Bí Ẩn Tuổi Thơ

Phần II GIÁO DỤC MỚI – Chương 1 VAI TRÒ CỦA NHÀ GIÁO



Khám phá đứa trẻ đích thục

Chúng ta phải đối diện với một thực tại đáng ngạc nhiên là trẻ em có một đời sống tinh thần với những biểu hiện tinh tế mà ta chưa nhận thức được, và nó có mô thức hoạt động mà người lớn có thể vô tình làm hỏng hay cản trở sự phát triển.

Môi trường của người lớn không phải là một môi trường thích hợp cho sự sống của trẻ em. Đúng ra, nó là một tập hợp của những chướng ngại khiến trẻ phải kháng cự lại, những chướng ngại bóp méo các nỗ lực thích nghi của trẻ, hay khiến trẻ bị ảnh hưởng bởi sự ám thị của người lớn. Đấy là khía cạnh phô ra bên ngoài, đã được tâm lí học trẻ em chú trọng đến; chính từ đó mà các đặc tính của trẻ đã được diễn giải, và là cơ sở cho việc giáo dục trẻ. Vì vậy, tâm lí học trẻ em là cái phải được xem xét lại một cách triệt để. Như chúng ta đã thấy, đằng sau mọi phản ứng bất ngờ của một đứa trẻ là một bí ẩn cần được giải mã; mỗi hình thức quậy phá là biểu hiện bên ngoài có nguyên nhân sâu xa nào đó, không thể diễn giải được rằng đó là sự xung đột hời hợt mang tính tự vệ chống lại một môi trường không thích hợp, mà đó chính là sự biểu hiện của một đặc tính tất yếu cao đẹp hơn đang tìm cách tự bộc lộ. Nó tựa như một cơn bão ngăn cản không cho linh hồn của đứa trẻ ra khỏi nơi ẩn náu bí mật để tỏ mình với thế giới bên ngoài.

Tất cả những việc này rõ ràng đã che khuất một tâm hồn bị giấu kín, trong các nỗ lực liên tiếp tự hiện thực hóa sự sống của nó, tất cả các cơn giận thất thường, sự chống cự và những hành vi chệch hướng không cho ta một khái niệm nào về sự hiện hữu của một nhân cách. Chúng chỉ đơn thuần là một tổng số các đặc tính. Nhưng đằng sau chúng phải có một nhân cách, nếu đứa trẻ, một phôi thai tinh thần, đang đi theo một mẫu mực có tính xây dựng trong sự phát triển tinh thần của nó.

Có một con người bị giấu kín, một đứa trẻ bị ẩn giấu, một sinh vật sống bị chôn vùi cần phải được giải phóng. Đây là nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của giáo dục: theo tinh thần này, “giải phóng” có nghĩa là tri thức, hay đúng hơn là sự khám phá về những cái chưa được biết.

Nếu có sự khác biệt chủ yếu giữa cái mà phân tâm học đã khám phá ra và cái tâm lí chưa được biết này của đứa trẻ, thì sự khác biệt trước hết là bí mật trong tiềm thức của một người lớn là những gì họ đã dồn nén bởi chính cá nhân họ. Chính cá nhân phải được trợ giúp để gỡ một mạng lưới rối rắm được tạo ra bởi những thích nghi phức tạp và đối kháng, bởi những biểu tượng và sự ngụy trang đã được sắp xếp trong suốt cuộc đời. Trong khi bí mật của một đứa trẻ khó mà che giấu bởi môi trường quanh trẻ, chúng ta phải tác động lên chính môi trường để trợ giúp đứa trẻ có thể tự biểu lộ một cách tự do; đứa trẻ đang trải qua một thời kì sáng tạo và phát triển, và chỉ cần mở lớn cánh cửa cho trẻ là đủ. Thật vậy, cái mà trẻ đang sáng tạo từ cái vô hữu đến cái hiện hữu, từ tiềm năng đến hiện thực, vào lúc nó sinh ra từ hư không, cái đó không thể nào phức tạp, và về mặt năng lượng đang phát triển, nó không có khó khăn gì trong việc tự biểu lộ. Vì vậy, bằng cách chuẩn bị một môi trường mở, một môi trường thích hợp cho thời điểm lúc đó của đời sống, các biểu hiện tự nhiên của tâm hồn đứa trẻ, và do đó sự bày tỏ bí ẩn của trẻ sẽ xảy ra một cách hồn nhiên.

