Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó

Chương 3. Kết hợp các phương pháp luyện tập



Có thể trực giác không mách bảo bạn rằng luyện tập có tính hồi tưởng là một công cụ mạnh mẽ hơn so với xem xét lại hay đọc lại, nhưng hầu hết chúng ta đều công nhận tầm quan trọng của thử nghiệm này trong lĩnh vực thể thao. Đó là điều mà chúng ta gọi là “luyện tập-luyện tập-luyện tập”. Vậy thì, nghiên cứu sau đây có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên.

Tại một lớp học thể dục, một nhóm trẻ tám tuổi tập ném các bao đựng đậu vào rổ. Nửa số trẻ tập trung ném vào một chiếc rổ ở cách xa họ 0,9m. Nửa còn lại tập ném vào cả những chiếc rổ ở cự ly 0,6m lẫn cự ly 1,2m. Sau 12 tuần, tất cả các em cùng làm một bài kiểm tra ném vào một chiếc rổ ở cách xa 0,9m. Những em làm tốt nhất tính đến thời điểm đó là những em đã tập ném với rổ ở cự ly 0,6m hay 1,2m nhưng chưa hề tập với những chiếc rổ ở cự ly 0,9m.

Tại sao vậy? Chúng ta sẽ quay trở lại với những bao đựng đậu, nhưng trước hết hãy cùng nhìn lại một cách tương đối thấu đáo về một ý tưởng hoang đường vẫn được truyền bá rộng rãi về cách thức chúng ta học hỏi.

Ý TƯỞNG HOANG ĐƯỜNG VỀ PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP DỒN DẬP

Hầu hết chúng ta đều tin rằng thành quả tiếp thu sẽ tốt hơn nếu bạn nghiên cứu vấn đề một cách chuyên tâm cao độ: chiến lược luyện tập-luyện tập-luyện tập được cho là sẽ khắc sâu một kỹ năng vào trí nhớ của bạn. Niềm tin vào sự tập trung rèn luyện lặp đi lặp lại một kỹ năng duy nhất với tần suất lớn cho tới khi hoàn toàn nắm bắt được nó đã trở nên phổ biến trong giới giáo viên, vận động viên, huấn luyện viên và cả sinh viên. Các nhà nghiên cứu gọi hình thức luyện tập này là “tập trung” (massed). Có một sự thật đơn giản là khi chúng ta luyện tập dồn dập như thế, có thể chúng ta sẽ nhận thấy việc này tạo nên sự khác biệt. Và niềm tin của chúng ta bắt nguồn từ sự thật đó. Tuy nhiên, bất chấp những điều mắt thấy tai nghe ấy, chúng ta đã đặt niềm tin nhầm chỗ.

Nếu quá trình lĩnh hội tri thức được định nghĩa bằng việc tiếp nhận một kiến thức hay kỹ năng mới và năng lực áp dụng sau đó thì việc chúng ta tiếp nhận một kiến thức nào đó nhanh thế nào chỉ là một phần của vấn đề. Liệu kiến thức này có còn ở đó khi bạn cần sử dụng chúng trong cuộc sống thường nhật hay không? Trong khi luyện tập đóng vai trò thiết yếu với nhận thức và ghi nhớ thì các cuộc khảo sát đã cho thấy quá trình tập luyện còn trở nên hiệu quả hơn nhiều khi nó bị ngắt quãng thành các giai đoạn riêng biệt. Thông thường, những thành quả tức thì sinh ra nhờ rèn luyện tập trung là hiển nhiên và rõ rệt, nhưng sự quên lãng nhanh chóng diễn ra sau đó thì không hề dễ thấy. Sự luyện tập ngắt quãng, biến thiên và xen kẽ các nội dung học tập khác nhau sẽ tạo ra khả năng nắm bắt tốt hơn, ghi nhớ lâu hơn và ứng dụng linh hoạt hơn. Nhưng những lợi ích này có cái giá của nó: khi việc luyện tập bị ngắt quãng, đan xen và biến đổi, nó sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Bạn sẽ chỉ cảm thấy tốn công sức hơn mà chưa thể nhìn thấy lợi ích sinh ra từ những gì mình đã bỏ ra. Với hình thức luyện tập này, quá trình tiếp thu tưởng như chậm hơn, và bạn không đạt được sự cải thiện nhanh chóng hay xác nhận tức thì như bạn vẫn thường nhận được khi rèn luyện một cách tập trung. Ngay cả trong các nghiên cứu mà những người tham gia cho thấy những kết quả vượt trội từ quá trình học tập bị cách quãng, chính bản thân họ cũng không hề nhận thức được sự tiến bộ; họ vẫn tin rằng bản thân nắm bắt kiến thức tốt hơn từ những tài liệu được tập trung ôn luyện dồn dập.

Gần như ở mọi nơi bạn thấy, bạn đều có thể tìm ra những ví dụ về sự tập luyện dồn dập: các trại hè nâng cao trình độ ngoại ngữ, những trường đại học đưa ra mô hình giáo dục tập trung vào một môn học duy nhất với cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ học tập của sinh viên, những hội thảo liên miên về giáo dục dành cho các giảng viên mà tại đó quá trình đào tạo được cô đúc lại trong một cuối tuần duy nhất. Nhồi nhét kiến thức trước các kỳ thi cũng là một dạng rèn luyện tập trung. Nó có vẻ là một phương pháp hiệu quả và có thể giúp bạn duy trì đến vài ngày tiếp sau kỳ thi giữa kỳ, nhưng hầu hết kiến thức sẽ trôi tuột khỏi trí nhớ của bạn từ rất lâu trước khi bạn phải làm bài thi cuối kỳ. Tạo khoảng cách giữa các kỳ luyện tập có vẻ ít hiệu quả hơn bởi lẽ sự quên lãng sẽ xen vào đó và bạn phải làm việc cật lực hơn để nhớ lại những khái niệm. Chẳng có vẻ gì là bạn đang làm chủ được kiến thức. Điều mà bạn không nhận thức được lúc ấy chính là những nỗ lực bạn thêm vào là tác nhân khiến khả năng tiếp thu của bạn trở nên mạnh mẽ.

CÁCH QUÃNG QUÁ TRÌNH LUYỆN TẬP

Những lợi ích từ việc tạo khoảng cách giữa các giai đoạn luyện tập hẳn còn phải trải qua một thời gian dài nữa mới được chứng thực nếu không có một ví dụ sinh động về một cuộc khảo sát có sự tham gia của 38 vị bác sĩ nội trú. Họ nghiên cứu một loạt bốn bài học về vi phẫu thuật: làm thế nào để gắn lại các mạch siêu nhỏ. Mỗi bài học gồm một số hướng dẫn với các bài tập thực hành tiếp sau. Một nửa số bác sĩ hoàn thành cả bốn bài học trong một ngày đúng như thời khóa biểu tại chức thông thường. Số còn lại hoàn tất bốn bài có nội dung tương tự nhưng là từng bài một với một tuần nghỉ giữa các bài.

Trong bài thi diễn ra sau học kỳ cuối một tháng, những người học theo từng bài cách nhau một tuần thể hiện sự vượt trội so với các đồng nghiệp trên mọi tiêu chuẩn đánh giá – thời lượng để hoàn thành một ca phẫu thuật, số lượng các động tác tay, gắn lại thành công động mạch chủ bị đứt còn đang đập của một con chuột sống. Khoảng cách giữa hai nhóm thật ấn tượng. Các bác sĩ nội trú hoàn thành bốn bài học trong một ngày đạt điểm thấp hơn trên mọi tiêu chuẩn, không những thế 16% trong số họ còn hủy hoại động mạch của con chuột đến mức không thể cải thiện và ca phẫu thuật không thể hoàn thành.

