Bí Ẩn Tuổi Thơ

Chương 4 NHỮNG LỆCH LẠC TÂM THẦN



Nguyên nhân duy nhất

Khi quan sát các đặc tính đã bị biến mất cùng với quá trình bình thường hóa, chúng tôi ngạc nhiên nhận thấy chúng bao gồm hầu hết các tính chất thường được xem là đặc thù ở tuổi thơ. Không chỉ chuyện lôi thôi lếch thếch, chuyện không vâng lời, tật lầm biếng, tính tham lam, tính ích kỉ, hay cãi cọ và hư đốn, mà còn cả cái gọi là “óc tưởng tượng sáng tạo”, thích thú các chuyện đâu đâu, quyến luyến cá nhân, tuân phục, ham chơi, và nhiều thứ khác nữa. Ngay cả các đặc điểm đã được khảo sát một cách khoa học và gắn liền với tuổi ấu thơ như tính bắt chước, óc tò mò, sự không kiên định, sự bất ổn của khả năng tập trung chú ý cũng biến mất. Và điều này có nghĩa là cho tới nay ta chưa đi vào được bản chất của đứa trẻ, mà mới chỉ thấy cái bề ngoài che mất cái bản chất nguyên thủy và bình thường, sự kiện kinh ngạc này có tính phổ quát, nhưng đó không phải là điều gì mới. Từ thời cổ đại xa xưa nhất, người ta đã công nhận rằng có hai bản chất trong một con người – con người như đã được tạo ra, và con người sa ngã – sự sa ngã được gán cho một sai lầm nguyên thủy ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại: Tội tổ tông. Tội này cũng được nhìn nhận là tầm thường, không tương xứng với mức độ lớn lao của các hậu quả của nó, nhưng nó bao gồm sự từ bỏ tinh thần sáng tạo, từ bỏ những quy luật đặt ra trong sáng tạo. Sau khi mắc tội này, con người như một con thuyền trôi dạt, lèo lái bởi may rủi, không chống lại được các trở ngại của môi trường hay những ảo tưởng của tâm trí nó. Vì thế, nó bị lạc đường. Quan niệm này, một sự tổng hợp của triết lí sống, lại tìm được một tương ứng đặc biệt và khai sáng trong đời sống của đứa trẻ. Ban đầu chỉ là một việc rất tầm thường về sau lại thành ra sai lệch, có cái gì kín đáo và mong manh len vào dưới dạng tình thương và trợ giúp nhưng thực ra chỉ là sự mù quáng của tâm hồn người lớn, sự ích kỉ được che đậy và vô thức, thật sự là một năng lực quỷ quái chống lại đứa trẻ. Nhưng trẻ em lại liên tục tái sinh, tươi tắn và mang trong mình cái khuôn mẫu nguyên vẹn sẽ quyết định sự phát triển của con người.

Nếu sự bình thường hóa xảy ra qua một sự kiện mang tính quyết định và đơn nhất, tức là sự tập trung chú ý vào một sinh hoạt có tính vận động nào đó, nối kết đứa trẻ với thực tại bên ngoài, thì khi đó chúng ta phải giả định rằng một sự kiện đơn nhất là cội nguồn của mọi lệch lạc, tức là đứa trẻ đã bị ngăn cản, không hoàn thành được kế hoạch ban đầu của sự phát triển của nó, do một tác động nào đó ảnh hưởng đến môi trường của nó trong giai đoạn hình thành cá tính, khi các tiềm năng của nó phải tiến hóa trong quá trình nhập thể.

Do đó, nếu chúng ta có thể quy một số hậu quả về một nguyên nhân đơn nhất, rõ ràng và đơn giản, điều đó chứng tỏ rằng cái sự kiện làm phát sinh các hậu quả đó phải thuộc về một giai đoạn sơ khai của sự sống, khi con người vẫn còn là một phôi thai tâm linh, và cái nguyên nhân đơn nhất, khó nhận ra, có thể dẫn đến sự méo mó của toàn bộ con người.

Những huyễn tưởng

Khái niệm nhập thể có thể được dùng để dẫn dắt toàn bộ cách diễn giải về những đặc tính phát sinh từ sự chệch hướng của một năng lượng tinh thần – phải được nhập thể thông qua vận động, nhờ đó thống nhất nhân cách của tác nhân. Nếu không đạt được sự thống nhất này, do người lớn đã tự mình thay thế đứa trẻ hay do thiếu động lực vận động cho trẻ trong môi trường của nó, năng lực tinh thần và vận động của trẻ phải phát triển riêng biệt, và hệ quả là “con người bị phân cắt”. Bởi trong thiên nhiên, không có gì tự sáng tạo hay tự phá hủy, nhất là trong trường hợp của các năng lực, những năng lực này đã trở thành lệch hướng, bởi phải hoạt động bên ngoài phạm vi mà thiên nhiên giao phó cho chúng. Chúng bị lệch hướng trước hết bởi chúng đã mất đối tượng và hoạt động trong chân không, mơ hồ và hỗn độn. Trí tuệ đáng lẽ phải tự hình thành qua các kinh nghiệm về vận động lại chạy trốn vào trong hoang tưởng. Khi tâm trí đang chạy trốn bắt đầu tìm kiếm, nhưng không tìm được gì, chúng muốn bám víu vào các sự vật, và vì không thể bám vào nên chúng lang thang giữa các hình ảnh và biểu tượng, về mặt vận động, những đứa trẻ linh hoạt này không bao giờ ngồi yên, nhưng các cử động của chúng rối loạn và không mục đích, chúng khởi sự một việc gì đó chỉ để bỏ ngang mà không kết thúc, vì năng lượng của chúng bị hướng tới nhiều mục tiêu khác nhau mà không thể ổn định tập trung vào bất cứ điều nào. Người lớn, dù có phạt các hành động vô lề lối và gây rối của những đứa trẻ mạnh mẽ và không ngừng di chuyển này, hay dù họ kiên nhẫn chịu đựng, ngưỡng mộ và khuyến khích các huyễn tưởng của đứa trẻ, họ vẫn cho rằng chúng được tạo ra bởi sự tưởng tượng hay sáng tạo phong phú của trí óc đứa trẻ. Froebel đã chế ra nhiều món quà hay cách giải trí nhằm khuyến khích sự phát triển của óc tưởng tượng của đứa trẻ theo chiều hướng đó. Ông giúp đứa trẻ giả vờ xem các thỏi gỗ và các viên gạch được sắp xếp theo cách khác nhau như là ngựa hay lâu đài hay xe lửa. Đúng ra, xu hướng biểu tượng hóa của đứa trẻ khiến nó có thể dùng bất cứ vật gì, như một nút bật điện làm sáng lên những ảo ảnh huyễn hoặc trong đầu nó. Một thanh gỗ có thể trở thành con ngựa, cái ghế thành ngôi vua, cây bút chì thành chiếc máy bay. Vì lẽ đó người ta cho trẻ đồ chơi, nhưng đồ chơi không cho phép trẻ thực hành bất cứ hoạt động thực sự nào mà chỉ cung cấp cho trẻ các ý tưởng và ảo ảnh. Chúng chỉ đơn thuần là những hình ảnh bất toàn và không hiệu năng của thực tại. Thật ra, đồ chơi dường như cung cấp cho trẻ một môi trường vô ích, không thể dẫn đến bất cứ sự tập trung tinh chần hay mục đích nào, chúng được dành cho những đầu óc đi lạc trong ảo tưởng. Chúng khích động trẻ em hoạt động ngay như một luồng khí thắp lên một ngọn lửa từ than hồng bên dưới lớp tro. Nhưng ngọn lửa sẽ sớm tàn và món đồ chơi sẽ bị vứt đi. Vậy mà các món đồ chơi là những vật duy nhất mà người lớn đã làm ra cho đứa trẻ, một sinh linh có trí thông minh, với mục đích cung cấp cho trẻ vật liệu để nó có thể tự do vận dụng trong sinh hoạt của nó. Thực tế là người lớn bỏ trẻ một mình trong các trò chơi của nó, hay nói đúng hơn một mình với món đồ chơi của trẻ, vì họ tin rằng các vật này tạo thành một thế giới ở đó đứa trẻ sẽ được hạnh phúc. Niềm tin tưởng này vẫn tồn tại, cho dù, đứa trẻ sớm chán đồ chơi và thường đập hỏng chúng, nhưng ở đây, người lớn tự tỏ ra quảng đại và hào phóng, và việc tặng quà trở thành một nghi thức. Đây là tự do duy nhất mà thế giới người lớn đã ban cho con người trong giai đoạn sơ sinh đáng kính, vào thời điểm mà nó phải hình thành nguồn cội của một đời sống cao trọng hơn. Những đứa trẻ bị “hư hại” này được xem là rất thông minh, nhất là ở trường, dù chúng thiếu kỉ luật và trật tự ngăn nắp. Nhưng trong môi trường được đặc biệt chuẩn bị của chúng tôi, chúng tôi thấy trẻ lập tức tự mình chọn lấy một công việc nào đó, và những hoang tưởng kích động cùng các chuyển động bồn chồn của trẻ đều biến mất; một đứa trẻ trầm tĩnh, bình thản, gắn bó với thực tại, bắt đầu làm việc cho sự thanh cao của nó qua lao động. Sự bình thường hóa đã hoàn tất. Các cơ quan vận động của trẻ đã xuất hiện từ sự hỗn độn ngay giây phút mà chúng có thể bám trụ vào sự chỉ đạo nội tại của chúng, từ đó chúng sẽ trở thành những công cụ của một trí óc khao khát học biết và thấu hiểu thực tại của thế giới bên ngoài, và sự tò mò lẩn thẩn sẽ biến thành một cố gắng để nắm bắt được tri thức.

Phân tâm học đã nhận ra khía cạnh bất thường của óc tưởng tượng và sự đóng kịch, và bằng sự diễn giải sáng suốt đã xếp chúng vào các “huyễn tưởng về tâm lí”. Một “sự huyễn tưởng” là một sự chạy trốn, ẩn núp và thường che giấu một năng lực bị chệch ra khỏi vị trí tự nhiên của nó; hoặc nó thể hiện một sự tự vệ vô thức của bản ngã chạy trốn khỏi cái khó chịu hay nguy hiểm và núp sau một cái mặt nạ.

