Bí Ẩn Tuổi Thơ
Chương 4 NHỮNG VIỆC NGƯỜI LỚN GÂY TRỞ NGẠI
Chuyện giấc ngủ
Xung đột giữa người lớn và trẻ em bắt đầu lúc đứa trẻ đạt đến thời điểm có khả năng tự làm được nhiều việc.
Trước thời điểm đó, không ai có thể tuyệt đối cấm trẻ nhìn và nghe, có nghĩa là ngăn trẻ không được chinh phục thế giới của chúng bằng giác quan. Và người lớn nào có ý thức về sự hiện hữu của một đời sống tinh thần mãnh liệt trong trẻ sẵn sàng làm cho các điều kiện môi trường của trẻ hợp lí hơn, nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình hấp thụ thầm lặng đang diễn ra trong tâm trí đứa trẻ.
Nhưng khi đứa trẻ năng động lên, chúng đi lại, chúng sờ chạm đồ vật, lúc đó lại là một chuyện khác rồi. Người lớn, dù thật sự yêu trẻ, cũng vẫn cảm thấy có một bản năng tự vệ khó cưỡng đối với trẻ. Đó là một cảm giác vô thức sợ bị quấy rầy bởi một tạo vật thiếu lí trí, lại thêm vấn đề sở hữu khi lo các đồ vật có thể bị làm bẩn hay hư hại.
Thái độ lo âu, tự vệ phức tạp này xung đột với tình yêu vốn vẫn khiến cho người lớn tin rằng sự hiện diện của đứa trẻ đem lại cho họ nguồn vui lớn nhất và chính họ sẵn sàng hi sinh tất cả, dâng hiến tột độ cho đứa trẻ. Nhưng tới lúc này, hai trạng thái tâm lí của người lớn và đứa trẻ đã khác nhau quá nhiều, khiến cho đứa trẻ và người lớn không có khả năng sống chung trừ phi có những sự điều chỉnh cần thiết. Đây là vấn đề quan trọng về cách đối xử với trẻ ngay trong phạm vi gia đình của trẻ. Ta dễ dàng nhận thấy rằng những điều chỉnh này sẽ hoàn toàn bất lợi cho trẻ, là kẻ ở vị thế hoàn toàn thấp kém trong xã hội. Việc áp chế các hành động bất tiện của trẻ trong môi trường do người lớn ngự trị, trở nên khó tránh khỏi do người lớn không có ý thức về thái độ tự vệ của chính họ, mà chỉ có ý thức về tình yêu thương và sự tự dâng hiến quảng đại của họ. Sự ngụy trang mà Freud từng đề cập đến chính xác là từ các mối xung đột này.
Bản năng tự vệ của tiềm thức xuất hiện có ý thức dưới một dạng che giấu khác, đầu óc sở hữu khiến người lớn lo lắng bảo vệ những cái mà họ yêu thích khỏi bị đứa trẻ đụng tới bỗng trở thành “trách nhiệm dạy dỗ đứa trẻ để nó có những thói quen tốt”, và nỗi sợ hãi đối với đứa trẻ quấy phá sự bình yên của họ trở thành “nhu cầu cho trẻ ngủ nghỉ thật nhiều để bảo vệ sức khỏe của trẻ”.
Một cách đơn giản, người phụ nữ thuộc giới lao động công khai tự vệ bằng những cái tát, bằng la mắng, bằng bạo hành và bằng cách tống đứa trẻ khỏi nhà, cho nó ra ngoài đường – đan xen với những cái ôm dạt dào và những cái hôn chùn chụt tương ứng với niềm thương yêu dành cho con của người đàn bà.
Ở mức cao hơn của xã hội, nơi vài hình thức tình cảm như tình yêu, hi sinh, trách nhiệm, và tự chủ trong hành vi bên ngoài được xem là đương nhiên, thì các bản năng như thế phải được che giấu. Những bà mẹ ở những tầng lớp trên thậm chí còn sẵn sàng giải thoát bản thân khỏi con cái hơn các bà mẹ ở tầng lớp thấp trong nhân dân, bằng cách giao phó con cái cho bảo mẫu, người sẽ dẫn chúng đi dạo hay dỗ cho chúng ngủ triền miên.
Sự nhẫn nại, vẻ tốt bụng, và thậm chí sự nhún nhường của những phụ nữ tầng lớp trên này đối với các bảo mẫu mà họ thuê thật sự là một sự hiểu ngầm là họ sẽ tha thứ, sẽ chấp nhận bất cứ điều gì, miễn là khi nào đứa trẻ gây rắc rối, nó sẽ được tách ra xa cha mẹ nó và những đồ sở hữu của họ.
Và thế là khi vừa thoát khỏi sự giam cầm trong một cơ thể bất lực, và đang vui mừng hân hoan trong chiến thắng của cái Tôi, nay đang điều khiển các cơ quan hoạt động tuyệt vời – những cơ quan vận động có ý thức, đứa trẻ lại đụng đầu với một nhóm người khổng lồ đầy quyền năng đang ngăn chặn bước dấn thân của nó vào thế giới. Hoàn cảnh này khác gì sự ra đi của một dân tộc sơ khai, tìm cách tự giải phóng khỏi sự nô lệ và tiến vào những vùng đất khắc nghiệt mà chưa ai thám hiểm, như những người Do Thái dưới sự lãnh đạo của Moses (ra khỏi Ai Cập ND). Cuối cùng, khi đã bỏ lại đằng sau những cái khắc nghiệt của miền hoang vu và tìm ra ốc đảo phì nhiêu nơi họ có lẽ được sống bình yên, họ chỉ gặp thấy chiến tranh, thay vì được tiếp đón niềm nở.
