Bí Ẩn Tuổi Thơ

Phần I PHÔI THAI TINH THẦN – Chương 1 ĐỨA TRẺ NGÀY NAY



Thế kỉ của trẻ

Sự tiến bộ nhanh chóng đến mức đáng kinh ngạc, những năm gần đây, trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em có thể một phần do nguyên nhân chất lượng cuộc sống nói chung được nâng cao, song phần nhiều hơn nữa còn do lương tri con người đã thức tĩnh. Không những mối quan tâm đến sức khỏe trẻ em ngày càng gia tăng (điều này đã bắt đầu từ thập niên cuối của thế kỉ 19) mà một ý thức mới về nhân cách của đứa trẻ, được xem là cái tối quan trọng, cũng đã hình thành.

Ngày nay không thể nghiên cứu sâu bất cứ lĩnh vực nào của y khoa, triết học hay xã hội học nếu bỏ qua những đóng góp nhờ sự hiểu biết về đời sống của đứa trẻ. Tương tự, nhưng ở mức độ thấp hơn, đó là ánh sáng chiếu rọi từ khoa phôi thai học lên sinh lí học nói chung và lên sự tiến hóa. Nhưng việc nghiên cứu đứa trẻ không chỉ về thể chất mà còn về tâm lí còn có thể có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn đến vô cùng, bao trùm tất cả những vấn đề của con người. Trong tâm trí đứa trẻ, có thể chúng ta sẽ tìm thấy chìa khóa dẫn đến sự tiến bộ, và biết đâu đấy đến cả cuộc khởi đầu của một nền văn minh mới nữa.

Nhà thơ, tác giả người Thụy Điển Ellen Key tiên đoán thế kỉ của chúng ta sẽ là thế kỉ của trẻ thơ. Nếu có ai kiên nhẫn tìm kiếm trong những tài liệu lịch sử hẳn sẽ bắt gặp những tư tưởng tương tự trong bài Diễn văn Đức vua lần đầu tiên của vua Victor Emmanuel III nước Italia vào năm 1900, ở ngưỡng cửa thế kỉ (20) khi ngài lên ngôi, sau vụ ám sát người tiền nhiệm, ông đã nói đến một thời đại mới bắt đầu với thế kỉ mới và cũng đề cập đến nó như là “Thế kỉ của Tuổi thơ”.

Có vẻ như những cái nhìn thoáng qua nhưng lại gần như tiên tri này đã nảy sinh từ ấn tượng tạo ra bởi các cuộc khảo sát khoa học trong những thập niên cuối của thế kỉ 19, từ hình ảnh đứa trẻ bệnh hoạn được khảo sát, với tỉ lệ tử vong vì bệnh truyền nhiễm cao gấp mười lần so với người lớn, hay từ hình ảnh đứa trẻ là nạn nhân của chế độ học đường khắc nghiệt. Không ai có thể tiên đoán được rằng trẻ thơ nắm giữ toàn bộ bí mật về sự sống trong chính bản thân nó, có thể vén lên bức màn bao phủ những bí ẩn của tâm hồn con người, rằng đứa trẻ biểu thị cả một khối lượng những điều chưa được biết mà nếu khám phá ra, có thể giúp người lớn giải quyết những vấn đề cá nhân và xã hội của họ. Có thể, khía cạnh này đủ làm nền tảng cho một ngành khoa học mới nghiên cứu về trẻ em, có khả năng ảnh hưởng đến toàn thể đời sống xã hội của con người.

Trẻ em và phán tâm học

Phân tâm học đã mở ra lĩnh vực nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa được biết đến, rọi sáng lên những điều bí mật của tiềm thức, nhưng lại không đưa ra những giải pháp thực tiễn cho những vấn đề cấp bách của cuộc sống thực tế. Tuy nhiên, nó có thể góp phần vào việc giúp chúng ta hiểu được nhiều điều khi đi vào cuộc sống còn ẩn khuất của đứa trẻ.

Có thể nói phân tâm học đã xuyên thủng lớp vỏ của miền ý thức mà tâm lí học từng nghĩ là không thể nào xuyên qua – ne pỉus ultra, giống như những Cột trụ của Hercules trong lịch sử cổ đại mà các thủy thủ Hi Lạp do mê tín từng coi là những giới hạn thực sự của thế giới.