Các “rào cản”

Trong trường, các giáo viên để ý thấy rằng những đứa trẻ có rất nhiều trí tưởng tượng không phải là những đứa thành công nhất trong việc có được nhiều lợi ích từ sự học hỏi, như người ta thường nghĩ. Ngược lại, dường như chúng rất ít hay chẳng đạt được gì. Nhưng, không ai ngờ được là đầu óc của các đứa trẻ này đã bị lệch lạc, người ta tin rằng một bộ óc thông minh vĩ đại và sáng tạo không thể tự chuyên tâm vào các vấn đề thực tiễn. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là đứa trẻ bị lệch lạc có một bộ óc thông minh bị kém đi; bởi nó không sở hữu được trí óc của nó cũng như nó không có thể đưa trí óc của nó đến sự phát triển viên mãn. Điều này không chỉ xảy ra khi đầu óc nó chạy trốn vào một thế giới đầy ảo tưởng mà còn xảy ra trong nhiều trường hợp, ngược lại khi sự thông minh đã bị ít nhiều kiềm chế và dập tắt vì nản chí thay vì chạy trốn ra ngoài, nó tự co cụm vào bên trong chính nó. Mức thông minh trung bình ở một đứa trẻ thông thường thấp hơn khi so với mức của trẻ em đã được bình thường hóa. Điều này là do các sai lệch, có thể được so sánh một cách đơn giản với các xương bị trật khớp, nên nố đòi hỏi sự chăm sóc tinh tế nhất, nếu muốn nó quay trở lại tình trạng bình thường. Trong khi đó, phương pháp thông thường là cương quyết giải quyết trực tiếp cả về mặt giáo dục trí tuệ và chữa trị căn bệnh. Ta không thể ép buộc một đầu óc lệch lạc phải lao động bắt buộc, mà không gặp phải hay đúng hơn gây ra một phản ứng tự vệ đáng chú ý nhất về mặt tâm lí. Đó không phải là sự tự vệ thường được biết đến trong tâm lí học nói chung và tự biểu lộ ra bên ngoài bằng sự bất tuân phục hay gàn bướng. Ngược lại, nó là một sự tự vệ tâm lí hoàn toàn nằm bên ngoài ý chí, và bên dưới tiềm thức nó thể hiện một trở ngại cho việc tiếp thu, và do đó cho sự thấu hiểu các ý tưởng áp đặt từ bên ngoài. Nó tương tự cái hiện tượng mà các nhà phân tâm học đã đặt cho cái tên có tính mô tả là ức chế. Một người giáo viên phải có khả năng nhận ra những vấn đề nghiêm trọng này. Một thứ rèm che phủ lên tâm trí của đứa trẻ, khiến nó càng bị điếc và đui mù về mặt tâm lí. Tiềm thức dường như nói rằng: “Thầy nói, nhưng con không lắng nghe. Thầy có tiếp tục nói, nhưng con cũng không nghe tiếng thầy. Con không thể xây nên thế giới của chính con bởi vì con đang dựng lên bức tường tự vệ để ngăn không cho thầy được vào bên trong.”

Sự tự vệ kéo dài và chậm rãi này khiến trẻ hành động như thể nó đã mất các năng lực tự nhiên của nó và đây không còn là một vấn đề ưng thuận hay không ưng thuận nữa. Người giáo viên phải tiếp cận với các học sinh bị vướng phải các rào cản tâm lí này sẽ nghĩ rằng chúng không thông minh hay không có khả năng tự nhiên để nắm bắt một vài môn học ví dụ như toán, hay để chỉnh sửa các chữ đã đánh sai vần. Nếu các rào cản tâm lí như thế bao gồm nhiều môn học, và đôi khi là tất cả các môn học, những trẻ em thông minh có thể bị lầm là có khuyết tật, và sau khi ở lại lớp qua nhiều năm có thể vĩnh viễn bị xếp xuống hạng những trẻ em chậm phát triển. Như một quy luật, rào cản tâm lí không phải là chướng ngại bất khả xâm phạm, mà còn mang theo nó những hệ số có tác động từ xa. Nên chúng ta sẽ thấy sự “gờm chán” của đứa trẻ đối với một môn học đặc biệt, sau đó là chán ghét học hành nói chung, rồi chán ghét trường lớp, giáo viên và các bạn học. Không còn chỗ cho tình thương và sự thân thiện, cuối cùng đứa trẻ ngán sợ học đường và trở nên hoàn toàn xa lạ với nó.

Không gì thông thường bằng chuyện các cá nhân mang theo cả cuộc đời họ một rào cản tâm lí đã được dựng lên từ lúc ấu thơ. Chúng ta có thể thấy một ví dụ về sự gờm chán điển hình đối với toán học mà nhiều người vẫn còn cảm thấy suốt đời. Không những họ không thể nào hiểu nó, mà chỉ cần nghe nói đến cũng gây nên một chướng ngại bên trong làm họ mỏi mệt ngay cả trước khi môn học đó bắt đầu. Chuyện này cũng xảy ra với môn văn phạm. Tôi từng, biết một phụ nữ trẻ người Ý rất thông minh, nhưng khi đánh vần lại phạm những lỗi không ngờ ở người với tuổi tác và văn hóa như cô. Mọi nỗ lực chỉnh sửa đều vô ích, các lỗi chính tả của cô dường như chỉ tăng thêm, cả việc đọc sách văn chương cổ điển cũng không giúp được gì. Nhưng một hôm, với sự kinh ngạc của tôi, tôi thấy cô viết tiếng Ý hay và đúng chuẩn. Tôi không thể bàn về trường hợp của cô ở đây, nhưng điều chắc chắn là cô có một khả năng diễn đạt đúng đắn, nhưng một lực tăm tối bí ẩn, đã chuyên chế kìm hãm nó, và thay vào đó, mang đến vô số lỗi lầm. Câu hỏi được đặt ra là cái nào trong hai hình thức chệch hướng, huyễn tưởng hay rào cản tâm lí, là cái trầm trọng nhất. Trong các trường học của chúng tôi, nơi tiến hành Sự bình thường hóa, những huyễn tưởng đã kể ra, ảnh hưởng đến óc tưởng tượng hay trò chơi là những cái dễ chữa trị nhất. Điều này có thể minh họa bằng một việc tương tự như sau: Nếu một người chạy trốn khỏi một nơi nào bởi họ đã không tìm được cái họ cần ở đó; hay cả nhóm người chạy nạn vì một quốc gia không cung cấp được lương thực cần thiết, chúng ta vẫn luôn có thể nghĩ rằng họ sẽ được gọi về nếu điều kiện môi trường có Sự thay đổi.

Chúng ta có thể kêu gào với họ: “Hãy trở về, chúng tôi sẽ cung cấp các điều kiện tốt hơn cho đời sống của các bạn. Các bạn sẽ có thể sử dụng các năng lực của mình trong một môi trường dễ chịu.”

Trên thực tế, một trong những điều thường được quan sát ở trường chúng tôi là sự biến đổi nhanh chóng của các đứa trẻ mất trật tự và dữ dằn, chúng dường như quay trở lại một cách chớp nhoáng từ một thế giới xa xăm. Sự thay đổi ở các em này không chỉ là sự biến đổi rõ rệt bên ngoài từ hỗn loạn thành lao động, mà nó còn mang tính sâu sắc hơn, và tự biểu lộ qua sự thanh thản và an nhiên, sự biến mất của các lệch lạc của chúng xảy ra như một hiện tượng tự phát, một sự biến đổi tự nhiên, và nếu sự lệch lạc này không được sửa đổi trong thời ấu thơ, có lẽ nó sẽ kéo dài suốt đời. Thật vậy, nhiều người lớn được xem là có óc tưởng tượng phong phú thật ra chỉ có những cảm tưởng mơ hồ đối với môi trường của họ, và họ chỉ tiếp cận với những thực tại có tính cảm giác. Họ là những kẻ được xem là có cá tính hay có óc tưởng tượng, họ bừa bãi, và luôn sẵn sàng chiêm ngưỡng ánh sáng, bầu trời, màu sắc, hoa cỏ, cảnh trí, âm nhạc, và họ nhạy cảm đối với mọi sự trên đời như với một cuốn tiểu thuyết. Nhưng họ không yêu quý ánh sáng mà họ chiêm ngắm, có lẽ họ không có khả năng dừng lại để tìm hiểu về nó; các vì sao gây cảm hứng cho họ không thể giữ được sự chú ý của họ lâu dài đủ để họ thụ đắc một kiến thức tối thiểu về thiên văn học. Họ có xu hướng nghệ sĩ nhưng họ không tạo ra được cái gì; vì họ thiếu khả năng đạt đến bất cứ trình độ điêu luyện thật sự nào. Như một quy luật, họ không biết làm gì với đôi tay. Họ không thể giữ yên đôi tay hay sử dụng chúng. Họ sờ đến mọi vật một cách bồn chồn và thường hay làm vỡ. Họ sẽ thơ thẩn bứt bông hoa mà họ chiêm ngắm ra từng mảnh. Họ không thể sáng tạo ra cái gì đẹp đẽ hay làm cho cuộc đời họ được hạnh phúc. Họ không biết cách nhận ra cái thi vị thật sự của thế giới. Họ đi lạc nếu không ai trợ giúp bởi lẽ họ lầm lẫn nhược điểm cơ bản và sự bất lực của họ với một trạng thái cao hơn. Giờ đây, nguồn gốc của trạng thái này, dọn đường cho các bệnh trạng tâm thần thật sự nằm ở ngay cội rễ đời sống của họ, ở độ tuổi dễ bị lẫn lộn nhất và vào lúc con đường bị chặn dẫn đến những chệch hướng khó nhận ra lúc ban đầu.

Mặt khác, các ức chế tâm thần khó khắc phục hơn, dù ở trẻ em. Một bức tường bên trong đã dựng lên nhốt kín tinh thần và che giấu nó để che chắn nó khỏi thế giới. Một vở kịch bí mật diễn ra đằng sau vô số những rào cản đa dạng này, thường là việc chống cự đối với tất cả những gì đẹp đẽ bên ngoài có thể là cội nguồn cho sự phong phú và hạnh phúc, sự theo đuổi tri thức, các bí mật của khoa học và toán học, sự mĩ miều hấp dẫn của một ngôn ngữ bất tử, âm nhạc do đó đều là “kẻ thù” cần phải cô lập. Sự biến đổi năng lượng lạ lùng này phóng ra cái bóng tối che đậy và giấu kín cái phải là đối tượng của tình yêu và sự sống. Học tập là một sự chán chường dẫn đến sự ghê tởm thế giới thay vì chuẩn bị cho đứa trẻ tham gia.

