Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó

Chương 4. Đón nhận những thách thức



khi Mia Blundetto, một trung úy 23 tuổi trong lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, được điều động sang công tác hậu cần ở Okinawa, cô đã phải giải ngũ để tham gia trường không vận. Cô kể về hai năm sau đó: “Tôi ghét nhảy dù, ghét cảm giác nó mang lại bên trong lồng ngực. Không đời nào tôi lại muốn nhảy ra khỏi một chiếc máy bay. Khi còn là học sinh trung học, thậm chí tôi còn chưa từng thả mình trôi xuống một ống trượt nước. Nhưng tôi phải phụ trách cả một trung đội Thủy quân lục chiến, những người sẽ đeo dù, nhảy ra khỏi máy bay và thả hàng hóa. Đó là một trong những nhiệm vụ được săn đón nhất và cũng vô cùng khó khăn đối với một sĩ quan hậu cần. Bạn biết đấy, sĩ quan chỉ huy đã nói: ‘Cô sẽ chỉ huy một trung đội không vận. Nếu cô không muốn làm điều đó, tôi sẽ chuyển cô sang một vị trí khác và để người tiếp theo làm việc đó.’ Không đời nào tôi lại để một ai khác có vị trí trong mơ của tất cả mọi người. Bởi thế, tôi nhìn thẳng vào ông và tuyên bố: ‘Vâng, thưa ngài, tôi sẽ nhảy khỏi máy bay.’”

Mia với chiều cao 1m70 là một cô gái đầy tham vọng. Cha cô, Frank, một cựu binh thủy chiến, hào hứng nói trong niềm thán phục: “Con bé lên xà nhiều hơn mọi chàng trai trong lớp. Nó giữ kỷ lục nằm đẩy tạ của bang Maryland, đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng của Hiệp hội Thể thao Đại học Hoa Kỳ (NCCA) về môn đẩy tạ. Cứ âm thầm như thế, bạn chẳng bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra.” Khi chỉ còn chúng tôi với Mia, chúng tôi thắc mắc liệu Frank có nói quá lên không. Mia cười: “Ông ấy thích phóng đại mọi thứ.” Nhưng khi chúng tôi gặng hỏi, cô thừa nhận sự thật. Tính cho đến vài năm gần đây, phụ nữ gia nhập Thủy quân lục chiến được yêu cầu phải thực hiện các động tác cơ tay thay vì lên xà (khi thực hiện động tác này, cằm của bạn ở vị trí ngang với mặt thanh xà), nhưng quy định mới được thắt chặt hơn và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014 đặt ra mức tối thiểu là ba lần lên xà đối với ứng cử viên nữ, ngang với mức tối thiểu dành cho nam giới. Chỉ tiêu phấn đấu là tám lần lên xà cho nữ và 20 lần cho nam. Mia đã đạt mức 13 lần và đang kỳ vọng có thể đạt 20 lần. Là một sinh viên Học viện Naval, hai năm liền cô đều đủ tiêu chuẩn tham gia cuộc thi đẩy tạ dành cho công dân – ba séc cho mỗi môn nằm đẩy tạ, gánh tạ – và giữ kỷ lục trên toàn bang Maryland.

Điều đó cho chúng ta thấy cô mạnh mẽ như thế nào. Nỗi ác cảm với việc bị rơi xuống là một phản xạ tự vệ bản năng, nhưng quyết định nhận nhiệm vụ được phân công của cô là một điều hiển nhiên nằm trong tầm dự đoán, vì sự gan góc vốn đã làm nên danh tiếng của những người lính thủy chiến hay những anh hùng chiến tranh như Blundetto. Mia có một chị gái và hai em trai. Họ đều là những người lính thủy đánh bộ đang tại ngũ.

Hóa ra đã là lần thứ ba Mia quăng mình khỏi cửa nhảy dù của một chiếc máy bay vận chuyển quân dụng C130 ở độ cao 380m, cô đã rơi thẳng xuống ngay phía trên chiếc dù căng phồng của một người lính khác. Tuy nhiên chúng ta đã học được nhiều điều từ câu chuyện này và tiến bộ hơn.

Chúng tôi cảm thấy thích thú trước khóa học nhảy dù của Mia vì đó là một ví dụ tuyệt vời về hiện tượng một số khó khăn (sự cách quãng, đan xen, xáo trộn quá trình luyện tập và nhiều khó khăn khác) đòi hỏi chúng ta gia tăng nỗ lực và trì hoãn quá trình tiếp thu, nhưng những bất lợi đó lại được đền bù gấp nhiều lần bởi những thành quả giá trị hơn, chính xác hơn và lâu bền hơn thu được từ quá trình học hỏi. Những trở ngại trước mắt được bù đắp bởi sự cải thiện về quá trình học hỏi được gọi là những trở ngại đáng mong muốn, một thuật ngữ do các nhà tâm lý học Elizabeth và Robert Bjork đặt ra.

Trường đào tạo nhảy dù của quân đội tại Fort Benning, Gieorgia được lập nên để chắc chắn rằng bạn nắm vững và thực hiện quy trình nhảy dù một cách chính xác. Đó cũng là một hình mẫu của phương pháp học tập thông qua những trở ngại đáng mong muốn. Bạn không được phép mang sổ và ghi chú. Bạn chỉ lắng nghe, theo dõi, diễn tập và thực hành. Tại một trường đào tạo nhảy dù, việc kiểm tra sẽ trở thành công cụ giảng dạy chủ đạo và các bài sát hạch là cần thiết. Và, như mọi thứ liên quan đến quân đội, trường dạy nhảy dù tuân theo một nghi thức ngặt nghèo. Bạn phải thực hiện chính xác mọi thứ nếu không muốn về nhà.

Tiếp đất sau một cú nhảy dù hay PLF (parachute landing fall), theo cách gọi được áp dụng trong quân đội, là một kỹ thuật về chạm đất và lăn tròn để khiến cho lực va chạm được phân bố đều lên nửa trước bàn chân, mặt bắp chân, đùi, hông và lưng. Bạn có thể thực hiện cú tiếp đất dọc theo chiều dài cơ thể theo sáu hướng, tùy theo các điều kiện hiện tại như hướng dạt, địa hình, gió và khả năng bạn có bị nghiêng ngả hay chao đảo khi chạm đất hay không. Trong lần đầu tiên học kỹ năng thiết yếu này của môn nhảy dù, bạn đứng trong một hào đất trải sỏi, tại đây kỹ thuật PLF sẽ được giảng giải và thuyết minh. Sau đó bạn tập thử: bạn tiếp đất dọc theo những mặt khác nhau của cơ thể, bạn được sửa chữa qua thông tin phản hồi và bạn tập lại thêm lần nữa.

Cả tuần kế tiếp trôi qua, vẫn chưa phát sinh chướng ngại gì. Bạn đứng trên một cái bục cao 0,6m so với mặt đất. Khi có hiệu lệnh “sẵn sàng”, bạn dồn trọng tâm vào nửa trước của bàn chân, khép chân và hai đầu gối vào nhau, cánh tay hướng lên trời. Khi có hiệu lệnh “Tiếp đất”, bạn nhảy khỏi bục và thực hiện cú tiếp đất PLF.

Bài sát hạch trở nên khó khăn hơn. Bạn đu dây ở độ cao 3,65m so với mặt đất, nắm chặt một thanh chữ T trên đầu và trượt xuống một điểm phía trên mặt đất, tại đó, theo hiệu lệnh, bạn mở dù và thực hiện cú tiếp đất PLF. Bạn tập rơi sang trái, sang phải, đằng trước, đằng sau và đảo lộn trật tự đó.

Thử thách tiếp tục gia tăng. Bạn trèo lên một cái bục cũng cách mặt đất 3,65m, tại đó bạn thực hành thắt đai an toàn, từng cặp giúp nhau kiểm tra thiết bị và bắt đầu nhảy qua một mô hình cửa nhảy dù trên máy bay. Đai an toàn này cũng có ván đứng như đai thật gắn với vòm dù, được móc vào một đường dây cáp trên không nhưng nó đủ dài để có thể cong khi bạn bị treo trên không trung. Và khi bạn nhảy, kết quả của trạng thái rơi tự do khiến bạn bị một cú giật xuống tức thời, sau đó khi bạn di chuyển dọc theo dây cáp và làm quen với những chuyển động của một cú nhảy thực sự bạn sẽ bị đu đưa theo chiều ngang vì bị treo lơ lửng. Nhưng cuối cùng, chính người hướng dẫn, chứ không phải bạn, là người mở dù và thả bạn khi còn cách mặt đất 0,6m hoặc 0,9m. Và giờ đây bạn thực hiện cú tiếp đất một cách ngẫu nhiên, từ mọi hướng, đúng như điều sẽ xảy ra trong thực tế.

Tiếp đó, bạn leo lên một tháp cao khoảng hơn 10m để thực hành tất cả các bước trong một cú nhảy và quỹ đạo của một cú nhảy tập thể khỏi máy bay, trải nghiệm cảm giác rơi xuống từ một độ cao, biết cách xử lý trong tình huống thiết bị trục trặc, học cách nhảy trong lúc đang mang theo một lô thiết bị chiến đấu nặng nề.

Xuyên suốt quá trình thuyết minh và mô phỏng, ở các cấp độ với mức thử thách tăng dần đòi hỏi bạn phải thành thạo mọi mức để tiến bộ từ cấp độ này sang cấp độ khác, bạn học cách lên máy bay như một thành viên phi hành đoàn và tham gia vào chuỗi mệnh lệnh của trung đội 30 người đang vào vị trí sẵn sàng cho một cú nhảy tập thể vào khu vực rơi. Làm thế nào để thoát ra khỏi cửa nhảy dù một cách chuẩn xác; làm thế nào để đếm một nghìn, hai nghìn, ba nghìn, bốn nghìn và cảm nhận dù của mình bật ra, hay giật dây kéo dù phụ như thế nào nếu như bạn phải đếm đến sáu nghìn; làm thế nào để xử lý dây treo bị rối, hạn chế va chạm, làm chủ sức gió, tìm ra dây điều khiển từ một mớ dây lộn xộn; làm thế nào để khỏi bị mất dưỡng khí vì những người đồng hành; những tình huống bất ngờ khi hạ cánh trên cây, mặt nước, hay đường dây điện; cách nhảy dù vào ban ngày hay ban đêm, trong các kiểu gió và thời tiết khác nhau.

Những kiến thức và kỹ năng bắt buộc đối với quá trình luyện tập bị cách quãng, đan xen đều rất nhiều; cả vì lý do mặc định, khi bạn đợi tới lượt tại mỗi giai đoạn như trong khu vực diễn tập, trước mô hình cửa máy bay, trên bục nhảy và trong kết cấu đai an toàn; lẫn vì sự cần thiết trải nghiệm tất cả các kỹ năng cần được nắm vững và kết hợp các yếu tố khác nhau. Cuối cùng, nếu bạn duy trì tập luyện được đến tuần thứ ba mà chưa bị kiệt sức, thực hiện năm lần thoát ra từ một chiếc máy bay vận chuyển quân dụng, bạn sẽ có một cú nhảy đích thực. Sau khi hoàn thành thắng lợi khóa học và thực hiện thành công năm cú nhảy, bạn được trao phù hiệu Jump Wings và Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo không vận.

Trong cú nhảy thứ ba của mình, Mia là người đầu tiên đứng trước cửa nhảy dù với 14 người khác xếp hàng sau lưng. Tại cánh cửa đối diện là một người lính, cũng với một hàng 14 người khác phía sau. “Vậy người đầu tiên làm gì? Trong trường hợp giống như của tôi, bạn chuyền dây định tuyến của mình cho sĩ quan không vận và đèn tín hiệu lóe lên, có thể là đỏ hoặc xanh, bạn nhận được một cảnh báo trong vòng một phút, cảnh báo thứ hai diễn ra trong 30 giây kế tiếp. Tôi đứng trước cửa trong vài phút, quang cảnh tuyệt đẹp. Đó có thể là một trong số những gì đẹp nhất tôi từng thấy nhưng tôi đang khiếp hãi. Không có gì cản đường tôi, không có gì tôi phải nghĩ đến ngoại trừ việc chờ đợi. Tôi đang đợi hiệu lệnh ‘Đi!’ Người lính ở cánh cửa kia đã nhảy, rồi sau đó đến tôi, và tôi đếm một nghìn, hai nghìn – và bất thình lình, khi đến bốn nghìn, một chiếc dù màu xanh quấn lấy tôi. Tôi nghĩ đó không thể nào là dù của tôi! Tôi đã cảm thấy dù mình mở, tôi đã cảm thấy nó kéo tôi lên. Tôi nhận ra rằng tôi đang ở phía trên người lính nhảy dù đầu tiên, vì thế tôi tìm cách xoay xở bơi ra khỏi chiếc dù đó và hướng ra xa khỏi anh ta.”

