Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó
Chương 1. Những lầm tưởng về sự tiếp thu
Matt Brown phát hiện ra áp suất dầu của động cơ bên phải tụt đột ngột khi đang điều khiển một chiếc phi cơ động cơ hai thì của hãng Cessna trên bầu trời Harlingen, bang Texas. Đó là một trong những năm đầu trong sự nghiệp phi công của ông. Ông đang đơn độc bay xuyên màn đêm ở độ cao 3.353m để vận chuyển một chuyến hàng khẩn cấp cho một nhà máy ở Kentucky. Nhà máy này đã phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất để chờ các bộ phận còn thiếu trong quá trình lắp ráp.
Ông hạ độ cao và theo dõi đồng hồ đo dầu, hy vọng có thể đến kịp trạm dừng tiếp nhiên liệu ở Lousiana theo kế hoạch, tại đó máy bay có thể được sửa. Nhưng áp suất dầu vẫn tiếp tục sụt. Matt đã xoay xở với các động cơ pít tông từ lúc ông đủ lớn để cầm một cái cờ lê. Nhờ đó ông biết mình thực sự đang gặp rắc rối. Ông liệt kê và lướt nhanh trong đầu một loạt các phương án. Nếu ông để mặc áp suất dầu tụt xuống quá thấp, động cơ sẽ bị kẹt. Liệu ông có thể bay bao xa trước khi chuyện đó xảy ra? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông để mất động cơ? Ông có thể giảm tải phía bên cánh phải? Nhưng liệu ông có thể giữ máy bay ởtrên không như thế mãi? Ông hồi tưởng lại những giờ phút chịu đựng trên chiếc Cessna 401. Phải, điều tốt nhất bạn có thể làm khi chỉ còn một động cơ là hạ thấp độ cao. Nhưng ông vẫn còn một lô hàng nhẹ cần chở và máy bay sắp cạn nhiên liệu. Ông tắt động cơ đã tàn tạ bên cánh phải, quay cánh quạt nhằm giảm sức kéo, cùng lúc tăng động cơ cánh trái, bay bằng bánh lái đối diện và lê thêm được mười dặm nữa về phía điểm dừng đã định. Thế đấy, ông đã tiếp đất bằng một cú xoay cánh trái rộng, bởi một lý do đơn giản nhưng cực kỳ mấu chốt: thiếu lực cánh phải, cách duy nhất khiến máy bay có đủ lực nâng để duy trì một độ cao thấp trước khi hạ cánh là thực hiện một cú xoay cánh trái.
Trong khi chúng ta không cần thiết phải tường tận từng hành động của Matt thì dĩ nhiên ông phải hiểu rõ hành vi của mình. Và khả năng tự cứu mình thoát khỏi thảm họa của ông đã làm sáng tỏ điều chúng tôi vẫn luôn muốn đề cập đến trong cuốn sách này khi bàn về vấn đề học hỏi: thu thập kiến thức cũng như kỹ năng và lưu giữ chúng trong trí nhớ để sẵn sàng đối phó với những tình huống trong tương lai: bao gồm cả thách thức và cơ hội.
Chúng ta có thể có cùng chung ý kiến về một số khía cạnh bất biến khi đề cập đến vấn đề tiếp thu tri thức:
Trước hết, quá trình học tập có hiệu quả luôn đòi hỏi sự ghi nhớ. Có như thế kiến thức thu thập được trong hiện tại mới hữu ích trong tương lai.
Hai là, việc học hỏi và ghi nhớ cần được duy trì suốt cuộc đời. Chúng ta không thể hoàn tất bậc giáo dục trung học khi chưa nắm vững các tri thức về ngôn ngữ, toán học, khoa học, cũng như xã hội. Thăng tiến trong sự nghiệp lại tiếp tục đòi hỏi ở chúng ta các kỹ năng chuyên môn và kiến thức đại học. Khi giã từ sự nghiệp, chúng ta kiếm tìm vài sở thích mới. Lúc về già lẩm cẩm, chúng ta chuyển đến những ngôi nhà giản đơn và dễ thích nghi hơn. Khả năng tiếp thu tốt sẽ luôn là một lợi thế cho chúng ta trong mọi giai đoạn của cuộc đời.
Thứ ba, học hỏi cũng là một kỹ năng đòi hỏi sự trau dồi và những chiến lược hiệu quả nhất nhiều khi lại trái với lẽ thường.
ĐỀ XUẤT CỦA CHÚNG TÔI
Có lẽ bạn không đồng tình với chúng tôi ở khía cạnh thứ ba, nhưng hy vọng cuốn sách này sẽ thuyết phục bạn tin vào điều đó. Một số điều dưới đây, không ít thì nhiều, chưa được sắp xếp theo một danh sách tuần tự, nhưng đó là những đề xuất cơ bản hỗ trợ cho lập luận của chúng tôi và sẽ được đề cập đầy đủ hơn trong những chương sau.
Kiến thức sẽ trở nên sâu sắc và được lưu giữ lâu hơn chỉ khi có sự nỗ lực trong quá trình hàm thụ. Học hỏi mà dễ dàng thì chẳng khác gì viết chữ trên nền cát, nay còn mai mất.
Chúng ta còn yếu kém trong việc đánh giá khi nào chúng ta ở trạng thái tiếp thu tốt nhất và khi nào không. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, chậm chạp và kém hiệu quả, chúng ta thường bị thôi thúc chuyển hướng sang các chiến lược tưởng như hữu ích mà không hề biết rằng kết quả thu được từ việc áp dụng những chiến lược đó nhiều khi chỉ mang tính nhất thời.
Cho đến nay, đọc lại bài khóa (rereading text) và ôn tập một cách tập trung (massed practice) một kỹ năng hay kiến thức mới là phương pháp học tập vẫn được người học trong mọi lĩnh vực ưu tiên áp dụng. Nhưng kỳ thực đó cũng là một trong những chiến lược kém hiệu quả nhất. Ôn tập một cách tập trung ở đây hàm nghĩa sự lặp lại liên tục, không ngừng, chuyên chú vào một kiến thức duy nhất nhằm khắc sâu nó vào trí nhớ. Đây là phương pháp kiểu “luyện tập-luyện tập-luyện tập” rất kinh điển. Nhồi nhét kiến thức trước kỳ thi là một ví dụ tiêu biểu. Đọc đi đọc lại hay ôn tập không ngừng làm gia tăng cảm giác về sự nhuần nhuyễn, trôi chảy, điều có thể tạm coi là dấu hiệu của sự tinh thông. Nhưng xét đến tính lưu giữ lâu dài và sự thành thạo đích thực thì chiến lược này chỉ làm hao tổn thời gian.
Phương pháp luyện tập thông qua hồi tưởng (retrieval practice) – khơi gợi lại ký ức về sự việc, khái niệm hay sự kiện – là phương pháp hiệu quả hơn nhiều so với đọc lại. Một ví dụ đơn giản là thẻ học thông minh (flashcard). Quá trình hồi tưởng lại tri thức củng cố khả năng ghi nhớ và hạn chế sự quên lãng. Giải một câu đố đơn giản sau khi đọc bài khóa hay nghe thuyết trình thúc đẩy sự lĩnh hội và ghi nhớ tốt hơn nhiều so với xem lại bài giảng hay các ghi chú về buổi thuyết trình. Não bộ không thể được tăng cường bằng các bài tập thể dục như cơ bắp, nhưng các dây thần kinh tham gia vào quá trình xúc tiến sự tiếp thu sẽ được củng cố khi trí nhớ được triệu hồi và kiến thức được ôn tập. Ôn tập theo chu kỳ sẽ loại bỏ khả năng lãng quên, hỗ trợ khả năng gợi nhớ và đặc biệt thiết yếu nếu bạn muốn nắm bắt hay làm chủ kiến thức.