Bản tính tự nhiên của con người khiến kẻ sở hữu một môi trường đã được thiết lập sẽ tự vệ chống lại kẻ xâm lăng. Điều này xảy ra rõ ràng và dữ dội ở trường hợp những kẻ có xung đột, có điều là nguồn gốc của hiện tượng như vậy lại ẩn kín bên dưới lớp tiềm thức thẳm sâu của tâm hồn con người. Và biểu hiện ban đầu, thường không ai để ý, được bộc lộ khi người lớn bảo vệ sự bình yên và tài sản của họ chống lại những kẻ xâm lăng thuộc về thế hệ mới. Nhưng bước tiến của kẻ xâm lăng không bị ngăn chặn, chúng chiến đấu một cách vô vọng, vì chúng đang đấu tranh cho sự sống của mình.
Cuộc xung đột này, trong tiềm thức, lại được ngụy trang, xảy ra giữa sự ngây thơ của đứa trẻ và tình yêu của cha mẹ nó.
Thật là thuận tiện cho người lớn khi họ nói, “Trẻ con không nên chạy lung tung, không được chạm vào những thứ của người lớn, không nên nói hay la hét, phải nằm yên thật nhiều. Nên ăn và ngủ”. Hay là quyết định rằng điều “tốt nhất” cho đứa trẻ là “nên gửi nó đi xa khỏi nhà”, thậm chí là đến ở cùng với người không hề thương yêu nó hay chẳng có quan hệ nào với gia đình của nó. Do thói quen bởi quán tính, người lớn chọn con đường dễ dãi nhất là cho đứa trẻ đi ngủ.
Có ai lại không công nhận rằng trẻ cần ngủ chứ?
Nhưng nếu đứa trẻ đang linh hoạt, lanh lợi, đầy khả năng quan sát, đứa trẻ trước hết không phải là “người ngủ”. Trẻ sẽ cần giấc ngủ bình thường, và chúng ta phải bảo đảm cho trẻ ngủ đủ. Nhưng ta cần phân biệt giữa giấc ngủ bình thường và giấc ngủ gây ra một cách giả tạo. Người lớn buộc trẻ đi ngủ nhiều hơn mức trẻ cần. Chúng ta biết một kẻ có cá tính mạnh mẽ có thể áp đặt ý muốn của mình lên kẻ có ý chí yếu hơn, và cái áp đặt đầu tiên là cho bệnh nhân đi ngủ. Và thế là người lớn theo lời góp ý dù là một cách vô thức, đã cho trẻ đi ngủ.
Các bà mẹ thất học công khai cho con cái uống các liều thuốc ngủ; nông dân biết pha chế những hỗn hợp với ngọn hoa anh túc để làm cho các bé ngủ lâu. Nhưng ngoài điều này ra, chúng ta có thể nói rằng người lớn nói chung, có văn hóa hay không văn hóa, ngay cả giới chuyên môn về nuôi trẻ, như các bảo mẫu, cũng đồng ý buộc các sinh linh sống này phải ngủ trong khi thiên nhiên lại muốn đánh thức chúng. Không chỉ các trẻ mới vài tháng tuổi mà thậm chí trẻ hai, ba, hay bốn tuổi, đều bị buộc đi ngủ nhiều hơn chúng cần. Trong trường hợp sau, điều này không áp dụng cho con cái của thường dân. Chúng rong chơi cả ngày ngoài đường, để mẹ chúng không phải lo nghĩ, và do đó chúng không bị mối nguy hiểm này. Như ta biết rõ, trẻ em trong những gia đình nghèo ít nhút nhát cáu bẳn hơn những trẻ xuất thân từ các gia đình khá giả hơn trong xã hội. Vậy mà người ta cứ khăng khăng rằng “ngủ lâu” là cần thiết cho sức khỏe của trẻ em, như ăn uống và không khí trong lành; họ chỉ quan tâm đến cái ta gọi là đời sống thực vật của đứa trẻ. Tôi nhớ một bé bảy tuổi thổ lộ với tôi rằng bé chưa bao giờ nhìn thấy các ngôi sao vì cha mẹ luôn cho bé đi ngủ trước khi trời tối. Bé nói với tôi “Con muốn dù chỉ một đêm thôi được lên đỉnh một ngọn núi và duỗi mình trên mặt đất để nhìn các vì sao”. Nhiều cha mẹ khoe khoang rằng con họ thường đi ngủ sớm đến nỗi họ hoàn toàn tự do đi ra ngoài vào buổi tối.
Giường chuẩn bị cho trẻ em, một khi chúng có thể chạy nhảy, là cái gì khá đặc biệt, chúng không giống cái nôi đẹp đẽ và mềm mại, cũng không giống như giường người lớn, giường trẻ em đơn giản phải là để trẻ em có thể ngủ thoải mái. Cái giường có song của trẻ là một cũi tù độc địa được tạo ra cho sinh vật đang tranh đấu cho sự hiện hữu tinh thần ấy. Trong đó, trẻ là người tù, và cái lồng sắt nơi bé được đặt xuống ngoài ý muốn, vừa là một thực tại, vừa là một biểu tượng. Bé là người tù của nền văn minh xây đắp lên bởi người lớn vì sự tiện lợi cho người lớn; và dường như ngày càng gò bó và chừa ít chỗ cho sự tự do của bé. Xung quanh đứa trẻ, chỉ có nhà tù và sự trống rỗng.
Cái giường có song là một cái lồng có chân cao, để người lớn có thể bồng bế em bé mà không cần cúi xuống, và họ có thể để bé một mình, an toàn, ở trong đó dù bé có khóc thì cũng chẳng hề hấn gì, căn phòng tối tăm để không ánh sáng nào, ngay cả ánh sáng bình minh cũng không chiếu được vào và đánh thức bé. Đứa bé phải đi ngủ sớm ban đêm để cha mẹ được tự do, và bé phải ngủ dậy trễ buổi sáng để người lớn được ngủ đủ vì họ lên giường muộn.