Vì sao sự rèn luyện bị cách quãng lại hiệu quả hơn rèn luyện tập trung liên tục? Có vẻ như khả năng ghi nhớ kiến thức lâu dài đòi hỏi một sự củng cố, trong đó các dấu tích của ký ức (mô tả của não bộ về kiến thức mới thu nạp) được gia cố, định nghĩa và liên hệ với kiến thức trước đó – quá trình này diễn ra trong nhiều giờ và có thể là vài ngày. Sự rèn luyện tập trung dồn dập dựa trên trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, sự tiếp thu có tính bền vững lại đòi hỏi thời gian cho quá trình diễn tập trong tư duy và những quá trình củng cố khác. Vì vậy, phương pháp tập luyện cách quãng có hiệu quả hơn. Những nỗ lực tăng thêm nhằm phục vụ cho quá trình khôi phục lại kiến thức sau một chút quên lãng có tác dụng tái tạo sự củng cố và tăng cường trí nhớ. Chúng tôi sẽ khảo sát kỹ lưỡng một vài trong số các lý thuyết về quá trình này trong chương tiếp theo.

LỒNG GHÉP ĐỐI TƯỢNG TRONG QUÁ TRÌNH LUYỆN TẬP

Lồng ghép từ hai chủ đề hay kỹ năng trở lên vào quá trình luyện tập cũng là một công cụ đắc lực thay thế phương pháp rèn luyện tập trung, và đây là một minh họa nhanh về điều đó. Hai nhóm học sinh được hướng dẫn cách tính thể tích của bốn loại hình không gian (hình lăng trụ tam giác, hình cầu, hình quạt cầu, một nửa hình nón). Sau đó, một nhóm làm các bài tập thực hành được thu thập và phân loại theo dạng (lần lượt thực hành bốn bài toán yêu cầu tính thể tích một hình lăng trụ tam giác, sau đó là bốn bài toán về hình cầu, v.v…). Nhóm còn lại cũng giải các bài toán tương tự, nhưng với thứ tự bị trộn lẫn (đan xen) chứ không phải theo trình tự tập hợp theo từng dạng. Sau những gì chúng tôi đã trình bày, các kết quả có thể sẽ không còn khiến bạn ngạc nhiên. Trong suốt quá trình luyện tập, trung bình các em học sinh giải các bài toán được tập hợp theo dạng (chính là hình thức rèn luyện tập trung) chính xác đến 89%, so với 60% của nhóm làm bài tập đã được trộn lẫn. Nhưng trong bài kiểm tra cuối cùng diễn ra sau đó một tuần, những học sinh đã thực hành giải các bài tập đã được phân theo dạng chỉ đạt độ chính xác trung bình là 20%; trong khi với những em còn lại, những người đã thực hiện luyện tập theo hình thức đan xen thì tỷ lệ chính xác này lên tới 63%. Sự pha trộn các dạng bài tập, điều đã nâng kết quả bài sát hạch cuối cùng lên một tỷ lệ đáng kể là 215%, thực sự lại là yếu tố cản trở trong giai đoạn đầu của quá trình tiếp thu.

Bây giờ, giả sử bạn là chuyên viên đào tạo của một công ty. Bạn đang cố gắng huấn luyện các nhân viên thực hiện một quy trình mới phức tạp bao gồm mười thao tác. Phương pháp điển hình để tiến hành điều đó là đào tạo thao tác thứ nhất, lặp lại nhiều lần cho đến khi học viên hiểu rõ nó. Sau đó bạn chuyển sang thao tác thứ hai, lặp lại bước hai, khiến học viên nắm vững nó và cứ thế. Trình tự này có thể giúp thúc đẩy tốc độ tiếp thu. Vậy phương pháp rèn luyện với sự đan xen thì sao? Bạn thực hành thao tác thứ nhất ít lần, rồi chuyển sang thao tác thứ tư, rồi quay sang thao tác thứ ba, sau đó đến thao tác thứ bảy, và cứ thế. (Ở chương 8, chúng tôi sẽ bàn về cách Hãng bảo hiểm Farmers Insurance đào tạo các nhân viên đại lý mới bằng một hệ thống các bài tập được sắp xếp theo mô hình xoắn ốc. Trong mô hình này, các dữ liệu về các kỹ năng chính sẽ được quay vòng theo một thứ tự ngẫu nhiên với các lớp nghĩa và ngữ cảnh mới được thêm vào mỗi lượt chuyển tiếp.)

Tiến trình tiếp nhận kiến thức khi áp dụng hình thức luyện tập đan xen dường như diễn ra chậm hơn so với luyện tập dồn dập. Các giáo viên và cả học sinh đều nhận thấy sự khác biệt này. Họ có thể thấy sự thông thạo của mình về mỗi yếu tố đến chậm hơn, trong khi lợi ích lâu dài bù đắp cho điều đó thì lại không hề bộc lộ rõ ràng. Vì thế, việc đan xen các đối tượng trong luyện tập không được ưa chuộng và hiếm khi được sử dụng. Các giáo viên không thích cách này vì độ trễ của nó. Các bạn sinh viên thì thấy nó rắc rối: họ chỉ vừa mới bắt đầu xử lý một tài liệu mới và chưa kịp hiểu nó thì đã phải chuyển sang một tài liệu khác. Nhưng các nghiên cứu lại cho thấy rõ ràng rằng, bạn sẽ thấu triệt và ghi nhớ kiến thức lâu hơn nếu lồng ghép quá trình luyện tập thay vì thực hành một cách tập trung dồn dập.

ĐA DẠNG HÓA ĐỐI TƯỢNG TRONG QUÁ TRÌNH LUYỆN TẬP

Vậy còn cuộc khảo sát với các bao đựng đậu, trong đó những học sinh làm tốt nhất lại chưa từng thực hành cú ném ở cự ly 0,9m, cự ly mà các em khác lại tập trung rèn luyện thì sao?

Nghiên cứu với các bao đựng đậu kể trên tập trung vào khả năng làm chủ các kỹ năng vận động, nhưng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng những nguyên lý cơ bản này cũng áp dụng vào các kỹ năng về nhận thức. Ý tưởng cơ bản ở đây là việc luyện tập có tính đa dạng – giống như khi bạn ném các bao đựng đậu vào các rổ ở những cự ly khác nhau – sẽ cải thiện khả năng chuyển đổi kiến thức lĩnh hội được trong tình huống này và ứng dụng nó thành công vào một tình huống khác. Bạn mở rộng hiểu biết về mối liên hệ giữa các điều kiện khác nhau và các động thái cần thiết để xử lý chúng; bạn nhận thức ngữ cảnh rõ ràng hơn và phát triển một “vốn ngôn ngữ hành động” linh hoạt hơn – những động thái khác nhau áp dụng cho các tình huống khác nhau. Liệu tác động của sự rèn luyện một cách đa dạng (như trường hợp luyện tập với những chiếc rổ ở cự ly 0,6m và 1,2m) có đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu của các nhiệm vụ cụ thể (chiếc rổ ở cự ly 0,9m)? Đó sẽ là chủ điểm của những nghiên cứu sâu hơn.