Trong một bài tập, khi bạn tạo khoảng cách giữa những lần luyện tập (space out practice) và đối mặt với chút ít căng thẳng giữa những lần cách quãng, hay xen vào đó hai hay nhiều đối tượng luyện tập khác, quá trình gợi nhớ sẽ trở nên khó khăn và tưởng chừng kém hiệu quả hơn. Nhưng những nỗ lực nhằm khắc phục các trở ngại đó sẽ gia tăng sức sống lâu bền cũng như tính linh hoạt ở khả năng ứng dụng thành quả luyện tập trong những tình huống tương lai.
Cố gắng giải quyết khó khăn trước khi được chỉ ra giải pháp cũng là một cách học hỏi hiệu quả, bất chấp những sai lầm có thể xảy ra.
Có một quan niệm phổ biến rằng kiến thức sẽ được hấp thụ dễ dàng hơn nếu được truyền đạt phù hợp với cách thức lĩnh hội (learning style) của người học, bằng âm thanh hoặc hình ảnh chẳng hạn. Những nghiên cứu thực nghiệm không hề ủng hộ điều đó. Con người phát triển nhiều loại hình trí tuệ để thích nghi với việc học hỏi, và chúng ta sẽ nâng cao khả năng học hỏi nếu chịu khó mở rộng giới hạn dạng thức truyền đạt, huy động mọi khả năng và nguồn lực, hơn là bó hẹp sự truyền đạt hay trải nghiệm trong những dạng thức mà chúng ta cảm thấy dễ chấp nhận nhất.
Khi thành thạo hơn trong việc đúc rút những nguyên lý hay nguyên tắc cơ bản, những điều tạo nên sự khác biệt giữa các loại vấn đề, bạn sẽ thấy bớt phần khó khăn khi phải đưa ra giải pháp đúng đắn trong những tình huống xa lạ. Luyện tập đan xen và lồng ghép nhiều nội dung đa dạng (interleaved and varied practice) sẽ giúp bạn làm chủ kỹ năng hay kiến thức hơn so với luyện tập liên tục và chuyên chú vào một nội dung. Giả dụ, khi bạn đang ôn tập kỹ năng tính toán khối lượng, dung tích, v.v… bạn chen vào đó các kiến thức về hình khối. Điều này sẽ giúp bạn khỏi bối rối khi gặp một bài tập tính toán liên quan đến một dạng hình học nào đó. Một minh họa khác, kết hợp rèn luyện khả năng nhận dạng các loài chim với năng lực cảm thụ các tác phẩm tranh sơn dầu sẽ giúp bạn trau dồi được vốn hiểu biết cả về sự thống nhất giữa các thuộc tính trong cùng một loại thể lẫn sự khác biệt giữa các loại thể, từ đó củng cố kỹ năng phân loại mà rất có thể sau này bạn sẽ cần tới.
Tất cả chúng ta đều dễ sa vào những ảo tưởng. Những ảo tưởng này có thể làm thui chột năng lực đánh giá của chúng ta về những gì ta biết và những gì ta có thể làm. Quá trình kiểm tra thẩm định khả năng khái quát của chúng ta về những gì đã học được. Một phi công đang đối mặt với động cơ bị hỏng trong thiết bị mô phỏng điều kiện bay sẽ nhanh chóng phát hiện ra liệu mình có đang thực hiện đúng quy trình sửa chữa hay không. Gần như trong mọi lĩnh vực, người học có thể đạt tới trình độ thông thạo khi họ sử dụng các bài kiểm tra như một công cụ để xác định và khắc phục điểm yếu.
Mọi tri thức mới đều đòi hỏi phải được xây dựng trên nền tảng từ những hiểu biết trước đó. Bạn cần biết làm thế nào để hạ cánh một chiếc máy bay động cơ hai thì với đủ hai động cơ trước khi học cách tiếp đất chỉ với một trong số chúng còn hoạt động. Để học lượng giác, bạn nhất thiết phải nhớ kiến thức về đại số và hình học. Để biết cách đóng tủ, bạn phải thông hiểu đặc tính của gỗ và các vật liệu cấu thành, cũng như cách ráp ván, bào rãnh, phay mặt, làm mộng.
Trong một tác phẩm của Gary Larson, tác giả của loạt tranh biếm họa Far Side, một cậu bé với đôi mắt ốc nhồi đã xin phép thầy giáo: “Thưa thầy Oxborne, em có thể xin nghỉ được không ạ? Em không thể nhét thêm bất kỳ thứ gì vào đầu nữa ạ!” Nếu như bạn chỉ học hỏi như một cái máy sao chép nhắc lại kiến thức một cách đơn thuần, đúng là chẳng mấy chốc khả năng tập trung chú ý và lưu giữ thông tin của bạn sẽ tới mức giới hạn. Tuy nhiên, nếu bạn học hỏi với một sự diễn giải tỉ mỉ (elaboration), khả năng tiếp thu của bạn sẽ là vô hạn. Sự diễn giải tỉ mỉ ở đây ám chỉ quá trình chúng ta diễn đạt lại ý nghĩa của những tài liệu mới bằng ngôn ngữ và cách thức của chính mình cũng như quá trình chúng ta liên hệ chúng với những kiến thức bản thân đã có. Bạn càng diễn giải được nhiều mối liên hệ giữa hiểu biết mới với những kiến thức cũ, bạn càng thấu hiểu triệt để vấn đề, những mối liên hệ bạn tự tạo ra sẽ giúp bạn ghi nhớ chúng lâu hơn. Luồng không khí nóng lưu giữ nhiều hơi ẩm hơn không khí lạnh; để liên hệ điều đó với trải nghiệm thực tế của bản thân, bạn có thể liên tưởng tới phần sau điều hòa luôn bị rỏ nước, hay khí trời mùa hè oi bức luôn trở nên mát mẻ sau một cơn giông bất chợt. Sự bay hơi có tác dụng làm mát: hẳn là bạn biết điều này vì bạn cảm thấy nhà người chú ở Atlanta nóng nực hơn vào một ngày trời nồm so với một ngày khô hanh tại nhà người anh họ ở Phoenix, nơi mà bạn phải cất áo len đi ngay cả trước khi da mình kịp dấp dính. Khi nghiên cứu nguyên lý dẫn truyền nhiệt, bạn cảm nhận được sự truyền nhiệt khi làm ấm bàn tay quanh một cốc ca cao nóng, nhìn ra sự bức xạ trong cách mặt trời ẩn đi trong những ngày đông giá, cắt nghĩa sự đối lưu qua tiếng còi cứu hộ khi chú bạn âm thầm chậm rãi dõi theo bạn qua những con hẻm ưa thích của ông ở Atlanta.
Lồng nội dung kiến thức mới vào một ngữ cảnh rộng hơn (larger context) cũng là một phương pháp hàm thụ hữu ích. Càng biết nhiều chuyện bên lề sử sách, bạn càng hiểu thêm nhiều về lịch sử. Và bạn có thể lý giải ý nghĩa của những câu chuyện đó theo càng nhiều cách, ví như nếu kết nối chúng với những hiểu biết của mình về hoài bão con người và số phận éo le, thì câu chuyện đó càng tồn tại lâu dài trong tâm trí bạn. Tương tự, nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu một khái niệm trừu tượng, như nguyên lý về mô men động lượng chẳng hạn, sẽ dễ dàng hơn khi bạn đặt nó vào một trạng huống cụ thể mà bạn đã biết, trong trường hợp này là cách một vận động viên trượt băng nghệ thuật tăng vận tốc xoay tròn khi cô xếp tay lên ngực.