Một trong những trợ giúp đầu tiên cho sự phát triển tâm lí của trẻ nên là cải tiến cái giường của trẻ và bỏ thói quen ép trẻ ngủ giấc dài không tự nhiên. Trẻ nên được phép đi ngủ khi buồn ngủ, và thức giấc khi đã ngủ đủ, và thích dậy sớm lúc nào thì dậy lúc ấy. Do đó chúng tôi có lời khuyên – và nhiều gia đình đã làm theo – rằng nên vứt cái giường cũ có song của trẻ, và thay vào đó, nến có một chiếc giường rất thấp, nơi trẻ có thể nằm xuống và đứng lên khi trẻ muốn. Sự sửa đổi nhỏ đơn giản này sẽ giải quyết được nhiều khó khăn tưởng chừng như không có giải pháp. Một cái giường nhỏ, thấp, gần như trên sàn nhà, rất tiết kiệm, như tất cả các cuộc cải thiện, sẽ hỗ trợ cho trẻ trong đời sống tâm trí, bởi trẻ cần những vật đơn giản xung quanh nó; không nên sử dụng những món đồ phức tạp bất lợi cho trẻ. Trong nhiều gia đình, sự cải thiện này được thực hiện bằng cách đặt một tấm đệm nhỏ trên sàn, trên một tấm thảm to và mềm, để trẻ có thể lên giường theo ý muốn, vui vẻ đi ngủ vào buổi tối và thức dậy vào buổi sáng mà không đánh thức làm phiền ai. Nhiều ví dụ cho thấy sự sai lầm trầm trọng khi muốn sắp đặt trật tự cho đời sống của một đứa trẻ, và cách thức của người lớn, vì lo lắng muốn làm điều tốt cho trẻ, thực ra lại đi ngược nhu cầu của nó và bị thúc đẩy một cách vô thức bởi một bản năng phòng thủ có thể dễ dàng vượt qua.
Từ những điều này mà người lớn nên thử diễn giải các nhu cầu của trẻ để có thể đáp ứng tốt nhất bằng cách chuẩn bị một môi trường thật sự thích hợp. Đây có thể là khởi nguyên cho một thời đại giáo dục mới, sẽ chú trọng đến cách trợ giúp cho đời sống của đứa trẻ. Chúng ta phải từ bỏ tư tưởng rằng đứa trẻ là một món đồ để bế lên và mang đi bất cứ nơi nào khi nó còn nhỏ, và khi nó lớn hơn, nó chỉ có việc vâng lời và bắt chước người lớn. Tư tưởng này là một trở ngại khó vượt qua đối với bất cứ nỗ lực nào để làm cho đời sống của đứa trẻ hợp lí hơn. Người lớn phải nhìn nhận rằng họ đóng vai trò thứ yếu, họ phải cố gắng làm tất cả để hiểu trẻ, phải đi theo và giúp trẻ trong sự phát triển đời sống của nó. Đây phải là mục tiêu và là niềm khao khát của người mẹ và người thầy.
Nếu phải hỗ trợ sự phát triển nhân cách của đứa trẻ, bởi trẻ là kẻ yếu hơn, người lớn với cá tính mạnh hơn phải tự xem xét mình và đi theo sự dẫn đắt của đứa trẻ, người lớn phải cảm thấy hãnh diện vì họ có thể hiểu và theo chân đứa trẻ.
Vui bước chân đi
Nhiệm vụ của người lớn phải tương đồng với nhu cầu của sinh vật chưa trưởng thành do họ chăm nom, phải tự điều chỉnh theo các điều thiết yếu của nó và phải từ bỏ cách hành động riêng của mình.
Những động vật cấp cao hơn đã hành động như thế theo bản năng và chúng điều chỉnh bản thân theo các nhu cầu của con non. Không có gì thú vị hơn cảnh voi con được mẹ dẫn đến với bầy. Cả đám thú to lớn chậm bước chân theo nhịp chân của con nhỏ, và khi nó mệt và dừng lại, tất cả chúng cũng dừng theo.
Ý tưởng hi sinh tương tự cho đứa trẻ cũng được thấy ở một số hình thái văn minh. Tôi có lần đã quan sát và đi theo một ông bố người Nhật dẫn con trai nhỏ, khoảng một tuổi rưỡi, đi dạo. Bỗng đứa trẻ vòng tay ôm chân bố. Người đàn ông đứng yên và để đứa bé xoay tròn quanh cái chân nó đã chọn cho trò chơi. Khi bé chơi chán rồi, hai người lại tiếp tục chậm rãi đi dạo. Sau một lúc đứa trẻ ngồi xuống lề đường, còn ông bố đứng im bên cạnh, khuôn mặt ông nghiêm nghị, nhưng hoàn toàn tự nhiên, ông ta không làm gì khác thường. Đơn giản chỉ là một ông bố dắt đứa con nhỏ đi dạo.
