Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó
Chương 2. Để học hỏi, hãy hồi tưởng!
Mike Ebersold gọi đến phòng cấp cứu bệnh viện trong một buổi chiều muộn của năm 2011 để kiểm tra tình hình sức khỏe của một người thợ săn hươu ở Wisconsin. Trước đó, người này được phát hiện đang nằm bất tỉnh trên một cánh đồng ngô. Phần sau đầu anh ta bị chảy máu và có giả thiết cho rằng những người tìm thấy anh ta đã trượt chân trong lúc di chuyển và khiến phần đầu anh va vào vật gì đó.
Ebersold là một nhà thần kinh học. Vết thương của người thợ săn khiến một phần não anh ta bị phòi ra ngoài và Ebersold nhận ra đó là một vết đạn. Người thợ săn tỉnh lại trong phòng cấp cứu, nhưng khi được hỏi, anh ta chẳng hề biết gì về việc mình đã bị thương.
Sau này, khi thuật lại câu chuyện, Ebersold nói: “Ai đó từ xa đã bắn vào sau đầu người đàn ông, làm rạn hộp sọ và viên đạn găm sâu vào não khoảng 2,5cm. Đó chắc hẳn là một khẩu 12 gauge nhưng từ khoảng cách nào thì có Chúa mới biết. Khoảng cách đó ước chừng cũng tương đối, nếu không viên đạn hẳn đã đi sâu hơn.”
Ebersold cao, gầy. Các tiền bối trong gia đình ông có thể kể đến các vị thủ lĩnh Dakota tên Wapasha và những nhà buôn lông thú tên Rocque. Những thương nhân này cư trú ở một phần thung lũng sông Mississippi, nơi sau này anh em nhà Mayo đã xây dựng bệnh viện thực hành nức tiếng của họ. Trong suốt quá trình học tập chính thức của mình, ông đã trải qua bốn năm ở trường cao đẳng, bốn năm tại trường y và bảy năm cho khóa đào tạo chuyên khoa thần kinh. Nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng ông lĩnh hội được tại đó đã được mở rộng và đào sâu thêm nhờ các khóa học y khoa kế tiếp, các buổi thảo luận với đồng nghiệp, cũng như quá trình thực hành tại bệnh viện Mayo và một vài nơi khác. Ông mang trong mình phong thái khiêm tốn đúng chất Trung Tây, trái ngược hẳn với sự nghiệp rực rỡ cùng một danh sách dài các nhân vật nổi tiếng mong được ông trực tiếp điều trị khi mắc bệnh. Khi Tổng thống Ronald Reagan cần được điều trị các chấn thương sau một cú ngã ngựa, Ebersold đã tham gia vào ca phẫu thuật và cả quá trình chăm sóc hậu phẫu. Khi Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan, Tổng thống của Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cần một ca phục hồi xương sống yêu cầu kỹ thuật tinh vi, Mike Ebersold cùng những người có vẻ như đại diện cho một nửa lực lượng chính phủ và an ninh của đất nước này chuyển đến định cư ở Rochester trong suốt thời gian ông tiến hành các phương pháp chữa trị và giám sát quá trình phục hồi của Tổng thống Zayed. Sau một thời gian dài làm việc ở Mayo, Mike trở về phục vụ tại bệnh viện Wisconsin, vì cảm giác gắn bó và mong muốn tri ân nơi mình đã trải qua những năm tháng học tập đầu tiên. Người thợ săn không may trúng một viên đạn 12 gauge chắc hẳn đã không thể sống sót nếu như Mike không làm việc vào ngày hôm đó.
Viên đạn đã xâm nhập vào vùng hộp sọ ngay phía trên một xoang tĩnh mạch lớn, một đường dẫn cấu tạo bởi các mô mềm làm nhiệm vụ dẫn lưu giữa các khoang bên trong não bộ. Khi kiểm tra tình trạng của người thợ săn, từ kinh nghiệm của mình, Ebersold biết rằng khi mổ phanh vết thương, khả năng cao là ông sẽ thấy tĩnh mạch này bị đứt. Như ông đã miêu tả lại:
Bạn tự nhủ: “Bệnh nhân này cần được phẫu thuật. Vết thương đã khiến một phần não bộ bị hở. Chúng tôi phải làm sạch vết thương và phục hồi phần đó hết mức có thể, nhưng trong quá trình tiến hành rất có thể chúng tôi sẽ chạm vào tĩnh mạch chủ và sẽ gây ra hậu quả hết sức trầm trọng.” Bạn điểm qua trong đầu một danh sách các khả năng. Bạn cho rằng: “Có thể tôi cần phải truyền máu cho bệnh nhân này,” nên bạn phải chuẩn bị sẵn một lượng máu. Bạn xem xét các bước, A, B, C và D. Bạn bố trí ê kíp phẫu thuật, báo trước với họ những tình huống có thể gặp phải. Toàn bộ quá trình này, khá giống với thao tác chuẩn bị của một cảnh sát trước khi yêu cầu một tài xế dừng xe. Bạn hiểu những gì được viết trong sách và bạn đã từng thực hành tất cả các bước này.
Sau đó bạn tiến vào phòng mổ và ngay lúc này bạn vẫn đang trong trạng thái còn thời gian để suy xét mọi thứ. Bạn nói: “Được thôi, tôi không muốn chỉ đi vào đó và gắp viên đạn ra vì như vậy có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết nghiêm trọng. Điều tôi cố gắng làm là tháo gỡ tình thế khó khăn và khai thông mọi thứ. Bởi vậy tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống xấu và sau đó tôi sẽ lấy viên đạn ra.”
Hóa ra viên đạn và mảnh xương đã găm vào tĩnh mạch như một cái nút. Một may mắn khác cho người thợ săn. Nếu vết thương không tự bịt vào như thế ngay lúc nạn nhân nằm trên cánh đồng, anh ta sẽ chẳng sống thêm được hai hay ba phút. Khi Ebersold gắp viên đạn và những mảnh xương vỡ, tĩnh mạch được mở nút sẽ khiến máu trào ra. “Trong vòng năm phút, bạn đã mất đến hai đơn vị máu hoặc nhiều hơn nữa và ngay lúc này bạn cần thoát ra khỏi trạng thái suy xét, chuyển sang trạng thái tiến hành các phương án. Các thao tác giờ đây mang tính phản xạ và máy móc. Bạn biết sẽ có hiện tượng chảy máu rất nhiều, bởi thế bạn chỉ có rất ít thời gian. Bạn chỉ đang nghĩ: ‘Tôi phải khâu một đường quanh cơ quan này và nhờ những kinh nghiệm trước đây, tôi biết tôi phải thực hiện điều đó một cách đặc biệt.’”