Nếu không có bước tiến đầu tiên này, mọi nỗ lực về giáo dục chỉ có thể dẫn ta lạc sâu hơn vào một mê cung không sao thoát ra nổi.

Mục tiêu chính trước hết của một nền giáo dục thật sự mới mẻ là khám phá đứa trẻ và giải phóng nó. Về điều này, chúng ta có thể nói đây mới chỉ là vấn đề về sự hiện hữu, chỉ đơn thuần để đứa trẻ được hiện hữu. Sẽ có một chương nữa nói thêm về toàn bộ giai đoạn phát triển của trẻ đến khi trưởng thành, liên quan đến vấn đề hỗ trợ cần thiết đối với nó. Tuy nhiên, trong tất cả các chương sách này môi trường là điều căn bản; môi trường phải hỗ trợ cho sự phát triển của cái sinh thể đang trong quá trình phát triển bằng cách giảm các trở ngại đến mức tối thiểu, và phải cho phép các năng lực của trẻ được tự do bằng cách cung cấp các phương tiện cần thiết cho các hoạt động sản sinh ra các năng lực này. Bấy giờ, người lớn cũng là một phần của môi trường của một đứa trẻ, người lớn phải thích ứng với các nhu cầu của trẻ nếu không muốn là chướng ngại đối với đứa trẻ và nếu không muốn tự thay thế cho trẻ trong những hoạt động thiết yếu đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Chuẩn bị về tâm linh

Nhà giáo không nên tưởng tượng rằng chỉ đơn thuần bằng việc học tập vả trở thành con người có văn hóa là họ đã được chuẩn bị đầy đủ cho nhiệm vụ của mình. Trước hết, họ phải trau dồi một số kĩ năng đạo đức cho bản thân.

Điểm quan trọng của toàn bộ vấn đề là cách thức nhà giáo đối xử với đứa trẻ, và điều này không lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, đừng cho rằng nó chỉ đòi hỏi một sự hiểu biết lí thuyết về bản chất của trẻ hay về các phương thức giảng dạy và sửa sai là đủ.

Cái chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nhà giáo phải tự chuẩn bị từ bên trong: Họ phải tự kiểm điểm một cách có hệ thống để khám phá ra một số khuyết điểm nhất định có thể trở thành những chướng ngại cho mối quan hệ của họ với đứa trẻ. Để khám phá ra các khuyết điểm đã trở thành một phần của ý thức của họ đòi hỏi sự giúp đỡ và hướng dẫn, hệt như ta cần đến một người khác quan sát và nói cho ta biết có cái gì đang nằm phía sau mắt ta.

Theo nghĩa này, nhà giáo cần được “khai tâm” cho sự chuẩn bị nội tâm. Họ quá chú trọng tới các xu hướng xấu của trẻ, với việc chỉnh sửa các hành động không được ưa thích hay sự nguy hiểm cho linh hồn trẻ do hậu quả của Tội tổ tông.

Thay vào đó, họ phải bắt đầu bằng sự truy tìm các khuyết điểm và các xu hướng không mấy tốt đẹp của chính bản thân họ. Trước tiên, họ nên “gỡ bỏ cây đà nằm bên trong mắt họ, rồi họ sẽ nhìn thấy rõ ràng hơn để lấy hạt bụi” ra khỏi mắt đứa trẻ. Sự chuẩn bị nội tâm này của người thầy có tính tổng quát, không giống như việc đi tìm sự hoàn hảo đặc biệt như trường hợp các thành viên của các dòng tu. Để trở thành nhà giáo, không cần phải trở nên hoàn hảo, hoàn toàn không có nhược điểm. Thật ra, kẻ luôn theo đuổi việc hoàn thiện đời sống nội tâm của chính họ, vẫn có thể không để ý đến những khuyết điểm khác nhau đang ngăn cản họ hiểu được đứa trẻ. Vì vậy, chúng ta cần học hỏi, cần được hướng dẫn, cần được huấn luyện để trở thành nhà giáo.