Phân tâm học đã thăm dò đại dương của miền vô thức. Không có khám phá này, có lẽ sẽ khó mà giải thích cho mọi người vì sao hiểu sâu được tâm trí của đứa trẻ lại có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các vấn đề của con người. Như chúng ta đã biết, phân tâm học ban đầu là một kĩ thuật mới để điều trị các chứng bệnh tâm thần và do đó là một nhánh của y khoa. Nó đã đem đến một khám phá thật sự rọi sáng lên sức mạnh của vô thức đối với các hành động của con người. Nó nghiên cứu những phản ứng tâm lí đằng sau cái ý thức, những phản ứng phô bày các yếu tố ẩn tàng ra ánh sáng và những thực tại không ngờ, làm đảo ngược mọi ý niệm đã từng được công nhận. Chúng mở ra một thế giới rộng lớn chưa từng được biết đến mà ta có thể nói là được gắn kết mật thiết với vận mệnh của con người cá thể. Nhưng phân tâm học không thể thám hiểm hoàn toàn thế giới chưa biết này. Vào thời của Charcot, ở thế kl trước, khoa tâm lí học đã khám phá ra tiềm thức. Giống như trong ngọn núi lửa, những chất sôi sục trong trung tâm của trái đất bị phun trào lên mặt đất, ta thấy tiềm thức được lộ ra trong những trường hợp ngoại lệ của những tình trạng trầm trọng hơn của bệnh tâm thần. Do đó, hiện tượng lạ lùng của nó, xung đột với các biểu lộ có ý thức, chỉ được xem đơn thuần là những triệu chứng của căn bệnh. Freud đã chọn hướng nghiên cứu ngược lại. Bằng một kĩ thuật vất vả khó khăn, ông tìm được lối thâm nhập vào miền vô thức, thế nhưng đến tận gần đầy, ông hình như cũng chỉ tự giới hạn trong lĩnh vực bệnh lí. Bởi vì đã có bao nhiêu người bình thường sẽ tự nguyện trải qua những thí nghiệm đau đớn của phân tâm học? Bao nhiêu người chịu trải qua một dạng giải phẫu tâm hồn? Chính từ việc điều trị bệnh nhân mà Freud đã suy ra những nguyên tắc về tâm lí học của ông, và học thuyết tâm lí mỗi phần lớn đã được xây dựng trên các suy luận cá nhân từ cái không thường. Do vậy, các học thuyết của Freud không thỏa đáng, cũng như kĩ thuật điều trị bệnh nhân của ông không phải lúc nào cũng chữa lành được “căn bệnh tâm hồn”. Hệ quả là những truyền thống xã hội, nơi tích tụ những kinh nghiệm nghìn đời đã đựng lên một rào cản chống lại một số điều đã được tổng quát hóa trong học thuyết của Freud. Có lẽ việc thám hiểm cái bản chất mênh mông của miền vô thức còn cần đến điều gì đó hầu như khác hơn là kĩ thuật trị liệu lâm sàng hay những suy diễn lí thuyết.

Bí ẩn tuổi thơ

Nhiệm vụ thăm dò cái đại dương của miền vô thức này còn chờ những đóng góp của các ngành khoa học khác và đòi hỏi một cách tiếp cận khác là nghiên cứu con người từ nguồn gốc của nó, trong nỗ lực giải mã sự phát triển của nó ở tâm hồn đứa trẻ qua xung đột với môi trường, để tìm cho ra điều bí ẩn sâu sắc hay bi thảm trong các cuộc tranh đấu qua • đó tâm hồn con người vẫn còn biến dạng và tăm tối.