Tĩnh mạch được nhắc đến ở đây, chỉ bằng cỡ ngón tay út của người trưởng thành, với một đoạn dài khoảng 3,8cm bị đứt vài chỗ. Ở hai đầu các vết đứt cần được thắt lại, nhưng đồng thời, ông hiểu rất rõ cấu trúc dẹt mong manh đó: bạn không thể chỉ đơn giản khâu xung quanh, vì khi bạn thắt nó lại, các mô mềm sẽ vỡ và chỉ khâu sẽ gây rò rỉ. Một cách khẩn trương và máy móc, ông viện đến một kỹ thuật mà ông đã phát minh ra trong sự cấp thiết của những ca phẫu thuật liên quan đến tĩnh mạch trước kia. Ông cắt hai mẩu cơ nhỏ từ phần da người bệnh đã bị phanh ra trong quá trình phẫu thuật, gắn chúng vào vị trí và khâu hai đầu của tĩnh mạch đã bị đứt với chúng. Các nút cơ này đã giúp đóng tĩnh mạch mà không phá hỏng hình dạng tự nhiên hay làm hư hại các mô của nó. Đó là giải pháp Mike đã dạy chính mình – ông nói, bạn sẽ không tìm thấy nó được ghi chép lại ở bất cứ đâu, nhưng thật không quá khi nói rằng lại đến đúng lúc bạn cần nó. Trong khoảng 60 giây diễn ra việc ghép nối, bệnh nhân mất 200ml máu, nhưng khi các nút bịt vào đúng vị trí, máu ngừng chảy. “Một số người không thể chịu được việc đóng kín tĩnh mạch. Họ sẽ bị tăng huyết áp não vì máu không được lưu thông phù hợp. Nhưng bệnh nhân này là một trong số ít người may mắn có thể thích nghi được với điều đó.” Người thợ săn ra viện sau một tuần. Anh ta bị giảm thị lực ngoại biên vài phần nhưng thay vào đó vẫn hồi phục một cách đáng ngạc nhiên sau cuộc chạm trán với tử thần.
SUY NGẪM CŨNG LÀ MỘT HÌNH THỨC RÈN LUYỆN
Chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ câu chuyện về cách học tập và ghi nhớ? Trong thần kinh học (hay trong mọi khía cạnh của đời sống kể từ khi bạn lọt lòng), có một loại hình tiếp thu xuất phát từ sự phản ánh kinh nghiệm cá nhân. Ebersold đã mô tả điều này:
Rất nhiều lần, trong khi phẫu thuật, tôi bất ngờ vấp phải một vấn đề nan giải nào đó, khiến tôi trằn trọc suy ngẫm cả đêm về những gì đã xảy ra và những điều tôi có thể làm sau khi về nhà. Như trường hợp một vết khâu cần cải tiến chẳng hạn. Làm thế nào tôi có thể tạo một nốt kim lớn hơn hay nhỏ hơn bằng mũi kim của mình, hay các mũi khâu có nên gần nhau hơn không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi điều chỉnh nó theo cách này hay cách khác? Và vào ngày hôm sau, tôi sẽ kiểm nghiệm xem liệu nó có cải thiện được gì không. Ngay cả khi tôi không có cơ hội làm điều đó, ít nhất tôi cũng đã suy nghĩ về nó, và khi làm vậy tôi không chỉ điểm lại kiến thức tôi đã học được từ những bài giảng hay từ việc quan sát người khác tiến hành phẫu thuật; mà tôi còn bổ sung thêm vào đó những phát hiện của cá nhân mình, những điều tôi đã bỏ lỡ trong quá trình được đào tạo.
Suy ngẫm có thể bao hàm một số hoạt động nhận thức có tác dụng củng cố sự tiếp thu: phục hồi trong trí nhớ những kiến thức và sự huấn luyện trước đó, liên kết chúng với những trải nghiệm mới và hình dung trước cũng như diễn tập trong tư duy những tình huống khác bạn có thể gặp trong tương lai.
Đó chính là dạng thức suy ngẫm đã thúc đẩy Ebersold thử nghiệm kỹ thuật mới để phục hồi xoang tĩnh mạch sau đầu người bệnh, một kỹ thuật ông đã từng thực hành trong đầu và trong phòng phẫu thuật cho đến khi nó trở thành một quy trình xử lý có tính phản xạ, thứ mà bạn có thể tin tưởng khi máu từ vết thương của người bệnh phun ra với lưu lượng 200ml mỗi phút.
Để chắc chắn rằng kiến thức mới sẽ sẵn sàng khi cần đến, Ebersold đã chỉ ra: “bạn ghi nhớ theo danh sách những gì sẽ khiến bạn lo lắng trong một tình huống được đưa ra: bước A, B, C và D, rồi bạn luyện tập chúng. Và đến một lúc nào đó, khi bạn lâm vào một tình huống ngặt nghèo, vấn đề không còn là cân nhắc các bước đi nữa, mà là ngay lập tức thực hiện hành động chính xác như một phản xạ tức thì. “Các thao tác này sẽ không thể trở thành phản xạ trừ khi bạn liên tục hồi tưởng lại nó. Giống như một tay đua xe đang trong tình thế ngặt nghèo hay một tiền vệ đang di chuyển lắt léo để tránh sự truy cản của đối phương, bạn phải hành động như một phản xạ trước khi kịp có thời gian để suy nghĩ. Nhớ lại và thực hành, lặp đi lặp lại các thao tác này. Điều đó là vô cùng quan trọng.”
HIỆU QUẢ CỦA VIỆC KIỂM TRA
Một chuỗi hạt không thể thiếu nút thắt. Không có nút thắt thì không có vòng cổ, không có túi xách kết bằng cườm và cũng không có những tấm thảm rực rỡ. Sự hồi tưởng chính là nút thắt của trí nhớ. Lặp đi lặp lại hành động hồi tưởng giúp sắp xếp lại trí nhớ và thêm vào đó những chi tiết móc nối giúp chúng ta nhớ lại nhanh hơn.
Ngay từ năm 1885, các nhà tâm lý học đã thí điểm “đường cong quên lãng” và minh họa sinh động về nó. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta nhanh chóng mất tới 70% những gì chúng ta nghe thấy và đọc được. Tiếp đó, quá trình quên lãng bắt đầu giảm tốc, khoảng 30% còn lại mờ nhạt đi một cách chậm dần, nhưng điều rút ra ở đây rõ ràng là: Làm thế nào để chặn đứng quá trình quên lãng mới chính là thách thức trọng tâm trong việc cải thiện phương pháp học tập của chúng ta.
Tác dụng của sự hồi tưởng với tư cách một công cụ học tập được giới tâm lý học biết đến dưới dạng tác động của sự kiểm tra. Các loại hình kiểm tra sát hạch phổ biến nhất thường được sử dụng để đánh giá năng lực học tập và xếp lớp tại các trường học, nhưng từ lâu chúng ta vẫn biết rằng hành vi hồi tưởng kiến thức từ trí nhớ có tác dụng hỗ trợ người học nhớ lại kiến thức cũ một cách dễ dàng hơn trong tương lai. Aristotle đã viết trong một bài luận của ông về trí nhớ: “Luyện đi luyện lại cách nhớ một sự vật sẽ tăng cường trí nhớ.” Francis Bacon và nhà tâm lý học William James cũng từng đề cập đến hiện tượng này. Ngày nay, nhờ các nghiên cứu thực nghiệm mà chúng ta hiểu được rằng luyện tập khả năng hồi tưởng cải thiện kết quả học tập tốt hơn nhiều so với sự tiếp xúc liên tục và lặp lại với các tài liệu nguyên bản. Đó là tác dụng của sự kiểm nghiệm hay còn được biết đến là tác động của sự ôn tập thông qua hồi tưởng.
Để phát huy hiệu quả tối đa, sự hồi tưởng phải được lặp đi lặp lại, theo các giai đoạn bị cách quãng; như thế, nó sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực hơn để nhận thức thấu đáo vấn đề thay vì chỉ đơn thuần mô tả lại một cách vô thức mà không động não. Dường như quá trình lặp lại sự hồi tưởng giúp ký ức được liên kết và sắp xếp lại bằng một hình thức thống nhất trong não bộ, cũng như củng cố và gia tăng những lộ trình tư duy, nhờ đó mà kiến thức có thể được triệu hồi trong tương lai. Trong vài thập kỷ gần đây, các nghiên cứu đã xác nhận điều mà Mike Ebersold cũng như mọi tiền vệ, phi công dày dạn kinh nghiệm và cả những chuyên gia nhắn tin tuổi vị thành niên đều biết nhờ kinh nghiệm của mình rằng quy trình lặp lại sự hồi tưởng có thể ghi dấu kiến thức và kỹ năng trong tư duy của bạn nhiều đến mức chúng trở thành phản xạ: bộ não triển khai hành động trước khi bạn kịp có thời gian để suy nghĩ.