Trong bản thân chúng ta có những xu hướng không tốt, chúng lan tỏa như cỏ dại trên một cánh đồng (Tội tổ tông), có vô số xu hướng này và chúng được xếp thành bảy nhóm, được biết đến từ xưa là Bảy Mối Tội Đầu.

Tất cả các tội nặng thường tách ta xa khỏi đứa trẻ; bởi so với chúng ta, đứa trẻ không những trong sạch mà còn có những đức tính bí ẩn mà người lớn thường không nhận ra, nhưng chúng ta phải tin với đức tin; bởi Đức Giêsu đã nói về chúng một cách rõ ràng và kiên định đến nỗi tất cả các tác giả Phúc Âm đều ghi lại lời của Ngài như sau: “Trừ phi ngươi cải hóa và trở thành như trẻ nhỏ, thì ngươi mới mong vào được Nước Trời.”

Cái mà nhà giáo phải tìm kiếm là khả năng thấy đứa trẻ như Đức Giêsu đã nhìn thấy chúng. Đây chính là cái nỗ lực đã được xác định và được giới hạn mà chúng tôi muốn xem xét. Nhà giáo chân chính không chỉ đơn thuần là kẻ luôn cố gắng trở nên hoàn hảo mà còn phải là kẻ gạt bỏ được các trở ngại bên trong bản thân khiến trẻ trở nên khó hiểu đối với họ. Chúng tôi dạy các nhà giáo bằng cách cho họ thấy các xu hướng bên trong mà họ cần sửa đổi, như người y sĩ chỉ ra cái bệnh đặc biệt và chính xác đang làm suy yếu hay đe dọa một cơ quan của cơ thể.

Đây là một sự hỗ trợ có tính tích cực.

Cái tội nặng của ta ngăn cản ta hiểu được đứa trẻ là sự Giận Dữ.

Nhưng tội nặng không bao giờ chỉ có một, mà luôn kết hợp hay đi theo tội khác, nên sự giận dữ kéo theo và kết hợp với một tội có vẻ bề ngoài cao quý hơn, do đó quỷ quyệt hơn, đó là sự Kiêu Ngạo. Các xu hướng xấu mà chúng ta phân loại là Bảy Mối Tội Đầu có thể sửa đổi bằng hai cách. Một cách là từ bên trong: cá nhân một khi đã thấy rõ các khiếm khuyết của mình, bằng ý chí của bản thân và bằng mọi nỗ lực phải chống lại và gạt bỏ chúng ra khỏi bản thân, với sự trợ giúp của ân sủng của Thiên Chúa. Cách thứ hai mang tính xã hội, được tìm ra trong môi trường bên ngoài. Nó có thể được định nghĩa là sự kháng cự, qua các hình thức bên ngoài, đối với các biểu hiện của các khuynh hướng xấu xa của chúng ta, do đó ngăn cản sự phát triển của chúng.

Nỗ lực kháng cự của các hình thức có nhiều ảnh hưởng. Ta có thể nói nó là sự nhắc nhở chính về sự hiện hữu của sự khiếm khuyết về đạo đức trong bản thân chúng ta và trong nhiều trường hợp, chính sự nhắc nhở bên ngoài này khiến chúng ta suy tư về mình và từ đó hăng hái cố gắng để tự thanh tẩy nội tâm.

Hãy cùng xét đến Bảy Mối Tội Đầu. Tính Kiêu Ngạo của chúng ta được làm nhẹ đi bởi ý kiến của kẻ khác về ta; tính Hà Tiện bởi các hoàn cảnh ta sống trong đó, sự Giận Dữ bởi phản ứng của kẻ mạnh, sự Lười Biếng bởi nhu cầu phải làm việc để sinh sống, sự Dâm Dục bởi các tập tục xã hội; sự Tham Lam bởi các cơ hội hạn chế không để ta có được nhiều hơn cái mình cần; sự Ghen Tức bởi nhu cầu phải làm ra vẻ có phẩm cách.

Tóm lại, sự kiểm soát của xã hội, tạo thành một nền tảng tốt để nâng đỡ cho sự thăng bằng về đạo đức của chúng ta.