Những người nhảy dù đã được bố trí xen kẽ nhau, nhưng trong bốn giây hỗn loạn cho đến tận lúc dù của bạn mở, bạn không nhận thức và cũng chẳng kiểm soát được khoảng cách giữa bạn với những người nhảy khác. Mia đã trải qua khóa đào tạo nên tai nạn này không để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó đã nói lên điều gì đó. Mia đã hoảng sợ ư? Không hề. Cô còn nói cô đã sẵn sàng để đối phó và sự tự tin mang lại cho cô sự bình tĩnh để “xoay xở bơi ra”.

Nếu đó không phải là sự tự tin về vốn hiểu biết của mình thì đó cũng là một minh chứng về sự thành thạo. Trải nghiệm không chỉ là một chiến lược học hỏi hữu hiệu mà trên thực tế còn là một phép thử đầy tiềm năng về mức độ chính xác trong khả năng thẩm định của chính bạn về việc bạn biết gì về cách thức thực hiện một quy trình. Khi sự tự tin được nuôi dưỡng bởi quá trình thực hành lặp đi lặp lại, được chứng minh thông qua sự kiểm nghiệm bằng cách mô phỏng các điều kiện như trong thực tế, bạn có thể dựa vào nó. Có thể việc đối mặt với cánh cửa nhảy dù luôn làm sống dậy trong Mia cảm giác kinh hoàng, nhưng khoảnh khắc cô thoát khỏi nó, mọi sự sợ hãi đều tan biến, cô cho biết.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SỰ HIỂU BIẾT

Để giúp bạn hiểu những khó khăn có thể trở nên đáng mong đợi đến thế nào, chúng tôi sẽ mô tả vắn tắt quá trình hình thành sự học hỏi.

Sự mã hóa

Hãy tưởng tượng bạn là Mia, bạn đang đứng trong một hào đất trải sỏi và theo dõi người hướng dẫn giải thích cũng như mô tả cú tiếp đất sau khi nhảy dù. Não bộ biến những nhận thức của bạn thành các thay đổi hóa học và điện học. Các thay đổi này hình thành nên mô tả trong tư duy của bạn về những mô hình bạn vừa quan sát. Quá trình chuyển đổi từ nhận thức giác quan thành mô tả có ý nghĩa trong não bộ vẫn chưa được tìm hiểu ngọn ngành. Chúng ta gọi quá trình này là sự mã hóa và đặt tên cho những hình ảnh mô tả mới hình thành trong đầu đó là những dấu hiệu của trí nhớ. Thử nghĩ đến những ghi chú được chép lại hay tóm tắt tạm trên một mảnh giấy, đó là những ký ức ngắn hạn của chúng ta.

Phần lớn những gì chúng ta làm để duy trì cuộc sống ngày qua ngày của mình được chỉ đạo bởi những ý tưởng có tính tạm thời. Chúng làm xáo trộn trí nhớ ngắn hạn của bản thân nhưng may mắn thay, chúng cũng nhanh chóng trôi vào quên lãng. Những kinh nghiệm và hiểu biết chúng ta muốn tích cóp cho tương lai lâu dài phải được gia cố đủ mạnh và bền – như trong trường hợp của Mia là những động tác đặc biệt có thể giúp cô tiếp đất mà không bị vỡ mắt cá hay tệ hơn thế.

Sự củng cố

Quá trình bộ não đẩy mạnh việc mô phỏng và tái tạo lại những kiến thức chúng ta muốn lưu giữ được gọi là sự củng cố. Kiến thức mới không ổn định: ý nghĩa của nó chưa được hình thành đầy đủ, do đó mà dễ dàng bị thay thế. Trong quá trình củng cố kiến thức, bộ não tái tổ chức và khiến các dấu hiệu gợi nhớ lại ký ức trở nên ổn định. Điều này có thể kéo dài vài giờ hoặc lâu hơn, đòi hỏi kiến thức mới được xử lý một cách chuyên sâu. Các nhà khoa học tin rằng trong quá trình xử lý này, bộ não “tua lại” hay “diễn lại” khái niệm, tạo lập ý nghĩa cho nó, hoàn tất những điểm còn thiếu sót và thiết lập mối liên hệ giữa nó với những kinh nghiệm trong quá khứ cũng như với những khái niệm khác vừa được lưu giữ trong trí nhớ dài hạn. Kiến thức có sẵn là điều kiện tiên quyết để ta có thể cắt nghĩa kiến thức mới, còn thiết lập mối liên hệ giữa hai loại kiến thức này là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình củng cố. Mia sở hữu những kỹ năng thể thao đáng nể, sự tự ý thức sâu sắc về cơ thể mình và đã từng có nhiều trải nghiệm. Những thế mạnh đó có mối liên hệ chặt chẽ với những yếu tố sẽ làm nên một cú tiếp đất PLF thành công. Như chúng ta đã biết, giấc ngủ có thể hỗ trợ việc củng cố trí nhớ, song trong mọi trường hợp, sự củng cố và sự chuyển tiếp kiến thức sang khu vực lưu giữ dài hạn của trí nhớ cần diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Ta có thể tìm thấy sự tương đồng giữa quá trình củng cố kiến thức mới của não bộ với trải nghiệm về việc viết một bài luận. Bản phác thảo đầu tiên lan man và thiếu chính xác. Bạn khám phá ra điều bạn muốn bày tỏ trong nỗ lực viết nó thành lời. Sau vài lần chỉnh sửa, bạn đã khiến bài luận trở nên sâu sắc và cắt bỏ những ý tưởng thừa thãi. Bạn dẹp bài luận sang một bên và để mặc nó tự khuấy đảo ngấm ngầm bên trong bạn. Khi quay trở lại với nó một hai ngày sau đó, điều bạn muốn nói đã hiện lên rõ ràng hơn trong trí óc. Có lẽ giờ đây bạn mới nhận thức được ba điểm chính bạn đang nêu ra. Bạn liên hệ chúng với những ví dụ và thông tin phụ trợ vốn đã quen thuộc với các độc giả của bạn. Bạn sắp xếp và tập hợp lại các yếu tố trong lập luận của mình để khiến nó trở nên hiệu quả và tinh tế hơn.

Tương tự, quá trình học hỏi một kiến thức mới thường bắt đầu trong cảm giác lộn xộn và khó khăn; những khía cạnh quan trọng nhất luôn khó nhận thấy. Sự củng cố giúp ta tổ chức và đẩy mạnh quá trình tiếp thu. Và đáng chú ý hơn nữa là sự hồi tưởng sau một khoảng thời gian nhất định cũng có tác dụng tương tự vì hành vi khôi phục lại kiến thức từ khu vực lưu giữ dài hạn có thể cùng lúc làm rõ thêm những dấu hiệu gợi nhớ về ký ức và khiến chúng trở nên linh hoạt, chẳng hạn như liên hệ chúng với những hiểu biết mới có. Quá trình này được biết đến như sự tái củng cố. Nhờ đó mà người học có thể điều chỉnh và thúc đẩy khả năng tiếp thu thông qua rèn luyện trí nhớ.

Giả dụ, trong ngày thứ hai tại trường đào tạo nhảy dù, bạn lúng túng khi phải thực hiện cú tiếp đất PLF, bạn chật vật để lấy lại sự bình tĩnh và nhớ lại những động tác chính xác – chân và đầu gối khép chặt vào nhau, đầu gối hơi cong, mắt nhìn thẳng – nhưng khi bạn rơi xuống, theo phản xạ bạn vung hai tay ra, quên mất rằng bạn phải co khuỷu tay vào sát cơ thể. Bạn có thể đã bị gẫy tay hay lệch vai nếu điều đó xảy ra trong một tình huống thực tế. Nỗ lực để tái tạo lại những gì bạn đã học vẫn còn rời rạc, nhưng khi bạn làm điều đó, những thao tác thiết yếu trong quy trình trở nên rõ ràng hơn và được tăng cường thêm thành những ký ức lâu bền hơn. Nếu bạn luyện tập một kỹ năng liên tục với tần suất lặp đi lặp lại theo kiểu tập trung dồn dập, bất kể đó là một cú tiếp đất PLF hay cách chia động từ trong một môn ngoại ngữ, bạn đang phụ thuộc vào trí nhớ tức thời, và hầu như không động não. Bạn gặt hái những tiến bộ đáng phấn khởi tương đối nhanh, nhưng bạn chẳng làm được gì nhiều trong việc củng cố những hình dung cơ bản về các kỹ năng này. Thành quả bạn đang có lúc này không phải là dấu hiệu của quá trình học hỏi. Mặt khác, khi bạn để trí nhớ nghỉ ngơi một chút, chẳng hạn bằng cách tạo sự gián đoạn và đan xen trong lúc luyện tập, sự khôi phục lại sẽ khó khăn hơn, quá trình thực hiện sẽ kém hiệu quả hơn và bạn thấy chán nản, song sự tiếp thu của bạn sẽ sâu sắc hơn và bạn sẽ dễ dàng nhớ lại kiến thức đó hơn trong tương lai.

Sự hồi tưởng

Tiếp thu, ghi nhớ và lãng quên song hành với nhau theo những cách thức thú vị. Bạn bắt buộc phải thực hiện hai điều để học tốt hơn và nhớ lâu hơn. Thứ nhất, khi chúng ta mã hóa lại và củng cố kiến thức mới từ dạng ký ức tạm thời sang ký ức bền vững, chúng ta phải gắn chặt nó vào vùng ký ức bền vững một cách an toàn. Thứ hai, ta phải liên kết kiến thức đó với một chuỗi đa dạng các manh mối. Sau này những manh mối đó sẽ khiến chúng ta nhớ lại kiến thức tốt hơn. Tạo lập những manh mối hiệu quả hỗ trợ sự hồi tưởng là một khía cạnh của sự tiếp thu thường bị bỏ qua. Mục tiêu ở đây không chỉ là ghi nhớ kiến thức, mà có khả năng nhớ lại kiến thức khi cần đến cũng rất quan trọng.

Lý do chúng ta không nhớ làm cách nào để tạo những nút buộc ngay cả khi đã được hướng dẫn là vì chúng ta không thực hành và áp dụng những gì chúng ta đã học. Chẳng hạn một ngày nọ bạn đang ở trong công viên thành phố và bắt gặp một hướng đạo sinh đang dạy cách tạo những nút buộc. Một cách ngẫu hứng, bạn tham gia vào bài học đó trong một giờ. Anh ta mô tả khoảng tám hay mười mẫu nút buộc, giải thích ứng dụng của từng mẫu, yêu cầu bạn tập thắt chúng và tặng bạn một đoạn dây nhỏ đi kèm một tờ thông tin tham khảo. Bạn về nhà và quyết tâm học cách thắt những nút buộc này, nhưng bạn chẳng có thời gian luyện tập chúng vì quá bận rộn. Chúng sẽ nhanh chóng bị bỏ quên và câu chuyện có thể kết thúc ở đó mà bạn chẳng học được gì. Nhưng rồi vào mùa xuân sau đó, bạn mua một chiếc thuyền câu cá nhỏ, và bạn thực sự muốn buộc mỏ neo vào dây. Với sợi dây trong tay và một chút bối rối, bạn nhớ lại bài học trong đó có cách buộc một cái móc vào đầu một sợi dây. Giờ bạn đang thực hành sự hồi tưởng. Bạn tìm mảnh giấy ghi thông tin tham khảo và học lại cách buộc dây. Bạn đặt một cái móc nhỏ vào sợi dây, cầm lấy đầu dây ngắn hơn rồi kéo nó qua, âm thầm nhẩm lại câu châm ngôn giúp ghi nhớ đã được dạy: con thỏ chui lên khỏi hang, chạy quanh cái cây, rồi lại chui xuống. Lại thêm một sự hồi tưởng. Một chút chỉnh trang, và bạn đã có cái nút, một kiệt tác của các hướng đạo sinh mà bạn luôn thích thú được học. Sau đó, bạn lấy một đoạn dây cạnh chiếc ghế bạn đang ngồi xem tivi và tập buộc trong lúc chương trình quảng cáo đang chạy. Bạn đang thực hành phương thức luyện tập bị cách quãng. Trong những tuần tiếp theo bạn ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu việc vặt trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có một đoạn dây thừng với cái móc buộc ở một đầu. Nhiều lần luyện tập bị cách quãng hơn nữa. Trước tháng Tám, bạn đã khám phá ra mọi ứng dụng và mục đích có thể có trong cuộc sống cho một cái nút buộc dây thừng.