Khi một cá nhân học cách rút ra các ý tưởng chính từ một tài liệu mới, tổ chức chúng thành một mô hình tư duy giả định (mental model) và liên hệ mô hình đó với những hiểu biết sẵn có, cá nhân đó tỏ ra có lợi thế đặc biệt trong việc lĩnh hội những kỹ năng phức tạp. Mô hình tư duy giả định nói trên là một phương pháp, trong đó người học xây dựng một mô hình tưởng tượng trong đầu về những sự kiện ngoại cảnh. Hãy thử tưởng tượng trong một trận bóng chày, cầu thủ đánh bóng (batter) đang chờ đợi một cú ném. Anh ta gần như không có lấy một giây để đoán định xem liệu đó là một cú ném vòng cung (curveball), cú ném lừa (changeup) hay bất kỳ thứ gì khác. Vậy anh ta sẽ xử trí thế nào? Trong trường hợp này, vài dấu hiệu tinh vi tỏ ra hữu ích: hướng quay, cách ném của người ném bóng (pitcher) hay vòng xoáy của những đường viền nổi trên quả bóng. Một người đánh bóng giỏi sẽ sàng lọc và loại ra các dấu hiệu cảm quan không cần thiết hay gây xao lãng, chỉ tập trung vào sự biến đổi đường ném bóng và nhờ quá trình luyện tập, anh ta có thể xây dựng những mô hình tưởng tượng đặc trưng tương ứng với các nhóm tín hiệu khác nhau về mỗi cách ném bóng. Anh ta sẽ liên kết các mô hình này với những kiến thức đã có về tư thế đánh bóng, khu vực đập bóng và di chuyển đến đúng điểm đến của bóng. Từ những điều này, anh ta tiếp tục liên hệ tới mô hình về vị trí của các cầu thủ trong đội: nếu có cầu thủ khác ở vị trí số một và số hai, có thể anh ta sẽ hy sinh để nhường lợi thế cho những người chạy gôn (runner). Nếu có hai người đánh bóng ở vị trí số một và số ba và một người bị loại, anh ta sẽ cố gắng để không người chạy gôn nào tiếp theo bị loại (double play) trong khi vẫn đánh được bóng để người chạy gôn về đích và ghi điểm. Mô hình về vị trí các đồng đội lại được liên kết với mô hình vị trí các cầu thủ đội bạn (họ đang ở vị trí cao hay thấp) cũng như kết nối với các tín hiệu xung quanh từ khu vực dành cho các thành viên trong đội (dugout) tới các điểm mốc (base), từ chỗ các huấn luyện viên đến vị trí của anh ta. Trong một cú đánh bóng tuyệt vời, các mảnh ghép đó được ráp nối hoàn hảo: người đánh bóng kết nối được với trái bóng và hướng nó về một lỗ xa gôn, câu giờ cho đồng đội chạy về gôn. Tóm lại, một cầu thủ chuyên nghiệp sẽ loại ra tất cả các chi tiết gây xao lãng ngoại trừ những yếu tố quan trọng nhất quyết định loại đường ném bóng và cách đối phó với từng loại, xây dựng những mô hình tư duy giả định từ các yếu tố đó đồng thời liên hệ các mô hình này với hiểu biết của mình về các nhân tố thiết yếu khác trong một trận đấu phức tạp. Nhờ đó anh ta sẽ có cơ hội ghi điểm tốt hơn so với một cầu thủ thiếu kinh nghiệm, một người không thể cắt nghĩa một khối lượng thông tin khổng lồ và biến đổi liên tục mà anh ta phải xử lý mỗi khi bước lên gôn nhà (plate).
Nhiều người tin rằng khả năng tư duy đã được ấn định ngay từ lúc lọt lòng và khả năng bẩm sinh bị giới hạn của họ phải chịu trách nhiệm cho mọi thất bại trước những thử thách về mặt trí tuệ. Nhưng mỗi khi bạn học được thêm một điều mới là bạn đã thay đổi bộ não của mình – nơi lưu giữ lại những gì được sàng lọc từ trải nghiệm của bạn. Chúng ta bắt đầu cuộc đời của mình với món quà của bộ gen sinh học,điều đó không sai. Nhưng cũng không hề sai khi chúng ta trở nên giỏi giang hơn nhờ quá trình học hỏi và phát triển các mô hình tư duy, thứ mang đến cho chúng ta khả năng suy luận, giải quyết và sáng tạo. Nói một cách khác, ở một mức độ tương đối bất ngờ, các yếu tố hình thành nên năng lực trí tuệ của chúng ta lại nằm ngay trong tầm kiểm soát của chính chúng ta. Thấu triệt được điều đó sẽ giúp bạn nhìn nhận thất bại như một dấu hiệu của nỗ lực cũng như một nguồn thông tin hữu ích – từ đó khơi gợi nhu cầu đào sâu vấn đề hay áp dụng một chiến lược mới. Nhu cầu xác định khi nào việc tiếp thu trở nên khó khăn cũng rất quan trọng. Để vượt qua trình độ hiện tại của chính mình và hướng tới sự tinh thông đích thực, bạn cần hiểu rằng mọi sự đấu tranh và thất bại là thiết yếu, như trong mọi game hành động hay buổi quảng cáo một chiếc BMX mới. Mắc sai lầm và nỗ lực sửa chữa sai lầm chính là nấc thang dẫn tới một trình độ nhận thức cao hơn.
CHỨNG CỨ THỰC NGHIỆM TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU VỚI LÝ LUẬN, HỌC THUYẾT VÀ TRỰC GIÁC
Phần lớn cách chúng ta cấu trúc nền giáo dục và đào tạo đều dựa trên các lý thuyết được truyền lại. Các lý thuyết được quyết định bởi sự thừa nhận của chúng ta về điều gì có tác động lớn hơn, những hiểu biết rút ra từ kinh nghiệm cá nhân trên tư cách là các giáo viên, huấn luyện viên, sinh viên hay đơn thuần là ý kiến của số đông. Đa phần cách chúng ta nghiên cứu và học hỏi đều là sự pha trộn của các lý luận, học thuyết và trực giác. Nhưng trong khoảng 40 năm trở lại đây và thậm chí có thể còn kéo dài hơn nữa, các nhà tâm lý học nhận thức đã nghiên cứu và xây dựng nên một hệ thống các bằng chứng giúp làm sáng tỏ tác nhân nào trong số các yếu tố kể trên đóng vai trò ảnh hưởng cũng như phát hiện ra các chiến lược mang lại kết quả.
Tâm lý học nhận thức là bộ môn khoa học nền tảng tiến hành tìm hiểu về quá trình bộ não của chúng ta làm việc, cũng như thực hiện các nghiên cứu thực chứng về cách con người nhận thức, ghi nhớ và suy nghĩ. Nhiều ngành khoa học khác cũng tham gia vào lý giải những bí ẩn của quá trình lĩnh hội tri thức. Các nhà tâm lý học phát triển và các nhà giáo dục đều quan tâm tới những lý thuyết về phát triển con người cũng như phương án ứng dụng những lý thuyết này vào quá trình xây dựng các công cụ giáo dục – như các phương pháp kiểm chứng, tổ chức hướng dẫn (đề cương, minh họa dưới dạng đồ thị, v.v…) và nguồn tài liệu cho từng nhóm học viên đặc biệt (chương trình đào tạo dành cho các học viên yếu kém hay các học viên năng khiếu). Các chuyên gia thần kinh học, với việc sử dụng các kỹ thuật và công cụ mới có tính hình tượng, đã đạt được những bước tiến mới trong việc khám phá ra cơ chế hoạt động của não bộ, cơ quan tiền đề quyết định kết quả của quá trình học hỏi. Nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải trải qua trước khi các nhà thần kinh học có thể đưa ra phương án cải thiện nền giáo dục hiện tại.