Phân tâm học đã chạm tay đến điều bí ẩn này. Một trong những khám phá ấn tượng nhất của phân tâm học, qua kĩ thuật của nó, là nhận ra rằng chứng rối loạn tâm thần có thể bắt nguồn từ thời thơ ấu xa xăm. Những kí ức được gợi lên từ tiềm thức chứng minh rằng trong tuổi ấu thơ đã có những tổn thương khác ngoài những tổn thương mà mọi người đều biết, chúng ẩn sâu trong ý thức, khác xa với những ý tưởng đã được chấp nhận, đến nỗi phát hiện này là điều gây ấn tượng sâu sắc và hoang mang nhất trong tất cả các khám phá của phân tâm học. Những đau khổ như vậy thuộc lĩnh vực hoàn toàn về tâm thần, chúng diễn ra chậm chạp và dai dẳng, chúng không bao giờ được nhìn nhận là những sự kiện dẫn đến bệnh tấm thần trong nhân cách người lớn tuổi. Chúng xuất phát từ những ức chế các hành động tự phát của trẻ bởi người lớn có quyền hành đối với đứa trẻ, do vậy mà chúng liên quan đến người lớn có ảnh hưởng nhất đối với trẻ, là người mẹ.

Chúng ta nên phân biệt rõ ràng hai bình diện khảo sát của phân tâm học. Một bình diện thì nông cạn hơn, bao gồm sự xung đột giữa các bản năng tự nhiên của cá nhân và môi trường mà nó phải thích ứng. Xung đột này có thể giải quyết được, vì không khó để nhận thức được các nguyên nhân gây rối loạn nằm bên dưới miền ý thức. Nhưng có một bình diện khác, nằm ở sâu hơn, đó là những kí ức tuổi ấu thơ, nơi mà mâu thuẫn không phải giữa con người và môi trường xã hội đương thời, mà là giữa đứa trẻ và người mẹ, hay nói chung là giữa trẻ con và người lớn. Xung đột này có thể dẫn đến những chứng bệnh còn khó chữa hơn. Giờ đây, người ta đã nhận ra tầm quan trọng của những gì xảy ra ở thời thơ ấu trong tất cả các chứng bệnh, dù là về thể xác hay về tâm lí. Nhưng chính trong vấn đề này, ta cần một phương pháp khác ngoài phân tâm học. Chính cái kĩ thuật thăm dò vô thức đã dẫn đến các khám phá ở người lớn nay lại trở thành một trở ngại ở trường hợp của đứa trẻ. Do bản chất, đứa trẻ không phải là đối tượng thích hợp cho một phương pháp như vậy, trẻ chẳng có gì để hồi tưởng lại thời thơ ấu của nó. Đứa trẻ sống cái tuổi thơ của nó. Trẻ phải được quan sát hơn là được đem ra phân tích, nhưng đó phải là quan sát từ quan điểm tâm thần để xác định được cái xung đột trẻ đã trải qua trong các quan hệ với người lớn và với môi trường xã hội của trẻ. Rõ ràng là cách tiếp cận này sẽ dẫn chúng ta rời xa khỏi học thuyết và kt thuật phân tâm học để đi vào lĩnh vực mới: quan sát trẻ trong đời sống xã hội của nó. Đấy không phải là những mê lộ quanh co của một tâm trí bệnh hoạn mà là một không gian trải rộng của đời người ngay trong thực tại của nó, xoay quanh đời sống tâm lí của đứa trẻ, bởi vấn đề thực tiễn bao hàm toàn bộ đời sống con người khi nó phát triển từ lúc mới sinh ra.

Chúng ta vẫn còn chưa đọc tới trang lịch sử của nhân loại kể về những cuộc phiêu lưu của con người như là tâm thức, của đứa trẻ có sự nhạy cảm phải đối mặt với các trở ngại và tự thấy nó lâm vào những xung đột không thể khắc phục được, với người lớn mạnh bạo hơn, kẻ thống trị đứa trẻ mà chẳng hiểu gì về nó cả. Đây là trang giấy trống còn đợi viết lên đó câu chuyện về những đau khổ chưa ý thức được khiến đời sống tinh thần nguyên vẹn và mong manh của đứa trẻ phải đau đớn quằn quại, dựng lên một con người thấp kém trong tiềm thức đứa trẻ, khác hẳn cái con người mà thiên nhiên chủ định tạo thành.

