Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó

Chương 5. Ngăn ngừa những ảo tưởng về hiểu biết



Tính hiệu quả bắt nguồn từ chính khả năng chúng ta nắm bắt thế giới xung quanh và đánh giá quá trình thực hiện của mình. Chúng ta luôn đưa ra những nhận định về những gì mình biết và không biết cũng như hoài nghi rằng liệu chúng ta có thể xử lý một công việc hoặc giải quyết một vấn đề hay không. Khi cố gắng đạt một điều gì đó, chúng ta chắc chắn rằng chúng ta biết mình đang làm gì, cũng như điều chỉnh suy nghĩ hay hành động của mình trong quá trình thực hiện.

Hành vi tự kiểm soát suy nghĩ của bản thân là điều vẫn được các nhà tâm lý học gọi bằng thuật ngữ siêu nhận thức (metacognition – meta trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “bên trong”). Học cách tự phản biện chính mình một cách chuẩn xác giúp chúng ta tránh xa khỏi những ngõ cụt, đưa ra những quyết định hợp lý, suy ngẫm để tìm ra cách thực hiện tốt hơn trong lần tới. Một điều cần lưu ý về kỹ năng này là nó dễ đẩy chúng ta sa vào tình huống tự lừa dối bản thân. Thứ nhất, nếu như chúng ta không thể nhận thức đúng đắn về khả năng phán đoán tình thế của chính mình thì khó có thể nhận thức được bản thân đang đưa ra những phán đoán sai lầm. Thêm nữa, chúng ta không thể ước lượng được mức độ sai lệch của những phán đoán đó.

Trong chương này chúng ta sẽ thảo luận về những ảo tưởng có tính trực giác, những thành kiến về mặt nhận thức và sự bóp méo ký ức, những điều thường dẫn mọi người tới các hành vi sai lầm. Tiếp đó chúng tôi sẽ đề xuất các phương pháp giúp đưa ra những nhận định sát với thực tế.

Những hậu quả của khả năng nhận định kém cỏi phủ kín các trang nhật báo. Mùa hè năm 2008, ba tên cướp ở Minneapolis đã nghĩ ra một cách thức lừa đảo mới. Chúng đặt số lượng lớn đồ ăn nhanh qua điện thoại rồi nẫng toàn bộ số hàng hóa và tiền mặt mà người giao hàng mang theo. Đó là một phương thức mưu sinh đơn giản. Chúng kiên trì thực hiện điều đó mà không hề cân nhắc tới việc chúng luôn đặt hàng từ cùng một số điện thoại di động và lấy hàng tại một địa chỉ.

David Garman, một cảnh sát ở Minneapolis, hoạt động như một cảnh sát mật suốt mùa hè đó. “Chúng ngày càng trở nên táo bạo. Ban đầu chỉ là ‘có thể chúng có một khẩu súng’, rồi thì bất thình lình có vài ba khẩu súng và sau đó chúng tấn công những nạn nhân trong lúc đang cướp tài sản của họ.”

Khi Garman nhận được một cú điện thoại đặt hàng với số lượng lớn vào một đêm tháng Tám tại một nhà hàng Trung Quốc, ngay lập tức, anh tổ chức một biệt đội nhỏ và chuẩn bị vào vai người giao hàng. Anh mặc áo gi-lê chống đạn bên trong một chiếc áo phông bình thường và giắt một khẩu súng tự động cỡ nòng .45 vào trong quần. Trong lúc các đồng nghiệp phục kích tại các vị trí gần địa chỉ giao hàng thì Garman mang theo đồ ăn, lái xe tới đó, đậu xe và rọi đèn lên cửa trước. Anh rạch một đường dưới đáy túi đựng hàng và đặt một khẩu súng cỡ nòng .38 vào đó để rảnh tay bưng bê. “Khẩu .38 có búa hỗ trợ cho phép tôi có thể bắn từ trong một chiếc túi. Nếu tôi để khẩu tự động trong đó, nó sẽ bị kẹt và tôi sẽ phá hỏng mọi thứ.

Do đó tôi tiến lại gần với bọc hàng và nói: ‘Thưa ngài, ngài đã gọi đồ ăn đúng không?’ Anh ta đáp: ‘Phải,’ và tôi nghĩ thực tình gã này sẽ thanh toán rồi tôi sẽ rời khỏi đó, và đó sẽ là điều ngu xuẩn nhất chúng tôi từng làm. Tôi nghĩ nếu gã có đưa tôi 40 đô-la, tôi cũng chẳng biết chỗ đồ ăn giá bao nhiêu. Nhưng gã quay đầu nhìn ngang về phía sau và hai gã khác bắt đầu tiến tới. Chúng lột chiếc mũ trùm ra khỏi đầu trong lúc bước về phía tôi. Đó là lúc tôi biết trò chơi đã bắt đầu. Gã đầu tiên rút phắt một khẩu súng từ trong túi quần, mở chốt và gí súng vào đầu tôi. Gã nói: ‘Mẹ kiếp, đưa tao mọi thứ mày có không tao giết.’ Tôi kết thúc bằng cách bắn gã qua chiếc túi. Một loạt bốn phát súng.”

Suy cho cùng đó chẳng phải là một kế sinh nhai tuyệt vời gì. Gã bị hạ vẫn sống cho dù tình trạng có vẻ tệ hơn. Garman đã có thể ngắm bắn ở vị trí cao hơn nếu túi đồ ăn không quá nặng và anh đã rút ra được một bài học từ kinh nghiệm này: anh nên chuẩn bị sẵn sàng trong lần sau, tuy nhiên anh không muốn chúng tôi tường thuật chi tiết về điều này.

Chúng ta thích ý nghĩ rằng mình khôn ngoan hơn một gã ngốc vừa phải, và ngay cả nếu không phải thế, chúng ta vẫn luôn được đảm bảo rằng vẫn còn những kẻ đang tự đánh lừa bản thân mình mỗi khi đọc về loạt giải thưởng Darwin mới nhất hằng năm được loan truyền qua thư điện tử. Đó là một danh sách ngắn về những ca tử vong tự phát là hậu quả của khả năng phán đoán kém cỏi một cách đáng ngạc nhiên, điển hình như trường hợp một luật sư ở Toronto đã làm vỡ cửa kính và rơi khỏi tòa nhà văn phòng 22 tầng khi đang cố gắng chứng minh độ bền của cửa sổ bằng cách tự xô mình vào nó. Kỳ thực tất cả chúng ta đều đã được mặc định sẵn với những sai lầm trong óc phán đoán. Trước khi trở thành người quan sát khôn ngoan trước mọi suy nghĩ và hành động của chính mình thì nhận định sáng suốt là kỹ năng mà một cá nhân cần học hỏi và nắm bắt. Chúng ta có thể có một khởi đầu bất lợi vì một vài nguyên nhân. Một là, khi năng lực còn thấp kém, chúng ta thường có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của mình và hiếm khi nhận thấy lý do để thay đổi điều đó. Một nguyên nhân khác, con người dễ dàng bị lầm lạc trong những ảo tưởng, thành kiến về mặt nhận thức, và những câu chuyện chúng ta tự dựng lên là để lý giải thế giới xung quanh cũng như vị trí của mình trong thế giới đó. Để đạt tới một trình độ nhất định, hay thậm chí là trình độ chuyên gia, chúng ta phải học cách thừa nhận năng lực của người khác, đánh giá chính xác hơn về những điều chúng ta biết và chưa biết, thực hiện những chiến lược học tập có hiệu quả và tìm ra những phương pháp khách quan để theo dõi sự tiến bộ của mình.

HAI HỆ THỐNG NHẬN THỨC

Trong cuốn sách Tư duy nhanh và chậm2 (Thinking, fast and slow) của mình, Daniel Kahnemen đã mô tả hai hệ thống tư duy của chúng ta. Hệ thống thứ nhất, theo như cách ông gọi (hay hệ thống phản xạ tự động), có tính trực giác, vô thức và tức thì. Nó hối thúc các giác quan và trí nhớ của chúng ta giải quyết một tình huống chỉ trong nháy mắt. Đó là khi một cầu thủ chạy hậu (running back) triển khai thủ thuật chạy lắt léo để tránh sự truy cản của đối phương trong lúc lao vào vùng cấm địa. Đó là khi người cảnh sát ở Minneapolis tiến gần về phía một tài xế mà anh đã buộc tấp vào lề đường trong một ngày lạnh giá, thực hiện động tác tránh né ngay trước khi anh kịp nhận thức đầy đủ rằng mắt mình đã nhìn thấy một giọt mồ hôi lăn trên thái dương của người lái xe.

Hệ thống thứ hai (hệ thống đặt dưới sự kiểm soát) là quá trình chúng ta phân tích và lý giải một cách có nhận thức. Nó diễn ra chậm hơn và là phần đóng vai trò cân nhắc các lựa chọn, đưa ra các quyết định, và thực thi sự tự chủ trong toàn bộ quá trình tư duy. Chúng ta cũng sử dụng hệ thống này trong khi luyện tập Hệ thống 1 để có thể nhận thức và phản ứng lại với các tình huống cụ thể, những tình huống đòi hỏi hành động có tính phản xạ. Cầu thủ chạy hậu đang sử dụng Hệ thống 2 khi anh di chuyển theo mô hình chiến thuật của mình. Người cảnh sát sử dụng nó khi anh thực hành thao tác tước súng của xạ thủ. Nhà giải phẫu thần kinh sử dụng nó khi ông diễn tập quy trình phục hồi một xoang tĩnh mạch bị đứt.

Hệ thống 1 có tính phản xạ và ảnh hưởng sâu sắc, nhưng nó cũng dễ gây ra ảo tưởng; và bạn phải dựa vào Hệ thống 2 để tự chế ngự chính mình: bằng cách rà soát lại mục đích của mình, lên kế hoạch trước, xác định các phương án lựa chọn, nghiên cứu các mối quan hệ mật thiết giữa chúng và chịu trách nhiệm cho các hành vi của mình. Khi một người đàn ông trong nhà hàng nọ bước qua một bà mẹ đang ẵm một đứa bé và đứa bé thét lên “Ba ơi!” đó là Hệ thống 1. Khi người mẹ ngượng ngùng nói, “Con yêu, đó không phải ba con, đó chỉ là một người gần giống ba con thôi,” cô đang đóng vai trò như một người thay thế cho Hệ thống 2, giúp đứa bé điều chỉnh lại Hệ thống 1 của nó.