Các bằng chứng ủng hộ lý thuyết về sự luân chuyển các nội dung trong quá trình luyện tập đã và đang được đồng tình bởi các nghiên cứu hình ảnh học thần kinh hiện nay. Các công trình này đề xuất rằng, các hình thức luyện tập khác nhau tương thích với các phần khác nhau trên não bộ. Quá trình nắm bắt các kỹ năng vận động bằng cách luyện tập một cách đa dạng là loại hình có tính thử thách về nhận thức cao hơn hình thức luyện tập dồn dập, và có vẻ nó được củng cố bởi một khu vực nhất định trên não. Khu vực này chịu trách nhiệm xử lý một quy trình khó khăn hơn phục vụ cho việc học hỏi các kỹ năng vận động ở trình độ cao hơn. Mặt khác, khi bạn học hỏi các kỹ năng vận động bằng cách rèn luyện tập trung, quá trình đó được hỗ trợ bởi một khu vực khác trên não bộ. Khu vực này được sử dụng cho việc tiếp thu những kỹ năng vận động dễ dàng và ít đòi hỏi tư duy hơn. Kết luận rút ra ở đây là những kiến thức gặt hái được thông qua hình thức thực hành tập trung dồn dập nhưng kém thử thách hơn được mã hóa theo một ngôn ngữ đơn giản và tương đối nghèo nàn. Trong khi đó, kiến thức tích lũy được nhờ luyện tập đa dạng và khó khăn hơn sẽ huy động nhiều năng lực tư duy hơn và được lập trình linh hoạt hơn. Điều đó khiến các thành quả này có thể được ứng dụng rộng rãi hơn.

Trong giới vận động viên, luyện tập dồn dập đã trở thành nguyên tắc trong một thời gian dài: thực hiện cú đá bổng, đẩy bóng vào gôn từ cự ly 60m, tập cú ve trái, chuyền trong khi đang rê bóng: lần nữa, lần nữa và lần nữa – để thuần thục và rèn luyện chúng thành “trí nhớ cơ bắp” của bạn, như chính khái niệm đã chỉ ra. Những lợi ích của quá trình luyện tập một cách biến thiên các kỹ năng vận động đã gặt hái được sự đồng tình rộng rãi, dù có phần chậm chạp. Hãy xem xét cú sút một chạm trong môn khúc côn cầu. Đó là khi bạn nhận được bóng và ngay lập tức chuyền cho một đồng đội đang di chuyển xuống khu vực dưới của sân băng, khiến cho đối thủ mất thăng bằng và không thể gây sức ép cho người giữ bóng. Khi còn là trợ lý huấn luyện viên của đội Los Angeles Kings, Jamie Kompon có thói quen hướng cả đội tập cú sút một chạm từ cùng một vị trí trên sân. Ngay cả khi sự di chuyển này bị chen vào bởi một chuỗi liên tiếp các chuyển động khác trong quá trình luyện tập, nếu bạn chỉ tập cú sút này từ đúng một vị trí trên sân hay trong đúng một chuỗi động tác có trình tự cố định thì chẳng khác gì bạn chỉ đang tập ném bao đựng đậu vào một chiếc rổ ở cách xa 0,9m. Giờ đây Kompon đã thay đổi phương pháp huấn luyện của mình. Chúng tôi có cuộc trò chuyện khi ông vừa chuyển sang đội Chicago Blackhawks. Kompon và đội của ông đã đoạt cúp Stanley, liệu có sự trùng hợp nào ở đây không?

Những lợi ích của việc tập luyện một cách đa dạng đối với tư duy nhận thức thay vì với các kỹ năng vận động đã được chỉ ra trong một thí nghiệm gần đây. Thí nghiệm này áp dụng cùng một ý tưởng với bài kiểm tra về các túi đựng đậu nhưng được điều chỉnh cho thích hợp với nội dung nghiên cứu là quá trình học hỏi các vấn đề về nhận thức: Trong trường hợp này, các em học sinh làm những bài tập về phép đảo chữ – nghĩa là, các em phải sắp xếp lại các chữ cái thành các từ có nghĩa (tmoce thành comet). Một số đối tượng nghiên cứu làm lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một dạng bài về một cách đảo chữ, trong khi số khác tập làm nhiều cách đảo chữ cho một từ. Khi tất cả được kiểm tra với cùng một phép đảo chữ mà nhóm thứ nhất đã ôn tập, nhóm thứ hai lại cho kết quả tốt hơn! Những lợi ích tương tự cũng phát sinh khi bạn rèn luyện để có thể xác định các loài cây, phân biệt các nguyên tắc của án lệ hay nắm vững một chương trình máy tính mới.

PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT

So với việc luyện tập dồn dập, một lợi thế quan trọng của sự đan xen, lồng ghép và đa dạng hóa là chúng có thể giúp chúng ta học hỏi tốt hơn về cách đánh giá tình huống và phân biệt các dạng vấn đề, lựa chọn cũng như áp dụng giải pháp chính xác từ một loạt các khả năng. Trong toán học, sự tập trung được áp dụng vào cấu trúc các bài học trong sách giáo khoa: mỗi chương được dành riêng cho một dạng toán cụ thể, kiến thức mà bạn sẽ học trên lớp và sau đó luyện tập bằng cách giải các bài tập, như 20 bài tập về nhà chẳng hạn, trước khi chuyển sang chương sau. Chương kế tiếp lại là một dạng toán khác, và bạn lại mải mê chìm đắm vào việc học tập và rèn luyện theo hướng tập trung tương tự. Bạn cứ tiến hành đều đặn như thế, hết chương này sang chương khác, trong suốt học kỳ. Nhưng sau đó, vào kỳ thi cuối kỳ, kỳ lạ chưa, các dạng toán bị xáo trộn hết cả: bạn nhìn chăm chăm lần lượt vào từng bài, tự hỏi mình phải sử dụng thuật toán nào đây? Nó ở chương 5, 6 hay 7? Khi học tập theo hình thức tập trung hay lặp lại, bạn không được thực hành quy trình phân loại có tính phản biện. Nhưng đó lại chính là cách thức mà cuộc sống hằng ngày vẫn thường diễn ra: những cơ hội và thách thức ập đến bất ngờ, không theo một trình tự nào hết. Để mang lại giá trị thực tiễn cho những hiểu biết của mình, chúng ta phải thành thạo trong việc nhận thức “vấn đề này thuộc loại nào” để có thể lựa chọn và áp dụng một giải pháp phù hợp.

Một số nghiên cứu đã mô tả những tác dụng ngày càng hoàn thiện của kỹ năng phân biệt có được thông qua quá trình rèn luyện đan xen và đa dạng. Đó là một cuộc khảo sát về kỹ năng quy các tác phẩm hội họa về với các họa sĩ sáng tạo ra chúng và một khảo sát về kỹ năng xác định và phân loại chim.