Nhưng bất chấp các nghiên cứu và kinh nghiệm cá nhân khẳng định sức mạnh lớn lao của việc kiểm tra như một công cụ học tập, trong mô hình giáo dục truyền thống, các giáo viên và học sinh vẫn hiếm khi ứng dụng các bài sát hạch theo cách đó, những kỹ thuật học hỏi vẫn ít được biết đến và tận dụng. Và có lẽ còn lâu chúng mới được sử dụng đúng cách.
Năm 2010, tờ New York Times đăng tải về một điều tra khoa học. Trong đó, một nhóm sinh viên đọc một đoạn văn bản rồi làm một bài kiểm tra yêu cầu họ nhớ lại những gì họ đã đọc. Kết quả đáng kinh ngạc là những thông tin còn lưu lại sau một tuần của nhóm này nhiều hơn 50% so với nhóm còn lại, bao gồm những sinh viên không bị kiểm tra. Điều đó dường như là một tin vui, nhưng đây là cách rất nhiều bình luận trực tuyến đón nhận nó:
“Lại một lần nữa người viết nhầm lẫn giữa sự nhận thức và sự tái hiện thông tin.”
“Cá nhân tôi muốn hạn chế tối đa các bài kiểm tra, đặc biệt là để xếp hạng trên lớp. Gồng mình học tập trong một môi trường áp lực chẳng thể giúp gì cho việc lưu giữ kiến thức.”
“Chẳng ai cần quan tâm liệu các bài kiểm tra có thể tăng cường khả năng ghi nhớ hay không. Con cái chúng ta không thể gánh thêm bất kỳ bài kiểm tra nào nữa.”
Nếu theo bạn sự ghi nhớ không thích hợp với những giải pháp phức tạp thì cũng đừng nói điều đó với nhà thần kinh học. Sự thất vọng của nhiều người về hệ thống thi cử tiêu chuẩn hóa, nặng tính “thăm dò” và chỉ nhắm vào mục đích duy nhất là đánh giá trình độ học vấn là có thể hiểu được; nhưng nó còn khiến chúng ta nhìn nhận sai lệch về kiểm tra, không thấy được kiểm tra là một trong những công cụ học tập tiềm năng sẵn có. Đặt sự tích lũy và ghi nhớ những kiến thức cơ bản vào sự đối lập với sự phát triển khả năng tư duy sáng tạo là một lựa chọn sai lầm. Cả hai đều cần được trau dồi. Hiểu biết sẵn có của người học về một đề tài càng nhiều thì khả năng sáng tạo của anh ta trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh càng cao. Kiến thức chẳng là gì nếu không có sự khéo léo và sức sáng tạo, nhưng nếu sáng tạo mà thiếu nền tảng kiến thức thì chẳng khác gì xây một ngôi nhà trên một nền móng không vững vàng.
KHẢO SÁT TÍNH HIỆU QUẢ CỦA SỰ KIỂM TRA TRONG MÔI TRƯỜNG THÍ NGHIỆM
Ý tưởng về tác dụng của các bài kiểm tra được đặt trên nền móng vững chắc từ các nghiên cứu thực nghiệm. Mở đầu là cuộc điều tra quy mô lớn đầu tiên được công bố vào năm 1917. Học sinh ở các lớp 3, 5, 6 và 8 được học những bản tiểu sử vắn tắt trích từ Who’s Who in America1. Theo hướng dẫn, một số em dành nhiều thời gian nghiên cứu và nhẩm thầm nội dung tài liệu. Một số khác chỉ đơn thuần đọc lại và xem xét. Kết thúc quá trình, tất cả các em được yêu cầu viết ra những gì mình còn nhớ. Bài khảo sát trí nhớ được lặp lại sau 3-4 tiếng. Tất cả các nhóm có hành vi nhẩm lại cho kết quả tốt hơn nhóm các em không nhẩm lại mà chỉ xem xét tài liệu. Kết quả tốt nhất thuộc về nhóm dành tới 60% thời gian học vào việc nhẩm lại.
Nghiên cứu đáng chú ý thứ hai được công bố vào năm 1939, tiến hành khảo sát 3.000 học sinh lớp 6 trên toàn bang Iowa. Các em được đọc một bài báo 600 từ rồi làm vài bài kiểm tra vào các thời điểm khác nhau trước kỳ thi cuối cùng diễn ra sau đó hai tháng. Thí nghiệm này đưa ra hai kết quả thú vị: bài kiểm tra đầu tiên bị trì hoãn càng lâu thì học sinh càng nhanh quên; và thứ hai, khi một học sinh làm một bài kiểm tra, quá trình quên sẽ gần như ngừng lại và điểm số học sinh đó đạt được trong các bài thi tiếp sau giảm không đáng kể.
Vào khoảng những năm 1940, giới nghiên cứu chuyển hướng quan tâm của mình sang sự lãng quên, và các cuộc khảo sát về tiềm năng ứng dụng việc kiểm tra như một dạng luyện tập có tính khơi gợi trí nhớ cũng như một công cụ học tập không còn được ưu tiên nữa. Việc ứng dụng sự kiểm tra như là một công cụ nghiên cứu cũng cùng chung số phận: vì kiểm tra chặn đứng và “tiêu diệt” sự quên lãng, nên bạn không thể sử dụng nó như thước đo sự quên lãng.
Sự hào hứng với những nghiên cứu về tác dụng của các bài kiểm tra lại nổi lên vào năm 1967 với sự ra mắt của một công trình khoa học mới. Các đối tượng nghiên cứu được giao một danh sách gồm 36 từ. Số lượng từ họ học được nhờ lặp lại các bài kiểm tra sau lần tiếp xúc đầu tiên với bản danh sách bằng với số lượng từ họ tiếp thu được nhờ nghiên cứu đơn thuần. Các kết quả này đã chỉ ra rằng, kiểm tra kiến thức có tác dụng ngang ngửa với xem xét vấn đề trong việc hỗ trợ quá trình nhận thức. Điều đó đã thách thức những quan niệm thông thường vẫn được thừa nhận rộng rãi, lôi kéo sự quan tâm của các nhà nghiên cứu quay trở lại với ý tưởng về tiềm năng của kiểm tra như một công cụ học tập và châm ngòi cho một cơn bột phát tức thời trong giới nghiên cứu về tác dụng của các bài kiểm tra.
Năm 1978, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, học hành một cách tập trung cao độ (nhồi nhét) mang lại điểm số cao trong một bài kiểm tra tức thì nhưng lại khiến người học nhanh quên hơn so với luyện tập thông qua hồi tưởng. Trong bài sát hạch thứ hai diễn ra hai ngày sau bài sát hạch đầu tiên, những người áp dụng phương pháp học nhồi nhét đã quên tới 50% những gì họ nhớ được trong lần kiểm tra thứ nhất. Trong khi đó con số này chỉ dừng lại ở 13% đối với những người dành lượng thời gian tương tự cho việc luyện tập theo phương pháp hồi tưởng thay vì nhồi nhét đơn thuần.