Hệ thống 1 có ảnh hưởng mạnh mẽ vì nó được rút ra từ kinh nghiệm tích lũy lâu năm và những cảm xúc sâu sắc, mãnh liệt. Hệ thống 1 cho chúng ta phản xạ sinh tồn trong những thời khắc cận kề nguy hiểm và những kỹ xảo thành thạo một cách đáng ngạc nhiên là kết quả của hàng ngàn giờ luyện tập chuyên tâm trong một lĩnh vực chuyên môn đã chọn. Trong tác động qua lại lẫn nhau của Hệ thống 1 và Hệ thống 2 – cũng là chủ đề chính trong cuốn sách Trong chớp mắt3 (Blink) của Malcolm Gladwell – khả năng đánh giá tình huống tức thời cản trở năng lực nghi ngờ và phân tích một cách thận trọng. Tất nhiên, khi những kết luận của Hệ thống 1 bắt nguồn từ nhận thức sai lệch hay ảo tưởng, chúng sẽ đẩy bạn vào những rắc rối. Học cách nhận biết khi nào nên tin vào trực giác của mình và khi nào thì nghi ngờ nó là một phần quan trọng của quá trình cải thiện năng lực của bạn trong đời sống xã hội nói chung cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào bạn muốn trở nên thành thục. Không chỉ những kẻ ngốc mới là những kẻ thua cuộc. Xét trên những mức độ khác nhau, tất cả chúng ta đều từng trải qua tình huống đó. Ví dụ, các phi công rất dễ mắc phải những nhận định sai lầm về mặt cảm giác. Họ được huấn luyện để đề phòng điều đó và sử dụng những công cụ của mình để xác định bản thân đang thực hiện mọi thứ một cách chuẩn xác.

Một ví dụ kinh hoàng kết thúc trong may mắn là chuyến bay số 006 của hãng hàng không Trung Quốc diễn ra giữa một ngày đông giá năm 1985. Chiếc Boeing 747 đang ở độ cao 12.500m giữa Thái Bình Dương, đã trải qua gần hết thời gian trong hành trình dài mười giờ từ Đài Bắc đến Los Angeles thì động cơ số 4 bị ngắt điện. Máy bay bắt đầu giảm tốc độ. Thay vì chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay và giảm độ cao xuống dưới 9.000m để khởi động lại động cơ theo quy định trong tài liệu hướng dẫn phi hành đoàn, tổ lái vẫn giữ chế độ lái tự động ở độ cao 12.500m và cố khởi động lại động cơ gặp sự cố. Trong khi đó, động cơ phía ngoài ngưng hoạt động khiến các bộ phận bên trong bị chèn ép và gây mất thăng bằng. Chế độ lái tự động cố gắng khắc phục hỏng hóc đó và giữ cho máy bay thăng bằng, nhưng phi cơ bắt đầu nghiêng về bên phải do vận tốc tiếp tục giảm dần. Cơ trưởng nhận thức được máy bay đang giảm tốc, nhưng không đến mức khiến nó nghiêng hẳn về bên phải; phản xạ tiền đình – cách thức ốc tai điều chỉnh sự thăng bằng và định hướng không gian của cơ thể – lẽ ra đã khởi động mạch tư duy theo Hệ thống 1 của ông, nhưng vì quỹ đạo của máy bay, ông cảm giác rằng nó vẫn đang được giữ thăng bằng. Mạch tư duy theo Hệ thống 2 của ông thực ra chỉ lờ mờ giữa không trung và đống máy móc. Quy trình chuẩn xác đòi hỏi ông dùng bánh lái bên trái để nâng cánh phải lên, nhưng Hệ thống 2 lại buộc người cơ trưởng tập trung sự chú ý của mình vào đồng hồ đo tốc độ và cơ phó đang cùng kỹ sư cố gắng khởi động lại động cơ.

Khi máy bay tiếp tục nghiêng hơn nữa, nó bắt đầu rơi xuống từ độ cao 11.300m và lẫn vào những đám mây trên cao đang che mờ vùng chân trời. Cơ trưởng tắt chế độ lái tự động và tập trung tăng tốc, nhưng chiếc máy bay vừa nghiêng quá 45 độ và giờ đang lật úp trong lúc rơi xuống một cách không kiểm soát. Tình huống này khiến phi hành đoàn bối rối. Phi hành đoàn hiểu máy bay đang hoạt động một cách bất thường nhưng họ không ngờ được rằng nó đã lật úp và đang bổ nhào xuống. Thêm vào đó, họ không nhận thức được sự chèn ép từ động cơ 1-3 và kết luận rằng chúng cũng không còn hoạt động. Đồng hồ đo chỉ rõ máy bay đang rơi xuống, nhưng góc rơi quá vô lý đến mức phi hành đoàn đi đến kết luận là đồng hồ bị hỏng. Ở độ cao 3.300m họ đâm xuyên qua những đám mây, kinh hoàng nhận ra máy bay đang rơi thẳng xuống mặt đất. Cơ trưởng và cơ phó cùng kéo mạnh cần điều khiển, tạo ra một lực tác động cực mạnh lên máy bay cùng lúc cố giữ nó thăng bằng. Bộ phận hạ cánh gãy rời ra từ hông máy bay, họ cũng mất một trong số các hệ thống hơi nước, nhưng cả bốn động cơ đều đã vận hành trở lại. Và cơ trưởng lại có thể cất cánh, hướng về San Francisco một cách thành công. Hậu quả nghiêm trọng của những thao tác sai lầm mà họ đã thực hiện chỉ được hé mở trong một cuộc điều tra diễn ra sau đó. Sức căng mạnh gấp năm lần trọng lực đã bẻ cong cánh máy bay ngược lên trên, phá hủy hai thanh giằng của bộ phận hạ cánh, thổi bay hai cửa tiếp đất và phần lớn bộ phận thăng bằng phía đuôi của máy bay.

“Mất phương hướng về mặt không gian” là thuật ngữ hàng không được sử dụng khi hai yếu tố chết người cùng lúc xuất hiện: các phi công bị che mất tầm nhìn và tin tưởng hoàn toàn vào các giác quan của mình, các giác quan này mang lại những nhận thức không hề khớp với thực tế nhưng lại quá thuyết phục đến mức họ kết luận rằng các thiết bị trong khoang lái bị hư hỏng. Theo như Kahneman, Hệ thống 1, hệ thống có tính bản năng và phản xạ có thể phát hiện ra những nguy cơ và bảo vệ chúng ta, vốn rất khó để chế ngự. Tai nạn ban đầu xảy đến với chuyến bay 006 chỉ là một động cơ ngừng hoạt động giữa không trung, nhưng nó nhanh chóng trở thành một tình huống khẩn cấp chỉ vì những thao tác sai lầm của cơ trưởng. Thay vì tuân thủ quy trình đã được chỉ định hay tiến hành phân tích theo Hệ thống 2 bằng cách theo dõi, giám sát toàn bộ các thiết bị, ông lại để mình bị rối trí thêm một lần nữa bởi ý tưởng khởi động lại động cơ và chỉ chú ý đến một thiết bị duy nhất là đồng hồ đo tốc độ bay. Sau đó, khi mọi thứ dần dần vượt khỏi tầm kiểm soát, ông lệ thuộc hoàn toàn vào giác quan của mình thay vì tin tưởng vào các thiết bị, và thực tế là ông đã tự tạo nên một ảo giác về những gì đang xảy đến với máy bay.

Các phi công có thể trở thành nạn nhân của một danh sách dài những ảo tưởng (một số mang những cái tên đầy tính châm chọc như “những thiên hướng lệch lạc”, “lao vào chỗ chết” và “đường vào hố đen”). Và trên rất nhiều trang mạng, bạn cũng có thể thấy ớn lạnh khi lắng nghe những lời nói cuối cùng của các phi công đang vật vã chống trả mà vẫn không thể tìm ra hay khắc phục những hỏng hóc xảy ra giữa không trung. Sự mất định hướng về không gian được cho là nguyên nhân gần như chắc chắn đã gây ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của Mel Carnahan, Thống đốc bang Missouri khi ông đang bay trong một đêm mưa bão vào tháng Mười năm 2000. Đó cũng có thể là nguyên nhân của vụ va chạm đã dẫn đến cái chết của John F. Kenedy Jr., phu nhân cùng cô em gái của phu nhân trên bờ biển Martha’s Vineyard vào một đêm tháng Bảy năm 1999 mờ sương. Sự cố xảy đến với chuyến bay của hãng hàng không Trung Quốc vẫn kết thúc một cách may mắn, song bản báo cáo của Ban An toàn Giao thông Quốc gia về tai nạn này đã cho thấy những thành quả của quá trình đào tạo cũng như tính chuyên môn nghiệp vụ có thể bị khuất phục trước những ảo tưởng của Hệ thống 1 nhanh đến thế nào, và đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần rèn luyện một Hệ thống 2 đầy tính kỷ luật, một tư duy phân tích và lý luận tỉnh táo, những điều luôn giữ chúng ta để mắt tới các thiết bị của máy bay.