Các nhà nghiên cứu bước đầu dự đoán rằng, thực hành tập trung cách xác định các tác phẩm của từng họa sĩ (tức là tập trung nghiên cứu nhiều ví dụ về tác phẩm của một họa sĩ trước khi chuyển sang nghiên cứu các ví dụ về tác phẩm của một họa sĩ khác) sẽ là công cụ đắc lực nhất giúp sinh viên học cách xác định các đặc điểm trong phong cách của từng nghệ sĩ. Luyện tập khả năng tập trung vào các tác phẩm của từng họa sĩ, mỗi lần một họa sĩ, sẽ cho phép các sinh viên ghép các tác phẩm với các tác giả chính xác hơn, so với phương pháp tiếp xúc đan cài, lồng ghép các tác phẩm của nhiều họa sĩ khác nhau. Theo quan điểm này thì sự đan xen có vẻ quá khó khăn và phức tạp; sinh viên sẽ không thể tìm ra các khía cạnh có liên quan. Song những nhà nghiên cứu này đã sai lầm. Việc sinh viên phát hiện ra những điểm tương đồng giữa các tác phẩm của một họa sĩ thông qua rèn luyện tập trung tỏ ra kém hữu ích hơn việc phát hiện ra những điểm khác biệt giữa các tác phẩm của các nghệ sĩ khác nhau thông qua rèn luyện đan xen lồng ghép. Sự đan cài cải thiện khả năng phân biệt và mang lại kết quả cao hơn trong bài kiểm tra về ghép các tác phẩm tương ứng với các tác giả diễn ra sau đó. Nhóm đã thực hiện việc rèn luyện theo phương pháp đan xen cũng tỏ ra khá hơn trong việc ghép tên các tác giả với những ví dụ mới liên quan đến sản phẩm của họ. Những sinh viên này chưa hề được tiếp xúc với các ví dụ này trong giai đoạn học tập. Bất chấp những kết quả này, các sinh viên tham gia vào những thí nghiệm kể trên vẫn khăng khăng bảo vệ phương pháp thực hành tập trung, với luận điệu rằng nó giúp ích cho bản thân họ hơn. Thậm chí sau khi họ làm bài sát hạch và lẽ ra họ đã có thể rút ra từ chính quá trình thực hành của mình rằng đan xen là chiến lược hữu ích hơn trong học tập, họ vẫn trung thành với niềm tin rằng việc thực hành một cách tập trung vào việc quan sát các bức tranh của một họa sĩ thì cho hiệu quả tốt hơn. Những lý lẽ hoang đường về tác dụng của luyện tập tập trung thật khó để lật đổ, ngay cả khi chính bạn được tiếp xúc trực tiếp với những bằng chứng.

Tác dụng của sự luyện tập đan xen, lồng ghép trong việc hoàn thiện khả năng phân biệt đã được tái xác nhận trong các cuộc khảo sát về quá trình học cách phân loại những loài chim của các bạn sinh viên. Thử thách ở đây phức tạp hơn ta vẫn tưởng. Cuộc khảo sát chỉ định 20 họ chim khác nhau (họa mi đỏ, nhạn, hồng tước, sẻ, v.v…) Trong từng họ, các bạn sinh viên được giới thiệu 12 loài (họa mi đỏ nâu, họa mi đỏ mỏ cong, họa mi đỏ Bendire’s, v.v…) Khi xác định họ của một chú chim, bạn cần xem xét một loạt các đặc điểm như kích thước, bộ lông, động tác, địa bàn sinh sống, hình dạng mỏ, màu mắt, v.v… Một khó khăn trong việc nhận dạng một chú chim là có nhiều đặc điểm phổ biến giữa các thành viên thuộc cùng một họ nhưng không phải là tất cả các loài chim thuộc họ đó đều có chung đặc điểm này. Ví dụ, không phải tất cả họa mi đỏ đều có mỏ dài và hơi cong. Có một số đặc điểm là điển hình của một họ nhưng không xuất hiện ở mọi thành viên, nó đóng vai trò là đặc điểm nhận dạng duy nhất của họ đó. Vì nguyên tắc phân loại chỉ có thể dựa trên những đặc trưng riêng biệt này chứ không phải dựa vào việc xác định những đặc điểm (một đặc điểm có thể áp dụng cho mọi thành viên) nên phân loại chim yêu cầu nắm bắt các khái niệm và đưa ra đánh giá, chứ không đơn giản là ghi nhớ các đặc trưng. Luyện tập đan xen và đa dạng tỏ ra hữu ích hơn phương thức tập trung trong việc thông thạo các khái niệm nền tảng phục vụ cho việc thống nhất cũng như khu biệt các loài và họ.

Từ một trong những khảo sát trên, có thể đi đến kết luận, sự gợi nhớ và nhận biết đòi hỏi “kiến thức dựa trên thực tế”, được xem như một trình độ thấp hơn của nhận thức so với “kiến thức có tính khái niệm”. Kiến thức có tính khái niệm đòi hỏi sự hiểu biết về mối tương quan giữa các yếu tố cơ bản trong một cấu trúc rộng lớn hơn. Mối tương quan đó cho phép các yếu tố cùng phát huy chức năng. Kiến thức có tính khái niệm là yêu cầu bắt buộc phục vụ cho quá trình phân loại. Theo đuổi logic này, một số người đã bao biện rằng, rèn luyện kỹ năng gợi nhớ lại các sự kiện và ví dụ minh họa sẽ không thể đảm nhiệm vai trò mà một phương pháp hỗ trợ quá trình lĩnh hội các đặc điểm chung, điều không thể thiếu để đạt tới những trình độ cao hơn của hành vi trí tuệ. Những nghiên cứu về kỹ năng phân loại chim đã chỉ ra điều ngược lại: những chiến lược học tập giúp các bạn sinh viên có thể nhận dạng và phân biệt các nguyên mẫu (các đặc tính tương đồng của các thành viên trong họ) có thể giúp họ nắm bắt các loại đặc trưng ngữ cảnh và chức năng. Các đặc trưng này giúp quá trình hàm thụ của người đọc vượt xa khỏi những dạng thức kiến thức đơn giản và vươn tới trình độ nhận thức cao hơn.

CẢI THIỆN KHẢ NĂNG LĨNH HỘI NHỮNG KIẾN THỨC PHỨC TẠP ở CÁC SINH VIÊN Y KHOA

Điểm khác biệt giữa những kiến thức đơn giản, dễ hiểu về các sự kiện, hiện tượng và những hiểu biết uyên thâm cho phép người học ứng dụng linh hoạt những thành quả của sự học hỏi. Chúng có thể tương đối mơ hồ với phần lớn mọi người. Nhưng Douglas Larsen, một nhà khoa học làm việc tại trường Y thuộc Đại học Washington ở St. Louis, đã tìm được sự cộng hưởng trong đó. Theo ông, những kỹ năng bắt buộc để tiến hành phân loại các loài chim cũng tương tự như những kỹ năng một bác sĩ cần có khi chẩn đoán cho một bệnh nhân. “Sự đa dạng có vai trò quan trọng vì nó giúp chúng ta nhìn thấy nhiều phương diện hơn trong những điều chúng ta có thể đối chiếu,” ông nói. “Điều này rất phổ biến trong y học, nếu ta nhìn nhận mỗi lần đến khám của bệnh nhân là một bài sát hạch. Có nhiều tầng ký ức hiển hiện cũng như tiềm ẩn liên quan đến khả năng phân biệt giữa các triệu chứng và xác định mối tương quan giữa chúng.” Trí nhớ tiềm ẩn là cách bạn tự động hồi tưởng lại những kinh nghiệm trong quá khứ khi cắt nghĩa một hiện tượng mới. Ví dụ, người bệnh đến gặp bạn với một câu chuyện. Khi lắng nghe họ, bạn sàng lọc một cách có ý thức trong thư viện tư duy của mình để tìm ra điều gì là phù hợp, đồng thời vẫn vô thức thăm dò các kinh nghiệm đã trải qua để hiểu xem bệnh nhân đang nói gì với bạn. “Sau đó bạn được phép đưa ra quyết định,” Larsen nói.

Larsen là một nhà khoa học thần kinh bệnh nhi. Công việc của ông là thăm khám cho bệnh nhân tại các bệnh viện và trung tâm chữa trị thực hành của trường đại học. Ông là một người bận rộn: ngoài việc khám chữa bệnh, ông còn giám sát quá trình đào tạo các bác sĩ. Ông giảng dạy, và khi có thời gian, ông cộng tác với các nhà tâm lý học nhận thức để tiến hành nghiên cứu về phương pháp giáo dục trong y học. Ông đảm nhiệm tất cả những vai trò đó với mục đích tái cấu trúc và củng cố giáo trình đào tạo bộ môn thần kinh trẻ em trong trường y.