Kiến thức, kỹ năng, những kinh nghiệm sống động và ý nghĩa, cũng như mọi thứ được luyện tập định kỳ sẽ tồn tại với chúng ta. Nếu biết mình sẽ sớm phải nhảy ra khỏi một chiếc máy bay vận chuyển quân dụng, bạn sẽ chăm chú lắng nghe những gì họ đang nói với bạn về thời điểm và cách thức kéo dây dù dự phòng, hay về rủi ro có thể xảy ra ở độ cao 366m cũng như làm thế nào để “tìm cách bơi ra khỏi đó”. Trong lúc bạn nằm trên giường, quá mệt để có thể ngủ và đang ước gì ngày tiếp theo đã qua với một cú nhảy hoàn hảo, bạn diễn tập lại cú nhảy trong đầu. Đó là một dạng ôn tập cách quãng và nó cũng hữu ích cho bạn.

MỞ RỘNG PHẠM VI HỌC HỎI: CẬP NHẬT NHỮNG GỢI Ý CHO QUÁ TRÌNH HỒI TƯỞNG

Không có giới hạn thực sự nào cho lượng kiến thức bạn có thể ghi nhớ miễn là bạn liên hệ nó với những gì bạn đã học được. Trên thực tế, những hiểu biết mới dựa trên cơ sở những hiểu biết trước đó, vì thế chúng ta tạo lập được càng nhiều mối tương quan thì chúng ta càng càng gặt hái được nhiều thành quả từ quá trình học hỏi sâu hơn. Tuy nhiên, khả năng hồi tưởng của chúng ta lại có hạn. Hầu hết những tri thức chúng ta đã học được không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, sự hạn chế trong khả năng hồi tưởng lại hữu ích với chúng ta: nếu mọi ký ức đều dễ dàng tiếp cận, chắc hẳn bạn phải mất một thời gian chật vật sàng lọc một khối lượng kiến thức khổng lồ mới có thể tìm thấy điều bạn cần ngay trong lúc này: mình để mũ ở đâu, làm thế nào để đồng bộ hóa các thiết bị điện tử, công thức của một ly Brandy Manhattan hoàn hảo là gì?

Kiến thức sẽ bền vững hơn nếu nó được gia cố chặt chẽ, nghĩa là bạn đã nhận thức thấu đáo và vững vàng một khái niệm, nó có tầm quan trọng thực tiễn hay ý nghĩa tình cảm đặc biệt trong đời bạn, và nó liên kết với những ký ức khác của bạn. Bạn có thể nhớ lại kiến thức từ kho lưu trữ trong đầu dễ dàng đến mức nào tùy thuộc vào ngữ cảnh, mục đích, cũng như số lượng và mức độ sống động của các gợi ý mà bạn đã liên hệ với kiến thức, các gợi ý mà bạn có thể viện tới khi cần nhớ lại kiến thức.

Sau đây là một nội dung tương đối hóc búa. Trong suốt cuộc đời mình, bạn luôn có những ký ức cũ hơn và chúng trở nên cạnh tranh hay mâu thuẫn với các tri thức mới. Do vậy, thông thường bạn cần quên đi những manh mối liên kết với những ký ức đó để nhường chỗ cho những manh mối mới và liên kết chúng với những kiến thức mới. Để học tiếng Ý ở độ tuổi trung niên, bạn có thể phải quên đi vốn tiếng Pháp từ hồi trung học, vì mỗi lần bạn nghĩ “to be” (thì, là, bị, được) và hy vọng từ tương đương trong tiếng Ý “essere” sẽ nảy ra trong óc bạn, nhưng từ tiếng Pháp “etre” vẫn xuất hiện mặc cho bạn chú ý tập trung ra sao. Khi thăm thú nước Anh, bạn phải kiềm chế gợi ý đi về phía phải đường để có thể thiết lập lời mách bảo tin cậy giữ bạn đi ở bên trái đường. Những tri thức được gia cố chắc chắn, như kỹ năng giao tiếp tiếng Pháp thuần thục hay kinh nghiệm nhiều năm lái xe bên phải đường, rất dễ quay trở lại sau một quãng thời gian không sử dụng hay bị gián đoạn bởi sự cạnh tranh của các manh mối dẫn đến những ký ức khác. Không phải kiến thức mà chính những manh mối cho phép bạn tìm kiếm và nhớ lại kiến thức đó mới là thứ bị lãng quên. Những manh mối phục vụ hiểu biết mới, như lái xe phía trái đường, thay thế những manh mối liên quan đến hiểu biết cũ, lái xe về bên phải (nếu như bạn may mắn làm được điều đó).

Có một nghịch lý về sự lãng quên. Đó là đôi khi ta phải quên đi kiến thức cũ để lĩnh hội tri thức mới. Khi bạn chuyển từ một chiếc máy vi tính cá nhân sang một chiếc máy tính xách tay Mac, hay từ hệ điều hành Windows sang một hệ điều hành khác, bạn phải quên đi một khối lượng kiến thức khổng lồ để có thể nắm bắt cấu trúc của hệ thống mới và trở nên thông thạo trong việc thao tác nó đến nỗi bạn có thể tập trung vào công việc đang làm mà không cần chú tâm tới vấn đề máy móc kỹ thuật. Một ví dụ khác được lấy từ khóa đào tạo nhảy dù: sau khi giải ngũ, nhiều lính nhảy dù trong quân đội chuyển sang công tác ở đơn vị lính cứu hỏa nhảy dù. Vị trí này đòi hỏi họ sử dụng nhiều loại máy bay, thiết bị và quy trình thao tác nhảy dù khác nhau. Quá trình được huấn luyện tại trường đào tạo nhảy dù của quân đội lại trở thành một bất lợi điển hình đối với việc thực hành nhảy dù để chữa cháy. Bởi vì bạn phải quên đi một chuỗi các quy trình mà bạn đã từng thực hiện nhiều đến mức thành phản xạ và thay thế nó bằng một chuỗi quy trình khác. Ngay cả trong những trường hợp cả hai hệ kiến thức này có vẻ như tương tự nhau – chỉ là nhảy khỏi một chiếc máy bay với một chiếc dù trên lưng – bạn vẫn phải quên đi những manh mối liên quan đến hệ kiến thức phức tạp đã có nếu bạn muốn làm chủ một hệ kiến thức mới.

Chúng ta có thể nhận thấy những minh họa về quá trình chỉ định lại những manh mối mới của ký ức từ trong chính cuộc sống của mình, ngay từ trong những điều đơn giản nhất. Khi anh bạn Jack của chúng tôi lần đầu gặp Joan, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn gọi họ là cặp đôi “Jack và Jill,” vì gợi ý “Jack và” gợi lên bởi một câu hát ru xưa cũ đã ăn sâu trong trí nhớ chúng tôi. Đến khi chúng tôi có thể gọi “Jack và Joan” thì lạy Chúa, Joan đã rời bỏ anh ấy và anh ấy đang qua lại với Jenny. Thật não lòng! Phân nửa số lần định nói “Jack và Jenny”, thì chúng tôi lại nói “Jack và Joan”. Nó sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu nếu Jack hẹn hò với Katie, để âm K trong tên anh ấy kết nối với âm K bắt đầu tên cô ấy, nhưng làm gì có may mắn như thế. Phép lặp âm đầu có thể là một gợi ý hữu ích, nhưng cũng có thể mang đến một nhầm lẫn tai hại. Trong toàn bộ tình cảnh khốn đốn này, bạn không hề quên Jill, Joan hay Jenny, nhưng bạn phải “tái thiết lập mục đích” cho những manh mối của mình để có thể theo kịp sự thay đổi trong vở kịch cuộc đời của Jack.

Có một điều quan trọng là khi bạn học thứ gì mới, bạn không rũ bỏ hoàn toàn khỏi trí nhớ dài hạn những gì bạn đã học được một cách chắc chắn trong cuộc đời mình; thay vào đó, bằng cách từ chối sử dụng những manh mối cũ, bạn quên kiến thức cũ đi, nghĩa là bạn không thể hồi tưởng lại nó một cách dễ dàng nữa. Ví dụ, nếu bạn đã chuyển chỗ ở vài lần, có thể bạn sẽ không thể nhớ lại một địa chỉ cũ cách đây đã 20 năm. Nhưng nếu bạn được cho một vài đáp án để lựa chọn, bạn có thể đưa ra câu trả lời một cách dễ dàng, vì nó vẫn tồn tại, như nó đã từng tồn tại, ở một ngăn nào đó trong đầu bạn. Nếu bạn đã từng say mê sáng tác những câu chuyện về quá khứ của chính mình, mô tả những con người và phong cảnh của một thời xa cũ, có thể bạn đã trải qua cảm giác ngạc nhiên trước những ký ức liên tục ùa về, những điều từ lâu đã bị bỏ quên nay trở về sống động trong tâm trí. Ngữ cảnh có thể giải phóng cho ký ức, cũng giống như chiếc chìa đúng mới mở được ổ khóa cũ. Trong tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất (Remembrance of Things Past) của Marcel Proust, người kể chuyện đau đớn khi ông không thể nhớ lại những ngày niên thiếu sống cùng chú và dì của mình trong một ngôi làng ở nước Pháp, cho tới một ngày hương vị của chiếc bánh nhúng trong trà chanh đã mang ký ức đó trở lại, với tất cả những con người và sự kiện ông tưởng rằng đã mất hút vào dòng thời gian đằng đẵng. Hầu hết mọi người đều có những trải nghiệm như Proust khi một hình ảnh, âm thanh, hay mùi hương mang lại một ký ức đầy đủ, thậm chí là vài giai đoạn bạn đã không hề nghĩ tới trong nhiều năm.

DỄ HƠN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ TỐT HƠN

Các nhà tâm lý học đã khám phá ra một điều kỳ thú rằng, đối với việc củng cố khả năng tiếp thu, mức độ dễ dàng của quá trình hồi tưởng tỷ lệ nghịch với hiệu quả của quá trình này: một kiến thức hay kỹ năng càng dễ dàng lĩnh hội bao nhiêu thì lợi ích với trí nhớ bạn thu được nhờ luyện tập càng ít bấy nhiêu. Ngược lại, bạn đầu tư càng nhiều nỗ lực để khôi phục lại kiến thức hay kỹ năng thì việc luyện tập có tính gợi nhớ càng gia cố nó chắc chắn bấy nhiêu.

Cách đây không lâu đội bóng chày của trường Đại học Bách Khoa bang California ở Syan Luis Obispo đã tham gia vào một thí nghiệm thú vị để cải thiện kỹ năng đánh bóng của mình. Tất cả đều là những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm, thành thạo trong việc tạo ra những cú chạm bóng đầy uy lực, nhưng họ vẫn đồng ý thực hiện các bài tập thêm về đập bóng hai lần một tuần, tuân thủ hai chế độ luyện tập khác nhau, để xem dạng luyện tập nào cho kết quả tốt hơn.

Đánh bóng chày là một trong những kỹ năng khó nhất trong thể thao. Bóng chạm đĩa nhà trong khoảng thời gian chưa tới nửa giây. Ngay lập tức, cầu thủ đập bóng phải thực hiện một sự kết hợp phức tạp giữa các kỹ năng về giác quan, nhận thức và vận động: xác định lối ném, dự đoán hướng di chuyển của bóng, nhắm và căn giờ vung gậy sao cho cú đập tới trúng bóng. Chuỗi nhận thức và phản ứng này phải được tăng cường luyện tập đến mức có tính tự động, vì quả bóng sẽ nằm gọn trong găng của người bắt bóng từ lâu trước khi bạn kịp suy xét xem làm thế nào để đập bóng.

