đi. Chẳng ai lạ gì chuyện lợn nái thường ăn con mình, thế nhưng lợn rừng cái là một trong những “bà mẹ” dịu dàng nhất. Hổ cái và sư tử cái cũng vậy, khi bị nhọt trong chuồng ở sở thú, đôi khi chúng cắn chết con.

Điều này cho ta thấy những năng lượng bảo vệ và che chở của thiên nhiên chỉ hoạt động khi các sinh vật được tự do đi theo mệnh lệnh nội tại của các bản năng chỉ đạo của chúng.

Trong các bản năng này, chúng ta có thể phác họa ra một logic rõ ràng và đơn giản; con non của các động vật có vú phải được chăm sóc đặc biệt trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với mối trường bên ngoài, và do đó ta cần nhận ra cái giai đoạn đầu tiên cực kì nhạy cảm khi sinh vật mới ra đời, là giai đoạn khi mà nó phải nghỉ ngơi sau cố gắng lớn lao để được sinh ra và cùng một lúc phải vận dụng thuần thục tất cả các chức năng của nó. Sau giai đoạn này, cái giai đoạn có thể gọi là thời kì ấu sinh thứ nhất, năm đầu đời, giai đoạn bú, giai đoạn đầu tiên của cuộc sống ở trần gian.

Các con cái không chỉ quan tâm đến nhu cầu cơ thể của con non. Đúng là thiên nhiên, với sữa và hơi ấm cơ thể của con mẹ, đã cung cấp đủ để con non chống chọi với các khó khăn chính về thể chất cần khắc phục trong môi trường mới. Đúng là con mẹ đã đơn độc chờ đợi sự thức giấc huyền bí của các bản năng xuất phát từ bản thể sâu xa của sinh vật mới và sẽ biến nó thành một cá thể khác trong giống loài của nó. Sự thức tỉnh này phải xảy ra ở một địa điểm được che chắn khỏi ánh sáng chói chang và tiếng động ồn ào, và luôn yên tĩnh. Con mẹ chờ đợi sự thức tỉnh bản năng của con non trong khi nuôi dưỡng, liếm láp, thương yêu, huấn luyện con non trước khi đưa nó về với bầy. Lúc ấy, ngựa non sẽ linh hoạt trên đôi chân, học cách nhận biết mẹ nó và đi theo mẹ, nhưng trên hết, nó sẽ phải có thời gian để cho bản tỉnh ngựa lộ ra trong cơ thể mỏng manh và chưa vững vàng của nó.

Nó phải làm cho tính di truyền của loài trở thành hiện thực. Ngựa cái sẽ không cho phép bất cứ ai thấy con của nó cho đến khi nó thật sự trở thành ngựa con; mèo cũng giấu con non cho đến khi chúng mở mắt và tập đứng trên đôi chân của chúng, nói ngắn gọn, cho tối khi nào chúng thật sự là những chú mèo con.

RÕ ràng là thiên nhiên giám sát mạnh mẽ sự thức tỉnh này, sự hoàn tất mĩ mãn của công việc này. Mục đích của sự chăm sóc của con mẹ cao hơn là mục đích sinh lí thuần túy. Qua sự trìu mến và chăm sóc dịu dàng, sinh vật mẹ chờ đợi sự ra đời của các bản năng tiềm tàng. Và đối với con người, chúng ta cũng có thể nói rằng, qua sự chăm sóc tế nhị cho trẻ sơ sinh, chúng ta phải chờ đợi sự ra đời của tâm linh con người.

Hoàn thành sự nhập thể

Vậy là, có một đời sống tinh thần cần được chú trọng trong cách đối xử với trẻ sơ sinh hay không?

Nếu đời sống tinh thần đó đã hiện hữu trong trẻ sơ sinh, thì nó cần được chú trọng hơn nữa trong năm đầu tiên của cuộc đời và những năm tiếp theo. Bước tiến đã thực hiện trong việc chăm sóc đứa trẻ ngày nay là ở chỗ không những sự sống thể chất của đứa trẻ được quan tâm đến mà cả sự sống tinh thần của nó cũng vậy. Ngày nay người ta thường lặp lại rằng giáo dục phải khởi sự từ lúc bé chào đời.

Dĩ nhiên, không nên hiểu từ ngữ ‘giáo dục’ theo nghĩa giảng dạy, mà theo nghĩa trợ giúp sự phát triển tâm lí của trẻ. Bây giờ do sự phân biệt giữa ý thức và vô thức, ta có thể hiểu tại sao trẻ em có một đời sống tinh thần thật sự từ lúc mới sinh. Ý tưởng về một cõi vô thức đầy những động lực và thực tại tinh thần đã trở thành một trong những tranh luận phổ biến ở thời đại chúng ta. Nếu chúng ta hình dung em bé có một đời sống tinh thần với nhu cầu phát triển ý thức của nó bằng cách tự đặt mình vào một quan hệ năng động với thế giới xung quanh, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng ta thật là ấn tượng, chúng ta thấy linh hồn bị giam cầm trong bóng tối cố gắng vươn ra ánh sáng để sinh ra và lớn lên trong một môi trường chưa được chuẩn bị cho một sự kiện lớn lao như thế. Chúng ta thấy mình đứng trước một linh hồn đang dấn thân vào nhiệm vụ khó khăn này, và chúng ta không biết cách nào để có thể hỗ trợ cho nó, thậm chí chúng ta còn có thể gây trở ngại cho nó nữa.