Hẳn là bạn sẽ dự đoán, trường y áp dụng một loạt các kỹ thuật giảng dạy. Ngoài các bài giảng trên lớp và trong phòng thí nghiệm, các bạn sinh viên còn được thực hành quy trình hồi sức và các thao tác khác trên những hình nộm công nghệ cao trong ba trung tâm mô phỏng được duy trì bởi trường y. Mỗi “bệnh nhân” được nối với các máy theo dõi. Chúng cũng có nhịp tim, huyết áp và đồng tử có thể co giãn. Các hình nộm này cũng có thể nghe và nói nhờ một người điều khiển luôn quan sát và vận hành chúng từ một phòng ở phía sau. Trường cũng tận dụng các “bệnh nhân tiêu chuẩn”, những diễn viên diễn theo kịch bản và bộc lộ những triệu chứng mà các sinh viên phải chẩn đoán. Trung tâm này được thiết lập như một trung tâm chữa bệnh thực hành thông thường và các sinh viên phải thể hiện sự thông thạo trong mọi lĩnh vực khi đối diện với một bệnh nhân, từ cung cách thăm khám bên giường bệnh, các kỹ năng kiểm tra sức khỏe và lưu ý việc đặt ra một loạt các câu hỏi thích hợp để có thể đưa ra các chẩn đoán và kế hoạch điều trị.

Từ những nghiên cứu về các phương pháp giảng dạy này, Larsen đã rút ra những kết luận thú vị. Điều thứ nhất và dường như khá hiển nhiên là: bạn thể hiện tốt hơn trong bài sát hạch về khả năng khám bệnh trong một trung tâm y học thực hành nếu như bạn đã từng có kinh nghiệm về việc này. Chỉ đọc bệnh án thôi là chưa đủ. Tuy nhiên, trong những bài thi tự luận cuối kỳ, cả những sinh viên y khoa đã từng thực hành kiểm tra sức khỏe bệnh nhân lẫn những người mới được học thông qua các bài kiểm tra tự luận đều đạt kết quả như nhau. Lý do là trong một bài thi tự luận, các bạn sinh viên được giao sẵn một kết cấu để xem xét và được yêu cầu cung cấp những thông tin cụ thể. Khi khám bệnh, bạn phải tự mình tìm ra mô hình tư duy phù hợp và các bước để làm theo. Kinh nghiệm thực hành các bước này với bệnh nhân thực sự hay bệnh nhân mô phỏng đều mang lại hiệu quả cải thiện quá trình thực hiện tốt hơn so với việc bạn chỉ đọc tài liệu. Nói cách khác, hình thức luyện tập có tính gợi nhớ tỏ ra hiệu quả nhất là hình thức phản ánh điều bạn đang làm trong hiện tại với những hiểu biết sau đó. Không phải là điều bạn biết, mà chính cách bạn thực hành những hiểu biết đó mới là yếu tố quyết định tác dụng của chúng sau này. Như một châm ngôn trong thể thao, “tập luyện như thể bạn đang thi đấu và bạn sẽ thi đấu như lúc bạn tập luyện.” Kết luận này phù hợp với những nghiên cứu khác về phương pháp học tập, và với một số kết luận thực tiễn về quy trình huấn luyện tinh vi hơn được áp dụng trong khoa học và công nghiệp. Trong những lĩnh vực này, các hình thức mô phỏng được ứng dụng ngày càng rộng rãi, không chỉ cho những phi công, sinh viên y khoa, mà cả các cảnh sát, người lái tàu và những người hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi sự thông thạo những kiến thức và kỹ năng phức tạp mà bạn có thể kể tên. Trong những lĩnh vực này, sự thuần thục có vai trò quyết định mức độ rủi ro. Với những trường hợp như thế, nghiên cứu sách vở thôi chưa đủ, rèn luyện trong thực tiễn cần thiết hơn nhiều.

Thứ hai, trong khi nghiên cứu nhiều bệnh án phức tạp về nhiều căn bệnh khác nhau đóng vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng hiểu biết của một sinh viên y khoa, thì việc nhấn mạnh thái quá vào sự phức tạp này lại mang đến nguy cơ chú trọng không đúng mức tới sự luyện tập có tính gợi nhớ và lặp lại những triệu chứng cơ bản – những triệu chứng điển hình của một căn bệnh biểu hiện trên hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh này.

“Có một nhóm các căn bệnh nhất định chúng tôi muốn các bạn nắm rõ,” Larsen nói. “Do đó chúng tôi sẽ yêu cầu các bạn khám nhiều lần cho các bệnh nhân tiêu chuẩn và nhận xét quá trình thực hiện của chính các bạn cho đến khi nắm rõ và khiến chúng tôi thấy rằng, ‘Tôi thực sự làm tốt điều đó.’ Vấn đề không phải là chúng ta áp dụng chiến lược này hay chiến lược kia, sự đa dạng hay sự lặp lại. Chúng tôi cần chắc chắn rằng chúng ta đang ở trong trạng thái cân bằng phù hợp. Chúng tôi cũng nhận ra rằng đôi khi chúng ta sa vào cái bẫy của sự quen thuộc. ‘Tôi từng nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh này, tôi không muốn tiếp tục gặp họ nữa.’ Nhưng kỳ thực, sự rèn luyện có tính gợi nhớ và được lặp lại đóng vai trò thiết yếu giúp hình thành trí nhớ dài hạn, đồng thời cũng là một chiến lược tập huấn quan trọng.

Khía cạnh quan trọng thứ ba là những kinh nghiệm thực tế. Đối với một bác sĩ, quá trình khám bệnh cung cấp một chu kỳ tự nhiên về luyện tập có tính gợi nhớ bị cách quãng, sự lồng ghép đan xen và đa dạng hóa. “Có quá nhiều thao tác y khoa dựa trên những hiểu biết có tính kinh nghiệm. Đó là lý do vì sao sau hai năm học chúng tôi bắt đầu đưa các bạn sinh viên ra khỏi lớp học và đặt họ vào môi trường chữa trị thực tế. Một câu hỏi lớn là, làm thế nào để kết hợp giữa kiến thức và kinh nghiệm? Chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều trải nghiệm. Điều gì khiến chúng ta nhận ra kinh nghiệm nào trong số đó đáng để ta học hỏi?”

Một hình thức luyện tập giúp chúng ta học hỏi từ những kinh nghiệm đã được nhà giải phẫu thần kinh Mike Ebersold mô tả trong chương 2, là suy ngẫm. Một số người có thói quen suy nghĩ nhiều hơn những người khác, do đó Doug Larsen đã mở rộng nghiên cứu sang cách bạn có thể xây dựng những suy nghĩ của mình như một phần thiết yếu của quá trình rèn luyện, giúp sinh viên thực hiện quá trình suy nghĩ như một thói quen. Ông đang tiến hành một thí nghiệm, trong đó ông yêu cầu các sinh viên soạn những bản tóm tắt hằng ngày và hằng tuần về những gì họ đã làm, làm như thế nào và cả những gì họ có thể làm khác đi để cải thiện kết quả lần sau. Ông phát hiện ra rằng, có khả năng những suy nghĩ thường nhật của họ, giống như một hình thức luyện tập hồi tưởng một cách ngắt quãng, có vai trò quan trọng trong thực tiễn ứng dụng các phương pháp chữa trị không kém gì các hình thức kiểm tra và thi cử trong việc trau dồi năng lực của các sinh viên trong trường y.