Vấn đề phức tạp này, phân tâm học đã thấy rõ ràng rồi, nhưng không giải quyết. Phân tâm học chủ yếu chỉ quan tâm đến bệnh trạng và cách chữa trị. Khi liên quan đến phân tâm học, vấn đề tâm thần của trẻ thơ chứa đựng một vị thuốc ngừa; bởi nó sẽ ảnh hưởng đến việc chữa trị thông thường và nói chung cho nhân loại còn ấu thơ, một phép chữa trị có thể giúp ngăn chặn các trở ngại, các xung đột và do đó ngăn chặn cả các hệ lụy của chúng – đó là những chứng bệnh tâm lí do phân tâm học phụ trách hoặc là các thích ứng tâm lí sai lệch đã tiêm nhiễm hầu hết cả nhân loại.

Do vậy mà đã hình thành một lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới mà đối tượng là trẻ em, khác biệt với phân tâm học là lĩnh vực duy nhất tương ứng với nó. Về cơ bản, lĩnh vực khoa học mới này là một hình thức hỗ trợ đời sống tâm thức của tuổi ấu thơ, chú trọng đến đặc tính bình thường và sự giáo dục. Do đó đặc điểm của nó là sự xác định các dữ kiện tâm lí liên quan đến trẻ em vẫn còn chưa được biết đến, đồng thời là sự thức tỉnh của người lớn, kẻ đã có những thái độ sai lầm bắt rễ trong tiềm thức, đối với trẻ em.

Buộc tội

Từ ngữ “ức chế” mà Freud sử dụng để mô tả căn nguyên sâu xa của rối loạn tâm lí ở người lớn đã tự giải thích chính nó.

Đứa trẻ không thể tăng trưởng theo cách thức mà một sinh thể đang trong quá trình phát triển của nó đòi hỏi, vì người lớn “ức chế” đứa trẻ. Từ ngữ “người lớn” là một từ trừu tượng. Đứa trẻ bị cô lập trong xã hội; nên nếu có “người lớn” nào ảnh hưởng đến nó, thì đó phải là một người lớn cụ thể, người gần gũi nhất với nó, trước hết là người mẹ, rồi đến người cha và cuối cùng là thầy cô giáo.

Xã hội gán cho người lớn gần như một vai trò khác, khi công nhận vai trò của họ trong sự giáo dục và phát triển của đứa trẻ. Nhưng giờ đây, ngược lại, sự thăm dò các vực sâu của tâm hồn phơi bày ra ánh sáng một lời buộc tội đối với những người trước đây được cho là quản gia và ân nhân của nhân loại. Nhưng bởi hầu như tất cả người lớn đều là mẹ, cha, thầy cô giáo hay kẻ được giao phó công việc chăm sóc trẻ, nên lời buộc tội được áp dụng cho thế giới người lớn nói chung, cái xã hội chịu trách nhiệm đối với đứa trẻ. Có điều gì đó có tính chất khải huyền về sự luận tội đáng kinh ngạc này, nó huyền bí và khủng khiếp giống như lời nói vang lên trong Ngày Phán Quyết: “Các ngươi đã làm gì với bọn trẻ ta giao phó cho?”.

Phản ứng đầu tiên là tự bênh vực và phản đối: “Chúng tôi đã cố hết sức. Chúng tôi yêu con cái. Chúng tôi hi sinh bản thân cho chúng”, và điều này sắp cạnh kề hai thái độ mâu thuẫn đối chọi nhau, một thái độ có ý thức, còn thái độ kia xuất phát từ cái vô thức. Sự biện hộ nghe quen thuộc, thâm căn cố đế, không cọ gì đáng để chúng ta quan tâm. Điều đáng chú ý là ở sự cáo buộc, hay đúng ra là những kẻ bị cáo buộc. Họ nhọc nhằn và gắng sức để kiện toàn việc chăm sóc và giáo dục con cái, và họ bỗng nhận thấy mình lâm vào một mạng lưới những rắc rối, bởi vì họ không thấy được sai lầm của họ che giấu trong bản thân họ.