Đây là kiểu đi ra ngoài thích hợp nhất cho trẻ, giúp trẻ có thể tập luyện thao tác cần thiết cho bước đi ở thời điểm khi cơ thể của nó cần thiết lập một số động tác phối hợp khác nhau để giữ thăng bằng. Chúng ta phải nhận thức được sự khó khăn lớn lao, chỉ dành riêng cho con người, trong việc đi đứng thẳng chỉ trên đôi chân của mình. Dù tứ chi của cơ thể con người cũng tương ứng với tứ chi của các động vật có vú khác, con người phải đi trên hai chân thay vì bốn chân. Ngay loài khỉ cũng có cánh tay dài để chúng có thể cho một tay nghỉ trên mặt đất khi bước đi. Chỉ có con người là giao phó cả công việc đi với thăng bằng cho hai chân, thay vì bước đi có điểm tựa. Khi động vật có vú bước đi, chúng nhấc hai chân, theo đường chéo, để cơ thể của chúng luôn có hai điểm tựa, nhưng khi con người bước đi, đầu tiên nó đặt trọng lượng cơ thể lên một chân và tiếp đó lên chân còn lại. Thiên nhiên đã giải quyết sự khó khăn theo hai cách, một cách theo bản năng, cách kia theo nỗ lực tự nguyện của cá nhân. Đứa trẻ không phát triển năng lực đi thẳng đứng bằng cách ngồi chờ điều đó xảy ra, mà bằng cách bước đi. Bước đi đầu tiên của trẻ, được cha mẹ chào đón với sự vui mừng, đúng là sự chinh phục của tự nhiên và hầu như là sự ra đời của con người năng động, thay cho con người bất động, bất lực, và đối với đứa trẻ, một cuộc sống mới bắt đầu. Trong sinh lí học, sự xuất hiện của chức năng mới này là một trong những thử thách chính trong sự phát triển bình thường của trẻ. Nhưng sau đó, chính sự luyện tập mới quan trọng. Đạt được thăng bằng và một dáng đi vững vàng là kết quả của sự luyện tập lâu dài và do đó, của nỗ lực cá nhân. Ta biết đứa trẻ bắt đầu bước đi với một động lực không thể cưỡng cùng với sự can đảm. Trẻ gan dạ và thậm chí liều lĩnh, giống như một chiến binh thực thụ, lao đến chiến thắng bất kể hiểm nguy. Vì lí do đó, người lớn tạo quanh trẻ những sự bảo vệ gây quá nhiều hạn chế và trở ngại, nó bị giam vào lồng chơi, cài vào xe đẩy, để đưa ra ngoài chơi mặc dù chân nó đã cứng cáp.
Điều này là do bước chân của đứa trẻ ngắn hơn bước chân của người lớn nhiều, và nó ít khả năng chịu được những cuộc đi dạo dài. Và người lớn không chịu giảm tốc độ của mình. Thậm chí khi người lớn là một bảo mẫu – có nghĩa là người đã chuyên và tự hiến mình duy nhất cho việc chăm sóc trẻ – chính đứa trẻ phải tự thích ứng theo lối của bảo mẫu, chứ không phải bảo mẫu tự điều chỉnh theo trẻ. Người bảo mẫu sẽ đi theo tốc độ của mình, đẩy xe, trong đó đứa bé ngồi tựa như một trái cây xinh đẹp được đưa ra chợ. Chỉ khi cô ấy đến nơi định đến, có lẽ là một công viên đẹp, cô ấy sẽ ngồi xuống và nhấc đứa trẻ ra khỏi xe, và cho phép bé chơi dưới cặp mắt canh chừng của cô. Trong toàn bộ câu chuyện này, người ta chỉ quan tâm đến cơ thể của đứa trẻ, đời sống “thực vật” của nó phải được che chắn khỏi bất cứ nguy hiểm nào từ bên ngoài, không ai chú trọng đến những nhu cầu cơ bản và mang tính xây dựng của đời sống tâm trí của trẻ.
Đứa trẻ ở giữa độ một tuổi rưỡi và hai tuổi thật sự có thể đi bộ nhiều dặm và leo trèo những nơi khó đi như bờ dốc hay cầu thang. Nhưng trẻ đi bộ với mục tiêu hoàn toàn khác với chúng ta. Người lớn đi bộ để đến một mục tiêu bên ngoài và cứ thế mà thẳng tiến đến đó. Hơn nữa, họ có nhịp bước riêng khiến họ đi tới đích một cách máy móc. Đứa trẻ nhỏ bước đi để phát triển các năng lực của nó, trẻ đang xây dựng nên chính bản thân nó. Trẻ bước chậm chạp, nó không bước theo nhịp hay có một mục tiêu. Nếu người lớn có giúp được gì, họ phải từ bỏ nhịp điệu và mục tiêu riêng của chính mình.
Tôi từng biết một cặp vợ chồng trẻ ở Naples có đứa con nhỏ nhất mười tám tháng tuổi. Mùa hè, để đến bãi biển, họ phải đi bộ gần một dặm đường dốc xuống chân đồi, gần như hoàn toàn không thể vượt qua bằng phương tiện nào khác. Đôi vợ chồng trẻ muốn con theo cùng, nhưng bế nó trên tay thì quá mệt. Đứa bé tự giải quyết khó khăn bằng cách tỏ ra là nó có thể đi bộ suốt cả đoạn đường. Thỉnh thoảng bé dừng lại để ngắm một bông hoa, hoặc ngồi xuống cỏ đồng nội, hay đứng nhìn một con vật. Có một lần bé đứng yên gần mười lăm phút chăm chú nhìn một con lừa đang ăn cỏ. Và như thế, mỗi ngày, em bé này đi xuống và đi lên đoạn đường dài và khó khăn mà không mỏi mệt.
Ở Tây Ban Nha, tôi được biết hai đứa bé khoảng hai và ba tuổi có thể đi bộ hơn một dặm. Nhiều đứa bé khác có thể đi hơn một giờ lên và xuống các cầu thang dốc với những bậc thang rất hẹp.