Vậy còn các bài giảng trên lớp, hay các khóa đào tạo tại chức điển hình được rút ngắn lại trong vài ngày thì sao? Theo tính toán của Larsen, các thực tập sinh tại trường của ông dành 10% thời gian tại các hội thảo để lắng nghe các bài giảng. Đó có thể là một bài thuyết trình về các căn bệnh chuyển hóa, về các căn bệnh truyền nhiễm khác nhau hay về các loại thuốc. Diễn giả dùng máy chiếu và bắt đầu đi từ đầu đến cuối bài giảng. Thường thì các bác sĩ sẽ được phục vụ bữa trưa.

“Cân nhắc đến lượng kiến thức có thể bị quên lãng, tôi thấy chán nản vì chúng ta đã phung phí quá nhiều tài nguyên vào một hoạt động, mà theo các nghiên cứu về quá trình học tập thì cái cách nó đang được thực hiện bị đánh giá là thiếu hiệu quả. Các sinh viên y khoa và bác sĩ nội trú tham dự các hội thảo này mà không hề xem lại tài liệu đã sử dụng thêm một lần nào nữa. Vấn đề ở đây không chỉ là xác suất xảy ra một tình huống ngẫu nhiên trong tương lai khi mà họ sẽ khám cho một bệnh nhân mắc chứng bệnh liên quan tới chủ đề của hội thảo đó. Mặt khác, họ không nghiên cứu tài liệu và tất nhiên họ cũng chẳng hề bị kiểm tra về các kiến thức được đề cập trong tài liệu đó, họ chỉ đơn thuần ngồi nghe rồi ra về.”

Larsen muốn chứng kiến ít nhất một hành động gì đó được thực hiện nhằm cản trở quá trình quên lãng: một bài kiểm tra cuối buổi thảo luận là bước mở đầu cho quá trình rèn luyện trí nhớ một cách ngắt quãng. “Thực hiện các bài kiểm tra như là một phần của sự tiến bộ và chương trình giảng dạy. Mỗi tuần bạn đều biết bạn sẽ nhận được qua email mười câu hỏi mà bạn cần giải đáp.”

Ông thắc mắc: “Chúng ta đang làm gì để cấu trúc những hệ thống giáo dục và đào tạo có thể ngăn chặn hay chí ít là can thiệp vào quá trình quên lãng vẫn đang xảy ra. Và làm thế nào để chắc chắn rằng mọi trường học trong hệ thống giáo dục đều ủng hộ và sử dụng chúng một cách thống nhất, điều mà chúng ta đang cố gắng đạt đến? Quan điểm hiện tại vẫn nghiêng về các chương trình đào tạo mà trong đó cácbác sĩ nội trú chỉ thuần túy học theo phương thức đọc chép: bạn phải có giáo trình, bạn phải có hội thảo và chấm hết. Họ tổ chức những buổi thảo luận lớn, họ điều động cả một đội ngũ giảng dạy thuyết trình tại đó. Và cuối cùng, thành quả thực sự mà chúng ta đạt được là vô cùng nhỏ bé.”

NHỮNG NGUYÊN TẮC NÀY CÓ THỂ ĐƯỢC ÁP DỤNG RỘNG RÃI

Những trận bóng tại các trường đại học có vẻ không phải là một nơi phù hợp để tìm kiếm một hình mẫu học tập, nhưng cuộc đối thoại của chúng tôi với huấn luyện viên Vince Dooley về chế độ luyện tập tại trường Đại học Gieorgia lại mang đến một tình huống thú vị.

Dooley là một nhân vật đầy quyền lực trong giới này. Trên vai trò huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá Bulldogs từ năm 1964 đến 1988, ông đã tích lũy được một bề dày thành tích đáng kinh ngạc với 201 trận thắng, chỉ có 77 trận thua và 10 trận hòa, sáu lần đoạt danh hiệu của liên đoàn thể thao và một lần đoạt cúp quốc gia. Ông tiếp tục làm việc như giám đốc Trung tâm Huấn luyện Vận động viên của trường đại học, nơi ông xây dựng một trong số những chương trình huấn luyện ấn tượng nhất cả nước.

Chúng tôi phỏng vấn huấn luyện viên Dooley về cách các cầu thủ cố gắng đạt tới trình độ thành thạo mọi kỹ thuật phức tạp của môn bóng đá. Ý tưởng của ông về huấn luyện và đào tạo xoay quanh một chu kỳ hằng tuần kéo dài từ trận đấu được tổ chức vào thứ Bảy này cho đến trận đấu diễn ra vào thứ Bảy kế tiếp. Có rất nhiều điều cần nắm vững trong khoảng thời gian tương đối ngắn này: nghiên cứu lối chơi của đối thủ qua các bài học trên lớp, thảo luận về các chiến lược tấn công và phòng thủ nhằm đánh bại họ, áp dụng kết quả của các buổi thảo luận vào quá trình luyện tập trên sân, phân tích các chiến lược biến chúng thành thao tác di chuyển của từng cá nhân và thử nghiệm, liên kết các đội hình thành một chỉnh thể thống nhất và tiếp tục lặp lại các bước di chuyển đó cho đến khi chúng trở nên thuần thục, nhuần nhuyễn.

Song song với tất cả quá trình đó, các cầu thủ phải luôn duy trì các kỹ năng cơ bản ở phong độ đỉnh cao: phong tỏa, cản phá, đón bóng, đưa bóng vào, di chuyển bóng. Dooley tin rằng, thứ nhất bạn phải duy trì luyện tập liên tục các kỹ thuật nền tảng, vĩnh viễn, để giữ chúng luôn sắc sảo, nếu không bạn sẽ kiệt sức; nhưng điều thứ hai bạn cần biến đổi quá trình tập luyện vì lặp lại quá nhiều sẽ khiến mọi thứ trở nên nhàm chán. Các huấn luyện viên của từng vị trí làm việc riêng với từng cầu thủ của họ về các kỹ năng cụ thể và sau đó là về cách họ chơi ở vị trí đó trong quá trình tập của cả đội.

Có điều gì khác? Ở đây họ đang tập luyện cho một trận đấu bóng. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi cầu thủ phải nắm vững chiến thuật thi đấu của mình. Họ có những trận đấu đặc biệt với sự triển khai của cả đội, điều làm nên thắng thua khác biệt trong trận đấu chính thức. Theo lời kể của Dooley, những trận đấu đặc biệt này đóng vai trò tương tự như hình mẫu của quá trình học tập bị gián đoạn: họ chỉ luyện tập vào các ngày thứ Năm, do đó luôn có một tuần nghỉ giữa các kỳ luyện tập, và các trận đấu thì diễn ra không theo trình tự cố định.

Với từng ấy điều được thực hiện, chẳng có gì ngạc nhiên khi bí quyết quan trọng làm nên thành công của đội bóng là một thời khóa biểu chi tiết hằng tuần và hằng tháng, trong đó có sự lồng ghép giữa các yếu tố cá nhân với sự tập luyện của cả đội. Mỗi ngày tập luyện bắt đầu bằng việc tập trung hoàn toàn vào các kỹ năng cơ bản của các cầu thủ ở từng vị trí. Tiếp đó, các cầu thủ tập theo từng nhóm nhỏ, tiến hành thao diễn lối chơi trong đó có sự kết hợp của vài vị trí. Các phần này dần được kết hợp và thực hành bởi cả đội. Họ cùng lúc làm chậm hoặc đẩy nhanh tốc độ trận đấu, rèn luyện cả về tư duy lẫn thể chất của cầu thủ. Trước giữa tuần, cả đội sẽ đấu những trận chính thức với phong độ cao nhất.