Một phần của đội bóng luyện tập theo phương pháp tiêu chuẩn. Họ tập đánh 45 quả, chia đều làm ba hiệp. Ở mỗi hiệp một lối ném được sử dụng 15 lần. Ví dụ, hiệp đầu là 15 cú ném nhanh, hiệp hai là 15 cú ném lượn vòng và hiệp ba là 15 cú ném lừa. Đó là một dạng ôn luyện tập trung. Với mỗi hiệp gồm 15 cú ném, vì cầu thủ đập bóng đã nhìn thấy lối ném đó nhiều lần hơn nên anh ta cũng giỏi hơn trong việc dự đoán hướng bóng, căn giờ vung gậy và đập bóng. Quá trình nắm bắt dường như khá dễ dàng.

Phần còn lại của đội được giao một chế độ luyện tập khó khăn hơn: ba lối ném được bố trí xen kẽ ngẫu nhiên trong 45 lần ném. Với mỗi cú ném, người đập bóng không có cơ sở để dự đoán trước lối ném nào sẽ được áp dụng. Sau 45 lần vung gậy, anh ta vẫn chật vật để tìm cách đập bóng chính xác. Những cầu thủ này dường như vẫn chưa phát triển đến trình độ thành thạo như các đồng đội. Sự đan xen và gián đoạn của những cú ném khác nhau làm cho quá trình nắm bắt trở nên khó khăn và chậm chạp hơn.

Các bài tập được tiếp tục tiến hành thêm trong sáu tuần tiếp theo với tần suất hai lần một tuần. Kết thúc giai đoạn huấn luyện, khi khả năng đánh bóng của các cầu thủ được đánh giá, hai nhóm đã gặt hái được những cải thiện rõ rệt nhờ các bài luyện tập thêm, nhưng không phải theo hướng họ đã dự đoán. Những cầu thủ luyện tập với các cú ném ngẫu nhiên giờ lại trình diễn tốt hơn một cách đáng kể so với những người chỉ luyện tập một lối ném lặp đi lặp lại. Nhưng kết quả này càng trở nên thú vị khi bạn biết rằng từ trước khi tham gia vào kỳ huấn luyện thêm các cầu thủ này đều là những tay đập bóng lão luyện. Nâng trình độ của họ lên một tầm cao hơn nữa là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chế độ luyện tập.

Lại một lần nữa chúng ta nhận ra hai bài học quen thuộc ở đây. Một là, những khó khăn – như cách quãng, đan xen và xáo trộn quá trình luyện tập – huy động nhiều nỗ lực hơn và rõ ràng đã trì hoãn những thành quả tưởng như kém hiệu quả hơn trong hiện tại nhưng lại được đền bù gấp nhiều lần bởi những thành quả của một sự tiếp thu mạnh mẽ hơn, chính xác hơn và lâu bền hơn trong tương lai. Hai là, những đánh giá của chúng ta về phương pháp học tập hiệu quả nhất thường thiếu chính xác và bị tô vẽ bởi những ảo tưởng về sự hiểu biết.

Khi các cầu thủ bóng chày của đội Cal Poly luyện đi luyện lại cú ném lượn vòng 15 lần, sẽ dễ dàng hơn cho họ khi ghi nhớ những nhận thức và phản ứng cần thiết cho mỗi lối ném: quả bóng xoay hay chuyển hướng thế nào, nó đổi hướng nhanh ra sao và nó sẽ quay vòng sau bao lâu. Hiệu quả trình diễn được cải thiện, nhưng sự dễ dàng ngày càng tăng của quá trình khôi phục lại các nhận thức và phản ứng gần như không mang lại hiệu quả bền vững gì cho sự tiếp thu. Đó là kiểu kỹ năng đập bóng vòng bạn sử dụng khi biết rằng một cú ném vòng cung sẽ được thực hiện; nó khác với kỹ năng đập bóng vòng khi bạn không hề biết nó sẽ xảy ra. Các cầu thủ bóng chày cần trau dồi loại kỹ năng thứ hai, nhưng họ thường luyện tập theo cách thứ nhất, một dạng ôn luyện tập trung chỉ mang lại sự cải thiện trong ngắn hạn. Các cầu thủ đập bóng của đội Cal Poly gặp nhiều trở ngại hơn trong việc khôi phục lại những kỹ năng cần thiết khi họ luyện tập với những cú ném ngẫu nhiên. Đối phó với khó khăn này khiến quá trình cải thiện diễn tiến chậm chạp nhưng chắc chắn hơn.

Nghịch lý này là vấn đề trọng tâm khi chúng ta nhận thức thế nào là những khó khăn đáng mong muốn trong quá trình học hỏi: bạn càng nỗ lực nhiều hơn để nhớ lại (hay kỳ thực là học lại) một kiến thức thì bạn càng tiếp thu nó tốt hơn. Nói một cách khác, bạn quên càng nhiều về một chủ đề thì quá trình tái tiếp thu kiến thức về chủ đề đó của bạn càng hiệu quả hơn.

SỰ NỖ LỰC GIÚP BẠN TÁI CỦNG CỐ TRÍ NHỚ NHƯ THẾ NÀO?

Sự khôi phục kiến thức một cách khó khăn, như những gì diễn ra trong quá trình luyện tập bị gián đoạn, đòi hỏi bạn phải “nạp lại” hay xây dựng lại những yếu tố định hình các kỹ năng hay kiến thức đó một lần nữa từ trong trí nhớ dài hạn chứ không phải là lặp lại chúng một cách vô thức qua các ký ức ngắn hạn. Trong quá trình hồi tưởng đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung này, kiến thức lại được nhào nặn thêm một lần nữa: những khía cạnh quan trọng nhất trở nên rõ ràng hơn và sự tái củng cố tiếp theo đó gia tăng ý nghĩa cho nó, nuôi dưỡng các mối tương quan với những kiến thức trước đó, hỗ trợ quá trình nhớ lại sau này bằng các manh mối và xu hướng hồi tưởng, làm suy yếu những xu hướng đi ngược lại với chúng. Sự luyện tập cách quãng cho phép một chút lãng quên chen vào giữa các giai đoạn luyện tập. Phương pháp này củng cố cả khả năng tiếp thu và các manh mối cũng như giúp bạn hồi tưởng lại kiến thức một cách dễ dàng mỗi khi cần đến. Nó cũng giống như trường hợp người ném bóng cố gắng khiến cho người đập bóng bất ngờ với một cú ném bóng vòng sau vài cú ném nhanh. Càng nhiều sự cố gắng được huy động để nhớ lại một ký ức hay thực hiện một kỹ năng, miễn là cố gắng đó hiệu quả, thì hành vi hồi tưởng hay thực hiện đó càng mang lại nhiều lợi ích cho quá trình học hỏi.

Hình thức rèn luyện tập trung mang lại cảm giác yên tâm như thể chúng ta đã làm chủ kiến thức. Bởi lẽ chúng ta đang móc nối thông tin từ những ký ức tức thời chứ không phải xây dựng lại hiểu biết từ trí nhớ dài hạn. Nhưng cũng giống như những gì đã xảy ra khi ta áp dụng việc đọc lại tài liệu như một chiến lược học tập, sự nhuần nhuyễn trôi chảy đạt được nhờ rèn luyện tập trung chỉ mang tính tạm thời và cảm giác làm chủ kiến thức chỉ là ảo tưởng. Chính quá trình bồi đắp lại tri thức đầy khó khăn mới làm nên sự củng cố và tri thức sâu sắc hơn.

Thiết lập những mô hình tư duy

Nhờ những nỗ lực luyện tập, một chuỗi ý tưởng phức hợp có quan hệ với nhau hay một hệ thống kỹ năng vận động được hợp nhất lại, hình thành nên một mô hình tư duy, quá trình này có phần tương đồng với một “ứng dụng của não bộ”. Khi học lái xe chúng ta phải thực hiện đồng thời một loạt các thao tác. Những thao tác này đòi hỏi chúng ta phát huy tối đa sự tập trung và khéo léo trong quá trình học. Nhưng theo thời gian, sự kết hợp của nhận thức và các kỹ năng vận động – chẳng hạn như các hiểu biết và thao tác cần có để đậu xe song song hay gạt cần số – trở nên thâm căn cố đế như một mô hình tư duy và những mô hình như thế này được liên kết với hành động lái xe. Các mô hình tư duy là những dạng kỹ năng có hiệu quả cao và được củng cố chắc chắn (kỹ năng nhận biết và xử lý một cú ném bóng vòng) hay những cấu trúc kiến thức (một chuỗi các nước cờ được ghi nhớ). Những kỹ năng hay cấu trúc tri thức này, cũng giống như thói quen, có thể được điều chỉnh để thích ứng và áp dụng trong những trường hợp khác nhau. Màn trình diễn chuyên nghiệp được bồi đắp từ hàng ngàn giờ luyện tập của bạn trong lĩnh vực chuyên môn, dưới những điều kiện khác nhau, qua đó bạn tích lũy được một kho tàng phong phú các mô hình tư duy. Điều này cho phép bạn nhận thức chuẩn xác một tình huống được đưa ra cũng như ngay lập tức lựa chọn và thực hiện phương án phản ứng chính xác.

Mở rộng phạm vi ứng dụng

Luyện tập thông qua hồi tưởng là phương thức luyện tập mà bạn thực hiện tại những thời điểm khác nhau, trong những tình huống khác nhau và có sự đan xen, lồng ghép của nhiều tài liệu học tập. Do đó, nó có lợi thế của sự kết nối giữa những liên tưởng mới với tài liệu. Quá trình này thiết lập nên các mạng lưới tri thức có mối liên hệ với nhau, những mạng lưới có tác dụng hỗ trợ và nâng cao trình độ trong lĩnh vực chuyên môn của bạn. Luyện tập khả năng ghi nhớ giúp bạn bổ sung thêm các dấu hiệu khơi gợi lại kiến thức cũng như tạo nền tảng cho bạn ứng dụng chúng linh hoạt hơn trong tương lai.

Thử hình dung về một vị bếp trưởng dày dạn kinh nghiệm với nguồn kiến thức đa dạng và phong phú về sự tác động qua lại của hương vị và cách bài trí món ăn; sự biến đổi hình thái của các nguyên liệu dưới tác dụng của nhiệt; những kết quả khác nhau thu được khi bạn sử dụng một cái xoong so với một cái chảo, hay dụng cụ nấu nướng bằng đồng so với bằng gang. Thử hình dung về một chuyên gia câu cá bằng ruồi; một người có thể cảm thấy sự xuất hiện của một con cá hồi và nhận định chính xác những con có khả năng là cá hồi; chọn loại mồi câu thích hợp trong các loại ruồi giả, nhộng hay bọ; xác định hướng gió, biết phải thả mồi thế nào và đến đâu để câu được cá hồi. Thử nghĩ về một cậu bé trên chiếc xe đạp trình diễn BMX, cậu có thể thực hiện những động tác bunny-hop (di chuyển đặc biệt nhanh như lướt trên mặt đất), động tác tail whip (xoay mình trên không) và những cú wall tap (trượt trên bề mặt dốc) trên những địa hình đường phố không hề quen thuộc. Sự lồng ghép và đa dạng hóa làm xáo trộn các tình huống luyện tập, tạo mối liên kết giữa các kỹ năng và kiến thức đã có với tri thức mới đang được tiếp thu. Điều đó khiến những mô hình tư duy của chúng ta trở nên linh hoạt hơn, cho phép chúng ta áp dụng hiểu biết của mình vào nhiều tình huống hơn.