Rào cản! Từ ngữ khá gợi hình này, do sự liên kết các ý tưởng, khiến ta nghĩ đến tất cả sự phòng vệ mà con người đã dựng lên xung quanh nó trước khi kiến thức về vệ sinh cho họ thấy một lối sống lành mạnh hơn. Con người tự vệ đối với ánh sáng mặt trời, không khí, nước xung quanh bằng các rào cản, xây lên bức tường để ngăn cản ánh sáng, đóng kín cửa sổ ngày đêm, dù chúng đã quá hẹp để vừa đủ thoáng khí, họ trùm mình trong những bộ y phục nặng nề, lớp này trên lớp khác, như những lớp củ hành, khiến cơ thể e ngại việc tự nhúng vào trong nước, đóng kín các lỗ chân lông trên da của họ khỏi tiếp xúc với không khí trong lành. Môi trường vật lí của con người bị chắn ngang và ngăn cản sự sống. Về mặt xã hội cũng vậy, chúng tôi thấy có những hiện tượng nhắc đến những rào cản. Tại sao người ta tự cách li với nhau, và tại sao mỗi nhóm gia đình lại tự tách biệt với một cảm giác cô lập và kinh tởm với những nhóm khác? Một gia đình không tự cô lập để hưởng thú riêng trong gia đình họ, mà để tự tách rời ra khỏi người khác. Các rào cản này được xây lên không phải để bảo vệ tình thương. Các thành lũy của một gia đình bị đóng kín, không thể vượt qua, kiên cố hơn các bức tường của ngôi nhà. Và những rào cản chia cách giai cấp xã hội và quốc gia cũng vậy. Các rào cản quốc gia không được dựng lên để chia rẽ một nhóm đoàn kết và đồng nhất để nó được tự do và bảo vệ khỏi hiểm nguy. Mối lo âu bị cô lập và sự phòng thủ củng cố các rào cản giữa các quốc gia, và cản trở sự trao đổi nhân sự và sản phẩm của họ. Tại sao lại như thế, nếu văn minh phát triển là do sự trao đổi với nhau? Có phải các rào cản quốc gia cũng là một hiện tượng tâm lí có nguyên nhân do chịu đựng quá nhiều đau khổ và bạo lực cùng cực? Đau đớn đã trở nên có hệ thống và quá lớn đến nỗi các hàng rào vững chắc và dày đặc hơn đã làm suy thoái đời sống các quốc gia.

Đứa trẻ bị lệ thuộc

Vài đứa trẻ với bản chất phục tùng có các năng lực tinh thần không đủ mạnh mẽ để tìm ra một chỗ trú ẩn khi chạy trốn và thoát khỏi ảnh hưởng của người lớn, do đó chúng tự gắn bó với một người lớn hơn, kẻ thường có xu hướng thay thế hành động của trẻ bằng hành động của chính họ; những đứa trẻ như thế trở nên cực kì lệ thuộc vào người lớn. Chúng thiếu sinh lực, mặc dù chúng không ý thức được điều đó, do vậy chúng dễ càu nhàu. Những đứa trẻ này luôn than phiền; chúng có vẻ không hạnh phúc và được xem là những sinh linh có cảm xúc tinh tế và nhạy cảm với sự trìu mến. Các trẻ em này luôn chán nản, dù chúng không biết điều này và chúng nhờ cậy người khác, nghĩa là người lớn, bởi chúng không thể tự mình thoát khỏi sự chán chường đang làm chúng khổ sở. Các em bám víu vào người khác như thể sự sống của chính các em lệ thuộc vào người khác. Các em xin người lớn giúp chúng, chơi với chúng, kể chuyện, hát cho chúng nghe, và năn nỉ họ không bao giờ lìa xa chúng. Người lớn trở thành nô lệ của một đứa trẻ như vậy; một mối tương quan lạ lùng cầm chân cả đôi bên, nhưng họ lại tạo ra cảm tưởng là họ rất hiểu nhau và nhiệt tình mến nhau. Những đứa trẻ này lúc nào cũng hỏi “tại sao”, hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, như thể chúng rất khao khát học hỏi. Nhưng nếu ta quan sát kĩ, ta thấy chúng không lắng nghe câu trả lời trước khi chúng hỏi câu khác, cái dường như là một sự tò mò để biết thật ra là một cách để trói buộc người mà chúng cần giúp. Chúng sẵn sàng bỏ rơi các vận động của chúng và vâng theo mọi mệnh lệnh cấm cản của người lớn, kẻ thấy dễ dàng thay thế ý chí của đứa trẻ dễ bảo sẽ từ bỏ mọi sự, bằng chính ý muốn của họ. Do đó, có một mối nguy hiểm nghiêm trọng từ việc này sẽ khiến đứa trẻ sa vào một thứ thờ ơ lãnh đạm được gọi là biếng nhác hay lười biếng.

Một người lớn hài lòng với tình trạng như vậy bởi nó không gây trở ngại cho các sinh hoạt của chính họ, nhưng thật sự nó là giới hạn cùng cực mà sự lệch lạc có để đạt đến. Sự lười biếng là gì nếu không phải là sự suy nhược của sinh vật có tâm linh. Nó tương ứng với sự thiếu thốn về sức mạnh thể chất của kẻ mắc bệnh nặng; ở đây là khủng hoảng của các năng lượng tâm lí có tính sáng tạo và tất yếu cho sự sống. Đạo Thiên Chúa xem sự biếng nhác là một trong bảy tội trọng, mang nguy hiểm và cái chết cho tâm hồn. Người lớn đã đẩy linh hồn đứa trẻ trốn vào chính nó, họ đã thổi vào nó cái hơi hỗ trợ vô ích của họ, sự hoán đổi bằng chính hoạt động của họ thay cho đứa trẻ, sức mạnh ám thị của họ, và họ đã dập tắt linh hồn của trẻ và cản trở sự phát triển về tinh thần của nó. Nhưng họ không hề ý thức được điều gì cả.

Tính chiếm hữu

Trong đứa bé còn rất nhỏ và đứa trẻ đã bình thường hóa, có một sự thôi thúc tự nhiên dẫn chúng đến các nguồn lực để cùng hành động với các lực này. Sự chuyển động hướng ngoại này đến môi trường của chúng không phải là cái gì lạnh nhạt, mà là một tình yêu sâu sắc, một dấu hiệu của sự sống có thể so sánh với cơn đói. Người đói có thôi thúc phải tìm thức ăn. Nó không có liên hệ với sự lí luận duy lí. Nó không nói: “Đã lâu rồi tôi không ăn, nếu không ăn, tôi sẽ không thể duy trì được sức lực hay sự sống; do đó, tôi cần phải tìm chất bổ dưỡng để ăn.” Đói là một sự khó chịu cồn cào cưỡng bách ta phải tìm ra thức ăn. Đứa trẻ có một sự đói khát đối với môi trường của nó, nó tìm kiếm những cái có thể nuôi sống tinh thần của nó, và tự nuôi dưỡng nó bằng hoạt động. “Là trẻ em, trẻ sơ sinh, ta hãy yêu thích dòng sữa tâm linh”. Đặc tính cơ bản của con người nằm trong sự thôi thúc này, nghĩa là trong tình yêu mến đối với môi trường của trẻ. Nói rằng đứa trẻ có sự đam mê đối với môi trường của nó là không đúng, vì đam mê là cái gì có tính bốc đồng và tạm thời, nó bao hàm một thôi thúc hướng về một “giai đoạn trọng yếu đối với sự sống”. Thay vào đó, sự thôi thúc bởi lòng yêu mến môi trường của trẻ, thúc đẩy trẻ kiên trì hoạt động, không ngừng cháy sáng như ngọn lửa liên tục đốt cháy các nguyên tố trong cơ thể khi tiếp xúc với ô-xy, tạo ra hơi ấm dịu dàng, tự nhiên cho cơ thể sống. Một đứa trẻ năng động tự biểu lộ như một sinh linh đang sống trong một môi trường thích hợp cho nhu cầu của nó, nơi nó tìm ra được những phương tiện, nếu không có, sẽ khiến trẻ không thể tự phát triển toàn diện.

Nếu đứa trẻ không có được một môi trường cho đời sống tinh thần như vậy, mọi thứ trong nó bị suy yếu, sai lệch và xa rời thế giới. Đứa trẻ trở thành một kẻ khó hiểu, bí ẩn, trống rỗng, bất lực, ngỗ nghịch, buồn chán, tách rời khỏi xã hội.

Giờ đây, đứa trẻ khó tìm được những kích thích hoạt động góp phần vào sự phát triển của nó, trẻ chỉ thấy có các “đồ vật” và muốn chiếm hữu chúng. Lấy cái gì và giữ nó lại là điều dễ làm, khi ánh sáng tri thức và tình yêu đều vô dụng. Năng lượng bùng phát theo một hướng khác. Một đứa trẻ sẽ nói, “Con muốn”, khi nó thấy một chiếc đồng hồ bằng vàng, mặc dù nó không biết xem giờ. Nhưng rồi đứa khác liền la to, “Không, con muốn nó”, và sẵn sàng đập hỏng, biến nó thành vô dụng, để nó có thể chiếm hữu cái đồng hồ. Đó là khởi đầu của các cạnh tranh giữa các cá nhân và của các cuộc đấu đá có tính phá hoại để tranh giành mọi thứ.

Hầu hết tất cả các chệch hướng về đạo đức là hậu quả xuất phát từ bước đầu tiên này khi quyết định chọn lựa giữa tình yêu và chiếm hữu, đặt trẻ trước sự lựa chọn một trong hai ngả đường, đẩy đứa trẻ đi tới với toàn bộ sức sống. Phần năng động của trẻ vươn ra ngoài như những vòi bạch tuộc, bóp nát và phá hủy những vật nó say mê chộp lấy. Cảm tưởng sở hữu khiến trẻ bám chặt vào các sự vật và nó sẵn sàng bảo vệ chúng như bảo vệ chính mạng sống của nó.