Tuy nhiên, khi các hành vi của chúng ta bị khuôn đúc bởi sự đối kháng của xã hội, chúng ta không cảm thấy được sự trong sạch giống như khi ta hành động vì vâng lời Thiên Chúa. Ngược lại, trong khi nhu cầu tự nguyện sửa đổi các lỗi lầm ta đã nhìn nhận được kết nối với sự chấp thuận khiêm nhu trong tâm hồn của chúng ta, chúng ta lại không dễ dàng chấp nhận tình cảnh nhục nhã bị người khác sửa sai. Ta còn cảm thấy bị sỉ nhục hơn bởi bị ép buộc phải phục tùng hơn là bởi chính cái lỗi lầm. Khi ta phải chỉnh sửa lề lối của mình, khi không thể làm gì khác hơn, theo bản năng, ta cố giữ sĩ diện và giả vờ làm như ta đã chọn cái không thể tránh, câu nói giả dối nho nhỏ “Tôi không thích điều đó” là phản ứng theo bản năng của ta với cái nằm ngoài tầm tay của mình, là một trong những dối trá đạo đức thông thường nhất.

Chúng ta đối mặt với sự kháng cự bằng một sự giả dối nho nhỏ, nhưng điều này có nghĩa là chúng ta đang chống trả, không muốn đi vào con đường hoàn thiện.

Hệ quả là, như trong tất cả cuộc chiến, rõ ràng là sớm cần đến công việc tổ chức; các khuynh hướng cá nhân ẩn kín trong các khuynh hướng tập thể.

Kẻ có những khiếm khuyết giống nhau tự nhiên sẽ hỗ trợ nhau theo bản năng, họ tìm thấy sức mạnh trong sự đoàn kết. Họ dựng lên các pháo đài chống lại những chủ thể nào đối nghịch với những tội xấu xa đáng trừng phạt của họ.

Ví dụ, không ai dám nói rằng sự phân chia tài sản một cách công bằng sẽ làm kẻ giàu có bất bình bởi họ tham lam và keo kiệt. Nhưng họ sẽ nói phân chia của cải là điều tốt cho mọi người và là điều tất yếu cho tiến bộ xã hội, và rồi chúng ta sẽ thấy rằng rất nhiều người giàu cũng tuyên bố họ chịu chia bớt của cải vì lợi ích chung. Chúng ta theo bản năng, có xu hướng che giấu các tội lỗi của mình dưới lớp ngụy trang của những bổn phận cao quý và cần thiết, giống như trong thời chiến tranh, một dải đất đào nhiều hầm hố hay chứa đầy các vũ khí giết ngườiđược ngụy trang như một cánh đồng đầy hoa.

Các lực chống đối các tật xấu của ta từ bên ngoài càng yếu ớt thì ta càng có thời gian và dễ dàng xây lên các tấm bình phong để che đậy các sự phòng thủ của chúng ta.

Ngừng lại để suy ngẫm, chúng ta nhận ra rằng chúng ta quyến luyến các tật xấu của mình nhiều hơn ta tưởng; chúng ta bỗng thấy rằng ma quỷ đã chui vào dễ dàng như thế nào, nó dạy ta cách tự giấu giếm với chính mình, bên dưới tiềm thức của ta.

Trong chuyện này, ta không bảo vệ sự sống của chúng ta, mà bảo vệ các tội lỗi chết người của ta, che giấu chúng dưới cái mặt nạ chúng ta sẵn sàng mang vào, gọi nó là “sự tất yếu”, là “bổn phận”, là “lợi ích chung”, và vân vân; và từ đó, mỗi ngày chúng ta càng thấy khó mà giải thoát chính bản thân mình. Nay giáo viên, hay bất cứ ai nói chung, những người quan tâm đến việc giáo dục trẻ, phải tự thanh tẩy mình khỏi tình trạng sai lầm đã đặt họ trong một vị trí giả dối đối với đứa trẻ. Khiếm khuyết thông thường phải được xác định rõ ràng và ở đây chúng ta không nói đến một tội lỗi, mà nói đến một tổng hợp của hai tội nặng liên kết chặt chẽ – sự kiêu ngạo và sự giận dữ.