NHỮNG ẢO TƯỞNG VÀ KÝ ỨC BỊ BÓP MÉO

Trong một loạt những bài báo viết về ảo tưởng được đăng tải trên Thời báo New York, nhà làm phim Errol Morris đã sử dụng thuật ngữ của nhà tâm lý học xã hội David Dunning về thiên hướng “tư duy được hối thúc” của con người, hay như Dunning đã nói, là thứ mà “chỉ những thiên tài tuyệt đối mới có thể tự thuyết phục chính mình về những kết luận họ cảm thấy phù hợp trong khi phủ nhận sự thuyết phục từ những điều trái ngược.” (Thủ tướng Anh, Benjamin Disraeli đã từng tuyên bố trước một đối thủ chính trị rằng lương tâm của ông không phải người chỉ đạo mà chỉ là người hỗ trợ.) Có rất nhiều cách có thể khiến các nhận định được đưa ra từ Hệ thống 1 và Hệ thống 2 của chúng ta đi lệch hướng: những ảo tưởng từ tri giác như những gì các phi công đã trải qua, sự phân tích sai lệch, sự bóp méo trí nhớ, không ý thức được một vấn đề mới đòi hỏi một giải pháp mới, và rất nhiều những thiên kiến lệch lạc mà chúng ta thường mắc phải. Ở đây, chúng tôi mô tả một số nguy cơ, theo đó đưa ra những biện pháp bạn có thể áp dụng, gần giống như chụp lại những thiết bị trong khoang lái, để giữ cho tư duy của bạn không lệch khỏi hiện thực.

Nỗi bứt rứt trước một hiện tượng mơ hồ hay trừu tượng khơi dậy trong chúng ta ham muốn nhận được sự phân tích về nó. Đó chính là hiểu biết của chúng ta về cách thế giới được định hình. Khi một điều kỳ lạ xảy ra, chúng ta tìm kiếm cách giải thích. Điều thôi thúc xóa tan sự mơ hồ có thể trở nên hữu dụng một cách đáng kinh ngạc, ngay cả khi đó chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được biết họ đang bị kiểm tra về khả năng đọc hiểu và giải các phép đảo chữ. Cùng lúc đó họ cũng bị xao lãng bởi một cuộc nói chuyện điện thoại. Một số người chỉ nghe một phía của cuộc hội thoại, số còn lại cố gắng nghe từ cả hai phía. Những người tham gia không hề biết rằng sự xao lãng này chính là đề tài của cuộc khảo sát. Và họ cố gắng phớt lờ những gì họ đang phải nghe để tập trung vào bài đọc hiểu và giải quyết các phép đảo chữ. Các kết quả cho thấy đối tượng tỏ ra bị xao lãng nhiều hơn khi nghe lỏm từ một phía của cuộc hội thoại có thể nhớ lại nội dung của những mẩu đối thoại rời rạc tốt hơn so với người nghe từ cả hai phía, và những người không chủ ý muốn nghe trộm. Tại sao lại như vậy? Giả thiết cho rằng những người chỉ nghe được một nửa cuộc hội thoại bị thôi thúc mạnh mẽ hơn bởi mong muốn khám phá nửa còn lại và gắng sức giải nghĩa nó theo cách có thể tạo nên một sự diễn giải hoàn chỉnh. Như các tác giả đã chỉ ra, cuộc nghiên cứu có thể giúp lý giải vì sao chúng ta thấy bị quấy rầy khi nghe từ một phía những cuộc nói chuyện qua điện thoại di động tại nơi công cộng, nhưng đồng thời nó cũng khám phá ra rằng chúng ta không thể cưỡng lại ham muốn mô tả những sự kiện xung quanh mình bằng những giải thích hợp lý.

Nỗi bực dọc của chúng ta trước một sự trừu tượng và tối nghĩa cũng có tác động mạnh mẽ tương tự, thậm chí là hơn so với nhu cầu về sự kiến giải hợp lý cho cuộc sống của mình. Chúng ta cố gắng căn chỉnh mọi sự kiện trong cuộc đời mình thống nhất trong một câu chuyện hoàn chỉnh, lý giải những tình huống đã xảy ra với chúng ta cũng như những phương án chúng ta đã lựa chọn. Mỗi người trong chúng ta đều có một câu chuyện khác nhau, mỗi câu chuyện như thế đều được dệt nên bởi hàng ngàn sợi chỉ nối từ những nền văn hóa hay kinh nghiệm chung của cả nhân loại đến những lý giải riêng biệt của mỗi cá nhân về từng sự kiện trong quá khứ. Tất cả những kinh nghiệm đó đều tác động đến cách thức tư duy của chúng ta trong từng hoàn cảnh hiện tại cũng như câu chuyện thể hiện cách nhìn nhận của chúng ta về nó: Tại sao trước tôi chưa từng có ai trong gia đình học đại học? Tại sao cha tôi không bao giờ gặp may trong công việc? Tại sao tôi chưa bao giờ muốn làm việc trong một công ty nào đó, hay cũng có thể là tại sao tôi sẽ không bao giờ tự làm chủ một công việc kinh doanh của chính mình? Chúng ta bị thu hút bởi những bản tường thuật diễn giải chính xác nhất cảm xúc của mình. Theo cách đó, những chi tiết được tái hiện và trí nhớ hòa vào làm một. Những ký ức đã được chúng ta sắp xếp theo một trình tự có ý nghĩa trở nên dễ ghi nhớ hơn. Sự tái hiện này không chỉ cung cấp ý nghĩa mà còn xây dựng một kết cấu tư duy làm nền tảng cho sự kiến giải các kinh nghiệm và thông tin trong tương lai. Nó thực sự định hình các ký ức mới dung nạp để chúng có thể khớp với thế giới chúng ta tự thiết lập nên cũng như tương thích với chính chúng ta. Khi được yêu cầu giải thích về một quyết định được đưa ra một cách miễn cưỡng của nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết, không người đọc nào có thể giữ cho các lý giải của mình về điều chắc hẳn đã xảy ra ở thế giới bên trong trang sách tránh khỏi tầm ảnh hưởng của những kinh nghiệm cá nhân. Tương tự như đối với một tiểu thuyết gia, thành công của một nhà ảo thuật hay một chính trị gia phụ thuộc vào sự lôi cuốn của câu chuyện và mức độ sẵn sàng rũ bỏ những hoài nghi của khán giả. Những cuộc tranh luận ở tầm quốc gia giữa các đảng phái chính trị là nơi thể hiện điều đó rõ ràng nhất. Ở đó, những con người cùng một chí hướng tập hợp lại trên những diễn đàn trực tuyến, trong những hội nghị cộng đồng và cả những phương tiện thông tin đại chúng để tìm kiếm một mục đích chung cũng như truyền bá câu chuyện mà họ cho là diễn tả chính xác nhất những hiểu biết của mình về cách thức vận hành của thế giới và phương thức ứng xử nên có của nhân loại và các chính trị gia.

Bạn có thể nhận thấy lối diễn đạt có phần chủ quan của cá nhân được viện dẫn để giải thích cho những cảm xúc nhanh đến thế nào khi đọc một trang xã luận trực tuyến mà tác giả của nó là một người luôn đứng trên một lập trường nhất định ở hầu hết mọi vấn đề, ví dụ như bài viết của một bình luận viên tự do nào đó ủng hộ cho việc áp dụng phương pháp kiểm tra như một công cụ học tập hiệu quả. Hãy thử lướt qua những bình luận được đăng tải bởi các độc giả: một số có thể ngợi ca nhiệt liệt trong khi số khác lại chẳng hề che giấu nỗi bức xúc của mình, và mỗi người đều dẫn ra một câu chuyện cá nhân để ủng hộ hoặc bác bỏ luận điểm chính trong bài báo. Khi tổng kết lại những cuộc nghiên cứu về ảo tưởng trong nhận thức, năng lực và trí nhớ, các nhà tâm lý học Larry Jacoby, Bob Bjock và Colleen Kelley đã viết rằng, ảnh hưởng của kinh nghiệm chủ quan là gần như không thể tránh khỏi khi đưa ra những nhận định. Con người tin vào trí nhớ chủ quan của chính mình hơn là những bản ghi chép khách quan về các sự kiện trong quá khứ. Và thật đáng ngạc nhiên là chúng ta không hề nhận thức được rằng mỗi cá nhân lại có một cách giải thích duy nhất, không thể tìm thấy ở một cá nhân nào khác cho mỗi tình huống cụ thể. Do vậy, sự tái hiện lại các ký ức trở thành vấn đề trung tâm quyết định cách chúng ta đưa ra các nhận định và hành vi.

Ở đây nảy sinh một nghịch lý trùng hợp rằng tính chất có thể thay đổi của ký ức có thể bóp méo cảm nhận của chúng ta nhưng đồng thời nó cũng rất cần thiết đối với sự phát triển khả năng tiếp thu tri thức. Một điều đến giờ đã không còn xa lạ với bạn, đó là mỗi khi chúng ta nhớ lại một ký ức, chúng ta lại thiết lập một lộ trình tư duy mạnh mẽ hơn đến ký ức đó. Và năng lực củng cố, mở rộng, điều chỉnh trí nhớ này là yếu tố trung tâm trong quá trình chúng ta đào sâu hiểu biết và mở rộng mối liên hệ với những gì đã biết và những gì có thể làm. Trí nhớ có đôi nét tương đồng với thuật tìm kiếm của Google đó là bạn càng tạo ra được nhiều mối tương quan giữa những gì đang học với những gì đã biết, cũng như liên hệ càng nhiều với một ký ức nào đó (ví dụ như một hình ảnh, một địa điểm hay một câu chuyện với bối cảnh rộng hơn), thì bạn càng có nhiều manh mối tư duy mà thông qua chúng bạn có thể tìm kiếm hay tái hiện lại ký ức đó trong tương lai. Năng lực này phát triển sức mạnh tư duy của chúng ta: khả năng hành động và trở thành một cá nhân hữu dụng trong cuộc sống. Đồng thời, nhờ khả năng điều chỉnh tâm trạng, điều hòa những nhu cầu về cảm xúc, ám thị và thuyết minh sự bất đồng mà trí nhớ có thể giúp chúng ta luôn ở trạng thái sẵn sàng tiếp thu cái mới, khi những điều ta vẫn cho là chắc chắn lại có thể là một sai lầm: ngay cả những ký ức được lưu giữ cẩn thận nhất vẫn có khả năng không biểu hiện chính xác sự kiện như nó đã từng xảy ra.