Những trẻ em mạnh mẽ và năng động hơn bảo vệ các vật sở hữu của chúng bằng cách đánh những đứa trẻ khác cũng ham muốn món đồ như chúng. Chúng liên tục cãi lời bởi chúng muốn có cùng một thứ hay bởi chúng muốn cái người khác có. Điều này là nguồn gốc của bất cứ phản ứng nào ngoại trừ yêu thương, là cội rễ của sự bùng nổ của bất cứ cảm xúc nào ngoại trừ tình huynh đệ, dẫn đến tranh giành và chiến tranh vì những chuyện vớ vẩn tầm phào, không quan trọng. Nhưng thực ra, không nên xem thường những điều như vậy vì chúng rất nghiêm trọng, có cái gì trật khớp, và một bóng đen che trùm cái đã phải hiện hữu, một năng lượng bị chệch hướng. Do đó, chính cái ác nội tại trong nó, chứ không phải từ cái gì bên ngoài, đã gây nên tính chiếm hữu.

Như mọi người đều biết, có nhiều nỗ lực đề xuất một lối giáo dục đạo đức bằng lời thúc giục, khuyến khích trẻ em không nên bám vào vật chất bên ngoài. Căn bản của sự dạy dỗ này là sự tôn trọng vật sở hữu của người khác. Nhưng khi đứa trẻ đã đến mức này, nó đã băng qua chiếc cầu tách rời con người khỏi sự cao thượng của đời sống nội tâm, và vì thế đứa trẻ hăm hở quay sang các vật bên ngoài với sự ham muốn. Mầm bệnh đã xâm nhập vào linh hồn của đứa trẻ sâu xa đến nỗi những đặc tính như vậy được coi là thích hợp với bản chất con người.

Ngay cả những trẻ có bản tính phục tùng cũng hướng sự chú ý của chúng đến những thứ vật chất vô giá trị. Tuy nhiên, những trẻ này “chiếm hữu” đồ vật một cách khác, không gây gổ và ít khi tranh giành ganh đua với những đứa khác. Nhưng chúng thường tích trữ và giấu các món đồ, nên người ta nghĩ chúng là các nhà sưu tầm tự nhiên. Nhưng kiểu này rất khác với sự sưu tầm và phân loại các vật dưới sự hướng dẫn của một kiến thức nào đó. Ngược lại, chúng tôi đang nói đến những đứa trẻ tích lũy những món đồ nhiều loại, không có liên hệ gì với nhau, không có gì hấp dẫn. Bệnh lí học nhận ra những trường hợp góp nhặt sưu tầm vô lí, không mục đích, là dấu hiệu của bệnh rối loạn tâm thần, chỉ đạo bởi một bất thường về tâm lí, và việc này không chỉ có ở những người lớn bị bệnh tâm thần mà ở cả những đứa trẻ phạm tội, với túi áo chứa đầy những vật vô dụng và lộn xộn. Điều này tương đồng với tính hay góp nhặt của những trẻ có tính tình yếu ớt và phục tùng vốn được xem là khá bình thường. Nếu có ai thử lấy đi những món mà những đứa trẻ này đã gom góp, chúng sẽ hết sức đề phòng canh giữ. Chuyên gia tâm lí Adler đã đưa ra một diễn giải lí thú về những triệu chứng này. Ông so sánh nó với tính hà tiện, với hiện tượng thấy ở người lớn mà mầm mống có thể nhận ra từ lúc ấu thơ. Đó là hiện tượng của một con người bám víu vào nhiều thứ và không muốn cho đi vật sở hữu, ngay cả khi chúng không có công dụng gì đối với họ, một loại cây độc dược đã lớn lên từ sự thiếu cân bằng cơ bản.

Cha mẹ hài lòng vì con họ biết gìn giữ tài sản, họ xem đó là bản chất con người và nhìn nhận nó trong mối liên hệ với đời sống xã hội. Thậm chí những trẻ có tính chiếm hữu và tích lũy vẫn là những kiểu người được xã hội thông cảm.

Ham quyền lực

Một lệch lạc đặc thù khác gắn liền với tính chiếm hữu là tính ham quyền lực. Một thứ quyền lực do bản năng trong con người để thống trị môi trường của nó, khiến nó qua tình yêu đối với môi trường đó chiếm lĩnh thế giới bên ngoài. Nhưng đây là một sự lệch lạc, khi quyền lực, thay vì là thành quả của chinh phục, xây dựng nên nhân cách, lại được hướng đến việc nắm bắt và chộp lấy các đồ vật.

Đứa trẻ bị lệch hướng phải đối mặt với một người lớn mà với nó, là một đấng cực kì quyền uy nắm mọi sự trong tay của họ. Một đứa trẻ như thế hiểu rằng quyền lực của chính nó sẽ thực sự lớn nếu nó có thể hành động thông qua người lớn. Do đó, nó bắt đầu lợi dụng người lớn để có thể đạt được những gì nó không thể tự mình đạt được. Đây là một phương thức hoàn toàn dễ hiểu. Điều này đương nhiên có ở tất cả các trẻ em, nhiều đến nỗi nó được xem là cái gì bình thường nhất, và là một điều khó sửa đổi nhất. Nó cung cấp một ví dụ điển hình về đứa trẻ bướng bỉnh; bởi lẽ hợp lí tự nhiên là một sinh linh yếu ớt, bất lực, bị nhốt kín, một khi nó khám phá ra điều kì diệu rằng nó có thể thuyết phục một kẻ tự do, có quyền lực cung cấp cho nó những thuận lợi, nó sẽ tìm cách có được các thuận lợi đó. Đứa trẻ thử nghiệm và nó bắt đầu muốn những cái vượt quá cái người lớn nghĩ là hợp lí cho nó, do các ham muốn của nó là vô hạn. Đứa trẻ có đầy những huyễn tưởng nhất thời, và người lớn giống một kẻ toàn năng, có thể thỏa mãn các ước muốn mà trẻ thấy trong mơ với tất cả sự huy hoàng choáng mắt của chúng, cảm giác như thế được hoàn toàn biến thành hiện thực trong các câu chuyện thần tiên có lẽ thường xuất hiện trong sự lãng mạn của tâm hồn đứa trẻ. Trong câu chuyện thần tiên, trẻ em cảm thấy những ước vọng của chúng được đề cao dưới lốt vỏ hấp dẫn. Bất cứ ai cậy đến các vị tiên đều có thể nhận được ân huệ, của cải hơn hẳn bất cứ quyền lực của con người nào. Có những vị tiên tốt và những vị tiên ác, có tiên đẹp và tiên xấu. Họ có thể hiện ra dưới lớp áo kẻ nghèo hay người giàu. Một số sống trong rừng rậm, số khác sống trong các lâu đài thần tiên. Thật vậy, họ giống như những phóng chiếu được lí tưởng hóa của một đứa trẻ sống giữa người lớn. Có những bà tiên già nua như bà của nó và có những cô tiên trẻ đẹp như mẹ nó. Vài bà tiên ăn mặc rách rưới, những vị khác trong y phục bằng vàng, giống như có những bà mẹ nghèo và bà mẹ giàu trong áo dạ hội đẹp tuyệt vời, nhưng tất cả đều nuông chiều con cái của họ. Người lớn, dù khốn khổ hay kiêu hãnh, luôn là một đấng quyền năng đối với đứa trẻ, vì vậy trong đời sống thực tế, đứa trẻ bắt đầu thử khai thác người lớn, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến xung khắc. Lúc đầu, sự tranh đấu này có vẻ ngọt ngào; vì người lớn tự cho phép mình bị thua cuộc và nhượng bộ để thích thú khi thấy đứa con của mình hạnh phúc và hài lòng. Vâng, người lớn ngăn cản đứa trẻ tự rửa tay cho nó, họ chắc chắn sẽ cố thỏa mãn chứng bệnh chiếm hữu của họ. Nhưng đứa trẻ, sau chiến thắng đầu tiên, nó tìm cái thứ hai, và người lớn càng nhượng bộ, đứa trẻ càng đòi hỏi, cuối cùng thì ảo tưởng rằng người lớn là để thỏa mãn các ham muốn của đứa trẻ kết thúc trong thất vọng cay đắng. Do thế giới vật chất có những giới hạn bất di bất dịch, trong khi trí tưởng tượng có thể lang thang trong vô tận, cuối cùng một cuộc chạm trán và xung đột dữ dội xảy ra. Tính khí bướng bỉnh của trẻ biến thành hình phạt cho người lớn. Họ bỗng nhiên nhận ra rằng họ sai lầm và họ nói; “Tôi đã làm hư con tôi.”

Ngay cả một đứa trẻ tuân phục cũng có thể chinh phục người lớn, với những trìu mến, nước mắt, thỏa hiệp, khuôn mặt nhỏ nhắn buồn bã, hay sự khả ái hấp dẫn của nó. Người lớn cũng phải nhượng bộ đứa trẻ như vậy cho đến khi họ không còn gì để nhượng bộ, và rồi bất hạnh mà mọi chệch hướng khỏi trạng thái bình thường chắc chắn sẽ dẫn đến lại xảy ra. Người lớn suy nghĩ và cuối cùng nhận ra lối hành xử của họ là nguồn gốc của các tật xấu của con họ, rồi họ tìm cách quay lại và sửa đổi đứa trẻ.

Nhưng mọi người đều biết không có gì có thể sửa đổi tính bướng bỉnh của một đứa trẻ. Cả lời khuyến khích lẫn hình phạt đều không hiệu quả; giống như ta phải rao giảng dài dòng cho một người mê sảng trong cơn sốt là họ phải hết bệnh và hăm dọa sẽ đánh họ nếu nhiệt độ của họ không giảm. Thực ra là người lớn làm hư đứa trẻ không phải vì nhượng bộ nó, mà vì chính khi họ ngăn cản không cho đứa trẻ thực sự được sống, họ đã đưa nó lệch khỏi con đường phát triển tự nhiên của nó.