Tất cả những ai vẫn rao giảng vì quyền lợi của trẻ em phải duy trì lời buộc tội này vào người lơn, một lời buộc tội không khoan nhượng, không ngoại lệ. Khi đó ngay lập tức cáo buộc này trở thành trung tâm thu hút sự chú ý, vì không những nó tố cáo những sai lầm không cố ý mà cả những sai sót hoàn toàn vô ý, do đó nó nâng cao tầm vóc của chúng ta và dẫn ta đến sự khám phá về chính bản thân mình. Và mọi tiến bộ đích thực đều xuất phát từ sự khám phá và sử dụng những gì không quen thuộc Vì lí do này, ở mọi thời đại, thái độ của con người đối với sai lầm của chính họ đều mâu thuẫn. Ai cũng cảm thấy bị xúc phạm bởi sai lầm có ý thức nhưng lại bị hấp dẫn và mê hoặc bởi lỗi lầm vô thức. Lỗi lầm chưa biết chứa đựng cái bí quyết của sự tiến bộ vượt qua mục tiêu đã biết và đã mong ước và nâng chúng ta lên một lĩnh vực cao hơn. Do đó người hiệp sĩ thời Trung cổ, dù sẵn sàng đấu kiếm tay đôi vì sự xúc phạm nhỏ nhặt nhất ảnh hưởng đến quy tắc đạo đức có ý thức của họ, lại sẽ phủ phục trước bàn thờ và khiêm nhường chấp nhận “Tôi có tội, xin xưng ra trước tất cả mọi người, và tội lỗi chỉ do riêng tôi”. Kinh Thánh cho chúng ta vài ví dụ lí thú về những thái độ mâu thuẫn như vậy. Cái gì đã khiến đám đông tụ tập quanh Jonah ở thành Nineveh, khiến cho cả nhà vua và dân chúng đều tràn đầy phấn khởi, rồi đổ xô ra đường theo sau nhà tiên tri này? Ông tuyên bố họ là những kẻ tội đồ đáng khinh, nếu họ không hoán cải, thành phố Nineveh sẽ bị hủy diệt.

Làm thế nào mà John Tẩy Giả (làm phép Thánh Tẩy Rửa tội – ND) kêu gọi được mọi người tụ tập bên bờ sông Jordan? ông đã dùng những ngôn từ hấp dẫn nào để khiến một đám đông khác thường tụ họp lại như vậy? ông gọi tất cả bọn họ là “lũ rắn độc”!

Đây là một hiện tượng tâm linh: người ta đổ xô đến để nghe mình bị kết tội, và khi hành động như vậyt họ đồng ý và công nhận lỗi lầm của mình. Có những cáo buộc gay gắt và dai dẳng đưa những điều bị chôn vùi trong tiềm thức lên thành ý thức; cả quá trình phát triển tâm linh là một thành tựu của ý thức đã nhận lấy vào bản thân nó cái đã từng tồn tại ở bên ngoài nó. Vì vậy, văn minh quả nhiên tiến triển do những khám phá liên tiếp với nhau. Giờ đây, để cứu con trẻ khỏi những xung đột đe dọa cuộc sống tâm thần của chúng, để cho con trẻ nhận được cách đối xử khác với những gì nó nhận được hiện nay, thì bước đầu tiên, căn bản và tất yếu mà mọi thứ khác sẽ phụ thuộc vào, đó là phải làm cho người lớn thay đổi. Thực vậy, nếu người lớn đã làm tất cả mọi điều có thể làm, và như họ vẫn sẽ nói, họ yêu trẻ đến độ có thể hi sinh, người lớn công nhận rằng họ đang đối diện với một khó khăn không thể khắc phục. Họ cần phải đi tìm xa hơn cái đã biết, cái đã cố ý và đã ý thức.

Có bao nhiêu điều chưa được biết đến ngay trong bản thân đứa trẻ. Có cái phần tâm hồn đứa trẻ luôn được giấu kín nhưng lại là điều phải được biết cho rõ. Cũng trong đứa trẻ, ta cần một khám phá sẽ đưa ta đến điều chưa biết ở chúng, bởi bên cạnh đứa trẻ đã được quan sát và nghiên cứu bởi tâm lí học và giáo dục học, vẫn còn một đứa trẻ ẩn tàng. Chúng ta cần tìm kiếm nó với một tinh thần phấn chấn, như kẻ biết có kho vàng ấn giấu và như kẻ đi thám hiểm những vùng đất xa lạ, như kẻ xẻ núi dời non để tìm ra kim loại quý giá. Đấy là điều người lớn phải làm khi tìm kiếm điều chưa biết ấy, cái đang ẩn náu tận nơi sâu thẳm tâm hồn đứa trẻ. Đây là công việc mà tất cả phải gánh vác, không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay quốc gia, vì điều đó có nghĩa là mang lại một yếu tố không thể thiếu cho sự tiến bộ về đạo đức của nhân loại.