Giận dữ đích thực là tội chính, sự kiêu ngạo theo sau để tạo ra một sự ngụy trang có vẻ khả ái. Sự kiêu ngạo khoác lên cá tính của người lớn một loạt những bộ áo khiến họ có vẻ khả ái hay thậm chí là đáng kính.

Sự giận dữ là một trong những tội dễ dàng được kìm hãm bởi sự chống cự mạnh mẽ và cương quyết của kẻ khác, sự giận dữ là một biểu hiện mà một con người thấy khó chấp nhận ở kẻ khác. Do đó nó bị kiềm chế khi chạm trán với sức mạnh. Kẻ nhanh chóng thấy mình trong vị thế bị hạ nhục bởi bị buộc phải thoái lui trở nên xấu hổ vì sự giận dữ của họ.

Do đó, chúng ta tìm ra một lối thoát thực sự khi gặp những kẻ không thể tự vệ, hay không thể hiểu chúng ta, như trẻ em, kẻ tin bất cứ điều gì được nói với chúng. Trẻ em không những nhanh chóng quên đi các xúc phạm của chúng ta mà còn cảm thấy có tội bất cứ khi nào chúng ta buộc tội chúng. Chúng giống người đồ đệ thánh thiện của Thánh Francisco, đã bật khóc vì tưởng mình là kẻ giả dối, bởi một linh mục đã bảo với anh ta như vậy.

Ở đây chúng tôi muốn nhà giáo phải thường xuyên suy nghĩ về những hậu quả rất nghiêm trọng của những tình huống như vậy đối với đời sống của đứa trẻ. Chỉ có lí trí của trẻ không hiểu được sự bất công, nhưng tinh thần của nó cảm nhận được điều đó và trở nên khổ sở và bị bóp méo. Rồi phản ứng trẻ con xuất hiện, như biểu hiện của sự tự vệ vô thức. Nhút nhát, nói dối, ương ngạnh, khóc lóc vô cớ, mất ngủ và sợ hãi quá độ, những điều khó hiểu như vậy đều diễn tả những trạng thái tự vệ vô thức ở đứa trẻ nhỏ, mà trí khôn chưa nắm bắt được quan hệ đích thực của nó đối với người lớn.

Nhưng giận dữ không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạo hành về thể xác.

Động lực thô thiển và sơ khai thường được hiểu với từ này có thể dẫn đến những biểu hiện phức tạp. Con người càng trưởng thành hơn về tâm lí càng biết che đậy và làm phức tạp trình trạng tội lỗi bên trong của họ.

Thực tế là ở hình thức đơn giản nhất, sự giận dữ nổ ra đơn thuần như một phản ứng lại sự chống cự công khai của đứa trẻ. Nhưng trong sự hiện diện của những biểu hiện khó hiểu của linh hồn đứa trẻ, giận dữ và kiêu ngạo hợp lại thành một phức hợp khoác lấy bộ dạng chính xác, thầm lặng và đáng kính, gọi là độc tài.

Ở đây, ta có một sự đàn áp không bàn cãi, nó đặt cá thể độc tài trong một pháo đài kiên cố của uy quyền được công nhận. Người lớn đúng chỉ vì họ là người lớn. Chất vấn điều này cũng giống như là tấn công vào một hình thức vương quyền thiêng liêng đã được thiết lập. Trong một cộng đồng sơ khai, kẻ độc tài thường được xem là đại diện của Thượng Đế. Nhưng đối với đứa trẻ, người lớn chính là Thượng Đế. Điều này nằm ngoài mọi phản biện. Thật ra, kẻ duy nhất có thể chất vấn phải là đứa trẻ, song nó lại phải giữ im lặng. Trẻ phải tự thích nghi với mọi sự, trẻ tin tưởng mọi điều, tha thứ mọi sự. Khi bị còng tay, trẻ không chống trả, và nó tự nguyện xin người lớn đang giận dữ tha tội cho nó, quên cả việc phải hỏi là nó đã phạm tội gì.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng trẻ hành động để tự vệ, nhưng sự tự vệ của nó không hề là một phản ứng trực tiếp và cố ý đối với hành động của người lớn. Nó chỉ là một sự tự vệ thiết yếu của chính sự toàn vẹn về tinh thần của trẻ hay một sự phản ứng vô thức của cái tinh thần bị đàn áp.