“Bạn đang nắm bắt nhanh và bạn phải phản ứng nhanh,” Dooley nói. “Nhưng khi gần tới trận đấu chính thức, bạn lại giảm tốc. Đây là lúc tiến hành một dạng diễn tập không có sự tiếp xúc thể chất. Về cơ bản mọi trận đấu đều bắt đầu theo cùng một cách, nhưng rồi đối phương sẽ tạo nên những thay đổi. Vì vậy bạn phải có khả năng thích ứng với những thay đổi đó. Bạn bắt đầu hành động và nói: ‘Nếu họ phản ứng như thế, thì đây là điều bạn sẽ làm.’ Bạn điều chỉnh để thích nghi. Nếu bạn thực hiện điều đó đủ nhiều trong những tình huống khác nhau, thì dù trên sân có xảy ra bất kỳ tình huống nào bạn đều có thể ứng phó tốt.”

Một cầu thủ làm chủ chiến thuật thi đấu của mình như thế nào? Anh ta trở về và hình dung lại các trận đấu trong đầu. Có thể anh ta sẽ xem xét chúng từ đầu đến cuối. Cường độ rèn luyện thể chất không thể quá căng thẳng, nếu không bạn sẽ kiệt sức, Dooley nói: “do vậy nếu như bạn phải tiến hành bước này hay chuyển hướng sang bước khác cho một trận đấu, bạn có thể diễn tập nó trong đầu, chỉ cần nghiêng người như thể bạn đang thực sự làm điều đó. Và rồi, nếu xảy ra điều gì đó cần điều chỉnh, bạn vẫn có thể thực hiện nó trong đầu. Bạn mô phỏng những điều có thể xảy ra bằng cách đọc chiến thuật, thao diễn trong đầu, có thể tiến hành một hai bước trong số đó. Bởi thế, hình thức diễn tập này được bổ sung vào quá trình đào tạo trong lớp học và trên sân cỏ.”

Họ tổ chức các cuộc họp cuối cùng giữa những tiền vệ vào sáng thứ Bảy, xem xét kế hoạch trận đấu và thử hình dung trong đầu diễn biến từ đầu đến cuối. Các huấn luyện viên có thể lên mọi phương án phản công họ muốn về một trận đấu có tính giả thuyết, nhưng khi tiến hành trận đấu, quyền định đoạt lại nằm trong tay các tiền vệ.

Huấn luyện viên Dooley sử dụng mọi phương pháp luyện tập để dẫn dắt đội bóng của mình: sự hồi tưởng, đa dạng hóa nội dung luyện tập, tư duy và phân tích kỹ lưỡng. Các tiền vệ dày dạn kinh nghiệm nghiên cứu trận đấu thứ Bảy – mường tượng ra diễn tiến từ đầu đến cuối trận đấu, các phản ứng, điều chỉnh – tương tự với cách những nhà phẫu thuật thần kinh có thâm niên diễn tập quy trình sẽ thực hiện trong phòng phẫu thuật.

Những điều cần ghi nhớ

Đây là một bản tóm tắt ngắn gọn về những gì chúng ta được biết về hình thức rèn luyện tập trung và những hình thức thay thế nó. Các nhà khoa học sẽ còn tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhằm làm giàu thêm hiểu biết của nhân loại về vấn đề này.

Chúng ta vẫn nuôi dưỡng niềm tin sâu sắc rằng bản thân sẽ học tốt hơn nếu chúng ta tập trung vào một vấn đề duy nhất và kiên nhẫn tập luyện. Không những thế niềm tin này còn liên tục được khẳng định nhờ những tiến bộ rõ rệt đến từ quá trình “luyện tập-luyện tập-luyện tập”. Nhưng các nhà khoa học gọi sự luyện tập được tăng cường trong giai đoạn tiếp nhận kỹ năng này bằng thuật ngữ “hiệu quả tức thời” và phân biệt nó với “hiệu quả của những hành vi đã trở thành thói quen cơ bản”. Những kỹ xảo đích thực làm nên sức mạnh của thói quen như cách quãng, lồng ghép và đa dạng hóa dẫn tới việc trì hoãn quá trình tiếp nhận một cách rõ ràng cũng như không thể mang đến sự tiến bộ trong quá trình luyện tập, điều giúp khuyến khích và trao cho chúng ta thêm sức mạnh để nỗ lực hơn nữa.

Nhồi nhét kiến thức, một hình thức tập luyện tập trung, được ví như hiện tượng ăn uống vô độ dẫn đến phải rửa ruột (binge-and-purge). Kiến thức được hấp thu cũng nhiều, nhưng phần lớn đều trôi tuột đi chỉ trong một thời gian ngắn. Những hành vi đơn giản kiểu này làm gián đoạn quá trình học tập và tập luyện theo từng đợt, tạo ra khoảng cách thời gian (quãng nghỉ) giữa các đợt đó giúp gia tăng tính hiệu quả của cả sự tiếp thu và ghi nhớ, quả thực đã làm nên sức mạnh có tính thói quen.

Bạn đang băn khoăn một quãng nghỉ kéo dài khoảng chừng bao lâu? Câu trả lời rất đơn giản: đủ để sự rèn luyện không trở thành sự lặp lại. Hoặc ít nhất là đủ thời gian cho một vài sự quên lãng chen vào. Một chút lãng quên giữa các giai đoạn có thể là một điều tích cực, nếu nó khiến bạn phải cố gắng hơn trong luyện tập, nhưng bạn sẽ không muốn quên nhiều đến mức phải nghiên cứu lại tài liệu mới khôi phục được kiến thức. Khoảng thời gian giữa các giai đoạn ôn luyện tạo điều kiện cho trí nhớ được củng cố. Dường như giấc ngủ đóng một vai trò to lớn trong việc củng cố trí nhớ, do vậy duy trì ít nhất một ngày nghỉ giữa các lần luyện tập sẽ có tác dụng rất tốt.

Vài dụng cụ đơn giản như một bộ thẻ học chữ số có thể cung cấp ví dụ về sự cách quãng đó. Giữa những lần lặp lại của một tấm thẻ riêng lẻ bất kỳ, bạn tiếp cận với nhiều tấm thẻ khác. Nhà khoa học Đức Sebastian Leitner đã phát triển một bộ các tấm thẻ của chính ông để phục vụ cho việc ôn luyện theo hình thức cách quãng. Hệ thống này còn được biết tới là chiếc hộp Leitner. Bạn hãy thử tưởng tượng nó giống như một loạt những chiếc hộp, mỗi chiếc bao gồm bốn tấm thẻ có ghi thông tin. Trong chiếc hộp đầu tiên là những tấm thẻ ghi kiến thức (như các bản nhạc không đánh số, các nước đi trong môn khúc côn cầu hay các từ vựng trong tiếng Tây Ban Nha). Các kiến thức này cần được ôn tập thường xuyên vì chúng thường khiến bạn nhầm lẫn. Hộp thứ hai chứa những tấm thẻ ghi những thông tin là sở trường của bạn và bạn ôn tập với chiếc hộp này ít hơn so với chiếc đầu tiên, có lẽ chỉ khoảng một nửa. Những tấm thẻ trong chiếc hộp thứ ba được ôn tập ít hơn so với những tấm thẻ trong hộp thứ hai, và cứ thế. Nếu bạn bỏ lỡ một câu hỏi, đọc nhầm bản nhạc, nhầm lẫn về cú đẩy bóng một chạm, bạn chuyển nó sang chiếc hộp mà bạn sẽ ôn tập thường xuyên hơn. Ý tưởng cơ bản này đơn giản chỉ là bạn càng nắm vững khái niệm thì bạn càng ít phải ôn tập , nhưng nếu như kiến thức đó quan trọng và cần ghi nhớ, nó sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn khỏi những chiếc hộp ôn tập của bạn.