Vậy mỗi cá nhân phải làm gì để biết chắc rằng chỉ dẫn nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho sự học hỏi của bản thân khi chúng được áp dụng đúng cách?
Luôn hoài nghi là một phương án khôn ngoan. Tìm ra những lời khuyên chẳng có gì là khó, bạn chỉ cần vài cú nhấp chuột. Nhưng không phải mọi chỉ dẫn đều bắt nguồn từ kết quả của những nghiên cứu, nếu không muốn nói là rất ít. Cũng như không phải tất cả những chỉ dẫn đó đều là kết quả của các cuộc điều tra, những nghiên cứu đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học, như là các điều kiện giám sát thích hợp để đảm bảo tính khách quan và khái quát. Những nghiên cứu thực chứng tốt nhất, về bản chất, chính là các thí nghiệm: nhà nghiên cứu phát triển một giả thuyết và kiểm chứng nó qua hệ thống các thí nghiệm, những thí nghiệm này phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo về cơ cấu và tính khách quan. Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ đúc kết những phát hiện của một số lượng không nhỏ các nghiên cứu. Các nghiên cứu này là kết quả của quá trình nghiền ngẫm và xem xét của cả cộng đồng khoa học trước khi được công bố trên các ấn phẩm chuyên ngành. Chúng tôi đã cùng tham gia vào một số công trình khoa học nhưng số đó không nhiều. Những công trình đó, như chúng tôi thường nói, chỉ là nơi đưa ra những lý thuyết thay vì những kết quả có giá trị khoa học. Để thể hiện quan điểm của mình, bên cạnh những thành quả khoa học đã được kiểm chứng, chúng tôi còn viện tới giai thoại về những con người như Matt Brown, những cá nhân mà công việc của họ đòi hỏi sự thông thạo cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Những câu chuyện làm dẫn chứng cho các nguyên tắc cơ bản về cách học hỏi và ghi nhớ cũng được chúng tôi sử dụng triệt để.
Chúng ta vẫn đang lầm tưởng về sự tiếp thu
Hóa ra phần nhiều những gì chúng ta vẫn áp dụng với tư cách người giảng dạy hay người học tập lại không mấy hiệu quả, song chỉ một vài điều chỉnh nhỏ có thể mang lại những thay đổi bất ngờ. Mọi người thường nghĩ nếu như bản thân tiếp xúc với một tài liệu nào đó đủ lâu, ví như một đoạn bài giảng hay một hệ thống các thuật ngữ trong cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 8, họ có thể ghi nhớ chúng. Nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Thêm nữa, nhiều giáo viên vẫn tin rằng quá trình học tập sẽ hiệu quả hơn nếu như họ khiến nó trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nhưng phần lớn các nghiên cứu lại chỉ ra điều ngược lại: hành trình tiếp thu càng khó khăn, thành quả tiếp thu càng vững chắc. Nhiều giáo viên hay huấn luyện viên vẫn tin rằng cách hiệu quả nhất để thuần thục một kỹ năng mới là tăng cường nắm bắt, tập trung cao độ và lặp lại liên tục chỉ một kỹ năng đơn nhất cho đến khi bạn làm chủ được nó. Điều đó đã bám rễ trong niềm tin của chúng ta, vì chúng ta chỉ thấy thành quả tức thì của việc thực hành một cách tập trung và dồn dập. Nghiên cứu này đã chỉ ra một điều rõ ràng rằng, những thành quả đạt được nhờ phương pháp rèn luyện tập trung chỉ có tính tạm thời và dễ dàng tan biến.
Phát hiện về sự vô ích của việc đọc lại sách giáo khoa đã giội một gáo nước lạnh lên các nhà giáo dục và các học viên, vì đó là chiến lược số một của hầu hết mọi người – trong đó có hơn 80% sinh viên đại học tham gia khảo sát. Bản thân việc đọc lại cũng là nhiệm vụ trọng tâm chiếm phần lớn quỹ thời gian mà chúng ta dành cho việc học tập. Đọc lại gây ra ba tác hại đối với quá trình tiếp thu. Thứ nhất, nó hoàn toàn chỉ tiêu tốn thời gian. Thứ hai, kiến thức thu được từ việc đọc lại không được lưu giữ lâu trong trí nhớ. Thứ ba, việc đọc lại dễ khiến người học rơi vào trạng thái tự lừa dối mình một cách vô thức, nói cách khác họ dễ lầm tưởng rằng bản thân đã nắm bắt được kiến thức trong khi thực sự họ lại chỉ đang học vẹt. Hàng giờ liền chìm đắm trong việc đọc đi đọc lại dường như khá giống với biểu hiện của sự chuyên cần, nhưng khối lượng thời gian dành cho việc học lại không hề quyết định mức độ tinh thông của người học.
Bạn chẳng cần phải nhìn đâu xa để tìm những trung tâm giáo dục hoạt động dựa trên quan niệm cho rằng sự tiếp xúc đơn thuần với tần suất lớn và mức độ tập trung cao độ có thể tạo nên tính hiệu quả trong quá trình tiếp thu tri thức. Hãy cùng xem xét trường hợp của Matt Brown, người phi công, trong ví dụ trước đây. Matt Brown đã nắm bắt khối lượng kiến thức đủ để được thừa nhận bởi bất kỳ hãng kinh doanh hàng không nào sẽ thuê ông làm phi công và chúng tôi đã đề nghị ông mô tả toàn bộ quá trình. Người chủ mới đã gửi ông tới tham dự một khóa huấn luyện kéo dài mười giờ mỗi ngày trong mười tám ngày liên tục. Matt gọi đó là phương pháp hướng dẫn “vòi cứu hỏa”. Bảy ngày đầu tiên, mọi thứ chỉ diễn ra trong phòng học. Ông được chỉ dẫn về tất cả các hệ thống của máy bay: điện, nhiên liệu, không khí, v.v…; cơ chế hoạt động và tương tác của các hệ thống này; cũng như các mức độ an toàn – hỏng hóc của chúng dưới tác động của các yếu tố như áp suất, trọng lực, nhiệt độ và vận tốc. Matt được yêu cầu phải sẵn sàng cho việc tuân theo những mệnh lệnh tức thì về 80 “hành vi trí nhớ”. Các hành động này phải được thực hiện không do dự, không đắn đo để giữ cho máy bay được ổn định trong trường hợp một trong số hàng tá những sự cố bất thình lình có thể xảy ra như áp suất giảm đột ngột, bộ phận thổi ngược bật mở giữa chuyến bay, một động cơ nào đó bị hỏng hóc hay một vụ chập cháy điện.
Matt và các bạn đồng học phải dành hàng giờ chăm chú quan sát những hình minh họa trình chiếu PowerPoint, với bộ não gần như tê liệt, về những hệ thống cơ bản của máy bay. Và rồi một điều thú vị đã xảy ra.
Matt kể: “Vào khoảng giữa ngày thứ năm, họ chiếu lên màn hình một sơ đồ về hệ thống nhiên liệu, với cảm biến áp suất, van khóa, bơm phụt, đường vòng, v.v… Bạn phải rất chật vật mới có thể tập trung. Sau đó, một người hướng dẫn hỏi chúng tôi: ‘Đã ai trong số các bạn từng gặp trường hợp đèn cảnh báo bộ lọc nhiên liệu của ống phụt bật sáng trong một chuyến bay rồi?’. Một phi công phía bên kia phòng giơ tay. Người hướng dẫn tiếp: ‘Kể cho chúng tôi nghe chuyện gì đã xảy ra?’ và thoạt nhiên bạn nghĩ, chà, sẽ ra sao nếu người đó là mình?