Nói về chuyện cầu thang, tôi được nhắc rằng đây cũng là một cái cớ để các bà mẹ hay âu lo mắng con mình “nghịch ngợm”. Một phụ nữ từng hỏi tôi về những cơn nóng giận của cô con gái nhỏ chỉ mới biết đi. Hễ nhìn thấy cầu thang, là bé kêu gào, và khi có người bế bé lên hay xuống cầu thang, bé trở nên gần như điên cuồng. Mẹ của bé nghĩ rằng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì không có lí do gì để bé khóc và chống cự chỉ bởi được bế lên bế xuống cầu thang. Nhưng rõ ràng là đứa bé chỉ muốn tự mình leo lên leo xuống cầu thang. Đối với bé, nơi này dường như là nơi hấp dẫn nhất, với nhiều chỗ để tay nắm và có nhiều chiếc ghế nhỏ (bậc thang), hấp dẫn hơn là đi trên các cánh đồng, nơi chân bé bị lún vào đám cỏ và tay không có gì để nắm. Nhưng các cánh đồng là nơi duy nhất bé được phép đi lang thang mà không bị bế trong tay người lớn hay bị nhốt vào trong một xe đẩy.
Thật dễ để ý đến cách trẻ em muốn đi và chạy; và thấy vì sao những bậc thang ở ngoài luôn đầy trẻ con đi lên đi xuống, ngồi xuống, đứng dậy, và tuột xuống. Khả năng tìm ra lối đi giữa các chướng ngại, tránh các nguy hiểm, chạy, hay thậm chí bám theo chiếc xe đang chạy, cho thấy một tiềm năng khác xa sự chậm chạp của một đứa trẻ nhút nhát, cuối cùng thành đứa trẻ lười biếng của tầng lớp thượng lưu. Không đứa trẻ nào được giúp đỡ trong sự phát triển của nó; đứa thì bị bỏ mặc trong môi trường không thích hợp và nguy hiểm nơi người lớn sinh sống, đứa khác thì, nhằm bảo vệ nó khỏi môi trường nguy hiểm này, đã bị kiềm chế và rào ngăn che chắn bởi những chướng ngại.
Đứa trẻ tranh đấu để xây dựng nên con người trong nó giống như Đấng cứu Thế, mà tiên tri đã nói rằng Ngài “không có nơi nào để gối đầu hay đặt chân”.
Bàn tay và não bộ
Thật thú vi khi ghi nhận rằng hai cột mốc mà sinh lí học xem là dấu hiệu của sự phát triển bình thường của một đứa trẻ lại liên quan đến sự vận động. Chúng khởi đầu cho bước đi và tiếng nói. Do đó, khoa học đã xem hai chức năng vận động này là một dạng số tử vi có thể đọc được tương lai của con người; bởi thật ra, hai biểu hiện phức tạp này cho thấy kẻ-sẽ-là-người đã đạt được chiến thắng đầu tiên của cái Tôi của nó đối với các công cụ biểu đạt và hoạt động của nó. Ngôn ngữ là một đặc tính riêng biệt của con người, vì nó diễn tả tư duy, còn bước đi là một hoạt động có chung trong các động vật. Động vật khác với thực vật ở chỗ nó có thể tự di chuyển. Và khi sự vận động này được giao phó cho các chi chuyên biệt, bước đi trở thành một đặc tính cơ bản. Tuy nhiên, ở con người, mặc dù khả năng di chuyển cơ thể của nó trong không gian lớn đến mức nó xâm chiếm cả trái đất, bước đi không phải là vận động đặc thù của loài thông minh.
Thay vào đó, những “đặc tính vận động” gắn kết với trí tuệ của con người là những chuyển động của cơ quan phát âm và của bàn tay phục vụ cho trí tuệ để hình thành một ý tưởng. Ta biết những vết tích đầu tiên của con người thời tiền sử được suy ra từ những hòn đá được đẽo gọt và mài láng, những dụng cụ đầu tiên của con người, vậy đó chính là đặc tính đánh dấu một thời kì mới trong lịch sử sinh học của những sinh vật sống. Chính cái ngôn ngữ xuất hiện như một tài liệu về quá khứ của con người, khi từ những âm thanh tan biến đi trong không khí, nó đã trở thành cái gì đó mà bàn tay con người khắc ghi trên đá. Hình thái của cơ thể và thành tựu trong bước đi được đánh dấu đặc trưng bởi sự giải phóng này của bàn tay, bởi sự chuyên hóa của hai chi trên cho những chức năng khác hơn là các chức năng dành riêng cho sự vận động, khiến chúng trở thành cơ quan thừa hành của trí tuệ. Do đó mà trong sự tiến hóa của các sinh vật sống, con người chiếm lĩnh một vị trí mới, biểu thị sự thống nhất về chức năng của tâm thức và sự vận động của nó.
Bàn tay là cơ quan tinh tế và phức tạp về cấu trúc, cho phép tư duy không chỉ biểu lộ, mà còn đi vào các mối quan hệ đặc biệt với môi trường của nó. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng con người “sở hữu môi trường của mình bằng đôi tay” và dùng trí tuệ của mình để biến đổi môi trường, do vậy mà hoàn thành sứ mệnh trên sân khấu vĩ đại của vũ trụ.
Vì vậy, sẽ là hợp lí nếu chúng ta muốn đánh giá sự phát triển tâm lí của một đứa trẻ, muốn xét đến các bước đầu tiên của cái ta gọi là hai dạng vận động do trí tuệ gợi hứng, đó là sự xuất hiện của tiếng nói và sự xuất hiện của hoạt động ở đôi tay, coi đó như là ước vọng lao động của con người.