Trí nhớ có thể bị bóp méo theo rất nhiều cách. Con người cắt nghĩa hiện tượng dựa trên những hiểu biết của họ về thế giới, theo một trình tự mới chưa từng được áp dụng để thể hiện bất kỳ một câu chuyện nào trước đó nhằm gia tăng tính hợp lý. Trí nhớ là sự tái thiết. Chúng ta không thể nhớ mọi thứ một cách chính xác tuyệt đối, vì thế chúng ta chỉ lưu lại những yếu tố có tác động sâu sắc nhất về mặt xúc cảm với bản thân và lấp đầy những khoảng trống còn lại bằng những gì chúng ta tự sáng tạo, những chi tiết thống nhất với câu chuyện của chính mình song lại hoàn toàn có khả năng mắc sai lầm.

Những điều mà con người ghi nhớ chỉ được ám thị chứ không hề được biểu hiện một cách cụ thể. Các tác phẩm văn chương có thể cung cấp cho chúng ta rất nhiều ví dụ. Trong một trường hợp, nhiều người đọc đoạn văn miêu tả về một cô gái có tên Helen Keller đang trong tâm trạng bồn chồn và sau đó nhầm tưởng rằng các từ ngữ “điếc, câm và mù” đã xuất hiện trong văn bản. Sự nhầm lẫn này gần như không hề xảy ra với những người đọc đoạn văn có nội dung tương tự về một cô gái có tên Carol Harris.

Sự hư cấu có tính suy diễn ám chỉ xu hướng xuất hiện ở một số người, mà theo đó họ bị yêu cầu tưởng tượng ra một sự kiện sống động, rồi sau đó bị hỏi lại về điều đó, đôi khi họ sẽ bắt đầu tin rằng sự kiện này đã thực sự xảy ra. Nếu bạn yêu cầu mọi người cung cấp một bản tường trình về cuộc đời họ trong quá khứ thì một người trưởng thành từng bị hỏi “Anh đã bao giờ dùng tay làm vỡ cửa sổ chưa?” sẽ dễ tin rằng mình đã từng thực hiện hành vi đó hơn. Dường như câu hỏi được đưa ra đã khơi gợi trí tưởng tượng của họ về sự việc, và sau đó hành vi hư cấu đó phát huy tác dụng trong việc khiến họ có xu hướng nghĩ rằng sự việc này là có thực nhiều hơn (so với một nhóm trả lời chưa từng thực hiện hành vi tưởng tượng trước đó).

Những sự kiện giả định được hư cấu một cách sống động có thể tạo lập một vị trí vững chắc trong trí óc của bạn không thua kém gì ký ức về những sự kiện có thực. Giả dụ, người ta nghi rằng một đứa trẻ đang bị lạm dụng tình dục và phỏng vấn em về điều đó, rất có thể em sẽ tự tưởng tượng ra những trải nghiệm như những gì người phỏng vấn đang mô tả, và sau đó bắt đầu “nhớ lại” chúng như những gì đã thực sự xảy ra. (Tất nhiên, đáng buồn là rất nhiều ký ức của trẻ em từng bị lạm dụng tình dục hoàn toàn chính xác, khi nạn nhân tường thuật lại vụ việc ngay sau khi nó xảy ra.)

Một dạng ảo giác đánh lừa trí nhớ khác được gây ra bởi sự ám thị. Sự ám thị này nảy sinh một cách đơn giản theo cách một câu hỏi được đưa ra. Trong một ví dụ, mọi người cùng xem một đoạn băng về một chiếc xe băng qua vạch dừng tại một điểm giao cắt và đâm vào một chiếc xe khác đang chạy qua. Những người sau đó được yêu cầu ước đoán tốc độ của những chiếc xe khi chúng “tiếp xúc” với nhau cho kết quả trung bình là khoảng 51km/h. Một số khác cũng được yêu cầu nhận định vận tốc phương tiện nhưng là lúc chúng “đâm” vào nhau lại cho kết quả trung bình là 66km/h. Trong trường hợp vận tốc giới hạn là 48km/h, câu hỏi thứ hai được đưa ra, thay vì câu hỏi thứ nhất, có khả năng sẽ khiến người tài xế phải đối mặt với án phạt vi phạm tốc độ. Tất nhiên, hệ thống pháp luật hiểu rõ nguy cơ của việc nhân chứng bị hỏi những “câu hỏi có tính chất mớm cung” (khuyến khích nhân chứng hướng tới một đáp án cụ thể), nhưng rất khó để hạn chế hoàn toàn những câu hỏi như thế, vì sự ám thị hay gợi ý là vô cùng khó nắm bắt. Mà rốt cuộc, trong trường hợp vừa được bàn tới, hai chiếc xe đã thực sự “đâm vào nhau”.

Trong nỗ lực cố gắng hồi tưởng lại tội ác đã xảy ra, một số nhân chứng được hướng dẫn thư giãn đầu óc, nói ra mọi điều vừa nghĩ ra, ngay cả khi đó chỉ là một phỏng đoán. Tuy nhiên, hành vi phỏng đoán về những sự việc có thể đã xảy ra lại khiến họ cung cấp những thông tin sai lệch do chính họ hư cấu ra, những chi tiết mà nếu không được hiệu chỉnh sẽ được tái hiện sau đó như ký ức có thực. Đó là lý do vì sao những người được phỏng vấn sau khi bị thôi miên không được phép làm chứng trước tòa tại hầu hết các bang và thành phố ở Canada. Những cuộc thôi miên thường khuyến khích mọi người giải phóng các suy nghĩ, nói ra mọi điều nảy ra trong đầuóc, với hy vọng rằng các đối tượng sẽ hồi tưởng lại những thông tin chưa hề được sáng tạo theo một cách nào khác. Tuy nhiên, quá trình này lại khiến họ cung cấp nhiều thông tin sai lệch. Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong quá trình sát hạch sau đó, đối tượng được hướng dẫn chỉ nói ra chính xác những gì họ nhớ là đã thực sự xảy ra thì những phỏng đoán nảy sinh trong quá trình thôi miên lại che mờ những ký ức về sự kiện có thực của họ. Cụ thể, họ nhớ tới những sự việc họ sáng tạo ra trong lúc bị thôi miên như thể chúng là những trải nghiệm trong thực tế, ngay cả trong những hoàn cảnh mà mọi người đều biết rằng các sự kiện được đề cập đến không hề xảy ra (như trong phòng thí nghiệm).

Sự đan xen của những sự kiện khác cũng có thể làm sai lệch trí nhớ. Chẳng hạn, một cảnh sát thẩm vấn một nhân chứng ngay sau một vụ án bằng cách đưa ra những tấm ảnh của các nghi phạm. Sau một thời gian, cuối cùng cảnh sát cũng tóm được kẻ tình nghi trong bức ảnh mà nhân chứng đã xác nhận. Nếu lúc này yêu cầu nhân chứng đó xem xét một danh sách, có thể anh ta sẽ lại xác định rằng nghi phạm trong bức ảnh mà anh ta vừa được xem đã thực sự hiện diện trong vụ án. Nhà tâm lý học Donald M. Thomson đã từng rơi vào một tình huống minh họa đặc biệt sống động cho quá trình này. Vào giữa ban ngày, ở Sydney, một phụ nữ đang xem tivi thì nghe thấy một tiếng gõ cửa. Khi ra mở cửa, cô liền bị tấn công, cưỡng bức và bị bỏ lại trong tình trạng bất tỉnh. Khi cô tỉnh lại và gọi cảnh sát, họ đã tới giúp đỡ, yêu cầu cô miêu tả lại kẻ tấn công và mở một cuộc tìm kiếm. Họ nhận thấy Donald Thomson khi ông đang đi trên một con phố ở Sydney và ngoại hình của ông khớp với những mô tả nhận dạng tên tội phạm. Họ bắt giữ ông ngay lập tức. Hóa ra Thomson lại có một chứng cứ ngoại phạm rõ ràng, thời gian ông đang tham dự một cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp trùng khít với thời điểm xảy ra vụ cưỡng bức. Phía cảnh sát không tin ông và chế nhạo ông trong lúc thẩm vấn. Tuy nhiên, câu chuyện của ông là có thật. Người phụ nữ đã xem chương trình đó khi cô nghe thấy tiếng gõ cửa. Bản miêu tả cô cung cấp cho cảnh sát rõ ràng là về người đàn ông cô đã nhìn thấy trên tivi, chính là Donald Thomson, chứ không phải kẻ cưỡng bức. Có thể trạng thái tâm lý bất ổn đã khiến phản ứng theo Hệ thống 1 của cô – một hệ thống tức thì nhưng đôi khi lầm lẫn – mang đến một hình dung sai lệch.

Chúng ta thường có xu hướng đánh giá không chính xác khoảng thời gian người khác cần để tiếp thu một kiến thức mới hay thực hiện một nhiệm vụ mà mình đã thuần thục. Đó là hiện tượng mà các nhà tâm lý học vẫn gọi là tai họa đến từ những thiên lệch nhận thức (curse of knowledge). Các giáo viên thường phải gánh chịu hậu quả của những lầm tưởng này – một chuyên gia về toán học cảm thấy các thuật toán quá dễ dàng đến mức cô quên mất không đặt mình vào địa vị của những sinh viên chỉ vừa mới bắt đầu và còn đang chật vật với những công thức. Một dạng của tai họa từ những thiên lệch nhận thức là dự đoán dựa trên kết quả đã xảy ra (hindsight bias), hay còn được biết đến thường xuyên hơn như hiệu ứng tôi-đã-biết-từ-lâu-rồi (I-knew-it-all-along effect), theo đó chúng ta thấy rằng những sự kiện đã xảy ra có thể được dự đoán với xác suất cao hơn là xác suất thực tế chúng đã xảy ra trong quá khứ. Cho dù chẳng thể dự đoán được sự biến chuyển của thị trường chứng khoán ngay từ buổi sáng thì các chuyên gia vẫn sẽ tự tin lý giải trên những bản tin buổi tối về những biến động của thị trường chứng khoán như thể họ đã từng chứng kiến điều đó xảy ra vào một ngày trước đó vậy.