Bồi đắp những hiểu biết về mặt nhận thức

Con người nắm bắt các khái niệm như thế nào? Chẳng hạn trong trường hợp tìm hiểu sự khác nhau giữa loài chó và mèo, ta tình cờ bắt gặp những ví dụ khác nhau như chó Chihuahua, mèo mướp, chó Great Dane, sư tử (trong sách tranh), mèo tam thể, chó sục Welsh. Sự tiếp xúc bị gián đoạn và đan xen là đặc tính của hầu hết những trải nghiệm thông thường của con người. Đó là một phương pháp học hiệu quả, vì dạng thức tiếp xúc này góp phần củng cố các kỹ năng phân loại – nhận biết các chi tiết đặc thù (một con rùa ngoi lên để thở nhưng một con cá thì không) – và các kỹ năng suy luận: phỏng đoán các quy luật chung (cá có thể thở dưới nước). Sự hồi tưởng lại quá trình nghiên cứu lồng ghép, đan xen giữa các loài chim trong một tình huống với các tác phẩm hội họa trong một tình huống khác giúp người học có thể phân biệt các loài chim hay các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ khác nhau. Đồng thời giúp họ có thể xác định những đặc điểm tương đồng cơ bản của các mẫu vật trong cùng một loài chim hay các tác phẩm của cùng một nghệ sĩ trong cùng một thời điểm. Khi chúng tôi hỏi những người học về phương pháp học tập họ yêu thích hay điều họ tin tưởng về vấn đề này, họ cho rằng kinh nghiệm trong việc tìm hiểu nhiều mẫu vật thuộc một loài chim trước khi nghiên cứu về một loài chim khác giúp quá trình học hỏi trở nên hiệu quả hơn. Nhưng phương pháp lồng ghép, một phương pháp khó khăn và dễ gây ra cảm giác nặng nề, bất tiện hơn, lại khiến kỹ năng phân biệt điểm khác nhau giữa các loại hình trở nên vượt trội, mà không hề gây trở ngại đến quá trình phát triển khả năng tiếp thu các đặc tính tương đồng trong cùng một loại hình. Cũng giống như những gì đã được minh chứng qua quá trình rèn luyện kỹ năng đập bóng của các cầu thủ bóng chày, việc nghiên cứu đan xen gây ra những trở ngại trong việc khơi gợi lại những ví dụ trong quá khứ về một loài chim cụ thể, nhưng chính điều này lại gia cố chắc chắn hơn hiểu biết về các giống chim đại diện cho loài đó.

Những trở ngại gây ra bởi sự đan xen mang đến cho quá trình học tập một dạng thúc đẩy thứ hai. Luyện tập trong sự đan xen những vật thể có dạng hình học khác nhau nhưng có liên hệ với nhau đòi hỏi bạn phải chú ý tới các điểm tương đồng cũng như khác biệt. Nhờ thế bạn mới có thể chọn ra công thức chuẩn xác để tính toán thể tích. Sự nhạy bén trước các điểm giống và khác nhau được tăng cường trong quá trình luyện tập có tính lồng ghép. Điều này được cho rằng sẽ khiến tài liệu học tập được mã hóa thành những dạng thức phức tạp và đa sắc thái hơn – một vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc hơn về những đặc tính làm nên sự khác biệt của các vật mẫu hay các loại vấn đề và vì sao chúng lại yêu cầu một sự cắt nghĩa hay giải pháp khác; chẳng hạn tại sao một con cá chó miền Bắc sẽ giật mồi câu hình thìa (spoon) hay mồi hình cá trích (crankbait) trong khi một con cá pecca (bass) sẽ tung tăng buộc bạn chờ cho đến khi bạn nhận ra thứ thích hợp để ném cho nó là một con dòi hay mồi phễu.

Cải thiện sự linh hoạt

Những khó khăn trong việc hồi tưởng gây ra bởi sự gián đoạn, đan xen và đa dạng hóa nội dung luyện tập. Chúng ta có thể vượt qua chúng bằng cách áp dụng những quy trình tư duy tương tự với những gì sẽ được sử dụng sau này trong việc áp dụng những hiểu biết đã thu được vào các tình huống thường nhật. Bằng cách mô phỏng những thử thách của kinh nghiệm thực tiễn, những chiến lược học tập này sẽ thích nghi được với tôn chỉ “luyện tập như thể bạn đang thi đấu và bạn sẽ thi đấu như lúc bạn luyện tập” đồng thời cải thiện quy trình vẫn được các nhà khoa học gọi là sự chuyển giao kiến thức, hay chính là khả năng áp dụng những gì đã học vào các tình huống mới. Trong cuộc thí nghiệm về bài tập đập bóng của đội Cal Poly, hành vi khắc phục những chướng ngại đến từ các lối ném bóng ngẫu nhiên đã thiết lập nên một “vốn từ” phong phú hơn về những quy trình tư duy giúp người học nhận thức bản chất của các chướng ngại (ví dụ, người ném bóng đang sử dụng lối ném nào) và lựa chọn giữa các phương án phản ứng tiềm năng so với những quy trình tư duy hạn hẹp chỉ đủ để giúp chúng ta nắm bắt kỹ năng nhờ sự ôn luyện tập trung thiếu vắng những kinh nghiệm đa dạng mà có. Hãy cùng nhớ lại những học sinh đã tỏ ra thành thạo hơn trong việc ném các bao đựng đậu vào những chiếc rổ ở cự ly 0,9m sau khi tập ném ở cự ly 0,6m và 1,2m so với những học sinh chỉ tập với những chiếc rổ cách xa 0,9m. Hoặc nhớ lại mức độ khó khăn và phức tạp ngày càng gia tăng của khóa đào tạo mô phỏng tại trường dạy nhảy dù, hay mô hình mô phỏng khoang lái trong chiếc máy bay thương mại của Matt Brown.

Trau dồi tư duy trước quá trình học hỏi

Khi được chỉ dẫn cách thức giải quyết một vấn đề mà trước đó bạn đã chật vật đối diện, giải pháp đưa ra sẽ được tiếp thu tốt hơn và ghi nhớ lâu hơn. Khi bạn mua một chiếc thuyền câu và cố gắng buộc một cái dây neo, khả năng tìm hiểu và ghi nhớ cách buộc nút dây thừng của bạn sẽ cao hơn nhiều so với lúc bạn đứng trong công viên theo dõi nút buộc đó thành hình trong tay người hướng đạo sinh, người nghĩ rằng tiết mục trình diễn cách tạo ra nhiều nút buộc sẽ giúp ích nhiều hơn cho cuộc sống.

NHỮNG CHIẾN LƯỢC HỌC TẬP KẾT HỢP CHẶT CHẼ CÁC TRỞ NGẠI ĐÁNG MONG MUỐN KHÁC

Chúng ta thường nghĩ các trở ngại sẽ phương hại đến quá trình học hỏi, nhưng một số loại trở ngại nhất định có thể sản sinh ra những lợi ích cho sự tiếp thu, và đôi khi những tác dụng tích cực đó thật đáng ngạc nhiên. Bạn muốn đọc một bài báo được in ở khổ chữ thường hay khổ chữ mờ mờ không rõ nét? Gần như chắc chắn bạn sẽ chọn loại thứ nhất. Nhưng khi văn bản được trình bày hơi mờ một chút hay trong một phông chữ hơi khó đọc, người ta sẽ nhớ nội dung của nó tốt hơn. Dàn ý đại cương của bài giảng có nên tuân thủ chính xác tiến trình của một chương trong sách giáo khoa, hay sẽ tốt hơn nếu bài giảng trệch đi so với sách giáo khoa ở vài điểm? Hóa ra khi dàn ý của một bài giảng diễn tiến theo một trình tự khác so với các đoạn trong sách giáo khoa, những cố gắng để nắm bắt các ý chính và hóa giải những điểm bất đồng sẽ khiến học sinh nhớ lại nội dung tốt hơn. Một điều đáng ngạc nhiên khác là, khi đọc một văn bản có vài từ bị bỏ sót một vài chữ cái, người đọc bắt buộc phải tự thêm vào những chữ cái đó, họ sẽ đọc chậm lại và điều này sẽ giúp cải thiện sự ghi nhớ. Trong tất cả những ví dụ đó, sự thay đổi so với cách trình bày thông thường gây ra một khó khăn, đó chính là làm gián đoạn sự nhuần nhuyễn, trôi chảy. Điều này hối thúc người học học tập chuyên cần hơn để xây dựng nên những kiến giải có ý nghĩa. Những nỗ lực thêm vào đó chính là chất xúc tác cho sự lĩnh hội và hiểu biết. (Tất nhiên, quá trình học hỏi sẽ không được cải thiện nếu người học không thể khắc phục hay nhìn ra ý nghĩa đã bị che lấp bởi trở ngại đó.)

Hành vi nỗ lực chủ động tìm kiếm đáp án cho một câu hỏi hay cố gắng giải quyết một vấn đề hơn là thụ động đón nhận thông tin hay giải pháp do người khác trình bày được biết tới như là hành vi kiến tạo. Ngay cả khi bạn bị tra vấn về một kiến thức đã trở nên quen thuộc với mình, một bài tập đơn giản kiểu điền vào chỗ trống sẽ có tác dụng củng cố trí nhớ của bạn về kiến thức đó và tăng cường khả năng nhớ lại nó sau này. Một bài kiểm tra dạng yêu cầu cung cấp câu trả lời sẽ có lợi cho sự tiếp thu của bạn hơn là dạng lựa chọn từ nhiều phương án. Yêu cầu viết một bài luận ngắn thậm chí còn mang lại ích lợi lớn hơn nữa. Khắc phục những khó khăn vừa phải như thế này là một hình thức học tập chủ động, trong đó người học thực hiện những yêu cầu tư duy ở trình độ cao hơn là thụ động tiếp nhận kiến thức từ sự truyền thụ của người khác.

Tác dụng của hành vi kiến tạo trong việc hỗ trợ quá trình học hỏi thậm chí còn trở nên rõ rệt hơn khi bạn đứng trước yêu cầu cung cấp câu trả lời hay giải pháp cho một vấn đề mới mẻ. Tác dụng này được lý giải trong quan điểm sau: khi bạn tìm kiếm một giải pháp bằng cách phục hồi những hiểu biết có liên quan từ trong trí nhớ, bạn đang thúc đẩy hành trình bù đắp một lỗ hổng kiến thức trước khi đáp án được đưa ra để lấp đầy nó; và khi bạn lấp đầy nó, các mối liên hệ với những hiểu biết có liên quan được thiết lập. Đó là cách những nỗ lực làm tươi mới tư duy của bạn. Ví dụ, nếu ai đó hỏi bạn về thủ phủ của Texas trong khi bạn đến từ Vermont, có thể bạn sẽ bắt đầu trầm ngâm giữa các khả năng: Dallas? San Antonio? El Paso? Houston? Thậm chí nếu bạn còn chưa chắc chắn, tiếp tục tìm ra các phương án thay thế cho đến khi có đáp án chính xác sẽ giúp ích cho bạn (tất nhiên trong trường hợp này đáp án là Austin.) Bạn vật lộn với vấn đề, vắt óc tìm kiếm điều có thể cho bạn câu trả lời. Điều đó có thể dẫn bạn đến với sự hiếu kỳ, thậm chí bối rối hay bực bội và chính xác là bạn đang nhận ra một lỗ hổng kiến thức cần được lấp đầy. Sau khi cách giải quyết được đưa ra, một tia sáng lóe lên. Những nỗ lực giải quyết vấn đề tuy thất bại song lại khuyến khích quá trình tiếp tục xử lý đáp án ở một tầng sâu hơn sau khi người học được cung cấp đáp án, tạo điều kiện cho sự mã hóa diễn ra thuận lợi theo cách mà việc thuần túy đọc câu trả lời không thể mang lại. Giải quyết một vấn đề tốt hơn là chỉ ghi nhớ cách nó được giải quyết. Nỗ lực tìm ra giải pháp và đưa ra đáp án dù thiếu chính xác vẫn hơn là không nỗ lực gì.

Khi bạn bỏ ra vài phút để xem xét lại những gì đã học được từ một trải nghiệm (hay trong một buổi học mới đây) và tự vấn bằng những câu hỏi, bạn đang thực hiện một hành vi được biết đến là sự suy ngẫm. Chẳng hạn, sau khi nghe một bài giảng hay đọc một bài tập, có thể bạn sẽ tự hỏi: Đâu là những ý chính? Đâu là những ví dụ? Có mối liên hệ gì với những gì mình đã biết? Sau khi thực hành một kiến thức hay kỹ năng mới, bạn có thể tự hỏi mình: Điều gì mình đã làm tốt? Điều gì mình đã có thể làm tốt hơn? Điều gì mình cần phải học thêm để thành thục hơn nữa, hay mình nên áp dụng chiến lược gì để kết quả lần sau được tốt hơn?