Một nghiên cứu sau đó lại hướng vào tìm hiểu việc thực hiện các bài kiểm tra nhiều lần có tác động như thế nào tới trí nhớ dài hạn của các đối tượng. Những sinh viên được nghe một câu chuyện có điểm tên 60 vật cụ thể. Những sinh viên được sát hạch lần đầu tiên ngay sau khi nghe nhớ được 53% số lượng vật thể, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 39% trong lần sát hạch tiếp theo diễn ra sau đó một tuần. Mặt khác, một nhóm sinh viên nghiên cứu cùng một tài liệu nhưng không được sát hạch cho đến tận một tuần sau đó. Nhóm này chỉ nhớ được 28%. Vậy, một lần kiểm tra có thể gia tăng khả năng lưu giữ kiến thức tới 11% sau một tuần. Nhưng liệu có mối liên hệ gì giữa tác động của từ ba lần kiểm tra với tác động của một lần kiểm tra? Một nhóm sinh viên khác trải qua ba lần kiểm tra sau sự tiếp xúc ban đầu với tài liệu. Kết quả sau một tuần họ có thể nhớ 53% số vật thể – tương đương với kết quả của bài kiểm tra đầu tiên được thực hiện bởi nhóm chỉ làm một bài kiểm tra. Thật vậy, nhóm sinh viên thực hiện ba lần sát hạch đã “miễn nhiễm” với sự quên lãng so với nhóm làm một bài kiểm tra. Và nhóm làm một bài kiểm tra nhớ được nhiều hơn những sinh viên không bị kiểm tra lần nào ngay sau khi tiếp xúc với tài liệu. Vậy, nhìn chung sự luyện tập có tính hồi tưởng diễn ra nhiều lần cho tác dụng lớn hơn so với chỉ luyện tập một lần, đặc biệt là khi có một khoảng cách giữa các lần kiểm tra. Các nghiên cứu về sau cũng đồng tình với điều này.
Trong một cuộc khảo sát khác, các nhà nghiên cứu cho thấy khi một đối tượng bị yêu cầu điền các chữ cái còn thiếu vào một từ, người này sẽ nhớ từ đó tốt hơn. Xem xét một bảng các cặp từ vựng chẳng hạn. Ví dụ như đối với foot-shoe, những người học cặp từ nguyên vẹn có khả năng ghi nhớ thấp hơn so với những người học cặp từ này qua một gợi ý tương đối rõ ràng kiểu foot-s_ _e. Thí nghiệm này mô tả khái niệm mà các nhà nghiên cứu gọi là “tác động phát sinh”. Nỗ lực khiêm tốn nhất cần có để đưa ra câu trả lời từ gợi ý trong lúc học cũng có thể củng cố khả năng ghi nhớ từ được dùng làm đối tượng kiểm tra sau đó (shoe). Một điều thú vị là nghiên cứu này đã mang đến một phát hiện mới. Nếu sự hồi tưởng bị gián đoạn và trì hoãn bởi 20 cặp từ khác xen vào thì hiệu quả ghi nhớ sẽ cao hơn là tiến hành kiểm tra ngay sau khi học cặp từ đầu tiên. Do đâu mà có hiện tượng đó? Một luận cứ đã gợi ý rằng càng nhiều nỗ lực được huy động để ghi nhớ thì trí nhớ càng được củng cố. Các nhà nghiên cứu bắt đầu băn khoăn liệu thời gian biểu của các bài kiểm tra có ý nghĩa gì không?
Câu trả lời là có. Khi sự luyện tập thông qua hồi tưởng bị ngắt quãng và cho phép sự quên lãng xen vào giữa các lần kiểm tra, khả năng kiến thức được lưu giữ dài hạn sẽ cao hơn là khi ta thực hiện luyện tập một cách tập trung và dồn dập.
Từ đó các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm kiếm cơ hội đưa công trình khảo sát của mình ra khỏi phòng thí nghiệm và vào các lớp học, với chất liệu nghiên cứu chính là các tài liệu vẫn được sử dụng tại các trường học.
KHẢO SÁT TÍNH HIỆU QUẢ CỦA SỰ KIỂM TRA TRONG “MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN”
Năm 2005, chúng tôi và các đồng nghiệp có cuộc gặp gỡ với Roger Chamberlain, hiệu trưởng một trường trung học ở Columbia, bang Illinois, với một đề xuất. Những tác dụng tích cực của sự luyện tập theo phương thức hồi tưởng đã được mô tả nhiều lần trong các môi trường thí nghiệm có sự kiểm soát, nhưng hầu như chưa từng được áp dụng trong môi trường lớp học thông thường. Liệu ngài hiệu trưởng, các giáo viên, học sinh và phụ huynh của trường Trung học Columbia có sẵn sàng trở thành đối tượng của một nghiên cứu nhằm khảo sát cơ chế tác dụng của các bài kiểm tra trong “môi trường tự nhiên” không?
Chamberlain quan tâm và hứng thú với vấn đề này vì đó không chỉ là vấn đề về việc ghi nhớ. Mục đích của ông là phát triển những phương thức học tập ở trình độ cao hơn – phân tích, tổng hợp và áp dụng vào các em học sinh, như ông vẫn đang thực hiện. Ông cũng chú ý tới các giáo viên, một đội ngũ cán bộ giảng dạy năng động, nhiệt huyết với các giáo trình và phương pháp truyền thụ đa dạng mà ông không hề muốn can thiệp. Mặt khác, kết quả của cuộc nghiên cứu có thể mang tính xây dựng và việc tham gia vào công trình khảo sát này sẽ mang lại các loại bảng thông minh và phím nhấn – những hệ thống trả lời tự động – cho các lớp học của những giáo viên tham gia giữa lúc ngân sách dành cho công nghệ hiện đại ở các lớp học thực sự còn rất hạn chế.
Patrice Bain, một giáo viên dạy môn xã hội học lớp 6, rất hào hứng với cuộc thử nghiệm. Đối với các nhà nghiên cứu, cơ hội được làm việc trong các lớp học luôn vô cùng hấp dẫn, các điều kiện mà trường học đặt ra cũng có thể chấp nhận được: việc khảo sát sẽ chỉ xâm phạm ở mức tối thiểu bằng cách tiếp cận các giáo trình, kế hoạch học tập, dạng thức đề thi và phương pháp giảng dạy hiện tại. Các sách giáo khoa khác cũng được sử dụng. Điểm khác biệt duy nhất diễn ra trong lớp học là thỉnh thoảng các bài kiểm tra ngắn được đưa ra. Cuộc khảo sát sẽ diễn ra trong ba học kỳ (một năm rưỡi), thông qua một vài chương trong sách giáo khoa Xã hội học, bao gồm các chủ đề như Ai Cập, Đồng bằng Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại. Dự án chính thức được ra mắt vào năm 2006. Và nó đã tỏ ra là một quyết định đúng đắn.
Pooja Agarwal, trợ lý dự án, đã thiết kế riêng một bộ câu hỏi về môn xã hội học cho các lớp 6 tham gia khảo sát. Loạt câu hỏi này sẽ kiểm tra các em học sinh về gần một phần ba kiến thức được truyền đạt bởi giáo viên. Những bài kiểm tra này là “vô thưởng vô phạt” và không có tính quyết định, tức là điểm số của chúng sẽ không ảnh hưởng đến việc xếp loại học lực. Giáo viên được miễn tham gia vào các bài kiểm tra này để họ không biết phần nào trong tài liệu sẽ xuất hiện trong bài kiểm tra. Vào đầu buổi học sẽ có một bài kiểm tra về kiến thức trong tài liệu mà các em học sinh đã được yêu cầu đọc trước nhưng chưa được đưa ra thảo luận. Bài kiểm tra thứ hai diễn ra vào cuối buổi học, sau khi giáo viên đã truyền đạt trọn vẹn kiến thức của buổi học ngày hôm đó. Và 24 giờ trước bài kiểm tra về toàn chương lại có một bài sát hạch kiểm tra việc ôn tập của học sinh.