Những bài tường thuật nghe có vẻ quen thuộc cũng có thể khiến người nghe có cảm giác đã từng biết về nó và dễ dàng nhầm lẫn nó với sự thật. Đó là nguyên nhân tại sao các bài diễn thuyết chính trị hay quảng cáo không hề có thật nhưng việc lặp đi lặp lại chúng có thể lôi kéo sự chú ý của công chúng, đặc biệt là khi chúng có sự cộng hưởng với cảm xúc của họ. Bạn nghe qua một vấn đề gì đó một lần, lần nhắc lại về sau sẽ mang lại cho bạn hơi ấm của sự quen thuộc, khiến bạn nhầm lẫn nó với ký ức, một phần của điều gì đó bạn đã từng biết. Tuy không thể định vị chính xác nhưng bạn vẫn có xu hướng tin vào nó. Trong giới truyền thông, kỹ xảo này được đặt dưới cái tên “luận điệu to tát” (lộng giả thành chân) – ngay cả một lời nói dối rõ ràng là không tưởng cũng có thể được chấp nhận như một sự thật nếu được lặp lại nhiều lần.

Ảo tưởng gây nên bởi sự thuần thục (fluency illusions) xuất hiện khi chúng ta có xu hướng nhầm lẫn sự trôi chảy của mình khi đọc một văn bản với sự nắm bắt thấu đáo nội dung bên trong nó. Ví dụ, khi bạn đọc một bài thuyết trình cực kỳ minh bạch, dễ hiểu về một khái niệm phức tạp, có thể bạn sẽ nghĩ rằng khái niệm này tương đối đơn giản và thậm chí có thể bạn còn biết nó từ lâu rồi. Như chúng ta đã thảo luận ở phần trước, những sinh viên ôn tập bằng cách đọc lại các bài khóa có thể nhầm tưởng rằng mình đã tiếp cận và sở hữu nguồn tri thức ẩn chứa trong đề tài đó và đánh giá quá cao những gì mình sẽ làm được trong bài kiểm tra tiếp sau trong khi kỳ thực họ chỉ thông thuộc mặt chữ nhờ đọc đi đọc lại văn bản.

Những ký ức của chúng ta cũng lệ thuộc vào những tác nhân xã hội (social influence) và có xu hướng tương thích với ký ức của những người xung quanh. Nếu bạn gia nhập một nhóm cùng hồi tưởng lạinhững trải nghiệm trong quá khứ và một ai đó trong nhóm thêm vào một chi tiết không đúng về câu chuyện, khả năng cao là bạn sẽ sáp nhập tình tiết này vào trong ký ức của chính mình rồi nhớ về nó như một phần của trải nghiệm. Quá trình này được gọi là sự thích ứng của trí nhớ (memory conformity) hayảnh hưởng lây truyền của xã hội lên trí nhớ (social contagion of memory): sai lầm của người này có thể “lây lan” sang trí nhớ của người khác. Tất nhiên, những tác động có tính tập thể này không hẳn luôn tiêu cực. Nếu một ai đó nhắc lại những tình tiết trong một ký ức chung mà bạn có phần còn mơ hồ, ký ức của bạn sẽ được cập nhật và tạo nên một bản ghi chính xác hơn về sự kiện đó trong quá khứ.

Mô hình theo dõi ảnh hưởng của những tác nhân xã hội bao hàm một giả định, theo đó con người vẫn cho rằng những cá nhân khác cùng chia sẻ niềm tin chung về một vấn đề nào đó với họ. Hiện tượng này được biết đến với cái tên hiệu ứng đồng thuận giả hay hiệu ứng ước đoán sai (false consensus effect). Nói chung, chúng ta thường không nhận thức được rằng mỗi cá nhân nắm bắt thế giới và cắt nghĩa các hiện tượng theo một góc nhìn độc đáo riêng biệt, không ai giống ai. Thử nhớ lại xem gần đây bạn than phiền với một người bạn về tình hình thời sự và bạn đã ngạc nhiên đến mức nào khi khám phá ra cô ấy có một cách nhìn nhận hoàn toàn khác về mọi vấn đề mà bạn vẫn nghĩ rằng hiển nhiên là đúng: từ vấn đề thay đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí, đến kỹ thuật dùng thủy lực để giải phóng dầu khí tại các giếng khoan – hay có thể là những vấn đề chỉ mang tính địa phương như liệu có nên thông qua việc ban hành trái phiếu để gây quỹ xây dựng trường học hay phản đối việc xây dựng một siêu thị ở vùng lân cận.

Sự tự tin vào trí nhớ của bản thân chưa phải là một dấu hiệu đáng tin cậy để xác thực ký ức đó. Chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào một ký ức sống động đến mức tưởng như mình có thể sao chép đến từng chi tiết của sự kiện và chúng ta vẫn chưa nhận thức được rằng thực ra mình đã sai lầm. Những bi kịch mang tầm cỡ quốc gia, như vụ ám sát Tổng thống John Kennedy hay những sự kiện xoay quanh ngày 11 tháng 9, đã tạo ra điều mà các nhà tâm lý học vẫn gọi là những ký ức đèn nháy (“flashbulb” memories). Cái tên ấy được gắn cho những hình ảnh sống động mà chúng ta còn lưu giữ: khi chúng ta tiếp nhận tin tức đó thì chúng ta đang ở đâu, làm thế nào tin tức đó đến được với chúng ta, chúng ta cảm thấy ra sao và chúng ta đã có hành động gì. Mọi người vẫn nghĩ những ký ức đó là không thể xóa bỏ, chúng đã ăn sâu vào trí óc của chúng ta. Đúng là chúng ta sẽ ghi nhớ một cách sâu sắc những chi tiết cơ bản rõ ràng về những thảm họa như thế, khi chúng được tường thuật kỹ càng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng ký ức của bạn về những tình huống chính cá nhân bạn đã trải qua xoay quanh thời điểm xảy ra sự kiện đó thì chưa hẳn là chính xác. Có vô số công trình nghiên cứu về hiện tượng này, trong số đó có cuộc khảo sát về ký ức của 1.500 người Mỹ về cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9. Trong nghiên cứu này, người ta tiến hành khảo sát ký ức của những người tham gia nhiều lần vào các thời điểm: lần thứ nhất là một tuần sau vụ tấn công, lần thứ hai là một năm sau, lần tiếp nữa là ba năm sau và mười năm sau. Trong số những ký ức cá nhân của những người được khảo sát liên quan tới ngày 11 tháng 9 thì những hồi ức cảm động nhất diễn ra vào thời điểm họ biết tới vụ tấn công cũng là những gì họ tự tin khẳng định nhất, oái oăm thay lại chính là những hồi ức bị thay đổi nhiều nhất trong các cuộc khảo sát sau hơn một năm.

CÁC MÔ HÌNH TƯ DUY

Trên con đường hoàn thiện trình độ điêu luyện của mình trong nhiều lĩnh vực đời sống, chúng ta cần gia tăng số lượng cũng như sự đa dạng của các biện pháp để áp dụng giải quyết cho từng loại vấn đề khác nhau. Nhưng khi đó chúng ta lại có xu hướng đánh đồng chúng. Tương tự như cách chúng ta vẫn sử dụng hình ảnh ẩn dụ trong chương trước, bạn có thể coi các biện pháp này như những ứng dụng của điện thoại thông minh nhưng là trong bộ não của bạn. Chúng tôi gọi chúng là những mô hình tư duy. Công việc của các người cảnh sát với những thao tác được sử dụng hằng ngày khi dừng một phương tiện giao thông trên đường hay những hành động để tước vũ khí của kẻ tấn công ở một cự ly gần có thể minh họa cho điều đó. Mỗi quy trình này đều bao gồm một loạt suy nghĩ và hành động mà người cảnh sát phải đưa ra chỉ với một chút ý thức để đối phó với từng ngữ cảnh và tình huống. Mô hình tư duy của một nhân viên pha chế thường là những bước tiến hành và các nguyên liệu để làm nên một cốc Frappuccino 500ml hoàn hảo. Đối với một nhân viên tiếp tân tại trung tâm cấp cứu, mô hình đó là thứ tự nguy cấp cần được điều trị của các bệnh nhân và thủ tục đăng ký.

Bạn càng biết nhiều về một lĩnh vực thì bạn càng khó trở thành một giáo viên giỏi trong lĩnh vực đó. Đó là phát ngôn của Eric Mazur, một nhà vật lý học và đồng thời cũng là một giảng viên tại Đại học Harvard. Lý do ở đây là gì? Khi bạn thành thạo hơn trong những lĩnh vực phức tạp, các mô hình tư duy của bạn về các lĩnh vực này phát triển theo hướng phức tạp hơn, và những bước cấu thành nên chúng lại phai nhạt dần vào vùng ký ức (tai họa của những thiên lệch về nhận thức). Ví dụ, một nhà vật lý học sáng tạo ra trong đầu mình một thư viện lưu trữ các định luật vật lý để giải các dạng toán khác nhau mà cô gặp phải trong công việc của mình như các định luật về chuyển động của Newton hay các định luật bảo toàn động lượng. Cô sẽ có xu hướng phân loại các bài toán dựa trên những nguyên tắc cơ bản, trong khi một người mới học sẽ phân nhóm chúng theo sự tương đồng hay các đặc tính bề ngoài, ví dụ như các dụng cụ được đề cập trong bài toán (ròng rọc, mặt phẳng nghiêng, v.v…). Một lần, trong khi giảng dạy tại một lớp vật lý đại cương, cô giảng giải về trường hợp một bài toán cụ thể đòi hỏi áp dụng một định luật trong hệ thống định luật của Newton mà quên mất rằng những sinh viên của mình còn chưa thành thục những yếu tố cơ bản mà chính cô cũng đã cần một quá trình dài củng cố và thống nhất thành một mô hình tư duy. Người giảng viên suy đoán rằng các sinh viên của mình sẽ sẵn sàng tuân thủ những nguyên lý phức tạp mà đối với cô chỉ còn là những gì nền tảng nhất. Đó là sự sai sót thuộc phạm trù siêu nhận thức, là đánh giá sai lầm của người giảng viên về sự tương thích giữa khả năng tiếp thu kiến thức của cô và các bạn sinh viên. Mazur cho rằng người hiểu rõ nhất điều khiến một sinh viên phải chật vật để tiêu hóa những khái niệm mới là gì không phải là giáo viên, mà là một sinh viên khác. Vấn đề này đã được minh họa thông qua một thí nghiệm đơn giản, trong đó một người tưởng tượng mình đang chơi một giai điệu quen thuộc trong đầu và trình diễn giai điệu đó bằng cách gõ các đầu ngón tay. Một người khác phải nghe tiếng gõ và đoán xem giai điệu đó là gì. Mỗi giai điệu nằm trong một chuỗi cố định 25 giai điệu, do đó xác suất đoán chính xác cho mỗi lần là 4%. Những người đã biết giai điệu trong đầu ước đoán một cách chắc chắn rằng người nghe sẽ đoán chính xác 50% số lần, nhưng kỳ thực những người nghe chỉ đoán đúng 2,5% số lần, chẳng khác gì xác suất may rủi.