Anh ta đang bay trên độ cao hơn 900m, và sắp sửa mất cả hai động cơ vì đã nạp loại nhiên liệu không có chất chống đông trong khi bộ lọc của máy bay đang tắc nghẽn vì băng tuyết. Bạn dõi theo câu chuyện, và tin tôi đi, các hình vẽ phác họa cứ như có sức sống, bám chặt lấy tâm trí bạn vậy. Nhiên liệu bay thường có thành phần nước, và khi gặp không khí lạnh ở một độ cao nhất định, nước sẽ đông đặc lại, đóng băng và làm tắc đường dẫn. Do đó, bất cứ khi nào nạp nhiên liệu, bạn phải chọn loại tốt và chắc chắn rằng bạn có thể tìm thấy trên xe chở nhiên liệu một ký hiệu cho biết nó có chứa Prist, hoạt chất chống đông. Và nếu như có bất ngờ nhìn thấy đèn cảnh báo bật sáng giữa hành trình bay, bạn phải nhanh chóng hạ thấp độ cao để xuống vùng không khí ấm hơn.” Sự tiếp thu trở nên mạnh mẽ hơn trong một ngữ cảnh đáng lo ngại, khi mà lý thuyết trừu tượng được cụ thể hóa và cá nhân hóa.
Kể từ đó, tính chất của khóa hướng dẫn thay đổi. Mười một ngày sau là sự kết hợp giữa các bài học trên lớp và thực hành trong môi trường mô phỏng bay. Matt đã mô tả một hình thức tham gia chủ động được triển khai tại đây, điều làm gia tăng tính lâu bền của những kiến thức được học. Người phi công phải vật lộn với máy bay của mình để chứng tỏ sự thành thục với những quy trình vận hành tiêu chuẩn, phản xạ trước những tình huống bất ngờ, tập luyện một cách kỷ luật trong sự phối hợp và đảm bảo tính chính xác của những thao tác phải thực hiện trong khoang lái nhằm đối phó với những tình huống này, chính xác như thể đó đã trở thành bộ nhớ vật lý của họ. Môi trường mô phỏng bay cung cấp sự luyện tập có tính gợi nhớ, cũng như sự ngắt quãng, đan xen và đa dạng hóa đối tượng trong quá trình luyện tập. Nó cũng khơi gợi tối đa các thao tác tư duy mà Matt sẽ sử dụng trên cùng một độ cao trong hành trình thật. Trong môi trường mô phỏng, những lý thuyết trừu tượng sẽ được cụ thể hóa và cá nhân hóa. Môi trường này còn là nơi diễn ra một loạt các thí nghiệm, nhờ đó Matt cũng như những người hướng dẫn có thể đánh giá khả năng phán đoán của họ về những điểm mấu chốt mà Matt cần tập trung để đạt tới sự thành thạo.
Trong một số trường hợp, như trong môi trường mô phỏng của Matt, các giáo viên và huấn luyện viên có cách tiếp cận riêng tới những kỹ thuật học hỏi hiệu quả. Nhưng trong thực tế, ở một vài lĩnh vực, những kỹ thuật này có xu hướng trở thành ngoại lệ, và những bài giảng kiểu “vòi cứu hỏa” (hay một cách gọi khác tương đương tùy mỗi người) đều nằm trong số đó.
Trong thực tế, những chỉ dẫn thông thường về những điều cần thực hiện đối với sinh viên rõ ràng là sai lầm. Ví dụ như mục các mẹo để học tốt trên trang báo điện tử của Đại học George Mason đưa ra lời khuyên rằng: “Bí quyết để học tập tốt chính là sự nhắc lại; bạn càng đọc lại tài liệu nhiều lần thì khả năng bạn ghi nhớ nó mãi mãi càng cao.” Một lời khuyên khác trên trang báo điện tử của trường Cao đẳng Dartmouth thì cho rằng: “Chỉ cần bạn có ý định ghi nhớ một điều gì đó thì khả năng cao là bạn sẽ làm được.” Mục tin tức phục vụ cộng đồng đăng tải định kỳ trên tờ St. Louis Post-Dispatch đã đưa ra chỉ dẫn về học tập với hình minh họa là một cậu bé đang chúi đầu vào cuốn sách của mình. Dòng chú thích viết: “Tập trung. Tập trung vào một và chỉ một vấn đề duy nhất. Lặp lại, lặp lại, lặp lại. Nhắc lại điều bạn cần nhớ có thể giúp khắc sâu nó vào trí óc của bạn.” Niềm tin vào sức mạnh của việc đọc lại, tính chủ định, sự nhắc lại đã trở nên phổ biến, nhưng kỳ thực có những điều bạn không thể ghi nhớ chỉ đơn giản bằng cách nhắc đi nhắc lại nó. Thủ thuật này chỉ có tác dụng khi bạn tra cứu một số điện thoại, lưu giữ trong đầu lúc nhấn phím điện thoại; chứ không giúp ích gì cho việc lưu giữ kiến thức một cách lâu dài.
Ví dụ đơn giản sau đây được lấy cảm hứng từ việc tìm kiếm trên Internet (bạn có thể gõ “penny memory test” để tìm kiếm) và kết quả hiện ra hàng tá các bức tranh về một đồng xu bình thường, trong đó chỉ có một là hình ảnh chính xác về đồng xu. Cho dù đã nhìn thấy đồng xu đó rất nhiều lần trong đời, vẫn thật khó để bạn tự tin khẳng định hình ảnh nào là đúng. Tương tự, trong một nghiên cứu mới đây, các cán bộ giảng dạy và sinh viên học tập tại tòa nhà thuộc khoa Tâm lý học trường Đại học California, Los Angeles (UCLA) được yêu cầu xác định vị trí của những chiếc bình cứu hỏa gần văn phòng của họ nhất. Hầu như tất cả đều không vượt qua được bài kiểm tra này. Một giáo sư, người đã công tác tại UCLA 25 năm, quyết định rời khỏi lớp học để tìm xem đâu là bình cứu hỏa có vị trí gần phòng làm việc của ông nhất. Ông phát hiện ra, thật bất ngờ là nó lại được đặt ngay cạnh cánh cửa, chỉ cách nắm đấm cửa mà ông vẫn xoay mỗi lần vào phòng vài bước chân. Vậy, theo như trường hợp này, sự tiếp xúc có tính lặp đi lặp lại kéo dài liên tục hàng năm trời cũng chẳng giúp ông biết phải lấy bình cứu hỏa gần nhất ở đâu nếu chẳng may thùng rác của ông bốc cháy.
Những bằng chứng trước đó
Ý tưởng sai lầm rằng quá trình tiếp xúc lặp đi lặp lại sẽ tạo nên sự ghi nhớ được truyền bá thông qua một loạt điều tra diễn ra từ giữa những năm 1960. Giữa lúc đó, Endel Tulving, một nhà tâm lý học tại Đại học Toronto, bắt đầu thí nghiệm khả năng ghi nhớ danh sách liệt kê các từ vựng tiếng Anh thông thường của mọi người. Trong giai đoạn đầu tiên của thí nghiệm, những người tham gia đơn giản chỉ đọc một bản danh sách liệt kê các từ vựng được ghép theo cặp (ví dụ như “ghế – 9”) trong sáu lần mà không hề biết rằng đó là một bài kiểm tra trí nhớ. Trong mỗi cặp, từ đầu tiên luôn là một danh từ. Sau khi đọc danh sách trên sáu lần, họ được thông báo rằng họ sẽ được phát một bảng danh từ mà họ phải ghi nhớ. Đối với một số người, các danh từ này giống hệt các từ họ đã đọc sáu lần trước đó. Đối với một số khác thì không. Tulving đã phát hiện ra một điều đáng lưu ý: quá trình nhận biết các danh từ của hai nhóm không hề khác nhau – theo như phương pháp thống kê, đường cong nhận thức của hai nhóm là đồng nhất. Trực giác đã gợi ý cho họ, nhưng mặt khác sự tiếp xúc trước đó không hề hỗ trợ gì cho sự gợi nhớ về sau. Sự nhắc lại đơn thuần không giúp ích gì cho sự lĩnh hội. Các công trình của rất nhiều nhà nghiên cứu sau đó tiếp tục đào sâu vấn đề rằng liệu sự tiếp xúc liên tục có tính lặp lại hay khoảng thời gian dài lưu giữ kiến thức trong tư duy có đóng góp gì cho quá trình gợi nhớ về sau không. Và các nghiên cứu này đã xác nhận cũng như hoàn thiện phát hiện trước đó rằng, chỉ sự nhắc lại thì không đủ để làm nên trí nhớ dài hạn.