Nhưng dù có tự bó mình trong những khái niệm sơ đẳng và hiển nhiên nhất, chúng ta vẫn có thể suy đoán trong đứa trẻ có sự hoạt động của những bản năng chi phối không riêng các chức năng về thể chất mà cả những chức năng tinh thần, như trường hợp con non của động vật có vú bỗng nhiên, do một sự kiện hướng nội, bộc lộ đặc tính của loài. Con trẻ của loài người, thật ra, chậm phát triển khả năng vận động hơn con non của các động vật. Khi các giác quan của chúng hoạt động lúc chào đời, đứa bé ngay lập tức nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, sự sờ chạm, song bé vẫn còn có ít khả năng vận động. Nó không thể tự đứng dậy, không thể bước đi hay nói năng. Nó nằm bất lực lâu hơn bất cứ tạo vật nào khác, nó bắt đầu bước đi sau một năm, với nhiều cố gắng trong một thời gian đài với nhiều lần thất bại. Bé sẽ chỉ tập đi đúng cách khi đã hai tuổi, việc nói năng cũng tương tự việc vận động. Trong một thời gian dài, đứa bé không nói được, lúc sáu tháng tuổi bé chỉ bập bẹ các vần. Nó là một sinh vật bất lực, la hét được nhưng không nói được, trong khi con non của động vật có tiếng kêu đặc thù. Tiếng kêu của chúng thật ra yếu ớt và rên rỉ, nhưng chó con phát ra tiếng sủa thật, mèo con kêu “meo meo” và cừu con kêu “be be”; nói chung, chúng đều có ngôn ngữ của chúng, chứ không chỉ la hét và khóc như những đứa con của loài người, thứ sinh –Ạt ngu ngơ nhất trong các loài.

Sẽ lầm lẫn to nếu nghĩ rằng sự yếu ớt của cơ bắp ngăn cản em bé đứng lên và ngồi thẳng, hay cho rằng thiếu khả năng cử động nhịp nhàng là tính bầm sinh ở người. Không thể nghi ngờ sức lực của cơ bắp trẻ sơ sinh như ta đã thấy qua sự xô đẩy hay chống cự của tứ chi của bé. Và không gì có thể xem là hoàn hảo hơn sự phối hợp khó khăn của động tác bú và nuốt mà các em bé có được ngay từ đầu. Thiên nhiên đã huấn luyện đứa bé khác hơn so với con non của động vật. Thiên nhiên đặt lĩnh vực vận động ra khỏi sự lệ thuộc vào cái áp đặt độc đoán của bản năng. Bản năng rút lui; cơ bắp mạnh mẽ và tuân phục chờ đợi mệnh lệnh mới; chúng chờ sự chỉ huy của ý chí điều khiển chúng để phục vụ tinh thần của con người. Chúng phải bộc lộ không chỉ các đặc tính chung của giống loài mà còn của một tâm hồn riêng lẻ của cá nhân. Các bản năng của giống loài cũng chắc chắn sẽ xuất hiện và áp đặt một số đặc tính cơ bản: ta biết rằng tất cả những đứa trẻ bình thường đều sẽ đi theo dáng đứng thẳng lưng và sẽ biết nói. Nhưng mỗi đứa trẻ sẽ biểu lộ những biến đổi có tính cá nhân bất ngờ và đó là một điều bí ẩn. Với những con thú nhỏ, ta biết chúng sẽ ra sao khi hoàn toàn trưởng thành; một con nai sẽ có chân nhanh nhẹn; một con voi sẽ có dáng đi chậm chạp và nặng nề; một con hổ sẽ hung tợn với đôi hàm khỏe; và một con thỏ sẽ hiền lành và ăn cây cỏ. Những đặc tính này sẽ không thay đổi hay đảo ngược. Nhưng con người có thể làm bất cứ điều gì. Cái vẻ ù lì bên ngoài chuẩn bị những điều bất ngờ của cá tính. Cái tiếng không ra lời rồi một ngày sẽ thành lời, nhưng chúng ta không biết đó sẽ là ngôn ngữ nào. Trẻ sẽ nói thứ tiếng mà nó tiếp thu được khi lắng nghe những người xung quanh, và với cố gắng lớn lao, bé sẽ tạo nên âm, vần và cuối cùng là từ ngữ. Bé sẽ là người xây đựng cho riêng mình tất cả các chức năng trong quan hệ với môi trường; bé sẽ là kẻ sáng tạo ra bản thể mới của nó.

Do đó sự kích hoạt các cơ quan vận động của bé là sự nhập thể chức năng của cá thể với những đặc điểm của riêng nó.