Vấn đề là, trong bài kiểm tra cuối kỳ, nếu như các em học sinh đạt kết quả tốt hơn với các kiến thức đã xuất hiện trong những bài thi ngắn, thì người ta vẫn có thể lý luận rằng sự tiếp xúc đơn thuần với kiến thức được lặp lại qua các câu hỏi mới chính là nguyên nhân của sự tiếp thu vượt trội chứ không phải sự luyện tập có tính gợi nhớ. Để loại bỏ khả năng này, một số kiến thức không được đưa vào kiểm tra được bố trí xen kẽ cùng với phần kiến thức có trong bộ câu hỏi, dưới dạng những nhận định đơn giản không yêu cầu sự hồi tưởng, kiểu như “Sông Nile có hai nhánh chính: sông Nile trắng và sông Nile xanh.” Các kiến thức được đưa vào bài kiểm tra ngắn tại một số lớp học nhưng tại các lớp còn lại, học sinh chỉ được học lại các kiến thức này.
Thời gian cho các bài kiểm tra trong mỗi buổi học chỉ có vài phút. Sau khi giáo viên rời khỏi lớp, Agarwal trình chiếu câu hỏi lên bảng trước cả lớp và đồng thời đọc chúng lên trước các em học sinh. Mỗi trang trình chiếu là một câu hỏi hoặc một nhận định về một sự kiện nào đó dưới dạng lựa chọn kết quả từ nhiều đáp án. Khi một câu hỏi xuất hiện trên một trang trình chiếu, học sinh sẽ sử dụng phím nhấn (một loại điều khiển từ xa cầm tay giống điện thoại di động) để xác nhận lựa chọn của mình: A, B, C hay D. Khi tất cả đã trả lời, đáp án chính xác được đưa ra, cung cấp thông tin phản hồi bao gồm cả nhận xét và sửa lỗi sai. (Mặc dù các giáo viên không có mặt trong những bài kiểm tra kiểu này, nhưng ở những trường hợp thông thường, các giáo viên giám sát các bài kiểm tra sẽ ngay lập tức thấy được học sinh nắm bắt bài học được đến mức nào và họ sử dụng các kết quả đó để định hướng cho quá trình thảo luận và nghiên cứu sâu hơn.)
Các bài kiểm tra kết thúc môn học được các giáo viên đưa ra dưới dạng bài thi tự luận cuối mỗi học kỳ và cả cuối năm học. Các em học sinh đã được học tất cả những kiến thức xuất hiện trong các đề thi này thông qua các bài học thông thường trên lớp do giáo viên hướng dẫn, qua bài tập về nhà, bài tập thực hành, v.v… Ngoài ra, các em còn được kiểm tra ba lần về một phần ba lượng kiến thức trong tài liệu và tiếp xúc với một phần ba còn lại qua học thêm cũng với tần suất ba lần. Lượng kiến thức không được kiểm tra hay xem xét theo cách truyền thống và những gì học sinh đang đọc đã có thể cân bằng.
Các kết quả rất thú vị: so với phần kiến thức không được kiểm tra, các em đạt điểm cao hơn ở phần kiến thức đã xuất hiện trong các bài kiểm tra ngắn. Hơn thế, những kiến thức được ôn lại dưới dạng các nhận định về sự kiện có thật nhưng không được sát hạch cũng không cho kết quả tốt hơn so với các kiến thức không được ôn lại. Một lần nữa, kết quả cho thấy việc đọc đơn thuần không mang lại tác dụng gì.
Năm 2007, cuộc khảo sát được mở rộng thêm ở môn khoa học tại các lớp 8, trên phạm vi các kiến thức về di truyền học, thuyết tiến hóa và nguyên tử. Với cùng phương thức kiểm tra như trên, các kết quả nhận về cũng ấn tượng theo hướng tương tự. Kết thúc ba học kỳ, điểm trung bình của các học sinh lớp 8 là 79% (C+) cho phần kiến thức không được kiểm tra, so với 92% (A-) cho phần kiến thức xuất hiện trong các lần kiểm tra ngắn.
Các bài kiểm tra cho thấy hiệu quả ở kỳ thi cuối năm diễn ra sau đó tám tháng như một sự xác nhận cho rất nhiều những nghiên cứu trong môi trường thí nghiệm trước đó về lợi ích lâu dài của sự luyện tập theo phương pháp hồi tưởng. Không nghi ngờ gì nữa, hiệu quả sẽ cao hơn khi sự luyện tập này được tiếp tục và duy trì trong các tháng giữa quá trình, chẳng hạn như một lần mỗi tháng.
Kết luận rút ra từ các nghiên cứu đó đã củng cố thêm cho lòng nhiệt huyết của các giáo viên trường Trung học Columbia. Một thời gian dài sau khi ngừng tham gia vào cuộc khảo sát, môn xã hội học lớp 6 của Patrice Bain vẫn tiếp diễn hằng ngày theo đúng lịch trình gồm các bài kiểm tra trước và sau buổi học cùng một bài sát hạch ôn lại trước khi bước vào bài kiểm tra cho toàn chương. Một giáo viên Lịch sử lớp 8 không tham gia vào cuộc khảo sát, Joh Wehrenberg, đã liên kết mô hình luyện tập thông qua hồi tưởng với lớp học của mình dưới nhiều hình thức, trong đó có cả kiểm tra, cũng như cung cấp các công cụ trực tuyến khác trên trang mạng của mình, như thẻ ghi nhớ thông tin hay các trò chơi. Chẳng hạn, sau khi đọc các đoạn văn về lịch sử chiếm hữu nô lệ, các học sinh của ông được yêu cầu viết ra 10 sự kiện về sự nô dịch mà các em chưa hề biết cho đến khi đọc sách. Như vậy bạn chẳng cần đến các công cụ điện tử hiện đại để luyện tập sự hồi tưởng.
Bảy học sinh lớp 6 và lớp 7 cần nâng cao kỹ năng đọc hiểu đã tham dự lớp học tiếng Anh của Michelle Spivey. Các em đang đọc một câu chuyện thú vị trong cuốn sách đọc hiểu. Mỗi học sinh được mời đọc to một đoạn. Khi một học sinh bị vấp, cô Spivey sẽ yêu cầu em đó đọc lại. Khi em học sinh đã đọc đúng, cô kiểm tra cả lớp bằng cách yêu cầu các em giải thích ý nghĩa của văn bản và những diễn biến trong tư duy của các nhân vật. Chỉ có sự tham gia của gợi nhớ và diễn giải sâu thêm; lại một lần nữa công nghệ không cần thiết.
Các bài kiểm tra trong thí nghiệm được thực hiện ở trường Trung học Columbia không hề khó. Kết thúc quá trình nghiên cứu, quan điểm của các học sinh về vấn đề này cũng được khảo sát. 64% học sinh cho hay các bài kiểm tra làm giảm nhẹ sự căng thẳng của các em về bài thi sau mỗi chương và 89% các em cảm nhận được sự cải thiện trong việc tiếp thu kiến thức. Các em bộc lộ sự thất vọng trong những buổi học không có sự tham gia của phím nhấn, vì hoạt động này khá thú vị và phá tan không khí nhàm chán của các bài giảng.
Khi được phỏng vấn về kết quả nghiên cứu, hiệu trưởng Chamberlain chỉ trả lời đơn giản: “Phương pháp luyện tập có tính gợi nhớ có tác động quan trọng lên quá trình tiếp thu của trẻ. Điều đó khiến chúng tôi nhận thức được giá trị to lớn của phương pháp này cũng như khuyến khích các giáo viên liên kết nó với những kỹ thuật giảng dạy của họ.”