Những kết quả đó đã thôi thúc các nhà nghiên cứu điều tra về lợi ích của việc đọc lại bài giảng. Trong một bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành Tâm lý học giáo dục đương thời, các nhà khoa học tại Đại học Washington đưa ra báo cáo về một loạt các nghiên cứu họ đã thực hiện trong chính trường đại học của mình và tại Đại học Mexico. Mục đích của các công trình này là xác minh tính đúng đắn của quan niệm cho rằng đọc lại là một phương pháp hữu ích giúp nâng cao khả năng đọc hiểu và ghi nhớ các tác phẩm văn xuôi. Như hầu hết các nghiên cứu, những công trình này dựa trên lập trường của các công trình trước. Trong số đó có không ít tác phẩm đã chỉ ra rằng, khi cùng một bài viết được đọc nhiều lần, các suy luận cũng như mối liên kết giữa các chủ đề cùng xu hướng sẽ được thiết lập. Một số khác chỉ đề xuất những lợi ích hết sức khiêm tốn của việc đọc lại. Những lợi ích này nảy sinh trong hai tình huống khác nhau. Trong tình huống thứ nhất, một số sinh viên đọc tài liệu học tập lần thứ nhất và lặp lại ngay lập tức, trong khi đó những người còn lại chỉ đọc một lần. Liền sau đó cả hai nhóm làm một bài kiểm tra. Nhóm đọc lại hai lần đạt kết quả tốt hơn chút ít so với nhóm còn lại. Tuy nhiên, nếu bài kiểm tra bị trì hoãn sau một khoảng thời gian, lợi ích từ việc đọc lại sẽ trở nên mờ nhạt, khi đó cả hai nhóm cho kết quả như nhau. Trong một tình huống khác, một nhóm học viên đọc tài liệu lần thứ nhất và đợi sau ít ngày thì đọc lại lần thứ hai. Nhóm này, những người đã tiến hành phương pháp ngắt quãng trong quá trình đọc, thực hiện bài kiểm tra tốt hơn nhóm không đọc lại.
Các thí nghiệm tiếp theo được tiến hành tại Đại học Washington, nhằm tháo gỡ những nút thắt còn bỏ ngỏ từ những nghiên cứu trước đó, cũng như đánh giá lợi ích của việc đọc lại đối với các sinh viên thuộc nhiều trình độ khác nhau, trong một ngữ cảnh tiếp thu cụ thể tương đương với những tình huống vẫn diễn ra trong các lớp học. Tổng cộng 148 sinh viên tham gia đọc năm đoạn văn khác nhau được trích từ sách giáo khoa và tạp chí Scientific American. Các sinh viên này thuộc hai trường đại học khác nhau; một số có kỹ năng đọc khá tốt, một số tương đối kém; một số chỉ đọc tài liệu một lần, số còn lại đọc hai lần liên tiếp. Sau đó tất cả cùng trả lời các câu hỏi để cho thấy mình đã học được gì và còn nhớ được gì.
Trong các thí nghiệm này, việc đọc lại tài liệu nhiều lần liên tục trong một khoảng thời gian ngắn không hề cho thấy nó là phương pháp học tập triển vọng cho cả hai nhóm, ở cả hai trường đại học và trong mọi điều kiện kiểm chứng. Kỳ thực, các nhà nghiên cứu không phát hiện được bất kỳ lợi ích nào của việc đọc lại trong mọi điều kiện.
Vậy, kết luận rút ra ở đây là gì? Việc đọc lại văn bản một lần chỉ có ý nghĩa khi có một khoảng cách hợp lý kể từ lần đọc đầu tiên, nhưng đọc lại nhiều lần liên tục trong một khoảng thời gian ngắn chỉ tiêu tốn thời gian mà lợi ích đem lại thì không đáng kể so với các phương pháp hiệu quả hơn mà lại tốn ít thời gian hơn. Nhưng các cuộc khảo sát với những sinh viên cao đẳng lại xác nhận điều mà các giáo sư đã biết trong một thời gian dài: đánh dấu, gạch chân, nghiền ngẫm các ghi chú và văn bản vẫn là những phương thức học tập phổ biến nhất cho đến nay.
Những ảo tưởng về sự hiểu biết
Nếu việc đọc lại phần nhiều chẳng mang lại hiệu quả thì tại sao phương pháp này vẫn được đông đảo sinh viên ủng hộ? Có thể một phần là do họ không được chỉ dẫn chuẩn xác. Nhưng có một nguyên nhân khác, đòi hỏi sự xem xét tinh vi hơn về điều đã được học thôi thúc các sinh viên sử dụng phương pháp này. Đó cũng là hiện tượng đã được đề cập trong phần trước: việc tài liệu ngày càng trở nên gần gũi và quen thuộc với người học cũng như khả năng đọc hiểu ngày càng nhuần nhuyễn có thể bồi đắp nên trong họ một ảo tưởng về sự tinh thông. Như bất kỳ giáo sư nào cũng sẽ xác nhận, các sinh viên nỗ lực thâu tóm chính xác từng từ ngữ họ được nghe trong các bài giảng trên lớp, gắng sức chỉ vì lầm tưởng rằng bản chất thật sự của đối tượng nằm trong cú pháp mô tả nó. Thông thuộc từ ngữ ngữ pháp của một bài giảng hay văn bản không hề đồng nhất với việc thông hiểu ý tưởng hàm ẩn trong đó. Song việc đọc lại lại khiến người học ảo tưởng rằng họ đã nắm bắt được những ý tưởng cơ bản. Đừng để bản thân bị lừa phỉnh. Việc bạn có thể nhắc lại các từ ngữ trong văn bản hay trong các ghi chú về bài giảng không phải dấu hiệu cho thấy bạn hiểu ý nghĩa của vấn đề gửi gắm trong đó, hoàn cảnh ứng dụng, cũng như mối liên hệ giữa chúng với những gì bạn đã biết về cùng một chủ đề.
Theo kinh nghiệm của một giảng viên đại học, chẳng có gì khác thường khi cô đáp lại tiếng gõ cửa văn phòng và bắt gặp một sinh viên năm nhất đầy lo lắng, mong muốn được thảo luận với cô về kết quả đáng thất vọng trong bài kiểm tra tâm lý học đại cương đầu tiên của cậu. Sao lại có thể như thế được chứ? Cậu đã tham gia mọi buổi học và chuyên cần ghi chú tỉ mỉ từng bài. Cậu cũng đã đọc bài khóa và đánh dấu những đoạn quan trọng.
“Vậy cậu chuẩn bị cho bài kiểm tra như thế nào?”, giảng viên hỏi.
Thật kỳ lạ, cậu đã rà soát và đánh dấu các ghi chú, nghiền ngẫm chúng và tài liệu được đánh dấu vài lần đến khi cậu thuộc làu làu tất cả. Vậy mà sau từng ấy nỗ lực cậu lại chỉ nhận được một điểm D cho bài kiểm tra?