Tương tự như cách các cầu thủ trong đội bóng của huấn luyện viên Dooley hồi tưởng lại những chiến thuật của mình, tất cả chúng ta đều thiết lập nên những kho tàng trong trí óc để lưu trữ vô số những giải pháp hữu dụng mà khi cần, chúng sẽ giúp chúng ta tiến bộ từ trận đấu thứ Bảy này tới trận kế tiếp. Nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể mắc phải sai lầm vì những mô hình này. Đó là khi chúng ta không thể nhận ra một vấn đề mới tưởng chừng như đã quen thuộc hóa ra lại hoàn toàn mới lạ, và giải pháp chúng ta đưa ra để hóa giải nó không hiệu quả, hay còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thất bại trong việc nhận thức khi nào biện pháp của bạn không tương thích với vấn đề đang cần giải quyết là một dạng nội quan (tự quan sát bản thân) khiếm khuyết, điều có thể khiến bạn rơi vào rắc rối.

Một lần, nhà giải phẫu thần kinh Mike Ebersold được gọi đến phòng phẫu thuật để trợ giúp một bác sĩ nội trú. Bác sĩ này đang gặp khó khăn trong lúc tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u não cho một bệnh nhân. Quy trình thông thường để cắt bỏ khối u não đòi hỏi bạn phải dành thời gian thao tác thật cẩn thận quanh khối u, tạo một đường biên sạch bao bọc nó và cứu sống những tế bào thần kinh xung quanh. Nhưng khi khối u nằm trong não, nếu bạn rút máu từ phía sau nó, áp lực lên bộ não có thể khiến bệnh nhân tử vong. Thay vì chậm rãi và cẩn thận, bạn cần làm ngược lại, cắt khối u ra thật nhanh để máu có thể thoát ra, rồi sau đó chữa trị vết chảy máu. “Ban đầu có thể bạn còn e ngại đôi chút khi tiến hành một bước thay đổi lớn,” Mike nói. “Điều đó không có gì là hay ho, nhưng tính mạng của bệnh nhân phụ thuộc vào việc bạn biết khi nào phải thay đổi phương pháp và tiến hành nó thật nhanh.” Có sự giúp đỡ của Mike, ca phẫu thuật đã thành công.

Giống như khi đứa bé gọi một người lạ là ba, chúng ta phải phát triển khả năng đánh giá để nhận thức được rằng khi nào mô hình tư duy của mình không còn hoạt động hiệu quả: đó là khi một tình huống tưởng như quen thuộc nhưng kỳ thực lại khác xa những gì ta đã nghĩ và đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một giải pháp khác và thực hiện một hành vi mới.

NĂNG LỰC HẠN CHẾ VÀ SỰ THIẾU NHẬN THỨC VỀ ĐIỀU ĐÓ

Những cá nhân kém cỏi thường thất bại trong việc hoàn thiện các kỹ năng vì họ không thể phân biệt được khi nào mình đủ khả năng làm một điều gì đó và khi nào không. Hiện tượng này, đặc biệt thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của trường phái siêu nhận thức, và đã được biết đến như hiệu ứng Dunning-Kruger, đặt theo tên các nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger. Nghiên cứu của họ đã cho thấy những người có năng lực hạn chế thường đánh giá quá cao khả năng của mình. Họ thường không nhận thức được sự bất cân xứng giữa thành quả thực hiện và thành quả mong muốn của mình cũng như thấy được sự cần thiết phải nỗ lực cải thiện. (Nhan đề bài viết đầu tiên của họ về chủ đề này là “Năng lực hạn chế và sự thiếu nhận thức về điều đó.”) Dunning và Kruger cũng chỉ ra rằng, những người trình độ kém cỏi có thể được đào tạo để nâng cao năng lực bằng cách học các kỹ năng tự đánh giá quá trình thực hiện của mình một cách chuẩn xác hơn, nói tóm lại là cải thiện khả năng tự nhận thức của mình. Trong một loạt các công trình khảo sát minh chứng cho phát hiện này, các sinh viên được giao làm một bài kiểm tra logic và sau đó tự đánh giá kết quả của mình. Kết quả của thí nghiệm đầu tiên đã xác nhận những dự đoán là chuẩn xác: những sinh viên có kết quả kém nhất là những người ít hiểu biết nhất về năng lực thực hiện của chính mình: những người có điểm số trung bình đạt 12% lại tin rằng khả năng lý luận logic của mình đạt tới 68%.

Trong thí nghiệm thứ hai, sau khi làm bài kiểm tra đầu tiên và đánh giá thành quả của mình, các sinh viên được xem đáp án của nhau và được yêu cầu ước tính số câu hỏi họ đã trả lời đúng. Những sinh viên nằm trong nhóm có kết quả thấp nhất không thể đánh giá kết quả của mình chính xác hơn sau khi được xem đáp án của những bạn học xuất sắc hơn. Sự thực họ còn có xu hướng tiếp tục thổi phồng kết quả tự đánh giá năng lực vốn đã có phần tự mãn của mình.

Thí nghiệm thứ ba tiến hành khảo sát tỉ mỉ xem liệu những cá nhân kém cỏi có thể học hỏi để cải thiện năng lực đánh giá của mình hay không. Những sinh viên này được giao mười bài toán để kiểm tra khả năng suy luận logic. Sau bài kiểm tra họ phải tự đánh giá các kỹ năng suy luận logic và quá trình thực hiện của mình. Một lần nữa, những sinh viên có kết quả bài làm thấp nhất là những người tự tin thái quá về năng lực thể hiện của mình. Tiếp đó, một nửa số sinh viên được rèn luyện cách lập luận trong vòng mười phút (làm thế nào để kiểm tra độ chính xác của một phép suy luận), nửa còn lại được giao một bài tập không liên quan. Sau đó tất cả cùng được yêu cầu đánh giá lại một lần nữa về quá trình làm bài kiểm tra của họ. Lần này những sinh viên có kết quả kiểm tra thấp sau khi được rèn luyện đã đưa ra sự ước tính chuẩn xác hơn hẳn về số lượng câu hỏi họ làm đúng và cách thức thực hiện của họ so với những sinh viên còn lại. Những người nằm trong nhóm kém nhất nhưng không được rèn luyện tiếp tục giữ niềm tin sai lầm rằng mình đã làm tốt bài kiểm tra.

Tại sao những cá nhân yếu kém hơn lại không thể nhận thức được sự hạn chế về trình độ của mình ngay cả khi đã trải qua những kinh nghiệm? Dunning và Kruger đưa ra một số lý thuyết. Một trong số đó cho rằng, trong cuộc sống hằng ngày con người hiếm khi nhận được những phản hồi tiêu cực về năng lực hay kỹ năng của mình từ người khác vì họ không thích đón nhận những tin xấu. Và nếu như có nhận được những nhận xét tiêu cực, họ phải đi đến một nhận thức chính xác vì sao thất bại lại xảy ra. Để đạt tới thành công, mọi thứ đều phải chuẩn xác, nhưng ngược lại bất kỳ một nguyên nhân ngoại cảnh nào cũng có thể gây nên thất bại: cái gì mà đôi tay không thể làm thì đều có thể dễ dàng đổ lỗi cho công cụ. Cuối cùng, Dunning và Kruger đưa ra ý kiến rằng một số người chỉ đơn giản không đủ khôn ngoan để nhìn nhận cách thức thực hiện của người khác và do đó họ ít có khả năng phát hiện đâu là năng lực ngay cả khi nó ở trước mắt, điều khiến cho họ không thể thực hiện những đánh giá có tính đối chiếu về thành quả hành vi của mình.

Những tác động này có thể xảy ra thường xuyên hơn trong một số hoàn cảnh hay đối với một vài kỹ năng. Trong một số lĩnh vực, sự bất tài của một cá nhân có thể bị tiết lộ một cách thẳng thắn đến mức tàn nhẫn. Các tác giả có thể nhớ lại tất cả những ký ức tuổi thơ khi cô giáo của họ chỉ định hai bạn trai được quyền chọn các thành viên khác cho đội bóng mềm của từng người. Những cầu thủ giỏi được chọn đầu tiên, và cuối cùng là những người tệ nhất. Bạn tiếp thu những nhận xét về khả năng chơi bóng mềm của mình từ các bạn học một cách công khai, do đó người được chọn cuối cùng khó có khả năng nghĩ rằng “Tôi thực sự giỏi chơi bóng mềm.” Tuy nhiên, hiếm có lĩnh vực nào trong cuộc sống lại đưa ra những nhận xét rành mạch quả quyết về khả năng của bạn như thế.

Tóm lại, phương tiện giúp chúng ta chèo chống qua thế giới này – hay chính là Hệ thống 1 và 2 mà Daniel Kahneman đã đề cập – phụ thuộc vào các hệ thống tri giác, trực giác, trí nhớ và nhận thức của chúng ta cùng với tất cả sự khuyết tật, lệch lạc, thiếu sót của chúng. Mỗi người trong chúng ta là một sự tổng hợp đáng kinh ngạc của rất nhiều những năng lực tri giác và nhận thức, cùng tồn tại song song với những mầm mống của sự tiêu cực. Trong quá trình học hỏi, cách thức chúng ta lựa chọn phương án thực hiện được chỉ đạo bởi nhận định của chúng ta về tính hiệu quả của chúng và chúng ta dễ dàng bị định hướng sai lầm.