Liệu phương pháp này có hiệu quả tương tự với những đối tượng ở lứa tuổi lớn hơn?
Andrew Sobel là giáo viên trong một lớp kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Washington ở St. Louis. Đó là một khóa học dành cho khoảng 160 đến 170 sinh viên, hầu hết là sinh viên năm nhất và năm hai. Sau vài năm ông nhận thấy ngày càng nhiều sinh viên vắng mặt ở giảng đường. Trong một buổi lên lớp bất kỳ giữa học kỳ, 25-35% sinh viên vắng mặt, trong khi vào các buổi học đầu kỳ, con số này có thể chỉ là 10%. Ông cho hay, đây không phải là vấn đề của riêng lớp ông. Rất nhiều các giảng viên cung cấp tài liệu trình chiếu cho sinh viên, nên họ ngừng lên lớp. Sobel ngăn chặn điều đó bằng cách thu lại tài liệu của mình, nhưng dẫu vậy thì đến gần cuối kỳ, nhiều sinh viên vẫn nghỉ học. Kế hoạch học tập của mỗi lớp bao gồm hai bài thi chính, một bài thi giữa kỳ và một bài thi cuối kỳ. Sobel đã thay thế hai bài thi quan trọng này bằng chín bài kiểm tra bất chợt với hy vọng sẽ làm gia tăng số lượng sinh viên đến lớp. Các sinh viên rất nên tham dự đầy đủ các buổi học vì các bài kiểm tra không được báo trước này sẽ quyết định xếp loại cho cả khóa học.
Kết quả thật đáng buồn. Qua một học kỳ, một phần ba hoặc hơn thế số sinh viên xin bảo lưu. “Theo những nhận xét về quá trình giảng dạy thì tôi thực sự bị tẩy chay,” Sobel kể. “Lũ trẻ ghét điều đó. Nếu chúng không làm tốt bài kiểm tra, thay vì chỉ nhận một điểm xấu, chúng sẽ không thể qua môn. Đối với những sinh viên phải học lại, tôi nhận thấy sự phân chia rõ ràng giữa những người thực sự tham gia lớp học và học tập, và những người không làm điều đó. Tôi thấy mình đưa ra những điểm A+, điều tôi chưa bao giờ làm trước đây, và điểm C cũng nhiều hơn.”
Từng ấy kết quả trái ngược với mong đợi không cho ông lựa chọn nào khác ngoài việc chấm dứt thí nghiệm và quay trở lại với khuôn mẫu cũ, những bài giảng với hai bài thi giữa kỳ và cuối kỳ. Tuy nhiên, vài năm sau đó, sau khi nghe một bài thuyết trình về lợi ích của các bài kiểm tra với quá trình học tập, ông đã đưa thêm một bài thi chính thứ ba vào kỳ học để kiểm nghiệm tác động của nó lên sự tiếp thu của sinh viên. Họ tiếp thu tốt hơn, nhưng không nhiều như ông hy vọng và vấn đề bỏ học vẫn tiếp diễn.
Ông xoay xở và thay đổi kế hoạch học tập một lần nữa. Lần này ông thông báo rằng sẽ có chín bài kiểm tra trong suốt học kỳ đồng thời thông báo luôn thời gian sẽ diễn ra đối với từng bài. Không kiểm tra bất chợt, không thi giữa kỳ và cuối kỳ, vì ông không muốn phí thời gian giảng bài.
Trái với nỗi lo rằng số lượng sinh viên ghi danh vào lớp học sẽ sụt giảm thảm hại một lần nữa, kỳ thực con số này lại tăng nhẹ. “Không giống như những bài kiểm tra bất chợt mà lũ trẻ ghét cay ghét đắng, những bài kiểm tra này đều được quy định trước trong bản kế hoạch học tập. Nếu các sinh viên bỏ lỡ bài kiểm tra thì đó là lỗi của chúng. Chúng thấy thoải mái với điều đó.” Sobel hài lòng khi thấy số lượng sinh viên lên lớp tăng đáng kể. “Chúng sẽ vắng mặt vào một số buổi không có bài kiểm tra, đặc biệt là vào học kỳ mùa xuân, nhưng chúng sẽ tham dự các buổi kiểm tra.”
Giống như khóa học, những bài kiểm tra cũng có tính tích lũy và những câu hỏi cũng tương tự như trong các bài thi trước đây ông đưa ra, nhưng chất lượng bài kiểm tra trước thời điểm giữa kỳ tốt hơn nhiều so với những gì trước kia ông nhận được cho bài thi giữa kỳ. Sau năm năm áp dụng hình thức mới, ông thực sự thừa nhận nó. “Chất lượng các buổi thảo luận trên lớp tăng. Tôi nhận thấy sự thay đổi lớn trong các bài luận. Tất cả chỉ nhờ việc thay đổi từ ba bài thi thành chín bài kiểm tra.” Trước khi kỳ học kết thúc, ông thu thập các đoạn văn viết về các khái niệm được trình bày trên lớp, đôi khi là một bài luận cả trang và chất lượng có thể sánh với những gì ông thu được ở các lớp trình độ cao hơn.
“Ai cũng có thể tự thiết kế cấu trúc này. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, tôi đã có thể truyền thụ cho sinh viên nhiều kiến thức hơn nếu tôi thực hiện nó từ nhiều năm trước. Điều thú vị khi áp dụng chiến lược kiểm tra là giờ đây tôi đã nhận ra nó cũng hiệu quả như tôi nghĩ về khả năng giảng dạy của chính mình vậy. Hoạt động giảng dạy của tôi chỉ là một bộ phận cấu thành sự tiếp thu của sinh viên, và còn rất nhiều điều phải làm với cách tôi cơ cấu nó, thậm chí có thể còn nhiều hơn thế.” Trong khi đó, số lượng sinh viên ghi danh vào lớp học của ông đã lên tới 185 người và vẫn còn tiếp tục gia tăng.
KHÁM PHÁ CÁC SẮC THÁI
Ví dụ về Andy Sobel là một giai thoại và gần như chỉ phản ánh được một loạt những ảnh hưởng có lợi, đặc biệt là những hiệu quả có tính tích lũy. Đó là những hiệu quả được tích tụ lại như lợi ích cộng dồn khi kiến thức trong khóa học được dẫn truyền theo một hình thức kiểm tra xuyên suốt toàn bộ học kỳ. Tuy nhiên, kinh nghiệm của ông phù hợp với các nghiên cứu thực nghiệm được thiết kế để tách biệt những tác dụng và sắc thái của sự kiểm tra.
Ví dụ, trong một thí nghiệm, các sinh viên cao đẳng tiến hành nghiên cứu các tài liệu về nhiều chủ đề khoa học, sau đó họ tham gia vào một bài kiểm tra trí nhớ ngay sau khi tiếp xúc với tài liệu hoặc sau khi ôn lại tài liệu. Sau hai ngày, những sinh viên làm bài kiểm tra đầu tiên nhớ được nhiều hơn so với những người chỉ đơn thuần ôn lại tài liệu (68% so với 54%). Sau một tuần khoảng cách này vẫn được duy trì (56% so với 42%). Một thí nghiệm khác đã cho thấy rằng, sau một tuần nhóm sinh viên chỉ nghiên cứu tài liệu quên những gì ban đầu họ đã nhớ được với tỷ lệ cao nhất là 52%, trong khi đối với những sinh viên thuộc nhóm trải qua bài kiểm tra, con số này chỉ là 10%.