Cái thông thường vẫn được biết như là thể xác là một hợp phức của những cơ quan vận động mà sinh lí học gọi là các cơ bắp cử động theo ý. Như tên gọi đã hàm ý, chúng có thể vận động theo ý (của chủ thể – ND). Không có gì cho thấy rõ hơn rằng vận động gắn chặt với đời sống tinh thần. Nhưng nếu không có các cơ quan là công cụ của ý chí, thì ý chí không làm được gì cả.

Ngay các bản năng của sinh vật, ở loài nào cũng vậy, từ những loài côn trùng nhỏ bé nhất, cũng không thể tự biểu lộ nếu không có các cơ quan vận động, ở dạng tiến hóa cao như con người, hệ cơ cực kì phức tạp và nhiều đến nỗi các sinh viên môn cơ thể học nói rằng, “để nhớ tất cả các cơ, bạn sẽ phải quên chúng bảy lần”, về mặt chức năng, chúng phối hợp để thực hiện các hành động phức tạp nhất, có cái gây kích thích, có cái gây ức chế, có cái chỉ có thể tiến tới, nhưng cái khác chỉ thụt lùi. Vậy mà, với tất cả các chức năng đối lập nhau, chúng không hoạt động trong mâu thuẫn mà là trong hài hòa. Mỗi kích thích được điều chỉnh bằng một ức chế, do đó luôn đồng hành, cái tiến tới được kết hợp với cái thụt lùi. Chúng thực sự là những hiệp hội, những nhóm đoàn kết trong cùng một động tác, và do đó cử động có thể trở nên vô cùng tỉnh tế, như ta thấy ở một vũ công, trong bàn tay của người chơi vĩ cầm, người có thể truyền tải những động tác tinh tế nhất đến cây cung (vĩ) của đàn. Mỗi động tác là sự kết hợp của các đối nghịch, mỗi cải thiện tinh tế hơn huy động cái gần như là một đội quân của các cơ, hành động cùng lúc với nhóm đối kháng, và trong cả hai trường hợp, sự hoàn hảo được đạt đến trải qua một thời gian chuẩn bị.

Nếu sự chuẩn bị này không được trao hẳn cho thiên nhiên, và đúng ra, nếu một phần, phần cao nhất, bao hàm định hướng và xây dựng, được trao phó cho mệt năng lượng của cá thể, cái năng lượng chồng bên trên thiên nhiên có tính thiên nhiên-trên- thiên nhiên này, thì đây chính là sự kiện đầu tiên chúng ta nên xét đến ở con người. Nói rõ hơn, tinh thần sinh động của con người phải nhập thể để có thể hoạt động, tự biểu lộ ra trong thế giới. Đây là chương sách đầu tiên trong cuộc đời của đứa trẻ, đó là nhiệm vụ đầu tiên của con người trong cuộc sống.

Nếu có một sự nhập thể cá nhân chỉ đạo sự phát triển tinh thần của đứa trẻ, thì đứa trẻ phải sở hữu một đời sống tinh thần trước khi có đời sống vận động, đời sống tinh thần này hiện hữu trước và cách biệt với bất cứ biểu hiện bên ngoài nào. Ngập ngừng và mong manh, nó hiện ra ở ngưỡng cửa của ý thức, sắp đặt các giác quan vào mối tương quan với môi trường của chúng, và lập tức tác động qua các cơ bắp trong nỗ lực tìm cách biểu lộ. Có một tác động hỗ tương giữa cá thể, hay đúng hơn giữa phôi thai tinh thần, và môi trường của nó, và qua sự hỗ tương này, cá nhân tự hình thành, tự hoàn chỉnh chính nó. Hoạt động hình thành sơ khai này có thể so sánh với chức năng của cái túi đập theo nhịp tượng trưng cho quả tim trong phôi thai của thể chất, và đẩy chất dinh dưỡng đến tất cả các phần của cơ thể phôi thai, trong khi chính nó cũng tiếp nhận chất lọc từ mạch máu của người mẹ, môi trường sống của nó. Vậy tính cá thể về mặt tinh thần phát triển và tự tổ chức quanh hành động của cái nguyên tắc động lực này trong tương quan với môi trường bên ngoài. Đứa trẻ gắng sức hấp thu môi trường của nó và từ những nỗ lực như vậy, xuất phát sự thống nhất sâu xa của nhân cách đứa trẻ. Công cuộc lao động kéo dài và từ từ này là một quá trình liên tục, nhờ đó tinh thần chiếm lấy cái phương tiện của nó. Nó phải liên tiếp duy trì chủ quyền bằng chính sức lực của nó, nếu không, cử động sẽ nhường chỗ cho bất động hay trở thành cử động đồng loạt và máy móc. Nó phải liên tục chỉ huy, để sự vận động, khi được tách khỏ! sự chỉ đạo của một bản năng cố định, sẽ không bị chìm trong hỗn độn. Từ đó mà có thể thấy rằng sáng tạo là luôn luôn ở trong quá trình hiện thực, là một năng lượng có tính xây dựng luôn mới mẻ, là sự lao động không ngừng nghỉ của tình thần đang nhập thể. Và thế là nhân cách của con người tự tạo ra chính nó, giống như phôi thai, và đứa trẻ trở thành kẻ sáng tạo ra con người, đứa trẻ là cha của con người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.