Người lớn không hiểu đứa trẻ hay đứa thiếu niên thì hệ quả là họ liên tục xung đột với nó. Giải pháp không nằm ở chỗ người lớn phải học hỏi về mặt tri thức hay bổ sung một văn hóa còn khiếm khuyết. Họ phải tìm một khởi điểm khác. Người lớn phải tìm ra ngay trong bản thân mình cái lỗi lầm mãi tới bây giờ vẫn chưa nhận ra, đã ngăn cản họ nhìn thấy đứa trẻ như chính là nó. Nếu thiếu sự chuẩn bị này, và nếu họ không thụ đắc được cái khả năng mà sự chuẩn bị này đòi hỏi, người lớn sẽ không thể tiến xa hơn được.

Hành động tự biết mình là điều không khó như ta tưởng bởi mọi sai lầm dù không ý thức đều khiến người lớn đau khổ và khắc khoải, và chỉ một gợi ý nhỏ đến cách chữa trị cũng khiến ta cảm nhận được điều gì ta đang vô cùng cần đến. Như người có ngón tay trật khớp cảm nhận được nhu cầu muốn nó trở lại đúng vị trí vì anh ta biết rằng bàn tay không thể cử động và cơn đau sẽ chỉ chấm đứt chừng nào việc nắn khớp được thực hiện. Tương tự, ngay khi ta hiểu được lỗi lầm của mình, ta cảm thấy có nhu cầu chấn chỉnh lương tri, bởi từ lúc ấy ta sẽ không còn chịu đựng nổi sự yếu kém và đau đớn đã cam chịu từ lâu. Và khi đã làm được điều này, thì mọi việc trở nên dễ dàng. Ngay khi chúng ta quả quyết khẳng định là mình đã quy tụ quá nhiều uy tín cho bản thân và tin là ta có thể làm những điều thật sự nằm ngoài giới hạn của lĩnh vực và khả năng của mình, chúng ta sẽ có khả năng và quan tâm đến việc nhìn nhận sự khác biệt đa dạng trong các đặc tính tâm hồn chúng ta và tâm hồn trẻ em.

Trong quan hệ đối với trẻ, người lớn đã trở thành những kẻ chỉ biết đến bản thân mình, không phải họ vị kỉ, mà là họ tự kỉ. Họ nhìn mọi thứ liên quan đến đời sống tinh thần của đứa trẻ từ lập trường của người chỉ biết soi vào bản thân mình, do đó mà họ hiểu lầm đứa trẻ. Vì người lớn chỉ biết đứng trên lập trường này, nên họ mới có quan niệm rằng đứa trẻ là một sinh thể trống rỗng mà chính người lớn phải nỗ lực đổ cho đầy, đứa trẻ chỉ như kẻ bất lực và vô dụng mà mọi thứ phải được làm giúp nó, như kẻ thiếu sự hướng dẫn nội tại nên người lớn phải chỉ dẫn từng bước từ bên ngoài. Cuối cùng, người lớn hành xử như thể họ là đấng sáng tạo ra đứa trẻ và phán quyết hành động của trẻ xấu hay tốt từ quan điểm của mối quan hệ của họ với trẻ. Người lớn là tiêu chuẩn cho cái tốt và cái xấu. Họ không thể sai lầm, họ lả cái tốt làm gương cho trẻ tự uốn nắn theo. Bất cứ điều gì đứa trẻ làm khác với cách đặc thù của người lớn đều bị coi là xấu xa, cần phải nhanh chóng sửa đổi. Và khi thể hiện thái độ gạt bỏ nhân cách của đứa trẻmột cách vô thức như vậy, người lớn cảm thấy đúng là họ có nhiệt huyết, họ có tình yêu thương và họ có lòng hi sinh!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.