Chúng ta hay có xu hướng sa vào những ảo tưởng và nhận định sai lầm. Điều đó vạch ra cho tất cả chúng ta một điểm dừng, đặc biệt là những người ủng hộ quan điểm “định hướng quá trình học tập theo cách nhìn nhận của học sinh” đang rất thịnh hành trong giới giảng dạy và các bậc phụ huynh. Theo lý thuyết này các học sinh là người hiểu rõ hơn ai hết họ cần chuyên tâm nghiên cứu vào những vấn đề gì để có thể tiến bộ trong một môn học, cũng như tiến độ và phương pháp nào là hiệu quả nhất. Trường công lập Manhattan ở khu East Harlem được thành lập năm 2008 là một ví dụ. Tại đây các học sinh “không bị xếp hạng, sát hạch hay làm bất kỳ điều gì mà các em không thích.” Năm 2004, trường công lập Brooklyn ra đời cùng với một loạt các gia đình ủng hộ phương pháp giáo dục tại nhà. Họ tự gọi mình là “những người không đến trường”, tuân thủ châm ngôn bất kỳ điều gì khơi gợi hứng thú ở người học đều mang lại kết quả học tập tốt nhất.

Mục đích của quan điểm này rất đáng tuyên dương. Chúng ta hiểu rằng các học sinh cần tự giám sát và điều chỉnh quá trình học tập của mình bằng cách áp dụng các phương pháp đã được thảo luận ở trên. Ví dụ, họ cần tiến hành tự kiểm tra, vừa để duy trì các lợi ích trực tiếp từ trí nhớ được tăng cường vừa để xác định xem họ nắm bắt được gì và chưa nhận thức được gì, trên cơ sở đó đánh giá sự tiến bộ một cách chính xác hơn và tập trung hơn vào kiến thức cần được củng cố. Nhưng hiếm có sinh viên nào tự giác thực hành những phương pháp này, và nếu ai có ý định áp dụng chúng một cách hiệu quả thì họ cũng cần nhiều hơn là sự khuyến khích: hóa ra ngay cả khi sinh viên hiểu rằng luyện tập theo hình thức gợi nhớ là một chiến lược tối ưu thì họ vẫn không thể kiên nhẫn duy trì nó đủ lâu để đạt được lợi ích bền vững. Giả dụ, khi sinh viên được tiếp xúc với một khối lượng kiến thức lớn, chẳng hạn như một bộ thẻ ghi từ vựng để học ngoại ngữ, và họ được tự do quyết định khi nào thì rút một tấm thẻ ra khỏi bộ thẻ vì mình đã thuộc nó, hầu hết các sinh viên bỏ một tấm thẻ sau khi họ tập trung vào nó một hoặc hai lần, trong khi như thế là quá sớm so với họ. Có một nghịch lý là những sinh viên áp dụng những phương pháp kém hiệu quả nhất lại chính là những người tự mãn nhất về khả năng tiếp thu của mình, và chính vì sự tự tin thái quá bị đặt nhầm chỗ đó mà họ không có xu hướng thay đổi thói quen của bản thân.

Một cầu thủ bóng đá đang chuẩn bị cho trận đấu vào thứ Bảy kế tiếp không hề phó mặc cho trực giác của mình. Anh thực hành các lối chơi và xáo trộn chúng để phát hiện ra những góc hiểm hóc và hóa giải chúng trên sân tập trước khi bước vào trận đấu lớn. Nếu các trường học cũng áp dụng các quy tắc tương tự cho các sinh viên, thì phương pháp học tập tự định hướng đã có thể thực sự phát huy hiệu quả. Nhưng tất nhiên cầu thủ bóng đá kia không tự định hướng cho mình, anh rèn luyện dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên. Tương tự như vậy, hầu hết các sinh viên sẽ gặt hái được kiến thức tốt hơn nếu có một người hướng dẫn biết được lĩnh vực nào cần được cải thiện cũng như xây dựng mô hình rèn luyện để đạt được mục đích đó.

Lời giải cho sự ảo tưởng và những nhận định sai lầm là thay thế những kinh nghiệm chủ quan vẫn đóng vai trò là nền tảng cho việc ra các quyết định bằng một hệ thống các công cụ khách quan, nhờ đó chúng ta có thể điều chỉnh để những đánh giá của mình thích hợp với thế giới xung quanh. Khi có những nguồn tham chiếu đáng tin cậy, như các thiết bị trong khoang lái và hình thành thói quen kiểm tra chúng, chúng ta có thể đưa ra những quyết định chính xác về phạm vi kiến thức nào mình cần tập trung cố gắng, nhận ra khi nào mình đã mất phương hướng và tìm ra con đường quay trở lại. Trên đây là một vài ví dụ minh họa cho điều đó.

CÁC CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ THÓI QUEN KIỂM ĐỊNH KHẢ NĂNG ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN

Điều mấu chốt là bạn phải thực hành phương pháp kiểm tra và rèn luyện có tính gợi nhớ một cách thường xuyên để thẩm định lại kiến thức bạn thực sự đã nắm bắt được xem chúng có khớp với những gì bạn nghĩ là mình đã hiểu được hay không. Những bài kiểm tra thường xuyên không có tính quyết định được tiến hành trên lớp giúp giáo viên kiểm nghiệm được các sinh viên có thực sự tiếp thu tốt như họ đang tỏ ra hay không cũng như phát hiện ra lĩnh vực nào cần được chú ý thêm. Thực hiện các bài kiểm tra tích lũy, như cách Andy Sobel vẫn làm tại lớp học kinh tế chính trị của ông, là một phương pháp đặc biệt hữu hiệu để củng cố kiến thức và liên kết chặt chẽ các khái niệm từ phạm vi tri thức được giới thiệu trong một lớp học tới một phạm trù tri thức mới mà bạn sẽ bắt gặp sau này. Trong vai trò học viên, bạn có thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào để tự kiểm nghiệm trình độ hiểu biết của mình, từ những tấm thẻ ghi đáp án đến các khái niệm chủ chốt được diễn đạt lại bằng chính ngôn từ của bạn, và cả sự hướng dẫn của các bạn học (sẽ được trình bày dưới đây).

Đừng loại bỏ kiến thức ra khỏi chế độ kiểm tra của mình khi bạn mới chỉ nắm bắt chuẩn xác nó một vài lần. Nếu kiến thức đó quan trọng, nó cần được ôn tập một lần và lặp lại lần nữa. Cũng đừng đặt niềm tin vào những lợi ích nhất thời gặt hái được từ quá trình tập trung ôn luyện dồn dập. Hãy tạo khoảng cách giữa những lần kiểm tra, đa dạng hóa sự luyện tập và bền bỉ duy trì kế hoạch dài hạn.

Sự hướng dẫn của bạn học, mô hình học tập được phát triển bởi Eric Mazur, là sự kết hợp chặt chẽ rất nhiều nguyên tắc đã đề cập tới ở trên. Trước khi được trình bày trên lớp, tài liệu sẽ được giao cho các sinh viên tự đọc. Trên lớp, các bài kiểm tra nhanh sẽ được thiết kế rải rác cùng bài giảng. Các bài kiểm tra này đưa ra các câu hỏi dựa trên các khái niệm và cho phép sinh viên giải đáp chúng trong vòng một hoặc hai phút; sau đó các sinh viên chia thành từng nhóm nhỏ, cố gắng đạt được sự thống nhất về đáp án đúng. Trong thí nghiệm của Mazur, quá trình này thu hút sự chú ý của sinh viên vào những khái niệm cơ bản trong tài liệu giảng dạy; phản ánh những vướng mắc của sinh viên trong việc tiếp thu; và cho họ cơ hội bộc lộ sự hiểu biết của mình, tiếp nhận thông tin phản hồi, đánh giá thành quả học tập của bản thân trên cơ sở đối chiếu với những sinh viên khác. Tương tự như thế, quá trình này đóng vai trò như một công cụ của người giảng dạy để ước lượng trình độ tiếp thu hiện tại của các sinh viên và điều chỉnh mức độ tập trung cần thiết đối với từng lĩnh vực kiến thức. Mazur cố gắng ghép đôi những sinh viên có đáp án ban đầu khác nhau cho cùng một câu hỏi để họ có thể nhận thấy một quan điểm khác và cố gắng thuyết phục đối phương về đáp án đúng.

Bạn có thể xem thêm hai ví dụ về phương pháp này trong phần trình bày về các giảng viên Mary Pat Wenderoth và Michael D. Matthews ở chương 8.

Cẩn trọng với những gợi ý bạn đang sử dụng để đánh giá những gì bạn đã học được. Sự quen thuộc hay trôi chảy một vấn đề không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu đáng tin cậy. Và mức độ dễ dàng khi bạn nhớ lại một sự kiện hay một lối biểu đạt trong một bài kiểm tra được thực hiện ngay sau khi bạn bắt gặp chúng trong một bài giảng hay một tài liệu cũng chẳng nói lên điều gì. (Tuy nhiên sự hồi tưởng dễ dàng sau một khoảng thời gian trì hoãn lại là một dấu hiệu tốt.) Khả năng xây dựng một mô hình tư duy là một dấu hiệu tốt hơn nhiều. Mô hình này tích hợp những kiến thức về các ý tưởng khác nhau xuyên suốt văn bản, liên hệ chúng với những hiểu biết sẵn có và giúp bạn rút ra những kết luận. Khả năng thuyết minh tài liệu một cách khéo léo cũng là dấu hiệu tuyệt vời để đánh giá nhận thức, vì bạn phải khôi phục lại những luận điểm nổi bật từ trong trí nhớ, diễn đạt lại chúng bằng ngôn ngữ của chính mình, và lý giải tầm quan trọng cũng như mối tương quan của chúng với một chủ đề rộng hơn.