Mặc cảm tự ti

Người lớn tỏ ra coi thường đứa trẻ nhưng họ không ý thức được điều này, vì họ tin rằng con mình đẹp đẽ và hoàn hảo, và dự phóng sự hãnh diện và kì vọng tương lai vào đứa con. Nhưng có một sự thúc giục bí mật bên trong họ, không chỉ đơn thuần là lời khẳng định rằng đứa trẻ “trống rỗng” hay “ngỗ nghịch” do đó cần được họ “đong đầy” và sửa dạy; đây đúng là thái độ khinh thường đối với đứa trẻ dù không được nhận ra. Sinh linh yếu ớt mà họ phải đối mặt là đứa con của chính họ. Khi có điều gì liên quan đến đứa trẻ, người lớn là kẻ toàn năng. Họ còn có quyền bộc lộ những cảm xúc mà họ hẳn phải hổ thẹn khi biểu lộ trước xã hội người lớn. Trong số các xu hướng đen tối của họ có sự keo kiệt và cảm giác độc đoán và chuyên chế. Thế là ở nhà, dưới lớp ngụy trang là uy quyền của bậc cha mẹ, việc phá vỡ bản ngã của đứa trẻ từ từ diễn ra. Ví dụ, nếu người lớn thấy đứa trẻ bê li nước, họ nghĩ và lo sợ là cái li sẽ vỡ. Vào lúc ấy, tính hà tiện khiến họ xem cái li là báu vật, và để cứu cái li họ sẽ ngăn không cho đứa bé di chuyển. Có thể người lớn này rất giàu có, muốn gia tăng của cải nhiều gấp mười lần để đứa con trai sẽ giàu có hơn ông ta. Nhưng trong lúc bấy giờ thì ông xem cái li là vật vô cùng quý giá phải bảo vệ với bất cứ giá nào. Mặt khác, ông tự nhủ, “Tại sao đứa bé này phải đặt cái li xuống bằng cách này trong khi mình để nó theo kiểu kia? Mình không phải là người có thẩm quyền sắp đặt mọi chuyện theo ý mình sao?”. Vậy mà cũng người lớn đó sẽ vui lòng hi sinh bất cứ điều gì cho đứa con của mình, ông mơ thấy sự thành công của đứa con; ông muốn nó thành một người nổi tiếng và đầy quyền lực. Nhưng trong lúc này, cái xu hướng bạo ngược, độc đoán, trỗi dậy trong con người ông, ông tự phung phí sức mình trong việc giữ gìn một vật không có giá trị. Thật ra, nếu là một người đầy tớ làm cùng động tác như vậy, chắc hẳn ông chỉ mỉm cười; và nếu là một vị khách làm bể cái li, ông chắc sẽ lập tức trấn an họ rằng không có gì quan trọng và chiếc li không có giá trị gì. Do đó, đứa trẻ hẳn phải luôn nhận ra trong tuyệt vọng rằng nó là người duy nhất nguy hiểm cho mọi vật, vì thế chỉ mình nó không thể chạm vào li; nó là một sinh linh thấp hèn, hầu như ít giá trị hơn là đồ vật.

Có một tập hợp phức tạp của các ý tưởng mà ta phải để ý trong tương quan với sự kiến tạo bên trong của trẻ. Trẻ không những cần chạm vào đồ vật và làm việc với chúng, mà còn phải làm theo một trình tự cho đến khi hành động hoàn tất, và đây là điều cực kì quan trọng cho sự hình thành nhân cách bên trong của trẻ. Người lớn không còn ghi nhận một cách ý thức về chuỗi hoạt động hằng ngày của họ, bởi họ đã sở hữu chúng như là cái đã là một phần của chính sự hiện hữu của họ, như một lối sống. Khi người lớn thức dậy vào buổi sáng, họ biết theo thói quen cái họ phải làm và thực hiện các hành động bình thường như thể chúng là những việc đơn giản nhất trên đời. Thứ tự của các hành động của họ hầu như tự động, và họ không còn để ý đến nó hơn hơi thở hay nhịp đập của tim họ. Ngược lại, đứa trẻ cần xây lên cái nền tảng này. Nhưng nó không bao giờ có thể làm ra một chương trình hành động để tiến hành một cách liên tiếp. Khi đứa trẻ đang chơi, người lớn đến bảo đây là lúc đi dạo, và mặc áo cho trẻ rồi đưa nó ra ngoài. Hay đứa trẻ có thể đang làm một công việc nhỏ như bỏ đầy những viên sỏi vào một cái xô, một trong những người bạn của mẹ nó ghé qua, và mẹ nó bảo nó bỏ dở công việc để đến chào. Trong đời sống của đứa trẻ, người lớn can thiệp không ngừng, những kẻ có uy quyền này điều khiển cuộc đời của nó mà không hề tham khảo ý kiến của nó, không tôn trọng nó và xem các hành động của nó không hề có giá trị, trong khi đó, trước sự có mặt của nó, người lớn sẽ không quay sang một người khác hay người giúp việc, để cắt ngang việc họ đang làm mà không nói, “Xin ông vui lòng”, hay “Nếu có thể”. Hậu quả là đứa bé cảm thấy nó là kẻ khác biệt với tất cả những người khác, với sự thấp hèn đặc biệt xếp nó bên dưới những người khác. Nay, như chúng tôi đã nói, một trình tự của chuỗi hành động xuất phát từ một chương trình đã được ấn định trước bên trong là cực kì quan trọng với sự phát triển của đứa trẻ. Một ngày kia, người lớn sẽ giải thích cho đứa trẻ là nó phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính nó, nhưng nền tảng đầu tiên của một trách nhiệm như thế nằm trong một khuôn mẫu đầy đủ của sự kết nối giữa hành động này với hành động khác, và nó nằm trong sự đánh giá ý nghĩa của chúng. Nhưng đứa trẻ chỉ cảm thấy rằng mọi hành động của nó đều vô nghĩa. Người lớn, bậc cha mẹ, than phiền rằng họ không thể khơi dậy được tinh thần trách nhiệm và tinh thần làm chủ các hành động của chính họ ở đứa con trai, chính họ lại là kẻ đã từng bước hủy hoại khái niệm về sự liên tục của các hành động nối tiếp trong đời sống, và ý thức về nhân phẩm của chính đứa trẻ. Trong những trường hợp như vậy, thay vì có ý thức về nhân phẩm của chính nó, đứa trẻ mang trong mình một niềm tin vững chắc mơ hồ về sự thấp hèn và bất lực của nó. Việc nhận bất cứ trách nhiệm nào hàm ý sự tin tưởng rằng mình là chủ nhân của các hành động của chính mình và có sự tự tin về mình. Nguồn gốc lớn nhất của thất vọng là hoàn toàn tin rằng “mình không thể” có khả năng làm được gì. Nếu một đứa trẻ bị liệt phải chạy đua với một người rất nhanh nhẹn, nó sẽ hẳn không muốn chạy đua, nếu một kẻ khổng lồ điêu luyện được sắp xếp để đấu võ với một người nhỏ con, không kinh nghiệm, người sau chắc không muốn đấu, cố gắng khả thi bị dập tắt trước khi thử, để lại một cảm giác về sự bất lực trước khi thử thách bắt đầu. Người lớn không ngừng dập tắt ý chí cố gắng của trẻ khi họ làm nhục ý thức về sức mạnh của chính đứa trẻ và thuyết phục nó tin vào sự bất lực của nó; bởi, đúng ra, người lớn không muốn cản trở đứa trẻ trong hành động của nó, nhưng họ bảo với đứa trẻ rằng, “Con không làm được cái đó; nếu con thử, cũng vô ích mà thôi”. Nếu người nào thô lỗ hơn, họ sẽ nói, “Đồ khùng, tại sao mày muốn làm cái đó? Mày không thấy là mày không làm được sao?”. Nhưng cách hành xử như vậy không những xúc phạm đến công việc của trẻ và tính liên tục của chuỗi hành động của trẻ, mà còn là một sự sỉ nhục đối với chính nhân cách của đứa trẻ. Nó ghi sâu vào tâm hồn đứa trẻ cảm tưởng rằng các hành động của nó là vô giá trị, nhân cách của chính nó là ù lì và bất lực. Thế là sự nản chí và thiếu tự tin nảy sinh, bởi nếu có kẻ mạnh hơn ta ngăn ta làm điều ta định làm, ta có thể tự nhủ rằng nếu có kẻ yếu hơn thay thế vào vị trí của họ, ta có thể làm lại từ đầu. Nhưng nếu người lớn thuyết phục đứa trẻ là sự bất lực nằm bên trong nó, thì sẽ có một thứ mây mù bao phủ tâm trí nó, đem đến sự nhút nhát, một thứ lãnh đạm và một niềm sợ hãi đã trở thành cố hữu. Tất cả các cảm tưởng này tạo thành một chướng ngại nội tại mà phân tâm học mô tả là một “mặc cảm tự ti”. Nó là một trở ngại có thể vĩnh viễn trở thành một nhận thức nhục nhã về sự bất lực và thấp hèn so với kẻ khác, và điều này ngăn cản đứa trẻ tham gia vào các thử thách xã hội vẫn nảy sinh ở từng bước trong cuộc sống.

Mặc cảm tự ti này dẫn đến sự nhút nhát, rụt rè khi quyết định, bất ngờ thoái lui trước bất cứ khó khăn hay chỉ trích nào, trong biểu hiện tuyệt vọng bên ngoài với những giọt nước mắt dễ rơi theo những tình huống đau đớn như thế.

Bản chất tự nhiên của một đứa trẻ “bình thường” bộc lộ như một trong những đặc tính nổi bật của nó là sự tự tin và chắc chắn trong hành động. Khi cậu bé ở San Lorenzo bảo với các khách viếng thăm đang thất vọng rằng tuy là ngày lễ nghỉ, các em vẫn có thể mở cửa phòng học và làm việc cho dù giáo viên vắng mặt, bé cho thấy một sức mạnh hoàn hảo và cân bằng về khí chất, trẻ đã không tự phụ vào chính sức mạnh của mình mà dựa trên tri thức và sự làm chủ được nó. Cậu bé biết nó đang làm gì và hoàn tất trình tự thao tác cần thiết để có thể thực hiện hành động với sự giản dị tuyệt đối mà không hề cảm thấy việc nó đã làm là cái gì xuất chúng. Cũng theo cách đó, một cậu bé đang dùng những chữ rời để ráp với nhau thành các từ ngữ, đã không có vẻ bối rối khi vị Hoàng hậu nước Ý dừng lại trước mặt nó và yêu cầu nó đánh vần “Viva l’Italia” (“Hoan hô nước Ý” – ND). Nó lập tức đặt các chữ nó đã dùng trở lại theo đúng thứ tự trong hộp, một cách bình thản như thể nó đang ở một mình. Để tỏ lòng tôn kính vị Hoàng hậu, người ta nghĩ rằng chắc nó sẹ ngừng việc đang làm để thực hiện ngay mệnh lệnh của bà. Nhưng có một chi tiết đặc biệt không nên bỏ qua: nó đã đặt tất cả các chữ đã dùng về vị trí theo đúng trật tự của chúng, trước khi lại dùng chúng để ghép những chữ khác. Và đúng vậy, khi nó đã làm việc đó, nó mới đánh vần các chữ, “Viva l’Italia!”. Đây là một con người có khả năng hoàn toàn làm chủ các cảm xúc và hành động của nó, dù nó chỉ mới bốn tuổi, nó đã tự định hướng với sự vững vàng hoàn hảo để đối mặt với các việc xảy ra trong môi trường của nó.