Do bản năng ở tiềm thức, con người luôn liên kết hai dạng biểu hiện vận động của tư duy đặc trưng ở loài người và thấy được tầm quan trọng của chúng, nhưng chỉ mới thấy trong một số biểu tượng gắn với đời sống xã hội của người lớn. Chẳng hạn, khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ thốt lên vài lời và nắm tay nhau. Đồng ý cưới còn được diễn tả là “trao lời hẹn ước” và xin cưới một phụ nữ là “xin bàn tay” của cô. Khi tuyên thệ, người ta thốt ra một lời và làm một cử chỉ. Trong bất cứ nghi thức nào có sự thể hiện mạnh mẽ của cái Tôi, bàn tay đều có vai trò của nó. Để chối bỏ tất cả trách nhiệm bản thân (về cái chết của Đức Giêsu), Pilate tuyên bố trong một câu có tính nghi thức rằng ông ta đã rửa tay của mình và đồng thời thực sự rửa tay trước đám đông. Trước khi bước vào phần long trọng nhất của chức năng thiêng liêng, vị linh mục công giáo trong Thánh Lễ tuyên bố rằng ông sẽ rửa tay, “Tôi sẽ rửa tay trước người vô tội”, và rửa tay trong một chậu nước nhỏ, mặc dù tay ông không những đã rửa mà còn được làm cho tinh khiết trước khi bước đến bàn thờ.
Tất cả điều này cho thấy trong tiềm thức của nhân loại, đôi tay được xem là biểu hiện của cái “Tôi” nội tại. Chúng ta có thể nghĩ đến điều gì thiêng liêng và tuyệt vời hơn sự phát triển của “cử động cơ bản đặc thù của con người” này ở đứa trẻ? Không gì đánh thức được sự mong đợi long trọng hơn thế.
Động tác vươn ra đầu tiên của đôi tay bé nhỏ hướng tới những vật bên ngoài, động lực thúc đẩy cử động biểu thị nỗ lực đi vào thế giới của bản ngã phải khiến người quan sát đã trưởng thành thán phục và tôn kính. Nhưng thay vào đó, con người lại lo sợ đôi tay bé xíu đang vươn tới những thứ không có giá trị hay vô nghĩa trong tầm tay của chúng; họ cố bảo vệ các món đồ đó khỏi tay trẻ. Người lớn luôn miệng nói “Đừng sờ vào!”, luôn lặp lại, “Ngồi yên nào! Im lặng nào!”. Và trong mối lo âu này, trong vực sâu tối tăm của tiềm thức, người lớn tổ chức một sự tự vệ và kêu gọi sự trợ giúp của những người lớn khác, cứ như thể họ phải bí mật chiến đấu chống lại một quyền lực đang đe dọa tiện nghi và của cải của họ.
Để nhìn thấy, để nghe được, nghĩa là để tiếp thu những yếu tố cần thiết từ môi trường xung quanh, hầu xây nên chất liệu tư duy đầu tiên của mình, đứa trẻ phải có thể chiếm hữu chúng, “nắm bắt” được chúng. Nay đứa trẻ phải vận động theo hướng xây dựng, sử dụng đôi tay để làm việc, trẻ cần có những vật bên ngoài mà nó có thể tiếp cận, có nghĩa là các “động cơ hoạt động” mà trẻ cần phải có trong môi trường của nó. Nhưng trong vòng vây của gia đình, nhu cầu này đã bị sao nhãng. Những đồ vật xung quanh trẻ thuộc về người lớn và chỉ dành cho họ sử dụng, chúng là điều cấm kị đối với trẻ. Mệnh lệnh “Đừng đụng vào!” là câu trả lời duy nhất cho vấn đề sinh tử của sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ sờ đến vật đã bị cấm, nó bị phạt và la mắng. Nếu đứa trẻ thành công trong việc cầm nắm một vật gì, trẻ giống như chó cún con đói khát mang một khúc xương đến một góc để gặm nhấm, cố tìm kiếm chút chất dinh dưỡng, dù là không đủ, trước khi bị xua đuổi.
Nay sự vận động của trẻ không còn do ngẫu nhiên nữa. Trẻ đang tạo ra sự phối hợp cần thiết cho vận động có tổ chức, dưới sự chỉ đạo từ bên trong của bản ngã. Bản ngã của trẻ, làm công việc tổ chức và điều hợp, thống nhất tâm thức nội tại và các cơ quan biểu hiện của nó nhờ các kinh nghiệm bổ sung liên tục. Do vậy, điều quan trọng là chính trẻ khi hành động tự phát phải chọn lựa và thực hiện hành động của mình. Vận động hình thành nhân cách này có những tính chất đặc biệt, nó không phải là kết quả do may rủi hay những động lực ngẫu nhiên. Đứa trẻ không đơn thuần chạy, nhảy, cầm mọi thứ không có mục đích, hay dời chúng đi để gây ra xáo trộn hoặc phá hoại chúng, vận động có tính xây dựng của trẻ tìm cảm hứng trong các hoạt động mà trẻ thấy người khác làm. Những hành động trẻ cố bắt chước luôn là những việc liên quan đến cách vận dụng hay sử dụng một vật mà trẻ cố dùng để thực hiện những hành động mà nó thấy người lớn đã làm. Do vậy, những hoạt động này được liên kết với những cách sử dụng môi trường khác nhau trong gia đình và xã hội. Đứa trẻ sẽ muốn quét nhà, rửa bát, giặt đồ, đổ nước, tự tắm rửa, tự mặc quần áo, và chải đầu. Bởi đây là một điều phổ quát, nó đã được gọi là “sự bắt chước”: đứa trẻ làm cái đã thấy người ta làm. Nhưng có một khác biệt giữa cái trẻ làm và hành động bắt chước trực tiếp của một con khỉ. Những vận động có tính định hình của trẻ bắt nguồn từ một cấu trúc tâm linh, được xây trên sự hiểu biết. Đời sống tâm thần của trẻ phải chỉ đạo các vận động của nó, luôn luôn hiện hữu trước các vận động được liên kết với nó. Khi đứa trẻ muốn làm điều gì, trẻ biết trước đó là cái gì; trẻ muốn làm cái nó biết, tức là cái nó đã thấy người ta làm. Chúng ta có thể nói rằng, về mặt phát triển tiếng nói, tình hình có lẽ cũng tương tự. Trẻ hấp thụ lời nói nó nghe thấy ở xung quanh, và khi trẻ nói một từ, nó nói vì nó đã học được khi nghe từ đó và giữ nó trong trí nhớ. Trẻ dùng nó theo nhu cầu lúc đó. Tri thức và việc sử dụng của một từ mà trẻ đã nghe không phải là bắt chước giống con vẹt. Trẻ không đơn thuần bắt chước một âm thanh mà sử dụng tri thức đã có và đã lưu trữ. Sự bắt chước của trẻ không hẳn là bắt chước ngay lập tức, nhưng là cái gì đã được quan sát, lưu trữ, là tri thức đã được lĩnh hội. Sự lặp lại lời nói là một hành vi đặc biệt. Sự phân biệt này rất quan trọng vì một mặt nó chiếu rọi ánh sáng lên các mối quan hệ giữa người lớn và đứa trẻ, mặt khác nó cho phép chúng ta có được sự thấu hiểu sâu sắc về các hoạt động của trẻ.