Chỉ khi đứa trẻ lớn dần, nó mới bắt đầu phản ứng chống lại chính sự chuyên chế này; nhưng rồi lúc ấy, người lớn cũng sẽ tìm ra những lí do biện hộ mà họ dùng để tự phòng thủ vững vàng hơn dưới lớp vỏ trá hình của họ, và đôi khi họ còn thành công trong việc thuyết phục đứa trẻ rằng sự chuyên chế của họ là tốt cho trẻ.

“Kính trọng” chỉ có một chiều; kẻ yếu tôn kính kẻ mạnh.

Người lớn được công nhận là có quyền “xúc phạm” đứa trẻ. Họ có thể xét đoán đứa trẻ, nói xấu nó, và công khai làm như vậy, để gây tổn thương cho các cảm xúc của trẻ.

Các nhu cầu của trẻ bị người lớn tùy ý định hướng và kiềm chế. Sự phản đối của trẻ bị họ xem là bất tuân phục, sẽ nguy hiểm nếu được họ chấp nhận.

Đây là một dạng cầm quyền dựa trên mô hình sơ khai ép buộc thần dân phải nộp thuế mà không có quyền đặt câu hỏi, có những kẻ nghĩ rằng mọi điều họ có là do ân huệ mà đức vua ban cho, tương tự, trẻ em tin rằng chúng nợ người lớn mọi sự. Hay đúng ra, người lớn truyền ý tưởng này cho chúng. Họ đã ngụy trang làm kẻ sáng tạo. Trong sự kiêu ngạo của họ, họ tin rằng tất cả cái gì làm nên đứa trẻ là do họ tạo ra. Người lớn làm cho đứa trẻ thành thông minh, tốt, sốt sắng, tức là cung cấp cho nó tất cả những phương tiện mà trẻ sẽ cần đến để có thể tiếp cận với môi trường của nó, với con người và với Thượng Đế. Đây là một công việc khó khăn, và để cho bức tranh đầy đủ hơn, họ từ chối nhìn nhận là họ đang độc tài chuyên chế. Nhưng có nhà độc tài nào công nhận là họ hi sinh các thần dân của họ đâu?

Sự chuẩn bị mà phương pháp của chúng tôi đòi hỏi ở nhà giáo là họ phải tự xét mình và tự loại bỏ tội độc tài của họ, họ phải xé tan cái mặc cảm có từ xa xưa của sự kiêu ngạo và giận dữ đã làm xơ cứng trái tim họ một cách vô thức, họ phải tự từ bỏ tính kiêu ngạo và giận dữ để trở nên khiêm tốn, và trên hết, mang lấy đức bác ái từ bi. Đó là những đức tính tâm linh mà họ phải thủ đắc. Đây là tâm điểm của sự cân bằng mà thiếu nó ta không thể tiến xa hơn được. Đây là sự “tập huấn” của nhà giáo, là khởi điểm và là đích cuối của nó.

Điều này không có nghĩa là họ phải chấp thuận mọi hành vi của đứa trẻ hay phải hoàn toàn tiết chế không xét đoán đứa trẻ hoặc không làm gì hết để trợ giúp sự phát triển trí tuệ và tình cảm của trẻ. Nói đúng hơn, người thầy không bao giờ được quên mục đích là để giáo dục, là để trở thành người trợ giúp đích thực của đứa trẻ.

Nhưng chúng ta vẫn phải khiêm tốn và xóa bỏ hết cái định kiến nằm sâu trong tim ta, như vị linh mục trước khi bước lên bàn thờ, phải đọc kinh Sám hối.

Phải làm như vậy và không có cách gì khác hơn.

Chúng ta không từ chối sự hỗ trợ mà giáo dục có thể cho trẻ, mà chúng ta quan niệm rằng phải có một sự thay đổi triệt để tình trạng bên trong của chính chúng ta đã khiến người lớn chúng ta không hiểu rõ được đứa trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.