Sợ hãi

Sợ hãi là một hình thức lệch lạc khác, thường được xem là đặc tính tự nhiên của tuổi thơ. Khi người ta nói đến một đứa trẻ sợ sệt, họ cho rằng nỗi sợ là hậu quả của sự xáo trộn nào đó đã bắt rễ sâu, hầu như tách biệt với các điều kiện môi trường của nó, và giống như sự nhút nhát, nó là một phần cá tính của đứa trẻ. Ta có thể nói là một số trẻ có tính dễ tuân phục bị bao trùm bởi một nỗi khắc khoải của cái sợ. Ngược lại, có những đứa khác khỏe mạnh, năng động, và thường can đảm trước nguy hiểm, nhưng cũng bộc lộ những nỗi lo sợ lạ lùng, vô lí và không cưỡng được. Những trạng thái tâm thần này có thể được diễn giải là hệ quả của những ấn tượng sâu đậm đã ghi sâu trong quá khứ, ví dụ như sợ băng qua đường, sợ mèo dưới giường, hoặc sợ khi thấy một con gà, có nghĩa là những trạng thái tương tự với những mối khiếp đảm mà khoa tâm thần đã khảo sát ở người lớn. Những hình thức lo sợ này xuất hiện một cách đặc biệt ở những đứa trẻ “bị lệ thuộc vào người lớn”, và người lớn để được trẻ vâng lời, lợi dụng trạng thái ý thức còn mơ hồ của đứa trẻ để in sâu lên nó nỗi lo sợ giả tạo đối với các sinh linh mơ hồ đang hoạt động trong bóng tối. Đây là một trong những hình thức phòng thủ độc hại nhất mà người lớn dùng đối với đứa trẻ; nó làm nỗi lo sợ tự nhiên của trẻ đối với bóng tối thêm trầm trọng và đưa vào đó những hình ảnh nhân vật khiếp đảm. Bất cứ điều gì giúp đứa trẻ tiếp xúc với thực tế và cho phép nó tiếp thu kinh nghiệm về các sự vật trong môi trường của nó, và nhờ đó thấu hiểu các sự vật ấy, đều có khuynh hướng giải phóng trẻ khỏi tình trạng xáo trộn vì lo sợ này. Trong các trường học bình thường hóa của chúng tôi, sự biến mất của các nỗi sợ hãi trong tiềm thức, hay không bộc lộ ra được, là một trong những kết quả rõ ràng nhất. Một nhà văn nổi tiếng người Tây Ban Nha (Espagna) muốn viết về một hiện tượng đã làm ông kinh ngạc như một điều đáng được phổ biến, ông có ba đứa con gái đã lớn và cô bé thứ tư đi học ở trường của chúng tôi. Bất cứ khi nào có dông bão vào buổi tối, cô bé nhất là đứa duy nhất không kinh sợ, nó sẽ đưa các chị vào phòng bố mẹ chúng, nơi các em thường đến ẩn náu trong những lúc như vậy. Sự hiện diện của bé, thông qua sự tự do khỏi các nỗi khiếp sợ huyền bí, là sự an ủi thật sự cho các đứa kia. Vì vậy, thỉnh thoảng khi sợ hãi vào ban đêm, các chị thường sang phòng cô em nhỏ để trút bỏ cảm giác lo sợ.

Một “trạng thái lo sợ” khác với nỗi sợ trỗi dậy từ một bản năng bình thường để tự bảo toàn trước nguy hiểm. Thứ lo sợ bình thường này ít thấy ở trẻ em hơn là người lớn. Điều này không chỉ đơn giản vì trẻ em ít có kinh nghiệm gặp phải nguy hiểm hơn người lớn. Ta cũng có thể nói rằng đối diện với nguy hiểm là đặc điểm phổ biến trong thời thơ ấu, và điều này chiếm tỉ lệ nhiều hơn hẳn so với người lớn. Thực tế là trẻ em tự dấn thân vào hiểm nguy thường xuyên hơn, như những đứa trẻ đuổi theo xe đang chạy trên đường, hay ở thôn quê, trẻ em leo lên cây cao nhất hoặc bò xuống các vực sâu. Chúng phóng xuống biển hay sông và thường vô tư tự học bơi. Có vô số các trường hợp nêu cao tính anh hùng của trẻ em đã cứu hay cố cứu các bạn của chúng. Tôi chỉ kể ra trường hợp của vụ hỏa hoạn ở một bệnh viện tại California, có một khu dành riêng cho các trẻ em mù. Xác các trẻ bình thường được tìm thấy, dù chúng ở khu khác trong tòa nhà, vì đã chạy sang để đưa các trẻ mù đến nơi an toàn. Trong các tổ chức cho trẻ em, như Hướng Đạo, mỗi ngày chúng ta đều biết được những tấm gương về sự anh hùng của giới trẻ.

Ta có thể thắc mắc rằng sự phục hồi phẩm chất bình thường ở trẻ có thể phát triển xu hướng anh hùng mà ta thường thấy ở trẻ em hay không? Trong thí nghiệm của chúng tôi về sự bình thường hóa, không có những pha anh hùng nào cả, trừ phi chúng tôi thỉnh thoảng chấp nhận sự bày tỏ ước vọng cao thượng nào đó, nhưng đó là một việc hoàn toàn khác với một hành động anh hùng thật sự (Có đứa bé năm tuổi khi nghe vụ động đất ở Messina, đã viết rằng “Nếu con lớn, con sẽ đi và giúp.”). Nhưng những việc thực và bình thường xảy ra trong đời sống của trẻ em ở trường của chúng tôi được xem là “sự thận trọng” giúp chúng tránh được nguy hiểm và nhờ đó sống chung được với các mối nguy hiểm, ví dụ, chúng sớm có thể sử dụng dao ở bàn hay trong nhà bếp, dùng diêm để thắp lửa hay nến, đứng một mình gần các ao hồ hay bồn chứa nước, và băng qua đường phố. Tóm lại, chúng có thể kiểm soát các hành động của mình và đồng thời kiểm soát được những cơn bốc đồng đột ngột hơn, do đó đạt được một lối sống bình thản và cao thượng hơn. Vì vậy, sự bình thường hóa không khiến chúng lăn xả vào nguy hiểm nhưng lại phát triển được một sự thận trọng cho phép chúng sống giữa các nguy hiểm, biết được những gì là nguy hiểm và khắc phục được chúng.

Nói dối

Các sai lệch về tâm lí dù bộc lộ vô số đặc tính, giống như búp và cành của một cây sum sê, đều từ cùng một bộ rễ sâu, và chính khi giải quyết các sai lệch này mà cái bí mật đơn nhất của sự bình thường hóa được tìm ra, trong khi trong tâm lí học bình thường và trong các phương pháp giáo dục đương thời chúng được xem là những khiếm khuyết riêng lẻ cần được nghiên cứu và giải quyết riêng biệt như thể chúng thật sự độc lập với nhau. Một trong những hậu quả chính đặc biệt này là nói dối. Sự dối trá là một kiểu “trang phục” che giấu tâm hồn, có rất nhiều “trang phục” khác nhau; bởi có rất nhiều kiểu nói dối khác nhau, mỗi kiểu có ý nghĩa và tầm quan trọng riêng, có những lời nói dối bình thường, có lời nói dối bệnh hoạn. Khoa tâm thần trước đây đã chú ý đến những lời nói dối không kiềm chế được trong chứng cuồng loạn tâm thần, khi lời nói dối che phủ cả linh hồn và ngôn ngữ và trở thành chất liệu của sự dối trá. Cũng chính khoa tâm thần đã lưu ý đến lời nói dối của trẻ em trong các tòa án vị thành niên, và nói chung đến lời chứng gian có thể do vô thức của trẻ làm nhân chứng. Điều thật đáng kinh ngạc là khi ta bỗng khám phá ra rằng đứa trẻ có “tâm hồn ngây thơ”, gần như đồng nghĩa với sự thật (sự thật từ miệng của sự ngây thơ), lại có thể làm chứng gian một cách hoàn toàn thành thật. Các nhà tâm lí hình sự đã để ý đến những dữ kiện đáng ngạc nhiên này và nhìn nhận rằng các trẻ này thật sự thành thật và lời nói dối của chúng là do một loại nhầm lẫn tâm thần bị thêm trầm trọng do cảm xúc ở thời điểm đó.

Thay thế sự thật bằng gian dối, dù là trạng thái kinh niên hay nhất thời, chắc chắn là điều khá khác biệt với những lời nói dối vặt của đứa trẻ cố ý tìm cách giấu mình để tự vệ có ý thức. Nhưng ở những đứa trẻ bình thường và trong đời sống thường nhật, ta cũng thấy những lời nói dối không liên quan gì đến sự tự vệ. Lời nói dối có thể là một sáng tác thật, phát sinh từ nhu cầu kể lại một cái gì hay ho, cộng với niềm thích thú được người khác tin là thật, mặc dù chuyện kể lại không nhằm ý lường gạt hay vị lợi. Nó có thể mang một hình thức nghệ thuật giống như một diễn viên hóa thân vào vai diễn của mình. Tôi có thể đưa ra một ví dự: Một hôm, vài đứa trẻ kể cho tôi nghe là khi có một nhân vật quan trọng đến ăn tối, mẹ các em đã tự tay làm thức uống với rau quả đầy vitamin bổ dưỡng, để quảng bá về lối dùng thức ăn tươi. Các em kể rằng bà đã thành công vì nước uống ngon đến nỗi người khách mời đã nói là ông sẽ dùng và nói lại với những người khác.