Hãy cẩn thận với chiếc bẫy của sự quen thuộc: đó là khi bạn cảm thấy rằng mình đã nắm bắt được điều gì đó và không cần ôn tập nó nữa. Nếu bạn đi tắt, cảm giác quen thuộc này có thể sẽ khiến bạn thất bại trong một bài tự kiểm tra. Doug Larsen chia sẻ: “Bạn phải đủ cương quyết để nói: ’Được thôi, tôi sẽ tự ép mình cố gắng nhớ lại tất cả và nếu như tôi không thể làm thế thì tôi đã bỏ lỡ điều gì, và tại sao tôi lại có thể không biết điều đó?’ Ngược lại, nếu bạn có một bài thi hay bài kiểm tra bất chợt được giao bởi người hướng dẫn, thì có khả năng là bạn không thể gian lận hay tư duy theo lối tắt.”

Chín bài kiểm tra mà Andy Sobel thực hiện trong 26 buổi của toàn khóa học kinh tế chính trị của ông là một ví dụ đơn giản về phương pháp luyện tập ngắt quãng có tính gợi nhớ và phương pháp ôn tập lồng ghép, đan xen vì ông đã thực hiện lần lượt các bài kiểm tra gắn liền với các bài học ngay từ đầu học kỳ, điều này giúp cho sinh viên có thể khôi phục kiến thức qua mỗi câu hỏi trong các bài kiểm tra đó.

Lồng ghép hai hay nhiều đề tài trong khi ôn tập cũng là một hình thức thực hiện sự ngắt quãng. Thêm vào đó, sự lồng ghép cũng có thể giúp bạn phát triển khả năng phân biệt các loại vấn đề và lựa chọn công cụ thích hợp để giải quyết vấn đề từ bộ công cụ đã được phát triển.

Trong quá trình lồng ghép, bạn không chuyển từ một chương trình ôn tập về một đề tài đã hoàn thiện sang một chương trình khác. Bạn thực hiện bước chuyển trước khi mỗi chương trình này được hoàn tất. Một người bạn của chúng tôi mô tả kinh nghiệm của anh về điều này: “Tôi tham dự một lớp khúc côn cầu và chúng tôi học các kỹ năng trượt băng, xử lý bóng, liệng bóng. Rồi tôi nhận thấy mình chán nản vì chúng tôi chỉ học rất ít về trượt băng và khi mới chớm nghĩ tôi có thể trượt, chúng tôi chuyển sang cầm gậy đánh bóng. Và tôi về nhà trong chán nản, tự nhủ, ‘Tại sao gã này không để chúng ta tập từng kỹ năng đến khi thuần thục?’ Kỳ thực đó lại là một huấn luyện viên hiếm có, một người hiểu được rằng sẽ hiệu quả hơn khi phân bổ quá trình rèn luyện trên nhiều kỹ năng khác nhau chứ không phải mài giũa lần lượt từng kỹ năng một. Vận động viên nản chí vì quá trình học hỏi không diễn ra nhanh chóng. Nhưng đến tuần sau anh ta sẽ tiến bộ trên mọi phương diện, từ kỹ năng trượt, cầm gậy , v.v…hơn là nếu anh ta dành trọn mỗi lần luyện tập cho việc trau dồi một kỹ năng.

Tương tự như lồng ghép, luyện tập một cách đa dạng giúp người học thiết lập một sơ đồ bao quát phổ rộng, cải thiện khả năng đánh giá những tình huống đang biến đổi cũng như điều chỉnh phản ứng sao cho phù hợp. Có thể nói rằng, lồng ghép và đa dạng hóa giúp người học vượt khỏi phạm vi ghi nhớ thông thường và vươn tới những trình độ nhận thức, ứng dụng cao hơn, hình thành vốn hiểu biết sâu rộng và bền vững, điều xuất hiện dưới dạng sức mạnh có tính thói quen căn bản trong các kỹ năng vận động.

Hiện tượng vẫn được các nhà nghiên cứu gọi bằng cái tên “luyện tập theo khuôn mẫu” (“blocked practice” – luyện tập nhiều thao tác theo một trình tự cố định) này rất dễ bị nhầm lẫn với hình thức tập luyện một cách đa dạng. Nó cũng giống như những cái máy quay đĩa than lạc hậu chỉ có thể chơi những bản nhạc theo một thứ tự cố định. Trong mô hình rèn luyện theo khuôn mẫu, một mô hình phổ biến (nhưng không hạn chế) trong lĩnh vực thể thao, một vấn đề trọng tâm được lặp đi lặp lại. Khi cầu thủ di chuyển từ điểm này đến điểm tiếp theo, họ thực hiện các quy trình khác nhau ở mỗi điểm. Đó là cách đội Los Angeles Kings tập luyện cú đẩy bóng một chạm trước khi họ nhận thức được tính trầm trọng của vấn đề và bắt đầu thay đổi. Nó cũng giống như việc bạn luôn luyện dùng những tấm thẻ ghi nhớ theo cùng một thứ tự. Bạn phải xáo trộn các tấm thẻ. Nếu bạn cứ mãi rèn luyện cùng một kỹ năng theo cùng một cách, giống như tập xử lý bóng từ cùng một vị trí cố định trên sân băng hay sân cỏ, lặp đi lặp lại mãi một chuỗi các dạng toán, hay áp dụng một thứ tự không đổi trong mô hình mô phỏng bay, bạn sẽ tự khiến cho quá trình học hỏi của mình trở nên nhàm chán vì thiếu sự đa dạng.

Gián đoạn, đan xen và biến thiên là những đặc tính tự nhiên của quá trình chúng ta tồn tại. Mỗi lần ghé qua khám bệnh của bệnh nhân hay một trận đấu bóng đều là một bài kiểm tra và một bài tập trong quá trình rèn luyện có tính hồi tưởng. Mỗi một lần yêu cầu tài xế dừng xe trên đường giao thông, một việc rất đỗi thường lệ, lại là một bài sát hạch cho viên cảnh sát. Và bao nhiêu lần dừng xe là từng ấy tình huống khác nhau thêm vào trí nhớ (cả rõ ràng và tiềm ẩn) của viên cảnh sát. Và nếu cô đủ chú tâm, chúng sẽ giúp cô làm việc hiệu quả hơn trong tương lai. Có một thuật ngữ phổ biến là “học hỏi từ kinh nghiệm”. Và như thế thì một số người có vẻ như chẳng bao giờ học. Có lẽ một sự khác biệt tồn tại giữa những người “có vẻ như chẳng bao giờ học” đó và nhóm còn lại ở chỗ họ có trau dồi thói quen suy ngẫm hay không. Suy ngẫm là một dạng ôn tập có tính hồi tưởng (Điều gì đã xảy ra? Mình đã làm gì? Nó có tác động như thế nào?) và được củng cố bởi sự dụng công thay đổi (Mình sẽ làm gì khác đi trong lần tới?)

Như Doug Larsen đã nhắc nhở chúng ta, liên kết giữa các tế bào thần kinh trong não bộ có tính linh hoạt mềm dẻo. “Kỳ thực cách ta vận hành não bộ tựa hồ như đang tạo ra một thay đổi – thiết lập nhiều mạng lưới phức tạp hơn, rồi liên tục tái sử dụng chúng, điều đó sẽ khiến chúng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.