Vậy cậu đã sử dụng hệ thống các khái niệm chính được chốt lại sau mỗi chương để tự kiểm tra lại chưa? Liệu cậu có thể nhìn một khái niệm như tác nhân kích thích có điều kiện (conditioned stimulus) và định nghĩa nó, sau đó ứng dụng nó vào một đoạn văn? Trong khi đọc, cậu đã nghĩ tới việc biến các ý chính của văn bản thành chuỗi các câu hỏi và cố gắng giải đáp chúng trong quá trình ôn bài sau đó chưa? Chí ít thì cậu cũng đã diễn đạt lại các ý tưởng mấu chốt bằng chính ngôn ngữ của mình, theo cách cậu đã biết chứ? Cậu có cố liên hệ chúng với những hiểu biết cậu đã có hay không? Cậu có tìm kiếm các ví dụ minh họa ngoài bài giảng không? Câu trả lời là không cho tất cả các vấn đề nêu trên.
Cậu tự thấy mình là một sinh viên mẫu mực và vô cùng chăm chỉ nhưng kỳ thực cậu không hề biết cách học tập hiệu quả.
Ảo tưởng về sự hiểu biết là một ví dụ của sự thiểu năng nhận thức triết học: chúng ta nhận thức được gì về quá trình nhận thức của bản thân. Đánh giá chính xác về những gì bạn biết và không biết là điều vô cùng thiết yếu đối với quá trình ra quyết định. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Donald Rumsfeld tổng kết rất hay (và có tính dự đoán) trong một bài báo từ năm 2002 với nội dung đánh giá tóm lược tình hình tình báo Mỹ về khả năng Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông nói: “Có những hiểu biết đã được nhận thức; đó là những điều chúng ta biết rằng mình biết. Có những ẩn số đã được nhận thức; có thể nói, đó là thứ chúng ta biết rằng mình không biết. Nhưng còn có những điều chưa biết chưa được nhận thức – những điều chúng ta không hề biết rằng mình không biết.”
Đó cũng chính là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Chúng tôi muốn các bạn hiểu rằng những sinh viên không tự kiểm tra kiến thức của mình bằng các câu hỏi vấn đáp (hầu hết các sinh viên thường không làm điều này) có xu hướng đánh giá quá cao mức độ tiếp thu của mình đối với các tài liệu học tập. Tại sao ư? Khi họ nghe một bài giảng hay đọc một bài khóa là chuẩn mực của sự rõ ràng, sự dễ dàng trong việc theo dõi những luận điểm sẽ mang lại cho các sinh viên này cảm giác rằng họ đã hiểu thấu đáo vấn đề và không cần phải học chúng nữa. Nói cách khác, họ không chủ định tìm hiểu điều họ chưa biết; và khi đối mặt với bài kiểm tra, họ nhận thấy bản thân không thể nhớ lại các ý chính hay áp dụng chúng vào một tình huống mới. Giống như vậy, khi họ đọc đi đọc lại các ghi chú về bài giảng và bài khóa cho đến lúc nhuần nhuyễn, sự trôi chảy sẽ mang lại nhận thức giả tạo rằng họ đã thực sự sở hữu nguồn kiến thức thông qua nắm bắt các nội dung, nguyên tắc và hàm ý cơ bản. Họ tự tin rằng bản thân có thể nhớ lại tất cả chỉ trong khoảnh khắc. Kết quả là ngay cả những sinh viên cần mẫn nhất vẫn vấp phải hai nguy cơ: một là kém tiếp thu trong lĩnh vực mình còn yếu và cần nỗ lực đầu tư công sức bổ sung kiến thức hơn nữa; hai là thiên hướng ưu tiên áp dụng những phương thức học tập dễ dẫn tới cảm giác tiếp thu giả tạo.
KIẾN THỨC: KHÔNG PHẢI ĐIỀU KIỆN ĐỦ, NHƯNG LÀ ĐIỀU KIỆN CẦN
Albert Einstein từng nói “sáng tạo quan trọng hơn hiểu biết” và dường như ý kiến này được phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên đại học. Vậy tại sao họ vẫn chưa thực sự thấu triệt tư tưởng này? Nó là hiện thân của một sự thật hiển nhiên và sâu sắc rằng những thành tựu khoa học, xã hội hay kinh tế của chúng ta bắt nguồn từ đâu nếu không phải từ sự sáng tạo? Bên cạnh đó, tích lũy kiến thức giống với một công việc đòi hỏi sự kiên trì, cần mẫn trong khi sáng tạo lại có vẻ thú vị hơn nhiều. Song, tất nhiên sự tách rời hai yếu tố là không đúng. Bạn sẽ không muốn thấy chiếc áo phông in dòng tuyên ngôn đó được mặc trên người vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh của mình hay vị cơ trưởng lái chiếc máy bay chở bạn băng qua Thái Bình Dương. Nhưng tuyên ngôn này về cơ bản đã trở nên phổ biến như đòn phản công trước những hệ thống thi cử được quy chuẩn hóa, cùng nỗi quan ngại rằng những bài thi có tính rập khuôn quá thiên về khả năng học thuộc này sẽ khiến chúng ta phải trả giá bằng chính những kỹ năng trình độ cao. Bất chấp những nguy hiểm khó lường của hệ thống thi cử rập khuôn, điều chúng ta thực sự nên băn khoăn là làm thế nào để trau dồi nguồn tri thức và sức sáng tạo. Thiếu kiến thức, bạn sẽ không có nền tảng phát triển những kỹ năng trình độ cao như phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Về điều này, nhà tâm lý học Robert Sternberg và hai đồng nghiệp đã diễn đạt như sau: “Một người không thể áp dụng hiểu biết đã có vào thực tiễn nếu anh ta không biết cách áp dụng.”
Sự thành thạo trong bất kể lĩnh vực gì, từ nấu ăn, chơi cờ đến phẫu thuật não, đều là sự bồi đắp dần dần kiến thức, trí tuệ, khả năng nhìn nhận và kỹ năng. Chúng là thành quả của quá trình rèn luyện đa dạng các kỹ năng mới, cũng như của quá trình đấu tranh, suy ngẫm và cả sự rèn luyện trong tư duy. Ghi nhớ các sự kiện cũng giống như tích trữ vật liệu trên công trường để từ đó xây dựng nên ngôi nhà của bạn. Quá trình xây dựng ngôi nhà đòi hỏi không chỉ kiến thức về máy móc và vật liệu mà còn đòi hỏi cả hiểu biết về các khía cạnh như đặc tính chịu lực của thanh dầm hay hệ thống vì kèo mái nhà, hay định luật Bảo toàn và Chuyển hóa Năng lượng mà nhờ đó người chủ ngôi nhà không phải giải quyết vấn đề ẩm ướt do băng tuyết vào sáu tháng sau đó vì ngôi nhà vẫn được giữ ấm trong khi buồng áp mái vẫn lạnh. Sự thông thạo đòi hỏi cả vốn kiến thức lẫn hiểu biết về cách thức áp dụng chính những kiến thức đó.
Khi Matt Brown phải đối mặt với quyết định có nên từ bỏ động cơ cánh phải, ông đang ở trong quá trình xem xét vấn đề, và ông cần hồi tưởng lại quy trình bay với một động cơ bị hỏng cũng như khả năng chịu đựng của máy bay. Nhờ đó ông mới có thể dự đoán liệu mình sẽ rơi tự do trong khoảng không hay gắng gượng một cách vô phương cho đến lúc hạ cánh. Trong năm đầu tiên tại trường y, một nhà thần kinh học tương lai phải ghi nhớ toàn bộ hệ thống thần kinh, xương, cơ, xương cánh tay, nếu không, cô sẽ không thể trở thành một nhà thần kinh học. Tất nhiên thành công của cô một phần dựa vào sự chuyên cần nhưng đó không phải tất cả. Khám phá ra những chiến lược học tập cho phép cô hấp thụ khối lượng tài liệu khổng lồ trong một hạn định thời gian cũng là một yếu tố góp phần vào thành công đó.