Các giáo viên nên cung cấp sự điều chỉnh sửa chữa bằng các thông tin phản hồi và học viên thì nên tìm kiếm các thông tin này. Trong cuộc phỏng vấn của mình với Errol Morris, nhà tâm lý học David Dunning nêu lên một luận điểm rằng, con đường đạt tới sự giác ngộ nội tâm của mỗi cá nhân phải trải qua thế giới quan của những cá nhân khác. “Bởi vậy, điều đó thực sự phụ thuộc vào dạng thông tin phản hồi mà bạn nhận được. Thế giới này có đang chỉ dạy bạn những điều tốt đẹp? Thế giới này có đang ban thưởng cho bạn theo cách mà bạn nghĩ rằng một cá nhân có năng lực xứng đáng được hưởng? Nếu nhìn sang những người khác, bạn thường nhận ra có những cách thức khác để thực hiện công việc, và còn cả những cách tốt hơn nữa. ‘Tôi không giỏi như tôi vẫn tưởng, nhưng có vài điều tôi cần phải tiếp tục cố gắng.’” Thử nghĩ về những đứa trẻ đang xếp hàng chờ được gọi gia nhập vào đội bóng mềm – liệu bạn sẽ được chọn chứ?

Trong nhiều lĩnh vực, sự góp ý, phê bình của bạn học là một công cụ khách quan, cung cấp thông tin phản hồi về kết quả thực hiện của một cá nhân. Hầu hết các nhóm thực hành y khoa đều có các buổi thảo luận về tình trạng bệnh nhân/tỷ lệ tử vong và nếu như một bác sĩ có một bệnh nhân với kết cục xấu, ông sẽ trình bày về nó ở đây. Những bác sĩ khác hoặc sẽ chỉ ra các sai lầm ông mắc phải, hoặc sẽ nói: “Anh đã làm tốt, có điều tình hình lại quá tệ.” Mike Ebersold nhận định rằng những đồng nghiệp trong lĩnh vực của ông nên làm việc theo nhóm. “Nếu xung quanh bạn có những nhà giải phẫu thần kinh khác, đó là một vành đai an toàn. Nếu bạn đang làm điều gì không thể chấp nhận, họ sẽ gọi bạn lại để phê bình về điều đó.”

Trong nhiều tình huống, khả năng đánh giá và học hỏi của bạn được kiểm định trong quá trình làm việc cùng một người đồng hành giàu kinh nghiệm: cơ phó và cơ trưởng, các tân binh và những cảnh sát thâm niên, các bác sĩ thực tập nội trú và những bác sĩ phẫu thuật dày dạn kinh nghiệm. Mô hình học việc đã có thâm niên lâu đời trong lịch sử nhân loại, vì các tân binh (bất kể đó là anh thợ đóng giày hay người cố vấn luật pháp) đều có truyền thống tiếp thu tinh hoa từ những người thầy lão luyện.

Trong những tình huống khác, các đội nhóm được hình thành giữa những cá nhân với những lĩnh vực chuyên môn có thể bổ sung lẫn nhau. Khi các bác sĩ cấy những thiết bị y tế như máy trợ tim hay dụng cụ kích thích thần kinh để điều trị chứng mất kiểm soát hay các triệu chứng của căn bệnh Parkinson, nhà sản xuất phải biệt phái một nhân viên đại diện có mặt ngay tại phòng mổ cùng với bác sĩ phẫu thuật. Người đại diện này đã chứng kiến rất nhiều ca phẫu thuật sử dụng thiết bị này, biết chính xác thiết bị sẽ mang lại lợi ích cho nhóm bệnh nhân nào, nắm rõ các trường hợp chống chỉ định và tác dụng phụ, cũng như thường trực một đường dây nóng để liên lạc với đội ngũ kỹ sư và bác sĩ của công ty. Nhân viên này theo dõi ca phẫu thuật để chắc chắn rằng thiết bị được cấy ghép vào đúng vị trí, các đầu dò được đặt theo đúng độ sâu chuẩn xác, v.v… Mỗi cá nhân tham gia vào quy trình đều có lợi. Người bệnh được bảo hiểm tính mạng trong một ca mổ phù hợp và thành công. Bác sĩ luôn có sản phẩm sẵn sàng và chuyên gia giải quyết các vấn đề rắc rối nảy sinh ngay trong tầm tay. Và nhà sản xuất yên tâm rằng sản phẩm của họ được sử dụng đúng cách.

Mô hình rèn luyện phỏng theo giả định về các loại nhu cầu và những tình huống luôn vận động biến đổi được dự đoán có thể xảy ra trong thực tế. Nhờ đó các học viên cũng như huấn luyện viên có thể đánh giá trình độ thông thạo và định hướng tập trung vào những lĩnh vực kiến thức hay kỹ năng cần được cải thiện. Thử lấy công việc của các cảnh sát làm ví dụ. Họ sử dụng rất nhiều dạng thức mô phỏng khác nhau trong quá trình rèn luyện. Khi thực hành thao tác với súng cầm tay, họ sử dụng các kịch bản dựa trên các đoạn băng, với một màn ảnh rộng được lắp đặt ở một đầu căn phòng, nơi bố trí các đạo cụ để dàn cảnh về một tình huống mà người sĩ quan phải đối mặt. Người này sẽ tiến vào khung cảnh cùng với một khẩu súng đã được trang bị và điều chỉnh để tương tác với đoạn băng.

Trung úy Catherine Johnson làm việc tại Sở Cảnh sát Minneapolis mô tả một số tình huống mô phỏng mà cô đã từng thực hành:

Trong tình huống dừng phương tiện giao thông trên đường, phòng huấn luyện có một màn ảnh ở đầu phòng và các đạo cụ đặt xung quanh phòng – một hòm thư lớn màu xanh, một vòi nước cứu hỏa, một ô cửa – bạn có thể sử dụng chúng để che chắn nhằm đối phó với những diễn biến trên màn ảnh. Tôi nhớ mình đã đi về phía màn ảnh, và đoạn băng mô phỏng động tác tôi tiến gần về phía chiếc xe như thể tôi thực sự đã làm thế, một cách rất chân thực, và bất thình lình một gã đàn ông vọt ra từ trong thùng xe, rút ra một khẩu súng ngắn và bắn tôi.

Từ ngày ấy cho đến bây giờ, mỗi ngày khi tiến lại gần để dừng một chiếc xe trên đường giao thông, tôi đều xô mạnh vào thùng xe để chắc rằng nó không mở. Và lý do khiến tôi làm vậy chính là kịch bản mà tôi đã thao tập trong các buổi huấn luyện.

Một tình huống mô phỏng có sử dụng vũ trang khác là một cuộc triệu tập tại địa phương, mở đầu bằng cảnh tôi đang tiếp cận một khu dân cư và một gã đàn ông đang đứng trước cổng vào. Ngay từ giây phút đầu xuất hiện tôi đã nhìn thấy hắn có một khẩu súng trong tay. Tôi ra lệnh cho hắn bỏ nó xuống và điều đầu tiên hắn làm là quay đầu bỏ chạy. Và lúc ấy tôi nghĩ tôi không thể bắn vào lưng hắn, trong khi chẳng có ai khác ở đó. Tình huống có vẻ nguy hiểm, vậy tôi phải làm gì? Trong lúc tôi mất thời gian cân nhắc xem có bắn gã đàn ông hay không thì hắn đã quay lại và bắn tôi. Vì phản ứng của tôi chậm hơn hành động của hắn. Tấn công luôn đánh bại phản công. Đó là câu thần chú mà chúng ta phải khắc cốt ghi tâm.

Những tình huống mô phỏng có sử dụng vũ trang có thể được thao diễn theo rất nhiều cách, gay cấn cũng có mà yên bình cũng có. Không có nhiều trường hợp mà trong đó câu trả lời là đúng hoặc sai rõ ràng vì ở đó luôn có một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều nhân tố, mà chỉ một vài trong số chúng có thể được tiên liệu khi người sĩ quan tiến vào hiện trường, giả dụ như liệu người đàn ông đứng trên cổng vòm đã từng có tiền án hay chưa. Để kết luận, người sĩ quan thực hiện một cuộc phỏng vấn với người huấn luyện của mình để thu thập ý kiến phản hồi. Bài tập không chỉ là về vấn đề kỹ thuật, mà còn về đường lối tư duy mạch lạc và những phản xạ thích hợp – chú ý những manh mối được thể hiện dưới cả hình thức ngôn ngữ lẫn hình ảnh, những kết cục có thể xảy ra, nhận thức rõ ràng về phương thức thích hợp khi sử dụng vũ khí gây sát thương và tìm cách lý giải cho những hành động bạn đã thực hiện trong những giây phút nguy cấp.

Sự mô phỏng không bao giờ là hoàn hảo. Johnson đã tường thuật lại chi tiết quá trình các sĩ quan được huấn luyện để tước súng của một kẻ tấn công ở cự ly gần, một thao tác họ vẫn thực hành qua đóng thế với các sĩ quan đồng nghiệp. Nó đòi hỏi cả tốc độ và sự thành thạo: tấn công bất ngờ vào cổ tay đối phương bằng một tay để phá thế cầm súng của hắn trong khi cùng lúc tay còn lại giật mạnh khẩu súng khỏi tay hắn. Đó là cử động đã trở thành thói quen của các sĩ quan và được mài giũa thông qua quá trình luyện tập lặp đi lặp lại, tước súng, trả lại, rồi lấy lại lần nữa. Cứ thế cho đến khi một sĩ quan trong số họ, trong một lần được triệu tập đến hiện trường thực tế, đã tước súng của kẻ tấn công rồi trả lại cho hắn ngay lập tức. Trong lúc cả hai phía cùng bàng hoàng, người sĩ quan đã xoay xở chiếm lại khẩu súng và giữ được nó. Chế độ luyện tập trên đã vi phạm quy tắc trọng yếu rằng bạn nên luyện tập như thể bạn đang thực hiện, vì bạn sẽ thực hiện như lúc bạn luyện tập.

Đôi khi thông tin phản hồi có tác động mạnh mẽ nhất tới quá trình kiểm định nhận thức của bạn vềnhững điều bạn biết và không biết lại chính là những sai lầm bạn mắc phải trong thực tế, đấy là nếu bạn có thể sống sót vượt qua chúng và rút ra được bài học cho mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.