Hoạt động có mục đích
Trước khi đứa trẻ có thể thực hiện được các hành động theo một động cơ rõ ràng hợp lí như những điều trẻ thấy người lớn làm, trẻ bắt đầu hành động cho những mục tiêu của chính mình, sử dụng các vật cho những mục đích thường là khó hiểu đối với người lớn. Điều này thường xảy ra với trẻ ở độ một tuổi rưỡi đến ba tuổi. Chẳng hạn, có lần, tôi từng thấy một bé một tuổi rưỡi tìm thấy một xấp khăn ăn vừa được ủi xong và xếp gọn gàng, từng cái chồng lên nhau. Đứa bé lấy một trong những cái đã xếp, cầm nó một cách vô cùng cẩn thận và đặt một tay bên dưới để khăn không bị bung ra và mang nó đi theo hướng chéo ngang phòng đến góc đối diện, nơi bé đặt nó xuống sàn nhà rồi nói, “Một”. Sau đó bé trở lại chỗ cũ – một dấu hiệu cho thấy bé được chỉ đạo bởi sự nhạy cảm đặc biệt nào đó về phương hướng. Bé lấy cái khăn thứ hai theo cách tương tự, mang nó theo lộ trình cũ, và đặt nó lên trên cái khăn đầu tiên đã ở trên sàn, và lại nói, “Một”. Bé lặp lại công việc này cho đến khi đã mang cả chồng khăn ăn đến góc phòng. Sau đó, cũng theo quá trình như vậy, bé mang tất cả khăn lần lượt trở lại vị trí ban đầu. Mặc dù xấp khăn ăn không còn trong tình trạng gọn gàng như lúc người hầu đã đặt trước đây, chúng vẫn được xếp khá ngay ngắn, và chồng khăn dù trông hơi xấu đi, vẫn không thể xem là bị phá tung. May mắn cho bé là không ai trong gia đình có mặt trong suốt quá trình thao tác rất lâu này. Trẻ nhỏ thường hay được nghe người lớn la hét ở sau lưng, “Dừng lại! Để cái đó xuống!”. Và bao nhiêu lần, những đôi tay nhỏ bé này, đáng lẽ phải được tôn thờ, lại bị đánh khẽ để chúng học cách không được sờ vào đồ vật gì!
Một công việc “cơ bản” khác hấp dẫn trẻ là vặn nắp chai ra rồi lại vặn vào, đặc biệt nếu nắp chai là thủy tinh dạng lăng kính, phản chiếu màu sắc của cầu vồng, như nắp của một chai dầu thơm. Vặn ra rồi vặn vào nắp chai dường như là một trong những động tác cơ bản được trẻ yêu thích; một hoạt động yêu thích khác là nâng lên và hạ xuống nắp đậy của hộp đựng bút hoặc nắp của một cái hộp lớn, hay thậm chí là việc mở và đóng cửa tủ, và không cần nói rằng xung đột sẽ xảy ra thường xuyên giữa trẻ và người lớn xung quanh những vật quá hấp dẫn, vô cùng cấm kị vì chúng thuộc về bàn trang điểm của mẹ hay bàn viết của cha, hoặc đồ nội thất của phòng khách, và hậu quả thường xuyến là “sự ngỗ nghịch”. Nhưng đứa trẻ không muốn một cái chai hay cái hộp đựng bút riêng biệt đó, trẻ sẽ thỏa mãn với những vật được làm cho trẻ, để trẻ được phép luyện tập những động tác như vậy.
Những hành động này và hành động tương tự là những hành động cơ bản không có mục đích hợp lí, và có thể được xem là những bước dò dẫm đầu tiên của con người với tư cách là người lao động. Chính trong giai đoạn chuẩn bị này mà chúng tôi đã hình dung ra một số học cụ cho những trẻ rất nhỏ sử dụng, chẳng hạn như những tấm inset (mảnh lồng ghép có dạng hình học khác nhau, thường bằng kim loại – ND) được ưa chuộng khắp nơi.
Ý tưởng để trẻ tự do hành động là điều dễ hiểu, nhưng việc thực hành gặp phải nhiều trở ngại phức tạp đã ăn sâu trong tư duy của người lớn. Nhiều khi người lớn có ý để trẻ được tự do sờ mó và di chuyển đồ vật nhưng lại không cưỡng nổi những động cơ mơ hồ rốt cuộc sẽ thống lĩnh họ. Một bà mẹ trẻ ở New York, tán thành các ý tưởng này, mong được áp dụng chúng cho đứa con trai xinh xắn hai tuổi rưỡi của mình. Ngày nọ, bà thấy bé mang một ca đựng đầy nước từ phòng ngủ vào phòng khách, chẳng biết để làm gì. Bà chú ý đến vẻ căng thẳng của bé, sự cố gắng ở mỗi bước đi của bé, miệng luôn lẩm bẩm, “Cẩn thận! cẩn thận!”. Cái ca nước thì nặng, và thế rồi bà mẹ không cưỡng lại nổi ý định giúp bé, nên bà lấy ca nước từ tay bé và mang nó tới nơi bé định mang đến, cậu bé khóc lóc và cảm thấy bị nhục, còn bà mẹ thì buồn rầu vì nghĩ mình đã gây đau đớn cho bé. Bà tự bào chữa nói rằng dù biết bé bị thôi thúc bởi nhu cầu nội tại nào đó, song bà cảm thấy không thể để con phải vất vả và phải mất quá nhiều thời gian để làm điều mà bà có thể làm cho bé ngay lúc đó.