BÀI KIỂM TRA: THƯỚC ĐO TRÌNH ĐỘ HAY CÔNG CỤ HỌC TẬP?
Chắc chắc có nhiều cách để khơi lên nỗi bức xúc của rất nhiều sinh viên và giáo viên hơn là nói về chuyện thi cử. Đặc biệt, sự gia tăng về mức độ quan trọng của hệ thống đánh giá được tiêu chuẩn hóa trong những năm gần đây đã biến thi cử thành cột thu lôi hứng chịu mọi thất vọng về quá trình hiện thực hóa các mục tiêu giáo dục của quốc gia. Các diễn đàn trực tuyến và giới báo chí bị chất vấn dồn dập bởi người đọc. Họ cáo buộc rằng việc đặt trọng tâm vào hệ thống thi cử nặng về học thuộc sẽ phải đánh đổi bằng khả năng làm chủ tình huống và sức sáng tạo; rằng thi cử gia tăng gánh nặng cho sinh viên và cung cấp một thước đo trình độ sai lệch; v.v… Nhưng nếu chúng ta ngừng coi thi cử là một trong những thước đo trình độ học vấn, nếu chỉ coi nó là công cụ hồi tưởng kiến thức từ trong trí nhớ hơn là một công cụ “kiểm tra”, chúng ta sẽ tự mở ra cho mình một khả năng mới: sử dụng việc kiểm tra như một công cụ học tập.
Một trong số những phát hiện nổi bật là về tác dụng của sự hồi tưởng một cách chủ động – thông qua các bài kiểm tra – đối với quá trình tăng cường trí nhớ và quá trình gợi nhớ càng hao tổn nỗ lực bao nhiêu thì tác dụng của nó càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Hãy thử cân nhắc giữa mô hình mô phỏng bay và bài thuyết trình PowerPoint, các câu hỏi tự kiểm tra và việc đọc lại. Hành động hồi tưởng lại kiến thức có hai lợi ích to lớn. Một là, nó nhắc cho bạn về điều bạn biết và không biết, từ đó định hướng cho bạn đâu là điểm bạn còn yếu kém để tập trung trau dồi hoàn thiện. Hai là, gợi nhớ lại những hiểu biết đã có sẽ cho não bạn cơ hội củng cố lại trí nhớ, tăng cường mối liên hệ giữa những gì đã biết với những gì vừa mới biết thêm, trên cơ sở đó giúp cho sự gợi nhớ lại sau này được dễ dàng hơn. Thực vậy, sự gợi nhớ thông qua kiểm tra làm gián đoạn sự quên lãng. Chúng ta thử xem xét bộ môn khoa học tại một lớp 8 thuộc một trường trung học ở Columbia, bang Illinois. Các nhà nghiên cứu đã sắp xếp một phần tài liệu được dàn trải trong suốt khóa học như là đề cương của bài kiểm tra (có phản hồi) chỉ có tính khảo sát và chiếm ba điểm trong toàn học kỳ. Một phần khác của tài liệu không được đề cập đến trong bài kiểm tra nhưng được ôn lại ba lần. Kiến thức nào sẽ dễ dàng được gợi nhớ lại hơn trong bài kiểm tra diễn ra sau đó một tháng? Điểm trung bình của các sinh viên cho tài liệu được đưa vào bài kiểm tra là A- và cho tài liệu không được kiểm tra nhưng được ôn tập là C+.
Trong trường hợp của Matt, ngay cả khi ông đã có thâm niên làm việc mười năm như một phi công ở một doanh nghiệp hàng không tương tự, người chủ mới vẫn củng cố kỹ năng thuần thục của ông sáu tháng một lần thông qua một bộ đề thi sát hạch và mô phỏng bay. Điều đó đòi hỏi Matt phải hồi tưởng lại các thông tin và thao tác cần thiết khi kiểm soát máy bay. Như Matt đã chỉ ra, bạn hiếm khi rơi vào một tình huống khẩn cấp, do đó nếu bạn không luyện tập quy trình thực hiện, sẽ rất khó để giữ nó tươi mới trong trí óc bạn.
Trong cả hai trường hợp – nghiên cứu trong lớp học và trải nghiệm của Matt Brown trong chương trình cập nhật kiến thức – đều chỉ ra vai trò quan trọng của sự luyện tập thông qua gợi nhớ trong việc giữ cho kiến thức luôn sẵn sàng khi chúng ta cần đến. Sức mạnh của sự luyện tập có tính hồi tưởng sẽ được đề cập đến trong vai trò chủ đề của chương 2.
Những điều cần ghi nhớ
Nhìn chung, chúng ta đang xem xét vấn đề tiếp thu tri thức một cách sai lầm và đưa ra những lời khuyên thiếu chuẩn xác cho những người đi sau. Phần nhiều những gì chúng ta vẫn nghĩ là mình đã biết về cách thức học tập được xây dựng dựa trên niềm tin và trực giác chứ không phải từ chính những nghiên cứu thực nghiệm. Những ảo tưởng thâm căn cố đế về sự hiểu biết chỉ khiến chúng ta hoài công nỗ lực thực hiện những phương pháp không mấy hiệu quả. Như sẽ được chi tiết hóa trong chương 3, điều đó đúng với cả những người đã tham gia vào các cuộc điều tra thực nghiệm và trực tiếp nhận thấy các bằng chứng. Ảo tưởng là những nhà thuyết phục đầy quyền lực. Một trong số những thói quen hữu ích nhất mà người học có thể hình thành và bồi đắp cho mình là thường xuyên tự kiểm tra. Thói quen này sẽ giúp tái xác định nhận thức của họ về điều đã biết và chưa biết. Binh nhì Kiley Hunkler, tốt nghiệp năm 2013 tại trường West Point và giành được học bổng Rhodes, cũng là nhân vật chính của chúng tôi trong chương 8, đã sử dụng cụm từ “ngắm góc phương vị” (shooting an azimuth) để mô tả cách cô sử dụng các bài kiểm tra thực hành nhằm củng cố lại khía cạnh kiến thức trọng tâm trong suốt quá trình học tập của mình. Đối với hành trình đường bộ, đó là thuật ngữ chỉ hành động ở một độ cao nhất định, quan sát một vật thể nằm trên đường chân trời ở hướng đang đi tới và điều chỉnh la bàn theo đó để đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ vẫn dõi theo được vật thể bạn đã chọn trong lúc đi xuyên qua cánh rừng.
Tin tốt là giờ đây chúng ta đã có những chiến lược đơn giản và thực tế mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng, tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời, để học tốt hơn và nhớ lâu hơn: các hình thức luyện tập thông qua hồi tưởng đa dạng như các bài thi khảo sát hay các bài tự kiểm tra; sự rèn luyện ngắt quãng, trong đó đan xen vào các nội dung thực hành khác nhưng có liên quan tới chủ đề hay kỹ năng chủ đạo; nỗ lực tự giải quyết vấn đề trước khi được chỉ dẫn giải pháp; đúc rút các nguyên lý và nguyên tắc cơ bản khu biệt các dạng thức vấn đề khác nhau; v.v… Trong những chương tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu vào mô tả từng chiến lược kể trên. Thêm vào đó, tiếp thu là một quá trình có sự lặp lại, đòi hỏi bạn phải xem xét kiến thức đã học trước đó cũng như cập nhật và kết nối chúng với những tri thức mới. Đó cũng là lý do chúng tôi xoay quanh các chủ đề này vài lần trong suốt cuốn sách. Kết thúc chương 8, chúng tôi sẽ tổng kết các lời khuyên và đưa ra ví dụ cụ thể về cách thức ứng dụng các công cụ này vào thực tiễn học tập và làm việc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.