Sự suy ngẫm có thể bao hàm một số hoạt động nhận thức mà chúng ta đã thảo luận đến như công cụ hỗ trợ quá trình tiếp thu được mạnh mẽ hơn. Những hoạt động này gồm hồi tưởng (khôi phục những kiến thức vừa tiếp nhận từ trong tư duy), kiến tạo (ví dụ như liên hệ tri thức mới với những gì đã biết) và sản xuất (chẳng hạn như diễn đạt lại những ý chính bằng ngôn ngữ của mình hay hình dung và diễn tập trong đầu những gì định thay đổi trong lần tới).

Một hình thức suy ngẫm đang trở nên phổ biến trong môi trường giảng dạy hiện nay mang tên “viết ra để học”. Trên thực tế, các sinh viên phản ánh chủ đề của một buổi học gần đây của họ trong một bài viết ngắn gọn, tại đó họ trình bày những ý chính theo cách viết của riêng mình và liên hệ các nội dung đó với những khái niệm khác đã được đề cập đến trong hay ngoài lớp học (chẳng hạn như Mary Pat Wenderoth giao cho các sinh viên tham gia lớp sinh lý học con người của mình đọc chương 8 viết về “các đoạn văn cung cấp kiến thức”). Quan điểm về ích lợi của một loạt các hoạt động nhận thức đa dạng góp phần vào hành vi suy ngẫm (hồi tưởng, diễn giải, kiến tạo) đối với quá trình học hỏi đã được thiết lập và củng cố vững chắc qua các nghiên cứu thực nghiệm.

Vai trò của “viết ra để học” trên tư cách một công cụ học tập đã được kiểm nghiệm rõ ràng trong một nghiên cứu thú vị gần đây. Hơn 800 sinh viên đại học tại một số lớp tâm lý học đại cương được nghe một số bài giảng trong suốt học kỳ. Sau khi một khái niệm chủ chốt trong phạm vi bài giảng được đưa ra, giáo viên hướng dẫn yêu cầu sinh viên viết ra các nội dung để học. Các sinh viên này tự soạn ra những bản tổng kết các ý chính, như viết lại các khái niệm bằng cách diễn đạt của mình hay trình bày thêm về các khái niệm bằng cách đưa ra các ví dụ minh họa cho chúng. Đối với một số khái niệm chính khác được đưa ra trong bài giảng, các sinh viên theo dõi một hệ thống các trang trình chiếu tóm lược các khái niệm và dành ra vài phút để chép lại nguyên văn các ý chính và ví dụ trong trang trình chiếu đó.

Kết quả? Trong các bài kiểm tra được quy định trong suốt học kỳ, các bạn sinh viên phải trả lời những câu hỏi nhằm đánh giá hiểu biết của bản thân về những khái niệm quan trọng mà họ đã học. Điểm số của họ cho những khái niệm mà bản thân đã diễn đạt lại theo cách riêng của mình cao một cách đáng kể (xấp xỉ nửa điểm tính theo thang điểm chữ) so với kết quả thu hoạch từ những khái niệm họ chỉ sao chép lại. Điều đó cho thấy việc chỉ tiếp xúc một cách đơn giản với các khái niệm thì không thể sản sinh ra các lợi ích đối với việc học tập. Trong các bài kiểm tra tiến trình diễn ra khoảng hai tháng sau đó nhằm đánh giá khả năng ghi nhớ, những lợi ích của phương pháp viết ra để học trong vai trò một công cụ suy ngẫm dẫu có suy giảm nhưng vẫn còn tương đối mạnh mẽ.

SỰ THẤT BẠI VÀ NHỮNG Ý TƯỞNG HOANG ĐƯỜNG VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP KHÔNG SAI SÓT

Trong những năm 1950 và 1960, nhà tâm lý học B. F. Skinner đã chủ trương tán thành trào lưu áp dụng phương pháp “học tập không sai sót” vào nền giáo dục. Ông tin rằng những sai lầm của người học có tác dụng không tốt và là hậu quả của hướng dẫn lệch lạc. Lý thuyết về học hỏi không sai sót là nguồn gốc của những phương pháp giảng dạy mà theo đó người học được truyền thụ kiến thức từng chút một, và những kiến thức ít ỏi đó ngay lập tức bị kiểm tra mà chưa hề trải qua quá trình nhận thức đầy đủ, nói một cách khác, kiến thức vẫn còn tươi mới ở giai đoạn ký ức tức thời và dễ dàng được dẫn ra trong một bài kiểm tra. Khả năng sai sót trong trường hợp này gần như là bằng không. Từ đó đến nay, chúng ta đã dần đi đến thống nhất với quan điểm rằng khôi phục kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn là một chiến lược học tập không hiệu quả và những sai lầm là một phần không thể thiếu trong quá trình nỗ lực nhằm nâng cao khả năng nắm bắt một tri thức mới. Tuy nhiên, ở văn hóa phương Tây, nơi thành tích vẫn được xem như dấu hiệu của năng lực, nhiều người học vẫn đánh đồng những sai lầm với sự thất bại và làm mọi điều có thể để tránh mắc phải chúng. Có lẽ mối ác cảm với sự thất bại được cổ xúy bởi một số người làm công tác giảng dạy, những người khổ công lao động với niềm tin rằng người học được phép mắc lỗi chỉ khi họ có thể học hỏi từ chính những lỗi đó.

Đó là một xu hướng sai lầm. Khi người học mắc lỗi và ngay lập tức được sửa chữa, họ sẽ không học được gì từ những sai sót này. Thậm chí những chiến lược dễ nảy sinh sai sót, như yêu cầu người học cố gắng giải quyết vấn đề trước khi chỉ dẫn họ phải làm thế nào, lại mang đến sự tiếp thu và lưu trữ thông tin mạnh mẽ hơn những phương pháp học tập thụ động, miễn là thông tin đó xuất phát từ những phản hồi có tính hiệu chỉnh. Hơn thế nữa, một số người được dạy rằng học tập là một cuộc tranh đấu mà trong đó những sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Những người đó sẽ dễ có khả năng bộc lộ thiên hướng trong giải quyết những thử thách gay go. Họ cũng có xu hướng nhìn nhận sai sót như là những bài học và bước ngoặt trên hành trình làm chủ tri thức chứ không phải những thất bại.

Nỗi lo ngại trước thất bại có thể đầu độc tiến trình nhận thức bằng cách tiêm nhiễm những ác cảm bằng các hình thức kiểm nghiệm và rủi ro, điều làm nên đặc trưng của quá trình đấu tranh trong tư tưởng, hay triệt tiêu khả năng hành động trong môi trường áp lực, ví dụ như trong một bài kiểm tra. Chẳng hạn trong trường hợp thứ hai vừa kể trên, những sinh viên lo ngại trước việc mắc sai lầm trong các bài thi có thể sẽ làm bài kiểm tra kém hơn trong thực tế. Chính nỗi lo lắng của họ là nguyên nhân của điều đó. Tại sao lại có thể như thế? Dường như một phần đáng kể năng lực ghi nhớ khả dụng được dùng để giám sát quá trình thực hiện của họ (Mình đang làm thế nào? Liệu mình có đang làm điều gì sai không?), vì thế để lại một phần ít ỏi hơn cho việc giải quyết vấn đề được đưa ra trong bài thi. “Trí nhớ khả dụng” hàm ý khối lượng thông tin bạn có thể lưu giữ trong đầu khi đang xử lý một vấn đề, đặc biệt là khi phải đối mặt với sự xao lãng. Trí nhớ khả dụng của mọi người đều rất hạn chế, một số tốt hơn số còn lại và năng lực ghi nhớ khả dụng tốt hơn đồng nghĩa với các chỉ số thông minh (IQ) cao hơn.

Để khám phá lý thuyết về ảnh hưởng triệt tiêu của nỗi lo ngại trước thất bại lên quá trình thực hiện bài kiểm tra, các học sinh lớp 6 tại Pháp được giao những bài tập đảo chữ hóc búa đến mức không em nào có thể giải được. Sau khi chật vật mà vẫn không giải được chúng, một nửa số học sinh được tiếp nhận một bài học trong vòng mười phút, qua đó các em được dạy rằng chướng ngại là phần trọng yếu trong quá trình học tập, việc mắc lỗi là đương nhiên và nằm trong tầm dự đoán, cũng như các bài luyện tập giúp sửa chữa chúng, tương tự như khi ta tập đi xe đạp. Những học sinh còn lại chỉ đơn giản được hỏi các em đã cố gắng giải các phép đảo chữ như thế nào. Sau đó cả hai nhóm cùng tham gia vào một bài sát hạch khó khăn. Kết quả của bài sát hạch này sẽ cung cấp thước đo về trí nhớ khả dụng của các em. Những học sinh đã được dạy rằng sai lầm là một phần tự nhiên trong quá trình học hỏi sử dụng trí nhớ khả dụng tốt hơn đáng kể so với các em khác. Những em này không dồn hết năng suất ghi nhớ khả dụng của mình vào cố gắng một cách tuyệt vọng để giải quyết nhiệm vụ khó khăn. Lý thuyết này cũng đã được kiểm chứng rộng rãi trong rất nhiều hình thức nghiên cứu trước đó. Các kết quả đưa ra đều ủng hộ phát hiện rằng khó khăn có thể khơi dậy cảm giác về sự kém cỏi, chính cảm giác này làm nảy sinh lo lắng, và đến lượt lo lắng cản trở quá trình học hỏi. Một phát hiện nữa cũng được khẳng định là, “sinh viên sẽ học tốt hơn khi họ có cơ hội đương đầu với những khó khăn.”

Những công trình nghiên cứu đó chỉ ra rằng, không phải mọi khó khăn xảy ra trong tiến trình học hỏi đều đáng mong muốn. Nỗi lo sợ khi phải đối mặt với một bài thi có vẻ như là một điều không được mong đợi. Các nghiên cứu này cũng nhấn mạnh việc người học nhận thức được rằng những khó khăn trong học tập không chỉ có thể dự đoán trước được mà còn có thể mang lại lợi ích là điều rất quan trọng. Về điều này, cuộc khảo sát tại Pháp nói trên đã thêm một lần nữa xác thực một quan điểm đã được xây dựng trong rất nhiều nghiên cứu trước đó. Phải kể đến đầu tiên trong số đó là các công trình nghiên cứu của Carol Dweck và Anders Ericsson, cả hai sẽ được chúng tôi thảo luận tại chương 7 trong mối liên hệ với đề tài về phát triển những năng lực trí tuệ. Theo những gì được trình bày trong tác phẩm của Dweck, những người tin rằng năng lực trí tuệ của họ được ấn định từ khi mới ra đời và được đặt trong mối liên kết với gen di truyền của họ, thường cố lảng tránh những thách thức mà họ không thể đối phó; vì theo họ, thất bại dường như là dấu hiệu của năng lực bẩm sinh yếu kém. Ngược lại, một số khác được hướng đến nhận thức rằng sự nỗ lực và học hỏi sẽ thay đổi khả năng của não bộ, và rằng khả năng tư duy của họ phần nhiều nằm trong tầm kiểm soát của chính họ. Những người này có khả năng vượt qua những chướng ngại cam go và thường bền bỉ hơn. Họ coi thất bại là một dấu hiệu của sự cố gắng cũng như một bước chuyển trên con đường nhận thức hơn là thước đo của sự bất lực hay điểm kết của hành trình. Tác phẩm của Anders Ericsson về bản chất của sự thể hiện thành thạo chỉ ra rằng để đạt tới trình độ lão luyện, người học phải cống hiến hàng nghìn giờ chuyên tâm rèn luyện để phấn đấu vượt qua trình độ hiện tại của mình. Trong quá trình đó thất bại trở thành một trải nghiệm thiết yếu trên hành trình vươn tới sự uyên bác.

Cuộc khảo sát với các học sinh lớp 6 tại Pháp đã nhận được sự đồng tình của đông đảo công chúng. Nó cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một trường đào tạo năng khiếu ở Pháp tổ chức một “Festival of errors” (Ngày hội của những sai sót) nhằm mục đích truyền tới các em học sinh thông điệp rằng, mắc sai lầm là một phần có tính tích cực trong quá trình học tập – đó không phải là thất bại mà là một dấu hiệu của sự nỗ lực. Theo quan điểm của các nhà tổ chức ngày hội, xã hội hiện đại ngày nay quá chú trọng vào việc phô diễn các kết quả, điều đó đã sản sinh ra một nền văn hóa của những tư duy hèn yếu, trong khi đó một nền văn hóa đang rất cần những chất xúc tác trí tuệ và sự dũng cảm chấp nhận rủi ro, những điều đã từng làm nên các khám phá vĩ đại ghi dấu trong lịch sử nước Pháp.