Câu chuyện thật chi tiết và thú vị đến nỗi tôi hỏi mẹ các em cách chế biến món nước đó. Nhưng rồi bà nói với tôi rằng bà chưa hề nghĩ đến chuyện làm món gì như vậy bao giờ. Ở đây chúng ta có một ví dụ điển hình về sự sáng tác thuần túy do trí tưởng tượng của đứa trẻ diễn dịch hoàn toàn thành lời nói dối giữa đám đông, không với mục đích nào khác ngoài sự thích thú thuần túy khi bịa ra được một câu chuyện.

Những kiểu nói dối này hầu như ngược lại với các lời nói dối nói ra vì biếng nhác, khi đứa trẻ không quan tâm đến việc phân biệt cái gì là thật. Tuy nhiên, đôi khi, nói dối có thể là sản phẩm của lí luận tinh vi. Có lần tôi biết một cậu bé sáu tuổi bị mẹ nó tạm thời gửi vào một trường nội trú. Nữ gia sư chịu trách nhiệm nhóm trẻ mà cậu bé gia nhập rất phù hợp với công tác và rất quan tâm đến cậu bé đặc biệt này. Sau một thời gian, cậu bé bắt đầu than phiền về người gia sư với mẹ, kể lể một số chi tiết chống lại bà. Cậu bé cho rằng bà ta quá khắt khe. Mẹ nó đến gặp hiệu trưởng để tìm hiểu và có được chứng cớ rằng bà giáo rất chiều chuộng và luôn yêu quý chăm sóc cậu bé. Khi bà đối chất cậu bé và hỏi tại sao cậu bé nói dối, nó trả lời, “Con không nói dối nhưng con không thể nói là hiệu trưởng khó chịu”. Dường như không phải nó thiếu can đảm buộc tội vị hiệu trưởng mà đúng hơn là nó chịu áp lực của quy ước. Còn nhiều thứ hơn có thể kể ra về sự tinh ranh của trẻ em khi phải tự thích ứng với môi trường của chúng.

Những đứa trẻ có cá tính yếu ớt và dễ sai bảo, ngược lại, nói dối theo ngẫu hứng, tùy tiện, do phản xạ tự vệ, không có suy tính kĩ lưỡng. Lời nói dối khờ khạo, không đầu đuôi, do ứng khẩu và do vậy khá dễ nhận ra đó là lời nói dối mà cha mẹ và thầy cô phản đối, nhưng họ quên rằng ý nghĩa của chúng rõ ràng và thật sự là một cách tự vệ đối với các tấn công của người lớn. Trong những trường hợp này, lời cáo buộc của người lớn đối với trẻ em thường là chúng nhu nhược, thấp kém, đáng hổ thẹn, và lời cáo buộc này là một sự thừa nhận giản đơn rằng những lời nói dối này phơi bày một kẻ thấp kém.

Nói dối vặt là một trong những hiện tượng tâm lí liên quan đến tuổi ấu thơ còn đang định hình, nhưng cùng với thời gian những hiện tượng này đã trở thành có hệ thống và chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống xã hội loài người đến nỗi chúng dường như được xem là thiết yếu, đàng hoàng, thậm chí là mĩ miều, tựa như quần áo để che thân thể.

Trong trường giúp trẻ bình thường hóa của chúng tôi, tâm hồn của đứa trẻ tháo bỏ lớp ngụy trang của tính quy ước xã hội và phơi mở sự chân thật tự nhiên của trẻ. Dẫu vậy, nói dối vặt không phải là một trong những lệch lạc có thể biến mất như có phép lạ. Nó đòi hỏi việc tái kiến tạo hơn là cải hóa. Những ý tưởng rõ ràng, thống nhất với thực tế, tự do tinh thần và một mối quan tâm năng động với những sự cao quý tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự kiến tạo lại một tâm hồn chân thật.

Nhưng nếu chúng ta phân tích đời sống xã hội, ta thấy nó được bão hòa bởi dối trá, như bởi một bầu không khí không thể nào xóa tan được mà không gây ra chấn động xáo trộn trong xã hội. Trên thực tế, nhiều đứa trẻ rời Ngôi Nhà của Trẻ đi vào các trường lớp trung cấp thông thường đã bị cho là vô lễ và bất tuân đơn giản chỉ vì chúng thành thật hơn các đứa trẻ khác nhiều và chưa phát triển một số hình thức thích ứng cần thiết. Các giáo viên của các em không nhận ra điều này. Kỉ luật và các quan hệ xã hội thật ra được tổ chức dựa trên sự dối trá và một sự chân thật xa lạ dường như làm xáo trộn cơ cấu quy ước đạo đức đã được thiết lập làm nền tảng của giáo dục.

Một trong những đóng góp sáng chói nhất của khoa phân tâm học cho lịch sử về tâm hồn của con người là sự diễn giải về các ngụy trang như là sự thích ứng của tiềm thức. Chính những hình thức ngụy trang của người lớn, chứ không phải những lời nói dối vặt của đứa trẻ, cho thấy bộ áo khủng khiếp đã cấu thành một phần của đời sống con người, giống như bộ da thú hay lông chim trong thế giới loài vật, có nghĩa là, bộ y phục che chở, bao bọc, làm đẹp và bảo vệ bộ máy sống đang hoạt động bên trong. Ngụy trang là cách giả dối để che giấu cảm xúc, là sự dối trá mà con người đã dựng lên trong chính nó, để sống, hay đúng hơn, để sống còn trong một thế giới mâu thuẫn với các cảm nghĩ tự nhiên và trong trắng của nó. Và bởi lẽ, vì không thể sống trong một tình trạng xung đột triền miên, tâm hồn phải tự thích nghi. Một trong những ngụy trang độc đáo nhất là sự giả dối của người lớn đối với đứa trẻ. Người lớn hi sinh các nhu cầu của đứa trẻ vì chính nhu cầu của họ, nhưng họ từ chối không chấp nhận sự thật này bởi lẽ điều này khó chấp nhận được. Nên họ tự thuyết phục rằng họ đang thực thi một quyền lợi tự nhiên và hành động vì lợi ích tương lai của đứa trẻ. Khi đứa trẻ tự vệ, tâm hồn của người lớn không tỉnh thức trước trạng thái đích thực của sự vật, nhưng họ xem bất cứ điều gì đứa trẻ làm để tự cứu nó là bất tuân, hay có xu hướng xấu xa. Dần dần tiếng kêu yếu ớt của sự thật và công lí bên trong người lớn biến mất và được thay thế bằng những hình thức ngụy trang rực rỡ, vững chắc và vĩnh viễn dưới dạng trách nhiệm, quyền lợi, uy quyền, thận trọng, v.v. Trái tim đã chai đá. Nó trở nên như băng đá và sáng chói như cái gì trong suốt. Mọi cái va chạm vào nó đều bị vỡ tan. “Trái tim của tôi đã thành đá: tôi đấm nó và tay tôi bị chấn thương.”[6] Đó là một ẩn dụ đẹp đẽ trong vực sâu Địa Ngục của Dante, nơi tất cả tình thương đã bị dập tắt, chỉ còn lại hận thù là băng đá. Tình thương và thù hận là hai trạng thái khác biệt của linh hồn, như nước trong trạng thái lỏng và rắn của nó. Vâng, ngụy trang này là một sự dối trá của tinh thần, giúp con người tự thích nghi với các lệch lạc có tổ chức của xã hội nhưng dần làm chai đá những gì từng là tình thương thành những hình thức hận thù.

Đây là sự dối trá đáng sợ ẩn núp trong những ngõ ngách sâu kín của tiềm thức của tâm hồn.

Hậu quả trực tiếp trên đời sống thể chất

Các sai lệch về tâm lí có rất nhiều đặc điểm, vài đặc điểm dường như thuộc về một trật tự hoàn toàn khác vì chúng ảnh hưởng đến sự hoạt động của cơ thể. Ngày nay, các nguyên nhân tâm lí của nhiều xáo trộn thể chất đã được y học khảo sát kĩ lưỡng. Tuy những khiếm khuyết cơ bản là về thể chất nhưng nguyên nhân sâu xa nằm trong lĩnh vực của tâm trí. Vài vấn đề như khó khăn về tiêu hóa, thường xảy ra ở trẻ em. Những đứa trẻ mạnh khỏe và năng động có xu hướng đói cồn cào khó kiềm chế được bằng tập luyện hay chế độ ăn uống. Các trẻ này ăn nhiều hơn cần thiết do một thôi thúc khó cưỡng thường được ta dễ dãi xem là “ăn rất ngon miệng”, mặc dù điều này có thể dẫn đến các xáo trộn về tiêu hóa và những tình trạng bị ngộ độc liên tục cần đến sự chăm sóc của bác sĩ.

Ngay từ thời xa xưa, người ta đã nhận ra một thói xấu về đạo đức trong xu hướng khó kiềm chế của cơ thể là ăn nhiều thức ăn hơn cần thiết, điều này có hại nhiều hơn tốt. Khuynh hướng này thường bộc lộ sự tạm ngừng tính nhạy cảm bình thường đối với thức ăn, sự nhạy cảm không những thúc giục ta đi tìm thức ăn mà còn giới hạn sự tiêu thụ thức ăn ở mức cần thiết. Đó là điều ta thấy ở các động vật mà sức khỏe được giao phó cho sự chỉ đạo của bản năng tự bảo tồn. Bản năng này có hai mặt, một mặt liên quan đến môi trường, sự tránh né các mối nguy hiểm, mặt kia liên quan đến chính cá thể và kiểm soát sự tiêu thụ thức ăn của nó. Các động vật có một bản năng thông thường không những hướng chúng đến đúng loại thức ăn, mà còn ấn định số lượng chúng phải ăn. Thật vậy, đây là một trong những đặc tính nổi bật của tất cả động vật. Dù chúng ăn nhiều hay ít, mỗi loài ở trạng thái tự nhiên đều tuân thủ số lượng mà thiên nhiên đã khắc ghi trong nó ở dạng bản năng.