Việc đưa ra phản hồi nhằm sửa chữa những đáp án sai cho các câu hỏi trong bài kiểm tra có ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu của người học như thế nào? Các nghiên cứu cho thấy thông tin phản hồi sẽ giúp củng cố việc lưu giữ kiến thức nhiều hơn là chỉ thực hiện kiểm tra đơn thuần. Và, một điều thú vị hơn nữa là một vài chứng cứ còn chỉ ra rằng, trì hoãn quá trình đưa ra phản hồi cho kết quả tiếp thu tốt hơn so với phản hồi ngay lập tức. Khám phá này dường như trái ngược với những gì chúng ta thường thấy nhưng nó lại thống nhất với phát hiện của các nhà nghiên cứu về cách chúng ta học các bài tập vận động, như thực hiện một cú đẩy bóng lên rổ ở gần hay đánh quả bóng gôn về phía một bãi cỏ ở xa. Đối với quá trình nắm bắt các kỹ năng vận động, sự thử nghiệm có sai sót kết hợp với sự trì hoãn các phản hồi là một phương pháp có vẻ kỳ lạ nhưng lại hiệu quả hơn là thử nghiệm và sửa chữa thông qua phản hồi ngay lập tức. Phản hồi tức thì có thể được hình dung như những chiếc bánh phụ ở một chiếc xe đạp: người học sẽ nhanh chóng trở nên phụ thuộc vào sự điều chỉnh liên tục trong suốt quá trình.
Trong trường hợp áp dụng với các kỹ năng vận động, một lý thuyết cho rằng khi một phản hồi được đưa ra thì ngay lập tức, nó sẽ trở thành một phần của bài tập, bởi vậy, trong một thực tế diễn ra sau đó, sự thiếu vắng thông tin phản hồi sẽ tạo ra một chỗ trống trong mô hình đã được thiết lập, từ đó cản trở quá trình thực hiện. Một ý kiến khác lại cho rằng sự ngắt quãng thường xuyên của phản hồi tạo nên tính biến thiên cho các giai đoạn học tập, ngăn cản sự thiết lập một mô hình triển khai cố định.
Trong lớp học, chậm trễ đưa ra thông tin phản hồi cũng mang đến hiệu quả tiếp thu tốt hơn việc ngay lập tức đưa ra nhận xét. Trong trường hợp của các sinh viên nghiên cứu tài liệu về các đề tài khoa học, một số được xem lại tài liệu ngay khi họ được yêu cầu trả lời các câu hỏi liên quan. Việc này thực sự cung cấp cho họ sự phản hồi liên tục ngay trong bài kiểm tra, tương tự như khi họ làm một bài kiểm tra được tham khảo tài liệu. Một nhóm khác làm bài kiểm tra mà không được sử dụng tài liệu và họ chỉ được xem lại tài liệu cũng như được hướng dẫn xem xét các đáp án sau khi quá trình kiểm tra đã kết thúc. Tất nhiên, nhóm sinh viên sử dụng tài liệu đạt kết quả cao nhất trong bài kiểm tra này, nhưng những người nhận thông tin phản hồi chỉnh sửa sau khi hoàn tất bài kiểm tra lưu giữ kiến thức tốt hơn trong bài kiểm tra lần sau. Thông tin phản hồi chậm trễ trong các bài thi viết có thể hữu ích vì nó mangđến cho người học sự luyện tập bị ngắt quãng, một phương pháp cải thiện khả năng duy trì kiến thức sẽ được thảo luận trong chương kế tiếp.
Phải chăng một số phương thức luyện tập thông qua gợi nhớ cho hiệu quả tiếp thu lâu dài hơn các phương thức khác? Các bài kiểm tra đòi hỏi người học cung cấp đáp án, kiểu như một bài luận, một bài kiểm tra yêu cầu các câu trả lời ngắn hay bài tập đơn giản với các thẻ từ vựng đều có vẻ hiệu quả hơn những bài kiểm tra yêu cầu nhận thức đơn giản như lựa chọn đáp án đúng trong nhiều phương án cho sẵn hay chọn đúng/sai. Tuy nhiên, ngay cả dạng bài lựa chọn đáp án đúng, như các bài kiểm tra được sử dụng tại trường Trung học Columbia, cũng mang lại lợi ích to lớn. Trong khi nhìn chung bất kỳ dạng thức luyện tập có tính hồi tưởng nào cũng có tác dụng tốt với sự tiếp thu thì dường như ở đây có một gợi ý rằng dạng luyện tập nào đòi hỏi nhiều nỗ lực nhận thức hơn sẽ cho hiệu quả lưu giữ kiến thức tốt hơn. Phương pháp luyện tập có tính hồi tưởng đã được đầu tư nghiên cứu trong những năm gần đây, và những nghiên cứu này đều phân tích rằng trong một lớp học, ngay cả một bài kiểm tra đơn lẻ cũng có thể mang lại sự cải thiện lớn về điểm số của bài thi cuối kỳ, cũng như lợi ích đối với việc học tập gia tăng tỷ lệ thuận với số lượng các bài kiểm tra.
Bất kỳ khi nào một lý thuyết khoa học chỉ ra quá trình lặp lại sự hồi tưởng có thể củng cố trí nhớ ra saothì các nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy hiệu quả của quá trình đó là có thật: hành vi phục hồi lại một ký ức tác động đến trí nhớ, khiến quá trình khơi gợi lại chính ký ức đó trở nên dễ dàng hơn trong tương lai.
Với vai trò là một phương pháp học tập, luyện tập có tính hồi tưởng được ứng dụng rộng rãi ra sao? Một cuộc khảo sát cho thấy phần lớn các sinh viên đại học không nhận thức được tác dụng của phương pháp này. Trong một cuộc khảo sát khác, chỉ 11% sinh viên cho biết họ có sử dụng nó. Ngay cả khi thực hiện báo cáo về quá trình tự kiểm tra, hầu hết các sinh viên đều nói mục đích của họ là tìm ra điều bản thân chưa biết, từ đó họ có thể học được nhiều điều hơn từ tài liệu. Đó là một cách hoàn toàn hợp lý trong việc vận dụng các bài kiểm tra nhưng rất ít người trong số họ nhận ra rằng chính sự hồi tưởng là nhân tố tạo ra sự ghi nhớ tốt hơn.
Phải chăng các bài kiểm tra được lặp lại chỉ đơn giản là động lực thúc đẩy việc học vẹt? Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng, so với việc đọc lại đơn thuần, các bài kiểm tra hỗ trợ tốt hơn cho quá trình liên hệ kiến thức với những ngữ cảnh và vấn đề mới, đồng thời giúp người học cải thiện khả năng ghi nhớ và khôi phục lại các kiến thức liên quan dù kiến thức đó không được kiểm tra. Điểm này cần được nghiên cứu sâu hơn, song dường như sự luyện tập có tính hồi tưởng có thể khiến thông tin trở nên dễ tiếp cận hơn khi ta cần tới chúng trong những tình huống khác nhau.
Liệu các bạn sinh viên có duy trì phương pháp kiểm tra như một công cụ học tập? Nhìn chung họ thường không thích ý tưởng về các bài kiểm tra và cũng chẳng khó để nhận ra lý do, đặc biệt là đối với các bài thi có tính quyết định như bài thi giữa kỳ hay cuối kỳ, khi mà điểm số đi cùng những hệ quả quan trọng. Nhưng trong mọi nghiên cứu về thái độ của các bạn sinh viên với chế độ kiểm tra vào cuối học kỳ, những sinh viên được kiểm tra thường xuyên đánh giá mức độ yêu thích đối với khóa học của họ cao hơn so với những người tham dự các bài kiểm tra kém thường xuyên hơn. Những người hay thực hiện các bài kiểm tra tiếp thu được tối đa lượng kiến thức khi kết thúc học kỳ và không cần phải học nhồi nhét trước các kỳ thi.