Chúng ta không cần đến một bước nhảy quá lớn lao về mặt nhận thức để tiến từ “Festival of errors” của Paris đến “Failcon” (Nghiên cứu về thất bại) tại San Francisco, nơi các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ và những chuyên gia về đầu cơ họp mặt hằng năm để nghiên cứu về những thất bại của mình. Điều đó đã mang đến cho họ cái nhìn thấu đáo, đầy tính biện chứng mà họ rất cần phải chú trọng trong những chiến lược kinh doanh nhằm đạt tới thành công. Thomas Edison đã gọi thất bại là nguồn cảm hứng và mọi người đều biết tới câu nói nổi tiếng của ông: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ vừa tìm ra 10.000 cách không hiệu quả.” Ông kết luận rằng, sự kiên trì đối mặt với thất bại là bí quyết dẫn tới thành công.

Thất bại là nền tảng cho các phương pháp khoa học, những gì vẫn thúc đẩy sự tiến bộ trong hiểu biết của chúng ta về chính thế giới ta đang sống. Các phẩm chất kiên nhẫn và cần cù, những điều đã biến thất bại thành những thông tin hữu ích, đã đặt nền móng cho những phát kiến thành công ở mọi phương diện cũng như trở thành trọng tâm cốt lõi trong hầu hết những quá trình học tập thành công. Thất bại khiến chúng ta thấy được sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực gấp đôi, hay giải phóng cho chúng ta được tự do thử những phương pháp khác. Trong bài diễn thuyết của mình trước các cử nhân tốt nghiệp khóa 2005 tại Đại học Stanford, Steve Jobs đã chia sẻ về việc ông bị sa thải khỏi Apple Computer, nơi ông là nhà đồng sáng lập, vào năm 1985 khi ông ở tuổi 30: “Tôi đã không nhận thấy điều đó, nhưng rồi hóa ra việc bị sa thải khỏi Apple lại là điều tốt nhất từng xảy ra với tôi. Áp lực nặng nề của thành công đã bị thay thế bởi sự nhẹ nhõm của việc được trở lại làm tân binh một lần nữa, với hiểu biết ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Tôi được tự do để bước vào một trong những thời kỳ sáng tạo đỉnh cao trong đời mình.”

Đó không phải là một thất bại đáng mong muốn hay là một nỗ lực đầy can trường bất chấp rủi ro; đôi khi chúng ta chỉ thực sự khám phá ra điều gì có hiệu quả, điều gì không sau khi đón nhận thất bại. Không nghi ngờ gì nữa, cố gắng tự mình tháo gỡ một vấn đề nan giải mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích hơn là được trao tận tay giải pháp, ngay cả khi chúng ta thất bại nhanh chóng từ trong nỗ lực tìm kiếm đáp án đầu tiên.

MỘT VÍ DỤ VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP CÓ TÍNH NĂNG SUẤT

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, quá trình nỗ lực giải quyết một vấn đề mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ hình thức hướng dẫn nào được gọi là quá trình học tập có tính năng suất, trong đó người học coi trọng việc tự “sản xuất” ra câu trả lời hơn là nhớ lại nó. Việc sản xuất này là một tên gọi khác của phương pháp thử và sai cổ điển. Tất cả chúng ta đều không xa lạ gì với các câu chuyện về những đứa trẻ còi cọc trong các gara ô tô ở thung lũng Silicon cùng những trò tào lao bên chiếc máy tính để rồi trở thành những nhà tỷ phú. Chúng tôi muốn trình bày ở đây một kiểu ví dụ khác, về Bonnie Blodgett ở Minnesota.

Bonnie là một nhà văn, một chuyên gia bài trí sân vườn không được đào tạo bài bản, đồng thời cũng là người luôn bị ám ảnh bởi một giọng nói thường trực không ngừng vang lên trong tâm trí về một ý thích nhất thời nào đó từng khiến bà bị bẽ mặt. Trong khi Bonnie là một phụ nữ với khiếu thẩm mỹ vượt trội, bà cũng là một người của những hoài nghi khác thường. “Phong cách học hỏi” của bà có thể được gọi là nắm-lấy-trước-khi-bạn-thấy-vì-nếu-bạn-thấy-trước-thì-có-thể-bạn-sẽ-không-thích-thứ-bạn-nhìn-thấy. Cuốn sách về làm vườn của bà ra mắt với cái tên The Blundering Gardener (tạm dịch: Người làm vườn hay mò mẫm). Tên gọi này là một cách để bà xua đi những thanh âm hồ nghi trong đầu, vì dù ý tưởng bất chợt tiếp theo có dẫn tới hậu quả gì, bà vẫn sẽ gắng sức thực hiện nó. “Mò mẫm có nghĩa là bạn triển khai kế hoạch của mình trước khi bạn tìm ra cách thích hợp để thực hiện nó, trước khi bạn biết mình đang vướng phải điều gì. Đối với tôi, rủi ro của việc nhận thức được điều mình đang chuẩn bị bước vào chính là ở chỗ nó sẽ trở thành chướng ngại khủng khiếp ngăn bạn bắt đầu hành động.”

Thành công của Bonnie đã chỉ ra rằng quá trình vật lộn với một vấn đề có thể khiến việc tiếp thu trở nên mạnh mẽ như thế nào, sự cố gắng bền bỉ và tận tụy để vươn lên trong một lĩnh vực cụ thể thông qua những nỗ lực thử nghiệm và sai sót có thể mang lại sự thấu suốt về những vấn đề phức tạp và hiểu biết rộng hơn mối tương quan giữa các sự vật. Khi chúng tôi có cuộc trò chuyện cũng là lúc bà vừa trở về sau chuyến đi tới miền Nam Minnesota để gặp gỡ một nhóm nông dân. Những người này muốn tham vấn hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực làm vườn của bà về một loạt các vấn đề từ bố cục và thiết kế đến các biện pháp kiểm soát sâu bệnh và tưới tiêu. Kể từ khi bà bắt đầu công việc làm vườn, các tác phẩm về vườn tược của Bonnie đã được đông đảo công chúng trên cả nước đón nhận và có được sự ủng hộ rộng rãi của các đại lý tiêu thụ. Khu vườn của bà cũng trở thành điểm tham quan của nhiều chuyên gia làm vườn khác.

Bonnie đến với lĩnh vực trang trí sân vườn vào tuổi trung niên khi bà nhận thấy bản thân gặp vấn đề với nhãn cầu. Bà chưa từng được đào tạo trong lĩnh vực này, điều duy nhất bà có là một khát khao cháy bỏng được dùng chính đôi bàn tay lấm bùn đất của mình để tạo nên những không gian thơ mộng trong từng góc của ngôi nhà ở khu phố cổ St. Paul, nơi bà chung sống cùng người chồng.

“Trải nghiệm từ việc sáng tạo nên cái đẹp đã trấn tĩnh tôi,” bà chia sẻ, nhưng nó cũng là một quá trình khám phá đầy khắc nghiệt. Bà đã từng là một nhà văn và sau vài năm dấn thân vào lĩnh vực làm vườn, bà bắt đầu xuất bản một ấn phẩm hàng quý với tựa đề Garden Letter (tạm dịch: Tác phẩm trong vườn), trong đó bà ghi chép lại những khám phá, thất bại, những bài học và cả thành công của mình. Bà sáng tác và làm vườn theo cùng một phong cách, với cả sự táo bạo lẫn đức tính khiêm nhường, mang đến một sự kết hợp thú vị cũng như cái nhìn thấu đáo đáng ngạc nhiên, điều chắc chắn là thành quả của nhiều năm kinh nghiệm. Khi tự gọi mình là một “người làm vườn hay mò mẫm”, bà đang cho phép bản thân và cả chúng ta, những độc giả, được mắc sai lầm và tiến bộ từ chính sai lầm đó.

Chúng ta cần lưu ý rằng, trong khi đang tìm tòi kinh nghiệm của mình, ngoài hành vi làm vườn, Bonnie còn đang thực hiện hai quá trình học tập hiệu quả. Bà đang hồi tưởng lại từng chi tiết và câu chuyện về mỗi khám phá của mình – như một thí nghiệm trong việc ghép giống hai loài cây ăn quả chẳng hạn – và sau đó bà diễn giải sâu thêm cho người đọc bằng những kinh nghiệm của mình, tạo nên mối quan hệ nhân quả giữa thành quả đó với những gì liên quan mà bà đã học hay biết.

Sự thôi thúc thực hiện các đột phá liều lĩnh đã đưa bà băng qua những vùng thám hiểm rộng lớn trong kinh đô vườn tược, và tất nhiên, là cả thế giới của ngôn ngữ La-tinh hay các tác phẩm kinh điển về vườn tược. Chúng cũng thu hút bà đến với lĩnh vực thẩm mỹ học về không gian và cấu trúc, cũng như những kỹ thuật nảy sinh từ đó: xây dựng tường đá; đặt đường ống dẫn nước; lắp đặt một mái vòm trên nóc gara; thiết kế lối đi, bậc thang và cổng; dỡ toang một hàng rào cọc nhọn phong cách Gothic, rồi tái tạo chỗ gỗ đó để đảm bảo thông thoáng với những thanh ngang chắc chắn hơn nhằm níu ngôi nhà ba tầng sừng sững theo lối kiến trúc Victoria xuống và kết nối nó với những khoảnh vườn xung quanh. Nó giúp tạo ra những không gian ngoài trời thoáng đãng có thể quan sát dễ dàng từ ngoài phố đồng thời vẫn được bao bọc xung quanh, nhằm mang lại cảm giác riêng tư không thể thiếu, giữ cho khu vườn vẫn là không gian của chính nó. Những không gian đầy cá tính và bất cân xứng của bà mang đến hình dung về một sự tiến hóa tự nhiên nhưng vẫn thống nhất nhờ sự lặp lại của các họa tiết, đường nét và hình khối.

Một ví dụ đơn giản về phương pháp bà tiến dần tới sự tinh thông về một lĩnh vực ngày càng phức tạp là cách bà nắm bắt những kiến thức về phân loại thực vật và tên gọi La-tinh. “Khi tôi bắt đầu, thế giới thực vật hoàn toàn là một ngôn ngữ xa lạ với tôi. Tôi thường xuyên đọc sách về làm vườn và chẳng hiểu chúng một chút nào. Tôi không hề biết tên gọi của những loài cây, dù là ngôn ngữ phổ thông hay tiếng La-tinh. Trước đó tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc học những thứ này. Đã có lúc tôi nghi hoặc: Sao mình lại muốn làm điều đó? Sao không chỉ đơn giản bước là ra ngoài kia, đào một cái hố và đặt thứ gì đó vào bên trong nó?” Thứ ưa thích của Bonnie là những bức vẽ mang đến cho bà những ý tưởng và thông điệp, mà trong đó các nhà thiết kế sử dụng lối diễn đạt như “phương pháp của tôi” để mô tả cách thức họ đạt tới những hiệu quả mong muốn. Đó là một đại từ sở hữu, phương pháp của tôi, thứ mà thông qua hành động của mình Bonnie vẫn luôn tự quả quyết trong cuộc dấn thân liều lĩnh để tiếp thu kiến thức. Quan điểm ở đây là mọi phương pháp của mỗi người làm vườn đều chỉ thuộc về duy nhất cá nhân họ. Trong phương pháp của Bonnie, không xuất hiện những chỉ dẫn từ các chuyên gia và càng hiếm hoi hơn nữa những hiểu biết về hệ thống phân loại Linnaeus hay những cái tên La-tinh của các loài cây mà bà vẫn trồng trong hốc và kéo vòi dẫn nước vào. Nhưng khi bà vùng vẫy xoay xở trong thế giới đó, trong lúc lao động để sáng tạo nên những không gian diệu kỳ từ trong bùn đất, chúng liên tục nhảy múa trong đầu bà. Và bà đã đến với ngôn ngữ La-tinh và hệ thống Linnaeus theo cách mà bà không hề trông đợi.