Mặt khác, chỉ có con người mới bộc lộ thói tham ăn uống quá độ đã khiến nó không những tích lũy số lượng thức ăn quá mức mà còn tạo khuynh hướng tiêu thụ những chất thật ra là độc hại cho nó. Do đó, chúng ta có thể nói rằng sự xuất hiện của các sự chệch hướng về tâm thần dẫn đến việc làm mất đi những sự nhạy cảm có tính che chở và hướng dẫn con người về sức khỏe, ở đây, chúng ta tìm thấy bằng chứng rõ ràng của đứa trẻ bị chệch hướng đã bộc lộ ngay sự thiếu cân bằng trong thói quen ăn uống của nó. Thức ăn thu hút đứa trẻ từ bên ngoài qua dáng vẻ, chỉ được đón nhận bởi vị giác ngoại tại, nhưng yếu tố nội tại thiết yếu cho sự sống đã bị suy yếu hay mất đi. Một trong những chứng minh đáng kinh ngạc nhất ở các trường bình thường hóa của chúng tôi là sự kiện các trẻ em, khi đã thoát khỏi các sai lệch về tâm lí và đã phục hồi trạng thái bình thường, không còn các dấu hiệu của tính tham lam và ngừng thói mê ăn quá độ trước đó của chúng. Nay trẻ chú ý đến thao tác chính xác của mỗi hành động, để chúng có thể ăn với những điệu bộ thích hợp. Sự phục hồi của sự nhạy cảm thiết yếu cho sự sống gây ra một sự kinh ngạc hầu như khó tin lúc ban đầu, khi mọi người nói đến sự cải hóa của trẻ em. Vài cảnh tượng trong đời sống của trẻ trở thành đề tài của sự mô tả tỉ mỉ, để thuyết phục mọi người rằng hiện tượng này là một sự kiện có thật. Những đứa trẻ nhỏ bé, khi đến giờ có một buổi ăn đáng hưởng và trước một món ăn hấp dẫn, chúng bận rộn sắp xếp và chỉnh lại khăn ăn, nhìn các bìa sách để nhớ cách cầm và sử dụng mỗi dụng cụ trên bàn hay lo giúp đỡ một người bạn nhỏ hơn, và đôi khi chúng thật tỉ mỉ đến nỗi món ăn đã nguội trước khi ăn. Các đứa khác mặt buồn thiu vì chúng đã hi vọng được chọn để phục vụ ở bàn ăn, nhưng lại bị giao cho công việc dễ dàng nhất, đó là ngồi ăn.

Một bằng chứng ngược lại về mối liên hệ giữa các yếu tố tâm lí và thức ăn có thể tìm thấy trong một sự kiện trái ngược. Các trẻ em dễ sai bảo có sự miễn cưỡng kì lạ và thường không chế ngự được trong việc ăn uống. Nhiều người đã trải qua khó khăn trong việc cho một số trẻ ăn uống, chúng từ chối ăn đến nỗi gây ra khó khăn thật sự cho gia đình hay trường học. Hiện tượng này càng nổi bật khi xảy ra ở các viện cho trẻ em nghèo và èo uột mà người ta nghĩ rằng chúng sẽ cố ăn no bất cứ khi nào có dịp được ăn. Hiện tượng này có thể trở nên nghiêm trọng dẫn đến sự suy yếu về thể chất mà mọi nỗ lực chữa trị đều thất bại. Nhưng không nên lầm lẫn sự từ chối ăn uống này với bệnh khó tiêu, khi các cơ quan tiêu hóa đều trong tình trạng thật sự bất thường khiến trẻ ăn không thấy ngon, ở đây, đứa trẻ từ chối ăn vì nguyên do tâm lí nào đó. Trong vài trường hợp, nó bắt nguồn từ một cơ chế tự vệ chống lại các nỗ lực đút cho nó ăn, hay khi đứa trẻ bị bắt buộc ăn cho nhanh, nghĩa là theo nhịp điệu của người lớn. Đứa trẻ có nhịp điệu của riêng nó, và điều này hiện nay đã được các bác sĩ chuyên khoa nhi khẳng định, họ đã ghi nhận trẻ em không ăn hết thức ăn chúng cần cùng một lúc, nhưng sẽ ăn rất chậm và xen kẽ giữa các khoảng nghỉ dài. Điều này cũng có thể nhận thấy ở trẻ sơ sinh, trước khi bé được cai sữa. Bé ngừng bú sữa không phải vì đã no mà để nghỉ ngơi, nhịp điệu của bé không những chậm mà còn ngắt quãng. Do đó, chúng ta có thể nhận ra một động cơ tự vệ khả dĩ, như một rào cản, chống lại bạo lực đã ép buộc bé phải ăn, trái với quy luật của thiên nhiên. Tuy nhiên, có những trường hợp, không có chuyện tự vệ này. Đứa trẻ hầu như do thể chất, không muốn ăn uống. Nó xanh xao một cách vô vọng và không có cách điều trị nào, dù là ngoài trời, ánh sáng mặt trời hay không khí miền biển cũng không chữa được cho nó. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, nếu xem xét kĩ hơn, chúng ta sẽ thấy trẻ bị che khuất bởi một người lớn mà trẻ vô cùng gắn bó nhưng họ hoàn toàn chế ngự nó. Chỉ có một cách duy nhất để chữa cho đứa trẻ như vậy, đó là tách đứa trẻ khỏi ảnh hưởng này, đến một môi trường nơi trẻ sẽ được tự do và năng động về mặt tâm lí, để trẻ có thể tháo gỡ được sự ràng buộc đã làm tinh thần nó què quặt.

Để hỗ trợ cho luận điểm của chúng tôi, xin lưu ý rằng mối liên kết giữa đời sống tinh thần và hiện tượng vật chất, được xem là hầu như không liên hệ gì đến trí tuệ, ví dụ như ăn uống, đã luôn luôn được thừa nhận. Thói háu ăn được liệt vào một trong những tật xấu “làm đầu óc tối tăm”, sự chính xác của Thánh Thomas Aquinas khi chỉ ra mối liên hệ giữa tính tham ăn và các tình trạng tri thức là điểm lí thú. Ông khẳng định rằng tham ăn làm mờ óc phán đoán và làm suy yếu tri thức của con người về những thực tại có thể hiểu được. Nhưng ở đứa trẻ, ta thấy xảy ra quá trình đảo ngược; chính sự xáo trộn tâm thần sinh ra tính háu ăn. Đạo Thiên Chúa đã gắn tật xấu này với các xáo trộn về tâm linh khiến nó được xếp vào bảy tội trọng, nghĩa là, cùng hàng với những tội dẫn đến cái chết của linh hồn, đến con đường bị chặn qua sự vi phạm một số quy luật huyền bí cai quản vũ trụ. Cùng lúc, đứng trên một quan điểm khác, hoàn toàn, tân tiến và khoa học, phân tâm học gián tiếp hỗ trợ cho học thuyết của chúng tôi về sự đánh mất bản năng hướng đạo, hay sự nhạy cảm để tự bảo tồn. Tuy nhiên, khoa phân tâm học diễn giải nó theo lối khác và đề cập đến “bản-năng-hướng-đến-sự-chết”. Có nghĩa là nó nhìn thấy con người có một xu hướng tự nhiên hỗ trợ cho cái chết không tránh được, khiến nó đến dễ dàng và nhanh chóng hơn, và thậm chỉ họ còn chạy đến gặp cái chết bằng cách tự tử. Con người trở nên nghiện các chất độc như rượu, á phiện và cô-ca-in vì một thôi thúc khó cưỡng, nghĩa là họ say mê và mời gọi cái chết, thay vì bám vào sự sống và sự cứu rỗi. Nhưng có phải tất cả điều này chính xác cho thấy việc đánh mất cái mẫn cảm nội tại thiết yếu cho sự sống phải hoạt động để bảo đảm sự sinh tồn của cá thể hay không? Nếu xu hướng này phát sinh từ cái chết không tránh được, nó phải hiện hữu ở mọi sinh vật. Nhưng chúng tôi hẳn phải nói rằng mọi chệch hướng về tâm thần đưa con người vào ngõ chết và khiến nó chủ động trong việc tự hủy hoại sự sống của chính mình, và cái khuynh hướng kinh khủng này đã tự manh nha bộc lộ dưới dạng hầu như không thể nhận ra trong buổi đầu của giai đoạn sơ sinh.

Tất cả bệnh tật có lẽ mang cùng hệ số tâm lí, bởi đời sống vật chất và tinh thần của con người liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng sự bất thường trong ăn uống mở toang cánh cửa và chào đón tất cả mọi bệnh tật. Tuy nhiên, đôi khi bệnh tật chỉ là vẻ bên ngoài, với những nguyên nhân hoàn toàn có tính tâm lí, như thể nó chỉ là hình ảnh, chứ không phải là một thực tại. Khoa phân tâm học đã rọi sáng lên những trường hợp như vậy khi phải đối phó với chứng loạn thần kinh chức năng hữu cơ dẫn đến trạng thái bệnh lí. Các chứng loạn thần kinh chức năng không phải là những bệnh tật giả mà có những triệu chứng thật, thân nhiệt cao và những rối loạn thật sự về chức năng trong cơ thể đôi khi có vẻ trầm trọng. Nhưng các bệnh tật này lại thật sự không thuộc về thể chất, vì chúng nảy sinh trong tiềm thức bởi các yếu tố tâm lí có khả năng áp đảo các định luật sinh lí. Bằng bệnh tật, bản ngã có thể thoát khỏi các tình huống hay bổn phận khó chịu. Bệnh trạng kháng cự mọi sự điều trị và chỉ biến mất khi bản ngã được, giải thoát khỏi các điều kiện nó muốn trốn khỏi. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp này trong một cơ sở giáo dục về tôn giáo cho trẻ em gái, hoàn toàn đầy đủ về mặt vệ sinh, vậy mà vẫn có trẻ bị bệnh nằm ở nhà thương, vài đứa liên tục có thân nhiệt cao, khó điều trị. Các chứng bệnh này biến mất khi việc bắt buộc tham dự Thạnh lễ đầu tiên vào lúc sớm mai được xóa bỏ. Nhiều bệnh tật và thể trạng ốm yếu, như các khuyết điểm đạo đức biến mất khi trẻ được đưa vào một môi trường tự do, và được phép tham gia vào các sinh hoạt bình thường hóa. Ngày nay, nhiều bác sĩ khoa Nhi công nhận trường học của chúng tôi là “Nhà của Sức Khỏe”, nơi họ gửi gắm những trẻ có bệnh về chức năng mà họ không chữa được theo lối thông thường. Nhiều trường hợp được chữa lành đáng ngạc nhiên đã xảy ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.