“Tôi biết mình sai”, bà nói với tôi, xin tôi tư vấn, như thể bà là bệnh nhân hỏi bác sĩ cách điều trị.
Tôi suy ngẫm về khía cạnh khác của vấn đề, về cái bản năng bảo vệ các vật khỏi tay trẻ, cái cảm giác gần như “tính bủn xỉn” đối với trẻ. Tôi hỏi bà ấy, “Cô có đồ sứ nào hiếm không, vài cái tách chẳng hạn, thật quý giá? Để bé mang một trong số những cái tách nhẹ này và xem điều gì xảy ra”. Người phụ nữ theo lời khuyên của tôi, và kể rằng sau khi con trai cô mang những cái tách với sự cẩn thận và chú ý, nó dừng ở mỗi bước đi, cho đến khi đặt chúng an toàn ở đích đến. Người mẹ bị giằng xé giữa hai cảm xúc, nỗi vui mừng khi thấy con đang làm việc và nỗi lo lắng về mấy chiếc tách. Hai cảm xúc đối trọng nhau nên bà có thể tự để mình cho phép con thực hiện công việc đang mê hoặc hấp dẫn bé và có vẻ cần thiết cho sức khỏe tâm thần của bé.
Một dịp khác tôi đưa cho một bé gái một tuổi rưỡi miếng giẻ lau, đó là niềm thích thú cho bé khi nó ngồi xuống và lau bụi làm nhiều vật sáng bóng lên. Nhưng trong lòng người mẹ của bé thì có một thứ ức chế không cho phép bà đưa cho đứa trẻ một vật có vẻ vô dụng và quá xa lạ với những quy tắc vệ sinh mà đứa bé đã học.
Những biểu hiện đầu tiên của bản năng lao động làm chấn động sâu sắc bất cứ người lớn nào đã nhận thức ra tầm quan trọng của vấn đề này. Họ thấy phải khước từ hì sinh vô số điều, như thể nhân cách họ bị hạ nhục, phải từ bỏ môi trường của họ, nhưng điều này không tương thích nổi với đời sống xã hội hiện hành. Trong môi trường của người lớn, đứa trẻ chắc chắn là kẻ dư thừa của xã hội. Thế nhưng, nếu chỉ đơn thuần loại trừ đứa trẻ, như họ vẫn làm từ trước đến nay, thì lại có nghĩa là đè nén sự phát triển của trẻ, như thể đứa trẻ đã bị kết án sẵn là phải chịu trở thành kẻ ngu ngốc.
Giải pháp cho xung đột này nằm trong việc chuẩn bị một môi trường thích hợp cho những biểu hiện cao hơn của đứa trẻ. Khi đứa trẻ thốt ra từ đầu tiên, thì không cần chuẩn bị bất cứ điều gì, và ngôn ngữ trẻ con của nó là âm thanh được vui vẻ đón nhận trong nhà. Nhưng công việc của đôi tay bé nhỏ đòi hỏi “những động cơ thúc đẩy hoạt động” dưới dạng của những vật thích hợp. Rồi chúng ta sẽ thấy những đứa bé thực hiện các hành động đòi hỏi một nỗ lực đầy ấn tượng, đôi khi vượt xa cái ta phải xem là phù hợp với năng lực thể chất của chúng. Tôi có bức hình một bé gái người Anh mang một chiếc bánh mì quê lớn, lớn đến nỗi hai cánh tay của nó không chịu nổi sức nặng và bé phải tựa chiếc bánh vào thân mình. Do đó, bé buộc phải bước đi với tấm thân ưỡn cong về phía sau nên không thể nhìn thấy chỗ đặt chân trên đường đi của mình. Trong bức hình, ta chỉ thấy vẻ lo âu của con chó của bé, nó không rời mắt khỏi đứa bé.
Nó bồn chồn và dường như sắp nhảy đến để giúp đỡ bé. Nhưng xa hơn đó có những người lớn đang hết sức cố gắng tránh việc chạy đến để đỡ lấy chiếc bánh trên tay bé.
Đôi lúc những đứa trẻ rất nhỏ bộc lộ một kĩ năng rất sớm và sự chính xác trong cử động khiến chúng ta phải vô cùng kinh ngạc. Nếu chuẩn bị được một môi trường cho trẻ, thì chúng sẽ nhận lãnh được những chức năng xã hội phức tạp trong thế giới trẻ em. Tôi còn nhớ ấn tượng sâu sắc mà một bé trai hai tuổi đã tạo ra, khi nó phục vụ các đứa trẻ khác cùng tuổi với vẻ trân trọng, nó chuẩn bị bàn ăn cho các bạn và lo việc đón tiếp trong nhà. Trong những công việc tuyệt vời này, bé rõ ràng chỉ ngạc nhiên vì hai ngọn nến thắp sáng mà mẹ của bé đã đặt trên bánh sinh nhật của nó; bị lẫn lộn ý nghĩa của sự vật, bé đi quanh và nói với mọi người, “Con hai tuổi và có hai cây nến”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.