“Bạn bắt đầu khám phá ra rằng những cái tên La-tinh rất hữu ích. Chúng có thể chỉ cho bạn con đường ngắn hơn để đến với những kiến thức về bản chất của các loài thực vật và chúng cũng giúp bạn ghi nhớ. “Tardiva” là tên của một giống thực vật, được đặt sau tiền tố “hydrangea” (tú cầu). Tiền tố “hydrangea” này là tên của một họ mà “tardiva” là một loài nằm trong số đó.” Bonnie đã học tiếng La-tinh tại trường trung học, cùng với tiếng Pháp, và tất nhiên là cả tiếng Anh. Và những manh mối về những ký ức bắt đầu được đánh thức. Sau “hydrangea” xuất hiện rất nhiều tên các loài hoa khác nhau, do đó bạn có thể nhận biết họ thực vật là “hydrangea” (tú cầu) rồi đến loài tú cầu là “tardiva”. Và giờ bạn còn biết rằng loài thực vật cụ thể này là một loài hoa nở muộn. Từ đó, bạn bắt đầu nhận ra rằng những danh pháp La-tinh là một cách để giúp bạn ghi nhớ và bạn thấy mình sử dụng chúng ngày càng nhiều hơn. Trí nhớ của bạn về các loài cây tốt hơn, nhờ tư duy kiểu như “procumbus” là tiền tố mang nghĩa là sự nằm trên, bò trên mặt đất. Nhờ thế, bà không còn thấy khó khăn để nhớ tên một loài cây cụ thể khi nó được gắn với một họ. Thông thuộc những danh pháp La-tinh cũng rất quan trọng vì sau đó bạn có thể hiểu biết rành mạch, cụ thể về một loài cây nào đó. Các loài thực vật có những tên gọi chung và tên gọi chung đó có tính khu vực, vùng miền. “Actaea raccemosa” là tên gọi chung của cây rắn đen (black cohosh), nhưng nó cũng được biết đến như cây chữa rắn cắn (snakeroot), và những tên gọi “blach cohosh” và “snakeroot” này thường được sử dụng cho cả những loài cây khác. Song chỉ có duy nhất một loài cây được gọi là “actaea racemosa”. Bất chấp khuynh hướng phản kháng của mình, Bonnie dần nắm bắt hệ thống phân loại cổ điển về các loài cây trang trí cũng như đánh giá cao cách phân loại của Linnaeus trong cách sắp xếp các mối quan hệ và truyền đạt các thuộc tính.

Bonnie cho biết những người nông dân bà vừa gặp rất thích thú kiến thức của bà về lợi thế của phân ủ và giun đất so với phân hóa học trong việc cung cấp dưỡng chất và thông khí trong đất, cũng như phương pháp phát triển và tăng cường bộ rễ trong điều kiện nước hạn chế bằng cách sử dụng một hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt tự chế. Giữa chừng câu chuyện chi tiết về cuộc gặp với họ, bà ngừng lại, ngẫm nghĩ về quá trình tất cả những kiến thức đó tự nhiên đến với mình. Đó chưa bao giờ là lĩnh vực bà từng có ý định chinh phục. “Hãy nhìn xem, mò mẫm thực sự không phải là một điều xấu. Đó là một điều tốt mà nhờ nó bạn có thể hoàn thành mọi thứ. Rất nhiều người bỏ cuộc khi họ dự liệu trước được tầm cỡ lớn lao của công việc cũng như những yêu cầu phát sinh từ đó.”

Tất nhiên, trong một số trường hợp – như học cách nhảy ra khỏi máy bay và mạo hiểm với mạng sống của mình – thì mò mẫm không phải là một chiến lược tối ưu.

NHỮNG TRỞ NGẠI ĐÁNG MONG MUỐN

Elizabeth và Robert Bjork, những người đã sáng tạo ra cách gọi “những trở ngại đáng mong muốn” cho rằng, những trở ngại là đáng mong muốn vì “chúng khơi gợi sự hồi tưởng và mã hóa, những hành vi hỗ trợ tiếp thu, nhận thức và ghi nhớ. Tuy nhiên, nếu người học không có kiến thức hay các kỹ năng nền tảng để phản ứng lại những khó khăn này một cách thành công, chúng sẽ trở thành những trở ngại không mong muốn.” Nhờ những nghiên cứu thực nghiệm, các nhà khoa học nhận thức biết được rằng sự kiểm tra, cách quãng, đan xen, đa dạng hóa, sản xuất và một số hình thức can thiệp nhất định vào tình huống sẽ dẫn tới quá trình học hỏi và ghi nhớ mạnh mẽ hơn. Hơn thế nữa, chúng ta còn có một nhận thức mang tính trực giác về loại khó khăn nào là khó khăn không mong muốn. Song chúng ta chưa thể xác định điều này một cách rõ ràng do thiếu những nghiên cứu cần thiết.

Rõ ràng, những trở ngại mà bạn không thể vượt qua thì không có gì đáng mong muốn. Lập dàn ý bài học theo một trình tự khác với sách giáo khoa không phải là một khó khăn được mong đợi đối với những người học thiếu kỹ năng đọc hay sự nhuần nhuyễn về ngôn ngữ, những điều bắt buộc phải có để có thể duy trì dòng suy nghĩ đủ lâu phục vụ cho quá trình dung hòa những điểm không thống nhất. Nếu sách giáo khoa của bạn được viết bằng tiếng Latvia còn bạn không hề biết ngôn ngữ này, đó khó có thể được gọi là một trở ngại đáng mong muốn. Để có thể trở nên đáng mong muốn, trở ngại đó phải là một điều mà người học có thể vượt qua bằng cách gia tăng nỗ lực.

Trực giác luôn mách bảo rằng những khó khăn không củng cố các kỹ năng bạn cần hay những dạng thử thách bạn dễ dàng gặp phải trong quá trình áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế đều không đáng mong muốn. Tiếng ai đó thì thầm bên tai trong khi bạn đang đọc tin tức có thể là một yếu tố cần thiết trong quá trình đào tạo nên một biên tập viên truyền hình. Thử thách từ việc bị chất vấn bởi những người lãnh đạo phe đối lập khi đang diễn thuyết cho chiến dịch tranh cử của mình có thể đào tạo nên một nhà chính trị. Nhưng chẳng có điều gì trong số chúng hữu ích cho những người chỉ muốn cải thiện sự hiện diện của mình trên các diễn đàn như các vị chủ tịch Rotary Club (Tổ chức nghề nghiệp để phục vụ cộng đồng và bảo vệ hòa bình thế giới), những người viết blog hoặc các cá nhân đăng tải video lên Youtube. Một người lái tàu kéo mới vào nghề ở Missisippi có thể buộc phải tập cách đẩy một chuỗi các xà lan trống bị trôi neo vào trong cửa cảng dưới điều kiện gió mạnh. Một cầu thủ bóng chày có thể sẽ phải luyện đập bóng với một vật nặng treo trên gậy để tăng cường sức mạnh cho cánh tay vung gậy của anh. Bạn có thể sẽ dạy một cầu thủ bóng đá vài nguyên lý ba-lê cơ bản để cải thiện khả năng giữ thăng bằng và các động tác di chuyển, nhưng bạn có thể sẽ không dạy anh ta những kỹ thuật về một cú driver hiệu quả (trong môn đánh golf) hay cú giao bóng trái tay (trong môn quần vợt).

Liệu có nguyên tắc bao quát nào có thể quyết định đâu là loại trở ngại sẽ tăng cường hiệu quả học hỏi? Câu trả lời còn phụ thuộc vào thời gian cũng như những nghiên cứu xa hơn. Nhưng các hình thức trở ngại chúng tôi vừa tái hiện, cùng sự mong muốn mà người học dành cho chúng đã được xác thực rõ ràng qua nhiều tài liệu, sẽ đem đến một bộ công cụ tiện lợi, đa dạng và đắc lực.

Những điều cần ghi nhớ

Học tập là một quy trình gồm ít nhất ba bước: dạng thức mã hóa ban đầu của thông tin được lưu giữ trong khu vực trí nhớ tức thời trước khi được củng cố thành sự diễn đạt kiến thức một cách thống nhất trong trí nhớ dài hạn. Bước củng cố tái sắp xếp và ổn định lại các dấu vết của ký ức, cho chúng thêm ý nghĩa, cũng như liên hệ chúng với các kinh nghiệm trong quá khứ và những kiến thức vừa mới được lưu giữ trong ký ức dài hạn. Bước hồi tưởng cập nhật lại kiến thức và cho phép bạn áp dụng chúng khi cần.

Sự học hỏi luôn xây dựng nên một kho lưu trữ kiến thức trước đó. Chúng ta cắt nghĩa và ghi nhớ các sự kiện bằng cách thiết lập những mối liên hệ giữa chúng với những gì chúng ta vừa biết.

Năng lực ghi nhớ dài hạn gần như là vô tận: càng hiểu biết nhiều, bạn càng có thể thiết lập nhiều mối tương quan để bổ sung thêm những kiến thức mới.

Nhờ khả năng lưu giữ ký ức có thể đạt tới mức vô hạn, sở hữu khả năng định vị và khôi phục lại kiến thức sẽ trở thành bí quyết cho quá trình học hỏi. Bạn càng tái sử dụng thông tin nhiều bao nhiêu (nhằm tăng cường lộ trình hồi tưởng) cũng như càng thiết lập các manh mối khơi gợi và tái khởi động lại ký ức mạnh mẽ bao nhiêu thì bạn càng dễ dàng nhớ lại những gì mình đã biết bấy nhiêu.

Khôi phục lại kiến thức một cách định kỳ làm gia tăng sức mạnh các mối liên hệ giữa chúng với trí nhớ và các manh mối phục vụ cho quá trình nhớ lại, song song với làm suy yếu lộ trình hồi tưởng của các ký ức mâu thuẫn. Rèn luyện sự hồi tưởng diễn ra một cách dễ dàng hầu như không mang lại tác dụng củng cố hiểu biết; quá trình đó càng khó khăn bao nhiêu thì lợi ích nó mang lại càng lớn bấy nhiêu.

Khi bạn gợi lại tri thức từ trí nhớ tức thời, như trong phương pháp rèn tập trung luyện dồn dập, bạn gần như không cần động não, và do vậy bạn không tích lũy được lợi ích có tính lâu dài. Nhưng khi bạn nhớ lại kiến thức bị phai mờ sau một khoảng thời gian bạn sẽ phải cố gắng để khôi phục lại chúng. Sự hồi tưởng gian nan đó không chỉ tăng cường trí nhớ mà còn khiến kiến thức trở nên dễ điều chỉnh hơn, nhằm phục vụ cho quá trình tái củng cố chúng. Quá trình này giúp bạn cập nhật, làm mới kiến thức cũ với những thông tin mới cũng như liên kết chúng với những hiểu biết vừa được dung nạp.

Sự hồi tưởng một cách khó khăn được lặp lại hay sự rèn luyện sẽ giúp tích hợp những thành quả của quá trình học tập lại thành các mô hình tư duy, trong đó một chuỗi các ý tưởng có mối liên hệ với nhau hay một trình tự các kỹ năng vận động được thống nhất lại trong một chỉnh thể có ý nghĩa. Chỉnh thể này có thể được điều chỉnh hay áp dụng trong các tình huống gặp phải sau này. Những nhận thức và thao tác được sử dụng khi lái một chiếc xe hay đánh một cú bóng vòng ra ngoài sân là các ví dụ về điều đó.

Khi các điều kiện luyện tập được thay đổi hay sự hồi tưởng bị đan xen với các nội dung ôn tập khác, chúng ta có thể tăng cường các khả năng phân biệt và suy luận cùng sự linh hoạt mà nhờ đó chúng ta có thể áp dụng kiến thức vào những tình huống mới ở một thời điểm trong tương lai. Sự lồng ghép đan xen và đa dạng hóa xây dựng nên những mối tương quan mới, mở rộng và gia cố vững chắc thêm kiến thức trong kho tàng trí nhớ, cũng như gia tăng số lượng các manh mối phục vụ quá trình hồi tưởng lại tri thức.

Miễn là thông tin phản hồi mang tính điều chỉnh, sửa chữa được cung cấp, sự cố gắng tìm ra câu trả lời thay vì tiếp nhận đáp án được trình bày, hay nỗ lực giải quyết vấn đề trước khi được chỉ dẫn giải pháp khiến cho người học tiếp thu tốt hơn và ghi nhớ các đáp án hay giải pháp chính xác lâu hơn, ngay cả khi phản ứng từ nỗ lực của bạn không đem lại kết quả chuẩn xác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.