Việc làm một bài kiểm tra có tác động như thế nào đến quá trình học tập diễn ra sau đó? Sau một kỳ thi, các sinh viên dành nhiều thời gian hơn để ôn tập lại kiến thức bị bỏ lỡ và họ học được nhiều hơn từ đó so với các bạn đồng học khác, những người chỉ ôn tập mà không sát hạch lại kiến thức đó. Những sinh viên chú trọng vào việc đọc lại trong chiến lược học tập của mình mà không đề cao sự tự kiểm tra tỏ ra quá tự tin vào kiến thức của mình. Những sinh viên đã được kiểm tra có lợi thế gấp đôi so với những người còn lại: họ có nhận định chính xác hơn về những gì mình biết và không biết, đồng thời họ có thể củng cố những hiểu biết đã tích lũy được từ sự tập luyện có tính gợi nhớ.
Liệu có còn những lợi ích khác, gián tiếp và sâu xa hơn của việc thường xuyên tiến hành những bài kiểm tra trên lớp học mà không tính điểm? Bên cạnh tác dụng củng cố khả năng tiếp thu và ghi nhớ, hình thức kiểm tra này còn cải thiện tình trạng đến lớp của sinh viên. Nó khiến các bạn sinh viên nghiên cứu nhiều hơn trước mỗi buổi học (vì họ biết họ sẽ bị kiểm tra), gia tăng số lượng sinh viên trong mỗi buổi học (trường hợp có bài kiểm tra cuối buổi) và cho phép sinh viên xác định được họ đã học được những gì và họ phải tập trung ôn lại kiến thức ở phần nào. Đó là liều thuốc hóa giải cho sự lầm tưởng thứ được gọi là thuộc mặt chữ, kết quả của việc đọc đi đọc lại tài liệu, với sự nắm bắt vấn đề. Các bài kiểm tra thường xuyên vô thưởng vô phạt giúp sinh viên giảm bớt căng thẳng trước kỳ thi thông qua sự đa dạng hóa và các kết quả được đưa ra trên một mẫu lớn hơn nhiều: không có bài kiểm tra đơn lẻ nào có giá trị quyết định. Và phương thức kiểm tra này cho phép người hướng dẫn xác định được những lỗ hổng kiến thức của sinh viên, trên cơ sở đó điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình để lấp đầy chúng. Những lợi ích từ các bài kiểm tra không mang lại rủi ro này vẫn được tích lũy trong cả hai mô hình: giảng dạy trực tuyến hay trên lớp học.
Những điều cần ghi nhớ
Quá trình luyện tập bằng cách tái hiện kiến thức hay kỹ năng mới từ trí nhớ là một công cụ tiềm năng hỗ trợ cho việc học tập và lưu giữ kiến thức. Ý tưởng này đúng trong mọi trường hợp khi mà bộ não phải ghi nhớ và sau đó tái hiện lại một điều gì đó – những sự kiện, quan niệm phức tạp, cách thức giải quyết vấn đề, kỹ năng vận động.
Sự hồi tưởng một cách khó khăn khiến hiệu quả tiếp thu và ghi nhớ trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta dễ dàng bị cám dỗ bởi niềm tin rằng quá trình tiếp thu dễ dàng hơn sẽ cho hiệu quả tốt hơn, nhưng các nghiên cứu lại chỉ ra điều ngược lại: khi tư duy phải hoạt động, kiến thức sẽ được ghi nhớ tốt hơn. Bạn càng hao tổn nhiều công sức để nhớ lại những gì đã học, miễn là bạn thành công, thì khả năng ghi nhớ và duy trì những hiểu biết đó của bạn càng trở nên tốt hơn. Sau một bài kiểm tra đầu tiên, sự trì hoãn trong quá trình tiếp tục thực hiện tập luyện thông qua hồi tưởng có tác dụng củng cố khả năng ghi nhớ hơn so với sự luyện tập tức thì, vì sự khôi phục kiến thức chậm trễ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn.
Lặp lại quá trình hồi tưởng những gì đã học không chỉ gia tăng mức độ bền bỉ của trí nhớ mà còn giúp tri thức có thể được phục hồi dễ dàng hơn, trong nhiều tình huống đa dạng hơn và ứng dụng được cho nhiều loại vấn đề hơn.
Tuy phương pháp học tập trung nhồi nhét có thể mang lại điểm số tốt hơn trong một bài kiểm tra tức thì, nhưng lợi thế đó sẽ mờ nhạt nhanh chóng vì nếu chỉ đọc lại tài liệu thì sau đó người học sẽ dễ quên hơn hình thức luyện tập có tính gợi nhớ. Hình thức này mang lại những lợi ích dài hạn.
Đưa một bài kiểm tra (luyện tập có tính hồi tưởng) vào một lớp học một cách đơn giản có thể mang đến sự cải thiện lớn về điểm số của bài thi cuối kỳ và lợi ích tiếp tục gia tăng tỷ lệ thuận với tần suất các bài kiểm tra trên lớp.
Các bài kiểm tra không cần phải được khởi xướng bởi người hướng dẫn. Các bạn sinh viên có thể rèn luyện khả năng nhớ lại kiến thức của mình ở mọi nơi, không nhất thiết là qua các bài kiểm tra trên lớp. Thử nghĩ đến thẻ ghi chữ số, hay cách các học sinh lớp 2 học phép tính nhân, những phương pháp này cũng có thể được áp dụng cho người học lớn tuổi để tự kiểm tra kiến thức của mình về nguyên tử, toán học hay pháp luật. Tự kiểm tra dường như không mấy hấp dẫn khi nó tốn công hơn đọc lại, nhưng như đã đề cập ở trên, càng nhiều nỗ lực hao tổn trong quá trình hồi tưởng, càng nhiều kiến thức sẽ được ghi nhớ.
Những sinh viên thực hiện các bài kiểm tra thực hành thâu tóm vấn đề tốt hơn những sinh viên chỉ đọc lại tài liệu. Tương tự, những bài thi như thế cho phép người hướng dẫn phát hiện những lỗ hổng kiến thức hay nhận thức sai lầm ở sinh viên và điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình để sửa chữa chúng.
Cung cấp cho sinh viên những nhận xét có tính điều chỉnh sau các bài kiểm tra ngăn họ ghi nhớ những ý tưởng thiếu chính xác mà họ đã hiểu sai về tài liệu và mang đến những kiến thức có giá trị thông qua những đáp án chính xác.
Các sinh viên tham gia các lớp học có kết hợp những bài kiểm tra không có tính quyết định hay không mang lại rủi ro dần dần trở nên hứng thú với việc luyện tập. Những người được kiểm tra thường xuyên cũng yêu thích khóa học của họ hơn.
Vậy còn những quan ngại ban đầu của hiệu trưởng Roger Chamberlain về các bài kiểm tra được áp dụng tại trường Trung học Columbia rằng chúng có thể chẳng giúp ích được gì hơn ngoài việc cổ xúy lối học vẹt?
Chúng tôi hỏi ông điều này sau khi cuộc khảo sát được hoàn tất. Ông ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: “Điều tôi thực sự hài lòng là: một số học sinh có khả năng đánh giá, tổng hợp và áp dụng một khái niệm vào những mô hình khác nhau. Đối với nhóm này, khi các em có nền tảng từ kiến thức và khả năng ghi nhớ, những khả năng này sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều; nhờ đó các em sẽ không phải phí thời gian xem xét lại và tìm hiểu xem từ đó có ý nghĩa gì hay khái niệm kia nói về điều gì. Nó cho phép các em tiến tới một trình độ cao hơn.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.